Bán nguyệt san – Số 323 – Chúa nhật 25. 03. 2018


Hành hương ad limina và Hành hương về cõi Vĩnh hằng - Tưởng nhớ Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc



tải về 1.41 Mb.
trang3/5
Chuyển đổi dữ liệu08.05.2018
Kích1.41 Mb.
#37757
1   2   3   4   5

Hành hương ad limina và Hành hương về cõi Vĩnh hằng - Tưởng nhớ Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc


  

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm



Tổng thư ký HĐGMVN

Hành hương ad limina

Từ ngày 1 đến 11 tháng 3 năm 2018, Hội đồng giám mục Việt Nam đi Rôma để viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô, và yết kiến Đức Giáo hoàng Phanxicô. Quen gọi là đi ad limina, tên gọi tắt của cụm từ La tinh Visitatio ad limina apostolorum.Dù sức khỏe không tốt lắm, Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc vẫn có mặt từ đầu và tham dự mọi sinh hoạt của Hội đồng giám mục.

Thứ Bảy 3/3, đoàn giám mục đến viếng mộ Thánh Phêrô và dâng Thánh Lễ tại Nhà nguyện kính ngai tòa Thánh Phêrô, sau đó đến Trường Thánh Phaolô (Collegio San Paolo) gặp gỡ đông đảo các linh mục, tu sĩ Việt Nam đang tu học tại Rôma.

Chúa nhật 4/3, tất cả các giám mục đến thăm và dâng lễ tại Nhà thờ Thánh Tôma, Nhà thờ hiệu tòa của Đức Hồng y Phêrô, Tổng giám mục Hà Nội.

Thứ Hai 5/3, Hội đồng giám mục Việt Nam được Đức Giáo hoàng Phanxicô dành cho một cuộc gặp gỡ và trò chuyện cởi mở, thân tình về tất cả những điều các giám mục quan tâm. Đồng thời, Đức Thánh Cha cũng nêu câu hỏi để biết rõ hơn về tình hình Hội Thánh tại Việt Nam, nhất là việc đào tạo chủng sinh và linh mục, trong chủng viện cũng như sau khi chịu chức. Trong buổi gặp gỡ đó, Đức Tổng Phaolô đã nêu câu hỏi về tình trạng sức khỏe của Đức Bênêđictô XVI, và Đức Giáo hoàng Phanxicô cho biết Đức Bênêđictô XVI còn rất minh mẫn, chỉ gặp khó khăn trong việc đi lại vì chân đã yếu.

Thứ Ba 6/3 là một ngày vất vả. Trước khi đến dâng lễ tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, các giám mục đã đến viếng mộ Đức Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại Nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang (Scala). Hôm đó trời lạnh và mưa, lại phải đi bộ từ đường lớn vào Nhà thờ ở trong hẻm, nên thật vất vả đối với các vị cao niên, cách riêng là Đức Tổng Phaolô. Dù mệt, ngài vẫn cố gắng bước từng bước đến Nhà thờ, âm thầm cầu nguyện trước mộ Đức Cố Hồng y Phanxicô.

Rời Nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang, các giám mục đến viếng mộ Thánh Phaolô và dâng lễ tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành. Chính Đức Tổng Phaolô chủ sự Thánh Lễ trọng thể này và sau Thánh Lễ, ngài còn chụp hình chung với các giám mục và cộng đoàn tham dự Thánh Lễ. Nhìn ngài có vẻ mệt mỏi với những bước đi nặng nhọc nhưng ngài vẫn cố gắng chủ sự Thánh Lễ từ đầu đến cuối.

Sau Thánh Lễ, trong khi dùng bữa trưa tại một địa điểm gần đó, Đức cha Luy Tuấn chạy vào nói nhỏ với tôi, “Đức Tổng Phaolô phải nhập viện rồi”. Suốt buổi chiều hôm đó, ai cũng lo lắng về tình hình sức khỏe của Đức Tổng Phaolô vì nghe nói ngài bị hôn mê. Gần 12 giờ đêm, hai Đức cha phụ tá của Tổng giáo phận Sài Gòn gõ cửa phòng và báo cho tôi biết Đức Tổng đã về với Chúa.


Hành hương về cõi Vĩnh hằng

Nhìn từ bên ngoài, cái chết của Đức Tổng Phaolô có vẻ cô đơn, lạnh lẽo. Ngài qua đời khi đang ở nước ngoài, xa quê hương, xa giáo phận, xa gia đình. Ngài qua đời, hoàn toàn vắng bóng người thân, thi thể được quàn trong bệnh viện, chờ ngày được vận chuyển về quê nhà theo đường hàng không! Rất cô đơn. Và lạnh lẽo, giữa mùa Đông băng giá.

Thế nhưng, trong tầm nhìn đức tin, sự ra đi của ngài mang ý nghĩa rất đặc biệt. Ngài ra đi sau khi chủ sự Thánh Lễ trọng thể, với sự hiện diện của tất cả Hội đồng giám mục, đại diện 26 giáo phận trên toàn cõi Việt Nam. Ngài lại chủ sự Thánh Lễ đó tại Đền thờ Thánh Phaolô, Thánh Bổn mạng của ngài. Và sau khi ban phép lành kết thúc Thánh lễ, chúc cộng đoàn ra đi bình an, chính ngài đã ra đi bình an về với Chúa. Bỗng nhớ lại lời một bài hát về linh mục: “Con muốn chết ở chân bàn thờ…”. Còn kết thúc nào đẹp hơn cho cuộc đời một người dâng mình cho Chúa?

Chưa từng có giám mục Việt Nam nào qua đời khi đang đi ad limina. Chưa từng có giám mục nào đang coi sóc giáo phận ở Việt Nam mà lại chết ở Rôma, thủ đô của Hội Thánh Công giáo, nơi chôn táng hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và biết bao vị thánh khác. Hiếm có giám mục Việt Nam nào vừa qua đời đã được đích thân Đức Giáo Hoàng loan báo và dâng lễ cầu nguyện cho. Cũng hiếm có giám mục Việt Nam nào được Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh chủ sự Thánh Lễ đưa chân. Rất nhiều điều đặc biệt đã diễn ra trong cái chết của Đức Tổng Phaolô!

Điều đặc biệt nhất là với Đức Tổng Phaolô, hành hương ad limina đã trở thành cuộc hành hương về vĩnh cửu và thể hiện ý nghĩa trọn vẹn của hành hương. Hành hương ad limina là trở về với cội nguồn đức tin, qua lời tuyên xưng của Thánh Phêrô vào Chúa Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Hành hương ad limina là trở về với cội nguồn sứ vụ tông đồ, sứ vụ được Chúa Giêsu trao cho Phêrô: “Anh là Phêrô, nghĩa là Đá, trên Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18); và “Hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,32). Cội nguồn đức tin và sứ vụ đó là Chúa Giêsu, và xa hơn nữa, là chính Chúa Cha, Đấng đã sai Chúa Giêsu đến trong thế gian, để “những ai tin vào Con của Ngài thì không phải chết nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Và như thế, với Đức Tổng Phaolô, hành hươngad limina 2018 không chỉ là đến viếng mộ hai Thánh Tông Đồ và gặp gỡ Đức Giáo Hoàng, nhưng là gặp gỡ chính Thiên Chúa Tình Yêu. Ở đó, Thiên Chúa Ba Ngôi không còn là một đề tài thần học mà Đức Tổng Phaolô say mê nghiên cứu và giảng dạy suốt nhiều năm, nhưng đã thành thực tại sống động, bao la như đại dương, dịu dàng như lòng mẹ, êm ái như sóng vỗ.

Và cũng chính ở đó, châm ngôn đời giám mục của Đức Tổng Phaolô nên trọn vẹn: Ad Deum laetitiae meae – Chúa là nguồn vui của con.   



 

Gm Phêrô Nguyễn Văn Khảm
VỀ MỤC LỤC


 THÁNH GIUSE SỐNG ƠN GỌI BẢO VỆ CHÚA GIÊSU VÀ ĐỨC MẸ


 

1. Hơn lúc nào hết, những ngày tháng đầu năm Mậu Tuất này, tôi nghe Chúa gọi tên và thúc giục tôi: “Con hãy bảo vệ Mẹ Maria và Chúa Giêsu trong con và trong cộng đoàn của con. Bởi vì Hai Đấng đang bị bắt bớ và xua đuổi bởi nhiều quyền lực trong đạo ngoài đời. Xưa đã là thế, nay cũng như vậy”.

Tôi xin Chúa soi sáng cho tôi, để biết phải bảo vệ Hai Đấng thế nào.

Chúa trả lời tôi là hãy theo gương Thánh Giuse. Vắn tắt ở mấy điểm quan trọng sau đây:

2. Trước hết, hãy sống mật thiết với Hai Đấng, lắng nghe Hai Đấng.

Quả thật, Thánh Giuse đã thực hiện điều quan trọng đó. Nhờ vậy, ngài không nghĩ mình phải trở thành một quyền lực nào, hay sẽ phải tất bật làm việc này, lo việc kia, nhưng Ngài hiểu ý Hai Đấng là:

       Hãy ở lại trong tình yêu của Chúa (Ga 15, 9).

       Hãy gắn bó mật thiết với Chúa (Ga 15, 6).



3. Được ở lại trong Chúa và sống gắn bó với Chúa, Thánh Giuse đã thờ phượng Chúa theo như ý Chúa, đó là:

4. Sống tinh thần Tám mối phúc chính là cách bảo vệ Chúa và Đức Mẹ. Làm ngược lại là xua đuổi và bắt bớ Chúa (x Mt 5, 1-12).

5. Sống khiêm tốn, tránh phô trương khi cầu nguyện, ăn chay, bố thí, chính là cách bảo vệ Chúa và Đức Mẹ. Làm ngược lại là xua đuổi và bắt bớ Chúa (x Mt 6, 1-17).

6. Quan tâm phục vụ người nghèo khổ, chính là bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Làm ngược lại là xua đuổi và bắt bớ Chúa (x Mt 25, 34- 46).

7. Thánh Giuse đã bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ trong nội bộ cộng đòan tôn giáo của mình. Bởi vì ngài biết trong nội bộ có những lớp người tự nhận là đạo đức sẽ ra tay bắt bớ và xua đuổi Chúa Giêsu và Đức Mẹ.

8. Thánh Giuse đã bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ một cách khôn ngoan, nghĩa là không lên tiếng khích bác và chống đối ai, nhưng chỉ lặng lẽ sống những giá trị Phúc Âm một cách tích cực.

9. Thánh Giuse đã bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ một cách tế nhị. Nghĩa là ngài luôn lui vào địa vị kẻ phục vụ, vui lòng nhận vào mình những việc nặng nề vất vả nhọc nhằn, để che chở cho Chúa Giêsu và Đức Mẹ.

10. Bố tôi hay nhắc cho tôi biết một lời trối của ông nội tôi. Trước khi tắt thở, ông nội chúng tôi gọi các con lại bên giường mà nói: Thánh Giuse rất có lòng thương những kẻ nghèo khổ, nếu các con gặp cơn khốn khó, hiểm nghèo, các con hãy chạy lại Thánh Giuse, xin ngài thương cứu giúp.

Riêng tôi đã có rất nhiều lần được Thánh Giuse cứu giúp, cho dù cơn khốn khó hiểm nghèo của tôi coi như rất nhỏ. Đúng là ngài đã bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ, khi ngài quảng đại cứu giúp tôi là kẻ yếu đuối hèn mọn.



11. Ngay lúc này, khi tôi đang viết những dòng chia sẻ đây, tôi rất mệt, rất đau do già yếu bệnh tật, nhưng Thánh Giuse đang cứu giúp tôi. Ngài cho tôi nhìn thấy bao ơn lành Chúa ban cho tôi chỉ trong giờ phút này, thật là cao quí khôn tả. Những ơn lành đó là rất riêng tư. Cảm nhận được sự thực đó, tôi càng thêm vững tin vào tình yêu thương xót Chúa.

12. Dựa vào kinh nghiệm đó, Thánh Giuse dạy tôi hãy tín thác mình cho lòng Chúa xót thương một cách đơn sơ mà triệt đểHãy theo gương ngài, mà luôn sẵn sàng vâng phục thánh ý ChúaVâng ý Chúa mới là môn đệ Chúa (x Mt 7, 21-23).

Lịch sử có những chuyển biến bất ngờ, Thánh Giuse đã lắng nghe được ý Chúa, để có những chọn lựa thích hợp. Tôi cũng phải như vậy, khi lịch sử chuyển biến khác không như tôi muốn.



13. Chọn lựa của Thánh Giuse những lúc đó là tăng thêm khiêm nhường, tăng thêm tình thương, ngài coi đó là thánh ý Chúa. Tôi cũng sẽ như vậy.

Thêm khiêm nhường, thêm tình thương, là những điều không dễ. Phải nhờ ơn Chúa, phải nhờ vào cộng đoàn những người thiện chí.



14. Điều quan trọng là phải để ý nhiều đến đời sống nội tâm, chứ nếu chỉ thích lễ nghi bề ngoài cho qua, thì sẽ tệ hại cho chính mình và cho đạo Chúa.

Đời sống nội tâm nơi Thánh Giuse là rất khiêm tốn. Ngài không cho mình là kẻ đạo đức hơn người khác, nhưng luôn biết mình yếu đuối, không ngừng và trong mọi sự đều nhờ ơn Chúa, để cùng với ơn Chúa mà dấn thân phục vụ, chia sẻ, hiệp thông.

Đời sống nội tâm của tôi cũng phải như thế.

15. Để được như vậy, tôi phải noi gương Thánh Giuse mà tỉnh thức và cầu nguyện thường xuyên.

Tôi hiểu tỉnh thức và cầu nguyện là rất cần cho tôi, để tôi có hy vọng và niềm vui khi gặp những khó khăn trắc trở không sao tránh được.



16. Niềm vui và hy vọng, mà Chúa ban cho tôi, như đã ban cho Thánh Giuse xưa, chính là Chúa. Để đón Chúa, tôi phải tỉnh thức, phải cầu nguyện thật nhiều.

17. Có tỉnh thức và cầu nguyện, tôi mới có thể đón được Chúa vào lòng, nhất là Chúa là Đấng đã nói rõ: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình, mà theo Ta” (Mt 15, 24).

Lạy Chúa, xin thương giúp con được noi gương Thánh Giuse mà bảo vệ Chúa và Đức Mẹ tại Việt Nam hôm nay.



Long Xuyên, ngày 28.2.2018

+ Gm. Gioan B BÙI TUẦN
VỀ MỤC LỤC

 TẠI SAO NGƯỜI CÔNG GIÁO PHẢI ĂN CHAY?


 Chúng tôi đã trải qua một cuối tuần ướt át lê thê ở giữa rừng. Và bây giờ, buổi sáng Chúa nhật, người lớn báo cho biết bữa sáng sẽ được hoãn lại để những người Công giáo có thể giữ chay rước Lễ. Cậu ấy là một trong các trại viên với nét mặt không được vui lắm.

 

Thắc mắc của cậu ta hiện lên trong trí khi Mùa Chay lại bắt đầu, vì ăn chay là việc thực hành đặc trưng nhất của mùa này. Trong hai ngày Mùa Chay, Thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, người Công giáo hạn chế việc ăn uống để không ăn no và kiêng thịt. Vào tất cả các ngày Thứ Sáu trong Mùa Chay họ kiêng thịt.



 

Tại sao người Công giáo ăn chay? Các lý do có nền tảng chắc chắn trong Kinh Thánh không?

 

Khi ăn chay, ta noi theo tấm gương thánh thiện. Môsê và Êlia đã ăn chay bốn mươi ngày trước khi đến trước nhan Thánh Chúa (Xh 34:28, 1 V 19: 8). Bà tiên tri Anna đã ăn chay để dọn mình đón Đấng Mêsi đến (Lc 2:37). Tất cả họ đều muốn nhìn thấy Thiên Chúa và xem việc ăn chay là một điều kiện tiên quyết cơ bản. Chúng ta cũng muốn Chúa hiện diện, vì vậy chúng ta ăn chay.



 

Chúa Giêsu đã ăn chay (Mt 4: 2). Vì Ngài không cần phải thanh tịnh, nên chắc chắn Ngài đã làm điều này cốt để làm gương cho chúng ta. Thật vậy, Ngài cho rằng tất cả các Kitô hữu sẽ theo gương mình. Ngài nói: "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay." (Mt 6:16). Lưu ý Ngài đã không nói “NẾU anh em ăn chay", nhưng "khi ".

 

Và KHI bây giờ, vào Mùa Chay, Giáo Hội mở rộng ý tưởng của việc ăn chay, ngoài việc nhỏ bỏ qua các bữa ăn đến một chương trình vươn xa hơn là tự bỏ chính mình. Chúa Giêsu nói:  "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. " (Lc 9:23). Vì vậy, ta "bỏ" điều gì đó mà ta thường ưa thích: kẹo, nước ngọt, một chương trình truyền hình yêu thích hoặc ngủ nướng thêm.



 

Ăn chay có lợi cho sức khỏe, nhưng không giống như ăn kiêng. Ăn chay là điều gì đó thiêng liêng và tích cực hơn nhiều. Ăn chay là một bữa tiệc thiêng liêng. Chay tịnh cần cho linh hồn giống như thể xác cần có của ăn.

 

Kinh Thánh giải thích rõ ràng những lợi ích tinh thần cụ thể của việc ăn chay. Chay tịnh mang lại sự khiêm nhường (Tv 69:10). Chay tịnh tỏ lộ sự đau buồn vì tội lỗi của ta (1 Sm 7: 6). Chay tịnh dọn đường đến với Chúa (Đn 9: 3). Chay tịnh là phương thế để nhận biết ý Chúa (Er 8:21) và là một phương pháp cầu nguyện rất hữu hiệu (08:23). Đó là dấu chỉ sự hoán cải đích thực (Ge 2:12).



 

Ăn chay giúp ta dứt bỏ những gì thuộc trần gian này. Chúng ta ăn chay không phải vì những thứ trần tục xấu xa, nhưng chính vì chúng tốt đẹp. Chúng là quà tặng của Thiên Chúa ban cho chúng ta. Nhưng chúng tốt đẹp đến độ đôi khi ta thích những món quà này hơn cả Đấng đã ban cho. Ta hóa ra đam mê lạc thú hơn là từ bỏ chính mình. Ta thường hay ăn uống đến độ quên cả Chúa. Những đam mê như vậy thực ra là một hình thức sung bái ngẫu tượng. Điều mà Thánh Phaolô có ý khi ngài nói, "Chúa họ thờ là cái bụng … những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian. " (Pl 3:19).

 

Làm sao chúng ta có thể hưởng những ân ban của Thiên Chúa mà không quên Đấng ban cho? Ăn chay là cách bắt đầu thích hợp. Thân xác muốn nhiều hơn nó cần, vì vậy chúng ta nên cho nó ít hơn nó muốn.



 

Thánh Gioan Thánh Giá nói rằng chúng ta không thể nâng tâm hồn lên với Chúa, nếu ta bị ràng buộc vào những thứ thuộc trần gian này. Vì vậy, chúng ta bỏ những thứ thoải mái, dễ chịu và dần dần chúng ta không còn bị phụ thuộc nhiều vào chúng, không còn thấy quá cần thiết nữa.

 

Tất cả điều này là một phần chuẩn bị của chúng ta cho Nước Trời. Vì dù sao ta cũng phải đi đến chỗ mất những thứ tốt đẹp ở trần gian. Thời gian, tuổi tác, bệnh tật và "các chỉ định của bác sĩ" có thể không cho thưởng thức mùi vị của kẹo sôcôla, ly bia lạnh và thậm chí cả những vòng tay thân mật từ người thân yêu của mình nữa. Nếu ta không kiêng bớt các ước muốn của mình thì những mất mát này sẽ để cho ta những cay đắng và xa cách Thiên Chúa. Nhưng nếu chúng ta theo Chúa Giêsu từ bỏ chính mình, chúng ta sẽ tìm được sự yên ủi thường xuyên hơn trong sự tốt lành tối hậu – là chính Thiên Chúa.



 

Làm sao mà một số người vẫn có thể thanh thản và tươi vui trong bối cảnh hết sức đau khổ và cả khi phải đối mặt với cái chết sắp xảy ra? Điều ấy không phải chỉ là vấn đề của tính tình. Họ đã chuẩn bị bản thân cho lúc phải bỏ những thứ của trần gian này, mỗi lần một chút. Họ đã quen dần với sự hy sinh nhỏ bé để rồi sự hy sinh lớn không còn quá sức nữa.

 

Không ai nói ăn chay là dễ. Thực vậy, Cha Thomas Acklin dòng Biển Đức, tác giả quyển The Passion of the Lamb: God’s Love Poured Out in Jesus, nói: “Ăn chay dường như là rất khó, và có vẻ như nếu không ăn tôi sẽ thành suy nhược, sẽ không làm việc được nữa, hoặc không thể cầu nguyện hay làm bất cứ điều gì khác.”



 

Ngài nói thêm: "Tuy nhiên, có khoảnh khắc tuyệt diệu, khi sau một ít giờ trôi qua, dạ dày của tôi không còn cồn cào và thậm chí tôi quên đi những gì mình đã bỏ qua, khi ấy có cảm giác nhẹ nhàng, tự do, sáng tỏ, thái độ và cảm nhận minh mẫn, một sự gần gũi với Chúa không thể so sánh được. "

 

Mùa Chay là một dịp đặc biệt, nhưng Chúa muốn bốn mươi ngày ấy có một ảnh hưởng lâu dài trong cuộc sống chúng ta. Vì vậy, trong một nghĩa nào đó, ăn chay cần được giữ mãi. Cha Rene Schatteman, một tuyên úy của Opus Dei ở Pittsburgh, nói rằng ngài đã tiếp thu được bài học này trực tiếp từ một vị thánh. "Tôi đã học được từ Thánh Josemaria Escriva, người mà đích thân tôi có vinh dự được biết, một người đã thực hiện các hy sinh nhỏ bé ở mỗi bữa ăn, luôn luôn như vậy, không chỉ trong Mùa Chay."



 

Cha Schatteman nhấn mạnh tầm quan trọng của những điều nhỏ nhặt, và ảnh hưởng lớn mà chúng có thể mang lại: "Tất cả chúng ta nên cảm thấy cần phải giúp Chúa Kitô cứu chuộc thế giới bằng việc thực hành từ bỏ chính mình mỗi ngày, việc ăn uống bình thường ... để bỏ đi một chút, hoặc một chút ít thứ chúng ta thích nhất, tránh ăn giữa các bữa, bỏ qua bữa ăn nhẹ hoặc món tráng miệng, vân vân … mà không làm cho nó lớn chuyện. "

 

Một doanh nhân ở Pittsburgh (yêu cầu giấu tên) nói với tôi về việc thực hành ăn chay của ông vào các ngày thứ Sáu trong thời gian dài, "nhịn ăn 12 - 15 giờ, chỉ uống nước." Ông nói, tuy nhiên, điều này có thể khó thực hiện, không phải vì đói, nhưng vì nó có thể gây trở ngại cho cuộc sống gia đình. "Thật khó để ngồi vào bàn ăn ở gia đình mà không ăn. Chuyện cưỡng lại sự cám dỗ của món ăn không thành vấn đề lắm. Tôi luôn cảm thấy như mình đang bị mất đi những giây phút gần gũi thân tình. Việc ăn chay của tôi thực sự làm mình cảm thấy ích kỷ, như tôi đang lấy đi cái gì đó khỏi thời gian gia đình mình giữa những bữa ăn gần gũi với nhau.”



 

Từ khi ấy ông đã sửa đổi việc ăn chay của mình, "không thực hiện vào bữa tối của gia đình."

 

Tại sao người Công giáo ăn chay? Doanh nhân giấu tên ấy diễn tả điều này thật hay: "Nó là phương thuốc cho vấn đề lớn nhất của tôi là ích kỷ và thiếu tự chủ. Để buộc bản thân mình kiềm chế thèm ăn, chứ không phải để thỏa mãn mong muốn của mình ngay cả chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, đấy là cách giữ chay tốt lành. Để dâng một chút hy sinh cho Chúa, cho gia đình mình, cho những người đang đói mà không có sự lựa chọn nào cho riêng họ, điều này tôi nghĩ cũng có ích. "



 

Ba dấu chỉ đặc trưng của Mùa Chay: Cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái.

 

Jos. Lê Công Thượng (chuyển ngữ từ catholiceducation.org)

VỀ MỤC LỤC


BÀI GIÁO LÝ THỨ 9 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VỀ THÁNH LỄ: PHỤNG VỤ LỜI CHÚA II - TIN MỪNG VÀ BÀI GIẢNG

Lời Chúa kết thúc cuộc hành trình của nó bằng cách trở thành nhục thể trong chúng ta, tự biến đổi thành các việc làm”.



Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ chín của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ, được ban hành ngày 7 tháng 2, 2018 tại Đại Sảnh Phaolô VI.  Hôm nay ĐTC giải thích về Tin Mừng và bài giảng trong Phụng Vụ Lời Chúa: “Tin Mừng là ánh sáng để hiểu ý nghĩa của bản văn Thánh Kinh đi trước nó, cả Cựu và Tân Ước… Lời Chúa đến từ tai, sang trái tim, và đi đến đôi tay, để làm việc lành. Và bài giảng cũng theo Lời của Chúa và cũng đi theo con đường ấy để giúp chúng ta ngõ hầu Lời của Chúa đi qua trái tim mà đến đôi tay”.
 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Lễ. Chúng ta đã đến các Bài Đọc. Cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Ngài, được phát triển trong Phụng vụ Lời Chúa của Thánh Lễ, đạt đến tột đỉnh trong việc công bố Tin Mừng. Việc này được đi trước bằng việc hát Alleluia - hoặc, trong Mùa Chay, một lời tung hô khác - mà với nó “cộng đồng tín hữu đón mừng và chào đón Chúa, Đấng sắp sửa nói trong Tin Mừng” (Quy Chế Tổng Quát về Sách Lễ Rôma, 62). Như các mầu nhiệm của Đức Kitô chiếu sáng toàn thể mạc khải Thánh Kinh, thì trong Phụng Vụ Lời Chúa cũng thế, Tin Mừng là ánh sáng để hiểu ý nghĩa của bản văn Thánh Kinh đi trước nó, cả Cựu và Tân Ước. Thực ra, “Đức Kitô là trung tâm và sự viên mãn của toàn bộ Thánh Kinh, cũng như của toàn thể cuôc cử hành phụng vụ” (Dẫn Nhập vào Sách Bài Đọc, 5). Chúa Giêsu Kitô luôn luôn ở giữa, luôn luôn.

Do đó, chính phụng vụ phân biệt Tin Mừng với các bài đọc khác và bao quanh nó bằng một vinh dự và sự tôn kính đặc biệt. (X. Quy Chế Tổng Quát về Sách Lễ Rôma, 60 và 134). Thật vậy, việc đọc Tin Mừng chỉ dành riêng cho thừa tác viên có chức thánh, được kết thúc bằng việc vị ấy hôn sách thánh; người ta đứng lên lắng nghe và làm dấu thánh giá trên trán, trên miệng và trên ngực; những cây nến và việc xông hương tôn vinh Đức Kitô, là Đấng làm cho lời hữu hiệu của Người được vang lên qua việc đọc Tin Mừng. Từ những dấu này, cộng đồng nhận ra sự hiện diện của Đức Kitô, Đấng ban cho họ “Tin Mừng” có sức hoán cải và biến đổi. Đó là một bài giảng huấn trực tiếp đang xảy ra, như được chứng tỏ bằng lời tung hô “Lạy Chúa, vinh danh Chúa” và “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa” mà người ta đáp lại lời công bố ấy. Chúng ta đứng lên để lắng nghe Tin Mừng: chính Đức Kitô là Đấng nói với chúng ta, ở đó. Và vì điều này mà chúng ta chú ý, bởi vì đó là một cuộc trò truyện trực tiếp. Chính Chúa đang nói với chúng ta.

Vì vậy, trong Thánh Lễ, chúng ta không đọc Tin Mừng để biết sự việc xảy ra thế nào, nhưng lắng nghe Tin Mừng để nhận thức được những gì Chúa Giêsu đã làm và đã nói xưa kia; và Lời sống động, Lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng đang sống động và thấu đến con tim tôi. Đó là lý do tại sao việc lắng nghe Tin Mừng với một tấm lòng rộng mở là một điều rất quan trọng, bởi vì đó là Lời sống động. Thánh Augustinô viết rằng “miệng Đức Kitô là Tin Mừng. Người cai trị trên thiên đàng, nhưng Người không ngừng nói dưới đất.” (Bài giảng 85, 1:PL 38, 520; cũng xem Khảo luận về Tin Mừng Thánh Gioan, XXX, I: PL 35, 1632; CCL 36, 289). Nếu thật sự trong phụng vụ “Đức Kitô vẫn còn loan báo Tin Mừng” (CĐ Vaticanô II, Hiến Chế Sacrosanctum Concilium33), thì kết quả là, bằng cách tham dự Thánh Lễ, chúng ta cần phải trả lời Người. Chúng ta lắng nghe Tin Mừng và chúng ta phải trả lời trong đời sống của chúng ta.

Để đem sứ điệp của Người đến, Đức Kitô cũng dùng lời của linh mục, là vị giảng một bài giảng sau Tin Mừng (X. Quy Chế Tổng Quát về Sách Lễ Rôma65-66; Dẫn Nhập vào Sách Bài Đọc,24-27). Được mạnh mẽ đề nghị bởi Công Đồng Vatican II như một phần của phụng vụ, (X. CĐ Vaticanô II, Hiến Chế  Sacrosanctum Concilium, 52). bài giảng không phải là một bài diễn văn tùy dịp - ngay cả như một bài giáo lý như thế này mà tôi đang làm bây giờ - hoặc thậm chí như một bài thuyết trình hay một bài học, bài giảng là một điều khác. Bài giảng là gì? Đó là “một lần nữa tiếp tục cuộc đối thoại đã được mở ra giữa Chúa và dân Người” (Evangelii Gaudium, 137), để nó được hoàn thành trong cuộc sống. Bài chú giải đích thực của Tin Mừng là đời sống thánh thiện của chúng ta! Lời Chúa kết thúc cuộc hành trình của mình bằng cách trở thành nhục thể trong chúng ta, tự biến đổi thành các việc làm, như đã xảy ra nơi Đức Mẹ Maria và các thánh. Hãy nhớ những gì tôi đã nói lần trước, Lời Chúa đến từ tai, sang trái tim, và đi đến đôi tay, để làm việc lành. Và bài giảng cũng theo Lời của Chúa và cũng đi theo con đường ấy để giúp chúng ta ngõ hầu Lời của Chúa đi qua trái tim mà đến đôi tay.

Tôi đã bàn về chủ đề bài giảng trong Tông Huấn Evangelii Gaudium, ở đó tôi đã nhắc lại rằng bối cảnh phụng vụ “đòi bài giảng phải hướng cộng đồng, và ngay cả người thuyết giảng, đến một sự hiệp thông với Đức Kitô trong Thánh Thể, là điều biến đổi cuộc sống” (Ibid, 138).  

Những người thuyết giảng phải chu toàn thừa tác vụ của mình - người giảng, linh mục hay phó tế hoặc giám mục - bằng cách cung cấp một việc phục vụ thực sự cho tất cả những ai tham dự Thánh Lễ, còn những người nghe gỉảng cũng phải thi hành phần vụ của họ. Trước hết phải chú ý, nghĩa là có một sự chuẩn bị nội tâm chính đáng, không có những đòi hỏi chủ quan, biết rằng mỗi vị thuyết giảng đều có những tài năng và giới hạn của họ. Nếu đôi khi có lý do để cảm thấy nhàm chán vì bài giảng dài dòng hay thiếu tập trung hoặc không thể hiểu nổi, thì khi khác chính thành kiến lại là chướng ngại. Và người giảng phải ý thức rằng mình không phải đang làm việc riêng của mình, mà là đang giảng, đang cho Chúa Giêsu mượn tiếng nói của mình, đang rao giảng Lời của Chúa Giêsu. Và bài giảng phải được chuẩn bị chu đáo, phải ngắn gọn, ngắn gọn! Một linh mục kể cho tôi rằng có lần ngài đến một thành phố khác, nơi mà cha mẹ ngài đã từng sinh sống và cha ngài đã nói với ngài, “Con biết không, cha rất vui, bởi vì cha đã cùng với bạn bè của mình tìm thấy một nhà thờ, ở đó Thánh lễ không có bài giảng”. Và bao nhiêu lần chúng ta thấy có người ngủ trong bài giảng, và những người khác thì nói chuyện hoặc ra ngoài hút thuốc.... Vì thế, làm ơn giảng ngắn gọn, nhưng chuẩn bị chu đáo. Và các linh mục, phó tế, giám mục thân mến, các vị đã chuẩn bị bài giảng như thế nào? Chuẩn bị thế nào? Với cầu nguyện, với việc học hỏi Lời Chúa và bằng cách tóm tắt rõ ràng và ngắn gọn, làm ơn đừng quá 10 phút.

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng trong Phụng vụ Lời Chúa, qua bài Tin Mừng và bài giảng, Thiên Chúa đối thoại với dân Ngài, là những kẻ chú ý và tôn kính lắng nghe Ngài, đồng thời nhận ra Ngài như đang hiện diện và hoạt động. Vì thế, nếu chúng ta lắng nghe “Tin Mừng”, thì từ đó chúng ta sẽ được hoán cải và biến đổi, nhờ vậy, có thể thay đổi chính mình và thế giới. Tại sao? Vì Tin Mừng, Lời Chúa vào từ tai, sang đến trái tim và đi đến đôi tay để làm việc lành.



Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180207_udienza-generale.html


VỀ MỤC LỤC



 

MARTIN LUTHER VÀ THÁI ĐỘ BÀI DO THÁI (MARTIN LUTHER BÀI 4)

  
 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

 

Tại sao Martin Luther chống Do Thái? Có phải con người ông bản tính quá phức tạp, và vì ảnh hưởng chủ thuyết Bài Do Thái của Giáo Hội Sơ Khai?


 

CON NGƯỜI CỦA MARTIN LUTHER

Con người Martin Luther rất phức tạp. Các tác phẩm ông viết chống lại những người mà ông coi là kẻ thù thì đầy dẫy những lời cay đắng, ác nghiệt, ghét bỏ và hận thù. Những người chống lại Phúc Âm. Ông cho rằng những ai chống đối ộng là những kẻ nói thay cho ác quỉ. Mà ác quỉ là chính họ. Một tác phẩm ông viết có ảnh hưởng rất ghê gớm, đặc biệt trong lịch sử, ngay lúc đó và nhiều thế kỷ về sau.

Lúc khởi đầu viết, Luther khuyến khích người Kito hữu nên thân thiện với người Do Thái. Ông tin rằng dân Do Thái cần phải nghe Phúc Âm của Chúa Giesu Kito. Ông đã viết một quyển sách nhan đề Chúa Giesu Kito là người Do Thái.

Ông nghĩ rằng một khi những sai lầm giả dối của chế độ Công Giáo La Mã bị lột trần, rửa sạch, và người Do Thái nhận thấy rõ chúa Giesu chính là đấng Thiên Sai đã được nói trước trong Kinh Thánh của dân Do Thái, thì họ phải nhìn thấy ánh sáng rõ ràng rồi cải đổi và kết hợp với Giáo Hội cải cách, cho dù đã bị truy nã cả hàng thế kỷ vì danh Chúa Kito. Nhưng họ đã không cải đổi như ý ông mong ước. Luther liền tấn công tới tấp tôn giáo của họ, rất ác liệt, không nhân nhượng.

Luther tấn công dân Do Thái không phải vì kỳ thị chủng tộc. Cuốn sách ông viết có tựa đề Dân Do Thái và Thói Gian Dối. Ông tấn công bởi vì dân Do Thái đã chối từ Chúa Kito. Ông coi họ là những kẻ phạm thượng, là mối đe dọa cho Kito Giáo. Ông lý luận, cách duy nhất để đối dầu với mối đe dọa đó là quét sạch dân Do Thái ra khỏi nước Đức.

Ông viết sách, cổ võ bạo động, đòi đốt những hội đường, trường học của người Do Thái, không cho dân Do Thái quyền được giữ những sách vở nói về dân Do Thái hay có liên hệ tới chúng. Cấm các rabbis không được giảng dạy. Ông cũng khuyến khích người Kito Hữu đuổi người Do Thái ra khỏi  khu vục mình ở.

Cung cách chống Do Thái của Luther không dựa vào lý luận hay Kinh Thánh. Ước muốn của ông là quét sạch tận gốc rễ dân Do Thái ra khõi nước Đức. Ý tưởng này, nhiều thế kỷ sau, đã được Nazis Hitler dùng để tuyên truyền vận động chống Do Thái, đã đưa đến tội ác giệt chủng và chống  nhân loại.

Dưới đây là vài đoạn trích trong sách của Luther có tựa đề Do Thái và Những Thói Gian Dối của chúng  / The Jews and Their Lies:

 “….Tống khứ chúng ra khỏi đất nước này. Vì, khi chúng ta nghe thấy cơn thinh nộ của Thiên Chúa đổ trên đầu chúng, nếu còn một chút thương sót nhẹ nhàng thì chỉ làm chúng  ngày càng tồi tệ hơn, nếu lòng thương sót thật khéo léo cũng sẽ chỉ biến đổi chúng được chút xíu. Do đó -hoàn cảnh nào cũng vậy- đuổi chúng đi cho khuất mắt là xong!”

Vượt hơn thế nữa, chúng ta đã để cho chúng làm giàu trên mồ hôi nước mắt và máu của chúng ta, chúng bòn rút tận xương tủy chúng ta trong khi chúng ta vẫn nghèo khổ”.  

“….Hỡi các ông hoàng bà chúa và những thần dân của quí vị đang có những tên Do Thái dưới quyền –Nếu lời khuyên của tôi không làm vừa lòng quí vị thì quí vị hãy kiếm lời chỉ bảo hay hơn để quí vị và tôi, tất cả chúng ta có thể trừ khử cái gánh nặng Do Thái ác hiểm không thể chịu nổi ấy…Đừng che chở chúng, đừng cấp giấy thông hành cho chúng hay cho chúng liên hệ, kết hợp với chúng ta.....”

Vậy nếu chúng ta không thể dập tắt được ngọn lửa thịnh nộ ghê gớm của Thiên Chúa mà các ngôn sứ đã nói tới hoặc chúng ta không thể cải hóa được bọn Do Thái thì với lời cầu khẩn và kính sợ Thiên Chúa, chúng ta phải thi hành lòng thương sót cách nhẹ nhàng để xem chúng ta có thể cứu giúp được chúng một chút ít nào không, cho chúng thoát khỏi những ngọn lửa hồng nóng bỏng.”

Ý kiến của tôi, như đã nói ở trên là trước tiên phải đốt sạch các hội đường của chúng, và liệng bỏ vào sulphur tất cả những gì có thể; tốt nhất là ném vào lửa hỏa ngục.  Hành động đó sẽ chứng minh cho Thiên Chúa hiểu là chúng ta giải quyết vấn đề cách đứng đắn, và hiển nhiên cho toàn thể thế giới biết nhân nhượng những ngôi nhà như vậy, nơi đám Do Thái chửi rủa rất thậm tệ Thiên Chúa, đấng Tạo Dựng của chúng ta, là Cha chúng ta và Con Một Người từ xưa cho đến bây giờ; nhưng nay chúng ta vẫn cho chúng được hưởng phần thưởng.”

Tôi ước ao và yêu cầu những vị làm luật có công dân là Do Thái hãy thương sót nhẹ nhàng những tên khốn cùng này như tôi đã gợi ý ở trên để xem có giúp gì được chúng không (dù tôi rất nghi ngờ). Xin hãy hành sử như một bác sĩ giởi, khi có một vết lở loét ung thối trên người, thì phải mạnh dạn cắt, cưa bỏ, đốt thịt, mạch máu, sương, tủy. Tiến trình làm việc như vậy cũng phải theo như sau.  Đốt hết các hội đường, cấm ngặt tất cả mọi sự như tôi đã kể ở trên, buộc chúng phải làm việc, đối sử tàn bạo với chúng…Thương hại chúng, chấp nhận chúng vì hạnh kiểm, là sai lầm. Nếu vẫn không giúp được gì thì chúng ta phải đối sử với chúng như những con chó điên, để chúng ta không trở thành những tên đồng lõa phạm thượng ghê tởm và tất cả những tật xấu khác đáng Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ và luận phạt cùng với chúng.” (Luther’s Works, E.T. Bachmann, Ed. 1971, vol 47, pp 268-293)

 

LUTHER THEO CHỦ THUYẾT BÀI DO THÁI CỦA CÔNG GIÁO SƠ KHAI

Những giảng huấn sai lầm của Giáo Hội Công Giáo hồi xưa không phải là yếu tố duy nhất đã ảnh hưởng đến thần học của Luther. Ông kết án mạnh mẽ sự đồi bại và những giảng huấn sai lầm của Giáo Hội đã gây nên tình trạng bê bối ấy. Và đó là yếu tố chính ảnh hưởng đến niềm tin của Luther. Ông cho rằng vì chúng ta tin nên chúng ta được cứu rỗi. Chỉ cần tin mà thồi. Không đòi hỏi phải vâng lời Thiên Chúa.

Nhưng còn một yếu tố nữa đã ảnh hưởng đến quan điểm của Martin Luther. Chủ thuyết chống Do Thái. Trong những ngày đầu cải cách, ông ta tin rằng, một khi đã thanh tẩy được Giáo Hội khỏi mọi đồi bại và sai lầm về giáo lý, người Do Thái sẽ nhận ra được sự thật và quay trở về với một giáo hội mới đã được cải thiện. Nhưng họ đã không cải tà qui chính như ý ông mong đợi. Ông ta đã trút cơn thịnh nộ lên họ một cách cay đắng.

Thái độ của Luther đối với dân Do Thái đã được tóm gọn trong tựa đề của cuốn sách  ông viết: Dân Do Thái và những Thói Gian Dối của chúng / The Jews and Their Lies. Dưới đây là một số đoan được trich ra từ cuốn sách này:

“Tôi cho xuất bản cuốn sách này với cái tiêu đề như vậy để cho mọi người biết rằng tôi nằm trong số những người đối nghịch lại những hoạt động đầy nọc độc ác tính của dân Do Thái đã báo động trước cho người Kito hữu phải cẩn thận đề phòng mà chống lại chúng.”

Hãy nhìn những con người này chẳng còn lương tri, lại mù quáng và keo kiệt…. sự mù quáng và thói kiêu căng của chúng thì cứng ngắc như núi sắt.”

“Do đó quí vị phải coi chừng hãy chống lại cái đám Do Thái, vì bất cứ khi nào chúng có những hội đường thì đó chẳng là gì cả mà là sào huyệt của quỉ vương trong đó chúng nào là tự tôn vinh mình, tự cao tự đại, dối trá, phạm thượng, phỉ báng Thiên Chúa và người ta  một cách tinh quái và ác độc nhất…”

“Ngoài ra chúng chẳng là gì cả mà là những tên ăn cắp ăn trộm và cướp giật. Không một miếng ăn nào vào miệng, không một mảnh áo nào mặc trên thân xác chúng mà không do ăn cắp ăn trộm của chúng ta….Vậy chúng sống ngày này qua ngày khác cùng với vợ con chúng, thảy đều do ăn cắp ăn trộm cả…”

“Chúng ta, những Kito hữu, sẽ phải làm gì với những tên Do Thái cần phải loại bỏ và đáng luận phạt ấy? Bởi vì chúng sông giữa chúng ta, chúng ta chịu đựng được những  thói tật của chúng, mà bây giờ chúng ta biết được chúng ăn gian nói dối, chửi rủa và phạm thượng người. Nếu chúng ta cũng làm như vậy là chúng ta đồng lõa, a tòng với chúng, cũng ăn gian nói dối, chửi bới và nói lời phạm thượng.”

“Tôi sẽ cho quí vị lời khuyên thành thật: Trước nhất hãy đốt sạch những hội đường trường học của chúng, và chôn sâu, lấy đất che phủ bất cứ cái gì không thể đốt được, để không một ai chẳng bao giờ có thể nhìn thấy một hòn đá hay cọng than của chúng. Việc này phải làm vì danh dự của Chúa chúng ta và của toàn thể Giáo Hội, hầu Thiên Chúa có thể nhìn thấy chúng ta là những Kito hữu và không tha thứ hoặc dung tha những thói gian dối công khai, chửi thề và phạm thượng Con Thiên Chúa và những Kito hữu của Người.”

“…Tôi khuyên quí vị hãy san bằng và phá hủy mọi nhà cửa của chúng.  Ví mục đích của chúng ở những nơi này cũng giống như ở trong các hội đường.”

“Tôi khuyên quí vị hãy lấy đi khỏi chúng các sách cầu nguyện và bản kinh Talmudic, bởi vì trong đó dạy toàn thờ ngẫu tượng, những lời dối trá, nguyền rủa và súc phạm.”

“Tôi khuyến qúi vị hãy cấm các ông rabbis từ nay về sau không được dạy về đau khổ do mất sự sống và tứ chi.”

“Tôi hy vọng bài viết của tôi sẽ giúp cho người Kito hữu…..trở thành kẻ thù của thói gian manh, dối trá và nguyền rủa của đám Do Thái, và hiểu rõ không phải chỉ niềm tin của chúng là sai lầm mà tất cả những gì chúng có đều do ma quỉ gian ác mà ra.”

(Trích từ Luther’s Works, ET Bachmann, ed.1971, vol.47, pp 268-293.)


 

Martin Luther đã theo sát từng bước tất cả những điều bài Do Thái này ở thời sơ khai, mà Constantine Đại Đế, tức hoang đế La Mã, người đã hợp thức hóa Kito Giáo vào năm 313 AD và dùng nó làm công cụ để thống nhất đế quốc của ông. Nhưng bản dịch của Kito Giáo mà Constantine đã chuẩn nhận thì tự nó đã là bài Do Thái ghê gớm rồi, cũng như chối bỏ nguồn gốc Do Thái của Giáo Hội mà đấng sáng lập và 12 tông đồ tất cả lại đều là người Do Thái.


Constantine đã tuyên bố là lạc giáo những ai từ chối không theo Giáo Hội La Mã mừng lễ Phục Sinh thay cho Lễ Vượt Qua theo Kinh Thánh đã từng được Chúa Giesu Kito, các tông đồ và Giáo Hội sơ khai vẫn mừng.

Ông viết: “Chẳng đáng gì khi mừng lễ cực thánh này (Lễ Phục Sinh), mà chúng ta phải làm theo cách của đám Do Thái thiếu đạo đức, những kẻ mà hai bàn tay đã trở thành nhơ nhớp vì vô vàn tội lỗi, và vì vậy chúng xứng đáng phải đau khổ vì tâm hồn mù quáng….Chúng ta chẳng nên có một tý gì chung chạ với đám Do Thái đáng ghét tởm ấy, bởi lẽ chúng ta đã nhận được một cách thực hành khác từ Đấng Cứu Chuộc chúng ta…


 

“Hãy cố gắng và cầu nguyện liên tục để tâm hồn anh em được trong sạch khỏi phải nhìn bất cứ cái gì vấy bẩn do những bạn bè bước theo tập tuc của những con người cực kỳ gian hiểm đó….Tất cả hãy đoàn kết lại, thấy cái gì có lý thì làm, tránh không theo, không tham dự vào mọi chỉ dẫn gian dối của dân Do Thái” (Eusebius, Life of Constantine 3,18-19, Nicene and Post-Nicene Fathers, 1979, second series, Vol.1,pp.524-525).


 

Buồn thay, cả những bản dịch về Kito Giáo của Thể Phản lẫn Công Giáo đều chối bỏ nhiều niềm tin nguyên thủy và cách thực hành của Giáo Hội Sơ Khai có nhãn hiệu “Do Thái” ( Xin coi M. Luther (bài 5)- Giáo Hội Sơ Khai tin và thực hành những gì). Niềm tin và cách thực hành của Kito Giáo ngày nay thì khác với Giáo Hội sơ khai rất nhiều.


 

Fleming Island, Florida



Feb 2018

VỀ MỤC LỤC

KHIÊM NHU VÀ KHÓ NGHÈO NỘI TÂM QUAN TRỌNG VÀ CẦN THIẾT RA SAO CHO SỨ MỆNH RAO GIẢNG VÀ LÀM CHỨNG CHO TIN MỪNG CỨU ĐỘ?



 

Khó nghèo là một bất hạnh lớn cho  người đời , vì xét theo khôn ngoan của con người ,  thì đa số chỉ biết quí trọng giầu sang về vật chất,và chỉ đi tìm danh lợi chóng qua ở đời này, nên khinh thường mọi giá tri tinh thần và đạo đức trong đó có giá trị của sự khó nghèo nội tâm.



Nhưng với người có niềm tin Thiên Chúa, tin có sự giầu sang vĩnh cửu trên Nước Trời,  thì khó nghèo lại là một nhân đức cần phải có để xứng đáng là những môn đệ lớn nhỏ của Chúa Kitô, Đấng đã thực sự sống khó nghèo từ khi sinh ra  trong hàng bò lừa cho đến khi chết trần trụi trên thập giá.

Thế giới ngày nay đang chìm đắm trong đam  mê về tiền bạc và của cải vật chất,tôn thờ khoái lạc ( hedonism) khiến dửng dưng – hay   lãnh cảm ( numb, insensitive) trước sự đau khổ, nghèo đói của biết bao triệu người là nạn nhân của bóc lột và bất công xã hội, đầy rẫy ở khắp nơi trong thế giới tôn thờ vật chất, tục hóa  và suy thoái thê thảm về luân lý, đạo đức và lòng nhân đạo..

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong một diễn từ , đã thẳng thắn nói rõ là thế giới hiện nay đang sống với thảm trạng  “ tôn thờ tiền bạc ( cult of money ) và dửng  dưng với bao triệu người nghèo đói ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia Phi Châu và Á Châu.

Không nói gì đến các nước vốn nghèo sẵn ở Á và Phi Châu, ngay ở Hoa Kỳ là nước được coi là giầu có nhất nhì thế giới mà cũng có biết bao người vô gia cư ( homeless) nghèo  đói, sống vất vưởng trên hè phố ở các đô thị lớn như Los Angeles, Houston, Chicago, Nữu Ước… Họ nghèo đến nỗi không có nhà để ở và hàng ngày phải đến xin ăn ở các cơ sở từ thiện, trong khi những người triệu phú , tỉ phú không hề quan tâm đến họ.  Chính quyền liên bang cũng như tiểu bang , cho đến nay, vẫn không có biện pháp tích cực nào để giúp những người nghèo vô gia cự này.Nhưng mỉa mai và nghịch lý là chánh quyền Mỹ cứ thi nhau đem tiền ra giúp các nước như Irak. Afghanistan, Pakistan, Ai Cập, Syria...vì quyền lợi chiến lược của Mỹ, chứ không phải vì thương giúp gì dân nghèo , nạn nhân của bóc lột và bất công xã hội ở các quốc gia đó;  và đáng buồn hơn nữa là dân các nước nói trên vẫn chống Mỹ và muốn đuổi quân đội Mỹ ra khỏi đất nước họ ! ( Irak và Afghanistan)!

Trước thực trạng  trên của Thế giới,  Đức Thánh Cha Phanxicô, từ ngày lên ngôi Giáo Hoàng,  đã tỏ mối quan tâm sâu xa đối với người nghèo khó ở khắp nơi trên thế giới và luôn kêu gọi Thế giới nói chung và Giáo Hội nói riêng phải  làm gì cụ thể để thương giúp những người nghèo khó mà Chúa Kitô đang đồng hóa với họ và thách đố chúng ta nhận ra Chúa nơi những người xấu số  này để thương giúp họ cách thich hợp theo khả năng của mình.( x Mt 25)

Đức Thánh Cha đã nghiêm khắc phê phán thế giới “tôn thờ tiền bạc”vì người thấy rõ sự chênh lệch quá to lơn giữa người quyền thế giầu sang và người nghèo cô thân cô thế ở khắp nơi trên thế giới tục hóa này.Nên khi lên ngôi Giáo Hoàng ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngài đã chọn danh hiệu “Phanxicô” cho triều đại Giáo Hoàng ( Pontificate) của mình để nói lên ước muốn sống tình thần nghèo khó của Thánh Phan xicô khó khăn Thành Assisi,  và nhất là tình thần và đời sống khó nghèo thực sự của Chúa Giêsu Kitô, “ Đấng vốn giầu sang phú quí nhưng đã tự ý trở nên khó nghèo vì anh  em để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có.” ( 2 Cor 8:9)

Như thế, gương khó nghèo của Chúa Kitô mà Đức Thánh Cha Phanxicô  muốn thực hành phải là gương sáng cho mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hôi  noi theo, đặc biệt là hàng giáo sĩ và tu sĩ, là những người có sứ mạng và trách nhiệm rao giảng và sống Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô để  nên nhân chứng cho Chúa , “Đấng đã  đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để  phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 20: 28).

Đặc biệt trong thư gửi cho các Tân Hồng Y  ngày 13 tháng 1năm 2014 , Đức Thánh Cha Phanxicô  đã nhấn mạnh như sau :

  “  cái mũ đỏ không có ý nghĩa là được thăng thưởng( promotion)  một danh dự hay hào nhoáng bề ngoài( decoration) mà chỉ đơn thuần là một hình thức phục vụ đòi hỏi mở rộng tầm nhìn và con tim…do đó  xin quí chu huynh nhận sự bổ nhiệm mới này với lòng khiêm cung, giản dị và vui mừng, nhưng vui mừng không theo cách người đời hay bất cứ cách mừng vui nào xa lạ với tinh thần của Phúc Âm về sự khắc khổ ( austerity) tiết độ ( sobriety) và khó nghèo ( poverty)”.

Tai sao phải sống khiêm nhu và khó nghèo  ?

Trước hết, phải nói ngay là khó nghèo  ở đây không có nghĩa là phải đói khát rách rưới, vô gia cư, lang thang đầu đường xó chợ thì mới được chúc phúc. Ngược lại, phải lo cho mình và cho người trong gia đình  có phương tiện sống cần thiết tối thiểu như nhà ở, cơm ăn áo mặc, phương tiện di chuyển như xe cộ ,vì ở Mỹ không ai có thể đi bộ hay xe đạp để đi làm hay đi học được..Nghĩa là không nên  “lý tưởng thiếu thực tế” để chỉ chú trọng đến đời sống tinh thần mà coi nhẹ hay sao nhãng đời sống vật chất đúng mức cho phù hợp với nhân phẩm.

Nhưng  điều quan trọng nhất  là phải có nhân đức khiêm  nhường và thực sự sống tinh thần nghèo khó mà Chúa Kitô   đã dạy các môn đệ và dân chúng xưa là “ Phúc cho ai có tinh thần (tâm hồn)  nghèo khó vì Nước Trời là của họ. ( Mt 5:3; Lc 6 : 20)

Sự nghèo khó mà Chúa muốn dạy ở đây không có nghĩa là phải đói khát , rách rưới  về phần xác như đã nói ở trên mà chỉ có nghĩa là không được ham mê tiền bạc và của cải vật chất, tiện nghi sa hoa, danh vọng phù phiếm  chóng qua ở đời này đến độ vô tình làm nô lệ cho chúng khiến không còn chú tâm vào việc mở mang Nước Thiên Chúa trong tâm hồn của chính mình và nơi người khác; cụ thể là các giáo dân được trao phó cho mình phục vụ  và săn sóc về mặt thiêng liêng.

Người tông đồ mà không có nhân đức khiêm nhu và  khó nghèo, để khinh chê tiền bạc , của cải vật chất và danh vọng hào  nhoáng ở đời , thì không thể rao giảng sự khó nghèo của Phúc Âm cho ai được. Không có  và không sống khiêm nhu và khó nghèo thực sự , mà lại rao giảng nhân đức khó nghèo và khiêm tốn  thì sẽ làm trò cười mỉa mai cho người nghe mà thôi. Chắc chắn như vậy.

Mặt khác,  sự thành công của sứ mệnh rao giảng Tin Mừng không căn cứ ở những  giáo đường, nhà xứ , Tòa Giám mục được xây cất sang trọng , lộng lẫy để  khoe khoang với du khách mà cốt yếu ở chỗ xây dựng được đức tin và lòng yêu mến Chúa vững chắc trong tâm hồn của mọi tín hữu  để giúp họ sống đạo có chiều xâu thực sự, chứ không phô trương bề ngoài với số con số đông tân tòng được rửa tội mỗi năm, đông người đi lễ hàng tuần, đi rước ầm ỹ ngoài đường phố,  trong khi rất nhiều người ( giáo sĩ, tu sĩ) vẫn sống thiếu bác ái và công bình với nhau và với người khác.

Lại nữa,, người tông đồ lớn nhỏ - nam cũng như nữ-  mà ham mê tiền bạc , thì sẽ không bao giờ có thể sống và thực hành được  tinh thần khó nghèo của Chúa Kitô, Đấng đã sống lang thang như người vô gia cư đến nỗi có thể nói được về mình là “ con trồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có  chỗ tựa đầu.” ( Mt 8: 20)

Thử hỏi Chúa có đóng kich “ khó nghèo” từ khi sinh ra trong hang bò lừa cho đến khi chết trần trụi trên thập giá hay không ?  

Ai dám nói là có ?  Nếu vậy, thì Chúa quả  thực đã sống khó nghèo trong suốt cuộc đời tại thế  để nêu gương nghèo khó trong tâm hồn và trong cuộc sống cho hết mọi người chúng ta. Nghĩa là  các tông đồ của Chúa nói riêng và toàn thể dân Chúa nói chung phải thi hành lời Chúa để đi tìm và  “ tích trữ cho mình những kho tàng ở trên trời nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được.” ( Mt  6: 20)

Nếu người tông đồ  mà chỉ chú trọng đi tìm tiền của và xây dựng nhà cửa cho sang trọng, thay vì  xây dựng cho mình và cho những người mình phục vụ một lâu đài nội tâm hoành tráng,  thì mọi lời rao giảng về khó nghèo của Phúc Âm sẽ trở nên trống rỗng và không có sức thuyết phục được ai  tin và thực hành, nếu không muốn nói là làm trò cười cho người nghe..

Muốn thuyết phục thì chính mình phải sống và  xa tránh hay chống lại những cám dỗ về tiền bạc và của cải vật chất để không đôn đáo đi tìm tiền, làm thân với người giầu có để trục lợi.Và  nhiên hậu, cũng sẽ không hơn gì bọn Biệt phái và luật sĩ xưa kia, là những kẻ chỉ dạy người khác sống nhưng chính họ lại không sống điều họ dạy bảo người khác, khiến Chúa Giêsu đã nhiều lần phải nghiêm khắc lên án họ là :quân giả hình”, bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta , nhưng chính họ lại không buồn động ngón  tay vào.”( Mt 23: 4).

Nói rõ hơn, giảng  tinh thần khiêm nhu và  khó nghèo của Chúa cho người khác,  mà chính mình lại sống phản chứng bằng cách chạy theo tiền của,  dùng những phương tiện di chuyển sang trọng như đi các loại xe đắt tiền như  Lexus, BMW, Mercedes, Ìnfinity, Volvo… đeo đồng hồ longines, Omega …làm thân với người giầu, không nhận dâng lễ cho người nghèo,vì có bổng lễ thấp, mà  chỉ nhận lễ có bổng lễ cao, nhất là bày chuyện “lễ đời đời” để lấy nhiều của giáo dân không am hiểu về giá trị thiêng liêng của việc xin lễ..

 Dĩ nhiên đây không phải là cách sống của tất cả mọi  linh mục, giám mục nhưng dù chỉ có một thiểu số nhỏ, thì  cũng đủ gây tai tiếng cho tập thể nói chung vì “ con sâu làm rầu nồi canh” như tục ngữ Việt Nam  đã dạy.

Như vậy, Giáo Hội của Chúa phải thực sự khiêm nhu và nghèo khó  theo gương Mẹ Maria , Thánh Giuse và nhất là Chúa Giêsu, Người đã thực  sự sống và chết cách khiêm nhu nghèo khó để dạy mọi người chúng ta coi khinh , coi thường sự sang giầu, danh vọng  phù phiếm ở đời này, để đi tìm sự giầu sang, vinh quang đích thực là chính Thiên Chúa, cội nguồn của mọi vinh phúc giầu sang  vĩnh cửu mà tiền bạc, của cải và hư danh ở đời này không thể mua hay đổi chác được.

Chỉ có nghèo khó, và khiêm nhu  thực sự trong tâm hồn, thì Giáo Hội mới có thể  để lách mình ra khỏi mãnh lực của đồng tiền, của cải vật chất,danh vọng trần thế,  để không làm tay sai cho thế quyền mà trục lợi cá nhân. Lại nữa, nếu quá yêu chuộng tiền bạc và  hào nhoáng bề ngoài, để nay tổ chức mừng 10 năm, 15 năm, 20 năm thụ phong.., để kiếm tiền mừng của giáo dân.

Tóm lại, muốn   thi hành có hiệu quả  sứ mệnh thiêng liêng của mình là  rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô, thì người Tông đồ lớn nhỏ  phải là mẫu gương sáng về sự chê nghét của cải và hư danh trần thế ,  để cứ dấu này “ người ta sẽ nhận biết anh  em là môn đệ của Thầy, ( Ga 13: 35) như Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ xưa.

Nước Thiên Chúa mà Giáo Hội có sứ mệnh mở mang trên trần thế này,  không hề phục vụ cho nhu cầu tìm kiếm tiền bạc , danh vọng trần thế  và của cải vật chất hư hèn, mà chỉ cho mục đích hướng dẫn con người đi   tìm kiếm hạnh phúc và bình an vinh cửu trên Nước Trời mà thôi. Lại nữa, không có  giáo sĩ và tu sĩ nào có lời khấn sang giầu vật chất mà chỉ có lời khấn khó nghèo, vì Có khó nghèo thực sự trong tâm hồn thì mới dễ vươn mình lên cùng Chúa  là chính nguồn vui, và vinh quang hạnh phúc vĩnh cửu . Đó đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói với anh thanh niên giầu có kia là “ hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo , anh sẽ được một kho tàng trên trời , rồi hãy đến mà theo tôi.” ( Mc  10: 21)

Lời Chúa trên đây phải là đèn sáng  soi cho mọi người tín hữu trong Giáo Hội- cách riêng cho hàng giáo sĩ và tu sĩ-  bước đi qua bóng tối đen dầy đặc của tiền bạc, của cải vật chất,và danh vọng trần thế hư hão,  là những quyến rũ đã và đang mê hoặc con người ở khắp nơi, khiến họ say mê đi tìm kiếm và tôn thờ,  thay vì tìm kiếm và tôn thờ một mình Thiên Chúa là cội nguồn của mọi phú quý giầu sang và vinh quang đích thực mà thôi.

Chúa nói: “ai có tai nghe thì nghe” ( Mt 13:43; Mc 4: 23; Lc 8:8)

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn


VỀ MỤC LỤC


THƯ VIỆN LƯU TRỮ MEP

        


HẠT NẮNG
LTS.

Thứ Năm, ngày 09/11/2017, Uỷ ban Văn hoá trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (UBVH) đã tổ chức Hội thảo Kinh Nghiệm Về Hoạt Động Thư Viện & Góp Ý Xây Dựng Thư Viện Văn Hóa Công Giáo Việt Nam (TVVHCGVN) tại Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 72/12 Trần Quốc Toản, P.8, Q.3, TPHCM.



Đặc San GSVN hân hạnh được phép của UBVH để phổ biến dần dần các tài liệu có liên quan, cùng với Lời Kêu Gọi mọi người cùng tham gia đóng góp ý kiến, công sức cho một dự án rất ý nghĩa của UBVH, HĐGMVN. Xin vui lòng liên lạc qua email Cha Giuse Trịnh Tín Ý, Thư Ký Uỷ Ban Văn Hoá vinhson249251@gmail.com Xin chân thành cám ơn.




tải về 1.41 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương