Bán nguyệt san – Số 262 – Chúa nhật 22. 11. 2015



tải về 411.48 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu10.09.2016
Kích411.48 Kb.
#31957
1   2   3   4

BÀI KHAI MẠC

Trọng kính Quý Đức Cha,



Kính thưa Quý Cha,
Trước hết, con xin hết lòng cám ơn Chúa, cám ơn hai Đức Cha và Đức Cha Ban Mê Thuật, cùng tất cả quý cha đã cho con cơ hội đến với Hưng Hóa, một giáo phận có đơn vị hành chánh rộng lớn nhất, trải dài qua 9 tỉnh và ở tuyến đầu truyền giáo gian khó nhất của Giáo Hội Việt Nam, mỗi cha coi sóc bình quân 3 ngàn giáo dân và gần 70 ngàn lương dân, có cha coi sóc trên một địa bàn rộng cả trăm cây số, và nơi xa Tòa Giám Mục nhất đến 750 cây số, mà đường sá thì khó khăn băng đèo vượt suối, nguyên việc dưỡng giáo đã quá tải rồi, còn nói chi đến việc truyền giáo. Lòng con rất ngưỡng mộ và biết ơn khi được cùng quý cha cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau trong mấy ngày tĩnh tâm ngắn ngủi này. Ngoài ra, con rất vui được gặp lại các cha mà con được quen biết ở ĐCV. Hà Nội trong những năm 1999-2013. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
Tình cảnh của chúng ta hôm nay cũng giống như tình cảnh của các tông đồ ngày xưa: “các ông tụ họp chung quanh Chúa Giêsu, kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút12. Chúng ta cũng được mời gọi lánh riêng ra khỏi môi trường mục vụ thường ngày để tĩnh tâm năm, mà cốt lõi là đích thân gặp gỡ Chúa, sống với Chúa, xây dựng và củng cố đời sống nội tâm thiêng liêng, lo việc rỗi linh hồn của mình, vì không ai khác có thể làm thay cho chúng ta được, kẻo như thánh Phaolô lo sợ “sau khi rao giảng cho người khác được cứu độ mà chính tôi lại phải hư mất13. Đây cũng là lúc Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta đặt lên bàn cân “được lời lãi cả và thế gian mà thiệt mất linh hồn thì lấy gì mà bù lại cho được?14
Như vậy, trong những ngày này chúng ta được mời gọi gác lại mọi công việc ở nhà, mọi mối bận tâm lo lắng cho giáo xứ và đoàn chiên, tín thác rằng nếu chúng ta theo sát Chúa thì chính Chúa theo sát đàn chiên của chúng ta ở nhà và dẫn dắt bảo vệ họ, như thánh Phanxicô đệ Salêsiô nói “ai làm việc của Chúa thì Chúa sẽ làm việc của người ấy”, mà Chúa làm thì chắc chắn hơn chúng ta làm. Còn thánh Carôlô Bôrômêô thì chất vấn: “Bạn coi sóc các linh hồn ư? Đừng vì thế mà bỏ bê chính mình, cũng đừng phung phí tất cả cho người khác đến độ không giữ gì cho bạn cả, vì phải nhớ rằng coi sóc các linh hồn, nhưng không được quên bản thân mình15.
Kim Chỉ Nam về tác vụ và đời sống linh mục của Bộ Giáo Sĩ dạy rằng kỳ tĩnh tâm hằng năm phải được sống như là những thời gian cầu nguyện, chứ không phải như những giáo trình cập nhật về thần học và mục vụ; phải dành những khoảng thời gian lớn cho sự thinh lặng và cầu nguyện, chăm lo cách đặc biệt cho các cử hành phụng vụ, bí tích sám hối, chầu Thánh Thể, việc linh hướng và các hành vi sùng kính dành cho Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc16. Chắc chắn quí cha đã học, đã đọc, đã biết hết rồi, và con sẽ không mang lại kỹ năng mục vụ gì mới mẻ hay suy tư thần học cao siêu nào hết. Xin quí cha đừng chờ đợi những thứ đó để khỏi phải thất vọng. Con chỉ xin được cùng quí cha đọc lại, ôn lại, nhớ lại với nhau những gì Lời Chúa và huấn quyền Giáo Hội dạy, trong bầu khí và ơn ban tĩnh tâm, vì cái quan trọng là chúng ta cùng ngồi lại bên nhau, cùng nhau cầu nguyện với Chúa, lắng nghe Chúa và để Thánh Thần Chúa hoạt động trong chúng ta.
Chúng ta sẽ tích cực tạo cho mình và cho anh em không những cuộc sống thinh lặng, mà còn sự thinh lặng của cuộc sống nữa, là cái thiết yếu cho một cuộc tĩnh tâm hiệu quả, nghĩa là chúng ta sẽ vào tĩnh tâm với tất cả con người mình, ở lại một mình với Chúa, và ra tĩnh tâm với một con người đã được biến đổi khác trước (Intrate toti, Manete soli, Exite alii). Để được vậy, hai Đức Cha mong muốn chúng ta giữ bầu khí thinh lặng cách triệt để, không sử dụng điện thoại, iphone (nhất là trong những giờ cử hành chung và hạn chế trong những lúc khác), có nhiều giờ thiêng liêng, cầu nguyện, xưng tội, giờ thánh... vì bầu khí tĩnh tâm quyết định chất lượng tĩnh tâm.
Như thế, trong mấy ngày này, chúng ta sẽ dành nhiều thời giờ hơn để nhận diện và duyệt xét lại cuộc đời và sứ vụ linh mục của chúng ta, với những lần Chúa can thiệp vào những hy vọng, những thất vọng, những niềm vui, những nỗi buồn, những kế hoạch thành công, những kế hoạch thất bại, và cả những yếu đuối tội lỗi của chúng ta; để ngắm nhìn ơn Chúa hoạt động, uốn nắn và đổi mới cuộc đời chúng ta; để chiêm ngưỡng lòng nhân hậu của Chúa hằng nâng chúng ta dậy; để lắng nghe Chúa thổ lộ tình yêu và lặp lại lời mời gọi chúng ta theo Ngài; để kiểm điểm và thẩm định cách chúng ta đã đáp trả khi Chúa ngỏ lời với chúng ta, kêu gọi chúng ta, muốn chúng ta sống mật thiết hơn với Ngài; để trái tim chúng ta hoà nhịp với Thánh Tâm Chúa, hầu đưa những mối tương quan và tình cảm của chúng ta vào trong quỹ đạo tình yêu của Chúa; để nhờ đó chúng ta được quay trở về, bắt đầu lại, canh tân, tiếp tục hành trình, và tiến bước quyết liệt hơn từ đây.
Đó cũng là điều nhắm đến của Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót mà ĐTC Phanxicô đã tuyên bố thiết lập và sẽ khai mạc vào ngày 8/12 tới đây, hầu giúp Giáo Hội trở nên dấu chỉ lòng thương xót của Chúa, sau khi đã cảm nghiệm lòng thương xót vô biên của Chúa Cha, để thay đổi cuộc sống của con người: “Trong Năm Thánh này, xin cho Giáo hội biết vọng lại lời Chúa đang vang lên mạnh mẽ và rõ ràng như một sứ điệp và dấu chỉ của sự tha thứ, sức mạnh, sự trợ giúp và tình yêu. Xin cho Giáo hội đừng bao giờ mệt mỏi mở rộng lòng thương xót, và luôn kiên nhẫn khi ban phát lòng xót thương và sự an ủi. Xin cho Giáo hội trở nên tiếng nói của mỗi người, nam cũng như nữ, và tin tưởng lặp lại không ngừng: “Lạy Chúa, xin nhớ lại lòng thương xót và tình yêu bền vững Ngài vẫn có từ muôn muôn thuở17.
ĐTC Phanxicô chia sẻ đời sống cầu nguyện của ngài: buổi sáng cầu nguyện giờ kinh Phụng Vụ, dâng thánh lễ, rồi lần chuỗi Mân Côi; và điều ngài thích nhất là chầu Chúa một giờ mỗi buổi tối từ 7 đến 8 giờ, cho dù có lúc bị chia trí và nghĩ đến những điều khác, thậm chí buồn ngủ. Chính ngài đã kêu gọi tổ chức và chủ sự những Giờ Chầu Thánh Thể đồng loạt trên khắp thế giới, chẳng hạn như giờ chầu Thánh Thể ngày 2/6/2013 trong Năm Đức Tin và đêm canh thức chầu Thánh Thể cầu nguyện cho Hòa Bình Trung Đông ngày 6/9/2013, v.v… Vậy chớ gì trong tuần tĩnh tâm năm này, như chương trình đã hoạch định, ngày nào trước khi nghỉ đêm chúng ta cũng dành một giờ thánh, đa phần thinh lặng bên nhau cầu nguyện riêng trước Thánh Thể được đặt lên trong hào quang, trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu với ba môn đệ thân tín trong Vườn Giếtsêmani: “Các con không thể thức được với Thầy một giờ sao?18 vì “việc thờ lạy Thánh Thể là lý do hy vọng làm cho Giáo Hội lớn lên và đâm rễ bền vững”19. Mỗi người sẽ dùng tư thế cầu nguyện mà cơ thể cảm thấy thuận tiện nhất cho mình và không gây phiền cho anh em, kể cả với hy sinh hãm mình như Môsê giang tay cầu nguyện trên núi khi dân Israel đánh với quân Amalếc.
Trong những thời khắc trước Thánh Thể đó, ĐTC Phanxicô mời gọi chúng ta “hãy để cho mình được Chúa nhìn. Điều này rất quan trọng, vì nó sưởi ấm tâm hồn chúng ta, giữ cho ngọn lửa tình bằng hữu với Chúa được cháy mãi, làm cho chúng ta cảm thấy Người thực sự gần gũi và yêu thương chúng ta... Hãy để cho lửa của Người sưởi ấm tâm hồn chúng ta. Vì nếu trong tâm hồn chúng ta không có hơi ấm của Thiên Chúa, thì làm sao chúng ta là những tội nhân nghèo hèn lại có thể sưởi ấm tâm hồn của những người khác được?20 Có người chia sẻ: “Giờ chầu Thánh Thể đã mở lòng tôi ra với Chúa. Ngài trở thành trọng tâm đời sống của tôi, nếu không muốn nói là lẽ sống của tôi. Tôi cảm thấy như được ngọn lửa tông đồ đốt cháy, và không bao giờ ngừng cháy trong lòng tôi21.
Trong thời khắc trầm lắng này, Chúa Giêsu Thánh Thể dường như thì thầm lặp lại lời mời gọi “Hỡi tất cả những ai vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho, và tâm hồn các con sẽ được bình an22. Và thánh Phêrô khuyên: “Trong khi cầu nguyện, anh em hãy trao trút nỗi lòng của anh em cho Chúa, vì Ngài hằng thương yêu chăm sóc đến anh em23. Chúng ta hãy trao trút cho Chúa, không chỉ gánh nặng trên thân xác, dù là gánh nặng mục vụ, mà nhất là gánh nặng trên tâm hồn, trên lương tâm, để Ngài tha thứ và đỡ nâng chúng ta. Vì “mỗi người trong chúng ta đều có chỗ trong lòng Chúa, Ngài biết đích danh chúng ta, chăm sóc và đi tìm chúng ta mỗi khi chúng ta lìa bỏ Ngài. Chúa quan tâm đến mỗi người chúng ta; tình yêu của Ngài không cho phép Ngài dửng dưng với những gì xảy đến với chúng ta”24.
Chúng ta sẽ buông lỏng mình, không quá bận tâm đến thời gian, không nóng lòng xem đồng hồ. Chúng ta sẽ thư thả hỏi Chúa và lắng nghe Chúa, song kỳ thực là tự hỏi lòng mình và trả lời cho chính mình, vì không phải lúc nào Chúa cũng nói điều chúng ta muốn nghe, mà là điều thực sự thiết yếu, vì Thiên Chúa toàn năng và khôn ngoan biết rõ chúng ta hơn chúng ta biết chính mình.

Chúng ta cùng ký thác cho Lòng Thương Xót của Chúa Cha, lòng nhân hậu của Thánh Tâm Chúa Giêsu, ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, sự bảo trợ hiền mẫu của Mẹ Maria, ơn trợ lực của thánh cả Giuse và gương sáng thúc đẩy của các thánh quan thầy của chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần tiếp tục cho đến kiện toàn ơn tĩnh tâm mà Ngài đã thương khởi sự với chúng ta và cho chúng ta, để chúng ta có thể can đảm ĐỐI MẶT VỚI CÁC THÁCH THỨC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC CỦA CHÚNG TA HÔM NAY, lắng nghe Chúa Thánh Thần để cùng nhau đọc được thực tại bằng con mắt đức tin và với trái tim của Thiên Chúa, luôn đặt trước mắt thiện ích của Giáo hội và nhớ rằng luật tối thượng là phần rỗi các linh hồn25. Amen.



Còn tiếp nhiều kỳ

 

VỀ MỤC LỤC



TỪ LẬP NGHIỆP ĐẾN HÔN NHÂN XƯA VÀ NAY

 

Đặt vấn đề



Từ ngàn xưa, ông cha ta đã coi trọng và rất thận trọng trong việc lập nghiệp cũng như dựng vợ gả chồng cho con cháu. Chính vì thế, các ngài đã để lại những trải nghiệm, những lời khuyên bảo quí báu qua những câu ca dao, tục ngữ thật ý nghĩa và sâu sắc:

Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà.



Trong ba việc đó thật là khó thay”.

Tìm hiểu việc lập nghiệp, dựng vợ gả chồng xưa và nay nó khó ra sao? Nó quan trọng thế nào? Chọn quan điểm nào trong hôn nhân? Tìm hiểu kỹ những vấn đề đó, sẽ giúp ta góp được một phần nhỏ trong việc tạo dựng hạnh phúc bền vững cho con cháu trong gia đình. Thiết nghĩ, đó là điều cần thiết.


Lập nghiệp ngày xưa, con trâu với người nông dân

Theo các nhà nghiên cứu cổ sinh vật học, dựa vào các mẫu hóa thạnh đã tìm thấy, thì con trâu đã được người nông dân thuần hóa thành gia súc, hết hoang dã, đã có khoảng từ 5000 đến 6000 năm trước đây. Hình ảnh con trâu đã gắn liền với đời sống người nông dân từ bao đời nay: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa” (Cadao). Con trâu, với người nông dân đã trở thành đôi bạn thân thiết giúp đỡ lẫn nhau: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta/ Cấy cầy vốn nghiệp nông gia/ Ta đây, trâu đấy ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn (Cadao).  Như thế, ngày xưa, trong nền kinh tế gần như hoàn toàn nông nghiệp, thì con trâu đã góp một phần quan trọng cho nhà nông: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, dù xã hội đó cũng đã phân chia ra các thành phần: Sĩ , nông, công , thương, nhưng nông dân vẫn là thành phần then chốt và đa số trong xã hội.

Vậy, vấn đề khó khăn ngày đó là phải chọn lựa được con trâu thật tốt mới có thể giúp nhà nông làm ăn khấm khá hơn. Để chọn được con trâu tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, qua kinh nghiệm lâu đời trong cuộc sống, người xưa đã đưa ra được các tiêu chuẩn lựa trâu tốt, xấu: “Trâu cổ cò, bò cổ giải (tốt); đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt; trâu trắng đến đâu, mất mùa đến đấy; trâu tốt thì: dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn…”. Mua trâu phải chọn ngày tháng và nơi có trâu tốt: “Tháng hai (tư) đi tậu trâu bò/ Cầy cho đất ải mạ mùa ta gieo; Cống làng Tô, Trâu bò làng Hệ (Thái Binh)…
Lập nghiệp ngày nay: Vốn kiến thức, nghề nghiệp

Ngày nay, những nước công nghiệp thì thành phần nông dân chỉ còn chiếm khoảng từ 10% đến 20% dân số. Nhân loại đang bước vào giai đoạn nền kinh tế tri thức. Chính những thông tin quan trọng khi nắm bắt được, nó đã trở thành hàng hóa vô cùng giá trị. Sự lập nghiệp hôm nay, không còn nhất thiết phải là con trâu, hay đàn trâu năm ba trăm con nữa, mà là vốn kiến thức, là nghề nghiệp. Vốn kiến thức chỉ có thể có được qua con đường duy nhất là học tập, không có con đường khác. Học tập, nếu không có điều kiện tới trường, ta có thể tự học, học nơi sách vở, học nơi bạn bè, học nơi xã hội, và trường đời là đại học lớn nhất của nhân loại…Nhiều người đã thành công từ con đường tự học…

Cái khó khăn ở đây là kho tàng kiến thức của loài người đến hôm nay hầu như vô tận. Việc còn lại là ta có đủ sáng suốt, nghị lực, ý chí, bản lãnh để chọn lựa nhà trường, ông thầy, sách, kiến thức…để chiếm lĩnh một phần tri thức khoa học giá trị chân chính, không mang tính ngụy biện, áp đặt của nhân loại hôm nay hay không? Đồng thời vận dụng những kiến thức khoa học chân chính đó như thế nào trong cuộc sống để đem lại hạnh phúc cho ta và đồng loại? Vua Salômon, vị vua thông thái đã có câu nói trứ danh để giúp ta hiểu biết rõ hơn trong việc lựa chọn những kiến thức cần phải học: “Vấn đề nào cũng có thời gian của nó”. Lịch sử của nhân loại đã chứng minh bao tà thuyết, ngụy biện, áp đặt… đã dần bị tàn lụi và đi vào quá khứ, Sự thật chính là chân lý mãi mãi tồn tại. Như thế, lập nghiệp hôm nay, trong một thế giới đang trong chiều hướng hội nhập sâu, thì cần đến vốn kiến thức chuyên sâu trong từng lãnh vực,  tạo được nghề nghiệp ổn định và phát triển. Điều đó cần có cái tâm trong sáng, cái tầm hiểu biết sâu rộng…

Quả thực, con đường lập nghiệp ngày nay rộng thênh thang, nhưng cũng khó khăn vô vàn, so với cách lập nghiệp xưa kia. Bởi lẽ, xà hội hôm nay trập trùng bóng tối và ánh sáng; thiện dữ lẫn lộn; trung thực thẳng thắn và gian dối đan xen. Người đời đã nói: Thẳng thắn thường thua thiệt; lươn lẹo lại lên lương…

Thông thường, sau khi đã có nghề nghiệp ổn định, sự nghiệp vững vàng, người ta mới nghĩ đến việc hôn nhân. Vì thế, người xưa đã nói: Đai đăng khoa rồi đến tiểu đăng khoa, có nghĩa là sau khi đã đỗ đạt, có danh phận, có nghề nghiệp, mới tiến tới việc hôn nhân. Ta cùng tìm hiểu việc hôn nhân xưa và nay khác nhau ra sao.
Khái quát những khác biệt giữa hôn nhân xưa và nay

Nhìn chung, vấn đề hôn nhân ngày nay đã có nhiều tiến bộ hơn thời xưa: Tuổi đính hôn ngày xưa chỉ là: “gái thập tam, nam thập lục”. Vì thế, xã hội thời đó đã có: “Lấy chồng từ thuở mười ba/ Đến khi mười tám thiếp đà năm con/ Ra đường thiếp hãy còn son/ Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng” (Cadao). Đôi khi, tôi được biết ngày nay vẫn có những cuộc tình trong sáng và đẹp hơn pha lê, thánh thiện như thiên thần ở tuổi 13, 16, khi họ chỉ mới trao nhau ánh mắt yêu thương, chưa hề nắm tay và hôn nhau, thế mà, vấn vương cả đời…!!! Trong khi, luật hôn nhân của xà hội hôm nay, đòi buộc nữ phải đủ mười tám tuổi, nam đủ hai mươi tuổi. Ngày xưa, theo chế độ đa thê, thì ngày nay nhiều nơi đã theo chế độ một vợ một chồng. Xưa kia, con cái gần như không có tự do lựa chọn người phối ngẫu: “Cha mẹ đặt đâu, con cái ngồi đó”. Ngày nay quyền tự do lựa chọn của con cái được tôn trọng…

Có điều, từ ngàn xưa, hôn nhân vẫn mang mục đích là sinh con cái để “nối dõi tông đường” và giống nòi. Đó là điều thật chính đáng. Nhưng tiếc thay, ngày nay, đã có nhiều nước trên thế giới, cho phép thực hiện hôn nhân đồng tính, làm mất hết ý nghĩa, và mục đích chính đáng cao đẹp của hôn nhân. Tôi nghĩ đó là khác biệt lớn nhất và buồn nhất cho nhân loại hôm nay, mặc dù thế giới đang có một nền văn minh vượt bực so với thời ông cha chúng ta…

Hiện, có quá nhiều quan điểm khác nhau về hôn nhân đang được nhiều quốc gia trên thế giới cho phép, dẫn đến biết bao tệ nạn xã hội như: nạn phá thai qúa nhiều, coi thường sự sống của các thai nhi; Việc ly di diễn ra tràn lan trên khắp thế giới (xã hội cho phép); hôn nhân đồng tính làm mất mục đích và ý nghĩa của hôn nhân chân chính (hơn  20 quốc gia cho phép)…Gia đình chưa bao giờ khủng khoảng như hiện nay. Với những quan điểm về hôn nhân khác nhau và lệch lạc như thế, ta cùng tìm hiểu khái quát quan điểm, đặc tính hôn nhân Công Giáo với hy vọng cứu vãn được sự băng hoại về hôn nhân của nhân loại hôm nay.


Những nét cơ bản trong hôn nhân Công Giáo

Có thể nói, nguồn gốc, ý nghĩa, mục đích, đặc tính của hôn nhân Công Giáo đều bắt nguồn từ Kinh Thánh, mà Kính Thánh chính là lời của Thiên Chúa dạy bảo con người. Lời dạy bảo đó đã có ngay từ thuở tạo thiên lập địa, được mô tả trong phần Cựu Ước, và trở nên trọn vẹn trong phần Tân Ước khi Chúa Giêsu nhập thế cứu chuộc loài người.

Từ cội nguồn trong Cựu Ước Thiên Chúa đã phán: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27) Tiếp đến Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó ….. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người…Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 18-24). Khởi đầu Thiên Chúa chỉ dựng một Adam và một Eva. Chính vì thế, Hôn nhân Công Giáo có đặc tính là: đơn hôn và vĩnh hôn (Một nam, một nữ; và ở với nhau suốt đời). Thú thực, mỗi lần tổ chức đám cưới cho con cháu, hay đi dự đám cưới tôi thường bị cuốn hút bởi đoạn Kinh Thánh trên đây. Vì chính đoạn Kinh Thánh này đã giúp tôi ngộ ra sự kỳ diệu lạ lùng giữa tình yêu nam nữ đến nỗi đôi trai gái đã bỏ cha bỏ mẹ mình, bỏ tổ ấm gia đình mình, mà họ đã sống bao năm êm đềm để tạo một gia đình mới, vì một tình yêu mới, tình yêu nam nữ, họ sống với nhau …!!!

Mục đích của hôn nhân Công Giáo là vợ chồng trọn đời yêu nhau, sinh sản và giáo dục con cái để nối dõi tông đường, giúp nhau nên thánh: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1, 28). Chính vì thế, luật hôn nhân bên Giáo hội Công Giáo không cho phép phá thai, không chấp nhận hôn nhân đồng tính vì không sinh con để cái. Ngay cả vấn đề ngừa thai Giáo hội chỉ cho phép sử dụng các phương pháp điều hòa sinh sản theo chu kỳ tự nhiên (Ogino- Knauss), đo thân nhiệt (Ferin), tự quan sát (Billings).

Và quan trọng hơn hết, Hôn nhân Công Giáo được gọi là Bí Tích Hôn nhân. Đây là một trong bảy Bí Tích do chính Thiên Chúa lập nên, vì thế, loài người không thể phá vỡ. Chính Đức Giêsu đã phán: “Vậy, sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10, 9). Hai bên nam, nữ  thật tự do, thong dong không bị ép buộc được sự chứng giám của hai người chứng, và tuyên hứa sống chung thủy với nhau suốt đời, lúc đó một vị linh mục mới làm phép cho đôi bạn thành vợ, thành chông. Chính nhờ sự suy nghĩ thấu đáo, sự học hỏi căn kẽ, cùng những ràng buộc chặt chẽ như thế, nên hôn nhân Công Giáo ít bị đổ vỡ.

Với người Công Giáo để được đón nhận bí tích hôn phối, họ cần học hỏi giáo lý hôn nhân từ ba đến sáu tháng, có khi tới một năm. Vì thế phần trình bầy trên chỉ mang tính căn bản và khái quát.


Phần kết:

Thánh Công Đồng Vaticano II báo động cách đây 50 năm trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et spes) phần phẩm giá cao quí của hôn nhân gia đinh: “Phẩm giá của định chế hôn nhân không phải ở đâu cũng tỏa sáng, nhưng đã bị lu mờ bởi chế độ đa thê, nạn ly dị, bởi thứ tình yêu mà người ta gọi là tự do luyến ái và những hình thức lệch lạc khác. Hơn nữa tinh yêu hôn nhân rất thường bị hoen ố bởi tính ích kỷ, chủ trương duy khoái lạc và những lạm dụng bất hợp pháp trong việc hạn chế sinh sản. Ngoài ra các hoàn cảnh hiện tại về kinh tế, xã hội, tâm lý và chính trị đang gây ra những xáo trộn trầm trọng nơi gia đinh” (Công Đồng Vaticano II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội)

Hiện tại, đã có nhiều nơi mà đạo đức suy thoái nghiêm trọng, bậc thang giá trị đang bị đảo lộn; nhiều nơi mà người ta quá chú tâm, đề cao, vật chất, sống thực dụng, bằng mọi thủ đoạn để có nhiều tiền bạc, có địa vị, có bằng cấp, mà bỏ qua hay coi nhẹ những giá trị tinh thần, nhân bản cao quí của con người; nhiều nơi mà đời sống gia đình đang có vấn đề lớn như ly dị, phá thai, hôn nhân đồng tính….Việc tìm hiểu để có một quan điểm đúng đắn trong vấn đề hôn nhân đã trở nên rất cần thiết hơn lúc nào hết cho mọi gia đinh, xã hội và nhân loại.

        

 Cursillista Inhaxio Đặng Phúc Minh

 

VỀ MỤC LỤC




tải về 411.48 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương