Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 332 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Liên Hải Biên tập: Bình Minh Giảng ngày: 19 tháng 03 năm 2011



tải về 132.13 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích132.13 Kb.
#18900

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 332 /19

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 332

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày: 19 tháng 03 năm 2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, trang 388, hàng thứ hai, bắt đầu xem từ đoạn “chư nạn”. Ở trước chúng ta đã học qua “Tam khổ bát khổ”, bây giờ xem “bát nạn”. Chư nạn chỉ cho bát nạn. Vị kiến Phật văn pháp hữu chướng nạn, hựu danh bát vô hạ, vị vô hữu nhàn hạ dĩ tu đạo nghiệp dã”. Trong pháp Đại thừa, “nạn” tức chỉ cho tai nạn, tai nạn nghiêm trọng nhất, tai nạn lớn nhất không thuộc về thiên nhiên và con người. Hiện nay xã hội loạn động, trên trái đất thiên tai dồn dập, rất nhiều người hoảng hốt lo sợ, điều này trong giáo lý đại thừa, xem là việc nhỏ. Thật sự đó chỉ là những chuyện ngoài da. Vậy thì cái gì mới là đại nạn? Chúng sanh trong thế gian này không có cơ hội gặp Phật, nghe Pháp, đó mới là đại nạn không gì sánh bằng. Vì sao phải nói như vậy? Chúng ta phải nghĩ đến hai câu Đức Phật thường nói trong kinh điển: “thân người khó được, Phật Pháp khó gặp”. Không nghe Phật Pháp tức là đã gặp đại nạn rồi. Vì Phật pháp có thể giúp chúng ta liễu sanh thoát tử, vĩnh viễn thoát khỏi lục đạo luân hồi. Trong thế gian và trong mười pháp giới, lợi ích này là điều thù thắng không gì sánh bằng. Chư Phật Bồ Tát thị hiện trong thế gian, chưa từng gián đoạn. Được thân người nhưng không nghe được Phật Pháp thì đó gọi là gặp nạn. Chư Phật Bồ Tát từ bi, trong sáu nẻo bất luận ở nẻo nào các ngài cũng đều hiện thân, vô cùng từ bi. Nhưng trong cõi người nghe pháp tu hành chứng quả là dễ nhất. Đây là chỗ đáng quí của thân người. Các cõi khác khó hơn cõi người. Nhưng nay tại thế gian này đã thay đổi rồi, thay đổi đến vô lý, thay đổi đến không thể tưởng được. Ngày nay chúng ta thường nghe nói, cõi ma quỷ nghe pháp tu hành còn dễ hơn là cõi người, cõi súc sanh nghe pháp tu hành cũng dễ hơn là cõi người. Nói cách khác, câu nói này rất là khó nghe, vậy người không bằng quỷ, người không bằng súc sinh rồi.

Kinh này đức Thế Tôn nói từ ba ngàn năm trước, Ngài nói cho con người nghe, chứ không phải nói cho quỷ hay cho súc sinh nghe. Chúng ta nên hiểu ý này.

Gặp Phật, Phật không còn tại thế nữa, có thể nhìn thấy tượng Phật, có thể nghe đến danh hiệu Phật Bồ tát, đó là người có phước rồi. Người vô phước thì suốt đời này không nhìn thấy hình tượng Chư Phật Bồ tát, cũng không nghe được danh hiệu Phật Bồ tát. Điều này cũng là sự thật vậy. Việc này ngay trước mắt. Chúng ta ở trong thành phố nhỏ này, ở đây đã mười năm rồi, các vị đi loanh quanh trong thành phố này nhìn xem, trong thành phố này được bao nhiêu người nhìn thấy hình tượng Phật Bồ tát, được bao nhiêu người nghe được danh hiệu Phật Bồ tát?

Học viện Tịnh Tông tại thành phố này đã mười năm rồi, tối thứ bảy hàng tuần chúng tôi đều tổ chức buổi tiệc ấm cúng, cúng dường miễn phí, tiếp đãi bạn bè đến học viện tham dự. Họ có phước đến được đây, nhìn thấy tượng Phật, nghe được danh hiệu Phật. Đó là “ nhất lịch nhĩ căn, vĩnh vi đạo chủng”. Người ở thành phố này có phước lắm, mười năm rồi chưa gián đoạn. Cho nên ở thành phố này người nhìn thấy tượng Phật cũng nhiều, người nghe được danh hiệu Phật Bồ tát cũng nhiều. Còn một số ít thường tham gia thời khóa sáng tối của chúng tôi, đến học viện làm công quả. Theo Pháp Đại thừa mà nói, thiện căn phước đức nhân duyên của họ không thể nghĩ bàn. Vậy thì có chướng ngại khi thấy Phật nghe pháp chính là gặp nạn vậy.

Chướng ngại từ đâu mà có? Rất nhiều nhân tố, rất phức tạp. Suy cho cùng thì vấn đề vẫn là phát xuất từ bản thân mình thôi. Bản thân thế nào? Trong đời quá khứ nếu gặp rồi, hủy báng Phật pháp, chướng ngại Phật Pháp, đó là nhân gây tạo từ quá khứ, đời này quả báo xuất hiện, nhân chúng ta tạo trong kiếp này, đời sau nhất định quả báo sẽ đến, nghiệp nhân quả báo chẳng mảy may sai khác. Thấy Phật nghe pháp sinh tâm vui mừng, sinh tâm cung kính. Tiến thêm bước nữa có thể hộ trì Phật Pháp, người này phước báo vô cùng, phước báo này thật lớn lao !

Chư Phật Bồ tát đại triệt, đại ngộ, giác ngộ không mê mờ. Các Ngài xuất hiện tại thế gian này, làm gương cho chúng ta noi theo, đại đa số đều thị hiện xuất gia tu hành, khai ngộ chứng quả. Các ngài thị hiện những hình tượng này cho chúng ta thấy. Chúng ta thấy rồi hiểu rõ, giác ngộ, y giáo phụng hành. Đặc biệt là nhân duyên thù thắng, quí vị có thể gặp được Tịnh Tông , có thể gặp được “kinh Vô Lượng Thọ”, đó mới là hi hữu. Đến nay bản kinh “ kinh Vô Lượng Thọ” được cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập. Cư sĩ này là người như thế nào? Có người thông linh nói với tôi rằng, cư sĩ Hạ Liên Cư là hiện thân của Bồ tát Phổ Hiền. Không bàn thật giả, tỉ mỉ quan sát sinh thời của Hạ lão cư sĩ, dùng mười đại nguyện vương để đối chiếu, ngài giống hay không? Nếu như có vài phần giống, thì ít nhất ông cũng học tập Bồ tát Phổ Hiền. Bồ tát Phổ Hiền có 51 cấp bậc:

Thập tín Phổ Hiền Bồ tát, Thập trụ Phổ Hiền Bồ tát, Thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, đẳng giác diệu giác, 52 cấp bậc.

Như vậy chúng ta có thể nói nhất định ông là Bồ tát Phổ Hiền. Nhưng ông thuộc cấp bậc nào? Có thể hội tập văn bản tốt như vậy lưu truyền cho đời sau, độ chúng sanh chín ngàn năm mạt pháp. Như vậy xem ra lý đương nhiên, ông thuộc đẳng giác Bồ tát. Không dám nói là Diệu Giác Phổ Hiền, ít nhất cũng là Đẳng giác Phổ Hiền. Chúng ta nên có lòng tôn trọng vị cư sĩ này vậy. Nên sanh tâm cung kính để học tập. Rốt cuộc ông là người như thế nào? Chúng ta sanh đến thế giới Tây phương Cực lạc gặp mặt sẽ biết. Ở đây không nên đoán bậy, không nên suy nghĩ lung tung. Ở đây chư vị Tổ sư gợi ý cho chúng ta, chúng ta đã rõ rồi. Trong cuộc sống hàng ngày, nhìn thấy người khác làm việc tốt, lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh, nhất định không nên làm chướng ngại họ.

Vì sao vậy? Quí vị muốn làm chướng ngại họ, bản thân quí vị trong tương lai đời đời kiếp kiếp sẽ có người chướng ngại quí vị nghe Pháp gặp Phật. Nhân quả báo ứng mà!

Thấy người làm việc xấu, làm việc tàn nhẫn không có tính người, có thể làm chướng ngại họ, làm cho họ không thể thành tựu; Họ làm việc tốt, thì không thể chướng ngại họ, quyết định không thể ghanh tị trở ngại. Người khác làm việc tốt phải tùy hỉ công đức. Họ làm việc không tốt có thể trở ngại họ. Hiểu được nhân quả, quí vị sẽ tu hành; không hiểu nhân quả quí vị sẽ không biết tu.

Ngày nay Phật pháp suy tàn đến cực điểm. Bắt đầu suy tàn từ khi nào? Tìm nguyên nhân, nguyên nhân xuất phát từ đâu? Tôi đọc sách đời nhà Thanh, giống như Tăng Quốc Phan tiên sinh, Tăng Quốc Phan tiên sinh cách chúng ta ngày nay 200 năm. 200 năm trước, ở thời điểm đó chính là thời Thái hậu Từ Hy chấp chính, Thái hậu Từ Hy vì thỏa mãn dục vọng của bản thân đã coi thường Phật Pháp, coi thường giáo dục truyền thống xưa. Cổ nhân thường nói “thượng hành hạ hiệu”. Người lãnh đạo quốc gia không tôn trọng văn hóa truyền thống, xem thường Phật giáo, kẻ dưới sẽ bắt chước, tâm tôn trọng Phật Pháp dần dần sẽ lạnh nhạt.

Đến giữa năm Dân quốc thì tôn sùng tây học. Người nước ngoài xâm lược. Thấy vũ khí tiên tiến của người ta, dù áo giáp cứng, binh khí sắc bén, Mãn Thanh cũng chịu không nổi một đòn của họ. Có rất nhiều người học hành đã hiểu nhầm, cho rằng nguyên nhân Trung Quốc suy yếu là do truyền thống văn hóa, là do đại thừa Phật giáo. Cho nên coi những điều này là mê tín, phá trừ mê tín, không cần Phật Pháp, học theo Tây Phương. Đây là nhân tố trước mắt làm xã hội động loạn. Tạo ra tội này thật là sâu nặng, thật là to lớn quá. Các đời đế vương tạo nhiều trọng tội, hơn nửa số đó đều ở địa ngục. Chúng ta cẩn thận quan sát xem, một vị đế vương khai quốc, giết rất nhiều người, nghiệp sát quá nặng; một vị là hoàng đế cuối triều, một người đầu một người cuối, nghiệp chướng sâu nặng, thật không đáng. Họ có phước báo lớn, nhưng không có trí huệ. Cho nên mới tạo ra những tai họa này, tạo ra các nghiệp chướng sâu nặng như vậy, phải chịu khổ báo trong ba đường.

Tám loại vô hạ” . “Vô hạ” nghĩa là gì? Vô hạ có nghĩa là không có thời gian rảnh rỗi, không có lúc nhàn rỗi. Họ bận rộn tạo nghiệp, không biết cách tu đạo, tu thế gian Thánh hiền đại đạo. Nếu có thể tu tập Thánh hiền đại đạo của thế gian, quả báo là phước báo nhân thiên, cũng xem như tốt lắm rồi. Nhưng họ cũng không thể ra khỏi luân hồi sáu nẻo. Phước báo nhân thiên là vô thường, người không thể ra khỏi luân hồi thì không thể tránh khỏi chịu khổ.

Vậy tám nạn dưới đây, ba điều trước chính là ba đường ác. Trong “ Viên Trung Sao” nói về tám nạn, đây là đại Sư U Khê nói vậy.



Nạn thứ nhất là “địa ngục nạn” , đọa địa ngục tức là gặp nạn rồi. Vì sao vậy? Trong địa ngục, đêm dài tăm tối, chịu khổ không ngớt, trở ngại về việc gặp Phật nghe pháp. Bốn chữ “kiến Phật văn Pháp” này rất quan trọng. Quí vị học Phật, thời đại ngày nay, khoa học kỹ thuật tiến bộ, rất thuận tiện, tượng Phật không thể rời xa, bất luận ở đâu, nên mang tượng Phật bên người. Đi du lịch ở trong khách sạn thì dâng tượng Phật lên, quí vị luôn thấy Phật, mở kinh Phật ra, sớm tối đứng trước tượng Phật tụng một bộ kinh, tụng một bộ “Kinh Vô Lượng Thọ”, hay tụng một bộ “Kinh A Di Đà” đều tốt.

Tôi nghe nói từ hôm nay trở đi các bạn Đông Bắc, mỗi tháng, hôm nay là 15 âm lịch, ngày 15 mỗi tháng mọi người cùng nhau niệm một ngày một đêm 24 tiếng đồng hồ danh hiệu Phật, tốt lắm! Mỗi tháng một ngày, liên tục niệm danh hiệu Phật 24 tiếng đồng hồ không gián đoạn. Trước khi niệm danh hiệu Phật, tốt nhất tụng một bộ “ Kinh Vô Lượng Thọ”. Kinh văn “ Kinh Vô Lượng Thọ” dài, tụng một biến khoảng một tiếng đồng hồ. Mục đích là gì? Định tâm trở lại, điều này rất quan trọng, 24 tiếng đồng hồ niệm danh hiệu Phật không gián đoạn, không hoài nghi, không tạp niệm, công đức này lớn lắm!

Nếu mỗi tháng hai lần, các vị nên chọn ngày mồng một và ngày rằm, dùng hai ngày này, chọn ngày 15 cũng được, chọn ngày mồng một cũng được, đem công đức niệm Phật này hồi hướng cho chúng sanh khổ nạn trên toàn thế giới, hồi hướng cho trái đất, mong rằng trái đất này không còn thiên tai, hi vọng chúng sanh có thể lìa khổ, được an vui. Tâm này tương ứng với tâm của đức Phật. Suốt đời không gián đoạn như vậy tốt biết bao! Có bạn bè đồng tu, mọi người hãy cùng nhau niệm, không có bạn đồng tu thì niệm một mình, đồng nghĩa với việc mỗi tháng đóng cửa một ngày. Trong ngày niệm Phật này nên buông bỏ tất cả, điện thoại bàn cũng gác lại, điện thoại đi động cũng tắt luôn, không nên để cho bất cứ điều gì quấy rầy. Phương pháp này rất tốt. Làm thế nào để hóa giải những đại nạn ngày nay? Làm thế nào mới có thể tiêu trừ được? Chỉ có niệm Phật. Niệm Phật cũng phải biết cách niệm, nhất định phải tuân thủ nguyên tắc mà Bồ Tát Thế Chí đã chỉ dạy cho chúng ta. Tức “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục”. Nhiếp sáu căn tức là buông bỏ tất cả các duyên, đối với tất cả các pháp thế gian và pháp xuất thế gian thì mắt không thấy, tai không nghe. 24 tiếng đồng hồ chỉ có niệm Phật. Chuẩn bị một ít đồ điểm tâm, đặt ở bên cạnh, khi bụng thật sự đói rồi thì ăn một ít. Duy trì trong thời gian niệm Phật ở niệm Phật đường không bị đói quá hay no quá. Ăn no quá sẽ bị hôn trầm, sẽ ngủ gục. Nếu đói quá sẽ lo lắng, không tiếp tục niệm được nữa. Tinh thần sẽ không định được, cho nên duy trì trạng thái không đói không no. Hơi đói rồi, ăn một ít bánh bao, uống ngụm nước, 24 tiếng đồng hồ không ngủ. Đông người cùng nhau niệm, phải có một hai vị hộ pháp, ở bên ngoài chăm sóc cho quí vị, ngăn không cho người khác đến quấy rầy. Giống như nhập thất vậy, có người hộ thất, công đức không thể nghĩ bàn.

Nếu các bạn đồng tu các nơi của Tịnh Tông đều có thể áp dụng phương pháp này, thế giới này đã được cứu rồi. Ngay các nhà khoa học cũng hiểu, năng lượng của ý thức tập thể rất lớn. Thiện nghiệp của việc niệm Phật tập thể của các bạn đồng tu Tịnh Tông, có thể tiêu trừ ác nghiệp, có thể hóa giải thiên tai. Chúng ta phải thật làm, chắc chắn công sức không uổng phí đâu. Nạn địa ngục không phải là khổ nạn ở địa ngục, mà là nói ở địa ngục không có cơ hội gặp Phật nghe Pháp, nạn này thật là lớn. Khổ địa ngục không tính là nạn. Chư Phật Bồ tát thấy rất thật, rất thấu đáo, phàm phu không hiểu. Tu phước tu huệ, tám vạn bốn ngàn pháp môn, chẳng có pháp môn nào có thể sánh bằng pháp niệm Phật. Điều này chẳng có ai biết, cũng chẳng có ai nói. Nhưng trong kinh điển Đức Phật nói rất rõ, số lần giảng trong “Kinh Vô Lượng Thọ” đặc biệt nhiều. Chúng ta tụng kinh lơ đễnh sơ suất, hấp tấp tụng qua, không thận trọng thể hội.

Về khổ địa ngục, chúng ta xem trong “Kinh Địa Tạng”, các vị trong học viện chúng ta biên tập một bộ “Chư Kinh Phật Thuyết Địa Tạng Tập Yếu”. Trong này có 25 bộ kinh luận, Phật giảng về tình huống địa ngục rất tỉ mỉ, đặc biệt là vấn đề nhân quả.

Vì sao có cái địa ngục này? Đức Phật đã nói ra nguyên do của nó. Quí vị tạo nghiệp như thế nào liền biến ra địa ngục như vậy.

Nói cho quí vị nghe, địa ngục không có số lượng, mà là vô lượng, vô biên, vô tận, vô số. Vì sao vậy? Vì nó biến hóa theo tâm, tùy theo tâm bất thiện mà có.

Nói cách khác, mỗi ngày đều có địa ngục mới xuất hiện. Những tâm niệm sai khác của quí vị sẽ có những địa ngục khác nhau xuất hiện. Thời xưa không có địa ngục nổ hạt nhân, ngày nay đã có rồi. Thời xưa không có địa ngục sinh học, nay cũng có rồi. Vậy chúng ta có thể nghĩ rằng, ngày nay phụ nữ phá thai, chắc chắn ngày nay tại địa ngục sẽ có hình phạt mới của địa ngục phá thai. Nếu quí vị đến đó, mỗi ngày phá thai, mỗi ngày phá một vạn lần, làm cho bạn chịu tội khổ này, chắc chắn như vậy. Trong “Hoàn Nguyên Quán” quốc sư Hiền Thủ nói với chúng ta rằng “xuất sanh vô lượng”, địa ngục ly kỳ cổ quái nhiều lắm, nhiều lắm. Con người không nên có ác niệm, không nên có ác khẩu, không nên có ác hạnh. Hễ một khi quí vị đã tạo những nghiệp này, nhất định sẽ có quả báo địa ngục.



Quí vị tạo khẩu nghiệp liền có địa ngục kéo lưỡi. Những điều này đều là chân thật, không phải là hư dối đâu. Không ngừng chịu khổ, khổ này vẫn chưa phải thật là khổ. Vậy thật sự khổ là gì? Đó là quí vị không thể gặp Phật, không nghe được pháp. Nói cách khác, tức là quí vị đã làm mất, làm đứt nhân duyên để vãng sanh thành Phật. Không nghe pháp, vĩnh viễn sẽ mê mờ điên đảo.

Phật xuất thế, như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thế, ân đức lớn nhất đối với nhân gian là gì? Đó không phải là thân giáo, vì thân giáo thì khi Ngài nhập diệt rồi, thân giáo sẽ không còn nữa. Chỉ có người đương thời mới đạt được lợi ích, còn hậu thế sẽ không hưởng được lợi ích đó. Tôi nói cho chư vị nghe, đó chính là ngôn giáo. Kinh điển lưu truyền cho hậu thế, đời đời kiếp kiếp đều có thể thấy được, đều có thể đọc được. Đây là công đức số một khi Chư Phật Bồ Tát xuất thế.

Năm xưa khi ngài Ấn Quang Đại sư còn tại thế, ngài thị hiện cho chúng ta, suốt đời ngài đem toàn bộ đồ cúng dường cho tứ chúng đồng tu để lưu thông pháp bảo, đem ấn tống kinh sách hết, chủ yếu là kinh sách, thứ đến là sách thiện, khuyên làm thiện. Trong đó sách khuyên làm thiện, Ngài in nhiều nhất. Ba loại sách Ngài in: loại thứ nhất là “ Liễu Phàm tứ huấn”, loại thứ hai là “Thái Thượng Cảm ứng Thiên Hội Biên”, loại thứ ba là “An Sĩ Toàn Thư”. Năm 1977, lần đầu tiên tôi giảng kinh tại Hồng Kông. Nhận lời mời của những pháp sư xuất gia và cư sĩ Hồng Kông đến Hồng Kông giảng “Kinh Lăng Nghiêm”. Lần đó tôi ở lại Hồng Kông bốn tháng, ở lại tại thư viện Trung Hoa Phật Giáo của Pháp Sư Đàm Hư. Ở đây lưu giữ tương đối hoàn chỉnh sách thiện và kinh luận của Hoằng Hóa Xã xuất bản. Chính là kinh sách của Ngài Ấn Quang in ấn. Thầy giáo của tôi Lão cư sĩ Lý Bính Nam là học trò của Pháp Sư Ấn Quang. Cho nên chúng tôi với Pháp Sư Ấn Quang có mối liên hệ, có được mối quan hệ thân mật với nhau. Có cảm tình sâu đậm với Pháp Sư Ấn Quang, cho nên đối với kinh sách của Hoằng Hóa xã cũng đặc biệt có cảm tình. Tôi cẩn thận lật mở những kinh sách này. Nhìn thấy trong trang bản quyền có in ba loại sách này. Tôi thống kê sơ bộ chúng lại, được hơn 3 triệu quyển. Vào thời đại đó với số lượng sách lớn như vậy, chúng tôi đều sững sờ. Vì sao Pháp Sư Ấn Quang in ba loại sách này nhiều đến vậy? Vào thời đại những năm 1977, lòng người thuần hậu, lòng lương thiện so với lòng người bây giờ lớn hơn rất là nhiều.

Lúc Pháp Sư Ấn Quang còn tại thế là thời kỳ kháng chiến, lòng người càng thuần hậu, chất phác. Ba loại sách này Pháp Sư Ấn Quang lại in nhiều như vậy, chúng ta không hiểu được dụng ý của Ngài. Bây giờ tôi hoàn toàn hiểu rõ, khuyên người làm thiện là cứu độ nhân thế. Ba loại sách này tuy không phải là kinh sách Phật giáo nhưng nó là gốc rễ của Phật Pháp. Ba loại sách này đều chú trọng đến vấn đề Nhân quả. “ Liễu Phàm Tứ Huấn” nói về nhân quả, làm thiện được quả bảo thiện, làm ác chịu quả báo ác. “ Cảm Ứng Thiên” hoàn toàn nói về nhân quả. “ An Sĩ Toàn Thư” cũng không ngoại lệ. Một nửa trước “ Văn Xương Đế Quân Âm Trắc Văn”, phần sau là “Vạn Thiện Tiên Tư”, khuyên không nên sát sanh, nói về nhân quả của giới giết hại. “ Dục Hải Hồi Cuồng” nói về nhân quả của tà dâm. Thiên cuối cùng số lượng không nhiều, nói về “Tây Quy Trực Chỉ”, khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.

Pháp Sư Ấn Quang tán thán “ An Sĩ Toàn Thư”, sách do cư sĩ Chu An Sĩ biên tập được xưng là sách hiếm đệ nhất trong một trăm năm cận đại. Điều kỳ tích này là hiếm có khó được. Thông thường người tại gia học Phật có thể nương theo bộ kinh này mà học tập. Nhất định sẽ tiêu trừ nghiệp chướng, nhất định sẽ tăng trưởng phước huệ, nhất định sẽ được vãng sanh Tịnh Độ.

Lúc tôi mới học Phật, thích đọc sách, đọc không mệt mỏi, sau khi thư viện Hoa Tạng thành lập, chúng tôi đã ấn tống một số lượng lớn ba loại sách này. Chúng ta thấy năm xưa Đại Sư Ấn Quang còn tại thế đã lần lượt in tổng cộng ba triệu quyển. Tôi trở về Đài Loan đã in ba loại sách này mỗi loại 50.000 quyển. Hơn nữa ba loại sách này tôi đều giảng qua. Các bạn học Phật thường nên nhớ “kiến hiền tư tề”, nhìn thấy người tốt việc tốt, nhất định phải học tập, phải làm theo. Thấy người ác, việc ác nhất định phải tránh xa, không nên để trong lòng, cũng không cần bàn luận về điều đó.

Người học Phật phải bỏ ác làm lành. Giúp những người làm những việc bất thiện, tạo tác nghiệp chướng biết quay đầu, điều này rất quan trọng! Anh ta làm việc sai trái, anh ta sẽ chịu một số quả báo, chịu khổ. Chỉ cần họ có thể sám hối, biết mình sai rồi, thì chúng ta nên giúp đỡ họ.

Tội ác nặng nhất là làm cho hai trăm năm sau vào ngày này xã hội bất ổn, thế giới tai ương. Từ Hi Thái Hậu phải chịu trách nhiệm. Bà ta thật tội nghiệp, bà ta ở địa ngục rồi, chẳng ai cứu bà ấy cả. Nghiệp chướng bà ta tạo ra nặng lắm, quá đáng lắm.

Vậy chúng ta nghĩ đến trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, tâm của Phật A Di Đà là tất cả chúng sanh đều thành Phật. Thật là đại từ đại bi, bình đẳng nhiếp thọ tất cả chúng sanh. Cho nên ngày hôm qua tôi nghĩ rằng, phải lập bài vị cho những người này, tại đạo tràng này siêu độ cho họ. Giúp họ quay đầu là bờ.

Thứ hai là cõi súc sanh. “súc sanh nạn” là nạn thứ hai trong “tám nạn”. Trong cõi súc sanh, chịu khổ vô cùng, không thể gặp Phật nghe Pháp. Nên gọi là nạn súc sanh, cũng vì nó có nghiệp chướng vậy. Nó không có cách nào gặp Phật nghe pháp. Cho nên chúng ta hiện nay cũng tán thành việc kiến lập tượng Phật trong sân vườn. Có người tặng tôi một pho tượng Quán Thế Âm Bồ Tát rất lớn. Tôi đặt tượng tại đạo tràng HướngTiểu Lợi ở Thâm Quyến, dựng một cái đình nhỏ ở trong vườn, không nên để Bồ Tát phải dầm mưa, cho nên làm cái đình đó, tượng Bồ Tát thờ ở trong đó. Hình như là Tam diện Quan Âm. Dựng ở ngoài vườn để làm gì? Để cho loài chim nhỏ, chim nhỏ là loài súc sanh, nó cũng có thể gặp Phật. Cõi ngạ quỷ cũng có thể nhìn thấy Phật, thuận tiện lắm. Trong chánh điện thì loài ngạ quỷ này nếu nó không được mời gọi, sẽ không dám vào, có thần hộ pháp, nó không vào được. Tượng Phật này thờ ở bên ngoài nó có thể nhìn thấy được. Hơn nữa tượng Phật dựng ở bên ngoài, người bình thường bên ngoài, qua qua lại lại đều có thể thấy được. Chỉ cần nhìn họ thấy thì ấn tượng đó sẽ rơi vào A lại ya, tức là gieo được mầm thiện cho họ rồi. Cho nên bây giờ có người đề xướng kiến lập một pho tượng lớn ở nơi cao bên ngoài tự viện này, đó cũng là một việc tốt. Chúng tôi cũng không phản đối. Đó là phổ độ chúng sanh mà. Làm cho tất cả chúng sanh có cơ hội nhìn thấy Phật nghe được Pháp.

Ngày nay nghe pháp rất thuận tiện, đặc biệt là nơi có Tượng Phật. Chúng tôi dùng máy phát âm, không cần dùng ti vi, dùng máy phát âm mở lớn những đĩa CD giảng kinh, băng cattset, nghe được âm thanh. Phương pháp này rất tốt!

Chúng ta ngày nay bản thân ở trong rừng, chúng ta có rất nhiều cây ăn quả. Ở trong rừng, ở trong vườn rau chúng ta mở máy niệm danh hiệu Phật, tức dùng máy niệm Phật mở niệm Phật, “Nam Mô A Di Đà Phật”. Những loài trùng nhỏ, chim nhỏ, những loài súc sanh này đều có cơ hội nghe được. Nó không thể nghe kinh, thì danh hiệu Phật tương đối dễ vậy. Giúp nó thấy được tượng Phật, nghe được danh hiệu Phật, đó là việc tốt vậy. Cho nên thường nghĩ đến những chúng sanh khổ nạn này, chúng ta làm gì đó để giúp đỡ chúng nó. Chúng nó sẽ biết ơn. Ngày nay giúp người, người không biết cám ơn. Chúng ta biết rằng súc sinh, ngạ quỷ hiểu được cám ơn. Cùng kết thiện duyên với mọi người, đó là điều tốt.

Cõi súc sinh, trong những nghiệp nhân làm cho đọa lạc vào cõi súc sinh, nhân tố đầu tiên là ngu si. Ngu si nghĩa là gì? Tức không có trí huệ, không biết thật giả. Trong vũ trụ này, điều gì là thật? điều gì là giả? Họ không biết được. Không biết được tà chánh. Thậm chí ngay cả thiện ác cũng không biết được. Thậm chí hơn nữa ngay cả lợi hay hại họ cũng không biết. Cái gì có lợi cho họ, cái gì có hại cho họ, họ cũng không biết được, thật là tội nghiệp!

Loại chúng sanh này đọa lạc vào cõi súc sanh. Pháp thế gian xuất thế gian, đạo Thánh Hiền là chánh chứ không phải tà, là thật chứ không phải giả, là thiện chứ không phải ác. Là lợi ích chân thật, không có tai hại đối với họ, họ cũng không biết. Họ hiểu nhầm, họ cho là gì vậy? Danh văn lợi dưỡng, tài sắc danh thực thùy, những điều này mới có lợi cho họ. Họ không biết rằng những thứ đó đều là thứ đoạt mạng họ. Đều là những thứ đưa họ vào ba đường ác, họ không hiểu được điều đó. Đến lúc thọ mạng đã hết, phước báo đã hưởng tận, đọa lạc vào ba đường rồi, hối hận cũng không kịp nữa. Đọa vào ba đường ác rồi càng mê mờ thêm .

Nghiệp nhân của cõi ngạ quỷ là tham dục. Tâm tham biến thành ngạ quỷ. Chịu khổ vô cùng. Quỷ nhát gan, chính là quỷ gan nhỏ. Rất nhiều người sợ ma, điều đó sai rồi. Ma quỷ sợ người mới đúng. Ngạn ngữ thường nói rằng: “người có ba phần sợ ma, ma có bảy phần sợ người”. Hiểu đạo lý này, quí vị sẽ không sợ ma nữa. Càng sợ nó, nó càng ức hiếp quí vị. Nó nhát gan, quí vị còn nhát gan hơn nó. Nó coi thường quí vị, mới ức hiếp quí vị. Ta lớn tiếng la nó, nó lập tức chạy mất. Phải hiểu được chân tướng sự thật. Ma quỷ thật đáng thương, thật là đau khổ. Sở dĩ quỷ bị đói, vì nó không được ăn uống. Giống như súc sinh vậy, đi kiếm thức ăn khắp nơi, nhưng không kiếm được. Còn có loại nghiệp chướng nặng nề hơn, gọi là “Diễm khẩu quỷ”. Tìm thấy thức ăn rồi, thức ăn đến miệng, trong miệng nó liền bốc lửa, làm thiêu cháy thức ăn, nó ăn không được. Cho nên trong cõi ngạ quỷ, hơn một nửa đều sống trong cảnh đói khát. Vì thế gọi nó là “ngạ quỷ”. Nghiệp nhân là gì vậy? Chính vì lòng tham muốn của nó không cùng, nên bị quả báo như vậy. Cho nên Phật thường dạy chúng ta: “tri túc thường lạc”. Phải biết dừng lại. Cổ nhân thường nói “tri chỉ”. Biết đủ rồi sau đó có định, có định rồi sau đó mới tư duy. Tư duy đó là trí huệ, cho nên trí huệ mới khai mở.



Cho nên trong cuộc sống hàng ngày, bất luận trên phương diện tinh thần hay vật chất, đều phải hiểu rõ đạo lý này, biết dừng lại đúng lúc, không nên quá đáng quá. Quá đáng quá, bạn thấy trong cõi ngạ quỷ đấy, nó chịu khổ vô cùng, chịu khổ vô lượng. Đó chính là do nó quá đáng quá. Trong cõi địa ngục tâm sân nhuế quá nhiều, oán hận, sân nhuế, bất bình. Trên đây giới thiệu khổ nạn trong ba đường ác.

Thứ tư là “trường thọ thiên nạn, vị thử thiên dĩ ngũ bách kiếp vi thọ,tức sắc giới đệ tứ thiền trung vô tưởng thiên dã. Ngôn Vô Tưởng giả, dĩ kỳ tâm thức bất hành, như băng ngư trấp trùng. Ngoại đạo tu hành, đa sanh kỳ xứ, chướng ư kiến Phật văn pháp.

Vẫn là câu này, nói họ gặp nạn tức là họ không thấy được Phật, không nghe được Pháp. Do đó có thể biết được chúng ta trong kiếp này, tuy được thân người, nhưng nếu không thấy được Phật không nghe được Pháp, thì cũng gặp nạn rồi, đó là đại nạn của nhân thế. Trời long đất lở cũng chưa phải nạn. Không thấy được Phật không nghe được Pháp đó mới là đại nạn. Gặp Phật nghe Pháp, như pháp tu hành, thì thật ra tai nạn gì cũng không còn nữa. Thiên tai hoạn nạn đều không có nữa. Từ đó cho thấy, thế giới Tây phương Cực lạc vì sao không có tai nạn? Đức Phật A Di Đà ngày ngày giảng kinh, dạy học. Toàn thể cư dân của thế giới Cực lạc ngày ngày đều học Phật Pháp, ngày ngày gặp Phật, ngày ngày nghe Pháp. Cho nên cõi đó gọi là thế giới Cực lạc, ở đó không có tai nạn. Đức Phật A Di Đà thần thông quảng đại, chúng sanh ở thế giới Cực lạc thần thông, đạo lực cũng như Đức Phật A Di Đà. Họ có năng lực mỗi ngày đều gặp được Phật. Đức Phật có khả năng hiện vô lượng vô biên thân. Mỗi người họ cũng có khả năng hiện vô lượng vô biên thân. Chẳng những thân cận Phật A Di Đà, đồng thời có thể thân cận tất cả chư Phật Như Lai trong mười phương thế giới. Quí vị nghĩ xem họ vui biết bao!

Cho nên trong tám nạn, gợi ý lớn nhất cho chúng ta chính là phải gặp Phật, phải nghe pháp. Không gặp Phật không nghe Pháp, đời này của ta coi như sống uổng phí rồi. Thân người khó được Phật Pháp khó nghe, khó nghe tức là cơ hội để nghe thật không dễ. Khoa học kỹ thuật ngày nay đã giúp chúng ta điều này. Chúng ta nhờ truyền hình vệ tinh, nhờ mạng internet, nhờ một số loại đĩa ngày nay, giúp chúng ta ngày ngày đều có cơ hội nghe pháp. Ba mươi năm trước, chúng ta không làm được điều này. Ba mươi năm sau, khoa học kỹ thuật mới phát triển. Ba mươi năm trước, tuy có ti vi nhưng giá thành cao quá. Ngày nay tiến bộ rồi, giá thành đã xuống thấp. Một đạo tràng bình thường này cũng có thể xây dựng một đài truyền hình vệ tinh. Kết nối internet lại càng là việc dễ dàng hơn. Từ đó có thể biết rằng, ngày nay người tu phước báo đệ nhất là người nào? Học tập, giảng kinh, dạy học đó là đại phước báo đệ nhất của thế gian. Phước huệ song tu, kiếp này bạn chịu tu hành, phước báo kiếp sau tức đã có sẵn rồi. Phước báo kiếp sau xuất hiện là một điều đáng sợ. Vì sao vây? Hưởng phước luôn quên mất. Phước báo lớn nhất là làm vua. Nếu là đế vương mở nước, là hoàng đế cuối triều, thì không tránh khỏi tạo nghiệp chướng. Phước báo hưởng rồi, thì quả báo là nơi địa ngục. Vậy là sai lầm quá rồi!

Vì vậy tu phước chẳng thể không tu huệ. Huệ nhất định phải lớn hơn phước. Vì sao vây? Vì như vậy mới không mê đắm, không tạo tội nghiệp, không đọa vào ba đường ác, không gặp tám nạn. Đó chính là tu huệ quan trọng hơn là tu phước. Gặp được duyên này thì phải nắm chắc nó. Như vậy quí vị mới thật là người có phước báo. Trong thế giới này không có nghề nghiệp nào sánh bằng nghề dạy học. Quí vị xem Chư Phật Như Lai, Tổ sư Bồ Tát đều làm nghề này. Đời đời kiếp kiếp vui với điều này mà không biết mệt. Chúng ta thấy rồi, nghe rồi, thể hội được rồi, thì phải thực hành theo pháp.

“Niệm niệm vì chúng sanh khổ nạn. Niệm niệm vì chánh pháp cửu trú.” Không có tâm niệm nào khác. Nhất định không có danh văn lợi dưỡng cá nhân. Suốt đời tôi, thời trẻ giảng kinh khắp nơi. Lúc đó chưa có phòng ghi hình, người ta mời tôi giảng kinh, lúc giảng kinh xong rồi, mọi người cúng dường, tôi tặng hết cho thường trú, tôi chẳng đem theo một đồng nào. Cho nên pháp duyên tốt lắm, đạo tràng nào cũng thích mời tôi giảng, vì sao vậy? Vì giảng kinh xong rồi có thu nhập gì đều là của họ. Họ biết tôi không mang đi. Pháp duyên tốt là đến như vậy đó. Không nhận đệ tử qui y, không cần tiền. Nếu nhận đệ tử quy y thì chủ nhân của đạo tràng đó sẽ lo lắng. Đệ tử của tôi bị ông ta kéo đi mất rồi. Tiền trong túi của đệ tử tôi cũng bị ông cầm đi rồi. Lần sau sẽ không mời ông nữa. Điều này chúng ta nên biết, vậy thì những thứ bản thân mình cần, lúc tôi đến chỗ quí vị, đến nhận lời mời giảng kinh, lộ phí đi và về quí vị cúng cho tôi, thường trú tặng tôi một phong bì, lộ phí đến và đi tôi nhận, tôi nhận của thường trú, không nhận của tín đồ. Tín đồ có người quy y, tất cả quy y với hòa thượng trụ trì thường trú, trụ trì vui thì chúng ta cũng rất vui. Quí vị là người nơi này thì nên hộ trì đạo tràng ở địa phương này. Chúng tôi là người nơi khác đến, đặc biệt chỉ có mình tôi, tôi không có đạo tràng, cho nên tôi không cần tiền tài để duy trì. Cho đến lúc già rồi, nay lại cần đạo tràng sao? Không cần nữa.

Gần đây tại Hồng Kông có một vị cư sĩ tặng tôi một ngôi đạo tràng nhỏ, giống như miếu thổ địa vậy, rất nhỏ. Đạo tràng đó lớn gần như phòng quay phim này. Toàn bộ diện tích chỉ lớn như vậy thôi, tôi rất thích. Có ba người hộ trì là đủ rồi, chẳng cần lo lắng gì cả. Đạo tràng này có một nửa là hai tầng, nửa còn lại là một tầng, đó là ngôi nhà cũ. Chủ nhà nói với tôi rằng, bên một tầng kia được 90 năm rồi, phía bên hai tầng được xây dựng sau này, cũng được hơn 70 năm rồi. Tôn muốn dỡ bỏ rồi xây dựng lại, ông ta nói không nên dỡ bỏ. Căn nhà này là kiến trúc xưa, vật liệu chắc chắn, rất quê mùa. Nhưng căn nhà này mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Vậy thì tốt quá, sửa sang lại nó là được rồi. Lần sau tôi về Hồng Kông có thể đến đó ở rồi. Ông ta có một khu vườn, khu vườn đó nay đang trồng rau, không lớn lắm. Khoảng ba mẫu Trung Quốc. Diện tích trồng rau cũng khoảng hai mẫu. Tôi thích nơi này, có thể ở được khoảng ba bốn người, cùng nhau tu tập. Chòi tranh nhỏ, đạo tràng lớn. Vì sao vậy? Trong đó chúng ta có kết nối internet, giống như phòng ghi hình này vậy, lúc giảng kinh như thế này có thể truyền ra ngoài, như vậy không phải là đạo tràng lớn sao! Chòi tranh nhỏ, đạo tràng lớn vậy! Tôi 85 tuổi rồi, trịnh trọng tuyên bố với quí vị rằng, tôi sẽ không làm bất cứ sự nghiệp gì nữa, ngay cả sự nghiệp quốc tế hòa bình cũng không tham gia nữa. Bất cứ hoạt động gì cũng không tham gia. Ở chòi tranh cũng giống như nhập thất vậy. Kỳ vọng lớn nhất của tôi tại Úc châu đối với quí vị là hi vọng mười năm nữa, quí vị khai ngộ rồi, chứng quả rồi, không cô phụ Phật Bồ Tát, không cô phụ đạo tràng này đã đào tạo quí vị. Nếu giống như mười năm trước sống qua ngày, thì vấn đề của quí vị đã nghiêm trọng rồi. Nghiêm trọng đến mức độ nào tôi không cần phải nói. Trong lòng quí vị cũng đã biết rồi. Cho nên bên này tôi vẫn sẽ đến để quan tâm quí vị. Ngoài ra còn có Malaysia, Hồng Kông. Xứ sở tôi giảng kinh gồm ba nơi này. Những nơi khác dù ở đâu tôi cũng không đi nữa.

Trong nước, trước đây Triệu Phác thường mong tôi trở về, lá rụng về cội. Nay tôi biết rồi, tôi không trông chờ nữa. Tôi đã dứt bặt tâm niệm này, tôi sẽ không trở về nữa. Trong nước nếu như có người dùng danh nghĩa của tôi để hóa duyên đều là giả mạo. Hi vọng mọi người hiểu rõ điều này, đừng để người ta lừa. Dùng danh nghĩa của tôi để hóa duyên trong nước, nói tôi cần làm gì, làm gì, rất nhiều. Trước đây cục trưởng Diệp đã nói qua với tôi rồi. Ông ta hỏi những việc này Ngài đều không biết sao? Tôi thật sự không hay biết gì. Ông ta nói việc này chính phủ của họ đã xử lý rồi. Tôi rất cám ơn ông ta. Cục trưởng Diệp cũng đã thăng cấp rồi, cục trưởng hiện nay là Vương cục trưởng, tôi cũng quen anh ta. Chúng tôi cũng đã gặp nhau nhiều lần. 85 tuổi không thể làm việc nữa rồi. Hiện nay có một việc, tôi cũng nói rõ với quí vị, tôi cũng không muốn gặp gỡ mọi người nữa. Để cho tôi những năm tháng cuối đời được thanh nhàn một tí. Mỗi ngày tôi đều mong rằng còn có thể tụng ba bốn giờ đồng hồ kinh điển. Vẫn có thể giảng bốn tiếng đồng hồ thì tôi vui lắm. Không nên lãng phí thời gian nữa, cũng không nên lãng phí tinh thần. Mọi người hi vọng tôi ở lại thế gian này, tôi sẽ chia sẻ với mọi người nhiều hơn tí nữa. chỉ như vậy mà thôi. Tôi không cần mọi người cho tôi một đồng nào. Các vị đến đây cúng dường, toàn bộ đều cúng dường thường trú. Cúng dường cho tôi, tôi cũng giao cho thường trú. Vậy thì không cần chuyền tay nhau nữa, phiền phức, trực tiếp giao cho thường trú tốt hơn. Cho nên không cần đưa cho tôi. Tôi không cần gì nữa. Thứ tôi cần chính là hi vọng quí vị niệm Phật. Hi vọng trong tương lai quí vị đều vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Chúng ta về thế giới Cực Lạc, Liên trì hải hội thì sẽ gặp nhau lại thôi. Đó mới là việc hay vậy!

Nhất định không được sa vào “tam đồ bát nạn”. Như vậy thật là đáng tiếc, con đường đó đi không được đâu. Quí vị xem bộ kinh này tốt biết bao, giảng mãi không chán, càng đọc càng thích.

Trường thọ thiên cũng phiền phức lắm. Trường thọ thiên chuyên chỉ cho cõi trời Vô Tưởng ở đệ tứ thiền. Tứ thiền có chín tầng trời, cũng chính là cõi phàm thánh đồng cư. Đại đa số Thiên nhân ở Tứ thiền thuộc ba tầng trời ở trước. Trời thứ tư là cõi trời Vô Tưởng. Năm tầng trời phía sau là năm cõi trời Bất Hoàn. Thiên nhân ở cõi trời Tịnh Cư tu hành chứng quả tại đó. Trong kinh Đức Phật dạy cho chúng ta rằng: Tam quả trở lên là A Na Hàm. Họ ở nơi đó tu hành, tu hành thành tựu rồi liền chứng quả A La Hán. Chứng A La Hán tức vượt qua sáu cõi. Người lợi căn thì ở Tứ thiền đã siêu việt rồi. Người độn căn còn phải thông qua cõi trời Tứ Không. Từ cõi trời Tứ Không mà vượt lên. Cho nên Tứ Thiền là cõi Phàm thánh đồng cư, có phàm có Thánh. Cõi trời Vô Tưởng là nhờ tu định vô tưởng mà thành tựu được. Tu thành tựu rồi thì đến cõi này, thọ mạng đến 500 kiếp, rất là lâu. Thời gian 500 kiếp hết rồi, định lực của họ cũng mất, nghiệp chướng xuất hiện, lại theo nghiệp mà lưu chuyển. Chúng ta từng đến cõi trời Vô tưởng chưa? Tôi nghĩ mỗi chúng ta đều từng đến, nhưng đã quên mất. Trong sáu đường, cõi trời nào, địa ngục nào, cõi súc sinh nào, mà chúng ta chưa đi qua? Chẳng biết chúng ta đã luân hồi bao nhiêu lần rồi nữa. Một khi đã đầu thai đến cõi nhân gian này, đầu thai nên quên mất, nhanh chóng quên đi, quên hết tất cả. Nếu quí vị tu hành có thể đạt được tam muội, khi tam muội xuất hiện, bỗng nhiên sẽ nhớ lại. Túc mạng thông xuất hiện, đời đời kiếp trong quá khứ, đều biết hết. Tiểu thừa tu hành, chứng nhị quả, túc mạng thông liền xuất hiện. Đức Phật chỉ cho chúng ta rằng: có thể biết được 500 đời, 500 đời trở về trước không thể nhớ được nữa, chỉ nhớ trong khoảng 500 đời mà thôi. Càng đi lên cõi trên, thì cảnh giới càng cao hơn. Sanh vào thế giới Tây phương cực lạc, vô lượng kiếp đời đời kiếp kiếp về trước, đều biết hết. Cơ hội này thật khó được, phải khéo nắm bắt lấy.



Thế gian là hư giả. Quí vị muốn tham cầu thế gian, muốn khống chế nó, muốn chiếm hữu nó, tất cả đều là tội chướng. Những lời ở trong “Kinh Địa Tạng” nói đều là chân thật. Chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm, tất cả đều là tội, tất cả đều là nghiệp. Cho nên tôi khuyên quí vị khởi tâm động niệm đều là A Di Đà Phật. Những suy nghĩ của tâm đều là “Kinh Vô Lượng Thọ”, như vậy tốt biết bao! “Nhất Môn thâm nhập, trường thời huân tu”, lợi ích vô lượng, vô biên. Tại sao không làm, lại đi làm việc ngu ngốc? Hi vọng bạn bè đồng tu của Tịnh Tông chúng ta. Từ hôm nay trở đi không làm những việc ngu ngốc, không làm những việc hồ đồ nữa. Nhất tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ.

Dưới đây giải thích cho chúng ta Vô Tưởng nghĩa là gì? “Ngôn vô tưởng giả, dĩ kỳ tâm thức bất hành”, tâm thức của họ chính là thức thứ sáu. Thức thứ sáu tạm thời dừng hoạt động. Đó chính là “định”, “định” này là thiền định tương đối thâm sâu. Tức là nói không nghĩ gì nữa, vô tưởng. Dừng nghỉ tất cả các tư tưởng, tất cả pháp thế gian, pháp xuất thế gian đều không nghĩ nữa. Họ không phải thật sự nhập định, họ không phải thực sự trừ diệt tưởng. Vì sao vậy? Vì họ nghĩ đến“ vô tưởng”. Họ vẫn còn có tưởng đó là tưởng “vô tưởng”. Định trong vô tưởng. Thời gian của định công này dài 500 kiếp. Như cá đông lạnh. Đem cá bỏ nó vào tủ đông lạnh, nó bị lạnh đông rồi, nó không nghĩ nữa. Con cá sống này, một khi đã làm nó đông lạnh rồi nó dường như nhập định. Ngày nào đó đem nó giải đông, nó sống lại, nó lại khôi phục trạng thái trước đây.

Đúng vậy, ngày nay có rất nhiều nhà khoa học đã hiểu phương pháp này. “Trập trùng” là một loài sâu nhỏ, trong mùa đông, nó cũng đình chỉ tất cả hoạt động của tinh thần, thọ, tưởng, hành, thức. Nhìn bộ dạng của nó giống như nó đã chết rồi vậy. Nhưng nó chưa chết, nó đang sống. Cho nên đến mùa xuân, sấm nổ kinh động nó, nó sống lại, giống như vừa tỉnh ngủ vậy. Nó sống lại rồi. Cho nên trời Vô tưởng cũng giống như tình trạng này vậy. Họ ở trong thiền định rất sâu. Vì thế tất cả những vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều đình chỉ hoạt động. Đó gọi là đè nén phiền não, không phải là diệt phiền não, đè nén phiền não xuống. Họ có năng lực đè nén phiền não đến 500 kiếp. Thời gian 500 kiếp hết rồi, định lực của họ cũng mất. Những tập khí phiền não của họ lại hiện hành. Ngoại đạo tu hành - nói ngoại đạo ở đây không phải là phê bình người khác, không phải là một lời nói xấu. Trong Phật Pháp nói ngoại đạo là chỉ cho ngoài tâm tìm đạo. Trong cửa Phật cũng không ít người đang ngoài tâm tìm đạo. Đó gọi là gì? Đó là “môn lí ngoại”, ngoại đạo trong cửa Phật, nhiều lắm!

Phật pháp là tâm pháp. Cho nên Phật Pháp gọi là “nội học”, hướng nội tìm cầu, không phải tìm kiếm bên ngoài. Tìm ở bên ngoài tìm không được. Bên ngoài toàn là giả, tất cả những thứ có tướng trạng đều là hư vọng. Ngay cả Đức Phật cũng nói, ngươi đi tìm Phật bên ngoài tâm đó là giả. Ngoài tâm không có Phật. Vậy Phật ở đâu? Phật ở trong tâm. Quí vị nên tìm cầu ở trong tâm, đó mới là thật. Người tu theo pháp môn Tịnh Độ nên nhớ kỹ. Tâm tôi chính là Phật A Di Đà. Phật A Di Đà tức là tâm tôi. Chân tâm của quí vị chính là Phật A Di Đà. Ở đây có một việc không thể không biết. Đó chính là chúng ta không biết về “chân tâm”. Nay chúng ta bàn về tâm đều là “vọng tâm”. Tâm ta là gì? Chúng ta có thể suy nghĩ, đó là tâm chúng ta. Thứ giúp ta có thể suy nghĩ là thức thứ sáu. Ta có thể chấp trước, ta muốn chiếm hữu, đó chính là thức thứ bảy. Ta có thể ghi nhớ, ấn tượng của ta rất sâu sắc, đó chính là thức A La Ya.

Tâm mà phàm phu dùng đó là “tâm thức”, đó chính là “tam tâm nhị ý”. Ba tâm hai ý là giả, không phải là thật. Chúng ta có một “chân tâm”, “chân tâm” đó là Phật. Chân tâm ở đâu vậy? Không dùng “vọng tâm” thì “chân tâm” liền xuất hiện. Dùng vọng tâm, thì “chân tâm” không thấy nữa. Chân tâm bị chướng ngại, vọng tâm làm chướng ngại chân tâm rồi. Cho nên trong việc tu học của nhà Phật, giảng đến nguyên tắc cao nhất là “lìa tâm ý thức, thì chân tâm hiện tiền”. Tâm là gì vậy? Những gì chúng ta nói hôm nay rơi vào ấn tượng, ghi nhớ, tâm ghi nhớ dấu ấn này là A lại ya.

Ý là gì? Ý là mạt na, là thức thứ bảy chấp trước, ngã chấp. Thức là phân biệt, là thức thứ sáu. Lìa tâm ý thức là gì? Tức là không phân biệt, không chấp trước, không ghi nhớ ấn tượng. Vậy thì thứ ta đang dùng đó là “chân tâm”. Người biết dùng “chân tâm”, tôi chúc mừng quí vị. Quí vị thật sự đã lìa tâm ý thức, vậy thì cần chúc mừng quí vị rồi. Vì sao vậy? Quí vị là pháp thân Bồ Tát.

Trong giáo lý đại thừa nói minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngồi dưới gốc Bồ đề đại triệt đại ngộ, chính là cảnh giới này vậy. Không dùng tâm ý thức nữa.

Lục Tổ Huệ Năng nghe “Kinh Kim Cang” trong phương trượng của Ngũ Tổ, nghe đến câu “ ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài liền buông bỏ tâm ý thức, không cần đến nó nữa, đã minh tâm kiến tánh.

Nói cách khác, trong cuộc sống hằng ngày chúng ta khởi tâm động niệm vẫn còn chấp trước, ý thức bạn dùng vẫn còn là phân biệt. Thức quí vị đang dùng là thức thứ sáu, quí vị đang dùng là thức. Quí vị vẫn còn ghi dấu ấn, điều này tôi thích, điều kia tôi ghét. Chủng tử nghiệp của A lại ya sanh khởi. chúng ta toàn làm những việc này. A lại ya là tâm luân hồi. Dùng a lại ya chính là quí vị đã làm một việc luân hồi rồi. Làm sao có thể ra khỏi luân hồi sáu nẻo được. Ai đủ bản lĩnh buông tâm ý xuống? thì có thể nói, trong sáu nẻo luân hồi không tìm thấy họ nữa. Thật là gì vậy? Người tu hành chân chính mới có thể làm được.

Nói quí vị nghe, có thể làm được như thế , họ sống chết tự tại rồi. Sinh từ đâu đến, chết đi về đâu, họ đều biết rõ, không tí mê mờ. Thật sự tự tại rồi, họ muốn đến thì đến, muốn đi thì đi. Đến đi tự do. Thật tình mà nói, vì việc này quá khó, phàm phu không làm nổi, phàm phu thật là đáng thương. Cảm động đến Đức Phật A Di Đà, Phật A Di Đà phát tâm từ bi, kiến lập đạo tràng này, để tiếp dẫn mọi người, giúp đỡ mọi người. Đạo tràng này chính là thế giới Cực lạc.

Dùng phương pháp nào để lìa tâm ý thức ? Dùng một câu danh hiệu. Chỉ cần chuyên tâm niệm, thật lòng niệm, không cần nghĩ ngợi gì hết. Chỉ cần niệm một câu danh hiệu Phật. Niệm lâu ngày, tâm ý thức tự nhiên không còn nữa. Cách này thật hay. Niệm không thành công, chỉ cần đè nén phiền não xuống, nhẹ nhàng đè nén nó, đừng cho nó khởi tác dụng, là có thể vãng sanh rồi. Chiêu này lợi hại lắm, trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, không có pháp nào hơn. Chiêu này ai cũng có thể làm được. Thật là vạn người tu vạn người vãng sanh. Chỉ cần chịu tin tưởng, chẳng có pháp môn nào có thể sánh với nó. Vì pháp môn này rất dễ. Thật là thuận lợi, rốt ráo, viên mãn, đáng tin, lại nhanh nữa. Cũng chính vì vậy, nên rất nhiều người không chịu tin. Làm gì có việc dễ dàng như vậy? Sao mà đơn giản thế? Không tin được. Cho nên để cơ hội này vuột mất, chậm trễ mất rồi. Quí vị thật sự tin tưởng, thật sự đã rõ ràng, thật sự chịu làm, thì suốt đời này không có gì là không thành tựu. Vạn người tu vạn người vãng sanh. Những chướng ngại thật sự không phải từ bên ngoài mà tự trong chính quí vị.

Chướng ngại thứ nhất là gì?

Đó là không xả bỏ được nhục thân này, luôn luôn cho rằng đây là ta. Đây không phải là ta, không phải là ta nhưng lại cho là ta. Điều này là sai lầm lớn. Không buông bỏ được bản ngã. Quí vị thấy Đức Phật A Di Đà dạy chúng ta nên buông bỏ bản ngã như thế nào. Ngài dạy chúng ta niệm Phật. Từ sáng đến tối, niệm niệm không rời A Di Đà Phật. Quên mất bản ngã, Phật A Di Đà liền xuất hiện. Phật A Di Đà chính là chân tâm của bạn. Phật A Di Đà là chân thân của bạn. Bạn đến thế giới Cực Lạc, đến làm Phật A Di Đà! Đức Phật A Di Đà khắp pháp giới, khắp hư không giới, là tổng danh hiệu của tất cả chư Phật Như Lai. Cũng giống như con người trên quả đất chúng ta vậy, dùng một từ “người” để chỉ chung cho con người. Nói người, chúng ta đều là con người, danh từ chung. Phật A Di Đà tức là danh hiệu chung của tất cả chư Phật. Chúng ta không thể không tin. Không tin thì cơ hội này sẽ qua mất, đáng tiếc thay!

Học Phật rồi còn hướng ngoại tìm cầu, quí vị nghĩ xem có oan uổng không? Những người tìm pháp ngoài tâm nhiều lắm. Vì sao vậy? Vì họ không thâm nhập kinh tạng. Cho nên đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp giảng kinh 49 năm đã giúp cho chúng ta rất nhiều. Kinh được xưng là “bảo”. Đến “bảo” mà không cần thì quí vị cần cái gì? Đó chính là Pháp bảo. Phật còn tại thế, “Phật bảo” là đệ nhất. Phật không tại thế nữa, “Pháp bảo” là đệ nhất. Từ trong Pháp Bảo nhận thức được “chân Phật”. Rời xa pháp quí vị không biết Phật nữa. Cho nên cõi trời Vô Tưởng cũng chướng ngại về việc gặp Phật nghe Pháp, đó gọi là nạn.

Nạn thứ năm là “ Bắc Cu Lô Châu” chính là “Uất Đơn Việt”, nó cũng gặp nạn. Phạn ngữ là Uất Đơn Việt, chữ hán là “Thắng xứ”. Đây là tiếng Phạn, dịch thành chữ hán nghĩa là Thắng xứ. Nơi này rất thù thắng, thù thắng như thế nào? Nghĩa là nơi này cảm báo hơn ba châu đông, tây, nam. Chúng ta cũng gọi nó là Bắc Cu Lô Châu. Người ở nơi này phước báo rất lớn. Trái đất của chúng ta là Nam Châu, cũng gọi là Nam Thiện Bộ Châu. Phước báo của ba châu đông, tây, nam đều không sánh bằng nó. Ở đó tuổi thọ của con người một ngàn tuổi, không bị hoạnh tử. Con người đều mạnh khỏe, trường thọ. Không có việc thọ mạng chưa hết mà đã chết, hầu như không có chuyện đó. “Vi trước lạc cố”, “trước” tức là tham đắm. Ở đó an vui, không có nạn tai. Cho nên họ “ không chấp nhận sự giáo hóa của Phật”. Họ cho rằng không cần phải học Phật, không cần phải tu hành. Ăn, mặc, ở, đi lại đều tự tại, phước báo lớn quá. Điều này chính trong Phật pháp cũng thường nói “giàu có khó học đạo”. Bồ Tát Vi Đà – đây là vị thần hộ pháp trong cửa Phật. Quí vị thấy điện Vi Đà ở trong chùa, tại bức hoành phía trên thường viết “Tam châu cảm ứng”. Bốn đại bộ châu, thì ba châu cảm ứng, ba châu có Phật Pháp, Bắc châu không có Phật Pháp. Cho nên Bồ Tát Vi Đà không đến Bắc Châu. ở đó không có Phật Pháp, Ngài là vị hộ trì Phật Pháp. “thị dĩ Thánh nhân bất xuất kỳ trung”, Chư Phật Bồ Tát, A La Hán không đến nơi đó. Người nơi đó cũng không tin Phật Pháp. “bất đắc kiến Phật thính pháp” , đó là nạn.

Nạn thứ sáu là “manh, lung, ám á nạn”.

Tức những người này, tuy sinh nơi “Trung Quốc”, “Trung Quốc” ở đây không phải là Trung hoa của chúng ta mà là nơi có Phật pháp. Nơi có Phật pháp gọi là “Trung Quốc”. Nơi không có Phật pháp thì không gọi là “Trung Quốc”. “Trung” ở đây nghĩa là trung ương. “Trung Quốc” nhắc đến ở trong kinh điển không phải chỉ cho đất nước Trung Quốc. Quí vị nên hiểu như vậy. Những người này nghiệp chướng sâu dày, các căn không đầy đủ. Tuy gặp được Phật ở thế gian này, nhưng mắt họ không thể nhìn thấy, người mù không nhìn thấy tượng Phật, không xem được kinh Phật. Tai điếc, tuy nhìn thấy nhưng họ không nghe được, chướng ngại việc tu học. Người bị câm thì họ có điều nghi ngờ nhưng không hỏi được. Họ không có cách gì để nêu câu hỏi. Những điều này đều chướng ngại cho việc thấy Phật nghe Pháp. Cho nên nói: không thể thấy Phật, tuy nói đại pháp, cũng không thể nghe, cho nên gọi là nạn. Đây là nạn thứ sáu vậy.




Nạn thứ bảy là “thế trí biện thông nạn, vị thế gian chi nhân, tà trí thong lợi giả, dã toán thị thông minh căn lợi, duy vụ đam tập ngoại đạo kinh thư, bất tín xuất thế chánh pháp, cố danh vi nạn” .

Những người này rất thông minh, có biện tài, nhưng họ không tin những gì đức Phật nói, nhiều lắm! Họ không tin lục đạo luân hồi, không tin con người chết rồi vẫn còn kiếp sau. Loại người này rất nhiều.

Nếu như tôi không gặp được thầy Phương Đông Mỹ, tôi cũng thuộc hạng người này. Lúc tôi còn trẻ có tài biện luận. Không tin Phật Pháp, không tin Tôn giáo. Thời trẻ tôi học tại Nam Kinh. Tôi ở trọ tại nhà bạn học. Tôi và bạn học là đôi bạn rất thân. Thời kỳ kháng chiến, chúng tôi cùng học tại Quý Châu. Sau khi thắng lợi đến học tại Nam Kinh, chúng tôi lại là bạn học, bạn cùng lớp. Tôi không ở trong kí túc xá sinh viên, ở tại nhà bạn học, phát hiện ra trong nhà họ đa nguyên tôn giáo. Bà là người niệm Phật, mẹ anh ta và mấy anh chị em lại là tín đồ Cơ đốc giáo. Bố anh ta là Hồi Giáo. Cho nên tôi có hứng thú với đa nguyên tôn giáo. Tôi ở nhà bạn một năm. Điều đó rất có ảnh hưởng. Một nhà anh ta có đến ba tôn giáo. Cho nên đối với ba tôn giáo này, tôi đều hiểu biết sơ sơ. Tôi ngưỡng mộ nhất vẫn là Hồi giáo. Bởi vì tôi hiểu nó. Phật giáo là gì bà anh ta không giảng giải được. Vì không giảng giải được nên tôi không tin, không hiểu. Cho rằng đó là mê tín.

“Ngũ công, ngũ điển” của Hồi giáo , đặc biệt là “ngũ điển”. “Ngũ điển” và luân lí của Trung Quốc hoàn toàn tương đồng. Đến sau này tôi mới biết được, Hồi giáo ở nước ngoài không có “ngũ điển”, có ngũ công nhưng không có ngũ điển. Hồi giáo của Trung Quốc đặc biệt có “ngũ điển”. Đó chính là Hồi giáo hấp thu văn hóa truyền thống của Trung Quốc, khác với Hồi giáo của nước ngoài, nó mang đậm sắc thái của văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Người bạn thân này của tôi, mẹ anh ta là tín đồ Cơ Đốc giáo, mỗi chủ nhật chúng tôi cũng cùng bà đến nhà thờ làm lễ. Mục sư cũng hay lắm, cũng muốn giáo hóa tôi, lôi kéo tôi làm tín đồ. Tôi cũng đọc kinh Thánh. Trong kinh Thánh tôi nêu lên sơ sơ khoảng hơn 70 vấn đề. Tôi hỏi Mục sư điều gì ông ta cũng không thể giải đáp được. Ông ta nói tôi là ma quỷ. Tôi nói tôi rất tôn trọng ông, nhưng những vấn đề này đều là sự thật. Quí vị xem điều đầu tiên là vấn đề vũ trụ, khởi nguyên của vũ trụ. Nói theo kinh Thánh thì chẳng qua cũng chỉ năm sáu ngàn năm. Nhà khảo cổ Trung Quốc, khảo cổ người Bắc kinh Trung Quốc có khoảng 500.000 năm. Vậy thì không phải người Bắc Kinh là tổ tông của Thượng đế rồi sao? Điều này ông ta không chấp nhận được, tôi cũng không thể chấp nhận. Rất nhiều vấn đề không thể giải quyết được, như vậy làm sao mà tin được? Tôi nói: tôi đến tham gia khóa lễ của các ông, tham gia lớp đọc thơ của các ông. Những vấn đề này không thể giải đáp, tôi không chịu rửa tội. Khi nào ông có thể giải đáp được tất cả những vấn đề tôi nêu ra, làm cho tôi có thể chấp nhận, tôi liền đến rửa tội. Vì thế cuối cùng tôi cũng không rửa tội. Nhưng đối với những tôn giáo này, sự thành kính của họ, thiện ý đó, tôi rất cảm động, tôi rất thích. Cho nên tôi không làm rõ việc này, không hiểu rõ việc này, tôi sẽ không chấp nhận.

Sau đó tại Đài Loan, đoàn thể của chúng tôi, đoàn thể mà tôi phục vụ. Dường như là giáo đồ Cơ Đốc Thanh Nhất Sắc. Sau khi tôi học Phật ảnh hưởng rất lớn. Bởi vì tôi ở trong hàng ngũ phục vụ đó, trưởng quan, bạn bè, cộng sự đều biết tôi là người rất ngoan cố, không dễ dàng chấp nhận tôn giáo. Họ nói tôi theo Phật rồi, Phật nhất định có lí, không có lí, anh ta không thể tin. Điều này là thật, không phải là giả dối. Thế trí biện thông này rất là phiền phức. Không tin tưởng Phật Pháp. Thực tình mà nói, hòa thượng đến khuyên tôi học Phật. Tôi nêu một số vấn đề, hỏi cho ông ta thua luôn, rồi tôi cũng không tin. Không gặp được thầy Phương Đông Mỹ, tôi tuyệt đối không thể theo Phật. Tôi không thể lý sự hơn thầy Phương được. Hỏi thầy điều gì, thầy cũng giảng giải cho quí vị rõ ràng. Đó chính là người thật sự rất có công phu đối với kinh điển. Quí vị không thể làm khó ông ta được. Cho nên chúng ta không thể không khâm phục. Như vậy nên tôi tin.



Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.
HẾT TẬP 332



Каталог: chugiaikvltpdf
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa Tập 474 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Minh Tâm Thời gian: 28. 06. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 537 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Minh Tâm Thời gian: 13. 08. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 321 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình Minh Thời gian: ngày 13 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 322 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình minh Thời gian: ngày 13 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập: 383 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Lý Hương Biên tập: Bình Minh Thời gian: 22/04/2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 355 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình Minh Thời gian: 01. 04. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 339 Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không Chuyễn ngữ: Nguyên Thanh Biên tập: Bình Minh Giảng ngày: 23 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 341 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Liên Hải Biên tập: Minh Tâm Thời gian: 24. 03. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 398 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Nguyên Tâm Thời gian: 06. 05. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 399 Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không Chuyển ngữ: Minh Tuệ Biên Tập: Nguyên Tâm Thời gian: 06. 05. 2011

tải về 132.13 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương