TIÊu chuẩn ngành 22tcn 241: 1998 Có hiệu lực từ: 6-2-1998



tải về 474.21 Kb.
trang1/6
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích474.21 Kb.
#16264
  1   2   3   4   5   6
TIÊU CHUẨN NGÀNH

22TCN 241:1998

Có hiệu lực từ: 6-2-1998

CÔNG TRÌNH CHỈNH TRỊ LUỒNG CHẠY TÀU SÔNG


(Ban hành theo Quyết định số 184/QĐ-KHKT ngày 6/2/1998 của Bộ GTVT)

I. Quy định chung

1.0.1. Tiêu chuẩn này dùng để thiết kế các công trình chỉnh trị luồng chạy tàu trên sông không chịu ảnh hưởng thủy triều phục vụ vận tải nội địa. Không áp dụng tiêu chuẩn này để thiết kế các công trình phục vụ phòng, chống lũ lụt, tưới tiêu và các mục đích khác.

1.0.2. Các bước thiết kế, thành phần, nội dung đồ án thiết kế công trình chỉnh trị luồng chạy tàu trên sông phục vụ vận tải thuỷ nội địa phải phù hợp với "Quy chế lập, thẩm định và xét duyệt thiết kế công trình xây dựng".

1.0.3. Thiết kế các công trình chỉnh trị luồng chạy tàu trên sông phục vụ vận tải thủy nội địa phải đáp ứng các yêu cầu chung như sau:

- ứng dụng được các thành tựu khoa học mới, các tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới và kế thừa được các kinh nghiệm đã đúc kết trong thực tế chỉnh trị ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

- Tận dụng triệt để nguồn vật liệu địa phương sẵn có phù hợp với nguồn vốn, nhân lực và khả năng thi công của các nhà thầu trong nước. Việc áp dụng các công nghệ xây dựng mới, sử dụng các loại vật liệu mới cần phải được xem xét một cách cẩn thận trên cơ sở tiến hành thí nghiệm trong phòng và xây dựng thử nghiệm trên hiện trường.

- Các công trình chỉnh trị xây dựng trước mắt không được mâu thuẫn với quy hoạch chỉnh trị lâu dài, không gây ảnh hưởng xấu đến các công trình và lợi ích của các ngành kinh tế khác có liên quan đến khai thác tổng hợp đoạn sông/ nhánh sông mà đặc biệt là các công trình phòng chống lũ lụt, tưới tiêu phục vụ nông nghiệp, bảo vệ môi trường.

1.0.4. Chỉnh trị luồng chạy tàu phục vụ vận tải thuỷ nội địa cần phối hợp chặt chẽ với quy hoạch phát triển dân cư, đô thị, khu công nghiệp, quy hoạch tưới tiêu, phòng chống lũ lụt, quy hoạch sử dụng đất đai và quy hoạch phát triển hệ thống các cảng sông - biển cũng như quy hoạch phát triển du lịch và bảo tồn thiên nhiên.

1.0.5 Khi thiết kế các công trình chỉnh trị luồng chạy tàu trên sông cần phải thu thập đầy đủ các tài liệu về địa hình, địa chất lòng sông, số liệu về khí tượng, thủy văn. Cần đặc biệt chú ý công tác khảo sát hiện trường, thu thập các thông tin về bồi xói, diễn biến lịch sử của đoạn sông cũng như các kinh nghiệm chỉnh trị đoạn sông đã tiến hành trước đó.

1.0.6. Các giải pháp kỹ thuật công trình chỉnh trị sông phục vụ vận tải thuỷ nội địa trong tiêu chuẩn này đề cập bao gồm các loại sau:

- Kè chắn (kè mỏ hàn)

- Kè hướng dòng

- Kè khoá (đập khoá)

- Kè dọc (đê dọc)

- Đê bao

- Kè gia cố bờ

- Kè chảy xuyên

- Luồng đào

1.0.7. Căn cứ vào mức độ tác động đến lòng dẫn, dòng chảy và tuổi thọ công trình, các công trình chỉnh trị có thể được phân chia thành công trình vĩnh cửu hay công trình tạm thời.

- Công trình vĩnh cửu là loại công trình được xây dựng với mục tiêu có tác dụng lâu dài để duy trì sự ổn định luồng tàu và hình thái đoạn sông.

- Công trình tạm thời là loại công trình được xây dựng với mục tiêu chỉ có tác dụng đối với lòng dẫn hoặc dòng chảy để phục vụ vận tải thủy trong một mùa hoặc để hỗ trợ các công trình chỉnh trị luồng chạy tàu trên sông trong năm khai thác đầu tiên.

1.0.8. Đối với các công trình chỉnh trị luồng chạy tàu trên đoạn sông có vị trí địa lý kinh tế quan trọng hoặc phức tạp về mặt kỹ thuật phải tiến hành thí nghiệm trên mô hình vật lý để xác định các thông số kỹ thuật tối ưu làm cơ sở cho thiết kế kỹ thuật cũng như bản vẽ thi công.



II. Các số liệu cơ bản

1. Nguyên tắc chung

2.1.1. Để triển khai thiết kế chỉnh trị luồng chạy tàu trên sông cần chuẩn bị đầy đủ các số liệu cơ bản để phù hợp với các nội dung và yêu cầu của đồ án ở từng giai đoạn thiết kế cụ thể và phù hợp với các quy định về quản lý xây dựng cơ bản của Nhà nước. Việc điều tra, thu thập số liệu nên được triển khai làm nhiều bước và các số liệu thu thập bước trước cần phải thoả mãn yêu cầu sử dụng được cho các bước sau đó. Các số liệu cơ bản phục vụ cho thiết kế giai đoạn sau cần điều tra thu thập chi tiết hơn trên cơ sở của các tài liệu có sẵn được thu thập trong giai đoạn trước đó.

2.1.2. Các số liệu về điều kiện tự nhiên và tình hình đoạn sông nghiên cứu cần thiết cho thiết kế công trình chỉnh trị luồng chạy tàu trên sông bao gồm:

- Tài liệu về địa hình lòng sông, bãi sông, bờ sông;

- Tài liệu về thuỷ văn trên đoạn sông nghiên cứu;

- Tài liệu về khí tượng trong khu vực có đoạn sông nghiên cứu đi qua;

- Tài liệu về địa chất và địa chất thủy văn;

- Tài liệu về diễn biến lịch sử của đoạn sông;

- Các tài liệu khác có liên quan đến bảo vệ môi trường;

2.1.3. Các tài liệu có liên quan đến vận tải thuỷ nội địa trên đoạn sông cần thiết cho thiết kế bao gồm:

- Các thông số kích thước tàu thuyền, đội tàu, đoàn tàu thiết kế qua lại trên đoạn luồng hiện tại cũng như trong tương lai;

- Các thông số kỹ thuật của các bến cảng nằm trong đoạn luồng sông yêu cầu chỉnh trị;

- Các thông số kỹ thuật của các công trình lấy nước, tiêu nước và các công trình phòng chống lũ lụt, bảo vệ đê điều trong phạm vi đoạn luồng sông nghiên cứu;

- Các số liệu khác có liên quan đến dự án như các thông tin về hệ thống cấp nước, tiêu nước, phòng lũ, công trình qua sông...và các dự án khác có liên quan đến việc khai thác tổng hợp đoạn sông.

- Các tài liệu về chướng ngại vật trên đoạn luồng sông, các công trình chỉnh trị, bảo vệ bờ sông đã xây dựng;

2.1.4. Việc tiến hành điều tra khảo sát, thu thập số liệu cơ bản phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy trình và quy phạm về quan trắc các yếu tố khí tượng, khảo sát thủy văn, địa hình và địa chất tương ứng ngoài những điều khoản quy định được giải thích trong tiêu chuẩn này.

2.1.5. Khi thiết kế các công trình chỉnh trị luồng chạy tàu trên sông thuộc các đoạn luồng cấp 5, cấp 6, các nội dung khảo sát, thu thập số liệu cơ bản phục vụ cho thiết kế có thể được đơn giản hoá một cách thích hợp tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể và có luận cứ xác đáng.

2. Số liệu về địa hình

2.2.1. Hệ toạ độ đo lập bình đồ địa hình lòng sông, bãi sông phục vụ thiết kế công trình chỉnh trị luồng chạy tàu trên sông cần phải dùng hệ toạ độ Quốc gia; hệ toạ độ địa phương cũng có thể được áp dụng nếu thiết lập được mối quan hệ với hệ toạ độ Quốc gia. Hệ cao độ của bình đồ địa hình phải dùng hệ cao độ Nhà nước hoặc các hệ cao độ Hải đồ/ Thủy lợi nhưng phải xác định được mối quan hệ với hệ cao độ của các trạm thủy/ hải văn lân cận trong khu vực nghiên cứu sẽ được sử dụng. Cần dùng một hệ toạ độ và độ cao thống nhất cho cùng một khu vực khảo sát trong các lần khảo sát khác nhau.

2.2.2. Vị trí của các trạm quan trắc mức nước trong thời gian khảo sát và đường mép nước tức thời dọc sông cần được thể hiện trên bình đồ khảo sát.

2.2.3. Phạm vi đo đạc lập bản đồ địa hình theo chiều dọc sông phải bao phủ được toàn bộ đoạn sông dự kiến chỉnh trị và kéo dài tối thiểu về phía thượng/ hạ lưu đến giữa các vực sâu ổn định ở thượng/ hạ lưu đoạn sông nghiên cứu. Hai bên bờ phải khảo sát đến khu vực có cao độ ngang mức nước lũ bình thường hoặc đến các đê phòng lũ hai bên bờ sông trong trường hợp có đê. Phạm vi khảo sát địa hình các thác ghềnh chảy xiết, thác ghềnh nguy hiểm đối với vận tải thuỷ nội địa cần phải mở rộng và bao phủ được các đoạn thác ghềnh, các đoạn thượng/ hạ lưu chịu ảnh hưởng trực tiếp của chúng khi tiến hành cải tạo.

2.2.4. Đối với các đoạn sông nghiên cứu chỉnh trị có quá trình bồi xói xảy ra mạnh mẽ cần phải tăng số lần khảo sát tối thiểu là ba lần vào các mùa nước kiệt, nước trung trước và sau mùa lũ.

3. Số liệu về khí tượng thủy văn

2.3.1. Ngoài việc thu thập số liệu thuỷ văn từ các trạm thuỷ văn có liên quan đến đoạn sông nghiên cứu cần phải xây dựng bổ sung thêm các trạm đo thường trực và trạm đo tạm thời để quan trắc các yếu tố thuỷ văn tại ngay vị trí dự kiến xây dựng công trình. Số lượng trạm quan trắc và nội dung quan trắc bổ sung được quyết định trên cơ sở mạng lưới trạm thuỷ văn hiện có, chiều dài đoạn sông và tính chất phức tạp của đoạn sông nghiên cứu. Thời kỳ quan trắc của trạm đo thường trực tối thiểu là một năm thủy văn. Việc xây dựng và quan trắc của các trạm đo tạm thời cần phải tiến hành đồng thời với các trạm thường trực.

2.3.2. Các loại tài liệu khí tượng, thuỷ văn cần thu thập cho thiết kế công trình chỉnh trị luồng chạy tàu trên sông cụ thể bao gồm:

1. Mức nước:

Các tài liệu về quá trình mức nước nhiều năm, tần suất luỹ tích mức nước nhiều năm tại các trạm Quốc gia cần được thu thập một cách đầy đủ. Với các đoạn sông nghiên cứu xa các trạm quan trắc mức nước của Nhà nước cần phải tiến hành xây dựng trạm quan trắc các yếu tố nói trên và tiến hành phân tích số liệu để xây dựng tương quan mức nước giữa hai trạm, quan hệ mức nước với lưu lượng, quan hệ mức nước với độ dốc đường mặt nước.

2. Lưu lượng:

Ngoài việc thu thập các số liệu lưu lượng từ các trạm thuỷ văn liên quan, cần phải tiến hành các khảo sát để xác định hệ số phân phối lưu lượng của dòng chảy đối với đoạn sông chia nhánh và sự phân bố lưu tốc trên mặt cắt ngang theo các mức nước đặc trưng đối với các thác ghềnh then chốt. Cần thu thập các tài liệu về phương thức điều tiết và vận hành của nhà máy thủy điện liên quan, các công trình lấy nước và tiêu nước dọc sông; biểu đồ lưu lượng của dòng chảy hay của công trình lấy nước và tiêu nước trong những năm khác nhau, biên độ dao động lưu lượng ngày và mực nước cũng như sự biến động của chúng dọc theo các đoạn sông.

3. Lưu tốc và hướng dòng chảy:

Cần khảo sát lưu tốc và hướng dòng chảy cũng như chế độ dòng chảy gây trở ngại cho tàu bè giao thông trên đoạn sông có các gềnh cạn/ thác ghềnh.

4. Bùn cát:

Cần thu thập số liệu đo đạc của trạm thủy văn về vận chuyển bùn cát, phân bố theo kích thước của bùn cát lơ lửng và bùn cát đáy ngoài ra cần phải tiến hành lấy mẫu và phân tích thành phần hạt địa chất mặt lòng dẫn đoạn sông nghiên cứu.

5. Khí tượng:

Cần thu thập các tài liệu về gió, sương mù, mưa, nhiệt độ không khí, v. v.. có liên quan đến việc tổ chức khai thác chạy tàu.

4. Số liệu về địa chất

2.4.1. Cần tiến hành thu thập và khảo sát địa chất để xác định chiều dày, sự phân bố và cấp phối hạt của lớp đất mặt sông, tính chất của đất đá nằm bên dưới và cao trình đỉnh lớp của nó, sự hình thành bãi bồi và lớp phủ ta luy, v.v... cần tiến hành khoan địa chất hoặc kết hợp khảo sát âm địa chấn để xác định cấu tạo địa chất lòng sông tại những đoạn sông có tình hình địa chất phức tạp.

2.4.2. Cần thu thập thông tin và đánh giá về độ ổn định của mái bờ và cấu tạo địa chất trong khu vực có đá lở và đất trượt.

2.4.3. Đối với các đoạn sông miền núi, trung du cần khảo sát xác định quan hệ giữa độ dốc dọc đáy của suối nhỏ với nguồn bùn và đá, dòng chảy do mưa rào và sự biến dạng của bãi nông cửa suối.



5. Các loại tài liệu khác

2.5.1. Về quá trình diễn biến của lòng sông cần thu thập các tài liệu sau:

1. Các bản đồ khảo sát trong những năm qua trên các đoạn sông điển hình và phân tích diễn biến đoạn sông.

2. Các chướng ngại vật đối với giao thông tàu bè và các tai nạn giao thông đường thuỷ đã xảy ra trong những năm qua tại những ghềnh cạn/ thác ghềnh và phân tích, xác định nguyên nhân gây ra các tai nạn đó.

2.5.2. Về phương tiện vận tải thuỷ cần thu thập các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cho từng chủng loại tàu, đội tàu.

2.5.3. Cần tiến hành khảo sát thu thập các thông tin về môi trường sinh thái có liên quan tới công trình chỉnh trị luồng trong các trường hợp cần thiết.

2.5.4. Đối với sông có gỗ/ bè thả trôi, cần thu thập tài liệu về vận chuyển gỗ thả trôi trong những năm qua và sự phân bố số lượng bè gỗ thả trôi theo các tháng trong năm, các vị trí bến thu nhận gỗ thả trôi cũng như các kích thước của bè thả trôi.

6. Giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi

2.6.1. Đối với những đoạn sông mà ở đó các ghềnh cạn ít thay đổi, việc khảo sát thủy văn, địa hình dưới nước nên tiến hành các đợt trước và sau lũ cũng như trong mùa kiệt.

Đối với các đoạn sông mà ở đó ghềnh cạn có biến đổi lớn trong vòng một năm, nên có các khảo sát bổ sung thêm trong vùng ghềnh cạn như yêu cầu trong mục 2.2.4. Các số liệu thủy văn và địa hình cần được quan trắc và khảo sát đồng thời.

2.6.2. Cần khảo sát độ dốc đường mặt nước, lưu tốc, hướng dòng chảy và chế độ dòng chảy gây trở ngại cho giao thông tàu bè của đoạn sông có các ghềnh cạn/ thác ghềnh. Đối với các ghềnh cạn/ thác ghềnh chủ yếu, đoạn sông sẽ chỉnh trị cần được khảo sát đo vẽ bản đồ với tỉ lệ lớn.

2.6.3. Đối với đoạn sông dự kiến tiến hành nạo vét/ nổ mìn hoặc xây dựng các công trình dạng cọc cần khảo sát địa chất để xác định cấu tạo địa chất đáy luồng, khả năng có thể khoan nổ mìn được của lớp đất đá sẽ bị đào đi và khả năng đóng cọc tại các vị trí dự kiến xây dựng công trình.

2.6.4. Cần thu thập các tài liệu về điều kiện thi công tại các khu vực có hạng mục công trình chính bao gồm cả thông tin liên lạc, cấp nước, cấp điện, nhiên liệu và tác động của các điều kiện tự nhiên cũng như các phương pháp thi công có thể sử dụng.

2.6.5. Cần thu thập các tài liệu về chỉ tiêu và đơn giá liên quan tới việc lập dự toán cho dự án và các nguồn, trữ lượng cũng như chất lượng của vật liệu địa phương dự kiến sử dụng trong xây dựng các công trình chỉnh trị.

7. Giai đoạn thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công

2.7.1. Nên tiến hành thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công trên cơ sở các bản đồ khảo sát trong vòng 1 năm gần đây. Đối với các ghềnh cạn biến đổi mạnh mẽ phải sử dụng bản đồ khảo sát ngày tháng gần nhất của năm hiện hành. Tuỳ thuộc vào tính chất và quy mô của các hạng mục công trình cụ thể dự kiến xây dựng để quyết định tỷ lệ đo vẽ bản đồ khảo sát cho từng khu vực thi công:

Thiết kế nổ mìn: 1:100 - 1:500;

Thiết kế đê kè và nạo vét luồng: 1:500 - 1:1000

2.7.2. Cần tiến hành khảo sát bổ sung một cách chi tiết các số liệu về địa chất, về dòng chảy tại ngay vị trí dự kiến xây dựng công trình nếu trong các bước nghiên cứu trước đó việc khảo sát, thu thập số liệu này chưa thoả mãn được yêu cầu tính toán của bước thiết kế.

2.7.3. Cần phải tiến hành khảo sát đo đạc bổ sung một số yếu tố về dòng chảy, bùn cát để làm cơ sở cho điều chỉnh mô hình nếu trong bước này có triển khai công tác nghiên cứu lựa chọn giải pháp kỹ thuật chỉnh trị trên mô hình toán hoặc mô hình vật lý.

2.7.4. Cần thu thập các tài liệu về khả năng làm việc của máy móc/ thiết bị thi công cũng như các yêu cầu của giao thông tàu bè, khả năng tắc nghẽn giao thông trong thời gian thi công.

2.7.5. Cần thu thập các tài liệu về vị trí, kết cấu và tính chất của các loại công trình, nhà cửa trong phạm vi có thể bị ảnh hưởng khi tiến hành thi công xây dựng các công trình chỉnh trị hoặc các hoạt động nạo vét, nổ mìn.



III. Quy hoạch chỉnh trị

1. Nguyên tắc chung

3.1.1. Với các dự án chỉnh trị luồng chạy tàu trên một đoạn sông dài hoặc một đoạn sông quan trọng cần phải triển khai theo các bước quy hoạch, nghiên cứu khả thi và thiết kế kỹ thuật thi công. Nội dung quy hoạch chỉnh trị cần bao gồm các nội dung chủ yếu như dự báo nhu cầu vận tải (lượng hàng và đội tàu theo các giai đoạn quy hoạch), nguyên tắc chỉnh trị, các tiêu chuẩn thiết kế, quy hoạch tuyến chỉnh trị, quy mô công trình, các bước thực hiện, vốn đầu tư, đánh giá và phân tích sơ bộ về hiệu quả kinh tế và tác động môi trường của dự án.

3.1.2. Năm đích của dự án thường chọn 10-20 năm kể từ năm dự án dự tính hoàn thành đưa vào khai thác để dự báo nhu cầu vận tải trên tuyến. Năm đích của dự án có thể sớm hay muộn tuỳ theo tính chất, quy mô và đặc điểm của dự án.

3.1.3. Chuẩn tắc luồng chạy tàu thiết kế cho năm đích của dự án cũng cần phải được xác định trên cơ sở phân tích so sánh kinh tế - kỹ thuật của nhiều phương án đội tàu đang hoạt động, tình hình luồng lạch và đặc tính riêng của sông thiên nhiên cũng như các yêu cầu phát triển giao thông vận tải thủy nội địa.

3.1.4. Nội dung chính của phân tích so sánh kinh tế - kỹ thuật lựa chọn chuẩn tắc luồng chạy tàu phải bao gồm các kích thước luồng chạy tàu, cỡ và trọng tải tàu, các biện pháp kỹ thuật chỉnh trị, khối lượng xây lắp, vốn đầu tư và chi phí duy tu bảo dưỡng hàng năm, khả năng thông qua của luồng tàu, vốn đầu tư đóng mới tàu và các chi phí khai thác tàu bè, phân tích lợi ích kinh tế v.v...

3.1.5. Nghiên cứu chỉnh trị sông phục vụ vận tải thủy nội địa cần phải được bắt đầu từ việc phân tích số liệu lịch sử, xác định quy luật diễn biến của đoạn sông, đánh giá hiện trạng đoạn sông và dự đoán xu thế diễn biến lòng dẫn, dòng chảy đoạn sông trong thời kỳ tới. Khi phân tích quá trình diễn biến của lòng sông cần nhấn mạnh về các điều kiện gây ra sự thay đổi đoạn sông như đường bờ, các bãi cạn, vực sâu, dòng chảy, bùn cát v.v... cho các sông đồng bằng; và về biến đổi của đặc tính dòng chảy, chuyển động của bùn cát đáy, bồi tích ở cửa suối v.v... cho các sông miền núi.

3.1.6. Đối với các đoạn sông có thác ghềnh/ ghềnh cạn phức tạp và có những khó khăn lớn cho việc tiến hành chỉnh trị nên tiến hành thí nghiệm trên mô hình vật lý trước hoặc thậm chí triển khai thử nghiệm nếu cần thiết. Toàn bộ các công tác chỉnh trị đoạn sông chỉ nên tiến hành sau khi đã thu được các kết quả thí nghiệm/ thử nghiệm xác thực và rõ ràng.

3.1.7. Chương trình, nội dung công tác khảo sát thu thập số liệu và nghiên cứu chỉnh trị các thác ghềnh/ ghềnh cạn chủ yếu trước và sau khi thực hiện các công tác chỉnh trị cần phải vạch ra một cách cụ thể trong bước quy hoạch chỉnh trị.



2. Các tiêu chuẩn chỉnh trị

3.2.1. Mực nước chạy tàu thiết kế thấp nhất cần đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Mực nước chạy tàu thiết kế thấp nhất có thể được tính toán trên cơ sở đường tần suất luỹ tích mức nước nhiều năm. Khi tính toán mực nước của các ghềnh cạn/ thác ghềnh ứng với mực nước chạy tàu thấp nhất tại trạm thuỷ văn, có thể sử dụng phương pháp tương quan mực nước. Nếu thiếu các số liệu lập tương quan có thể tính toán và xác định theo phương pháp vẽ đường mặt nước tức thời trong mùa kiệt hoặc bằng phương pháp nội suy độ dốc.

2. Đối với đoạn sông không bị khống chế bởi một công trình đầu mối, mực nước chạy tàu thiết kế thấp nhất của đoạn luồng thượng lưu và hạ lưu các công trình đầu mối cần được xác định theo phân cấp các tuyến đường thuỷ nội địa.

3. Mực nước chạy tàu thiết kế thấp nhất của đoạn sông gần cửa sông chịu ảnh hưởng triều có thể được xác định theo "Quy trình thiết kế kênh biển" ban hành theo quyết định 115/QĐ-KT4 ngày 12/01/1976 của Bộ GTVT.

3.2.2. Kích thước tiêu chuẩn của luồng chạy tàu phải tính theo các điều quy định tương ứng sau đây:



1. Độ sâu yêu cầu chạy tàu tiêu chuẩn

H = t + ∆H (3.2.2-1)

Trong đó:

H : Độ sâu yêu cầu chạy tàu tiêu chuẩn của luồng (m);

t: Mớn nước tiêu chuẩn của tàu (m);

∆H : Dự phòng chiều sâu nước chạy tàu yêu cầu (m).



Bảng 3.2.2

Dự phòng chiều sâu nước (m) chạy tàu yêu cầu đối với lòng sông có cấu tạo địa chất bề mặt là cát/ bùn



Độ sâu yêu cầu chạy tàu (m)

<1,5

1,5-3,0

>3,0

Dự phòng chiều sâu (m)

0,2-0,3

0,3-0,4

0,4-0,5

Chú ý: Đối với lòng sông có cấu tạo địa chất bề mặt là đá/ sỏi cuội cần cộng thêm 0,1-0,2 m vào các giá trị cho trong bảng.

2. Chiều rộng luồng lạch chạy tàu tiêu chuẩn

Chiều rộng luồng lạch chạy tàu tiêu chuẩn được xác định tuỳ thuộc vào quy mô luồng giao thông hai làn hay luồng giao thông một làn và các điều kiện khác của luồng.

(1) Đoạn luồng thẳng

- Chiều rộng của luồng lạch giao thông hai làn xác định theo công thức sau đây:

B = b1 + L1sin + b2 + L2sin + 2D + ∆b (3.2.2-2)

Trong đó:



B

-

Chiều rộng của một luồng giao thông hai làn (m);

b1, b2

-

Các chiều rộng của đội tàu theo hướng ngược/xuôi;

L1, L2

-

Các chiều dài của đội tàu đẩy theo hướng ngược/ xuôi, hay chiều dài của







sà lan dài nhất trong trường hợp đội tàu kéo (m);



-

Góc trôi giạt của đội sà lan hay tàu đang chạy có thể lấy bằng 3-5o;

D

-

Dự phòng khoảng cách giữa thành tàu và biên luồng (m);

∆b

-

Dự phòng khoảng cách giữa các mạn tàu của hai đoàn sà lan (m);

- Chiều rộng của luồng lạch giao thông một làn tính toán dựa trên cơ sở của đội tàu đang xuôi dòng:

B = b2 + L2 sin + 2D (3.2.2-3)

(2) Đoạn luồng cong

Cần xác định chiều rộng luồng chạy tàu của đoạn cong trên cơ sở các yếu tố như bán kính cong, lưu tốc và chiều dòng chảy, chế độ dòng chảy cũng như chiều dài đội sà lan và tính cơ động của nó, v.v... Chiều rộng luồn của đoạn cong không cần thiết phải mở rộng khi R > 6L nhưng cần phải mở rộng thích đáng khi R < 3L. Đối với trường hợp 3L < R < 6L việc có cần mở rộng luồng hay không có thể quyết định tuỳ theo tình hình của lưu tốc, lưu lượng nước, v.v... của đoạn sông cụ thể.

Nên xác định độ gia tăng chiều rộng luồng tại đoạn sông cong thông qua các thí nghiệm chạy thử tàu mẫu; trong trường hợp không có điều kiện thí nghiệm có thể lựa chọn sơ bộ thông qua tính toán kiểm tra bằng công thức sau đây:

∆B = L2/(2R + B) (3.2.2-4)

Trong đó:

∆B - Độ gia tăng chiều rộng luồng của đoạn cong (m);

R- Bán kính cong tim luồng (m);

B- Chiều rộng luồng tương ứng tại đoạn thẳng (m);

L - Chiều dài cực đại của đội sà lan đẩy hoặc chiều dài lớn nhất của sà lan trong đội tàu kéo (m).

3. Bán kính cong tối thiểu của luồng:

Bán kính cong tối thiểu (Rmin) của luồng chạy tàu có thể lấy bằng 3 lần chiều dài của đội sà lan đẩy hoặc 4 lần chiều dài sà lan dài nhất của đội tàu kéo. Nếu áp dụng biện pháp mở rộng hoặc nếu chế độ dòng chảy êm thuận và điều kiện quan sát lẫn nhau khi lái tàu khá tốt thì có thể giảm bán kính cong một cách thoả đáng nhưng trong mọi trường hợp Rmin cũng không được nhỏ hơn 2 lần chiều dài đội sà lan đẩy hoặc 3 lần chiều dài sà lan dài nhất của đội tàu kéo.

3.2.3. Điều kiện dòng chảy trên luồng chạy tàu cần thoả mãn các yêu cầu sau đây:

1. Đối với sông đồng bằng, lưu tốc dọc mặt nước cực đại tại và dưới mực nước chỉnh trị cần có giá trị nhỏ hơn 2,0m/s.

2. Đối với các sông miền núi, lưu tốc dọc mặt nước cực đại và độ dốc cục bộ trên các ghềnh cạn/ thác ghềnh sau khi chỉnh trị cần đáp ứng các yêu cầu sao cho đội tàu tiêu chuẩn ngược dòng chạy được bằng công suất của chính nó. Việc chỉnh trị các thác ghềnh chảy xiết áp dụng quy định trong mục 5.1.4.

3. Lưu tốc ngang và lưu tốc dòng nước vật lần lượt tương ứng không nên vượt quá 0,3m/s và 0,4m/s tại cửa vào của các luồng nạo vét, luồng khu vực thượng/ hạ lưu âu tàu, cửa vào của các công trình lấy nước và cửa xả của các công trình tiêu nước.

3. Các nguyên tắc chỉnh trị

3.3.1. Để tiến hành triển khai công tác chỉnh trị luồng lạch chạy tàu trước hết cần nghiên cứu quy hoạch chỉnh trị cho toàn bộ đoạn sông với sự xem xét kỹ càng tất cả các yếu

tố có liên quan dựa trên quy luật diễn biến của lòng sông. Các công trình chỉnh trị cục bộ từng phần ghềnh cạn/ thác ghềnh phải phù hợp với quy hoạch chỉnh trị của toàn đoạn sông nghiên cứu.

3.3.2. Khi chỉnh trị luồng lạch, các nguyên tắc chỉnh trị và biện pháp kỹ thuật cần áp dụng một cách linh hoạt và phù hợp với đối tượng là sông miền núi hay sông đồng bằng vì chúng có các đặc điểm khác xa nhau.

1. Khi chỉnh trị sông miền núi nhằm cải thiện hình thể và điều kiện dòng chảy luồng lạch không thoả mãn yêu cầu giao thông tàu bè, các biện pháp chủ yếu nên áp dụng là nổ mìn phá đá ngầm đối với lòng sông đá và áp dụng giải pháp nạo vét kết hợp với xây dựng

đê kè đối với đoạn sông có địa chất lòng sông sỏi - cát.

2. Khi chỉnh trị sông đồng bằng, biện pháp chủ yếu nên áp dụng là xây dựng đê kè để điều chỉnh, khống chế hình thế sông ở mực nước chỉnh trị, ổn định hoá luồng chạy tàu và làm cho dòng chảy êm thuận, gây xói mòn và khơi sâu luồng. Khi cần thiết, biện pháp chủ yếu cũng có thể hoặc là chỉ nạo vét hoặc là nạo vét đi đôi với xây dựng công trình chỉnh trị.

3.3.3. Khi đã xác định rõ bản chất gây trở ngại đối với giao thông vận tải thuỷ nội địa của các ghềnh cạn, các thác ghềnh chảy xiết và những thác ghềnh nguy hiểm cần nghiên cứu áp dụng các biện pháp chỉnh trị có hệ thống với một mục đích rõ ràng trước mắt cũng như lâu dài. Đối với các thác ghềnh và ghềnh cạn có đồng thời 2 hoặc 3 loại đặc tính gây trở ngại đối với giao thông vận tải thuỷ cần tiến hành cải tạo toàn diện với sự chú ý đặc biệt đến yếu tố chủ đạo là lòng dẫn hay dòng chảy.

3.3.4. Công tác chỉnh trị một đoạn sông dài có thể được thực hiện ngay một lần hay theo từng giai đoạn và từng phần tuỳ thuộc vào tầm quan trọng và sự cấp bách đối với việc phát triển kinh tế. Đối với đoạn sông gây trở ngại nghiêm trọng đối với giao thông vận tải thuỷ thì việc xây dựng các công trình chỉnh trị tại các đoạn sông này cần được ưu tiên triển khai ngay khi điều kiện cho phép.

3.3.5. Đối với các ghềnh cạn có quá trình bồi - xói thay đổi trong năm nên triển khai công tác chỉnh trị vào thời điểm thích hợp và vào lúc đoạn sông đang diễn biến theo hướng có lợi trong quá trình phát triển của chính đối tượng và mục tiêu chỉnh trị.

3.3.6. Trong trường hợp tiến hành chỉnh trị luồng trên đoạn sông đã có hoặc sẽ có đầu mối công trình thuỷ lợi, thủy năng cần phân tích và nghiên cứu cẩn thận sự biến đổi có thể xảy ra của các điều kiện dòng chảy, bùn cát và sự bồi tích, xói lở cũng như biến dạng lòng sông sẽ gây ra bởi đầu mối công trình thủy lợi, thủy năng và các yếu tố ảnh hưởng khi vận hành công trình thuỷ lợi đầu mối trên luồng chạy tàu. Cần dự tính các xu hướng phát triển luồng thích hợp cùng các biện pháp chỉnh trị tương ứng sẽ được sử dụng.



tải về 474.21 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương