Họ và tên: Từ Thị Ngọc Trang Lớp: dh6pn mssv: dpn053046



tải về 35.21 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu10.12.2017
Kích35.21 Kb.
#35031
Họ và tên: Từ Thị Ngọc Trang

Lớp: DH6PN

MSSV: DPN053046
ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁ PHÂN TĂNG ĐẾN SẢN XUẤT CỦA NÔNG DÂN TRỒNG LÚA VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

  1. Giới thiệu

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước, chiếm 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của quốc gia (Võ Tòng Xuân, 2008), có vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh lương thực của nước ta. Phân bón hoá học là nguồn cung cấp dinh dưỡng và góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất cây trồng (trên 50%) nhưng giá phân bón trong nước không ngừng tăng mạnh đã làm ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân trồng lúa nơi đây, nhất là đối với những hộ thiếu vốn sản xuất.

Theo Hữu Đức (2008), sau 4 tháng (từ tháng 12-2006 đến tháng 3-2007) giá Super lân đã tăng lên 69%-85%, NPK tăng 38%-70%, Ure Phú Mỹ, Bắc Hà tăng 27%-38%. Tháng 5 năm 2008 giá các loại phân bón ở đồng bằng sông Cửu Long đã tăng mạnh so với tháng 4 năm 2008, trong đó tăng nhiều nhất là phân DAP dùng bón cho lúa. Phân DAP do Trung Quốc sản xuất (loại dùng bón cho lúa) với giá 1,4 triệu đồng.bao-1 (50 kg.bao-1), tăng khoảng 450.000 đồng.bao-1. Phân Ure Trung Quốc và Ure Phú Mỹ có giá bán là 450.000 đồng.bao-1,tăng từ 70.000 đồng-90.000 đồng.bao-1. Phân Kali Canada giá 810.000 đồng.bao-1 tăng hơn 70.000 đồng.bao-1.



2. Ảnh hưởng của giá phân tăng đến sản xuất của người nông dân

Theo Thanh Sơn (2008), nguyên nhân của giá phân trong nước tăng cao là do ảnh hưởng từ thị trường phân bón thế giới và giá các nguồn nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất phân bón cũng không ngừng tăng lên. Chỉ sau một tháng (từ tháng 3-2008 đến tháng 4-2008) giá các nguồn nguyên liệu cho sản xuất phân bón NPK đã tăng từ 10%-15%, phân DAP cũng tăng từ 20%-30%. Bên cạnh đó, theo Ngọc Tiến (2008), giá phân trong nước tăng cao là do Trung Quốc vừa tăng thuế xuất khẩu đối với các nguồn nguyên liệu sản xuất phân bón và phân bón từ 35% lên 135% vào ngày 20 tháng 4 năm 2008, nhằm hạn chế tình trạng xuất khẩu phân bón ra nước ngoài; do các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước chỉ mới đáp ứng được 50% nhu cầu phân Ure, 75% phân lân, phần còn lại đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Nga và các nước Trung Đông; và do một số doanh nghiệp trong nước xuất khẩu ngược phân bón ra nước ngoài trong khi Nhà nước đang tham gia bình ổn thị trường và kiềm chế tăng giá phân Ure trong nước, mà cụ thể là áp dụng bán Ure thấp hơn giá nhập khẩu là 3.500 đồng.kg-1.


Với giá phân bón tăng cao như hiện nay thì chi phí cho sản xuất lúa cũng tăng. Theo Vĩnh Tường và Phạm Công (2008) cho rằng vụ Đông Xuân (2007-2008), chi phí phân bón ở đồng bằng sông Cửu Long khoảng 400.000 đồng.công-1 (1 công=1.000m2) nhưng đến cao điểm vụ Hè Thu thì chi phí phân bón đã lên đến khoảng 700.000đồng.công-1 . Rõ ràng chỉ khoảng hơn ba tháng, chi phí phân bón đã tăng lên 300.000 đồng.công-1, điều này cho thấy lợi nhuận của người nông dân bị mất đúng bằng giá phân đã tăng. Điển hình thông qua ý kiến của một nông dân ở An Giang: “ Giá phân vụ Hè Thu năm nay đã tăng hơn 250.000 đồng.công-1 so với vụ Đông Xuân, với chi phí phân tăng cao như hiện nay thì giá lúa phải trên 5.000 đồng.kg-1 người nông dân sản xuất lúa mới có lãi” (Lê Văn Tiền. Ý kiến cá nhân. 2008).

Chi phí phân bón tăng kéo theo chi phí sản xuất cũng tăng làm cho thu nhập của nông dân càng bị thu hẹp, cuộc sống càng thêm khó khăn nhất là đối với những hộ có diện tích canh tác nhỏ lẻ, với những hộ này thì thường thiếu tiền tích lũy để đầu tư cho vụ sản xuất tiếp theo. Chẳng hạn nhận định của Nguyễn Minh Hải (2008) về những người có ít đất canh tác thì họ bị hạn chế về vốn sản xuất, có khả năng bị rủi ro cao hơn do phải bỏ vốn đầu tư, công sức nhưng giá lúa lại không ổn định, giá phân bón tăng cao làm cho cuộc sống thêm khó khăn. Mặt khác, theo Võ Thị Thanh Lộc (2009) nghiên cứu ở Cần Thơ cho rằng: “Ruộng đất nông hộ bình quân 0,5 ha.hộ-1 thì dù có làm đến 3 vụ lúa.năm-1, sản lượng làm ra.hộ-1 cũng chỉ giới hạn 9-10 tấn lúa. Nếu may mắn không bị thiên tai dịch bệnh thì mỗi hộ chỉ có thể kiếm được khoản lợi nhuận từ lúa là 13-14 triệu đồng.năm-1. So với tổng mức chi tiêu tối thiểu cho một gia đình ở nông thôn trung bình 4 người.hộ-1 là 17 triệu đồng.năm-1 thì rõ ràng thu nhập của gia đình từ lúa không đủ bù chi trong sinh hoạt gia đình’’. Như vậy, những hộ có diện tích đất canh tác ít thì khả năng tích lũy vốn tự có từ trồng lúa bị hạn chế.

Đối với những hộ thiếu vốn sản xuất phải mua phân bón bằng hình thức ghi nợ đến mùa sẽ thanh toán và giá mỗi bao phân bán cho nông dân sẽ được các chủ cửa hàng kê lên từ 50.000-100.000.bao-1 tùy theo loại phân (Vĩnh Kim và Đặng Vỹ, 2008). Không có tiền mặt nên nông dân cũng phải chấp nhận mua và sau khi thu hoạch lúa phải thanh toán nợ với chủ cửa hàng để chuẩn bị cho vụ mùa mới, nhưng khi giá phân tăng cao các cửa hàng, đại lý không bán cho nông dân bằng hình thức này mà phải trả bằng tiền mặt, nông dân phải đi vay ngân hàng hay đi vay nóng từ bên ngoài để có tiền mua phân. Nếu người nông dân không vay được tiền thì không thể mua được phân bón, làm ảnh hưởng đến việc sản xuất. Theo một nông dân ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp canh tác 10 công ruộng cho biết: “giá phân năm nay tăng vọt bất ngờ, các đại lý phân bón quen biết không chịu bán trả chậm như những năm trước. Vì vậy để có tiền mua phân trong vụ Hè Thu này phải đi vay nóng với lãi suất 7 %.tháng-1” (Nguyễn Văn Năm. Ý kiến cá nhân. 2008).

Mặt khác giá phân bón tăng cao đã làm cho tình trạng phân bón kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường. Theo Lê Hoàng Vũ (2008) cho biết ở tỉnh An Giang đã phát hiện 16 mẫu phân bón kém chất lượng đang lưu hành. Tác giả khác cho rằng từ 9 tháng đầu năm 2008 ở đồng bằng sông Cửu Long đã phát hiện và xử lý 200 vụ vi phạm bán phân kém chất lượng (Phước Hà, 2008). Người nông dân chưa phân biệt được phân thật với phân kém chất lượng, sau khi bón cho lúa nông dân mới nhận biết được chất lượng phân thông qua biểu hiện của cây lúa. Chẳng hạn một nông dân ở xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, sau khi bón phân NPK được vài ngày cây lúa phát triển rất chậm và hạt phân không tan thì mới biết được đó là phân kém chất lượng (Vân Trường và Ngọc Diện, 2008). Nông dân mua nhằm phân bón kém chất lượng không chỉ mất tiền mà còn làm ảnh hưởng đến năng suất lúa, và trực tiếp làm giảm thu nhập của người nông dân, ngoài ra còn gây tâm lý hoang mang lo sợ mỗi khi nông dân mua phân bón.



3. Giải pháp giúp người dân thích ứng với giá phân tăng

Giá phân bón tăng, làm cho chi phí sản xuất của người nông dân cũng tăng theo và những hộ thiếu vốn sẽ khó có thể đầu tư sản xuất vào vụ mùa tiếp theo, từ đó ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của họ, sự phát triển kinh tế của đất nước và an ninh lương thực của quốc gia. Vì vậy, để góp phần giúp nông dân giảm bớt chi phí trong sản xuất thì theo Cục Trồng trọt khuyến cáo:



  • Nông dân có thể thay thế phân DAP bằng các loại phân đơn khác (Ure, Super lân hay lân nung chảy; NPK 16-16-8 với Super lân hay lân nung chảy) phối trộn lại với nhau giá thấp hơn mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Bên cạnh đó, người nông dân cần nâng cao hiệu quả sử dụng các loại phân đạm, lân (bón phân đạm kết hợp với các loại phân như: Wehg, Agrotain, NEB 26 có thể tăng hiệu suất sử dụng đạm từ 20%-25%). Vì thực tế, hiệu quả sử dụng các loại phân đạm chỉ đạt mức 33%-40%, phân lân 40%-45%. Nếu tăng được hiệu suất sử dụng các loại phân này sẽ tiết kiệm được lượng phân nhập khẩu, hạn chế ô nhiễm môi trường.

  • Bón các loại phân chuồng, phân xanh, phân rác ủ theo đúng phương pháp hay các loại phân hữu cơ sinh học, phân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh cũng có tác dụng giúp cây trồng dễ hấp thụ lân từ nước nhiều hơn, cố định đạm và tăng lượng đạm cho cây trồng; sử dụng các loại phân chậm tan để tăng hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng của cây trồng, giảm chi phí và giảm ô nhiễm môi trường (Thanh Sơn, 2008).

  • Theo Trần Thị Phương Chi (2007), để giảm chi phí sản xuất cho người nông dân trồng lúa thì nông dân nên áp dụng các mô hình “3 giảm, 3 tăng” (giảm phân đạm, giảm giống, giảm số lần phun thuốc trừ sâu, đồng thời tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng lợi nhuận). Với mô hình này, 1 hecta lúa nông dân giảm được khoảng 30% lượng phân bón. Bên cạnh đó, nông dân cần giảm lượng giống bằng cách gieo sạ thưa vừa tiết kiệm được tiền giống lại giảm được sâu bệnh. Cần thường xuyên bón vôi bột để cải tạo đất, tăng hấp thụ cho bộ rễ của cây và phân hóa được các loại phân còn tồn lại trong đất.

4. Kết luận

Phân bón là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, với giá phân tăng cao như hiện nay đã làm ảnh hưởng đến rất lớn đến sản xuất của người nông dân trồng lúa mà nhất là những hộ thiếu vốn sản xuất. Vì khi giá phân tăng những đại lý bán phân bón không bán với hình thức trả chậm mà người dân phải trả bằng tiền mặt, không có tiền những hộ này phải đi vay nóng bên ngoài với lãi suất cao, ảnh hưởng đến thu nhập từ cây lúa của nông hộ. Giá phân bón tăng làm chi phí sản xuất của người nông dân tăng cao, thu nhập bị thu hẹp. Tình trạng phân bón kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường cũng góp phần ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và năng suất cây trồng của người nông dân. Do ảnh hưởng từ thị trường thế giới nên giá phân bón trong nước tăng cao và do khả năng đáp ứng nhu cầu phân bón của nước ta vẫn còn hạn chế, các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu ngược phân bón ra nước ngoài đã góp phần làm ảnh hưởng đến sản xuất của người nông dân trồng lúa.



Tài liệu tham khảo

Hương Giang. 2007. Giá phân bón tăng, nông dân làm gì để giảm chi phí? [Trực tuyến]. Báo Việt Llinh. Đọc từ:



http://www.vietlinh.vn/dbase/LVCNNShowContent.asp?ID=1259 (đọc ngày 25.02.2009)

Hữu Đức. 2008. Đồng bằng sông Cửu Long: Phân bón, thuốc trừ sâu đang bị “làm giá” [Trực tuyến]. Báo Nông nghiệp Việt Nam. Đọc từ:



http://nongnghiep.vn/NongnghiepVN/vi-VN/61/158/1/1/1/12533/Default.aspx (đọc ngày 17.6.2008).

Lê Hoàng Vũ. 2008. Công bố công ty bán phân bón kém chất lượng [Trực tuyến]. Báo kinh



tế Sài Gòn. Đọc từ: http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/thuongmai/8589/ (Đọc ngày: 25.02.2009).

Ngọc Tiến. 2008. Bình ổn thị trường phân bón: Vì sao chưa tạm ngừng xuất khẩu [Trực tuyến]. Nông nghiệp Việt Nam. Đọc từ:

http://www.ronglua.com/default.aspx?load=viewnews&NewsID=453 (đọc ngày 07.02.2009)

Nguyễn Xuân Trường. 2008. Phân bón-tiêu thụ và biến động giá cả. Đọc từ:



http://nongnghiep.vn/NongnghiepVN/vi-VN/61/158/1/15/15/15016/Default.aspx (đọc ngày 17.06.2008).

Phạm Minh Hải. 2008. Người nghèo tích lũy như thế nào? [Trực tuyến]. Báo tuổi trẻ. Đọc

từ: http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=252089&ChannelID=119 (Đọc ngày: 25.02.2009).

Phước Hà. 2008. Tràn lan phân bón kém chất lượng [Trực tuyến]. Báo Vietnamnet. Đọc

từ:

http://vietnamnet.vn/kinhte/2008/09/804903/ (Đọc ngày: 25.02.2009).

Thanh Sơn. 2008. Phân bón lại tăng giá [Trực tuyến]. Nông nghiệp Việt Nam .Đọc

từ:

http://www.phanbonmiennam.com.vn/?param=tinct&cate=news&tt_id=582 (đọc ngày 15.06.2008)

Thanh Sơn. 2008. Thay phân DAP bằng cách nào [Trực tuyến]. Công ty phân bón miền Nam. Đọc từ:



http://www.phanbonmiennam.com.vn/?param=tinct&cate=news&tt_id=559 (đọc ngày 02.06.2008)

Vân Trường, Ngọc Diện, TTO. 2008. Nông dân kêu trời vì phân bón dỏm [Trực tuyến]. Báo điện tử của Báo Kinh tế nông thôn. Đọc từ:



http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2008/6/11814.html (đọc ngày 12.02.2009)

Vĩnh Kim, Đặng Vỹ và Kim Toản. 2008. Giá phân bón tăng cao, liệu có còn tăng nữa? [Trực tuyến]. Bộ thông tin và truyền thông. Đọc từ:



http://vietnamnet.vn/kinhte/2008/05/781263/ (đọc ngày 07.02.2009).

Vĩnh Tường và Phạm Công. 2008. Giá phân bón tăng, nông dân lo lắng [Trực tuyến]. Báo người lao động. Đọc từ:



http://www.nld.com.vn/223768P0C1002/gia-phan-bon-tang-nong-dan-lo-lang.htm (Đọc ngày: 25.02.2009).

Võ Thị Thanh Lộc. 2009. Sinh kế và lợi ích của người trồng lúa trong chuỗi giá trị gạo ở

ĐBSCL như thế nào [Trực tuyến]. Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL&ĐH Cần Thơ. Đọc từ:

http://vinhlong.agroviet.gov.vn/tapchi.asp?sotc=1/22/2009&ID=1273 (Đọc ngày: 25.02.2009).

Võ Tòng Xuân. 2008. Thế mạnh của đồng bằng sông Cửu Long [Trực tuyến]. Đọc từ:



http://www.bayvut.com/baivo/s2356917.htm (đọc ngày 12.02.2009)

tải về 35.21 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương