Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 525 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình Minh Thời gian: 05. 08. 2011



tải về 131.85 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích131.85 Kb.
#39927

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 525 /17

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 525

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian:05.08.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 667, hàng thứ nhất, phần kinh văn:

“Kỳ tam giả, thế gian nhân dân, tướng nhân kỳ sanh, thọ mạng kỷ hà, bất lương chi nhân, thân tâm bất chánh. Thường hoài tà ác, thường niệm dâm dật, phiền mãn hung trung, tà thái ngoại dật, phí tổn gia tài, sự vi phi pháp. Sở đương cầu giả, nhi bất khẳng vi, hựu hoặc giao kết tụ hội, hưng binh tương phạt, công kiếp sát lục, cưỡng đoạt bức hiếp, quy cấp thể tử, cự thân tác lạc, chúng cộng tăng yểm, hoạn nhi khổ chi. Như thị chi ác, trước ư nhân quỷ, thần minh ký thức, tự nhập tam đồ, vô lượng khổ não, triển chuyển kỳ trung, lũy kiếp nan xuất, thống bất khả ngôn”.

Đoạn này là nói về Dâm ác, loại thứ ba trong năm ác. Chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Tổ.

“Thứ ba, nói rõ về dâm ác cho đến nguyên nhân của dâm ác, đều dẫn đến các điều ác của tham sân.... Năm điều ác này nó đều có tính liên đới, mỗi loại đều có thể dẫn phát các loại khác ra, thế nên tập khí ác nghiệp này và quả báo của ác nghiệp vô cùng đáng sợ. Năm loại ác này tổn hại đến thân tâm chúng ta rất lớn, tổn thương lớn nhất chính là khiến chúng ta không thể thành tựu trí tuệ, không thể được thiền định, cho đến không thể vãng sanh Tịnh độ, như vậy mới biết tính nghiêm trọng của nó. Tham sân si mạn nghi, bất cứ loại nào đều có thể khiến ta vĩnh viễn luân chuyển trong luân hồi lục đạo, không bao giờ ra khỏi được.

Ở trước chúng ta đã học đến cái ác của việc sát sanh và cái ác của việc trộm cắp, còn ở đây nói về cái ác của tà dâm:

“Thế gian nhân dân”, tức chúng sanh cõi người trong luân hồi lục đạo, “tương nhân ký sanh”. Hoàng Niệm Tổ có chú giải điều này: “Ký là ủy thác, là kèm theo. Câu nay chỉ chúng sanh do nghiệp tác động lẫn nhau mà sanh ra ở cõi đời này”. Trong kinh Đức Phật nói đến bốn loại duyên, chúng ta đến thế gian hoàn toàn là bốn nhân duyên này. Bốn loại duyên này có thân có sơ, thân thì trở thành người một nhà. Thực tế mà nói thì không phải gì khác, chính là báo ân báo oán, đòi nợ trả nợ. Nếu như không có bốn loại duyên đối với người thế gian, chúng ta sẽ chẳng đến thế gian này, chính là phạm vi của thế giới Ta bà vô cùng to lớn, bây giờ chúng ta đã biết.

Hoàng Niệm Tổ nói, trong kinh nói về đơn vị thế giới lớn chừng nào? Lâu nay chúng ta đều cho rằng một đơn vị thế giới là một hệ thái dương, sớm trước đó nữa ngộ nhận rằng đơn vị thế giới chính là địa cầu. Nhưng trong kinh Đức Phật nói, địa cầu là Nam Thiện Bộ Châu, là một châu, về sau mở rộng dần ra, chắc là thái dương hệ. Nhưng nói những điều này đều có vấn đề, vì trong kinh Đức Phật nói: Đơn vị thế giới có một trung tâm, trung tâm này gọi là núi tu di. Mặt trăng và mặt trời đều chạy quanh núi tu di, chạy quanh núi tu di. Chúng ta đều không nghiên cứu sâu vấn đề này, nên rất khó nói. Hiện nay thiên văn học cũng khá tiến bộ, đối với hệ thái dương, hệ ngân hà có thể nói là hiểu rất rõ.

Quý vị xem, giống như người Maya thời thượng cổ, đây là trung Mỹ châu. Từ rất lâu họ đã phát hiện quỹ đạo vận hành của các tinh cầu trong vũ trụ, tính toán vô cùng chính xác, Thiên văn của Maya khiến các nhà thiên văn học ngày nay khâm phục không thôi. Quý vị thấy họ có thể tính toán được ngày 21 tháng 12 năm 2012 là ngân hà đối tề. Đây là suy đoán, nhưng vô cùng chuẩn xác, rốt cuộc núi tu di ở đâu? Trước đây chúng ta cho rằng núi tu di chính là núi Himalayas, là núi cao nhất địa cầu. Hiện nay biết được địa cầu phụ thuộc vào một hành tinh của thái dương, thái dương là trung tâm, địa cầu xuay quanh thái dương, xoay quanh một vòng là một năm 365 ngày. Thái dương không phải núi tu di, không phải điểm trung tâm, Đức Phật nói: Mặt trăng và mặt trời là xoay quanh núi tu di.

Nên Hoàng Niệm Tổ nói, núi tu di là trung tâm của hệ ngân hà, người xưa gọi là hoàng cực, hoàng cực chính là trung tâm của hệ ngân hà. Hiện nay các nhà khoa học nói, trung tâm của hệ ngân hà là hắc động, vậy núi tu di chính là hắc động, năng lượng vô cùng lớn, đến ánh sáng cũng bị nó hút vào. Sức hút mạnh như vậy, nên sang năm đúng lúc trung tâm của ngân hà là thái dương, địa cầu xếp thành một đường thẳng, danh từ của thiên văn học gọi là ngân hà đối tề. Hiện tượng này khoảng hơn hai vạn năm mới có một lần, đây chính là sự tuần hoàn, hơn hai vạn năm có một lần.

Ngày xưa có, không phải không có, nó có gây ra thảm họa cho địa cầu chăng? Rất nhiều người đang thảo luận, đến giới khoa học hiện nay cũng thường xuyên thảo luận vấn đề này, thảo luận công khai. Nên đơn vị thế giới là hệ ngân hà.

Đức Phật nói với chúng ta rằng, là tam thiên đại thiên thế giới. Dùng điều này để tính, thì khu vực Đức Thế Tôn giáo hóa lớn bao nhiêu? 10 ức hệ ngân hà, khu vực giáo hóa của Đức Phật là 10 ức hệ ngân hà, ảnh hưởng trên địa cầu chúng ta là mười hai ngàn năm. Các tinh cầu khác thì sao? Trong mười ức hệ ngân hà này, nếu y theo trong kinh nói, chỉ cần là tinh cầu đều có chúng sanh sinh sống, chủng loại của chúng sanh vô lượng vô biên.

Trong Hoàn Nguyên Quán chúng ta biết là không tách rời được y báo chánh báo, không có chánh báo làm sao có y báo! Những hiện tượng này sanh khởi, hiện nay khoa học cũng thừa nhận, các nhà khoa học gọi là năng lượng, tin tức sinh ra từ năng lượng. Năng lượng có thể sanh tin tức, tin tức có thể sanh vật chất. Tin tức chính là ý niệm, trong Phật pháp gọi là tâm tưởng. Nghiệp tướng của A lại da, có thể biến hiện ra tâm tưởng, tâm tưởng có thể biến hiện thành hiện tượng vật chất, không có tâm tưởng làm gì có vật chất? Bởi thế trong tất cả tinh cầu đều có chúng sanh. Đây có thể là vì tầng không gian không giống nhau, nên chúng ta không nhìn thấy họ. Tầng không gian của họ cao hơn chúng ta, nên họ có thể thấy chúng ta, nhưng chúng ta không nhìn thấy họ. Tầng không gian của họ tương đồng với chúng ta, chúng ta nhìn thấy họ, họ cũng nhìn thấy chúng ta. Nên những năm gần đây thường nghe nói người ngoài hành tinh đến, tầng không gian của người ngoài hành tinh tương đồng với chúng ta, đều là không gian ba chiều. Nếu là tầng không gian cao, đó chính là nhà Phật nói họ có thần thông, có thần thông đi lại không cần công cụ giao thông, Thiên thần có thần thông, quỷ thần cũng có thần thông.

Trong nhà Phật thường tổ chức một vài pháp hội, mời thần, trong đó có rất nhiều quỷ thần. Quỷ thần dù bất luận ở địa cầu nào, nếu chúng ta tế kỵ đều phải cung kính mời, họ sẽ đến, họ không có giới hạn. Vấn đề này có một cuốn sách, có người giới thiệu cho tôi xem cuốn sách Tây Tạng Sanh Tử Thư, cảnh giới trong sách nói không cao. Nói về một vị Lat ma chết, sau khi chết biến thành du hồn, họ đều có thể xuyên qua núi non tường vách, không hề bị chướng ngại. Nơi nào mời thỉnh họ đều đến được, họ cảm ứng đạo giao. Nguyên lý của loại cảm ứng này, chúng ta xem Hoàn Nguyên Quán sẽ rõ, chúng sanh có cảm, Phật Bồ Tát liền có ứng, lòng chúng ta nghĩ đến quỷ thần thì quỷ thần đến, nghĩ đến tổ tông thì tổ tông đến thật. Dùng tâm chân thành, tâm cung kính khởi thỉnh, họ sẽ đến, đến tiếp nhận siêu độ, đến tiếp nhận cúng dường. Những điều này mắt thịt chúng ta không nhìn thấy được, nhưng họ luôn tồn tại. Họ nhập vào cây cối, biến thành thần cây. Nhập vào hoa cỏ, họ biến thành thần hoa, thần cỏ. Nhập vào sơn hà đại địa, họ biến thành thần núi, biến thành thần đất, đều biến thành như vậy, mắt thịt chúng ta hoàn toàn không nhìn thấy được.

Buổi tối chúng ta thấy được mỗi ngôi sao trên bầu trời, đó đều là hằng tinh, đều là thái dương phóng quang. Trong thái dương có chúng sanh chăng? Có, rất nóng! Đúng vậy, nếu nhiệt độ không cao họ không thể sinh tồn, không như chúng ta, chúng ta đến đó không thể sinh tồn. Họ ở đó có thể sinh tồn, vì nhiệt độ ở đó rất thích hợp với họ. Có một số tinh cầu hoàn toàn là băng lạnh, ở đó cũng có chúng sanh. Vậy nên tất cả đều là bốn loại duyên, gọi là tứ duyên sanh pháp.

“Thân nhân duyên” là chủng tử trong A lại da, điều này chúng ta biết, tất cả chúng sanh đều có, bất luận là chúng sanh của cõi nào. Nói như hiện nay, bất luận chúng ta là chúng sanh của tầng không gian nào, A lại da là giống nhau, trong đó chứa đựng vô lượng chủng tử, gặp duyên liền khởi hiện hành.

“Sở duyên duyên”, chính là trong kinh này nói: Báo ân báo oán, đòi nợ trả nợ, đây là sở duyên duyên.

“Vô gián duyên”, ý niệm vẫn tồn tại chưa tiêu trừ, họ chưa đoạn tận ý niệm này, khi gặp duyên nó liền đến thọ sanh. Thân, duyên thân, nghĩa là quan hệ vô cùng mật thiết, biến thành người một nhà. Nếu duyên không thân, thì không phải người một nhà, thân thích bằng hữu, hoặc là tất cả chúng sanh. Chúng ta gặp người đi trên đường, họ chỉ gật đầu chào, vì không thân, gật đầu cười với chúng ta đều là duyên, chắc là chỉ một lần như vậy. Có người nhìn thấy không vừa ý, trừng quý vị một cái, cũng chính là trong sát na, nhưng tất cả đều là duyên. Không có duyên tức gọi là đối diện bất tương phùng, còn đối diện gặp một lần đều là duyên.

Chúng ta đến địa cầu này, thấy người trên địa cầu, ai không có duyên? Đều có duyên. Đôi lúc có một đời, đích thực chỉ có duyên gặp một lần, một lần này đôi khi chỉ có ấn tượng, đôi khi không có chút ấn tượng nào. Đối với tất cả sơn hà đại địa, cây cỏ hoa lá, tất cả chúng sanh, hết thảy đều có duyên. Thậm chí chúng ta thấy những hiện tượng trên ti vi vẫn là có duyên. Nên Phật pháp không nói nhân sinh, vì nhân mọi người đều có, là bình đẳng.

Trong A lại da thức có hạt giống của Phật, có hạt giống của Bồ Tát, có hạt giống của thế giới Cực Lạc, có hạt giống của thế giới Hoa Tạng, có hạt giống của mười pháp giới. Nó có tất cả không thiếu điều gì, gặp duyên liền khởi hiện hành. Nên trong kinh thường gọi là duyên sanh, mà không gọi là nhân. Nhân không gặp được duyên sẽ không khởi hiện hành, nhân gặp duyên liền khởi hiện hành, hiện tượng liền hiện tiền, quả liền hiện tiền. Nhân duyên quả, ở sau còn có báo, nhân duyên quả báo.

Bởi thế ở đây nói: “Tướng nhân kỳ sanh”, có thể nói thế gian này là nhân dân của mười pháp giới. Trên mười pháp giới là tứ thánh pháp giới, tứ thánh thế gian. Ở dưới là lục phàm thế gian, thánh phàm toàn là thế gian. Vượt ra mười pháp giới mới thật sự gọi là rời khỏi thế gian, đến nhất chân pháp giới, nhất chân pháp giới có thế và gian chăng? Không có. Thế là thời gian, 30 năm gọi là một đời, nên Trung quốc một đời là 30 năm, 30 năm gọi là một đời. Nhất chân pháp giới không có thời gian, cũng không có không gian. Gian là không gian, hoặc gọi là thế giới, giới cũng là nói không gian. Trong nhất chân pháp giới không có thời gian lẫn không gian, nên gọi là nhất chân. Ai ở trong đó? Là chư Phật ở, nhất chân pháp giới toàn là Phật. Trong này có Phật viên mãn cứu cánh, chưa đạt đến cứu cánh viên mãn, đó là gì? Bây giờ chúng ta đã biết, chưa đoạn tận tập khí vô thỉ vô minh, nhưng đã phá trừ vô minh. Phá trừ vô minh chính là không khởi tâm không động niệm. Chư vị nên biết rằng, khởi tâm động niệm còn không có, nên tuyệt đối không có phân biệt chấp trước, vì sao vậy? Vì phân biệt là từ khởi tâm động niệm biến hiện ra, chấp trước sanh ra từ phân biệt, tất cả nguồn gốc của hư vọng chính là khởi tâm động niệm. Vì tự tánh thanh tịnh tâm bất động, ngài Huệ Năng nói rất hay: “đâu ngờ tự tánh vốn không dao động”. Không khởi tâm không động niệm là tự tánh, nên cũng gọi là tự tánh vốn định, thành Phật là khôi phục được tự tánh bổn định. Tuy khôi phục đến tự tánh bổn định, nhưng họ vẫn còn tập khí. tập khí này là phiền não từ vô thỉ kiếp đến nay, tự nhiên hình thành tập khí. Không cách nào đoạn được tập khí này, chỉ có để thời gian, trãi qua thời gian dài tự nhiên không còn nữa. Đức Phật nói cần bao nhiêu thời gian? Phải ba a tăng kỳ kiếp thì tập khí này không còn.

Nên trong nhất chân pháp giới có 41 giai cấp, nói thực tế thì 41 giai cấp này không thể nói có, cũng không thể nói không. Nếu nói có tại sao không tìm thấy dấu vết, nó bình đẳng, nên chắc chắn không nhìn thấy. Nếu nói nó không có, đích thực tập khí dày mỏng khác nhau, nhưng tập khí không chướng ngại gì. Đoạn tận được tập khí, nhất chân pháp giới không còn, vì nhất chân pháp giới có tướng, tướng không còn nữa. “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, tướng đã biến mất, trở về với tự tánh, đây là đại viên mãn. Trở về tự tánh gọi là Diệu giác, Đẳng giác vẫn chưa được. Đẳng giác vẫn còn một phẩm tập khí vô minh sau cùng, đoạn được phẩm tập khí đó, họ liền thành Diệu giác. Chúng ta không thể không hiểu, không thể không biết những điều này. Hiểu được những vấn đề này, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta sẽ biết được tu hành là như thế nào?

Trong Phật pháp thường nói: “Phiền não nhẹ, trí tuệ tăng trưởng”, đây là chỉ tiêu của tu hành, tu là gì? Làm cho phiền não năm này nhẹ hơn năm trước, trí tuệ năm này tăng trưởng hơn năm trước. Phiền não tháng này nhẹ hơn tháng trước, trí tuệ tháng này tăng trưởng hơn năm trước, công phu này quả thật đáng nễ. Có thể nói không phải là phàm phu, mỗi tháng đều tiến bộ. Người như thế có thể kiến tánh chăng? Nhất định được, phải xem căn tánh của họ. Căn tánh sắc bén ba năm năm là đại triệt đại ngộ, căn tánh chậm có thể phải mười năm, cũng có thể phải 20 năm, nhưng nhất định đại triệt đại ngộ. Đây gọi là tu hành chơn chánh, gọi là công phu thật sự. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, là tám vạn bốn ngàn pháp môn khác nhau, kỷ xảo khác nhau, nhưng phương hướng và mục tiêu hoàn toàn tương đồng, chính là đoạn phiền não, tăng trưởng trí tuệ.

Bởi thế nếu chúng ta quan sát tường tận, đọc tụng kinh điển các Tôn giáo khác, sẽ biết được kinh Phật không giống như kinh điển của các Tôn giáo khác. Chỉ có kinh Phật mới dạy chúng ta đoạn phiền não sanh trí tuệ, trong kinh Phật không nhấn mạnh thần linh, không nói có một vị chủ tể của vũ trụ. Trong Phật pháp đại thừa nói chủ tể của vũ trụ, không ai khác hơn là chính mình. Ý niệm của chúng ta làm chủ tất cả, đến sơn hà đại địa bên ngoài đều chịu ảnh hưởng ý niệm của chúng ta. Ý niệm chúng ta thiện, không có gì không thiện. Nếu ý niệm chúng ta là ác thì không có gì không ác, cảnh tùy tâm chuyển. Những điều này là chân lý, là đại chân lý.

Gần đây chúng tôi viết một tờ này, quý vị đều nhìn thấy, nó giúp ích cho việc tu hành, đây chính là tu hành. Hiện nay trong phẩm kinh này là nói về năm điều ác: Sát đạo dâm vọng tửu, tất cả nghiệp ác. Nhân của ác là tham sân si mạn nghi, tâm trạng bất thiện là oán hận não nộ phiền. Chúng ta nên giảm nhẹ, buông bỏ những vấn đề này, vì sao vậy? Đối với con người mà nói, không có lợi với thân tâm chúng ta. Oán hận não nộ phiền, oán làm thương tổn tỳ vị, khiến chúng ta sanh bệnh. Ngoài ra lo lắng quá độ cũng ảnh hưởng đến tỳ vị, ý nghĩa gần tương đương với oán hận. Hận tổn thương tâm, vui quá độ cũng ảnh hưởng đến tâm. Sợ hãi, giật mình, phiền não tổn thương đến thận. Nổi nóng, phát hỏa tổn thương gan, những điều này mọi người đều biết. Ưu sầu, bi não tổn thương phổi.

Do đây có thể biết oán hận não nộ phiền tổn thương rất lớn đối với thân thể, lục phủ ngũ tạng của chúng ta. Nếu như không có những thứ này, thân thể sẽ mạnh khỏe không xảy ra bệnh tật. Bởi thế bản thân chúng ta không hóa giải được nó, khống chế nó, tạng phủ không điều hòa chính là bệnh, tự thân chúng ta bệnh. Đối với bên ngoài chiêu cảm nên trời đất biến dị, nên thiên tai thảm họa đều xuất hiện. Tham tâm ứng với thủy tai, sân nhuế ứng với hỏa tai, núi lửa phun trào, nhiệt độ địa cầu tăng cao. Hiện nay khí hậu khác thường, xuất hiện tình trạng quá nóng hoặc quá lạnh, hiện tượng này xưa nay chưa từng có, ngu si chiêu cảm nên phong tai. Trong kinh Đức Phật dạy, ngạo mạn là động đất. Hoài nghi càng đáng sợ hơn, hoài nghi chiêu cảm nên đất đai lỏng lẻo, lục địa chìm xuống đáy biển, núi cao sụp đổ. Đây đều là những thiên tai do tư tưởng và hành vi bất thiện của chúng ta gây ra, nhất định không phải tự nhiên. Tôi thường nói, tự nhiên là tốt đẹp nhất, Phật Bồ Tát tùy thuận tự nhiên.

Điều đầu tiên của tứ đức trong Hoàn Nguyên Quán là đức hạnh của Phật Bồ Tát: “Tùy duyên diệu dụng”. Tùy duyên chính là tùy thuận tự nhiên, diệu dụng là không chấp trước. Trong tùy duyên học không khởi tâm không động niệm, không phân biệt không chấp trước, gọi là diệu dụng. Trong tùy duyên mà khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, còn muốn khống chế, muốn chiếm hữu như vậy là sai, sai hoàn toàn. Nếu khởi lên ý niệm sai lầm này, nhất định phải nghĩ đến lời Phật dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Trong Kinh Bát Nhã nói: “tất cả pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”, vọng niệm liền bị giải tán, hóa giải. Đây gọi là gì? Công phu quán chiếu, lúc cần thiết cần phải nắm vững công phu quán chiếu này, lập tức được hóa giải.

Nên tất cả pháp đều có mối tương quan lẫn nhau, tuyệt đối không tìm ra một pháp nào đứng độc lập, không có. Thập pháp giới y chánh trang nghiêm đích thực giống như mạng lưới internet vậy, không có pháp nào không liên quan đến ta, không liên quan là điều không thể. Nên chúng ta khởi tâm động niệm, hết thảy chúng sanh trong biến pháp giới hư không giới đều biết. Thân thể chúng ta có đài phát xạ, nó truyền khởi tâm động niệm của chúng ta đi. Đến thân thể vật chất, vật chất cũng có tần suất, nó cũng phát đi.

Hay nói cách khác, tình trạng chúng ta khỏe mạnh, mọi người cũng đều biết, sao có chuyện không biết? Lục phủ ngũ tạng đều phát ra, có tin tức mạnh khỏe, có tin tức mang bệnh, toàn bộ phát ra hết, sao họ không biết được? Tin tức phát đi, người tiếp thu đều nhận được. Phàm phu tiếp nhận được, nhưng họ không biết, vì sao vậy? Vì máy móc của họ không linh thông, nên tiếp nhận được mà không có phản ứng, chính là như vậy. Máy móc của chúng ta bây giờ cũng không linh, vì sao vậy? Vì mười phương thế giới cũng phát xạ, chúng ta đều nhận được, chúng ta cũng nhận được tin tức của Phật, của cõi trời, của quỷ thần. Nhận được toàn bộ tin tức, nhận rồi nhưng không biết. Đây là gì? Là do vọng tượng phân biệt chấp trước, làm chướng ngại năng lượng máy móc này của chúng ta, khiến cho máy móc tuy nhận được nhưng không linh. Nếu như chúng ta tiêu trừ tập khí phiền não, máy móc này sẽ rất linh, không chỉ tin tức mười phương, mà còn biết hết cả quá khứ hiện tại và vị lai, đây gọi là thần thông. Bởi vậy thần thông có gì kỳ lạ, Phật pháp nói rằng thần thông là bản năng của chúng ta, vốn có, không hề mất đi, hiện nay tạm thời bị chướng ngại. Máy móc tạm thời có sự cố, khi sửa xong là khôi phục ngay, không có gì kỳ lạ cả. Bồ Tát có, thiên thần có, chúng ta cũng có. Nếu chúng ta đạt được tâm thanh tịnh, liền khôi phục được một phần. Tâm thanh tịnh phải như thế nào? Đoạn kiến tư phiền não, tâm mới thanh tịnh. Kiến tư phiền não là nhiễm ô, trần sa phiền não là vọng tưởng, tuy nó không phải ô nhiễm, nhưng nó nhiễu loạn. Nên đoạn được kiến tư phiền não, là A la hán, Bích Chi Phật, năng lực thần thông của họ vượt qua 28 tầng trời, thiên nhân không sánh được với họ.

Đoạn được trần sa phiền não là Bồ Tát, A la hán, Bích Chi Phật không sánh được. Thật sự buông bỏ khởi tâm động niệm là thành Phật, thần thông đạo lực hoàn toàn khôi phục. Tóm lại mà nói, buông bỏ là khôi phục Tất cả bản năng vốn có của mình, điều phiền nhất của chúng ta chính là không buông được. Biết buông bỏ là tốt, những vẫn không buông được, phiền phức là vậy.

Thế học Phật là học gì? Trước đây đại sư Chương Gia thường nói với tôi, chính là học nhìn thấu và buông bỏ. Nhìn thấu giúp ta buông bỏ, buông bỏ lại giúp ta nhìn thấu, hai phương pháp này hổ tương nhau thành tựu, từ sơ phát tâm đến Như Lai địa, đúng là quá tuyệt diệu. Chúng ta nhìn thấu nhưng không buông được, như vậy là dừng lại một chổ bất động. Nếu nhìn thấu giúp buông bỏ, họ sẽ khởi tác dụng từng bước cao lên, buông bỏ giúp nhìn thấu. Như leo cầu thang vậy, đi lên từng tầng từng tầng một, họ leo lên được tầng cao nhất, tầng cao nhất là Diệu giác.

Chúng tôi thường khuyên chư vị đồng học, bắt đầu buông bỏ từ đâu? Buông bỏ từ tự tư tự lợi, buông bỏ từ oán thân bình đẳng, rất quan trọng! Làm sao buông bỏ được trạng thái ghét hay không thích đối với người khác. Người chúng ta thích, thương yêu thì thường nhớ đến, điều này cũng phải buông bỏ. Oán không buông được thì oan oan tương báo, không buông được thân tình thì không thể vãng sanh, khi lâm chung còn nhớ đến thân tình, quên mất Phật A Di Đà nên không thể vãng sanh. Phải thường nghĩ đến, trong tự tánh chân như không có một vật nào. Ngài Huệ Năng nói: “Bổn lai vô nhất vật”, câu này quá quan trọng. Trong tự tánh thanh tịnh tâm vốn không có một vật nào, trong biến pháp giới hư không giới vốn không có một vật nào. Mắt chúng ta đều thấy những vật này tồn tại, ở trước chúng ta đã học đến bốn chữ, rất thú vị, gọi là: “bất đoạn chi vô”, rất thú vị. Vô, nhưng nó không gián đoạn, giống như cuộn phim nhựa, đích thực là vô, nhưng máy phát ra một giây có 24 tấm. Thời gian nó dừng lại trên màn hình là một giây trên 24 giây, tấm thứ hai lại xuất hiện, tấm thứ ba lại xuất hiện tiếp, không hề gián đoạn, vô cùng thú vị.

Bây giờ chúng ta đã biết, Bồ Tát Di Lặc nói rằng, tần suất của chúng ta nhanh bao nhiêu? Một giây không phải 24 tấm, mà một giây là 1600 triệu, không hề gián đoạn, đây là gì? Thật sự đã nắm bắt được chân tướng sự thật, thì ra tất cả vạn pháp trong toàn thể vũ trụ đều không hề gián đoạn. Bởi thế không nên muốn khống chế nó, có thể hưởng thụ nó. Giống như xem ti vi vậy, có thể hưởng thụ nó, nhưng không thể khống chế nó, không thể chiếm hữu nó. Nếu khống chế, chiếm hữu là sai, vì căn bản nó không có, căn bản nó không tồn tại, tất cả đều là huyễn tướng, tuyệt đối không có gì là chân thật.

Hiểu được chân tướng sự thật này, giúp ích rất lớn cho việc chúng ta buông bỏ. Hiểu được chân tướng sự thật này, nào là thiên tai nhân họa đều không để trong lòng, vì sao vậy? Vì nó bất đoạn chi vô. Lãnh hội được “bất đoạn chi vô” rất có thú vị, sống trong “bất đoạn chi vô” rất hạnh phúc, là đời sống của Phật Bồ Tát. Đời sống này là đời sống rất bình thường trong Phật pháp đại thừa, ở đây chúng ta khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước là không bình thường. Bình thường là không khởi tâm không động niệm, không phân biệt không chấp trước, đây là bình thường. Chúng ta không thể không hiểu đối với những đạo lý và chân tướng sự thật này. Khi hiểu rồi chúng ta biết rằng, không có gì không buông được, buông hết tất cả. Như vậy chúng ta sống ở thế gian này quả thật gọi là tùy duyên diệu dụng, du hí thần thông. Đối với bản thân không ngừng nâng cao, không ngừng buông bỏ. Còn đối với người khác, thị hiện làm tấm gương tốt cho họ noi theo. Như suốt 49 năm mà Đức Thế Tôn tại thế, ngài làm cho tất cả chúng sanh thấy, tất cả chúng sanh này bao gồm thiên thần, quỷ thần và chúng sanh trong mười pháp giới. Mắt thịt hàng phàm phu chúng ta không nhìn thấy, nhưng Phật nhìn thấy. Chúng sanh của tầng không gian cao, thấy được Đức Thế Tôn đang biểu diễn, không ai không được lợi ích, độ chúng sanh trong mười pháp giới.

Như ở đây Hoàng Niệm Tổ nói đến tất cả chúng sanh, chúng ta nói đến hết thảy chúng sanh trên địa cầu trước.“Nghiệp nhân hổ tương lẫn nhau”, nghĩa là trong đời quá khứ có nhân duyên này, có ân có oán, còn có mối liên quan nợ nần nên đã sinh ra trên đời này. Hội Sớ nói: “Thế giới an lập, chỉ có dương không thể thành tựu, duy có âm không thể sinh nở. Vợ chồng tương nhân tương thành, lại cha con tương nhân, quân thần tương tư. Phàm giữa trời đất, không có nghĩa độc lập, nên gọi là tương nhân mà sanh ra”, đoạn này nói rất hay. Đây là chỉ chúng sanh đều có cộng nghiệp và biệt nghiệp, vì hai bên nghiệp báo giống nhau, nên đã sanh ra cùng lúc và cùng một thế giới.

Chúng ta và tất cả chúng sanh hiện tại, chúng ta xuất hiện trên địa cầu này, ngay trong thời gian này. Bất luận là trong nước hay nước ngoài, chúng ta đều có cộng nghiệp. Không cộng nghiệp sao lại gặp nhau? Trong cộng nghiệp này rất may mắn là chúng ta đã giác ngộ, gặp được Phật pháp, hiểu rõ. Vậy chúng ta có trách nhiệm, có nghĩa vụ, cũng đừng có ý niệm chấp trước trách nhiệm nghĩa vụ này. Trong kinh Đức Phật nói rất hay: “pháp vốn như vậy”, chúng ta giúp họ một cách tự nhiên, đem sở học cống hiến cho mọi người. Hy vọng mọi người đều giác ngộ, hy vọng mọi người đều sửa đổi sai lầm. Sai lầm lớn nhất trong đây chính là chúng ta khinh mạn cổ nhân, cho rằng cổ thánh tiên hiền đều là quá khứ, cổ thánh tiên hiền đều đã lạc hậu, cổ thánh tiên hiền là phong kiến, là mê tín, quả là sai lầm.

Hai hôm trước có vị đồng tu đưa tôi một cái đĩa, nói về một xí nghiệp Nhật bản tên là Đạo Thạnh Hòa Phu, tôi mất khoảng ba tiếng đồng hồ mới xem xong nó, tôi rất cảm động. Một nhà xí nghiệp từ khi sáng nghiệp đến nay, ông ta kinh doanh ba công ty hơn 50 năm, rất thành công. Gặp bao nhiêu gió bảo, nhưng ông không bị ảnh hưởng, sự nghiệp thành tích ngày càng cao. Người ta hỏi ông ta, ông kinh doanh như thế nào? Ông nói, lý niệm và trí tuệ mà ông kinh doanh, là học được từ giáo huấn của tổ tông hai ba ngàn năm trước. Ông nói ra là hoàn toàn trái với lý niệm kinh tế của nước ngoài hiện nay, lý niệm kinh tế của nước ngoài thứ nhất là vì mình, kiếm tiền là vì mình, vì cổ phần của công ty được đặt ở vị trí thứ nhất, đối với nhân viên, xem như máy móc vậy. Làm sao để hạ giá đều cố gắng phát huy, sử dụng năng lượng của họ, lợi ích là ông chủ độc chiếm. Đạo Thạnh Hòa Phu không như vậy, ông đặt nhân viên ở vị trí thứ nhất, vì công ty kinh doanh thành tựu là nhờ toàn thể nhân viên nổ lực mà có. Đặt phúc lợi của nhân viên lên hàng đầu, đặt khách hàng lên vị trí hàng đầu, vì khách phục vụ. Lợi ích công ty đặt ở vị trí thứ ba. Kết quả như thế nào, kết quả lợi ích công ty ngày ngày tăng cao, nhân viên coi công ty như sự nghiệp của gia đình mình. Sự nghiệp của gia đình mình, nên rất có lòng tin đối với công ty, công ty thật sự chăm sóc họ.

Nói cho chư vị biết, quan niệm của Đạo Thạnh, chính là quan niệm về gia đình của mấy ngàn năm trước: Gia đạo, gia quy, gia học, gia nghiệp, ông đã học được những điều này. Tôi vừa xem, toàn là quan niệm của gia đình.

Mấy năm lại đây, tôi cũng thường nghĩ đến vấn đề này. Xã hội Trung quốc mấy ngàn năm có nền trị an lâu dài, vận nước hưng thịnh ân định, từ đâu mà có? Từ nhà cống hiến ra, mỗi nhà đều tốt, nhà đều dạy tốt con người. Nên Trung quốc thời cổ đại, gọi là 360 nghề, nghề nào thích nhất? Làm quan, đều thích làm quan, trong các nghành nghề làm quan được xếp hạng nhất, vì sao vậy? Quý vị xem, họ làm quan là có thân phận, có địa vị, đãi ngộ cũng không tệ, có thể nuôi dưỡng gia đình. Nhưng không có việc làm, không có án để xử, vì xã hội này mỗi người đều là người tốt, việc việc đều là việc lành, quý vị không cần quản. Nên Hoàng đế không có gì làm, thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc hạnh phúc, đây là gia đình cống hiến đắc lực nhất.

Huyết thống gia đình chúng ta không thể khôi phục lại, nên mười mấy hai mươi năm trước tôi thường nghĩ đến. Tôi biết nhà xí nghiệp, thường thường các nhà xí nghiệp, xí nghiệp có thể khôi phục lại tinh thần truyền thống gia đình ngày xưa, ông chủ của xí nghiệp là đại gia trưởng. Ngày nay Đạo Thạnh Hòa Phu chính là đại gia trưởng, dẫn dắt nhân viên của mình giống như một gia đình, thỏa đáng là dùng một chữ “yêu”. Nên ông nói cho mọi người bí quyết của mình, chỉ có bốn chữ: “Kính trời thương người”. Thiên là gì? Thiên lý lương tâm. Con người phải có thiên lý lương tâm, phải thương yêu tất cả chúng sanh. Sự nghiệp của chúng ta là vì nhân viên, khiến họ có cuộc sống tốt đẹp, khiến họ có thể phát triển. Vì xã hội chính là vì khách, vì đại chúng mà phục phụ, thật sự toàn tâm toàn lực dùng lương tâm để phục vụ đại chúng, ông đã làm thành công. Mấy mươi năm dù phong ba bảo táp thế nào cũng không liên quan đến ông, giống như không có việc gì xảy ra. Buôn bán thật thà quy cũ, tuyệt đối không buôn bán đầu cơ, làm việc rất thiết thực. Xem đĩa phim về ông ta, quý vị sẽ có gợi ý, điều đáng nể của ông chính là tinh thần của Khổng tử: “Tín nhi háo cổ, thuật nhi bất tác”, ông đã làm một cách thuận lợi.

Năm nay chắc ông khoảng 80 tuổi, ông truyền kinh nghiệm này lại cho mọi người. Ông nói tôi đã già, hỏi ông những năm về già như thế nào? Tôi sẽ về hưu an hưởng tuổi già. Hiện nay ông vẫn đang làm việc, là chủ tịch của hãng hàng không Nhật Bản, ông đã cứu vãn được hãng hàng không Nhật bản. Chứng minh mỗi người chúng ta đều có quan hệ mật thiết với biến pháp giới hư không giới.

Các bậc tổ tông dạy chúng ta: Ngũ luân, con người đến thế gian này không tách rời được ngũ luân, ngũ luân là gì? Mối liên quan giữa người và người, quan hệ cha con, quan hệ vợ chồng, quan hệ quân thần, quan hệ lớn nhỏ, quan hệ bạn bè. Bởi thế cổ nhân thường nói: “Nhân vô luân ngoại chi nhân”, không ai có thể vượt ra ngoài ngũ luân. Phạm vi luân lý của Phật pháp rất lớn, vạn sự vạn vật trong biến pháp giới hư không giới có quan hệ mật thiết với chúng ta. Bởi thế kính trời yêu người, nói không sai chút nào, các bậc cổ nhân không ai không kính thiên lý.

Thiên nghĩa là gì? Phép tắc của đại tự nhiên, chúng ta phải tôn kính nó, vì sao vậy? Tánh đức, tự tánh vốn như vậy, chúng ta phải tôn kính nó, phải học tập theo nó. Thuận thiên ứng nhân, đây là đế vương ngày xưa, tùy thuận thiên lý, thuận theo bá tánh, quốc gia này mới trị an được lâu dài.

Hiểu rõ các mối quan hệ, chúng ta phải nghĩ đến làm sao để tận nghĩa vụ. Học Phật không thể quên đi nghĩa vụ này, chúng ta học Phật là nâng cao bản thân, tự nhiên sẽ giáo hóa chúng sanh, chúng sanh sẽ được lợi ích. Tự hành và hóa tha là nhất thể, không phải phân ra hai bộ phận, không phải vậy. Tự hành chính là hóa tha, hóa tha chính là tự hành, là một không phải hai, quý vị mới sống một cách an vui, nên pháp hỷ sung mãn, thường sanh tâm hoan hỷ. Không phải hai vấn đề, là một vấn đề, mình và người không phải hai. Khẳng định, thừa nhận không hề hoài nghi, biến pháp giới hư không giới với mình là nhất thể, một tự tánh thanh tịnh viên minh thể. Cho nên nhất định phải hiểu, giữa trời đất không có độc lập, đều là hổ tương lẫn nhau. Đích thực trong này có cộng nghiệp và biệt nghiệp, đây là nhà Phật thường nói, thiện căn phước đức nhân duyên của mỗi người không giống nhau, không tương đồng là biệt nghiệp. Làm sao để đem biệt nghiệp tốt của chúng ta, có thể chuyển hóa thành cộng nghiệp của chúng sanh, đây là Phật pháp đại thừa.

Bên dưới nói: do hai bên có nhân duyên túc nghiệp khác nhau, nên hoặc thành quyến thuộc, hoặc thành cừu địch, cùng sanh ra đời, để trả nhân đời trước, nên gọi là nương theo nhân mà sanh ra. Những điều này đều ở trong Hội Sớ nói. Báo ân trở thành quyến thuộc, cha từ con hiếu, đây là đến báo ân. Hoặc làm cừu địch, nếu cừu địch đến nhà mình quả là phiền phức. Chúng là con cháu của quý vị, chúng lớn lên không hiếu thuận, nhất định khiến quý vị người mất nhà tan, như vậy là sao? Người xưa gọi là bại gia chi tử. Vì sao trở thành đứa con phá nhà? Quá khứ là cừu địch, bây giờ họ đầu thai đến gia đình mình.

Tương truyền Từ Hy thái hậu chính là cừu địch của vương triều nhà Thanh, bà đến khi vận nước nhà Thanh đang suy yếu. Bà được đưa vào cung đình làm quốc gia nhà Thanh bị diệt, vì bà đến để báo thù. Thù đã báo xong, bản thân có được lợi ích gì chăng? Không có, bản thân đọa địa ngục, vì báo thù làm hại đến rất nhiều người vô tội, trách nhiệm tạo tội này chính mình phải gánh lấy.

Nên báo oán, báo cừu_Ở sau nói nếu như dẫn phát ra chiến tranh, như vậy quý vị lại tạo nghiệp địa ngục, sai lầm triệt để! Oán có thể báo chăng? Không nên báo. Đời trước họ giết chúng ta, ta cứ nhớ mãi trong lòng không quên. Hôm nay ta giết họ, họ có thể không nhớ oán hận này chăng? Nếu họ cũng ghi hận trong lòng như ta, không phải đời sau lại báo ư? Cứ đời đời kiếp kiếp báo tới báo lui như vậy, cả hai đều bị thương. Nếu tổn thương đến người vô tội, quý vị phải vào địa ngục để chịu tội, đến khi nào mới có thể ra khỏi? Phật cũng không thể cứu chúng ta.

Lỗi lầm của Từ Hy thái hậu là bỏ quên truyền thống văn hóa, kết quả của bà là khiến người Trung quốc thời nay chịu khổ chịu nạn, đều do bà ta gây nên. Không tôn trọng truyền thống, cũng có nghĩa là bà ta không kính trời yêu người. Tự xưng là lão Phật gia, hạ thấp Phật pháp xuống. Phật là đại thánh, Phật là giáo dục cứu cánh viên mãn. Sự suy yếu của Phật pháp, suy yếu như ngày hôm nay, nguyên nhân này Từ Hy thái hậu không thể không gánh lấy trách nhiệm. Ngày nay người Trung quốc rất xa lạ đối với truyền thống văn hóa, không bằng người ngoại quốc, trách nhiệm này Từ Hy không thể không gánh vác. Hai tội này, bà sẽ ở mãi trong địa ngục không biết khi nào ra được, đây là gì? Đoạn pháp thân huệ mạng của người, trong Phật pháp tội này nặng nhất. Giết thân mạng người tội nhẹ, đoạn huệ mạng của người tội nặng.

“Thọ mạng được bao nhiêu”, đây cũng là điều chúng ta phải thường nghĩ đến. “Trăm năm ngắn ngủi, vô thường nhanh chóng, thân mạng con người chỉ trong hơi thở, thở ra không thở vào đã thành người thiên cổ”. Đây là điều mỗi người học Phật chúng ta cần phải cảnh giác, chúng ta có thể sống ở thế gian này bao lâu? Đừng cho rằng còn trẻ, thọ mạng còn rất dài, là giả.

Lúc tôi còn trẻ, chưa tiếp xúc đến Phật pháp, đối với vấn đề này cảnh giác rất cao. Lúc trẻ xem báo chí, mỗi ngày đều xem tin tức, tôi không coi trọng tin tức lắm. Tôi không giống với mọi người, cầm báo lên tôi xem mục nào đầu tiên? Xem thông báo tin buồn, hôm nay ai đã ra đi, xem trên báo đăng những tin buồn. Bởi thế rất nhiều người cảm thấy kỳ lạ, hỏi tôi sao lại xem những thứ này? Tôi thấy người chết có già có trẻ, nam nữ già trẻ đều có. Ba bốn mươi tuổi đã ra đi, hai ba mươi tuổi đã ra đi. Tôi xem điều này có tâm cảnh giác, dần dần tôi cũng phải ra đi, khi nào đến phiên tôi? Ai cũng không dám nói. Đồng học, đồng sự, bạn tốt, có người cùng tuổi với tôi, có người lớn hơn tôi vài tuổi, cũng có người nhỏ hơn tôi vài tuổi, hiện nay đều không còn.

Năm 1977, lần đầu tiên tôi đến HongKong giảng kinh, mỗi buổi giảng, một ngày giảng hai tiếng. Pháp duyên không tệ, thính chúng đều ngồi chật hết, rất nhiều pháp sư đều đến nghe. Hiện nay đều đã ra đi, chỉ còn được mấy người. “Đời người đau khổ ngắn ngủi, quả thật là vô thường nhanh chóng, con người chỉ hơn thở ra không thở vào là thành người thiên cổ”.

Mấy câu này đại sư Ấn Quang, ngày ngày đặt chữ chết ngay trước trán. Tuổi già đại sư bế quan, tôi từng đến phòng ngài bế quan xem. Nơi thờ Phật trong phòng rất đơn giản, chỉ có một cái bàn vuông thờ tôn tượng Phật Di Đà. Chỉ một tượng Phật, một lư hương, một ly nước, một cặp chân đèn, bên cạnh một cái khánh, một cái mỏ nhỏ. Sau bức tường treo một chữ “tử”, tự tay ngài viết, ngày ngày đối diện với chữ tử này, như vậy có thể không buông bỏ ư? Đây là ngài thị hiện cho chúng ta thấy, nói cho chúng ta biết chân tướng sự thật.

“Nhưng người thế gian điên đảo, không biết khổ không vô thường, chỉ cầu niềm vui hư huyễn, như con thiêu thân lao vào lửa, tự đốt thân mình”. Đây là đại sư dạy chúng ta, nhưng chúng ta đã sơ suất. Thế gian này đích thực, bốn chữ mà Đức Phật nói rất chân thật, thế gian này là khổ, là không, là vô thường, vô thường là sanh diệt trong từng sát na.

Chúng ta từng học Bồ Tát Di Lặc khai thị cho chúng ta, chân tướng của thế gian này, một phút có 1600 triệu lần sanh diệt, đây là vô thường. Niệm niệm bất khả đắc, đây là không. Các bậc cổ đức nói: “bất đoạn chi vô”, vì ý niệm là niệm này nối tiếp niệm kia, niệm niệm đều là không, “bất đoạn chi vô”. Từ ngài dùng là vô, vô và không cùng một nghĩa, quả thật là vô sở hữu, bất khả đắc. Ở đây rốt cuộc ngài dạy chúng ta điều gì? Dạy chúng ta khổ không vô thường đều là giả, giả thì nên buông bỏ triệt để. Nắm bắt một thứ, thứ này chính là nòng cốt trong kinh này nói: A Di Đà Phật. Tất cả đều vô thường, A Di Đà Phật chân thường. Tất cả khổ không, A Di Đà Phật bất không, điều gì quan trọng? A Di Đà Phật quan trọng. Nên suốt ngày, chính là một ngày 24 tiếng, mỗi niệm đều nắm chắc Phật A Di Đà, sẽ vượt ra khỏi khổ không vô thường. Vãng sanh đến thế giới Cực Lạc là chân thường, nơi đó là vui, nơi đó là có, nơi đó là chân thường. Nếu không biết chân tướng sự thật, vẫn mê mờ lưu luyến thế gian này. “Chỉ cầu niềm vui hư huyễn”, niềm vui của thế gian này không phải thật, niềm vui của thế gian này là khổ, là lấy khổ làm vui. Đây gọi là mê hoặc, gọi là điên đảo, vì sao vậy? Vì thế gian này đích thực là huyễn vọng, hai chữ huyễn vọng này chính là “bất đoạn chi vô”, hoàn toàn nhìn sai. Giống như chúng ta xem điện ảnh vậy, hiện tượng trên màn hình, đó là huyễn vọng.

Ngày nay lục căn chúng ta tiếp xúc với cảnh giới lục trần bên ngoài phải biết, nó hoàn toàn tương đồng với đạo lý trong điện ảnh, tốc độ quá nhanh, phim chiếu một giây có 24 lần sanh diệt. Bồ Tát Di Lặc nói với chúng ta, cảnh giới hiện tại của chúng ta, một giây có 1600 triệu lần sinh diệt, “bất đoạn chi vô”. Chúng ta không hiểu được chân tướng, nên vẫn khởi tham tâm. Khởi tâm động niệm vẫn muốn khống chế, vẫn muốn chiếm hữu, vẫn muốn giữ nó, tất cả đều là dùng tâm sai.

Ví dụ bên dưới nói: “Như con thiêu thân xông vào lửa, tự đốt thân mình”. Đây là chúng ta thường thấy ở nông thôn thắp đèn dầu, hiện tượng này mỗi ngày đều có thể thấy. Thời kỳ kháng chiến chúng tôi đi học, trong trường không có điện, buổi tối đi học thêm phải thắp đèn dầu, mỗi người thắp một ngọn đèn dầu, là một cây đèn tim. Ánh sáng ngọn đèn như hạt đậu, không được sáng như đèn sáp, đèn sáp sáng hơn nhiều. Trong phòng có hơn 30 học sinh đang học, thì có hơn 30 ngọn đèn. Quý vị sẽ thấy được những côn trùng nhỏ, nhìn thấy ánh sáng liền tiếp cận, và đều bị thiêu chết.

“Nên người bất lương, thân tâm bất chánh, thường mang tà ác, thường nghĩ dâm dật”. Đoạn kinh văn này nói đến ác của tà dâm. Người bất lương là không có trí tuệ, không có đức hạnh, nhưng hiện nay hiện tượng này rất phổ biến, vì sao vậy? Vì không có ai dạy họ.

Trong ký ức của tôi, trước lúc kháng chiến với Nhật, ở nông thôn đều còn tư thục, trường học ở thành thị không có. Ở thành thị đã hiện đại hóa, không có môn học về luân lý. Bản thân tôi từng trải qua, lúc nhỏ ở trường tư thục có, đầu năm dân quốc tư thục đổi thành trường, còn có một môn học tu thân, trong đây còn lưu lại một chút luân lý đạo đức là tu thân. Hình như tu thân không được mấy năm, chắc khoảng ba năm thì đổi thành công dân, đổi tên cuốn sách này thành công dân. Công dân được vài năm liền đổi thành xã hội, bị thay đổi dần, và luân lý này đã hoàn toàn mất đi, đều không dạy những điều này nữa. Bởi thế em trai tôi, nhỏ hơn tôi sáu tuổi, hoàn toàn không tiếp nhận được nền giáo dục này. Tôi học lớp sáu tiểu học, thay đổi đến ba lần, đến lớp năm lớp sáu công dân đều không còn nữa, nên không có ai dạy. Trong nhà cũng không ai dạy, trong xã hội cũng không nói, không có ai nói đến, trong trường đều không học được. Đây chính là những gì Đức Thế Tôn nói trong kinh này: “người trước không biết, không biết đạo đức, không có ai dạy”, nên tạo những điều ác này chúng ta không thể trách họ, chúng ta tin rằng tánh người vốn thiện. Không ai dạy, ở trong có những tập khí phiền não, bên ngoài có những điều không tốt mê hoặc, nên tự nhiên mà bị đọa lạc.

Vì chúng ta học Phật, trong kinh Phật nói những điều này rất nhiều, những gì chúng ta học được là đều ở trong kinh điển. Từ học kinh rồi quay đầu lại xem sách của Nho giáo, những học thuật truyền thống, mới biết giáo dục của thánh hiền vô cùng đáng quý. Giáo dục của thánh hiền đem đến cho chúng ta thân tâm mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, xã hội hài hòa, quốc gia giàu mạnh, thật sự đã đem đến cho chúng ta điều này. Nó trưởng thành ổn định, rất ít hoạn nạn khốn khó, chỉ cần ta có thể giữ vững.

“Tà là hung tà bất chánh, ác là ác độc bất thiện”, đây là Hoàng Niệm Tổ giải thích, tà nghĩa là gì, ác nghĩa là gì. Hội sớ nói: “Tà là không ngay thẳng, ác là tội ác, tức dâm dật”. Bên dưới phiên âm về điều này: “Dật âm dật” , chữ ở dưới cũng đọc dật. “Sướng dã”, sướng nghĩa là gì? “Sướng là dâm đãng, phóng túng”. “Dâm” là dâm đãng, tham sắc. “Tham sắc không lấy lễ kết giao”, lễ ở đây chính là hôn lễ. Không nên có mối quan hệ hôn nhân như vậy, mối quan hệ này gọi là tà dâm. “Dâm là một trong mười điều ác”. Nhà Phật nói như vậy. “Dâm là xiềng xích, trói buộc chúng sanh. Dâm là nguồn gốc của tội lỗi, sanh ra các ách nạn, tất cả chúng sanh đều vì dâm dục mà sanh tử. Nên nói: căn bản của sanh tử, dục đứng thứ nhất”. Đây là trong kinh Phật nói về tội ác của dâm dục, Phật nói về giới luật, giới luật nói rất nhiều, nhưng sát và dâm đều đặt ở hàng đầu. Giới tại gia đặt tội sát sanh lên hàng đầu, giới luật người xuất gia dâm dục nặng nhất, rất có đạo lý. Trong kinh dùng ví dụ để nói, dâm như gông cùm, gông cùm là hình cụ, có thể trói buộc chúng sanh. Chúng sanh không thể giải thoát sanh tử, không thể ra khỏi tam giới, do nguyên nhân gì? Chính là vì dâm dục, chúng sanh vì dâm dục mà tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp, gốc của tội nghiệp chính là nó.

Chúng ta xem lịch sử, những vị hoàng đế thời cuối của một triều đại, vì sao lại mất nước, sau cùng rơi vào tình trạng nước mất nhà tan, không giữ được mạng sống, đều bị giết? Quý vị xem kỹ nguyên nhân, dâm đứng hàng đầu, đều là vì điều này mà mất nước. Bởi thế Đức Phật liệt nó vào đại giới căn bản, đại giới căn bản có bốn điều: Sát đạo dâm vọng. Dâm là nguồn gốc của tội, căn nguyên của mọi tội lỗi. Nên sanh ra các ách nạn, ách là khổ nạn, thiên tai, tất cả thiên tai đều từ nó sanh ra. Bởi thế Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều vì dâm dục mà bị luân hồi sanh tử, nên nói căn bản của sanh tử, dục đứng thứ nhất”. Đoạn được dâm dục thì luân hồi sẽ đoạn, thật sự có thể ra khỏi tam giới. “Như ở dưới trích dẫn các kinh luận, đều nói đầy đủ về các khổ hoạn của dâm dục”. Bên dưới Hoàng Niệm Tổ trích dẫn kinh luận, toàn bộ đều là Đức Phật nói ở trong kinh. Luận là do các tổ sư giảng giải chú thích.

Luật Sa Di nói: “Năm giới tại gia, chỉ chế tà dâm, mười giới xuất gia, đoạn hết dâm dục”. Giới Sa Di, ngày nay có thể thực hành tốt Sa Di Luật Nghi, chính là thiện tri thức thật sự. Điều này đại sư Ngẫu Ích đã làm gương cho chúng ta, ngài là người cuối thời nhà Minh. Ngài sanh vào thời nhà Minh, viên tịch vào thời nhà Thanh, là tổ sư đời thứ chín của tông Tịnh độ. Tổ thứ chín, tổ thứ tám là đại sư Liên Trì. Hai vị này trong các vị tổ sư của Tịnh độ, khiến người vô cùng tôn kính, nguyên nhân là gì vậy? Lúc đó Tịnh tông suy yếu, suy đến tận cùng, không có hai vị này có thể Tịnh độ tông đã diệt mất. Hai ngài đã phục hưng Tịnh tông, đưa Tịnh tông hưng thịnh trở lại, đây là hai vị Tôn giả rất siêu tuyệt.

Sa Di Luật Nghi là vì tại gia, ở đây nói: “Năm giới tại gia, chỉ chế tà dâm”, chỉ cấm tà dâm. Nhưng mười giới xuất gia, Sa Di là xuất gia, mười điều giới luật, “đoạn tận dâm dục”. “Nếu phàm vào tất cả nam nữ trong thế gian, đều gọi là phá giới”. Giới luật, nếu giới luật không còn thì Phật pháp cũng sẽ không còn. Nếu lễ không có thì Nho giáo cũng không còn. Nếu nhân quả không có thì Đạo giáo cũng không còn, đây là ba cái gốc của Nho Thích Đạo.

Ngày nay Nho Thích Đạo đều suy yếu, cũng có thể nói là suy đến tận cùng. Ai có thể phát tâm làm Nho Thích Đạo hưng thịnh trở lại, đó là người có đức lớn. Người này là đại thánh đại hiền, là Phật Bồ Tát tái sinh, không phải người như vậy họ không làm được. Ngài Ngẫu Ích đã làm thí nghiệm cho chúng ta thấy, ngài đầu tư công sức rất nhiều vào giới luật, nên lúc còn tại thế người ta gọi ngài là luật sư, chuyên nghiên cứu giới luật. Đầu năm dân quốc, đại sư Hoằng Nhất cũng là người nghiên cứu giới luật, thâm nhập luật tạng.

Đại sư Ngẫu Ích nói rằng: Trung quốc từ sau thời Nam Tống không còn tỳ kheo, vì sao vậy? Trong giới luật tỳ kheo nói rất rõ ràng, ít nhất phải có năm tỳ kheo truyền giới quý vị mới đắc giới được. Viên mãn nhất là tam sư thất chứng, mười vị tỳ kheo truyền giới mới đắc giới được. Hay nói cách khác, thời đại của ngài Ngẫu Ích không tìm được năm vị tỳ kheo, như vậy làm sao đắc giới? Thật sự tu giới luật, đại sư cung cấp cho chúng ta một phương pháp: Chiêm sát luân tướng. Tự mình nương vào Bồ Tát Địa Tạng, tinh tấn tu hành trì giới, dùng chiêm sát luân tướng cầu xin Bồ Tát Địa Tạng thị hiện xem chúng ta đã đắc giới chưa. Chỉ có phương pháp này, ngoài ra không còn phương pháp nào khác. Bởi thế nên sau khi ngài thọ tỳ kheo, lập tức xả giới. Thọ tam đàn đại giới xong, ngài xả giới tỳ kheo, bản thân suốt đời làm Sa Di Bồ Tát giới. Chứng tỏ ngài thực hành được mười giới và 24 thiên oai nghi của Sa Di, quả là đáng nễ. Chứng minh là tỳ kheo không dễ.

Bồ Tát muốn phát tâm bồ đề, chứng tỏ phát tâm bồ đề dể hơn trì giới tỳ kheo, ngài đã làm gương cho chúng ta. Học trò của ngài là pháp sư Thành Thời, đây là truyền nhân của đại sư Ngẫu Ích. Tất cả trước trước tác của ngài Ngẫu Ích, đều do pháp sư Thành Thời biên tập và ấn hành lưu thông. Vì thầy là Sa Di Bồ Tát giới, nên ông không giám nói Sa Di, mà tự xưng là Bồ Tát giới xuất gia ưu bà tắc. Danh xưng này phù hợp với sự thật, chứng tỏ không thực hành được mười giới, đây là thời đại nào? Đầu triều nhà Thanh, vào năm Thuận Trị, lúc nhà Thanh mới khai quốc.

Chúng ta muốn giác ngộ, nhưng đại sư Hoằng Nhất dạy rằng: phải thọ giới mới học giới, biết thọ giới, không nên cho rằng mình đã đắc giới, tự xưng là tỳ kheo, đây là đại vọng ngữ. Ngày nay chúng ta tự xưng Sa di cũng không giám nói, vì sao vậy? Chưa thực hành được giới Sa di, không thực hành mà dùng danh xưng này chính là vọng ngữ, là gạt người. Cho nên đại sư Hoằng Nhất cũng tự xưng là xuất gia Ưu bà tắc, nói lên điều gì? Ngài đã thực hành được ngũ giới, nhưng trong ngũ giới không có tà dâm, vì ngài là người xuất gia, dâm chính là đoạn dâm. Ngũ giới này ngài đã thực hành đúng, phát tâm bồ đề, tu học đại thừa, Bồ Tát ưu bà tắc. Ngài thêm vào hai chữ xuất gia, xuất gia Ưu bà tắc.

Từ đó về sau, tôi nghĩ chúng ta đều nên dùng thân phận như ngài Thành Thời, và thân phân như ngài Hoằng Nhất. Chúng ta không cách nào hơn được họ, có thể đạt được thành tựu như họ, cũng chính là đại đức. Danh nhất định phải phù hợp với thực, danh thực không phù hợp chính là vọng ngữ.

Bên dưới nói: “Cho đến người thế gian vì dâm dục”, đây là dâm dục “mà mang họa sát thân tan nhà”, trường hợp này trong lịch sử rất nhiều, không sao kể hết. “Xuất gia là tăng”, phải hiểu rõ ràng chữ tăng này. Tăng là đoàn thể, gọi là tăng đoàn, bao nhiêu người tu cùng nhau mới được gọi là tăng đoàn? Bốn người trở lên, bốn người trở lên cùng nhau tu hành, phải tu Lục hòa kính. Nếu bốn người trở lên sống cùng nhau mà không tu lục hòa, không thể gọi là tăng đoàn, tăng đoàn là lấy Lục hòa làm tiêu chuẩn. Trên thế gian này có một tăng đoàn xuất hiện, người toàn thế giới đều có phước, vì sao vậy? Vì được chư Phật hộ niệm, Long thiên thiện thần ủng hộ. Thế gian hiện nay, quý vị tìm không thấy một tăng đoàn, hai người sống cùng còn cãi nhau, ý kiến không hợp, đây là sự thật.

Có một lần, lúc đó tôi ở Đài Bắc, có một cư sĩ lớn tuổi, tên Triệu Mặc Lâm, là bạn học của thầy Lý, đều là học trò của đại sư Ấn Quang, học không tệ lắm. Một hôm, ông mời tôi ăn cơm, chỉ một mình tôi, ở quán cơm Công Đức Lâm Đài Bắc. Lúc ăn cơm ông hỏi tôi: Thầy Tịnh Không à, thầy có biết vì sao hôm nay tôi mời thầy ăn cơm chăng? Tôi nói tôi không biết, tôi chưa có thần thông. Ông nói tôi có một câu hỏi muốn thỉnh giáo thầy. Tôi nói không dám, ông là lão tiền bối. Tôi hỏi có vấn đề gì? Ông nói tội ngũ nghịch đọa địa ngục A tỳ. Bốn loại trước không dể phạm, loại sau cùng rất dễ phạm, sau cùng là gì? Phá hòa hợp tăng, ông nói bây giờ người tạo tội nghiệp này rất nhiều, phải làm sao? Tôi nghe đến đây liền nói: chúng ta nên ăn cơm vui vẻ, đừng nhắc đến điều này.

Đạo tràng này dù người đông đến đâu mà không hòa hợp, không có hai người đồng tâm, quý vị đến đâu để tìm bốn người đồng tâm? làm sao bốn người đó đồng tâm? Buông bỏ phân biệt chấp trước là đồng tâm. Chỉ cần họ có phân biệt chấp trước, là mỗi người đều khác nhau, bởi thế khó thấy được tăng đoàn hòa hợp, chúng ta chỉ có nổ lực hướng đến mục tiêu này. Thật sự làm được chăng? Không thể, nhưng thật sự có bốn người trở lên tu Lục hòa, công đức không thể nghĩ bàn, quả thật có thể cứu vãn thế giới. Xả thân mình vì người, không thể xả bỏ thân mình là không thể hòa hợp. Hòa hợp là gì? Buông bỏ triệt để danh văn lợi dưỡng của mình, buông bỏ tự tư tư lợi mới có thể làm được. Chỉ cần có ý niệm tự tư tự lợi, ý niệm về danh văn lợi dưỡng, có tham sân si mạn là không làm được, chắc chắn không làm được.



Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.
Hết tập 525
Каталог: chugiaikvltpdf
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa Tập 474 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Minh Tâm Thời gian: 28. 06. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 537 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Minh Tâm Thời gian: 13. 08. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 321 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình Minh Thời gian: ngày 13 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 322 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình minh Thời gian: ngày 13 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập: 383 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Lý Hương Biên tập: Bình Minh Thời gian: 22/04/2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 332 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Liên Hải Biên tập: Bình Minh Giảng ngày: 19 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 355 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình Minh Thời gian: 01. 04. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 339 Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không Chuyễn ngữ: Nguyên Thanh Biên tập: Bình Minh Giảng ngày: 23 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 341 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Liên Hải Biên tập: Minh Tâm Thời gian: 24. 03. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 398 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Nguyên Tâm Thời gian: 06. 05. 2011

tải về 131.85 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương