CHƯƠng I những quy đỊnh chung điều Tên gọi giải thưởng



tải về 38.85 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích38.85 Kb.
#22621
ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

BCH TP. HỒ CHÍ MINH

***
QUY CHẾ

GIẢI THƯỞNG PHẠM NGỌC THẠCH

(Ban hành kèm theo Quyết định số 523/QĐ-ĐTN ngày 29 tháng 12 năm 2010

của Ban Thường vụ Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh)

____________
CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Tên gọi giải thưởng.

Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch (sau đây gọi tắt là Giải thưởng) của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Thành Đoàn) do Ban Thường vụ Thành Đoàn quyết định thành lập theo Quyết định số 523/QĐ-ĐTN ngày 29/12/2010.


Điều 2. Đối tượng được xét trao Giải thưởng.

2.1. Đối tượng được xét trao Giải thưởng:

Bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, lương y, lương dược là Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đang sinh hoạt tại các cơ sở Đoàn trực thuộc Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh, cơ sở Hội trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh; hoặc đang công tác, làm việc trong các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.


2.2. Đối tượng đang công tác trong ngành y tế nhưng thuộc diện xét tặng các giải thưởng khác của Thành Đoàn thì không thuộc diện xét trao Giải thưởng này, bao gồm:

- Cá nhân đang công tác, làm việc trong các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhưng công tác chuyên môn trong lĩnh vực hành chính (được giới thiệu xét chọn nhận Giải thưởng Cán bộ, công chức, viên chức trẻ, giỏi, thân thiện).

- Cá nhân đang công tác, làm việc trong các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhưng công tác chuyên môn trong lĩnh vực kỹ thuật, trực tiếp sản xuất (được giới thiệu xét chọn nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi).

- Cá nhân đang công tác, làm việc trong các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhưng công tác chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục (được giới thiệu xét chọn nhận Giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu).


Điều 3. Hội đồng xét trao Giải thưởng (sau đây gọi tắt là Hội đồng), gồm:

- Chủ tịch Hội đồng: Bí thư Thành Đoàn.

- Phó Chủ tịch Hội đồng: Phó Bí thư Thành Đoàn (phụ trách phong trào).

- Ủy viên Thường trực Hội đồng: Trưởng Ban Công nhân Lao động Thành Đoàn.
- Ủy viên Hội đồng:

+ Trưởng Ban Tổ chức Thành Đoàn.

+ Trưởng Ban Mặt trận – An ninh quốc phòng – Địa bàn dân cư Thành Đoàn.

+ Chánh Văn phòng Thành Đoàn.

+ Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP. Hồ Chí Minh.

+ Đại diện Ban biên tập Báo Tuổi Trẻ.



- Thư ký Hội đồng: Phó Trưởng Ban Công nhân Lao động Thành Đoàn.
- Tùy theo tình hình thực tiễn của từng đợt xét trao Giải thưởng, Ban Thường vụ Thành Đoàn sẽ mời tham gia Hội đồng:

+ Đại diện Ban Tổ chức Thành Ủy.

+ Đại diện Ban Tuyên giáo Thành Ủy.

+ Đại diện Ban Dân vận Thành Ủy.

+ Đại diện Ban Thi đua khen thưởng TP.

+ Đại diện Sở Y tế TP.

+ Đại diện Sở Khoa học – Công nghệ TP.

+ Đại diện Ban biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Thanh Niên.

+ Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú.
Điều 4. Thời điểm trao giải thưởng.

- Giải thưởng được công bố và trao định kỳ 02 năm/lần, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02).

- Lần thứ nhất trao Giải thưởng vào dịp kỷ niệm 54 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 – 27/02/2009).


Điều 5. Số lượng trao giải thưởng.

Số lượng cá nhân được xét trao Giải thưởng do Hội đồng quyết định.


Điều 6. Hình thức trao giải thưởng.

- Mỗi giải thưởng bao gồm: Giấy khen của Ban Chấp hành Thành Đoàn, biểu trưng Giải thưởng và tặng phẩm có giá trị.

- Tùy tình hình thực tế, Ban Thường vụ Thành Đoàn có thể tổ chức Liên hoan hoặc Hành trình về nguồn cho các cá nhân được nhận thưởng.
Điều 7. Kinh phí trao Giải thưởng.

Do Ban Thường vụ Thành Đoàn chịu trách nhiệm và vận động nguồn lực xã hội đóng góp.


CHƯƠNG II

TIÊU CHUẨN NHẬN GIẢI THƯỞNG
Điều 8. Thời gian xét các tiêu chuẩn.

- Trong thời gian 02 năm công tác, từ thời điểm xét trao Giải thưởng lần trước đến thời điểm xét trao Giải thưởng lần sau.

- Cá nhân đã nhận Giải thưởng những lần trước vẫn được xét trao giải thưởng trong những lần tiếp theo, nếu đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định (tại năm xét thưởng).
Điều 9. Tiêu chuẩn.

Cá nhân được xét trao Giải thưởng đảm bảo các tiêu chuẩn sau:


9.1. Tiêu chuẩn chung:

- Chấp hành tốt pháp luật và những nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị.

- Là điển hình trong việc thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế (ban hành kèm theo Quyết định số 29/2008/QĐ-BYT ngày 18/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

- Tận tâm với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, thời gian, chất lượng yêu cầu công việc.

- Tham gia tích cực hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên tại địa phương, đơn vị (trừ trường hợp những nơi chưa có tổ chức Đoàn, Hội); góp phần tham gia xây dựng địa phương, đơn vị trong sạch, vững mạnh.

- Có uy tín đối với đoàn viên, thanh niên, người lao động tại cơ quan, đơn vị; được sự tín nhiệm và đánh giá tốt của lãnh đạo đơn vị, đồng nghiệp và nhân dân, không bị đơn thư tố cáo.


9.2. Tiêu chuẩn cụ thể:

- Tính đến thời điểm xét trao Giải thưởng, cá nhân được xét trao Giải thưởng có độ tuổi không quá 35, có thời gian công tác trong ngành từ 02 năm trở lên.

- Đạt danh hiệu Lao động Tiên tiến trở lên.

- Là Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác được tuyên dương cấp cơ sở trở lên (trừ trường hợp tại địa phương, đơn vị của cá nhân được giới thiệu không có tổ chức Đoàn – Hội).

- Nếu là Đoàn viên, Hội viên phải được phân loại xuất sắc; nếu là Đảng viên phải là Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Tham gia ít nhất 02 hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

- Có ít nhất 01 sáng kiến, hiến kế, đề xuất giải pháp cải tiến quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn; hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá nghiệm thu loại khá trở lên đã được ứng dụng trong thời gian 02 năm trở lại; hoặc đạt giải nhất, giải nhì, giải ba trong các hội thi tay nghề từ cấp cơ sở trở lên.
CHƯƠNG III

QUY TRÌNH XÉT TRAO GIẢI THƯỞNG
Điều 10. Cá nhân, đơn vị có thẩm quyền đề xuất đối tượng được xét trao Giải thưởng.

- Ủy viên Ban Chấp hành Thành Đoàn.

- Lãnh đạo các Ban – Trung tâm, đơn vị Doanh nghiệp, Sự nghiệp trực thuộc Thành Đoàn.

- Ban Thường vụ các cơ sở Đoàn trực thuộc Thành Đoàn.

- Ban Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ TP. Hồ Chí Minh.

- Các cơ quan thông tấn báo chí.

- Lãnh đạo các cơ sở y tế trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

- Các Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú.




Điều 11. Hồ sơ dự xét Giải thưởng.

- Văn bản giới thiệu của các cá nhân, đơn vị được quy định tại điều 10 (theo mẫu), có ý kiến xác nhận của cấp ủy hoặc lãnh đạo đơn vị.

- Báo cáo thành tích cá nhân (theo mẫu), có dán ảnh 3x4.

- Bản photo các hồ sơ chứng nhận thành tích và các sáng kiến, hiến kế, đề xuất giải pháp cải tiến quy trình nghiệp vụ hoặc tài liệu liên quan đến thành tích và hình ảnh minh họa (nếu có).


Điều 12. Quy trình xét trao Giải thưởng.

Bước 1: Ban Thường vụ Thành Đoàn triển khai kế hoạch đến các cơ sở Đoàn trực thuộc và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bước 2: Ban Thường vụ cơ sở Đoàn trực thuộc Thành Đoàn triển khai cho các đơn vị trực thuộc để tiến hành bình chọn.
Bước 3: Ban Thường vụ cơ sở Đoàn trực thuộc Thành Đoàn xét chọn các trường hợp do các cơ sở Đoàn – Hội trực thuộc giới thiệu; tổng hợp danh sách (có nêu tóm tắt thành tích của từng cá nhân được giới thiệu) gửi cho Thư ký Hội đồng.
Bước 4: Ban Thường vụ Thành Đoàn thành lập Tổ thẩm định kiểm tra thực tế, tổng hợp và trình Hội đồng xét chọn.
Bước 5: Hội đồng họp xét chọn.
Bước 6: Công bố kết quả bình chọn và tổ chức Lễ tuyên dương.
CHƯƠNG IV

QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ

CỦA CÁ NHÂN ĐƯỢC TUYÊN DƯƠNG
Điều 13. Quyền lợi của cá nhân được tuyên dương.

- Cá nhân được tuyên dương có quyền lưu giữ, trưng bày và sử dụng hiện vật khen thưởng; được tuyên truyền, giới thiệu gương tiêu biểu trong hệ thống cơ sở Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.

- Cá nhân được tuyên dương được ưu tiên xem xét để đề xuất các hình thức tuyên dương, khen thưởng cao hơn.

Điều 14. Nghĩa vụ của cá nhân được tuyên dương.

- Cá nhân được tuyên dương có trách nhiệm giữ vững và phát huy thành tích đã đạt được, tiếp tục phấn đấu để đạt thành tích cao hơn.

- Có trách nhiệm bảo quản các hiện vật khen thưởng, không sử dụng hiện vật khen thưởng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc các hành vi xâm phạm đến uy tín của tổ chức Đoàn, Hội.
Điều 15. Xử lý kỷ luật.

Nếu phát hiện cá nhân sau khi nhận giải thưởng có vi phạm về các quy định của giải thưởng, Hội đồng sẽ có quyết định thu hồi toàn bộ giải thưởng; đồng thời sẽ có hình thức xử lý kỷ luật các cá nhân và tập thể có liên quan đến việc giới thiệu cá nhân trên.


CHƯƠNG V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Điều chỉnh quy chế.

Phân công Ban Công nhân Lao động Thành Đoàn là bộ phận thường trực tham mưu thực hiện và phối hợp với các Ban – Trung tâm – Văn phòng đề xuất Ban Thường vụ Thành Đoàn sửa đổi Quy chế này khi cần thiết.


Điều 17. Hiệu lực thi hành.

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.


BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ĐOÀN





tải về 38.85 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương