100 truyện hay mầm chồi lá theo chủ đề



tải về 427.86 Kb.
trang8/8
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích427.86 Kb.
#38297
1   2   3   4   5   6   7   8
Nhưng mới nghe mẹ nói vậy, Thỏ út đã nghĩ thầm : « Thế thì mình cũng biết rồi » và không chú ý nghe mẹ nói nữa. Chú ngồi đấy nhưng còn mải nhìn theo con bươm bướm ngoài vườn nên chẳng biết mẹ còn dặn những điều gì nữa.
Mẹ giảng xong, ba anh em bắt đầu làm việc. Mỗi người phải trồng một luống rau nho nhỏ. Hai anh của Thỏ út cặm cụi cuốc đất, đập đất cho nhỏ tơi ra rồi mới gieo hạt, còn Thỏ út thì chỉ làm qua quýt rồi nhảy đi chơi.
Ít ngày sau, hạt giống nảy mầm. Những cây rau bé li ti hiện ra. Hai luống rau của các anh cây mọc đều, trông như những chiếc khăn màu xanh tươi phủ lên mặt đất, còn luống rau của Thỏ út thì cây mọc thưa thớt, cây cao cây thấp. Thế nhưng Thỏ út vẫn mải chơi chẳng chịu chăm bón gì cả.
Tới vụ thu hoạch, cây rau nào của các anh lá cũng to, củ cũng to, còn những cây rau của Thỏ út thì cằn cỗi vì thiếu nước, củ bé tí teo. Thỏ út xấu hổ quá, biết nói với mẹ thế nào bây giờ ?
Thấy vậy, Thỏ mẹ bảo :
- Nếu con chú ý nghe lời mẹ và chăm sóc vườn rau thì rau của con sẽ tươi tốt, đúng không ?
Sau vụ ấy, Thỏ út hỏi lại mẹ cách làm đất, vun luống, cách gieo hạt, cách chăm sóc cây rau ra sau rồi bắt đầu trồng lại luống rau khác.
Đúng như lời mẹ đã nói : « Phải biết cách trồng và chăm sóc tưới bón ». Lần này, rau của Thỏ út lớn rất nhanh. Đến vụ thu hoạch, Thỏ út chở về nhà những cây rau lá xanh non.
Thỏ út rất vui. Thỏ mẹ còn vui hơn vì thấy Thỏ út đả biết chăm chỉ và chịu khó làm việc.

SỰ TÍCH QUẢ DƯA HẤU


Ngày xưa, đất nước ta có núi cao, sông dài, biển rộng, trời đẹp, nắng vàng, nhưng dồng ruộng thưa thớt, hoa quả chưa có nhiều thứ thơm ngọt như bây giờ. Thời đó, có một người tên là Mai An Tiêm vốn làm ăn chăm chỉ, lại khéo tay, tháo vát nên được nhà vua yêu mến và nhận làm con nuôi.
Một hôm, trong bữa tiệc thiết khách, Mai An Tiêm vui vẻ nói :
- Nem công chả phượng của rừng của biển đều nhờ có tay người cầm cái nỏ, quăng cái lưới, đến cả hạt gạo ủ ra chén rượu này cũng do bàn tay con người làm nên cả.
Một viên quan trong triều vốn ghen ghét An Tiêm bèn về tâu với vua. Vua đùng đùng nổi giận, nói :
- Đã thế, ta cho nó thử trông cậy vào hai bàn tay xem có sống nổi không ?
Thế là một buổi sớm, vua ra lệnh đày cả nhà An Tiêm ra một hòn đảo hoang vu, không một bóng người, An Tiêm phải tìm một hốc đá để ở tạm.
Từ đấy, hằng ngày, An Tiêm đi bắn chim, còn nàng Ba, vợ An Tiêm thì ra bờ biển mò ngao, bắt cá làm thức ăn.
Bỗng một hôm, An Tiêm thấy một con chim xuất hiện trên hoang đảo. Con chim ăn một miếng quả lạ và nhả xuống những hạt nho nhỏ màu đen nhánh. An Tiêm nghĩ thầm : « Qủa mà chim ăn được thì chắc hẳn người cũng ăn được ». Chàng bèn nhặt những hạt đó và đem ươm vào một hốc đá rêu ẩm.
Ít ngày sau, hạt đã mọc mầm đâm lá, bò tỏa ra khắp khoảnh đất. Hai vợ chồng An Tiêm sớm chiều chăm bón những cây lạ đó. Chẳng bao lâu, cây nở hoa, hoa kết thành quả.
Đến lúc quả đã to, vỏ có màu xanh thẫm, An Tiêm cắt về rồi bổ ra thì thấy ruột quả màu đỏ tươi, cùi màu trắng và nhiều hạt màu đen nhánh. Cả nhà ăn đều thích vì quả có vị ngọt và thơm mát. An Tiêm gọi đó là quả dưa đỏ.
Từ đấy, An Tiêm tiếp tục trồng thêm dưa. Giống dưa ngày càng sai, quả càng to, vị càng thơm ngọt.
Cứ mỗi mùa hái quả, An Tiêm lại khắc tên mình vào mấy quả dưa rồi thả xuống biển, nhờ sóng biển đưa vào đất liền.
Một hôm, có một chiếc thuyền ghé đến muốn đổi giống dưa quý để đem về bán trên đất liền. Từ đó, An Tiêm đổi được các thức ăn, đồ dùng thường ngày và còn làm được một cái nhà lá xinh xinh.
Một ngày kia, có người dâng vua quả dưa lạ, vua ăn ngon miệng bèn hỏi thăm tung tích mới biết đó là do An Tiêm trồng ngoài hoang đảo. Vua ngẫm nghĩ thấy mình đã sai, liền cho thuyền ra đón gia đình An Tiêm. Hai vợ chồng An Tiêm mừng rỡ thu lượm hết những quả dưa chín và hạt giống đem về phân phát cho bà con hàng xóm và truyền dạy cách gieo trồng, chăm bón. Đó là nguồn gốc giống dưa hấu mà chúng ta ăn ngày nay.

NHÀ RÙA Ở ĐÂU ?


Ở một khu rừng nọ có bốn con vật : Rùa, Khỉ, Thỏ Và Kiến kết bạn thân với nhau. Hằng ngày, chúng rủ nhau cùng đi kiếm ăn và chơi đưa rất vui vẻ.
Thật không may cho các con vật. Năm ấy, trời mưa ròng rã hàng tháng. Mưa to, gió lớn làm sập nhà và ướt hết thức ăn dự trữ của các con vật.
Rùa, Khỉ, Thỏ, Kiến đều lo lắng vì mùa đông sắp tới, chúng sẽ không có nhà ở và thức ăn dự trữ. Chúng bèn họp nhau lại bàn tính xem phải làm thế nào.
Ý kiến của Khỉ là thông minh hơn cả và đã được các con vật tán thành: Tất cả đều thử xem ai dựng được ngôi nhà đẹp nhất và kiếm được nhiều thức ăn ngon để đón các bạn đến thăm nhà.
Các con vật chia tay nhau ra về để bắt tay ngay vào việc dựng nhà mới.
Kiến vốn có thân hình nhỏ nhắn. Nó không mang được vật nặng nên lo lắng bắt tay vào việc ngay. Kiến chăm chỉ lựa từng chiếc lá lành, những cành cây thẳng và có mùi thơm để dựng nhà. Kiến còn tha về đủ thứ: gạo, đỗ, lạc, vừng… để chuẩn bị làm cỗ đón các bạn tới mừng nhà mới.
Khỉ cậy có sức khỏe, tháo vát, nhanh nhẹn nên khỉ chẳng cần đắn đo gì cho việc tìm kiếm, lựa chọn vật liệu. Có lúc Khỉ vác về một cành cây to nhưng bên trong bị mục nên cột nhà vừa dựng đã bị gãy. Vì vậy, nhà Khỉ phải làm đi làm lại nhiều lần.
Thỏ vốn chuộng hình thức, nó cất công đi thật xa để nhờ bạn vẽ mẫu ngôi nhà, rồi mới chọn vật liệu. Thỏ kiếm được rất nhiều củ cải, cà rốt… thứ nào cũng tươi ngon.
Rùa chủ quan cho rằng : việc dựng nhà thì có gì khó mà phải vội vàng. Vì thế, Rùa nhởn nhơ dạo chơi, vừa hái hoa, vừa nghêu ngao hát : « Lá là la…lá là la… ».
Rùa lại hay ba hoa, khoác lác. Gặp ai Rùa cũng nói : « Nhà của tôi sẽ dựng nhanh và đẹp hơn cả ». Rùa cũng chẳng cần lựa chọn vật liệu. Mỗi buổi đi chơi về, gặp thứ gì trên đường, Rùa cũng vác về, chất thành đống lù lù.
Chẳng mấy chốc, các bạn của Rùa đã hoàn thành việc dựng nhà mới. Ai cũng vui sướng ngắm thành quả lao động của mình. Các loài chim bay đến hót mừng ríu rít để chúc mừng.
Ngày đầu tiên, Khỉ mời các bạn tới thăm nhà mình. Kiến, Thỏ và Rùa rủ nhau đem quà tới mừng bạn. Nhà Khỉ dựng trên một thân cây cao nên các bạn không thể lên nhà được, đành đứng ở dưới đất.
Khỉ nhanh trí nhảy từ trên cây xuống và lần lượt cõng từng bạn lên nhà.
Hôm sau, Rùa, Khỉ và Kiến kéo nhau tới thăm nhà Thỏ. Đó là một ngôi nhà rộng rãi, trang trí công phu nhưng củ cải, cà rốt, su hào, cỏ xanh… lại chất đống ngổn ngang làm cho ngôi nhà Thỏ trở nên chật chội.
Ngày thứ ba, Rùa, Kiến, Khỉ, mỗi người một tay giúp Thỏ sắp xếp mọi thứ ngăn nắp, gọn gàng. Chẳng mấy chốc, ngôi nhà trở nên rộng rãi, sạch sẽ.
Rùa, Khỉ, Thỏ tiếp tục đến nhà Kiến. Tất cả đều trầm trồ khen ngợi Kiến rất khéo tay, đã dựng được ngôi nhà xinh xắn và đồ dùng xếp gọn gàng, ngăn nắp.
Kiến mời các bạn thưởng thức những chiếc bánh thơm phức, béo ngậy do Kiến làm từ những hạt gạo nếp, đậu xanh, lạc vừng…
Ngày thứ tư, Khỉ, Thỏ, Kiến đến nhà Rùa. Trên đường đi, ai cũng nghĩ chắc nhà Rùa đẹp nhất. Nhưng khi đến nơi, các bạn chẳng thấy nhà đâu mà chỉ thấy một đống cành cây, đất cát, sỏi đá… chồng chất lên nhau. Không thấy Rùa ra đón, Kiến, Khỉ, Thỏ cùng gọi :
- Bạn Rùa ơi ! Nhà mới của bạn đâu ? Chúng tớ đến thăm bạn đây !
Rùa thò cổ ra trả lời, giọng lí nhí khác hẳn mọi ngày :
- Tôi đang ở đây, mời các bạn vào chơi !
Khỉ, Kiến, Thỏ nói :
- Bạn Rùa hãy chỉ cho chúng tôi ngôi nhà mới của bạn đi.
Rùa vừa gãi đầu vừa giơ tay chỉ lên đống đất cát, đá sỏi và trả lời rất khó nhọc :
- Đây… là… nhà… mới… của… tôi…
Bỗng nhiên một trận mưa lớn ập tới. Toàn bộ đống cành cây, đất cát, đá sỏi đè lên lưng Rùa. May mà Rùa kịp thụt đầu vào nên không bị vỡ đầu. Thỏ, Khỉ, Kiến liền cùng nhau cố sức để kéo Rùa ra khỏi đống đá sỏi đó nhưng đống đá sỏi đã dính chặt vào lưng Rùa.
Từ đó về sau, Rùa không có nhà ở nữa. Đi đâu Rùa cũng phải đội nhà trên lưng.
Rùa rất xấu hổ nên hằng ngày tìm chỗ thật kín để giấu mình và tránh gặp các bạn.
Tối lặn mặt trời, Rùa mới tha thẩn đi kiếm ăn một mình.

CHIM SẺ, CHUỘT NHẮT VÀ GÀ MÁI


Trong ngôi nhà nhỏ ven rừng, Chim Sẻ, Chuột Nhắt và Gà Mái sống với nhau rất thân thiết và hòa thuận.
Hằng ngày, Chim Sẻ vào rừng hái nấm, nhặt hạt đậu ; Chuột Nhắt đi kiếm củi ; còn Gà Mái ở nhà nấu ăn. Khi nấu canh, Gà Mái thường cho vào nồi một quả trứng nên canh rất ngon.
Đi kiếm thức ăn về, Chim Sẻ ngồi nghỉ, Chuột Nhắt bày bàn ăn, còn Gà Mái bận rộn bên bếp lửa. Sau đó, các bạn quây quần vui vẻ bên bàn ăn và cảm thấy rất hài lòng sau một ngày lao động mệt nhọc.
Một hôm, Chim Sẻ chợt nghĩ : « Mình phải vào rừng kiếm thức ăn thật vất vả, còn công việc của Chuột Nhắt và Gà Mái mới làm nhàn hạ làm sao ! ». Chim Sẻ bèn đề nghị với hai bạn và thế là họ đổi công việc cho nhau.
Hôm sau, Chuột Nhắt ở nhà nấu ăn. Chuột Nhắt nhóm bếp nhưng mãi củi mới cháy. Khi nấu canh, Chuột Nhắt cho vào nồi đủ thứ, nào là : nấm, đậu, mắm, muối… mà canh vẫn không ngon như trước. Chim Sẻ thì dùng mỏ để bổ củi, đầu cứ cuối xuống, hất lên lia lịa mà củi vẫn nằm nguyên một chỗ. Công việc thật là khó nhọc.
Còn Gà Mái vào rừng kiếm thức ăn. Bỗng một con Cáo từ trong bụi rậm chạy ra. Cáo hỏi :
- Gà Mái kia, đi đâu ?
- Tôi đi kiếm thức ăn. – Gà Mái đáp.
- Ta cũng đang đi tìm thức ăn đây !
Cáo cười khoái trá và lao tới bắt Gà Mái nhưng vồ trượt. Tuy Gà Mái chạy thoát nhưng vẫn bị thương một bên cánh.
Gà Mái chạy về đến nhà thấy Chim Sẻ đang đứng gục đầu, nước mắt đầm đìa. Còn Chuột Nhắt buồn ủ rũ, mặt mũi, chân tay lọ lem vì khói bếp.
Nhìn thấy vết thương của Gà Mái, Chuột Nhắt và Chim Sẻ rất thương bạn. Gà Mái nói :
- Từ nay, chúng mình đừng tị nhau nữa nhé ! Mỗi người hãy làm tốt những việc hợp với sức của mình.
Chim Sẻ rất ân hận vì đã làm cho cả ba đều vất vả mà chẳng ai làm được việc gì. Chim Sẻ xấu hổ vô cùng và xin lỗi hai bạn.
Từ hôm đó, ba bạn lại mỗi người một việc như trước : Chim Sẻ đi kiếm thức ăn ; Chuột Nhắt kiếm củi ; còn Gà Mái ở nhà nấu ăn. Cứ thế, họ sống với nhau thật hòa thuận và vui vẻ.

BÁC SĨ CHIM


Những bạn chim nhỏ quyết định mở một bệnh viện chữa bệnh cho các bạn trong rừng.
Các Bác Sĩ Chim mặc áo đồng phục trắng và chờ bệnh nhân đến.Cô Chim Chào Mào được giao nhiệm vụ tiếp bệnh nhân.
Sáng sớm, Trâu đến bệnh viện và than phiền :
- Da tôi bị ngứa kinh khủng.
Chim Chào Mào gửi Trâu đến phòng chữa trị da liễu gặp bác sĩ Cò. Bác sĩ Cò khám xong liền nói :
- Trên người anh có rất nhiều bọ, chúng cắn anh nên làm anh ngứa ngáy, khó chịu đấy !
Bác sĩ Cò nhảy lên lưng trâu tìm bắt những con ruồi, con bọ trên mình Trâu rồi dặn :
- Anh nên thường xuyên xuống sông tắm nhé !
Trâu khỏi ngứa, cảm ơn bác sĩ Cò và ra về trong tâm trạng thật thoải mái.
Bệnh nhân tiếp theo là Tê Giác. Chim Chào Mào gửi Tê Giác đến gặp bác sĩ Chim Bắt Ve. Tê giác kể bệnh tình của mình :
Tôi to lớn, có sức mạnh nhưng lại không chống được những con sâu bọ nhỏ bé khó chịu này.
Chim Bắt Ve khám cho Tê Giác thấy có nhiều nếp nhăn nên các con bọ chui vào đó để cắn.
Chim Bắt Ve nhảy lên lưng Tê Giác bắt hết bọ, cảm giác đau và ngứa của Tê Giác biến mất.
Bác sĩ Chim Bắt Ve nói với Tê Giác :
- Bạn hãy luôn tắm rửa sạch sẽ nhé !
Tê Giác cảm ơn và ra về trong niềm sung sướng.
Sau đó, Cá Sấu đến bệnh viện để khám trăng. Cá Sấu kể bệnh với bác sĩ Chim Sáo :
- Răng tôi đau quá !
Cá Sấu há miệng, Sáo nhảy vào trong quan sát kĩ. Cô thấy các kẽ răng còn thức ăn giắt vào chưa được vệ sinh nên bị những con sâu nhỏ gặm nhấm.
Chim Sáo nhặt hết sâu bọ và thịt thừa trong các kẽ răng của Cá Sấu. Cá Sấu nói :
- Bạn là bác sĩ tuyệt vời ! Cảm ơn bạn rất nhiều !
Sáo mỉm cười nói :
- Bạn phải thường xuyên giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Nếu không, bạn sẽ luôn phải gặp tôi đấy !
Sau khi ở bệnh viện về, Trâu, Tê Giác và Cá Sấu đều khỏi bệnh. Từ đó, bệnh viện Bác Sĩ Chim trở nên nổi tiếng.

NGƯỜI BÁN MŨ RONG


Có một người chuyên đi bán mũ rong trong thị trấn. Bác đội rất nhiều mũ trên đầu : Có chiếc màu xanh, có chiếc màu vàng, có chiếc màu đỏ. Bác vừa đi vừa rao :
- Mũ đây ! Ai mua mũ đây !
Bác đi rao bán mũ khắp thị trấn mà vẫn không có ai mua. Bác nghĩ thầm : « Có lẽ ta phải đến các bản làng xa xôi trên vùng cao kia, may ra sẽ có người mua mũ ? ». Thế là bác quyết định rời khỏi thị trấn.
Đường lên bản còn rất xa nên bác phải nghĩ chân dưới một gốc cây to. Bác đặt chồng mũ xuống đất rồi ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy, bác không thấy chồng mũ đâu cả. Bác quay sang bên phải : không thấy mũ. Bác ngoảnh sang bên trái : không thấy mũ. Bác nhìn phía trước, quay lại phía sau cũng không thấy mũ. Cuối cùng, bác ngẩng đầu nhìn lên cây…
Bác thấy 9 con khỉ ngồi vắt vẻo trên các cành cây, mỗi con đều đội trên đầu một chiếc mũ. Bác chỉ tay vào chiếc mũ đang đội trên đầu và nói :
- Này các chú khỉ ! Hãy trả lại mũ cho ta !
Những chú khỉ cũng chỉ tay lên đầu và kêu : « Sùy ! Sùy ! Sùy ! ». Bác bán mũ bắt đầu nổi nóng. Bác giậm chân và quát to :
- Lũ khỉ kia ! Trả mũ cho ta ngay !
Lũ khỉ vẫn nhâng nháo, bắt chước các động tác của bác bán mũ và kêu càng to hơn : « Sùy ! Sùy ! Sùy ! ».
Bực quá, bác cầm chiếc mũ đang đội trên đầu và ném xuống đất. Lạ thay, các chú khỉ đều nhấc mũ ra khỏi đầu và cũng ném xuống đất. Cả 9 chiếc mũ đã rơi xuống đất. Bác bán mũ nhặt từng chiếc và lại xếp thành chồng mũ như cũ. Bác đội chồng mũ lên đầu rồi lại tiếp tục đi vào các bản làng rao bán :
- Mũ đây ! Mũ đẹp đây ! Có ai mua không ?

BA ANH EM


Một ông cụ có một ngôi nhà nhỏ và ba con trai. Cụ muốn cho các con học nghề bèn bảo các con :
- Các con mỗi người hãy học lấy một nghề. Sau này, ai tỏ ra tài giỏi nhất, cha sẽ cho ngôi nhà này.
Ba người con vâng lời. Họ chia tay nhau, mỗi người đi một ngả. Anh con cả học nghề thợ cạo ; anh khéo léo lắm nên thường được mời vào cung để phục vụ nhà vua. Anh thứ hai học nghề đóng móng ngựa ; anh cũng khéo lắm nên thường được đóng móng ngựa cho các vị đại tướng. Người em út học múa kiếm rất thành thạo.
Đúng ngày đã hẹn ước, ba anh em về họp ở nhà cha. Bà con làng xóm rủ nhau đến chơi. Ba anh em chưa biết trổ tài bằng cách nào thì bỗng thấy một con thỏ chạy ngang. Người anh cả vội vàng rút dao cạo và hộp xà phòng đuổi theo, cạo sạch sẽ bộ ria thỏ mà thỏ không bị xây xát mép. Mọi người đều trầm trồ tán thưởng.
Bỗng có một cỗ xe bốn ngựa kéo chạy qua. Anh thứ hai liền phóng theo, thay lại các bộ móng tươm tất, trong khi cỗ xe vẫn chạy như bay. Mọi người ai cũng phục tài.
Lúc đó, trời bắt đầu mưa. Người con út rút kiếm ra sân múa.
Mưa càng to anh càng múa nhanh. Lúc trời tạnh, người anh vẫn khô ráo, không bị một giọt nước. Mọi người đều đồng ý thưởng ngôi nhà cho anh.
Nhưng ba anh em thương yêu nhau. Họ vẫn chung sống một nhà. Họ làm ăn khéo lại tốt bụng, thật thà nên rất đông khách hàng và học trò. Họ sống hòa thuận, vui vẻ suốt đời.

THẦN SẮT
Ngày xưa, có anh nông dân sống một mình trong túp lều ở ven rừng. Anh không có sắt để làm dao, làm cày, cuốc nên phải chặt cây bằng đá, đào đất bằng que. Anh chăm chỉ làm lụng suốt ngày mà nghèo vẫn hoàn nghèo.


Một hôm, anh ngủ mơ thấy ông Bụt hiện lên và bảo:
- Ngày mai, sẽ có ba người đến xin ngủ nhờ ở nhà con. Con hãy cho họ ngủ nhờ, đừng ngại nhà cửa chật hẹp.
Quả nhiên, chiều tối hôm sau, anh nông dân chờ ở cửa một lát thì thấy một người toàn thân dát vàng chói lọi, cưỡi một con ngựa cũng màu vàng, dáng điệu bệ vệ, ì ạch đi tới. Người này dừng ngựa trước cửa nhà anh nông dân và hoạch họe:
- Đêm nay, ta muốn ngủ trọ ở đây, ngươi mau vào thu xếp chỗ cho ta!
Anh nông dân nhẹ nhàng nói:
- Lều rách của tôi không có chỗ xứng đáng cho ngài ngủ, xin ngài đi chỗ khác.
Một lát sau, anh lại thấy một người mặc chiếc áo trắng tinh, cưỡi con ngựa cũng màu trắng, ánh bạc tỏ ra lạnh toát. Người này cũng đòi anh con ngủ nhờ nhưng anh sợ quá, từ chối không cho vào.
Mãi đến tối mịt anh mới thấy một người toàn thân đen sì, xấu xí nhưng khỏe mạnh, cưỡi con ngựa màu đen và to lớn đến xin ngủ nhờ.
Anh nông dân còn đang lưỡng lự không biết nên cho ngừơi này vào nhà hay nên từ chối thì thấy gió mát thổi, hương thơm bay tới ngào ngạt, chim rừng đậu quanh nhà hót vang, suối chảy mạnh như muốn nói: “Mách anh, mách anh, cho người ngủ trọ”. Anh nông dân vui vẻ mời người này vào nhà và thu xếp chỗ cho người đó ngủ.
Nhưng lạ quá, sáng hôm sau tỉnh dậy, anh không thấy người ngủ trọ, cũng không thấy con ngựa đen đâu cả, chỉ thấy ở chỗ người đó ngủ đêm qua có một cục sắt đen sì. Anh nông dân đoán rằng người đó là Thần Sắt, còn người mặc áo vàng và áo trắng là Thần Vàng và Thần Bạc. Anh cảm thấy tiếc là đã không cho Thần Vàng và Thần Bạc ngủ nhờ, nhưng con chim sau nhà hót “Chả tiếc, chả tiếc”, con thú đầu nhà cũng kêu: “Cục sắt quý quý, cục sắt quý quý”.
Anh nông dân lấy sắt làm cày, cuốc, dao, rựa. Anh lấy dao đốn những cây to làm một ngôi nhà thật rộng rãi, đẹp đẽ. Anh cuốc đất gieo lúa. Khi mùa vụ đến, anh thu hoạch được những bông lúa vàng óng.
Từ đó, nhờ có sắt và làm ăn chăm chỉ, cuộc sống của anh trở nên sung sướng.Mọi người thấy anh đều chào hỏi vui vẻ, chim chóc thấy anh đều ca hát líu lo và con suối trong rừng ngày đêm cũng róc rách vui mừng.

BA ĐIỀU ƯỚC


Ngày xưa, ở làng nọ có một cậu bé tên là Rít mồ côi cha mẹ, được bác thợ rèn đem về nuôi. Bác thợ rèn được mọi người yêu mến vì nhờ công bác mà họ có dao, có cuốc để trồng lúa, trồng ngô, cả làng vui tươi, no ấm. Thấy Rít chăm chỉ và siêng năng, bác thợ rèn đã truyền cho cậu những điều hay trong nghề. Chẳng bao lâu, cậu đã biết giúp cha nuôi rèn cuốc, dao cho bà con trong làng.
Ít lâu sau, người cha nuôi qua đời, Rít buồn quá, suốt ngày đi lang thang trong rừng, chẳng muốn làm gì. Một hôm, Rít gặp một ông cụ râu tóc bạc phơ. Ông cụ hỏi Rít:
Sao cháu lại đi lang thang trong rừng?
Rít buồn rầu thưa:
Thưa ông, cha cháu là người thợ rèn nổi tiếng nhất vùng này. Nay cha cháu mất rồi, cháu buồn quá!
Thế cháu có muốn làm thợ rèn giống cha cháu không?
Thưa ông, cháu không muốn vì nghề ấy vất vả quá!
Vậy ta cho cháu ba bông hoa. Cháu muốn ước điều gì thì tung một bông hoa lên sẽ được như ý. Khi nào cháu không thích điều đó nữa, thì mọi thứ sẽ lại như cũ.
Rít nhận lấy ba bông hoa, cảm ơn và từ biệt ông cụ rồi đi tiếp.
Trên đường đi, Rít gặp một người lái buôn, có rất nhiều tiền và lừa, ngựa thồ hàng. Rít liền tung một bông hoa lên và nói: “Ước gì ta có nhiều của cải hơn thế!”. Rít vừa dứt lời thì mọi thứ đã chất ngổn ngang quanh mình.
Lúc đầu, thấy mình giàu có, Rít rất vui sướng. Nhưng từ khi có của, Rít luôn cảm thấy không yên trong lòng, lúc nào cũng sợ bị mất trộm. Rít lại nghĩ: “Hóa ra có nhiều tiền của rồi cũng chỉ toàn lo lắng. Thôi, ta không thích giàu nữa!”.
Rít nhớ lời cha kể, chỉ có vua là giàu sang và có quyền lực nhất, chẳng phải sợ ai. Rít tung bông hoa thứ hai lên và nói: “Ước gì ta được làm vua!”. Trong nháy mắt Rít đã khoác trên người một bộ quần áo dát vàng óng ánh và ở trong cung điện lộng lẫy, có kẻ hầu người hạ… Nhưng chỉ mấy ngày sau, Rít cảm thấy chán những bộ quần áo lụng thụng, vướng víu và cảnh nhàn rỗi, toàn yến tiệc linh đình. Rít nghĩ: “Ta cha83g muốn làm vua nữa!”
Rít lại là cậu bé nghèo, lang thang khắp nơi, trong tay chỉ còn mỗi một bông hoa. Rít nhìn lên trời và muốn được bay bổng trên không như những đám mây. Rít tung nốt bông hoa cuối cùng lên. Bây giờ, Rít ở giữa những đám mây cao tít và tha hồ ngắm cảnh trên trời dưới biển. Suốt ngày đêm, cứ bay bổng trên không trung , nhìn mây trời, sóng biển, rít lại nghĩ: “Thế này mãi cũng chán! Mình chẳng muốn bay nữa”. Thế là Rít lại xuống mặt đất.
Qua bao nhiêu ngày lang thang nay đây mai đó, Rít bỗng nhớ quê hương, nhớ túp lều với lò rèn của cha. Rít tìm đường trở về làng.
Nghe tin Rít, con nuôi của bác thợ rèn giỏi nhất trong vùng đã trở về, tất cả mọi người trong làng đều đến chúc mừng và khuyên Rít hãy giữ nghề rèn của cha.
Hằng ngày, Rít chăm chỉ rèn cuốc, dao cho bà con trong vùng. Lò bễ đã tắt ngấm lâu ngày, nay lại đỏ lửa, ngày đêm vang tiếng búa đe. Ai ai cũng yêu mến Rít. Từ đó, Rít mới cảm thấy cuộc đời thật là vui sướng và hạnh phúc
Каталог: spthmn -> attachments -> article

tải về 427.86 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương