2, Đặc trưng của truyền hình 10



tải về 1.25 Mb.
trang10/17
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.25 Mb.
#13034
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   17

5, Tin truyền hình


5.1, Đặc điểm của tin truyền hình

Truyền hình là một loại hình báo chí đang có thế mạnh, được công chúng quan tâm và nó đã trở thành kênh thông tin không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Tuy không phải là loại hình ra đời sớm nhưng truyền hình đang ngày càng khẳng định vị trí của mình trong “làng báo chí”, nó đã và đang là phương tiện thông tin hữu hiệu. Trong truyền hình, việc tiếp nhận thông tin của khán giả xảy ra trên hai kênh, nó đáp ứng một lúc hai giác quan: mắt và tai điều mà khán giả hay công chúng quan tâm nhất vẫn là tin tức. Tuy nhiên, tin tức không đồng nghĩa với những thông báo quan trọng mà còn là hình thức thể hiện của báo chí, nó có những đặc điểm nhất định của nó. Ý nghĩa của tin tức xuất phát từ chức năng thông tin của các phương tiện truyền thông trong một xã hội tự do, dân chủ. Chính vì vậy, trên truyền hình, thể loại tin vẫn chiếm vị trí quan trọng và chủ yếu. Vậy tin truyền hình là như thế nào? Công việc của phóng viên truyền hình khác với phóng viên của các loại hình báo chí khác ra sao?


5.2, Tính thời sự của tin truyền hình


Thời đại ngày nay, truyền hình có mặt ở hầu hết mọi miền trên đất nước ta, truyền hình trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mọi người và linh hồn của các chương trình truyền hình chính là tin, song ở đây chúng ta chỉ bàn tới các dạng tin được sử dụng trong truyền hình.

Các chương trình thời sự luôn thu hút sự quan tâm của khán giả nhiều nhất, tiếp đến là các chuyên mục giải trí.

Mọi hình thức hoạt động của con người, mỗi nghề nghiệp đều bắt đầu từ những cơ sở nào đó, từ cái rất đơn giản. Trong quá trình hoàn thiện, những cơ sở ấy dẫn đến đỉnh cao của nghệ thuật nghiệp vụ. Nhà báo nhìn thấy điều gì đó đáng chú ý, phát hiện ra điều gì đó mà trước kia chưa biết, chú ý đến hiện tượng nào đó rồi thực hiện ghi lại vắn tắt, và thế là đã có thông tin dành cho các phương tiện thông tin đại chúng. Điều đó có nghĩa là bài ghi chép là thể loại thông tin của báo chí, bản tin ngắn, trong đó trình bày về một sự việc nào đó. Đó là thể loại chung của báo chí được sử dụng trong các ấn phẩm truyền hình, nhiều khi người ta còn gọi bản tin thời sự là bản tin ngắn. Bản tin thời sự là sự ghi lại những sự kiện lịch sử theo thời gian. Trong báo chí, thể loại thời sự là thông tin ngắn về sự việc, vậy nên bản tin ngắn và thời sự trở nên đồng nghĩa. Trong truyền hình, thể loại ấy bao gồm tin được phát bằng lời và bản tin bằng hình ảnh và những người làm truyền hình gọi đó là bản tin.

- Tin ngắn là thể thông tin phổ biến nhất, là yếu tố cơ bản trong các bản tin thời sự (các chương trình thời sự). Nếu dưới dạng lời viết hoặc lời nói thì tin ngắn được chuyển tải mà không cần đến hình ảnh, lý do cho việc sử dụng thể loại này là do tính chất khẩn trương đặc biệt, khi mà tin tức ấy là mối quan tâm tuyệt đối của tất cả mọi người, còn khâu ghi hình do nguyên nhân nào đó không thực hiện được (đường truyền lỗi, điều kiện khách quan…). Ví dụ như chúng ta đưa tin Chủ tịch nước Trần Đức Lương đi thăm hữu nghị nước Mỹ, hai vị lãnh đạo nhà nước Mỹ và Việt Nam có một số thoả thuận về kinh tế mang lại lợi ích chung cho hai đất nước, lẽ ra tin này cần được truyền về ngay lập tức nhưng do không thể truyền được hình ảnh lúc đó nên phóng viên gọi điện hoặc gửi lời (nội dung cuộc nói chuyện) ấy về và phát trên truyền hình có lời nhưng hình ảnh có thể chỉ là một bức ảnh hoặc phát thanh viên đọc trực tiếp.

Công việc chuẩn bị và phát sóng chương trình thời sự, bản tin tập trung, quy tụ vào khâu lựa chọn, biên tập và cắt gọn hình ảnh. Những tin trong bản tin này thường không quá một phút rưỡi, trong chương trình có đan xen một hoặc hai tin dài (được xem là phóng sự) về tin chủ chốt, tin “đinh” của chương trình.

Có thể phân chia một cách ước lệ các nội dung thông tin phản ảnh thành hai loại:



Một là, thông tin về một sự kiện chính thức, có tính chất truyền thống về phương diện hình thức như: Kỳ họp Đại hội Đảng, cuộc họp báo của cơ quan nào đó… người quay phim cần có ngay bản sơ đồ dựng gồm một số cảnh quay hội trường, với kích cỡ chung, cảnh quay người phát biểu với cỡ hình lớn, cận cảnh, quay toàn bộ hội trường, những người tham dự, quay cảnh những người nghe đang ghi chép hoặc chú ý lắng nghe, quay những diễn biến chính của cuộc họp, diễn đàn… làm thành tài liệu hình ảnh và công việc tiếp theo là người phóng viên biên tập là dựng, cắt hình và viết lời bình.

Hai là, loại hình thông tin có kịch bản hay còn gọi là loại hình tác giả. Ở đây, thấy rõ hơn sự tham gia của nhà báo trong toàn bộ quá trình sáng tạo, sản xuất và ảnh hưởng của nó đến chất lượng thông tin. Tác giả lựa chọn hình ảnh, suy nghĩ trước tính chất của khâu quay phim và khâu dựng hình, phải có giải pháp tạo hình, mà thường là các tình tiết, về thực chất, nó chính là một phóng sự nhỏ (được coi là tin sâu).

Còn các tin trong một chuyên mục được xem là chùm tin, ví dụ như chương trình “3600 thể thao”, có rất nhiều tin ngắn chuyên về thể thao. Cũng ở trong chuyên mục như tiểu mục “Vòng quay 7 ngày”, chương trình “Sắc màu văn hoá” trong “Văn nghệ chủ nhật” được coi là bản tin tổng hợp, vì nó bao gồm các thể loại tin văn hoá, nghệ thuật, đời sống xã hội diễn ra trong tuần và kết cấu của nó cũng đúng như một bản tin, có các tin ngắn (dưới 1 phút) và có một tin “đinh” dài khoảng trên dưới 2 phút.

Những tin truyền hình cần được phân biệt giữa tin và bình luận. Giới hạn giữa các hình thức thể loại báo chí rất linh hoạt, cũng như ý đồ của thông tin, vì vậy phải tuân theo một nguyên tắc: đưa tin và bình luận luôn cần phân biệt rạch ròi. Sự phân biệt này có thể xem là thước đo của báo giới: “Sự thật là bất khả xâm phạm, bình luận là tự do”. Đưa tin là đưa tin mà không có lời bình luận cá nhân nào trong đó, phóng viên truyền hình được thể hiện “cái tôi” của mình thông qua tài năng lựa chọn và cắt gọn hình ảnh (điều này đang rất thiếu ở truyền hình Việt Nam), không thể lấy hình “vô tội vạ” rồi lắp vào một cái thông báo và “phát tin” được.

Một dạng tin đang phát triển trên truyền hình thời gian gần đây là tin Underline. Đó là những dòng chữ chạy ngang trên phông xanh đậm, không có lời bình hay đọc vì nó xuất hiện đồng thời với chương trình hay bản tin khác. Những tin này thường là những thông tin về giá cả thị trường, dự báo thời tiết, tỉ số bóng đá… Dạng tin này cũng có ưu điểm đó là liền một lúc mang lại cho người xem nhiều thông tin, song nó cũng làm gián đoạn sự theo dõi tin đang phát của khán giả vì phải chú tâm vào đọc các dòng chữ chạy.


5.3, Ngôn ngữ tin tức

Ngôn ngữ tin truyền hình chính là âm thanh và hình ảnh, tư liệu hình ảnh do phóng viên, quay phim đảm nhiệm, nhưng phần quan trọng hơn cả lại là của phóng viên biên tập, họ sẽ là người lựa chọn hình ảnh và viết lời bình. Nhữngtin mang tính chất thông báo, tin ngắn tưởng chừng như rất đơn giản nhưng cũng khá phức tạp, đòi hỏi người phóng viên phải có tác nghiệp chuyên sâu về truyền hình. Tin tức đòi hỏi sự súc tích, ngắn gọn, đơn giản và rõ ràng của ngôn ngữ, cần bỏ qua tất cả những gì không thật sự cần thiết.

Khi viết lời bình, điều cần lưu ý đó là sự khác biệt giữa lời nói và văn viết. Ngay cả những tài liệu có tính chất biên bản cũng cần được “nhân cách hoá” làm cho chúng bớt khô khan. Muốn vậy, cần phải tránh những câu viết dài dòng, từ vựng truyền hình không dung nạp những câu chữ kiểu bàn giấy, những thuật ngữ chuyên nghiệp và những thuật ngữ thuần tuý khoa học. Tuy nhiên, đa ngôn và hoa mĩ cũng không có đất ở đây cũng như các ý tưởng cường điệu hoặc võ đoán, cả những cụm từ dùng để ví von, so sánh cũng cần hạn chế. Các câu trong tin tức nên viết ở thể chủ động và có cấu trúc đơn giản: chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ. Mặt khác, cũng cần chú ý rằng, không chỉ sử dụng những mệnh đề chính ngắn gọn kế tiếp nhau, mà cũng cần sử dụng các cấu trúc câu có mệnh đề chính và mệnh đề phụ.

Cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các phương tiện truyền thông cùng với những khả năng mới về kỹ thuật đã dẫn đến việc giới thiệu của thông tin trở nên quan trọng. Các tin dù là tin ngắn cũng cần có “tít”, đó chính là lời giới thiệu tin của người dẫn chương trình, kể cả chương trình thời sự. Việc biên tập của người dẫn chương trình tin cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, phải có lời giới thiệu làm cho người xem truyền hình thấy quan tâm và chuyển kênh. Bên cạnh đó, cũng phải kể tới đó là chất giọng đọc lời bình, có xu hướng ngày nay là người đọc lời bình của một bản tin cũng chính là người viết, lời bình này được ghi trước phát sóng, nhịp độ giọng nói sẽ nhấn mạnh đặc trưng của tài liệu thông tin nào đó, đây cũng chính là chỉ số cho thấy nghệ thuật nghề nghiệp báo chí.

Một trong hai ngôn ngữ quan trọng nhất của Tin truyền hình đó là hình ảnh. Hình ảnh của tin cần phải có “trọng tâm”, đủ và đẹp (theo nghĩa gốc nghệ thuật). Hình ảnh cần phải rõ nét, khung hình chắc chắn, có một thực tế ngày nay là tin truyền hình của chúng ta hình ảnh quá kém, xấu và không thu hút người xem. Đơn giản, chỉ cần so sánh phần tin trong nước và quốc tế, chúng ta thấy rõ ngôn từ hình ảnh của chúng ta còn thua xa thế giới, phóng viên quay tin truyền hình cũng cần thực sự là một nghệ sĩ hình ảnh thực thụ chuyên nghiệp, cần có sự sáng tạo trong cách lấy hình để tạo nên những hình ảnh “đắt”. Đã có sự đánh giá tin, “tin đắt” và “tin nhạt”, điều này được đánh giá thông qua ngôn ngữ hình ảnh. Bằng hình ảnh và âm thanh (nhạc, tiếng động hiện trường, lời nói,…) làm cho khán giả hiểu đúng hay sai thực chất sự kiện, điều này cho thấy tầm quan trọng của ngôn ngữ hình ảnh.

Tuy nhiên cũng phải nhận định rằng, đối với tin truyền hình thì không thể thiếu ngôn ngữ hình ảnh và lời bình tin. Bởi nếu thông điệp chỉ được truyền đạt thông qua hình ảnh, hoặc chỉ qua lời bình mà thôi, thì luôn có hại cho tính đặc thù nghe nhìn của ngành truyền hình.


5.4, Một số yêu cầu đối với phóng viên làm tin truyền hình

Bất cứ một nhà báo nào cũng đều có những quy chuẩn về nghề nghiệp và đạo đức. Đối với phóng viên làm tin truyền hình cũng có một số yêu cầu riêng cho đặc trưng nghề nghiệp của mình.

Trước hết, là vấn đề phải hiểu rõ đặc trưng của truyền hình là loại hình thông tin có cả hình và tiếng, phục vụ nhu cầu thông tin bằng cả thính giác và thị giác cho công chúng. Điều này đòi hỏi phóng viên truyền hình ngoài tư duy ngôn ngữ phải có tư duy hình ảnh, thêm vào đó việc làm tin truyền hình phải có sự kết hợp của tập thể, không thể hoạt động riêng lẻ như báo viết và các thông tin đưa ra cũng phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi thực hiện.

Kể cả tin ngắn, phóng viên truyền hình cũng phải xác định ngay được là tin đó có thể đưa được không, cần khai thác ở mặt nào, cần phải lấy những hình ảnh nào để phục vụ ý tưởng thông điệp của mình.

Một vấn đề nữa, đó chính là sự nhạy cảm với sự kiện, phóng viên truyền hình phải ngay lập tức nắm bắt được nhân vật chủ chốt trong sự kiện để có thể ghi hình, phỏng vấn kịp thời và tạo nên “tin đắt”.

Phóng viên truyền hình còn phải làm quen với các thiết bị kỹ thuật đặc chủng của truyền hình như máy quay, bàn dựng, kỹ xảo… Đồng thời phải có kiến thức về những thiết bị ấy để thực hiện thao tác nghiệp vụ nhanh chóng và thuần thục, phục vụ nghề nghiệp tốt hơn.

Vấn đề quan trọng nữa của phóng viên truyền hình đó chính là đạo đức của người làm báo. Không được bóp méo sự thật, không vì lợi ích các nhân mà làm tổn hại cho xã hội, luôn tuân thủ các nguyên tắc nghề nghiệp báo chí.

Trong quá trình tác nghiệp, các phóng viên truyền hình luôn phải ghi nhớ rằng, chúng ta có hạn định về thời lượng phát sóng, nên chúng ta phải biết chọn lựa chọn thông tin nào nào là quan trọng nhất và “sử dụng” nó, nên nhớ, trong một tin chỉ có một thông tin quan trọng nhất, nếu có nhiều thông tin trong một bản tin sẽ bóp chết thông tin. Châm ngôn này được thẩm định thay cho lời bình luận, nhiều thông tin trong một tin sẽ làm bão hoà tất cả thông tin và khán giả sẽ “bực” khi không thấy thông tin nào là cần thiết và quên sạch những gì vừa xem. Phóng viên làm tin truyền hình không được phép “tham”.

Nhà báo phải làm thất bại hoặc né tránh những chiến lược truyền thông đi ngược lại nghề báo. Khả năng săn lùng nguồn thông tin, tìm ra những nhân vật không được đánh giá đúng trong diễn biến của những sự kiện đã làm cho công việc tăng thêm giá trị.

Tuy nhiên, những hạn chế về thời gian, khối lượng thông tin phải xử lý, tính chất phức tạp của những sự kiện phải theo dõi thường không cho phép các nhà báo lùi lại một chút để thảo luận xem cái gì đáng hoặc không đáng được xử lý. Vì vậy, cần phải có một êkíp làm việc ăn ý và người phóng viên cần có sự sáng tạo, chuyên nghiệp trong công việc.


KẾT LUẬN

Truyền hình không phải là một không gian thảo luận mà là một không gian để thể hiện: nó là phương tiện truyền thông đại chúng thiết yếu để phổ biến những mô hình văn hoá và giải thích thế giới. Những mô hình văn hoá này hoà nhập vào trong mỗi từ, mỗi hình ảnh, mỗi âm thanh do truyền hình phát ra, như trong những ngôn ngữ thường ngày. Tuy nhiên, việc tầm thường hoá những từ ngữ, cách giải thích và hình ảnh khuôn sáo sẽ chẳng giúp ích gì cho sự giải thích thế giới.

Truyền hình đã phát triển trên con đường khai thác các thể loại truyền thống. Mặc dù, sau đó nó phát triển theo con đường đan xen những thể loại ấy cho phù hợp với bản chất tạo hình - biểu cảm của mình, cũng như phù hợp với đặc điểm của quan hệ với công chúng, khán giả truyền hình. Nhưng dù cấu trúc của truyền hình có phức tạp như thế nào đi chăng nữa thì cơ sở của nó bao giờ cũng là những dấu hiệu thể loại ổn định. Đó chính là thể loại Tin.

Tin trên truyền hình luôn đóng vai trò quan trọng, bởi tin chính là nguồn gốc, chất liệu cho mọi thể loại báo chí khác. Với tất cả các dạng tin phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng khác, tin trên truyền hình còn được sáng tạo của những người làm truyền hình, làm cho tin truyền hình phong phú và đa dạng hơn, sự phát triển của nó không ngừng lớn mạnh để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của công chúng.




tải về 1.25 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương