Khoa: nn-tntn lớp: dh4PN2



tải về 48.42 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu01.10.2016
Kích48.42 Kb.
#32505
Trường: Đại Học An Giang

Khoa: NN-TNTN

Lớp: DH4PN2

Tên: Huỳnh Ngọc Bình

MSSV: DPN030407
TRỒNG NẤM RƠM – HƯỚNG GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

CHO NGƯỜI DÂN NÔNG THÔN TRONG MÙA LŨ

TẠI XÃ AN TỨC, HUYỆN TRI TÔN, TỈNH AN GIANG
1. Giới thiệu

An Giang là một tỉnh nằm ở hạ lưu lưu vực sông Mê Kông, có hệ thống sông ngòi và kênh rạch chằng chịt. Do đó bị tác động đầy đủ của các hiện tượng thủy văn như: ngập lụt, sụt lở đất ven bờ sông, . . . Vào tháng 7, tháng 8 hàng năm có những ngày mưa to kéo dài làm xuất hiện những trận lũ đầu mùa gây không ít khó khăn cho đời sống và sản xuất của người dân.

Xã An Tức là một xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, nằm ở phía Tây Nam của huyện Tri Tôn tỉnh An Giang. Phần lớn diện tích đất bị nhiễm phèn nặng, chiếm 67% diện tích đấtt tự nhiên của xã (Quy hoạch sử dụng đất xã An Tức thời kỳ 2004 – 2010), thường xuyên bị ngập nước trong mùa lũ (tháng 9 và kết thúc vào tháng 11), thiếu nước vào mùa khô (tháng 11 đến tháng 5). Diện tích toàn xã là 2.791ha (chiếm khoảng 5% diện tích tự nhiên toàn huyện). Trong đó diện tích đất nông nghiệp là 2.030,81ha (chiếm khoảng 84,5%), chủ yếu là trồng lúa 2 vụ: Đông Xuân – Hè Thu và trồng Lúa Mùa. Cũng như các xã khác trong tỉnh An Giang, xã An Tức cũng chịu đầy đủ các tác động của các hiện tượng thủy văn. Khi lũ về người dân phải đối mặt với những thiệt hại về người, về của, …, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn do thời gian nhàn rỗi nhiều mà họ lại không có việc làm. Để giúp cho người dân vẫn có thu nhập ổn định trong mùa lũ thì việc tìm ra hướng giải quyết việc làm cho người dân, hay việc tìm ra các mô hình nuôi trồng thích hợp trong mùa lũ là rất cần thiết.

Từ lợi thế là tỉnh An Giang nói chung và xã An Tức nói riêng có đa số người dân sống bằng nghề trồng lúa là chính (diện tích đất trồng lúa chiếm 71% diện tích đất nông nghiệp), sản phẩm phụ (rơm, rạ) từ quá trình trồng lúa là rất lớn, việc đưa ra mô hình trồng nấm rơm trong mùa lũ sẽ tận dụng được các phế phẩm của cây lúa sau thu hoạch để tạo ra sản phẩm mới, tận dụng thời gian nhàn rỗi của người dân. Do nấm rơm có thể trồng quanh năm, chi phí đầu tư thấp, yêu cầu kĩ thuật không phức tạp, thu hồi vốn nhanh nên những người dân nghèo ít vốn vẫn có thể áp dụng được. Vì vậy có thể xem mô hình trồng nấm rơm là một trong những hướng giải quyết việc làm cho người dân xã An Tức trong mùa lũ để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình.

2. Lược khảo tài liệu

Nấm rơm (còn gọi là Nấm rạ, Thảo Cô) có tên khoa học là Volvariella volvacea, thuộc họ Pluteaceae, bộ Agaricales, lớp phụ Hymenomycetidae, lớp Hymenomycetes, ngành phụ Basidiomycotina, ngành Nấm thật - Eumycota, giới Nấm - Mycota hay Fungi (Nguyễn Lân Dũng, 2003).

Nấm rơm là thực phẩm rất được người dân các nước Châu Á ưa chuộng và được trồng phổ biến ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, nấm rơm có thể được trồng trên nhiều loại nguyên liệu khác nhau như lục bình, bã mía, rơm rạ,… nhưng nguyên liệu phổ biến nhất hiện nay mà người trồng nấm sử dụng vẫn là rơm rạ. Nấm rơm có thể được trồng ở nhiều nơi trồng khác nhau, từ nơi có nhiều ánh sáng mặt trời (trồng ngoài trời), đến nơi không chịu ảnh hưởng trực tiếp của ánh sáng mặt trời (trồng trong nhà). Phổ biến nhất hiện nay là trồng nấm rơm ngoài trời, tận dụng diện tích đất trống của nông hộ để đắp mô trồng nấm.

Nấm rơm là một loại thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng với hàm lượng protein cao (2,66 – 5,05%) và 19 acid amin (trong đó có 8 loại acid amin không thay thế), không làm tăng lượng cholesterol trong máu. Ngoài giá trị dinh dưỡng, nấm rơm có thành phần chất xơ tương đối cao và thành phần lipid thấp nên có khả năng phòng trừ bệnh về huyết áp, chống béo phì, xơ cứng động mạch, chữa bệnh đường ruột,…. (Nguyễn Hữu Đống, 2002).

2.1. Tình hình sản xuất nấm rơm ở Việt Nam

Theo Nguyễn Hữu Đống (2002) cho biết trồng nấm rơm được xem là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao tại các tỉnh miền Nam nước ta. Sản lượng nấm rơm tăng theo cấp số nhân qua các năm. Từ năm 1990 mới đạt được vài trăm tấn/năm, đến năm 2003 đã đạt được trên 40.000 tấn/năm,…. Và hiện nay mỗi năm cả nước sản xuất được khoảng 100.000 tấn nấm nguyên liệu. Các tỉnh phía Nam đã và đang sản xuất nấm rơm muối đóng hộp với sản lượng hàng nghìn tấn trên năm và xuất khẩu. Thị trường tiêu thụ nấm ăn lớn nhất hiện nay là Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và các nước Châu Âu. Mức tiêu thụ bình quân tính theo đầu người của Châu Âu và Châu Mỹ là 2 - 3 kg/năm; ở Nhật, Úc khoảng 4 kg/năm… Bên cạnh đó ngay ở thị trường trong nước, lượng nấm tiêu thụ cũng vài chục nghìn tấn/năm. (Theo VietNamNet)

Nấm rơm là loại thực phẩm được xếp vào loại rau sạch rất giàu dinh dưỡng, có thể thay thế thịt cá và là nguồn dược liệu quí. Vì vậy lượng cung của nấm luôn thấp hơn nhu cầu. Ở nước ta, cụ thể là Đồng bằng sông Cửu Long lại có tiềm năng to lớn để phát triển nghề nấm.

2.2. Những thuận lợi của nghề trồng nấm rơm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

ĐBSCL cung ứng phần lớn nấm rơm cho cả nước, là khu vực có đủ các điều kiện để phát triển mạnh nghề trồng nấm rơm như:


  • Điều kiện tự nhiên: các tỉnh phía Nam có sự chênh lệch về nhiệt độ giữa tháng nóng và tháng lạnh là không lớn lắm nên có thể trồng nấm rơm quanh năm.

  • Bình quân 1 tấn lúa sẽ có được khoảng 1,2 tấn nguyên liệu trồng nấm (rơm, rạ). Nếu kể đến các phế phẩm khác như: mạt cưa, lục bình, bã mía,… thì khu vực sẽ có nguồn nguyên liệu rất lớn để trồng nấm rơm.

  • Trồng nấm không cần nhiều diện tích, chủ yếu là tận dụng những khoảng trống quanh nhà để chất nấm như: sân vườn, mái hiên, …

  • Tận dụng thời gian nhàn rỗi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vào mùa lũ, thời gian nhàn rỗi của nông dân là rất nhiều, lại không có việc làm để tạo thu nhập ngoài việc giăng câu, giăng lưới. Bên cạnh đó, việc trồng nấm rơm không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp nên các lao động phụ cũng có thể tham gia trồng nấm rơm.

  • Chi phí đầu tư cho việc trồng nấm thấp, chi phí tính trên 100m mô khoảng 256.000 đồng, lợi nhuận thu được khoảng 950.000 đồng (Vũ Thị Phương Huệ, 2005) và vòng quay vốn nhanh nên có thể áp dụng được đối với nhiều hộ gia đình.

  • Tạo thêm nguồn thực phẩm và đem lại hiệu quả kinh tế. Trồng nấm rơm không những mang lại hiệu quả kinh tế cho nông hộ, cho xã hội mà còn giải quyết được nguồn thực phẩm còn đang thiếu ở nước ta (Trung tâm UNESCO, 2004).

2.3. Thực trạng về lao động và việc làm ở xã An Tức.

Lao động - việc làm luôn là vấn đề bức xúc nhất trên địa bàn xã do hiện tại xã đang gặp khó khăn trong việc giải quyết tình trạng thiếu lao động vào mùa thu hoạch và tạo việc làm cho người dân vào mùa nước nổi.

Đa số người dân trong xã sống bằng nghề nông, người nghèo thì đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống như: làm hồ, xịt thuốc mướn, cắt lúa mướn, làm cỏ, … Hiện tại xã có khoảng 30% sống người đã qua độ tuổi lao động, 30% số người chưa đến tuổi lao động và số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 40%.



Bảng: Cơ cấu phân bố độ tuổi lao động ở xã An Tức

Phân loại

Tổng dân số

Số người trên độ tuổi lao động

Số người trong độ tuổi lao động

Số người dưới độ tuổi lao động

Số lượng

6.893

2.068

2.757

2.068

Tỷ lệ (%)

100

30

40

30

Nguồn: UBND xã An Tức, 2007

Nguyên nhân thiếu lao động là do số người trong độ tuổi lao động đi làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hiện tại số người trong độ tuổi lao động có khoảng trên 400 người làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong đó số người làm việc trong tỉnh khoảng 100 người (Báo cáo UBND xã An Tức, 2007).

Bên cạnh việc thiếu lao động trong mùa thu hoạch thì tình trạng dư thừa lao động và thiếu việc làm trong mùa nước nổi lại càng được quan tâm. Vào mùa lũ thì những người dân ở đây sống bằng nghề câu lưới, đi cắt cỏ ở các vùng lân cận như như Lương An Trà, Kiên Lương, Hòn Đất về bán cho các hộ nuôi bò, một số đi làm hồ,… những việc này bấp bênh, không ổn định, lúc có lúc không, thu nhập từ những công việc này đem lại là rất ít.
2.4. Những thuận lợi của nghề trồng nấm rơm ở xã An Tức.

  • Điều kiện tự nhiên: xã An Tức có khí hậu mang nét đặc trưng của khu vực là chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình trong năm là 27,30C, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm là 7 đến 80C. Đây là điều kiện ngoại cảnh lý tưởng để trồng nấm rơm.

  • Có nguồn nguyên liệu rẻ và dồi dào. Nguyên liệu trồng nấm rơm chủ yếu là các phế phẩm nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa (rơm) có rất nhiều ở các địa phương. vừa góp phần giải quyết về mặt vệ sinh đồng ruộng, đồng thời góp phần tạo nên sản phẩm mới. Đặc biệt rơm sau khi trồng nấm còn có thể sử dụng làm phân bón trong trồng trọt. Đa phần người dân ở xã sống chủ yếu bằng nghề nông, trong đó trồng lúa là chính nên lượng rơm rạ sau khi thu hoạch lúa là rất lớn.

  • Giải quyết được lao động nhàn rỗi trong mùa lũ tại địa phương, thay vì phải đi làm thuê, làm mướn. Bên cạnh lao động chính trong nông hộ thì các lao động phụ cũng có thể tham gia trồng nấm rơm được như tham gia vào khâu thu hoạch nấm, phân loại,… không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao.

  • Nấm rơm dễ trồng, không yêu cầu kỹ thuật phức tạp nên mô hình trồng nấm rơm có thể áp dụng cho cả người Kinh lẫn người Khmer thông qua các chương trình tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật.

  • Chi phí đầu tư thấp, thu hồi vốn nhanh: nhiều hộ nông dân nghèo hoặc hoàn cảnh khó khăn không thể đầu tư vốn để sản xuất những giống cây trồng vật nuôi đắt tiền, chậm thu hồi vốn, có rủi ro trong sản xuất,… Trong khi đó, vốn đầu tư cho sản xuất nấm rơm không cao, vòng quay vốn nhanh,… sau 1 tháng là có thể thu hoạch.

  • Nấm rơm có giá trị kinh tế và ổn định: Nấm rơm trên thị trường hiện tại có giá khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg tùy theo loại nấm. Giá thu mua của các công ty chế biến với nấm nguyên liệu là 12.000 - 15.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, do phần lớn người dân trong xã (kể cả người Kinh và người Khmer) theo đạo Phật có phong tục ăn chay vào ngày rằm và các lễ hội của người dân tộc, do đó vào những ngày chay, ngày rằm giá nấm rơm có thể tăng hơn.

  • Được sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương, xã có nhiều đề án, chương trình như chương trình 134, 135 hỗ trợ vốn sản xuất, đề án 27 của Huyện hỗ trợ giống sản xuất cho người dân tộc, mở các lớp tập huấn, và đã hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm rơm cho người dân. Điển hình là tỉnh An Giang đã áp dụng chính sách khuyến khích với các hộ trồng nấm rơm tăng gấp đôi số vốn vay cho hộ nghèo từ 3 triệu đồng trước đây lên 7 triệu đồng/hộ (trong 6 tháng không phải thế chấp và họ là thành viên của tổ liên kết sản xuất nấm rơm), hộ khá có nhu cầu vay, hoặc hộ vay vốn để lập cơ sở thu mua chế biến nấm được vay 70% số vốn trên chi phí sản xuất; tỉnh chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh tăng cường việc tập huấn, hướng dẫn nông dân trước khi bắt tay vào trồng nấm.

2.5. Những khó khăn khi áp dụng mô hình trồng nấm rơm tại xã An Tức.



  • Hiện nay các hộ trồng nấm rơm vẫn chủ yếu vẫn còn là qui mô hộ đơn lẻ, mang tính cá thể hộ gia đình nên việc tiêu thụ chủ yếu lệ thuộc vào thương lái, giá cả không ổn định và có thể bị các thương lái ép giá.

  • Tỉ lệ người Khmer trong xã chiếm khoảng 73% tổng số nhân khẩu, còn mang nặng phong tục tập quán truyền thống khó thay đổi, nên việc đưa ra mô hình sản xuất mới cần phải có một vài điểm trình diễn.

  • Xã An Tức có 3 ấp: Ninh Hòa, Ninh Lợi, Ninh Thạnh, trong đó 2 ấp Ninh Hòa, Ninh Lợi phần lớn là người dân tộc sinh sống, hiện tại các mô hình trồng nấm rơm tập trung ở ấp Ninh Thạnh (người Kinh chiếm phần lớn dân số) nên việc trao đổi kinh nghiệm sản xuất của các hộ nông dân gặp nhiều khó khăn, chưa áp dụng đều ở các ấp,…

  • Giống nấm có vai trò quan trọng và là yếu tố quyết định trong sản xuất. Nhưng một số hộ trồng nấm ở đây sử dụng giống kém chất lượng nên năng suất không cao.

  • Xã An Tức chưa có chợ nên việc mua bán gặp khó khăn, chủ yếu là người dân mang ra chợ Tri Tôn để bán nên phải tốn chi phí vận chuyển và giảm lợi nhuận, trong khi đó nấm rơm rất dễ nở ô, dù, … làm giảm giá thành sản phẩm.

3. Kết luận và kiến nghị

3.1. Kết luận

Trồng nấm rơm ở xã An Tức có nhiều thuận lợi như nguồn nguyên liệu trồng nấm dồi dào, tận dụng thời gian nhàn rỗi trong mùa lũ đem lại hiệu quả kinh tế, yêu cầu kỹ thuật không phức tạp, dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, thu hồi vốn nhanh, góp phần tăng thu nhập cho nông hộ. Do đó mô hình trồng nấm rơm có thể xem là một trong những mô hình thích hợp để áp dụng trong mùa lũ vì mô hình này vừa giải quyết lao động nhàn rỗi, đồng thời tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân.

Nếu được tổ chức, đầu tư có hợp lý, chắc chắn rằng nghề sản xuất nấm rơm sẽ gặt hái được nhiều thành quả to lớn trong thời gian tới, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo thêm nghề phụ cho nông dân, tạo sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân trong mùa lũ.


3.2. Kiến nghị

  • Tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho nông dân, đặc biệt là cần đầu tư xây dựng chợ để việc buôn bán được thuận lợi, từ đó người dân có thể mở rộng qui mô sản xuất.

  • Mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật tăng năng suất cho nông dân trồng nấm rơm, các kỹ năng luộc muối nấm, sản xuất meo giống thông qua các chương trình khuyến nông.

  • Xây dựng các mô hình sản xuất điển hình, các điểm sản xuất trình diễn để các nông hộ học tập kinh nghiệm, từ đó có thể nhân rộng và tăng diện tích sản xuất.

  • Chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội tạo điều kiện giúp đỡ về vốn cho người dân sản xuất với các hình thức cho vay với lãi suất thấp để các hộ sản xuất có thể mở rộng qui mô.

  • Chính quyền địa phương và các tổ chức cần quan tâm phát triển hệ thống Đại lý thu mua - sơ chế đến tận các ấp, xã, huyện bằng chính sách ưu đãi. Thông qua các đại lý này, sẽ góp phần bình ổn thị trường và vực dậy phong trào trồng nấm rơm tại xã.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


Nguyễn Lân Dũng. 2003. Công nghệ nuôi trồng nấm, tập 1. Hà Nội: NXB Nông Nghiệp.

Nguyễn Hữu Đống. 2002. Nấm Rơm - cơ sở khoa học và công nghệ nuôi trồng. Hà Nội: NXB Nông Nghiệp.

Trung tâm UNESCO phổ biến kiến thức văn hóa giáo dục cộng đồng. 2004. Sổ tay trồng nấm ăn và nấm chữa bệnh. Hà Nội: NXB Văn hóa dân tộc.

UBND xã An Tức. 2007. Báo cáo tình hình thực hiện kinh tế xã hội năm 2007.

Vũ Thị Phương Huệ. 2005. Tổng kết và theo dõi mô hình trồng nấm rơm trong mùa lũ năm 2004 tại xã Lương An Trà và xã Cô Tô. Luận văn tốt nghiệp ngành phát triển nông thôn.



http://www.nongthon.net. Đọc ngày: 17/02/2008.

http://vietnamnet.vn/kinhte/toancanh. Đọc ngày: 17/02/2008.

http://www.khoahocchonhanong.com.vn. Đọc ngày: 17/02/2008.

tải về 48.42 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương