Tính ngôn sứ của đời sống thánh hiến hôm nay Những nẻo đường mới, thách đố và cơ may, nguồn mạch của tính ngôn sứ



tải về 115.53 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích115.53 Kb.
#31036
Tính ngôn sứ của đời sống thánh hiến hôm nay

Những nẻo đường mới, thách đố và cơ may,

nguồn mạch của tính ngôn sứ

José Cristo Rey García Paredes, CMF

Cha José Cristo Rey García Paredes, một vị thừa sai dòng Claret, một nhà Thánh mẫu học và là một chuyên viên trong lãnh vực Đời sống Thánh hiến. Ngài là Tiến sĩ Thần học và là Giáo sư học viện Thần học về Đời tu tại Manila, Philippines và tại Madrid, Tây Ban Nha.

Ngài đã soạn thảo một loạt sách về Đời sống thánh hiến, trong đó có những cuốn sau: Dụ ngôn về Nước Trời, Đức Maria và Triều đại Thiên Chúa, Thần học đời tu vào kỷ nguyên hậu hiện đại.

Chia sẻ của tôi được đặt vào bối cảnh những suy tư và tranh luận đang có. Thực sự đã có một suy tư nền tảng về ngôn sứ Kinh Thánh (Carlos Mesters). Cha Giuse Abella đã giới thiệu một số kinh nghiệm ngôn sứ trong đời sống thánh hiến hôm nay và nhiều cảm nhận, ý tưởng và kế hoạch đã được trao đổi dựa trên kinh nghiệm đó. Giờ đây, tôi ước muốn giới thiệu chủ đề “ngôn sứ trong đời sống thánh hiến hôm nay”, cố gắng phân định đâu là những nẻo đường mới mở ra trước mắt chúng ta, những thách đố hay cản trở, những cơ may cũng như nguồn mạch nuôi dưỡng đời sống thánh hiến.

Tôi sẽ chia nội dung trình bày thành 3 phần: phần I nói đến việc sử dụng ngôn ngữ mang tính ngôn sứ; phần II nói đến một số bằng chứng hay những nguyên tắc soi sáng; phần III sâu hơn, bàn về những đặc điểm ngôn sứ mà Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn chúng ta vào lúc khởi đầu thế kỷ XXI này.
Phần I: Ngôn sứ trong ngôn ngữ của chúng ta.
Nói về “ngôn sứ” trong đời sống tu trì có thể gây hiểu lầm trong xã hội hôm nay; bởi lẽ một số đông người có ấn tượng với chuyện “tiên tri” trong đời sống thánh hiến và xem đó là điều sai lầm. Cách nói này không được chấp thuận đối với một phần các chức sắc trong Hội thánh, các thành viên của những phong trào trong Giáo hội, và ngay cả những người đời đang dấn thân trong đời sống Giáo hội cũng ghét từ ngữ đó. Và cả chúng ta nữa, các tu sĩ, cũng không dễ chấp nhận cách gọi như vậy. Chúng ta là những người thừa kế các truyền thống vĩ đại, nhưng chúng ta không cảm thấy “ngôn sứ” một cách tự nhiên. Tuy nhiên, chúng ta nhận thức rằng, trong số chúng ta vẫn có những con người ngôn sứ, hành động và sáng kiến mang tính ngôn sứ. Nhưng đó là những thực tại mong manh và chưa hoàn chỉnh. Thật không công bằng khi “vơ đũa cả nắm”.

Tuy nhiên, chúng ta cũng được mời gọi để khám phá trong những văn kiện chính thức của Giáo hội chiều kích ngôn sứ của đời sống thánh hiến được nhấn mạnh ra sao, và đặc tính “lội ngược dòng” của nó. Công đồng (CĐ) Vatican II khích lệ tính ngôn sứ bằng cách trình bày đời sống thánh hiến như một dấu chỉ có tính công bố, làm chứng, tiên báo và thể hiện trước. 1

Tông huấn “Đời sống thánh hiến” là tài liệu của Giáo hội đã khai triển sâu rộng chiều kích ngôn sứ2. Trong bất kỳ trường hợp nào, cần phải nhận thấy rằng ngôn sứ không bao giờ là độc quyền của đời sống thánh hiến, nhưng đó là cách thể hiện chiều kích ngôn sứ của toàn thể Hội thánh. Ý thức đó giúp tôi tái khẳng định cùng với Thần học gia vĩ đại J.R.M Tillard rằng đời sống thánh hiến “thăng hoa đôi cánh ngôn sứ của Hội thánh”.

Hội nghị cuối cùng về Đời sống thánh hiến dè dặt khi sử dụng từ “ngôn sứ” và “tính ngôn sứ”3. Tài liệu làm việc nhấn mạnh rằng: 1) nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần và trở về với nguồn mạch, sức mạnh ngôn sứ của đoàn sủng và sự tươi mới vĩnh viễn của nó vẫn tồn tại 4; 2) sự liên đới kinh tế và thực hành lời khấn khó nghèo của Tin Mừng là một phần thiết yếu của chiều kích ngôn sứ của đời thánh hiến5; 3) dấn thân cho công lý, hòa bình và chăm sóc thế giới chính là lời ngôn sứ6; 4) sống độc thân giữa một xã hội đầy ham mê tình dục là một hành vi ngôn sứ7; 5) tình huynh đệ là một chứng tá ngôn sứ trong một xã hội bất công và chia lìa8. 6) niềm đam mê canh tân và ngôn sứ đưa người tu sĩ đảm nhận thái độ chống lại văn hóa phiếm thần. 7) chiều kích ngôn sứ, rất thiết yếu cho đời thánh hiến, phải được nuôi dưỡng và phát triển nơi nào có sự nghi nan và mất niềm tin vào Hội thánh9. Chủ đề Hội nghị “Say mê Thiên Chúa, say mê con người” là một cách diễn tả trọn hảo của hình thức đời sống tự định nghĩa mình là “say mê” (cảm xúc thánh thiêng), phù hợp với tính ngôn sứ trong chiều kích kép đôi: hướng về Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô và hướng về nhân loại.

Trong hướng nhìn đối lập này, các bạn thử khám phá xem đề tài này liên hệ ra sao với Hội nghị: “Đời sống thánh hiến có phải là ngôn sứ cho văn hóa hôm nay không?”. Hãy tập trung nhận định của bạn vào ngôn sứ văn hóa mà đời thánh hiến đem lại cho hôm nay, một thế giới ngày càng toàn cầu và liên văn hóa hơn mọi thời đã qua .

Chủ đề hội nhập văn hóa rất phổ biến trong những năm hậu Công đồng. Sự nhạy bén liên văn hóa của chúng ta cũng tiếp tục gia tăng. Chúng ta tự hỏi làm cách nào có thể công bố Tin Mừng trong bối cảnh của mỗi nền văn hóa và Tin Mừng hóa nền văn hóa đó. Chúng ta hãy bước xa hơn 1 chút nữa10. Vì thế, chúng ta phải tự chất vấn:



  • Đâu là những đặc tính chính yếu của nhiệm vụ ngôn sứ của đời thánh hiến trong những bối cảnh văn hóa khác nhau?

  • Hãy nhìn vào nền văn hóa toàn cầu tân tự do, cái gì đang tìm cách thống trị; đời sống thánh hiến có những lời và hành động ngôn sứ nào đề xuất cho thế giới?

  • Làm thế nào có thể phát huy tính khẩn trương của những nhân vị ngôn sứ và đoàn sủng trong những nền văn hóa khác nhau mà đời sống thánh hiến đang hiện diện?

  • Những nỗ lực đào luyện và quản trị nào cần phát huy để lời ngôn sứ trở nên sống động giữa chúng ta?


Phần II: Đi vào cội nguồn của Ngôn sứ
Trước hết, chúng ta hãy nhớ lại một số nguyên tắc thần học cụ thể giúp chúng ta tập trung năng lực vào chủ đề sứ vụ ngôn sứ của đời sống thánh hiến hôm nay.

Điểm 1: Nếu mọi sự đều mang tính ngôn sứ, thì không có gì là ngôn sứ cả. Cần phải thể hiện được những nét đặc thù của nhiệm vụ ngôn sứ trong tương quan với những sứ vụ khác trong lòng Giáo hội: sứ vụ linh mục, hoạt động xã hội hay tông đồ, chính quyền… Nhiệm vụ ngôn sứ không lẫn lộn với những sứ vụ trên. Nhiệm vụ ngôn sứ đưa ra những thay đổi triệt để trong xã hội, tôn giáo và chính trị.

Điểm 2: Ngôn sứ thể hiện mối đồng cảm đặc biệt giữa Thiên Chúa và vị ngôn sứ: vị ngôn sứ có những cảm nhận thánh thiêng11. Vì thế vị tiên tri rất nhạy bén với điều xấu và tốt, trung thành với Giao ước và chống lại bất cứ gì ngăn cản Giao ước12. Một người không phải là ngôn sứ vì họ là người đạo đức. Nhưng ngôn sứ là một hồng ân dành riêng, biến đổi vị ngôn sứ trong “oth” – biểu tượng của lòng đam mê của Thiên Chúa dành cho dân Người. Vị ngôn sứ không muốn làm cách mạng hay bảo thủ. Ngôn sứ chỉ ước muốn trở thành chứng nhân của Thiên Chúa sống động và xót thương.

Điểm 3: Ngôn sứ hiểu rõ mình được Thiên Chúa kêu gọi và sai đi. Ngôn sứ nhận biết rằng nhiệm vụ của mình luôn là vâng phục Đấng đã sai đi. Chứng tá của những vị truyền giáo đầu tiên tại Melanesia như Silvano Zoccarato đã ghi lại: “Họ vâng phục, họ không chọn lựa”. Ngôn sứ không thể im lặng khi phải nói, không được làm ngơ Thiên Chúa – Đấng đã sai đi; Ngôn sứ phải thanh liêm, chính trực13. Những ngôn sứ giả không biết phân định những gì đến từ Thiên Chúa và những gì phát xuất từ nơi mình; họ chia sẻ những điều sai lầm cho người nghe; họ không được tự do trước hệ thống chính trị và tôn giáo14.

Điểm 4: Khi hệ thống chính trị chống lại kế hoạch của Thiên Chúa, ngôn sứ trở thành người lội ngược dòng; sẽ có khủng hoảng nhưng cũng có những năng lực mới mẻ cho các cộng đồng tôn giáo và chính trị15. Nhiệm vụ ngôn sứ nuôi dưỡng, vun trồng và phát triển một ý thức và cảm nhận khác với thực tại đang xảy ra; nó tác động đến việc khai sinh một cộng đoàn khác biệt đem lại sự tươi mới của Nước Thiên Chúa giữa chúng ta16.

Điểm 5: Ngôn sứ không đồng ý với những điều ám muội; trước những khó khăn và cản trở, Thần Khí chuẩn bị cho vị ngôn sứ bằng những hình ảnh nên thơ và trữ tình. Ngôn sứ gắn liền với viễn ảnh tương lai của một thế giới khác; ngôn sứ tin vào tương lai của Thiên Chúa và vì thế, ngôn sứ ca hát, múa nhảy, chữa lành và tha thứ tội lỗi; ngôn sứ sử dụng những biểu tượng, hình ảnh, lời bào chữa. Thái độ này khiến ngôn sứ gặp nhiều vấn đề, vì đối với hệ thống tôn giáo cũng như chính trị, những viễn ảnh tạo ra như thế quả là sai lạc17.

Điểm 6: Không dễ phân định được đâu là ngôn sứ được nuôi dưỡng và khơi dậy bởi Thánh Thần. Có những ngôn sứ giữa dân Do thái, trong những cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi; nhưng vẫn có những ngôn sứ giữa các Kitô hữu hôm nay, trong các giáo phái khác nhau; vẫn có những ngôn sứ của các tôn giáo khác. Cũng có những lời ngôn sứ của người đời. Từ “lời ngôn sứ” đang dần thế tục hóa và tượng trưng cho những đề xuất khác lạ, mới mẻ và siêu việt. Không ai là người độc quyền có Thánh Thần cả, vì Thánh Thần tràn ngập địa cầu. Chúng ta đang ở trong thời đại của Thánh Thần. Những phong trào ngôn sứ hiện nay là một lời mời gọi cho tất cả chúng ta phân định. Vào lúc tận cùng của lịch sử, Thiên Chúa sẽ nói: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, vì các ngươi đã công bố lời Thiên Chúa”. Họ sẽ ngạc nhiên hỏi lại: “Lạy Chúa, chúng con đã nói ngôn sứ khi nào?

Điểm 7: đời sống thánh hiến muốn khám phá tiềm năng ngôn sứ, không phải như một chiều kích riêng biệt, chỉ dành cho một số người, nhưng là một “ngôn sứ sẻ chia” với nhiều người và cộng đoàn, bên trong cũng như bên ngoài Giáo hội. Vì thế, đời sống thánh hiến cảm thấy được mời gọi liên đới và cổ võ những phong trào ngôn sứ, để chia sẻ đặc tính ngôn sứ, để cất cao đôi cánh ngôn sứ của Giáo hội và xã hội. Mỗi một đoàn sủng cho thấy có sự hiện diện ngôn sứ khác nhau trong Giáo hội.
Phần III: Ngôn sứ hôm nay – Những nẻo đường và cơ may mới
Không quên những điều vừa đề cập trên đây, tôi tin rằng đời sống thách hiến đang cảm nhận một thách đố (như một nẻo đường và cơ may) để thể hiện khả năng ngôn sứ trong những lãnh vực sau đây: 1) ngôn sứ về lòng hiếu khách: ôm ấp những khác biệt; 2) ngôn sứ về ý nghĩa đời sống; 3)ngôn sứ về sự nghèo khó tự nguyện; 4) ngôn sứ về chủ nghĩa hiện thực; 5) mối phúc ngôn sứ; 6) sự khôn ngoan và những viễn tượng mang tính ngôn sứ.


  1. Ngôn sứ về lòng hiếu khách: ôm ấp những khác biệt

Không có nhân đức hiếu khách, đời sống thánh hiến không thể trở thành tôi tớ của Giao ước giữa Thiên Chúa với trái đất và tất cả mọi dân tộc cư ngụ trên trái đất. Không có lòng hiếu khách, các cộng đoàn và nhân sự của chúng ta chỉ khép lại trên chính mình, trong nền văn hóa của mình, và họ sẽ bỏ qua những cơ hội tương tác với toàn thể vũ trụ. Ngược với lòng hiếu khách là sự hận thù, loại trừ khác biệt, bạo lực. Ngày nay trong thế giới của chúng ta, vẫn có bạo lực, va chạm giữa các nền văn minh, đối kháng mạnh mẽ phát xuất từ sự loại trừ những khác biệt. Loại trừ đang là tội cơ bản của những tiến trình toàn cầu hóa. Nhưng, ngay cả trong Giáo hội, sự hiềm khích vẫn có trước những gì khác biệt qua thái độ bất khoan dung, loại trừ và thiếu đối thoại.


Lòng hiếu khách dẫn đưa chúng ta đến thái độ đón tiếp “người khác”, đón nhận khác biệt, ngoại kiều; đây vẫn là một trong những đặc điểm luân lý vĩ đại của thời đại chúng ta, là một nhân tố mang tính cơ cấu và kiến tạo của một nhân loại chung sống hòa bình. Có một số tác giả đã bắt đầu xem lòng hiếu khách như là một yếu tố thần học đích thực18: Nhân đức này không phải đã được thể hiện cách mãnh liệt nơi Thiên Chúa là Cha của chúng ta sao? Qua Người Con chịu đóng đinh Thập giá, Thiên Chúa đã mở rộng vòng tay để ôm lấy tất cả chúng ta, không loại trừ, dù chúng ta vẫn còn là người tội lỗi và bất trung với Giao ước của Người.

Hiểu như thế thì lòng hiếu khách là một nhân đức nền tảng có trong tất cả đoàn sủng của chúng ta và đón nhận nơi mỗi người sắc thái riêng biệt. Những đoàn sủng chung này nói cho chúng ta biết về cách chúng ta đón tiếp lẫn nhau, đón tiếp người nghèo khổ, bị bỏ rơi, loại trừ, đón tiếp nạn nhân của bạo hành, đón tiếp những người thuộc văn hóa, tôn giáo, chủng tộc khác. Và với tính cách đoàn sủng, chúng ta được mời gọi gia tăng khả năng đón tiếp. Chân phước Mazzuconi đã yêu cầu các vị thừa sai: “Trong đức ái, hãy ôm lấy trọn cả trái đất và tất cả nhân loại… Một ngày nào đó, chúng ta sẽ gặp nhau trong một sự sống, một tình yêu, trong một niềm vui bất diệt”19.

Đời sống thánh hiến nỗ lực và tiếp tục nỗ lực trở thành không gian đón tiếp “người khác”; đối lại thái độ bảo thủ và khép kín. Đời thánh hiến ước muốn trở thành “nhà và trường dạy sự hiệp thông”, thành không gian đối thoại giữa các nền văn minh. Chúng ta cố gắng kiến tạo bầu khí để mọi thế hệ khác nhau, mọi nền văn hóa và chủng tộc khác nhau cùng sống và lớn lên. Chúng ta phải nghiêm túc đảm nhận việc đối thoại liên văn hóa, đại kết và liên tôn. Lòng hiếu khách hướng đến tha nhân làm cho chúng ta ngày càng thêm lòng xót thương, bớt hình thức và tăng chiều sâu. Vì thế, chúng ta tạo ra những không gian chính thức cho sứ mệnh được sẻ chia với người đời, thấm nhập văn hóa và những cộng đoàn ở giữa người nghèo. Một vài hình thức đời tu đã mở ra cho những khác biệt và đón tiếp trong cùng một hình ảnh của cộng đoàn.

Lòng hiếu khách “ad intra” (từ nội tâm) xây dựng các cộng đoàn thành trường dạy sự hiệp thông, nơi đó chúng ta học biết nghệ thuật rất khó của việc cùng chung sống với “người khác”, với “sự khác biệt”. Sự hiếu khách “ad extra” (thể hiện bên ngoài) tăng thêm nghị lực truyền giáo và can đảm dấn mình vào những môi trường nguy hiểm, ngay cả phải chịu tử đạo. Sự tham dự vào thái độ đón tiếp nồng hầu của Chúa Giêsu và tin tưởng vào Thần Khí của sự đón tiếp tạo nên dung mạo đích thực của đời thánh hiến ngày hôm nay.

Chúng ta ngày càng khám phá ra rằng chúng ta được mời gọi không chỉ “học biết sống với người khác”, rằng chúng ta phải đi từng bước khó khăn và trả giá để “mở lòng cho người khác”, nhưng trên hết chúng ta phải đón nhận người khác với cùng một thái độ hiếu khách mà chúng ta đã cảm nhận được Thiên Chúa đón nhận. Thiên Chúa của Thập giá là một dấu hiệu siêu vời của lòng hiếu khách hướng đến những người khác, đón nhận những khác biệt. Nơi Thập giá, tất cả chúng ta đều được đón nhận như nhau và được ôm vào lòng20.


  1. Ngôn sứ về ý nghĩa đời sống

Không có ý nghĩa, đời sống con người trở nên điên khùng, bất thường, trống rỗng và thất vọng. Những tiện nghi mà xã hội văn minh hay thịnh vượng kinh tế đem lại không thỏa mãn nhu cầu về ý nghĩa gắn liền với con tim nhân loại. Chúng ta trả giá rất đắt khi chúng ta để cho những ham muốn sở hữu tiện nghi lèo lái; chúng ta từ bỏ để hiểu biết, để liên đới và sống huynh đệ, từ bỏ để được thiêng liêng. Nếu trong quá khứ, người ta thường đặt câu hỏi: Làm thể nào để sống theo gương Thiên Chúa?, thì bây giờ, câu hỏi chỉ là: sống ra sao? Không có gì khác hơn.

Chúng ta đang chạm đến một vấn đề hoàn toàn mang tính nội tâm. Không có sự siêu việt, nhân loại cứ khép lại trên chính mình. Chủ nghĩa “thế tục” không cảm thấy hòa hợp với Thiên Chúa, bởi vì họ lãng quên hay đã từ chối Ngài. Khi chúng ta không tiếp xúc với siêu việt, mọi sự trở nên tầm thường. Những lo toan của đời sống hàng ngày trở nên nặng nề.

Thế giới hiện đại đã xóa bỏ tính chất thánh thiêng của thế giới và sùng bái những thứ trần tục. Nền văn hóa toàn cầu ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên trái đất và ngày càng gia tăng đặc tính phiếm thần. Có những người cho rằng khoa học là một “nền thần học” có thể giải thích mọi sự. Kinh tế được xem như là một tôn giáo mới có mặt ở khắp nơi; con người thờ tiền bạc. Vì thế, ngày nay, con người làm cho sự thoải mái và hạnh phúc xáo trộn. Những thiên chúa mới là những gì bất trung, phản bội; không đồng hành với con người; bỏ rơi nhân loại trong sự thất vọng, nhất là trước những khó khăn, bệnh tật và cái chết.

Mặc khải Kitô giáo đối nghịch với bất kỳ hình thức phiếm thần nào và là một đề xuất vĩ đại cho ý nghĩa siêu việt và nội tâm (thần học tạo dựng và nhập thể). Trong đời sống thánh hiến, chúng ta công bố rằng “các vị thần trên trái đất này không thỏa mãn cho chúng ta”. Chúng ta nổi lên chống lại thần tiền bạc, tình dục và quyền lực. Những lời tuyên hứa, tuyên khấn của chúng ta không mang nghĩa chối từ những giá trị của tạo dựng nhưng hơn thế, nó đưa ra một nẻo đường trổi vượt. Chúng ta nói không với hình thức phiếm thần, nhưng nói vâng cho sự hiệp thông với vũ trụ, thiên nhiên, với sự tĩnh lặng, với niềm vui sống, với sự tự do khỏi những nhu cầu quá mức do chủ nghĩa hưởng thụ tạo ra; chúng ta nói vâng với điều chính yếu; ôn lại những quyền ưu tiên của chúng ta. Chúng ta có điều cao cả là được đầu tư vào chính đời mình. Chúng ta chống lại những chuyện hoang đường, sự dễ dãi và nghịch lý của xã hội hiện đại. Qua lời nói và hành động phản đối, chúng ta trở nên ngôn sứ cho ý nghĩa đời sống. Nơi đâu có niềm hy vọng siêu nhiên, nơi đó có ý nghĩa. Đời sống chiêm niệm chiếu sáng chiều kích ngôn sứ này vì nó cho thấy ý nghĩa của một cái gì đó ở phía trước, thật mầu nhiệm.



  1. Ngôn sứ về sự nghèo khó tự nguyện


Pascal Bruckner đã phát hành một cuốn sách nổi tiếng vào năm 2002 và đạt giải thưởng “Book of Economy 2002” (Cuốn sách Kinh tế 2002) mang tựa đề “Nỗi khổ của sự thịnh vượng”; nó âm vang lại câu hói của Marx “nỗi khổ của triết học”21. Bruckner đã say sưa bảo vệ truyền thống nhân bản của châu Âu trong cuốn sách này và ông chống lại một nhân loại hiện nay chỉ lo phục vụ cho kinh tế, phá hủy sức khỏe, văn hóa, giáo dục và sự phong phú đạo đức. Vì thế, đề nghị của Bruckner sẽ không chỉ là một ý tưởng trong hàng ngàn ý tưởng, nhưng nó cần phải được biến thành một lối sống khác. Chúng ta gọi đó là ngôn sứ của sự khó nghèo tự nguyện.

Chủ nghĩa Tân tự do và chống tân tự do đồng ý với nhau trong một điều: họ làm cho kinh tế thành một tôn giáo mới, với nền phụng vụ, với các thánh, lời tiên tri, ngôn ngữ kết nạp và ngay cả những sứ điệp cứu thế của nó nữa. Thần tượng của nền kinh tế mới rất thô lỗ vì người giàu không cần đến người nghèo mới trở nên giàu có: sau khi đã bóc lột người nghèo, sự ô nhục nhất cũng sẽ đến, họ sẽ thôi không bị bóc lột nữa. Vì thế, có một nhận thức rằng sự nghèo đói sẽ không bao giờ vượt qua được trong những quốc gia phát triển. Nếu trước đây, người ta mong ước kinh tế sẽ giải phóng con người khỏi nghèo khổ, thì bây giờ chúng ta tự hỏi: Ai có thể giải thoát nhân loại khỏi kinh tế? Đường ranh giới phân cách tiền bạc được xem như cùng đích với tiền bạc được xem là phương tiện quá tinh vi. Nếu cho rằng tiền bạc sẽ giải phóng ta khỏi những lo toan hàng ngày, thì trái lại, nó lại là mối bận tâm lớn nhất của chúng ta một cách vô thức. Để có tiền, chúng ta phải trả giá, và điều đó làm chúng ta đau khổ.

Trong bối cảnh hiện nay, sự nghèo khó tự nguyện xuất hiện như một sự giải phóng, đối kháng với chủ nghĩa phiếm thần, như một sự tố cáo nỗi khổ của sự thịnh vượng. Chúng ta đã bàn đến chủ đề nghèo khó trong đời sống thánh hiến những năm hậu công đồng. Chúng ta đã khám phá những khía cạnh của nghèo khó Tin Mừng: chọn lựa người nghèo và bị bỏ rơi. Ngày nay, đời tu được mời gọi tố cáo “nỗi khổ của sự thịnh vượng”. Chúng ta làm được điều này bằng cách xác định những quyền ưu biệt của chúng ta: nếu chúng ta không muốn những gì chúng ta có sẽ sở hữu chúng ta, chúng ta phải giảm bớt chi tiêu, để không bị lệ thuộc. Như thế, chúng ta sẽ có thể tăng thêm khoảng không gian cho sự phục vụ truyền giáo, cho đời sống thiêng liêng, cho tương quan bằng hữu, yêu thương và bác ái.

Sự khó nghèo tự nguyện đòi hỏi chúng ta phải dứt bỏ những gì bảo đảm, sống một đời sống ít bị giới hạn hơn. Chúng ta từ chối tiện nghi để tự do hơn khỏi sự tích lũy của cải, tiền bạc, để vượt thắng nỗi khổ của sự chết.

Trong lãnh vực sứ mệnh, chúng ta cũng phải xóa bỏ sự lệ thuộc kinh tế, để nó chỉ trở thành phương tiện mà thôi. Viễn ảnh ngôn sứ đưa dẫn chúng ta tới những phương tiện mới của tính nhưng không, của niềm tin vào Đấng Quan Phòng, của sự hiện diện truyền giáo không đòi hỏi, của sự phục vụ vô vị lợi. Một số Anh em St.Gabriel ở Braxin đã diễn tả điều này cách khôn ngoan và chính trực: Một ngày nào đó mà Trung tâm này không cần đến sự quan phòng của Thiên Chúa nữa thì cũng không có lý do gì để các Anh em hiện diện ở đây.

  1. Ngôn sứ về chủ nghĩa hiện thực

Không có hiện thực, đời sống chỉ toàn lo âu và chán nản. Không có hiện thực, những lý tưởng, ước mơ và tầm nhìn buông trôi khả năng biến đổi của nó và trở thành một sự phô trương chứ không có động lực.

Reinhold Nieburh đã nói về “Chủ nghĩa hiện thực Kitô giáo”22 trong vài năm qua và Ronald H. Stone từ cảm hứng đó đã đề xuất “ngôn sứ về chủ nghĩa hiện thực”23, mà tôi cảm thấy rất phù hợp với người tu sĩ. Stone cho thấy đâu là những giới hạn của thái độ hòa bình trước một âm mưu khủng bố toàn cầu. Chúng ta có nên bỏ đi quân sự, cảnh sát và sức mạnh an ninh không? Tình thế tiến thoái lưỡng nan này bày ra trước mắt chúng ta: Tín thác tuyệt đối nơi Đấng Quan Phòng hay tin vào tiền bạc, của cải? Chỉ cần đức ái hay cần cả cơ chế? Chỉ cần cảm hứng hay cần phải làm việc và soạn thảo?


Một mặt, nguyên tắc thực tế đòi hỏi chúng ta không mơ ước điều gì vượt quá khả năng đoàn sủng (tài năng chúng ta đã nhận lãnh!); mặt khác đòi hỏi chúng ta cần phát huy tối đa khả năng chúng ta đã lãnh nhận. Trong đời sống thánh hiến, chúng ta không có một đoàn sủng để biểu diễn, cũng không có những lời sấm ngôn phi thường. Chúng ta là một nhóm người lữ hành giữa những lo âu, bóng tối và cám dỗ, vẫn hành trình cùng với toàn thể dân Chúa đến Giêrusalem mới.

Đời sống cộng đoàn sẽ giới hạn bớt những khía cạnh đặc sủng và ngôn sứ mang màu sắc cá nhân. Sự khác biệt cần được hội nhập trong lời ngôn sứ chung. Vì thế, tính ngôn sứ của chúng ta có cường độ thấp, nhưng được thực hiện trong một phạm vi rất rộng lớn. Với chứng tá ngôn sứ này, thực tế chiếm ưu thế hơn trí tưởng tượng, thường ngày hơn biến cố lớn, bình thường hơn khác thường, thế kỷ hơn hiện tại. Một vài tác giả gọi đó là “ngôn sứ của đời sống hàng ngày”; một số Bề trên gọi là “ngôn sứ bằng phẳng”.

Mặc khải Kitô giáo dạy chúng ta biết rằng Nước Trời vừa là hiện tại vừa là tương lai, “đã có nhưng chưa đến”. Sứ vụ ngôn sứ chuyển động giữa cái “chưa” với cái “đã có”. Vì vậy, chúng ta đón nhận thực tại. Chúng ta hiểu biết, xót thương, nhưng đôi lúc cũng phải chống đối và có tính khải huyền. Viễn ảnh ngôn sứ và ngôn sứ thực tiễn là một thực tế đối lập và căng thẳng vĩnh viễn. Chúa Giêsu chịu cám dỗ 3 lần trong hoang địa chính là một gương mẫu của ngôn sứ thực tiễn. Chúa Giêsu khóc thương thành Giêrusalem cũng là một gương mẫu cho chúng ta về ngôn sứ khải huyền.

Cả hai hình thức ngôn sứ, thực tiễn và khải huyền, cùng tồn tại giữa 2 thế đối lập suốt dòng lịch sử. Trong lịch sử đời Chúa Giêsu, chúng ta thấy sự căng thẳng giữa thực tiễn và khải huyền24. Như Chúa Giêsu, chúng ta từ bỏ giấc mơ bước vào một thiên niên kỷ mới với một giải pháp cho tất cả mọi vấn đề. Chúng ta ý thức rằng quyền tối thượng của Thiên Chúa và vị trí ưu việt của tình yêu thể hiện ngay giữa biết bao giới hạn và đấu tranh. Không có gì xác định cả. Vì chúng ta sống thực tế, ngôn sứ của chúng ta phải tính đến thập giá, với những giới hạn khi hoàn thành, nhưng luôn trung thành với Thiên Chúa.

Ngôn sứ thực tiễn được bao bọc trong sự khiêm tốn, nài xin và chuyển cầu, ngay cả trong nước mắt của người tội lỗi thốt lên: “Lạy Chúa, con không xứng đáng”, trong sự thiếu hiểu biết ngày giờ. Ngôn sứ thực tiễn thật khiêm hạ trước Thiên Chúa và cộng đồng nhân loại; nhưng phải nỗ lực để cổ võ nền công lý bảo vệ người nghèo và bị áp bức trên thế giới. Vì vậy, chúng ta là những người cưu mang “lời ngôn sứ cho kẻ bé mọn”, những người thấp bé và nhạy bén với những con người ngôn sứ theo cách thức này trong thời đại chúng ta.

  1. Mối phúc ngôn sứ


Nền văn hóa hậu hiện đại và toàn cầu luôn bị ám ảnh bởi sự tìm kiếm hạnh phúc. Mưu cầu hạnh phúc đã trở thành một khẩu hiệu chung. Chủ nghĩa tư bản xem hạnh phúc bằng với sung sướng và cố gắng đạt được qua chủ nghĩa tiêu thụ, lãng phí, chăm sóc thân xác và sức khỏe, và nhất là tình dục. Sức khỏe và tình dục trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên. Một người không đi theo văn hóa thân xác và tình dục thì chẳng có gì để làm cả25.

Niềm ao ước hạnh phúc thì lớn hơn sự vui hưởng thực sự. Khi chỉ ao ước nhu vậy thì sự trì trệ, cản ngăn bỗng gây khó chịu và như một sự tra tấn. Sự trì trệ trong việc sở hữu được xem như một sự chống đối. Sự bất đồng gây tổn thương, bất mãn trước khó khăn. Bất kỳ điều gì không vui được xem là bất hạnh. Một người buồn chán trước những điều nhỏ, làm sao có thể đối diện với những bi kịch thực tế trong đời? Ngày nay, con người cảm thấy bất hạnh vì họ không hạnh phúc. Bối cảnh văn hóa này làm sao có thể giải thích về đau khổ, tội lỗi? Con người trải qua kinh nghiệm đó, nhưng lại không hiểu biết gì. Từ thái độ này dẫn đến nỗi sợ hãi bệnh tật, tai nạn, tuổi già và sự chết.

Rõ sàng nền văn hóa hiện tại cũng ảnh hưởng đến những người thánh hiến. Tuy nhiên, trong truyền thống khổ chế, chúng ta vẫn có những phương thế giúp vun trồng một chứng tá ngôn sứ lội ngược dòng văn hóa hiện tại. Chúng ta học biết nghệ thuật đối diện với sự nhục nhã mà không bị đè bẹp. Chúng ta biết không có một nghịch cảnh nào là một hình phạt, và cũng không có thể đạt được điều gì nếu không nỗ lực. Chúng ta cũng biết mình có thể sống với đau khổ và hành động để vượt qua. Thực tế là không phải điều gì cũng làm được, nhưng cũng không có nghĩa là không thể làm được gì.

Nhiều anh chị em chúng ta luôn thể hiện một gương mặt hạnh phúc và được chúc phúc, vì họ có niềm vui mà Đức Giêsu thông truyền cho các môn đệ của Ngài, có những mối phúc Ngài ban. Đời sống thánh hiến trở nên rất hấp dẫn khi giữ được niềm hy vọng, niềm vui và óc khôi hài giữa những hoàn cảnh đau thương của cá nhân lẫn thế giới, khi có thể duy trì một “sự thanh thản mãi mãi”.

Không khó để chúng ta nhận ra rằng chiều kích ngôn sứ này gián tiếp thể hiện qua ngôn sứ của nước mắt26. Một lối sống khác mà đời thánh hiến đề nghị mang dáng dấp của cuộc hành trình Gethsemani, qua những tòa án chính trị hay tôn giáo, qua sự loại bỏ của công chúng, qua đường Thập giá và đồi Calvê. Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta phải thương khóc những người bị hư mất và thương khóc trước thảm kịch của các nền văn hóa khép kín cửa lòng không đón nhận Thiên Chúa viếng thăm.

Mối phúc ngôn sứ tin rằng “phúc cho những ai than khóc” vì Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt của họ. Vì vậy, dù cho xảy ra điều gì đi nữa, nước mắt có thể được biến đổi thành nụ cười. Cha Christian đã từng công bố: “Niềm vui nghịch lý và có mặt trong mọi sự”.



  1. Sự khôn ngoan và viễn ảnh ngôn sứ


Sự khôn ngoan và viễn ảnh ngôn sứ là đặc tính ngôn sứ sau hết của đời sống thánh hiến mà tôi muốn nhấn mạnh.

Chúng ta thấy ước muốn có những người nam nữ khôn ngoan có thể hướng dẫn nhân loại trong những giai đoạn hoang mang, chao đổi và biến đổi này ngày càng gia tăng. Chúng ta biết rõ những người khôn ngoan thì không phải xuất phát từ các đại học hay trung tâm tri thức. Khôn ngoan mang ý nghĩa khác.

Khôn ngoan là một hồng ân ban cho chúng ta nhận ra sự hiện diện năng động và đón nhận Thiên Chúa trong đời sống. Nhờ hồng ân khôn ngoan, Chúa Thánh Thần hợp nhất các hiểu biết, cảm xúc và những kinh nghiệm sống của chúng ta. Hồng ân khôn ngoan nối kết và hòa hợp 3 giai đoạn thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngôn sứ kinh thánh thường gắn liền với ơn khôn ngoan; được ban cho một số người để soi sáng và hướng dẫn nhân loại cũng như Giáo hội. Những người nhận được ơn này không chỉ có khả năng thông truyền những gì đang xảy ra, nhưng còn hiểu thấu mầu nhiệm của thực tế, được ban khả năng “mở cuốn sách và tháo ấn niêm phong”; họ dùng “bảy cặp mắt” của Thánh Thần để đọc thực tại và lịch sử nhân loại; những người nhạy bén với Thiên Chúa. Như thế, người khôn ngoan có nền tảng vững chắc và phục vụ như một sự nâng đỡ, hướng dẫn người. Ngôn sứ là người chỉ dẫn có khả năng nhìn thấy, cảm nếm và suy tư trên chính mình sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Khôn ngoan thì vượt lên văn hóa. Người khôn ngoan luôn trân trọng văn hóa, mở rộng cõi lòng trước những chân trời mới và đem lại cho nó sự vững bền. Khôn ngoan là trung gian tốt nhất cho việc đối thoại liên văn hóa và hợp tác giữa các nền văn minh. Vì thế, trong thời đại đầy biến chuyển này, thông tin tương tác và phụ thuộc lẫn nhau, khôn ngoan là một hồng ân vô giá.

Khôn ngoan ngôn sứ là một hồng ân cần thiết để vượt qua những cái nhìn bảo thủ, giáo điều, thái độ lên án trước những khác biệt. Hồng ân khôn ngoan cho ta khả năng nhận thấy những điều mới lạ mà nhìn thoáng qua sẽ chẳng có gì; khả năng khám phá sự sống mà bên ngoài chỉ thấy cái chết. Khôn ngoan là điềm tĩnh, nhìn xa và sáng tạo; thấy được những gì không thể thấy trước, những gì khó khăn trở thành dễ dàng; không sống nổi thì vẫn có sự sống. Chúa Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Đấng đã công bố: “Hãy học cùng Ta… gánh của Ta êm ái và ách của Ta nhẹ nhàng”.

Khôn ngoan ngôn sứ tạo điều kiện hợp tác giữa các quốc gia, vượt thắng những tương quan bạo lực, kiến tạo một Giáo hội hiệp thông, xây dựng những nhịp cầu giữa những người xa lạ.

Khôn ngoan ngôn sứ là một hồng ân thiết yếu để đồng hành với hành trình tâm linh và trí tuệ của các tín hữu trong những tiến trình đào luyện ban đầu và trường kỳ.

Đời sống thánh hiến đã trải qua một hành trình lịch sử thật dài. Nó tựa như “một phụ nữ lớn tuổi” đã tích lũy nhiều sự khôn ngoan qua hàng thế kỷ. Nhờ Thánh Thần, sự khôn ngoan xưa cũ đang được trẻ trung hóa và thể hiện bằng những hình thức mới. Những giáo hội đặc thù không từ chối sự khôn ngoan này. Đời sống thánh hiến không bao giờ từ chối thể hiện sự khôn ngoan và lên tiếng trước những hình thức cai trị ngu xuẩn, các hình thức phụng vụ và hoạt động tông đồ vớ vẩn. Sự khôn ngoan làm cho đời thánh hiến không đóng lại trên những truyền thống khô cằn. Những phong trào mới có nhiều sự năng động, nhưng thường lại thiếu sự khôn ngoan. Những “trào lưu chính thống” của họ làm cho họ chỉ tập trung ở điều thứ yếu, như một cách để diễn tả căn tính của mình.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà đời thánh hiến có thể nuôi dưỡng và thăng hoa đôi cánh ngôn sứ của Giáo hội, chính xác là trong lãnh vực khôn ngoan. Trong những Giáo hội cũ, đời sống thánh hiến cũng trưởng thành hơn, đây là cơ hội để thể hiện chức năng ngôn sứ, tạo không gian để chia sẻ và trao ban sự khôn ngoan được lãnh nhận với dân Chúa và với xã hội. Đây là thời điểm thích hợp để định hình những khuôn mẫu mới của tình mẫu tử - phụ tử thiêng liêng, như các Giám mục ở châu Á đã đề cập. Như vậy lời ngôn sứ sẽ được thực hiện: “các bậc bô lão sẽ trở thành ngôn sứ”. Đó chính là ngôn sứ của sự khôn ngoan.

Kết luận


Tôi kết luận bài trình bày bằng một nhắc nhớ rằng: Ngôn sứ là dám ra khơi ngược dòng những tục lệ và quy ước xã hội đương thời. Sự can đảm này xuất phát từ sự thay đổi lối nhìn và lối nghĩ, từ hồng ân của “metanoia” đích thực. Một người đã lãnh nhận ân sủng và kinh nghiệm đó được biến đổi thành con người khác, như một sự bùng nổ, tiếng vang mới trong một nhóm đã quá quen thuộc. Sứ vụ ngôn sứ cần thiết cho hôm nay khởi đi từ một ý thức mới hòa hợp và tương quan. Vì vậy, đó là một lời ngôn sứ văn hóa và siêu văn hóa, tôn giáo và siêu tôn giáo, Kitô giáo và siêu Kitô giáo.

Đó là lý do tại sao tôi tập trung vào 6 chiều kích của sứ vụ ngôn sứ đời thánh hiến trong lúc này, tóm lại bằng 6 từ: hiếu khách, ý nghĩa, nghèo khó, thực tiễn, mối phúc và sự khôn ngoan.



Thăng hoa đôi cánh ngôn sứ của Giáo hội không có nghĩa là cảm thấy mình siêu nhiên, khác biệt và độc đáo. Là cộng đoàn, chúng ta ao ước hiện diện ở những nơi làm cho tinh thần ngôn sứ trở nên sống động và trở thành một sự cộng tác khiêm tốn với đoàn sủng riêng biệt của chúng ta. Nếu người ta cảm thấy bị quấy rầy vì sự hiện diện của chúng ta, nếu họ không tin chúng ta, không đánh giá chúng ta, điều đó không thành vấn đề. Quan trọng là chúng ta đáng tin cậy, dù chúng ta không hoàn hảo. Giáo hội cần chứng tá ngôn sứ của chúng ta, dù có những người trong Giáo hội hay giữa chúng ta tìm cách ngăn cản.


1 Đối chiếu với Hiến chế Lumen Gentium, số 44, trình bày việc khấn giữ các lời khuyên của Phúc Âm thực là một dấu chỉ có thể và phải lôi cuốn hữu hiệu tất cả mọi chi thể của Giáo Hội đến việc can đảm chu toàn ơn gọi làm Kitô hữu.Ngoài ra Hiến chế cũng khẳng định hình thức đời sống này có sứ mệnh bắt chước và trình bày trong Giáo hội lối sống của Chúa Giêsu, công bố, loan báo, làm chứng, tiên kiến, tỏ lộ cách hoàn hảo hơn cho mọi tín hữu thấy của cải trên trời đã có ngay dưới trần gian này, và làm chứng rằng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã đem lại một đời sống mới và vĩnh cửu. Căn nguyên của đời sống tu trì là “trở thành dấu chỉ”. Điều này được giải thích qua 7 động từ hay 7 hành động. Những người được hưởng nhờ các hành động này là tất cả các chi thể của Giáo hội, mọi tín hữu nam nữ. Các tài liệu hậu Công đồng cũng nhấn mạnh chiều kích ngôn sứ của đời sống thánh hiến: “Trong những hình thức khác nhau, đời sống huynh đệ cộng đoàn luôn luôn là cách diễn tả triệt để tinh thần huynh đệ đại đồng, là tinh thần hiệp nhất tất cả các Kitô hữu. Cộng đoàn tu trì là một biểu hiện hữu hình của sự hiệp thông, vốn là nền móng của Giáo hội và đồng thời là lời tiên báo sự hợp nhất mà Giáo hội nhắm tới như cùng đích của mình” (ĐSHĐ số 10). Huấn thị Verbi Sponsa về nội vi của các nữ tu, cũng đề cập đến tính ngôn sứ trong đời sống thánh hiến khi khẳng định: “Như tia sáng phản chiếu đời sống chiêm niệm, các nữ tu cống hiến cho cộng đoàn Kitô hữu và thế giới hôm nay những giá trị thiêng liêng đích thực, một sự loan báo thầm lặng và một chứng tá khiêm tốn về mầu nhiệm của Thiên Chúa, duy trì tính ngôn sứ sống động trong trái tim của Hội thánh, đó là những giá trị mà ngày nay cần hơn bao giờ hết” (VS số 7).

2 “Việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc âm biến họ trở thành dấu chỉ mang tính ngôn sứ cho cộng đoàn anh em và cho thế giới” (ĐSTH số 15). Trong tài liệu này, cũng có một phần rất dài dành nói đến “chứng tá ngôn sứ của đời sống thánh hiến trước những thách đố của thời đại chúng ta” (ĐSTH số 84 – 95).

3 “Tài liệu làm việc” do Hội nghị chuẩn bị và xét duyệt, dành 7 số để nhấn mạnh đến chiều kích ngôn sứ của đời thánh hiến: 21, 26, 39, 42, 53, 73, 80. Trong số 81, có đề cập đến đời sống thánh hiến được khơi động bằng Thánh Thần: “Thánh Thần Chúa tiếp tục kiến tạo những Tu hội mới, tiếp tục nói với chúng ta qua các ngôn sứ và mời gọi chúng ta sống trung thành với lòng can trường tông đồ” (IL 81).

4 “Trở về với cội rễ đoàn sủng cho phép chúng ta lĩnh hội được sự tươi mới trường tồn của Đoàn sủng và sức mạnh ngôn sứ, biến đổi quy tụ của đoàn sủng đó” (IL 80); (ĐSTH 84-85).

5 “Là những người nam nữ thánh hiến, chúng ta bắt gặp chính mình trong nền kinh tế đang loại trừ nhiều con người. Chúng ta ý thức rằng tình liên đới là một phần thiết yếu trong niềm tin vào Đức Giêsu, phần không thể thiếu trong chiều kích ngôn sứ của đời thánh hiến và việc bước theo Đức Giêsu… Lời khấn khó nghèo ngày càng trở thành một thực hành cá nhân và cộng đoàn qua sự liên đới với người nghèo, từ bỏ, trao ban nhưng không, tín thác vào Đấng quan phòng và chứng tá đời sống giản dị” (ĐSTH 82) (IL 26).

6 “Chứng tá ngôn sứ cho hòa bình và công lý, bảo vệ trái đất là một chiều kích của sứ mệnh Kitô hữu, trong đó Giáo hội và đời sống thánh hiến chống lại khuynh hướng của tân chủ nghĩa tự do mà toàn cầu hóa đưa ra, bảo vệ một ý thức toàn cầu mà không loại trừ hay làm cho nhân loại nghèo nàn đi. Hình thức nhạy bén toàn cầu này mở lòng chúng ta ra những khả năng đích thực để hội nhập văn hóa đoàn sủng của chúng ta, mở ra cho sự cộng tác chặt chẽ hơn với các Hội dòng khác, với những hình thức khác của đời sống Kitô hữu và nhân bản” (IL 21).

7 “Đời sống thánh hiến cũng chịu ảnh hưởng bởi hiện trạng này trong khi sống đời độc thân và khiết tịnh thánh hiến, trong cộng đoàn và những mối tương quan liên vị. Sự buông thả, những khủng hoảng tính dục và những thành viên thiếu trưởng thành tình cảm cho thấy bậc sống này không phù hợp đối với một số người không biết tìm ra cách để vượt qua những cản trở. Sự tiết dục mà chúng ta tuyên khấn trong đời thánh hiến đòi hỏi một lối sống tình cảm và tính dục trưởng thành, quảng đại, lành mạnh và sinh hoa kết trái. Chứng tá này trở thành hành vi ngôn sứ trong xã hội mang đầy dấu ấn của tính dục như hiện nay” (ĐSTH 88) (IL 39).

8 Đời sống thánh hiến với những đặc tính mới được khai sinh dưới tác động của Thánh Thần. Đời thánh hiến với những đặc tính mới… Những yếu tố đánh dấu ơn gọi Kitô hữu trong lịch sử và diễn tả truyền thống phong phú vĩ đại đang được phục hồi trong một tổng hợp mới. Nhờ đó, đời sống thánh hiến tái đảm nhận Tin Mừng như là tiêu chuẩn đầu tiên, giới răn vĩ đại của Giao ước như là yếu tố hạt nhân, cộng đoàn như là một đề nghị và một lời ngôn sứ trong một xã hội bất công, chia rẽ, sống niềm đam mê cho nhân loại với một khả năng sáng tạo phi thường” (IL 73).

9 “Trong Giáo hội, đời sống thánh hiếm tìm được không gian, sự rộng mở và thăng tiến. Tuy nhiên, nơi nào có hệ thống cơ cấu Giáo hội mang tính thống trị - ở cả địa phương lẫn hoàn vũ, không gian đó bị khóa lại, nơi đó có nghi nan và mất niềm tin vào sự do của Tin Mừng là điều trọng yếu của đời tu. Trong những hoàn cảnh đó, Giáo hội được trao phó cho những nhóm dễ dãi và không được đánh giá: tại một số nơi lại còn có sự phân biệt đối xử nữa. Nếu đời thánh hiến chọn hòa mình vào hoàn cảnh, nó sẽ mất đi tính ngôn sứ đích thực. Nếu chọn lựa thực hiện ơn gọi ngôn sứ, đời thánh hiến lại bị loại trừ. Chiều kích ngôn sứ là điều thiết yếu đối với đời thánh hiến, cần phải được nuôi dưỡng và thăng tiến” (ĐSTH 84-85) (IL 53).

10 Xem Andrea Arvalli, Vita Religiosa come profezia? Le lacrime di una difficile transizione incompiuta, en Credere Oggi, 157 (2007) 131-144.

11 Gr 9,23-24: “Đức Chúa phán thế này: "Kẻ khôn ngoan, đừng tự hào mình khôn ngoan; kẻ hùng mạnh, đừng tự hào mình hùng mạnh; kẻ giàu có, đừng tự hào mình giàu có. Ai tự hào thì hãy tự hào về điều này, là hiểu biết Ta. Ta là Đức Chúa, Đấng thực thi nhân nghĩa, công bình và chính trực trên mặt đất. Phải, Ta ưa thích những điều này. - Sấm ngôn của Đức Chúa."

12 Am 8,8; Jer 2,12-13; Am 6,6

13 1 Sm 2,12-13; Is 7,1-9; Jer 7,8.14.

14 400 ngôn sứ của Hoàng gia chống lại Mi-kha-giơ-hu, con của Gim-la (1V 22), người đã tiên báo cuộc thất trận của vua A-kháp, trong khi các ngôn sứ kia thì tiên báo thành công. Nhóm đứng đầ 400 ngôn sứ lăng mạ Mi-kha-giơ-hu và vua đã tống ông vào ngục cho đến khi nào ông thắng trận trở về. Tương lai đã minh chứng ai là người nói nhân danh Thiên Chúa. Mi-kha-giơ-hu đã bị buộc phải im lặng vì ông đã để Thần Khí Thiên Chúa hành động. Mi-kha-giơ-hu không ngần ngại công bố rằng 400 vị kia đang có “thần khí dối trá”. Thần khí sai lạc của A-kháp bắt nguồn từ những tiên tri xấu của ông. Cũng vậy, trong thời của ngôn sứ Giê-rê-mi-a, các ngôn sứ giả công bố hòa bình, nhưng chẳng có hòa bình (Gr 6,14; 14,13). Gr 23,9-32 tường thuật về những gì tồn đọng trong các ngôn sứ dối trá (Xh 13,16).

15 Mô-sê là ngôn sứ đã đánh thức lương tâm của Israel. Việc này đòi hỏi một sự đoạn tuyệt triệt để với thực tại xã hội Ai cập và triều đại Pharao. Khi đề cập đến tôn giáo ở Ai Cập, ông công bố rằng các vị thần đó không phải là thần. Khi nói đến hệ thống chính trị, ông cho thấy một hệ thống áp bức và bất công.

16 Cf. W.Brüggeman, The prophetic Imagination, Augsburg Fortress Publishers, 2001. Nhiệm vụ của ngôn sứ là đánh thức và thông truyền năng lực. Lương tâm đa số nhân loại không tin vào tương lai, nhưng lại tin vào sự kéo dài của thời gian; đối với họ, tương lai không có trong những khả năng của hiện tại: “Điều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra: dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ?” (Gv 1,9-10).

17 Cf. Rubem Alves, Tomorrow’s Child, Harper and Row, New York 1972


18 Cf. Hans Boersma, Violence, Hospitality, and the Cross. Reappropriating the atonement tradition, Baker Academic, 2004; Leonardo Boff, Virtudes para otro mundo posible. La Hospitalidad: derecho y deber de todos, Sal Terrae, Santander 2006; Luke Bretherton, Tolerance, hospitality and education: a theological proposal, en SCE,17.1 (2004),80-103; Byrne, Brendan, The Hospitality of God: A Reading of Luke’s Gospel, Liturgical Press, Collegeville, 2000; Innerarity, D, Ética de la hospitalidad, Peninsula, Barcelona 2001; Pohl, Christine, Making Room: Recovering Hospitality as a Christian Tradition, Eerdmans, Grand Rapids, 1999; Richard, L, Vivir la hospitalidad de Dios, OIUMSA, Buenos Aires, 2000.

19 “Trong đức ái, hãy ôm trọn cả trái đất và nhân loại… một ngày nào đó, chúng ta sẽ lại gặp nhau trong cùng một SỰ SỐNG… TÌNH YÊU… TÌNH YÊU BẤT TỬ” (Chân phước Mazzuconi).

20 Cf. Miroslav Volf, Exclusion and Embrace. A theological exploration of identity, otherness and reconciliation, Abingdon Press, 1996; Id., Practicing Theology. Beliefs and Practices in Christian Life, Eermands Publishing, 2001. Miroslav Volf defends that we should listen today to the healing Word of the Gospel and find out paths to overcome hatred of the other and the different. Salvation arrives to us as reconciliation. Volf proposes the idea of embrace as a theological answer to the problem of exclusion

21 Cf. Pascal Bruckner, La miseria de la prosperidad, Tusquets, Barcelona, 2002.

22 Cf. Reinhold Nieburh, Christian realism and political problems, Scribners, New York 1953

23 Cf. Ronald H. Stone, Prophetic Realism. Beyond Militarism and Pacifism in an Age of Terror, Continuum International Publishing Group - T & T C, 2005.

24 Quỷ mời Chúa Giêsu giải quyết cái đói, Ngài đã chọn đem lại những giải pháp khác bắt nguồn từ Giao ước với Thiên Chúa và chăm chú lắng nghe Lời Chúa. Khi quỷ cám dỗ về sự bảo đảm sứ vụ ngôn sứ, Chúa Giêsu chọn đặt cuộc đời và sứ vụ trong bàn tay Thiên Chúa, thi hành sứ vụ trong cách thức khiêm tốn và không phô trương, không áp đặt gì cho Thiên Chúa. Khi quỷ cám dỗ thực hiện giấc mơ bá chủ thế giới bằng cách thờ lạy Satan, Chúa Giêsu đã công bố chọn lựa đối nghịch của Ngài là chỉ thờ phượng và phụng sự một mình Thiên Chúa. Sự cám dỗ của ma quỷ đặt Chúa Giêsu vào viễn tượng chính trị của một thế giới không có đói khát, viễn tượng tôn giáo của một sứ vụ ngôn sứ không có thất bại, viễn tượng thế giới do bất công cai trị. Tuy nhiên, Ngài đã chọn sống tiết chế, chọn ngôn sứ thực tiễn, vì Ngài để mình được hướng dẫn bởi những nẻo đường thiêng liêng.


25 Pascal Bruckner, La euforia perpetua (Sobre el deber de ser feliz), Tusquets. Barcelona, 2001. Cf. Id., La tentación de la inocencia, 1996

26 I have found very inspiring the conference of A. Arvalli to the Union of Major Superiors of Italy, Padua, 10 December 2005 with the topic “Vita religiosa come profezia? Le lacrime di una dicifficile transizione incompiuta”, instead of the original title “Vita religiosa, fascino e profezia nella chiesa d’oggi”: cf. A. Arvalli, Vita religiosa come profezia? Le lacrime di una difficile transizione incompiuta, en “Credere Oggi” 27 (2007), pp. 131-144.


Каталог: dmdocuments
dmdocuments -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng số: 05/2006/tt-btnmt
dmdocuments -> NỘi dung tuyên truyền về CÔng ưỚc luật biển giới thiệu chung
dmdocuments -> Curriculum vitae
dmdocuments -> UỶ ban dân tộC số: 447/QĐ-ubdt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
dmdocuments -> BỘ VĂn hoá, thể thao và du lịch số: 17 /2010/tt-bvhttdl cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
dmdocuments -> THÔng báo chuyểN ĐỊA ĐIỂm văn phòng bql dự Án eu
dmdocuments -> Vui học thánh kinh các thánh nam nữ Ngày 1 tháng 11 Tin Mừng thánh Mátthêu 5,1-12a Tin Mừng
dmdocuments -> Vui học thánh kinh chúa nhậT 17 tn c tin mừng : Luca 11,1-13
dmdocuments -> H phiên bản: 0 Ngày lập: 10/11/2010 ƯỚng dẫn sử DỤng phầm mềm gửi nhận sms: easy sms 0

tải về 115.53 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương