NHÂn danh nưỚc cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 119.39 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.09.2016
Kích119.39 Kb.
#31822

- -

TÒA ÁN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TP. HỒ CHÍ MINH Độc lập – Tự do- Hạnh phúc

----- ----------

Bản án số: 401/2007/KDTM/ST

Ngày : 06/3/2007

V/v: đòi nợ
NHÂN DANH

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Với thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có:
Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa : Ông Đỗ Đức Vân Hồng

Các hội thẩm nhân dân : Bà Nguyễn Thị Luân

: Ông Lê Giáo

Có thư ký tòa án ghi biên bản phiên tòa: Bà Nguyễn Thị Phương Loan.


Trong các ngày 27 tháng 02 và ngày 06 tháng 3 năm 2007 tại phòng xử án của Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 1289/2003/DS-ST ngày 22 tháng 7 năm 2003 và đổi số thụ lý mới 208/2007 QĐ-CTL ngày 01/02/2007, về tranh chấp “đòi nợ”, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 344/2007 QĐXX-ST ngày 14 tháng 02 năm 2007, giữa các đương sự:
Nguyên đơn : CTY ACER SALES & DISTRIBUTION LTD. (ASD)

Địa chỉ : 6/F Guangdong Investment Tower 148 Connuaght Road Central, Hongkong

Có đại diện theo ủy quyền là Ông Thân Bình, sinh năm 1948

Địa chỉ: : 37/9 Ỷ Lan, P. Hiệp Tân, Q. Tân PHú, Tp. Hồ Chí Minh


Bị đơn :

      • CTY TNHH CÔNG NGHỆ TIN HỌC BÁCH THẮNG

Địa chỉ : C12-C13 Nguyễn Oanh, P.17, Q. Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh.

Có đại diện theo pháp luật là bà Trần Hoài Phương Chi




      • CTY TNHH SẢN XUẤT VĨNH THẮNG.

Địa chỉ : C12-C13 Nguyễn Oanh, P.17, Q. Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh.

Có đại diện theo pháp luật là bà Trần Hoài Phương Chi


Có luật sư Hồ Hữu Tỷ bảo vệ quyền lợi cho các bị đơn.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:


  1. Ông Nguyễn Tiến Dũng sinh năm 1973

Địa chỉ: A4 Phan Văn Trị, P.10, Q. Gò vấp, Tp. Hồ Chí Minh

Ủy quyền cho bà Trần Hoài Phương Chi – HĐUQ ngày 6/11/2005.




  1. Ông Allen Weilong Lou, sinh năm 1965. Quốc tịch Hoa kỳ (vắng mặt)




  1. Ông Yang Houng Pei (thường gọi là Harry Yang) (vắng mặt)

Giám đốc Công ty TNHH Máy tính Acer Thailand

Địa chỉ: 191/62-63, 16th floor, CTI Building, Rachadapisek street, Klongtocy, Bangkok, 10110, Thailand.


Người làm chứng: Ông Nguyễn Ngọc Tùng (vắng mặt)

Địa chỉ: 458/76 (số cũ 20B/63) tổ 57 đường 3-2, P.12, Q.10, Tp. HCM


NHẬN THẤY

Theo đơn khởi kiện ngày 02 tháng 01 năm 2002 cùng các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, thì: Cty Acer Sales & Distribution Ltd. (từ đây gọi tắt là ASD), 1 Cty thành lập hợp pháp và hiện hữu theo luật pháp Hongkong, đã bán cho Cty TNHH Sản xuất Điện tử Vĩnh Thắng và Cty Cổ phần Điện tử Bách Thắng (từ đây gọi tắt là Cty Vĩnh Thắng, Cty Bách Thắng) 4 lô hàng máy vi tính và phụ tùng, linh kiện: màn hình, ổ đĩa CD ROM, bo mạch chính … với tổng giá trị là 275.500USD.


Bốn lô hàng này đã giao cho Cty Vĩnh Thắng 1 lô trị giá 61.500USD, Cty Bách Thắng 3 lô, tổng trị giá 214.000USD. Bên mua hàng đã trả cho bên bán hàng số tiền là 81.615 USD, bao gồm 76.615USD là 1 phần của tổng số tiền chuyển khoản 109,520USD, cộng khoản khấu trừ giấy báo có của ASD trị giá 5.000USD (khoản hỗ trợ cho phòng trưng bày sản phẩm của Vĩnh Thắng).
Bên nguyên đơn đã nhiều lần yêu cầu bên mua làm xác nhận số nợ, và thanh toán tiền mua hàng số nói trên, nhưng cho đến nay phía bị đơn đã không có thiện chí trả nợ.
Do vậy, ASD yêu cầu tòa xử buộc Cty Vĩnh Thắng, Cty Bách Thắng và ông Allen Weilong Lou liên đới có trách nhiệm trả tiền mua hàng còn thiếu cho ASD là 193.885USD cùng tiền lãi do quá hạn.
Bị đơn do bà Trần Hoài Phương Chi đại diện cho rằng:
Cty Vĩnh Thắng vào những năm trước đã tham gia rất nhiều vào các chương trình marketing của phía Acer Computer, thậm chí đã đứng tên mở những cuộc triển lãm, họp báo để quảng bá tên tuổi của Cty Acer, sản phẩm Acer được khách hàng biết đến cũng có công của Cty Vĩnh Thắng. Vào những năm trước, khi quy định của pháp luật Việt Nam còn hạn chế trong xuất nhập khẩu, để thực hiện việc phân phối hàng hóa tại Việt Nam rộng rãi; Cty Acer mà đại diện là rất nhiều người, trong đó có ông Gisố Yen, ông David, ông York Chen, ông Allen Weilong Lou, ông Harry Yang … đã đưa hàng về Việt Nam, thông qua người nhập khẩu là Cty Vĩnh Thắng, Bách Thắng – đóng vai trò vừa là khách hàng của họ, vừa là bên nhập hàng hộ cho họ; hàng về họ phân phối đi cho những khách hàng khác. Số hàng Vĩnh Thắng nhận trực tiếp và chuyển khoản (tiền hàng của Vĩnh Thắng cộng với

tiền của các đại diện đưa) để thanh toán vào Ngân hàng do các đại diện có tên nêu trên chỉ định.


Hàng hóa được chuyển về Việt Nam từ nhiều nơi trên thế giới. Cty Vĩnh Thắng chưa bao giờ đặt hàng trực tiếp với những người chuyển hàng, chỉ đặt hàng với những cá nhân, đại diện nêu trên bằng hợp đồng, thư đặt hàng … Khi nhận hàng việc điều phối hàng hóa về Việt Nam hoàn toàn do những cá nhân, đại diện nêu trên quyết định, xoay sở trong nội bộ Cty của họ; Cũng có thể những cá nhân đó dùng mã khách hàng của phía bị đơn là người mua hàng để làm nguyên nhân chuyển hàng trong nội bộ của họ, nhưng bị đơn không phải là người đặt hàng để làm phát sinh công nợ với những chủ hàng như nguyên đơn – điều này cũng được chứng minh là lý do vì sao nguyên đơn không có đơn đặt hàng của bị đơn để nộp cho tòa án khi đòi nợ.
Việc thanh toán cũng vì vậy mà hoàn toàn phụ thuộc vào những người đại diện như trên, họ muốn khi nào thanh toán, thanh toán cho ai, bao nhiêu … thì họ sắp xếp và yêu cầu bị đơn thực hiện các thủ tục liên quan, điều này được chứng minh trên bảng cân đối công nợ mà bên nguyên đơn cung cấp cho rằng dưới phần nợ của bị đơn có rất nhiều người thanh toán vào, cá nhân cũng có, trong đó Vĩnh Thắng cũng có một vài lần.
Nguyên đơn có nhận những khoản tiền thanh toán trước đây từ tài khoản của Vĩnh Thắng vào tài khoản của nguyên đơn và Acer Computer Thailand để chứng minh mối quan hệ trực tiếp mua bán, cụ thể là:


  • 20,100USD – Acer Sales & Distribution Taiwan: theo bản thanh toán của Ngân hàng Đông Á, số tiền này được thanh toán theo hợp đồng số 61/037/059/067 năm 2000 – có chủ hàng là Linworld Thailand, Win Technologies Taiwan, Microsoft




  • 21,450USD – Acer Sales & Distribution Taiwan: theo bản thanh toán của Ngân hàng Đông Á, số tiền này được thanh toán theo hợp đồng số 121 năm 1999, chủ hàng là Linworld Thailand, Hợp đồng số 03/04/005/20 và 111 năm 1999, có chủ hàng là Acer, HĐ số 103 năm 1999 có chủ hàng là Jaton Thailand.




  • 25,800USD – Acer Sales & Distribution Taiwan: theo bản thanh toán của Ngân hàng Đông Á, số tiền này được thanh toán theo hợp đồng số 119 & 120 năm 1999 có chủ hàng là Microsoft.

Qua những phiếu thanh toán nêu trên cho thấy việc chuyển tiền cho Acer nào đi nữa thì chủ hàng hóa không hẳn là của Acer để Acer được nhận thanh toán, mà quan trọng là người yêu cầu thanh toán cho tiền về đâu? – đó chính là những cá nhân đại diện đặt hàng nêu trên.


Những hóa đơn thương mại do nguyên đơn in ra, không có chữ ký xác nhận của bên mua hàng; nguyên đơn không bao giờ có chữ ký của bị đơn vì bị đơn không phải là người đặt hàng.

Nguyên đơn là chủ của 4 lô hàng đang tranh chấp: bị đơn không biết và cũng không bàn cãi vì ai là chủ hàng cũng được, nhưng ai là người đặt hàng để nguyên đơn có cơ sở xuất hàng. Nguyên đơn chắc chắn rõ điều này nhưng không thừa nhận dù nguyên đơn trình bày với Tòa về thủ tục chặt chẽ của nguyên đơn khi xuất hàng là phải có đơn đặt hàng.


Bị đơn có nhận 4 lô hàng nhưng bị đơn không nợ nguyên đơn vì bị đơn không đặt hàng trực tiếp với nguyên đơn.
Việc nguyên đơn nói bị đơn khai gian dối giá cả hàng hóa: hàng hóa nhập về qua Cty của bị đơn là hàng quảng cáo cũng có, thương mại cũng có, quan trọng là bị đơn nhập hàng hóa giá bao nhiêu, bị đơn xuất bán hàng có giá tương ứng, bị đơn không xuất hàng với giá mà nguyên đơn nêu ra trên hóa đơn thương mại của nguyên đơn.
Việc nguyên đơn nói bị đơn có đại diện là bà Trần Hoài Phương Chi và chồng là ông Allen W. Lou, người đại diện đặt hàng cho Cty Bách Thắng – hai người đã cấu kết quỵt nợ của nguyên đơn; bị đơn cho rằng cá nhân bà Chi và ông Allen kết hôn vào ngày 15/11/2001; việc ông Allen quan hệ thế nào cới Cty Acer, đã chuyển tiền về Acer … hoạt động gì cho Acer trước đây, bị đơn và cá nhân bà Chi không cần biết, không chịu trách nhiệm.
Quan trọng là phía Acer Computer, nơi có những người đại diện Acer làm việc trước đây với bị đơn đã có thư xác nhận bị đơn đã trả hết nợ – ông Harry Yang đã xác nhận điều đó theo thư gửi Tòa.
Bị đơn thừa nhận đã nhận đầy đủ 4 lô hàng; tuy nhiên điều đó không có nghĩa là có trách nhiệm phải thanh toán theo yêu cầu của nguyên đơn, vì nguyên đơn không phải là đơn vị mà bị đơn giao dịch bằng hợp đồng (HĐ 005-2000, HĐ 006-2000, HĐ 007-2000, HĐ 008-2000) và thanh toán tiền cho 4 lô hàng trên. Chứng cứ là:


  • Hóa đơn bán hàng của Cty cho những mặt hàng nhập khẩu qua hợp đồng 005, 006, 007, 008.

  • Hợp đồng, chứng từ nhập hàng, hóa đơn thuế, bảng kê hàng hóa nhập khẩu 4 lô hàng (theo hợp đồng số 004, 005, 006, 007, 008/2000 và thư đòi nợ bằng điện báo của người hợp đồng.

Xác nhận số tiền chuyển theo hợp đồng qua các tài khoản ngân hàng nước ngoài,cụ thể:


Telex thanh toán trị giá 57.661USD gồm những lô hàng sau:


Số hợp đồng

Trị giá

Trả

Còn lại

004

24,360 USD

24,360 USD

0 USD

005

22,600 USD

22,600 USD

0 USD

007

5,350 USD

5,350 USD

0 USD

006


10,320 USD


1,562.10 USD

(1 phần)



8,757.90 USD

(chưa tìm ra điện chuyển tiền cho số tiền 8.757,90 USD)

Telex thanh toán trị giá 21.120USD: HĐ 008, trị giá 26.040USD, đã trả 21.120USD còn lại 4.920 USD bị đơn đã đưa tiền mặt cho ông Harry Yang sử dụng khi về công tác tại Việt Nam.
Xác nhận nợ của đối tác liên quan đến lô hàng trên vào ngày 13/10/2000
Với những sự thật và chứng minh như trên, bị đơn yêu cầu Acer Sales HK nên tìm lại người đặt hàng để đòi nợ họ, và không đồng ý với các yêu cầu của nguyên đơn.
- Ông Allen Weilong Lou cho rằng ông và bà Chi có quan hệ hôn nhận từ ngày 15/11/2001, những gì xảy ra trước và làm việc với Cty Acer không liên quan tới bà Chi, ông không có ký giấy tờ gì về việc mua 4 lô hàng mà ASD đòi bị đơn.
- Bà Chi, đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: Cty Bách Thắng đã hoàn tất việc thanh toán cho tất cả các lô hàng nhập khẩu từ năm 2004 trở về trước; việc bị đơn thay mặt người bán thanh toán cước vận chuyển, dù trong tờ khai hải quan ghi phương thức CIF, là nghiệp vụ bình thường trong buôn bán hàng hóa ngoại thương. Với tư cách là người đại diện Cty, ông Dũng đã ký trên toàn bộ giấy tờ hợp pháp, nhưng trách nhiệm nếu có thuộc về Cty, chứ không phải của cá nhân ông Dũng. Cty Bách Thắng có nhận 4 lô hàng và có 4 tờ khai hải quan, nhưng điều đó không chứng minh được nguyên đơn là người bán 4 lô hàng cho bị đơn và bị đơn còn nợ nguyên đơn tiền mua 4 lô hàng đó: ông Dũng không đồng ý có trách nhiệm liên đới gì về yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn.

Ông Yang Houng Pei (thường gọi là Harry Yang) cho rằng trước đây Cty Vĩnh Thắng và Cty Bách Thắng có quan hệ làm ăn với Acer Thailand do ông làm giám đốc, nhưng mối quan hệ này đã kết thúc vào cuối năm 1999, và Acer Thailand đã chuyển giao mối quan hệ này cho ASD; khi giao dịch với Vĩnh Thắng thì ông giao dịch với bà Chi và chồng bà Chi là ông Allen Weilong Lou. Có thể ông đã ký 1 bản fax có nội dung tương tự như bản fax ngày 13/10/2000, nhưng thời điểm ký là khoảng tháng 4/2000, chứ không phải vào ngày 13/10/2000; Ông nghĩ rằng bà Chi có thể đã yêu cầu Acer Việt Nam gửi lại bản fax vào ngày 13/10/2000. Hoàn toàn không có việc ông nhận 4.920USD của các bị đơn, lúc đó ông không có mặt ở Việt Nam thì sao có việc nhận tiền. Các hợp đồng do bị đơn cung cấp có số 004, 005, 006, 007 và 008 vào các tháng 6, 7, 8/2000 là hoàn toàn không có thật vì ông không phải là người đại diện cho các cty này, các bản hợp đồng này ghi không đúng tên ông, ông cho rằng các bản hợp đồng này là giả mạo. Ông yêu cầu Tòa án giải quyết, xét xử vắng mặt ông. Số tiền nợ gốc 193.885USD phát sinh từ tiền mua hàng chưa

thanh toán của 4 lô hàng sau cùng do ASD cung cấp và xếp hàng xuống tàu cho Cty Vĩnh Thắng và Bách Thắng, hai Cty này đã nhận 4 lô hàng này, bà Chi là người đại diện trước pháp luật của 2 Cty này, là nhà phân phối sản phẩm Acer tại Việt Nam đến tháng 8/2000, có ông Allen Weilong Lou là người trực tiếp giao dịch, đàm phán và xác nhận các đơn đặt hàng của các bị đơn với phía Acer Thailand và Acer Hongkong.
- Người làm chứng: ông Nguyễn Ngọc Tùng cho rằng: ông làm việc cho Acer Việt Nam từ tháng 10/1999 đến tháng 12/2000 là trưởng phòng hành chính và kế toán, trước đó là văn phòng đại diện của Acer Thailand, có chức năng là trung tâm bảo hành và làm trung gian cho các hoạt động thương mại; trách nhiệm chính của ông là kế toán trưởng, chỉ chịu trách nhiệm đối với sổ sách, chứng từ liên quan trong phạm vi nước Việt Nam, còn việc mua bán giữa trong nước và nước ngoài ông chỉ hỗ trợ. Khi bàn giao công tác kế toán trưởng, đã bàn giao tất cả sổ sách, chứng từ, không có thiếu tài liệu nào hay bị khiếu nại gì. Cty Vĩnh Thắng có quan hệ mua bán, có công nợ phát sinh có trả, có nợ hay không ông không nhớ vì những giao dịch này đã quá lâu.

Tòa án đã tiến hành hòa giải nhưng không kết quả.


Tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay:
Nguyên đơn vẫn giữ yêu cầu kiện. Các đương sự không có ý kiến hòa giải.
- Ông Thân Bình đại diện nguyên đơn yêu cầu: Cty Vĩnh Thắng trả số nợ gốc là 61.500USD, nợ lãi là 47.949.5USD, tổng cộng là 109.449,5USD, tương đương 1.749.878.606đ, Cty Bách Thắng phải trả số nợ gốc là 132.385USD, nợ lãi là 103.677,52USD, tổng cộng là 236.062,52USD, tương đương là 3.774.167.570đ. Tổng cộng hai Cty là 345.512.02USD, tương đương là 5.524.046.176đ, trả ngay sau khi án có hiệu lực. Ngoài ra ông yêu cầu xem xét trách nhiệm cá nhân cùng với bị đơn trả 1 phần nợ là 3.888.586.142đ trong tổng số nợ gốc lãi 5.524.046.176đ, phân chia như sau:


  • Ông Allen Weilong Lou, bà Trần Hoài Phương Chi, mỗi người trả 50% số nợ của Cty Vĩnh Thắng là 874. 936.303đ, trả 25% số nợ của Cty Bách Thắng là 943.541.892đ, tổng cộng mỗi người trả là 1.818.481.195đ.




  • Ông Nguyễn Tiến Dũng trả 6.67% số nợ của Cty Bách Thắng là 231.623.752đ.

- Đại diện bị đơn không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn vì cho rằng bị đơn không có mua 4 lô hàng này của ASD, mà là mua của Acer Thailand, thông qua ông Harry Yang và đã thanh toán hết tiền, việc mua bán là của Cty, nên dù Cty có trách nhiệm trả nợ, thì bà cũng không có trách nhiệm cá nhân. Bà cũng cho rằng ông Allen Weilong Lou không có đại diện cho các bị đơn khi giao dịch với Acer Hongkong, việc mua 4 lô hàng này là của các bị đơn, nên ông Allen Weilong Lou không có trách nhiệm cá nhân với các công nợ nếu có của các bị đơn.


.

- Với tư cách đại diện cho ông Dũng, bà Chi cũng cho rằng ông Dũng không có trách nhiệm với công nợ nếu có của các bị đơn.


- Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị đơn cho rằng: bị đơn không có đặt hàng, không trực tiếp mua hàng của ASD, nên không phát sinh công nợ và không có nghĩa vụ trả tiền; 4 lô hàng mà nguyên đơn đề cập, Cty Bách Thắng đã giao dịch trực tiếp với ông Harry Yang được thể hiện bằng 4 hợp đồng mua bán số: 005-20 Acer/BT (25/7/2000), 006-20 Acer-BT (08/8/2000), 007-20 Acer/BT (11/8/2000), 008-20 Acer/BT (21/8/2000), tổng trị giá 4 lô hàng là 64.310USD, chứ không phải trị giá 275.500USD như nguyên đơn đã đề cập. Cty Bách Thắng đã nhận hàng, tài liệu, chứng từ kê khai hải quan, và đã thanh toán đầy đủ tiên 4 lô hàng cho ông Harry Yang bằng hình thức chuyên khoản trả vào tài khoản ngân hàng do ông Harry Yang chỉ định, trong đó có 1 phần trả bằng tiền mặt cho ông Harry Yang; do đó bị đơn không có trách nhiệm đối với yêu cầu của nguyên đơn. Cty Vĩnh Thắng có ký General Agreement (thỏa thuận) với Acer Computer Thailand do ông Harry Yang đại diện vào ngày 01/4/1999, hết hạn vào ngày 31/12/1999, thỏa thuận này không thiết lập hành vi thương mại thường xuyên nhằm làm thông lệ mua bán với Acer, nhưng thỏa thuận này không liên quan đến ASD, và hợp đồng này cũng không còn giá trị vì đã hết hạn, nên không coi là hợp đồng nguyên tắc thực hiện hành vi thương mại cho 4 lô hàng mà nguyên đơn nêu ra. Các hóa đơn thương mại, hóa đơn chiếu lệ số V4300086 (20/7/2000, 31/7/2000) – V4300091 (17/7/2000, 15/8/2000) – V4300091 (14/8/2000), V4300088 (04/8/2000, 30/8/2000) và các tài liệu khác như bản photocopyie hóa đơn chiếu lệ giữa 1 bên là Cty Vĩnh Thắng do Allen Weilong Lou ký, bản ghi nhớ ngày 24/12/1998 từ Acer Việt Nam để Cty Vĩnh Thắng làm đại lý do Allen Weilong ký đại diện Vĩnh Thắng, công văn ngày 06/7/2000 của Acer gửi Acer Việt Nam; Tất cả các tài liệu trên không có chữ ký và con dấu của Cty Bách Thắng là bên nhận hàng, không có đơn đặt hàng của bị đơn, ông Allen Weilong Lou không có ủy nhiệm hay ủy quyền nào của bị đơn nên không thể đại diện cho bị đơn, bị đơn không chịu trách nhiệm về việc làm của ông Allen Weilong Lou, bị đơn có nhận 4 lô hàng không có nghĩa là bị đơn mua của ASD, vận đơn không phải là hợp đồng mua bán hàng hóa, 4 lô hàng này bị đơn mua của ông Harry Yang và đã thanh toán xong cho ông Harry Yang – có thư xác nhận của ông Harry Yang ngày 13/10/2000, được ông Harry Yang xác nhận bản fax có nội dung là đúng vào ngày ngày 11/8/2005; các khoản tiền bị đơn chuyển trả vào tài khoản của nguyên đơn là theo yêu cầu của người bán chỉ định cho nhiều loại hàng, nhiều nhãn hiệu của nhiều chủ hàng khác nhau; ông Allen Weilong Lou không đại diện cho các bị đơn, còn những tài liệu khác có chữ ký của ông Allen Weilong Lou, có từ trước khi ông Allen Weilong Lou và bà Chi có quan hệ vợ chồng; nguyên đơn cũng không có chứng cứ nào về xác nhận số nợ của bị đơn đối với nguyên đơn, không có hợp đồng mua bán và các chứng từ nguyên đơn cung cấp chỉ là bản photocopie không có giá trị là chứng cứ theo qui định của pháp luật, đề nghị bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn.


XÉT THẤY
Sau khi nghiên cứu tất cả các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
Xét ban đầu khi thụ lý vụ án này là một vụ án dân sự (số thụ lý 1289/DSST) ngày 22/7/2003 nhưng ngày 01/02/2007 đã xác định đây là vụ án tranh chấp về kinh doanh thương mại, nên đã chuyển đổi số thụ lý là số 208/2007/KDTM (01/02/2007).
Quan hệ pháp luật tranh chấp xèt theo yêu cầu của nguyên đơn là tranh chấp xuất phát từ hợp đồng mua bán hàng hóa giữa thương nhân nước ngoài với thương nhân Việt Nam, hai bên đương sự là các pháp nhân, nguyên đơn là pháp nhân nước ngoài có trụ sở ở nước ngoài, các bị đơn có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, nên căn cứ điểm a, khoản 1, điều 29, khoản 3 điều 33, điểm a, khoản 1, điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự, thì thẩm quyền giải quyết vụ án này theo trình tự sơ thẩm thuộc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; các qui định của pháp luật về kinh doanh thương mại và các qui định liên quan có hiệu lực lúc giao dịch được cho là xác lập, được áp dụng để giải quyết.

Xét tại phiên tòa hôm nay, ông Allen Weilong Lou, ông Yang Houng Pei có đơn yêu cầu Tòa án xét xử vắng mặt, nên căn cứ khoản 1, điều 202 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa xèt xử vắng mặt các đương sự này.


Xét phiên Tòa ngày 20/12/2006, có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, kiểm sát viên đã phát biểu ý kiến giải quyết vụ án, nhưng sau đó Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn xử; ngày 07/01/2007, 24/01/2007, đại diện nguyên đơn có đơn xác định Tòa án đã thu thập đầy đủ chứng cứ và lời khai của người liên quan, người làm chứng, nguyên đơn không còn khiếu nại về việc thu thập chứng cứ của Tòa án nữa, nên đề nghị Tòa án không mời đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa, kiểm sát viên cũng không tham gia phiên tòa nữa, do vậy tại phiên tòa hôm nay, không có sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Xét nguyên đơn có yêu cầu Tòa án triệu tập một số người làm chứng, Tòa án đã có gửi nhiều giấy triệu tập, nhưng chỉ có bà Nguyễn Thị Minh Thy, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, ông Nguyễn Ngọc Tùng đến Tòa án, còn có những người khác không đến, có người không có địa chỉ như ông Trương Hùng Vỹ, nên Tòa không thể triệu tập được;́ xét sự có mặt của những người này là không bắt buộc, nên Tòa xét xử vắng mặt họ.
Xét yêu cầu của nguyên đơn đòi các bị đơn thanh toán nợ do mua bán hàng hóa chưa thanh toán hết tiền, còn thiếu, cụ thể là của 4 lô hàng giao vào các tháng 7, 8/2000, Xét ASD là pháp nhân nước ngoài thuộc tập đoàn Acer Đài loan, có trụ sở chính ở nước ngoài, có đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam theo giấy phép số 2127/TM-CP

(13/9/1996) của Bộ Thương mại cho phép Cty SV Acer Co., Ltd. được đặt văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh, đăng ký hoạt động từ ngày 13/11/1996, đã giải thể vào ngày 27/6/2000 theo giấy phép số 1739 của Sở Thương mại thành phố Hồ Chí Minh, cùng xét các tài liệu chứng cứ khác cùng lời khai nhận của 2 bên, thì Cty Acer và Cty Vĩnh Thắng có quan hệ giao dịch với nhau từ năm 1996; Acer chọn Cty Vĩnh Thắng là đại lý đại diện Acer tại thị trường Việt Nam (phía nam), giữa 2 bên có ký: bản ghi nhớ từ Acer Việt Nam để Cty Vĩnh Thắng làm đại lý, bản ghi nhớ này được ký kết với trưởng văn phòng đại diện của Acer Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh là ông Gino Yen và đại diện Cty Vĩnh Thắng là ông Allen Weilong Lou, bản ghi nhớ được đôi bên ký ngày 24/12/1998; theo nội dung bản ghi nhớ này thì mục tiêu năm 1999 là 5.000.000USD (năm triệu đô-la Mỹ), Acer hỗ trợ 1.5% quỹ tiếp thị từ tháng 01 năm 1999 đến tháng 12 năm 1999, Acer hỗ trợ quảng cáo sản phẩm Acer bán qua Cty Vĩnh Thắng trên tạp chí PC World, mức dư nợ dành cho Win Techsốlogy là 500.000USD, lãi 1% tính trên tiền nợ quá hạn trả chậm, Acer cho rằng do lúc bấy giờ mọi giao dịch của Acer với Cty Vĩnh Thắng là thông qua ông Allen Weilong Lou vì tin tưởng rằng ông Allen Weilong Lou là chủ đích thực của Cty Vĩnh Thắng, ông Allen Weilong Lou tham gia từ giai đoạn thảo luận, thương lượng giá cả, quyết định mọi giao dịch giữa 2 bên, chính vì sự tin tưởng này nên đã ký kết các chứng từ giao dịch đôi bên mà không có chứng từ ủy quyền từ Cty Vĩnh Thắng.


Xét theo giấy phép thành lập Cty Vĩnh Thắng, số 2184/GP-TL ngày 20/8/1996 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, sở Kế hoạch & Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 30/8/1996, thì Công ty TNHH Sản xuất điện tử Vĩnh Thắng có các sáng lập viên là bà Trần Hoài Phương Chi, ông Đoàn Vĩ Gia Khánh do bà Chi là người đại diện trước pháp luật, không có sự tham gia góp vốn của ông Allen Weilong Lou : Xét khi ký kết bản ghi nhớ này không thể hiện có sự ủy quyền hay ủy nhiệm của Cty Vĩnh Thắng cho ông Allen Weilong Lou, nên căn cứ điều 102 Bộ luật dân sự năm 1995 thì thỏa thuận này không có giá trị đối với Cty Vĩnh Thắng, và xét nội dung của thỏa thuận này cũng không liên quan trực tiếp đến 4 lô hàng mà nguyên đơn đòi bị đơn thanh toán nợ trong vụ án này.
Xét thỏa thuận tổng quát (General Agreement) ký kết giữa Acer Computer Co., Ltd. và Win Techsốlogy Co., Ltd. ngày 01/4/1999 đại diện là ông Harry Yang–Giám đốc Acer Thailand, đại diện Acer Computer và bà Trần Hoài Phương Chi – đại diện theo pháp luật của Cty Vĩnh Thắng; đại diện Acer Hongkong cho rằng bản thỏa thuận tổng quát này là tiền đề cho giao dịch mua bán giữa 2 bên theo thông lệ quốc tế, do không có gì thay đổi, nên dù hết hạn các nội dung cũa bản thỏa thuận này vẫn được đôi bên thực hiện cho các giao dịch giữa hai bên sau ngày 31/12/1999 mà không phải xác lập hợp đồng cho từng lô hàng mua bán sau đó giữa hai bên; Bị đơn và Luật sư thì cho rằng: hợp đồng này chỉ nhằm tiếp thị, quảng cáo, thông tin về chất lượng sản phẩm Acer, chứ không thiết lập hành vi thương mại thường xuyên

làm thông lệ cho việc mua bán với Acer trên cơ sở nguyên tắc đã thỏa thuận ký kết, nhằm chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Xét thỏa thuận này được ký kết bởi ông Harry Yang Giám đốc Acer Thailand và bà Trần Hoài Phương Chi – đại diện theo pháp luật của Cty Vĩnh Thắng, hiệu lực của thỏa thuận này có giá trị từ ngày 01/01/1999 đến ngày 31/12/1999 là hết hạn, không được đôi bên gia hạn bằng 1 văn bản khác, còn các giao dịch liên quan đến 4 lô hàng theo nguyên đơn là thực hiện vào tháng 7 & tháng 8 năm 2000 giữa ASD và các bị đơn là sau thời hạn có hiệu lực của thỏa thuận, không có đủ căn cứ cho rằng thỏa thuận này là hợp đồng nguyên tắc cho việc thực hiện các hành vi thương mại sau đó giữa đôi bên, trong đó có 4 lô hàng mà nguyên đơn đòi nợ tiền còn thiếu; vả lại cho dù đôi bên đã có những thỏa thuận nguyên tắc nói trên, thì sau đó khi thực hiện những hành vi mua bán cụ thể vẫn phải có những tài liệu, chứng từ cần thiết chứng minh cho việc xác lập từng các giao dịch thương mại đó; nguyên đơn cho rằng khi thực hiện việc mua bán giữa 2 bên thì về thủ tục Cty Vĩnh Thắng và Bách Thắng phải có các đơn đặt hàng (Purchase Order), sau đó Acer sẽ cấp cho bên mua các hóa đơn chiếu lệ (Pro-forma invoice) để bên mua ký vào, sau đó bên bán mới làm thủ tục xuất hàng, thông qua người thứ 3 giao hàng cho bên mua, cùng các chứng từ cần thiết như vận đơn, hóa đơn thương mại, bộ hồ sơ chứng từ của lô hàng, trong đó có quy định cụ thể việc thanh toán vào tài khoản của bên bán là ASD tại Citibank Taipei Taiwan, nếu không có các thủ tục này thì bên Acer không thể xuât hàng cho bên mua được, còn số liệu công nợ thì máy vi tính của ASD tự cấn trừ trên chi tiết từng lô hàng, nhưng không rõ vì lý do gì hồ sơ 4 lô hàng này của Acer đã thất lạc, Acer không còn bản chính của Purchaser Order (đơn đặt hàng) có chữ ký của ông Allen Weilong Lou; còn việc hai bên không có xác nhận số nợ là do trước đây tin tưởng lẫn nhau, đến khi yêu cầu bà Chi ký, thì bà Chi lánh mặt không ký xác nhận nợ, không trả nợ, dẫn đến nguyên đơn phải kiện ra tòa, nhưng nguyên đơn cho rằng có đủ chứng cứ để xác định quyền sở hữu của ASD đối với 4 lô hàng mà bị đơn đã thừa nhận là có nhận; quyền sở hữu ASD đối với 4 lô hàng đã được chứng minh qua các chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ như: Giấy chứng nhận của Acer Communication & Multimedia Asia Pacific (trước đây là Acer Peripherals Acer Pacific Inc. ngày 20/12/2001 – đã hợp pháp hóa lãnh sự ngày 12/02/2003; Giấy xác nhận của Logistron Service Pte Ltd. ngày 14/02/2003 – hợp pháp hóa lãnh sự tại Singapore ngày 25/02/2003; Hóa đơn 310-891081 ngày 18/8/2000 của Lucky Star Technology Co., Ltd.; Giấy chứng nhận của Acer Communication & Multimedia Asia Pacific Inc. ASD cho rằng 4 lô hàng này ASD đã giao cho Cty Vĩnh Thắng 1 lô hàng trị giá 61.500USD gồm 1.000 main board, theo vận đơn ngày 20/8/2000, và giao Cty Bách Thắng 3 lô hàng:


  • Lô thứ 1 theo vận đơn ngày 01/8/2000 gồm 3.000 ổ đĩa CD Rom (Acer) trị giá 100.500USD




  • Lô thứ 2 theo vận đơn ngày 29/8/2000 trị giá 85.260USD




  • Lô thứ 3 theo vận đơn ngày 16/8/2000 trị giá 28.240USD

Tổng cộng 4 lô hàng trị giá 275.000USD


Xét theo tờ khai hải quan XKNK do đại diện Cty Vĩnh Thắng & Cty Bách Thắng kê khai số 13274 ngày 11/8/2000, số 11206 ngày 10/7/2000, số 13790 ngày 18/8/2000 và xác nhận của đại diện bị đơn có đủ cơ sở để xác định Cty Bách Thắng đã nhận 4 lô hàng mà nguyên đơn đòi. Nhưng bị đơn cho rằng bị đơn không có đặt hàng, không trực tiếp mua 4 lô hàng này của ASD, mà bị đơn đã trực tiếp mua 4 lô hàng này với ông Harry Yang, được thể hiện bằng 4 hợp đồng mua bán:


  • Hợp đồng số 005-20Acer/BT (25/7/2000) trị giá 22.600USD, khi ký ông Harry Yang lấy pháp nhân là Acer Technologies Sdn. Bhd;




  • Hợp đồng số 006-20Acer/BT (08/8/2000) trị giá 10.320USD, ông Harry Yang lấy pháp nhân là Logistron Services Pte. Ltd;




  • Hợp đồng số 007-20Acer/BT (11/8/2000) trị giá 5.350USD, được ký bởi Harry Yang lấy tư cách pháp nhân là ASD;




  • Hợp đồng số 008-20Acer/BT (21/8/2000) trị giá 26.040USD, ông Harry Yang lấy pháp nhân là Acer Technologies Sdn. Bhd;

Tổng cộng giá trị 4 lô hàng là 64.310USD


Cty Bách Thắng đã nhận hàng, tài liệu, chứng từ kê khai hải quan, đóng thuế đầy đủ; bị đơn có đưa ra các bản hợp đồng nói trên là các bản photocopie, không có bản chính, bị đơn cho rằng không tìm ra được bản chính, và bản fax ngày 13/10/2000 có chữ ký của ông Harry Yang xác nhận đôi bên không còn công nợ; Đáng lưu ý là tại biên bản hòa giải ngày 22/01/2003 tại Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, bà Chi thừa nhận có nhận 4 lô hàng này nhưng chỉ là việc Cty Bách Thắng giúp Acer nhập các lô hàng này vào Việt Nam, sau đó giao các lô hàng này cho đại diện Acer tại Việt Nam, hoặc giao cho người khác theo chỉ định của Acer.
Còn Ông Harry Yang thì cho rằng ông không phải là GĐ của các Cty ATSD - Malaysia, LSPL - Singapore, ASD, do vậy ông không ký với tư cách bên bán trong 5 hợp đồng với ông Nguyễn Tiến Dũng, mà phía bị đơn nêu ratheo ông các hợp đồng nói trên do bà Chi nộp cho Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là các hợp đồng già mạo, các đơn giá khai báo trên tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu của Cty Bách Thắng do ông Dũng đại diện khai là giá giả; ông xác định từ đầu năm 2000 ASD đã thay thế Acer Thailand trong việc bán các sản phẩm Acer và sản phẩm công nghệ thông tin cho Cty Vĩnh Thắng & Cty Bách Thắng, 4 lô hàng mà ASD đòi là thuộc quyền sở hữu của ASD, do ASD đã bán cho Cty Vĩnh Thắng & Cty Bách Thắng. Xét đánh giá chứng cứ thì các hợp đồng thương mại nói trên do bị đơn cung cấp, không có bản chính, bản photo không có xác nhận sao y bản chánh, không được sự thừa nhận của nguyên đơn và những người liên quan nên không được coi là có giá trị chứng cứ để xem xét; còn bản fax do ông Harry Yang ký lập ngày 13/10/2000 từ Acer Computer Việt Nam gửi Win Technology Co., Ltd. có nội dung xác định " Cty Vĩnh Thắng & Cty Bách Thắng không còn khoản nợ nào trong sổ sách kế toán của chúng tôi”, bản fax này còn được gửi tới trưởng phòng bộ phận máy tính, cá

nhân giám đốc tài chính, trưởng phòng thu và kiểm soát tín dụng; ông Harry Yang vào năm 2005 tại Tòa án cũng đã xác nhận nội dung bản fax là đúng, nhưng sau này vào năm 2006 ông lại cho rằng bản fax này đã được fax đi vào tháng 4 năm 2000, sau đó bà Chi nhờ Acer fax lại vào tháng 10 năm 2000. Như vậy bản fax này tuy không có dấu mộc của Acer, không có hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng được coi là có giá trị là chứng cứ, vấn đề là xác định không còn công nợ giữa các bị đơn với ASD hay là với Acer Thailand. Vấn đề khác là 4 lô hàng này trị giá 275.500USD hay 64.310USD, 4 lô hàng này đã được ASD bán cho các bị đơn hay do các bị đơn mua với ông Harry Yang? Về chứng cứ pháp lý như đã phân tích ở trên, cả hai bên đều có đưa ra các chứng cứ để chứng minh.


Phía ASD cho rằng các giao dịch này được thực hiện thông qua người đại diện của các bị đơn là ông Allen Weilong Lou, lúc đó là người quyết định mọi vấn đề, từ đặt hàng đến quyết định giá cả, thương lượng, quyết định mua hàng, và đại diện nguyên đơn quả quyết rằng 4 lô hàng này chỉ được nguyên đơn xuất giao hàng khi đã có Purchase Order, Proforma Invoice có chữ ký của ông Allen Weilong Lou, nhưng nguyên đơn không chứng minh được ông Allen Weilong Lou là người đại diện hợp pháp của các bị đơn; ông Allen Weilong Lou và bà Chi chỉ có quan hệ vợ chồng pháp lý từ ngày 15/11/2001, tức là sau khi các lô hàng nói trên đã được các bị đơn nhận, nên việc nguyên đơn cho rằng ông Allen Weilong Lou đại diện cho bị đơn mua 4 lô hàng này là không có cơ sở pháp lý để buộc bị đơn chịu trách nhiệm về các giao dịch này của ông Allen Weilong Lou (nếu như nguyên đơn chứng minh được là ông Allen Weilong Lou có thực hiện các giao dịch này với nguyên đơn), và nguyên đơn cũng không đưa ra được chứng cứ là các P.O., P.I. bản chính để chứng minh việc có đặt hàng, đồng ý mua hàng dù là của ông Allen Weilong Lou hay của các bị đơn đối với 4 lô hàng này; nguyên đơn cho rằng vì lý do nguyên đơn đã mất toàn bộ hồ sơ gốc của giao dịch mua bán 4 lô hàng này giữa nguyên đơn và bị đơn, việc không chứng minh được bằng văn bản của giao dịch mua bán hàng hóa giữa nguyên đơn là pháp nhân nước ngoài với pháp nhân Việt Nam, dù với bất kỳ lý do nào là lỗi của phía nguyên đơn, nguyên đơn chịu trách nhiệm về việc không chứng minh được đó. Để chứng minh cho yêu cầu của mình, nguyên đơn có nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ, nhưng nguyên đơn đã không đưa ra các tài liệu chứng cứ có giá trị chứng cứ pháp lý chứng minh có việc mua bán 4 lô hàng giữa 2 bên; nguyên đơn có đưa ra các chứng từ tài liệu như vận đơn, lệnh giao hàng để cho rằng giữa đôi bên đã có hợp đồng mua bán 4 lô hàng này; xét theo quy định của Bộ luật hàng hải tại điều 81, thì: “Vận đơn (B/L) là chứng từ vận chuyển hàng hóa, là bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận lên tàu số hàng hóa với số lượng, chủng loại, tình trạng như ghi rõ trong đơn vận chuyển đến nơi trả hàng. Vận đơn có 3 chức năng: là biên lai nhận hàng để chở, là chứng từ sở hữu hàng hóa ghi trong vận đơn, là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển, chứ không phải là hợp đồng mua bán; Như vậy các vận đơn do

nguyên đơn nêu ra không phải là chứng từ chứng minh có giao dịch mua bán 4 lô hàng này giữa đôi bên.


ASD còn đưa ra chứng cứ tài liệu chứng minh về khoản nợ ASD đòi các bị đơn xuất phát từ các giao dịch mua bán hàng hóa giữa 2 bên được xác lập từ 15/02/2000 đến ngày 30/8/2000, xác định tổng trị giá là 1.183.255,5USD, 1 giấy báo nợ 46USD, tổng cộng Wintech nợ tiền mua hàng là 1.183.255,5USD và Wintech đã thanh toán chuyên khoản điện tín là 929.562.5USD, WTC trả tiền mặt tại Acer Thailand là 50.000USD, khấu trừ 7 giấy báo có 9.598USD, phí ngân hàng ASD chịu 25.6USD, tổng cộng 989.416.5USD, khấu trừ tính đến ngày 01/11/2000, bị đơn còn nợ nguyên đơn là 193.885USD; xét số liệu về nợ còn lại do nguyên đơn cugn cấp theo nguyên đơn là của cả 24 lô hàng, còn phạm vi khởi kiện của nguyên đơn chỉ là 4 lô hàng, tuy nhiên tất cả những số liệu công nợ này không có 1 xác nhận nào của phía bị đơn là có nợ nguyên đơn, các số liệu này do hệ thống máy tính nội bộ của Acer cung cấp, không có xác nhận nợ của phía bị đơn, nên không có cơ sở để chấp nhận.

ASD có đưa ra các chứng từ xác định bị đơn, đã thông qua các tổ chức, cá nhân khác trả tiền vào tài khoản của nguyên đơn tại chi nhánh ngân hàng Citibank tại Taipei, cụ thể là ông Allen Weilong Lou thanh toán 3 lần là 117.955USD, ông Trương Hùng Vỹ chuyển trả 15 lần là 511.330USD, Phú Yên United Export chuyển trả 2 lần là 117.950USD, Brandon Diệp trả 1 lần là 9.985USD, Chi nhánh Công ty Xuất nhập khẩu Phú Yên trả 1 lần là 59.325USD, Cty Phát triển và Đầu tư trả 1 lần là 35.762USD, Computer Plus OA trả 9.980USD, nhưng các khoản trả này nguyên đơn không có gì chứng minh là các cá nhân tổ chức này trả theo chỉ định của các bị đơn để trả cho các khoản bị đơn nợ của nguyên đơn, đặc biệt là đối với 4 lô hàng thuộc phạm vi giải quyết của vụ án này.

Bị đơn thì cho rằng không biết các khoản tiền mà tổ chức cá nhân nói trên đã trả cho nguyên đơn, và không có gì liên quan đến các bị đơn, còn các khoản tiền 21.450USD, 25.800USD, 20.075USD, tổng cộng là 67.275USD, các bị đơn trả cho các chủ hàng khác nhau thông qua Ngân hàng Đông Á là trả theo sự chỉ định của người trực tiếp bán 4 lô hàng này cho bị đơn, đến những chủ hàng khác nhau, trong đó có Acer, Microsoft …

Xét thấy ASD không có đủ chứng cứ để xác định các khoản tiền trên do các bị đơn yêu cầu các cá nhân, tổ chức và bản thân bị đơn gửi trả nợ cho nguyên đơn xuất phát từ các khoản nợ do 24 giao dịch mua bán trong đó có 4 lô hàng nói trên, do vậy không có đủ căn cứ để coi đây là chứng cứ xác định đôi bên có quan hệ mua bán 4 lô hàng nói trên và bị đơn còn nợ tiền của 4 lô hàng này.

ASD có đưa ra giấy xác nhận ngày 19/4/2000 do ông Allen Weilong Lou ký tên đại diện phía Cty Vĩnh Thắng, nhưng điều này không xác định được hay suy đoán được là có việc các bị đơn ủy quyền cho ông Allen Weilong Lou mua của bị đơn 4 lô hàng nói trên; tương tự thư đề ngày 06/7/2000 của Bà Chi gửi Acer Vietnam, nội dung thư này cũng không đủ căn cứ chứng minh ông Allen Weilong Lou là đại diện hợp pháp của Wintech (các bị đơn).

Đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài theo quy định tại khoản 4 điều 81 Luật Thương mại năm 1997, hợp đồng phải được lập thành văn bản, nhưng trong vụ án này qua các phân tích, xem xét nói trên, cho thấy phía nguyên đơn không đưa ra được các chứng cứ quan trọng cần thiết như hợp đồng bằng văn bản, các đơn đặt hàng, hóa đơn chiếu lệ có chữ ký của phía bị đơn, nguyên đơn cũng không có văn bản xác nhận nợ, đối chiếu nợ: qua các đánh giá nói trên, xét thấy nguyên đơn không có đủ chứng cứ có giá trị tin được, để cho rằng giữa đôi bên đã có quan hệ mua bán 4 lô hàng trị giá 275.500USD, do vậy cũng không có căn cứ để xác định bị đơn có nợ của nguyên đơn số tiền nợ gốc là 193.885USD, cùng tiền lãi quy đổi ra tiền đồng Việt Nam, tương đương là 5.524.046.176đ (năm tỷ, năm trăm hai mươi bốn triệu, không trăm bốn mươi sáu ngàn, một trăm bảy mươi sáu đồng); do bị bác toàn bộ yêu cầu, nguyên đơn phải chịu án phí, được cấn trừ tạm ứng án phí đã nộp.

Bởi các lẽ nêu trên,
QUYẾT ĐỊNH


  • Căn cứ khoản 1, điều 29, khoản 3, điều 33, điểm a khoản 1, điều 35, khoản 1, điều 202, điều 83, điều 236, điều 238, khoản 1, điều 245 Bộ luật tố tụng dân sự;




  • Căn cứ điều 102 of Civil Code in 1995;




  • Căn cứ điều 3, điều 46, điều 49, điều 51, điều 56, điều 80, 81, 82, 83 và điều 85 Luật Thương mại năm 1997;




  • Căn cứ khoản 1, khoản 2, điều 121 Luật Doanh nghiệp năm 1999;




  • Căn cứ khoản 3, điều 1, khoản 2.1 điều 2 của Nghị quyết 04/2005/NQ-HDTP (17/9/2005) của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành 1 số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về “chứng minh và chứng cứ”.




  • Căn cứ điểm e khoản 2, điều 15, khoản 1, điều 19, khoản 2, điều 18 Nghị định 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ quy định về án phí, lệ phí Tòa án;

Xử:
- Bác yêu cầu của Cty ACER SALES & DISTRIBUTION LTD. HONGKONG đòi Cty TNHH Sản xuất Điện tử Vĩnh Thắng, Cty Cổ phần Điện từ Bách Thắng (đã chuyển đổi thành Cty TNHH Công nghệ Tin học Bách Thắng), bà Trần Hoài Phương Chi, ông Allen Weilong Lou, và ông Nguyễn Tiến Dững liên đới thanh toán số nợ gốc còn thiếu và tiền lãi của các hợp đồng mua bán 4 lô hàng máy vi tính và phụ tùng, linh kiện vào tháng 7, 8 năm 2000, tổng cộng quy đổi ra tiền Việt Nam là 5.524.046.176đ (năm tỷ, năm trăm hai mươi bốn triệu, không trăm bốn mươi sáu ngàn, một trăm bảy mươi sáu đồng).
- Án phí dân sự sơ thẩm Cty Acer Sales & Distribution Ltd. Hongkong phải nộp là 32.254.046đ (ba mươi hai triệu hai trăm năm mươi bốn ngàn, bốn mươi sáu đồng), được khấu trừ tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp là 14.950.000đ (mười bốn triệu chín trăm năm mươi ngàn đồng) do đã đóng theo biên lai thu số 026261 ngày 06/3/2000 của Cơ quant thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, Cty Acer Sales & Distribution Ltd. Honkong còn phải nộp là 17.574.046đ (mười bảy triệu, năm trăm bảy mươi bốn ngàn, bốn mươi sáu đồng).

- Các đương sự có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày, tính kể từ ngày tuyên án; ông Allen Weilong Lou, ông Yang Houng Pei có thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc từ ngày bản án được niêm yết.


TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ SƠ THẨM,

Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa

NƠI NHẬN:

- TAND TC Đã ký và đóng dấu

- VKSND TPHCM

- Cơ quan THA TPHCM

- Các đương sự Đỗ Đức Vân Hồng

- Lưu VP, Hồ sơ (…)




tải về 119.39 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương