Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 398 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Nguyên Tâm Thời gian: 06. 05. 2011



tải về 130.46 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích130.46 Kb.
#20122

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 398 /18

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 398

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập:Nguyên Tâm

Thời gian:06.05.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang 496, hàng thứ hai từ dưới lên. Đây là một đoạn, chúng ta đọc từ đây.

Tiếp theo là trích dẫn Tịnh Độ Luận, Tịnh Độ Luận chính là Vãng Sanh Luận. Tâm bồ đề, tức là tâm nguyện thành Phật độ sanh, nhiếp thọ chúng sanh vãng sanh Tingj độ. Tâm này mới nhìn thì hình như là dể phát khởi hơn tâm ở trước, nhưng thực ra không như vậy, pháp môn vãng sanh Tịnh độ, thật sự là pháp khó tin. Tín tâm chưa sanh, làm sao có thể phát tâm? Hôm qua chúng ta học đến đây, đây là một đoạn, mà còn vô cùng quan trọng. Tu Tịnh độ là hy vọng duy nhất trong đời này, chính là vãng sanh thế giới Cực Lạc. Nếu không hiểu rõ đạo lý và phương pháp vãng sanh, đời này không tránh khỏi sống uổng phí. Như cơ duyên này, chúng ta có lý do tin rằng, đã từng gặp qua trong vô lượng kiếp quá khứ, đã từng gặp nhưng như thế nào? Quá sơ ý nên đã lơ là, bỏ qua cơ hội này.

Trãi qua vô lượng kiếp đến nay gặp lại, nếu như đời này bỏ qua, lại phải trãi qua vô lượng kiếp, vô lượng kiếp chịu khổ trong luân hồi sanh tử, nói không bao giờ hết! Nếu chúng ta thấu hiểu chân tướng sự thật, không muốn tiếp tục chịu khổ báo trong luân hồi, chúng ta hạ quyết tâm ngay trong đời này, hy vọng thành tựu, không muốn đợi thêm nữa. Mấy câu này vô cùng quan trọng, nhất định phải phát nguyện thành Phật độ chúng sanh, phải phát tâm này. Tôi chắc chắn phải thành Phật, tôi nhất định phải giúp chúng sanh thoát đau khổ, đây chính là nói độ chúng sanh.

Nếu chúng ta phát nguyện độ sanh, quan trọng nhất là đem pháp môn Tịnh độ, giới thiệu cho những chúng sanh có nhân duyên, thì trong một đời họ có thể thành tựu. Nhân sinh đau khổ nhưng rất ngắn ngủi, mấy mươi năm thời gian trôi qua như một cái gảy móng tay, chỉ có đến lúc về già mới có cảnh giác sâu sắc. Tôi đã sống 85 năm, hồi ức chuyện ngày xưa giống như ngày hôm qua vậy, thật là một gảy móng tay thì hơn 80 năm trôi qua, con người còn có 80 năm ư? Không thể. Thấu hiểu những sự thật chân tướng này, quý vị sẽ thật sự nắm bắt thời gian, dõng mãnh tinh tấn. Cơ duyên thù thắng này không thể lại để mất đi.

Trong đoạn kinh văn này, nói đến phát nguyện thành Phật độ sanh, như ở trước Tịnh Độ Luận nói: ba loại tâm bồ đề đến rất dễ. Ở trước nói: trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm. Ở đây chỉ nói: Tôi nguyện thành Phật, tôi nguyện độ chúng sanh. Thật ra nguyện thành Phật độ sanh chính là tâm vô thượng bồ đề, điều này không phải giả. Nên ông nói trên thực tế không như vậy. Vì sao? Tịnh độ vãng sanh, thực tế là pháp khó tin. Khó tin, tức là chưa có thể thật sự tin, vậy làm sao có thể phát tâm? Điều này chứng minh, phát tâm không phải là việc dễ, nhưng chúng ta nhìn thấy rất nhiều ông bà cụ ở nông thôn, vừa khuyên họ niệm Phật họ liền tin ngay. Nói thế giới tây phương tốt, họ thật sự muốn đi, liền phát tâm đi, khi vãng sanh đoan tướng hy hữu. Phật Di Đà đến tiếp dẫn, họ thật đã vãng sanh! Như vậy là sao?

Chúng ta phải hiểu, đây không phải ngẩu nhiên. Không phải mỗi ông bà cụ ở nông thôn đều có thể vãng sanh, cũng là trong ngàn vạn người được một người. Đây là trong quá khứ từng tu học pháp môn này, công phu đều không tệ, khi lâm mạng chung chỉ sai một niệm không được vãng sanh. Một niệm sai lệch này chính là tình chấp khó đoạn, không nỡ từ bỏ gia thân quyến thuộc. Chỉ cần có niệm này khởi lên, Phật A Di Đà đã ra đi, không tiếp dẫn quý vị, người tu Tịnh độ phải chú ý đến điều này, lúc nào buông bỏ? Bình thường rất lãnh đạm, khi lâm chúng không sợ hãi. Bình thường tình chấp rất nặng, khi lâm chung không bảo đảm, có yêu thương người nhà chăng? Rất yêu, vãng sanh đến thế giới Cực Lạc là thật sự yêu thương. Tạm thời buông bỏ thân tình, đến thế giới Cực Lạc, gia thân quyến thuộc của quý vị, bất luận luân lạc trong đường nào, quý vị đều thấy rất rõ ràng. Khi nào họ được độ, nhân duyên thành thục thì quý vị đến giúp họ. Được độ nhân duyên thành thục, chân tín, chân nguyện và thật sự buông bỏ, chính là ba điều kiện này. Thiếu một trong ba điều kiện này đều không được, nên nhớ sau cùng là thật sự buông bỏ.

Như trong Kinh A Di Đà nói, mười phương Chư Phật xưng tán Đức Thế Tôn, ở trong đời ngũ trược ác thế. Ngài đã vì chúng sanh nói pháp mà tất cả thế gian khó tin theo. Quả thật khó tin, khó tin có thể tin mới đáng quý, như vậy mới có thể thành công. Nhất định phải biết, như ở trước Thiện Đạo đại sư dạy chúng ta, biết được ta bà là khổ, quý vị thật sự nhận thức rõ ràng. Ở đây ta bà là tiếng phạn, dịch thành tiếng Trung Quốc có nghĩa là kham nhẫn, chính là thế gian này quá khổ, nhưng quý vị thật sự có thể nhẫn thọ, chính là ý này. Người thông thường không thể nhẫn thọ, quý vị thật sự có thể nhẫn thọ, gọi là kham nhẫn.

Cực Lạc là niềm vui chân thật, không những không có bất cứ điều khổ nào, đến tiếng khổ cũng không nghe đến, quý vị mới biết thế giới Cực Lạc thanh tịnh biết bao, thanh tịnh trang nghiêm. Phật đối với tán thán của Thế Tôn là vô cùng thù thắng hy hữu, vì duy có pháp môn này mới có thể độ thoát. Như hiện nay, xã hội ngũ trược ác thế này, con người đều tạo ngũ nghịch thập ác, gặp nhân duyên này đều có thể vãng sanh, điều này thật không thể nghĩ bàn.

Phẩm Độc Lưu Thử Kinh của kinh này, trong này có bốn câu kinh văn. Nếu như nghe được kinh này, chính là Kinh Vô Lượng Thọ. Nếu quý vị có thể nghe được bộ kinh này, “tín nhạo thọ trì” nghe rồi liền có thể tin nhận, liền có thể thọ trì, liền có thể hoan hỷ_Nhạo là hoan hỷ, quý vị liền có thể thọ trì. Thọ trì là gì? Quý vị có thể hành trì, y giáo phụng trì.

“Nan trung chi nan, vô quá thử nan”, ngày nay chúng ta đã gặp được, chúng ta tin, chúng ta hoan hỷ, chúng ta y giáo phụng hành, thật không dễ! Họ nói khó trong các điều khó, trước đây chưa có khó như vậy, nhưng chúng ta nghĩ hình như không khó, chúng ta rất dễ tiếp nhận. Thật ra không như vậy, quý vị xem ngày nay trên thế giới, gần 70 ức nhân khẩu, mấy người gặp được Phật pháp? Người gặp được Phật pháp, mấy người gặp được đại thừa? Người gặp được đại thừa, mấy người gặp được Tịnh độ? Người gặp được Tịnh độ, có mấy người thật sự tin? Đào thải từng lớp từng lớp, đào thải đến sau cùng thật không còn được mấy người, như vậy mới biết: “nan trung chi nan, vô quá thử nan”, là thật không phải giả. Chúng ta là cái đầu tiên trong những điều khó, vì sao chúng ta có thể trở thành một trong các điều khó đó? Đó là trong quá khứ chúng ta với Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc kết nhân duyên rất sâu, đời này gặp được, vừa gặp như quen đã lâu, vô cùng hoan hỷ. Trong quá khứ nhân duyên không thâm sâu như vậy không được, đây là chúng ta nhìn thấy.

Trong các bạn đồng học, mấy người tin thật, mấy người thực hành? Quý vị nói họ không tin, họ rất tin tưởng. Quý vị nói họ không tin, họ đối với thế gian này còn lưu luyến, nhất định họ không buông bỏ được, đây chính là khó trong các điều khó. Từ những điều này chúng ta có thể lãnh hội được, thiện căn chúng ta thâm hậu hơn họ, thiện căn đời trước họ không bằng chúng ta, mới có hiện tượng này.

Chứng tỏ, có thể tin Tịnh độ, thật sự là điều khó trong tất cả điều khó của thế gian, là thật không giả chút nào. Nhất thiết thế gian là nói mười pháp giới, nói rộng ra chính là mười phương pháp giới, mười pháp giới trong vô lượng vô biên quốc độ của chư Phật. Đối với pháp khó tin này mà có thể tin, tức là bậc đại trí tuệ, đây là trí tuệ chân thật, không phải là tri thức. Phần tử tri thức không nhất định tin, người thật sự có trí tuệ nhất định tin, người có trí tuệ đời này nhất định được độ. Thế xuất thế gian duy chỉ có điều này, thật sự là đại sự nhân duyên, ngoài ra đều là việc nhỏ. Đạo lý này không thể không biết.

“Thuận thử tín tâm, phát thành Phật độ sanh đồng đăng Tịnh độ chi nguyện, tức thị phát bồ đề tâm dã”. Thuận lòng tin này, từ trong lòng tin này khởi nguyện, từ trong nguyện này khởi hành, đây gọi là thuận thử tín tâm. Phát ra nguyện trong đời này phải thành Phật, phải phổ độ tất cả chúng sanh khổ nạn, đồng sanh Tịnh độ, đây chính là tâm vô thượng bồ đề. Nhưng có thể chân thật tín thọ, tự nhiên có thể phát tâm như trên, lại vì phương tiện thù thắng của Tịnh độ. Tâm bồ đề trong khi tu học đại thừa, quả thật không dễ phát. Tu học các pháp môn khác, trong kinh nói rất rõ ràng, như trong Khởi Tín Luận nói: “Trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm”, thật không dễ phát! Tâm này vừa phát liền siêu việt mười pháp giới, chính là pháp thân đại sĩ, tâm này vừa phát liền thành Phật, tâm bồ đề là tâm Phật. Đại sư Huệ Năng lục tổ của Thiền tông, trong phòng phương trượng của tổ Hoằng Nhẫn, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, tâm bồ đề mới phát khởi được.

Quý vị thử nghĩ xem, nhóm người của Thần Tú đại sư theo ngũ tổ mấy mươi năm, có phát tâm bồ đề chăng? Không có. Quý vị mới biết điều này thật khó. Tịnh Độ tông phát tâm bồ đề dễ hơn nó, Tịnh độ tông chỉ cần quý vị tin thật, phát nguyện đến thế giới tây phương Cực Lạc, để làm Phật độ chúng sanh, tâm này đã phát. Nên trong kinh văn này nói: “thị hựu vi Tịnh tông chi thù thắng phương tiện”, đích thực phương tiện hơn so với các pháp môn khác. Như Kinh Di Đà Yếu Giải nói, thâm tín phát nguyện, tức vô thượng bồ đề_Đây là Ngẫu Ích đại sư nói. Hai câu này, Ấn Quang đại sư tán thán đến cực điểm, vì sao? Các bậc cổ đức xưa nay không nói như vậy, nên rất nhiều người đối với các ông bà cụ niệm Phật vãng sanh, cảm thấy không sao giải thích được, vì sao? Nhất định phải phát tâm bồ đề, nhất hướng chuyên niệm.

Những ông bà cụ này chỉ có nhất hướng chuyên niệm, không phát tâm bồ đề, làm sao họ có thể vãng sanh? Ngẫu Ích đại sư nói ra: Thâm tín phát nguyện cầu sanh, chính là tâm vô thượng bồ đề. Nếu quý vị hỏi những ông bà cụ này, tâm bồ đề là gì, họ không hiểu. Như thế nào gọi là trực tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm, họ cũng không hiểu, họ đều không hiểu. Quý vị hỏi họ có tin tưởng pháp môn này chăng? Tin thật, có muốn đi chăng? Thật muốn đi, đây chính là phát tâm. Tin thật, muốn đi thật chính là tâm vô thượng bồ đề. Ngẫu Ích đại sư là người đầu tiên nói ra, giải quyết vấn đề này cho mọi người, nên Ấn Quang đạo sư xưng Yếu Giải là đệ nhất chú giải của Kinh Di Đà, xếp ở vị trí đầu tiên. Rất nhiều ý nghĩa quan trọng, cổ nhân đều không nói nhưng Ngẫu Ích đại sư nói ra.

Ví dụ Đức Thế Tôn thành Phật như thế nào? Là niệm Phật thành Phật, điều này cổ nhân không nói. Cũng là Ngẫu Ích đại sư nói ra trong Yếu Giải, đích thực ngài đã chỉ ra, thật sự có kinh văn, người thông thường chúng ta đọc kinh đều đã sơ suất, không chú ý đến. Ngài đã chỉ điểm cho chúng ta, Đức Thế Tôn thành Phật là niệm Phật thành Phật.

Người niệm Phật, nhất định sẽ sớm sanh tín nguyện, đây chính là phát tâm bồ đề. Tin sâu nguyện thiết không thể chậm, chậm tương lai sẽ sanh ra chướng ngại, sẽ có phiền phức. Nhanh chóng kiến lập lòng tin kiên định không thay đổi, quyết định cầu sanh thế giới Cực Lạc. Ở thế giới này hoàn toàn tùy duyên, ở một ngày rất tốt, ở một năm cũng tốt, không sao. Từng giờ từng phút đều chuẩn bị vãng sanh, điểm này rất quan trọng. Không nên, tôi phải đợi đến ngày nào, đợi đến khi nào, không được. Có ý niệm này, chính là tập khí phiền não xen vào, tương lai làm chướng ngại quý vị vãng sanh. Mỗi niệm đều muốn đi, tâm này rất thù thắng, ngày ngày muốn đi.

Trong lúc giảng kinh tôi cũng từng khuyên mọi người, mỗi tối quý vị đều đi ngủ, chúng ta vừa nằm xuống giường, liền cầu Phật A Di Đà đến tiếp dẫn. Chúng ta ngày ngày cầu ngài, không có tối nào không cầu. Ngày nào thật sự đến, tôi đã cầu được, Phật dẫn chúng ta đi. Như vậy chứng tỏ, mọi thứ ở thế gian này đều buông bỏ, không có chút phiền nhiễu nào, không bị ảnh hưởng bất cứ điều gì, chính là ý niệm này. Mỗi niệm cầu sanh Tịnh độ, chính là ý niệm này.



Bên dưới, thứ tư: hỏi đáp và giải thích. Vấn đáp chính là giả thiết, đương nhiên cũng thật sự có người có những nghi hoặc này. “Vấn viết, nhược bị tu vạn hạnh, năng cảm bồ đề, đắc thành Phật giả. Hà cố Chư Pháp Vô Hành Kinh vân”, đây là đưa vấn đề trong kinh ra làm ví dụ. Vì sao trong Chư Pháp Vô Hành Kinh nói: Nếu người cầu bồ đề, tức không có bồ đề, là người xa bồ đề, giống như trời và đất. Vì sao trong Kinh Chư Pháp Vô Hành nói như vậy? Tu đầy đủ vạn hạnh, có thể cảm bồ đề, liền được thành Phật, đây cũng là Phật nói. Đức Phật nói hai câu này hoàn toàn mâu thuẩn, sao Đức Phật lại nói như vậy? Đây chính là sợ xem kinh quá nhiều_ Phật nói ở kinh này với nói ở kinh kia, hoàn toàn tương phản. Trong kinh này nói có, trong kinh kia nói không, như vậy phải làm sao? Phải biết, chư Phật Bồ Tát nói pháp, không nói pháp nào nhất định. Người này chấp trước có, Phật nói với họ là không, phá chấp có. Người này chấp không, Phật liền nói với họ có, phá chấp không. Sợ nhất là Phật nói không, quý vị liền chấp trước không, Phật nói có, quý vị liền chấp trước có. Như vậy Phật không độ được quý vị, quý vị không có cách nào được độ.

Đức Phật là vì phá chấp trước, tất cả pháp đều gọi là phương tiện thiện xảo, Phật không nói pháp nhất định, Phật cũng không có hình tướng nhất định, nên lấy thân gì để được độ thoát, liền hiện ra thân đó. Hiện tướng, nói pháp đều không phải ý của Phật, ý của ai? Ý của chúng sanh. Phật hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Quý vị muốn Phật đến nói pháp, ngài liền hiện thân Phật. Quý vị muốn Bồ Tát đến thuyết pháp, ngài liền hiện thân Bồ Tát. Quý vị muốn thân gì, ngài liền hiện thân đó.



Quý vị muốn ngài hiện, quý vị muốn là có tâm, ngài hiện là vô tâm, vô tâm năng ứng. Quý vị có nghi vấn như thế nào, đây là quý vị muốn. Phật Bồ Tát nói pháp cho quý vị là vô tâm, quyết định không có thông qua khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, nhất định không thông qua, hoàn toàn là phản ứng tự nhiên của tự tánh. Nếu quý vị hiểu đạo lý này, những vấn đề này hoàn toàn không có. Quý vị xem giải thích bên dưới.

Phần giải thích nói, có người căn cứ những gì trong Kinh Vô Pháp Chư Hành nói: Nếu có người cầu bồ đề, tức không có bồ đề có thể đắc. “Thử cầu giả” người cầu bồ đề này. Tức là xa rời bồ đề, như thiên và địa cách xa nhau vậy, trong kinh này nói không sai. Đã là như vậy, ngày nay làm sao tu vạn hạnh, có thể chứng được quả bồ đề mà thành Phật? Bên dưới trả lời, ở dưới giải thích thêm cho quý vị, chúng ta xem phần giải thích bên dưới.

“Bồ đề chánh thể, lý cầu vô tướng”, bồ đề là gì? Bồ đề là chánh giác. Chánh đẳng chánh giác là bồ đề của Bồ Tát, Vô thượng chánh đẳng chánh giác là Phật bồ đề. Chánh giác, Chánh đẳng chánh giác, Vô thượng chánh đẳng chánh giác đều là vốn có trong tự tánh, quý vị đến đâu để cầu? Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật nói với chúng ta: Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ của Như Lai, đây chính là bồ đề, trí tuệ của Như Lai là gì? Là vô thượng chánh đẳng chánh giác. Đều có, người người đều có, trong tự tánh quý vị có, quý vị cầu điều gì? Trên mặt lý mà nói, quý vị cầu là sai, quý vị vốn có thì cầu điều gì? Vốn có “kim tác tương cầu”, tác tướng chính là trước tướng, quý vị chấp trước tướng bồ đề.

Bất luận là quý vị chấp trước tướng chánh giác, hoặc là trước tướng chánh đẳng chánh giác, tướng vô thượng chánh đẳng chánh giác. Quý vị đã chấp tướng, chấp trước tướng là phàm phu, trước tướng là mê. Nên nói “bất đương lý thật”, quý vị hoàn toàn trái ngược với lý thực tế. Thế nên dùng ví dụ nói, quý vị cách bồ đề ngày càng xa, chính là ý này.

“Thị cố kinh ngôn bồ đề giả, bất khả dĩ tâm đắc, bất khả dĩ thân đắc”, tâm này là vọng tâm. Tự quý vị cho rằng có tâm, tâm này là vọng tâm, phàm phu chúng ta lấy cái gì làm tâm? Có thể tư duy, có thể tưởng tượng là tâm, mọi người đều cho rằng như vậy, điều này trong đại thừa giáo gọi là đệ lục ý thức. Đệ lục ý thức là gì? Phân biệt, đây là tâm gì? Tâm phân biệt, đây là tâm gì? Tâm chấp trước, đây là tâm gì? Tâm vọng tưởng, sai! Hoàn toàn sai. Như các bậc cổ đức nói quý vị đã dùng sai tâm, sao có thể dùng vọng tâm? Vọng tâm tương ưng với vọng, vọng tâm không tương ưng với chân. Trong kinh Phật nói rất hay, vọng tâm có thể duyên; đối với bên ngòai có thể duyên đến hư không pháp giới, đối nội có thể duyên đến A lại da vì đều là hư vọng. Hư không pháp giới là hư vọng, A lại da cũng là hư vọng. Vọng tâm có thể duyên A lại da, nó có thể thấu hiểu A lại da, nó không thể thấu triệt cái chân thật.

Bồ đề là chân tâm. Tự tánh, chân như, pháp tánh, đệ nhất nghĩa, những thứ này vọng tâm nhất định không duyên được, nên quý vị đã sai, thật là sai đến cùng. Chân tâm, chúng ta thật sự muốn thấy chân tâm thì như thế nào? Chân tâm_buông bỏ hết tất cả vọng tâm như vọng tưởng phân biệt chấp trước, thì chân tâm hiện tiền, quý vị sẽ nhìn thấy là thật, đó không phải vọng, buông bỏ vọng, chân liền hiện tiền, không cần cầu, quý vị cầu là hỏng. Các bậc cổ đức nói rất hay, chỉ cần buông bỏ vọng tâm, vọng tưởng, chân tâm không cầu mà tự được, vì sao? Nó vốn chính là như vậy. Vọng buông bỏ, vốn chính là chân. Vọng buông bỏ, lại muốn tìm cái chân thì chân đó lại là vọng.

Những đạo lý này trong kinh điển đại thừa nói rất nhiều, nói rất rõ ràng nên trong Kinh Bát Nhã nói: không thể dùng tâm để cầu bồ đề, cũng không thể dùng thân để cầu bồ đề, vì sao? Vì quý vị có vọng tưởng phân biệt chấp trước. Nếu vọng tưởng phân biệt chấp trước đều không có, tôi nói với quý vị, có thể dùng tâm được bồ đề, có thể dùng thân được bồ đề. Diệu, tuyệt diệu không sao nói được, điều này phải lãnh hội một cách tường tận.

Thế nên bên dưới nói: “Hành nhân nhược tác tướng dĩ cầu” hành nhân chính là người tu hành, chỉ người hiện nay đang tu học. “Ý tồn bồ đề chi quả”, trong tâm chúng ta thật sự cho rằng có quả bồ đề. “Dữ cầu bồ đề chi pháp”, đây là gì? Đây gọi là pháp chấp, sai. “Tức thị tác tướng”, tác tướng là gì? Chấp tướng.

Đức Thế Tôn lúc còn ngài tại thế bát tướng thành đạo, là làm gương cho chúng ta, dụng ý rất thâm sâu. Ngài 19 tuổi rời gia đình, ngài là một vị vương tử nếu ngài không ra đi, sẽ kế thừa vương vị của vua cha. Đây chính là nói, ngài từ bỏ vinh hoa phú quý của thế gian, đã buông bỏ, buông bỏ này là gì? Phiền não. Ngài biết những thứ này không tốt, những thứ này toàn là phiền não. 19 tuổi rời xa gia đình, biểu diễn cho chúng ta thấy là buông bỏ phiền não. Quý vị xem khi buông bỏ phiền não để đi cầu học, học suốt 12 năm_Mười chín tuổi học đến 30 tuổi. Tất cả tôn giáo của Ấn Độ ngài đều tiếp xúc, đều học qua, tất cả học phái cũng học qua. Năm 30 tuổi ngài đã học được 12 năm, đem sở học 12 năm buông bỏ hết, đó gọi là gì? Buông bỏ pháp chấp. 19 tuổi rời xa gia đình là buông bỏ tình chấp, buông bỏ phiền não chướng. Năm 30 tuổi khi nhập định dưới cội cây bồ đề, ngài buông bỏ sở học 12 năm, buông bỏ pháp chấp, buông bỏ sở tri chướng. Hai loại chướng ngại đều không có, đây là minh tâm kiến tánh, biểu diễn này ý nghĩ rất thâm sâu!

Hiện nay chúng ta cầu học có được chăng? Có thể, như Đức Thế Tôn quảng học đa văn nhưng quý vị phải buông bỏ được. Nếu quý vị chấp trước sở học của quý vị là thật, như vậy là hỏng, học những thứ đó có ưu điểm gì? Biết được người thế gian nghĩ gì? Còn chính mình thì sao? Chính mình không có, chính mình không bị phiền nhiễu, không bị ảnh hưởng, đây gọi là đại anh hùng. Người khác không làm được quý vị có thể làm, nhị chướng đã phá_Sở tri chướng, phiền não chướng đều đã phá_Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, nên những thứ này có thể học chăng? Có thể học, nhưng không thể trước tướng, không thể phân biệt, không thể khởi tâm động niệm, học như vậy là đúng. Nếu quý vị trước tướng là sai, học là gì? Quý vị biết được thế gian có việc như vậy, có loại chúng sanh này. Tương lai quý vị dùng phương pháp gì để độ họ, chính là ý này. Phiền não người thế gian thì sao? Có phiền não chướng nặng, sở tri chướng nhẹ, có sở tri chướng nặng, phiền não chướng nhẹ, như hai ví dụ ở trước về Đức Thế Tôn.

Tôn giả A Nan phiền não chướng nặng, sở tri chướng nhẹ. A Nan trí tuệ cao, sở tri chướng nhẹ, tình chấp nặng. Lúc Đức Thế tôn diệt độ ngài còn rơi nước mắt, tình chấp nặng. Tôn giả Phú Lâu Na là A la hán, phiền não chướng nhẹ, ngài chứng được tứ quả la hán. Sở tri chướng nặng nghe kinh không hiểu, không như A Nan, đây chính là diễn ra căn tánh bất đồng, chúng sanh căn tánh bất đồng. Cần phải buông bỏ hai loại phiền não chướng, quý vị mới có thể kiến tánh thành Phật. Thế nên chỉ cần tác tướng, tác tướng cầu.

Tự mình xa rời thực tế lý thể, đó gọi là bất đương lý thể, quý vị trái với tự tánh, phải biết tự tánh là gì? Tự tánh ba loại hiện tượng đều không có, tâm của tự tánh là thanh tịnh tịch diệt, sao có thể có gì? Không những không có phiền não, cũng không có sở tri, nên thể của bát nhã gọi là căn bản trí, là gì? Bát nhã vô tri. Vô tri là căn bản trí, nó khởi tác dụng là không gì không biết. “Bát nhã vô tri, vô sở bất tri” Vô sở bất tri, tất cả trí tuệ từ đâu đến? Vô sở bất tri là đến từ vô tri. Nếu quý vị chấp trước sở học, quý vị liền hữu tri, hữu tri chính là hữu sở bất tri, những gì chưa học qua quý vị đều không biết. Nếu là bát nhã vô tri, những gì không học qua đều biết hết tất cả, đây mới gọi là trí tuệ, không học cũng hoàn toàn biết. Chấp trước có, thậm chí có học, học chưa đủ nên không biết, học rồi chưa chắc biết hoàn toàn, chưa chắc biết thật sự.

Chúng ta hiểu tâm thanh tịnh và quảng học đa văn, điều nào quan trọng? Tâm thanh tịnh quan trọng, quảng học đa văn không quan trọng. Nếu quảng học đa văn có chấp trước, chính là pháp chấp, biến thành sở tri chướng, chướng ngại quý vị minh tâm kiến tánh. Đây là Phật pháp khuyên quý vị buông bỏ, có thể quảng học đa văn, chắc chắn không thể chấp trước. Trong quảng học đa văn biến hóa rất lớn, vô cùng phức tạp, thiên biến vạn hóa.

Chúng ta lấy dự ngôn để nói, làm ví dụ để nói. Trước đây thầy giáo nói với tôi dự ngôn có ba loại_Loại dự ngôn thứ nhất rất chính xác, trong định nhìn thấy. Họ nhập định, cảnh giới trong định nhìn thấy là vô cùng chính xác. Một loại dự ngôn khác là lấy lý luận toán học để suy đoán. Như Dịch Kinh, đó là dùng toán học để suy luận, suy luận đến một lúc nào đó, sẽ phát sinh điều gì. Loại thứ ba đó là linh, không phải chính quý vị. Linh bên ngoài có duyên với quý vị, mượn thân thể của quý vị để tuyên bố. Đây là ba loại lớn, trong ba loại lớn là định lực của mình đáng tin nhất, nhưng định lực mà họ nhìn thấy_Ví dụ họ nhìn thấy chuyện, một năm sau là một năm sau của ngày hôm nay, qua một năm sau, phải chăng chính là như vậy? Lại đã biến hóa. Những gì họ nhìn thấy là hôm nay là thời gian hoàn toàn tương đồng, nhìn thấy cảnh giới này, qua một năm sau thật sự lại không giống nhau.

Phải biết điều này là ý niệm của nhân tâm, ý niệm của tâm con người, ngày ngày đều có tăng giảm thêm bớt. Thiện niệm nhiều một chút, ác niệm nhiều một chút, mỗi ngày không giống nhau. Nên cảnh giới bên ngoài, nó xoay chuyển từ ý niệm. Do đây mà biết, dự ngôn chỉ là khái lược, không phải rất tường tận, không thể tin tưởng, đó không phải. Quý vị hiểu được đạo lý này, có thể làm tham khảo, không thể nói mười phần xác định, như vậy quý vị sẽ sai. Không thể có chuyện mười phần xác định, chúng ta từ trên Hoàn Nguyên Quán nói: Sát na biến hóa. Từng sát na đều đang biến hóa, xưa nay chưa có tương đồng. Toàn bộ vũ trụ đều là từ ý niệm nhân tâm, xuất sanh vô tận, câu này nói rất hay, biến hóa vô cùng.

Ý niệm con người chuyển tốt, xấu biến thành tốt. Ý niệm con người biến thành xấu, hoàn cảnh tốt cũng trở thành xấu, đây gọi là gì? Phong thủy luân lưu chuyển, phong thủy chuyển như thế nào? Tùy theo nhân tâm mà chuyển. Nhân tâm tốt, sơn hà đại địa ở đây kiên cố, không có thiên tai, dự ngôn nhìn thấy, đó là gì? Chuyện lúc đó nhìn thấy, hôm nay nhân tâm không giống nhau, sản sanh biến hóa. Nếu không phải Địa Thượng Bồ Tát, chỉ có thể làm tham khảo, không thể dùng nó để quyết định, phương pháp đối trị chính là nghe mà không nghe. Tôi nghe được những lời này, giống như không nghe thấy vậy, không bị nó quấy nhiễu, không bị nó ảnh hưởng, nâng cao cảnh giác chính mình. Sau khi nâng cao cảnh giác, tư tưởng hành vi chúng ta thay đổi, biến thành gì? Trở thành thuần tịnh thuần thiện. Thuần tịnh thuần thiện, khiến cho tất cả cảnh giới không tốt đều trở thành tốt. Dự ngôn này đối với chúng ta có lợi ích lớn, ưu điểm lớn, bất luận nó là thật hay giả. Đều nâng cao cảnh giới chính mình, nâng cao đức hạnh của chính mình, nâng cao trí tuệ chính mình, có gì không tốt! Đều là việc tốt.

Đến ông Bố Lai Đăng người Mỹ đều biết_Quý vị xem, bỏ ác dương thiện, cải tà quy chánh, đoan chánh tâm niệm, giống như trong Phật pháp nói, không có gì khác. Không những có thể hóa giải thiên tai mà còn đem đến cho xã hội, địa cầu càng thêm tốt đẹp, ngày càng tốt. Đọc sách hiểu lý lẽ, học Phật phải khai ngộ, không thể càng học càng mê hoặc, như vậy là sai.

Chúng ta xem đoạn sau: “Kim giả tuy tri tu hành vãng cầu”. Đức Phật nói với tuyệt đại đa số người, dạy họ trước là phải bắt đầu từ chấp tướng, nếu bắt đầu từ ly tướng trước sẽ không làm được, vì quá cao. Dạy sơ học là phải dạy trước tướng, trước tướng chính là dạy họ điều gì? Dạy họ đoạn ác tu thiện, thật sự có thiện có ác, nói với quý vị những điều này, những điều này đều không xa rời lục đạo, trong lục đạo giúp quý vị điều gì? Giúp quý vị không đọa tam ác đạo, giúp quý vị giữ hai đường nhân thiên, không đọa vào tam ác đạo, đây chính là giúp chúng sanh ly khổ đắc lạc.

Nhân thiên đã đầy đủ đức hạnh, tiếp tục giúp quý vị nâng cao, vượt ra khỏi lục đạo, bước từng bước. Giúp quý vị lên tầng lầu thứ nhất, nói với quý vị ở trên còn có một tầng, lên trên xem thử. Đến tầng thứ hai, trên đó còn có tầng thứ ba, từng bước từng bước dẫn dụ quý vị lên cao. Đây là phương pháp dùng để hướng dẫn người có trung hạ căn tánh. Nếu là thượng căn lợi trí, không cần phiền phức như vậy, trực tiếp nói với quý vị tầng cao nhất, có thể đi lên chăng? Có thể, quý vị có năng lực lên trên đó. Như hiện nay đi thang máy là lên đến ngay, người nông thôn chưa nhìn thấy thang máy, quý vị nói thang máy với họ họ không hiểu, quý vị nói đi thang máy họ giật mình. Đi cầu thang từng tầng từng tầng đi lên, họ rất vui, cuối cùng đều đạt được mục đích. Bất luận là tiệm tu hay là đốn chứng, tất cả đều viên mãn vô thượng bồ đề.

“Kim giả tuy tri tu hành vãng cầu, liễu liễu thức tri lý thể vô cầu”, biết được trên mặt lý, trên mặt tự tánh nói vô cầu. Trên mặt tự tánh nói không tu, không tu cũng không đắc, không cầu cũng không mất, được mất đều không có. Trong tự tánh xưa nay không có được mất. “Nhưng bất hoại giả danh, thị cố bị tu vạn hạnh”. Đức Thế Tôn từ bi tượng trưng cho chúng ta, làm ra tấm gương tốt nhất. Ngài đã thành Phật từ lâu, trong Kinh Phạm Võng Đức Phật tự nói: Lần này ngài đến nhân gian thị hiện thành Phật là lần thứ 8000, vì thế ngài đã thành Phật từ rất lâu, giống như đang biểu diễn trên vũ đài vậy, biểu diễn lần thứ 8000. Bát tướng thành đạo, giống như là một người phàm phu, diễn xuất ra một đời tu hành chứng quả. Biểu diễn trên vũ đài, biểu diễn cho những người như chúng ta xem. Nếu ngài không biểu diễn như vậy, nói ngài lập tức liền thành Phật, chúng ta xem ngài như thần tiên, không giám học tập với ngài. Ngài là thần tiên, con là phàm phu, sao con có thể làm được?

Ngài biểu diễn như chúng ta vậy, cũng là cha mẹ sanh ra, cũng là từ nhỏ lớn lên. Ngài có thể thành, tôi cũng có thể thành, khiến quý vị sanh khởi tín tâm này_Ngài đã biểu diễn như thế. Chúng ta phải hiểu, đây là ân đức của Thế Tôn đối với chúng ta, bố thí đối với chúng ta. Chúng ta giác ngộ từ chỗ này, đã minh bạch. Trong vô tu cũng có thể tu_Đối với ngài là vô tu, ngài đã viên mãn nhưng ngài vẫn thể hiện sự tu hành, làm gương trì giới tu hành cho chúng ta noi theo. Khiến chúng ta từ con đường này dần dần khế nhập, từ từ khai ngộ, ngộ nhập cảnh giới này.

Ngài cần tu khổ hạnh như vậy chăng? Ngày ăn một bửa, ba y một bình bát, đêm ngủ dưới gốc cây, có cần như vậy chăng? Tất cả đều là làm cho chúng ta xem, dạy chúng ta phải buông bỏ vạn duyên. Ngài trước làm ra như vậy, ngài thật sự đã buông bỏ, điều này đại khái không phải giả. Buông bỏ thật sự rất khó, trước là làm gương cho quý vị thấy, nếu chúng ta có thể như ngài vậy, buông bỏ sạch sẽ như ngài vậy. Quý vị nói trong đời này có thể thành tựu chăng? Chắc chắn có thể thành tựu.

Chúng ta tu tập nhiều năm như vậy, những đạo lý trong kinh giáo đều đã hiểu. Phàm phu thành Phật không có gì khác, như Chương Gia đại sư truyền cho tôi trong lần đầu tiên gặp mặt: Nhìn thấu, buông bỏ_Buông bỏ, nhìn thấu. Thật vậy, trong 60 năm đã chứng thực câu nói của thầy, hoàn toàn chính xác. Nhìn thấu là gì? Đã minh bạch, buông bỏ là gì? Không còn phân biệt chấp trước, không còn để vạn sự vạn pháp trong lòng. Tâm phải khôi phục chân tâm, thanh tịnh bình đẳng giác, tất cả vạn sự vạn pháp đều là rác rưỡi. Phàm phu không biết, để những rác rưỡi này trong lòng, đem thanh tịnh bình đẳng giác của mình làm thành thùng rác. Không những nhận rác của chính mình còn thu nhận rác của người khác, quý vị nói có đáng thương chăng? Dọn sạch tất cả những rác rưỡi này, đó chính là chân tâm của mình, đó gọi là Phật.

Trong tu học Phật pháp, kinh Phật có thuật ngữ gọi là Chỉ Quán, chỉ là gì? Chỉ chính là buông bỏ, quán là gì? Quán chính là nhìn thấu. Quán là thấu triệt, chỉ là buông bỏ. Nho gia cũng nói: “Chỉ ư chí thiện” chí thiện là gì? Chí thiện là tự tánh, không phải thiện của thiện ác. Nếu quý vị dừng lại thiện của thiện ác, quý vị là hai con đường nhân thiên, chỉ ư bất thiện thì sao? Đó là tam ác đạo. Thế nên chỉ ư chí thiện, thiện đó không phải thiện của thiện ác, đó là tự tánh, đó là lời tán mỹ.

“Nhưng bất hoại danh giả, bị tu vạn hạnh”, thật sự trì giới, thật sự tu định, trí tuệ đã khai. “Cố năng cảm dã”, chúng ta siêng năng tu hành sẽ có cảm, ai đến ứng? Tự tánh đến ứng. Thông thường chúng ta nói Phật Bồ Tát đến ứng, tức tự tánh đến ứng. Chúng ta niệm Phật, Phật A Di Đà đến_Phật A Di Đà của thế giới Cực Lạc đã đến, là tự tánh đến ứng, tâm hiện thức biến. Tất cả chư Phật Bồ Tát rời xa tự tánh, thì toàn bộ đều không có. Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm. Tự tánh Di Đà đã xuất hiện, tự tánh Quán Âm đã xuất hiện, tự tánh Địa Tạng đã xuất hiện. Nếu quý vị làm ngũ nghịch thập ác, tự tánh địa ngục xuất hiện, sự việc chính là như vậy.

Hôm nay chúng ta tâm hành có cảm, tự tánh liền xuất hiện. Nên biết, biến pháp giới hư không giới, trên từ Chư Phật Như Lai, dưới đến tam đồ chúng sanh, không có pháp nào có thể rời tự tánh. Trong kinh giáo đại thừa nói: Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm. Tâm này là chân tâm, tâm này chính là tự tánh, tất cả là tự tánh biến hiện. Tự tánh biến như thế nào? Tùy theo ý niệm của chúng ta mà biến ra. Mỗi ngày tôi niệm Phật, tự tánh liền hiện Phật. Tôi ngày ngày niệm Bồ Tát, liền hiện Bồ Tát. Ngày ngày niệm tham sân si thì hiện ra ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh, sự việc chính là như vậy.

Người minh bạch tâm luôn định, người mê hoặc tâm luôn trôi nỗi, bất định. Người thấu hiểu là định, nên quý vị có thể trì giới, có thể tu định, từ từ sẽ quy nguyên, hồi quy tự tánh. Quý vị không thể trì giới, không thể tu định, quý vị không quay đầu được. Không quay đầu được thì đi về đâu? Trôi lăn trong luân hồi lục đạo, cứ xoay chuyển mãi trong lục đạo, mê hoặc điên đảo.

“Thị cố Đại Trí Độ Luận vân, nhược nhân kiến bát nhã, thị tắc vi bị phược. Nhược bất kiến bát nhã, thị diệc vi bị phược”, phược chính là sợi dây cột chặt, trói chặt quý vị lại. Ví dụ này là phiền não, vì sao? Quý vị thấy Bát nhã, không thấy bát nhã. Tất cả đều là phân biệt chấp trước_Vọng tưởng phân biệt chấp trước thế nên quý vị không rời phiền não. Chấp trước là kiến tư phiền não, phân biệt là trần sa phiền não, vọng tưởng là vô minh phiền não. Những thứ này cột chặt quý vị, khiến quý vị không cách nào nhúc nhích được. Vì sao? Quý vị dùng vọng tưởng phân biệt để thấy bát nhã. Dùng vọng tưởng phân biệt chấp trước không thấy bát nhã, căn bản quý vị không hiểu gì gọi là bát nhã.

Mấy câu bên dưới: “Nhược nhân kiến bát nhã, thị tắc vi giải thoát. Nhược bất kiến bát nhã, thị diệc vi giải thoát”, giải thoát là được đại tự tại, giải_động từ đọc là 解, danh từ đọc là姐, tháo nó ra. Mở điều gì? Mở phiền não. Thoát là gì? Thoát ly luân hồi, thoát ly mười pháp giới, thoát ly sanh tử, kiến bát nhã tức thoát ly.

Quý vị xem, một cái kiến bát nhã, không kiến bát nhã đều bị phiền não câu thúc. Một cái kiến bát nhã và bất kiến bát nhã, tất cả đều được giải thoát, nguyên nhân gì? Không chấp trước. Chỉ cần lục căn của chúng ta trong cảnh giới lục trần không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Chúc mừng quý vị, quý vị cùng cảnh giới với Đức Thế Tôn, khi sao mai vừa mọc, liền đại triệt đại ngộ. Quý vị và Lục tổ Huệ Năng đại triệt đại ngộ, cùng một cảnh giới, quý vị đã thành Phật.

Quý vị xem, phàm phu thành Phật đơn giản như vậy. Buông bỏ tất cả vọng tưởng phân biệt chấp trước, liền được thành Phật. Buông bỏ một thứ, buông bỏ chấp trước liền thành A la hán, buông bỏ phân biệt liền thành Bồ Tát, buông bỏ khởi tâm động niệm liền thành Phật. Quý vị kiến bát nhã hay bất kiến bát nhã, đều không khởi tâm động niệm, thật sự bát nhã của quý vị đã hiện tiền. Có bát nhã chăng? Bát nhã là giả danh. Trong tự tánh thanh tịnh tâm không lập pháp nào, sao lại có bát nhã?

Bát nhã là Phật giảng kinh dạy học, bất đắc dĩ dùng cái giả danh, không được chấp trước danh tự. Quý vị phải hiểu ý nghĩa trong giả danh này là gì, nếu hiểu được điều này quý vị thật sự thấy bát nhã. Thật sự thấy bát nhã, danh này cần hay không cũng không sao. Không thể chấp trước tướng danh tự, người ở trước kiến bát nhã hay không kiến bát nhã đều chấp trước tướng danh tự. Chấp trước kiến bát nhã, chấp trước không kiến bát nhã, quý vị xem chưa phá được chấp trước, chưa phá chấp trước là lục đạo phàm phu. Người ở sau kiến bát nhã hay không kiến bát nhã, họ đều không chấp tướng, không chấp tướng danh tự. Họ thật sự kiến bát nhã, họ thật sự được đại tự tại. Không có phiền não, không có sanh tử, không có nhiễm tịnh, không có tà chánh, không có khổ lạc, thật sự đã giải thoát. Tất cả pháp tương đối này trong thế xuất thế gian, tất cả đều không thấy, hoàn toàn sạch sẽ, như ngài Huệ Năng nói: “Bổn lai vô nhất vật, hà xứ rở trần ai”, cảnh giới này là tự tánh thanh tịnh tâm.

Long Thọ Bồ Tát thích viết”, mấy câu ở trước_Mấy câu trong Đại Trí Độ Luận, Bồ Tát Long Thọ giải thích: “Thị trung bất ly tứ cú giả vi phược, ly tứ cú giả vi giải”, đây chính là trong đại thừa giáo thường nói ,“Tứ cú bách phi”, ly tứ cú tuyệt bách phi. Tứ cú là gì? Tứ cú đều là chấp trước, thứ nhất là “có”, chấp có, thứ hai là chấp “vô”, thứ ba là chấp cũng có cũng không, thứ tư là chấp phi hữu phi vô, chính là tứ cú. Trong tứ cú này, có “hữu” trong hữu tứ cú_Hữu trong hữu, hữu trong vô. Hữu trong cũng có cũng không, hữu trong phi hữu phi vô, như vậy là biến thành 16 câu. Hữu, vô, diệc hữu diệc vô, phi hữu phi vô. Trong một cái có bốn câu, bốn bốn 16. Quá khứ 16, hiện tại 16, vị lai 16, 48 câu. Đã khởi_đã khởi 48 câu, chưa khởi cũng có 48 câu là biến thành 96 câu. Trong 96 câu, thêm vào bốn câu căn bản, biến thành 100 câu. 100 câu này đều là danh tướng, đều là giả danh, không có thứ gì là thực chất.

Trong kinh điển có một vấn đáp, giả thiết, hỏi: Trong kinh nói ly tứ cú, tuyệt bách phi, ý của nó là gì? Đây là ý gì? “Đáp, đản cử nhất đối, tiện thành tứ cú”, như hữu vô là một đôi, nhất dị là một đôi, đoạn thường là một đôi, cũng chính là tương đối. Chân vọng là một đôi, lớn nhỏ là một đôi, tà chánh là một đôi. Chỉ cần đưa ra một đôi, liền có thể biến thành 100 câu.

“Thả hữu vô tứ cú”, đưa ra một ví dụ, tứ cú hữu vô này, như ở trước nói: Nếu nói có là tăng ích báng, nó vốn chính là như vậy. Có trên lại thêm vào chữ hữu, như vậy là sai, đây là hũy báng. Thuộc về loại hũy báng nào? Tăng ích báng, quý vị lại cho nó thêm một điểm. Thêm không được, chỉ vừa đủ thôi, quý vị thêm một chút là sai. Nếu nói vô, là tổn giảm báng, vì sao? Quý vị không thể thêm một điểm cho nó, cũng không thể giảm nó một điểm, mọi người đều vừa đủ là dừng. Thêm một điểm là sai, giảm bớt nó một điểm cũng sai, người ta đã đạt được viên mãn, viên mãn là không tăng không giảm.

“Nhược vân diệc hữu diệc vô, thị tương vi báng”, hữu không phải vô, vô không phải hữu, diệc hữu diệc vô là hũy báng, đều là nói báng Phật. “Nhược vân phi hữu phi vô, thị hý luận báng, tức câu hữu quá, cố tu ly chi. Căn bản tứ cú ký nhĩ, chi mạt tứ cú nãi chí bách cú giai phi, cố tu tuyệt chi”. Chúng ta thấu hiểu đạo lý này, mới có thể thật sự buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước, khôi phục thanh tịnh bình đẳng giác của chính mình. Thanh tịnh bình đẳng giác là chân tâm của mình, điều này nhất định phải biết. Tu học đại thừa Phật pháp không có gì khác ngoài tu tâm, trong tâm thanh tịnh vốn đầy đủ, đầy đủ điều gì? Đầy đủ vô lượng trí tuệ đức năng tướng hảo, mọi thứ đều đầy đủ, không thiếu điều gì. Biến pháp giới hư không giới đều là tự tánh biến hiện ra, ngài Huệ Năng nói: Nào ngờ tự tánh, năng sanh vạn pháp, nó không có khiếm khuyết.

Trong tự tánh, quý vị thêm một chút cho nó là sai, giảm một chút cũng sai. Quý vị thêm không được, giảm cũng không được. Trong tự tánh thanh tịnh tâm, sanh ra những vạn vật này, biến hóa vô cùng. Ba loại chu biến trong Hoàn Nguyên Quán, loại thứ hai nói: xuất sanh vô tận, vì sao có biến hóa? Trong kinh Phật thường nói: y báo tùy theo chánh báo mà chuyển, chính là biến hóa tùy theo ý niệm của quý vị, khởi tâm động niệm nó liền biến hóa, xưa nay chưa từng dừng biến hóa. Biến hóa vi tế chúng ta không nhìn thấy, biến hóa lớn chúng ta cũng không nhìn thấy. Biến hóa lớn là vũ trụ, chúng ta không cảm nhận được. Biến hóa nhỏ là thân tâm chúng ta, trong tế bào chúng ta biến hóa, chúng ta cũng không sao phát giác được, đây là gì? Tâm chúng ta quá lơ là, tâm chúng ta mê. Nếu tâm định, có định công rất thâm sâu, những biến hóa trong vũ trụ chúng ta đều có thể biết. Biến hóa lớn, biến hóa nhỏ, Đức Phật đều biết.

Phật biết biến hóa, biến hóa là quả, nhân là gì? Nhân là ý niệm chúng sanh, ý niệm chúng sanh ngài biết chăng? Biết. Nên chúng ta thường nói giữa vũ trụ: tánh tướng, lý sự, nhân quả, trên pháp thân Bồ Tát, không ai không thông đạt, không ai không thấu triệt_thông đạt thấu triệt.

Căn bản tứ cú đã như vậy, ngọn ngành tứ cú, cho đến bách cú đều không, nên cần phải đoạn tuyệt. Chúng ta nhất định phải buông bỏ, tuyệt chính là buông bỏ, đừng để ở trong lòng. “Hữu vô lý nhĩ”, minh bạch ví dụ này, tôi nói với quý vị “đoạn thường, nhất dị đẳng tứ cú lệ tri”, lúc nãy chúng ta bổ sung mấy cái: Chân vọng, tà chánh, khổ lạc, tất cả đều như vậy, chúng ta sẽ hoàn toàn minh bạch. “Nhiên thử trung căn bản tứ cú thị ngoại đạo kiến”, ngoài Phật môn ra người tu đạo đều có kiến giải này, hữu thuyết hữu vô, diệc hữu diệc vô, phi hữu phi vô. “Chi mạt tứ cú đẳng, tam thừa diệc vị toàn ly”, tam thừa là gì? A la hán, Bích Chi Phật, quyền giáo Bồ Tát, chưa đoạn sach.

“Duy Phật cứu tận, cố vân ly vân tuyệt dã”, ly tứ cú, tuyệt bách phi, ai làm được? Phật làm một cách viên mãn. Tam thừa đối với điều này, vẫn chưa đoạn sạch, vẫn chưa rõ ràng, đây là vấn đề trên mặt tri kiến của người học Phật. Không thể không buông bỏ tri kiến, chân tánh mới có thể hiện tiền. Tri kiến chướng ngại chúng ta minh tâm kiến tánh, đạo lý này không thể không biết. Có tri kiến, không thể ở nơi tri kiến thêm vào tri kiến, hoặc trên tri kiến làm tổn giảm tri kiến, như vậy là sai lầm, gọi là vẽ rắn thêm chân. Tri kiến là khởi dụng của tự tánh bát nhã là, tự nhiên, không thông qua tư duy, thông qua tu duy sẽ biến chất. Không thông qua tư duy, chính là khởi dụng trí tuệ bát nhã của tự tánh, như vậy là hoàn toàn chính xác. Chỉ cần có một chút ý nghĩ trong đó là sai, trở thành tứ cú bách phi.

“Kim kỳ cầu dã bồ đề”, kỳ có nghĩa là cầu. “Đản năng như thử tu hành, tức thị bất hành nhi hành”, ý nghĩa này rất thâm sâu. “Bất hành nhi hành giả, bất vi nhị đế đại đạo lý dã”, điều này ở sau có giải thích, Hoàng Niệm Tổ giải thích: Không hành mà hành, tức vô cầu mà cầu, tuy biết lý thể vô cầu, bồ đề vô đắc nhưng vẫn đầy đủ tu vạn hạnh. Chúng ta tuy tu học vạn hạnh viên mãn, vạn hạnh là gì? Thập thiện nghiệp đạo, Lục ba la mật, Phổ Hiền thập nguyện, đây là cương lĩnh của vạn hạnh. Triên khai ra, như Thập thiện nghiệp đạo, tiểu thừa triển khai nó thành 3000 tế hạnh_Thập thiện nghiệp đạo thành 3000 điều. Đại thừa Bồ Tát đem thập thiện, mười điều này triển khai thành tám vạn bốn ngàn tế hạnh, đây gọi là vạn hạnh, thông trường trong nhà Phật gọi là Lục độ vạn hạnh.

Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: Một tức là nhiều, nhiều tức là một. Bất cứ một pháp nào triển khai đều vô cùng vô tận, phải thật tu, thật sự thực hành. “Dĩ cảm bồ đề, diệu khế trung đạo”, chỉ cần tu, không nên chấp trước, không nên phân biệt, không nên khởi tâm động niệm, tự tánh tánh đức tự nhiên hiện tiền, chính là bồ đề, chính là trung đạo. Vì sao phàm phu phải tu lục độ vạn hạnh? Nói thực tế là đối phó nghiệp chướng, là biện pháp tốt để tiêu nghiệp chướng, tiêu trừ nghiệp chướng. Bố thí tiêu tham lam, tham tâm của chúng ta, đây là phiền não. Trì giới tiêu trừ ác nghiệp của chúng ta, nhẫn nhục tiêu trừ sân nhuế của chúng ta, tinh tấn tiêu trừ giải đãi biếng nhác của chúng ta. Thiền định là đối với không tập trung, bát nhã là đối ngu si_Hóa giải ngu si của chúng ta. Thế nên lục độ vạn hạnh giúp chúng ta tiêu nghiệp chướng, nghiệp chướng tiêu trừ, tánh đức liền hiện tiền, tự nhiên hiện tiền. Đó gọi là bát nhã, đó gọi là trí tuệ, đó gọi là tánh đức. Ở đây gọi là bồ đề, gọi là trung đạo. Nếu không chân tu, quý vị không thể phát hiện những thứ này. Tu hành chơn chánh, tự nhiên cảm ứng, tự nhiên khế nhập, khế nhập chính là đã chứng đắc.

Đoạn bên dưới: “Thứ giả, an lạc tập y Tịnh Độ Luận chỉ xuất, phàm dục phát tâm hội vô thượng bồ đề giả. Tiên tu viễn ly tam chủng, dữ bồ đề môn tướng vi pháp”. Điều này rất quan trọng_trái với bồ đề. “Nhất giả, y trí tuệ môn”, người có trí tuệ, không cầu niềm vui cho mình, xa rời tâm tham trước của bản thân. Hay nói cách khác, nếu quý vị tương phản điều này, đó không phải trí tuệ, nương vào ngu si. Ngu si là gì? Chuyên cầu niềm vui riêng mình, tự tư tự lợi, không có trí tuệ. Thật sự có trí tuệ, nhất định không cầu niềm vui cho riêng mình.

Đức Thế Tôn có trí tuệ, sống cuộc sống như thế nào? Ba y một bát, ăn ngày một bửa, đêm ngủ dưới gốc cây. Ngài là nương trí tuệ môn, thật sự làm được xa rời tâm tham trước tự thân, làm một tấm gương viên mãn cho chúng ta noi theo. Không phải làm một hai ngày, hay một năm hai năm, suốt một đời đều như vậy. Ngài viên tịch trong rừng cây, không phải trong nhà, nằm trên mặt đất viên tịch. Nằm an tường trên đất, không phải nằm trên dường, thật sự đã làm được.

Thứ hai: nương theo từ bi môn, nhổ sạch tất cả khổ cho chúng sanh, khiến chúng sanh xa ròi tâm bất an. Đại từ đại bi giúp chúng sanh ly khổ, không nói đắc lạc, ly khổ chính là đắc lạc. Phải viễn ly, viễn ly là gì? Vô an chúng sanh tâm. Ở trước là viễn ly tâm tham trước tự thân, chính là nói tuyệt đối không phải nghĩ cho thân mạng mình, điều này tương ưng với tâm bồ đề, đây là trí tuệ chân thật. Người không có trí tuệ, mỗi niệm đều vì mình, quý vị nghĩ xem vì sao? Mê hoặc nghiêm trọng nhất chính là tự thân, thế nên Phật pháp dạy chúng ta tu hành, điều đầu tiên là phá thân kiến, đây là chướng ngại lớn nhất. Vì thân giả tạo này_Đây là cái tôi giả không phải cái tôi thật, không biết tạo bao nhiêu tội nghiệp, luân hồi lục đạo, trầm luân tam đồ.

Quý vị thử nghĩ xem, điều nào không phải vì thân thể mình? Danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn, tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp. Phật nói, chỗ chúng ta cần hạ thủ là viễn ly, xã bỏ nó. Thế nên khi ngài niết bàn_tám chữ di ngôn sau cùng trước lúc ngài nhập diệt, dạy các đệ tử đời sau: Lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy. Quý vị không thể trì giới, không thể chịu khổ, tâm bồ đề quý vị không sanh khởi được. Tâm bồ đề không sanh khởi, vãng sanh sẽ có chướng ngại. Chúng ta muốn thành Phật, nó chướng ngại chúng ta thành Phật. Tôi muốn độ chúng sanh, nó chướng ngại quý vị độ chúng sanh, tám chữ này quan trọng biết bao!

Tám chữ này là mấu chốt có thể thành công hay không trong một đời tu hành của chúng ta. Các bạn đồng học Tịnh tông, hơn một năm nay nghe tôi giảng kinh, tôi giới thiệu cư sĩ Lưu Tố Vân cho mọi người. Rất nhiều người biết, cũng xem đĩa của bà. Lưu Tố Vân có bản lĩnh gì? Chính là học được hai câu nói này của Đức Thế Tôn: Lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy. Thành tựu của bà đều dựa vào điều này: Trì giới, chịu khổ. Người này có thiện căn, trước khi chưa học Phật có thể chịu khổ, có thể quên mình vì người. Nhìn thấy người khác khổ, bà ta liền đưa tay giúp đỡ. Gia đình ngày mai có cơm ăn hay không bà không biết, bà thật sự làm được, không nghĩ đến mình. Toàn tâm toàn lực giúp người khó khăn, đây là cứu khổ cứu nạn.

Sau khi học Phật, chúng tôi nghe bà báo cáo, mỗi ngày bà ăn cơm chỉ một món, mời bạn đến ăn cũng chỉ một món, cuộc sống rất giống người xuất gia ngày xưa, không nói hiện tại. Đích thực người xuất gia ngày xưa chỉ ăn một món, một nồi thức ăn lớn. Cuộc sống đơn giản, an vui, vọng niệm rất ít. Cuộc sống đơn giản hóa, cái gì cũng không cần nghĩ, trong này có đạo lý lớn.

Thứ hai, thật sự có bạt khổ chúng sanh, giúp chúng sanh ly khổ. Mỗi niệm đều nghĩ, làm sao giúp chúng sanh ly khổ đắc lạc, bà có tâm này. Nếu chúng ta không có tâm này, chỉ đôi lúc phát tâm này, không được. Thường thường có tâm này, giúp chúng sanh ly khổ đắc lạc, đây chính là an tâm của chúng sanh. Phải giúp chúng sanh đạt được an ổn, đạt được an định.

Thứ ba, nương vào pháp môn phương tiện, phát tâm lân mẫn tất cả chúng sanh, xa rời tâm cung kính cúng dường bản thân. Điều này cần phải thật tu, lân mẫn tất cả chúng sanh, không thể cầu chúng sanh cung kính cúng dường mình. Có tâm này là sai, có tâm này là phan duyên, chính mình không có đức hạnh thật sự, tương lai phải trả nợ. Các bậc cổ nhân, các bậc tổ đức nói: Đời này không hiểu đạo, mang long đội sừng để trả. Tịnh độ tông đem liễu đạo này, hạ xuống tiêu chuẩn thấp nhất là vãng sanh thế giới tây phương Cực Lạc. Nếu quý vị không thể vãng sanh thế giới Cực Lạc, tương lai phải mang long đội sừng để trả, hoàn toàn là sự thật.

Thế nên tôi đã thanh minh mấy lần, hy vọng đồng tu các nơi không nên gởi tiền đến cúng dường tôi nữa, hiện tại tôi không cần tiền, vì sao? Không làm việc nữa. Trước đây còn làm việc in ấn kinh, hiện nay không làm nữa, tuổi tác đã lớn không kham nỗi. Tất cả những hoạt động trong nước và nước ngoài, tôi đều không tham gia, không có việc gì cần dùng tiền, hy vọng quý vị đừng đưa tiền thêm cho tôi. Quý vị nên cúng dường tôi như thế nào? Mọi người học tập Kinh Vô Lượng Thọ, thật tâm niệm Phật hồi hướng, đó chính là cúng dường tôi, đây là cúng dường tốt nhất, ngoài ra đại khái đều không cần thiết.

Tôi mỗi niệm chỉ cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc, sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh đã có người làm. Người sau đi làm, tôi phải giao gậy rồi. Những năm về già hy vọng giảng viên mãn Kinh Vô Lượng Thọ, tôi dự định một ngày giảng bốn tiếng, khoảng tháng mười có thể giảng xong. Giảng viên mãn mà thân này vẫn còn tại thế, tôi sẽ tiếp tục giảng kinh, ngoài việc giảng kinh ra tôi không đi đâu hết. Tôi cũng không có đạo tràng.

Chư vị đồng học nên biết, bất luận là trong nước hay nước ngoài, dùng danh hiệu của tôi để kiến lập đạo tràng, tương lai tôi sẽ đến ở, toàn là giả, không phải thật. Học Phật phải có trí tuệ, không nên mê muội. Nếu vẫn còn ở thế gian, tương lai tôi giảng kinh chỉ có ba nơi, trên thực tế là hai nơi: HongKong và Úc Châu, hai đạo tràng nhỏ này, có thể tự cho là đầy đủ. Mọi người yên tâm về điều này, cố gắng học kinh giáo, học Kinh Vô Lượng Thọ, siêng năng niệm Phật. Tương lai chúng ta gặp nhau trong hội liên trì ở thế giới Cực Lạc, như vậy thì hoan hỷ biết bao, tốt biết bao! Điều này chúng ta có lòng tin, nhất định có thể làm được. Thế nên phải nhớ lời Phật dạy: Xa rời tâm cung kính cúng dường tự thân, không thể có tâm này.

“Thị danh viễn ly tam chủng bồ đề môn tướng vi pháp”, ba loại này là trái với tâm bồ đề, có ba loại này, tâm bồ đề làm sao phát khởi được? Tôi lặp lại một lần nữa, thứ nhất chính là “ngã tâm tham trước tự thân”, chính là câu này. Không nên có ý niệm tham trước tự thân, nó trái ngược với bồ đề. Thứ hai, “vô an chúng sanh tâm”, nếu không giúp xã hội an định tâm cho chúng sanh, không có ý niệm này, điều này trái với tâm bồ đề.



Người tu học đại thừa, mỗi niệm đều phải cầu xã hội an định ấm êm, giúp đại chúng trong xã hội tâm an, tâm an là lý đắc. Họ hiểu được đạo lý thì tâm sẽ an, tâm họ vì sao không an? Không hiểu rõ đạo lý, Phật pháp chính là đem đạo lý nói rõ ràng, nói minh bạch thì tâm an. Thứ ba chính là “cung kính cúng dường tự thân tâm”, điều này nhất định không được có, như vậy mới tương ưng với tâm bồ đề. Ba loại này cần phải xa rời.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây.
Каталог: chugiaikvltpdf
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa Tập 474 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Minh Tâm Thời gian: 28. 06. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 537 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Minh Tâm Thời gian: 13. 08. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 321 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình Minh Thời gian: ngày 13 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 322 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình minh Thời gian: ngày 13 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập: 383 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Lý Hương Biên tập: Bình Minh Thời gian: 22/04/2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 332 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Liên Hải Biên tập: Bình Minh Giảng ngày: 19 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 355 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình Minh Thời gian: 01. 04. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 339 Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không Chuyễn ngữ: Nguyên Thanh Biên tập: Bình Minh Giảng ngày: 23 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 341 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Liên Hải Biên tập: Minh Tâm Thời gian: 24. 03. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 399 Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không Chuyển ngữ: Minh Tuệ Biên Tập: Nguyên Tâm Thời gian: 06. 05. 2011

tải về 130.46 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương