TS. hoàng chí hiếU



tải về 33.59 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích33.59 Kb.
#30991
ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ DANH NHÂN LỊCH SỬ

VÀ DANH NHÂN ĐƯƠNG ĐẠI



TS. HOÀNG CHÍ HIẾU

Trường Đại học Sư phạm Huế

Trong lịch sử, Quảng Bình là vùng đất xuất hiện của nhiều dòng họ và nhân vật nổi tiếng, có nhiều công tích trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự,… trong đó nổi bật là tài năng về quân sự, với nhiều võ tướng lẫy lừng, sự nghiệp vượt biên giới quốc gia. Do đó, việc tỉnh nhà tổ chức hội thảo khoa học về danh nhân Quảng Bình nhằm có một “sưu tập” đầy đủ về những danh nhân quê hương là việc làm có ý nghĩa về nhiều mặt. Tôi vinh hạnh được Ban Tổ chức Hội thảo mời viết bài tham luận. Không có điều kiện đi sâu về những danh nhân mà Ban Tổ chức đưa ra nhưng đọc kĩ danh sách đó, tôi thấy có vài cảm nhận sau.

Nếu xem danh nhân là những người thành đạt, có những võ công và văn trị lẫy lừng, để lại nhiều công tích cho những thế hệ sau thì đối với Quảng Bình, danh nhân hầu như rải khắp trên các lĩnh vực và lĩnh vực nào cũng có những đóng góp nổi trội. Từ khi trở thành một phần của quốc gia Đại Việt đến nay (1069-2012), đã gần một thiên niên kỉ trôi qua, gắn với vùng đất Quảng Bình hoặc do vùng đất này sinh ra, thời kỳ nào Quảng Bình cũng có những cá nhân kiệt xuất. Tuy nhiên, điểm qua danh sách những danh nhân mà Ban Tổ chức lập ra e rằng còn có gì đó chưa ổn, nếu không nói là chưa đầy đủ (mặc dù rất khó đặt lên bàn cân để so sánh người này với người khác) như trong thế kỉ XX, việc chỉ tập trung ở những văn nhân và tướng lĩnh quân sự, gây nên sự thiếu vắng nhiều người, nhất là những nhà hoạt động chính trị - xã hội và nhà khoa học (mà công lao và đóng góp đối với quê hương Quảng Bình và đất nước không hề thua kém) lại có gì đó khiến người ta hẫng hụt, dù rằng “dòng chảy lịch đại chưa kịp đẩy qua thời quá vãng nên chưa tiện nhắc đến”1 những con người cụ thể đang hiện hữu. Phải chăng độ lùi của thời gian chưa cho phép ghi nhận đầy đủ những cống hiến của họ hay sự tế nhị khi tôn vinh một người đang sống hoặc vẫn còn có cái nhìn thiên kiến, lấy ý thức hệ để xếp loại danh nhân?



Với ý nghĩ đó, chúng tôi cho rằng trong dòng chảy không ngừng của lịch sử, không chỉ trước thời cận đại mà thời hiện đại, nhất là thế kỉ XX, truyền thống cách mạng của nhân dân Quảng Bình tiếp nối từ phong trào Cần Vương đã được phát huy, là thời điểm sinh thành nhiều danh nhân của thế kỉ. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào danh sách do Ban Tổ chức cung cấp thì thấy phần lớn danh nhân Quảng Bình thế kỉ XX lại là những nhà văn hóa. Cùng nằm trong trực kỳ, từng gắn với Quảng Trị bởi đơn vị hành chính chung: Tỉnh Bình Trị nhưng dường như muộn hơn Quảng Trị, đầu thế kỉ XX, Quảng Bình chưa “sản sinh” ra một “thế hệ vàng” cách mạng2. Từ những quan văn, võ tướng của những thế kỉ trước, đầu thế kỉ XX, Quảng Bình xuất hiện một loạt văn nhân tài tử. Sự “chuyển dịch danh nhân” từ chính trị - quân sự sang văn hóa phải chăng do thời đại? Tại sao trong thời kì đầy biến động của đất nước dưới chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp và trước bão táp cách mạng giải phóng dân tộc nửa đầu thế kỉ XX mà Quảng Bình lại không có những nhân vật kinh bang tế thế như đã từng có? Phải chăng truyền thống bị mai một; hay dưới ách thống trị của thực dân không có điều kiện để xuất hiện danh nhân; hoặc bởi khí tiết mà nhiều người không chịu ra làm quan với thực dân để rồi chôn vùi tên tuổi trong chốn dân gian; hoặc là có nhiều người, bởi nguyên nhân này hay nguyên nhân khác, chưa được công nhận. Do đó, cần khách quan hơn khi xem xét, công nhận danh nhân trên các phương diện chính - tà, cách mạng - phản cách mạng,… để bổ sung cho hoàn chỉnh danh sách danh nhân Quảng Bình chứ không dừng lại ở con số 37 như trên. Để làm được điều đó, chúng tôi đề xuất một số ý kiến sau.

Một là, cần có cái nhìn đa chiều, chú ý đến những nhà hoạt động chính trị - xã hội cho dù họ đứng ở phía nào. Bởi xét trên nhiều phương diện, trong danh sách danh nhân mà Ban Tổ chức đưa ra như trên, nhất là trong thời trung đại, không ít người có những tì vết (nếu theo lấy lập trường giai cấp để đánh giá). Là người của chốn quan trường, nhất là trong những thời kì xã hội có nhiều biến loạn, họ không tránh khỏi việc phải vâng mệnh triều đình phải đưa quân đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân - việc mà sách cũ và thậm chí là một số tham luận trong hội thảo này lặp lại gọi là “giặc” hay “phản loạn”, như các cuộc khởi nghĩa của Ba Nhàn - Tiền Bột, Cao Bá Quát, Đoàn Hữu Trưng, thậm chí là tàn dư của nhà Tây Sơn,… Xem đó là những “chiến công” để xếp họ vào hàng danh nhân như thế liệu có thỏa đáng hay không? Nếu như thế, cũng cần bổ sung thêm một số nhân vật khác mà xét ra hành trạng của họ có ảnh hưởng nhất định đối với lịch sử, kể cả những người ở phía bên kia chiến tuyến trong thời cận - hiện đại, và để những thế hệ sau có cái nhìn đầy đủ về những người có tên tuổi của quê hương. Do đó, ta cần có cái nhìn khách quan, đánh giá công bằng về sự nghiệp, cống hiến và cả những hạn chế của tất cả những nhân vật này để mỗi danh nhân được tôn vinh một cách xứng đáng.

Hai là, với việc xem một số cá nhân, trong thời gian làm quan đã có công khai phá đất đai, làm thủy lợi một số nơi ở Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch, như Hồ Cưỡng, Phạm Phúc Duyện, Trần Bang Cẩn, Hoàng Hối Khanh,… là danh nhân thì một nhân vật rất có tiếng tăm (không kể chức tước “quan” còn cao hơn) của thời hiện đại nhưng chưa được tôn vinh như Nguyễn Tư Thoan thì thật thiếu sót. Đặc biệt, trong xu hướng đổi mới nhận thức về lịch sử hiện nay, việc đánh giá nhiều nhân vật, nhất là những nhân vật trong thế kỉ XIX (như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Tường,…), đã có cái nhìn cởi mở hơn, khách quan hơn thì việc để một “án treo” quá lâu đối với Nguyễn Tư Thoan có bất công không? Gắn liền thời kỳ ông làm Bí thư Tỉnh ủy (1959-1973), Quảng Bình nổi lên là một trong những địa phương dẫn đầu miền Bắc với những “Gió Đại Phong”, quê hương “Hai Giỏi”. Đặc biệt, công lao lớn nhất mà Nguyễn Tư Thoan để lại đến ngày nay là việc xây đập Rào Nan, biến vùng đất khô hạn Quảng Trạch trở thành những cánh đồng trù phú, căn bản giải quyết nạn thiếu đói cho bao người3. Đặt trong sự đối sánh với những trường hợp trên, thấy rằng Nguyễn Tư Thoan hoàn toàn xứng đáng là danh nhân thời hiện đại của quê hương Quảng Bình.

Ba là, ngay cả những người, dù đang sống nhưng nếu có đủ tiêu chí để xác định là danh nhân thì cũng cần phải được công nhận, dù rằng việc làm này là khá tế nhị nhưng cần thiết. Bởi nếu chỉ những người đã mất mới được đưa vào danh sách danh nhân thì e rằng “thiệt thòi” cho người đang sống chăng? (vì đang sống nên không có vinh dự làm danh nhân), ngoại trừ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành huyền thoại từ lâu. Do đó, cũng cần xem xét để đưa vào danh sách này những nhân vật của thời hiện đại, xét trên chính khả năng và cống hiến của họ đối với quê hương Quảng Bình và đất nước hiện nay. Chẳng hạn, nếu xét về tầm vóc tài năng, học thuật, cống hiến và ảnh hưởng đối với nền khoa học thế giới và nước nhà hiện nay, GS.TS. Trần Thanh Vân4 dư tiêu chuẩn để trở thành danh nhân nhưng lại không (hoặc chưa) được công nhận. Hoặc như xét về tài năng và cống hiến, cả trong chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay, tướng Đồng Sĩ Nguyên là nhân vật nổi trội. Vị Tư lệnh đường Hồ Chí Minh huyền thoại thuở nào, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng đường Trường Sơn công nghiệp hóa vẫn tâm huyết với sự nghiệp xây dựng đất nước qua những kiến nghị về khai thác Bauxite, vấn đề cho thuê rừng đầu nguồn,… Như đã nói, khó đặt lên bàn cân để so sánh nhưng những đóng góp đó của tướng Đồng Sĩ Nguyên dư thừa tiêu chuẩn để trở thành danh nhân. Yêu cầu này có lẽ sẽ dễ thực hiện bởi đã có những “báu vật sống”, di sản sống, nghệ nhân thì tại sao lại không thể có những danh nhân sống?

Bốn là, bên cạnh những danh nhân của đất nước, thậm chí là danh nhân thế giới, tất yếu có những người mà công lao và ảnh hưởng của họ ghi dấu đậm trong phạm vi hay lĩnh vực cụ thể ở địa phương hoặc nhiều lí do mà giá trị do họ tạo ra chưa thành phổ quát. Đó có thể là nhà nghiên cứu, có công phát hiện, phục hồi, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa của địa phương như NNC. Nguyễn Tú. Hoặc như sau này, khi hang Sơn Đoòng được công nhận di sản mang tầm vóc quốc tế, đưa vào khai thác, trở thành một “điểm nhấn” quan trọng nữa trên bản đồ du lịch Quảng Bình, thu hút được nhiều du khách, đem lại nguồn thu lớn cho địa phương thì người phát hiện ra nó - Hồ Khanh - cũng cần được vinh danh. Hoặc cần chú ý đến những người tuy học hành không thành đạt, không là quan cao chức trọng nhưng đóng góp của họ đối với quê hương, đất nước cũng cần phải ghi nhận, hoặc những cá nhân có ảnh hưởng sâu rộng đối với cả một thế hệ, như trường hợp Mẹ Suốt. Những trường hợp này nếu không được công nhận là danh nhân thì nhất thiết có được đưa vào danh sách những người Quảng Bình nổi tiếng hay không?

Cuối cùng, để xác định được những danh nhân “tiềm năng” này đòi hỏi phải có một hội đồng có thẩm quyền, có cái tâm, cái tầm của nhà quản lý và sự ghi nhận của xã hội nói chung. Vì vậy, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh (hoặc Hội đồng khoa học nào đó được ủy quyền) cần có kế hoạch xây dựng hồ sơ, xác định tiêu chuẩn để chọn lựa, đưa vào danh sách này những người xứng đáng, để danh nhân Quảng Bình được “liền mạch” từ quá khứ đến hiện tại.

1 Chữ dùng của TS. Nguyễn Khắc Thái.

2 Giai đoạn này ở Quảng Trị xuất hiện thế hệ vàng cách mạng như Lê Duẩn, Trần Hữu Dực, Lê Chưởng, Đặng Thí, Trần Quỳnh,… trong khi đối chiếu với Quảng Bình, hầu như rất ít những nhà cách mạng lớn xuất hiện.

3 “Nhờ thuỷ lợi Rào Nan mà dân 9 xã vùng Nam Quảng Trạch đã thoát được nạn đói cố hữu. Không chỉ có Rào Nan, với các đập Tiên Lang, Vực Tròn, Vực Nồi, Mỹ Trung… hàng chục vạn dân vùng Bắc Quảng Trạch, Bố Trạch, Lệ Ninh cũng đã thoát đói. Tất cả các công trình này đều do ông Nguyễn Tư Thoan khởi xướng và chỉ đạo giữa thời bom đạn mù trời ấy. Quê tôi có người vẫn nói: Phải chi như ngày xưa, hẳn ông Thoan đã được dân lập đền thờ…”. (Tham khảo thêm: http://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/201104/doanh-dien-su-mang-tam-hon-thi-si-1989605/).

4 GS. Trần Thanh Vân sinh năm 1936 tại Đồng Hới, Quảng Bình, học trung học tại Huế, tốt nghiệp cử nhân vật lý năm 1957, tiến sĩ vật lý năm 1963 tại Paris với bản luận án xuất sắc chỉ rõ rằng hạt proton không phải là “viên gạch cuối cùng” của vật chất, mà là một cấu trúc gồm nhiều “viên gạch” còn nhỏ hơn nữa kết hợp lại (về sau được cộng đồng vật lý quốc tế làm sáng tỏ đó là các hạt quark). Trong các hoạt động tổ chức và lãnh đạo ngành vật lý, ông được Viện Vật lý Mỹ đánh giá là người có công lao to lớn suốt bốn thập niên tập hợp các nhà vật lý thuộc nhiều quốc tịch và nhiều nền văn hóa khác nhau ngồi lại bên nhau trong tình thân ái qua các cuộc Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois, Gặp gỡ Việt Nam; và cũng là người đã hoạt động không mệt mỏi nhằm góp phần xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại ở Việt Nam. Tháng 4/2012, ông là một trong 3 người châu Á được tặng Huy chương Tate (Tate Medal) tại Hội nghị Hội Vật lý Mỹ ở Atlanta, bang Georgia. Trước Trần Thanh Vân, chỉ mới có hai người châu Á được nhận Huy chương này là Abdus Salam (1978, gốc Pakistan) và Yu Lu (Lục Vũ, CHND Trung Hoa, 2007).

Cùng GS Nguyễn Văn Hiệu, GS Jean Trần Thanh Vân đã tổ chức sáu lần Gặp gỡ Việt Nam về vật lý hạt và vật lý thiên văn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; sáng lập Trường Vật lý Việt Nam tập hợp nhiều nhà nghiên cứu trẻ không chỉ của Việt Nam, mà còn của nhiều nước và vùng lãnh thổ châu Á khác như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Bangladesh,… Cùng vợ là nữ GS Lê Kim Ngọc, một nhà sinh học nổi tiếng thế giới, ông đã góp công xây dựng các Làng trẻ em SOS Đà Lạt, Đồng Hới và Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân (Huế). Ông được Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tặng bằng Tiến sĩ khoa học danh dự. (Theo Từ điển bách khoa Wikimedia).




tải về 33.59 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương