DẤU Ấn văn hóA ẤN ĐỘ trong văn hóa chămpa cn. Ngô Thanh Mai Bộ môn Ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam Tóm tắt



tải về 98.89 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu10.03.2018
Kích98.89 Kb.
#36432
DẤU ẤN VĂN HÓA ẤN ĐỘ TRONG VĂN HÓA CHĂMPA
CN. Ngô Thanh Mai

Bộ môn Ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam


Tóm tắt

Vương quốc Chămpa xưa là một quốc gia cổ thuộc khu vực Đông Nam Á. Do có vị trí đặc biệt thuận lợi nên đây được coi là nơi giao lưu của các nền văn hóa lớn như Trung Hoa, Java... và đặc biệt là Ấn Độ . Văn hóa Ấn Độ có ảnh hưởng đến hầu hết các phương diện về văn hóa vật chất và tinh thần của người Chăm ở vương quốc cổ này. Dấu ấn của văn hóa Ấn Độ được thể hiện trên các khía cạnh: tôn giáo (Ấn Độ giáo và Phật giáo), chữ viết, văn học nghệ thuật (điêu khắc, âm nhạc, múa). Trải qua quá trình lịch sử dài lâu, Chămpa là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của Ấn Độ ổn định và rộng khắp các yếu tố của nền văn hóa đó. Và cũng chính vì vậy mà những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ trở nên bền vững và trở thành một yếu tố quan trọng cấu thành nền văn hóa Chăm cũng như sự hình thành và phát triển của vương quốc Chăm pa.



Từ khóa: Văn hóa giao lưu ảnh hưởng Ấn Độ Chămpa
Nội dung

I- NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ VĂN HÓA ẤN ĐỘ DU NHẬP VÀO CHĂMPA

Vương quốc Chămpa xưa là một quốc gia cổ thuộc khu vực Đông Nam Á. Khu vực Đông Nam Á nhất là bán đảo Đông Dương được xem như vùng “đệm” giữa hai nền văn minh lớn của nhân loại đó là Trung Quốc và Ấn Độ. Do đó nó là con đường để đi đến nhiều nơi, và là nơi gặp nhau của nhiều nền văn minh lớn như Trung Hoa, Ấn Độ, Java, ... Vì vậy mà nơi đây được coi là điểm hội tụ của nhiều nền văn minh lớn trong đó có Ấn Độ.

Do nằm ở vị trí địa lý thuận lợi bên bờ biển Đông, do có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mà Ấn Độ thời cổ cần, nên ngay những thế kỷ đầu công nguyên, những thương nhân Ấn, trên đường tìm hương liệu và vàng, đã đặt lên vùng đất ven biển miền Trung Việt Nam mà sau này nơi đó trở thành vương quốc cổ Chămpa. Dù cho đến nay, chưa tìm thấy dấu tích nào chứng tỏ về những trung tâm mua bán của người Ấn ở Chămpa, nhưng có thể là những cảng lớn của Chămpa như Chiêm cảng (gần cửa Hội An), Châu Sa (Quảng Ngãi), Thị Nại (Quy Nhơn), Nha Trang (tên xưa là Kauthara), Panduranga (Phan Rang)... là những địa điểm tốt để những thương nhân người Ấn ở những trung tâm mua bán sầm uất.

Ngoài ra, để giao lưu buôn bán mà có thể các nhà buôn Ấn đã phải lấy người con gái bản xứ để có thể giao tiếp vì không có người phiên dịch và cũng như truyền bá một số nghi thức của họ để tiện việc phát triển buôn bán sau này.

Theo các nhà nghiên cứu, ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ đến Đông Nam Á nói chung và Chăm pa nói riêng chủ yếu là sự bành trướng của một nền văn hóa có tổ chức, dựa trên quan điểm của Ấn Độ về vương quyền mà tiêu biểu là Ấn Độ giáo hoặc Phật Giáo. Người Ấn không hề tiến hành ở Chămpa một cuộc xâm lược vũ trang nào và cũng không hề thôn tính tên tuổi của một quốc gia hoặc một đô thị nào. Các vương quốc “Ấn Độ hóa” chỉ có những quan hệ về mặt truyền thống với các triều vua Ấn Độ mà không lệ thuộc về chính trị. Điều này khác hẳn sự bành trướng bằng bạo lực, bằng chinh phục của người Trung Hoa. Vì thế những nước mà Ấn Độ chinh phục bằng cách hòa bình và bằng những ảnh hưởng văn hóa vẫn duy trì được bản chất của mình và phát huy nó lên. Và điển hình cho sự ảnh hưởng này là Chămpa.

II- DẤU ẤN VĂN HÓA ẤN ĐỘ TRONG VĂN HÓA CHĂMPA

1. Tôn giáo

Cho đến ngày nay, chúng ta chưa tìm thấy một tư liệu nào về việc truyền bá tôn giáo của Ấn Độ vào Chămpa. Tuy nhiên ở ngay những thế kỷ đầu công nguyên, các tôn giáo của Ấn Độ đã có mặt thuộc vùng đất của Chămpa sau này.



a. Ấn Độ giáo

Ấn Độ giáo được du nhập vào Chămpa cùng với Phật giáo vào đầu công nguyên, được nhân dân và triều đình tiếp nhận. Dựa vào các bia ký, các công trình kiến trúc, các tác phẩm điêu khắc Chăm chúng ta có thể khẳng định cư dân Chăm theo Ấn Độ giáo

Các bia ký trước thế kỷ VII cho chúng ta biết nhiều về Balamôn giáo . Bốn bia ký bằng chử Phạn Pallaya tìm thấy ở Quảng Nam và Phú Yên của vua Bhadravarman có ghi chép về vị thần Bhadresvaramin. Ba trong bốn bia ký đó có ghi nhận lãnh địa dành cho vị thần này. Còn bia ký ở Mỹ Sơn thì nói đến sự thành kính dành cho Mahesvara, Uma, Brahma, Visnu…

Từ đầu thế kỷ VII, chúng ta biết về tôn giáo Chămpa qua những bia ký của vua Sambhuvarman. Theo các chuyên gia, dưới thời Vua này trị vì, một thánh đường (hoặc lãnh địa) thần của các thần (deva devàlaya) nghĩa là của Bhadresvara đã bị đốt phá và được vua phục hồi lại. Từ đây, vị thần được đổi tên lại là Sambhubhadresvara, còn thánh đường thì trở thành thánh đường quốc gia của nước Chămpa. Bia ký nói rằng Sambhubhadresvara có thể “đem lại hạnh phúc cho đất nước Chămpa” (ghi chép xưa nhất về cái tên Chămpa trong bia ký), một bia ký khác nói tới việc xây dựng một bàn thờ, một bệ (vedi) bằng gạch bọc bạc và ở trên có đặt một bức tượng của Laksmi. Như vậy, cho đến thế kỷ VII, Ấn Độ giáo mà chủ yếu là Siva giáo đã trở thnàh tôn giáo chính thống của các vua chúa Chămpa, đã ra đời cả một thánh địa tôn giáo – khu Mỹ Sơn, đã mọc lên nhiều đền thờ các thần Ấn giáo và nhiều tượng thần dưới những hình dáng khác nhau được làm ra để thờ phụng.

Sau thời vua Sambhuvaman (595-629), đất nước Chămpa trải qua một thời kỳ bất ổn, đến thời vua Vikrantavarman I (653-685) thì Chămpa mới ổn định và phát triển, sự thịnh đạt của Chămpa kéo dài qua thời kỳ của vua Vikrantavarman II (686-731). Qua những bia ký còn lại của hai vị vua này, chúng ta biết thêm nhiều về những ảnh hưởng của Ấn Độ đối với tôn giáo Chămpa. Các bia ký còn chứng minh tầm quan trọng của khu vực Mỹ Sơn và tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của Siva: “đáng kính trọng hơn Brahma, Visnu, Indra, Surya, Asura, hơn những vị Bàlamôn và hơn những Rsi, các vua chúa”. Và các bia ký thời vua Vikrantavaman I và II, chúng ta còn biết được, Visnu giáo tồn tại song song với Siva giáo. Có 2 bia ký nói tới Visnu Purusottama (đấng tối cao), “vị thầy của các thế giới được dựng lên theo lệnh nhà vua”. Bia ký tìm thấy ở Trà Kiệu thì thuật lại việc xây dựng lại một thánh đường của đại Rsi Valmiki (tác giả của bộ sử thi Ramayana).

Qua những bia ký thể hiện những hình ảnh của Ấn Độ giáo trong tôn giáo của người Chămpa đã phần nào khẳng định được sự tồn tại khá quan trọng trong sự tín ngưỡng tôn giáo của người Chăm, không chỉ vậy mà người Chăm còn cải biến cho phù hợp với nền văn hóa bản địa. Trong quá trình tồn tại, tôn giáo này đã phát triển riêng trong hoàn cảnh riêng của người Chăm và tương ứng với sự phát triển của lịch sử-văn hóa-xã hội Chămpa.

Tiếp theo là những bia ký của Satyvarman và Vikrantavarman III ở Pô Nagar (Nha Trang) có nói tới một linga được trang trí của người thầy của nữ thần Bhagavati. Ba bia ký (hai của Indravaman I và một của Vikrantavarman III ) tìm thấy ở Phan Rang nói nhiều tới Visnu giáo. Nhà vua còn so sánh mình với Vikrama.

Ngoài bia ký của vua, bia ký của các triều thần cũng cung cấp cho chúng ta nhiều tài liệu quý về tôn giáo Chămpa thời Hoàn Vương. Quan trọng nhất vẫn là tấm bia ký của Senapati Par – Tổng đốc tỉnh Pandurangapura – được tìm thấy ở Pô Nagar. Bia ca ngợi vị tổng đốc “như một Narayana (Visnu) hiện thân” và cánh tay của ông được so với “con rắn nâng cái dĩa trái đất chìm đắm trong đại dương của thời đại Kali”.

Tấm bia ở Bò Mưng xuất xứ từ một lâu đài đã bị phá hủy cách Đà Nẵng 15 km của vị thượng thư của vua Indravarnam II tên là Manicaitya. Văn bản tấm bia mang màu sắc Siva giáo. Nội dung tấm bia nói rằng vị thượng thư đã dựng một Mahalingadeva (thần đại linga) thờ cha ông và một tượng Mahàdevi (đại nữ thần) cho Mẹ ông. Rõ ràng là bia ký đã nói tới những cơ sở tôn giáo dành cho tổ tiên và ngẫu tượng để thờ phụng.

Những vị vua tiếp theo sau Jaya Paramesvaravarman là Bhadravarman III và Ruđravarman III cũng có những tấm bia ký như bia ký ở Pô Nagar của Rudravarman III có niên đại 1064 kể về những tặng phẩm của vua dâng cho vị thần Yan Pu Nagara. Ngoài ra, vua còn cho xây cho thần một bên tượng, một cổng (torana), và đã cầu nguyện Bhagavati – nữ thần của đô thị , “người vợ thần thánh có trăng lưỡi liềm tỏa sáng” (vợ Siva).

Từ năm 1074, khi Harivarman IV lên ngôi, ông đã cho lập nhiều đền thờ ở Mỹ Sơn. Bia Mỹ Sơn D3 ca ngợi và so sánh vua với các vị thần Ấn Độ: Krisna, Kama, Indra, Brahama và Siva – gần hết các vị thần chính của Ấn Độ giáo (cả Siva và Visnu).

Không chỉ vua mà ngay cả Pô Nagar – nữ thần bản đại cao nhất của Chămpa cũng được thờ phụng như một người vợ của Siva – nữ thần Bhagavati.

Những bia ký, những đền đài tượng thờ cũng đã phần nào thể hiện rõ được màu sắc tôn giáo của Chămpa là Ấn độ giáo, nó được du nhập vào Chămpa và trở thành tôn giáo chính của quốc gia cổ đại này. Tuy chưa tìm thấy được con đường du nhập những phải khẳng định đó là quốc giáo của Chămpa trong cả một thời kỳ dài, điều đó cho thấy được văn hóa Chămpa có sự giao lưu với văn hóa Ấn Độ.

b. Phật giáo

Cũng như Ấn Độ giáo thì Phật giáo cũng được du nhập vào Chămpa từ Ấn Độ chứ không phải từ Trung Quốc.

Bằng chứng đầu tiên để cho thấy Phật giáo đã có mặt ở Chămpa rất sớm, đầu tiên đó là tấm bia Võ Cạnh (gần Nha Trang) có niên đại thế kỷ III – IV. Chỉ qua vài dòng chữ Phạn viết theo kiểu chữ Amaravati như “Lokasyàya gatàgati” (sự chết hoặc sự phục sinh của thế giới này) hay “Prajànàn kaura” (từ bi trắc ẩn đối với chúng sinh), các nhà khoa học cho rằng , nội dung của tấm bia toát lên tư tưởng của Phật giáo. Với tấm bia Võ Cạnh, chúng ta có một bằng chứng vật chất đầu tiên và cổ nhất ở Đông Nam Á nói về Phật giáo ở khu vực này.

Bằng chứng thứ hai về Phật giáo thời kỳ đầu ở Chămpa là pho tượng Phật bằng đồng có niên đại từ thế kỷ IV đến đầu thế kỷ VI tìm thấy ở Đồng Dương. VÌ pho tượng gần như giống hoàn toàn với phong cách tượng Phật Amaravati của Ấn Độ, nên các nhà nghiên cứu còn nghĩ rằng tượng Phật Đồng Dương có thể đem từ Ấn Độ tới.

Ngoài tượng Phật Đồng Dương, còn tìm được thân tượng Phật ở Quảng Khê (Quảng Bình) và hình Phật trên phù điêu ở Phước Tịnh (phú Yên). Thân tượng ở Quảng Khê gần với kiểu tượng Ấn Độ thế kỷ IV – VI ở Bagh II và Ajanta X, còn phù điêu Phước Tịnh cũng thuộc thế kỷ IV – VI và gần với nghệ thuật tượng Phật Môn – Dvaravati.

Các sử liệu Trung Quốc còn cho ta biết đôi điều về Phật Giáo ở Chămpa buổi đầu. Nhà sư Nghĩa Tịnh đã coi Chămpa thế kỷ VII là một quốc gia kính mến học thuyết Phật thích ca. Vào đời nhà Tùy năm Đại Nghiệp thứ nhất 605, Lưu Phương đem quân từ Giao Châu đi đánh Lâm Ấp và chiếm được quốc đô. Lưu Phương vào thành bắt hết người Chăm, thu được 18 thần chủ bằng vàng thờ trong miếu, hơn 1350 bộ kinh Phật và nhiều sách viết bằng chữ Chiêm bà. Cho đến vương triều đầu tiên của vương quốc Chămpa – vương triều Gangaraji (cuối thế kỷ II – đầu thế kỷ X), Phật Giáo đã phổ biến rộng rãi ở khu vực phía Bắc (vùng Amaravati xưa) của Chămpa.

Thời Indrapura có để lại một số bia thuần mang nội dung Phật Giáo đại thừa. bia thứ nhất trong số này là bia An Thái (Quảng Nam) có niêm đại năm 902 của một vị triều thần tên là Sthavira Nagapuspa. Mục đích dựng bia là việc cúng hiến một Lokanatha cho tu viện Pramuditalokesvara. Đoạn trình bày về tôn giáo ca ngợi Avalokitesvara xuất hiện như một đấng đại từ bi trắc ẩn đã cho phép tất cả những người phạm tội thoát khỏi địa ngục để Vajrapani giải phóng cho họ và đưa họ vào con đường của Phật.

Tấm bia ký thứ hai hoàn toàn mang tư tưởng Phật giáo đại thừa là bia ký Kon klor, có niên đại 914, của một triều thần tên là Mahindravaman, bia ký nói về một cơ sở Phật giáo của ông có tên là Mahindra – Lokesvara.

Từ sau thế kỷ X, Phật giáo đã giảm dần ảnh hưởng trước Ấn giáo, nhất là ở Phía nam, tập trung nhiều hơn ở phía Bắc vương quốc Chămpa.

Dựa vào hình thức thể hiện thì Chămpa đã tiếp nhận gần như trọn vẹn cả hai tôn giáo lớn của Ấn Độ là Ấn Độ giáo và Phật giáo. Hầu như các vị thần chính của Ấn giáo là Siva, Visnu, Brahama đều được thờ phụg ở Chămpa. Theo Paul Mus thống kê trong tổng số 128 bia ký quan trọng nhất tìm thấy ở Chămpa thì 21 bia không đề cặp đến một vị thần nào, 92 bia nói về Siva và các thần Siva giáo, 3 bia nói về Visnu, 5 bia Brahma, và 7 bia nói về Phật.

Nói chung, từ những khái quát về lịch sử du nhập cũng như sự tiếp nhận những tôn giáo Ấn Độ ở Chămpa trong suốt quá trình lịch sử thì có thể nói rằng:

Suốt hơn 12 thế kỷ tồn tại, Chămpa liên tục lấy những tôn giáo Ấn Độ làm tôn giáo của mình.

Ở Chămpa không có kỳ thị tôn giáo, mà nó bao trùm lịch sử lên lịch sử của quốc gia cổ này. Người Chămpa tiếp nhận cả đức hiếu sinh, từ bi của Phật giáo, tình thương của Visnu và cả tính hung bạo và quyền lực của Siva giáo.

Tuy nhiên, người dân Chămpa không bao giờ từ bỏ tất cả những gì mình có để theo các tôn giáo Ấn Độ một cách thụ động. Ngay từ những ngày đầu lập quốc, người dân Chămpa đã dùng những hình thức của tôn giáo Ấn Độ phủ lên những tín ngưỡng tôn giáo bản địa của mình để tạo ra một thứ tôn giáo khá riêng cho Chămpa, mà một trong những biểu hiện rõ nét là việc thờ phụng tổ tiên và các vị thần bản địa dưới dạng các vị thần của Ấn Độ.



2. Chữ viết

Qua những gì hiện còn và được biết, chúng ta đã thấy chữ Phạn Sanskrit đã được người Chămpa tiếp thu từ những thế kỉ đầu công nguyên. Bia Võ Cạnh với cách viết rất gần với kiểu viết của các bia ký Amaravati ở Nam Ấn Độ đã được các nhà nghiên cứu định niên đại ở thế kỉ III-IV là bằng chứng đầu tiên về sự du nhập chữ Phạn vào Champa. Từ thời điểm đó cho tới khi vương quốc Champa chấm dứt sự tồn tại của mình, chữ Phạn luôn là chữ viết được dùng trong triều đại Champa. Do chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của văn hóa Ấn Độ cho nên có một điều rất đặc biệt là sự biến dạng tự chữ Phạn ở Chămpa gần như đồng thời với sự biến đổi ở Ấn Độ.

Nếu nhìn vào sự tiến triển của văn tự Sanskrit ở CHămpa, ta thấy từ trước thế kỷ IV – bia Võ Cạnh là tài liệu duy nhất – chữ viết có dạng cong của Nam Ấn; rồi sau đó, trong những thế kỷ VI -> VIII chử Phạn ở Chămpa lại có dạng tự vuông của Bắc Ấn; rồi từ thế kỷ VIII trở đi, dạng tự chữ Phạn của Chămpa chuyển sang kiểu tròn của Nam Ấn. Ngay từ sự diễn biến của chữ Phạn ở Chămpa cũng phần nào chứng tỏ giữa Ấn Độ và Chămpa thời cổ luôn có sự giao lưu thường xuyên về văn hóa.

Vào thế kỷ IV, V, vua Bhadravarman đã cho khắc tấm bia (bia Đông Yên Châu) bằng chữ Chămpa có nói về vị thánh Naga của nhà vua, xét về dạng từ, chữ Chămpa cổ được viết theo dạng cong như của Nam Ấn. Và ở bia này thì cũng đã xuất hiện xu hướng cải biến văn tự kiểu chữ thảo (chữ cong – akhar tharah) của Ấn Độ bằng cách bỏ các ký hiệu phụ ghi âm vốn không có trong tiếng Chăm. Sau đó một số ký hiệu được bổ sung, một số ký hiệu viết trên hoặc dước dòng được đưa về cùng hàng với ký hiệu cơ bản. Theo các nhà nghiên cứu, tiếng Chăm có 65 ký hiệu, trong đó có 41 chữ cái (6 nguyên âm và 35 phụ âm) và 24 chân chữ bắt nguồn từ hệ thống chử thảo (akhar thrah) của Ấn Độ. Theo nhà nghiên cứu ngôn ngữ và chữ viết Chăm nổi tiếng A. Cabaton cho rằng, trong suốt quá trình lịch sử, người Chăm đã dùng một số kiểu chữ Ấn Độ như akhar rik (chữ thánh), akhar tapuk ( chữ sách), akhar ator (chữ treo), và phổ biến hơn cả là chữ thảo (akhar thrah). Chữ thảo là loại chữ mà người Chăm hiện nay còn sử dụng.

Do chịu sự ảnh hưởng khá sâu sắc của văn hóa Ấn Độ, cho nên, cũng như ở các nước ĐNA khác, vua chúa Chămpa thường dùng chữ Phạn để bày tỏ ý tưởng của mình đối với các thần linh. Các bia ký Chămpa bằng chữ Phạn được viết chủ yếu theo những thể thơ phổ biến của Ấn Độ như: Arya, Slôca, Upajati, Malini, Sikharini, SardulaviKridita, …

Nói chung thì cũng như về đời sống chính trị, tôn giáo, hầu như tất cả những trước tác về pháp luật, chính trị, tôn giáo của Ấn Độ đều đã có mặt ở Chămpa, được các vua chúa Chămpa rất ưa thích. Và chìa khóa để đến với điều đó là chữu viết, vì vậy cho ta thấy được cũng như tôn giáo thì chữ viết cũng ảnh hưởng từ Trung Quốc.



3. Văn học – Nghệ thuật

a. Văn học

Do nhiều nguyên nhân lịch sử, mà chúng ta hiện nay không có một văn bản năn học cổ nào của Chămpa. Nhưng bia kí và những tác phẩm nghệ thuật diêu khắc lại cho biết hầu như tất cả tác phẩm văn học cổ đại nổi tiếng của Ấn Độ đều đã có mặt và được biết đến ở Champa. Bia kí thế kỉ VII-VIII của hai vị vua Vikrantavarman I và II có nói tới việc dựng đền thờ cho “đại Rsi Valmiki”, tác giả của bộ sử thi cổ đại nổi tiếng Ramayana của Ấn Độ. Việc thờ Valmiki chứng tỏ ngay từ thế kỉ VII, tác Phẩm Ramayana của Ấn Độ đã được biết đến ở Champa. Bằng chứng là, trong Lĩnh Nam chích quái, tập truyện cổ dân gian thế kỉ XV của người Việt do Vũ Quỳnh – Kiều Phú biên soạn có truyện Da Thoa hay còn có tên khác là Chiêm Thành truyện. Tuy rất ngắn nhưng lại tóm tắt được hầu như toàn bộ nội dung sử thi Ramayana.

Có lẽ hiện vật vật chất duy nhất còn lại chứng tỏ sự hiện diện của sử thi Ramayana là bốn bức phù điêu thế kỉ X (Bảo tàng Chăm Đà Nẵng) minh họa một vài cảnh được rút ra từ sử thi, tuy không đầy đủ nhưng dễ nhận ra các nhân chính của sử thi là Rama, Sita, Hanuman, Lashman,… trên bốn bức phù điêu của Champa.

Các bia kí ở Đồng Dương và Pô Naga nói tới các vị tổ huyền thoại của các vị vua Champa là những người trong dòng họ Pandava đã phần nào nói lên sự phổ biến của bộ sử thi nổi tiếng thứ hai của Ấn Độ - sử thi Mahabharata - ở Champa. Theo những nghiên cứu gần đây, bức phù điêu mang kí hiệu 47-7 ở bảo tàng Chăm - Đà Nẵng có xuất xứ từ thành Bình Định thể hiện cảnh Ácgiunna cùng hoàng tử Utara ra trận, một trong những tình tiết quan trọng của sử thi Mahabharata. Những hình khắc trên bốn mặt của bệ tượng Trà Kiệu (thế kỷ X) nổi tiếng thể hiện cảnh tượng tiêu biểu rút ra từ bộ Bhagavata purana. Như vậy là không chỉ là các bộ sử thi mà các truyện cổ tích (purana) của Ấn Độ đã có mặt ở Chămpa.

Ngoài những hình phù điêu thể hiện các nội dung một thần thoại hay truyền thuyết Ấn Độ nào đó, hàng chục hình ảnh tượng trưng trên phù điêu đá của Chămpa cũng là hình ảnh những vị thần của hệ thống thần thoại Ấn Độ, trên các điêu khắc Chămpa hình ảnh của hầu như tất cả các vị thần lớn nhỏ của Ấn Độ: Brahama cùng vợ là Krisna; Siva cùng các vợ là Uma, Bhagavati, Durga và các con là Skanda và Ganesa, các tiên nữ Apsara và các nhạc công thiên giới Gandharva.

Như vậy, qua bia kí và những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, chúng ta thấy ở Champa đã có mặt hầu như toàn bộ những tác phẩm văn học nổi tiếng cũng như các hệ thống thần thoại và truyền thuyết thuộc những tôn giáo khác nhau của Ấn Độ.



b. Nghệ thuật

- Điêu khắc

Ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên , nghệ thuật điêu khắc tôn giáo của Ấn Độ đã du nhập vào Chămpa và được người Chăm pa tiếp nhận. Những tác phẩm của phong cách Mỹ Sơn E1 phản ánh ảnh hưởng nghệ thuật Dvaravati và miền Nam Ấn Độ. Tiêu biểu cho phong cách Mỹ Sơn E 1 là ở bệ thờ bên trong tháp làm bằng đá cát kết có hình dạng linga tượng trưng cho ngọn núi là nhà của thần Si-va, xung quanh có chạm các tu sĩ đang tu luyện trong rừng núi hay hang động, với các hình dạng như đang chơi các loại nhạc cụ khác nhau, đang giáo hóa cho các loài vật và cả đang thư giãn. Một công trình tiêu biểu nữa là phù điêu ở trên lối vào chính chạm khắc buổi bình minh thời đại theo thần thoại Ấn độ. Thần Visnu đang nằm ngủ ở dưới đáy biển, trên giường là rắn thần Sesha. Một bông hoa sen từ từ mọc lên từ rốn của thần. Thần Brahma từ từ đứng lên trong bông hoa sen đó để tạo ra cả vũ trụ này.

Cũng như ở Ấn Độ, nghệ thuật điêu khắc Chămpa chủ yếu là nghệ thuật tôn giáo và phục vụ cho việc thờ cúng thần linh. Thế nhưng ở Chămpa tôn giáo và vương quyền gần như hòa quyện vào nhau, tôn thờ thần linh đồng nghĩa với tôn thờ vua. Vì vậy nghệ thuật điêu khắc cổ Chămpa có thêm một chức năng mới: phụng sự vương quyền, và do đó rất được vua chúa và tầng lớp trên coi trọng. Các vua Chămpa thường xuyên dâng cúng tượng thờ cho các điện tháp và luôn quan tâm đến việc bảo vệ giữ gìn các hình tượng thờ cúng. Đó chính là nguyên nhân quan trọng khiến cho nghệ thuật điêu khắc mang tính tôn giáo của Ấn Độ có điều kiện nhanh chóng phát triển ở Chămpa. Vì mang thêm chức năng phục vụ cho vương quyền, nên mặc dù vẫn tuân theo những thánh thức của Ấn Độ, điêu khăc Chămpa đã chuyển sang một hướng mới: tập trung thể hiện biểu tượng và các hìn ảnh của các vị thần, vì thần chính là vua là các tổ tiên của hoàng gia.

Cũng như kiến trúc, trước thế kỷ VII điêu khắc Chăm pa rất gần gũi với phong cách nghệ thuật Ấn Độ. Các tháp thuộc giai đoạn này đều đơn giản, làm bằng gạch nung màu đỏ, có chân đế là một khối hình chữ nhật, các mặt tháp đều có bố trí mi cửa ẩn, trừ hướng có cửa chính, trên đó có nhiều hình điều khắc của các vị thần. Mi cửa được đỡ bằng bộ khung các trụ bổ tường cao và hẹp cùng các đầu cột xòe ngang. Cũng chính các trụ bổ tường này đỡ vòm cửa. Trên vòm và trên các trụ bổ tường có chạm khắc các phù điêu theo thần thoại Ấn độ, với các chạm khắc tập trung chính ở đầu cột. Mái tháp thường gồm ba tầng, mỗi tầng đều có bao lơn nhỏ ở phía trên mi cửa. Bên trong tháp đều có bệ thờ với hình ảnh triều đình theo kiểu Ấn độ.

Từ thế kỷ VII trở về sau, các nhà điêu khắc Chăm pa đã tạo cho mình những phong cách riêng như Đồng Dương thì mạnh mẽ khỏe khoắn, trang nhã của Trà Kiệu, thô phác và cầu kỳ của Tháp Mẫm, nhưng qua đó vẫn có những hình tượng và đề tài Ấn Độ. Sự có mặt của tượng Phật ở Chăm pa trong giai đoạn Sinhapura, trong nhóm “tượng Phật giáo” có những phù điêu tượng Phật ngồi trên gắn Nagar giữa hai stupa ở Phước Tịnh, Phú Yên, được Pierre Dupont cho là có liên quan đến nghệ thuật Dvaravati. Rồi như chiếc lá nhĩ ở Mỹ Sơn F1 thể hiện cảnh quỷ Ravana lay động núi Kailasa là một trong những những chủ đề điêu khắc rất phổ biến của Ấn Độ.

Trước khi có sự ảnh hưởng của Ấn Độ, ở Chăm pa chưa có truyền thống xây dựng đền tháp mang tính biểu tượng sâu sắc và bằng vật liệu bền, chưa quen việc thể hiện các hình tượng lên trên mặt đá như ở Ấn Độ, nên người Chăm pa đã tiếp nhận một cách triệt để nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của người Ấn, hầu hết các mô hình đền tháp cũng như các hình tượng thần linh... của kiến trúc và điêu khắc Chăm pa đều có nguồn gốc từ Ấn Độ. Cũng như ở Ấn Độ, những đền tháp lớn của Chăm pa là hình ảnh cho biểu tượng thần núi Mêru. Tuy nhiên dần về sau này, do bản địa hóa mà trong điêu khắc của mình các nhà điêu khắc Chăm pa đã có những lối sáng tạo riêng, tuy nhiên qua đó vẫn là những hình ảnh những câu chuyện của Ấn Độ vẫn được sử dụng trong điêu khắc của người Chăm.



- Âm nhạc

Cho đến nay không có 1 văn bản nào nói về âm nhạc của vương quốc Chămpa, vì vậy mà nguồn tài liệu duy nhất giúp chúng ta hiểu về nền âm nhạc là chỉ qua những hình điêu khắc đá. Đối với người Chăm, âm nhạc có vai trò rất quan trọng, nhất là đối với các lễ nghi và lễ hội mang tính tôn giáo.

Ấn Độ có tác động mạnh mẽ đối với âm nhạc cổ Chămpa. Tuy không nhiều nhưng những truyền thống âm nhạc xưa của Ấn Độ vẫn còn phảng phất ít nhiều trong âm nhạc hiện đại của người Chăm.

Trong dàn nhạc truyền thống của người Chăm gần giống như ở Ấn Độ, các loại trống bao giờ cũng giữ một vai trò quan trọng, hầu như xuất hiện trong mọi dàn nhạc lớn nhỏ. Nếu phân tích kỹ hơn ta sẽ thấy trống kynăng của người Chăm có nhiều nét tương đồng với trống tabla và trống mriđăng của Ấn Độ. Trống mriđăng là kiểu trống cổ nhất ở Ấn Độ (phổ biến ở miền Nam Ấn Độ), hiện nay trống mriđăng được làm bằng gỗ, hai mặt trống bọc bằng da dê và được giữ bằng dây da nối với nhau qua tang trống, giữ một mặt trống được đắp nổi một cái u bằng cơm dính, còn mặt kia để trơn. Ngoài mriđăng, trong dàn nhạc còn có các loại trống khác như Maddalam, Chela.

Trong khi đó ở Bắc Ấn Độ, lại phổ biến hai loại trống Phavat và Tabla, phavat về cơ bản giống trống mriđăng, còn tabla lại có cấu tạo hệt như tách đôi hai mặt của mriđăng. Khi đánh nhạc công dùng tay trái vỗ lên một mặt, tay phải vỗ lên mặt kia.

Như trống mriđăng, trống kynăng có hai mặt định âm: mặt dương tạo âm vang khỏe, mặt âm tạo âm đục, trầm: như tabla, trống kynăng được dùng theo từng cặp. Còn hai thanh chính là “pìng” (trầm) và “pik” (bổng) của trống baranưng lại như mô phỏng chức năng của hai mặt trống mriđăng.

Cả 2 loại trống mriđăng và tabla đều đã có mặt trên những hình khắc của Chămpa (trống mriđăng ở các lá nhĩ Mỹ Sơn C1, A`1 và mriđăng ở nhà Chánh Lộ; trống tabla ở phù điêu Phong Lệ).

Hiện vật tìm thấy là nhạc công ở bệ vũ nữ Trà Kiệu đang chơi một nhạc cụ 7 dây (đàn thất huyền) mà tang là nữa quả bầu. Có thể nói, cũng như ở bệ tượng , vũ nữ và nhạc công đang múa và đang chơi một nhạc cụ Ấn Độ-đàn vina. Đàn vina, ở Ấn Độ từ xưa tới nay được coi là nhạc cụ truyền thống tiêu biểu nhất, và ở Chămpa, ta thấy xuất hiện 2 kiểu vina: kiểu cổ và kiểu mới, kiểu vina thụ cầm, như những tài liệu điêu khắc thể hiện, có mặt ở Chămpa ngay ở giai đoạn trước thế kỷ VII (đài thờ Mỹ Sơn E1) và còn tồn tạo cho đến thế kỷ X (lá nhĩ thể hiện Siva đang múa ở Phong Lệ). Ở thế kỷ X, (nhạc công của phong cách Trà Kiệu), kiểu đàn vina mà bầu cộng hưởng tròn làm bằng vỏ quả bầu và phím dài đã phổ biến trong các dàn nhạc Chămpa. Như vậy chỉ qua cây đàn vina, ta đã thấy hai đợt ảnh hưởng của Ấn Độ tới Chămpa, là trước thế kỷ VII và thế kỷ VIII.

Như đã thấy thì âm nhạc của Ấn Độ ảnh hưởng rất nhiều đến âm nhạc của Chămpa, hầu như toàn bộ những nhạc cụ truyền thống của Ấn Độ đều có ở Chămpa và nó được thể hiện qua các điêu khắc.

- Múa

Có thể nói vì nghệ thuật múa Ấn Độ mang tính chất nhà nghề cao, nên hiện nay trong nghệ thuật múa hiện đại người của người Chăm, chúng ta ít thấy những ảnh xạ của truyền thống Ấn Độ. Và có một điều là múa Chămpa hiện nay còn không ít những yếu tố của nguồn gốc từ Ấn Độ: vai trò của các vũ nữ tại các lễ hội ở các đền tháp (dấu ấn của các vũ nữ chuyên phục vụ các thần của Ấn Độ giáo), tính độc diễn của từng vũ nữ, tính chuyên nghiệp và có bài bản, ngôn ngữ hình tượng của các động tác tay, chân và thân mình; vai trò của tiếng trống với các điệu múa, có thể là những gì còn lại của truyền thống Ấn Độ xưa trong nghệ thuật múa hiện đại của người Chăm. Ví dụ ở Ấn Độ có những điệu múa dân chài kolyahca và điệu múa karakun (múa đội hũ gạo lên đầu) kiểu như múa vãi chài và múa đóa pu của người Chăm hiện đại.

Mặc dù chỉ được biết qua những hình ảnh khắc chạm trên đá, chúng ta đã thấy phần nào vai trò to lớn như thế nào của truyền thống Ấn Độ đối với nghệ thuật âm nhạc và múa của Champa. Ở đài thờ Mỹ Sơn E1 có hình hai nhạc công: một thổi sáo và một đánh thụ cầm, và hình ba vũ nữ đang múa, trên mặt đứng của bậc tam cấp, ba vũ nữ trình diễn điệu múa nào đó với chiếc khăn trong tay dang rộng giơ lên cao với đôi chân hoặc choãi rộng ra ở vũ nữ trung tâm hoặc một chân choãi một chân gập ở hai vũ nữ hai bên, các vũ nữ mặc y phục, động tác và tư thế vặn mình thành tam khúc của các vũ nữ là rất Ấn Độ.

Và ở Mỹ Sơn C1 và A`1 ta thấy thần Siva đang múa vũ điệu Tandava thần thánh, cùng với sự có mặt của rắn Naga trên tay thần, của Parvati (vợ thần), Skanda, ganesa (con thần)… cho biết vũ điệu Tandava mà vị vua vũ đạo đang múa là điệu múa tượng trưng cho sự sáng tạo. Theo thần thoại Ấn Độ, trong vũ điệu tandava này, Siva là hiện thân cho cội nguồn muôn loài, điệu múa của thần là khởi dầu cho sự chuyển động, lời của thần hát là tất cả của mọi âm thanh của thế giới. Bằng vũ điệu của mình, Siva đã sáng tạo ra thế giới, tiêu diệt điều ác và sự mê muội, giải thoát linh hồn của những người chết khỏi sự lừa dối của những cảm xúc và ảo ảnh trần tục. Ngoài ra, 2 lá nhĩ Mỹ Sơn C1 và A`1 rất gần với phong cách cũng như hình tượng Siva múa ở Badami và Elora của Ấn Độ, người đệm nhạc cho Siva múa ở hai bức phù điêu này là thiên nhân Bhangi gày gò đang đánh trống.

Và ở thế kỷ X có một số bức phù điêu vào loại đẹp nhất của điêu khắc cổ Chămpa lại là những hình thể hiện các nhạc công và vũ nữ, đó là bệ tượng Trà Kiệu có 4 mặt chạm khắc minh họa tác phẩm Bhayavatapurana của Ấn Độ. Theo nhà nghiên cứu J. Boisselier, hầu như tất cả những Apsara Trà Kiệu đều mang dấu ấn của nghệ thuật Ấn Độ: kiểu quần cụt, đồ trang sức, tiêu chuẩn về cái đẹp của phụ nữ (cặp vú nở nang, háng rộng, nét thanh tú và hấp dẫn của cơ thể), tư thế và động tác nhảy múa. Tuy đầu và mình các Apsara có quay theo hướng khác nhau nhưng các tư thế và động tác tay gần như thống nhất: hai chân chùng xuống rồi dạng hai đầu gối về hai bên, tay trái gập lại để tì bàn tay lên bấp vế trái, tay phải gập lại đầu bàn tay lên cao ngang đỉnh đầu.

Ở bệ vũ nữ Trà Kiệu, cô vũ nữ cũng mặc chiếc quần cụt như các Apsara ở bệ tượng, nhưng động tác múa có hơi khác. Nhạc công ở bệ vũ nữ Trà Kiệu đang chơi một loại nhạc cụ 7 dây (đàn thất huyền) mà tang là nửa quả bầu. Có thể nói, cũng như ở bệ tượng, vũ nữ và nhạc công ở bệ vũ nữ dang múa theo kiểu Ấn Độ và đang chơi một loại nhạc cụ Ấn Độ - một kiểu đàn Vina.

Sang thế kỷ XI, phong cách nghệ thuật điêu khắc Chánh Lộ, có một số hình khắc thể hiện múa và dàn nhạc. Lá Nhĩ Chánh lộ thể hiện Siva với 4 tay đang múa, lá nhĩ Thu Bồn thể hiện Siva múa trên lưng bò Nanin. Ngoài ra còn một lá Nhĩ thể hiện Sarasvati (vợ thần Brahma- nữ thần học vấn , trí thức, nghệ thuật và thơ ca) đang múa trong một tư thế đẹp: chân trái chùng xuống đạp lên mặt đất làm điểm tựa, chân phải hơi co lên chi để đầu mút các ngón chân chạm đất, tay trái khuỳnh ra và tựa bàn tay vào hông, tay phải cũng khuỳnh ra nhưng tựa vào bắp vế rồi xòe bàn tay ra, đầu và thân mình thẳng đứng.

Mặc dù, chỉ được biết qua những hình ảnh chạm khắc trên đá, nhưng chúng ta đã phần nào thấy được vai trò to lớn như thế nào của truyền thống Ấn Độ đối với nghệ thuật âm nhạc và múa của Chămpa. Có thể nói Champa đã tiếp nhận một cách có bài bảng và nghiêm túc những hình tượng về âm nhạc và vũ đạo của Ấn Độ đến nỗi chúng ta khó có thể tìm ra cái gì là yếu tố bản địa trong từng động tác múa hay từng nhạc cụ đã được ghi lại trên những hình chạm khắc còn lại của người Chăm.



III- KẾT LUẬN

Với điều kiện vị trí địa lý thuận lợi, Chămpa đã là nơi qua lại của nhiều thương nhân cũng như là các nhà truyền giáo, trong đó Ấn Độ đã đến với Chăm pa, tuy chưa có những chứng cứ để xác định được việc truyền bá văn hóa Ấn Độ vào Chăm pa, nhưng những ảnh hưởng của của Ấn Độ đã phần nào phản ánh được tình trạng đó.

Ảnh hưởng của Ấn Độ vào Chămpa chủ yếu là vương quyền, và cũng chính vì là vương quyền nên những ảnh hưởng của Ấn Độ không chỉ có đất bén rễ mà còn được thúc đẩy phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn và rộng khắp hơn. Vì vậy mà ở Chăm pa, những ảnh hưởng khá rõ nét của Ấn Độ được phản ánh trong tất cả những gì còn để lại. Và cũng vì vậy mà toàn bộ những nền văn hóa như tôn giáo, chữ viết, văn học, nghệ thuật đều có những ảnh hưởng rất đa dạng trong cách thể hiện của bản thân nền văn hóa Chămpa.

Do nhiều hoàn cảnh địa lý, lịch sử và văn hóa chi phối, Chămpa là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của Ấn Độ ổn định và rộng khắp các yếu tố của nền văn hóa đó. Và cũng chính vì vậy mà những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ trở nên bền vững và trở thành một yếu tố quan trọng cấu thành nền văn hóa Chăm.



Tài liệu tham khảo

  1. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb KHXH, Hà Nội, 1964

  2. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến trương loại chí, Nxb KHXH, Hà Nội, 1992

  3. Ngô Văn Doanh, Văn hóa chămpa, Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1994

  4. Nguyễn Đình Đầu, Việt Nam quốc hiệu và cương vực qua các thời đại, Nxb TpHCM, 2005

  5. Lê Bá Thảo, Việt Nam lãnh thổ và các vùng địa lý, Nxb Thế giới, 2001

  6. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa vung và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội 1993

  7. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp Tp HCM, 2007

  8. Trần Quốc Vượng, Dặm dài đất nước, Nxb Thuận Hóa, 1998

  9. Trần Quốc Vượng, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, HN, 1998







tải về 98.89 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương