KHÔng tuổi trẻ, không thời thơ Ấu lê Tùng Lâm, dđ 0913446423



tải về 365.93 Kb.
trang1/2
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích365.93 Kb.
#3558
  1   2




KHÔNG TUỔI TRẺ, KHÔNG THỜI THƠ ẤU

Lê Tùng Lâm, dđ 0913446423

Kon tum, ngày 10 tháng 2 năm 2012
NHỮNG THÁNG, NĂM NHI ĐỒNG

Là con trong một gia đình Tiểu chủ. Cuối những năm 50, gia sản của gia đình đã có 2 máy xát lúa công suất 38 mã lực, một máy 22 mã lực đặt ở Đồng Ké, Tịnh Giang, Sơn Tịnh, một máy 16 mã lực đặt ở thôn Thế Khương, xã nhà. Sở hữu 1 xưởng gia công giấy hút thuốc và sản xuất thuốc điếu hiệu Đông Nam cùng khoảng hơn Ha đất vườn, ruộng! Nhưng không thể thuê người giúp việc nhà được.

Lên 8 tuổi (năm 1960) tôi đã phải biết lắng nghe những tiếng nói thầm thì của mẹ để pha trà, bưng cơm vào phòng kín (buồng), mà nhất là việc dọn vệ sinh cho các chú (nông thôn lúc bây giờ đâu có cầu tiêu bên trong). Chiều chiều lại thường được các chú sai... (ít được Ba sai, vì Ba hay vắng nhà dài ngày) - nhắc vào lưng quần từng cuộn giấy dài khoảng 5 cm, to bằng đầu chiếc đũa con đưa đến các gia đình cơ sở Cách mạng trong vùng như bác Đặng Thoa gia đình địa chủ, chú Năm Hiền con gia đình địa chủ cùng thôn, bác Lâu gia đình phú nông, bác Lầu gia đình tiểu chủ, bác Huề phú nông khác thôn, bác Hai Công con địa chủ và là chủ hiệu thuốc tây nỗi tiếng trong vùng, dượng Kỷ chủ cửa hàng vàng nỗi tiếng trong vùng, cô Chín Dư tiểu thương dâu của gia đình địa chủ (vợ chú Chế Quyên - người có vóc dáng lúc bây giờ sem sem như Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang vậy) khác xã,... còn chú Quyên cùng thôn tôi đi tập kết từ năm 1954, là Kỹ sư Lâm nghiệp, sau giải phóng được điều về Đắk Tô công tác và qua đời tại đấy, có anh là Chế Quán - Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam từ thời chống Mỹ, hiện nghỉ hưu ở thành phố Huế, xuất thân gia đình Địa chủ đến thời Mỹ - Diệm chuyển sang Tư sản Thương mại, là thế hệ cha - con chỉ biết tiếng nhau, chứ đâu biết mặt, nhưng sau ngày nước nhà thống nhất cũng đã tìm gặp được nhau.

Nhìn chung Lãnh đạo Cách mạng lúc bây giờ ở nơi khác thế nào không rõ, nhưng quê tôi toàn những gia đình trí thức, phú nông, địa chủ, tiểu chủ, tư sản cả!

Ngoài lúc đi học, thực hiện các qui định ở trường - lớp, các lễ nghi đối với bên nội, bên ngoại, với họ hàng, về nhà hầu như tôi không có thời gian để rong chơi bắn ná cao su, chọi bi, bắt cá, thả diều,...như bao trẻ em khác.

Đời tôi không tuổi trẻ, không thời thơ ấu, hơn - thua, nghịch ngợm như bao người cùng trang lứa;

Vào một sáng đẹp trời khoảng giữa năm 1962 có lẽ do là đầu mùa hè, được chú Bùi Đài (Cộng sản) ở ẩn trong nhà nói chuyện: “Hồi tối các chú đột nhập vào cơ quan Hội đồng xã Nghĩa Thương lấy cái máy đánh chữ đây này, rồi đổ dầu đốt trụ sở (thời ngụy là Tư An, cách quận Tư Nghĩa về phía đông khoảng 1,5 km, cách nhà tôi về phía tây – tây - bắc khoảng 3,5 km), chú nói mẹ cháu rồi, cháu lấy xe đạp giả đò đi chơi ngang qua đó xem thử cháy hết không, nghe ngóng bọn địch và dân họ nói sao?!”. Dọc đường đi, la cà vài – ba nơi quán xá từ thôn Vạn an nghe đủ thứ tin đồn kết cục đều là: “Hồi tối Cộng sản về đông lắm, bọn nó giỏi quá, người thì biết bay, người nhảy qua hàng rào bằng thang lò xò, đột nhập vào bên trong trụ sở như chơi, nghĩa quân không dám nổ súng bỏ chạy hết”. Rồi cứ thế, tôi chầm chậm đi, ngang qua trụ sở xã thấy cháy hết.

Sự thực việc thiêu rụi trụ sở Hội đồng ấy chỉ chú Bùi Đài và chú Quới thôi, chứ đông gì đâu!!! Lòng tôi vừa ngạc nhiên vừa thán phục sự gan dạ của hai chú quá chừng!
THỜI NIÊN THIẾU
Năm 1963 ở tuổi 11, học kỳ II, lớp nhì (nay là lớp 4) trường tiểu học xã. Ngày hai buổi đi - về cách nhà khoảng 3 km. Môn lịch sử, bài đọc thêm về Vua Hàm Nghi, Phan Đình Phùng - Cao Thắng đúc súng chống giặc Pháp, “ngày tang Yên Bái” ngày Pháp xử chém nhà yêu nước Nguyễn Thái Học ở cấp I ấy,... đã tác động vào tôi nhận thức về khung trời vinh quang và ảm đạm bao trùm cả vùng đông huyện Tư Nghĩa nói chung, xã Nghĩa Hiệp nói riêng và chính với bản thân gia đình mình.

Cùng rất nhiều người theo Cộng sản ở địa phương (tôi nghĩ là do cha tôi bắt đầu xây dựng trong những năm 1957 - 1958 sau khi ông ra tù ở Kon Tum về giữa năm 1956 qua nhiều tháng ngày đi - lại thực hiện kế hoạch mua đặt máy xát lúa tại Đồng Ké, Tịnh Giang, Sơn Tịnh móc nối được Cộng sản từ miền tây huyện Tư Nghĩa), không rõ do từ đâu cơ sở ở thôn Thế Khương bị lộ. Không thể chịu nổi các đòn tra tấn dã man của địch họ khai đến, cha, mẹ, chú ruột tôi, nên rồi ba và cả gia đình phải tiếp tục hy sinh đời sống trong một gia đình vinh hoa, phú quí, từ biệt mẹ già, 5 con thơ, chấp nhận cuộc sống tù – đày, chịu nhiều cực hình tra tấn của Mỹ, Ngụy.

Bà nội gần bảy mươi tuổi không chịu nỗi cú sốc nên tâm thần điên loạn, tuy nhiên có lẽ một mặt do gia sản còn vững, mặt khác có thể do ý chí anh – em chúng tôi lúc bây giờ cũng “sao ấy” nên mặc dầu vậy anh ruột Lê Tùng Sơn sinh năm 1949 (14 tuổi) vẫn cứ đang tiếp tục ngụ học đệ thất ở tỉnh (nay là lớp 6 ở thành phố Quảng Ngãi), em kề Lê Tùng Quốc sinh năm 1957 cứ học lớp năm (nay là lớp 1) trường làng, hai em tiếp theo Lê Tùng Khánh sinh năm 1960, Lê Tùng Minh (nay Lê Văn Minh, hiện đang ở phường Vĩnh Hải, Nha trang) sinh 25/12/1961 âm lịch (khoảng đầu tháng 02 năm 1962 dương lịch) quá nhỏ ở nhà. Cả gia đình được người cô ruột thứ 2 (cô cả), hơn 50 tuổi đang đi làm ăn xa về đảm đương việc nội trợ, ba em con chú là Lê Văn Phong sinh năm 1960, Lê Văn Thu sinh 1962, Lê Thị Thìn nằm trong bụng mẹ, thiếm tôi phải tự lo, sống dựa vào phía ngoại.

Một cuộc đời vừa 11 tuổi, thời cuộc đã buộc phải sống, lo toan, bà nội, cha, mẹ, chú không biết sẽ còn sống được không, nếu chỉ ở tù thì biết chừng nào xong, bệnh – tật thế nào? Làm sao sống được? Cộng sản bây giờ ở đâu? Chừng nào Cộng sản thắng? Liệu Cộng sản có nuôi chúng tôi không? Mỹ - Ngụy mạnh như thế, làm sao Cộng sản thắng được? Làm sao coi ngó những gia sản như 2 máy xay lúa, xưởng sản xuất giấy, ruộng vườn, hương hỏa tổ tiên? Số của cải khác còn lại rồi cũng phải hết, ai làm nuôi anh em chúng tôi? Những đứa trẻ cùng làng, cùng lứa tuổi sẽ làm gì với anh em chúng tôi đây, khi mà anh – em chúng tôi coi như đã mồ côi, mồ côi vì gia đình có tội theo Cộng sản (người lớn đã bị bắt tù cả rồi)...

Biết bao nhiêu câu hỏi do chính quyền Ngụy đặt ra, rêu rao để khủng bố tinh thần nhân dân và chúng tôi.

Những câu hỏi, những tâm sự từ những người lớn, người hàng xóm hằng ngày đặt ra cho tôi (một thằng con nít) nơi miền quê - thôn dã lúc bây giờ.

Bà con nội – ngoại rất lo sợ bị chính quyền ngụy quy chụp liên lụy nên tìm mọi cách tránh – né, ông - bà ngoại không giám nuôi kể cả Khánh mới hơn 3 tuổi, Minh hơn 1 tuổi, bà chỉ biết khóc, cứ khóc nhưng không giám khóc ra tiếng nữa kia mà;

Cô Hai chỉ biết nội trợ và chuyện đồng án (làm nông), lợi tức từ các hoạt động sản xuất kinh doanh giấy cuốn thuốc rê, thuốc điếu (nhãn hiệu Đông Nam) ngừng trệ hẳn, từ 2 máy xay lúa giảm đáng kể chỉ đủ duy trì việc học hành, đời sống sinh hoạt anh em chúng tôi đang gặp khó khăn, những người làng tốt bụng thấy vậy, đau đớn thốt lên “còn cha gót đỏ như son, mất cha nay phải gót con ra chì”;

Cũng còn may mắn, quê tôi thời Mỹ - ngụy, nơi ngụy quân – ngụy quyền làm việc mà chúng cũng gọi là “trụ sở Hội đồng Nhân dân xã”, cũng là nơi chúng giam cầm – tra tấn lấy lời khai ban đầu – tại chỗ những người Cộng sản (cơ sở cách mạng tại địa phương) chúng bắt được trong địa bàn, khuôn viên rộng khoảng 01 Ha có nhiều hàng dương liễu, liền kề với khuôn viên trường tiểu học, nên tôi có điều kiện vẫn ngày hai buổi đến trường kết hợp mang cơm, thuốc cho cha, mẹ, chú ruột và chứng kiến hình dạng rùng rợn của những người tù cộng sản tại xã lúc này;

Người tù Cộng sản (cơ sở cách mạng tại địa phương) giam tại xã, theo cách của bọn ác ôn xã tôi, đàn ông, phụ nữ như nhau từng người một đều bị cột tréo tay ra phía sau lưng rồi buộc dựa vào một gốc cây dương liễu, quần – áo tơi tả, tóc tơ - mặt mày xơ xát - sưng vù, rất ít người mở mắt được;

Ngay trước cổng Hội đồng xã, tôi nhiều lần chứng kiến cái cảnh bọn an ninh, cảnh sát, nghĩa quân ngụy tên thì mặt mày hầm hầm, tên trầm ngâm, tên nói cười đểu cáng, rằng chúng đã tra tấn đủ kiểu nhưng Cộng sản ngoan cố quá không khai gì có giá trị cả, những tên hầm hầm, đểu cáng khoe khoang các cách chúng tra tấn như: đấm - đá vào mặt, vào đủ các nơi trên người, tra điện, cho đi máy bay (chúng dùng dây thừng treo người lên rồi đánh, đá qua – đá lại), tàu thủy (chúng cột người trên miếng ván bịt miệng đổ nước xà phòng, nước ớt vào mũi, với người chúng nghi là cầm đầu khi nước vào đầy bụng chúng đặt ván đứng lên nước xịt ra hậu môn lòi trĩ), với phụ nữ chúng còn dùng hình thức cột ống quần ở phía dưới rồi thả rắn nước, rắn lãi vào trong quần. Không chỉ thế, để thị uy sự tàn ác tột cùng, chúng tổ chức bắn 2 đồng đội của ta là cô Tòa ở ấp Khương Bình, Chú Hiền gần nhà tôi thuộc thôn Năng Đông.

Thế rồi tôi được dân làng bày cho cách làm thuốc nam, biết gọi từ

gì cho đúng đây, nên cứ gọi là thuốc nam do người lớn nói thế thôi, chứ

nó chỉ là thứ dung dịch Rượu ngâm cua đồng giã nát lọc lấy nước dùng để uống, rượu ngâm ngải cứu giã nát xoa, đắp cho tan máu bầm sau những đòn tra tấn. Ở nhà cô tôi cũng biết loại thuốc này, song những người lớn mang cơm cho người nhà cùng bị tù luôn gặp nhau trước cổng “Hội Đồng” cũng bày cho nhau như vậy.

Những người tốt bụng cùng làng sợ tôi không biết làm thuốc nam nên cũng cố tìm cách giả bộ (giả vờ) chỉ là tình cờ đi cùng chiều với tôi để bày cho tôi làm thuốc, hỏi thăm tình hình sức khỏe cha, mẹ, chú tôi, chứ có ai dám đứng nói chuyện hoặc đến nhà với chúng tôi.

Nhờ được bày, nên tôi biết làm loại thuốc ấy, biết đi bắt cua đồng, là dân quê nhưng trước đó tôi đâu giám bắt cua đâu, với những đứa cùng trang lứa nó đã biết mò ốc, bắt cá - cua, lội đồng từ lâu lắm rồi.

Khiếp sợ ư?! “một thằng con nít” đang được sống trong nhung lụa, bỗng dưng bây giờ đối diện với cái khổ, tang thương, không biết thế nào mà cái thằng nhóc (tôi) cứ nghĩ: “Không! Không thể như thế được, phải làm sao đây để anh, em tôi phải sống sao cho ra hồn một chút, ra xác một chút, cho dù một chút thôi!!!”

Anh tôi vẫn lầm lì ở ngụ lo học nơi thành phố Quảng Ngãi, cái nắng oi bức gần như cứ dồn nén vào tôi, với biết bao nhiêu nỗi lo, thế rồi không biết tại sao nỗi lo thiếu – đói trỗi dậy dữ dội làm cho tôi và cô Hai tôi giận nhau. Giờ nghiệm lại vừa đau đớn – vừa buồn cười.

Cô sợ anh – em chúng tôi thiếu dinh dưỡng ốm - teo – gầy mòn, nhất là Minh mới 13 tháng tuổi, chưa biết đi mà đã phải rời tay mẹ, nên cô bán lúa để có tiền đi chợ mua cá, kẹo cho anh em chúng tôi. Một lần, hai lần, rồi ba lần, tôi nóng ruột quá thốt lên: “cô à, ăn rau, mắm thôi, chứ ăn cá, kẹo sẽ mau hết lúa thì làm sao?” - cô la ầm lên: “Mua cho bay ăn chứ phải đổ đi đâu mà tiếc, tao không biết tính à?!”. Lời qua tiếng lại, cô đòi bỏ đi. Tôi lo quá chừng nên làm thinh, nhưng từ đó thỉnh thoảng cô chỉ mua loại cá lá tre thôi (là chuyện các bà, các chú họ tộc lúc bây giờ có độ tuổi 20 trở lên ở gần nhà tôi còn sống đến nay đều biết cả).

Công việc hàng ngày, quét nhà trên, chơi với em, đi bắt cá, cua đồng, tự học hè, đem cơm – thuốc cho cha, mẹ, chú, chịu đựng nghe những lời bàn qua - nói lại về cái sự dại của gia đình mình, có ai dám nói theo Cộng sản, bị tan tành sự nghiệp là khôn đâu?!

Dân làng nói chung là tránh né anh em chúng tôi. Tuy nhiên bởi cùng làng nên rồi cũng phải nhiều lúc ngẫu nhiên gặp nhau, trong các trường hợp từng người gặp tôi họ nhìn và nói những lời trìu mến như: “Cha – mẹ ơi! sao mà con cái ông Tùng (tên thường gọi của ba tôi ở địa phương) đến nông nỗi này!” - họ chép miệng cha, mẹ, chú cháu sao rồi?! Hỏi là họ hỏi vậy, chứ có ai dám đứng lại để nghe tôi nói đâu.

Những lúc nhiều người cùng gặp tôi thì họ lại nói cái ông Tùng, dại chi mà dại bất nhơn, đang yên - đang lành, làm – ăn giàu có, sung sướng mà theo Cộng sản để cho tan nát gia đình. Cũng may là không có ai chửi độc gia đình tôi, có lẽ nhờ vậy tôi cảm nhận được phần nào có sự ấm cúng trong vô số những điêu tàn hiện hữu gia đình tôi phải gánh chịu.

Năm học 1962 -1963 kết thúc, Anh Tùng Sơn xong đệ thất, tôi xong lớp nhì, em Lê Tùng Quốc xong lớp năm (nay là lớp 1), cũng là lúc cha, mẹ, chú ruột tôi chắc là thoát tội Cộng Sản được thả về.

Nhưng rồi không biết thế nào vừa ra tù mà nhà tôi đêm đêm những người Cộng sản lại vẫn cứ đi về có lúc khá đông có cả chú Nga - Bí thư huyện ủy, chú Kiệt huyện đội trưởng, chú Ân đại đội trưởng 16 (mật danh C 16 là đại đội bộ binh thuộc huyện Tư Nghĩa).

Vì phải lo phục vụ cơm nước nên tôi được loáng thoáng nghe thấy sẽ đánh Thu Xà, xã Tư Thành nay là Nghĩa Hòa, đúng vậy trận đánh diễn ra mấy ngày, nghe đâu ngụy quân, ngụy quyền bất ngờ nên chúng chết nhiều lắm, quân ta không biết có chết và bị thương ai không chứ những người từng ở nhà tôi còn đủ.

Một mùa hè chói chang kết thúc, cũng là thời điểm mở đầu cho năm học mới. Cơ sở Cách mạng quê tôi lại bị lộ địch tiếp tục khủng bố, cha, chú tôi lại bị bắt tù đày, tra tấn, gia đình tôi sẽ phải đón nhận những cơn bão tố, những trận lũ lụt, cái rét buốt - giá lạnh của mùa đông mới. Dẫu đang trong cái gia cảnh tan nát - điêu tàn, anh, em tôi vẫn cứ tiến thẳng vào lớp mới, năm học mới 1963-1964. Cảm ơn các thầy đã bảo vệ (sau khi có các kiến nghị đuổi học anh - em chúng tôi của chính quyền ngụy địa phương) để anh – em chúng tôi tiếp tục được cắp vở đến trường. Mà trực tiếp với tôi suốt 2 năm, lớp nhì, lớp nhất là thầy Thanh người vùng đông huyện Mộ Đức, thầy Nhàn người Bắc di cư vào Nam thời 1954, lúc này khoảng trên – dưới 25 tuổi gì đó. Khi biết tôi là con của gia đình theo Cộng sản các thầy nhìn tôi bằng cái nhìn, hình như là thán phục. Sau ngày giải phóng 30/4/1975 đến nay tôi vẫn không có điều kiện tìm gặp được các thầy để nhắc lại những kỷ niệm thầy - trò thời thơ ấu của tôi.

Sau cuộc chính biến ngày 01/11/1963 theo tôi nghĩ thực chất là do Mỹ chỉ đạo, ông Dương Văn Minh cầm đầu lật đổ chính quyền Ngụy do anh – em ông Ngô Đình Diệm điều hành, tháng 12/1963 “gọi là ân xá” chúng thả một số tù chính trị trong đó có toàn bộ người gia đình tôi. Cô Hai không chịu ở nhà lại tiếp tục đi giúp việc nhà bác hai Quyền, ở thị xã Quảng Ngãi.

Tháng 01/1964, yêu cầu đặt ra với số cán bộ chủ chốt của ta không thể nào hợp pháp hoạt động được nữa. Với danh nghĩa (lý do) phải đi làm ăn xa để tránh Cộng sản ở địa phương;

Bác Lầu người thôn Thế Khương, anh hai Luận (Phổ) thôn Hào Môn chúng thả trước đã bất hợp pháp trước. Ba tôi xin vào Sài Gòn, chú tôi xin đi Đa Lạt, nhằm hợp pháp để đi vào hoạt động bất hợp pháp (không để ai thấy mình có mặt tại địa phương) hoạt động, gây dựng lại phòng trào bị khủng bố gần như đã trắng, lấy danh nghĩa ủng hộ Cách mạng 01/11/1963 tổ chức được một số cuộc có hàng trăm người.

Họ đi – lại rầm rập khắp các xóm, thôn, bây giờ nghĩ lại vừa đau đớn, vừa buồn cười. Đau đớn bởi quê hương, đất nước bị bán rẻ cho ngoại bang, buồn cười vì chuyện thật bây giờ ôn lại nhưng nghe sao cứ như bịa vậy, vừa quê lại vừa hào hùng, oanh liệt đến thế, nếu không phải người chứng kiến thì chính tôi cũng không thể tin nổi. Chỉ với phương tiện trong tay là dây dừa (dây thừng kết bằng xơ dừa), gậy gộc, giáo mác, cuốc, xuổng tham gia nổi dậy trấn áp những người theo Đảng cần lao nhân vị của gia đình ông Ngô Đình Diệm. Phong trào diễn ra ở quê tôi những ngày ấy như hội vậy, được khoảng sau 10 ngày địch nhận ra là phong trào do Cộng sản phát động chúng quyết liệt trấn áp, khủng bố tàn bạo, để hạn chế bớt hành vi tàn bạo của bọn ác ôn. Ba tôi chủ động đẩy mạnh hoạt động tung tin do mắc mưu Đảng “Quốc dân đảng” chứ những người tham gia trấn áp Cần lao nhân vị có biết gì đâu.

Tuy nhiên ở giai đoạn này chúng cũng tổ chức khủng bố khốc liệt không khác gì lần trước, để thị uy- uy hiếp, chúng bắn ta mất hai người nữa là chú Dương Văn Xuân, sát nhà tôi, chú Chế Ưu ở xóm trên cùng thôn. Vì nghĩa lớn đương nhiên ta phải tiếp tục chấp nhận thiệt hại, hy sinh.

Có thể do gia đình tôi thuộc loại cũng có thế lực, cũng giàu có, anh em tôi vẫn có điều kiện tiếp tục học hành, người thì đến trường tỉnh, người trường xã, người ở trường làng nên ngụy quân, ngụy quyền khá nể nang, nhất là chính quyền địa phương. Tôi có thể khẳng định không tay nào dám nhìn anh em tôi bằng cái nhìn hậm hực hoặc thiếu thiện cảm đâu. Việc tra tấn cha, mẹ, chú tôi, chúng đẩy cho những tên ở các nơi khác đến làm. Thật ra là chúng cứ nghi nghi chứ qua bao lần tra tấn chúng không thu được kết quả gì, khi chúng bắt đối chất với đồng đội, thì họ cũng chối cả. Cũng có người chịu không nổi các đòn tra tấn của chúng nên chấp nhận khai do cha tôi lôi kéo, có lẽ do cha tôi biện luận vừa chặt chẽ vừa có tình, nên rồi chúng cũng phải chịu thua.

Những giằng co vẫn diễn ra quyết liệt giữa hai thế lực một bên là những người Cộng sản yêu nước chính nghĩa mà phải hoạt động trong điều kiện bí mật - một bên là thế lực ngạo mạn, hống hách bán nước đang nắm chính quyền, quân đội, có trong tay các phương tiện hùng mạnh tưởng chừng như sẽ đè bẹp được tất cả mọi sự kháng cự của muôn dân do Cộng sản bí mật lãnh đạo tay không tấc sắt.

Khoảng cuối quý 1/1964 quê tôi lại dậy sóng, lại bị lộ, một trận nổ súng quyết tử, không cân sức giữa 3 người Cộng sản là Chú Bùi Đài, Anh Quới, bác Lầu diễn ra với hàng đại đội nghĩa quân, biệt cách ngụy tại Dinh làng nằm phía đông thôn Năng Tây xã Nghĩa Phương giáp với thôn Năng Xã, Nghĩa Hiệp, sau khi tiêu diệt được hàng chục lính ngụy bằng những phát đạn chính xác, mỗi người tự dành riêng cho mình viên đạn cuối cùng làm cho ngụy quân - ngụy quyền vừa khủng khiếp, vừa thán phục chí khí anh hùng của người Cộng sản, nhân dân vô cùng nể trọng. Lại một khung cảnh đau đớn, bi ai, thảm thiết diễn ra, những người Cộng sản tôi từng biết tiếp tục “chết” vậy mà hình như trong lòng tôi sao vẫn không thấy khiếp sợ, cũng cứ trỗi dậy cảm nhận niềm tự hào, vì nghĩ như thế thì Cộng sản nhất định chiến thắng.

Anh tôi chuẩn bị vào đệ ngũ, tôi ôn thi vào đệ thất, Tùng Quốc sẽ vào lớp 2.

Khoảng giữa năm 1964, cũng do bị lộ, một trận quyết tử không cân sức nữa diễn ra giữa 4 người Cộng sản trong đó có chú Tuấn các chú chiếm nhà ông huyện Thành, xã Nghĩa Dũng, vùng đông Tư Nghĩa, với sự mưu trí, lòng quả cảm nên tiêu diệt nhiều sinh lực địch đến giây phút cuối cùng chấp nhận hy sinh anh hùng như đồng đội nói trên, quyết không chấp nhận đầu hàng và để lọt vào tay giặc, là hung tin bay về mà lòng tôi vẫn nôn nao hy vọng tài trí, lòng quả cảm của những người Cộng sản, nhà tôi cũng hoàn thành cái hầm bí mật, thân nằm ngay dưới bếp, miệng hầm dưới chổ để rơm, củi.

Cuối tháng 8 năm 1964, anh, em tôi vẫn đã - đang sẵn sàng tư thế tiếp tục vào năm học mới, mặc dầu lúc này trong nhà trừ phòng khách, các phòng khác của nhà trên có hàng chục Cộng sản ẩn mình. Cha tôi, chú Nga, chú Kiệt, chú Ân, anh Luận (Phổ), ..., súng ngắn - dài đủ thứ, tôi lại cứ được như người lớn, nên được nghe sẽ tổ chức nỗi dậy, khởi nghĩa vũ trang khắp vùng đông huyện, sau khoảng 10 ngày, chắc có lệnh ngừng nên trong vòng 3 đêm lực lượng ta dần dần bí mật rút hết.

Giai đoạn này trong số cơ sở của ta, ở xóm ngoài (bên kia cầu Cả Lễ) của thôn có chú Bốn Tình (On) nghe đâu là người có cảm tình với Việt Minh thời chống Pháp, có nghề thợ mộc được bác Đặng Thoa vận động làm nắp hầm bí mật; không biết sao lúc này ông ta sợ quá dẫn đến nao núng đi đầu thú địch, chúng liền trấn áp, tra tấn, khủng bố khoen dần ra nhiều cơ sở trong vùng, quê tôi lại lần tiếp lần phải gan góc chấp nhận tan nát, bi ai.

Một số cơ sở cách mạng chưa bị lộ trong các năm trước đây, nay nguy cơ sẽ bị lộ trong đó có cô chín Dư (tiểu thương) là vợ chú Chế Quyên cán bộ tập kết 1954 (dâu của ông Chế Hoàng là nhà tư sản thương mại ở Sông vệ) gia đình bác hai Công (tư sản thuốc tây ở thị trấn Sông Vệ), bác Đặng Thoa (địa chủ ở Năng Đông) và 2 người con của bác là anh Hai Thoa đang chuẩn bị thi tốt nghiệp tú tài toàn phần (lớp 12 bây giờ), anh Phong sắp thi vào đệ tam (lớp 10 bây giờ), chú Xuân (Xu) đang học đệ tứ (nay là lớp 9),..., các anh, cô chú chọn cách đi ẩn náu người thì Sài Gòn, người Đồng Nai, người Plây Cu, ...;

Địch truy bắt được bác Đặng Thoa đưa về xã tra tấn, hành hạ vô cùng dã man, tàn bạo rồi tổ chức bắn để khủng bố tinh thần nhân dân, các cơ sở của ta. Một vài cơ sở không đủ lý lẽ khai báo, khai báo không hợp lý, không chịu nổi các đòn tra tấn dã man nên đã khai đến gia đình tôi, địch lại tiếp tục không ngờ nhưng đó là sự thật.



Có nhiều người lớn kể lại về cha tôi, ngày niên thiếu ông cũng từng rủ bác Chế Quán đi Hà Nội sống mấy năm liền rồi về quê tham gia Lãnh đạo khởi nghĩa năm 1945 tại quê nhà. Sau 1945 tham gia bộ đội Việt Minh đến năm 1954 ba tôi được bố trí ở lại hoạt động tại Kon Tum. Đến cuối năm 1955, do có điệp báo, ông bị ngụy quân bắt tại địa phận nay thuộc xã Đắk Nên - Đắk Ring gì đó thuộc huyện Kon Plông, không biết ông làm kiểu gì chỉ đến giữa 1956 đã được ra tù.

Ngay sau ra tù ông đã tiến hành làm ăn – kinh doanh khá phát đạt, biết khám chữa bệnh, kê đơn, chích thuốc, biết cả việc sửa chữa các máy nổ, nghe – nói – viếtđọc tiếng tây tương đối khá, tiếng Tàu biết sơ sơ. Ông cũng quen biết nhiều người trong ngụy quyền từ cấp tỉnh trở xuống, quan hệ làm ăn nhiều nơi, có lẽ vì thế chúng không ngờ lại cứ cố theo Cộng sản như vậy. Chúng nghĩ việc cha và chú tôi xin đi làm ăn xa từ đầu năm 1964 là thật, nhưng nếu không phải vậy thì cha, chú tôi phải là người mưu trí lắm đây, chỉ huy cao lắm đây,..., hình như bọn chúng cảm thấy vừa nể nang, vừa sờ sợ gia đình tôi sao ấy.

Cũng từ năm 1954 Bác Chế Quán tập kết ra Bắc đến thời chống Mỹ là đại tá đang nghỉ hưu quê vợ ở TP Huế.

Vào buổi sáng cùng vài bạn trên đường đi ôn thi đệ thất đến đoạn đường giữa thôn Năng Đông – Năng Xã thì gặp một trung đội nghĩa quân xã với đủ loại súng ống hùng hổ chạy xuống hướng nhà tôi. Ngay trong đầu tôi lập tức linh cảm chắc chắn là nhà mình rồi, đồng thời tự hỏi làm sao đây?! Tuy nhiên tôi vẫn cố tỏ ra thản nhiên, cùng các bạn đi tiếp khoảng 100 mét nghe những người đi đường họ nói ầm lên, quốc gia đang đi vây bắt Cộng sản tại nhà bà Tùng đấy (tên thường gọi của mẹ tôi). Trong lúc chưa biết phải làm thế nào các bạn cùng đi khuyên tôi: “Mầy quay về nhà mày thử đi chứ, bỏ một bữa ôn thi ăn thua gì!”

Quay về, các em Quốc, Khánh, Minh (lúc này mới gần 3 tuổi) cũng đã có đủ, đứng tại ngõ nhà, một cảnh tượng rùng rợn diễn ra trước mắt, chúng vây kín vườn, súng ống lăm lăm vào trong, một số tên quát tháo ầm ĩ, tra tấn mẹ và anh tôi (chỉ mới 15 tuổi) ngay tại hiên nhà. Mẹ và anh tôi quoằn quoại, từng tiếng, từng tiếng thét đứt quãng vang ra xé lòng người quân tử. Trong những người hàng xóm đến xem, có người rơi nước mắt, bốn anh, em tôi đều thấy tất cả, song không biết thế nào, không đứa nào bảo đứa nào, nhưng đứa nào cũng không rơi lệ, tay chống nạnh, ngạo nghễ, mắt đăm đăm nhìn vào. Sau một hồi lâu nghe chúng bảo đã lục soát, xem kỹ toàn bộ vườn nhà, có 1 hầm bí mật, nhiều tài liệu, cờ cộng sản.

Chúng rút ra dẫn theo mẹ, anh tôi trong tư thế tay bị trói ngoặt phía sau, mặt – tay bầm tím, sưng vù, quần áo tả tơi, vậy mà khi ngang qua chúng tôi mẹ, anh cũng không hề khóc, có lẽ nào lời Tố Hữu "Khóc là nhục, rên hèn, vang yếu đuối; Và dại khờ là những người câm" đã thấm vào mẹ và anh - em tôi đến thế chăng?! Mẹ dặn rằng nhắn cô Hai về coi ngó (đầu 1964 cô tôi lại tiếp đi làm ăn xa), mẹ và anh có chết cũng phải chịu thôi, chứ chuyện do cha – chú các con làm với Cộng sản, mẹ và anh các con có biết gì đâu. Cũng từ đây anh tôi và tôi phải xếp bút nghiên, và may còn sống sót cho đến sau ngày 30/4/1975 mới được trở lại trường, lớp của chế độ mới.

Khoảng sau 1 tuần lễ kể từ hôm ấy, địch bắt hàng trăm người chúng coi là theo Cộng sản đang bị giam tại xã đi hàng một thành đoàn người kéo dài hơn 300 mét có 1 trung đội nghĩa quân kiểm soát, dẫn đến nhà tôi, chúng tịch thu hết toàn bộ tài sản, bắt đập phá gần như toàn bộ ngôi nhà, nhà tôi vốn dĩ khá nhiều sách các loại, chúng cứ hô toáng lên là tài liệu cộng sản bắt phải gánh hết về trụ sở xã.

Nhà kiểu xưa ba gian, hai chái, 24 cột to, do ông nội để lại, cha tôi là Trưởng nam nên cũng là nơi thờ cúng chính của dòng họ, có lẽ quá xót xa mặt khác có một – vài người trong số ngụy quân mách nhỏ nên ba ông Trưởng chi còn lại của họ tộc cố gồng mình xin bọn chúng cho phép các ông sửa dựng lại để thờ cúng, đồng thời cho các cháu ở chứ chúng nó còn nhỏ biết tội tình gì, được cảnh sát Trưởng tên Lý, địch đổi tới từ đầu năm 1964 cha tôi cũng từng quen biết, xã Trưởng tên Sang (là bạn với cha tôi trước đó) chấp nhận.

Việc sửa chữa đến sáng ngày thứ 3, đang lợp nhà thì được tin đồn cha tôi chết, người thì bảo tại cầu xóm Xiếc, người bảo cầu Chìm ở quận (ta gọi huyện) Nghĩa Hành, các ông Trưởng chi cùng các bậc ông trong họ thảo luận, bàn tính đủ cách, cuối cùng quyết định bảo tôi và Nhật (lớn hơn tôi 4 tuổi) là em con bà cô thứ năm bằng xe đạp đi tìm kiếm xác định tin đồn sự việc, người bảo đi đường An Chỉ - Chợ Chùa, người bảo theo đường thị xã đi lên, anh – em tôi chọn đi đường thị xã.

Từ nửa buổi sáng vừa đi vừa hỏi tin, hỏi đường đi xem Cộng sản bị quốc gia bắn chết, hầu hết những người được hỏi đều quát lớn “đồ con nít, họ chết xem làm gì” tôi gồng mình: “dạ - thưa cháu xem thử có phải cha cháu không!” - ngay lập tức họ nhìn lại tôi với gương mặt u sầu, tận tình chỉ bảo, quãng đường chỉ khoảng 16 km, đi bằng xe đạp mà phải sau 3 giờ đồng hồ mới đến nơi được. Đó là địa điểm nay thuộc xã Hành Thuận thuộc huyện Nghĩa Hành giáp giới xã Nghĩa Điền thuộc huyện Tư Nghĩa. Theo lời kể nhân dân địa phương, sau 3 ngày chờ thân nhân đến nhận xác, nhưng không thấy nên họ vừa chôn sáng nay, qua thăm hỏi và sự mô tả của số lính nghĩa quân, nhân dân địa phương, có thể đã đúng là cha tôi rồi;

Nhật ở lại chờ đợi, tôi quay về báo tin cho các ông Trưởng chi, lúc này đã 14 giờ. Sau khi thảo luận, một bộ phận tiếp tục sửa nhà, một bộ phận lo hậu sự, một bộ phận chuẩn bị các phương tiện khiêng, sắp xếp đoàn 7 người trong có ông Ban là Trưởng chi lớn (kề chi Trưởng nam) cùng chạy bộ theo đường An Chỉ - Chợ Chùa. Do đường đi phải ngang qua quận Nghĩa Hành, bọn lính bảo vệ quận thấy lạ, chúng ách lại bắt vào quận tra hỏi mất cả giờ mới cho chạy tiếp.

Tôi trở lại cũng bằng xe đạp theo đường thị xã lên sớm, nhưng phải chờ tới 6 giờ tối các ông, chú họ tôi mới đến nơi được, tất cả lập tức đào đưa xác cha tôi lên tắm – rửa lại đặt vào hòm vừa mua về, có ý kiến bây giờ ai nấy cũng đã đuối hết rồi, khó khiêng nổi nên phải thuê xe lam (loại xe ba bánh) chở thôi, hình như nhiều người dân nơi ấy quên mất sự sợ sệt chính quyền Ngụy nên họ xúm lại ra sức phụ giúp hết sức khẩn trương, nhờ vậy nên khoảng 20 giờ đã xong và bắt đầu xuất phát trở về. Xe lam chỉ có thể đến nơi cách Gò Hạo quê tôi (chỗ chôn cất) gần 800 mét nên lại phải chuyển sang vận chuyển bằng xe kéo bộ.

Xong việc chôn cất cha tôi đã 24 giờ, trời bắt đầu lác đác mưa, mọi người rã rời tay chân. Cô Hai và một số bà trong họ đón thi hài ở quê gào thét, nước mắt đầm đìa, 3 em nhỏ tôi chưa ngủ nhưng vẫn không đứa nào rơi lệ trước khung cảnh tan nát, điêu tàn như thế. Có lẽ nào chúng tôi đã trở thành ông cụ rồi ư?! Hay là con nít chưa biết gì?! Không! không thể như thế, mới ngày nào đây thôi mẹ đi nhà ngoại khoảng 19 giờ (trời vừa nhá nhem tối) mới về, mấy anh em đã sợ ra ngồi trước hè túm tụm ôm nhau khóc đây mà!!!

Đang trong tình cảnh địch họa, lại phải đương đầu thiên tai, song anh em tôi vẫn chẳng đứa nào rơi nước mắt, trừ những người đương thời cùng xóm từng sống chứng kiến chứ còn nếu ai đọc hồi ký này sẽ khó tin, không tin nổi cái sự thật bi thảm, mà hiên ngang, lì lợm, ngạo nghễ của 4 anh em tôi từ đứa gần 3 tuổi đến tôi lớn nhất 12 tuổi luôn cùng nói với nhau rằng cha, mẹ mình theo Cộng sản, mình phải chấp nhận một sống – một chết thôi. Giờ nghĩ lại rất có thể do từ khi biết đọc tôi đã đọc nhiều chuyện Tàu, chuyện Đinh Bộ Lĩnh, Trần Quốc Toản bóp nát quả cam...

Sau đêm chôn cất cha tôi xong trời tiếp tục mưa lai rai dài ngày, rồi mưa to cho đến trận lụt lịch sử năm 1964, dầu vườn nhà ở vị trí cao nhất xóm, nhưng nước đã ngập nền từ trưa, chúng tôi phải trèo lên rầm nhà ở, trong cô quạnh, đói - rét, đến khoảng nửa đêm nước lên tới 1 mét. Cô Hai tôi khóc than thảm thiết, từ cuối tháng 8 bà nội tôi thường lên cơn tâm thần nặng, la hét ầm ỹ. Trong đêm đỉnh cao của lụt, ngồi trên rầm nhà chú ruột (Lê Đông) cách nhà tôi 50 mét, bà càng la hét ầm ỹ hơn, mặc cho thiên tai tàn phá.

Đến giờ tôi vẫn không biết tại sao, sức mạnh nào đã khiến với cái vóc dáng con nít và công tử bột của anh em chúng tôi mà có thể đủ sức tự khắc phục “tôi nghĩ” là khá gọn gàng hậu quả tàn phá của trận đại hồng thủy quê tôi hồi ấy!

Cũng chỉ vừa xong việc giải quyết hậu quả tàn phá của trận đại hồng thủy, Tùng Quốc bị hạch chuột, hàng xóm nói bệnh ấy nguy hiểm lắm, ở tỉnh mới chữa được. Một thân một mình tôi đưa em đi nhà thương tỉnh, sau quá trình hỏi thăm đến được phòng tiếp nhận, rất đông bệnh nhân chờ, đến lượt chúng tôi chỉ 2 thằng nhóc mà sao họ vẫn ân cần.

Tôi nhớ mãi câu hỏi đầu tiên của họ không phải là giấy giới thiệu, là tiền viện phí mà là: “Cháu nào đau, đau ở đâu trong người, cháu nghe đau như thế nào?”. Họ vừa xem vừa khám xong, bây giờ họ mới hỏi tên tuổi, nhà ở đâu, họ tên cha mẹ, làm gì mà không dẫn cháu đi. Nghĩ không thể dấu được, nên nói ngay, cha mẹ cháu theo Cộng sản nên bị bắt tù hết rồi, chợt thấy trên khuôn mặt họ lập tức đượm buồn. Có vẻ họ quan tâm anh em tôi hơn, ngày 3 bữa họ cho cả 2 anh em ăn luôn.

Sau một tuần bớt bệnh, họ cho về và không đòi tiền, trong những ngày nằm nhà thương (bệnh viện) ấy người nào cũng biết chúng tôi là như thế (con Cộng sản), nên họ khuyên nhủ đủ điều. Có lẽ các y bác sĩ khám chữa bệnh em tôi là những người tích cực góp phần làm cho tôi lớn trước tuổi. Từ ấy trong tâm trí tôi cứ luôn thầm nghĩ vô cùng cảm ơn các y – bác sĩ đó.

Cũng may “nát vỏ vẫn còn bờ tre” cô thì già yếu, anh – em tôi quá nhỏ biết làm gì để có ăn, nuôi mẹ, anh đang bị tra tấn, tù đày hết ở xã rồi đến quận và tỉnh, phải chấp nhận cuộc sống rất khó khăn, dẫu vậy cũng chưa đến nỗi lam lũ. Tùng Quốc vẫn đến trường, ngày tháng cứ đến;

Quê tôi dẫu nhiều gia đình đang đẫm nước mắt – tang thương, chú tôi vẫn bí mật đi về hoạt động với cường độ cao hơn.

Tết năm 1965 sắp đến bác Lầu gái (vợ bác Lầu đã hy sinh nêu trên) lúc này có nhà bán phở trên Sông Vệ, nhắn anh – em tôi lên cho quà. Minh còn nhỏ để nhà, tôi dẫn Quốc, Khánh đi, tuy khổ nhưng sao rồi tôi cũng có tiền (đã cố nhớ nhưng vẫn không nhớ được hồi ấy làm sao mà cũng cứ có tiền) vào chợ Sông Vệ ăn cháo vịt, lúc ấy chỉ có 3 anh – em tôi ăn, bà ta quên đòi tiền, còn tôi khi ra tới cổng chợ mới sực nhớ quên trả tiền, định quay lại trả thì trong đầu cũng đồng thời diễn ra ý nghĩ sợ chưa tới nơi mà bả thấy la toáng lên thì dị (xấu hổ) chết. Lòng day dứt, xấu hổ nhưng thôi đành quyết bỏ đi luôn. Không biết hôm đó mợ (chị dâu của mẹ) tôi ngồi đâu mà thấy và biết được. Mấy hôm sau về ngoại, mợ vừa nói, vừa cười: “Hôm đó các cháu ăn cháo quên trả tiền, mợ trả thay nhưng rồi bà ấy nghe nói là con bà Tùng nên không lấy!” làm tôi dị vô cùng và phải thanh minh từ đầu đến cuối.

Nhìn thấy tụi tui, bác Lầu vừa thút thít khóc, vừa xuýt xoa hỏi thăm chuyện gia đình, cho ăn, cho tiền, cho bánh kẹo đem về, khuyên nhủ chúng tôi chớ dại, an ủi chúng tôi cố sống.

Đầu tháng 5/ 1965 cả vùng đông Tư Nghĩa (cũng là đông đường số 1) từ bờ nam sông Trà Khúc đến bắc bờ Sông Vệ được vũ trang nổi dậy khởi nghĩa. Nhiều nơi chỉ cách quốc lộ 1 khoảng 500 mét (theo đường chim bay) như xóm Gò, thuộc xã Tư An nay là Nghĩa Thương, Tư Bình nay là 2 xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng, Tư Nguyên nay là Nghĩa Hà là các xã áp sát thị xã Quảng Ngãi có nơi chỉ cách trung tâm độ chừng 2 km, phía đông giải phóng giáp biển.

Hơn 1 tháng sau địch mới hồi tỉnh, mở những trận càn phản kích, các làng quê thêm cảnh ngập chìm dưới bom đạn, từng trận, từng trận chống càn diễn ra khốc liệt. Về phía ta cả vùng có 3 trung đội lực lượng huyện, du kích tại chỗ, chỉ với lòng gan dạ, bộ óc mưu trí và vũ khí thông thường; phía địch không thiếu thứ gì, hàng ngàn quân có phi cơ phản lực, HU1A (trực thăng chiến đấu), xe tăng, đại bác... tấn công xối xả. Điển hình như trận đánh ở Thu Xà – Nghĩa Hòa, ở khu nhà ông Võ Đình Thụy, thôn Vạn An – Nghĩa Thương. Tuy vậy quân ta càng đánh, lại càng hăng, càng đông lên (do có ngay được lực lượng tại chỗ tăng cường), nhưng hình như là để bảo tồn – phát triển lực lượng chiến đấu lâu dài nên đến khoảng tháng 8 thì rút.

Cuối tháng 5/1965 chúng trả tự do cho anh tôi, anh lập tức lẻn về quê và được lực lượng ta tổ chức đưa lên Huyện ủy Tư Nghĩa lúc này đang đóng ở Nghĩa Thắng cùng với Nhật em con cô thứ năm tôi. Nhật quyết xung phong đi bộ đội luôn từ đó, rồi biệt tin - đến 7 năm sau tức năm 1972 sau trận đánh Ba Tơ mới biết được còn sống và là Trung úy đặc công thuộc sư 2.

Tháng 7/1965 tới lượt mẹ tôi được trả tự do nhưng phải chịu sự quản thúc chặt chẽ của chính quyền địch. Do quê nhà hiện là vùng giải phóng, nên chúng buộc phải ở lại khu định cư tại vùng ngay phía đông nam sát cầu Bầu Giang và quốc lộ 1 thuộc quận Tư Nghĩa (sau tháng 8/1965 ta rút hết chúng cho về quê), cùng lúc này tâm thần bà nội tôi tạm ổn.

Địch tiếp tục sử dụng các âm mưu, thủ đoạn, hành động tàn ác, liên tục tổ chức khủng bố khốc liệt những gia đình liên quan với Cộng sản, chúng bắn khá nhiều người từng là Trưởng ban tự quản các thôn trong mấy tháng địa phương được giải phóng mà chúng bắt được, trong đó có chú Anh (theo tên con) chung hàng rào phía sau nhà tôi.

Chú tôi, anh Phổ (Luận) cầm nắm lực lượng hoạt động vùng địch hậu (gọi là Đội công tác), tiếp tục bí mật ở lại lãnh đạo nhân dân, hầu như đại bộ phận các gia đình cơ sở cách mạng đã bị lộ, chưa bị lộ vẫn không sờn lòng, trung thành với Cách mạng, kiên định tư tưởng chấp nhận hy sinh, đối sách với những âm mưu, thủ đoạn, hành động khủng bố tàn ác của địch.

Đội công tác định hướng cho nhân dân lập luận "quốc gia mạnh như thế mà phải bỏ chạy, chúng tôi bỏ ruộng vườn chạy theo mấy ông (bọn địch địa phương) được trợ cấp ít quá, đâu đủ ăn, làm sao có tiền chi tiêu sinh hoạt, nên phải chịu cực ở lại làm ruộng, vườn, mà ở lại họ bảo làm gì cũng phải làm chứ biết làm sao?". Nhiều người gan góc họ lựa lời nói luôn "chẳng hạn như bây giờ thì các ông có dám không nghe lời quốc gia, chống lại quốc gia không, mà bảo dân chúng tôi dám chống lại Cộng sản, mà sao thấy họ toàn là người Việt Nam, nghe họ nói toàn tiếng Quảng Ngãi cả, họ đi về như xuất thánh, nhập thần biết làm sao được, ..." Để hạn chế bớt sự dã man của bọn ngụy quân, ngụy quyền địa phương, ta gợi ý cho những người có chút chữ nghĩa nêu ý tưởng "quốc gia muốn thắng phải chơi quân tử với dân, chứ tra tấn quá sẽ làm tăng lòng căm thù, sự căm hận và âm thầm theo Cộng sản hết, mặt khác họ sẽ bí mật ám sát các ông khó tránh khỏi chết đấy" không biết có phải do vậy không, mà hình như qua một thời gian thấy chúng từ từ hơi chùn tay.

Từ là bà chủ, thế rồi liên tiếp qua ba năm, 2 lần bị tù đày, chồng đã hy sinh, 5 con nhỏ phải chịu cảnh cù bơ, cù bất, cả thể xác, nhà cửa, của cải điêu tàn, cuộc chiến đang tiếp diễn ngày càng khốc liệt, mẹ tôi vẫn không sờn lòng, một ý chí, một lòng thành với Đảng Cộng sản, với Cách mạng, tiếp tục chấp nhận hy sinh, vững lòng tin tất thắng.

Sau tết năm 1966, mẹ tôi nói đất nước rồi cũng phải hòa bình, người ta phải làm lại nhà cửa, sắm sửa đồ móp (hồi đó quê tôi gọi vậy - tức bàn ghế, tủ, giường,...) nhiều nên cho tôi theo ông Xê thợ cả, là ông họ phía ngoại học nghề làm đồ móp ở thị xã. Khoảng 15 ngày học, tôi đã có thể hoàn thành hết các công đoạn một chiếc giường thường khổ 1,2 mét, bắt đầu ráp.

Một sự kiện, một hung tin quá mức tưởng tượng phát sinh buộc tôi cậu bé mới bước vào tuổi 14 phải ứng phó.

Tin đồn sáng nay Cộng sản về đánh rầm rầm xã Tư Hòa (ta gọi là Nghĩa Hiêp), những người thợ quê Nghĩa Hiệp mới ra sáng nay cũng bất ngờ bối rối xin về để đưa gia đình đi di tản. Tôi dẫu 3 ngày qua ở lại xưởng, nhưng linh cảm mách bảo "chết rồi, bị lộ rồi" vờ thản nhiên xin về, tới La Hà thuộc xã Nghĩa Thương gặp chú bốn Đi người xóm Đình có nghề y tá đang bị địch bắt làm ấp Trưởng, ấp tôi (lúc này địch đã đổi tên thôn thành ấp) thẫn thờ ngồi bên vệ đường, thấy tôi, chú chặn lại nói nhỏ, trốn đi, trốn đi ngay, quốc gia mà bắt được cháu là họ bắn liền đấy, (tôi liền nghĩ, thật may ổng là ấp Trưởng mà không tự coi là quốc gia) chú và anh cháu dẫn Cộng sản về đánh nhau ghê gớm lắm với quốc gia ở quê. Tôi cảm ơn, lập tức ngoắt xe đạp một lèo ra lại xưởng.

Đến chiều được tin bà nội, mẹ, các em tôi đang ở nhà bà Hai Quyền (nhà mà trước đây cô Hai tôi hay ở giúp việc) cũng ở ngay trung tâm thị xã Quảng Ngãi, tôi đến, được mẹ, cô, em kể lại sự việc.

Khi sáng địch tổ chức nhiều toán nghĩa quân xã đi bố ráp, trong đó một toán do Dượng Xuân là dượng họ tôi (kêu mẹ, cô, chú tôi là anh - chị), dẫn đầu 1 toán khoảng 10 người mang theo cả súng trung liên dẫn đi, đến lượt nhà tôi đang lúc chú tôi, anh Phổ - Dũng - Tương - Năm ở ẩn trong nhà, không còn cách nào khác các anh phải nổ súng, Dượng Xuân chết ngay cửa, 4 tên khác bị thương, cả hai bên địch - ta đều chạy, cả gia đình tôi chỉ còn người già, trẻ con đang mỗi người một nơi cũng phải chạy theo sự mách bảo của linh tính.

Cô Hai bỏ hái đậu cô ve trước sân, chạy ngay vào nhà quơ vội mớ quần áo, đồ dùng thiết yếu, mẹ đang đạp nước ngoài đồng, Tùng Quốc - Tùng Khánh đang học trường làng cách nhà 100 mét, cũng đã chạy về đến nhà, cô ôm Tùng Minh đang chơi ngay sân, cùng băng đồng chạy ra đây, bà nội đang đi chơi xa biết tin cũng chạy nên chiều cả nhà đã hội tụ đủ (tại nhà bác hai Quyền);

Nghe mẹ, cô Hai kể xong, tôi nêu ý kiến, mẹ à! Tình hình này chắc phải tìm đường ra vùng giải phóng thôi, nếu không khi địch bắt được nó sẽ bắn chết hết.

Mẹ nói cả nhà đùm đuề thế này, đang mất hết liên lạc với cách mạng, địch truy nã, canh gác khắp nơi nên đi không lọt được, khi bị bắt trên đường tẩu thoát chúng sẽ ghép tội nặng hơn, mặt khác nếu lọt được theo Cách mạng lên núi như thế này (toàn bà già, con nít) thì cũng chỉ hành (làm khổ) Cách Mạng thôi. Mẹ bảo từ từ bọn nó bớt giận dữ, mẹ sẽ trở về, chấp nhận bị bắt - tra tấn, tù đày, bà sẽ trước sau như một khai rằng vì không nỡ giết em chồng, nên đành mang tội với quốc gia. Nếu địch nó bắn thì cũng chỉ bắn mẹ thôi, ruộng đất cho ai làm, thì người đó nuôi các con, ... tôi thì cứ cố theo học thợ mộc thành nghề dẫn dắt các em. Tôi trở về xưởng làm việc bình thường, tất nhiên trong đầu luôn mơ màng nghĩ đủ cách ứng phó, cho đến nước cùng thì sẵn sàng chấp nhận chết.

Chiều ngày thứ 3 của sự việc xảy ra, tôi lẻn về nhà người chú thúc bá để nghe ngóng tình hình, không biết được gì, nhưng phải đối phó với một tình huống khá nguy hiểm và thoát được, ra lại thị xã nói ngay với mẹ con thấy nguy hiểm lắm đó mẹ à! Mẹ vẫn nói hung lắm thì mẹ chết thôi!

Bác hai Quyền quá sợ liên lụy, nhưng cũng quá nể nên đành chấp nhận để gia đình tôi ở tạm đến sáng ngày thứ 4, địch truy lùng khắp nơi, nhưng không ngờ toàn bộ gia đình tôi ở thị xã, tôi cũng đang học thợ mộc ở thị xã.

Mẹ quyết định cả nhà di chuyển vào Sông Vệ bằng xe lam, đúng như dự kiến xe vừa dừng là chúng áp tới kiểm tra giấy tùy thân, bắt tất cả giải về xã.

Đến cổng trụ sở Hội đồng xã, còn ít tiền mẹ đưa cho Quốc, dặn dẫn Minh về gửi cho dì Năm, Quốc, Khánh về ở với ông - bà ngoại.

Địch khống chế đến mức Nhà ngoại quá sợ, sợ đến nỗi không dám nhận cháu ngoại, nên Quốc (Quốc mới vào 9 tuổi) dẫn Khánh lúc này 6 tuổi quay ngược ra lại thị xã tìm tôi, sau một hồi tìm không ra, nó vào chợ, chẳng biết làm sao nó lại ngồi đánh bầu - cua ăn tiền ngay cổng chợ luôn.

Trong muôn vàn cái họa, anh em tôi vẫn còn có cái may, nên gia đình tôi không phải như bao gia đình "như chưa hề có cuộc chia ly" giữa đô thị phồn hoa nơi chợ búa đông người ấy. Chú Huy ngày đó thường gọi chú Đời (lớn hơn tôi 2 tuổi, không biết quan hệ vai - vế thế nào đó nên gọi là chú) con ông Năm Long giàu có, đang tản cư ở gần cầu Trà Khúc, ba tôi gọi là chú và rất thân cùng thôn đang học may cách đó khoảng 200 m, đi dạo (lúc này khoảng 16 giờ ) tình cờ thấy chúng nó hỏi chuyện rồi dẫn đến xưởng gặp được tôi.

Tình thế bất ngờ, quá bí, tôi hỏi luôn chú, bây giờ làm sao đây hở chú? Vài phút suy nghĩ chú hiến kế đem ra gửi cho ba tao rồi hãy tính, mừng quá 2 chú cháu chở 2 đứa ra gửi ông và không may rồi lại gặp may, ông bà thấy anh em chúng tôi vừa nói vừa run lập cập rồi, đành chở lại về xưởng ở tạm qua đêm để tính tiếp. Cô Kim Anh chị chú Huy qua nhà cô - chú Nhơn hàng xóm bên cạnh nói chuyện, cô chú ấy bảo đưa đến xưởng xem thử rồi nhận luôn về nuôi. Lòng tôi vừa như cá gặp nước, vừa nghi ngờ đủ thứ, vừa yên trí, vừa tìm cách lên núi. Thế rồi chỉ mới được 3 ngày địch truy bắt tôi tại xưởng, không thể báo tin về cho cô chú Nhơn đang nuôi 2 em tôi được.

Trên đường dẫn giải về Sông Vệ, có thể chúng nghĩ là nhỏ nên không trói, tôi thầm đoán chúng gom đủ để bắn đây, như chúng đã từng bắn những người yêu nước tại địa phương trước đây và như chúng tuyên bố từ hồi tháng 9/1965 (gia đình nào theo cộng sản nếu bắt được sẽ bắn hết chỉ chừa những đứa từ 4 tuổi trở xuống). Tôi nghĩ như vậy là đã đến lúc đằng nào cũng chết, nên tìm cách đánh lừa chúng tẩu thoát, thoát được vào xã Đức Minh, địch gọi Đức Lương lúc bây giờ là vùng giải phóng đến tối thì gặp được chú ruột tôi, toàn bộ đội công tác xã tôi, chú và các anh kể lại diễn biến trận đánh.

Chú tôi dẫn các anh Dũng, Tương, Năm chạy ra chiếm chốt nhà ông Đặng Hoa (thường gọi ông Thu) cách nhà tôi về phía bắc ước 600 mét theo đường thẳng, .là ngôi nhà 2 tầng kiên cố sẵn sàng chiến đấu đến cùng. Địch lúng túng, ồ ạt lo điều động 1 tiểu đoàn biệt cách quận, những đại đội nghĩa quân các xã lân cận đến tới tấp tấn công vào nhà ông Thu nên mới có tin đồn như nói trên.

Sau khi áp đảo được ngay toán quân vào lục soát nhà tôi, 5 người hội ý, phân công 4 vượt ra hướng bắc chiếm giữ nhà ông Thu (nói trên) xác định chiến đấu đến viên đạn cuối cùng thì tự sát, cũng đồng thời là đánh lạc hướng địch, bảo vệ anh Phổ (Bí thư đội công tác) vượt theo hướng tây phía ngoài cầu Cả Lễ (là hướng địch không ngờ tới) tìm nơi ẩn náu, sống để tiếp tục xây dựng - lãnh đạo phong trào Cách mạng địa phương. Tuy nhiên địch lại đang có cả trung đội lùng sục bên ấy, nên chạm nhau, anh chiến đấu tiêu diệt gần chục tên, đến khi chỉ còn một quả lựu đạn, anh rút chốt đặt dưới bụng nằm úp lại giả vờ chết, không còn nghe súng anh nổ chúng tiến tới, anh tự sát bằng cách lăn ngửa người lựu đạn nổ, kéo theo 3 tên địch chết cùng.

Tại nhà ông Thu 4 người gồm: Đông (chú tôi) các anh Dũng, Tương, Năm chiến đấu bằng cách tiêu diệt địch ở cự ly gần rồi bò ra lấy súng đạn địch, đánh địch. Chúng chết 65 tên trong đó có một trung úy biệt cách, bị thương 57 tên. Cho đến tối, không biết chúng đông đến như thế, bao vây kiểu gì mà 4 người thoát ra trong đêm, băng bao sông suối cả con Sông Vệ qua 2 xã do địch kiểm soát về Đức Lương nay là Đức Minh vùng giải phóng an toàn, chỉ có anh Dũng bị thương do mảnh đạn xuyên qua trái chân. Đây là trận đánh rất nhiều tình tiết ly kỳ, như chuyện Tề Thiên Đại Thánh xưa, thật sự đã diễn ra tại đây, sau này nghe những người dân trong cuộc và chứng kiến sự việc kể lại, tôi mới tin được.

Tôi ở Đức Minh được 1 tuần thì có giao liên đưa tôi đi hai đêm, một ngày tới được Huyện Ủy Tư Nghĩa đang đóng ở xã Tư Mỹ, ta gọi Nghĩa Thắng, Huyện Ủy giao tôi luôn cho Ban giao bưu huyện lúc này do chú Hường phụ trách. Ở trong nhà dân thuộc thôn An Lạc Nam tôi gặp được anh tôi đang đảm nhiệm việc viết in li tô, phát hành các các bài tuyên truyền, tin tức của huyện tại ban Tuyên giáo huyện. Được một tuần, vì theo tin tình báo địch chuẩn bị trận càn lớn lên tới Nghĩa Thắng nên có lệnh di chuyển toàn bộ các cơ quan huyện lên xã Tư Phước, ta gọi Nghĩa Lâm.

Chiến sự giữa ta và địch luôn diễn ra không yên ả, và Quốc, Khánh 2 em chúng tôi, khi ra đi tôi gửi ở một gia đình không quen, biết ra sao đây, chúng tôi quyết định xin ý kiến Huyện Ủy đồng ý cho tôi tự tìm cách hợp pháp xuống thị xã đưa Quốc, Khánh lên huyện luôn, cũng biết rằng là hành trình và việc làm này rất nguy hiểm nhưng phải chấp nhận chứ biết làm sao khác được.

Anh tôi tiễn tôi ra bến đò thôn 4, xã Nghĩa Lâm khi trời chưa sáng, đầu đội chiếc nón lá hơi cũ, lên ghe trong vai con của người chủ ghe chở củi theo dòng Sông Trà khúc xuôi xuống thị xã để bán. Lòng tôi ngổn ngang những nỗi lo đang xen với ý nghĩ phải bình tĩnh, hết sức bình tĩnh, trong mọi trường hợp, dù bị bắt, bị tra tấn, bị bắn chết cũng đành chịu thôi. Gần đến bến nơi bán củi, chủ ghe hướng dẫn tôi quãng đường tắt phải đi bộ 3 km tiếp theo xuống trung tâm thị xã. 11giờ đến bến, ăn trưa xong, tôi xuống thuyền trong vai cậu bé xuống thị mua quần áo. 14 giờ vào nhà cô chú Nhơn (nơi gửi em), tôi chủ động nói, cháu bị quốc gia bắt giữ hơn tháng nay không được biết tin tức gì, do bất ngờ và họ cũng không cho cháu báo tin để cô biết, vừa được thả cháu ra đây luôn.

Cô Nhơn nói cô chú cũng đoán vậy, mấy ngày sau không thấy cháu về với em, lính trong đó ra đây bắt cô chú tra tấn ngay tại chỗ buộc khai báo che dấu cháu ở đâu. Cô chú nói có biết đâu mà khai, chỉ biết khai đang nuôi 2 em cháu đó, không tin các ông cứ hỏi hàng xóm, oan cho gia đình tôi quá. Qua hôm sau phía ngoại cháu ra dẫn 2 em cháu về rồi (sau này biết ông- bà ngoại nuôi Tùng Khánh, phía nội chú Diệt là chú thúc bá nuôi Tùng Quốc, Tùng Minh vẫn ở với dì Năm) tôi cảm ơn cô chú, biếu các con cô 2 gói kẹo, xin phép về quê, cô mời ở lại chơi hôm sau về, tôi cảm ơn, xin phép về để bà con biết chừng.

Tôi khẩn trương quay lại bến, trời đã gần tối, chủ ghe cũ đã về, phải xin ngủ đêm trong một gia đình tại bến đò trong vai con bà Sáu Thượng ở thôn 4, Nghĩa Lâm sai đi coi thử tản cư (từ vùng giải phóng chạy xuống ở trong vùng địch kiểm soát gọi là tản cư) xuống thị xã ở chỗ nào được. Có ngờ đâu một tình huống nữa hết sức eo le, nguy hiểm xảy ra, bà chủ nhà cũng là người Nghĩa Lâm tản cư xuống ở đây nên biết bà Sáu Thượng, bà nói ơi con chị Sáu đã lớn giữ hê, hỏi thăm đủ thứ, may mắn sao tôi trả lời khá rành rọt, nhưng trong lòng cảm nhận nguy hiểm đang cận kề. Tôi đối phó bằng cách xin đi ngủ, nhưng đâu dễ gì ngủ được, khoảng 15 phút sau, nghe lào xào có thằng cùng lứa tuổi (không còn nhớ tên), cùng xóm, thôn 4, Nghĩa Lâm tản cư xuống ở đây từ khi Nghĩa Lâm được giải phóng (đầu năm 1965), đến hỏi thăm, biết thế nào bây giờ! Chết rồi, cùng lứa tuổi nó sẽ nhận được mặt ngay, tôi giả đò ngủ, nó kêu 4, 5 tiếng gì đó, vẫn cứ giả ngủ say. Rồi bà chủ nhà nói, nó đi chắc là mệt lắm nên ngủ say rồi, thôi để nó ngủ, mai cháu đến chơi. Nghe thế tôi như mở cờ trong bụng, rồi thiếp đi lúc nào không hay, có lẽ linh tính mách bảo nên trời chưa sáng đã dậy ra bến đò tìm ghe xin đi nhờ về lại Nghĩa Lâm (vì tờ mờ sáng là ghe họ đi).

Một cậu bé không quen biết được lên ghe đi nhờ ngược dòng sông chuyện cũng không đơn giản, chủ ghe người xã Tịnh Minh, Sơn Tịnh cũng là vùng ta giải phóng từ đầu 1965. Tuy luôn cảnh giác nhưng khi đến đoạn ngang xã Nghĩa Thắng, tôi nghĩ để thắm tình, mới tâm sự chuyện đi của tôi, ông ta phản ứng không tốt, tấp ghe vào thôn An Huy, Nghĩa Thắng, tôi lại đi bộ từ đó đến Nghĩa Lâm vừa trưa, báo lại tình hình anh tôi nghe rồi nói: “Từ chỗ không ai giám nuôi nay chắc do làng xóm bàn ra – tán vào nên mới được như vậy, thôi thì như vậy cũng tạm ổn cho 2 đứa nó rồi!”

Đầu tháng 4/1966 Ban tổ chức huyện gọi đến bảo làm lý lịch để cho đi ra Miền Bắc học, giữa tháng được đi, cuộc hành trình kéo dài hơn 15 ngày, nào là sốt rét, đói cơm, giá lạnh,...., chị Hoa người Tịnh Giang, Sơn Tịnh sốt rét ngay khi còn trên đất Quảng Ngãi, chú Đức – chú Mười phụ trách đoàn gửi lại trạm khi hết sốt cho trở về lại địa phương, chia tay chị khóc quá chừng, vừa vào địa phận Kon Tum người bị sốt rét thứ hai lại chính là tôi, những năm tháng ấy sốt và rét nó hành hạ cơ thể mình ghê lắm, không biết sao tôi vẫn cố theo đoàn được, vượt qua được cả tình huấn gặp địch ở vùng làng Lăng Tro, xã Văn Xuôi, nay thuộc huyện Tu Mơ Rông (lại là những chuyện dài ly kỳ, sinh động, đòi hỏi phải đầy ý chí- nghị lực, nếu còn siêng sẽ hồi ký sau); khi đến trạm trú Kon Tum đã 50% quân số bị sốt rét;

Đầu tháng 5/1966 cả đoàn 26 người hầu hết là con em gia đình Cộng sản nòng cốt của địa phương, từ các huyện gồm: Bình sơn 7 Là anh Sơn, anh Kiệm, các chị Vân, Sen, Nga, Thuấn, Phương; Sơn Tịnh 5 là anh Dũng, Hùng, các chị Liên, chị Xuân, Hương; Tư Nghĩa 14 là chị Huệ (Trung), anh Côi (cháu của bí thư Huyện Ủy lúc ấy), anh Thi, anh Sơn, anh Bảy, anh Dương, chị Hương (Đúng), anh Xo, anh Lưỡng, chị Lựu, anh Công (con Huyện Ủy viên, Chánh Văn phòng Huyện Ủy Tư Nghĩa), chị Xuyến, chị Lan (con bà Đồng Linh tập kết ra Bắc, lúc này là phó Ban nông nghiệp tỉnh Thái Bình), tôi (con Huyện Ủy Viên phụ trách đông Tư Nghĩa đã hy sinh 26/9/1964, nhỏ nhất toàn đoàn); Đức Phổ 2 là anh Pha, anh Một, đến trạm trú của Tỉnh Ủy Kon Tum đóng ở vùng làng Tân Ba. Sau 2 ngày gọi là nghỉ ngơi, 3 ngày học tập nghị quyết, tình hình địch – ta trên thế giới, trong nước, trong tỉnh và nhất là ở H5 (sào huyệt và trung tâm đầu não cấp tỉnh của địch, nay là TP Kon Tum), bây giờ chúng tôi mới biết được là Kon Tum, ở lại Kon Tum, chứ không phải đưa ra Bắc học. Được cung cấp tiêu chuẩn gạo 0,2 kg/người ngày, có chất lượng khi cơm đã chín không hạt nào có thể dính được với hạt nào, sắn (củ mì) tùy thích và tự phân công đi đào gùi về, muối tính hạt, rau rừng vô số kể - tự tổ chức hái về. Những ai ốm đau thì cháo bẹ canh măng sẽ sẵn sàng. Cũng có anh nói thế này, chị nói thế khác về chuyện đi Bắc, nhưng nhìn chung sao thấy ai cũng lạc quan, yêu đời, không ai đòi về lại Quảng Ngãi, mặc cho đói khổ, sốt rét hoành hành.

Cuối tháng 5/1966 tất cả nhận được quyết định phân công tác, có 11 người về Ban Giao Bưu tỉnh là các anh: Sơn – Bình Sơn, Công, Pha, Một, tôi và các chị: Lan, Xuyến, Huệ, Liên, Phương, Sen.

Trưởng Ban Giao Bưu tỉnh lúc này là ông Lê Hồng Tân, cán bộ nghiên cứu giúp việc có ông Bình Ủy viên thường trực ban, ông Từ Như Ánh Chánh văn phòng, ông Thành người xã Nghĩa Thương sát xã quê tôi phụ trách Quảng trị (nay là Kế hoạch – Tài chính sở) thuộc thế hệ cha – chú tôi, và hệ thống tổ chức các bộ phận, cung đường, từng trạm, đến cấp huyện. Với kiến thức bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy hết sức khoa học, mưu trí, thích ứng linh hoạt, tất cả có thể “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong công việc hầu hết mọi người đều coi tôi là người lớn, khi công tác ở trạm X 20, có 4 người coi tôi là cháu là em, Chú Phạm Ngọc Hà, anh A Đường, chị Y Hương (Nganh), Y Với.

Tháng 6/1966 tôi và chị Huệ được điều đến trạm Mô gia – Tân Tum đã có chị Y Với, Y Nganh do anh A Đường làm trạm trưởng là trạm đầu mối giữ liên lạc với Ban Giao Bưu đi các huyện phía bắc, tây và đông tỉnh đóng chân trên địa bàn xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông. Đúng phiên tôi đi trực cũng là hôm Ban điều chị Nganh về Ban có việc gì đó, trời mưa to gây lũ lớn không thể lội qua Đắk (nước) Lây ở chỗ như mọi hôm và các chỗ lân cận. Nếu quay về là đúng, nhưng chị Nganh quyết định băng rừng dọc theo dòng nước tìm nơi có thể qua được, hành trình 4 tiếng đồng hồ (mọi lần đi theo đường mòn mất 2,5 giờ) vượt bao rừng rậm, núi đá, vực thẳm, bãi lầy quá gian nan đến cánh đồng lúa nước (chỉ khoảng Ha, ngày ấy gặp được những chỗ như thế là mừng lắm), thuộc làng Mang Rương (lúc bây giờ). Thấy được chỗ tuy nước vẫn chảy dữ dội song có khả năng qua, chị quay vào mép rừng chặt hai cây, mỗi cây dài chừng 5 mét, khá vững mang theo đến chỗ định lội, chị phóng một cây bám chắc vào bờ đang đứng, giữ lội ra giữa dòng chảy trụ lại phóng tiếp cây còn lại vào bờ bên kia, đứng trụ đó ghì chặt hai cây rồi chị bảo tôi em bám chắc vào cây qua sông, tôi phải cố hết sức và may quá là qua được, chị tự ghì cây lội qua. Lần đầu gặp phải tình huống gian nan mới, hành động gan dạ mới, lòng tôi thán phục chị vô cùng, cứ mãi nghĩ, sao mà mấy chị dân tộc họ giỏi quá vậy.

Một hôm lần đầu tiên tôi nấu bữa ăn trưa chỉ 2 người, bởi hôm đó mọi người đi công tác không về, mình tôi trực ở nhà và chú Phạm Ngọc Hà phụ trách cung đường về công tác. Thực đơn cơm ghế sắn thái lát mỏng, ít thịt chuột khô, măng rừng luộc chấm nước muối, phải loay hoay toát mồ hôi mất 2 tiếng đồng hồ vì cái món thái sắn lát mỏng, và thái măng rừng. Chú động viên cháu cứ bình tĩnh làm, dần dần rồi quen, lòng được an ủi phần nào, chứ gặp phải người vô học, coi tôi là tiểu tư sản sẽ được kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc, được thường xuyên nhắc nhở để rút kinh nghiệm mãi thì chắc cũng tìm cách về quê thôi!

Cũng trong thời gian này là giao liên nên tôi được gặp, chứng kiến nhiều anh em chủ lực ta thuộc Trung đoàn 24, hầu hết do sốt rét, có anh là thương binh còn nguyên những phần cơ thể đang băng bó, có người do bị nhiễm trùng, tái phát, không thể hành quân theo kịp cùng đơn vị, cơ thể họ gầy gò, tiều tụy, tay này chống gậy nâng từng bước chân lê theo, thì tay kia vẫn ghì chặt đầu súng AK 47 quàng vai đeo trước ngực. Có những người không thể đi được nữa phải nghỉ tạm ở trạm tôi, người không đến trạm được thì móc võng nằm ven đường mòn, ấy vậy mà qua chuyện trò đã hàng trăm người rồi, sao tôi cứ vẫn thấy chỉ như một. Các anh đã biết trước chuyện rất có thể sẽ chết vì đói, đau trên đường, thất lạc trong rừng, chết ngoài mặt trận, thậm chí trong số anh em chúng ta có người phải chấp nhận cái chết kinh khủng nhất là chết dần chết mòn, quoằn quoại chết như ông cha mình đã chết trong nhà tù Mỹ, Ngụy, như đã chết để chống giặc Tàu, giặc Tây, giặc Nhật xâm lược nước mình trước đây. Nhưng họ đã xác định trước để sẵn sàng, vững vàng chịu đựng! Chết để giành Độc lập – Tự do – Hạnh phúc cho đất nước và Xây dựng chế độ Xã hội Chủ nghĩa, làm tùy sức, ăn tiêu tùy tài sức, người không có sức lao động được xã hội nuôi dưỡng, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, ai cũng được học hành, được chữa bệnh không trả tiền,... Họ sẵn sàng chết để cho đất nước mình, nhân dân mình thoát khỏi cảnh đã chết đói thê thảm hơn hai triệu người hồi đầu năm 1945 ở Miền Bắc khi người Nhật văn minh đến "xây dựng Tự do, Dân chủ, nhân quyền đối với nước ta ".

Các anh kể chuyện Trung đoàn các anh đánh Mỹ, Ngụy ở đồi Vân Rơi (có nghĩa là mây rơi) nay do nhiều lý sự nên đặt tên Mang Rơi, Măng Rơi gì đó thuộc huyện Tu Mơ Rông khoảng tháng 4-5 năm 1966 cả tháng trời.

Trận đánh bi hùng đầu tiên trên địa bàn tỉnh Kon Tum lúc này, ta chỉ một Trung đoàn 24 mà phải đánh với 2 Trung đoàn thuộc sư 22 ngụy, Lữ đoàn dù 173, sư đoàn không vận số 1 Mỹ, mở đầu là trận tập kích, ngay từ những loạt đạn đầu, tiêu diệt hơn một nửa quân số tiểu đoàn Biệt động biên phòng ngụy trên đỉnh đồi, số còn lại chạy tuốt. Về phía ta những người lính trực tiếp nổ súng tiêu tốn hết nửa cơ số đạn được trang bị phải bắn ra đấy thôi.

Sau một giờ khẩn trương thu dọn chiến trường, ta giãn quân nhằm chống địch tấn công bằng bom, pháo, chuẩn bị cho các trận mật tập địch đổ quân phản kích, hai bên đan xen quần lộn nhau như truyện 108 anh hùng lương sơn bạc.

Bằng ống nhòm, đường bộ, trinh sát ta theo dõi bám sát các đội hình hành quân, điểm chốt của địch, với mứu trí và lòng quả cảm bằng những loạt đạn tiến công chính xác nên từng trận, từng trận mật tập diễn ra thuận lợi, địch chết, bị thương la liệt. Sau một tháng địch thiệt hại hàng ngàn quân, bị bắn rơi hàng chục máy bay các loại, tuy nhiên do địch có lợi thế về không quân và pháo binh thường là sau mỗi trận mật tập dứt điểm, chúng tập trung phản kích dữ dội gây cho ta một số thiệt hại nhất định.

Theo các anh biết và kể, hơn một tháng đánh nhau ta vừa chết vừa bị thương trên 100 quân, sau trận đó địch bỏ luôn chi khu quân sự Tu Mơ Rông cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Tôi cố nhớ lại mà vẫn không hình dung nổi cái chí khí các anh, trông người thì tiều tụy, như quân thất trận mà nói đến chuyện xây dựng xã hội chủ nghĩa, chuyện tổ chức sản xuất chuyên môn hóa, chuyên canh hóa, chuyện đánh giặc các anh kể hăng, tường tận, hấp dẫn như thế, làm cho lòng tôi cứ phấn chấn lên, cứ muốn ra trận như các anh.

Tháng 8/1966 mặt dầu luôn bị bệnh sốt rét hoành hành, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ nên Ban vẫn điều tôi đến trạm Đắk Túi do anh A Úa làm trạm trưởng và Y Xuân vợ anh nay thuộc huyện Nam Trà My tuyến đường nối liên lạc với Khu Ủy – khu 5 và với H 29. Trên đường anh Công bỏ Ban giao bưu Kon Tum về lại Quảng Ngãi ghé vào ngủ nơi tôi, anh nói về quê chiến đấu “nhất xanh cỏ - nhì đỏ ngực” chứ ở trên này cái kiểu này chắc là chết vì sốt rét quá mầy à, mặt khác các ông trên này sống không tình người, ông thì nói năng như người vô học, ông thì điếm đàng láo toét, thử hỏi con các ổng đã biết làm gì, hay đang theo giặc? (thật ra có 2 chú ấy thôi) Rồi anh rủ tôi cùng trốn về, tôi nói về quê mình nói sao với mọi người, dị (xấu) chết, anh bảo nói thật thế chứ sao, về chiến đấu chứ đâu phải đi theo giặc, tôi nói thôi anh đi đi.

Tháng 9/1966 tôi được điều xuống trạm Đắk Nên thuộc H 29 (nay huyện Kon Plông) chỉ có 2 hai người chị Y Nuối và tôi bảo đảm liên lạc từ trạm Tu Thon xuống trạm Nước Chè, phục vụ cho Huyện 29. Các xí nghiệp làm giấy, dệt may do chú Dũng phụ trách và Nông trường Quang Trung làm mía đường. Cơ khí do chú Luyện phụ trách trực thuộc Tỉnh Ủy đang đóng ở vùng làng Tu Bung, Ngọk Lây, H80. Nghĩa là trong tình hình bình thường phải đi bộ 6 ngày (với chúng tôi phải đi 4 ngày) mới tới được nhau. Ở đây tôi lại phải thêm lần được rủ, và xót xa tiễn anh Sơn – Bình Sơn tiếp tục bỏ Ban giao bưu Kon Tum về Quảng Ngãi, anh bảo một số chú của Ban rất lộng hành và sống không tình người, cở anh em mình nói không ăn thua đâu, chết ở trên này vô ích, về quê chết trong danh dự em à ! biết nói sao bây giờ nên chỉ nói mong anh về quê thuận lợi, em ngại lắm thôi thì cố gắng ở lại thử sao! đến lượt anh Côi cũng rủ tôi bỏ Kon Tum về quê, nhưng rồi tôi cứ ở lại;

Các anh về quê nói gì không biết mà Huyện Ủy Tư Nghĩa có công văn lên đề nghị Ban giao bưu trả tôi về lại huyện; anh tôi (lúc này chỉ 17 tuổi) viết thư có đoạn nói “các người là kẻ đê hèn đội lốt Cộng Sản, phản bội tổ quốc, phản bội Đảng, thưa các người trừ trường hợp chó khi bị điên, chứ tuyệt đối số còn lại nó sống rất tình người, không bao giờ phản chủ, ít nhất các người cũng phải bằng chó chứ” Ban giao bưu có công văn gửi Công An tinh Quảng Ngãi yêu cầu xử lí anh tôi vì có thư gửi bảo tôi tìm cách đi đầu hàng địch, tất nhiên là vô hiệu, có lẽ do lúc này Tỉnh Ủy Quảng Ngãi ai cũng biết gia đình tôi là Cộng Sản gộc, cuộc bút chiến giữa anh tôi với một vài người của Ban giao bưu kéo dài cả năm, có lá thư gửi tôi, anh nói “cha mẹ sinh em ra trúng năm con khỉ, nên lên núi em gặp toàn là khỉ, và may cho em chỉ gặp khỉ bầy, chứ không phải là khỉ đột, dẫu sao em cũng phải sống, công tác cho ra hồn một chút, ra xác một chút, xứng đáng với truyền thống gia đình”, năm 18 tuổi anh trở thành Đảng viên Cộng sản, 19 tuổi thì chính thức.

Tháng 10/1966 tôi được rút về Ban, thấy trạng thái chú Bình, chú Thành không vui vẻ gì.

Theo lịch trình 6 giờ sáng từ trạm Nước Nên nếu chúng tôi đi chỉ mang công văn thì 12 giờ đến trạm Tu Thon, hôm ấy có vài người khách cùng đi nên 16 giờ mới tới nơi. Chiều đó, đêm đó không thấy chị Y Búa đi trực tuyến Làng Lê về, ai cũng nghĩ chắc chắn đã có chuyện không lành rồi, song không thể ỷ lại vào lực lượng nào khác, đây cũng là đoạn đường không có dân, nên sáng hôm sau tôi và khách vẫn tiếp tục đi trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Sau 3 tiếng đồng hồ trèo đồi vượt suối, một cảnh tượng hải hùng hiện ra ngay trước mặt, 5 cán bộ ta bị bắn chết dọc theo đường mòn (gọi là đường dây, đường giao liên), tìm không thấy chị Búa đâu, tôi nhận định chắc chị bị bắt sống, địch từ Mang Bút ra phục kích đây và phải tiếp tục đi trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu (chúng tôi không thể làm gì được, mặt khác theo quy ước tìm cách báo cho địa phương gần nhất biết xử lý).

Ngày về đến X 20 (trạm tổng của Ban giao bưu) được anh A Bê đón và chăm sóc ở một lán sát đồng ruộng Mang Rương đã kể trên do Ban bố trí, cách Ban 1 giờ đi bộ (tất cả thời giờ đi, đều tính theo đường núi). Anh là sát thủ của thú rừng, cả tỉnh Kon Tum chỉ có anh là sát thủ loài voi trên tuyến đường từ Nước Chè đi Mang Cành – Kon Rmar – Tu Bân lên H 16, một tuần được ở với anh có thể nói là quá sướng nào thịt nhái, ết, dế, chuột, chim,...thôi thì đủ thứ ăn mệt nghỉ, mới về làm liên lạc ở Ban.

Đầu tháng 11/1966 tôi, chị Hương (Nganh), chị Với,...được cử đi Khu 1 vùng Đắk Cạch thời ấy, nay thuộc xã Đắk Na để suốt lúa, con đường đi qua vùng làng Ngọc La nay thuộc xã Mang Ri đến Mô Bành xuống Đắk Cạch, song đoạn từ Ngọc La đến Mô Bành một ngày đường không hề đơn giản, phải vượt qua dãy núi cao hơn 2.000 mét, nhiều đoạn dốc đứng, thời tiết lạnh buốt. Các chị biết đã gần đến đỉnh nên đi trước, tôi cố hết sức lê từng bước, từng bước chân theo sau, khi đến đoạn còn cách đỉnh khoảng 300 mét, bị ngất, không biết là bao lâu, lúc tỉnh dậy nghĩ thôi thì sẽ chết ở nơi này, chẳng có gì ân hận cả, bởi đây là cuộc sống và công tác mình chọn như những chuyện trong “Thép đã tôi thế đấy” thời kỳ ở huyện Tư Nghĩa được anh tôi giao xem.

Có lẽ quy luật là quy luật và như ông bà ta cũng đã nói “trong cái rủi nhiều khi cứ có cái may” miệng khô, lại thấy mình đang nằm đè lên những trái táo rừng, xung quanh đầy táo rừng (nay nghe nói trong một đề tài nào đó của sở Khoa học – Công nghệ tỉnh gọi là trái Sơn Tra) tôi vớ lấy cắn - nhai nuốt phần nước, không ngờ chỉ 5 phút sau, cảm thấy người hơi khỏe lên, lòng mừng vô cùng và thầm nghĩ thế là thoát chết rồi, tay tiếp tục dùng gậy nâng người lên bước tiếp, trèo tiếp đến đỉnh gặp được các chị nghĩ giải lao đồng thời cũng là để chờ tôi.

Tôi lại phải kể lý do vì sao lâu đến đỉnh núi vậy, các chị chỉ biết xuýt xoa thế thôi chứ làm gì bây giờ.

Xuống dốc dẫu tay nắm chắc gậy nhưng hai chân cứ mãi run run, rút kinh nghiệm lần này các chị không để tôi đi sau một mình nữa.

Lần đầu đi suốt lúa rẫy bằng tay, hai lòng bàn tay rướm máu, thấy vậy các chị dân tộc nói lãnh đạo Ban sao lạ quá, ai lại bố trí một đứa “con kinh” còn nhỏ vậy mà đi suốt lúa thế này, thế nhưng trong tôi vẫn cảm thấy vui vui. Suốt mãi – suốt mãi thành quen, hai lòng bàn tay chai cứng, tôi lại nghĩ, vậy là mình như người được học làm võ sỹ. Khi có lúa rồi chị em chúng tôi lại phải tranh thủ phơi khô để đêm đêm giã thành gạo có ăn trong trước mắt và đủ mỗi người một gùi mang về cơ quan khi kết thúc. Tôi giật mình nhớ lại, từng tay, từng tay nắm từng bông lúa suốt lên bỏ vào gùi nhỏ đeo trước bụng gần đầy đem đổ vào gùi lớn, đầy gùi lớn mang đi đổ vào kho, thế mà mỗi ngày trung bình cũng được 8 gùi lớn (25 kg/gùi) chỉ 4 người làm sau một tuần kho đầy, rẫy lúa trông thấy rộng mênh mông rồi cũng hết, lại nghĩ sách nói đúng kiến tha lâu rồi cũng đầy tổ.

Khoảng tháng 12/1966 địch dùng B 52 đánh bom từ vùng Tu Bung, Tân Ba, Đắk Chum, toàn bộ xã Tê Xăng ngày nay liên tục 22 ngày đêm, giai đoạn đầu chúng đánh 6 phi vụ ngày đêm. Mỗi phi vụ 3 tốp, mỗi tốp 3 chiếc, về sau giảm dần cuối cùng xuống còn 3 phi vụ ngày đêm rồi chấm dứt. Kết quả trong số hàng vạn quả bom đó, có một quả rơi gần hầm trú ẩn Ban tiền phương nên “tiêu diệt” được chị Thi người của chính đơn vị, một quả khác rơi gần chòi rẫy làm bị thương 2 người dân. Chuyện thật 100% mà cứ như bịa, đến nay nếu gặp và hỏi những người dân từng ở trong vùng ấy khoảng độ tuổi 60 trở lên chắc chắn ai cũng còn nhớ, nghe được đài phát thanh Sài Gòn đưa tin chiến thắng tiêu diệt toàn bộ cơ quan đầu não Việt cộng tỉnh Kon Tum và 4.000 cộng quân Bắc Việt.

Sự thật B 52 đánh trúng khu vực các cơ quan đầu não của tỉnh đang đóng, chứ tiêu diệt hết đúng là không dễ gì, Trung đoàn 24 đã chuyển vào đóng ở H 16 (nay là huyện Kon Rẫy và các xã phía Đông huyện Đắk Hà), 2 Tiểu đoàn của Tỉnh đội thì luôn luôn ở gần các vùng giáp ranh với chúng.

Không biết thế nào, ngay từ đêm trước Tỉnh Ủy hỏa tốc đến tất cả các sở, đơn vị có trong vùng, bản thân tôi đã phải trực tiếp đi 3 giờ được 3 cơ quan hết 1 cặp pin đại loại 1,5 vôn/viên, (các sở lúc bây giờ gọi là V; V1 là Tỉnh Ủy, V2 Ban tuyên giáo, V3 Ban tổ chức, V4 Ban tài chính,..... V7 là Ban giao bưu,...., tỉnh Kon Tum gọi là Bắc Sơn), do đó các cơ quan đã kịp gồng gánh chạy cả ngày bể hơi tai lên vùng làng Lạc Bông, Mô Gia trước khi loạt bom đầu tiên rơi xuống khoảng 3 tiếng đồng hồ. Tùy theo mỗi cơ quan chỉ bố trí lại từ 1 đến 3 người ở lại coi lán trại và những vật chưa thể mang theo hết được.

Ngày ngày say sưa đi giao nhận công văn của ban, thỉnh thoảng chạy hỏa tốc của Tỉnh Ủy, đi làm rẫy tự túc lương thực, luôn được tin tức địch ta đánh nhau nơi này, nơi khác toàn là tin phấn khởi cả. Có lẽ vì thế nên quên hết sự đói khổ, sốt rét, mặc cảm, thành kiến của một số ai đó đối với tôi.

Địch phát hiện được Trung đoàn 24 đang ở H 16 nên tìm diệt làm cho tin tức chiến sự trên địa bàn tỉnh Đông – Xuân 1966 – 1967 thêm sôi động. Là một huyện nhưng ngày ấy chỉ khoảng 2.000 dân thôi, thế mà địch đã đổ ra hơn 8.000 quân từ tháng 12/1966 – 2/1967, được các anh – chị lên tỉnh xuống huyện công tác, về kể lại nghe thật kinh khủng vừa ớn lạnh nhưng cũng vừa tràn đầy niềm tin chiến thắng, không quân, pháo binh, bộ binh chúng quần nát núi rừng song cuối cùng cũng chẳng bắt được người dân nào, nói gì đến việc bắt hay diệt được Cộng Sản.

Trung đoàn 24 được lệnh, không tấn công rút hết về H 29, còn nhân dân hễ địch chiếm núi này họ luồn qua núi khác, địch chiếm trên đồi - họ ẩn dưới chân đồi, địch xuống suối họ lẻn lên lưng chừng núi, mất hết gia súc, thiếu phương tiện giã lúa ra gạo, tất cả sống dựa vào thức ăn tự nhiên của bạt ngàn núi – rừng ban tặng.

Lực lượng chiến đấu của ta chỉ một ít quân tỉnh đội, lực lượng (C 106) huyện đội và dân quân các xã chia ra nhiều tổ, nhóm liên tục tổ chức các trận đánh du kích, sau 3 tháng địch tiêu tốn nhiều bom, đạn, cả máy bay, đặc biệt quân số chúng thiệt hại quá nặng phải bỏ cuộc rút hết.

Khoảng tháng 3 năm 1967 tôi 15 tuổi được điều động tăng cường xuống trạm Làng Lê nay thuộc huyện Nam Trà My do anh A May làm trạm trưởng cùng công tác có vợ anh và chị Y Nia, là trạm ngã 3 giữ liên lạc từ trạm Đắk Túi với đường dây của Khu 5 và trạm Tu Thon H 29, đến tháng 6/1967 gặp nhà văn Nguyễn Trung Thành đi công tác (Bắc Sơn) tức Kon Tum. Qua chuyện trò biết được chú ruột tôi (Lê Đông) là Huyện Ủy viên – huyện Tư Nghĩa từ đầu năm 1966, hy sinh trên đường về Quảng Ngãi đoạn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam sau khi dự Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua lực lượng quân khu 5.

Tháng 8/1967 lại rút tôi về Ban, nghe nói để đi (chạy) hỏa tốc, mà chạy hỏa tốc thì bất kể ngày – đêm, không đèn pin thì phải dùng đuốc đủ kiểu, nghĩa là làm sao đi được ban đêm giữa núi rừng vắng vẻ, mịt mùng ấy, đến nơi cần đến sớm nhất và tất nhiên cái chết cũng luôn kề bên. Đúng vậy đến Ban được mấy ngày được tin sắp mở mặt Đắk Tô theo tôi biết về phía đông thực chất ta chỉ có Trung đoàn 24 đảm nhận, do Đ/c Phùng Bá Thường thiếu tá làm Trung đoàn Trưởng, là trận nhữ địch ra khỏi những nơi đồn trú kiên cố để tiêu diệt, kéo dài liên tục 22 ngày đêm, ngoài thiệt hại quá nhiều về vũ khí, hàng ngàn nhân mạng của cả lính mỹ thuộc Sư đoàn 4 bộ binh (do trung tướng William R. Peers chỉ huy sư đoàn kiêm chỉ huy mặt trận Đắk Tô), Lữ đoàn 173 độc lập (do thiếu tướng Leo H. Schweiter chỉ huy), Một lữ đoàn của sư đoàn kỵ binh bay, Các đơn vị không quân hiệp đồng tác chiến, Trung đoàn bộ binh 42 ngụy, sau trận đánh quân Mỹ, Ngụy thất bại quá nặng nề, Trung tướng William R. Peers Mỹ bị cách chức.

Có thể nói không ngoa, nhờ có các trận đánh như vậy mới giúp được cho đại đa số đồng bào ta ở vùng giải phóng, lính ta quen sống, biết cách sống dưới mưa bom B 52, rốc kết, đại bác của địch, tôi cũng không nằm ngoài trong số đó, không biết sợ là gì.

Mậu thân sắp đến, từ tỉnh đến xã, thôn được chính thức quán triệt Đảng ta quyết định tổng công kích vào tất cả các thị xã, thành phố, là trận quyết chiến cuối cùng giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Không khí quân, dân vùng căn cứ ngày càng khẩn trương, nhộn nhịp hẳn lên, có cơ quan lạc quan đến mức bỏ công tác sản xuất tự túc lương thực.

Tuy nhiên trong ta, vẫn có người nghi ngờ vì cho rằng địch còn rất mạnh, người thì bảo là hiện thực, thời cơ đã đến,... các hoạt động diễn ra ngày càng ráo riết, mạnh mẽ, khẩn trương hơn, các đoàn dân công ngày đêm nườm nượp gùi đạn, gùi gạo ra phía trước, tỉnh đã điều nhiều lực lượng ra phía trước, với ngành Giao bưu tỉnh có các anh Phan Tấn Pha, anh Một, Vũ, anh Kích, Thám, Chị Đúng, Chị Huệ,... người của Ban vào H 5, tôi thì chạy hỏa tốc liên tục.



tải về 365.93 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương