Francis bacon



tải về 271.57 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích271.57 Kb.
#31193
1   2   3
[5]

***


Biện minh nào cho đại học? Đại học ít trở thành một thể chế nghề nghiệp và định hướng giai cấp cho tinh hoa hơn, mà là một công cụ định hướng-thị trường cho quần chúng nhiều hơn. Giáo dục đại học dần dần trở thành công cụ của thị trường lao động, gắn vào đời sống công nghiệp và xã hội. Giáo dục đại học Mỹ bắt đầu như một nổ lực để nâng cao đạo đức. Nó tiếp tục phát triển như một nổ lực để tạo một công ăn việc làm tốt và khá hơn. Một cuộc sống sung túc thay thế triết lý sống. Đây là một sự tái cấu trúc căn bản, Kerr viết. Từ đó nảy sinh những quan điểm khác nhau về nội dung giáo trình cho bậc cử nhân, ‘giáo dục khai phóng’ bị sao lãng.

Khái niệm đại học nhân văn của Newman giữa thế kỷ 19 bị đảo lộn. Người gentleman vốn cảm thấy “at home” ở mọi xã hội, nhưng chẳng bao lâu không còn cảm thấy là nhà ở đâu nữa. Khoa học thay thế vị trí của triết học đạo đức, nghiên cứu thay thế vị trí của giảng dạy. (Kerr)

Các áp lực từ môi trường bên ngoài ngày càng đè nặng lên đại học, bên cạnh các cuộc suy thoái kinh tế, hay ảnh hưởng của chiến tranh, làm suy yếu đại học. Làm sao kiểm soát và giải quyết các áp lực để bảo đảm tính chất độc lập trong phê phán và trong việc đi tìm chân lý như ý tưởng đại học của lý tính của Immanuel Kant, đó là nhiệm vụ nặng nề của giới lãnh đạo đại học tương lai để gìn giữ bản chất của đại học. Robert Paul Wolff, giáo sư emeritus Đại học Massachusetts Amherst, đã cảnh báo rằng đa đại học không phải luôn luôn thỏa mãn ‘nhu cầu con người’, tuy nó rất đáp ứng được ‘ nhu cầu thị trường’. (González) Phát triển tri thức, nhưng tri thức cho mục đích gì, như Rudolph hỏi. Zeitgeist là thị trường. (Kirp) Một vị lãnh đạo của Đại học Connecticut từng phát biểu: “Chúng tôi là một doanh nghiệp; các cổ đông chúng tôi là sinh viên, giới giáo chức và bang Connecticut.” Ông không nhắc các nhà hiến tặng, các công ty và chính trị gia, là những “cử tri” của trường.

Kerr cho rằng ông chỉ mô tả và diễn giải một mệnh lệnh và logic của thời đại: “Ý tưởng của Đa đại học không có nhà thơ để ca ngợi nó; không có nhà tiên tri để báo trước tương lai nó; không có người giám hộ để bảo vệ tính thiêng liêng nó. Nó có những người phê bình, những người nói xấu, những kẻ gian tà. Nó cũng có những kẻ quảng cáo rao bán hàng hoá của nó đến tất cả những ai muốn lắng nghe - và nhiều người đã nghe. Nhưng nó cũng có thực tế bén rễ trong cái logic của lịch sử. Đó là một mệnh lệnh hơn là một sự chọn lựa bằng lý tính từ những khả năng lựa chọn thanh nhã.”

Biện minh nào cho đa đại học Hoa Kỳ? “Lịch sử là một câu trả lời. Sự nhất quán (consistency) với xã hội xung quanh là một câu trả lời khác. Ngoài ra, nó có ít thể chế ngang bằng trong việc bảo tồn, truyền bá và thẩm tra những chân lý vĩnh cữu; không có những thể chế ngang bằng đương thời trong việc tìm kiếm tri thức mới; không có những thể chế ngang bằng của cả lịch sử trong những thể chế của giáo dục đại học phụng sự rất nhiều khu vực của một nền văn minh đang đi tới” như Kerr viết. “Đa đại học đã hình thành thế nào? Không ai tạo ra nó; thực thế, không ai mường tượng ra nó. Nó cần một thời gian dài để hình thành và cũng cần một thời gian dài để ra đi.”

Nếu những năm 1960 Kerr có thể nhìn thấy sự phát triển đại học Hoa Kỳ đến hết thế kỷ 20 một cách chính xác thì vào cuối thế kỷ tình hình không cho phép Kerr như thế nữa. Trong thời đại kinh tế toàn cầu hoá, sự cạnh tranh từ các quốc gia hay cộng đồng quốc gia khác như EU đang dâng lên mạnh mẽ và có nguy cơ đuổi kịp hay qua mặt. Trong cuộc cạnh tranh này, chất lượng giáo dục và đào tạo có vai trò trung tâm. Đại học Hoa Kỳ có thể không còn chiếm giữ vai trò ưu việt thế giới nữa. Cuộc cách mạng IT, và sự hình thành các đại học vì lợi nhuận cũng có thể làm suy yếu vai trò đại học Mỹ. Kerr thường nhắc đến cuộc cách mạnh của sinh học như một ngành phát triển mạnh mẽ trong tương lai mà mỗi đại học nghiên cứu phải đặt kỳ vọng vào ở thế kỷ 21.

***

Lãnh đạo nào cho một tương lai nhiều bất trắc? Những năm 1960 là thời gian tốt lành cho Hoa Kỳ, kinh tế hậu chiến đạt tới đỉnh cao; đó cũng là thời gian tốt lành cho đại học nghiên cứu Mỹ, đã nghiễm nhiên giữ vị trí lãnh đạo trên thế giới. Những năm 1990 là không tốt lành cho kinh tế Hoa Kỳ, lẫn cho đại học nghiên cứu. Nhưng không phải mất tất cả những gì đã được, Kerr viết. Đa đại học (giai đoạn) I của thời kỳ vàng son (sự giàu có ‘ở cấp độ nhà nước liên bang’) nhường chỗ cho đa đại học giai đoạn II (từ những năm 1990 trở đi, ‘ở cấp độ nghèo khó của liên bang’). Đa đại học giai đoạn II sẽ sống trong “thế giới của Hobbes”, “mọi người chống lại mọi người” để giành được đồng tài trợ trung ương. “Là một tình huống đáng buồn nếu, xét dài hạn, sự đầu tư công vào các nhà tù tiếp tục được sự ưu tiên tương đối cao hơn so với đầu tư vào đại học; và nếu, từ bên trong đại học, sự bảo tồn hiện trạng được ưu tiên hơn một sự cam kết tích cực cho tiếp cận đại học, cho chất lượng và quyền tự chủ”, Kerr viết. Ông nhắc lại lời của Whitehead, rằng dân tộc nào “không biết đánh giá trí tuệ được rèn luyện, thì sẽ dân đó sẽ phải chịu số phận bi đát.”

Một sự giảm sút tinh thần trách nhiệm với cộng đồng trong campus đã diễn ra bên trong giới giảng viên (faculty). Henry Rosovsky quan sát có “sự suy giảm sút đức hạnh công dân trong hàng ngũ giảng viên của trường khoa học và nhân văn (của Harvard).” Eric Ashby đã từng nên lên câu hỏi rằng có phải giới giảng viên là một “nghề đang trên đường tan rã” và có cần một “Lời thề Hipocrate” hay các cải cách khác hay không.

Năm 2006, Bộ trưởng giáo dục Margaret Spellings dưới thời Tổng thống George W. Bush, đã triệu tập một panel gồm các chuyên gia hàn lâm tên tuổi để xem xét toàn diện từ trên xuống dưới các collges và đại học Hoa Kỳ. Kết quả của họ là đáng lo ngại: “Điều chúng ta đã học được rõ ràng rằng giáo dục đại học Hoa Kỳ đã trở thành điều mà người ta gọi trong giới kinh doanh là một doanh nghiệp chín mùi: ngày càng sợ rủi ro, luôn luôn tự mãn, và đắt quá mức. Đó là một doanh nghiệp phải xử lý các vấn đề nền tảng rằng làm sao các chương trình và thể chế phải được chuyển đổi để đáp ứng những yêu cầu đang thay đổi của nền kinh tế tri thức. Nó phải còn đương đầu thắng lợi ảnh hưởng của toàn cầu hoá, của các công nghệ phát triển nhanh, một dân số ngày càng đa dạng và lão hoá đi, và một thị trường phát triển nhanh được đặc trưng bởi những nhu cầu mới và các hệ hình mới.” (Trong Wildavsky et al.)

Thế kỷ 21 đầy bất trắc, Kerr không tin vào sự hồi phục của đại học Hoa Kỳ lại bằng thời kỳ vàng son của nó. Ông nhìn con đường tương lai “chứa đầy hang lỗ, vây quanh bởi các tướng cướp, và không dẫn tới mục đích tối hậu rõ ràng nào.” Đại học Hoa Kỳ cần có những típ người lãnh đạo nào để lèo lái? Ông mượn lại hình ảnh của cáo (fox) và nhím (hedgehog) từ thời cổ đại để xác định típ người lãnh đạo đại học tương lai. Nhà thơ Hy Lạp Archilochus thế kỷ thứ 7 trước CN viết: “Cáo biết nhiều chuyện, nhưng nhím biết một chuyện lớn”, hoặc hai, hay ba. Isaiah Berlin (1953) đã thời sự hoá hai típ người có những tính chất khác nhau như cáo và nhím để phân biệt các nhà văn, nhà tư tưởng như Plato, Dante, Pascal và Dostoevsky là những người “liên hệ tất cả mọi việc về một cái nhìn (vision) trung tâm” khác với những người “theo đuổi nhiều mục tiêu, thường không liên hệ nhau, ngay cả mâu thuẩn nhau”, như Aristote, Shakespeare, Montaigne và Pushkin. “Nhím có khuynh hướng ‘thuyết giáo’ – ‘đam mê, gần như bị ám ảnh;’ trong khi cáo ‘láu lĩnh’, khôn ngoan, ngay cả quỷ quyệt. Trật tự đối lập với hỗn độn; tính thống nhất đối lập với tính đa dạng; viễn tưởng lớn đối lập với tính biết thích nghi vào những hoàn cảnh khác biệt không dự báo trước; sự đoan chắc đối lập với sự bất định.” (Kerr) [6]

“Trong những năm 1960”, như Kerr nhìn nhận năm 2001, “nhiều người trong chúng ta có cái nhìn của nhím về ba mục tiêu hành động: sự tiếp cận hoàn vũ (vào đại học), tiến bộ bằng khoa học và tăng trưởng năng suất; và chúng ta đã có lý. Nhưng chúng ta cũng có những miếng vải che mắt và (chỉ) biết nhìn thẳng tới trước. Chúng ta đã quá thường bỏ qua những triệu chứng bệnh lý. Chúng ta hầu như không nhìn thấy sự hình thành của cuộc nổi loạn của sinh viên cho đến khi quá trễ, và đã quá thường xem nó là sự can thiệp vào sự theo đuổi ráo riếc những mục tiêu viễn tưởng chúng ta.”

Vì thế ông nhìn tương lai là ‘thế kỷ của cáo’. “Chúng ta cần các cáo nhìn quanh nhiều thứ, lớn và nhỏ.” “Chỉ có cáo mới đủ cảnh giác, đủ thông minh, đủ lanh lợi, và không mù quáng trước những viễn tưởng lớn (big visions), đủ tính chất của chủ nghĩa sống sót (survivalist) để tìm con đường của mình kinh qua tất cả mọi tình huống phức tạp, mọi cạm bẫy. Tuy nhiên tôi hy vọng cáo sẽ có một ít nhím bên cạnh để nhắc nhở nó bảo vệ quyền tự chủ đại học và quyền lực của các hội đồng giảng dạy và khẳng định sự quan trọng của công chúng cũng như phúc lợi của phường (hàn lâm).” Ông khá bi quan vào cuối đời, có lẽ ông đã quá yêu thời vàng son quá vẻ vang của đại học Hoa Kỳ thời 1960, 70. Thế kỷ 21 thực tế có lẽ ngược lại, vẫn cần đến những nhím như Kerr với tầm nhìn xa chiến lược, bên cạnh những cáo để vượt qua hang lỗ hiểm nguy (González). Nhưng tìm đâu ra những Kerr như thế?

Trong sách Troubled Times for American Higher Education, Kerr tính rằng từ thế kỷ mười sáu vai trò lãnh đạo hàn lâm quốc gia đã kéo dài khoảng tám mươi năm. Từ đó ông gợi ý rằng tính ưu việt của Hoa Kỳ có thể đang giảm sút như một “qui luật”, mặc dù ông nghĩ “nó vẫn còn giữ vị trí số một trong một tương lai có thể còn thấy được.” Ông thấy cần phải tìm ra và nuôi dưỡng tài năng trong mọi thành phần xã hội, bồi dưỡng một thế hệ mới của những tài năng đa dạng có hiểu biết về những thách đố và cơ hội hôm nay. Nhưng đồng thời ông cảnh báo rằng chúng ta cần ý thức chỉ khi có sự trở lại của thịnh vượng kinh tế và sự xuất sắc về chính trị mới giúp thúc đẩy giáo dục đại học lên một cấp độ mới. Số phận của giáo dục đại học cuối cùng tùy thuộc vào số phận của đất nước. “Xã hội thế nào thì đại học thế ấy”, và ngược lại “Đại học thế nào thì xã hội thế ấy”, Kerr viết. Trung tâm học thuật, và cùng với nó, giáo dục đại học đã từng di chuyển trên thế giới: “Trong lịch sử, các trung tâm lớn nhất của học thuật thế giới đã di chuyển từ thế giới Hy Lạp sang thế giới Muslim, và từ Muslim sang Tây Âu; và nội trong Tây Âu, từ Ý sang Anh, đến Pháp, rồi Đức, và sau đó ra khỏi châu Âu, đến Hoa Kỳ. Một trong những suy đoán thú vị trong thế giới tri thức là sự lãnh đạo sắp tới sẽ đi về đâu khi, thực tế, nó đang di chuyển khỏi Hoa Kỳ” như Kerr viết trong Higher Education Cannot Escape History. Trong nước Mỹ, người ta nhận thấy một sự chuyển động từ Đông sang Tây từng diễn ra, mà trung tâm miền đất mới là California, vùng đất màu mỡ bên bờ Thái Bình Dương nhìn qua châu Á, nơi người ta có đoán rằng ngọn lửa học thuật sẽ chầm chậm chuyển về. Đại học California mà Kerr từng làm chủ tịch sẽ có vai trò nào của chiếc cầu nối với châu Á Thái Bình Dương?

* * *


PHẦN II

CLARK KERR



Sự sùng tín Chúa đích thực không đẩy con người ra khỏi thế giới nhưng làm cho con người có năng lực để sống tốt hơn trong đó và kích thích những nỗ lực của họ để cải thiện nó.

William Penn [7]



Giống như tất cả những nhà giáo dục lớn đích thực trong một xã hội tự do, Kerr xem tương lai như cái giá đỡ của nhiều khả năng có thể lớn hơn nữa và do đó có ý nghĩa đạo đức. Với tư cách là một nhà lãnh đạo, ông nhận lấy sự mạo hiểm để gìn giữ một thể chế và để chuẩn bị tương lai của nó. Trải nghiệm của ông nhắc nhở tất cả chúng ta về sự cần thiết bảo vệ sự độc lập trí thức của đại học. Sự lãnh đạo đòi hỏi phải chiến đấu ở nhiều chiến trường, ngay cả ở những chiến trường người ta chờ đợi một sự thất bại tạm thời.

Harold T. Shapiro

Đôi nét về tác giả có thể giúp hiểu thêm giá trị cuốn sách, hiểu thêm một cuộc đời rất đáng suy ngẫm. Những công dụng của đại học được viết cách đây đúng nửa thế kỳ (1963-2013), được bổ sung sáu lần và kết thúc 12 năm trước (2001). Tác giả qua đời cách đây tròn 10 năm (2003-2013).

Clark Kerr sinh ngày 17 tháng 5, 1911, con của một gia đình nhà nông ở bang Pennsylvania có học thức và xem trọng giáo dục. Trong thời gian theo học ở Swarthmore college ông gia nhập tổ chức những người Quaker (Hội tôn giáo của những người bạn, Religious Society of Friends), có những hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ người nghèo thời Đại suy thoái, từ đó ông bỏ ý định học luật để học kinh tế tại Berkeley và làm luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của giáo sư Paul Taylor, một nhà kinh tế nông nghiệp tiến bộ (từng tư vấn cho Việt Nam). Ông đi thực tế nhiều, dần dần có kinh nghiệm đặc biệt trong việc dàn xếp trong các cuộc tranh chấp lao động, và trở thành một trọng tài nổi tiếng.

Ông dạy năm năm ở Đại học Washington, Seattle, trước khi trở về Berkeley năm 1945 với tư cách giám đốc của viện nghiên cứu các quan hệ công nghiệp vừa được thành lập. Khi cuộc tranh cãi về “tuyên thệ trung thành” tại UC Berkeley nổ ra năm 1949 (thời chủ nghĩa McCarthy), Kerr trở thành nổi tiếng là người bảo vệ 31 giáo sư bị sa thải vì từ chối ký vào bản tuyên thệ. Công việc thắng lợi. Ông trở thành tiếng nói của lý trí, một người thương thuyết tỉnh táo và một người hoà giải có năng lực. Khi những nhà quản trị thành lập chức hiệu trưởng (chancellor) đầu tiên của trường đại học Berkeley, Kerr trở thành sự chọn lựa tốt nhất dưới mắt mọi người.

Trong thời gian sáu năm tại Berkeley, Kerr tập trung vào việc “an dân”, sửa chữa lại những thiệt hại của “tuyên thệ trung thành”, và xây dựng trác việt, mở rộng về vật chất cũng như về học thuật của campus cần thiết để đón lấy trận hồng thủy sinh viên sắp đến đầu những năm 1960 tràn vào đại học, hệ quả của đợt “baby boom” sau thế chiến.


Năm 1958, khi người tiền nhiệm Robert G. Sproul nghỉ hưu, Kerr được bầu ngay vào chức chủ tịch Đại học California. Ông là kiến trúc sư và người thực hiện và giám sát của chương trình chỉ huy thực hiện Quy hoạch tổng thể của giáo dục đại học công của California, được ban hành năm 1960 dưới thời Dwight D. Eisenhower, nhằm tạo sự tăng trưởng trật tự trong khuôn khổ hệ thống ba cấp được phân khúc. Đồng thời ông cũng tiến hành sự phân quyền quản lý trong hệ thống đại học.
Trong nhiệm kỳ mình, Kerr thực hiện nhiều chương trình phát triển, như xây dựng, bố trí nhân sự, và mở thêm ba campus Đại học UC ở các vị trí Santa Cruz, San Diego, va Irvine. Các đơn vị hiện hữu ở Davis, Santa Barbara, và Riverside được mở rộng thành các “campus tổng hợp” (“general”), nhận được những cơ hội bình đẳng với các campus khác để tham gia vào đào tạo graduate và nghiên cứu.
Quy hoạch tổng thể này nhằm chia hệ thống trường công của giáo dục cấp sau trung học thành ba hệ thống trường với các vai trò khác nhau: hệ thống Đại học California (University of California, UC, gồm 10 trường như UC Berkeley, UC Los Angeles, UC San Diego,…, là những đại học nghiên cứu lớn), hệ thống các Đại học bang California (California State Colleges, CSC, gồm 23 trường như San José State, San Francisco State, Cal State L.A.,…với bằng cử nhân và thạc sĩ) và hệ thống các Đại học Cộng đồng California (California Community Collges, CCC, gồm 112 trường được thành lập năm 1967, với hệ hai năm, có thể chuyển tiếp lên các CSC hay UC sau đó). Hệ thống giáo dục ba cấp này có mục đích điều hòa các nhu cầu đại học, xác định năng lực của từng học viên phù hợp với từng loại đại học, bảo đảm tính trác việt (excellence) và sự tiếp cận giáo dục bậc cao cho tất cả mọi người không phân biệt sắc tộc hay giới tính. Nếu tổng thống J. F. Kennedy trong bài diễn văn về Quyền dân sự năm 1963 nói đến “sự bình đẳng về cơ hội” cho các màu da, thì tại California, bang đầu tiên của Hoa Kỳ, mô hình giáo dục đại học mới đem lại cơ hội thực hiện sự bình đẳng ấy một cách thực chất. Sự bình đẳng về cơ hội trở thành cơ hội cho sự bình đẳng.
Mặc dù sinh ra trong một gia đình nhà nông ở Pennsylvania vào thời kỳ chỉ có không quá 5 phần trăm thanh niên Mỹ được vào college, nhưng Kerr tin rằng mỗi sinh viên cần được quyền theo học college, bất luận gia đình họ có thể đảm đương được hay không. Ngày nay, “mỗi sinh viên hay nhà lãnh đạo campus còn đang sống đều chịu ơn nặng đối với Clark Kerr, chính vì tầm nhìn và sự quyết tâm táo bạo của ông đã giúp tạo ra đại học hiện đại, và ý tưởng rằng sinh viên từ tất cả các thành phần xã hội đều có thể tiếp cận college”, như David Ward nói, chủ tịch của Hội đồng giáo dục Mỹ, và cựu chủ tịch Đại học Wisconsin tại Madison.

Chủ tịch Đại học California, Clark Kerr, 1964.

Courtesy UC Berkeley.


TIME ngày 17.10.1960 CourtesyTIME

Kerr không chủ trương có “ngọn cờ đầu” (flagship) như các hệ thống đại học công của các bang khác. “Tôi ủng hộ sự đa dạng trong Đại học California. Thay vì chỉ có một hay hai campus khổng lồ, chúng ta nên có nhiều campus được phân bố khắp bang, với qui mô hợp lý, phụng sự các cộng đồng chính của bang. Mỗi một campus nên có sự khác biệt – có tính cách riêng, đặc tính riêng, và có ý thức riêng về bản sắc”, Kerr nói. Trong tinh thần này, Đại học California Los Angeles nhận được cái mà Kerr gọi là “một vị trí dưới ánh mặt trời”, những nguồn lực ngang bằng với Berkeley trong phần lớn các lãnh vực.

Kerr quyết tâm không những mở rộng hệ thống đại học, tạo sự dân chủ hoá giáo dục, mà còn theo đuổi nâng tính cạnh tranh và tạo sự trác việt cho Đại học California. Trong suốt quá trình tăng trưởng mạnh mẽ về qui mô, chất lượng của hệ thống giáo dục của bang không bao giờ giảm sút mà còn tăng lên. Ai học tại đại học Berkeley, chắc một lần nghe câu nói hóm hỉnh này của Clark Kerr: “Nếu bạn thấy buồn tẻ với Berkeley [San Francisco], thì bạn buồn tẻ với cuộc đời.”

Trong bài diễn văn khai mạc năm 1958, với tư cách là chủ tịch mới của (hệ thống) Đại học California (UC), còn được gọi là “đại học ngàn dặm”, ông nói nhiều về giá trị và vai trò của tri thức và đại học:

“Trong mắt của công chúng, các diễn viên trên vũ đài thế giới có thể là các vận động viên và các chính trị gia, tướng lãnh và nhà ngoại giao, nhưng không ai có thể dám làm ngơ các lớp học, các phòng thí nghiệm và thư viện, những thứ vốn ở hậu trường nhưng ở đó lịch sử thật sự được làm ra.”

“Kết luận lại, đại học trải qua nhiều thế kỷ đã chuyển từ vai trò của nó như người canh giữ của quá khứ sang vai trò người khám phá của tương lai; và trong cuộc chuyển đổi này đại học trở thành một trong những tiêu điểm lớn của nổ lực nhân loại. Để tạo ra tri thức mới, đào tạo những người đàn ông và phụ nữ có thể sử dụng tri thức mới, để làm cho tri thức này bao hàm toàn diện, do đó trở thành người phục vụ, hơn là người chủ của con người, để giúp con người hiểu những giá trị mà tri thức này cần được làm ra để phục vụ--đó là những nhiệm vụ lớn của đại học trong việc thúc đẩy xã hội công nghiệp đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Đó là những nhiệm vụ của Đại học California trong một thời đại khi mà giá trị của tri thức là hiển nhiên hơn bao giờ hết so với trước đây- một thời đại của sự triển khai trí tuệ thần thoại nhất trong lịch sử nhân loại. Đó có thể là một Thời đại vàng đích thực trong đời sống của Đại học California, và có thể trở thành một Thời đại vàng của nhân loại.”

Giống như những lời tuyên ngôn hành động trước khi ông bước cao lên vũ đài đại học.

C.P. Snow đã viết về Đại học California: “Và giờ đây thành tựu khoa học của Hoa Kỳ đang chuyển động ở tốc độ mà chúng ta phải lấy làm kinh ngạc. Hãy nghĩ về ‘chòm sao’ (constellation) đáng ngạc nhiên của tài năng, đặc biệt trong ngành khoa học vật lý, kéo dài dọc theo bờ biển California, từ Berkeley và Stanford đến Pasadena và Los Angeles. Không có chỗ nào có sự tập trung tài năng giống như thế trên thế giới. Điều đó đôi khi làm ngạc nhiên những người châu Âu để nhận thức rằng có bao nhiêu khoa học thuần tuý của toàn thể phương Tây được thực hiện ở Hoa Kỳ. Thật là kỳ lạ, điều đó gây cả ngạc nhiên cho chính những người Mỹ.”

Nếu ‘cao nguyên’ trí tuệ chạy từ Boston đến Washington bên bờ biển phía Đông, với các đại học và phòng thí nghiệm của nó, chiếm 46% các giải Nobel của Hoa Kỳ, thì ‘rặng núi’ thứ hai dọc theo bờ biển California phía Tây chiếm tới 36%. Dãy núi hàn lâm thứ ba của Mỹ là ‘Mười ông anh cả’ (Big Ten, bao gồm các đại học Northwestern, Michigan State, Purdue, Illinois, Michigan, Penn State, Minnesota, Wisconsin, Ohio State, Iowa và Indiana) và Chicago chiếm 10%. Các trung tâm trác việt thường có khuynh hướng kết lại nhau.

Con đường 128 quanh Boston, và các phức hợp công nghiệp lớn phát triển tại vùng vịnh San Francisco và Nam California phản ánh các đại học trong các khu vực này. Báo cáo Gilpatric của Bộ quốc phòng cho biết có 41 phần trăm hợp đồng quốc phòng dành cho nghiên cứu trong tài khoá 1961 được trao cho California, 12 phần trăm cho New York, và 6 phần trăm cho Massachusetts, tồng cộng gần 60 phần trăm, lý do một phần vì đây cũng là những “trung tâm học thuật”.

Đại học California (UC) ngày nay tuyển 200.000 sinh viên, có 160.000 giảng viên và nhân viên. UC có 10 campus, 5 trường y khoa và bệnh viện giảng dạy, ba trường luật, hơn 600 trung tâm, viện và chương trình nghiên cứu. Hơn 100 thư viện của UC có khoảng 30 triệu quyển sách, chỉ thua thư viện quốc hội (library of congress) và Harvard về chất lượng sách.

Tạp chí TIME ngày 17.10.1960, với ảnh của Clark Kerr trên trang bìa để tỏ sự ngưỡng mộ vị kiến trúc sư tài năng của California Master Plan, viết: “Đại học California chiếm lĩnh mọi thứ từ nguyên tử đến vũ trụ.” Câu này làm người ta nhớ lại tiếng thơm của đại học này đã có từ đầu thế kỷ 20: “Tôi không biết một đại học nào nuôi dưỡng cả hai lãnh vực cơ khí và siêu hình học thành công đến thế, hay đại học nào nhìn vào vũ trụ, và đồng thời đến gần với đời sống của người dân như thế; hay đại học nào khai quật mộ của các Pharaoh và Inca trong khi nó phát minh ra những giống cây cho ngành nông nghiệp của tương lai.” (Slosson 1910, trong Pelfrey)

California là vùng đất đã từng có nhiều cuộc đổ xô đi tìm vàng (gold rush), đầu tiên năm 1849 khi mỏ vàng được phát hiện. Rồi đến các đồn điền cam quít Nam Cali, đồn điền nho với rượu vang Bắc Cali cuối thế kỷ mười chín. Tiếp đến Hollywood, công nghiệp phim ảnh đầu thế kỷ hai mươi, sự phát triển kỹ nghệ liên quan đến quân sự trong và sau thế chiến thứ hai, rồi Silicon Valley. Cuộc đổ xô tìm vàng gần nhất là công nghiệp sinh học, dẫn đầu bởi Stanford, CalTech và các campus của Đại học California như Davis, Berkeley, UC-Francisco và UC-San Diego. (Kerr, Memoir I) Nhưng cuộc đổ xô đi tìm vàng lớn nhất chính là giáo dục, giáo dục đại học nhằm tạo ra tri thức và nhân lực cho các ngành kỹ nghệ của bang. Một tu sĩ đã từng nghĩ thay cho Cali khi ông đặt chân đến vùng đất này, rằng “Mind before Mines” (Trí tuệ đi trước mỏ quặng). (Pelfrey) Điều đó hơn một trăm năm sau trở thành sự thật.

“Clark Kerr làm cho giáo dục đại học điều mà Henry Ford đã làm cho ngành xe hơi”, chủ tịch Arthur Levine của teachers college tại Đại học Columbia viết trên New York Times một ngày sau khi Kerr mất. “Ông đã tạo ra hàng loạt giáo dục có chất lượng với chi phí thấp và tiềm năng nghiên cứu cho một quốc gia đang khao khát cả hai thứ…”

***


Chính trị can thiệp. Clark Kerr cũng ‘nổi tiếng’ không kém về thái độ cương trực của ông trọng việc bảo vệ tự do học thuật. Trong những bất ổn sinh viên những năm 1960, Kerr từ chối sử dụng bạo lực để trấn áp sinh viên tại campus và tự thương lượng với sinh viên, do đó đã trở thành mục tiêu loại bỏ của FBI thời J. E. Hoover. Tháng 2 năm 1967, sau khi Ronald Reagan lên làm thống đốc bang Cali, Clark Kerr bị buộc tự rút lui êm thắm, nhưng ông từ chối làm việc đó, khiến cho Hội đồng quản trị của UC buộc phải sa thải ông với tỉ số phiếu 14-8 trong đó có một phiếu của Reagan. Để đáp lại, một cách dí dỏm, Kerr tuyên bố rằng ông rời đại học California y như lúc ông bước vào nó: “thấm lửa nhiệt tình”. Nhưng trong vòng bạn bè thân thiết, ông cảm thấy sự sa thải phủ phàng đã làm tổn thương ông.

“Đại học không cam kết làm cho các ý tưởng an toàn cho sinh viên. Nó (ngược lại) cam kết làm cho sinh viên an toàn cho các ý tưởng. Do đó nó cho phép sự phát biểu tự do nhất các quan điểm trước sinh viên, tin tưởng vào tri giác tốt của họ trong việc đánh giá các quan điểm này. Chỉ bằng cách này đại học mới có thể phục vụ tốt nhất nền dân chủ Mỹ.”

như Kerr phát biểu năm 1961 bảo vệ quan điểm của mình khi ông cho phép một sinh viên cộng sản phát biểu tại đại học.

Sau khi Kerr ra đi, bạo loạn lại nổ ra khiến một người chết, hàng chục người khác bị thương. Reagan sau đó ra lệnh đưa vệ binh quốc gia tiến vào Berkeley, trung tâm của các sự nổi loạn. Mười ngày sau, gần 1.000 người bị bắt. “Sự hoà giải (conciliation), tôi tin thế, là cách tiếp cận ưu việt trong thế giới hàn lâm” chứ không phải bạo lực hoặc áp đặt, Kerr nói.

Ông yêu tự do, hiếu hoà và cởi mở, không thích mọi thứ giáo điều, theo tinh thần và đức hạnh của một người Quaker. Những người Quaker không có một mớ tín điều nào cố định để theo, và cũng không cho rằng con đường của họ là con đường duy nhất. Con đường tu thân của họ là một cuộc hành trình dài của trải nghiệm với trái tim luôn luôn rộng mở để sẳn sàng đón nhận những nhận thức mới.

Tôi muốn nói điều này: rằng một đại học được quản lý một phần dựa trên tự do. Một đại học không thể được quản lý như một nhà nước cảnh sát, hay ít nhất nó không thể được quản lý như một đại học tốt giống một nhà nước cảnh sát.

như Kerr tuyên bố trong buổi họp báo sau khi bị bãi chức. Và một cách gián tiếp để trả lời quyền lực chính trị ông phát biểu:

Và tôi không tin vào nguyên tắc rằng bởi vì có một thống đốc mới nên cần có một chủ tịch đại học mới. Điều này không bao giờ xảy ra tại các trường đại học công tốt ở Hoa Kỳ. Ngay cả điều đó cũng lỗi thời ở những đại học công tốt vừa phải hay yếu kém. Đó là khía ạnh tự chủ (của đại học). Tôi tin người dân của bang này cần thấu hiểu, và tôi tin phần lớn họ làm điều đó, rằng đại học có thể phụng sự cho nhân dân tốt nhất khi được quản lý dài hạn bằng (nguyên tắc quyền) tự chủ.

Các nhóm tôn giáo đã từng chiến đấu nhiều thế kỷ để được độc lập với quyền bính chính trị, với lý do rằng họ muốn phụng sự Thiên Chúa chứ không phải phụng sự Caesar, và tôi nghĩ một đại học (cũng) cần một sự tách biệt như thế giống như sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước: sự tách biệt giữa đại học và nhà nước. Thay vì nói phụng sự Thiên Chúa chứ không phải Caesar, tôi muốn nói phục vụ chân lý chứ không phải một đảng phái chính trị. (Memoir II)

Tại cuộc họp báo, ông được giới báo chí nhiệt liệt tán thưởng đứng kéo dài rất lâu, một hiện tượng hiếm thấy. Kerr muốn nói chân lý với quyền lực.

Không phải Kerr mới gặp khó khăn bây giờ. Khi Kerr được bầu làm chancellor (hiệu trưởng) đầu tiên của đại học Berkeley năm 1952, ông đã bị thẩm vấn bởi hàng loạt nhân viên tình báo của Uỷ ban điều tra về những hành động ‘un-american’, ‘không-Mỹ’. Ngày nọ, như ông kể, một người lạ mặt “bước vào văn phòng, ngồi xuống bàn làm việc của tôi, mở sổ ghi chép ra, và đặt cho tôi câu hỏi: ‘Ông là một người Mỹ 100 phần trăm?’ Tôi trả lời rằng tôi không thể trả lời câu hỏi đó, trừ khi ông định nghĩa rõ ‘một người Mỹ 100 phần trăm’ là gì. Ông nhìn tôi và nói: “Bất cứ ai không biết một người Mỹ 100 phần trăm là gì thì người đó là không-Mỹ. Rồi ông ta đóng ặp quyển sổ lại, cất bút, đứng lên và đi khỏi văn phòng tôi. Điều đó chắc đem lại một điểm đen trong hồ sơ tôi.” Đó chỉ là một trong rất nhiều chuyện ông bị theo dõi.

***


Bất ổn lịch sử không thể quên. Kerr là người tự do hoá hoạt động chính trị ở campus Berkeley khỏi nhiều giới hạn của người tiền nhiệm, cho phép sinh viên phát biểu ý kiến rộng rãi, kể cả những sinh viên cộng sản. Được dịp, phong trào viên quay chống lại chính Kerr, chống lại đa đại học của Kerr và những gì ông trình bày trong quyển sách Các công dụng của đại học. UC Berkeley, trong bảng xếp hạng năm 1964 giữa các đại học nghiên cứu Mỹ, được xem là “xuất sắc nhất” (most distinguished) và “cân đối nhất” (best balanced) của quốc gia, đồng thời cũng lại là cục nam châm thu hút mạnh mẽ nhất các hoạt động chính trị bất ổn của sinh viên như một ngòi pháo cho một phong trào sinh viên rộng lớn trên phạm vi quốc gia.

Mario Savio, người sinh viên lãnh đạo nổi bật nhất của Phong trào phát biểu tự do (Free Speech Movement tại UC Berkeley, 1964-65, sau đó chuyển thành phong trào chống chiến tranh Việt Nam, lan rộng trên toàn nước Mỹ) đã kêu gọi trong bài diễn văn lịch sử có tên ‘Một sự chấm dứt cho lịch sử’:

“Nhưng chúng ta chỉ là một mớ các nguyên liệu…Đừng nghĩ rằng chúng ta sẽ được chế biến thành một sản phẩm! Đừng nghĩ rằng chúng ta cuối cùng sẽ đưọc mua bởi những những khách hàng nào đó của Đại học, dù là chính quyền, kỹ nghệ, lao động được tổ chức, hay ai khác! Chúng ta là những con người!… Có một thời mà sự vận hành của cổ máy đã trở nên ghê tởm, làm cho các bạn bịnh hoạn đến tâm can, rằng bạn không thể tham gia được nữa. Các bạn cũng không thể tham gia thụ động nữa. Và bạn phải ném cơ thể bạn vào các bánh răng, bánh xe, lên các đòn bẩy và tất cả guồng máy để làm cho nó ngừng lại.”

Savio kết án đại học chỉ là “xí nghiệp sản xuất tri thức” mà Kerr là nhà ý thức hệ của nó. Đại học mà Kerr đã mô tả trong tác phẩm Các công dụng đại học trở thành mục tiêu đả phá.

Những bất ổn sinh viên có lẽ là lý do khiến cho Ronald Reagan dành chiến thắng bất ngờ trở thành thống đốc California để thực hiện cuộc “dẹp loạn” như ông đã hứa. Và Kerr bị kẹt giữa hai làn đạn của tả và hữu. Kerr là người tranh đấu cho tự chủ của đại học, và khi làm điều đó, ông đã trở thành một kẻ “tử vì dân chủ Mỹ”. Với ông, đại học vừa là người phụng sự xã hội, vừa là người phê phán, nên đã tạo ra những căng thẳng giữa đại học và những người đỡ đầu nó.

Sự cách chức Kerr đã tạo ra dư luận phẩn nộ trong giới học giả và sinh viên. Sinh viên biểu tình phảng kháng tại nhiều campus. Một biếm hoạ trên báo UCLA Daily Bruin vẻ Regean với bàn tay vấy máu và nước mắt cá sấu, ở phía sau là nạn nhân nằm chết với con dao đâm vào lưng, và đặt vào miệng thủ phạm: “Sự sa thải của TS Kerr đến với tôi trong sự ngạc nhiên hoàn toàn”. Hội đồng Hàn lâm của Berkeley triệu tập một buổi họp của giới giáo chức tại Sân khấu Hy Lạp để phản đối. Thẩm phán tối cao Earl Warren của Hoa Kỳ và ba lần thống đốc California đến dự.

***

Sống mãi. Nhưng tên tuổi của Kerr không lu mờ đi khi mất chức như thường thấy trong đời thường khi con người bị mất chức, mà ông vẫn tiếp tục toả sáng. Đương thời Kerr là người không bao giờ sợ mất chức, và vì thế giữ được tính độc lập của mình để sẳn sàng nói ‘không’ hay nói ‘có’ khi mình muốn. Một con người tự tin vào tầm nhìn, sức hiểu biết và tài năng của mình thì chẳng bao giờ biết sợ cả. Ông chống lại mọi đề nghị tăng lương thái quá cho ông từ Hội đồng quản trị, để ông bảo vệ sự độc lập, không sợ mất chức (lương ông lúc mất chức là $45.000/năm), không hề thuộc vào đồng tiền, tiền càng nhiều thì con người càng dễ bị sợ hãi, lệ thuộc, và bám víu. Ông không ngần ngại nói “không”, nói ngược lại quyền lực. Ngày nay lương các chủ tịch đại học tên tuổi Hoa Kỳ có thể lên đến nửa triệu đô năm, chưa kể các bổng lộc khác cũng rất lớn (!), một “tập tục” mà ngành giáo dục đại học đã “tiếp thu” từ thế giới kinh doanh, thông qua các công ty thuê người chuyên nghiệp, như người ta trách cứ.

Triết lý của Kerr có tiền lệ. Chủ tịch Eliot của Harvard đã từng biến đồng lương thấp thành đức hạnh quốc gia. Trong bài diễn văn nhậm chức năm 1869 ông viết đượm nét triết lý hy sinh của tôn giáo: “Sự nghèo khó của các học giả là vô giá trong quốc gia tiền đang vô này. Nó gìn giữ các tiêu chuẩn của đức hạnh và danh giá. Những thầy dòng nghèo khó, chứ không phải các giám mục, là những người cứu rỗi nhà thờ. Các học giả nghèo khó, và nhà thuyết pháp về bổn phận, bảo vệ cộng đồng hiện đại chống lại sự phồn vinh vật chất của nó. Sự xa xỉ và học thuật là những kẻ đồng giường xa lạ.” (Rudolph)

Người ta cho rằng ông dần dần ‘được biểu tượng hoá’ (canonized) trong lãnh vực giáo dục đại học. Được các đại học Harvard và Stanford mời, nhưng Kerr chọn vị trí người đứng đầu của Uỷ ban Carnegie về Giáo dục Đại học từ 1967-73, và của tổ chức tiếp theo là Hội đồng Carnegie về Nghiên cứu Chính sách, nơi ông đã công bố một loạt sách có giá trị về giáo dục đại học. Trong vòng 13 năm hoạt động tại Ủy ban và Hội đồng Quỹ Carnegie về giáo dục đại học, hơn 140 tập nghiên cứu và bình luận về giáo dục đại học được xuất bản, nhiều thứ trong đó được chính Kerr viết hay thảo ra. Đó là một công trình khảo sát toàn diện nhất về giáo dục đại học chưa từng có.

Ngoài ra ông cũng cho xuất bản nhiều quyển sách của riêng ông tiếp theo Các công dụng của đại học, đặc biệt hai quyển Memoir vào cuối đời ông, đúc kết lại những trải nghiệm của ông trong thời gian hoạt động tại Berkeley và Đại học California, 1949-1967, bộ sách rất có giá trị. Tất cả những bài viết của ông đều toát ra tinh thần khai sáng, tính học thuật cao và có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người đọc.

Thời gian trôi đi mang lại sự đánh giá mới về phong trào nổi loạn của sinh viên và Kerr. Tháng 5, 1974, Kerr được Hôị đồng quản trị cử làm President Emeritus và ca ngợi là ‘một trong những người khổng lồ của nền giáo dục Mỹ’. Ba thập kỷ sau, phong trào sinh viên được phục hồi. Những bậc thềm đi lên Giảng đường Sproul, nơi Mario Savio đã từng đọc diễn văn kêu gọi triệt hạ đại học, được mang tên Những bậc thềm Mario Savio. Tại buổi lễ đặt tên, một diễn giả đã nói lên niềm hy vọng rằng “mỗi thế hệ của sinh viên Berkeley sẽ đẻ ra một phần số người chống đối, nổi loạn, khuấy rối hoà bình, rằng họ sẽ tiếp tục kích động, rằng họ sẽ thử thách sự kiên nhẫn và lòng khoan dung của đại học. Sức khoẻ thực sự của đại học, sự lành mạnh và sự sống còn thực sự của quốc gia chúng ta tuỳ thuộc vào đó.” (Pelfrey)

Kerr có phải là “đỏ” như FBI đã gán hay không? Vào một ngày của năm 1934 Kerr dự một đại hội sinh viên gần UCLA, được tổ chức dưới ảnh hưởng của đảng cộng sản Mỹ. Ông ngồi cạnh một nữ sinh tóc nâu vàng khá ấn tượng tên Catherine ‘Kay’ Spaulding. Trong khi họ im lặng theo dõi các người của đảng chiếm lĩnh diễn đàn, Catherine chuyền cho Kerr một mẫu giấy viết tay: “Anh có phải là cộng sản không?” Kerr đáp lại: “Không”. Catherine viết tiếp: “Em cũng không”. Tám tháng sau, họ cưới nhau vào ngày Giáng Sinh năm đó.

Kerr mất trong một giấc ngủ yên lành vào ngày 1 tháng 12, 2003 ở El Cerrito, California, tại căn nhà riêng nhìn ra khu vịnh San Francisco, và Đại học California, campus Berkeley, hưởng thọ 92 tuổi. Ông bị thương khi té hai tuần trước đó. Kerr để lại vợ, hai con trai, một gái và nhiều cháu, cùng vô số bạn bè, đồng nghiệp, học trò và người ngưỡng mộ ông.

“Clark Kerr là một người khổng lồ của ngành giáo dục đại học Mỹ; và toàn cộng đồng Đại học California cùng đau buồn về sự ra đi của ông. Ông là chủ nhiệm của cộng đồng giáo dục đại học không những của California, mà còn của nước Mỹ, và chúng ta sẽ mãi mãi chịu ơn ông về những đóng góp ngoại hạng mà ông đã làm cho sự trác việt giáo dục và cơ hội.” (Robert C. Dynes, cựu chủ tịh UC)

“Clark Kerr là một chính khách xuất sắc nhất của quốc gia trong giáo dục đại học, nổi tiếng thế giới không những là một học giả và nhà lãnh đạo hàn lâm, mà còn một nhà nghiên cứu, một cây bút sâu sắc về vai trò của giáo dục đại học trong xã hội. Ông đã làm hơn bất cứ ai để đưa hệ thống UC lên con đường đến hiện trạng như ngày nay - khối cộng đồng tri thức hàng đầu của thế giới” - như cựu chủ tịch UC Richard Atkinson phát biểu trong lễ công bố Các bài giảng Clark Kerr về vai trò của giáo dục đại học trong xã hội, (The Clark Kerr Lectures On the Role of Higher Education in Society) được thành lập năm 2001 dưới sự bảo trợ của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học tại Campus Berkeley.

Kerr không những phụng sự đại học mà còn phụng sự đất nước ông, với tư cách là thành viên của nhiều ủy ban dưới thời Tổng thống Eisenhower, Kennedy và Johnson về các mục tiêu quốc gia, chủ tịch “Các triển vọng toàn cầu về giáo dục” mười năm, và chủ tịch Ủy ban Quốc gia về một cuộc dàn xếp chính trị tại Việt Nam, đơn cử vài trường hợp.

Ông được ngưỡng mộ như một nhà tư tưởng lớn, uyên thâm. Tầm nhìn sáng sủa, logic và thuyết phục của ông về những triển vọng và vấn đề của giáo dục đại học đã ảnh hưởng nhiều thế hệ của những nhà lãnh đạo chính trị và giáo dục. Kerr có biệt tài “nhìn vào hằng núi thông tin và nhận ra các mẫu vân cùng xu hướng trong khi những người khác chỉ thấy một mớ dữ kiện và thống kê lộn xộn.” (Pelfrey)

Đại học UC Santa Barbara trân trọng khắc câu nói của Kerr: Đại học không cam kết làm cho các ý tưởng an toàn cho sinh viên lên chiếc chuông treo tại Tháp Storke, như lúc nào cũng muốn nhắc nhở.

Năm 1968, Phân khu Berkeley của Hội đồng Hàn lâm (Academic Senate) của Đại học California cho ra đời ‘Giải thưởng Clark Kerr’ với Huy chương Clark Kerr dành cho những học giả có đóng góp xuất sắc cho ngành giáo dục đại học. Trong danh sách dài những người được giải, ngoài chính ông ra có những nhân vật tên tuổi như Thượng nghị sĩ J. William Fulbright, người sáng lập Chương trình Fulbright, Sir Eric Ashby, James Bryant Conant, cựu chủ tịch Harvard, David Riesman, cựu giáo sư xã hội học Harvard, Derek Bok, cựu chủ tịch Harvard, Henry Rosovsky của Harvard, Frank H. T. Rhodes của Cornell, Yuan T. Lee, giáo sư hoá tại UC Berkeley, giải Nobel 1986, Harold T. Shapiro, William G. Bowen, hai cựu chủ tịch Princeton. Năm 1964, Hiệp hội các Giáo sư Hoa Kỳ (AAUP) công nhận ông Giải thưởng Alexander Meiklejohn cho những đóng góp của ông vào Tự do học thuật. Ông nhận đươc nhiều phần thưởng danh dự khác từ các đại học của Hoa Kỳ và hải ngoại.

Sinh thời Kerr rất yêu thiên nhiên. Ông thích trồng những hàng hoa đẹp cho vợ ngắm, và những cây táo mà ông yêu thích. Lớn lên trên nông trại ở Pennsylvania, ông có đặc điểm rất thích táo; người ta bảo rằng từ lúc tuổi teen, Kerr đã có khả năng phân biệt đến năm mươi loại cây táo khác nhau vào mùa đông khi cây đã trụi lá. Để vinh danh ông về khả năng tri thức đặc biệt này, Đại học bang Pennsylvania lấy tên ông đặt cho vườn táo cổ xưa của mình. Táo tượng trưng cho tri thức và sự bất tử. Ngày 20 tháng 2, 2004, những giỏ táo đẹp đẽ đựng các loại táo mà ông ưa thích được trưng bày trân trọng trong lễ tưởng niệm đầy ý nghĩa dành cho ông. Những đóng góp trí tuệ của Clark Kerr cho nền Đại học California, và của cả Hoa Kỳ, là bất tử.



Каталог: HinhAnhSachHay -> Upload -> Ebook -> 2013

tải về 271.57 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương