TÓm tắt thông tin cơ BẢn về HÀ lan và quan hệ VỚi việt nam



tải về 118.25 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích118.25 Kb.
#31251


Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan

TÓM TẮT THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ HÀ LAN VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


- Tên chính thức: Vương quốc Hà Lan (Kingdom of the Netherlands).

- Diện tích: 41.526 km2, trong đó 7.745 km2 là mặt nước

- Quốc khánh: 30 – 4

- Ngày lễ: Tết dương lịch (1/1), phục sinh (trong khoảng thời gian từ tháng 3 – tháng 4 dương lịch), ngày sinh Nữ hoàng/quốc khánh (30/4), Lễ Thăng thiên (40 ngày sau ngày lễ Phục sinh), Whit Monday, ngày giải phóng phát xít (5/5, năm năm nghỉ một lần), Lễ giáng sinh/nô-en (25-26/12)

- Giờ làm việc: thông thường 40 giờ/tuần, 8 giờ/ngày, giờ làm việc trong ngày phụ thuộc vào công ty/cơ quan nhưng thông thường bắt đầu từ 9h00-12h30 (sáng), 13h00-17h30 (chiều)

- Dân số: 16.428.290 triệu người (3/2008)

- Tuổi thọ bình quân: 77 (nam), 81 (nữ)

- Tôn giáo chính: Đạo thiên chúa (36%) và Đạo Tin lành (20%)

- Ngôn ngữ : tiếng Hà Lan, ngoài ra vùng Friesland có tiếng Friesan; tiếng Anh được sử dụng phổ biến trong cả nước (trên 75% dân số biết tiếng Anh), hầu hết mỗi người Hà Lan đều biết 1 ngoại ngữ. Trên thế giới, có khoảng 22 triệu người nói tiếng Hà Lan, gồm Hà Lan, bắc nước Pháp, Bỉ, Surinam, Netherlands Antilles, Aruba.

- Lãnh thổ tự trị ở nước ngoài (Autonomous Overseas Areas): Aruba và the Netherlands Antilles (gồm các đảo Saint Eustatius, vùng phía Nam của Saint Martin, Saba, Bonaire và Curaçao ở Carribe).

- Khí hậu đại dương, nhiệt độ trung bình 16 độ C vào mùa hè, 3 độ C vào mùa đông.

- Tiền tệ: Euro (đồng tiền trước đây của Hà Lan là đồng Gilder, tỷ giá cố định từ ngày 1/1/1999 là 1 euro = 2,20371 NLG), tỷ giá 1 Euro = 1,56 USD (quý 1/2008).

- Khoảng 84% số hộ gia đình có máy tính (PC) và 80% có kết nối internet.

- Một số thông tin khác: Hà Lan có 1.281 chiếc cầu, 1.000 bảo tàng, 15.000 km đường riêng cho xe đạp, bình quân 1 người dân có 1 chiếc xe đạp, bình quân 2 người dân có 1 chiếc ô tô, cứ 3 người thì có 1 người tham gia câu lạc bộ thể thao, sân bay Amsterdam thấp hơn mực nước biển 4,5m, người Hà Lan đứng thứ hai thế giới về uống cà phê (sau các nước Scandinavian), Tòa án quốc tế đặt trụ sở tại thành phố The Hague.



TÓM TẮT LỊCH SỬ

Trong thời trung cổ, nước Hà Lan được chia thành những vùng từ trị dưới quyền các lãnh chúa phong kiến. Dưới thời vua Karel đệ ngũ (1500-1558), những vùng tự trị này kết hợp với vùng đất thuộc Bỉ và Luxembourg ngày nay dưới tên gọi "Lage Lande" (có nghĩa là các nước thấp hơn mực nước biển) và bị sát nhập vào đế quốc Bourgon và Habsburg (Bourgondisch - Habsburgse Rijk). Năm 1568, vì vua Phillip đệ nhị (con của vua Karel đệ ngũ) độc tài nên hoàng tử Willem van Oranje lãnh đạo những vùng tự trị miền bắc Hà Lan đứng lên chống lại Phillip đệ nhị. Lịch sử Hà Lan gọi gia đoạn này là "Cuộc chiến tranh 80 năm", kết thúc bằng hiệp ước MÜ nster năm 1648 đánh dấu sự ra đời của quốc gia độc lập "Cộng hoà thống nhất bảy xứ Hà Lan " (Pepubliek der Zeven Verenigde Nederlanden) gồm 7 vùng tự trị là Holland, Zeeland, Utrecht, Friesland, Groningen, Overijssel và Gelderland.

Cuối Thế kỷ 18, Pháp chiếm đóng Hà Lan và thành lập nước Cộng hoà Batavia (Batavian Republic). Napoleon đã biến nước Cộng hoà này thành vương quốc (Kingdom of Holland) dưới sự trị vì của em mình là Louis, lấy Amsterdam làm thủ đô. Một vài năm sau, Netherlands bị sát nhập vào Pháp. Đến 1813, Hà Lan lại được độc lập, nhưng lại xẩy ra nội chiến giữa hai phe Cộng hoà và nhóm ủng hộ hoàng gia. Kết quả là nhóm Cộng hoà bị thua.

Năm 1813, Willem Frederik - vị Vua đầu tiên - chuyển chính phủ về The Hague (Tên Hà Lan là 's-Gravenhage hay còn gọi là Den Haag), mặc dù Amsterdam vẫn tiếp tục là thủ đô chính thức. Năm 1815, miền Bắc và miền Nam Netherlands - ngày nay là lãnh thổ Hà Lan và Bỉ - sát nhập lại thành Vương quốc Netherlands dưới sự trị vì của Vua Willem Frederik. Năm 1830, miền Nam Netherlands tách ra để thành lập Vương quốc riêng là Vương quốc Bỉ hiện nay. Vua Willem đệ tam qua đời năm 1890 mà không có con trai để nối ngôi. Dưới quyền nhiếp chính của thái hậu Emma, nữ hoàng Wilhelmina bắt đầu lãnh đạo đất nước và cũng chấm dứt quyền lực của Hà Lan đối với Luxembourg.

Hiến pháp năm 1848 mở đầu thời kỳ quân chủ lập hiến (nhà vua không chịu trách nhiệm về các hoạt động của chính phủ mà các bộ trưởng phải có trách nhiệm giải trình với Nghị viện) và việc bầu trực tiếp Hạ viện. Các lần sửa đổi Hiến pháp gần đây nhất là năm 1983 và 1987

CHÍNH TRỊ

- Chế độ chính trị: Quân chủ Lập hiến và Nghị viện.

- Người đứng đầu nhà nước (Head of State): Nữ hoàng Beatrix (Queen Beatrix) kế vị ngày 30/4/1980.

- Hiến pháp: ra đời từ 1814 - sửa đổi gần đây nhất năm vào các năm 1983 và 1987. 

- Thủ đô: Amsterdam. 

- Trụ sở chính phủ (Seat of government): The Hague 

- Quyền bầu cử (Right to Vote): Phổ thông đầu phiếu, 18 tuổi trở lên. 

- Hệ thống bầu cử (Electoral system): theo tỉ lệ đại diện (proportional representation).

- Phân chia hành chính: Netherlands được chia thành 12 tỉnh: Drenthe, Overijssel và Gelderland ở miền Đông; South Holland và North Holland ở miền Tây; Utrecht và Flevoland (tỉnh mới nhất hình thành từ đất lấn biển ở Hồ Ijssel) ở miền Trung; Friesland và Groningen ở miền Bắc và Zeeland, North Brabant and Limburg ở miền Nam. Amsterdam nằm ở North Holland; The Hague, Leiden, Delft và Rotterdam nằm ở South Holland; Maastricht nằm ở Limburg. 

- Chính quyền địa phương: gồm các cấp chính quyền tỉnh và thành phố được quản lý trực tiếp bởi các hội đồng bầu trực tiếp. Đứng đầu Hội đồng thành phố là Thị trưởng và Hội đồng tỉnh là Chủ tịch hội đồng do Chính phủ chỉ định. Hiện nay có 12 tỉnh, 548 thành phố lớn nhỏ.



HIẾN PHÁP

- Hiến pháp là nền tảng pháp lý của Hà Lan, quy định những nguyên tắc chính của nhà nước Hà Lan là: Chế độ quân chủ; Nền Dân chủ thông qua đại diện; Chế độ pháp quyền; và Phi tập trung hoá (1.monarchy 2.representative democracy 3. the rule of law and 4.decentralisation).



NGUYÊN THỦ QUỐC GIA

- Khác với nhiều nước châu Âu khác, ở Hà Lan, Nữ Hoàng - nguyên thủ quốc gia - tham gia thành một bộ phận của chính phủ bên cạnh Thủ tướng và các bộ trưởng. Nữ Hoàng có trách nhiệm đọc các bài phát biểu hàng năm, khai mạc quốc hội và thông qua kế hoạch năm của chính phủ vào ngày Thứ Ba tuần thứ ba của Tháng Chín.

- Nữ Hoàng có vai trò quan trọng trong việc lập chính phủ mới sau khi bầu nghị viện, đặc biệt trong bối cảnh lịch sử Hà Lan chưa khi nào có một chính đảng một mình chiếm được đa số trong quốc hội và các chính phủ Hà Lan hầu hết đều là chính phủ liên hiệp.

NỘI CÁC (Cabinet)

Nội các hiện nay của Hà Lan bao gồm 1 Thủ tướng, 2 Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng, 14 Bộ trưởng, 9 Quốc Vụ Khanh.

Bộ trưởng Kinh tế: đứng đầu Bộ Kinh tế, ngoài ra trong bộ này còn có Quốc Vụ khanh về Kinh tế và là Bộ trưởng Ngoại thương (Minister for Foreign Trade/The State Secretary of Economic Affairs) : chịu trách nhiệm về phát triển thương mại và xuất khẩu

Các Bộ trưởng được hỗ trợ bởi các Quốc vụ khanh (state secretaries), những người phụ trách một phần công việc của Bộ nhưng không có chân trong nội các.

Khác với nhiều nước khác, chức vụ "minister of state" ở Hà Lan chỉ là một danh hiệu danh dự do Nữ Hoàng phong tặng, thường là cho các cựu Thủ tướng (Ví dụ như ông Wim Kok), Bộ trưởng.

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC (The High Council of State)

- Theo quy định của Hiến pháp, ở Hà Lan có các Hội đồng Nhà nước là những hội đồng tham nghị cho chính phủ trong việc xây dựng và trình nghị viện thông qua các đạo luật và hiệp ước quốc tế.

- Hội đồng này gồm các ban khác nhau tương ứng với các bộ của chính phủ, do Nguyên thủ quốc gia đứng đầu về danh nghĩa và gồm 28 thành viên là những nhân vật lỗi lạc được chỉ định suốt đời. Hội đồng này sẽ thay thế khi không có Nữ Hoàng. Hội đồng Nhà nước cũng là toà án hành chính cao nhất ở Hà Lan (the highest administrative tribunal).

TÒA THẨM KẾ HÀ LAN (Netherlands Court of Audit)

- Toà này có thẩm quyền theo dõi việc quản lý chi tiêu ngân sách của chính phủ trung ương, các bộ ngành, các doanh nghiệp bán công của Hà Lan (trừ các tỉnh, thành phố và ngành quản lý nước). Toà gồm 3 thẩm phán được chỉ định suốt đời, có nhiệm vụ làm báo cáo kiểm toán hàng năm trình nghị viện và chính phủ.



THANH TRA NHÀ NƯỚC (National Ombudsman)

- Cơ quan này ở Hà Lan ra đời từ năm 1982 có chức năng hoạt động độc lập, hỗ trợ cho các toà án, nhằm theo dõi quan hệ giữa các cơ quan của chính phủ với người dân, trực tiếp tiếp nhận đơn kiện từ dân và tiến hành các điều tra đối với các cơ quan chính phủ. Thanh tra Nhà nước sẽ công bố công khai kết quả điều tra về việc một cơ quan chính phủ có làm đúng chức trách của mình hay không và có quyền nêu kiến nghị xử lý.

- Thanh tra Nhà nước do Hạ Nghị viện bầu ra với nhiệm kỳ 6 năm, hoạt động hoàn toàn độc lập và chỉ có trách nhiệm báo cáo hàng năm cho Hạ viện.

HỆ THỐNG NGHỊ VIỆN

- Nghị viện Hà Lan có tên riêng gọi là States-General (Staten - Generaal), gồm 2 viện, nhiệm kỳ 4 năm. Thượng viện (Upper House) gồm 75 thành viên bầu gián tiếp bởi đại diện 12 tỉnh trong cả nước, và Hạ viện (Lower House) gồm 150 thành viên do cử tri bầu trực tiếp. Thượng viện chỉ có quyền phủ quyết trong khi Hạ viện kiểm soát chính phủ và kiến nghị các quy chế và luật lệ.

- Quyết định tại nghị viện được thông qua bằng bỏ phiếu đa số. Nghị viện có quyền yêu cầu cơ quan hành pháp điều trần về hoạt động của mình, bỏ phiếu thông qua chính sách hàng năm của chính phủ. Nếu chính sách không được thông qua, nghị viện sẽ bỏ phiếu không tín nhiệm chính phủ.

Trong việc kiểm soát hoạt động của cơ quan hành pháp, 2 viện của quốc hội Hà Lan có 4 quyền cụ thể sau :

1. Quyền ấn định ngân sách chi tiêu của chính phủ TW bằng 2 đạo luật riêng rẽ hàng năm về kế hoạch chi và nguồn thu ngân sách chi tiết đối với từng bộ.

2. Quyền chất vấn (The right of interpellation) của các nghị sĩ đối với chính phủ. Tại Thượng viện, các Bộ trưởng và Quốc vụ khanh có thể trả lời bằng văn bản. Tại Hạ viện họ thường được yêu cầu trả lời trực tiếp và tại chỗ các câu hỏi và chỉ có quyền khước từ trả lời nếu thông tin có thể phương hại đến lợi ích quốc gia.

3. Quyền điều tra (The right of inquiry): Nghị viện Hà Lan có quyền thành lập các uỷ ban điều tra không cần tham khảo ý kiến của chính phủ và uỷ ban này có thẩm quyền yêu cầu các nhân vật cấp thấp hơn bộ trưởng ra điều trần.

4. Quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm (Motion of No Confidence).

Hạ Nghị viện Hà Lan có thêm 2 quyền sau liên quan đến lập pháp:

1. Quyền sửa đổi các đạo luật (The right to amend bills)

2. Quyền đưa ra các đạo luật mới (The right to initiate legislation)

HỆ THỐNG PHÁP LÝ (The Judicial System)

- Toà án Tối cao gồm các thẩm phán do Nữ hoàng bổ nhiệm suốt đời từ danh sách do Hạ viện đề cử. Hệ thống tư pháp được thực hiện bởi các thẩm phán được bổ nhiệm và không có chế độ Bồi thẩm đoàn. Dưới Toà Tối cao có 3 loại toà án khác: 61 toà án khu chuyên xét xử các vụ hình sự và dân sự nhỏ; 19 Toà án quận xử các vụ quan trọng hơn và 5 Toà Phúc thẩm xử khiếu nại từ các toà án cấp quận.

- Ngoài ra hệ thống pháp lý Hà Lan còn có các toà án hành chính và toà án quân sự. Các toà án hành chính được chuyên môn hoá trong nhiều lĩnh vực như thương mại và công nghiệp, thuế, tài chính ... Hiến pháp Hà Lan bác bỏ việc áp dụng xét xử bằng bồi thẩm đoàn và án tử hình.

NGUYÊN TẮC PHI TẬP TRUNG HÓA (Decentralisation)

- Chính quyền Hà Lan chia thành 3 cấp: Trung ương, Tỉnh và Thành phố.

Cấp tỉnh và thành phố có thẩm quyền ban hành các luật lệ về những vấn đề trực tiếp liên quan dến địa phương mình. Xu hướng hiện nay ở Hà Lan là ngày càng trao nhiều quyền và trách nhiệm hơn cho các địa phương. Các tỉnh và thành phố Hà Lan có 3 nguồn thu nhập chính: thu thuế và phí tại địa phương; và ngân sách cấp từ trung ương.

- Hà Lan bao gồm 12 tỉnh, 548 thành phố lớn nhỏ. Mỗi tỉnh ngoài Hội đồng tỉnh và bộ máy hành pháp còn có Cao uỷ của Nữ Hoàng (the Queen's missioner). Các uỷ viên Hội đồng tỉnh được bầu trực tiếp nhiệm kỳ 4 năm, số lượng uỷ viên tuỳ thuộc dân số của tỉnh. Hội đồng tỉnh sẽ bầu ra các chức vụ quản lý hành pháp. Cao uỷ của Nữ Hoàng có nhiệm kỳ 6 năm và chủ toạ cả Hội đồng lẫn bộ máy hành pháp của tỉnh.



CƠ QUAN THỦY LỢI (Water Authorities)

Đây là cơ quan mang nét đặc trưng riêng của Hà Lan, tồn tại từ rất lâu trong lịch sử, do hơn một phần tư lãnh thổ Hà Lan nằm dưới mực nước biển, điểm cao nhất là 321m trên mực nước biển, điểm thấp nhất là 6,7m dưới mực nước biển. Cơ quan này chịu trách nhiệm xây dựng và duy trì hệ thống đập và đê ngăn nước và các công trình liên quan đến nước khác. Thành viên cơ quan này do các chủ bất động sản tại dịa phương bầu ra trong khi giám đốc do chính phủ chỉ định. Hà Lan là nước đứng đầu thế giới về công nghệ quản lý nước và phát triển hệ thống đê điều.



HỆ THỐNG GIAO THÔNG

Hà lan có hệ thống giao thông liên hoàn, rất hoàn chỉnh, kết nối sân bay, bến cảng, các khu công nghiệp, dân cư, các thành phố, vùng, các nước lân cận trong Châu Âu.

Đường xe lửa: rộng khắp trên toàn lãnh thổ, kết nối các thành phố với nhau và từ sân bay, cảng, bến xe bus, đường xe điện. Giờ tàu chạy được cố định và in sẵn trên các bảng thông tin tại các nhà ga, bến tàu, sân bay, có thể tra cứu trên internet. Số lượng các chuyến tàu rất lớn và giờ tàu thì liên tục, ví dụ khoang 1-2 chuyến tàu/một giờ hoặc ít hơn tùy theo tuyến và chủng loại tàu; 2-4 chuyến tàu/giờ đối với hầu hết các tuyến trên cả nước, 8-10 chuyến tàu/giờ đối với các chuyến tàu liên các thành phố lớn; khổ đường tàu 1.435m; chiều dài tuyến đường sắt 2.809 km hoặc 6.505 km đường ray.

Tàu điện ngầm và tàu điện nổi thường hoạt động từ 6h00 sáng đến 12h00 đêm. Xe bus chạy rất thường xuyên và kết nối các bến tàu, cảng, khu dân cư, khu phố, các phố; ngoài thời gian trên, ở các thành phố lớn ban đêm cũng có xe bus hoạt động nhưng chỉ tối Thứ Sáu, và tối Thứ Bảy ở những thành phố nhỏ. Do hệ thống đường xe lửa rộng khắp cả nước và kết nối các thành phố với nhau, hệ thống xe bus liên tỉnh/thành phố không có nhiều, chỉ có ở những nơi không có đường xe lửa kết nối.

Hệ thống đường bộ dày đặc, là một trong nước có mật độ đường bộ cao nhất thế giới, với tổng chiều dài 135.470 km, trong đó 5.012 km đường quốc lộ, 7.899 km đường tỉnh lộ và 122.599 km đường địa phương và phân loại khác. Đường cao tốc: 127.575km.

Hệ thống đường thủy: 5.046 km, trong đó 47% có thể sử dụng bởi tàu /thuyền có tải trọng 1000 tấn mét hoặc lớn hơn.

Hệ thống đường ống: dầu thô 418 km, sản phẩm dầu 965 km, khí đốt 10.230 km. Ngoài ra còn hệ thống băng chuyền nổi hoặc ngầm kết nối từ các bến cảng vận chuyển hàng hóa vào kho bãi, nhà máy tại cảng và các khu công nghiệp lân cận

Sân bay: Sân bay Amsterdam lớn thứ 3 ở Tây Âu, hàng năm vận chuyển khoảng 1,4 triệu tấn hàng hóa và 44 triệu lượt hành khách (số liệu 2005); ngoài sân bay Schiphol Amsterdam Hà Lan còn có một số sân bay khu vực, nhỏ hơn: Eindhoven, Maastricht Aachen Airport, Rotterdam và Groningen Airport Eelde.

Cảng: có nhiều cảng thuận lợi, đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, hành khách trong nội thủy và quốc tế: Amsterdam, Delfzijl, Den Helder, Dordrecht, Eemshaven, Groningen, Haarlem, IJmuiden, Maastricht, Rotterdam, Terneuzen, Utrecht, Vlissingen. Cảng Rotterdam trong nhiều năm liền là hải cảng lớn nhất của thế giới, với công suất gần 400 triệu tấn/năm. Khoảng 1/3 lượng hàng hóa vận chuyển vào EU thông qua cảng Rotterdam.

Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông, vận tải là Bộ Giao thông – Công trình công cộng và Quản lý nước Hà Lan



KINH TẾ HÀ LAN

Hà Lan là một nước hẹp, người đông và không có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Hà Lan chỉ có hơi đốt (trữ lượng khoảng 2.680 tỷ m3), một khối lượng không lớn dầu lửa ở biển Bắc (sản lượng đáp ứng khoảng 20% nhu cầu hiện nay). Nhưng Hà Lan đã biết sử dụng thế mạnh của mình là một quốc gia ven biển, cửa khẩu của 3 con sông lớn ở Tây Âu và giữa các cường quốc kinh tế Anh, Pháp, Đức để phát triển các ngành dịch vụ hàng hải, cảng, vận tải sông, công nghiệp chế biến, hoá dầu... Hà Lan cũng đã tận dụng đất đai mầu mỡ để phát triển nông nghiệp và ngành công nghiệp thực phẩm.

Trong EU, Hà Lan là một trong những nước có diện tích nhỏ nhất (đứng thứ 20), đứng thứ 7 về dân số (là nước có mật độ dân số đông nhất (đứng thứ 2 sau Malta) với tỷ lệ 479 người/km2) nhưng là nước đứng thứ 6 về kinh tế và là một trong những nước giàu nhất trong EU (thu nhập quốc dân tính theo đầu người chỉ đứng sau Luxembua và Đan Mạch)

Hà Lan có ngành công nghiệp phát triển, đứng đầu là hóa chất, dầu khí, kim loại, đóng tàu, hàng hải…

Nông nghiệp được cơ khí hóa cao, gồm 3 ngành chính: trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sữa và đánh cá. Hơn 60% nông phẩm được chế biến. Ngành nông nghiệp chủ yếu hướng về xuất khẩu, các nông phẩm xuất khẩu chủ yếu là hoa, cây và rau (bao gồm cả cây và hạt giống). Khoảng 90-% nông phẩm của Hà Lan là xuất khẩu sang 14 nước EU cũ, trong đó Đức là thị trường lớn nhất. Nông phẩm xuất khẩu chiếm khoảng 14% tổng xuất khẩu của cả nước.

Dịch vụ là ngành hết sức phát triển ở Hà Lan, gồm vận tải thủy, cảng biển, sân bay, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và tư vấn. Hơn 30% lượng hàng hóa ra vào EU được bốc dỡ qua cảng của Hà Lan.

Cảng Rotterdam trong nhiều năm liền là hải cảng lớn nhất của thế giới, với công suất gần 400 triệu tấn/năm. Sân bay Amsterdam lớn thứ 3 ở Tây Âu, hàng năm vận chuyển khoảng 1,4 triệu tấn hàng hóa và 44 triệu lượt hành khách (số liệu 2005); ngoài sân bay Schiphol Amsterdam Hà Lan còn có 5 sân bay khu vực, nhỏ hơn. Ngành dịch vụ đóng góp gần 50% sản phẩm quốc nội, xuất khẩu dịch vụ chiếm gần 20% trị giá xuất khẩu, 40% các dịch vụ xuất khẩu liên quan đến vận tải. Hàng năm, ngành du lịch thu hút trên 10 triệu lượt khách, đóng góp khoảng trên 7,5 tỷ Euro.

Ngoại thương: Hà Lan là một trong 4 nước xuất khẩu lớn nhất của EU và là 1 trong 10 xuất khẩu lớn nhất thế giới, đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu thực phẩm. Trong 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, Hà Lan có 14 doanh nghiệp.

Hà Lan là một nước có diện tích và dân số nhỏ trên thế giới, phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài. Hà Lan quan tâm đến ổn định thế giới và tự do lưu thông quốc tế, ủng hộ mạnh mẽ quá trình thống nhất Châu Âu cả về chiều rộng và chiều sâu, khuyến khích thi hành chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, mở rộng hợp tác với các nước thuộc các khu vực khác nhau trong đó đặc biệt có các nước có nhiều nguyên nhiêu liệu ở Châu Á, Trung Đông và Bắc Phi.

Thông tin chi tiết về các ngành kinh tế thế mạnh của Hà Lan có thể tham khảo tại địa chỉ:

http://www.hollandtrade.com/vko/sectoranalyses/index.asp

Cảng biển, sân bay xem tại phần các địa chỉ website hữu ích về Hà Lan (đính kèm theo)

Các chỉ số kinh tế (Tổng cục Thống kê Hà Lan)

Dân số: 16.418.248 (3/2008)

Tốc độ tăng trưởng:2,9% (2006); 2,75% (2007), 3,1%/quý 1/2008, dự báo 2,5% (2008)

Tổng thu nhập quốc dân: 556 tỷ Euro /2007 (534 tỷ/2006), dự kiến 582 tỷ Euro/2008

Thu nhập bình quân đầu người: 28.000 Euro (2006)

Tỷ lệ % các ngành chủ chốt trong nền kinh tế: Nông nghiệp: 3%; Công nghiệp: 26%; Dịch vụ: 71%



Tỷ lệ lạm phát: 1,75% (2007) (1,1%/2006), 2%/quý 1-2008, dự kiến 2%/2008

Lực lượng lao động: 7,57 triệu người/2007 (7,2 triệu/2006), chiếm khoảng 45% dân số, dự kiến 7,628 triệu/2008.

Thất nghiệp: 340.000 người/2007 (dự kiến 310.000 người/2008), chiếm khoảng trên 6% tổng lực lượng lao động

Kim ngạch xuất khẩu: 347 tỷ Euro/2007, xuất siêu 49,95 tỷ Euro (318,95 tỷ Euro/2006), (nguồn Cơ quan Thống kê Hà Lan CBS). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: nguyên vật liệu như hoá chất, dầu, sắt thép, máy móc thiết bị, thực phẩm, nông sản

Kim ngạch nhập khẩu: 307 tỷ Euro/2007 (285,37 tỷ Euro /2006), (nguồn Cơ quan Thống kê Hà Lan - CBS). Mặt hàng nhập khẩu chính: nguyên nhiên liệu, máy móc thiết bị, hàng chế tạo, hoá chất, sắt thép, nông phẩm...

các thị trường xuất khẩu chủ yếu: các nước Tây Âu, Đông Âu, Châu Á, Bắc Mỹ,

các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: nguyên vật liệu như hoá chất, dầu, sắt thép, máy móc thiết bị, thực phẩm, nông sản

các mặt hàng nhập khẩu chính: nguyên nhiên liệu, máy móc thiết bị, hàng chế tạo, hoá chất, sắt thép, nông phẩm...



Đầu tư ra nước ngoài: (đính kèm theo: bảng thống kê chi tiết các nước/các năm...)

ĐỐI NGOẠI

Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Hà Lan từ bỏ chính sách trung lập, Hà Lan tham gia kế hoạch Marshall của Mỹ.

- Năm 1948 cùng Bỉ, Luxembourg lập Liên minh quan thuế Benelux.

- Năm 1949 tham gia NATO

- Năm 1957, là một trong 6 nước thành viên sáng lập EEC (EU hiện nay)

- Hà Lan là thành viên của OECD và OSCE.

Là một nước nhỏ, phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài, Hà Lan quan tâm đến hoà bình, ổn định trên thế giới và tự do lưu thông quốc tế. Hà Lan ủng hộ mạnh mẽ quá trình thống nhất Châu Âu cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Hà Lan cũng ủng hộ quan hệ chặt chẽ với Mỹ trong vấn đề an ninh Châu Âu. Mặt khác, Hà Lan cũng thi hành chính sách đa dạng hoá quan hệ, mở rộng hợp tác với các nước thuộc các khu vực khác trong đó có các nước nhiều nguyên liệu ở Châu á, Trung Đông và Bắc Phi.

Hà lan, Liên minh Châu Âu và Tổ chức Thương mại Thế giới
Là một trong những nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới, Hà Lan sẽ hưởng lợi từ sự tự do hoá ngày càng tăng trong thương mại thế giới. Chính vì vậy, Hà Lan luôn là nước ủng hộ mạnh mẽ các quy định có tác dụng tăng cường sức mạnh kinh tế thị trường, tăng khả năng tiếp cận thị trường và đấu tranh chống lại cạnh tranh không công bằng.
Liên minh Châu Âu (EU) là khối liên minh thương mại lớn nhất trên thế giới, chiếm hơn 20% tổng lượng hàng hoá buôn bán trên thế giới. Các chuyên gia dự tính rằng khoảng 9% tổng tài sản của EU là từ xuất khẩu sang các nước ngoài EU. Do đó EU luôn luôn ủng hộ các chính sách thúc đẩy thương mại thế giới và hoàn toàn đồng ý với mục tiêu của WTO về tự do hoá thương mại và thúc đẩy thương mại tự do.
Đại diện cho EU và các nước thành viên trong Tổ chức Thương mại Thế giới là Uỷ ban Châu Âu, Uỷ ban này là đại diện có thẩm quyền về chính sách thương mại chung của EU theo Điều 133 của Hiệp ước Cộng đồng Chung Châu Âu. Số lượng phiếu của EU trong Hội đồng chung của WTO tương đương với số lượng nước thành viên. Tại WTO, EU hiện là khối đại diện cho 25 nước thành viên.
Vị trí, vai trò của Hà Lan: Hà Lan luôn cam kết hướng tới một kết quả thành công Chương trình Nghị sự Phát triển của Vòng đàm phán Doha. Điều đó sẽ giúp Chính phủ Hà Lan đạt được mục tiêu của mình là:


  • tăng cường vai trò của WTO là tổ chức đóng vai trò then chốt trong hệ thống thương mại thế giới;

  • hoà nhập hơn nữa các nước đang phát triển vào nền thương mại thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới;

  • đẩy nhanh quá trình tự do hoá thương mại vì lợi ích của tất cả các bên;

  • xác định và thiết lập trên cơ sở nền tảng chung với các lĩnh vực chính sách khác.

Về viện trợ phát triển, từ tháng 2/1999, chính phủ Hà Lan quyết định giảm số nước được nhận viện trợ song phương từ 70 xuống còn 17 nước là Bangladesh, Bolivia, Ethiopia, Burkina Faso, Eritrea, Ghana, India, Macedonia, Mali, Mozambique, Nicaragua, Sri Lanca, Tanzania, Uganda, Việt Nam, Yemen, Zambia (danh sách này hiện nay gồm 21 nước). Trong quá trình chọn lựa danh sách các nước được nhận viện trợ song phương, chính phủ Hà Lan đã đặt ra nhiều tiêu chuẩn, trong đó có:

1) chính sách kinh tế - xã hội có chất lượng tốt;

2) trình độ quản lý đạt yêu cầu, nhất là trình độ quản lý các quỹ công.

Về nhân quyền, Bộ Ngoại giao Hà Lan đã quyết định thành lập Vụ Nhân quyền và gìn giữ hoà bình, chỉ định Đại sứ nhân quyền (Ambasador for Human Rights).

Chính sách đối ngoại của Hà Lan: 5 mục tiêu cơ bản
- Tăng cường sự điều hành quốc tế: với mục đích chủ yếu là ‎ nhằm tạo ra một thế giới hòa bình, an toàn, thịnh vượng và công bằng với một môi trường phát triển bền vững. Vấn đề then chốt cho sự điều hành quốc tế thành công là bảo đảm một trật tự luật pháp quốc tế chủ yếu được thực hiện thông qua tăng cường hoạt động và hiệu quả của các tổ chức quốc tế có vai trò duy trì trật tự này. Đó cũng chính là lí do mà Hà Lan là nước đặt trụ sở Tòa án Hình sự Quốc tế.
Cũng giống như chính sách về môi trường, chính kinh tế và tài chính là một mảng rất quan trọng của điều hành quốc tế. Không có sự điều hành kinh tế và tài chính cân đối thì sẽ không có sự công bằng hoặc đoàn kết quốc tế. Sự cần thiết về sự điều hành bắt nguồn từ sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng của các nền kinh tế của các quốc gia trên cả cấp độ khu vực và quốc tế.
Hà lan coi nhân quyền là nền tảng cho trật tự luật pháp quốc tế, do vậy chính sách nhân quyền là mối quan tâm bắt buộc của chính sách đối ngoại và chính sách phát triển.
-Thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định quốc tế

Nhiều nước trên thế giới đang đắm mình trong những xung đột bạo lực. Một đất nước trong xung đột sẽ không thể thực hiện được những bước tiến nghiêm túc nhằm giảm đói nghèo. Mặt khác, đói nghèo lại là nền tảng của những xung đột. Do vậy, quản lí xung đột là một nội dung then chốt của chính sách an ninh của Hà Lan. Sự phục hồi ở các nước và khu vực đang có xung đột cũng đòi hỏi phải có xây dựng hòa bình cũng như viện trợ khẩn cấp và tái thiết về kinh tế và cơ sở hạ tâng. Hà Lan sẽ trợ giúp trợ trong trường hợp người dân bị đe dọa, bị thiên tai hoặc bị con người đe dọa đồng thời sự trợ giúp cũng được tiến hành trong trường hợp nước bị ảnh hưởng có đề nghị chính thức sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế, trong trường hợp này sự trợ giúp của chính phủ Hà Lan được gọi là viện trợ nhân đạo.


-Thúc đẩy sự hợp tác Châu Âu

Sau Chiến tranh Thế giới lần 2, các nước Châu Âu thống nhất sẽ không bao giờ chiến đấu chống lại nhau nữa. Các nước này cùng theo đuổi hòa bình thông qua sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Năm 1951, Hội đồng Than và Thép Châu Âu được thành lập, tiếp sau đó là Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC). Đó là hai bằng chứng về thể chế đầu tiên của sự hợp tác Châu Âu. Cộng đồng Châu Âu (EU) ra đời với sự kí kết Hiệp ước Maastricht năm 1992. Vào ngày 1/5/2004 Cộng đồng Châu Âu đã đón tiếp 10 thành viên mới đưa tổng số thành viên lên 25.


- Giảm vững chắc sự nghèo đói

Vào năm 2000, cộng đồng quốc tế cam kết giảm số nghèo đói trên thế giới đi một nửa. Với mục tiêu này, cộng đồng quốc tế đã đề ra 8 Mục tiêu phát triển của thiên niên kỷ đầy tham vọng. Bộ trưởng phụ trách hợp tác phát triển của Hà Lan – Agnes van Ardene đang nỗ lực phấn đấu để đảm bảo Hà Lan đạt được những mục tiêu đó một cách hiệu quả cao nhất. Để đạt được mục tiêu này, bà Bộ trưởng hoan nghênh sự tham gia của các lĩnh vực tư nhân và công cùng với các tổ chức xã hội quần chúng, các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục ở những nước giàu và nước nghèo.




  • Duy trì và tăng cường phát triển các quan hệ song phương



Để tăng cường lợi ích kinh tế và chính trị quốc gia, các nước phải duy trì và củng cố các mối quan hệ song phương, quan hệ giữa các nhà nước với nhau. Để làm được điều này, họ cần phải có hệ thống các cơ quan đại diện. Hà Lan cũng sử dụng các mối quan hệ tiếp xúc song phương để tăng cường quan hệ quốc tế trong các lĩnh vực giáo dục và phát triển bền vững môi trường toàn cầu. Chính sách văn hóa quốc tế của Hà Lan nhằm vào việc tăng cường và phát triển kho tàng văn hóa quốc tế của Hà Lan và phát triển sâu sắc hơn mối quan hệ văn hóa với một số nước và khu vực.
ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO HÀ LAN (thống kê chi tiết hàng năm, có thể tra cứu tại website của Ngân hàng trung ương Hà Lan: http://www.dnb.nl, chọn English, Statistics, chọn Balance of payment- direct investment-international reserves)
1/ 5 lí do để công ty nước ngoài chọn đầu tư vào Hà Lan
- Vị trí chiến lược ỏ Châu Âu: Hà Lan là một vị trí chiến lược để phục vụ thị trường trong phạm vi Châu Âu hiện nay và trong tương lai, Trung Đông và Châu Phi. Vị trí địa lí trung tâm của Hà Lan, kết hợp với khả năng tiếp cận cao và cơ sở hạ tầng lí tưởng là những lí do chủ yếu mà tại sao có nhiều công ty Châu Âu, Châu Mỹ và công ty Châu Á đã đặt cơ sở hoạt động tại Hà Lan.
- Môi trường kinh doanh quốc tế: Hà Lan là nơi giao thoa của kinh doanh Châu Âu từ lâu chính là nơi lí tưởng để đặt cơ sở hoạt động xuyên Châu Âu, cho dù là trụ sở chính ở Châu Âu , một trung tâm Dịch vụ kết hợp, Trung tâm dịchvụ khách hàng, hoạt động phân phối, hậu cần, hay là cơ sở nghiên cứu. Môi trường thuận lợi cho kinh doanh tạo ra cửa ngõ vào Châu Âu đã giúp các công ty quốc tế thành công trong kinh doanh trên toàn lục địa này. Sự mở cửa và hướng ra quốc tế là được bồi đắp trong đặc tính văn hóa Hà Lan và mang lại sự giàu có cho những đối tác kinh doanh tầm thế giới là những người biết cách đương đầu với những thách thức kinh doanh toàn cầu trong nền kinh tế hiện đại.
- Cơ sở hậu cần và hạ tầng lí tưởng: Cảng Rotterdam là một trong những cảng biển lớn nhất của thế giới và sân bay Schiphol Amsterdam được công nhận là một trong những trung tâm kinh doanh của Châu Âu và đã dành được trên 100 giải thưởng quốc tế trong vài thập kỷ qua. Hà Lan cũng được xếp hạng là một trong những nước có hệ thông mạng dày đặc nhất thế giới, một động lực quan trọng trong thương mại điện tử, thông tin và kinh doanh hướng ngoại.
- Lực lượng lao động linh hoạt, được đào tạo trình độ cao, đa ngôn ngữ: Hà Lan là một trong những nước có lực lượng lao động năng động, linh hoạt và được đào tạo trình độ cao nhất ở Châu Âu. Các chuyên gia lành nghề Hà Lan là lực lượng biết nhiều thứ tiếng trên thế giới, khả năng này giúp họ hoạt động thành công trong các công ty ở bất kỳ khách hàng phục vụ công nghiệp nào trên toàn lục địa.
- Chất lượng cuộc sống: Hà Lan tự hào có mức sống cao trong khi vẫn duy trì được cuộc sống dễ chịu cho người dân. Chi phí sinh hoạt, nhà cửa, học tập và các hoạt động văn hóa thấp hơn so với hầu hết các nước Tây Âu khác. Nhiều năm liền, Báo cáo phát triển con người của Liên Hiệp Quốc xếp Hà Lan đứng trong 5 nước tốt nhất trên thế giới về môi trường sống.
2/ Cục Đầu tư nước ngoài (NFIA: www.nfia.nl)) hỗ trợ và tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài đầu tư vào Hà Lan. Dù là thành lập mới hoặc cơ cấu lại hoạt động đã có tại Châu Âu, các công ty đều có thể lấy được thông tin, viễn cảnh chiến lược và những thông tin thực tế từ các chuyên gia về kinh doanh của NFIA,
NFIA đã giúp cho hàng trăm công ty nước ngoài lập mới hoặc mở rộng hoạt động ở Hà Lan. Tổng số đã có trên 5000 công ty nước ngoài đã thành lập hoạt động tại Hà Lan.
Là một cơ quan chính phủ, NFIA cung cấp miễn phí dịch vụ thông tin và thực tiễn. Tất cả các dịch vụ được cung cấp trên cơ sở giữ bí mật kinh doanh cho từng công ty. Sự trợ giúp bao gồm cung cấp những thông tin bên trong và những dữ liệu giúp cho nhà đầu tư trong việc lựa chọn vị trí đặt trụ sở hoạt động và chiến lược hậu cần; hướng dẫn sâu và trực tiếp về những vấn đề như là những ưu đãi hiện có, quy trình thủ tục và cơ cấu thuế. NFIA giới thiệu những nhà đầu tư công ty với nhiều nhà cung cấp hệ thống và dịch vụ trong lĩnh vực kinh doanh, các cơ quan chính phủ ở cấp độ quốc gia và khu vực, các chuyên gia nghiên cứu và trong lĩnh vực tư nhan và nhiều vấn đề khác liên quan tới quá trình đầu tư.
Thông qua mạng lưới văn phòng của mình trên toàn thế giới, NFIA tập trung vào các công ty từ Bắc Mỹ, Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, Nhật Bản,Đài loan, Hàn quốc, Cộng hòa Irơlen và Anh. NFIA có văn phòng tại La Hay (The Hague), Luân đôn, NewỶok, Boston, San Mateo, Chicago, Atlânt, Tokyo, Osaka, Shanghai, Hongkong, Tai pei và Seoul.
NFIA là một bộ phận trực thuộc Bộ Kinh tế Hà Lan và là sự thể hiện cam kết cao đối với việc đầy mạnh đầu tư nước ngoài vào Hà Lan.
TÓM TẮT QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9/4/1973. Hà lan lập Đại sứ quán tại Việt Nam 1976. Việt Nam lập Đại sứ quán tại Hà lan năm 1998. Bộ phận Thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan lập cuối năm 2005

Trao đổi đoàn : Nổi bật về phía Việt Nam là các chuyến thăm Hà Lan của Đ/c Phan Văn Khải (tháng 1/95 trên cương vị Phó Thủ tướng và tháng 10/2001 trên cương vị Thủ tướng)… Về phía Hà Lan, Thủ tướng Hà Lan Wim Kok thăm Việt Nam (6/95), Chủ tịch UB Đối ngoại Quốc hội Hà Lan thăm Việt Nam tháng 1/2001, Thái tử Hà Lan thăm Việt Nam tháng 10/2005. Ngoài ra, trong các năm qua, hai bên cũng đã trao đổi nhiều đoàn cấp lãnh đạo Quốc hội, Bộ trưởng, thứ trưởng, và đoàn doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.

Các hiệp định đã ký:

+ Hiệp định hợp tác hàng không (10/1993); Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (3/1994); Thoả thuận hồi hương người tị nạn Việt Nam từ Tiệp Khắc chạy sang Hà Lan (6/1994); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Bản Thoả thuận về hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật (1/1995); Hiệp định khung về Hợp tác Phát triển (ký tháng 10/2000, có hiệu lực từ tháng 7/2001).



Viện trợ phát triển:

Bạn luôn khẳng định giành cho Việt Nam vị trí ưu tiên trong chính sách hợp tác phát triển. Mặc dù Bạn cắt giảm viện trợ cho các nước và số nước được hưởng viện trợ, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách 20 nước ưu tiên nhận viện trợ của Hà Lan và là một trong số những đối tác phát triển quan trọng của Hà Lan.

Tháng 6/1999, Hà Lan đã xếp Việt Nam vào danh sách 17 nước ưu tiên nhận viện trợ phát triển (hiện nay là 21 nước). Tháng 10/2000, hai nước đã ký Hiệp định khung về Hợp tác Phát triển và có hiệu lực từ tháng 7/2001. Tổ công tác giữa Đại sứ quán Hà Lan và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về HTPT tổ chức họp định kỳ hàng năm.

Trước năm 2001, Hà Lan không có cam kết theo tài khoá, mà quyết định theo từng dự án cụ thể. Ngân sách dành cho Việt Nam theo phía Hà Lan là khoảng 20 triệu USD/năm, trong đó ước tính thực hiện mỗi năm khoảng từ 10 đến 15 triệu USD. Ngoài ra, Hà Lan còn viện trợ khoảng 13 triệu đôla cho Chương trình xoá đói giảm nghèo trong hai năm 2001-2002. Tiếp tục dành viện trợ ODA cho Việt Nam , 37 triệu USD/2003, 27 triệu USD/năm 2002, 56 triệu USD/2008.

- Lĩnh vực Hà Lan ưu tiên viện trợ: Hà Lan hiện tiến hành viện trợ cho Việt Nam theo phương pháp tiếp cận ngành với định hướng chính là chuyển trọng tâm từ các dự án đơn lẻ vào cả ngành rộng lớn hơn. Viện trợ của bạn tập trung vào 3 ngành sau :

+ Lâm nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học

+ Quản lý nguồn nước và giao thông đường thuỷ .

+ Y tế .


Gần đây, thêm lĩnh vực giáo dục và đào tạo

- Viện trợ khẩn cấp : Chính phủ Hà Lan đã tích cực viện trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai. Năm 1999, viện trợ 300.000 USD, đồng thời đưa ra sáng kiến hỗ trợ miền trung phòng chống lụt bão. Năm 2000, Chính phủ Hà Lan viện trợ khẩn cấp cho ta 770.000 USD và Hội Chữ Thập đỏ Hà Lan viện trợ 283.000 USD…

- Xoá nợ: trong 2 năm 1994 - 1995, Hà Lan xoá nợ cho ta 23,2 triệu USD và năm 1996 hỗ trợ cán cân thành toán 11,2 triệu USD.

Hợp tác kinh tế:

Ngoài phần viện trợ không hoàn lại, Hà Lan còn có Chương trình tín dụng hỗn hợp Miliev và Oret, theo đó Chính phủ Hà Lan viện trợ không hoàn lại 35% tổng trị giá hợp đồng với nhà thầu Hà Lan (từ 1998 về trước, dự án Miliev được viện trợ 60% và dự án Oret được viện trợ 45%), còn lại 65% là đóng góp từ phía Việt Nam. Chương trình này chủ yếu sử dụng cho các dự án cấp nước, lâm nghiệp, dệt may, sản xuất thức ăn gia súc... Tiêu chuẩn lựa chọn là các dự án không mang tính chất thương mại theo qui định của OCDE, có tác động tích cực đối với môi trường, ít nhất 60% giá trị giao dịch có xuất xứ từ Hà Lan, gắn liền với chính sách phát triển và đóng góp quan hệ kinh tế Hà Lan - Việt Nam.



Năm 2003, lần đầu tiên Hà Lan đưa ta vào danh sách 16 nước được hưởng Chương trình hợp tác với các thị trường mới nổi của Chính phủ Hà Lan (PSOM). Chương trình này nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp hai nước tiến hành các nghiên cứu khả thi tiến tới thiết lập quan hệ đối tác. Trợ giúp tài chính từ Chương trình PSOM có thể lên đến 2/3 giá trị dự án, công ty Hà Lan phải trả phần chi phí còn lại. Dự án phải có kết quả là một sản phẩm định lượng được, phải đem lại mối quan hệ lâu dài về đầu tư hoặc thương mại, không được làm tổn hại đến người nghèo và phụ nữ và trong những trường hợp có thể, dự án phải đem lại hiệu quả môi trường tích cực.

Trao đổi thương mại: (thống kê chi tiết xuất khẩu, nhập khẩu đính kèm)
Trong những năm gần đây quan hệ thương mại giữa hai nước không ngừng tăng trưởng, trong đó Việt nam luôn tăng trưởng và luôn xuất siêu:
- 2000, kim ngạch hai chiều 476,25 triệu USD, VN XK 390,24 triệu USD

- 2004: 758,94 triệu USD trong đóVN XK 581,76 triệu USD

- 2005: 944,16 triệu USD, tăng 24,41%, trong đó VnXK 630,85 triệu USD, tăng 8%

- 2006: 1.218 triệu USD, tăng 25,20% trong đó VNXK 973 triệu USD, tăng 29,97%

- năm 2007: 1.7 tỷ USD, tăng 38,92% trong đó VNXK: 1,18 tỷ USD,tăng 37,87%

- 5 tháng đầu năm 2008: 774 triệu USD, tăng 27,58%, trong đó VN XK 578 triệu USD, tăng 35,58%, dự kiến 2008 kim ngạch hai chiều đạt 2- 2,2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 1,4 -1,6 tỷ USD, tăng trưởng hơn 30%.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam: giày dép, dệt may, hạt điều, sản phẩm gỗ, hải sản, linh kiện điện tử và vi tính, thủ công mỹ nghệ, cà phê, hạt tiêu, than đá, xe đạp và phụ tùng xe đạp, rau quả, sản phẩm nhựa, chè, TCMN…
Các mặt hàng VN nhập khẩu từ Hà Lan: máy móc thiết bị, sữa và sản phẩm sữa, tân dược, hóa chất, sắt thép…
Từ năm 2005, 2006 và 2007, đã xuất hiện một số nhóm hàng mới VN xuất khẩu vào Hà Lan, có hàm lượng chế tạo cao như : linh kiện điện tử, mặt hàng nhựa, dụng cụ dao kéo, ốc- vít-khóa kim loại, tàu thuyền và cấu trúc nổi, đồ thủy tinh, chế phẩm từ thịt-cá-nhuyễn thể, sản phẩm chế biến từ rau-củ-hạt…
Mặc dù kim ngạch thương mại song phương còn chiếm một tỷ trọng quá nhỏ so với tiềm năng của hai nước, Hà Lan vẫn tiếp tục là bạn hàng quan trọng của Việt Nam: đứng thứ 4 trong EU sau Đức, Anh, Pháp và là thị trường quan trọng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Việt Nam vẫn tiếp tục xuất sang Hà Lan với nhiều mặt hàng chủ lực. Việt Nam nhập khẩu nhiều mặt hàng có thế mạnh của Hà Lan và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của ta. Đối với hàng Việt Nam – Bạn áp dụng theo chính sách chung của EU.
Về đầu tư (danh mục các dự án đầu tư của Hà Lan tại Việt Nam đính kèm)
Tính đến hết tháng 4/2008, Hà lan đã đầu tư 2,58 tỷ USD, thực hiện 2,02 tỷ USD đứng thứ 8 trong 63 nước và vùng lãnh thổ và đứng đầu trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là thăm dò và khai thác dầu khí, sản xuất dầu nhờn, cấp thoát nước, chế biến thực phẩm (sữa, bia...). Nhiều công ty của Hà Lan đã sớm đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam để xúc tiến thương mại và đầu tư trong các dự án chế biến hàng xuất khẩu, may mặc, chế biến thực phẩm, chế biến nông sản, hàng công nghiệp v.v.

Nhiều dự án đầu tư của Hà Lan tại Việt Nam hoạt động rất có hiệu quả, với các công ty lớn nổi tiếng như Heineken (bia Heineken, Tiger, Bivina), Unilever (chất tẩy rửa, hoá mỹ phẩm, kem Wall), Royal Dutch Shell, Foremost (sữa), Akzo Nobel Coating (hoá chất), Philips (điện tử), ED&F Man Việt Nam (nông sản), Peja Viet Nam (máy móc thiết bị dệt), P&O Nedlloyd (vận chuyển container).

Lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước: xuất nhập khẩu (phát huy vị thế của Hà Lan là trung tâm phân phối hàng hóa – dịch vụ trên thị trường EU và thế giới), cơ khí hàng hải (đóng tàu, chế tạo sản phẩm cơ khí hàng hải) và dịch vụ liên quan đến hàng hải (phát triển cảng biển, đào tạo, vận chuyển, giao thông nội thủy và viễn dương, logistics…) nông nghiệp (giống cây trồng/vật nuôi, phương thức canh tác – bảo quản - chế biến tiên tiến –hiệu quả – sạch, quản lý đất đai trong nông nghiệp, phương thức phân phối…), công nghệ quản lý xử lý nước và rác - khí thải (nước sạch, nước thải, trị thủy sông - biển), công trình thủy, xây dựng và duy tu đê điều, hóa chất, dầu khí, dịch vụ tài chính – ngân hàng, công nghệ y tế, đào tạo nghề - cao học, thể thao – văn hóa…

Hợp tác giáo dục, đào tạo

Hà Lan đã giúp Việt Nam nhiều dự án, như Chương trình hợp tác liên đại học Việt Nam- Hà Lan, chương trình học bổng Hà Lan (khoảng 25 học bổng ngắn hạn hàng năm), Chương trình tăng cường khả năng giảng dạy và nghiên cứu dành cho Đại học Cần Thơ. Trừ chương trình học bổng, các chương trình và dự án khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo sẽ kết thúc trong những năm tới, trên cơ sở ưu tiên cho 3 ngành ưu tiên trong hợp tác phát triển đã xác định ở trên.

Từ tháng 8/2002, Hà Lan quyết định đưa Việt Nam vào danh sách một trong sáu nước được hưởng quy chế đặc biệt trong hợp tác về đào tạo đại học (ta là nước Châu Á duy nhất). Chương trình hợp tác tại Việt Nam có tên gọi là "Tăng cường năng lực thể chế cho giáo dục và đào tạo sau phổ thông (NPT)". Trong năm tới dự kiến có 5 dự án thuộc Chương trình này, với ngân sách khoảng 9 triệu euro.

Giáo dục và đào tạo cũng là một lĩnh vực cần được quan tâm. Ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam sang học tại các trường đại học tại Hà Lan, nhiều trường cao đẳng và đại học Hà Lan đang tích cực quảng bá chương trình và dịch vụ đào tạo nhằm thu hút học sinh Việt Nam và tiến tới thiết lập liên kết, hợp tác giảng dạy với các cơ sở đào tạo của Việt Nam.



Trao đổi văn hoá giữa hai nước chưa nhiều, chủ yếu là các hoạt động triển lãm tranh, ảnh, hợp tác bảo tồn văn hoá, giao lưu văn nghệ sĩ.

Nguồn tài liệu tham khảo:

  • Trang thông tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam

  • Bộ Công Thương Việt Nam

  • Tổng cục Hải quan Việt Nam

  • Website Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ

  • Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan

  • Website Chính phủ Hà Lan

  • Bộ Kinh tế Hà Lan

  • Trung tâm Hỗ trợ Nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Chính phủ Hà Lan (CBI)

  • Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội

  • Cục Đầu tư nước ngoài Hà Lan ( NFIA)

  • Cục Thống kê Hà Lan (CBS) và Eurostat

  • Ngân hàng Trung ương Hà Lan và một số website khác


Ghi chú: Các số liệu chỉ có tính chất tham khảo và có thể thay đổi theo thời gian, Cơ quan Thương vụ không chịu trách nhiệm về tính chính xác hoặc những sai sót hoặc thiệt hại có thể xảy ra do việc sử dụng những thông tin này




Каталог: uploads -> attach
attach -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
attach -> Tri thức 001. Thống kê y tế II. Phân tích số liệu định lượng : Tham khảo môn Xử lý và phân tích số liệu / Đại học y tế công cộng
attach -> TRƯỜng đẠi học tôN ĐỨc thắng phòng đIỆn toáN & thông tin tư liệu danh mục sách mới tháng 06/2013
attach -> TÀi liệu cơ BẢn về BÊ-nanh và quan hệ VỚi việt nam I. Khái quát
attach -> Quy hoạch phổ TẦn số VÔ tuyếN ĐIỆn quốc gia
attach -> Danh sách các công ty Sri Lanka đang có nhu cầu xuất nhập khẩu các loại hàng hóa
attach -> TÊn công ty nhu cầU ĐỊa chỉ liên hệ
attach -> Nonlinear systems / Hassan K. Khalil
attach -> Thông tư 202/2014/tt-btc
attach -> PHỤ LỤc quy định thành phần hồ sơ thực hiện chế độ chính sách theo Quyết định 250/QĐ-ttg của Thủ tướng Chính phủ

tải về 118.25 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương