100 truyện hay mầm chồi lá theo chủ đề



tải về 427.86 Kb.
trang7/8
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích427.86 Kb.
#38297
1   2   3   4   5   6   7   8
- Bạn ơi, chúng mình cùng làm một ngôi nhà thật đẹp để ở nhé !
Thỏ đồng ý ngay.
Ngay hôm sau, Thỏ và Hươu cùng đi vào rừng. Tới một gốc cây thì chúng dừng lại. Hươu nói :
- Tớ sẽ hạ cây này để lấy gỗ !
- Bạn không làm gì được đâu ! – Thỏ ngăn lại.
- Tớ làm được, bạn xem này !
Nói xong, Hươu bèn chạy ra xa, cách gốc cây một quãng rồi chạy lao thẳng bộ sừng vào gốc cây. Cây to gãy và đổ kềnh xuống mặt đất.
Thỏ thấy vậy thì cho rằng việc này quá dễ, ai cũng làm được . Hươu và Thỏ lại kéo nhau sang một gốc cây khác. Thỏ nói ngay :
- Tớ sẽ hạ cây này !
- Bạn không làm được đâu ! – Hươu khuyên bạn.
Thỏ không nghe lời khuyên của Hươu vội chạy ra xa gốc cây một quãng rồi hấp tấp lao tới húc đầu vào thân cây.
Nhưng cái cây không nhúc nhích mà chỉ có cái đầu của chú Thỏ đáng thương thì thụt sâu vào giữa hai bên vai.
Hươu rất thương bạn nên muốn giúp bạn kéo cái đầu của bạn trở lại như cũ.
- Bạn đừng động vào. Tớ sẽ kéo cái đầu của bạn trở lại như cũ.
Hươu nắm lấy tai Thỏ và kéo, kéo mãi cho đến lúc Thỏ hoảng quá kêu ầm lên :
- Đủ rồi ! Dừng lại đi !
Hươu vẫn tiếp tục kéo. Khi đầu Thỏ trở lại được như cũ thì đôi tai cũng vì thế mà dài ơi là dài. Từ đó đến nay, Thỏ đành mang trên đầu hai cái tai dài ngộ nghĩnh chỉ vì việc làm thiếu suy nghĩ của mình.

VÌ SAO HƯƠU CÓ SỪNG ?


Ngày xưa, Hươu rất nhút nhát. Cái gì Hươu cũng sợ : sợ bóng tối, sợ thú dữ, ngay cả tiếng động lạ cũng khiến Hươu hoảng hốt…
Tuy vậy, bạn bè rất quý hươu vì hươu nhanh nhẹn, chăm chỉ và tốt bụng. Một hôm, nghe tin bác Gấu bị ốm nặng, Hươu xin phép mẹ đến thăm bác Gấu. Bác Gấu nói trong hơi thở yếu ớt :
- Bệnh của bác nặng lắm, chỉ có lá Thảo Huyền mọc trong khe núi sâu mới chữa khỏi được.
Hươu nhanh nhảu nói :
- Cháu chạy nhanh như tên bay, để cháu vào rừng lấy lá thuốc cho bác.
Không đợi bác Gấu kịp nói gì, Hươu vội chào bác rồi lên đường ngay.
Nhưng đường rừng hiểm trở, hùm beo, thú dữ nhiều, Hươu bắt đầu thấy sợ. Khi bóng tối tràn xuống lưng núi, Hươu càng thấy sợ bèn nép vào một gốc cây già và khóc. Thần Cây hiện lên hỏi :
- Vì sao cháu khóc ? Cháu bị lạc mẹ à ?
- Dạ, không ạ ! Cháu muốn đi vào khe núi sâu kiếm lá thảo huyền về chữa bệnh cho bác Gấu. nhưng rừng đại ngàn có nhiều hổ, báo, sư tử nên cháu sợ lắm !
- Nếu cháu sợ thì hãy quay về đi !
- Nhưng cháu thương bác Gấu lắm ! Không có thuốc thì bác ấy sẽ không khỏi bệnh được !
Thần cây ân cần nói :
- Cháu là một đứa trẻ có tấm lòng nhân hậu. Ta cho cháu những cành cây khỏe khoắn của ta. Cháu hãy đội lên đầu để có thêm sức mạnh !
Hươu cảm ơn thần cây rồi lên đường. Hươu băng qua suối sâu, đèo cao mà không sợ gì thú dữ hay bóng đêm nữa.
Khi Hươu đem được lá thuốc về, trời cũng vừa rạng sáng. Hươu thấy muông thú trong rừng đang ngồi vây quanh bác Gấu. Hươu vội đưa lá thuốc cho Bác Gấu nhai. Thật là kì diệu, chỉ ít phút sau, bác Gấu đã khỏe lại. Tất cả muông thú có mặt đều hỏi :
- Bác Gấu ơi ! Đó là cây thuốc gì mà quý thế ạ ?
- Đó là lá Thảo Huyền. Thuốc quý, nhưng tấm lòng của Hươu còn đáng quý hơn nhiều. Chính Hươu đã chữa khỏi bệnh cho bác đấy ! – Bác Gấu già ôn tồn trả lời.
Khi ấy, tất cả các bạn mới để ý đến Hươu. Và ai cũng thật ngạc nhiên khi thấy trên đầu Hươu có những cành cây vững chắc.
Hươu kể lại đầu đuôi câu chuyện gặp Thần Cây cho các bạn nghe. Kì lạ thay, những cành cây đã dính chặt vào đầu Hươu từ bao giờ. Từ đó, Hươu trở nên can đảm và luôn mang những cành cây trên đầu để tự vệ, chống lại thú dữ.
Người ta gọi những cành cây trên đầu Hươu là những chiếc sừng hươu.

CÁI ĐUÔI THẰN LẰN


Trong khe của bức tường bao quanh sân có một chú Thằn Lằn con sống cùng mẹ. Chú Thằn Lằn con có bốn cái chân ngắn ngủn nhưng lại có một cái đuôi rất dài.
Một hôm, thấy đói bụng, Thằn Lằn con xin phép mẹ :
- Con ra ngoài kiếm thức ăn, mẹ nhé !
Mẹ dặn :
- Con chớ đi xa, ăn no rồi về ngay đấy !
Thằn Lằn con chào mẹ rồi bò ra khỏi khe tường. Bức tường thật là cao và rộng. Thằn Lằn con mặc sức bò đi bò lại, bò xuống bò lên. Tuy bức tường thẳng đứng nhưng Thằn Lằn con bò trên tường như đi trên mặt đất bằng vì chú ta vừa bò vừa bám chặt bàn chân vào tường.
Thằn Lằn con thấy một con muỗi vo ve bay qua. Chú há miệng, thè cái lưỡi dài đớp dính con mồi, nuốt chửng vào bụng.
Lát sau, một con ruồi nữa bay tới, Thằn Lằn con lại há to miệng đớp rồi nuốt chửng. Mải kiếm mồi, Thằn Lằn con đã bò dần xuống chân bức tường lúc nào không hay. Cũng vì mải kiếm mồi, Thằn Lằn con không biết rằng có một chú Mèo Khoang trong sân đang chăm chăm rình nó.
Mèo Khoang nhìn theo Thằn Lằn con bò qua bò lại trên tường. Khi Thằn Lằn con bò gần tới chân bức tường, Mèo Khoang liền cong người lại, gừ một tiếng rồi phóng vút tới, nắm chặt lấy cái đuôi của Thằn Lằn con. Thằn Lằn con giật mình vội vàng bỏ chạy nhưng cái đuôi của nó đã bị Mèo Khoang túm chặt. Thằn Lằn con cố hết sức giãy thật mạnh, cái đuôi của chú bị đứt lìa ra khỏi thân mình.
Thế là Thằn Lằn con đã thoát được Mèo Khoang nhưng lại bị cụt đuôi. Về đến nhà, chú òa lên khóc :
- Mẹ ơi ! Cái đuôi của con…bị…bị Mèo Khoang kéo…đứt mất rồi. Hu…hu…con không có đuôi nữa rồi…
Thằn Lằn mẹ dỗ dành :
- Con đừng khóc ! Đuôi đứt đâu có sao. Vài ngày sau, con sẽ lại có đuôi mới mà !
Thằn Lằn con ngạc nhiên hỏi mẹ :
- Sao lại có thể mọc được đuôi mới hả mẹ ?
- Ồ ! Họ Thằn Lằn chúng ta có đặc điểm là đuôi đứt rồi không bao lâu sau, đuôi mới mọc lại. Nếu con có bị kẻ nào nắm đuôi thì con cứ tặng luôn cái đuôi cho nó, còn mình phải kịp thời chạy trốn, sau đó mình lại mọc một cái đuôi mới mà.
Nghe mẹ nói vậy, Thằn Lằn con nín khóc và vui vẻ cùng mẹ đi bắt những côn trùng có hại để ăn. Mấy ngày sau, cái đuôi mới của Thằn Lằn con đã mọc dài ra.
CHUYỆN VỀ CHÀNG GÀ TRỐNG
Ngày xưa, Gà Trống có thể bay cao và bay xa nhất trong họ nhà chim và được trao tặng chiếc mũ miện đỏ chót. Gà Trống kiêu hãnh lắm, nó thường ngửa cổ gáy vang : « Ò…ó…o… Nhà vô địch chính là ta ! ».
Thế rồi, ngày nào Gà Trống cũng chỉ say sưa ca hát mà không chịu tập luyện gì nữa. Chẳng bao lâu, Gà Trống đã béo phì ra.
Một hôm, Họa Mi gặp Gà Trống và kể :
- Gà Trống ơi ! Tớ đã trông thấy Ngỗng Trời và Chim Sẻ tập bay, chắc họ sắp bay vượt bạn đấy !
Gà Trống cười và nói :
- Ngỗng Trời phục phịch, nặng nề, còn Chim Sẻ thì bé oắt con, làm sao bay vượt nổi tớ !
Mấy hôm sau, Gõ Kiến bay qua nhà Gà Trống và kể :
- Anh Gà Trống ơi ! Le Le bảo rằng : Bây giờ nó bay chẳng kém gì anh đâu !
Gà Trống cho là chuyện bịa nên không tin. Nó vẫn nghĩ không ai có thể bay vượt nổi nó.
Một ngày kia, Quạ nói với Gà Trống :
- Gà Trống ơi ! Chim Ưng đã bay cao hơn anh rồi !
Gà Trống nghe vậy tức lắm, liền trợn mắt tuyên bố :
- Ba ngày nữa ta sẽ bay ! Nào, ai dám thi tài với ta ?
Quạ vội báo tin này cho khắp họ nhà chim.
Hôm ấy, đông đủ loài chim có mặt ở điểm hẹn. Chim Nhạn từ phương Bắc bay về, chim Công từ phương Nam lên, Đà Điểu ở tận sa mạc đến, Hải Âu ở ngoài biển vào…
Gà Trống vươn cổ gáy : « Ò ó o…Nhà vô địch chính là ta ! » rồi đập cánh phành phạch và nhún chân lấy đà. Nó định trổ tài ra oai trước mặt mọi người, nhưng nó chỉ bay cao được hơn một mét đã rơi xuống đất. Các loài chim thấy vậy không nhịn được cười.
Gà Trống bối rối, nó lấy hết sức xòe cánh bay lên. Nó muốn bay tít lên trời xanh để ai cũng phải khâm phục nó như trước kia, nhưng Gà Trống chỉ bay được một đoạn ngắn thì lại rơi bịch xuống đất ngay trước mặt các loài chim. Tất cả các chú chim cười ồ lên. Còn Gà Trống ngượng đỏ cả mặt, lủi thủi bỏ đi.
Đến tận bây giờ, Gà Trống vẫn còn đội cái mũ miện đỏ chót và có dáng đi ưỡn ngực rất oai vệ của thời còn là nhà vô địch. Nhưng Gà Trống chẳng còn bay cao được nữa nên mặt Gà Trống lúc nào cũng đỏ ửng vì xấu hổ

NHỮNG CÁNH CÒ


Ông ngoại kể rằng : « Ngày xưa, những bụi tre trong làng quê của bé có rất nhiều tổ cò. Mùa xuân tới, từng đàn cò trắng duyên dáng bay tới.Chúng lượn trên bầu trời trong xanh rồi hạ cánh trên những lũy tre xanh thẫm, cao vút. Cò kiếm cành khô nhỏ đem về chất đống khéo léo làm thành tổ. Cò mẹ đẻ trứng vào tổ. Cò mẹ, cò bố thay phiên nhau ấp trứng, nuôi con. Hằng ngày, cò bay đi mò tôm, bắt cá… ở hồ ao, đầm lầy ven sông…
Bây giờ, ao, hồ, đầm… đã phải nhường chỗ cho những tòa nhà cao vút, những con đường cao tốc, những nhà máy tỏa khói mịt mù. Đàn cò chẳng còn nơi kiếm ăn. Chúng kinh hãi những tiếng động ồn ào. Thế là cò bay đi không dám trở lại.
Bé ước ao có một ngày sẽ lại thấy những cánh cò bay lả bay la trên cánh đồng quê.

CHUYẾN ĐI XA CỦA CHÚ CHUỘT NHỎ


Một buổi sáng, chú Chuột nhỏ lên đường đi du lịch. Chuột bà nướng cho cháu rất nhiều bánh để ăn đường và tiễn cháu đến cửa hang.
Nhưng ngay buổi chiều hôm đó, chú Chuột đã trở về. Vừa gặp bà, chú Chuột nhỏ reo lên :
- Bà ơi ! Có lẽ cháu là người khỏe nhất và dũng cảm nhất trong vùng đồng cỏ đấy ! Thế mà trước đây, cháu không biết điều này.
- Làm sao cháu biết điều ấy ? – Chuột bà hỏi.
- Thế này bà ạ ! – Chú Chuột nhỏ sôi nổi kể. – Cháu ra khỏi hang rồi đi, đi mãi tới tận biển. Biển rộng ơi là rộng, sóng nhấp nhô nhưng cháu không sợ. Cháu nhảy xuống nước và bơi qua biển. Cháu ngạc nhiên vì thấy mình bơi giỏi như vậy.
- Cháu thấy biển ở đâu ? – Chuột bà hỏi.
- Cháu thấy biển ở phía đông cái hang của chúng ta ạ ! – Chú Chuột nhỏ trả lời.
- Bà biết cái biển đó rồi ! – Chuột bà nói. – Cách đây không lâu có một con Hươu đi qua đó, nó đã giậm chân xuống đất và nước mưa đọng đầy trong vết chân hươu.
- Nhưng bà ơi, bà hãy nghe tiếp nhé ! Cháu sưởi ấm dưới ánh nắng mặt trời và đi tiếp. Cháu nhìn thấy một ngọn núi rất cao, cây trên ngọn núi chạm cả vào mây. Cháu không đi vòng quanh núi mà nhảy vọt qua đỉnh núi. Cháu rất ngạc nhiên vì thấy mình có thể nhảy cao như vậy. – Chuột con vẫn cao hứng kể.
- Bà biết quả núi của cháu rồi ! – Chuột bà nói. – Đó là mô đất nhỏ có nhiều cỏ mọc nằm ngay sau vũng nước.
Chú Chuột nhỏ hơi buồn nhưng vẫn tiếp tục kể :
- Cháu đi tiếp và nhìn thấy một con gấu trắng và một con gấu nâu đánh nhau rất dữ dội. Nhưng cháu không sợ, cháu lao vào và đẩy chúng ra hai phía. Cháu ngạc nhiên vì thấy mình khỏe đến vậy.
- Bà biết hai con gấu của cháu rồi, đó là một con bọ và một con ruồi.
Đến đây thì chú Chuột buồn bã khóc :
- Thì ra cháu chẳng khỏe và cũng chẳng dũng cảm gì. Cháu bơi qua vũng nước chân hươu, nhảy qua mô đất nhỏ, đẩy con bọ và con ruồi ra… Tất cả chỉ có vậy !
Chuột bà âu yếm nói :
- Đối với cháu bé bỏng của bà thì vũng nứơc đọng trong vết chân hươu là biển, mô đất là núi và con bọ, con rùa là những con gấu. Nếu như cháu không sợ tất cả những cái đó thì cháu thật sự là người khỏe nhất và dũng cảm nhất trong vùng đồng cỏ này đấy !
Chú Chuột nhỏ nghe bà nói vậy thì cảm thấy rất vui sướng và tự hào về những điều chú đã làm được trong chuyến đi xa đầu tiên của mình.

THÌ LÀ
Ngày xửa ngày xưa, ngày mới có các loại rau thì chưa rau nào có tên cả, thành ra khó gọi quá, cứ nhầm luôn, mất cả thì giờ. Một hôm, các loài rau rủ nhau đến nhà Trời xin Trời đặt tên cho.


Trời nói :
- À, phải đấy, đặt tên cho dễ gọi, dễ tìm.
Trời ra ngắm nghía từng cây để xem mặt đặt tên.
Một anh Rau đến trước mặt Trời, cúi chào và nói :
- Xin Trời đặt tên cho con !
Trời nhìn anh rồi bảo:
- Con thì cọng trắng lá xanh, nấu canh rất ngọt, xào luộc cũng ngon, muối dưa cũng giòn, phải không?
- Thưa Trời, vâng ạ!
- Thế con thì là… - Trời nghĩ một lát rồi nói tiếp:
- Con thì là Rau Cải Thìa nhé!
- Cải Thìa ạ ? Vâng, cảm ơn Trời !
Sau Cải Thìa, lần lượt các chị em nhà cải : Cải Cúc, Cải Sen, Cải Củ, Cải Bắp, Cải Bẹ. Rồi đến Rau Cần, Rau Muống, Rau Bí, Rau Bầu. Lại đến Rau Húng, Rau Mùi, Rau Răm. Sau là Tía Tô, Kinh Giới, Bạc Hà. Tiếp theo Rau Sam, Rau Má, Rau Mơ là Rau Rệu, Rau Diếp, Rau Khoai. Lại còn Hành, Tỏi, Hẹ. Cuối cùng là Cà Rốt, Su Hào, Súp Lơ…bao nhiêu là thứ rau. Trời đặt tên mãi đến chiều mới xong.
Các bạn về được một quãng xa rồi mới gặp một chú Rau bé, lá nhỏ như cái kim đang vừa đi vừa chơi giữa đường. Các bạn thấy chú Rau bé đi muộn quá, liền giục :
- Mau lên, mau lên. Trời sắp đi ngủ rồi !
Thế là chú Rau bé cắm đầu, cắm cổ chạy.
Đến nhà Trời, chú vừa thở vừa nói :
- Xin Trời đặt tên cho con !
- Tên à?
- Tên đặt cho các anh em, bạn bè của con hết cả rồi. Để ta nghĩ thêm cho con vậy!
- Xin trời nghĩ mau, con còn về ăn mừng.
Trời ngắm nghía chú Rau bé rồi nói:
- Con thì lá nhỏ này…
Chú rau hấp tấp trả lời :
- Vâng! Vâng!
Có mùi thơm này…
- Vâng! Vâng!
- Thế con thì là…
Trời vừa nói đến đây, còn đang nghĩ thêm thì chú Rau bé hấp tấp tưởng là Trời đã đặt tên xong liền vội vàng nói:
- Vâng, vâng, con Thì Là.
Rồi chú chào Trời và co cẳng chạy một mạch về vườn. Các bạn xúm lại hỏi tên. Chú Rau bé đáp:
- Thưa các bạn, tôi Thì Là.
- Thì là gì?
- Thưa các bạn, tôi Thì Là.
- Thì là gì?
Các bạn cười ầm lên khiến chú Rau ngượng đỏ cả mặt vì xấu hổ.
Vậy là, chỉ vì hay rong chơi và hấp tấp nên chú Rau phải mang cái tên “Thì Là” nghe chẳng ra thế nào. Nhưng cũng từ đó, chú Rau cũng không dám vừa đi vừa rong chơi và ai nói gì, chú cũng nghe đấy đủ từ đấu đến cuối, không hấp tấp, vội vàng như hôm Trời đặt tên nữa.
Các bạn thấy chú đã biết sửa mình nên không gọi chú bằng cái tên “Thì Là” nữa mà gọi chệch ra thành “Thìa Là” cho chú khỏi thẹn.

HẠT GIỐNG NHỎ


Có hạt giống nhỏ nằm ngủ yên trên một quả đồi. Hạt giống đã tới đây bằng cách nào ? Chị Gió, Cô Mây và cả ông Mặt Trời đều không biết.
Vào một buổi sáng, từ hạt giống nhỏ đã nhú lên một cái chồi non bé tẹo. Mới ra đời nên chồi cây rất bẽn lẽn, e sợ. Nhờ gió, nước mát và hơi ấm của tia mặt trời, chồi cây vươn mình và cứ lớn dần, lớn dần lên.
Chẳng bao lâu, cây non đã thành một cây to, cao và khỏe mạnh. Hằng ngày, các chú chim sâu, chim gõ kiến, chim sơn ca đều bay tới đậu trên cành cây. Các chú chim vừa bắt sâu vừa cất giọng hót líu lo.
Sống một mình trên quả đồi nên cây to buồn lắm. Nó muốn có bạn để chia sẻ vui buồn. Chị Gió, Cô Mây và cả Ông Mặt Trời đều bảo cây :
- Bạn đừng buồn nữa, chúng tôi sẽ giúp bạn !
Thế là chị Gió bay đi kiếm những hạt giống nhỏ và đem về. Cô Mây tưới nước mát, ông Mặt Trời chiếu những tia nắng ấm áp sưởi cho hạt.
Chẳng bao lâu, những hạt giống mới lại nảy mầm, vươn mình và lớn lên. Thế là trên quả đồi giờ đây đã có biết bao cây xanh tụ tập bên nhau, cùng vươn lên giữa bầu trời xanh lộng gió, chan hòa ánh nắng mặt trời.

CHUYỆN TRONG VƯỜN


Có một cây Hoa Giấy và một cây Táo con cùng sống trong một khu vườn. Cây Hoa Giấy có những cành gai màu nâu bóng phổng phao lớn lên từng ngày. Những cành lá xanh mướt đua nhau leo dây lên giàn làm nền cho những bông hoa tím đỏ rực rỡ. Còn cây Táo thì thân sần sùi, nứt nẻ với ít cành lá nhỏ xíu, cong cong.
Một hôm, cây Hoa Giấy nói với cây Táo :
- Táo ơi ! Cậu có biết là cậu đã làm xấu cả khu vườn không ?
Cây Táo không đáp mà chỉ im lặng .
Cây Hoa Giấy đắc chí lắm. Nó nghĩ rằng chẳng ai sánh nổi với vẻ tươi tốt của mình.
Mùa xuân đến, cây Hoa Giấy đâm chồi nảy lộc. Mưa phùn mùa xuân làm cây hoa giấy tốt tươi hơn. Hàng trăm bông hoa giấy thắm đỏ nở đồng loạt trông như một bức thảm đỏ rực. Còn cây Táo vẫn đứng lặng lẽ một góc vườn, thân cành trơ trụi. Cây Hoa Giấy nói :
- Táo ơi ! Cậu nên đi khỏi khu vừơn này để lấy chỗ cho tớ trổ hoa thì hơn.
Cây Táo con nép mình yên lặng. Ít ngày sau, cây Táo mới mọc lá.
Những chiếc lá tròn tròn bóng láng và hiếm hoi. Lúc này, cây Hoa Giấy đã lên kín giàn. Một thời gian sau, cây Táo bắt đầu nở hoa. Hoa táo thoảng mùi thơm dịu nhẹ trong gió. Chẳng bao lâu, hoa tàn và kết thành những quả táo nhỏ xíu màu xanh. Đến mùa thu, những quả Táo đã to và chín vàng.
Một hôm, hai ông cháu chủ vườn ra thăm cây. Cô cháu gái lại gần cây Táo và reo lên thích thú :
- Ông ơi ! Táo chín rồi !
Ông trảy cho cô bé một vốc táo. Cô bé cắn quả táo giòn và luôn miệng khen táo ngọt, ngon…
Cây Hoa Giấy thấy chẳng ai để ý đến mình thì buồn quá. Cây Táo nghiêng tán lá xanh thì thầm :
- Bạn Hoa Giấy đừng buồn ! Hai chúng ta mỗi người một nhiệm vụ. Tôi dâng trái ngon cho mọi người, còn bạn thì cho sắc hoa và bóng mát.
Giờ thì cây Hoa Giấy đã hiểu ra nhiều điều. Nó không còn kiêu ngạo như trước. Nó yêu mảnh vườn này, yêu cả dáng trơ trụi của cây Táo sau mùa cho quả.

SỰ TÍCH CÂY KHOAI LANG


Ở bìa rừng có hai bà cháu nghèo khổ sinh sống. Hằng ngày, hai bà cháu phải đi đào củ mài để ăn. Một hôm, cậu bé nói với bà :
- Bà ơi, bây giờ cháu đã lớn. Từ hôm nay trở đi, cháu sẽ đi kiếm củi, đổi lấy thóc giống và trồng lúa để có gạo nấu cơm cho bà ăn. Ăn củ mài mãi thì khổ lắm !
Từ đó, cậu bé cấy cày và chăm chút cho nương lúa của mình. Nhìn cây lúa trổ bông, rồi chín vàng, cậu sung sướng nghĩ : « Thế là bà sắp được ăn cơm trắng rồi ! ».
Nhưng chẳng may, một hôm cả khu rừng bị cháy. Nương lúa cũng cháy thành tro. Cậu bé buồn quá, bưng mặt khóc. Bỗng, có ông Bụt hiện lên và bảo :
- Hỡi cậu bé hiếu thảo và chăm chỉ, ta cho con một điều ước, con hãy ước đi !
- Thưa ông, con chỉ mong bà của con không bị đói thôi, bà con già yếu lắm rồi…
Ông Bụt gật đầu và biến mất.
Buổi trưa, cậu bé vào rừng đào củ mài nhưng kiếm mãi chẳng còn củ nào. Đến vài cái nấm hay khóm măng chua cũng chẳng có.
Bỗng, cậu bé đào được một củ gì rất lạ. Cái củ đó cũng bị lửa rừng hun nóng và bốc mùi thơm ngòn ngọt. Ruột nó có màu vàng nhạt và bột mịn mềm. Cậu bé bẻ một miếng nếm thử thì thấy ngon tuyệt. Cậu bèn đào thêm mấy củ đem về mời bà ăn. Bà cũng tấm tắc khen ngon và thấy khỏe hẳn ra. Bà hỏi :
- Củ này ở đâu mà ngon vậy hả cháu ?
Cậu bé hào hứng kể lại câu chuyện được gặp ông Bụt cho bà nghe. Bà nói :
- Vậy là thứ củ này là của ông Bụt ban cho người nghèo chúng ta đấy. Cháu hãy vào rừng tìm thứ cây quý đó đem về trồng khắp bìa rừng, bờ suối để cho mọi người nghèo cùng có cái ăn.
Cậu bé vừa tới cửa rừng thì một dải dây leo xanh mướt quấn vào chân cậu bé. Cậu nghĩ : « Chắc hẳn đây là cây quý » và mang cây đi trồng ở khắp bìa rừng. Chỉ mấy tháng sau, những rễ cây đã phình to thành củ màu tím đỏ. Nếu đem luộc hoặc nướng thì có vị thơm ngon, ngọt bùi. Cậu bé gọi đó là củ khoai lang.
Nếu ai muốn trồng, chỉ cần đem vùi dây khoai xuống đất và chăm bón thì tới mùa sẽ thu hoạch được rất nhiều củ.
Và cho đến bây giờ, khoai lang vẫn được nhiều người ưa thích.

SỰ TÍCH HOA HỒNG


Ngày xưa, hoa hồng chỉ toàn một màu trắng tinh. Những bông hoa hồng nói với nhau :
- Ước gì chúng ta có nhiều màu sắc như các loài hoa khác.
- Ừ nhỉ ! Gía mà chúng ta có được màu đỏ rực rỡ của hoa thược dược, màu tím ngát của ha lưu li, màu vàng tươi của hoa cúc…
- Nhưng chúng ta biết làm cách nào bây giờ ?
Đúng lúc ấy, một nàng tiên bay qua và nghe được câu chuyện của những bông hoa hồng. Nàng thầm nghĩ : « Mình sẽ giúp các bạn hoa hồng ! »
Nàng tiên bay đến gặp thần Mặt Trời và nói :
- Xin thần hãy ban cho loài hoa hồng sắc đỏ rực cháy của thần !
Thần Mặt Trời vuốt râu cười khà khà, gật đầu đồng ý.
Nàng tiên cảm ơn thần Mặt Trời rồi bay tới gặp nữ thần Mặt Trăng và nói :
- Xin nữ thần ban cho loài hoa hồng sắc vàng êm dịu của thần !
Nữ thần Mặt Trăng mỉm cười gật đầu.
Sáng sớm hôm sau, khi nàng tiên trở lại vườn hoa hồng thì cây lá tưng bừng chào đón. Bông hồng đỏ thắm nhất giữa các bông hồng mỉm cười chào nàng tiên. Nàng tiên nói :
- Từ nay, bạn có tên là Hồng Nhung. Các bạn hoa hồng có cánh màu vàng thì gọi là Hồng Vàng. Còn những bông hoa vẫn giữ màu rắng tinh thì có tên Hồng Bạch.
Hoa Hồng Nhung băn khoăn hỏi :
- Tiên nữ ơi, nàng bay khắp đó đây, nàng có biết ai đã biến màu cho các loài hoa hồng chúng tôi không ?
Tiên nữ trả lời :
- Đó là thần Mặt Trời, Mặt Trăng, là hơi ấm ngọt ngào của đất mẹ, là nắng gió, là mưa và sương đêm, là bạn bè ở khắp nơi đấy !
Những bông hoa cùng lên tiếng :
- Vậy thì chúng tôi phải làm gì để đáp lại lòng tốt của họ ?
- Các bạn hãy mang hương sắc của mình làm đẹp cho cuộc sống. Đó là cách trả ơn đáng quý nhất.
Nói rồi, nàng tiên nữ vui vẻ bay đi để khoe với tất cả mọi người rằng : đã có một loài hoa hồng muôn sắc hương rực rỡ.
Thế là từ đó, hoa hồng có nhiều màu sắc như bây giờ.

BÚP MĂNG NON


Bé đã bao giờ nhìn thấy tre chưa ? Cây tre mọc thẳng, dáng cao cao, lá nhòn nhọn, trông rất đẹp. Bất kể trời gió lớn mưa to, tre vẫn thẳng vút, không bao giờ ngả nghiêng.
Từ dưới gốc, tre mẹ sinh ra rất nhiều tre con. Tre con ngủ say dưới lòng đất, người ta thường gọi chúng là măng. Một ngày kia, ông Thiên Lôi trên trời gõ tiếng trống lớn « Thì thùng ! Thì thùng ! Đì đùng ! Đì đùng ! » làm cho đám măng nhỏ tỉnh giấc.
Những giọt mưa li ti lất phất thấm nhẹ xuống mặt đất. Khi làn nước mưa thấm đến thân mình, đám măng non uống nước mưa thật no. Sau đó, chúng cựa quậy, cựa quậy, rồi dùng sức đâm xuyên lên mặt đất.
Có một chú măng non sức lực khỏe mạnh, thân mình mập mạp, tròn trịa. Chú mặc rất nhiều lớp áo. Măng non lớn rất nhanh, nhưng khi chuẩn bị vươn lên khỏi mặt đất thì chú cảm thấy như có cái gì đó đang cản mình lại.
Một bạn Giun Đất trườn qua, nói :
- Măng non ơi ! Có một hòn đá to ở trên đầu bạn đấy !
- Thế à ? Tớ biết làm thế nào bây giờ ?
Giun đất đáp :
- Bạn hãy thử tìm một lối khác để vươn lên mặt đất xem sao ?
Măng non bắt đầu tìm đường bên cạnh hòn đá để đâm xuyên lên khỏi mặt đất. Nó lấy hết sức mình nhích lên trước, song càng nhích, nó càng mệt…Măng non nản quá.
Tre mẹ biết vậy liền động viên Măng non :
- Con của mẹ ! Hãy dũng cảm lên ! Gặp khó khăn thì phải tìm cách vượt qua con ạ !
Măng non cố suy nghĩ, cuối cùng, chú tìm ra được một cách. Chú chuyển mình men theo mạch nước mưa ngấm xuống. Lối đó đất mềm và trơn hơn. Thế là chú cố sức nhích lên.
A ! Xuyên qua mặt đất rồi. Măng non hít thật sâu luồng không khí trong lành, lòng vui phơi phới.
Một bạn Chim Sẻ bay tới nhảy trên mặt đất tìm mồi. Thấy Măng non vừa từ khe đất nhú lên, Chim Sẻ khâm phục nói :
- Măng non ơi ! Bạn giỏi quá !
Măng non cảm thấy thật sung sướng và tự hào. Măng non cùng với các bạn khác được ông mặt trời chiếu sáng và lớn lên mạnh mẽ. Từ búp măng non, chú đã trở thành cây tre nhỏ giống như mẹ. Những cây tre nhỏ sẽ hợp thành một rừng tre mới.

 

Chủ điểm : NGHỀ NGHIỆP


LỢN VÀ CỪU


Cừu là hàng xóm của Lợn. Một hôm, Cừu hỏi Lợn :
- Ngày mai, chúng mình đi bán hàng nhé ! Bạn bán bánh rán, còn tớ bán khoai lang luộc.
Thế là Cừu luộc khoai còn Lợn thì làm bánh rán.
Sáng hôm sau, Cừu cắp rổ khoai luộc và Lợn xách giỏ bánh rán cùng mang ra chợ bán.
Đến chợ, Lợn và Cừu tìm chỗ đông đúc nhất để ngồi bán hàng.
Một tiếng, hai tiếng… trôi qua, giỏ bánh rán và rổ khoai của hai bạn vẫn còn nguyên.
Nhìn giỏ bánh rán thơm ngon của lợn, Cừu bắt đầu thấy đói. Cừu lấy một đồng xu trong túi ra đưa cho Lợn và bảo :
- Cậu bán cho mình một cái bánh rán !
Lợn đưa ngay cho Cừu một chiếc bánh và cầm đồng xu bỏ vào túi.
Đã gần trưa mà chưa có ai mua khoai và bánh rán. Hàng quán trong chợ vắng dần. Lợn cầm đồng xu rất lâu rồi đưa lại cho Cừu và nói:
- Cừu ơi, mình đói lắm rồi. Cậu bán cho mình một củ khoai !
Cừu đưa cho Lợn củ khoai và nhận lại đồng xu.
Thấy Lợn ăn khoai ngon lành, Cừu thèm quá nên bảo Lợn :
- Tiền đây ! Cậu lại bán cho mình chiếc bánh rán nữa !
Cứ như thế, hai bạn mua bán với nhau. Lúc thì Lợn bán bánh cho Cừu, lúc thì Cừu bán khoai cho Lợn…Chỉ một loáng, giỏ bánh rán của Lợn và rổ khoai của Cừu hết nhẵn.
Chợ tan, Lợn và Cừu vui vẻ cắp rổ không ra về với hai cái bụng no kềnh. Trên tay Cừu vẫn còn nguyên một đồng xu.

CÂY RAU CỦA THỎ ÚT


Mùa thu đã qua, mùa đông đã tới, Thỏ mẹ dẫn các con ra vườn và bảo :
- Các con ạ, bây giờ là vụ rau rồi, mẹ sẽ dạy các con trồng củ cải nhé !
Ba anh em thỏ ríu rít trả lời :
- Thưa mẹ, vâng ạ !
Bốn mẹ con quây quần bên luống đất. Mẹ bắt đầu giảng :
- Muốn trồng rau, người ta phải làm đất , rồi gieo hạt…

Каталог: spthmn -> attachments -> article

tải về 427.86 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương