Francis bacon



tải về 271.57 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích271.57 Kb.
#31193
  1   2   3




Tiểu luận dẫn nhập cho

Tác phẩm NHỮNG CÔNG DỤNG CỦA ĐẠI HỌC [1]

Và tác giả CLARK KERR

Nguyễn Xuân Xanh [2]

Một số sách cần được nếm thử, một số khác cần được nuốt, và một số ít cần được nghiền ngẫm và tiêu hoá.

FRANCIS BACON



Đa đại học (Hoa Kỳ) đã chứng minh nó có thể thích nghi thế nào với những cơ hội mới cho tính sáng tạo; biết ứng phó thế nào trước tiền bạc; hăm hở có thể đóng một vai trò mới và hữu ích thế nào; nó có thể thay đổi bản thân nhanh chóng thế nào trong khi vẫn làm ra vẻ không có chuyện gì xảy ra; nó có thể sao lãng nhanh chóng thế nào một số những đức hạnh xưa.

CLARK KERR

PHẦN I

TÁC PHẨM


“Những công dụng của đại học”, The Uses of the University, của học giả và một nhà lãnh đạo giáo dục đại học hàng đầu của Hoa Kỳ, Clark Kerr, là quyển sách “kinh điển”, lôi cuốn và ấn tượng phản ảnh sự phát triển thần kỳ của đại học Hoa Kỳ trong thời kỳ cực thịnh của nó sau Thế chiến thứ hai, với những ưu và khuyết điểm của nó, sau khi tên tuổi của nền đại học Đức bên kia bờ Đại Tây dương suy tàn. Nó có thể được xem là “văn phạm của đại học hiện đại Hoa Kỳ”. Quyển sách của Kerr, như cựu chủ tịch đại học Chicago Hanna H. Gray viết năm 2012, “là quyển sách hay nhất về giáo dục đại học Mỹ được viết trong thế kỷ hai mươi”. Quyển sách rất cần thiết cho những ai muốn hiểu biết về lịch sử đại học Hoa Kỳ trong thời kỳ vàng son, những lôgíc tất yếu của nó, cũng như những vấn đề nó đối mặt - trong khuôn khổ lịch sử giáo dục đại học thế giới xưa và nay. Clark Kerr nghiên cứu các sự biến đổi của đại học qua thời gian và không gian bằng cách xem lại lịch sử của nó và tập trung vào ba phương diện chính của cuộc tiến hoá: sứ mệnh mới của nó (tạo ra tri thức cho nền kinh tế dựa trên tri thức), mô hình tài trợ mới của nó (‘đại học với tài trợ liên bang’, federal grant university) và cơ cấu mới của nó (sự phân mảnh của ‘đa đại học’). Ông cũng đề cập đến những khía cạnh sử dụng tốt đại học, và cảnh báo những sự lạm dụng nó dưới các hình thức. Vai trò lãnh đạo của Mỹ có được như trong thế kỷ hai mươi, như tác giả nói, là dựa trên “sự sử dụng tốt tri thức”, và trên hết thông qua hệ thống các đại học nghiên cứu. Hiểu biết vai trò và những đóng góp quyết định của đại học vào các xã hội phát triển sẽ giúp người ta cũng thấy rõ hơn sự lạm dụng, hay sự trì trệ của các đại học còn đang diễn ra tại nhiều quốc gia đang phát triển có những giam hãm chính trị.

Tuy đại học là sản phẩm trí tuệ của Tây âu thời Trung cổ, nhưng sau đó phát triển khắp nơi trên thế giới, sang các nước như Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ trong thế kỷ 19. Ngày nay nó chiếm giữ vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trên thế giới. “Chúng ta giờ đây đang nhận thức rằng sản phẩm vô hình của đại học, tri thức, có lẽ là nhân tố duy nhất mạnh mẽ nhất trong nền văn hoá của chúng ta, tác động sự vươn lên và suy tàn của các nghề nghiệp, và ngay cả của các giai tầng xã hội, các khu vực và các quốc gia” như Kerr nói trong lời tựa lần xuất bản năm 1963.

Quyển sách “Những công dụng của đại học” được xuất bản đầu tiên năm 1963, tập hợp các bài giảng của Clark Kerr tại Harvard năm 1963 (chương 1,2,3). Lúc đó Clark Kerr là chủ tịch của Đại học California (University of California, UC). Sau đó cứ mỗi thập niên ông bổ sung thêm các chương mới: chương 4 năm 1972, chương 5 năm 1982, chương 6,7,8 vào lần xuất bản năm 1995, và chương cuối 9 năm 2001, hai năm trước khi ông mất, 2003.

“Bóng mát của Kerr trải dài trên quang cảnh của nền giáo dục Mỹ. Sự hiểu biết của ông về sự xuất hiện của đa đạ học, multiversity, như ông đã gọi nó một cách nổi tiếng trong các bài giảng Godkin năm 1963 tại Harvard – đã làm kết tinh cái nhìn chúng ta về những thay đổi có tính chất kiến tạo đã diễn ra tại các đại học nghiên cứu Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ hai mươi” như Charles M. Vest, nguyên chủ tịch MIT nhận xét. Với đa đại học, hay các “thành phố của tri thức”, Kerr muốn nói đến những đại học khổng lồ như Đại học California của ông, MIT (Massachusetts Institute of Technology), Đại học Michigan, Chicago, Stanford, và nhiều đại học khác trong hàng chóp bu khoảng một trăm cái.



Những công dụng của đại học đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Ý, Nhật và Ả rập. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy nay nó được dịch sang tiếng Việt. Đây có thể được xem như công việc tiếp nối Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 Năm đã được xuất bản đầu năm 2011 với sự tham gia của trên 40 nhà khoa học, nghiên cứu Việt Nam trong và ngoài nước, để kỷ niệm sự ra đời lịch sử của đại học này 200 năm trước, là đại học đã ảnh hưởng lên các đại nghiên cứu toàn thế giới, tạo ra bộ mặt giáo dục đại học thế giới ngày nay.

Các công dụng của đại học là một tác phẩm có cấu tạo bởi nhiều lớp địa chất, mà lớp đầu tiên xuất phát là ba bài giảng Godkin năm 1963. Ở lớp này, Kerr rất lạc quan, nhìn thẳng về phía trước. Ở các lớp sau, chương 4 (1972), chương 5 (1982) và các chương 6, 7 và 8 (1995), Kerr có cái nhìn ngày càng không còn lạc quan, và đến cực điểm là sự bi quan nặng ở chương 9, 2001, của lần xuất bản cuối trước khi ông mất. Ông viết về sự tiến hoá trong giai đoạn suy thoái từ những năm 1970: “Tôi đã thay đổi từ lạc quan thận trọng sang bi quan thận trọng, nhưng tôi vẫn là người theo chủ nghĩa không tưởng không thận trọng: tôi tin rằng chúng ta có thể trở thành ‘một quốc gia của những người có giáo dục’, và các thể chế của giáo dục đại học chúng ta sẽ tìm thấy các con đường của mình để kết hợp lại các ‘thầy và học giả’ (masters and scholars) thành những cộng đồng học thuật, và các thầy sẽ kết hợp lại các tuyến đường của sự chuyên môn hoá dữ dội bằng những cách tư duy ngang dọc của mình.” (chương 8, 1995).

***


Những sợi chỉ của lịch sử. Ý niệm đại học như đại học ngày nay đã có từ thời Trung cổ. “Đại học khởi đầu bằng một cộng đồng duy nhất - một cộng đồng của các thầy giáo và sinh viên (masters and students). Người ta có thể nói, nó có một linh hồn theo nghĩa của một nguyên lý động lực trung tâm. Ngày nay, đại học lớn của Mỹ lại là cả một chuổi các cộng đồng và hoạt động được gắn với nhau bằng một cái tên chung, một hội đồng quản trị chung, và các mục đích liên quan. Sự biến đổi to lớn này bị tiếc rẻ bởi một số người, được chấp nhận bởi nhiều người, nhưng được tự hào như bây giờ bởi một số ít. Nhưng nó cần được mọi người thấu hiểu (Kerr 2001).

Đại học nghiên cứu thế giới có thể có nguồn gốc từ thời Hy Lạp, nhưng phải đợi đến đầu thế kỷ 19 mới có nền tảng triết học vững chắc và phát triển mạnh mẽ thông qua các đại học Đức. Đại học Hoa Kỳ từ thời lập quốc có sứ mệnh cung cấp ‘sự rèn luyện tinh thần’ (mental discipline) và nâng cao lòng mộ đạo (piety) cho giới tinh hoa. Từ những thập kỷ sau cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, tức sau 1870, với phong trào giao đất (land grant movement), các đại học này có sự chuyển hướng từ các college [3] nhỏ để trở thành các đại học lớn có mục đích phụng sự cho sự hữu dụng (utility) cho xã hội, mở rộng cho các đối tượng rộng rãi trong nhân dân (dân chủ). Tại California, tính chất dân chủ được thể hiện bằng những lời hung hồn của vị chủ tịch thứ chín Benjamin Wheeler: rằng "đại học là một nơi, nói một cách đúng đắn, không biết quý tộc giữa các việc học, không biết quý tộc giữa các chân lý khoa học, và không biết quý tộc giữa những con người”, và ông thêm “tất cả những thứ có thể làm cho một sinh viên tốt hơn sinh viên kia là sự trong sáng của tâm hồn, sự trong sáng của mục đích, sự trong sáng của tư duy và sự trong sáng của lối sống” (González).

Từ cuối thế kỷ 19 trở đi, đại học Hoa Kỳ lần lược trở thành các đại học nghiên cứu, mô phỏng theo đại học nghiên cứu Đức, lấy khoa học, Wissenschaft, và tự do hàn lâm, Lehrfreiheit, tự do học, Lernfreitheit, làm kim chỉ nam, thoát khỏi ảnh hưởng của tôn giáo, nhắm tới đại học trác việt (excellence). Với nghiên cứu khoa học được du nhập vào, các trường graduate (đào tạo tiến sĩ nghiên cứu) ra đời. Thế hệ các nhà khoa học trẻ của Hoa Kỳ sinh vào những năm 1840, hay sau đó, nhận được nguồn cảm hứng từ các đại học Đức. Nhiều nhà lãnh đạo giáo dục đại học rất có ảnh hưởng của Hoa Kỳ đã thành lập nên các đại học nghiên cứu, mà Johns Hopkins là đại học nghiên cứu thử nghiệm đầu tiên thành công, là ‘ngọn cờ đầu’, mà nhà lãnh đạo của nó Daniel Coit Gilman được xem như một vị ‘anh hùng’ trong thời đổi mới. Johns Hopkins có ảnh hưởng kích hoạt lớn nhất trong lịch sử đại học Hoa Kỳ. Charles W. Eliot, của đại học Harvard, người cải cách do dự, từng đi học tại Berlin, cuối cùng đi theo tấm gương Gilman. Rồi tiếp đến các đại học Cornell, Michigan, Columbia, Minnesota, Stanford, Chicago, Wisconsin. Các đại học công lần lược đi theo ý tưởng của Hopkins. Các đại học bắt đầu bước vào giai đoạn cạnh tranh với nhau ở chất lượng của các trường graduate và bằng số bài báo công bố trên tạp chí của hang giảng viên, những thứ có thể đo đếm được.

“Một thế hệ không mơ gì khác hơn là Đại học Đức. Nước Anh bị bỏ qua. Người ta hiểu rằng Hoa Kỳ chưa đủ uyên bác. Nước Pháp cũng bị sao lãng. Học thuật Đức là người thầy và hướng đạo của chúng ta.[…] Người ta đi Đức vẫn còn là một người nghi ngờ về khả năng của một cuộc đời lý thuyết (học thuật), nhưng khi trở về trở thành một người lý tưởng, dành hết thì giờ cho sự học thuần tuý vì học thuật, quyết tâm đóng góp phần nhỏ bé của mình vào kho tàng hiểu biết to lớn của nhân loại, cháy bỏng về một cơ hội giúp xây dựng đại học Mỹ” như Josiah Royce, nhà triết học Mỹ quan sát năm 1891.

Cuộc lột xác này không ít khó khăn. Giáo dục đại học Mỹ tuy có chuyển biến tích cực với thời gian nhưng xét về đại thể bị đóng khung quá lâu vào “sự rèn luyện tinh thần”, cho rằng có thể rèn luyện sinh viên học thuộc lòng sách vở cũ từ thời cổ đại, như là những bài tập thể dục tinh thần, có thể tạo ra tri thức, sự thông minh, và những giá trị cần thiết cho xã hội, mà quên đi hay xem nhẹ yếu tố khoa học. Trước khi những ý tưởng đại học nghiên cứu của Humboldt chiếm lĩnh giới lãnh đạo cách tân của giáo dục đại học Hoa Kỳ, nước Mỹ vào thập kỷ 1860 bị thuyết tiến hoá của Darwin đổ bộ và thuyết phục (năm 1859 tác phẩm Về nguồn gốc của các loài của Charles Darwin được xuất bản ở Anh), gây nên một trận ‘cuồng phong’, làm cho tinh thần giới trí thức Mỹ sau đó trở nên tỉnh táo và sáng sủa, sẳn sàng hơn để chấp nhận ý tưởng đại học nghiên cứu thuận lợi. Hoa Kỳ chào đón Darwin còn nồng nhiệt hơn Anh quốc. Darwin được kết nạp làm thành viên danh dự của American Philosophical Society (Hội triết học Hoa Kỳ) năm 1869, mười năm trước khi đại học Cambridge vinh danh ông. Herbert Spencer, người áp dụng thuyết tiến hoá vào các lãnh vực xã hội, trở nên nổi tiếng ở Mỹ xa hơn nhiều so với ở chính quốc của ông, ảnh hưởng lâu dài lên giới tinh hoa trong khoa học, văn học, chính trị, thần học và kinh doanh Mỹ. Trong xã hội, theo Spencer, cái gì đồng nhất, đơn điệu (homogeneous) sẽ không ổn định, thiếu sức sống và sẽ tan rã, để được thay thế bằng những cái không đồng nhất, ‘đa nguyên’ (heterogeneous), mạnh mẽ hơn, bền vững và hoàn hảo hơn. John Fiske, nhà tiến hoá luận của Hoa Kỳ, diễn tả sự hưng phấn khi nói rằng “sống để được chứng kiến các đám sương mù cổ xưa tan biến để lộ sự hội tụ của tất cả các ngành tri thức” là một “đặc ân hiếm có trong các thế kỷ.” (Hofstadter)

Theo Spencer, các môn khoa học, tự nhiên lẫn xã hội, là quan trọng, vì chúng giúp năng lực cho con người để tồn tại, để sáng tạo ra của cải, chống lại bệnh tật, sản sinh con cái, giúp thực hiện các nhiệm vụ trong cuộc sống và tạo ra nghệ thuật. Khoa học, do đó, Spencer tiên đoán, một ngày nào đó sẽ chiếm lĩnh các giáo trình học. Những nhà lãnh đạo giáo dục đại học như Charles W. Eliot, Adrew Dickson White, Daniel C. Gilman và David Starr Jordan đều trở thành những nhà tiến hoá luận. Họ chống lại ảnh hưởng kềm hãm của tôn giáo lên giáo dục. Khoa học là vương quốc tự chủ, là khách quan, không thể được phán xét bởi những người không có thẩm quyền về khoa học. Khoa học cần phải có đủ tự do và sự khoan dung để phát triển. Khoa học là sự tiến hoá, cùng với sự tiến hoá của xã hội, của nhân loại.

Tri thức khoa học bắt đầu tăng trưởng. Hoa Kỳ đối diện với lục địa châu Âu phát triển mạnh mẽ, đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho cách học cũ. Những nhà lãnh đạo cách tân Mỹ quyết không để thua kém lục địa.

Cuộc khủng hoảng về lòng tin của đại học Hoa Kỳ cuối thế kỷ 19 cũng giống như cuộc khủng hoảng lòn tin của đại học ở châu Âu một trăm năm trước, cho đến khi đại học nghiên cứu Đức ra đời thu phục lại niềm tin. Giáo dục từ các college truyền thống thế kỷ mười chín đào tạo ra các sinh viên tốt nghiệp “chỉ phù hợp cho một hành tinh khác”, hơn là có mối liên hệ với cuộc sống hiện tại, như câu phát biểu nổi tiếng của Andrew Carnegie năm 1889.

Benjamin Rush, một trong những người cha lập quốc, đã viết rất sớm trong một cuộc thi về một kế hoạch tốt nhất cho giáo dục Hoa Kỳ đăng trên tạp chí Hội triết học Hoa Kỳ năm 1799: “Tiêu hao bốn hay năm năm để học hai ngôn ngữ chết, có nghĩa là quay lưng lại một cái mỏ vàng, để chúng ta tiêu khiển bằng việc đuổi bắt bướm.” Giáo dục khoa học không thể chỉ giới hạn vào tiếng Hy lạp và La tinh, như thế chỉ giới hạn vào một ít người, mà phải làm cho tri thức universal, rộng rãi phổ quát, chỉ như thế “thể chế của một chính quyền cộng hoà mới có thể bảo đảm được trên đất nước chúng ta”. (Rudolph) Khoa học phải rộng và muôn màu như chính cuộc sống.

Henry Adams (1838-1918), cháu nội và cháu chắt của hai đời tổng thống Hoa Kỳ, trong một quyển sách tự thuật ấn tượng Sự giáo dục của Henry Adams lên tiếng phê phán nền giáo dục cổ điển của Harvard những năm 1850. Thiếu kiến thức khoa học, toán học, ông thấy mình hoàn toàn hụt hẫng khi bước vào thế kỷ 20. Đứng tại thời điểm 1900 ông cảm thấy mình giống như một “đứa trẻ chưa có giáo dục gì cả”, ông cũng không biết phải “bắt đầu từ đâu và thế nào”. Ông hết sức ngỡ ngàng trước sự khác biệt căn bản của thế giới tuổi thanh niên của ông và thế giới thế kỷ 20 trước mặt. Ông đã hài lòng với giáo dục cổ điển một thời gian dài, cho đến khi giật mình nhìn lại. Nền giáo dục của ông thực ra là nền giáo dục của thế kỷ 18. Nghĩa là trong 200 năm liền, giáo dục hầu như không hề thay đổi đáng kể.

***

Thời kỳ thứ nhất. Luật giao đất Morrill cho đại học do tổng thống Abraham Lincoln ký năm 1862 đã tạo điều kiện vật chất để các đại học mở rộng qui mô với mục đích phát triển khoa học ứng dụng, kinh tế, phục vụ cho nông nhiệp và công cuộc công nghiệp hoá, giúp con cái nhiều tầng lớp xã hội, trong đó có giới nhà nông, có cơ hội đi vào đại học. Đây là một cuộc dân chủ hoá đại học qui mô. Chính phủ liên bang sẳn sàng giúp các bang nào hỗ trợ đại học có giáo trình bao gồm ngành nông nghiệp và cơ khí. Một diện tích đất 17,4 triệu acre (7,04 triệu ha) được giao cho các bang để có thể được bán đi một phần để lấy tiền gây quỹ cho các “collge nhân dân”. Đại học không còn là nơi chỉ đào tạo giới tinh hoa, trong đó có quan chức nhà nước hay nhà thờ như trước đây. Mục tiêu của giáo dục được chuyển hướng từ sự học cổ điển sang sự học hữu dụng để chuẩn bị cho sinh viên khi bước vào đời vững vàng. Luật Morrill đã trở thành một nguồn lực quan trọng cho giáo dục đại học và thực tế đã thay đổi căn bản tiến trình phát triển giáo dục đại học Hoa Kỳ. Đó là một “sự đoạn tuyệt sâu sắc” với truyền thống giáo dục đại học Mỹ trước đó. Nó tạo ra một động lực xã hội mới trong lịch sử. Chưa nơi nào trước đó đại học được nối kết chặt chẽ như thế với cuộc sống hằng ngày của xã hội. “Khuôn viên đại học là một trong những điểm gặp gỡ đông đúc của những người qua đường ở Hoa Kỳ - một giao điểm của các nhà nông, nhà kinh doanh, nhà chính trị, sinh viên từ mỗi góc của hầu hết mỗi bang. Các tu viện và tháp ngà bị phá hủy bằng cách mở cửa ra cho mọi người khách đầy đủ phẩm chất đến.” Phong trào giao đất nhằm mục tiêu đáp ứng khuynh hướng dân chủ, bình đẳng, dân túy và phục vụ công nghiệp hoá đang lên. Cho nên giáo dục đại học mở cửa cho mọi người trẻ đủ khả năng từ mọi tầng lớp xã hội. “Nó phục vụ sự vĩnh cữu hoá của một giai cấp tinh hoa ít hơn, mà phục vụ cho sự hình thành một xã hội tương đối phi-giai cấp nhiều hơn, với cánh cửa của cơ hội rộng mở ra cho tất cả mọi người thông qua giáo dục”. (Kerr)

Đại học trong lịch sử đã tăng trưởng theo những vòng tròn đồng tâm. Nó bắt đầu ở Hy Lạp, và một thư viện – cái đầu tiên lớn nhất - ở Alexandria. Nó lan toả đến các ngành nghề cổ đại, và sau đó đến khoa học. Nó thâm nhập vào nông nghiệp và bây giờ vào công nghiệp. Ban đầu nó phục vụ cho các tinh hoa của xã hội, sau đó đến giai cấp trung lưu, và bây giờ bao gồm con em của tất cả mọi người, không phân biệt nguồn gốc kinh tế và xã hội. (Kerr)

Chính luật giao đất cũng đặt nền tảng cho các đại học thế kỷ 20 mở rộng thành những campus [4] quy mô chưa từng có, đáp ứng sự phát triển ồ ạt sau Thế chiến thứ hai với đạo luật GI Bill hỗ trợ các quân nhân giải ngũ đi vào đại học, và sự tăng vọt dân số trong thời hậu chiến.

Đại học Johns Hopkins và phong trào giao đất đại học được xem là hai nguồn ảnh hưởng lớn nhất của cuộc biến đổi đại học lần thứ nhất. Một bên là của Phổ, một bên là của Mỹ; một bên là chuộng tinh hoa, một bên chuộng dân chủ. Một bên là khoa học thuần túy ‘cao sang’, một bên thì ‘tay lấm chân bùn’ do tiếp xúc với đất đá và máy móc; một bên áo cổ trắng, một bên áo cổ xanh. Một bên nhìn vào Kant, Hegel, một bên nhìn vào Franklin, Jefferson và Lincoln. Một bên chủ nghĩa tri thức Đức, một bên chủ nghĩa dân túy Mỹ. Tri thức thuần túy và chủ nghĩa thực dụng thô thiển. Nhưng cả hai làm thành một liên minh phụng sự chung cho cuộc công nghiệp hoá quốc gia. Hai ‘dòng máu’ này quyện vào đại học hiện đại của Hoa Kỳ, như Kerr viết.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 1870-1940 sự phát triển đại học Hoa Kỳ vẫn còn chậm chạp. Nhiều đại học tuy đã quan tâm hơn nghiên cứu, nhưng dạy học vẫn còn là công việc chính. Giai đoạn bành trướng cũng như mở rộng nhanh chóng diễn ra trong giai đoạn 1940-1990, song hành với cuộc chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh và “chiến tranh công nghiệp” trên qui mô thế giới sau đó.

Ngoài ba sứ mệnh phụng sự hữu dụng, dân chủtrác việt (nghiên cứu khoa học), đại học Hoa Kỳ còn có thêm sứ mệnh thứ tư phụng sự văn hoá khai phóng (liberal culture), văn hoá nhân văn (humanitas) theo tinh thần các đại học Anh Oxford và Cambridge nhằm đào tạo các gentlemen. Sứ mệnh này được đại diện bởi một thiểu số nhưng rất mạnh mẽ và quyết liệt. Nhân văn được xem như sự đối kháng, hay đối trọng của khoa học và tính hữu dụng.

Thực tế, đại học châu Âu cũng đã từng trải qua những giai đoạn đó. Sự rèn luyện tinh thần đã bắt đầu từ đại học Trung cổ với Trivium (văn phạm, hùng biện và logic) và Quadrivium (số học, hình học, thiên văn và âm nhạc), sau đó thêm các môn nhân văn hay văn hoá khai phóng vào thời Phục Hưng, để rồi bước sang giai đoạn phát triển nghiên cứu khoa học đầu thế kỷ 19 với các đại học Đức. Các college Hoa Kỳ thời lập quốc cũng bắt đầu với sự rèn luyện tinh thần của thời trung cổ, sau Nội chiến được thêm vào đó tính hữu dụng là sứ mệnh duy nhất của Hoa Kỳ, cuối thế kỷ 19 thêm sứ mệnh nghiên cứu khoa học của Đức, một chuyển biến có tính cách mạng. Trong khuôn khổ giáo dục đại học Mỹ thời bấy giờ, văn hóa khai phóng nhằm ‘cứu nguy’ và cải thiện sự rèn luyện tinh thần trước những đổi mới đang diễn ra có tính thực dụng trong “Giai đoạn thăng hoa” kinh tế (Gilded Age) sau cuộc Nội chiến, trước sự xâm nhập của khoa học, công nghệ từ châu Âu cũng như công cuộc công nghiệp hoá. Văn hóa khai phóng còn nhằm thắt lại niềm tin vào Chúa, vào tính đạo đức phổ quát của nhân loại đang bị lung lay nặng nề sau cuộc “tương tàn huynh đệ” của cuộc nội chiến chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ. Tính đa dạng sứ mệnh trên của đại học Hoa Kỳ là một “hương vị đặc thù của Mỹ”, khác với các đại học của châu Âu (Shapiro).

Để hỗ trợ việc thực hiện bốn sứ mệnh trên đại học Hoa Kỳ tạo ra sự phân công: Các college nhỏ chuyên tâm về sự rèn luyện tinh thần và văn hoá khai phóng, trong khi các đại học lớn tập trung vào nghiên cứu khoa học và sự hữu dụng. Nhưng tất cả các thể chế của giáo dục đại học Mỹ đều chứa đựng những nhân tố của bốn sứ mệnh này.

California, thông qua California Master Plan 1960 (Quy hoạch tổng thể), là ‘ngọn cờ đầu’ của Hoa Kỳ đã tổ chức giáo dục đại học công của mình theo mô hình ba hệ thống đã tạo sự tiếp cận thuận lợi nhất cho phần lớn công dân sinh viên của họ, cho tất cả những ai muốn theo đuổi, tức là thực hiện bốn sứ mệnh nói trên: tính hữu dụng, dân chủ, nghiên cứu và nhân văn. Các bang khác theo chân mô hình này, tuy không phải tất cả.

BOX [1]


BUỔI ĐẦU LẬP QUỐC: TINH THẦN KHOA HỌC

Khoa học ứng dụng có ảnh hưởng lớn lên xã hội Mỹ như một nguồn gốc của sự phồn vinh. Đối với những ai sinh ra vốn không thừa hưởng vị thế xã hội hay điền sản thì sự áp dụng và đổi mới công nghệ là những phương cách để tiến thân. Alexis de Tocqueville đã cho rằng động lực này là đặc tính cơ bản của xã hội Mỹ: “Một khi lao động của trí thông minh trở thành nguồn gốc của quyền lực và giàu sang, thì người ta bắt buộc nhìn mọi sự tiến bộ khoa học, mọi khám phá và ý tưởng mới, như hạt giống của quyền lực đặt trong tầm tay của con người.” Và “Dân chủ (tuy) không khuyến khích con người chăm lo khoa học vì mục tiêu tự thân của nó, nhưng nó làm tăng lên mạnh mẽ số người chăm lo nó”, và trên cái nền đó sẽ có những thiên tài muốn vượt ra khỏi khuôn khổ của khoa học ứng dụng để đi tìm đến chân lý thuần túy sâu thẩm. (Ferris)



Thực tế các vị cha lập quốc như George Washington, John Adams, Thomas Jefferson, James Madison (‘Cha đẻ của Hiến pháp’), Benjamin Franklin đều là những người yêu thích khoa học, có khi đến đam mê. Như Jefferson, cha đẻ của bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ đồng thời là người sáng lập đại học Virginia, đã viết: “Sự tiến bộ của khoa học mở ra khả năng tăng trưởng các tiện nghi cuộc sống, mở rộng sự hiểu biết và cải thiện đạo đức của nhân loại”, và “Khoa học là nỗi đam mê của tôi, còn chính trị chỉ là nhiệm vụ.” (Ferris) Benjamin Franklin thì ai cũng biết, ông là một nhà thông thái vô cùng đa dạng (polymath), và là nhà khoa học đích thực. Ông nổi tiếng với thí nghiệm con diều trong cơn dông để chứng minh sấm sét là một hiện tượng điện, từ đó phát minh ra cột chống sét. Còn Abraham Lincoln thì say mê hình học Euclid đến nỗi ông thức nghiên cứu nó đến hai giờ sáng mỗi đêm dưới ánh đèn cầy, trong khi các bạn luật sư đồng nghiệp thì đã ngủ. Ông thường nói đến các “định lý và định đề của dân chủ”, so sánh chúng với các định lý và định đề trong Euclid. Các bài viết của ông được xây dựng theo mô hình hình học Euclid. (Richard) Trong Diễn văn Gettysburg nổi tiếng, Lincoln dùng chữ “proposition”, tức một ‘mệnh đề’ có tính chất định lý trong toán học.
Ngôn ngữ của những người cha lập quốc là ngôn ngữ khoa học, logic, đầy hình ảnh ẩn dụ và lý tính. Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ được viết chính bằng ngôn ngữ ấy. Đoạn mở đầu của Tuyên ngôn có tính chất Newton. “Các định luật của tự nhiên” (Laws of Nature) được nhắc đến như một nguyên lý, như các định luật trong Principia của Newton. Trong câu mở đầu nội dung bản Tuyên ngôn, chữ “self-evident” (hiển-nhiên, không cần phải chứng minh) hàm ý tính chất tiên đề (axiom) của Tự do:Chúng ta giương cao những chân lý này cho thành hiển-nhiên, rằng tất cả con người được sinh ra đều bình đẳng, rằng họ được phú cho, bởi Đấng Tạo hóa của họ, một số quyền nhất định không thể chuyển nhượng được, rằng trong các quyền đó có quyền sống, quyền tự do và quyền theo đuổi hạnh phúc. Đó cũng là tinh thần tư duy suy diễn, dựa lên tiền đề mà suy diễn (deduction).
Một trong ba phẩm chất khiến Jefferson (32 tuổi) được chọn làm người soạn Tuyên ngôn chính là vốn tri thức khoa học uyên thâm của ông. Hoa Kỳ là quốc gia được khai sinh và định dạng trong Thế kỷ của Lý tính, hay Khai sáng, thế kỷ mà tư duy con người chịu ảnh hưởng sâu rộng bởi khoa học Newton và triết học Locke khai phóng, Locke cũng là nhà triết học đầu tiên trở thành Newtonian (người theo lý thuyết khoa học Newton). Khoa học được nhìn nhận là biểu tượng cao nhất của lý tính con người. Nhiều vị cha lập quốc được giáo dục tại các college. Tại các college như Harvard, Yale, Princeton, William & Mary, người ta đòi hỏi sinh viên, ngoài các môn nhân văn, phải học toán và các nguyên lý của Newton, trong tinh thần nhân văn. Johns Adams cho rằng “hai nguồn suối của chính quyền đích thực là lý tínhthực nghiệm” (experience, như trong khoa học, nghĩa là phải trải qua sự thử thách của thực tế). Khái niệm phép thử thông qua thí nghiệm được Abraham Lincoln sử dụng trong bài Diễn văn Gettysburg, khi ông nói về một phép thử, rằng quốc gia mới này “được thai nghén trong tự do, và sống hiến dâng cho lý tưởng được đề ra, rằng tất cả mọi người được tạo hóa sinh ra bình đẳng…có thể tồn tại được lâu bền hay không”. Tư duy dựa trên thực tiễn để suy luận là tư duy quy nạp (induction). (Cohen) Mọi kết luận đi ngược lại kết quả của thực nghiệm đều không có giá trị. Thời Galilei chính là thời của phép qui nạp xuất phát từ nhận thức qua thực nghiệm chống lại phép suy diễn của chủ nghĩa giáo điều và kinh viện mà ông là người thực hiện tiên phong.
Đó là dấu ấn của khoa học. Nhưng đại học Hoa Kỳ có những chuyển biến tích cực qua thời gian, nhưng cũng tỏ ra có sức ỳ mạnh mẽ. Phải cần đến hai thế kỷ rưởi mới có được bước nhảy từ cổ điển sang hiện đại, từ kinh điển, học thuộc lòng sang nghiên cứu, thảo luận về khoa học hiện đại. (Xem thêm phần Sức ỳ của đại học Hoa Kỳ dưới đây)
***

Thời kỳ thứ hai. Sự phát triển vũ bão đại học Hoa Kỳ diễn ra vào những năm 1960, tức gần 100 năm sau cái mốc thứ nhất 1870. Trong thập niên 1960, giai đoạn Kerr viết các bài giảng Godkin, Hoa Kỳ bắt đầu chiếm ngự thế giới trong lãnh vực giáo dục đại học và kinh tế, chưa nói đến quân sự. Đại học cổ điển phát triển từ những “làng nhỏ với những thầy tu”, theo lời Kerr, sang đại học hiện đại như một thị trấn của một loại kỹ nghệ (one-industry town) với một nhúm nhỏ trí thức lãnh đạo (oligarchy), cuối cùng biến thành một thành phố (city) với sự đa dạng bất tận (infinite variety), thành ‘đa đại học’ (multiversity, đại học của đại học), với rất nhiều cộng đồng khác nhau và có khả năng tiếp tục mở rộng bất tận. Khái niệm Đa đại học mới phản ảnh được qui mô khổng lồ của các đại học nghiên cứu Hoa Kỳ trong thời cực thịnh của nó.

Nếu đại học trong giai đoạn 1870 nhằm phục vụ cuộc công nghiệp hoá giai đoạn thứ nhất, thì đại học trong giai đoạn 1960 phục vụ cho cuộc công nghiệp hoá toàn diện, phát triển khoa học, công nghệ, quốc phòng, tạo ra nhiều hơn nữa cơ hội bình đẳng cho các nhóm thiểu số, cho phụ nữ, các nhóm thu nhập thấp. Hai cuộc biến đổi quan trọng đều nhắm mở rộng cửa đại học cho nhiều tầng lớp xã hội mới, tạo thêm sự dân chủ hoá. Đại học không còn là tháp ngà, mà là một phần vận hành của xã hội, mang đậm dấu ấn tinh thần thời đại, không thoát khỏi dòng lịch sử. Theo Kerr, “Đa đại học có vai trò trung tâm đối với công nghiệp hoá quốc gia, sự tăng trưởng ngoạn mục năng suất lao động để đem lại sự sung túc, đối với sự kéo dài tuổi thọ cơ bản của con người, cũng như sự ưu thế quân sự và khoa học trên qui mô thế giới.” Một trong những điểm son là giáo dục đại học Mỹ đã đạt tới mức tiếp cận hoàn vũ (universal access), với tỉ lệ 60 phần trăm sinh viên, và tăng lên có lẽ từ 70 đến 80 phần trăm (năm 2001).

Hai giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất có tính chất cách mạng của đại học Hoa Kỳ trong lịch sử đều là hai giai đoạn của thời hậu chiến, và đều bị chi phối mạnh mẽ từ liên bang, bằng chính sách cấp đất (land grant) thế kỷ 19, và bằng chính sách cấp vốn (federal grant) thế kỷ 20. Giai đoạn phát triển sau Thế chiến thứ II xuất phát từ những kinh nghiệm trong chiến tranh mà ở đó giới khoa học và kỹ sư Mỹ đã có những đóng góp cực kỳ to lớn trong việc kết thúc thắng lợi. Bom nguyên tử trở thành biểu tượng của sức mạnh của khoa học, trong đó có khoa học lý thuyết, của những nhà khoa học xuất phát từ đại học.

Báo cáo lịch sử “Khoa học – Biên giới vô tận” của kỹ sư Vannevar Bush năm 1946 trả lời câu hỏi của tổng thống Roosevelt là cần tổ chức cộng đồng khoa học thế nào để họ có những đóng góp tích cực vào kinh tế, sức khoẻ, an ninh và chất lượng đời sống trong thời bình như những đóng góp của họ trong chiến tranh đã góp phần vào chiến thắng. Những đề nghị của Bush đã thay đổi bộ mặt đại học một cách triệt để. Các đại học công cũng như tư của Hoa Kỳ trở thành cơ sở hạ tầng nghiên cứu và triển khai (R&D) của cả quốc gia, chính quyền liên bang cần tài trợ hoạt động nghiên cứu của họ, và giáo dục graduate (sau cử nhân) ở đại học. Mỗi đồng đô la thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, tạo ra tri thức và công nghệ mới, cùng lúc hỗ trợ giáo dục cho thế hệ tới các nhà khoa học, kỹ sư và bác sĩ (Charles Vest). Các đại học giảng dạy cũ như qua đêm chuyển thành đại học nghiên cứu. Khoảng mươi đại học cũ tồn tại cuối thế chiến thứ II, đặc biệt MIT, Chicago và Berkeley, đã bùng nổ thành khoảng một trăm đại học nghiên cứu lớn vào cuối thế kỷ 20.

Ngoài ra những yếu tố từ ngoài như cuộc chiến tranh lạnh, sự kiện Sputnik của Sô Viết, và cuộc cách mạnh sinh-y học có những ảnh hưởng quan trọng lên sự phát triển mạnh mẽ đại học Hoa Kỳ. Người ta bảo, cuộc chiến tranh lạnh đã đi vào đại học. Các quỹ khổng lồ quốc gia như Atomic Energy Commission (AEC, Hội đồng Năng lượng Nguyên tử), National Science Foundation (NSF, Quỹ Khoa học Quốc gia), National Institutes of Health (NIH, Các viện Y tế Quốc gia) và nhiều cơ quan khác ra đời hỗ trợ nghiên cứu khoa học tự nhiên, công nghệ, y khoa, nguyên tử. Sau đó chính phủ bổ sung các tổ chức hỗ trợ các ngành khoa học xã hội.

Sự hợp tác giữa chính quyền liên bang và đại học là một “liên minh chiến lược”, thông qua cơ chế cạnh tranh thị trường của các ý tưởng và năng suất, đã tạo nên những đại học nghiên cứu tập trung trác việt và những tài năng sáng chói. “Big science is Best science”, (Khoa học lớn là khoa học tốt nhất) là khẩu hiệu. Chương trình tài trợ từ liên bang không có tính ‘bình quân chủ nghĩa’ cho tất cả đối tượng, mà tập trung vào các nhà khoa học của đại học có năng lực và được công nhận từ đồng nghiệp. Tài trợ quốc gia do đó được tập trung vào một giới nhỏ các đại học và học giả trác việt.

Nền tảng của sự sự biến đổi (đại học lần thứ hai, thế kỷ 20) là sự tăng trưởng của “kỹ nghệ tri thức”; nó thâm nhập chính quyền và giới kinh doanh, thu hút vào đó ngày càng nhiều người đã được nâng lên các trình độ cao hơn của kỹ năng. Sự sản xuất, truyền bá, và tiêu thụ của “tri thức” ở tất cả các dạng của nó, chiếm 29 phần trăm của tổng sản lượng quốc gia theo tính toán của Fritz Machlup. Và sự sản xuất tri thức tăng trưởng khoảng hai lần tốc độ tăng trưởng của các phần còn lại của kinh tế. Tri thức chưa bao giờ quan trọng đến thế trong lịch sử trong việc quản lý cả một xã hội. “Cái mà ngành đường sắt đã làm cho nửa sau thế kỷ vừa qua (19) và ngành xe hơi đã làm cho nửa đầu thế kỷ này (20) có thể được làm cho nửa sau thế kỷ này (20) bởi công nghiệp tri thức; nghĩa là để phục vụ như tâm điểm cho tăng trưởng quốc gia. Và đại học nằm ở trung tâm của quá trình (tạo ra) tri thức”. (Kerr)

Đại học hiện đại là một thể chế ‘đa nguyên’, theo nhiều nghĩa: có nhiều mục tiêu, không phải một; có nhiều trung tâm quyền lực, không phải một; phụng sự nhiều nhóm khách hàng, chứ không phải một. Nó không ‘thờ một Chúa’ duy nhất; nó không phải là một cộng đồng thống nhất. Nó được đặc trưng bởi nhiều tầm nhìn về Chân, Thiện, Mỹ, và nhiều con đường để đạt đến đó; nhiều sự xung khắc quyền lực; bởi việc phụng sự nhiều thị trường và là mối quan tâm đối với nhiều nhóm xã hội. Nó có thể nên được gọi là “đại học đa nguyên”, hay một ‘đại học tập đoàn’, giống như trong kinh doanh. (Kerr)

Tri thức trở thành trung tâm của xã hội. Nó được yêu cầu và đòi hỏi bởi dân chúng và các cơ quan nhiều hơn bao giờ hết. Đại học với tư cách như nhà sản xuất, nhà bán sỉ và bán lẻ của tri thức không thể thoát khỏi dịch vụ này. Tri thức, hôm nay, là lợi ích của mọi người. Các nhà chính trị cần những tư tưởng mới để đáp ứng những vấn đề mới; các cơ quan nhà nước cần những lời tư vấn của chuyên gia để xử lý những vấn cũ. Người giáo sư có thể cung cấp cả hai. Chương trình New Deal phục hồi kinh tế của Roosevelt những năm 1930, hay New Frontier của Kennedy để giải quyết những vấn đề xã hội và hướng mắt về không gian những năm 1960, đã qui tụ nhiều giáo sư từ các campus về Washington. (Kerr)

Giai đoạn 1940-1970 được Kerr gọi là “Đợt sóng sốc lần I” (Shock Wave I). “Xã hội Mỹ, trước kia được tổ chức xung quanh nông nghiệp và công nghiệp, ngày càng được tổ chức xung quanh các kinh tế công nghệ, thông tin và dịch vụ của nó, và xung quanh giáo dục đại học. “Thực tại căn bản, đối với đại học, là sự thừa nhận rộng rãi rằng tri thức mới là nhân tố quan trọng nhất trong sự tăng trưởng xã hội và kinh tế. Chính bây giờ chúng ta mới nhận thức ra rằng sản phẩm vô hình của đại học, tri thức, có thể là nhân tố một mình có mãnh lực lớn nhất trong nền văn hoá chúng ta, tác động đến sự tiến lên hay suy giảm của nghề nghiệp, cả của các giai cấp xã hội, của khu vực và cả của quốc gia.” Giáo dục đại học Hoa Kỳ trở thành “mô hình của thế giới” như Kerr viết.

Đại học, đặc biệt đại học nghiên cứu tâp trung, cũng ngày càng được xem như các thể chế tạo ra cơ hội không những cho cá nhân, mà cho cả các bang, vùng, quốc gia, hay kỹ nghệ bởi tác động của tri thức và những con người có giáo dục, nam cũng như nữ, mà đại học đã đào tạo nên (Vest). Giáo dục đại học trở thành Giấc mơ Mỹ đổi đời, như chàng sinh viên Charles Vest từ West Virginia, một trong những vùng nghèo nhất của nước Mỹ một ngày nọ đã có thể trở thành chủ tịch của Viện (đại học) kỹ thuật MIT danh giá. Đại học có sứ mạng tạo cơ hội cho mọi người. Đó là điều xã hội chờ đợi trước hết và trên hết. Giáo dục không những chuyển động các cá nhân. “Giáo dục có thể chuyển động cả một quốc gia” như Charles Vest viết trong diễn văn khai mạc của ông với tư cách chủ tịch thứ 15 của MIT, ngày 10 tháng 5, 1991.

Nếu tên tuổi của nền đại học Hoa Kỳ trước thế chiến thứ hai vẫn còn “khiêm tốn” trên vũ đài giáo dục thế giới, thì từ 1960 trở đi tên tuổi cuồn cuộn dâng cao. McGeorge Bundy, chủ nhiệm trường arts and sciences của Harvard, từng phục vụ cho nội các Tổng thống John F. Kennedy và Lyndon Johnson, giải thích bằng một hình ảnh: “Một cơn thuỷ triều lên nhấc cao theo tất cả các chiếc thuyền trên đó.” (Thelin)

***

Đời sống trong đa đại học. Trong thời Đa đại học, cuộc sống của một giáo sư, Kerr nhắc lại sự mô tả của một người, “trở thành một cuộc ganh đua quyết liệt của nghề nghiệp và hoạt động, quản lý các hợp đồng và đề án, hướng dẫn các nhóm hoạt động và trợ lý, chỉ huy các nhóm kỹ thuật viên, làm nhiều chuyến đi, ngồi trong các ủy ban của các tổ chức trung gian của chính phủ, và tham gia vào các sự giải trí khác cần thiết để giữ cho cả bộ máy hoạt động quay cuồng khỏi bị sụp đổ.”

Còn đối với sinh viên thì đa đại học “là một nơi rối rắm”. Anh ta thấy khó khăn tìm cho mình ‘bản thể’ (identity) và một cảm giác của sự yên ổn trong đó. Nhưng đa đại học chào đón anh ta với một phạm vi rộng lớn những sự lựa chọn làm choáng ngợp tinh thần anh ta theo đúng nghĩa. Trong phạm vi lựa chọn này anh ta gặp phải những cơ hội cũng như những sự tiến thoái lưỡng nan của tự do. Tỉ lệ sự cố là cao…Lernfreiheit - tự do của sinh viên để lựa và chọn, đứng lại hay đi tới – chiến thắng, ông mô tả dí dỏm. Một số bị lạc trong thành phố tri thức, một số leo lên tới đỉnh cao. Phần lớn sinh viên tạo dáng cho đời mình từ một trong nhiều ‘tiểu khu văn hoá’ trong khu vườn đa đại học. Có ít ý thức về mục đích hơn, nhưng có nhiều con đường để xuất sắc hơn.

Còn lãnh đạo đại học thì như thế nào? Kerr liệt kê những tính chất của một nhà lãnh đạo như sau: “Chủ tịch đa đại học ở Hoa Kỳ được chờ đợi là một người bạn của sinh viên, một đồng nghiệp của hội đồng giáo chức, một người bạn tốt của các cựu sinh viên, một người quản lý tốt trước các thành viên quản trị, một phát ngôn viên hay trước công chúng, một người mặc cả khôn ngoan với các quỹ và tổ chức trung gian của chính phủ liên bang, một chính trị gia đối với lập pháp bang, một người bạn của giới công nghiệp, của lao động, nông nghiệp, một nhà ngoại giao có sức thuyết phục với các nhà hiến tặng, một chiến sĩ của giáo dục nói chung, một người hỗ trợ của các ngành nghề (đặc biệt luật và y khoa), một phát ngôn viên trước báo chí, một học giả trong ngành của mình, một đầy tớ công ở các giai tầng bang và quốc gia, một người nhiệt tình với opera và bóng đá như nhau, một con người tử tế, một người chồng và cha tốt, một thành viên tích cực của nhà thờ. Trên hết ông ta phải thích thú di chuyển bằng máy bay, ăn cơm trước công chúng, và tham dự các lễ nghi công. Không ai có thể có hết những đặc tính trên. Một vài người thành công mà không có đặc tính nào cả.”

Chưa hết. Lãnh đạo một đại học còn phải có thêm ba vai trò: là một người điều đình (mediator) giữa lợi ích các nhóm trong một đại học có tự do rất lớn, phức tạp; một người sáng tạo ra ý tưởng (initiator) để đem lại tiến bộ chứ không phải chỉ dựa trên ý tưởng của người khác; và một đấu sĩ (gladiator) chiến đấu cho “tự do và chất lượng”. Đối với Kerr, “tiến bộ là quan trọng hơn hoà bình”. Loại tiến bộ đúng đắn ngắn hạn sẽ góp phần vào hoà bình dài hạn mặc dù tiến bộ có thể gây xáo trộn hoà bình ngắn hạn do sự tranh cãi khuấy động. Ngoài ra một vai trò thứ tư rất quan trọng mà Kerr muốn thêm vào, đó là nhà lãnh đạo phải biết ‘tạo hình ảnh tốt’ cho đại học mình và cho chính mình.

***

Khác biệt giữa Đông và Tây. Kerr ví đại học nghiên cứu Mỹ như một thành phố của tri thức, ‘City of Intellect’, với các khu ngoại ô vệ tinh của nó. Nó bao gồm các nguồn lực trí thức của một xã hội, chứa đựng cả viễn cảnh của các lực tri thức, như một sức mạnh trung tâm của xã hội, tức linh hồn của nó. Mỗi loại xã hội sẽ tạo ra các thành phố tri thức và sử dụng chúng theo cách riêng của mình. Nhìn từ góc độ Mỹ, Kerr cho rằng tương lai của thế giới thuộc về các quốc gia có nền “dân chủ của giai cấp trung lưu, có tự do của nó, bằng việc sử dụng tốt hơn tri thức trong tất cả chiều kích của nó” hơn là thuộc về các hình thức chính trị chuyên chính, nơi tri thức chỉ được phát triển và sử dụng tập trung vào một lãnh vực giới hạn như quân sự, trong khi nhiều lãnh vực khác bị bỏ trống. Đó là sự khác biệt giữa Đông và Tây.

Đại học có tác dụng hữu hiệu cho xã hội hay phản-hữu hiệu tuỳ theo cách sử dụng nó. Nó thay đổi căn bản xã hội nếu thực hiện được đầy đủ các chức năng hàn lâm bình thường cúa nó mà qua đó nó đã có chỗ đứng ngàn năm. Nhưng mọi sự thao túng đại học vào các mục tiêu chính trị sẽ thay đổi bản chất đại học xấu đi hơn là nó thay đổi tốt cho xã hội.

Các thành phố tri thức phương Đông đang tăng trưởng và có những tiếp xúc với phương Tây, trong chừng mực đó, chúng đang thay đổi xã hội của chúng. Kerr nói tiếp, có một loại xã hội mang trong mình “những hạt giống của sự tự hủy diệt”. Xã hội đó hoặc chấp nhận thay đổi và cạnh tranh, hoặc mất đi sức mạnh tổng thể trong sự cạnh tranh trên trường quốc tế và suy yếu.

Kerr nhắc lại những lời tiên tri của Alfred North Whitehead năm 1916 về vị trí của tri thức cho cả Đông và Tây: “Trong những điều kiện của cuộc sống hiện đại, quy luật này là tuyệt đối: dân tộc nào không biết đánh giá trí tuệ được rèn luyện, dân tộc đó sẽ phải chịu số phận bi đát. Chủ nghĩa anh hùng của anh, vẻ quyến rũ xã hội của anh, sự thông minh, các chiến công của anh trên bộ hay trên biển, tất những thứ đó không thể đẩy lùi bàn tay của định mệnh. Hôm nay chúng ta đứng vững. Nhưng ngày mai khoa học sẽ tiến thêm một bước nữa, và lúc đó sẽ không thể có sự khẩn cầu xét lại một bản án được dành cho những kẻ không được giáo dục.” Đó là những cách sử dụng đại học, Kerr nói.

Trí tuệ ở đây là trí tuệ của cả một dân tộc. Muốn thế, đại học phải có dân chủ và đa dạng, đào tạo sinh viên từ nhiều thành phần xã hội, bao gồm những thành phần bị thiệt thòi. Như Du Bois nói đầu thế kỷ trước, nếu chúng ta không nâng lên những người bị thiệt thòi, thì họ sẽ kéo chúng ta xuống; nếu chúng ta không đào tạo trí tuệ và lãnh đạo quốc gia, chúng ta sẽ bị diệt vong (González).

Friedrich Hayek (1945), ở một phương diện khác, cũng cho rằng các thể chế chính trị chuyên chính không thể sử dụng được khối tri thức tiềm tàng và phân tán trong xã hội, trong cá nhân, làm cho thị trường bị mó méo và kềm hãm.

***

Made in America. Cuối thế kỷ 20, với dân số chỉ 5% dân số thế giới, nhưng Hoa Kỳ chiếm đến 50% số bằng sáng chế thế giới, 50% trích dẫn trong các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới đều có nguồn gốc từ các nhà khoa học sống ở Hoa Kỳ, cũng như 55% số giải thưởng quốc tế Nobel hay Fields. Đến năm 1990, Hoa Kỳ có 180.000 sinh viên sau cử nhân (graduate) đến từ các quốc gia khác, làm cho Hoa Kỳ trở thành trung tâm thế giới của sự học sau cử nhân. Hoa Kỳ thật sự trở thành trung tâm của tri thức và học thuật thế giới. Các Ideopolis, “thành bang của ý tưởng,” của tri thức, hình thành từng cụm, giống như các thành bang của Hy Lạp.

Kerr nhắc lại lời của Henry Rosovsky, nguyên chủ nhiệm trường Arts and Sciences (Nhân văn và Khoa học) của Harvard, cũng là một trong những học giả hàng đầu của Mỹ, hãnh diện viết về vị thế của đại học Hoa Kỳ năm 1987:

Trong những ngày này, khi mà những đối thủ kinh tế nước ngoài đang qua mặt chúng ta hết ngành này đến ngành khác, chúng ta cần tái khẳng định để biết rằng có một ngành công nghiệp sống còn mà ở đó Hoa Kỳ át hẳn thế giới một cách không tranh cãi được: đó là ngành giáo dục đại học. Khoảng từ hai phần ba đến ba phần tư các đại học tốt nhất của thế giới đều nằm tại Hoa Kỳ. Gần đây nhiều nhà phê bình nền giáo dục đại học ở Mỹ đã quên đi sự thật này […]

Khu vực nào của kinh tế chúng ta có thể làm một sự khẳng định tương tự như thế? […] Vị thế của chúng ta ở đỉnh cao của thang chất lượng trong giáo dục đại học là ngoài thông lệ, có thể là tài sản quốc gia đặc biệt của chúng ta, và cần được giải thích.

Trong giáo dục đại học, “Made in America” vẫn là cái nhãn hiệu bãnh nhất. Do đó lời khuyên của tôi là: “Hãy đối xử cẩn thận”, để chúng ta khỏi rơi xuống mặt bằng năng suất của phần lớn các ngành công nghiệp khác của Mỹ.

Các nhà kinh tế đồng ý rộng rãi rằng khoảng 50 phần trăm tăng trưởng kinh tế của sáu mươi năm qua đều do đổi mới sáng tạo kỹ thuật mà một phần lớn có nguồn gốc từ các đại học nghiên cứu. Đại học đã khai sinh hay đóng vai trò vượt trội trong các đổi mới sáng tạo chính như máy tính, laser, internet, công nghệ căn bản cho hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh GPS, tổ hợp World Wide Web, cuộc cách mạng gen và phần lớn trong y khoa hiện đại.

Daniel Bell, nhà xã hội học Mỹ và cố giáo sư ở đại học Harvard, còn đưa ra dự phóng rằng đại học sẽ trở thành thể chế thống trị của một xã hội hậu-hiện đại. Điều này sẽ xảy ra bởi vì đại học là nơi mà tri thức lý thuyết (hệ thống), loại tri thức mà Bell cho là chìa khoá của tương lai, là nơi tạo ra innovation, đổi mới sáng tạo, như những hàng hoá cao cấp, được theo đuổi nghiên cứu: “Có lẽ sẽ không quá đáng khi cho rằng nếu công ty kinh doanh là thể chế chìa khoá của một trăm năm qua, bởi vị trí của nó trong việc tổ chức sản xuất hàng hoá hàng loạt, thì đại học sẽ là thể chế trung tâm của một trăm năm tới bởi vai trò của nó trong sáng tạo đổi mới và sáng tạo tri thức.” Trong xã hôị ấy, nguồn lực hiếm quý nhất sẽ là human capital (vốn nhân lực). Vốn này sẽ khó tìm hơn vốn tài chánh gấp bội, bởi nó liên quan đến một chuỗi quá trình đầu tư dài hạn và cam go của sự chăm sóc con người, đầu tư giáo dục, và đại học.

***


(II)

BOX [2]


SỨC Ỳ CỦA ĐẠI HỌC HOA KỲ

Đ


“Khoa học là bà mẹ của California. Hãy cho chúng ta nhiều hơn chứ không ít hơn khoa học; hãy khuyến khích sự tìm kiếm chân lý tỉ mỉ nhất và kéo dài, trong đá, biển, đất, không khí, mặt trời và các vì sao; trong ánh sáng, nhiệt và các lực từ; trong thực vật, động vật và trong cơ thể con người; nhưng chúng ta cũng hãy học thêm những bài học được hiện thân trong ngôn ngữ và văn học, trong luật pháp và các thể chế, trong các học thuyết và quan điểm, trong tiến bộ lịch sử.”

Daniel Coit Gilman



ại học Mỹ có sức ỳ dai dẳng trong lịch sử. Giới giáo chức có tâm lý “phường hội” (về nghề nghiệp, guilt mentality) thời Trung cổ. Abraham Flexner nhận xét, đại học nói chung “được xem là bảo thủ, thường cũng là dinh lũy của phản động.” Riêng về Hoa Kỳ, Frederick Rudolp nhận định “sự kháng cự lại cải cách căn bản đã được ăn sâu trong truyền thống college và đại học Hoa Kỳ, như hơn ba trăm năm lịch sử đã chứng minh.” (Kerr) Một trong nhiều thí dụ điển hình trong lịch sử đại học Hoa Kỳ: Tại California, Daniel Coit Gilman, chủ tịch Đại học California (1872-75), một nhà giáo dục xuất sắc được các đại học săn tìm, vạch ra kế hoạch phát triển mới để “giúp cứu một đại học bang khỏi những giới hạn chật hẹp của một college nông nghiệp để trở thành một “đại học toàn diện” đầy triển vọng cho tương lai, không những của California mà của cả một vùng rộng lớn - của “một nền văn minh mới của bờ biển Thái Bình Dương”, nhưng sau một thời gian ngắn gặp khó khăn với bộ máy bảo thủ nên phải rời bỏ sớm. Ông về đầu quân cho Johns Hopkins, biến đại học này thành đại học hiện đại đầu tiên nhất của Hoa Kỳ, trước cả Harvard. Những nhà cải cách đầu tiên như Henry Philip Tappan của đại học Michigan, Francis Wayland của Brown muốn đưa chương trình graduate vào dựa trên mô hình của Đức, cũng nhanh chóng phải ra đi. Nhưng nổi bậc nhất có lẽ là trường hợp của Thomas Jefferson, tác giả của Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ. Ông là thống đốc bang Virginia, là một trong những người cải cách sớm. Ông kêu gọi những thay đổi chương trình giảng dạy truyền thống ở William & Mary college, thêm vào các môn thực hành hữu dụng như Benjamin Franklin đã thúc đẩy thực hiện tại ở Philadelphia – như các môn nông nghiệp, khoa học, các ngôn ngữ hiện đại. Sau bốn mươi năm hoài công, ông bỏ cuộc, về thành lập Đại học Virginia năm 1825 với những nguyên tắc của ông. Franklin được xem như một trong những người cha ý tưởng của đại học phụng sự xã hội Mỹ.

Đại học đầu tiên và là niềm hãnh diện của Hoa Kỳ, Harvard, cung cấp một thí dụ của sức ỳ dai dẳng. Harvard được thành lập năm 1636 bởi những thống đốc của khu định cư Vịnh Massachusetts, với tầm nhìn “thăng tiến Sự học và vĩnh cửu hoá nó cho Đời sau”, với chương trình học lấy từ Emmanuel College, Cambridge, Anh. Harvard đã đào tạo ra nhân lực quan trọng: từ chín người tốt nghiệp đầu tiên của Harvard có bốn người làm bộ trưởng. Họ là những người truyền bá nhanh chóng giáo dục đại học theo mô hình Harvard. Đại học Yale, rồi Princeton được thành lập từ dòng máu Harvard. Columbia sau này cũng lấy chương trình học của Harvard làm nền tảng cho mình. Tuy không hoàn toàn giống nhau, nhưng phần lớn các college đầu tiên đều tương tự nhau, và những người tốt nghiệp ở các đại học này quyết định chiều hướng phát triển của các trường mới khác trong trăm năm tới. Thực hiện một đài quan sát thiên vău, Harvard cần hai mươi bốn năm. Thực hiện hệ tự chọn các môn học, Lernfreiheit của Đức, Harvard chỉ thêm vào được một giáo trình duy nhất về ngôn ngữ hiện đại. Gần cuối thế kỷ mưới chín, Harvard mới bỏ việc đi nhà thờ của trường. Eliot, chủ tịch trẻ nhất của Harvard, tuy có chứng kiến mô hình đại học Berlin (Humboldt) trong chuyến đi châu Âu hai năm, nhưng không mặn mòi khi phát biểu: “Tôi không thể thấy mô hình này có thể phục vụ một mục đích hữu ích nào ở đây”. Nhưng dưới sức ép của các cựu học sinh, trước sự thành công thuyết phục của Gilman tại Johns Hopkins với mô hình đại học nghiên cứu Đức, Harvard cuối cùng thay đổi trong sự luyến tiếc của lực lượng chống đối trong và ngoài đại học. Như James McCosh, chủ tịch Princeton (1868-1888) than thở: “Xin đừng kể cho Berlin hay Oxford rằng đại học đã một thời vinh quang nhất ở Mỹ không còn đòi hỏi nữa các sinh viên tốt nghiệp của nó phải biết ngôn ngữ hoàn hảo nhất, văn học vĩ đại nhất, tư duy cao cả nhất của tất cả thời cổ đại…Xin đừng kể cho Edinburgh và Scotland và những người khắc kỷ ở Anh biết rằng một sinh viên có thể tốt nghiệp tại một college khắc kỷ ở Mỹ mà không cần theo học một lớp nào về triết học hay một bài học trong tôn giáo nào nữa.” (Jon Marcus, trong Wildavsky)

“Thực tế, tất cả mọi đổi mới sáng tạo của những thập niên trước đều xây dựng trên công trình của cộng đồng đại học…Vô số đổi mới sáng tạo đã cách mạng cuộc sống Mỹ, và kinh tế Mỹ đã vươn lên từ một bối cảnh đại học. Ở đây chúng ta đi đến một nghịch lý. Mặc dù cộng đồng đại học là một sức mạnh chủ lực của đổi mới sáng tạo trong xã hội chúng ta; nhưng, một cách kỳ lạ, nó đề kháng – ngay cả thù địch - chống lại các đổi mới được cố gắng từ bên trong đại học.” (Harold Enarson 1960, trong Wildavstky et al.)

Nhưng tính ỳ không phải chỉ là đặc thù của riêng đại học Mỹ. Tại châu Âu, quê hương của đại học phương Tây, các tiến bộ khoa học cũng đã từng diễn ra bên ngoài các khuôn viên đại học, như trong thời Phục Hưng. Vào thời Galilei, nhà thờ, khoa học kinh viện và chủ nghĩa Aristote bị hoá thạch đã dẫn tinh thần phương Tây sau một quãng đường dài tới chỗ chết. Các cuộc cách mạng khoa học, dân chủ và công nghệ của các thế kỷ 17 và 18 thâm nhập vào các khuôn viên đại học đầu thế kỷ mười chín, làm hồi sinh và thay đổi chúng hầu như “không nhận ra”. “Trong tất cả những cuộc cách mạng xã hội và trí thức (tại Tây Âu), đại học, như một thể chế, trong buổi đầu là một dinh lũy của phản động hơn là một động lực cách mạng, mặc dù những ý tưởng của các thành viên cá nhân của nó thường là chất xúc tác cho sự thay đổi.” (Kerr).



Những bất cập. Từ lúc đại học Tây Âu ra đời đến nay, chưa có quốc gia nào có vị trí thống lĩnh trong đời sống trí thức thế giớ như Hoa Kỳ trong nửa sau của thế kỷ 20. Giáo dục đại học Hoa Kỳ được ca ngợi là một câu chuyện thành công thần thoại. Hơn bốn ngàn cơ sở giáo dục sau-trung học, tư cũng như công, tuyển sinh khoảng hai mươi lăm triệu học viên mới. Nghề hàn lâm (academic profession) lên đến đỉnh cao của quyền lực. Người ta nói đến một cuộc “cách mạng hàn lâm” (Jencks &Riesman)

Sự thành công là đồ sộ, nhưng có những cái giá đắt của nó. Trào lưu đổ xô đi nghiên cứu khoa học, giành tài trợ từ chính phủ liên bang, thăng tiến chức vị dựa trên những thành tựu nghiên cứu, dẫn đến việc sao lãng giáo dục cho bậc cử nhân và giáo dục nhân văn, sinh viên không được chăm sóc tốt, nếu không nói là bị bỏ bê. Số giờ giảng của các thành viên trong hội đồng giảng viên (faculty) đã giảm xuống còn một nửa, từ chín giờ mỗi tuần xuống còn bốn tiếng rưởi. Một hâụ quả là sự nổi loạn không dự báo của sinh viên trong những năm 1960. Kerr nhìn nhận, cho đến 1963, chưa hiểu bản chất của các cuộc nổi loạn sinh viên. Thầy quay lưng lại sinh viên, sinh viên cũng quay lưng lại thầy, và theo đuổi những mối quan tâm riêng của họ: các quyền công dân, vấn để nội dung chương trình học, chủng tộc, chiến tranh Việt Nam, sự can thiệp của nhà nước vào nghiên cứu đại học vv. Với số lượng đông sinh viên ào ạt được ghi danh vào đại học, các cuộc nổi loạn trở nên có sức nặng đặc biệt.

Có sự phân chia ranh giới giữa các ngành có lợi thế như khoa học tự nhiên, toán học, kỹ thuật, y khoa và những ngành không có lợi thế như các ngành nhân văn, khoa học xã hội, nghệ thuật và kiến trúc; và khoảng cách này ngày càng tăng. Sự khác biệt giữa những người “có của” và “không có của” là rõ rệt chưa từng có trong lịch sử đại học Hoa Kỳ, như Kerr nhận xét, và càng rõ hơn vào năm 1994 so với 1963. “Vật lý, hoá học gia tăng ảnh hưởng, văn chương Anh ngữ thì mất đi. Các giáo sư nghiên cứu (khoa học) hàng đầu trở thành những công dân thế giới”, Kerr viết. Leonard Levy, chủ nhiệm khoa của trường Arts and Sciences đại học Brandeis viết: “Giảng dạy và các hoạt động liên quan …hầu hết là những trở ngại cho sự thăng tiến trong nghề nghiệp. Con đường đến sự đề bạt thăng cấp phải đi xuyên qua, và đôi khi đi ngang qua các lớp học…Học giả kết tinh được DNA hay đoạt được giải Bancroft nhận được tất cả sự quảng bá, thăng tiến và tiền thưởng mang về, không cần biết ông ta dạy bao nhiêu và dạy tốt thế nào.” (Luey) Giáo sư nghiên cứu trở thành một người ‘cực kỳ quan trọng và bận rộn’ trong xã hội. Nghề dạy học, dù ở trình độ nào, cũng được ít kính trọng hơn, và được trả lương thấp hơn các nghề khác. Ở những đại học tư danh giá, khuynh hướng này rõ nhất. Tại MIT và Harvard chẳng hạn, các quyết định bổ nhiệm mới hay đề bạt tăng chức ngày càng bị chi phối bởi các đánh giá về công trình học thuật hơn là sự hiệu quả của giảng dạy. Nghiên cứu trở thành một ‘niềm tin’ vào sự tiến bộ và sự tiến thân. Ngày trước, đại học chỉ có vài chuyên gia (học thuật) riêng lẻ. William Gibbs ở Yale làm việc trong sự cô đơn mà không biết rằng ông sẽ nổi tiếng biết bao ở hậu thế. Ngày nay các đại họ có cả những phòng ban đầy chuyên gia nổi danh.

Câu chuyện ưu tiên cho nghiên cứu đã có lịch sử từ cuối thế kỷ mười chín, lúc có sự chuyển mình mạnh mẽ từ mô hình thuần giảng dạy sang mô hình nghiên cứu. Vào thời điểm đó tại đại học Pennsylvania, các giáo sư nào khăng khăng chỉ muốn chỉ dạy thôi được báo phải rời khỏi đại học, cho dù người thầy giỏi đến đâu, tài giảng dạy hiệu quả giúp sinh viên tự khẳng định đến đâu. Đại học đòi hỏi người thầy phải nghiên cứu, phải có kết quả nghiên cứu. Không có nghiên cứu sẽ không có, hay chỉ có rất ít thành quả trong cuộc khuất phục ngu dốt, tiến lên trên các biên giới của tri thức. Không nghiên cứu là tự đứng lại. Khẩu hiệu “publish or perish” (công bố hay tiêu vong) xuất hiện. Harper, chủ tịch đại học Chicago, diễn tả mạnh mẽ và rõ ràng vào năm 1894: “Đại học…sẽ kiên nhẫn, nhưng nó chờ đợi từ mọi người sự nổ lực chân thật và bền bỉ theo hướng đóng góp vào tri thức thế giới.” (Rudolph) “Kiên nhẫn đôi khi không còn là một đức hạnh nữa.”

Từ 1963, “tri thức khai phóng” (liberal knowledge) trên đường lùi bước, được tiếc thương biết bao, nhưng không được làm hồi sinh tí nào, nhường chỗ cho giáo dục nghề và chuyên nghiệp, cho chuyên môn hoá ngày càng cao và cao hơn. Khắp nơi, có ít sự nhấn mạnh lên giáo dục “nhằm phát triển cá nhân sinh viên”, hay gọi là gọi là giáo dục “làm người”, Kerr viết. Mô hình “college Hutchins” ở Chicago của nhà cai cách Robert Hutchins, hay “Sách Đỏ” của Harvard nhằm làm sống lại giáo dục nhân văn cho bậc cử nhân đã thất bại, tuy có để lại tiếng vang trong lịch sử. Giáo dục đại học Hoa Kỳ mang trong mình ba mô hình: Anh cho giáo dục nhân văn, Đức cho nghiên cứu, và Hoa Kỳ cho phụng sự xã hội, và các mô hình đều có giá trị gần như nhau. Nhưng nay mô hình Anh quốc của giáo dục nhân văn đã “mất hơi”, “mất đất sống”. Đại học Hoa Kỳ tự hào là phụng sự xã hội, nhưng mâu thuẩn, phụng sự theo tinh thần nào, hướng nào, trong khi sao lãng việc giáo dục nhân văn sinh viên trong những năm thành hình để sau này trở thành những nhân cách, những nhà lãnh đạo tốt cho quốc gia?


Каталог: HinhAnhSachHay -> Upload -> Ebook -> 2013

tải về 271.57 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương