THÔng tấn xã việt nam



tải về 227.27 Kb.
trang1/2
Chuyển đổi dữ liệu26.11.2017
Kích227.27 Kb.
#34582
  1   2

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Vietnam News Agency (VNA)

Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt - Hà Nội, Việt Nam


Tel: (84-4) 38255443; Fax (84-4) 38252984; E-mail : btk@vnanet.vn; http://news.vnanet.vn




Số 164/ TKNB-QT-TN Thứ Sáu, ngày 29/8/2014

TIN THAM KHẢO NỘI BỘ

(Phần Quốc tế)


  1. PHẦN TIN LIÊN QUAN VIỆT NAM


Dư luận về quan hệ Việt-Trung sau chuyến thăm Trung Quốc của đồng chí Lê Hồng Anh

TTXVN (Singapore 29/8) - Nhật báo The Strait Times của Singapore số ra ngày 29/8 đã dẫn nhiều ý kiến của giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc và Việt Nam mới đây đạt được một thỏa thuận dù mong manh song sẽ làm dịu căng thẳng song phương, vốn leo thang hồi tháng 5 vừa qua khi Bắc Kinh hạ đặt một giàn khoan trong vùng biển tranh chấp và khiến Hà Nội cân nhắc đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra tòa án quốc tế phân xử.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng lưu ý rằng cuộc gặp hôm 27/8 tại Bắc Kinh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) với đặc phái viên Lê Hồng Anh của Việt Nam đã không tạo ra được bất kì đột phá cơ bản nào, dù cả hai bên đã bày tỏ mong muốn “khôi phục” và “cải thiện” quan hệ. Chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-ASEAN, Li Jinming thuộc Đại học Hạ Môn cho rằng chuyến đi của ông Lê Hồng Anh và những tuyên bố mang tính hòa giải được đưa ra sau cuộc gặp với giới lãnh đạo Trung Quốc cho thấy Việt Nam giờ đây đã từ bỏ lựa chọn pháp lí. Giáo sư Li nói: “Hà Nội đã hạ nhiệt và tỏ ra bình tĩnh, nhận ra rằng cái giá phải trả về kinh tế là quá lớn. Trung Quốc và Việt Nam, đều là các nước xã hội chủ nghĩa, lâu nay vốn có quan hệ gần gũi và mạnh mẽ”.

Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã được cử tới Bắc Kinh với tư cách Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông là nhà lãnh đạo Việt Nam cấp cao nhất đến Trung Quốc kể từ tháng 5. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan vào vùng biển tranh chấp gần quần đảo Hoàng Sa đã gây ra tình trạng bế tắc suốt 2 tháng, với các vụ va chạm trên biển giữa hai bên và một cuộc bạo động chống Trung Quốc tại Việt Nam khiến 4 người chết. Bắc Kinh đã đình chỉ một phần quan hệ song phương, trong khi Hà Nội công khai tỏ ý sẽ đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển, tiếp bước Philippines - một bên có tranh chấp chủ quyền khác ở Biển Đông.

Giới phân tích cho rằng một loạt động thái nhượng bộ và đe dọa trong vài tháng qua đã mở đường cho thỏa thuận nổi bật này. Tháng trước, Trung Quốc đã rút giàn khoan khỏi vùng biển tranh chấp sớm hơn một tháng so với dự định, khẳng định đã hoàn tất công việc, tuy nhiên, nhà nghiên cứu kì cựu về Việt Nam, ông David Koh lưu ý rằng động thái nói trên cũng góp phần tháo gỡ rào cản lớn nhất để hai bên thúc đẩy đàm phán.

Theo giới truyền thông, Việt Nam đã đền bù cho các nạn nhân trong vụ bạo động chống Trung Quốc cũng như hội nghị ngoại trưởng ASEAN hồi đầu tháng này tại Myanmar, không chấp nhận đề xuất của Philippines đóng băng mọi “hành động khiêu khích” ở vùng biển tranh chấp. Cùng lúc đó, giới quan sát lưu ý việc một số nghị sĩ Mỹ hứa hẹn vận động chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam cũng là nguyên nhân khiến Trung Quốc quan ngại rằng nước Cộng sản láng giềng sẽ chuyển hướng sang Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong khi tuyên bố chính thức khẳng định hai bên “cam kết tôn trọng các nguyên tắc đàm phán trên biển và lên án những hành động có thể làm phức tạp hay gây leo thang căng thẳng”, Tiến sĩ David Koh lại cho rằng điều này chỉ là “bình mới rượu cũ”. Ông nói: “Không có điều gì mới xuất hiện trong chuyến thăm này, ngoại trừ việc nó thể hiện ai cũng sẵn sàng hợp tác vì hòa bình. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản về chủ quyền lãnh thổ, như giàn khoan đó thực sự hạ đặt trong vùng biển của Trung Quốc hay Việt Nam, như hành động khai thác vùng biển này của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, không hề có tiến triển nào”.

Nhiều nhà quan sát phần lớn coi tình trạng hiện nay ở vùng biển tranh chấp là không bền vững. Nhà nghiên cứu cấp cao Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) cho rằng một phần lí do chuyến thăm của ông Lê Hồng Anh là nhằm tìm cách nhận được sự đảm bảo của Trung Quốc rằng Bắc Kinh sẽ không đưa thêm giàn khoan vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Ông nói: “Tôi chắc chắn sẽ không có sự đảm bảo nào như vậy được đưa ra. Trung Quốc dường như quyết tâm thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của mình và Việt Nam cũng vậy, sẵn sàng kháng cự sự vi phạm của Trung Quốc. Do cả hai bên đều không thay đổi lập trường, các cuộc khủng hoảng trong tương lai là không thể tránh khỏi.

TTXVN (La Habana 28/8) - Ngày 28/8, báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, đã đưa tin trên trang quốc tế về chuyến thăm tới Trung Quốc với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, với đầu đề in đậm “Trung Quốc và Việt Nam tăng cường quan hệ hữu nghị và giải quyết những bất đồng”.

Tờ báo dẫn nguồn của Tân Hoa xã cho biết trong cuộc họp với Đặc phái viên Lê Hồng Anh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị hai bên cùng nỗ lực để khôi phục mối quan hệ giữa hai nước sau những căng thẳng diễn ra gần đây. Theo báo Granma, ông Tập Cận Bình, đồng thời là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy trung ương, đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Việt Nam là hai nước xã hội chủ nghĩa và láng giềng gần gũi, vì vậy “láng giềng thì không thể rời xa nhau và sẽ có lợi đối với cả hai bên khi làm bạn với nhau”.

Về phần mình, đồng chí Lê Hồng Anh nêu rõ, chiến lược lâu dài của Đảng và Chính phủ Việt Nam là hợp tác với Trung Quốc, và trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, việc hợp tác và giải quyết những bất đồng là rất quan trọng đối với hai nước.

Báo Granma cũng nói rằng theo các nguồn tin chính thức tại Bắc Kinh, cuộc gặp gỡ của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc với Đặc phái viên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra sau khi hai bên đi tới thỏa thuận về việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác để giải quyết các bất đồng.

Báo Granma còn cho biết đồng chí Lê Hồng Anh đã ký với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn thỏa thuận ba điểm, trong đó bao gồm những chỉ dẫn cơ bản về việc giải quyết các vấn đề trên biển mà hai bên đã ký kết tháng 10/2011. Hai bên cũng nghiên cứu và thảo luận về vấn đề cùng nhau khai thác khu vực biển Nam Trung Hoa hay còn gọi là Biển Đông cũng như các biện pháp để tránh những hành động có thể gây phức tạp và mở rộng sự tranh chấp, nhằm giữ vững ổn định chung trong quan hệ hai bên và hòa bình tại vùng biển này.

Tờ báo nhận xét: “Mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam trong những tháng gần đây đã bị ảnh hưởng bởi sự căng thẳng gây nên do sự tranh chấp lãnh thổ mang tính lịch sử tại vùng biển được gọi là Nam Trung Hoa hay Biển Đông giữa một số nước trong vùng”.



TTXVN (New York 28/8) - Nhật báo Wall Street JournalWSJ (Mỹ) ngày 28/8 nhận định chuyến thăm Trung Quốc của Đặc phái viên Việt Nam Lê Hồng Anh trong tuần này giúp thúc đẩy các mối quan hệ giữa hai nước sau 2 tháng căng thẳng liên quan tới Biển Đông, nhưng các cựu quan chức Việt Nam và các nhà phân tích an ninh cho rằng sự lắng dịu trong quan hệ hai nước chỉ là tạm thời trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục leo thang nỗ lực kiểm soát vùng nước tranh chấp.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nỗ lực hạ thấp những căng thẳng giữa hai quốc gia trong cuộc gặp với Đặc phái viên Việt Nam hôm 27/8. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập nói rằng một nước láng giềng không thể rời đi chỗ khác, và việc hai nước thân thiện với nhau nằm trong lợi ích chung của cả đôi bên. Còn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong một tuyên bố rằng hai nước nhất trí tránh thực hiện các hành động tại Biển Đông có thể làm gia tăng căng thẳng trong quá trình tìm kiếm các thỏa thuận cuối cùng có thể giúp giải quyết những tranh cãi trên biển.

WSJ cho rằng vẫn còn phải chờ đợi xem liệu các tuyên bố của ông Tập có đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ giảm bớt nỗ lực thúc đẩy chủ quyền tại Biển Đông hay không. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, coi đó là vùng nước lịch sử, và tuyên bố này đã khiến Bắc Kinh xung đột với các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines. Cùng với Trung Quốc, 5 chính phủ khác cũng tuyên bố chủ quyền với một số khu vực trên Biển Đông.

Chuyên gia Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định rằng việc ông Tập, nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, gặp Đặc phái viên Việt Nam phản ánh sự quan tâm mức cao của giới lãnh đạo chóp bu Trung Quốc với các tranh chấp tại Biển Đông. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ rút các tuyên bố chủ quyền của mình. Ông Ian Storey cho rằng Trung Quốc tới nay vẫn chưa đưa ra một sự nhượng bộ nào. Thông điệp từ chính phủ trung ương Trung Quốc tới nay vẫn kiên định, đó là Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước láng giềng nhưng sẽ không thỏa hiệp tuyên bố chủ quyền.

Các nhà ngoại giao tại Bắc Kinh đang quan ngại về các động thái của Trung Quốc, và một số đang chất vấn những cam kết của ông Tập trong việc cải thiện các mối quan hệ của Trung Quốc với láng giềng và các nỗ lực của chính phủ trong việc khẳng định quyền kiểm soát tại các khu vực tranh chấp.

Đài VOA (đêm 28/8) - Nhận định về chuyến đi kéo dài 2 ngày của ông Lê Hồng Anh theo lời mời của phía Trung Quốc, ông Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, nói:“Ông Lê Hồng Anh đi thăm Trung Quốc trong cái thế là Trung Quốc vẫn tấn công mà Việt Nam ở thế yếu. Thế yếu mà đi cầu hòa thì không bình đẳng được với kẻ mạnh. Tôi cho rằng muốn thông báo công khai thế nào thì không biết, nhưng chắc là cũng bị phía Trung Quốc áp đặt những điều kiện nào đó mà trong bí mật thôi, không công khai. Bên yếu mà đi cầu hòa thì bên mạnh phải áp đặt chứ. Ví dụ như là họ áp đặt rằng là bây giờ phải gác tranh chấp, cùng khai thác như luận điệu của họ từ trước tới giờ, hoặc là họ nói thôi, không được kiện Trung Quốc nữa. Ba là họ nói rằng những việc trước đây, không đấu tranh về Hoàng Sa, Trường Sa gì cả. Tôi nghĩ là họ phải áp đặt một số điều kiện".

Cựu giới chức ngoại giao Việt Nam còn nhận định rằng trên cương vị đặc phái viên, ‘những lời ông Lê Hồng Anh nói là lời của ông Tổng Bí thư’.



Đài BBC (đêm 28/8) - Việt Nam xác nhận ba nguyên tắc “chỉ đạo phát triển” quan hệ Việt - Trung đạt được trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam. Truyền thông Trung Quốc và Việt Nam nói hai bên “đạt được nhận thức chung nguyên tắc ba điểm”. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước có những căng thẳng sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa vào tháng 5/2014.

TTXVN

Truyền thông Việt Nam đa phần lấy tin từ nguồn Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Liên quan tới chủ đề Biển Đông, trang tin Điện tử Chính phủ nói ông Lê Hồng Anh “nêu rõ trước khó khăn, căng thẳng xảy ra trong quan hệ Việt - Trung vừa qua, lãnh đạo cấp cao hai nước cần trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan hữu quan của mỗi bên tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận cấp cao và “Thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc. Kiên trì đàm phán giải quyết tranh chấp trên biển theo tinh thần dễ trước khó sau, cố gắng tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; đồng thời tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên. Đặc biệt, cần kiểm soát tốt những bất đồng trên biển; tránh để xảy ra tình hình phức tạp ảnh hưởng quan hệ hai nước; cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông và xu hướng phát triển tốt đẹp quan hệ hai Đảng, hai nước”. Báo Tuổi TrẻVietnamNet dường như cũng lấy nguồn từ TTXVN và nhấn mạnh về điều họ gọi là “duy trì đại cục” quan hệ Việt – Trung.



Tân Hoa xã

Tân Hoa xã tập trung nhiều vào cuộc gặp của Chủ tịch Tập Cận Bình với ông Lê Hồng Anh tại Bắc Kinh vào hôm 27/8, trong đó ông Tập được dẫn lời nói rằng Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng gần và đều là các nước xã hội chủ nghĩa. Ông Tập nói: “Không thể đưa một láng giềng ra chỗ khác và hai phía đều có lợi ích chung là hiền hòa với nhau”.

Chủ tịch nước Trung Quốc cũng nói rằng “quan hệ song phương gần đây đã bị ảnh hưởng về bình diện chung mặc dù tốt đẹp trong những năm gần đây”. Ông Tập Cận Bình nói căng thẳng gần đây “thu hút nhiều sự chú ý từ cộng đồng quốc tế cũng như từ người dân hai nước”.



Wall Street Journals

Trong khi đó, báo Wall Street Journals dẫn lời một chuyên gia an ninh châu Á bình luận về động thái hàn gắn rạn nứt trong quan hệ Việt - Trung. Ông Ian Storey từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore cho rằng Trung Quốc sẽ không xuống thang trong việc tuyên bố chủ quyền. Ông Storey nói: “Trung Quốc sẽ không nhượng bộ. Thông điệp của chính phủ Trung Quốc là trước sau như một. Trung Quốc sẽ sẵn sàng làm việc với láng giềng nhưng họ sẽ không thỏa hiệp về các tuyên bố về chủ quyền”.

Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam được báo này dẫn lời nói một chuyến thăm đơn lẻ không giải quyết được các tranh chấp có bề dày lịch sử. Ông Trục nói ý định kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc không thay đổi và chính phủ Trung Quốc “sẽ có các hành động đơn phương có thể làm căng thẳng thêm trong tương lai”. Trong khi đó, tạp chí The Economist trước chuyến đi của ông Lê Hồng Anh trong mục blog đã nhận định việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương-981 một tháng trước hạn đưa ra trước đó là để tránh bão. Bài báo cho dẫn lời ông Trần Định Định từ Đại học Macau viết trên tạp chí The Diplomat rằng giai thoại giàn khoan là rất nhất quán với các động thái lấn lướt của Trung Quốc trong những năm gần đây, nhằm bảo vệ chủ quyền và rằng nguyên nhân chính xác cho việc di dời giàn khoan sớm “không quan trọng” trong bức tranh lớn.

Bài viết dựa vào đánh giá của một số nhà phân tích nghi ngờ việc Bắc Kinh dời giàn khoan có hệ lụy đáng kể tới quan hệ Việt Trung.



Đài RFI (đêm 28/8) - Trung Quốc và Việt Nam đã đồng ý đàm phán trở lại với nhau về tranh chấp Biển Đông, một vấn đề đã khuấy động quan hệ hai nước sau khi Bắc Kinh đơn phương cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong Vùng EEZ của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 28/8 đã xác nhận kết quả trên đây của các cuộc tiếp xúc tại Bắc Kinh, chủ yếu vào hôm qua (28/8), của Đặc sứ Việt Nam Lê Hồng Anh với nhiều lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong cuộc họp báo tại Hà Nội, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí thúc đẩy trở lại quan hệ “lành mạnh, ổn định” giữa hai bên, thông qua việc tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực. Riêng về vấn đề Biển Đông, theo ông Lê Hải Bình, hai bên đã đồng ý giải quyết các bất đồng trên cơ sở “nghiêm túc thực hiện “Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, một văn bản có từ năm 2011.

Xin nhắc lại là Việt Nam đã cử Đặc sứ Lê Hồng Anh qua Trung Quốc từ hôm 26/8 để thảo luận về vấn đề quan hệ song phương Việt-Trung thời hậu giàn khoan Hải Dương-981. Ngay từ ngày 27/8, trong một bản tin ngắn công bố ngay sau cuộc gặp giữa ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tân Hoa xã xác định rằng lãnh đạo Trung Quốc đã nhấn mạnh đến quan hệ hữu nghị giữa hai láng giềng, đều là hai nước xã hội chủ nghĩa. Ông Tập Cận Bình đã công nhận rằng quan hệ song phương Việt-Trung “gần đây bị tác động rất lớn, dẫn đến sự quan tâm cao độ của nhân dân hai nước và cộng đồng quốc tế”, nhưng đã khuyến cáo phía Việt Nam là phải cùng với Trung Quốc “nắm bắt đại cục… kiên trì định hướng quan hệ hai nước từ tầm cao chiến lược và góc độ lâu dài, đặc biệt là đưa ra quyết đoán chính trị đúng đắn trong thời điểm then chốt”.

Trước lúc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Lê Hồng Anh đã có buổi làm việc với ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó hai bên đồng ý trên một loạt hành động nhằm tránh làm cho tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông leo thang. Trong các vấn đề được nêu bật có yêu cầu thực hiện nghiêm túc “Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” từng được ký kết vào năm 2011. Theo thông tín viên RFI Heike Schmidt tại Bắc Kinh, qua phát biểu hòa hoãn của cả hai bên vào ngày 27/8, có thể nói là sau nhiều tháng căng thẳng cao độ, Việt Nam và Trung Quốc như đã sẵn sàng “chôn lưỡi búa chiến tranh”, như người Pháp thường nói. Thế nhưng, tình trạng hòa dịu này có thể là sẽ không kéo dài.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh như trên trong cuộc tiếp xúc với đặc phái viên Việt Nam. Ông nói: “Chúng ta là hàng xóm và đều theo chủ nghĩa xã hội. Do đó, lợi ích chung của chúng ta là phải thân thiện với nhau”.

Giọng điệu đã thay đổi đáng kể từ sau khi xảy ra các vụ bạo động chống Trung Quốc tại Việt Nam, đã khiến 4 người thiệt mạng và thúc đẩy Bắc Kinh cho hồi hương 4.000 công dân Trung Quốc. Có hai lý do đã giúp cho quan hệ Trung-Việt lắng dịu trở lại sau nhiều tháng bị sóng gió. Trước hết, Hà Nội đã bồi thường cho chủ nhân của khoảng 140 công ty nước ngoài đã bị người biểu tình đập phá. Kế đến là việc Bắc Kinh đã cho rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng quần đảo Hoàng Sa vào tháng 7 vừa qua. Tại cuộc họp ở Bắc Kinh, hai bên đã có thể đồng ý là kể từ nay sẽ tránh mọi hành động có nguy cơ kích động căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, tình hữu nghị vừa được tái hiện giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể sẽ rất ngắn ngủi. Tập đoàn dầu khí quốc gia khổng lồ của Trung Quốc đã phát hiện ra dầu khí trong khu vực tranh chấp. Các mẫu được lấy trong quá trình khoan dò hiện đang được xem xét để quyết định các bước tiếp theo.



Đài TNNN (đêm 28/8) - Chuyến thăm của ông Lê Hồng Anh tới Trung Quốc và việc đạt được thỏa thuận là một bước tiến quan trọng ổn định mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, vốn trở nên rắc rối sau sự kiện Trung Quốc bố trí giàn khoan dầu gần quần đảo Hoàng Sa hồi tháng 5 năm nay - ông Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Australia và Châu Đại Dương, Viện nghiên cứu phương Đông nhận xét.

“Trung Quốc hiểu rõ tầm quan trọng của mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, trong đó có uy tín của họ ở Đông Nam Á. Quy mô của những hoạt động phản đối Trung Quốc tại Việt Nam đã khiến giới lãnh đạo ở Bắc Kinh bối rối và rõ ràng họ đã nhận thức gây thêm áp lực sẽ làm tăng làn sóng bất bình, đe dọa dẫn tới những hậu quả không mong muốn. Tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc khó thể giải quyết trong tương lai gần, đó là một quá trình lâu dài và phức tạp. Tuy nhiên, ngoài các vấn đề lãnh thổ còn rất nhiều các vấn đề khác có thể xúc tiến, tạo nền tảng cho sự hội tụ và phát triển quan hệ đối tác giữa hai nước. Giữa Việt Nam và Trung Quốc có các liên lạc đa dạng: đó là các mối quan hệ liên đảng, liên chính phủ, giữa các khu vực, là kim ngạch thương mại kinh tế và đầu tư khổng lồ. Nếu không ngừng tăng cường cho nền tảng tương tác này thì các tranh chấp lãnh thổ có cơ hội sẽ được giải quyết”.

Vừa nhận thức tầm quan trọng sự đa dạng và các mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam cũng đồng thời cố gắng không ngừng mở rộng liên lạc với các quốc gia khác. Gần đây, Tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Dempsey đã đến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Ấn Độ Shushma Swaraj cũng vừa hoàn thành chuyến thăm Hà Nội. Chính sách đối ngoại độc lập và đa dạng là chìa khóa để Việt Nam phát triển thành công, củng cố vai trò của mình trên trường quốc tế, - chuyên gia Nga khẳng định.
Kim ngạch thương mại Việt Nam và Campuchia sụt giảm

TTXVN (Phnom Penh 28/8) - Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Campuchia trong 6 tháng đầu năm 2014 giảm 6% so với cùng kỳ năm 2013, chỉ đạt 1,7 tỷ USD.

Nửa đầu năm nay, lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Campuchia đạt mức 1,3 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu là các mặt hàng xăng dầu, sắt thép, đồ thực phẩm tươi sống và đồ hộp… Trong khi đó, hàng hóa xuất từ Campuchia sang Việt Nam đạt 400 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu là hàng nông sản, mủ cao su…

Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho biết, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước giai đoạn 6 tháng đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia nửa đầu năm 2013 tăng 8%, năm 2012 tăng 25% và năm 2011 tăng 50% (so với cùng kỳ năm trước).

Ông Ros Ravuth, một giáo sư kinh tế tại Phnom Penh cho rằng, sự sụt giảm hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Campuchia sau khi người dân có được những thông tin liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm tại Việt Nam qua hệ thống truyền thông và mạng xã hội.

Tuy nhiên, ông Lim Heng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia lại cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia không hề ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị. Hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Campuchia bị giảm sụt là do hàng hóa Thái Lan đã phục hồi vị thế tại thị trường Campuchia, sau khi quan hệ Campuchia và Thái Lan được cải thiện.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam

TTXVN (Singapore 28/8) - Cuộc khảo sát về Triển vọng Kinh doanh tại ASEAN năm 2015 do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) và Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore (AmCham Singapore) tiến hành cho thấy, Việt Nam là điểm ưa thích thứ hai, sau Indonesia, trong 10 nước thành viên ASEAN mà các doanh nghiệp Mỹ lựa chọn để mở rộng kinh doanh.

Cuộc khảo sát tiến hành từ ngày 5/5 đến ngày 5/6/2014 thu hút sự tham gia của lãnh đạo của 588 doanh nghiệp Mỹ là thành viên của AmCham đang hoạt động tại tất cả 10 nước thành viên ASEAN, trong đó có 77 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo kết quả cuộc khảo sát được công bố tại Singapore ngày 28/8, 37% doanh nghiệp Mỹ tham gia cuộc khảo sát cho biết họ có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Khoảng 41% doanh nghiệp Mỹ chọn Indonesia và 35% chọn Myanmar. Đây là ba thị trường mà các doanh nghiệp Mỹ ưu tiên để mở rộng kinh doanh và đầu tư.

Có tới 75% doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam và tham gia cuộc khảo sát cho biết họ sẽ mở rộng hoạt động tại địa bàn này và 22% doanh nghiệp sẽ duy trì quy mô hoạt động hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp nhận định rằng lợi nhuận của họ tại Việt Nam sẽ tăng trong năm 2014 (66% số doanh nghiệp) và tiếp tục tăng trong năm 2015 (82% số doanh nghiệp).

Các doanh nghiệp Mỹ cho rằng thế mạnh của Việt Nam là an toàn cá nhân (với 65% số lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ), tình cảm đối với Mỹ (62%), chi phí nhà ở (53%), cơ sở hạ tầng (53%) và chi phí thuê văn phòng (50%).

Một số lĩnh vực ở Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp Mỹ phàn nàn là hệ thống văn bản pháp luật (49% số doanh nghiệp), hạ tầng cơ sở và cơ cấu thuế (48%).
II. PHẦN BÌNH LUẬN VÀ NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆT NAM
Việt Nam với việc tham gia TPP

Đài BBC (đêm 28/8) - Việt Nam cần thừa nhận những khuyết điểm, thiếu sót trước quốc tế để tham gia tốt hơn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ý kiến trên được kinh tế gia Nguyễn Trần Bạt, Tổng giám đốc công ty tư vấn đầu tư InvestConsult Group, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 28/8.

- Trước mâu thuẫn quyền lợi giữa các nước tham gia đàm phán TPP như hiện nay, ông đánh giá thế nào về tính khả thi của nó?

+ Các định chế quốc tế hoặc tổ chức quốc tế đều phải xử lý mâu thuẫn quyền lợi giữa các quốc gia, không những TPP mà kể cả Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) hay các vòng đàm phán của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tôi nghĩ rằng để gia nhập TPP thành công, Việt Nam cần cố gắng tham gia đàm phán để hiện thực hóa, làm các thỏa thuận có hiệu lực.

- Ông từng nói Việt Nam phải “chấm dứt tình trạng láu tôm láu cá trong các quan hệ thương mại quốc tế”. Ông có thể nêu ví dụ và cho biết cách khắc phục?

+ Tôi nghĩ rằng khó đưa ra những ví dụ cụ thể. Nhưng những hiện tượng như vậy là có thật trong quốc tế trong việc dựng các hàng rào, sử dụng các quy tắc về cân bằng quyền lợi quốc gia. Tôi nghĩ sự ‘láu tôm láu cá’ ấy càng ít đi thì quan hệ quốc tế trong kinh tế càng công bằng và các hiệp định như vậy càng có hiệu lực trên thực tế. Đó là cuộc chơi giữa những người ngay thẳng với nhau.



- Ông từng có nhận định rằng Việt Nam có lợi thế gia công. Nhưng liệu Việt Nam có nên tạo điều kiện cho việc sản xuất ra các sản phẩm có giá trị cao hơn trên chuỗi giá trị toàn cầu, thay vì tạo điều kiện cho gia công hay không?

+ Gia công là bước ban đầu của mọi quốc gia khi tham gia vào các định chế, tổ chức quốc tế. Người Trung Quốc cũng từng như thế. Việt Nam hiện nay đã có kinh nghiệm gia công, nhưng vẫn cần phải bước xa hơn. Việt Nam đáng ra có thể trở thành công xưởng thực sự nhưng có lẽ vẫn còn thiếu sót gì đó trong chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài nên không thể phát triển hết tiềm năng.



- Một trong những khó khăn hiện nay trong đàm phán TPP của Việt Nam, đó là quyền lợi người lao động. Đã có nhiều phản ánh về tình trạng cưỡng bức lao động, lao động trẻ em tại Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về nỗ lực cải thiện vấn đề này từ phía chính quyền và liệu những nỗ lực này có được thực hiện kịp thời để tạo lực đẩy cho tiến trình đàm phán TPP không?

+ Tôi nghĩ rằng trên thế giới này có nhiều quốc gia phạm phải các lỗi liên quan đến quyền của người lao động. Việt Nam phạm phải các lỗi này do trình độ phát triển. Cùng với sự phát triển, ví dụ như khi lao động tại Việt Nam đạt tới trình độ cho ra các sản phẩm chất lượng cao, thì các lỗi này sẽ được khắc phục dễ dàng. Tôi cho rằng đôi khi vì lý do chính trị, người ta mô tả khuyết tật của Việt Nam không công bằng lắm. Về việc bóc lột trẻ em, tôi cho rằng người Việt không có ý thức về việc này. Cái này không phải bây giờ tôi mới nói mà khi đàm phán BTA với Hoa Kỳ, Phó Đại sứ Hoa Kỳ cũng từng hỏi tôi về chuyện này.



- Ông từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tín nhiệm lẫn nhau trong quan hệ kinh doanh. Đây phải chăng là một yếu tố trong văn hóa kinh doanh có thể được cải thiện theo thời gian, hay nó cần có sự hỗ trợ của những biện pháp pháp lý?

+ Tôi nghĩ rằng vấn đề tín nhiệm lẫn nhau trong các quan hệ thương mại không đơn thuần là vấn đề đạo đức mà là vấn đề năng lực. Khi chính phủ đàm phán gia nhập tổ chức quốc tế hoặc định chế quốc tế nào đó cũng không lường hết được vì các lực lượng xã hội còn non trẻ. Nhưng tôi là người cổ vũ cho xã hội tham gia vào các định chế quốc tế. Đó là các trường học rất lớn, người Việt không đi qua các môi trường làm việc hợp tác có hệ thống pháp lý như vậy thì khó xây dựng kỷ luật xã hội, kỷ luật kinh tế. Tôi nghĩ vẫn phải tham gia, sửa khuyết điểm, cần nhận khuyết điểm trước quốc tế rằng chúng tôi vẫn còn có thiếu sót.


III. VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN ĐÔNG BẮC Á
Nhật Bản tăng gấp đôi ngân sách cho hoạt động tuần tra Senkaku

Đài RFI (đêm 28/8) - Theo nguồn tin chính thức Nhật Bản ngày 28/8, Bộ Giao thông nước này đã xin tăng gấp đôi ngân sách dành cho lực lượng tuần duyên để tăng cường việc giám sát quần đảo Senkaku tại biển Hoa Đông, đang do Tokyo quản lý nhưng Bắc Kinh yêu sách chủ quyền dưới tên Điếu Ngư.

Số tiền 50,4 tỉ yen (484 triệu USD) được đề nghị cho năm ngân sách sắp tới (tháng 4/2015 – tháng 3/2016), và Bộ Tài chính sẽ xem xét cơ sở của yêu cầu này. Thông báo trên được đưa ra 2 năm sau khi Nhật quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khiến Trung Quốc nổi cơn thịnh nộ. Từ đó đến nay, Bắc Kinh thường xuyên cho tàu đến khu vực này để quấy nhiễu. Việc các tàu của đôi bên chạm mặt thường xuyên gây lo ngại xảy ra xung đột vũ trang. Trong khuôn khổ ngân sách được tăng thêm, lực lượng tuần duyên yêu cầu được bổ sung thêm một phi cơ tiêm kích, 10 chiếc tàu lớn và 4 chiếc tàu nhỏ, đồng thời quân số cũng được tăng. Bên cạnh đó một số máy bay và tàu hiện có cũng được thay thế. Lực lượng này còn hy vọng xây dựng một bến cảng, cư xá nhân viên và các loại thiết bị để tăng cường cho căn cứ đặt tại đảo Ishigaki, gần các lãnh thổ tranh chấp.

Các biện pháp này nhằm mục đích răn đe các tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn thường xuyên lượn lờ trong vùng biển tranh chấp, và thiết lập chế độ tuần tra 24/24, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp quan hệ đôi bên xấu đi. Bên cạnh đó còn để xua đuổi nhiều tàu cá nước ngoài hiện diện trong khu vực, hầu hết là tàu Trung Quốc. Trong những năm gần đây, số lượng các tàu cá Trung Quốc đến đánh bắt trái phép đã tăng vọt, từ 39 chiếc trong giai đoạn tháng 4/2012 – tháng 3/2013, nay lên đến 169 chiếc kể từ tháng 4/2014 đến nay. Thủ tướng bảo thủ Shinzo Abe đã củng cố sức mạnh quốc phòng từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Lần đầu tiên kể từ 11 năm qua, ngân sách quốc phòng Nhật Bản đã được tăng lên.
Tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của Trung Quốc và sự ổn định chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương

TTXVN (Pretoria 28/8) - Mạng tin Interpreter ngày 28/8 có bài phân tích cho rằng việc Trung Quốc đầu tư phát triển tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN) cho thấy tính dễ bị tổn thương của các lực lượng hạt nhân của họ.

Sự hấp dẫn của SSBN là ở chỗ rất khó khăn để phát hiện và tiêu diệt chúng, đặc biệt là khi chúng được giấu trong một "pháo đài" hoặc ẩn náu trong các vùng nước sâu rất phổ biến ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và bên dưới chỏm băng ở Bắc Cực. Địa lý chiến lược vì thế đã thúc đẩy việc phát triển SSBN tại các cường quốc hạt nhân chủ chốt trong thời Chiến tranh Lạnh (gồm Mỹ, Liên Xô, Pháp và Anh), với các căn cứ tàu ngầm của họ được bố trí ở nơi có thể tiếp cận trực tiếp các khu vực thuận lợi cho việc triển khai.

Tuy nhiên, trường hợp của Trung Quốc lại không như vậy. Trong khi các khu vực phía Bắc biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) là khá sâu, họ vẫn bị hạn chế trong việc tận dụng lợi thế này. Việc phải đi qua các điểm "thắt cổ chai" để có thể tiến vào Thái Bình Dương đã đặt các tàu ngầm của Trung Quốc vào thế bất lợi, bởi các lực lượng chống tàu ngầm (ASW) của Mỹ và đồng minh dễ dàng phát hiện và theo dõi các SSBN của Trung Quốc khi chúng tiến vào Thái Bình Dương, hoặc phong tỏa chúng bằng cách thả thủy lôi trong thời chiến. Ngoài ra, Biển Đông còn bị bao quanh bởi các nước đồng minh của Mỹ, và bất kỳ "pháo đài" nào mà Hải quân Trung Quốc (PLAN) cố gắng thiết lập cũng sẽ bị bao vây bởi một loạt hệ thống của Mỹ đang hoạt động tại các lãnh thổ thân thiện. Tất nhiên, bản thân những hệ thống này cũng có nguy cơ bị Trung Quốc tấn công, nhưng trung tâm của một trận chiến thông thường sẽ không phải là một vị trí tốt để một SSBN có mặt.

Việc Trung Quốc triển khai các SSBN trong một quần thể hang động trên đảo Hải Nam có thể là do Trung Quốc đặt lên hàng đầu mục tiêu kiểm soát chặt chẽ các đầu đạn hạt nhân, song nó sẽ làm hạn chế đáng kể lợi ích chiến lược của việc sở hữu SSBN: nếu ở trong các hang động quá lâu, lực lượng SSBN của Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ bị vô hiệu hóa bởi một cuộc tấn công của Mỹ (thậm chí nếu điều này cần đến vũ khí hạt nhân). Tuy nhiên, nếu chúng rời khỏi các hang động này trong trường hợp xảy ra khủng hoảng thì Trung Quốc có thể lâm vào tình thế vô tình đánh tín hiệu về một sự leo thang, khiến chúng sẽ bị bao vây bởi hàng loạt tàu ngầm tấn công của Mỹ.

Chiến lược hiện đại hóa lực lượng và chiến lược hạt nhân của Trung Quốc chú trọng đến việc đảm bảo khả năng tồn tại bằng cách phân tán các hệ thống tên lửa của mình. Với các hệ thống DF-31 và DF-31A, Trung Quốc hiện đã có thể thải bỏ hệ thống đặt trong hầm ngầm duy nhất của họ - loại ICBM DF-5 cồng kềnh - để dựa hòan toàn vào các loại tên lửa hạt nhân di động sử dụng nhiên liệu rắn. Tuy nhiên, sự phát triển của lực lượng SSBN cho thấy Trung Quốc không còn tin tưởng hoàn toàn vào khả năng sống sót của các lực lượng hạt nhân trên đất liền, ít nhất là để bảo hiểm rủi ro có thể xảy ra đối với các lực lượng này.

Việc đầu tư vào SSBN còn chỉ ra rằng Trung Quốc vẫn không hài lòng với kho vũ khí hạt nhân nhỏ bé của mình. Tuy nhiên, quy mô đầu tư hiện nay của Trung Quốc không thực sự giải quyết được vấn đề. Chương trình SSBN của Trung Quốc đặt rất nhiều trứng vào một giỏ, và không có thuốc chữa bách bệnh nào cho các vấn đề liên quan đến khả năng sống sót, đặc biệt là khi tính đến những bất lợi về mặt địa lý của Trung Quốc.

Như vậy, sự xuất hiện của SSBN trong khu vực Biển Đông là một lời nhắc nhở hữu ích rằng các yếu tố bao trùm giúp củng cố sự ổn định chiến lược trong khu vực - đó là khả năng quân sự của Mỹ, trong đó có kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và hệ thống tên lửa đạn đạo Trident D5 có thể phóng từ tàu ngầm vào các mục tiêu cứng ở cự ly tới hơn 7.000 km trên đất liền, cùng các liên minh mà Mỹ hỗ trợ tại các vùng duyên hải của châu Á - vẫn còn sức răn đe rất lớn.
IV. PHẦN QUỐC TẾ
CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG
Nhật Bản nhập đất hiếm Ấn Độ để bớt lệ thuộc vào Trung Quốc

Đài RFI (đêm 28/8) - Ngày 28/8, báo chí Nhật Bản cho biết, Tokyo sẽ nhập khẩu đất hiếm từ Ấn Độ. Quyết định này thể hiện quyết tâm của Nhật giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh do các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Đất hiếm là nguyên liệu cần thiết cho việc chế tạo các sản phẩm công nghệ cao. Hiện nay, Trung Quốc cung cấp tới 60% nhu cầu tiêu thụ đất hiếm của Nhật Bản. Theo báo kinh tế Nikkei, quyết định gia tăng nhập khẩu đất hiếm từ Ấn Độ sẽ được công bố chính thức vào ngày 1/9, nhân chuyến công du Nhật Bản của tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Nhân dịp này, Công ty Đất hiếm Ấn Độ (Indian Rare Earths), một chi nhánh của chính phủ, đặt dưới sự kiểm soát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Ấn Độ và công ty thương mại Nhật Bản Toyota Tsusho, sẽ ký thỏa thuận về sản xuất đất hiếm.

Trong khuôn khổ thỏa thuận này, mỗi năm, Nhật Bản sẽ nhập khẩu từ 2.000 đến 2.300 tấn đất hiếm và đợt giao hàng đầu tiên sẽ được thực hiện vào tháng 2/2015. Công ty Ấn Độ sẽ sử dụng quặng uranium và thorium để chế tạo các hợp kim rồi chuyển cho công ty Toyota Tsusho để sản xuất ra một số loại đất hiếm như néodyme, lanthane, cerium, praséodyme. Phát ngôn viên của công ty Nhật Bản khẳng định với AFP là cuộc đàm phán về thỏa thuận nói trên đang ở giai đoạn chót và nhịp độ thương lượng đã gia tăng kể từ khi có sự thay đổi chính phủ tại Ấn Độ.

Trung Quốc gần như độc quyền về sản xuất và xuất khẩu đất hiếm, mặc dù nước này chỉ chiếm có 23% tổng dự trữ trên thế giới. Cho tới gần đây, Nhật Bản vẫn rất phụ thuộc vào Trung Quốc về đất hiếm, phải nhập khẩu tới 90% nhu cầu tiêu thụ. Các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biển Hoa Đông đã gây ra căng thẳng trong quan hệ song phương và từ năm 2011, Trung Quốc ấn định hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm. Do vậy, Nhật Bản tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng.


An ninh khu vực với hội nghị APEC tại Trung Quốc

Đài VOA (đêm 27/8) - Tháng 11/2014, lần đầu tiên Trung Quốc sẽ chủ trì cuộc họp thượng đỉnh của Tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Các cuộc họp tiếp theo nhiều tháng Trung Quốc tỏ thái độ hung hãn trong những vụ tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, gây bất bình cho các nước láng giềng. Chưa rõ Trung Quốc có thể làm những gì để xoa dịu căng thẳng trước khi các cuộc họp bắt đầu. Các chuyên gia cho rằng quan hệ của Trung Quốc với Nhật Bản và Việt Nam là những thách thức khu vực lớn nhất đối với Bắc Kinh.

Thủ tướng Nhật Bản chưa gặp đối tác phía Trung Quốc kể từ khi lên nhậm chức cách đây gần 2 năm. Bang giao giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng căng thẳng vì một vụ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông bắt đầu sôi sục hồi đầu năm nay.

Ông Joseph Cheng, nhà khoa học chính trị của trường Đại học Thành phố Hong Kong, nói rằng việc Trung Quốc chủ trì các phiên họp của APEC vừa là một thách thức vừa là một cơ hội: “Đây là một cơ hội bởi vì trong tư cách nước chủ nhà, Trung Quốc được hưởng một số lợi điểm trong việc giải thích lập trường của mình và đây chắc chắn là một cơ hội để ngoại giao công cộng, để tìm cách thuyết phục các tham dự viên cũng như cộng đồng quốc tế về các ý đồ hòa bình của Trung Quốc”.

Quyết định của Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu ngoài khơi Việt Nam ở Biển Đông đã châm ngòi cho một phản ứng giận dữ. Người Việt Nam biểu tình nhắm mục tiêu tấn công vào các doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc. Có ít nhất 4 người thiệt mạng trong các vụ bạo động và gần 100 người bị thương. Mấy nghìn công nhân Trung Quốc đã rời khỏi Việt Nam sau những vụ tấn công.

Ông Kim Xán Vinh là một nhà khoa học chính trị tại trường Đại học Nhân dân Trung Quốc: “Trung Quốc hy vọng trong thời gian chủ trì cuộc họp APEC bang giao sẽ được cải thiện và sẽ góp phần khiến cho các cuộc họp được êm xuôi. Ông Kim nói trong khi bang giao với một số nước như Nhật Bản, Philippines và Việt nam hơi bị căng thẳng, mối quan hệ của Trung Quốc với phần lớn các nước trong khu vực vẫn còn tốt đẹp”.

Theo tin tức của giới truyền thông tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự định phái một đặc sứ sang Nhật Bản trong những tuần sắp tới để giúp củng cố bang giao trước khi diễn ra các cuộc họp APEC. Vị đặc sứ này là bà Lý Tiểu Lâm, con gái của cựu lãnh tụ Trung Quốc Lý Tiên Niệm và là người được cho là có quan hệ chặt chẽ với ông Tập. Hồi đầu tháng này, đã có tin Nhật Bản và Trung Quốc định sắp xếp một cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh APEC sắp tới, tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại tự do.

Giáo sư Joseph Cheng của Đại học Thành phố Hong Kong cho rằng trong khi Trung Quốc khước từ các cuộc đàm phán cấp cao từ khá lâu nay, các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh thừa nhận rằng vào một thời điểm nào đó, họ cần phải tiếp xúc với Nhật Bản: “Gần như không thể nào chỉ chấm dứt tiếp xúc ở cấp cao. Đồng thời, họ lại muốn đoán chắc rằng việc đề xướng các cuộc tiếp xúc này cũng sẽ đem lại một vài nhượng bộ về phía Nhật Bản”.

Giáo sư Kim Xán Vinh của trường Đại học Nhân dân nói sẽ là một dấu hiệu tích cực nếu như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có cơ hội gặp gỡ bên lề hội nghị APEC. Nhưng một cuộc họp như thế không mang tính cấp thiết. Giáo sư Kim nói: "Cho dù không có được sự cải thiện nào trong bang giao với Nhật Bản hoặc giả hai nước không có cơ hội họp với nhau, thì cũng sẽ không có ảnh hưởng gì đối với phẩm chất các cuộc họp”.

Ông Kim nói thêm rằng ngoài Nhật Bản, “một điều chắc chắn là các nhà lãnh đạo của hai nước lớn là Mỹ và Nga sẽ tham dự” hội nghị APEC.

Thêm vào các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm củng cố bang giao với Nhật Bản, Trung Quốc còn trông đợi một vài tiến bộ đối với Việt Nam. Tuần này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Việt Nam sẽ bồi thường cho các nạn nhân của các vụ biểu tình chống Trung Quốc diễn ra ở Việt Nam hồi tháng 5. Hà Nội cũng sẽ gửi các phái bộ qua Trung Quốc để gặp các gia đình nạn nhân của các vụ bạo động, theo một thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Một đặc sứ cấp cao của Việt Nam đang có mặt ở Bắc Kinh trong tuần này và hôm nay sẽ kết thúc chuyến thăm hai ngày. Một chuyên gia phân tích nói với báo Global Times của nhà nước Trung Quốc rằng chuyến thăm cho thấy rằng cả hai nước đã quyết định xét tới đại cục và tìm ra cách thỏa hiệp.


ĐÔNG NAM Á
Campuchia: CNRP gia nhập quốc hội “kẻ khóc người cười”

TTXVN (Phnom Penh 28/8) - Sau kết quả bỏ phiếu bầu bổ sung ban lãnh đạo quốc hội Campuchia nhiệm kỳ V ngày 27/8, với việc đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) giành được chức Phó Chủ tịch thứ nhất cùng 5/10 chủ tịch các Ủy ban trong Quốc hội, được dư luận đánh giá là thành công trong việc thực hiện thỏa thuận ký ngày 22/7 với Đảng Nhân dân Campuchia (CPP). Tuy nhiên, trong việc này cũng trở thành vấn đề “kẻ khóc người cười” được dư luận Campuchia quan tâm.

Theo tờ Cây Me ngày 28/8, ông Kem Sokha, nghị sĩ CNRP ứng cử tại tỉnh Kongpongcham đã được Quốc hội bầu chọn làm Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội nhiệm kỳ V tại cuộc bỏ phiếu ngày 26/8 và ông được cho là người vui nhất và toại nguyện với chức phó chủ tịch thứ nhất này. Theo người thân cận của ông cho biết thì nguyện vọng trở thành Phó Chủ tịch Quốc hội đã được ông mơ ước, ấp ủ lâu nay từ kỳ bỏ phiếu nhiệm kỳ IV năm 2008 và nay đã thành sự thật. Bởi tại kỳ bầu cử Quốc hội năm 2008, ông Kem Sokha cùng Đảng Nhân quyền của ông chỉ giành được 3 ghế trong Quốc hội và ông ta không thể đạt được nguyện vọng trở thành Phó Chủ tịch quốc hội. Tới kỳ bầu cử năm 2013, với việc Đảng Nhân quyền sáp nhập cùng Đảng SRP của ông Sam Rainsy và giành được 55 ghế trong quốc hội và ước mơ của ông đã được hiện thực hóa trở thành phó chủ tịch thứ nhất quốc hội.

Trước khi cuộc bỏ phiếu bầu bổ sung lãnh đạo quốc hội ngày 26/8, nhiều tổ chức xã hội dân sự đã bày tỏ chính kiến cho rằng, trong hai Phó chủ tịch cần có một phó là phụ nữ để đảm bảo sự bình quyền nam nữ trong quốc hội. Vấn đề này đã được CNRP cân nhắc và dự kiến sẽ đề cử hai người là nữ bà Chu Long Sumura và bà Mua Sokhua, nhưng đến cuối ông Kem Sokha chiếm vị trí này, với sự không hài lòng từ các tổ chức xã hội -dân sự. Ngược lại với ông Kem Sokha, các tổ chức xã hội dân sự đã đánh giá cao sự nhường nhịn hy sinh của ông Sam Rainsy, tuy là Chủ tịch CNRP nhưng đã không tranh giành việc ứng cử cho mình để tiến cử những người khác trong CNRP nắm giữ các cương vị trong Quốc hội.

Về phía những “người khóc” buồn vì không trúng cử trong CNRP đó là bà Mu Sokhua và ông Dim SoVanna. Với kết quả bỏ phiếu chức Chủ tịch Ủy ban thứ 8, (Ủy ban y tế, xã hội, cựu chiến bình, lao động và đào tạo nghề, công tác phụ nữ) bà Musokhua chỉ giành được 56/122 phiếu ủng hộ và đã bị loại bỏ để thay bằng bà Ke Sovana Roth; ông Dim Sovanna cũng chỉ giành được 56/122 ghế trong việc bầu vào chức vụ Chủ tịch Ủy ban 10 (Ủy ban điều tra và chống tham nhũng) và bị loại bỏ và thay bằng ông Hor Van.

Qua sự việc này các tổ chức dân sự xã hội, cũng như những nhà phân tích chính đã cho rằng, ông Kem Sokha mặc dù đã toại nguyện với chức Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội, nhưng bị đánh giá là con người thiển cận không có tầm nhìn xa trông rộng vì lợi ích chung của CNRP như ông Samrainsy. Còn hai người thất cử là ông Dim Sovanna và bà Mua Sokhua được dự luận cho rằng, hai người này bị loại bỏ là có thể do xuất phát từ nguyên nhân giữa các phe cánh bên trong nội bộ của CNRP.

Dư luận xã hội đã đánh giá cao việc CNRP và CPP thực thi những điều khoản trong thỏa thuận hai bên ngày 22/7, nhằm giải quyết bế tắc chính trị sau bầu cử cách đây hơn 1 năm giữa hai đảng, với việc CNRP có một Phó Chủ tịch Quốc hội, cũng như CNRP được giao phụ trách 5/10 Ủy ban trong Quốc hội. Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn còn nghi ngại về hiệu quả của một quốc hội mới với sự tham gia đầy đủ của cả đảng cầm quyền và đảng đối lập và khuyên mọi người hãy chờ xem khi Quốc hội mới vào hoạt động trong thời gian tới, để đánh giá đầy đủ và chính xác hơn.


Giai đoạn khó khăn của Tổng thống đắc cử Indonesia

TTXVN (Singapore 29/8) - Ông Yang Razali Kassim, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), mới đây đã nhận định rằng Tổng thống đắc cử Joko Widodo của Indonesia đang đối mặt với những nhiệm vụ đầy thách thức trong bối cảnh chuẩn bị chính thức nhậm chức vào ngày 20/10 tới.

Jakarta, thành phố mà ông Joko làm Thống đốc trong 2 năm, chính là sự khởi đầu mang tính biểu tượng cho các thách thức sắp tới. Thủ đô của Indonesia hiện đối mặt với tình trạng giao thông tắc nghẽn và có nguy cơ bị nước biển dâng nhấn chìm do biến đổi khí hậu. Tình thế của Jakarta chính là hình ảnh thu nhỏ của vấn đề cơ sở hạ tầng đang diễn ra trên toàn đất nước Indonesia - một vấn đề mà Tổng thống đắc cử cam kết sẽ giải quyết. Giải quyết vấn đề hiệu quả sẽ giúp vị Tổng thống được lòng dân nhất kể từ nhà lập quốc Sukarno vượt qua nhiệm kì đầu tiên của mình.

Tuy nhiên, thách thức tức thời hơn mà ông Joko đang đối mặt lại quan trọng gấp đôi về mặt chiến lược. Thách thức đầu tiên là thành lập một nội các năng lực, điều mà ông chỉ có thể chính thức đưa ra sau khi nhậm chức dù đã đặt một số nền tảng. Thách thức thứ hai là tập hợp một nhóm chuyển tiếp để giúp ông nhậm chức thuận lợi. Vấn đề đặc biệt quan trọng là tập hợp nội các. Dù giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 7 vừa qua, ông Joko chỉ đứng đầu một liên minh thiểu số, điều đó có nghĩa chính quyền của ông sẽ là một chính phủ thiểu số.

Bất chấp việc được lòng dân, liên minh 4 đảng của ông chỉ kiểm soát 37% số ghế tại Quốc hội được bầu hồi tháng 4. 63% số ghế còn lại do liên minh mà đối thủ đã thất bại trong cuộc tranh cử vừa qua, Prabowo Subianto, kiểm soát. Trừ phi có điều gì đó được thực hiện trước tháng 10 tới, phe đối lập mạnh mẽ do Prabowo đứng đầu có thể là rào cản thường trực với chính phủ của ông Joko. Đó là lí do tại sao ông Joko đang tiến hành tái cấu trúc bối cảnh chính trị bằng cách vận động một số thành viên trong liên minh của ông Prabowo.

Mục tiêu chủ chốt là Golkar, đảng lớn thứ hai sau đảng Dân chủ Indonesia - Đấu tranh (PDI-P) của ông Joko, do bà Megawati Sukarnoputri, cựu Tổng thống và là con gái ông Sukarno, lãnh đạo. Nếu Golkar ngả theo PDI-P, chính phủ của ông Joko sẽ ngay lập tức có được thế đa số thuần túy trong Quốc hội, đủ để tạo ra sự ổn định nhất định cho chính quyền của mình. Song, nhiệm vụ này tỏ ra khó khăn hơn dự kiến. Dù các cố vấn của ông Joko khởi đầu tự tin rằng Golkar sẽ ngả theo dễ dàng với việc Phó Tổng thống tương lai Jusuf Kalla là cựu Chủ tịch Golkar, song bản thân ông Joko hiện dần bớt nói về Golkar và xoay sang các đảng phái khác. Điều này cho thấy khó khăn ngày càng tăng trong việc nhận được sự ủng hộ của cựu đảng cầm quyền, phần lớn do sự phản đối của chủ tịch đương nhiệm Aburizal Bakrie. Kế hoạch ban đầu của nhánh ủng hộ Joko trong Golkar là thay thế ông Bakrie trước, rõ ràng không dễ như họ tưởng.

Để thành lập nội các, chiến lược của ông Joko ngay từ đầu là tránh lặp lại sai lầm của các tổng thống trước là không thực hiện cam kết của mình. Ông hứa hẹn sẽ trao ghế trong nội các cho các đảng trong liên minh nhằm đổi lấy sự ủng hộ chính trị. Dù điều này sẽ giúp ông không phải tập hợp một nhóm các bộ trưởng chuyên nghiệp, song nó cũng bắt đầu gây căng thẳng trong chính liên minh của mình, khi một vài đồng minh trông đợi sẽ được tưởng thưởng. Ông Joko đã lập ra một nhóm chuyển tiếp, gồm một vài trụ cột trong bộ máy của ông và do cựu Bộ trưởng thương mại Rini Soemarno đứng đầu. Việc bổ nhiệm người có quan hệ gần gũi với chủ tịch Đảng Megawati cho thấy cựu nữ Tổng thống này vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ ở hậu trường.

Nhóm chuyển tiếp của ông Joko đặt mục tiêu gồm 3 mũi nhọn: 1) thực hiện nhanh chóng các cam kết tranh cử của ông Joko bằng cách tập trung vào 7 lĩnh vực chủ chốt: giáo dục, y tế cộng đồng, kinh tế, giao thông công cộng và truyền thông, nông nghiệp, biển và nhà ở; 2) cấu trúc lại “cơ cấu” nội các, có thể thông qua hợp nhất các bộ, hợp lí hóa và tái cấu trúc, trong khi trình danh sách các bộ trưởng tiềm tàng lên tân tổng thống - người sẽ có tiếng nói quyết định trong việc sắp xếp nhân sự; 3) chuẩn bị cho các trách nhiệm pháp lí lớn có thể có từ chính phủ mãn nhiệm, như tranh chấp về quyền chủ sở hữu đang nổi lên với các tập đoàn khai khoáng quốc tế.

Tuy nhiên, thách thức khó khăn nhất của ông Joko chính là việc giải quyết vấn đề trợ giá năng lượng. Có tin cho hay Tổng thống mãn nhiệm Yudhoyono đã nhất trí cắt giảm một phần trợ cấp và nâng giá nhiên liệu trước khi chuyển giao quyền lực. Nói cách khác, mục tiêu của ông Joko là chuyển hướng phần nào sự bất bình của dư luận trong một động thái thể hiện sự khôn ngoan của nhà lãnh đạo mới. Tóm lại, ông Joko hoàn toàn nhận thức được những thách thức lớn trước mắt. Về phần minh, có thể ông Prabowo sẽ lựa chọn việc đối đầu với ông Joko trong cuộc tranh cử tổng thống diễn ra vào năm 2019.


QUAN HỆ TRUNG QUỐC-AUSTRALIA
Bắc Kinh nổi giận vì bị một dân biểu Australia lên án xâm lược

Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 227.27 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương