Bán nguyệt san – Số 271 – Chúa nhật 27. 03. 2016


KHOAI LANG VÀ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG - BỮA ĂN SÁNG - BỆNH CHÂN - TAY - MIỆNG



tải về 0.6 Mb.
trang5/6
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích0.6 Mb.
#12838
1   2   3   4   5   6


KHOAI LANG VÀ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG - BỮA ĂN SÁNG - BỆNH CHÂN - TAY - MIỆNG


Khoai lang và bệnh tiểu đường


Hỏi

Thưa bác sĩ ăn khoai lang có tác dụng gì nhiều lên bịnh tiểu đường hay không?
Đáp

Khoai lang là món rất quen thuộc với người Việt Nam, một món ăn bình dân, rẻ tiền, rất dễ kiếm, nhưng cũng là một món ăn rất bổ dưỡng và có tác dụng trị bệnh. Khoai lang (sweet potato) còn có tên gọi khác như cam thự, hồng thự hoặc phan thự.


Nguồn gốc của khoai là từ Peru rồi được trồng ở Âu châu vào thế kỷ thứ 16, sau đó lan sang Á châu. Các quốc gia trồng nhiều khoai là Trung Hoa, Nam Dương, Việt Nam, Nhật, Ấn Độ. Khoai thích hợp với vùng nhiệt đới.
Giá trị dinh dưỡng:
Khoai lang không có chất béo và cholesterol, nhưng chứa một lượng lớn beta carotene, sinh tố A và C, sinh tố B5 hay pantothenic acid, khoáng chất kali và chất xơ.
Một củ khoai lang nướng có 117 calori, 2gr chất đạm, 28 gr carbohydrat, 32 mg calci, 63 mg phospho, 0.5 mg sắt, 400 mg kali, 3 g chất xơ, 750mg sinh tố A, 30 mg sinh tố C, 8 mg sinh tố B 1.
Công dụng y học:
Khoai lang có nhiều sinh tố B5 và beta-caroten, nên được coi như có nhiều tác dụng y học tốt.
Sinh tố B5 giúp cơ thể chống mệt mỏi vì những căng thẳng (stress), cho nên còn được gọi là “sinh tố chống stress” qua việc thúc đẩy các quá trình chuyển hóa carbohydrat, chất đạm và chất béo.
Vitamin này kích thích nang thượng thận, làm tăng sự biến hóa căn bản, tạo ra năng lượng từ chất béo, chất carbohydrate; làm da bớt nhăn và làm chậm sự lão hóa; làm hệ thần kinh khỏe mạnh; làm giảm độc tính của thuốc kháng sinh và tia phóng xạ; làm bớt dị ứng, nhức đầu, đau khớp xương, chống mất ngủ, hen suyễn.
Một củ khoai lang có khoảng 14 mg beta-carotene. Beta- carotene là một chất có khả năng chống ung thư nhất là ung thư phổi ngay cả ở người ghiền thuốc lá.
Khoai còn làm tăng tính miễn dịch, làm giảm nguy cơ bị cườm mắt (catarracts), làm giảm nguy cơ tai biến động mạch não, chứng kích tim, và làm giảm cholesterol trong máu.
Các cụ ta tin là khoai lang có thể chữa được bệnh phong nhức khớp xương và chứng đau bụng.
Nhiều người còn cho là khoai lang có thể làm giảm chứng ói buồn nôn ở phụ nữ có thai, làm kinh nguyệt điều hòa, lợi tiểu tiện, ngăn ngừa sẩy thai, làm giảm cơn hen suyễn...
Theo giáo sư Đỗ Tất Lợi, khoai lang có tác dụng nhuận tràng và trong dây khoai lang có một chất giống như insulin, rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường.
Khoai lang có chứa oxalate nên người bị sạn thận cần giới hạn tiêu thụ.
Các loại khoai:

Có hai loại khoai lang chính:


- Loại vỏ mầu nâu vàng, ruột mầu cam, sau khi nấu, cho nhiều vị ngọt, mềm và có nhiều nước.
- Loại có vỏ mầu hồng lợt, thịt vàng và khô, ít ngọt, ít hương vị hơn.
Lựa và cất giữ khoai:
Khi mua khoai, ta nên chọn củ còn chắc nịch, cầm thấy nặng tay, vỏ trơn tru, không trầy xát; tránh mua khoai bị nứt, hà rỗ vỏ hoặc bị cắt mất đầu mất đuôi.
Mang về nhà, nên cất khoai trong bóng tối, không để trong tủ lạnh và nên dùng trong vòng hai tuần lễ để hưởng thụ được tất cả chất bổ dưỡng của khoai.
Khoai cũng được đóng hộp sau khi nấu chín với đường hoặc được phơi sấy khô.
Món ăn với khoai lang
Khoai lang thường được dùng để nấu chè hay luộc hoặc nướng.
Nên rửa sạch củ khoai bằng bàn chải trước khi luộc. Giữ nguyên vỏ khi luộc để khoai khỏi đổi mầu và cũng dễ bóc hơn. Vỏ khoai có nhiều chất xơ pectin ăn được.
Khoai lang cũng được nấu với mật ong, mật mía, đường hoặc mật ngô. Khoai chín nghiền nát được dùng làm bánh, kẹo.
Ngọn non của dây khoai lang (đọt lang) được dùng như một loại rau ăn phổ biến, còn dây khoai lang được dùng trong chăn nuôi gia súc. Ngọn khoai lang luộc chấm với nước mắm cáy đặc là món ăn rất ngon và lành mạnh.
Nhưng có lẽ khoai lang vùi đống lửa rơm, ăn vào mùa lạnh vẫn là ngon hơn cả. Vừa có tính cách mộc mạc dân dã, vừa tinh khiết, vừa ăn vừa thổi vào những ngày Đông giá lạnh miền Bắc Việt Nam.
Khoai lang luộc ăn không hoặc chấm với mật cũng rất hấp dẫn. Sáng ra, các bác nông phu, trước khi ra đồng làm việc, điểm tâm với vài củ khoai luộc, uống bát nước chè tươi, thì cũng đủ sức để làm việc tới trưa.
Trở lại câu hỏi khoai lang có tác dụng gì cho bệnh nhân tiểu đường không thì xin thưa rằng đây là một loại thực phẩm có nhiều tinh bột. Mà tinh bột lại chuyển thành đường trong máu. Nếu ta tiêu thụ vừa phải thì không sao chứ nếu dùng nhiều thì e rằng đường huyết sẽ lên cao.
Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường cũng nên lưu ý rằng khoai lang có chỉ số đường huyết (glycemic index) trung bình nhưng chỉ số sẽ thay đổi tùy theo khoai luộc hoặc nướng. Khi luộc chỉ số đường huyết là 45, khi nướng chỉ số đường huyết lên tới 94.
Nhắc lại chỉ số đường huyết là khả năng tăng đường huyết nhanh hoặc chậm của một loại thực phẩm chất tinh bột. Chỉ số đường huyết càng cao thì lượng đường trong máu sau khi ta tiêu thụ món ăn này càng lên cao mau.
Khi luộc tinh bột trở thành một loại chất dẻo như thạch, làm chậm sự chuyển tinh bột ra đường ở trong máu và như vậy tốt hơn cho người bệnh.


Bữa ăn sáng
Hỏi

Từ hơn 2 năm nay, tôi bỏ thói quen ăn sáng, để khỏi bị lên cân. Tôi năm nay đã hơn 70 tuổi, lại bị cao huyết áp và tiểu đường nữa.Tuy nhiên hiện bây giờ tôi đang uống thuốc của bác sĩ cho, nên cũng ổn định. Mấy ông bạn của tôi lại nói ăn sáng rất cần. Vậy thì theo bác sĩ, có nên ăn sáng hay không, và nên ăn gì.

- Kent Lê (OKC)
Đáp

Thưa ông Lê,



Cám ơn ông đã nêu ra câu hỏi này vì đây là một đề tài mà nhiều người cũng thắc mắc. Có nhiều người viện lý do “tôi không thấy đói vào sáng sớm thì cần gì ăn”! Nhiều người vì công việc bận rộn, nại cớ: “Sáng dậy bận trang điểm sửa soạn đi làm, thì giờ đâu mà làm món ăn, nói chi đến việc mất nửa giờ ngồi ăn sáng”
Cũng có người không ăn sáng vì thói quen, vì sợ lên ký hoặc vì không có thì giờ. Họ chỉ chiêu một cốc cà phê rồi đi làm.
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới ông cũng như độc giả mấy hiểu biết về việc điểm tâm này.
Bữa ăn sáng rất quan trọng:
Theo ý kiến chung của các nhà dinh dưỡng cũng như y học, bữa ăn sáng là bữa ăn rất quan trọng và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Theo các quan điểm này, điểm tâm phải được coi như một trong ba bữa ăn chính để cung cấp năng lượng cho cơ thể trong suốt ngày, đồng thời cũng cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, sinh tố, khoáng chất, phytochemical để suốt đời có sức khỏe tốt.
Sau một đêm ngủ nghỉ, bụng trống, cơ thể cần bổ sung một số năng lượng để khởi động các sinh hoạt trong ngày. Đi làm, đi học mà không ăn sáng thì chẳng khác chi dùng một cái khoan không dây mà bình điện không được tái nạp điện. Nếu không tái cung cấp năng lượng vào buổi sáng, cơ thể sẽ tận dụng kho dự trữ cho tới bữa ăn trưa. Các hormon cần để cung cấp năng lượng dự trữ sẽ làm ta cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và không đủ bình tâm để làm việc.
Chúng ta đều nhớ rằng, để điều khiển các chức năng của cơ thể, não bộ cần có các hóa chất dẫn truyền thần kinh. Thực phẩm có ảnh hưởng tới sự tác động của các hóa chất này. Do đó, với bữa ăn sáng cân bằng, não bộ sẽ hoạt động hữu hiệu. Chẳng hạn chất đạm tyroxine cần thiết cho chất dẫn truyền hưng phấn dopamine, norepinephrine, chất đạm tryptophan lại làm dịu thần kinh.
Theo nghiên cứu tại Đại Học Iowa, dù ăn một chút nhẹ vào buổi sáng cũng khiến cho tinh thần sảng khoái, đáp ứng mau lẹ, làm việc hoặc học hành có hiệu năng hơn.
Nghiên cứu tại Đại Học California, Los Angeles kết luận ăn điểm tâm đều đặn giúp con người sống lâu hơn. Bác sĩ Raymond Pearl, thuộc Đại Học John Hopkins cho hay những người sống lâu tới 80- 90 tuổi đều nói là họ ăn no nê vào mỗi buổi sáng.
Tại Hội thảo về Dịch tễ và Phòng tránh bệnh Tim mạch do American Heart Association tổ chức ngày 6 tháng 3 năm 2003, tiến sĩ Mark A. Pereira, giáo sư tại Đại học Y khoa Harvard, nói là “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho rằng bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất, vì ăn sáng dường như có vai trò lớn để giảm rủi ro của bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch”
Theo ông, ăn sáng có thể giúp kiểm soát cảm giác đói trong ngày, cho nên sẽ ăn ít hơn vào bữa trưa.
Kết quả nghiên cứu đăng trên báo cáo Obesity Research số tháng 2 năm 2002 cho thấy 78% phụ nữ ăn sáng đều đặn đều duy trì được sự giảm 15 kg trong suốt một năm.
Trong khi đó, nghiên cứu của Đại học Massachusetts đăng trong số tháng 6 năm 2003 của American Journal of Epidemiology cho hay có sự liên hệ giữa không ăn sáng với lęn cân.
Bất lợi khi không ăn sáng:
Không ăn sáng có thể đưa tới bệnh tim và lên cân. Đó là kết luận nghiên cứu được công bố trong tạp chí American Journal of Clinical Nuitrition, số tháng 2 năm 2005.
Theo các nhà nghiên cứu, phụ nữ không ăn sáng trong hai tuần lễ sẽ ăn nhiều hơn trong ngày, sẽ có lượng cholesterol LDL cao hơn và kém đáp ứng với insulin hơn là phụ nữ ăn sáng mỗi ngày. Cholesterol cao và giảm mẫn cảm với insulin là rủi ro đưa tới bệnh tim và lên cân.
Trong những năm vừa qua, nhiều người đã bỏ ăn sáng vì sợ lên cân và không có thì giờ để ăn. Và trong thời gian đó số người bị mập phì hoặc quá ký đều gia tăng.
Nhịn ăn sáng có thể gây ra một số phản ứng bất lợi như cơ thể run rẩy, chóng mặt, kém tập trung, tính tình bất thường, mệt mỏi trong khi làm việc. Lý do là cơ thể phải đợi tới trưa mới có thực phẩm, mà vẫn cần năng lượng cho mọi sinh hoạt.
Kết quả quan sát của các nhà nghiên cứu tại Memorial University ở St John, Newfoundland cho hay tử vong vì tai biến não, cơn suy tim rất cao từ 8 giờ sáng tới 10 giờ sáng. Lý do là vì tiểu cầu hay tụ dính với cholesterol ở thành động mạch, tạo ra máu cục, làm tắc nghẽn mạch máu. Theo các nhà nghiên cứu, ăn sáng, dù rất nhẹ, tránh được tình trạng kết tụ tiểu cầu này.
Coi vậy thì giữ thói quen “Ăn ngày ba bữa, tắm rửa ba lần” là điều cần làm.
Ăn sáng như thế nào:
Nhưng ăn sáng như thế nào để không đưa đến những khó khăn cho cơ thể lại cũng là điều nên cân nhắc.
Ngày xưa, khi còn ở Việt Nam, chúng ta có thói quen ăn sáng với món ăn có nhiều đạm động vật, đường tinh chế hoặc các món ăn nhiều cholesterol.
Mỗi buổi sáng là phải rủ nhau qua tiệm phở làm một tô xe lửa nạm gầu giòn nước béo hoặc gà da đùi kèm hai quả trứng non để dằn bụng. Chán phở thì hủ tíu thập cẩm với đủ thứ từ tôm, gan heo, thịt heo thái mỏng có chút mỡ trăng trắng.
Thói quen kế tiếp là một đĩa thịt nguội, hai quả trứng ốp la, một miếng pa tê gan béo ngậy và ly cà phê đen đường.
Sang đến Mỹ thì lại có thói quen là cà phê với bánh cam vòng (doughnut & coffee). Ghé qua tiệm, mua vội một ly cà phê và dăm chiếc doughnut.
Nhưng xin thưa, những thói quen đó đều không tốt lắm, vì tuổi cao rồi, ăn như vậy e rằng hơi nhiều. Cho nên cũng cần ăn sáng khác đi.
Chúng ta nên đưa rau, trái cây, ngũ cốc còn một phần vỏ (whole grain) vào giữa đĩa ăn điểm tâm và đầy đạm động vật sang cạnh đĩa. Rau trái cây cũng có nhiều chất đạm thực vật dễ tiêu hóa và nhiều chất xơ. Ăn như vậy giúp ta ăn bữa cơm tối ngon hơn.
Ta có thể mua sẵn mấy hộp hạt ngũ cốc khô, một bình sữa ít cholesterol, dăm lọ yogurt ít béo để dành dùng dần mỗi sáng. Chỉ việc rót sữa vào cereals rồi ăn.
Hoặc nấu sẵn nồi xôi, chia làm nhiều phần cất trong tủ lạnh. Sáng ra, bỏ vào hâm nóng trong microwave, rắc thìa muối vừng, ít thịt chà bông. Vừa lành mạnh, vừa ngon, vừa tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Hoặc một cốc mỳ ăn liền, cho thêm vài nhánh rau cải luộc sẵn, chỉ việc châm nước sôi vào là có bát mì nóng hổi, vừa ăn vừa thổi.
Một bát cháo nóng, đập thêm quả trứng gà cũng là món điểm tâm lý tưởng. Nhưng chỉ nên trứng gà tuần vài lần thôi, kẻo cholesterol có thể lên cao.
Hoặc tối hôm trước còn dư vài miếng cá kho, thịt rim, ta làm bát cơm nguội với món ăn còn lại này hoặc cơm nguội muối vừng, vừa thơm vừa lành mạnh.
Đây chỉ là những gợi ý. Xin ông và quý vị độc giả “du di chiến thuật”, thay đổi để có bữa ăn sáng thích hợp với tình trạng sức khỏe mỗi người.
Chúc ông và gia đình mọi sự bình an.

Bệnh chân - tay - miệng
Hỏi

Chào bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Tôi có người nhà mới từ Việt Nam về kể lại rằng bên đó đang có bệnh tay chân miệng gì đó, thấy nói nguy hiểm lắm. Tôi cứ sợ là người này mang bệnh về bên đây. Bác sĩ vui lòng cho tôi biết bệnh này là bệnh gì mà lạ vậy, ngày xưa khi còn quốc gia, tôi chưa từng nghe nói. Và bệnh có hay lây không. Bên Mỹ có bệnh này hay không. Cảm ơn bác sĩ nhé.

- Trần H (Plano)
Đáp

Thưa Ông,

Đúng như người nhà ông nói, hiện nay bệnh gọi là Chân Tay Miệng đang xuất hiện tại Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam như Sài Gòn, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Ninh Thuận, Quy Nhơn, Đà Nẵng và sẽ xảy ra ở các tỉnh phía Bắc khi thời tiết ấm nắng. Bệnh này rất hay lây ông ạ. Nếu người nhà của ông mà đến thăm các địa phương kể trên thì cũng có thể bị lây bệnh, nhưng theo các nhà chuyên môn thì bệnh thường thấy ở trẻ em hơn là người lớn. Hơn nữa nếu người nhà ông về bên đây cả mấy tuần rồi mà không có dấu hiệu bệnh, thì tôi nghĩ là không bị lây.
Sau đây, tôi xin gửi ông cũng như độc mấy hiểu biết về bệnh này, để bà con nếu có về Việt Nam hoặc mấy quốc gia lân cận, biết để đề phòng.
Bệnh Chân Tay Miệng tiếng Mỹ gọi là Foot-Hand- Mouth disease vì các triệu chứng chính của bệnh xuất hiện ở các nơi này của cơ thể. Bệnh do virus, gây ra.
Bệnh xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, theo mùa tại vùng có khí hậu ôn hòa nhiều nhất vào cuối Hè đầu Thu. Vùng nhiệt đới bệnh có quanh năm. Ngay tại Hoa Kỳ cũng có bệnh nhưng hiếm lắm. Tại các quốc gia yếu kém về kinh tế, trẻ đã bị nhiễm bệnh ngay từ tấm bé trong khi đó tại nơi có nền kinh tế khá hơn thì bệnh xuất hiện trễ, ở tuổi trung niên.
Tác nhân Enterovirus tập trung trong đường ruột người bệnh và tồn tại trong phân từ 1-18 tuần lễ sau khi lành bệnh, trong miệng từ 1- 4 tuần lễ. Virus cũng tìm thấy trong đất cát, nước, rau, tôm cua và là nguồn lây lan bệnh qua ăn uống với thực phẩm nhiễm virus.
Triệu chứng:
Tay Chân Miệng có các dấu hiệu đặc biệt ở miệng và chân tay.
Bệnh bắt đầu với cơn sốt nhẹ, người bệnh thấy mệt mỏi, chán ăn uống. Vài ngày sau, trên da nổi lên những chấm ban đỏ rất nhỏ, chừng vài mm. Các chấm này sẽ lớn lên thành mụn nước hoặc mủ mầu trắng đục, hình bầu dục với viền mầu đỏ. Dấu hiệu trên da tập trung ở:
- Trong lòng bàn tay, ngón tay
- Gan bàn chân, ngón chân
- Hai bên miệng, lưỡi, nướu răng, cuống họng có những vết loét lở.
- Bóng nước đôi khi có ở hai bên mông hoặc các vùng khác của cơ thể.
Các vết trên da không gây ngứa nhưng hơi đau khi đè ngón tay lên.
Loét trong miệng và cuống họng gây đau, khiến cho bệnh nhân từ chối ăn, uống và có thể đưa tới thiếu nước cơ thể.
Nói chung bệnh Chân Tay Miệng không trầm trọng và hầu hết bình phục sau một tuần lễ.
Lây lan bệnh

Bệnh lây lan vừa phải từ người qua người, do tiếp xúc trực tiếp với nước mũi, nước miếng, nước từ các bóng nước, khi bệnh nhân hắt hơi, nhảy mũi và trong phân người bệnh.


Những ngày đầu của bệnh là thời gian lây lan mạnh nhất. Là bệnh nhiễm nhưng không phải ai nhiễm virus cũng bị bệnh. Trẻ em dưới 10 tuổi thường hay bị bệnh hơn cả vì các em chưa có hệ thống miễn dịch hoàn hảo.

Trẻ em sinh hoạt chung với nhau ở nhà giữ trẻ, mầm non, trường học cũng là môi trường tốt cho bệnh lan truyền từ em này sang em khác.


Chẩn đoán:
Chẩn đoán căn cứ trên tuổi tác của bệnh nhân, các dấu hiệu của bệnh, khám miệng và quan sát các mụn nước trên da.
Đôi khi, bác sĩ cũng làm thử nghiệm kiếm tác nhân gây bệnh với mẫu phết cuống họng và phân người bệnh. Trên thực tế, vì cần nhiều ngày mới có kết quả nên thử nghiệm ít khi được áp dụng.
Điều trị:
Bệnh Tay Chân Miệng thường không cần điều trị vì đa số tự lành trong thời gian từ 7-10 ngày.
Bệnh không điều trị bằng kháng sinh vì kháng sinh không công hiệu với virus.
Bệnh có thể chữa và chăm sóc tại nhà với:
- Trẻ tham dự mẫu giáo, mầm non bị bệnh nên để ở nhà để tránh lan bệnh cho trẻ khác
- Cho trẻ uống nhiều nước lạnh để tránh khô nước. Có thể cho trẻ ăn kem, que nước đá có hương vị (popsicles).
- Để tránh đau thêm cho các vết lở ở miệng, không cho uống nước có chất chua hoặc cay, như nước cam hoặc thức ăn cứng.
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng lỏng, tránh thực phẩm còn quá nóng.
- Giảm sốt và đau cơ thể với thuốc chống đau acetaminophen (Tylenol, paracetamol) hoặc ibuprofen (Advil).
- Không cho bé uống aspirin vì thuốc này có thể gây ra hội chứng Reyes rất trầm trọng với tổn thương hệ thần kinh.
- Nếu trẻ súc miệng được, súc miệng với dung dịch nước muối (một thìa muối pha trong một ly nước ấm) để giảm đau lở loét trong miệng.
- Thoa kem gây tê trên vết thương ngoài da.
- Không làm vỡ bóng nước để tránh nhiễm độc với các vi khuẩn khác. Bình thường, bóng nước tự khô lành trong mươi ngày.
- Tránh tiếp xúc với chất lỏng của mụn nước, có rất nhiều virus.
Phòng tránh
Hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa bệnh Chân Tay Miệng.
Ý kiến chung là bệnh Chân, Tay, Miệng cũng hơi trở ngại trong việc phòng tránh vì đa số nguồn gây bệnh không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, nếu giữ gìn được vệ sinh cá nhân thì nguy cơ lây nhiễm bệnh giảm rất nhiều.

Sau đây là các điều cần làm:


- Hướng dẫn mọi người trong nhà nên rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi thay tã cho trẻ bị bệnh vì virus có thể còn sống trong phân cả nhiều tuần lễ sau khi bệnh lành.
- Đừng để trẻ em chơi chung đồ chơi với trẻ khác
- Không ôm hôn khi trẻ đang bị bệnh.
- Hướng dẫn trẻ che mũi miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng giấy lau rồi vất riêng.
- Mang bao tay cao su khi thoa phấn, kem, chăm sóc thay tã cho trẻ.
- Tẩy rửa bàn ghế, sàn nhà, vật dụng nhiễm virus với dung dịch nước pha với chất tẩy chlorine.
- Không dùng chung chén bát, đũa thìa, khăn mặt với người bệnh.
- Trẻ em bị bệnh nên giữ ở nhà. Gia đình nên thông báo với trường học, lớp mẫu giáo, mầm non về tình trạng bệnh của con em.
- Trẻ bị bệnh chỉ nên trở lại trường sau 2 tuần lễ hết dấu hiệu, triệu chứng.
Hy vọng là các dữ kiện kể trên giúp ông và quý vị độc giả hiểu rõ về bệnh Chân-Tay-Miệng này.
Trở lại với trường hợp của người nhà của ông, nếu cho tới hôm nay mà không thấy dấu hiệu trên da như kể trên, thì tôi nghĩ là an toàn.
Chúc ông và gia đình vui vẻ khỏe mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

www.bsnguyenyduc.com

Tuyển tập Videos Sống Vui Sống Khoẻ

Vài hàng giới thiệu : Xin trân trọng giới thiệu tuyển tập Videos "Sống Vui Sống Khoẻ" của BS Nguyễn Ý Đức. Tuyển tập này là những bài nói chuyện hữu ích về y tế, dinh dưỡng và sức khoẻ của BS Nguyễn Ý Đức trên các đài truyền hình được đưa lên Internet. Cùng với bộ sách "Câu Chuyện Thầy Lang" và những ấn phẩm đã được xuất bản, những bài viết trên Internet, tuyển tập Videos "Sống Vui Sống Khoẻ" này sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích, đóng góp vào việc cải thiện vấn đề sức khỏe cho cộng đồng người Việt Nam khắp nơi.


tải về 0.6 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương