1/ lí lan tiểu sử



tải về 403.73 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích403.73 Kb.
#13512
1   2   3

Vào cung và bị gièm pha

Năm 741, Lý Bạch lại một phen từ bỏ gia đình, vợ con, ông đến Hồ Nam rồi Giang Tô, Sơn Đông... đi đến đâu danh tiếng lan ra đến đó.

Năm đầu niên hiệu Thiên Bảo (742), ông đến Cối Kê, cùng đạo sĩ Ngô Quân ở ẩn tại Thiểm Trung. Sau đó cùng bạn về Trường An, ở đây ông gặp thái tử tân khách Hạ Tri Chương, trở nên đôi bạn rượu-thơ thân thiết. Ông được Hạ Tri Chương tiến cử lên vua Đường Minh Hoàng, vua Đường nghe danh đã lâu nên rất thích, vời vào điện Kim Loan giao việc thảo thư từ, sau được phong làm Hàn Lâm, chuyên giữ việc mật. Được vua Đường và Dương Quý Phi yêu thích. Tại đây, cùng với Hạ Tri Chương, Thôi Tông Chi, Vương Tiến, Tô Tần, Trương Húc, Tiêu Toại, Lý Thích Chi hợp thành nhóm "Tửu trung bát tiên".

Đến năm 745, do lối sống của ông gàn dở bê bối, say xỉn suốt ngày, lại bị Dương Quốc Trung gièm pha nên Dương Quý Phi cũng phát ghét, chỉ trích luôn luôn làm Đường Minh Hoàng khó xử.

Lý Bạch nhận thấy sự đó, cộng với lòng đam mê du lãm đang trỗi dậy, ông liền từ biệt vua Đường. Vua rất buồn, nhưng cũng chiều theo, lại tặng thêm rất nhiều vàng nhưng thi nhân không nhận, cuối cùng trao cho ông quyền uống rượu miễn phí tại bất cứ quán rượu nào đi qua, tiền rượu sẽ do ngân khố thanh toán.
Rời cung, bị đày ải và qua đời

Trong 10 năm kể từ lúc rời cung, Lý Bạch tha hồ uống rượu và đi chơi, ông từng qua Triệu, Nguỵ, Tề, Tần, Lương, Tống, các vùng Bân, Kỳ, Thương, Ư, Lạc Dương, các sông Hoài, sông Tứ... Do đi quá nhiều nên ông cũng quen biết và thân thiết với rất nhiều, trong đó có Đỗ Phủ, Sầm Tham, Mạnh Hạo Nhiên, Cao Thích...

Năm Thiên Bảo thứ 13 (755), ông quen với Nguỵ Hạo ở Quảng Lăng, hai người cùng xoã tóc đi thuyền vào sông Tần Hoài. Sau đó đến Tuyên Thành. Tháng 11 năm này có loạn An Lộc Sơn, Lý Bạch liền về Lư Sơn, ở ẩn tại Bình phong điệp. Năm (56 tuổi), tiết độ sứ Vĩnh Vương Lân đến tận núi mời ông về phủ. Lý Bạch đành phải đi theo. Đến khi Lân làm phản bị bắt, Lý Bạch chạy trốn nhưng không thoát, lúc sắp bị tử hình có Tuyên Uý đại sứ Thôi Chi Hoán với ngự sử trung thừa Tống Nhược Tư đem giấu đi. Sang năm 757 bị triều đình bắt lại, lúc này người từng được Lý Bạch cứu khi xưa là Vương Chi Hoán ra sức giải oan, ông được giảm xuống tội đi đày.

Năm 758, trên đường đi đày ba vùng Dạ Lang, Động Đình, Tam Giáp, Lý Bạch được tha, liền đi xuống phía đông đến Hán Dương, tiếp tục cuộc ngao du đây đó, tuy nhiên tuổi già, sức yếu, ông đành đến Đang Đồ, ở nhờ anh họ là Lý Dương Băng. Đến năm 762, vua Đường Đại Tông lên ngôi, cho người mời Lý Bạch nhưng trên đường đi thì nghe tin ông đã qua đời rồi.



Cái chết

Thời kỳ sau của Lý Bạch ít được chú ý, đến khi Đường Đại Tông - một người yêu thơ Lý Bạch - lên ngôi thì ông đã không còn nữa rồi. Có người bảo ông chết do bệnh, nhưng trong dân gian còn lưu truyền một chuyện đẹp đẽ về cái chết của Lý Bạch:

Tại sông Thái Trạch, huyện Đang Đồ, trong một đêm rằm, Lý Bạch đang say xỉn trên bờ sông, thấy trăng in đáy nước đẹp quá, liền nhảy xuống với bắt mà chết đuối. Nơi đó có một cái đài, người sau đặt tên là Tróc nguyệt đài (Đài bắt trăng). Chuyện này được Đỗ Phủ, Vương Định Bảo, Hồng Dung Trai ghi lại.

Có nhiều bằng chứng lịch sử nêu rằng Lý Bạch đã tự tử (bài thơ tuyệt mệnh của ông).



Tác phẩm

Nhà thơ Bì Nhật Hưu thời vãn Đường nói rằng: "Từ khi nhà Đường dựng nghiệp đến giờ, ngữ ngôn ra ngoài trời đất, tư tưởng vượt xa quỷ thần, đọc xong thì thần ruổi tám cực, lường rồi thì lòng ôm bốn bể, lỗi lạc dị thường, không phải lời của thế gian, thì có thơ Lý Bạch".

Lý Bạch làm hơn 20.000 bài thơ cả thảy, nhưng làm bài nào vứt bài đó, nên được biết tới là nhờ dân gian ghi chép hơn cả. Sau loạn An Lộc Sơn thì mất rất nhiều. Đến khi ông mất năm 762 thì người anh họ Lý Dương Lân thu thập lại, thấy chỉ còn không tới 1/10 so với người ta truyền tụng.

Sang năm 1080, Sung Minh Chiu người Cao Ly mới gom góp lại tập thơ Lý Bạch, gồm 1800 bài. Đến nay thì thơ Lý Bạch còn trên dưới 1000 bài, bài nào cũng được đánh giá rất cao, nhưng nổi tiếng trong dân gian thì có: Tương Tiến Tửu, Hiệp khách hành, Thanh Bình Điệu, Hành lộ nan...

Khác với Đỗ Phủ, thơ Lý Bạch thích viễn vông, phóng túng, ít đụng chạm đến thế sự mà thường có những nội dung sau :

+ Vấn vương hoài cổ (Phù phong hào sĩ ca, Hiệp khách hành, Việt trung lãm cổ...)

+ Tả cảnh thiên nhiên tươi đẹp (Cổ phong, Quan san nguyệt...)

+ Cảm thông cho người chinh phụ (Trường can hành, Khuê tình, Tử dạ thu ca...)

+ Về tình bạn hữu (Tống hữu nhân, Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng, Văn Vương Xương Linh thiên Long Tiêu...)

+ Tình trai gái (Oán tình, Xuân tứ...)

+ Nhớ quê hương (Tĩnh dạ tứ, Ức Đông Sơn...)

+ Nhưng nhiều nhất vẫn là về rượu (Tương Tiến tửu, Bả tửu vấn nguyệt, 4 bài nguyệt hạ độc chước, Xuân nhật độc chước, Đối tửu...).

Lý Bạch làm thơ lối Cổ Phong rất được yêu thích, ngoài ra còn có thơ tuyệt cú, bát cú …

14/ TRƯƠNG KẾ

Tiểu sử

Trương Kế tự là Ý Tôn, là một nhà thơ Trung Quốc, sinh ra tại Tương Châu tỉnh Hồ Bắc (nay là Tương Dương) vào thời nhà Đường. Ông sống vào khoảng trước sau năm 756 - đời vua Đường Túc Tông. Ông từng thi đậu tiến sĩ và làm quan trong triều với chức vụ Tự bộ viên ngoại lang, về sau bị đổi ra Hồng Châu coi việc tài phú và mất tại đây. Sinh thời, ông là người học rộng, thích đàm đạo và bàn bạc văn chương, thế sự... đặc biệt rất thích làm thơ. Trương Kế có kiến thức rộng, thi trượt một khoa, đỗ tiến sĩ năm thứ 12 niên hiệu Thiên Bảo (753) và có làm chức quan nhỏ (Tự bộ viên ngoại lang).



Tác phẩm

Tác phẩm nổi tiếng của ông là Phong Kiều dạ bạc. Ông sáng tác bài này khi đi thi trượt trở về ghé qua Tô Châu, tức cảnh mà sinh tình. Nguyên tác bài thơ sau này đã được Khang Hữu Vi đời nhà Thanh khắc trên tấm bia lớn dựng trong chùa Hàn San để cho người đời sau qua đây thưởng lãm.




Phiên âm Hán-Việt

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Bản dịch của Tản Đà

Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi

Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co

Con thuyền đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
Bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh

Trăng tà chiếc quạ kêu sương

Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
Bản dịch của Bác Sĩ Đào Huy Hách

Trăng tà mờ mịt quạ kêu sương

Cây bãi đèn chài dạ vấn vương

Neo bến Cô Tô Hàn Tự cạnh

Nửa đêm văng vẳng tiếng chuông buông


Lời bình

Phong Kiều dạ bạc là một bài thất ngôn tứ tuyệt hàm súc, dễ hiểu, với nhiều địa danh đầy sức gợi cảm như Cô Tô- gắn với hình ảnh về người đẹp Tây Thi, Hàn San là ngôi chùa có nhiều vị sư nổi tiếng một thời và nhiều giai thoại, điển tích. Tuy nhiên vẻ đẹp thống nhất từ hình tượng bài thơ thì các dịch giả từ Tản Đà, Nguyễn Hàm Ninh, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Ngô Tất Tố v.v. cũng như các dịch giả khác sau này đều có điểm tương đồng trong cách cảm nhận.

Bài thơ là nỗi buồn của Trương Kế gửi gắm trong một tiếng quạ kêu thảng thốt, lẻ loi trong đêm và cái nỗi sầu len vào giấc ngủ chập chờn của hàng cây phong đối diện với ánh lửa chài. Hai câu thơ tả thực mà không thực, nó hấp dẫn người đọc ở cái vẻ hư ảo của nó. Những ‎ý thơ dường như không khớp nhau vì khi trăng lặn (nguyệt lạc), tức đã gần sáng, mà gần sáng (khác với nửa đêm - bán dạ) thì còn ai thức mà thỉnh chuông nữa. Tác giả viết những câu thơ trong chập chờn nửa tỉnh nửa mơ, gần sáng mà cứ tưởng nửa đêm. Đó là nỗi buồn của một người thi trượt, ấp ủ mộng công danh mà nay tan vỡ giống như Tú Xương vậy. Tiếng chuông đến từ chùa Hàn San, nơi có hai vị sư Hàn San và Thập Đắc nổi tiếng uyên thâm đạo học thời bấy giờ, ở ngoại thành Cô Tô đến làm khách của tác giả cũng giống như là tiếng chuông ảo. Câu thơ hay trong cái mơ màng hư ảo đó. Lấy một cái "giả thực" của ngoại cảnh để thể hiện một cái "đích thực" của tâm trạng là một đặc sắc nghệ thuật mà các tác giả cổ điển hay dùng. Nỗi buồn vô cớ hay nỗi buồn về nhân tình thế thái nói chung của tác giả, cho đến ngày nay vẫn chỉ là sự suy diễn.



15/ HẠ TRI CHƯƠNG

Tiểu sử

Hạ Tri Chương (659 - 744), tự Quý Chân, khi từ quan về làng tự xưng là Cuồng khách, là nhà thơ đời Đường, người Cối Kê, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Đời Đường Trung Tông, Hạ Tri Chương đỗ tiến sĩ vào năm 684, được bổ làm Thái thường bác sĩ. Trong thời Khai nguyên, đời vua Đường Huyền Tông, ông làm Lễ bộ thị lang kiêm Tập hiền viện học sĩ, đổi làm Thái tử tân khách, rồi Bí thư giám. Đầu đời Thiên Bảo, ông xin từ quan về làm đạo sĩ.

Ông cùng với Trương Húc, Trương Nhược Hư, Bao Dung được người đương thời gọi là Ngô trung tứ sĩ (Bốn danh sĩ đất Ngô). Trong quyển Thơ Đường, Trần Trọng San cho biết: "Ở vào thời Sơ Đường, thơ của Ngô trung tứ sĩ không nhiều thì ít đều kế tục di phong phù mỹ của thời Lục Triều, nên được xếp vào phái thơ Ỷ mỹ phái." Ông là bạn vong niên với Lý Bạch, từng gọi Lý Bạch là "trích tiên" (tiên bị đày). Hạ Tri Chương thích uống rượu, tính tình hào phóng.



Tác phẩm

Ông còn để lại 20 bài thơ, trong đó tác phẩm Hồi hương ngẫu thư ( 2 bài ) là nổi tiếng nhất.



Bài 1

Thiếu tiểu li gia lão đại hồi

Hương âm vô cải mấn mao tồi

Nhi đồng tương kiến bất tương thức

Tiếu vấn : khách tòng hà xứ lai ?

Bài 2

Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa,


Cận lai nhân sự thiếu tiêu ma.
Duy hữu môn tiền Kính hồ thuỷ,
Xuân phong bất cải cựu thời ba.

16/ ĐỖ PHỦ

Tiểu sử

Đỗ Phủ (712 – 770) là một nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng thời nhà Đường. Ông xuất thân từ một gia đình quý tộc đã sa sút, không biết rõ nơi sinh của ông, trừ chi tiết nó ở gần Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Mẹ ông mất một thời gian ngắn sau khi sinh ông. Vì là con trai của một quan lại bậc thấp nên ông được tiếp thu nền giáo dục thời đó : học thuộc lòng các tác phẩm kinh điển Khổng giáo, lịch sử và thi ca.

Đầu những năm 730 ông đi tới Trường An để dự thi nhưng bị đánh hỏng. Sau đó, ông tiếp tục đi du lịch quanh vùng Sơn Đông và Hà Bắc.

Mùa thu năm 744 ông gặp Lý Bạch lần đầu tiên, và giữa hai nhà thơ đã nảy sinh một tình bạn vong niên: Đỗ Phủ còn trẻ tuổi, trong khi Lý Bạch đã nổi tiếng trên văn đàn. Hai ông đã viết nhiều bài thơ về nhau. Họ chỉ gặp lại nhau một lần nữa năm 745.

Năm 746 Đỗ Phủ tới kinh đô để tìm kiếm một chức quan. Ông tham gia vào cuộc thi năm sau đó, nhưng tất cả thí sinh đều bị vị tể tướng đánh trượt Từ đó ông không bao giờ đi thi nữa.

Vào năm 755 ông được chỉ định làm quan coi kho vũ khí.

Loạn An Lộc Sơn xảy ra vào tháng 12, 755 và chỉ tan rã hoàn toàn sau tám năm. Trong thời gian này, Đỗ Phủ trải qua một cuộc sống trôi nổi, không thể định cư lâu dài ở đâu vì chiến tranh, cũng như nạn đói và sự bạc đãi của triều đình. Tuy nhiên, thời gian không hạnh phúc này khiến Đỗ Phủ trở thành một nhà thơ đồng cảm với những đau khổ, bất hạnh của người dân thường.

Năm 756 Huyền Tông buộc phải thoái vị, bỏ kinh đô tháo chạy. Đỗ Phủ, khi ấy đã rời kinh đô, đưa gia đình tới nơi lánh nạn và tìm đường đi theo triều đình nhưng trên đường đi ông bị bắt đưa về Trường An.

Năm sau ông bỏ trốn khỏi Trường An và được cho giữ chức Tả thập di trong triều đình mới tháng 5 năm 757. Chức vụ này khiến ông có cơ hội gặp gỡ Hoàng đế, nhưng chỉ mang tính nghi lễ. Đỗ Phủ nhanh chóng gặp rắc rối khi ông lợi dụng cơ hội này để dâng thư can gián việc loại bỏ Phòng Quán người bạn và là người bảo trợ của ông chỉ vì một lỗi nhỏ: sau đó tới lượt chính ông bị giam nhưng tới tháng 6 được thả ra. Tháng 9 năm ấy ông được cho phép về gặp gia đình, nhưng nhanh chóng quay lại triều ngày 8 tháng 12, 757. Ông cùng triều đình quay lại Trường An sau khi quân triều đình tái chiếm nó. Tuy nhiên, những lời can gián của ông không hợp với hoàng đế và vào mùa hè năm 758 ông bị giáng cấp làm Tư công tham quân ở Hoa Châu.

Mùa hè năm 759 ông lại ra đi; lý do của lần này thường được cho là vì nạn đói nhưng cũng có ý cho rằng ông ra đi vì vỡ mộng. Năm sau đó ông sống sáu tuần tại Tần Châu (hiện nay là Thiên Thuỷ, tỉnh Cam Túc), ở đây ông đã sáng tác sáu mươi bài thơ.

Năm 760 ông tới Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), nơi ông sẽ sống trong năm năm tiếp theo. Tới mùa thu năm đó ông rơi vào cảnh túng quẫn phải gửi thơ tới những người quen biết để cầu xin giúp đỡ. Dù vậy đây vẫn là một trong những giai đoạn thanh bình và hạnh phúc nhất của ông, và nhiều bài thơ sáng tác trong thời kỳ này miêu tả lại cuộc sống thanh bình trong "thảo đường" ở đó. Năm 762 ông rời thành phố này để tránh một cuộc bạo loạn, chỉ quay lại vào mùa hè năm 764 và được chỉ định làm Kiểm hiệu công bộ viên ngoại lang, tham gia vào chiến dịch chống lại người Tây tạng.

Quân đội triều đình tái chiếm Lạc Dương, nơi sinh Đỗ Phủ, vào mùa đông năm 762, và vào mùa xuân năm 765 Đỗ Phủ cùng gia đình đi thuyền xuôi sông Dương Tử, với ý định quay về Lạc Dương. Chuyến đi rất chậm, vì tình trạng sức khỏe kém của ông. Họ dừng lại ở Quỳ Châu trong hai năm cho tới tận cuối mùa đông năm 766. Đây là giai đoạn phát triển rực rỡ cuối cùng của thơ Đỗ Phủ, và cũng chính ở đây ông đã sáng tác 437 bài thơ đa phần là thơ luật.

Từ năm 754 ông bắt đầu bị bệnh phổi. Tháng 3 năm 768 ông lại bắt đầu chuyến hành trình tới tỉnh Hồ Nam. Ông mất tại Đàm Châu vào năm 770 trên một chiếc thuyền rách nát.

Ông từng được các nhà phê bình Trung Quốc gọi là Thi sửThi thánh.



17/ HỒ CHÍ MINH

Hồ Chí Minh (1890 –1969) là một nhà cách mạng, một trong những người đặt nền móng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam. Ông là người viết và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, là Chủ tịch nước trong thời gian 1945 – 1969, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong thời gian 1951 – 1969.

Là nhà lãnh đạo được nhiều người ngưỡng mộ và tôn sùng, lăng của ông được xây ở Hà Nội, nhiều tượng đài của ông được đặt ở khắp mọi miền Việt Nam, hình ảnh của ông được nhiều người dân treo trong nhà, đặt trên bàn thờ và được in ở hầu hết mệnh giá đồng tiền Việt Nam. Ông được thờ cúng ở một số đền thờ và chùa Việt Nam. Ông đồng thời cũng là một nhà văn, nhà thơ và nhà báo với nhiều tác phẩm viết bằng cả tiếng Việt, tiếng Hán và tiếng Pháp. Là một nhà lãnh đạo nổi tiếng ở Đông Nam Á, ông đã kết hợp chủ nghĩa Marx với chủ nghĩa dân tộc Việt Nam.

Tiểu sử và sự nghiệp

Ông tên thật là Nguyễn Sinh Cung, tự là Tất Thành. Quê nội là làng Kim Liên (làng Sen), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ ông là một nhà nho Nguyễn Sinh Sắc, từng đỗ phó bảng. Thân mẫu là bà Hoàng Thị Loan. Ông có một người chị là Nguyễn Thị Thanh, một người anh là Nguyễn Sinh Khiêm (tự Tất Đạt, còn gọi là Cả Khiêm) và một người em trai mất sớm là Nguyễn Sinh Nhuận (1900-1901).

Năm 1895, ông cùng cha mẹ và anh trai vào Huế lần đầu tiên. Sau khi mẹ mất (1901), ông về Nghệ An ở với bà ngoại một thời gian ngắn rồi theo cha về quê nội, từ đây ông bắt đầu dùng tên Nguyễn Tất Thành. Năm 1906, ông theo cha vào Huế lần thứ hai và học ở trường tiểu học Pháp-Việt Đông Ba. Tháng 9 năm 1907, ông vào học lớp Trung học đệ nhị niên tại trường Quốc học Huế, nhưng bị đuổi học vào cuối tháng 5 năm 1908 vì tham gia phong trào chống thuế ở Trung Kỳ. Cha ông bị triều đình khiển trách vì "hành vi của hai con trai". Hai anh em bị giám sát chặt chẽ. Ông quyết định vào miền Nam để tránh sự kiểm soát của triều đình.

Đầu năm 1910, Nguyễn Tất Thành vào đến Phan Thiết. Ông dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ cho học sinh lớp ba và tư tại trường Dục Thanh của Hội Liên Thành.

Khoảng trước tháng 2 năm 1911, ông nghỉ dạy và vào Sài Gòn cũng với sự giúp đỡ của Hội Liên Thành. Tại đây, ông theo học trường Bá Nghệ là trường đào tạo công nhân hàng hải và công nhân chuyên nghiệp cho xưởng Ba Son (bây giờ là trường Cao Đẳng kỹ thuật Cao Thắng), vừa đi bán báo ở khu vực thương cảng để kiếm sống và tìm hiểu đời sống công nhân. Ở đây, ông học được 3 tháng. Sau đó ông quyết định sẽ tìm một công việc trên một con tàu viễn dương để được ra nước ngoài học hỏi tinh hoa của phương Tây và tìm chính sách để cứu nước.

Ngày 5 tháng 6 năm 1911, từ Bến Nhà Rồng, ông lấy tên Văn Ba, lên đường sang Pháp với nghề phụ bếp trên chiếc tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville, với mong muốn học hỏi những tinh hoa và tiến bộ từ các nước phương Tây. Sau đó, ông đi qua nhiều nước hoạt động cách mạng như Hoa Kì, Trung Quốc, Anh, Liên Xô, Bỉ, Xiêm La và lấy nhiều tên khác nhau như Nguyễn Ái Quốc, Lý Thụy, Thầu Chín, Tống Văn Sơ, Lin, Hồ Quang.

Ông trở về Việt Nam vào ngày 28 tháng 1 năm 1941ở tại hang Cốc Bó, bản Pác Bó, tỉnh Cao Bằng với bí danh Già Thu. Tại đây, ông mở các lớp huấn luyện cán bộ cho in báo, tham gia các hoạt động thường ngày... Tháng 5 năm 1941, hội nghị mở rộng lần thứ 8 của Trung ương Đảng họp ở Cao Bằng và ông quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (Việt Minh).

Ngày 13 tháng 8 năm 1942, ông lấy tên Hồ Chí Minh, sang Trung Quốc với danh nghĩa đại diện của cả Việt Minh và Hội quốc tế phản xâm lược Việt Nam (một hội đoàn được ông tổ chức ra trước đó) để tranh thủ sự ủng hộ của Trung Hoa Dân quốc. Ông bị chính quyền địa phương của Trung Hoa Dân quốc bắt ngày 29 tháng 8 khi đang đi cùng một người Trung Quốc dẫn đường và giam hơn một năm, trải qua khoảng 30 nhà tù. Ông viết Nhật ký trong tù trong thời gian này.

Cuối tháng 9 năm 1944, ông trở về Việt Nam ra lệnh tổ chức lập lực lượng vũ trang và căn cứ địa cho chặt chẽ và hiệu quả hơn. Ông trực tiếp ra chỉ thị thành lập một đội quân mang tính chính thống và chính quy là đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, với 34 đội viên là các tiểu đội trưởng, trung đội trưởng hoặc thành viên của các đội quân nhỏ bé và rải rác trước đó của Việt Minh. Cuối năm 1944, ông lại trở lại Côn Minh hoạt động cho tới đầu năm 1945.

Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Đại hội quốc dân tại Tân Trào (Tuyên Quang), cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời, do Hồ Chí Minh làm chủ tịch.

Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 trên quảng trường Ba Đình tại Hà Nội, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 6 tháng 1 năm 1946, tổng tuyển cử tự do trong cả nước được tổ chức, bầu ra Quốc hội và Quốc hội thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I của Việt Nam đã cử ra Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và với chức danh Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông cũng đảm nhiệm luôn công việc của thủ tướng.

Ngày 31 tháng 5 năm 1946, ông lên đường sang Pháp theo lời mời của chính phủ nước này. Ngày 14 tháng 9 năm 1946, ông ký với đại diện chính phủ Pháp, bộ trưởng Thuộc địa Marius Moutet, bản Tạm ước (Modus vivendi), quy định đình chỉ chiến sự tại miền Nam, và thời gian tiếp tục đàm phán vào đầu năm 1947. Thế nhưng những nhân nhượng đó cũng không tránh nổi chiến tranh. Sau khi nhận được liên tiếp 3 tối hậu thư của Pháp trong vòng chưa đầy một ngày, ông kí lệnh kháng chiến. Tối ngày 19 tháng 12 năm 1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến do ông chấp bút được phát trên đài phát thanh. 20h tối cùng ngày, kháng chiến bùng nổ.

Tháng 3 năm 1947, ông và Trung ương Đảng chuyển lên Việt Bắc. Ông kêu gọi nhân dân tiêu thổ kháng chiến, tản cư cũng là kháng chiến, phá hoại (cho quân Pháp không lợi dụng được) cũng là kháng chiến.

Cuộc Chiến tranh Đông Dương kết thúc vào năm 1954, khi thực dân Pháp bị đánh bại tại Điện Biên Phủ - sự kiện báo hiệu sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới[65] - và dẫn đến Hiệp định Genève.

Từ khoảng nửa cuối thập niên 1960, Hồ Chí Minh giảm dần các hoạt động chính trị. Ông dần lui về nắm giữ vai trò biểu tượng của cách mạng, dành nhiều thời gian để đi thăm hỏi, động viên cán bộ và đồng bào. Quyền lực dần dần tập trung về tay bí thư thứ nhất Lê Duẩn và một số nhân vật gần gũi trong Đảng Lao động Việt Nam, những người chủ trương tích cực thúc đẩy quá trình thống nhất đất nước bằng cách đẩy mạnh cuộc chiến tranh ở miền Nam.

Hồ Chí Minh liên tục ốm nặng trong khoảng hơn 3 năm cuối đời. Trong thời gian chuẩn bị diễn ra sự kiện Tết Mậu Thân 1968, ông đang trong đợt dưỡng bệnh dài ngày tại Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Tuy vậy ông vẫn quay về Việt Nam ít ngày vào tháng 12 năm 1967 để phê duyệt quyết định tổng tấn công.

Hồ Chí Minh bắt đầu viết di chúc vào dịp sinh nhật lần thứ 75 của ông năm vào ngày 10 tháng 5 năm 1965, và sửa lại trong những dịp sinh nhật tiếp theo.

Hồ Chí Minh qua đời vào hồi 9 giờ 47 phút sáng ngày 2 tháng 9 năm 1969 (tức ngày 21 tháng 7 âm lịch) tại thủ đô Hà Nội, hưởng thọ 79 tuổi.

Tang lễ được tổ chức vào ngày 9 tháng 9 tại quảng trường Ba Đình với hơn 100.000 người đến dự, trong đó có các đoàn đại biểu từ các nước xã hội chủ nghĩa. Hàng triệu người trên khắp đất nước Việt Nam đã khóc.



Danh hiệu
UNESCO đã tôn vinh ông là "Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa" (nguyên văn: Hero of national liberation and Great man of culture) và khuyến nghị các nước thành viên tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông do "các đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật", và ông "đã dành cả cuộc đời mình cho sự giải phóng nhân dân Việt Nam, đóng góp cho cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của các dân tộc trên thế giới"

Tuần báo TIME của Hoa Kỳ bình chọn Hồ Chí Minh là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20. Tờ Time 2000 đã nhận định ông là người đã góp phần "làm thay đổi diện mạo hành tinh chúng ta trong thế kỷ XX".

Ngày 15 tháng 10 năm 2010, báo Time cũng đã bầu chọn Hồ Chí Minh là một trong 10 tù nhân chính trị nổi bật chiến đấu cho tự do nổi tiếng nhất mọi thời đại cùng với Aung San Suu Kyi, Nelson Mandela, Martin Luther King Jr., Mohandas Gandhi...
Tác phẩm
- Bản án chế độ thực dân Pháp (1925)

- Đường kách mệnh (1927)

- Con rồng tre (1922, kịch, nhằm đả kích vua Khải Định)

- Các truyện ngắn: Pari (1922, Nhân đạo), Lời than vãn của bà Trưng trắc (1922, Nhân đạo), Con người

biết mùi hun khói (1922, Nhân đạo), Vi hành (1923, Nhân đạo), Đoàn kết giai cấp (1924, Người cùng

khổ), Con rùa (1925, Người cùng khổ), Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925, Người cùng

khổ)

- Nhật ký trong tù (1942, thơ)



- Tuyên ngôn độc lập (1945)

- Thơ Hồ Chí Minh ( tập hợp tất cả các bài thơ của ông )

- Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (bút danh Trần Dân Tiên)

- Vừa đi đường vừa kể chuyện (bút danh T. Lan)

- Hồ Chí Minh toàn tập, ấn bản I: NXB Sự thật (1980-1989), ấn bản II: NXB Chính trị Quốc gia (1995-

1996)


18/ XUÂN QUỲNH

Tiểu sử

Xuân Quỳnh (1942-1988), là một nhà thơ nữ Việt Nam nổi tiếng, tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê ở làng La Khê, xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội). Xuất thân trong một gia đình công chức, thân mẫu mất sớm, thân phụ thường xuyên công tác xa gia đình, bà được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành.

Tháng 2 năm 1955, Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa. Bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài và dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới năm 1959 tại Viena (Áo).

Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong, làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt nam. Xuân Quỳnh là hội viên từ năm 1967, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III. Năm 1973, Xuân Quỳnh kết hôn với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ, trước đó, Xuân Quỳnh kết hôn lần đầu tiên với một nhạc công của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và đã ly hôn. Từ năm 1978 đến lúc mất Xuân Quỳnh làm biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới.

Xuân Quỳnh mất ngày 29 tháng 8 năm 1988 trong một tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương (nay là thành phố), tỉnh Hải Dương cùng với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi.

Tác phẩm


  • Tơ tằm - chồi biếc (thơ, in chung)

  • Hoa dọc chiến hào (thơ, in chung)

  • Gió Lào, cát trắng (thơ, 1974)

  • Lời ru trên mặt đất (thơ, 1978)

  • Sân ga chiều em đi (thơ, 1984)

  • Tự hát (thơ, 1984)

  • Hoa cỏ may (thơ, 1989)

  • Thơ Xuân Quỳnh (1992 , 1994)

  • Thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ (1994)

  • Cây trong phố - Chờ trăng (thơ, in chung)

  • Bầu trời trong quả trứng (thơ thiếu nhi, 1982)

  • Truyện Lưu Nguyễn (truyện thơ, 1985)

  • Mùa xuân trên cánh đồng (truyện thiếu nhi - 1981)

  • Bến tàu trong thành phố (truyện thiếu nhi, 1984)

  • Vẫn có ông trăng khác (truyện thiếu nhi, 1986)

  • Tuyển tập truyện thiếu nhi (1995).

Giải thưởng

Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.



19/ THẠCH LAM

Tiểu sử

Thạch Lam (1910-1942) sinh tại Hà Nội, nhưng nguyên quán ở làng Cẩm Phô, tỉnh Quảng Nam. Tên ban đầu do cha mẹ đặt là Nguyễn Tường Sáu, sau đổi là Nguyễn Tường Vinh rồi Nguyễn Tường Lân. Cha ông là Nguyễn Tường Nhu (1881-1918), thông thạo chữ Hán và chữ Pháp, làm Thông phán Tòa sứ nên thường được gọi là Thông Nhu hay Phán Nhu, mẹ là bà Lê Thị Sâm. Ông là một nhà văn Việt Nam nổi tiếng thuộc nhóm Tự Lực văn đoàn. Ông là em ruột của hai nhà văn nổi tiếng trong nhóm Tự Lực văn đoàn là Nhất Linh và Hoàng Đạo. Ngoài bút danh Thạch Lam, ông còn có các bút danh là Việt Sinh, Thiện Sỹ.

Ông Phán Nhu mất sớm, bà Phán Nhu phải một mình mua bán tảo tần nuôi một mẹ chồng và bảy người con.

Muốn sớm đỡ đần cho mẹ, Thạch Lam đã nhờ mẹ nói khéo với ông Lý trưởng cho đổi tên và khai tăng tuổi để học ban thành chung. Tiếp theo, ông thi đỗ vào Cao đẳng Canh Nông ở Hà Nội, nhưng chỉ học một thời gian, rồi vào trường Trung học Albert Sarraut để học thi Tú tài.

Khi đã đỗ Tú tài phần thứ nhất, Thạch Lam thôi học để làm báo với hai anh. Buổi đầu, ông gia nhập Tự Lực văn đoàn do anh là Nguyễn Tường Tam sáng lập, rồi được phân công lo việc biên tập tuần báo Phong hóa và tờ Ngày nay của bút nhóm này. Đến tháng 2 năm 1935, thì ông được giao làm Chủ bút tờ Ngày nay.

Khoảng năm 1935, Thạch Lam lấy vợ và được người chị (Nguyễn Thị Thế) nhường lại căn nhà nhỏ tại đầu làng Yên Phụ, ven Hồ Tây (Hà Nội) cho vợ chồng ông ở.

Tuy chỉ là một mái tranh vách đất, thế nhưng “nhà cây liễu” là nơi thường lui tới của các văn nghệ sĩ. Ngoài các thành viên trong Tự Lực văn đoàn, còn có: Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Tuân, Huyền Kiêu, Nguyễn Xuân Khoát...

Một tuổi thơ nhọc nhằn cộng với cuộc sống lao lực vì miếng cơm manh áo đã làm Thạch Lam sớm mắc căn bệnh lao phổi, một căn bệnh nan y thời bấy giờ. Ông mất tại “nhà cây liễu” vào ngày 27 tháng 6 năm 1942, lúc mới 32 tuổi, khi đang còn trong độ tuổi rực rỡ trên văn đàn.

Thạch Lam có ba người con, hai trai một gái: Nguyễn Thị Dung (sau ngày là vợ của tướng Ngô Quang Trưởng trong quân đội Việt Nam Cộng hòa trước đây), Nguyễn Tường Đằng, và trước vài ngày khi ông mất, vợ ông sinh thêm con trai mà sau này là nhà văn Nguyễn Tường Giang. Ông ra đi để lại người vợ trẻ cùng với ba đứa con thơ trong cảnh nghèo. Gia đình đã an táng ông nơi nghĩa trang Hợp Thiện, nay thuộc quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội. Theo nhà văn Băng Sơn thì sau khi Thạch Lam mất, vợ và các con ông có về sống ở Cẩm Giàng với bà Phán Nhu một thời gian rồi vào Nam.

Tác phẩm

Hầu hết sáng tác của Thạch Lam được đăng báo trước khi in thành sách. Tác phẩm gồm có:



  • Gió đầu mùa (tập truyện ngắn, Nxb Đời nay, 1937)

  • Nắng trong vườn (tập truyện ngắn, Nxb Đời nay, 1938)

  • Ngày mới (truyện dài, Nxb Đời nay, 1939)

  • Theo giòng (bình luận văn học, Nxb Đời nay, 1941)

  • Sợi tóc (tập truyện ngắn, Nxb Đời nay, 1942)

  • Hà Nội băm sáu phố phường (bút ký, Nxb Đời nay, 1943)

  • Và hai quyển truyện viết cho thiếu nhi : Quyển sách, Hạt ngọc. Cả hai đều do Nxb Đời Nay ấn hành năm 1940.

20/ VŨ BẰNG

Tiểu sử

Vũ Bằng (1913 –1984), tên thật là Vũ Đăng Bằng, sinh tại Hà Nội, quê gốc ở tỉnh Hải Dương. Ông là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam có sở trường về viết truyện ngắn, tùy bút, bút ký... Ông đã vào Sài Gòn sau 1954 để làm báo và hoạt động tình báo. Ngoài bút hiệu Vũ Bằng, ông còn ký với các bút hiệu khác: Tiêu Liêu, Vịt Con, Thiên Thư, Vạn Lý Trình, Lê Tâm, Hoàng Thị Trâm...

Ngay khi còn nhỏ ông đã say mê viết văn, làm báo. Năm 16 tuổi ông đã có truyện đăng báo, và liền sau đó ông lao vào nghề văn, nghề báo với tất cả niềm say mê.

Cha mất sớm, Vũ Bằng ở với mẹ làm chủ một tiệm bán sách ở phố Hàng Gai, Hà Nội, nên ông được cưng chiều, không bị thiếu thốn, vì vậy việc ông lao vào nghề viết không phải vì mưu sinh.

Năm 17 tuổi ông xuất bản tác phẩm đầu tay Lọ Văn. Trong lãnh vực báo chí, ngay từ trong thập niên 30, thập niên 40, nghĩa là lúc ông còn rất trẻ, ông đã là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật và cộng tác với nhiều tờ báo ở Hà Nội, Sài Gòn… Thế rồi khi in được vài truyện ngắn và tiểu thuyết, Vũ Bằng sa vào lãnh vực ăn chơi vào loại khét tiếng. Khoảng năm 1934-1935, Vũ Bằng nghiện á phiện rất nặng suốt 5 năm. Nhờ người cô ruột và nhờ vợ là Nguyễn Thị Quỳ thường xuyên săn sóc, khuyên nhủ, cộng với sự quyết tâm của bản thân nên ông đã cai được, rồi viết cả một cuốn tự truyện mang tên Cai.

Cuối năm 1946, Vũ Bằng cùng gia đình tản cư ra vùng kháng chiến.

Cuối năm 1948, trở về Hà Nội, bắt đầu tham gia hoạt động trong mạng lưới tình báo cách mạng.

Năm 1954, được sự phân công của tổ chức, ông vào Sài Gòn, để lại vợ và con trai ở Hà Nội và tiếp tục hoạt động cho đến năm 1975. Vì nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đứt đoạn đường dây liên lạc, mãi đến sau này, ông mới được công nhận là người hoạt động cách mạng và được truy tặng huân chương nhà nước.

Ông mất lúc 4 giờ 30 phút ngày 7 tháng 4 năm 1984 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 70 tuổi.

Tác phẩm


  • Lọ văn (tập văn trào phúng, 1931)

  • Một mình trong đêm tối (tiểu thuyết, 1937)

  • Truyện hai người (tiểu thuyết, 1940)

  • Tội ác và hối hận (tiểu thuyết, 1940)

  • Để cho chàng khỏi khổ (tiểu thuyết, 1941)

  • Bèo nước (tiểu thuyết, 1944)

  • Ba truyện mổ bụng (tập truyện, 1941)

  • Cai (hồi ký, 1944)

  • Ăn tết thủy tiên (1956)

  • Miếng ngon Hà Nội (bút ký, 1960)

  • Miếng lạ miền Nam (bút ký, 1969)

  • Bốn mươi năm nói láo (hồi ký, 1969)

  • Mê chữ (tập truyện, 1970)

  • Nhà văn lắm chuyện (1971)

  • Những cây cười tiền chiến (1971)

  • Khảo về tiểu thuyết (biên khảo, 1969)

  • Thương nhớ mười hai (bút ký, 1972)

  • Người làm mả vợ (tập truyện ký, 1973)

  • Bóng ma nhà mệ Hoát (tiểu thuyết, 1973)

  • Tuyển tập Vũ Bằng (3 tập, Nhà xuất bản Văn học, 2000)

  • Những kẻ gieo gió (2 tập, Nhà xuất bản Văn học, 2003)

  • Vũ Bằng toàn tập (4 tập, Nhà xuất bản Văn học, 2006)

Giải thưởng

Ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2007).



21/ ĐẶNG THAI MAI

Tiểu sử

Đặng Thai Mai (1902-1984) quê ở tỉnh Nghệ An, bút danh khác Thanh Tuyền, Thanh Bình. Thân phụ ông là Đặng Nguyên Cẩn, đỗ phó bảng, tham gia phong trào Duy Tân cùng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, bị thực dân Pháp bắt, đày đi Côn Đảo. Sau khi thân phụ bị bắt, ông về sống tại quê nội từ năm 6 tuổi, và được bà nội nuôi dưỡng, giáo dục lòng yêu nước, học chữ Hán và chữ Quốc ngữ theo chương trình Đông Kinh nghĩa thục.

Năm 1925, khi đang theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương - Hà Nội, ông tham gia phong trào đòi "ân xá" Phan Bội Châu, truy điệu Phan Chu Trinh, đồng thời gia nhập đảng Tân Việt.

Năm 1928, ông trở thành giáo sư Trường Quốc học Huế. Năm 1929, khi đảng Tân Việt tan vỡ, ông bị xử một năm tù treo, sau đó lại trở về dạy học ở Huế. Ông lại bị bắt năm 1930 và bị xử 3 năm vì tham gia phong trào Cứu tế đỏ. Sau khi ra tù, Đặng Thai Mai ra Hà Nội sống và dạy học tại trường tư Gia Long.

Đến năm 1935, Đặng Thai Mai cùng với các bạn là Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp... lập ra Trường tư thục Thăng Long. Năm 1936, ông cùng Nguyễn Văn Tố, Vương Kiêm Toàn, Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp... thành lập ra Hội truyền bá chữ Quốc ngữ.

Ông bắt đầu hoạt động văn hóa thời kì Mặt trận Dân chủ (1936-1939), viết báo và sáng tác một số truyện ngắn bằng tiếng Pháp nêu gương các chiến sĩ cách mạng buổi đầu.

Năm 1939, ông ứng cử Viện dân biểu Trung Kỳ. Đặng Thai Mai cũng là người có công giới thiệu văn học hiện đại Trung Quốc qua các công trình Lỗ Tấn (1944), Tạp văn Trung Quốc (1944), các bản dịch kịch Lôi Vũ, Nhật xuất của Tào Ngu, Lịch sử văn học Trung Quốc hiện đại, tập 1 (viết năm 1958).

Sau 1945, ông giảng dạy ở bậc đại học và nghiên cứu phê bình văn học. Năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá I, Ủy viên Ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời là Bộ trưởng Bộ giáo dục trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến thành lập ngày 2 tháng 3 năm 1946. Trong các giai đoạn về sau, ông lần lượt giữ các chức vụ về văn hoá và giáo dục như Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hóa, Hội trưởng Hội văn hóa Việt Nam, Giám đốc Trường dự bị đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV, Giám đốc trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Đặng Thai Mai mất ngày 25 tháng 9 năm 1984.

Tác phẩm


  • Văn học khái luận (1944)

  • Lỗ Tấn (1944)

  • Tạp văn trong văn học Trung Quốc ngày nay (1945)

  • Chủ nghĩa nhân văn thời kỳ văn hóa Phục Hưng (1949)

  • Giảng văn Chinh Phụ Ngâm (1950)

  • Lược sử văn học hiện đại Trung Quốc (1958)

  • Văn thơ Phan Bội Châu (1958)

  • Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX (1961)

  • Trên đường học tập và nghiên cứu, tập 1 (1959), tập 2 (1969), tập 3 (1970).

  • Đặng Thai Mai - tác phẩm, tập 1 (1978), tập 2 (1984)

  • Hồi ký (1985)

Giải thưởng

- Năm 1982, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

- Năm 1996, ông lại được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I) về các công trình nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học thế giới.

22/ PHẠM VĂN ĐỒNG

Tiểu sử

Phạm Văn Đồng (1906 –2000) sinh ra ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là vị Thủ tướng Việt Nam tại vị lâu nhất (1955–1987).

Ông là học trò, cộng sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1955-1976 và Thủ tướng của nước Việt Nam thống nhất từ năm 1976 (từ năm 1981 gọi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) cho đến khi nghỉ hưu năm 1987. Ông có một bí danh là .

Phạm Văn Đồng Ông tham gia phong trào bãi khóa chống Pháp của học sinh, sinh viên năm 1925, khi Phan Châu Trinh mất. Năm 1926, ông sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện cách mạng do Hồ Chí Minh tổ chức và gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Đến năm 1929, ông được cử vào Kỳ bộ Nam Kỳ, rồi vào Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và tham gia đại hội của tổ chức này họp ở Hồng Kông. Tháng 7 năm 1929, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, đày đi Côn Đảo.

Năm 1936, ông ra tù, hoạt động ở Hà Nội. Năm 1940, ông bí mật sang Trung Quốc cùng với Võ Nguyên Giáp, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và được Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ về nước xây dựng căn cứ địa ở biên giới Việt–Trung.

Năm 1945, tại Đại hội Quốc dân Tân trào, ông được bầu vào Ủy ban Thường trực gồm 5 người thuộc Ủy ban Dân tộc giải phóng, chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, ông được giữ chức Bộ trưởng Tài chính, Phó Trưởng ban Thường vụ Quốc hội (khóa I).

Tháng 6/1946, ông là Trưởng phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Fontainebleau (Pháp) thay cho Nguyễn Tường Tam không nhận nhiệm vụ, nhằm tìm một giải pháp độc lập cho Đông Dương. Tuy nhiên, hội nghị này thất bại bởi sự ngoan cố của thực dân Pháp không chịu trao trả độc lập cho Đông Dương.

Chiến tranh Đông Dương bùng nổ, ông được cử làm Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại Nam Trung Bộ. Năm 1947 ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (uỷ viên chính thức từ năm 1949). Từ tháng 7 năm 1949, ông được cử làm Phó Thủ tướng duy nhất.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương/Đảng Lao động Việt Nam lần thứ hai năm 1951, ông trở thành Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng.

Năm 1954, ông là Trưởng phái đoàn Chính phủ dự Hội nghị Genève về Đông Dương. Tháng 9 năm 1954, ông trở thành Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ tháng 9 năm 1955, ông là Thủ tướng Chính phủ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và từ năm 1976 là Thủ tướng của nước Việt Nam thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng cho đến khi về hưu năm 1987. Ông cũng liên tục là đại biểu Quốc hội từ năm 1946 đến năm 1987.

Ông là Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12 năm 1986 đến 1997. Ông cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Đỗ Mười đã tham gia cuộc gặp không chính thức với lãnh đạo Trung Quốc tại Thành Đô tháng 9 năm 1990 nhằm bình thường hóa mối quan hệ giữa hai nước sau hơn 10 năm căng thẳng và xung đột.

Ngày 21 tháng 8 năm 1998, thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định số 746/QĐ - TTg bổ nhiệm ông làm Chủ tịch danh dự Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam

Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng của Việt Nam và nhiều huân chương khác của Liên Xô, Lào, Campuchia, Cuba, Bulgaria, Ba Lan và Mông Cổ.

Về cuối đời, dây thần kinh đáy mắt của ông đã bị teo nên mắt ông mờ dần và ông thường xuyên phải đeo kính đen.

Ông mất tại Hà Nội ngày 29 tháng 4 năm 2000, hưởng thọ 94 tuổi.

23/ HOÀI THANH

Tiểu sử

Hoài Thanh (1909 - 1982) tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên, sinh trong một gia đình nhà nho nghèo có tham gia phong trào Đông Du chống Pháp của Phan Bội Châu. Quê ông ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, các bút danh khác như Văn Thiên, Le Nhà Quê, là một nhà phê bình văn học uyên bác và tinh tế, đã đóng góp công lớn về mặt phê bình, lý luận để khẳng định Thơ mới trong văn học Việt Nam thế kỉ 20. Hồi nhỏ ông là học sinh của trường Quốc học Vinh; rồi theo học trường Pháp Việt đến bậc trung học; tham gia phong trào yêu nước. Trước 1945, ông tham gia viết văn, làm báo, dạy học và được coi là người đứng đầu trường phái phê bình văn học Nghệ thuật vị nghệ thuật. Năm 1927, Ông gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng. Năm 1930 đang học ở trường Bưởi (Hà Nội) thì bị bắt, bị kết án treo, bị trục xuất khỏi Bắc Kỳ và giải về quê. Năm 1931 vào Huế, làm công cho một nhà in, đi dạy học, đồng thời viết văn, viết báo.

Ông tham gia Tổng khởi nghĩa của Việt Minh cướp chính quyền ở Huế tháng 8 năm 1945.

Sau 1945 ông lần lượt giữ những chức vụ: Chủ tịch Hội văn hóa cứu quốc, Huế (tháng 9 năm 1945); cán bộ giảng dạy tại Đại học Hà Nội (từ 1945 đến 1946); công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam (từ 1947 đến 1948); ủy viên Ban thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam(1950); Trưởng tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương (1950-1956); Vụ trưởng Vụ nghệ thuật và giảng dạy tại Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (1958). Trong khoảng 10 năm 1958-1968 ông trở thành đại biểu Quốc hội khóa 2, làm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 1 và 2. Từ 1959-1969 ông giữ chức Phó viện trưởng Viện Văn học Việt Nam kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu văn học của Viện [2]. Từ 1969 đến 1975 ông giữ chức Chủ nhiệm tuần báo Văn nghệ.

Hoài Thanh mất ngày 14 tháng 3 năm 1982 tại Hà Nội.

Tác phẩm

Viết các báo: Phổ thông, Le Peuple), La Gazette de Huế, Tràng An, Sông Hương, Tao Đàn.



  • Văn chương và hành động (1936)

  • Thi nhân Việt Nam 1932-1941 (1941, cùng viết với Hoài Chân, nhưng Hoài Thanh là chủ yếu)

  • Có một nền văn hóa Việt Nam (1946)

  • Quyền sống con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (1949)

  • Nhân văn Việt Nam (1949)

  • Xây dựng văn hóa nhân dân (1950)

  • Nói chuyện thơ kháng chiến (1951)

  • Nam Bộ mến yêu (1955)

  • Quê hương và thời niên thiếu của Bác (cùng viết với Thanh Tịnh 1960)

  • Phê bình và tiểu luận tập 1 (1960), tập 2 (1965), tập 3 (1971)

  • Phan Bội Châu (1978)

  • Chuyện thơ (1978)

  • Di bút và di cảo (1993)

  • Hoài Thanh toàn tập (4 tập, 1998)

Giải thưởng

Ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2000).



24/ PHẠM DUY TỐN

Tiểu sử

Phạm Duy Tốn (18811924) là nhà văn xã hội tiên phong của nền văn học mới Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20. Trước khi trở thành một nhà văn, nhà báo, ông từng là thông ngôn ở toà Thống sứ Bắc Kỳ. Ngoài tên thật Phạm Duy Tốn, ông còn viết với các bút danh Ưu Thời Mẫn, Đông Phương Sóc, Thọ An. Một trong những người con của Phạm Duy Tốn là nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy.

Ông nguyên quán ở làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội). Cha Phạm Duy Tốn là ông Phạm Duy Đạt và mẹ là bà Nguyễn Thị Huệ.

Thuở nhỏ Phạm Duy Tốn học chữ Nho. Sau ông cùng với các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim học trường Thông ngôn Hà Nội (Quai de Commerce) ở Yên Phụ và tốt nghiệp năm 1901.

Sau khi tốt nghiệp, Phạm Duy Tốn được bổ làm thông ngôn ngạch tòa sứ Ninh Bình rồi sang Thị Cầu (tòa sứ Bắc Ninh). Lúc ấy ông nổi tiếng là một thông ngôn có bản sắc riêng. Tuy nhiên, ông nhanh chóng bỏ công việc đúng theo sở học của mình mà không rõ lý do.

Mặc dù có tài liệu nói ông bỏ việc vì chống đối người Pháp, nhưng theo lời Phạm Duy, có thể lý do là ở máu phiêu lưu và sự hiếu động của ông.

Sau khi bỏ việc thông ngôn, Phạm Duy Tốn đi dạy học ở trường Trí Tri, phố Hàng Quạt, Hà Nội. Là một trong số những người Việt Nam đầu tiên húi tóc ngắn và mặc trang phục châu Âu, Phạm Duy Tốn cùng Nguyễn Văn Vĩnh là hai trong số những người sáng lập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội năm 1907.

Tiểu luận Phạm Duy Tốn, Journalist, Short Story Writer, Collector of Humorous Stories (Phạm Duy Tốn, nhà báo, tác giả truyện ngắn, nhà sưu tập truyện cười) của giáo sư John C. Schafer, đại học Huboldt State cho biết thêm Phạm Duy Tốn cùng Nguyễn Văn Vĩnh là hai người đã đệ đơn lên chính quyền thuộc địa của Pháp ở Đông Dương xin thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Tuy nhiên, trường này bị nhà chức trách đóng cửa vào năm 1908 vì là nơi tập hợp các trí thức yêu nước, có khuynh hướng độc lập dân tộc và chống lại thực dân Pháp.

Sau khi thôi dạy học, ông làm đủ các nghề khác nhau. Đầu tiên là mở một tiệm cao lâu ở phố Cầu Gỗ, Hà Nội. Theo Phạm Duy, nghề mở tiệm ăn lúc đó nằm trong tay Hoa kiều, tiệm cao lâu của ông Phạm Duy Tốn là tiệm đầu tiên của người Việt Nam. Tuy nhiên, tiệm không cạnh tranh được và phải đóng cửa. Ông lại vay tiền để mở một tiệm vàng tên là Nam Bảo. Chính vì việc vay mượn này mà sau khi Phạm Duy Tốn mất, vợ ông, bà Nguyễn Thị Hòa, đã phải làm lụng suốt đời để trả món nợ cũ của chồng. Tiệm vàng thất bại, Phạm Duy Tốn lại cùng một số bạn bè đi tìm mỏ ở Quảng Yên, nhưng theo lời Phạm Duy, "việc tìm mỏ chắc không đem lại cho bố tôi những thích thú về tiền bạc hay tinh thần".

Sau khi thất bại liên tục trên đường tìm sinh kế, Phạm Duy Tốn được một người bạn Pháp giúp đỡ bằng cách giới thiệu vào làm việc cho chi nhánh của Ngân hàng Đông Dương (Banque d'Indochine) ở Mông Tự, Trung Quốc. Ông ở Trung Quốc không lâu, lại bỏ việc trở về và quyết định theo đuổi nghề mà xưa nay ông vẫn cho là nghề phụ: viết văn, làm báo.

Giáo sư Schafer trong tiểu luận đã dẫn bình luận với nghề báo và viết lách, Phạm Duy Tốn "đã tìm thấy tiếng gọi của ông" và ông theo đuổi các hoạt động này đến khi qua đời. Schafer dẫn một bài trong báo Văn năm 1971 có tựa là Tưởng niệm Phạm Duy Tốn cho biết Phạm Duy Tốn đã viết cho tất cả 11 tờ báo khác nhau.

Hầu hết các tờ báo đó, như Đông Dương tạp chí hay Nam phong có trụ sở tại Hà Nội, nhưng ông cũng có vào Nam Kì để viết giúp các tờ báo của miền nam như Lục tỉnh tân văn hay Nông cổ mín đàm. Giáo sư Schafer viết khó xác định chính xác Phạm Duy Tốn đóng vai trò cụ thể gì trong nhiều tờ báo khác nhau, nhưng những tài liệu từ báo Văn cho thấy Phạm Duy Tốn đã làm biên tập và trợ lý biên tập cho một số tờ báo, ông cũng viết xã luận và truyện ngắn. Ông còn làm thư ký tòa soạn cho tờ Học báo trước khi nghỉ hưu vì sức khỏe.

Phạm Duy Tốn còn là một chính trị gia. Năm 1919, ông được bầu vào Hội đồng dân biểu thành phố Hà Nội. Từ năm 1920 đến 1923, ông là nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ, đại biểu của khu vực ba, Hà Nội. Năm 1922, ông cùng một số trí thức và quan chức của chính quyền thuộc địa như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Vũ Huy Quang tham dự Hội chợ triển lãm quốc tế (tức Đấu xảo) ở Marseilles, Pháp.

Thời gian này sức khỏe ông đã kém đi nhiều và theo Phạm Duy, chuyến đi khiến ông càng yếu hơn. Phạm Duy Tốn bắt đầu hút thuốc phiện khi biết ông mắc bệnh lao và sẽ không còn sống được bao lâu. Lúc những bạn bè ở tờ Thực nghiệp dân báo đến thăm ông bên giường bệnh, Phạm Duy Tốn nói: "Người ta chỉ chết một lần. Tôi đã biết mình sẽ chết vài năm trước. Bệnh này không chữa được. Với tôi chết thì chẳng đáng hy vọng gì, nhưng cũng chẳng đáng sợ gì".

Ông qua đời ngày 25 tháng 2 năm 1924 tại nhà riêng ở số 54, đường Felloneau, Hà Nội.

Văn nghiệp

Hồi ký của Phạm Duy cho biết, năm 1913, giai đoạn Phạm Duy Tốn còn làm việc cho Ngân hàng Đông Dương ở Mông Tự, Trung Quốc, ông có viết bài gửi về cho tờ Đông Dương tạp chí. Có thể ước đoán Phạm Duy Tốn bắt đầu viết báo từ trước đó không lâu. Các tài liệu khác nhau cho thấy Phạm Duy Tốn từng viết cho các tờ Đông Dương tạp chí (bút hiệu Ưu Thời Mẫn), Trung Bắc tân văn, Công thị báo, Nam phong, Lục tỉnh tân văn, Nông cổ mín đàm, (bút hiệu Đông Phương Sóc), Thực nghiệp dân báo, Đăng cổ tùng báo, Đông Pháp thời báo...

Schafer, trong tiểu luận đã dẫn, nói tìm hiểu các thành tựu làm báo của Phạm Duy Tốn là một việc khó khăn vì khó tập hợp được hết các tài liệu tất cả những tờ báo mà ông đã viết. May mắn là tại đại học Cornell còn lưu giữ một số bản tờ tuần báo Lục tỉnh tân văn mà Phạm Duy Tốn làm biên tập và viết bài vào giai đoạn 1915. Báo Lục tỉnh tân văn do một người Pháp là ông Francoise Henri Schneider làm chủ nhiệm và nhận kinh phí từ chính quyền thuộc địa Đông Dương. Các bài báo Phạm Duy Tốn viết cho tờ này, theo Schafer, hầu hết thuộc loại xã luận với nhiều đề tài khác nhau: quan hệ Pháp - Việt, giải thích tại sao Hoa kiều lại thành công hơn người Việt Nam trong việc kinh doanh, chỉ trích những người Ấn Độ cho vay nặng lãi ở Nam Kì...

Bài báo thành công nhất của ông có lẽ là bài Hoạn nạn tương cứu viết về trận lũ lụt ở Bắc Kì vào các tháng 7 và 8 năm 1915 làm 60.000 người thiệt mạng vì chết đuối hoặc bệnh dịch sau đó. Bài báo mô tả hậu quả của trận lũ và gây xúc động mạnh trong dân chúng ở Nam Kì dẫn đến việc thành lập một hội từ thiện gây quỹ gửi cho người dân gặp nạn ở miền bắc.

Ngày 4 tháng 11 năm 1915, trong bài xã luận Văn minh giả đăng trên Lục tỉnh tân văn, Phạm Duy Tốn chỉ trích những kẻ học làm sang theo lối tây nhưng nghèo nàn trong văn hóa. Bài báo khiến nhiều người miền nam nổi giận vì coi đó là lời ám chỉ họ và một cuộc bút chiến nổ ra giữa Phạm Duy Tốn ở Lục tỉnh tân văn với biên tập của tờ Nông cổ mín đàm Nguyễn Kim Đính và các cây bút Lê Hoàng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt.

Cùng với tâm lý vùng miền, cuộc bút chiến do Phạm Duy Tốn mào đầu nhanh chóng trở nên gay gắt và lan rộng. Một số học giả miền nam buộc tội trí thức Bắc Kì như Đặng Thai Mai, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn là tay sai của người Pháp và báo chí của họ là công cụ tuyên truyền để chống lại quan điểm yêu nước và cách mạng. Tuy những lời cáo buộc đó không phải là hoàn toàn vô lý, nhưng trong thời kỳ sau cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nhiều học giả như Phạm Duy Tốn thật sự tin tưởng ở việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mẫu quốc Pháp để học hỏi và khai phá văn minh.

Giải thích cho quan điểm làm báo của mình, Phạm Duy Tốn viết bài Trách nhiệm người làm báo đăng trên Lục tỉnh tân văn trong đó ông so sánh nước Việt Nam như một con thuyền và người làm báo là những người chèo thuyền có trách nhiệm đưa nó đến bến bờ văn minh. Bài báo đề cập rộng đến các vấn đề vai trò và trách nhiệm của báo chí trong xã hội, cách lựa chọn và đặt đề tài của nhà báo... Sau này, tác giả Hoàng Sơn Công nhận định: "Trách nhiệm người làm báo là một trong những bài viết đầu tiên ở Việt Nam bàn về vai trò, trách nhiệm và đạo đức của người viết báo, được thể hiện dưới dạng nghị luận với văn phong rất đặc trưng của Phạm Duy Tốn: khôi hài nhưng nghiêm túc, trang trọng mà thiết tha".

Phạm Duy Tốn viết văn không nhiều. Toàn bộ văn nghiệp của ông chỉ để lại có bốn truyện ngắn, nhưng ông vẫn được đánh giá là một nhà văn có ảnh hưởng quan trọng với văn học Việt Nam trong thời kỳ đầu hiện đại hóa. Giáo sư Schafer, trong tiểu luận đã dẫn, cho rằng ông "thử nghiệm một lối văn mới với chủ nghĩa hiện thực và phương pháp khách quan trở nên phổ biến ở Pháp thông qua ngòi bút Guy de Maupassant". Trước đó, văn học Việt Nam còn xa lạ với những hình thức và cách thể hiện văn chương hiện đại. Phạm Duy Tốn đã trở thành một trong những người tiên phong mở lối cho giai đoạn thành tựu rực rỡ của nền văn học Việt Nam cách tân giai đoạn sau này. Thay vì viết những tác phẩm văn xuôi theo khuôn khổ truyền thống, Schafer nhận xét ông đã "mở ra cánh cửa sổ đến một thế giới khác, thế giới không chỉ bao gồm trí thức và những tầng lớp trên, mà cả nông dân và những người kéo xe cần lao".



Các nhà phê bình thời bấy giờ thường so sánh Phạm Duy Tốn với Nguyễn Bá Học, một nhà văn cùng thời cũng viết các truyện ngắn. Truyện của Nguyễn Bá Học, dù cũng được coi là văn mới, nhưng vẫn được viết theo phong cách trang trọng và cổ điển. Như Thanh Lãng đã chỉ ra, Nguyễn Bá Học muốn duy trì những nền nếp đạo đức Nho giáo cổ truyền và cổ súy cho điều đó thông qua các tác phẩm của mình, còn Phạm Duy Tốn muốn cải cách xã hội, nên các tác phẩm của ông thường có khuynh hướng hòa nhập vào xã hội hiện thực rất rõ ràng, sâu sắc.

Tác phẩm


  • Bực mình hay Câu chuyện thương tâm ( Ðông Dương tạp chí số 55, Hà Nội, 1914 )

  • Sống chết mặc bay ( báo Nam Phong, Hà Nội, ngày 8 tháng 12 năm 1918 )

  • Con người Sở Khanh ( báo Nam Phong, Hà Nội, tháng 2 năm 1919 )

  • Nước đời lắm nỗi ( báo Nam Phong, Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 1919 )

  • Tiếu lâm An Nam ( bút danh Thọ An, hai tập, nhà xuất bản Ích Ký, Hà Nội, 1924 )



Каталог: UserFiles -> HEAD351 -> news -> attachment
UserFiles -> PHƯƠng pháp viết nghiên cứu khoa họC Ứng dụng sư phạM
UserFiles -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
UserFiles -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
UserFiles -> BỘ XÂy dựNG
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
UserFiles -> BỘ XÂy dựng số: 10/2013/tt-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
UserFiles -> MÔn toán bài 1: Tính a) (28,7 + 34,5) X 2,4 b) 28,7 + 34,5 X 2,4 Bài 2: Bài toán
UserFiles -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
attachment -> Bảng tuần hoàn hóa học chia nhóm các nguyên tố như thế nào?

tải về 403.73 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương