Chương 2 Bức màn tre buông xuống



tải về 131.85 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu19.04.2018
Kích131.85 Kb.
#36936

Chương 2: Bức màn tre buông xuống




Chương 2

Bức màn tre buông xuống
Từ 1946 cho đến giữa 1954, lực lượng Việt Minh và quân đội Pháp đánh nhau khắp các vùng Đông Dương nhưng hầu hết các trận đánh nghiêm trọng đều diễn ra tại Bắc Việt. Khi cuộc chiến kéo dài mà không có triển vọng sớm kết thúc và tình hình thương vong cao dần, lòng nhiệt huyết của người Pháp đã bị héo mòn. Trận đánh quyết định cuối cùng tại Điên Biên Phủ ở vùng Tây Bắc - Bắc Việt gần biên giới Lào là một chiến thắng vang dội cho Cộng quân. Mặc dù quân Pháp bị thất trận một cách nhục nhã nhưng sự chuyển tiếp từ chiến trường qua bàn hội nghị hòa bình đã không mang lại sự hài lòng cho bất kỳ phe nào có liên quan.

Hiệp định Genève bắt đầu từ tháng 5 năm 1954 có sự hiện diện của bốn quốc gia mới của Đông Dương thuộc Pháp trước đây, nước Pháp, Anh, Liên Sô, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Khi các cuộc đàm phán kết thúc vào tháng bẩy thì một cuộc ngưng bắn đã được thỏa thuận. Vĩ tuyến 17 giữa Quảng Bình ở phía Bắc và Quảng Trị ở phía Nam có giòng sông Bến Hải chảy ngang ra Biển Đông được chọn làm đường chia cắt Đông Tây, tách rời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (phía Bắc, Cộng sản) và Việt Nam Cộng Hòa (phía Nam, không Cộng sản). Vùng ranh giới mà sau này thế giới biết đến như vùng phi-quân-sự trên thực tế chẳng có gì là "phi" quân sự cả.

Thỏa hiệp ngưng bắn dành một thời hạn 300 ngày để cho mọi người có thể tự do di chuyển giữa hai miền Nam và Bắc mà không bị giới hạn bởi các chính quyền mới. Đến giữa năm 1955 có hơn 1 triệu người dân, phần lớn là Công giáo, đã quyết định nhặt nhạnh những gì mang được, bỏ lại hết mồ mả tổ tiên và bao nhiêu thế hệ truyền thống làng xã để lìa bỏ miền Bắc còn hơn là chịu sống dưới chế độ Cộng sản. Trong khi có một số lượng nhỏ không xác định được gồm các cán bộ Cộng sản Mác-Xít tập kết ra ngoài Bắc thì không có người dân bình thường nào ra theo.

Người Bắc di cư vào Nam bằng đường hàng không, đường xe lửa, đường bộ nhưng hầu hết là bằng tầu vận chuyện đường biển. Rất ít người ngoại cuộc biết đến ảnh hưởng và hậu quả của nhóm cộng đồng di cư này đã tác động đến miền Nam như thế nào. Văn hóa và tính tình của người Bắc Kỳ thường nghiêm khắc và khó tính hơn bởi họ phải sinh nhai trên vùng đồng bằng sông Hồng khó nhọc. Với làn da nhạt hơn, cách phát âm hơi khác, cách ăn mặc và truyền thống tương đối khác biệt, họ gặp nhiều điều va chạm với người miền Nam vốn dễ tính và nhàn nhã hơn, bởi có thể sinh kế thoải mái từ một vùng mầu mỡ của đồng bằng sông Cửu Long. Vào năm 1955 có thể so sánh điều này với Mỹ nếu 12 triệu dân New York với lối sống hối hả nhộn nhịp đột nhiên được di chuyển vào vùng nông thôn Georgia hay Mississipi mà chỉ nhận được sự trợ giúp tối thiểu hoặc mạng lưới an toàn từ chính quyền trung ương.

Một điều khoản của Hiệp Định Genève vốn được tất cả các phe chấp thuận ngoại trừ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa, là kêu gọi tổng tuyền cử khắp nước Việt Nam vào tháng 7 năm 1956. Với tương quan dân số vào khoảng 16 triệu ngoài Bắc và 14 triệu trong Nam, Hồ Chí Minh và lực lượng của hắn tin tưởng sẽ loại trừ hết các phe chống đối quan trọng và củng cố được miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở lên nên đã vui vẻ đồng ý với các viễn ảnh đó.

Từ giữa năm 1953, khi chiến tranh chưa kết thúc, cho đến tận năm 1956, bọn Cộng sản đã tiến hành hàng loạt những cuộc thanh trừng đẫm máu nhằm loại trừ tất cả những tàn tích của chế độ tư bản một cách tàn nhẫn. Trong những đợt cải cách ruộng đất vào thời kỳ bọn chúng cho rằng trong mỗi làng mạc có vào khoảng 5% dân chúng thuộc thành phần địa chủ và nhóm "nhà giàu" này đã bóc lột 95% số người còn lại. Do đó, tài sản của họ đã bị tước đoạt và phân phối lại cho những người còn lại này. Đồng thời những vụ giết hàng loạt người trong nhóm 5% có đồng ra đồng vào này được tiến hành một cách chính xác bởi những đội đặc biệt gọi là cán bộ cải cách ruộng đất.

Không có chi tiết chính xác nào về số lượng người đã bị trừ khử trong giai đoạn này, và cũng không có hồ sơ nào về những người bị mất mạng hay bị đe dọa trong các nỗ lực trốn về phía Nam. Báo chí thông tin rất ít và tin tức về những cuộc thanh trừng qui mô này chỉ đến tai người miền Nam bằng những lời kể lại nên không gây chú ý mấy trên các phương tiện truyền thông Tây phương.

Mặc dù rất phôi thai và còn xa mới gọi là hoàn hảo nhưng chính quyền mới thiết lập tại miền Nam còn tốt đẹp hơn nhiều đối với những người đã nếm mùi Cộng sản. Trong khi hoàng đế Bảo Đại đã lỗi thời chỉ còn đứng đầu quốc gia trên danh nghĩa thì thực quyền nằm trong tay Thủ tướng Ngô Đình Diệm và tay chân thân cận gồm các thành viên trong gia đình của ông. Quyền uy của ông đã phải trực diện với các thử thách mà nó còn lớn hơn ở bên phe đối thủ Bắc Việt, và thật là một điều kỳ diệu là, mặc dù với sự trợ giúp của chính quyền Eishenhower, chính phủ non yếu đó đã xoay sở để vượt qua được hết.

Ngay từ khởi đầu, chính quyền Diệm đã bị tràn ngập bởi các thử thách. Báo chí phương Tây vốn không ưa ông đã không khoan nhượng khi tường thuật những sự cố gắng của chế độ ông Diệm để giải quyết bằng quân sự đối với các sự đe dọa từ các nhóm Hòa Hảo, Cao Đài và các lực lượng Phật giáo khác. Họ hoàn toàn bất tín nhiệm khuynh hướng thiên Công giáo của Thủ tướng Diệm và nhóm những người di cư của ông. Thêm vào cuộc xung đột tôn giáo và văn hóa, và gánh nặng đầy ắp do việc thu hút quá nhiều công dân mới, chính phủ mới còn phải đối phó với ảnh hưởng về tài chính và chính trị của nhóm Bình Xuyên. Nhóm này thực chất là một nhóm thổ phỉ chuyên cướp bóc tàu bè di chuyển trên sông Sài Gòn vào những thập niên 1930 và 1940. Sau Thế Chiến Thứ Hai, Bình Xuyên được giao đặc quyền tổ chức cảnh sát và khu ăn chơi trong Chợ Lớn, một vùng của người Hoa tại Sài Gòn. Ông Diệm quan niệm Bình Xuyên, giống như Hòa Hảo và Cao Đài là một mối đe dọa đối với khả năng lãnh đạo đất nước của ông.

Sự thắng thế của Cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Á Châu, đã làm gia tăng mối quan tâm của người Mỹ tại Việt Nam. Ngay từ giữa những năm 1950, nhằm phản ứng lại cuộc xâm lăng của Bắc Hàn, Tổng thống Truman đã ra lệnh thành lập một Phái Bộ Cố Vấn Quân Sự (Military Assistance Advisory Group MAAG) tại Đông Dương thuộc Pháp. Được sử dụng phần lớn như là một phương tiện tài trợ qua đó các viện trợ được chuyển qua cho người Pháp trong những nỗ lực chống lại Việt Minh, sự ra đời của Việt Nam Cộng Hòa đã mang lại cho tổ chức này một mục đích mới. Nhóm MAAG của Hoa Kỳ bắt đầu đưa vai chịu lấy gánh nặng trong cuộc chiến chống lại Cộng sản.

Một tổ chức được thành lập thông qua nỗ lực của một nhân viên MAAG chính là binh chủng phôi thai Thủy Quân Lục Chiến của nước Cộng Hòa mới.

Giới quân sự Hoa Kỳ đã trực tiếp đầu tư những khoản xương máu và tiền của khổng lồ khi tiến hành cuộc chiến tranh lạnh. Một trong những điều không được biết đến và trân trọng đúng mức là công việc huấn luyện và trợ giúp đã cung cấp cho các quốc gia đang chiến đấu có thể duy trì nền Tự Do của họ trong một thế giới ngày càng thù nghịch nhiều hơn. Trong những năm ngay sau Thế Chiến Thứ Hai, một món quà khác của binh chủng TQLC Hoa Kỳ cho Thế Giới Tự Do là sự tham gia vào việc hình thành bốn Quân đoàn TQLC tại Á Châu.

Đối với các nước Cộng hòa Đại Hàn, Trung Hoa Quốc Gia và Phi Luật Tân thì TQLC Hoa Kỳ đã rộng rãi gieo những hạt giống về chiến tranh viễn chinh cho các nhóm nhỏ lực lượng đặc biệt trong mỗi xứ sở tương ứng. Trong mỗi quốc gia, các đơn vị TQLC mới sẽ mang dấu ấn của người anh cả Hoa Kỳ. Một chuyện nhỏ nhặt nhất là, giống như ở Mỹ, danh xưng “TQLC” đã trở thành đồng nghĩa với tất cả những gì tốt đẹp nhất của tinh thần thượng võ và đức hạnh của người lính.

Trong bốn tập thể TQLC tân lập, mối liên hệ giữa TQLC Hoa Kỳ và TQLC Việt Nam Cộng Hòa đã trở thành thân thiết nhất, mãnh liệt nhất và cũng tốn kém nhất. Đối với VNCH chỉ có Sư đoàn Nhẩy Dù mới được sánh như tương đương nhờ ở các thành tích chiến đấu và mức độ tin cậy cao của họ. Cái nhóm nhỏ các quân nhân làm nòng cốt cho TQLC Việt Nam từ 1954 trở về sau đã chứng tỏ niềm hăng say đặc biệt của tổ chức. Đặc điểm này hiển nhiên đã đưa binh chủng TQLC đứng riêng ra trong mọi nền văn hóa.

TQLC Việt Nam có nguồn gốc từ một tổ chức rất nhỏ gồm các đơn vị rải rác theo kiểu biệt kích được thành lập với sự trợ giúp của quân đội Pháp vào năm 1946. Những đại đội xung kích trên sông với biệt danh là “Ðoàn Thủy Binh Xung Phong” (Dinassauts), là một sự kết hợp của các đơn vị bộ binh đặc biệt có khả năng chiến đấu trên cạn lẫn dưới nước. Những hoạt động đầu tiên của họ là ở miền Bắc trong vùng đồng bằng sông Hồng Hà. Trong các đơn vị chiến đấu của Việt Nam được sự giúp đỡ của người Pháp thì những toán Dinassauts có uy tín đặc biệt nhờ ở khả năng chiến đấu và tinh thần đồng đội cao độ.

Sự chia cắt đất nước Việt Nam vào năm 1954 đã có hậu quả là nỗ lực phát triển đầy đủ một cơ cấu lực lượng quân sự quốc gia đủ sức để bảo vệ nền Cộng hòa mới thành lập đối với hiểm họa từ phương Bắc. Đồng thời với nhu cầu có một lực lượng Hải Lục Không quân tối tân là sự thừa nhận phải có những đơn vị đặc biệt có khả năng tiến hành các cuộc hành quân đổ bộ trên nhiều dặm dài của bờ biển và đường thủy lộ nội địa Việt Nam.

Tuy nhiên Việt Nam cũng không tránh khỏi sự cạnh tranh giữa các quân chủng trong tổ chức quân đội, một tình trạng khá phổ biến trong mọi quốc gia. Từ lúc khởi đầu thành lập, TQLC Việt Nam, giống như người anh em Hoa Kỳ đã phải đối phó với những chuyện nhỏ nhặt nhất như tranh đấu cho những nguồn tài lực. Hàng tháng trời bàn cãi giữa các nhóm lớn gồm các sĩ quan quân đội Việt Nam, Pháp và Hoa Kỳ vẫn không mang lại một sơ đồ tổ chức có thể chấp nhận được, hay phát triển được vai trò và nhiệm vụ mà lực lượng đổ bộ mới mẻ này sẽ đảm trách. Sau cùng đã phải cần đến sự quyết tâm tập thể, nhiệt tình và sức mạnh về ý chí của một Thiếu tá Việt Nam, một Đại úy quân đội Pháp và một Trung tá Hoa Kỳ để làm cho chuyện thành lập một tổ chức TQLC Việt Nam riêng biệt trở thành hiện thực.

Với cương vị là người con trưởng, công việc chính của Bình là đi học. Người cha và bà mẹ kế đồng lòng quyết tâm cho sự thành công của con và anh đã chăm chỉ để thực hiện điều này.

Nhập học mẫu giáo tại một trường nam sinh nhỏ tại Tân Định trong thời kỳ Nhật chiếm đóng, trạng thái bình thường của sự hỗn loạn vẫn tiếp tục không hề suy giảm qua sự kiện đầy tranh cãi về việc người Pháp trở lại Việt Nam, cuộc chiến với Việt Minh và sự thành lập đầy trắc trở của một đất nước mới.

Mặc dù những người miền Bắc chống cộng nhất đã di cư toàn bộ từ năm 1954, vẫn còn rất nhiều người trong Nam không nhiệt tình lắm với chế độ ông Diệm. Sự quyến rũ của chủ nghĩa Cộng sản đối với nhiều người là một sự lựa chọn tốt hơn là ách áp bức của thực dân Pháp, do đó đã được sự chấp nhận của một số người chuyển đổi thuộc thế hệ đầu tiên. Một số thì bị mê hoặc bởi Cộng sản ban cho họ cái quyền lực được giết các địa chủ hay tất cả những ai mà họ coi như đã bóc lột thành phần vô sản. Những thành phần cốt cán của bất cứ đảng phái nào đều sẵn sàng chấp nhận lời kêu gọi hy sinh của đảng nhằm chống chủ nghĩa tư bản và ngoại xâm. Những gia đình giống như của Bình, đã từng sống và bị tác động xấu bởi Việt Minh cũng nóng lòng xóa bỏ vết tích của thực dân. Tuy nhiên họ không hề tán thành những điều dối trá trắng trợn của Cộng Sản hoặc những điều nửa vời mà họ biết được qua kinh nghiệm cay đắng từ trong gia đình.

Một số giáo sư tại trường trung học của Bình, có thể đã từng là những thành viên thuộc một nhóm nằm vùng cán bộ Cộng sản được gài lại phía sau vào lúc phân vùng đất nước. Họ có thể chỉ đơn giản thuộc vào một nhóm nhỏ nhưng rải rác ở miền Nam vốn là những người có cảm tình với Cộng sản. Bằng cách nào cũng vậy, họ không lo ngại bày tỏ những điều mà chàng thanh niên Bình cho là những lời tuyên truyền không hơn không kém. Khi có thể, cậu ta sẽ trân trọng thách thức quan điểm thế giới của họ về sự vĩ đại của Trung Quốc và Liên Xô. Trong khi các học sinh được học về chiến thắng của Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên và về sự vinh quang của chương trình không gian của Nga với việc phóng thành công phi thuyền Sputnik, Hoa Kỳ ít khi được nhắc đến và nếu có thì không bao giờ là tích cực cả. Khi cậu Bình chia sẻ điều này với cha của mình, ông cụ sẽ lấp vào đấy những điều gì ông biết về những sự kiện lịch sử mà các giáo viên đã tự tiện bỏ đi.

Bất kể chiến tranh, cùng sự bất ổn và các âm mưu không dứt về chính trị đã cấu tạo nên đời sống thường ngày tại Việt Nam, cuộc nhân sinh vẫn tiếp diễn như thường lệ. Người Nhật, người Pháp, Việt Minh và cả cuộc nổi loạn của nhóm Bình Xuyên chống lại chế độ Ngô Đình Diệm vào năm 1955 cũng không ngăn trở Bình hăng say trong việc học hành mà gia đình đã kỳ vọng rất nhiều vào anh. Mãi đến năm 1957, khi anh hoàn tất chương trình Trung học tại trường Petrus Ký thì những sự khủng hoảng không tên diễn ra gần như hằng ngày cuối cùng mới làm ảnh hưởng đến việc học của anh trong một thời gian ngắn. Thời gian Bình tốt nghiệp Tú Tài và bước vào Đại học, anh đã chán ứ đến cổ về mối đe dọa độc ác của Cộng sản qua các câu chuyện về cuộc sống tại Hà Đông trước khi Việt Minh cướp chính quyền, anh đã nghe kể hàng trăm lần về những cách đối xử hèn hạ của họ đối với bà nội, các chú bác và anh em họ của anh. Để làm một điều đúng, là trả lại danh dự cho gia đình, thực hiện một chuyện mà bất cứ một thanh niên chân chính đều phải hành động tương tự, anh tham gia vào nỗ lực nhằm giải phóng đất nước khỏi cái mà anh coi là căn bệnh ung thư quái ác của chủ nghĩa Cộng sản đang trên đà phát triển. Đến năm 1957 thì Bình biết rằng sự lựa chọn duy nhất là gia nhập quân đội để phục vụ đất nước.

Bình chỉ là một học sinh trung bình. Bất kể theo con đường nào, anh biết chắc là không một ai trong những đội ngũ mà anh sẽ dẫn dắt sẽ hỏi đến bằng cấp của anh. Tuy việc theo đuổi học hành không hẳn là dễ dàng gì đối với anh nhưng chuyện anh tốt nghiệp ban Sử Ðịa vào năm 1961 đã là một thước đo khiêm tốn về sự bền bỉ trong trí tuệ và tính tự giữ mình trong kỷ luật mà không một vị giáo sư hay một kỳ thi nào có thể đánh giá được.

Trong thời kỳ hai nước Việt Nam bị tách riêng từ 1954 đến 1959, cả hai chính phủ đều tập trung nỗ lực vào việc củng cố chính trị nội bộ. Trong khi việc cưỡng bức tập thể hóa toàn bộ dân cư tại Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và việc giết hại hàng ngàn người mà nhà nước cho là thành phần phản động ít được giới truyền thông tường thuật thì các thách đố màchế độ Ngô Đình Diệm đang phải đối mặt cùng những khó khăn và thiếu sót của họ lại được phơi bày một cách hết sức rộng rãi.

Ngô Đình Diệm, kẻ ngoại cuộc dưới mắt nhiều người và là một tín đồ Công giáo của tòa thánh La Mã, đã từng sống một thời gian tại Hoa Kỳ, thoạt đầu được giới chống cộng Tây phương chú mục tới. Trong nước thì nhiều Phật tử và các giáo phái khác lại mất niềm tin trầm trọng vào phe đảng của Ngô Đình Diệm. Việc sử dụng quân đội để đè bẹp các nhóm đối kháng Hòa Hảo, Cao Đài và Bình Xuyên chỉ tạm thời dập tắt những mối nguy hại đối với quyền lực của chế độ.

Vào năm 1958 sau khi hoàn tất việc củng cố quyền lực ngoài bắc, Hồ Chí Minh ra lệnh cho cán bộ trở lại miền Nam và năm sau đó, tập họp với đám người đã được cài lại phía sau cũng như những người mới tuyển mộ được sau này, bắt đầu cuộc chiến tranh "nhân dân" chống lại chính quyền Sài Gòn một cách hung hãn nhất. Khoảng từ giữa năm 1954 đến cuối năm 1960, Việt Cộng đã ám sát gần 1.700 người và bắt cóc thêm 2.000 người ủng hộ chế độ Sài Gòn gồm các xã trưởng và những người có chức sắc trong xã. Từ năm 1961 trở đi các nỗ lực khủng bố của chúng có chiều hướng gia tăng. Nhu cầu gia tăng của Cộng sản về nhân sự và tiếp liệu đã khiến chúng khởi công con đường mà sau này toàn thế giới biết đến là đường mòn Hồ Chí Minh. Đến năm 1965 thì hệ thống đường mòn có khả năng vận chuyển được từ năm đến sáu ngàn người hàng tháng cộng với hàng tiếp liệu đuợc đưa xuống hầu "giải phóng" người "anh em ngoan cố."

Những cuộc biểu tình lớn của Phật giáo bắt đầu vào năm 1961 sau cùng đã dẫn đến một loạt các những biến cố ngoạn mục được truyền thông rộng rãi vào năm 1963. Trong thời kỳ này có những vị sư nhân hậu và trông rất vô hại trong các tấm y màu vàng nghệ đã ngồi thiền và tẩm xăng tự thiêu nhằm thu hút sự chú ý đến nỗi bất công dưới chế độ Ngô Đình Diệm.

Từ lâu trước khi có sự kiện này, Cộng sản đã xâm nhập một cách có hiệu quả vào nhiều nhóm chống đối chính quyền Sài Gòn. Đối với nhiều người, cũng khó mà không cảm thông với phe đối lập khi mà nạn tham nhũng của chế độ Diệm rất dễ nhận ra, còn tập thể lãnh đạo Sài Gòn thì kém cỏi và thiếu kinh nghiệm thấy rõ thành thử đã làm mất lòng dân.

Trong khi người Mỹ có lẽ đang mong sự xuất hiện trở lại của một nhân vật tương tự như phu nhân tướng Tưởng Giới Thạch, một phụ nữ thanh nhã, dịu dàng, tốt nghiệp trường Wellesley thì bà Ngô Đình Nhu, em dâu của Tổng thống Ngô Đình Diệm, với biệt danh "Long Nữ" (Dragon Lady) đã ngang ngược báng bổ và tuyên bố công khai rằng họ đã chứng kiến một màn "nướng thịt" (barbecue) sau một vụ tự thiêu. Bất kể những người có thể không bằng lòng với quan điểm của bà sẽ có thái độ ra sao nhưng bà vẫn trả lời phỏng vấn rằng: "Cứ để cho họ bị thiêu và chúng ta sẽ vỗ tay hoan nghênh."

Với vai trò lãnh đạo về chính trị trong các thập niên 1950 và 1960, nước Mỹ phải đối phó hàng ngày trước nguy cơ chiến tranh hạch nhân với Liên Bang Sô Viết cùng với nguy cơ được định nghĩa là "chiến tranh nhân dân" tại một loạt các quốc gia chư hầu ngày càng gia tăng tại Âu Châu và khắp Á Châu. Tuy vậy, nỗi ám ảnh bởi cái mà người Mỹ cho là một cuộc hiệp ước đình chiến mong manh tại Đại Hàn đã khiến cả hai siêu cường tìm cách giảm thiểu nguy cơ xung đột trực tiếp có thể nhanh chóng dẫn đến chiến tranh nguyên tử. Nỗi thất vọng trước sự bất lực trong việc đạt được một chiến thắng toàn diện đã được xoa dịu bằng niềm tin rằng sẽ khó có thể toàn thắng như lần 1945 nữa.

Kinh nghiệm tại Triều Tiên chứ không phải là Thế Chiến Thứ Hai đã hoạch định sự dính líu của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á trong bối cảnh Chiến Tranh Lạnh. Tình hình của Việt Nam Cộng Hòa có nhiều điểm tương đồng với với bán đảo Triều Tiên. Cả hai quốc gia Cộng sản Bắc Hàn và Bắc Việt đều có chung biên giới với Trung Cộng và được trợ giúp đáng kể từ họ. Cả hai cũng đều nhận được những khối lượng viện trợ khổng lồ từ Liên Sô. Đồng thời cả hai quốc gia cũng đã vừa trải qua kinh nghiệm ngoại xâm của thực dân mà đáng kể nhất là Nhật Bản là kẻ đàn áp tàn bạo nhất.

Chiến tranh Triều Tiên là một cuộc chiến hầu như qui ước diễn ra trên một lãnh thổ mà cả hai bên đều không đóng ở các vị trí cố định, do đó cho phép huy động các đại đơn vị chống lại một kẻ thù dễ nhận diện ra. Bắc và Nam Hàn đã bị chia cắt dọc theo vĩ tuyến 38 bởi cách lý luận tùy tiện tại Yalta vào năm 1945 giống như trường hợp của Việt Nam vậy. Vùng biên cương dài hơn 150 dặm này là khu vực duy nhất có thể xâm nhập được vào miền Nam hoặc rút ra khỏi đây. Bởi rừng cây thưa thớt, lực lượng địch quân rất khó ẩn tránh máy bay đồng minh bay tuần tiễu, việc cô lập chiến trường được thực hiện tương đối dễ dàng. Vì khả năng hải quân bị hạn hẹp nên cơ hội xâm nhập của Cộng sản bằng đường biển chỉ hạn chế ở các đơn vị nhỏ.

Những khác biệt so với Triều Tiên đã khiến cho việc bảo vệ miền Nam gặp nhiều khó khăn hơn đối với các cố vấn Mỹ và những người miền Nam đang tìm cách tránh sự thống trị của Cộng sản. Trong khi dân tộc Đại Hàn, cả Nam lẫn Bắc gần như là thuần nhất thì Việt Nam và các nước láng giềng phía tây có chung những đường biên giới lỏng lẻo không được xác định rõ ràng và là nơi trú ngụ của nhiều sắc tộc thiểu số khác nhau. Qua các qui định chiến tranh do họ tự đặt ra và với những sự hạn chế về địa dư, các khu vực rừng rậm, núi non phía Đông Căm-Pu-Chia và Lào đã biến thành những mật khu ẩn núp của Cộng sản. Việc ngăn chặn sự xâm nhập vào Việt Nam hầu như không thể thực hiện được. Do các khó khăn về địa dư và chính trị này, thế chủ động trên chiến trường phần lớn đã phải nhường lại cho phía đối phương.

Bắt đầu bằng cuộc Khủng hoảng Kênh đào Suez vào đầu mùa hè năm 1956, một loạt các hành động gây hấn của phe Cộng sản được tung ra: sự đàn áp tàn bạo các chiến sĩ tranh đấu cho tự do Hungary bởi quân Liên Sô, cuộc xâm lược của Cộng sản Trung Hoa chống lại phe quốc gia trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai vào cuối năm 1958, sự kiện Cuba rơi vào tay du kích quân của Castro ngay tại "cửa sau" của Mỹ vào năm 1959, việc bắn hạ máy bay thám thính U-2 của Gary Power trên đất Nga, sự thất bại vùng vịnh Con Heo, sự kiện bức tường Bá Linh được dựng lên, và những thách thức đối với Tây phương ở Congo từ Patrice Lamumba và nhóm lâu la của ông.

Tình thế trên bộ tại Đông Nam Châu Á vào đầu năm 1960 cũng không khá hơn các nơi khác bao nhiêu. Cho dù cố vấn quân sự Hoa Kỳ đã hoạt động tích cực trên tất cả các nhiệm vụ không chiến đấu tại Việt Nam từ 1954, nhu cầu phải đưa người Mỹ ra tiền tuyến để mở rộng tầm quan sát và sự hỗ trợ trong việc phát triển khả năng chiến đấu của Việt Nam cuối cùng đã được chấp thuận vào năm 1960 trên một căn bản hạn chế. Các sĩ quan Hoa Kỳ không mấy phấn khởi trong các thời kỳ đầu tiên này.

Binh chủng TQLC Việt Nam, với quân số không bao giờ quá hai phần trăm của toàn bộ quân lực đã được cải thiện liên tục về khả năng tác chiến và binh đoàn nhỏ này đã được liệt vào hàng ưu tú trong Quân Lực VNCH. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa có quân số lớn hơn rất nhiều và cũng không thiếu các chiến sĩ dũng cảm nhưng lại bị thất lợi bởi những vấn đề thường gặp trong các tổ chức quân sự mới được thành lập tại các quốc gia nghèo. Nguồn lực thì có giới hạn, huấn luyện thì thiếu sót và các sĩ quan chỉ huy, nhất là các cấp tư lệnh thường gồm những nhân vật được lựa chọn không phải do khả năng tác chiến hay chỉ huy mà chỉ vì lòng trung thành về chính trị và sự quen biết. Điều này đã khiến cho các đơn vị của chế độ Sài Gòn bị thất lợi rất nhiều so với các lực lượng Cộng sản nhiều khi lại còn được chỉ huy khá cũng như được động viên tốt hơn.

Các sĩ quan trong quân đội Hoa Kỳ được điều đến để giúp thành lập, hình thành và hướng dẫn thuộc thành phần quân nhân giỏi và sáng giá nhất. Với thành công tại Triều Tiên trong việc thiết lập quân đội non trẻ của nước đó, sự bổ nhiệm Trung tướng John "Iron Mike" (Mike sắt thép) O'Daniel vào cương vị tư lệnh cơ quan MAAG tượng trưng cho đỉnh cao kỳ vọng của giới lãnh đạo chính trị và quân sự Hoa Kỳ. Quá trình lâu dài và gian khổ nhằm xây dựng các đơn vị quân sự cần thiết và hỗ trợ tối thiểu cho hạ tầng cơ sở được giao phó cho hàng trăm sĩ quan Hoa Kỳ đầy lòng nhiệt huyết, một số sĩ quan người Pháp cùng chung lưng hiện đang giảm dần và hàng ngàn sĩ quan Việt Nam đồng một lòng muốn đất nước được phát triển.

Thành tích ban đầu của QLVNCH ngoài chiến trường chống du kích không được khả quan lắm. Các chiến thắng của họ đối với Cộng sản, nay gọi là Việt Cộng thường chỉ là những biến cố tạm thời vì chính sách của chế độ Ngô Đình Diệm đã làm suy yếu hành động của họ ngoài mặt trận. Quyết định thay thế các chức sắc xã ấp được dân bầu bằng những cán bộ do chính quyền Sài Gòn bổ nhiệm đã làm mất lòng người dân địa phương. Chiến dịch đàn áp những người bị nghi ngờ là thân cộng dù vu vơ đã tiếp tay thêm cho sự tuyên truyền phổ biến do Hà Nội đề xướng. Đồng thời những cán bộ được cài lại phía sau được lệnh hoạt động trở lại, công tác tuyển mộ cho lực lượng Việt Cộng tại chỗ được đẩy mạnh một cách hung hãn và sự xâm nhập của các đơn vị chủ lực Bắc Việt vào miền Nam đã làm dài thêm danh sách các khó khăn mà VNCH phải đối mặt. Từ năm 1961 đến 1962 ước tính trên thực tế Cộng sản đã kiểm soát được hơn một nửa miền Nam rồi.

Ở cấp cao nhất của giới lãnh đạo Hoa Kỳ tại Sài Gòn và Hoa Thịnh Đốn, các cuộc tranh cãi dữ dội đã xảy ra tập trung vào việc phải hành động ra sao và cách nào tốt nhất để đối phó với TT Ngô Đình Diệm mà hành động thường không phù hợp với ý định của người Mỹ. Đường lối cai trị của TT Diệm và nạn tham nhũng rõ rệt của chế độ là một sự bối rối và cản trở những điều mà người Mỹ tự cho là nỗ lực cao thượng nhằm ngăn chận Cộng sản. TT Diệm không được lòng dân chúng và uy tín của ông đối với quân đội làm càng bị lung lay nhiều hơn nữa.

Đến mùa hè 1963, Hoa Kỳ đã đổ công sức gần chín năm về chính trị nhằm đạt thắng lợi tại Việt Nam. Cùng với sự gia tăng về nỗ lực cố vấn và gần như là yểm trợ quân sự trực tiếp, danh sách thương vong của người Mỹ cũng tăng dần lên. Đánh đổi lại tài nguyên và xương máu đã đổ ra thì chưa có sự thành công nào đáng kể cả. Nhiều giới chức cao cấp Hoa Kỳ và một vài tướng lãnh hàng đầu Việt Nam tin rằng sự lãnh đạo của TT Diệm sẽ không mang lại hy vọng cho một chiến thắng của đất nước.

Đến nước này rồi vì đầu tư quá nhiều mà để Việt Nam bị thất bại vào tay kẻ thù phương Bắc thì có thể sẽ kích động sự sụp đổ theo thế cờ domino. Một nước Hoa Kỳ thiếu quyết tâm tại Đông Nam Á có thể sẽ khuyến khích sự bành trướng và xâm lược của Liên Sô trên toàn thế giới. Trong giới lãnh đạo quân sự Việt Nam, nhóm sĩ quan tin tưởng con đường duy nhất để cứu đất nước là loại bỏ TT Diệm đang dần tăng lên. Sự dính líu của nước Mỹ trong cuộc đảo chánh TT Diệm vẫn còn gây tranh cãi và là đề tài của nhiều cuộc tranh luận gay gắt. Tuy nhiên điều này ít nhất có thể tin được qua lời khuyên trước đó trong lá thư nổi tiếng của George Kennan gởi cho đồng nghiệp là Bộ trưởng Ngoại Giao Chip Bohlen năm 1948:

"Điều này không có nghĩa là tất cả các chính quyền mà chúng ta giúp chống lại áp lực của Liên Sô sẽ được soi sáng, sẽ là những chính quyền tự do, thực thi dân chủ theo những cách mà chúng ta có thể khen ngợi được. Rất nhiều trong số các chính phủ đó có thể sẽ trở thành những thể chế tham nhũng và độc tài. Tuy nhiên nếu đứng trên quan điểm lợi ích của nước Mỹ thì điều này vẫn còn tốt hơn là những chế độ do Cộng sản kiểm soát vì họ sẽ không có tham vọng thống trị toàn cầu, cũng như không có đủ phương tiện để cho phép mơ tưởng đến các cuộc gây hấn ở qui mô lớn."

Đối với các tư lệnh quân sự Việt Nam có khả năng thực hiện sự thay đổi thì điều hiển nhiên là TT Diệm phải ra đi cho VNCH có chút cơ may để sống còn.

Thành phần yêu nước của miền Nam Việt Nam có một niềm tin trực giác hợp lý rằng một khi tình hình đất nước khả quan hơn, nỗ lực về quân sự nhằm giải thoát gia đình họ khỏi ách nô lệ của con quái vật miền Bắc sẽ được tiến hành. Là một người quen thuộc với chiến lược quân sư, đặc biệt là chiến lược hải quân, ông Lê Bá Sách hiểu rằng đơn vị tiên phong chống trả một cuộc xâm lược sẽ phải là TQLC. Ông rất thương yêu con cái nhưng ông cũng yêu đất nước, đồng thời mang một nỗi căm thù Cộng sản tận xương tủy, một mối thù sâu sắc đến nỗi ông sẵn sàng để đứa con trai yêu quý tòng quân nhằm vào mục đích đó. Ông đã cương quyết khuyên đứa con trai trưởng phục vụ trong binh chủng TQLC.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, Lê Bá Bình lập tức được nhận vào trường sinh viên sĩ quan Thủ Đức ngay bên ngoài Sài Gòn nhằm tham dự một khóa học 10 tháng để trở thành sĩ quan. Do tầm mức tương đối nhỏ của các binh đoàn Việt Nam khác ở bên cạnh quân đội chủ lực, họ phải dùng chung cơ sở đào tạo sinh viên sĩ quan để tiết giảm chi phí và tận dụng các phương tiện huấn luyện còn thiếu thốn. Khóa học 10 tháng giúp các sĩ quan trẻ đầy nhiệt huyết tiếp xúc với đường lối chỉ huy quân sự, các tập tục, quân phong quân kỷ, cơ bản thao diễn và một số chiến thuật bộ binh căn bản vì đa số các khóa sinh nói cho cùng cũng sẽ được bổ sung vào quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Bình khi ấy nằm trong một nhóm riêng trong số vài trăm sinh viên sĩ quan, với 60 người đã được tuyển chọn vào binh chủng TQLC hiện đang thiếu trầm trọng các tân sĩ quan chỉ huy trẻ tuổi.

Đến năm 1962 thì binh chủng TQLC với tám năm thành lập ngắn ngủi đã được tăng cường thêm Tiểu đoàn 3. Với Tiểu đoàn pháo binh cơ hữu, một Tiểu đoàn hỗ trợ đổ bộ và một ban tuyển mộ huấn luyện đã đủ lông đủ cánh, TQLC Việt Nam đã có khả năng đưa vào chiến trường cả một Lữ đoàn đầy đủ. Vào thời điểm Bình được gắn lon Thiếu Úy với vạch vàng lên cầu vai, đã có gần sáu ngàn quân nhân Việt Nam được đặc quyền mặc bộ đồ trận rằn ri riêng biệt của binh chủng với châm ngôn "Danh Dự - Tổ Quốc."

Sau khi tốt nghiệp trường sĩ quan, sáu mươi Thiếu úy TQLC tân khoa được theo khóa thực tập một tháng tại Thủ Đức để học tập thêm về các đường lối của binh chủng, tập trung vào các chiến thuật bộ binh và đổ bộ, đồng thời để chuẩn bị cho họ đảm nhận công tác chỉ huy ngoài mặt trận ở cấp độ Trung đội và Đại đội. Bình đã tốt nghiệp thủ khoa trong toàn khóa huấn luyện này.

Vào lúc đó, Trung tá Lê Nguyên Khang là một sĩ quan cao cấp của TQLC vừa nhận quyền chỉ huy Tiểu đoàn 3, còn được mệnh danh là "Sói Biển." Hãnh diện vì đơn vị cũ của mình, ông muốn đưa các sĩ quan trẻ tuổi đầy triển vọng về Tiểu đoàn "Sói Biển" thân thương của ông. Và đó chính là lý do tại sao Bình đã được điều về Tiểu đoàn 3 TQLC.

Các sĩ quan TQLC Hoa Kỳ được giao nhiệm vụ cố vấn cho các TQLC Việt Nam thường thấy nhiều điểm tương đồng với họ vì những người này đã tiếp nhận một cách nhanh chóng tinh thần dẻo dai và niềm tự hào đơn vị mà các cố vấn Mỹ đã truyền bá thành công trong tâm trí họ. Do giá trị quân sự xuất chúng nên các Lữ đoàn TQLC và Nhẩy Dù Việt Nam nổi tiếng đã được chỉ định là lực lượng tổng trừ bị cho toàn bộ QLVNCH vào giữa năm 1959.

Hai đon vị này tuy nhỏ nhưng đáng tin cậy đã trở thành lực lượng ứng trực của quốc gia, các Lữ đoàn "lửa" để sử dụng trong trường hợp cực kỳ khẩn cấp và là những đơn vị để được gởi đi hoàn thành các nhiệm vụ khó khăn nhất.

Đơn vị triển khai chính của TQLC là cấp Tiểu đoàn. Được tổ chức tương tự như các Tiểu đoàn TQLC Hoa Kỳ bạn, hoạt động Tiểu đoàn TQLC Việt Nam còn mang sắc thái của hệ thống Trung đoàn Anh quốc trong các hoạt động có tính cách lâu dài. Là một nhánh nhỏ của quân đội, chưa có bề dầy lịch sử hoạt động nào đáng kể cho nên điều hiển nhiên là các sĩ quan và quân nhân thường được giữ lại trong đơn vị rất lâu tùy theo nhu cầu thực tế. Tuy chưa có ai đủ thâm niên để có thể coi thời gian phục vụ trong TQLC là một binh nghiệp nhưng điều hợp lý là một quân nhân, nếu sống sót qua các chiến trận, có thể được giữ lại trong cùng một Tiểu đoàn trong suốt thời gian phục vụ của anh. Những người chống đối hệ thống này cho rằng điều này có thể bóp nghẹt sự cải cách và ngăn không cho những nguồn "máu" mới được bổ sung vào. Lập luận ngược lại là mặc dù có sự phân loại về đẳng cấp, một môi trường có tính cách gia đình sẽ đóng góp vào nỗ lực chung và tinh thần đồng đội.

Tinh thần chiến đấu của TQLC là một sự pha trộn nét đặc thù Việt Nam và một phần ảnh hưởng của Hoa Kỳ. TQLC Việt Nam cũng giống như bên phía Hoa Kỳ là không hề có một mẫu người riêng biệt nào khi họ tình nguyện vào lính. Tuy vậy cũng có các nhóm người đại diện khác nhau. Chẳng hạn như đối với các giáo phái đặc biệt bị Cộng sản để ý đến như các thanh niên gốc Hòa Hảo và Cao Đài thì họ cho việc gia nhập TQLC là một cách để phục thù lại. Và trong khi báo chí Mỹ thường xuyên trong nhiều năm dài nói về các thanh niên Việt Nam tìm cách trốn tránh hoàn toàn nghĩa vụ quân sự hoặc ít nhất là phục vụ trong những vị trí an toàn đến tính mạng thì không hề thiếu các thanh niên Việt Nam yêu nước khác tin tưởng là chủ nghĩa Cộng sản không phải là câu giải đáp và quan niệm việc nhập ngũ vào TQLC là phương cách tốt nhất để đóng góp cho nền Tự Do của miền Nam Việt Nam.

TQLC Việt Nam là một tổ chức tình nguyện. Việc gia nhập thường lệ, tối thiểu lúc tân tuyển, là ba năm. Công tác huấn luyện dài tám tuần được tổ chức tương tự như các phương cách của TQLC Hoa Kỳ. Rất nhiều huấn luyện viên Việt Nam đã từng học tại San Diego và Parris Island.

Các sĩ quan được giao phó trách nhiệm với thời gian lâu dài hơn. Theo dòng chiến sự, nếu không bị tử trận hay trọng thương thì họ được giữ quân vụ một cách vô hạn định. Và cũng giống như các cấp bậc đã nhập ngũ khác, sĩ quan TQLC Việt Nam không nằm trong bất cứ nhóm người đặc biệt nào khác. Họ bao gồm những người miền Nam, người Bắc di cư, Phật tử và Công giáo.

Không có nơi nào mà sự tôn trọng Khổng giáo và quyền hành theo cấp bậc rõ ràng hơn là trong TQLC. Trong bốn quân chủng Hoa Kỳ thì TQLC là tổ chức chú trọng đến sự phục tùng các cấp trên nhiều nhất. Đối với những người không biết hoặc ngoại cuộc thì họ không hề cảm nhận được cái tình cảm sâu sắc thường chỉ biểu hiện dưới bề mặt sự tương quan giữa sĩ quan và các quân nhân hoặc sĩ quan cao cấp và cấp dưới của mình. Tuy các sĩ quan ít khi gọi thuộc cấp của mình bằng tên riêng và ngược lại kẻ dưới luôn xưng hô cấp trên bằng "Thưa (hay trình)..." cùng cấp bậc của họ, tình huynh đệ chi binh giữa họ hết sức mạnh mẽ ngay cả trong các đơn vị chiến đấu nhỏ nhất. Và mặc dù cấp bậc và chức vụ phần nào phân chia sĩ quan với thuộc cấp nhưng gian khổ và khó khăn là điều phổ quát chung.

Quân đội Hoa Kỳ, nhất là TQLC đặc biệt nhấn mạnh công việc đào tạo những người có khả năng kế thừa mỗi khi cấp trên bị tử trận hay bất khiển dụng. Đây là một điều gần như là độc đáo trong nền văn hóa của Hoa Kỳ, có thể là một phần của tư tưởng “anh hùng cá nhân” và bản chất thứ hai nữa là nó đã cho các đơn vị này có thể tiếp tục chiến đấu một cách hiệu quả ngay mặc dù cấp chỉ huy chính thức đã ra đi.

Sự phân cấp trong TQLC Việt Nam ít phức tạp hơn quân đội Hoa Kỳ, có vẻ Việt Nam hơn hoặc giống hệ thống Âu Châu trên thực tế. Khi đối diện với cấp trên, điều lịch sự và kính trọng thông thường là không nhìn thẳng vào mắt của người đối diện. Khái niệm sĩ diện hay giữ thể diện là điều tối ưu không thể coi nhẹ được. Đối với các cấp chỉ huy, điều quan trọng nhất là các mệnh lệnh phải được thi hành và mọi hành động phải được chấp thuận trước khi thi hành. Khoảng cách giữa sĩ quan và lính tráng khá rõ ràng ngay từ cấp Thiếu úy trở lên. Mỗi Trung đội trưởng đều có một bộ phận nhỏ trong bộ chỉ huy tí hon của mình, thường là từ một đến ba người để làm những chuyện vặt vãnh, phục dịch, đưa tin hay chạy việc cho viên Thiếu úy trẻ. Chức vụ càng cao thì nhóm quân nhân được giao trách nhiệm phục dịch sĩ quan càng đông hơn. Trong quân đội Hoa Kỳ thì nhóm người này thường được gọi là “cao bồi.” Đây là một trách nhiệm danh dự chứ không hề là một sự miệt thị khi được làm “cao bồi” cho một sĩ quan nào đó.

Thiếu úy Lê Bá Bình trình diện “Sói Biển” vào tháng 10 năm 1962, một tháng sau khi chương trình “Beverly Hillbillies” được trình chiếu lần đầu trên truyền hình Mỹ, cùng tháng với ca khúc “Monster Mash” do ca sĩ Bobby “Boris” Pickett trình bầy được xếp hạng nhất của nhạc Pop Mỹ, cũng đồng thời cũng là tháng mà “Đại Bàng Hoa Kỳ” và “Gấu Mẹ Liên Sô” suýt nữa đã choảng nhau bằng hỏa tiễn nguyên tử tại Cuba. Trong một chiến dịch gọi là “Operation Shufly” được tiến hành từ đầu năm, các trực thăng TQLC Hoa Kỳ nay được chỉ định yểm trợ không vận cho các đơn vị TQLC cũng như quân đội QLVNCH bay ra bay vào mặt trận.

Phương pháp sử dụng các tân sĩ quan trong TQLC Việt Nam hầu hết là huấn luyện tại chỗ. Ngay sau khi trình diện Tiểu đoàn 3, Bình được bổ nhiệm Trung đội trưởng thuộc Đại đội 2. (Khác với TQLC Hoa Kỳ đặt mã chữ cho các Đại đội, phía Việt Nam thì vẫn sử dụng mã số ở cấp Đại đội).

Kể từ lúc Thiếu úy Lê Bá Bình trình diện vào tháng 10/1962 cho đến đầu tháng 11 năm 1963, Tiểu đoàn 3 đã được điều động không biết bao nhiêu lần ra mặt trận quần thảo với các đơn vị Việt Cộng từ vùng Trung nguyên mạn bắc Saigon cho đến mỏm Nam bán đảo Cà Mau.

Đối với những người trong cuộc như các TQLC với những người như Lê Bá Bình đầy kinh nghiệm trận mạc thì các cuộc tiếp cận với kẻ địch mang tầm ý nghĩa rất quan trọng. Nhìn theo cách vô tư, từ xa và có tầm bao quát hơn thì có vẻ những cuộc giao tranh này không có gì quan trọng lắm. Trong thời gian hai năm thử thách này, Thiếu úy Lê Bá Bình đã bị thương ba lần khi dẫn Trung đội xung phong tấn công kẻ thù Cộng sản và đã được ghi công trạng anh dũng. Đó là những kinh nghiệm sẽ giúp anh và những binh lính anh sẽ chỉ huy trong các cuộc giao tranh sắp tới. So sánh với những thử thách sau này trong cương vị Đại đội trưởng hay Tiểu đoàn trưởng thì sự khởi đầu chậm chạp và tương đối nhẹ nhàng lại là cách tốt nhất để nhập cuộc đối với một sĩ quan trẻ.

Do sự tình cờ của số mệnh mà vào đầu tháng 11 năm 1963 hầu hết các sĩ quan và quân nhân của Tiểu đoàn 3 đang được nghỉ phép trong khi toàn bộ Sài Gòn cũng như bộ Tư lệnh quân đội Việt Nam lao vào các âm mưu dẫn đến cuộc đảo chánh để thay thế TT Ngô Đình Diệm. Họ đã trình diện lại vài ngày sau khi tướng Dương Văn Minh, được hầu hết người Mỹ biết đến như "Minh cồ", đã nắm quyền lãnh đạo và sau này bị thay thế bởi tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ vào cuối tháng Giêng năm 1964, sau một vài thay đổi chính quyền. Đối với các TQLC Sói Biển, công tác chiến đấu chống Việt Cộng đã trở lại bình thường.

Trong khi còn đang thu thập kinh nghiệm chỉ huy trong cương vị Trung đội trưởng, Bình được chọn và thông báo sẽ được điều đi học khóa Căn Bản TQLC tại Quantico ở Virginia, Hoa Kỳ. Đối với Lê Bá Bình, viễn ảnh được đi du học ở Mỹ và thụ huấn một khoá huấn luyện cao hơn là một thử thách mà anh rất hăm hở chờ đợi.

Có một điều gì đó không cưỡng lại và né tránh được mà mọi người phải chấp nhận là sự hiện diện và ảnh hưởng toàn diện của nền văn hóa Hoa Kỳ. Trong đề tài này thì không mấy ai thích tranh luận. Lập luận khởi đầu là liệu cái sức mạnh này có tính cách cố ý và liệu có phục vụ cho lợi ích của người Mỹ hay không?

Thành phần ghét Mỹ tại Âu Châu và Á Châu, nhất là những người có khuynh hướng thiên tả hay thân Cộng thì luôn luôn lên án Mỹ vì chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Thành phần khác không phản đối Mỹ thì đơn giản thích hưởng thụ phim ảnh và nhạc Mỹ mà cả 48 tiểu bang và ngay các tiểu bang Alaska và Hawaii tuôn ra không ngừng.

Có thể nào một người yêu quê hương đất nước của họ, đặc biệt là trong một nước thuộc thế giới thứ ba, vừa có thể giữ lại được những tinh hoa của nền văn hóa mình mà vẫn thấy thích thú trước vẻ đẹp nam tính phổ quát của Burt Lancaster hay Gary Cooper hoặc sức quyến rũ của Esther WilliamsDeborah Kerr hay không?

Có khi nào một người bình thường, dù chỉ là để giải trí, sau một lần được xem Gene Kelly hay nghe Singin' in the Rain, có thể biến thành Cộng sản được hay không? Có mấy ai có thể cưỡng lại nổi các phản ứng nhún nhẩy tự nhiên của cơ thể khi thưởng thức Temptations hay Four Tops Song? Mặc dù không hiểu tiếng Anh một chút nào, người ta vẫn cảm thấy hạnh phúc và niềm vui khó tả khi được tiếp cận với một nền văn hóa vượt không gian như vậy.

Điều đó đã xảy đến với Lê Bá Bình, một người Việt Nam yêu nước và một sĩ quan trẻ TQLC. Ngay từ lúc còn nhỏ anh đã không hề bị mất gốc hay vọng ngoại. Anh đã hấp thụ ảnh hưởng Tây phương mà không từ bỏ những gì tốt đẹp nhất của Việt Nam và thường ư ử nhái lại những nhạc điệu của Nat king Cole. Anh vẫn thường đi đến các rạp hát nhỏ bé của Sài Gòn, tay nắm một đống tiền để mơ màng đến sự bao la của Miền Viễn Tây hoang dã trong những phim như High Noon hay Veracruz. Đến tuổi mới lớn thì anh chỉ trễ vài tuần lễ sau giới thiếu niên Mỹ khi tiếp xúc với các giai điệu mới của Bill Haley, nhóm tứ ca Danny and the Juniors, cùng tất cả những người sau đó. Cũng nên biết rằng cuộc "xâm lăng của Anh quốc" không chỉ ngừng lại ở Bắc Mỹ sau này. Các ban nhạc the Beatles, the Animals, Herman's Hermits, the Yardbirds, the Rolling Stones cũng đã hạ cánh và chinh phục được Đông Nam Châu Á.

Bình đã trải qua quá trình thay đổi từ một sinh viên đại học thành một sinh viên sĩ quan rồi tân Trung đội trưởng và trở thành một thanh niên đầy tự tin sau khi đã sống sót qua chiến trận triền miên. Cách huấn lưyện tại chỗ như một tân sĩ quan thật khác xa với phương cách học hỏi lý tưởng về nghệ thuật chỉ huy nhưng lại là sự lựa chọn duy nhất trong điều kiện đất nước vào thời điểm lúc đó. Do đó, cơ hội được du học tại Hoa Kỳ thật là một món quà từ trên rơi xuống. Anh đã tự hiến mình để thu thập phần lớn kinh nghiệm từ khóa học Cơ Bản.

Gánh nặng là phải duy trì sự hiện diện thường trực của quân đội Hoa Kỳ ở một cấp độ nào đó về sức chiến đấu đã khiến cho những người Mỹ chào đời sau Thế Chiến Thứ Hai không có sự lựa chọn nào khác. Cho đến tận thời điểm đó, kể từ khi lập quốc cho đến lúc khởi đầu của Chiến Tranh Lạnh, Hoa Kỳ chỉ động viên cho mục đích chiến tranh, chưa bao giờ phải răn đe ai cả. Với những thay đổi của tình thế, tốn phí của Chiến Tranh Lạnh về nhân lực, tài nguyên và của cải đã vượt quá xa kinh nghiệm đất nước nhưng sự cần thiết phải cảnh giác nhằm đẩy lùi hiểm họa Cộng sản đã đặt cho nước Mỹ vào thế không còn sự lựa chọn nào khác.

Từ sau Thế Chiến Thứ Hai, người Mỹ nghĩ rằng nếu có một cuộc khủng hoảng nào xẩy ra bất cứ chỗ nào trên thế giới thì họ chỉ đơn giản gởi TQLC đến, cùng một lực lượng đặc nhiệm với hàng không mẫu hạm gần đó, hoặc máy bay ném bom chiến lược luẩn quẩn đâu đó trên bầu trời sẵn sàng đợi lệnh Tổng thống để xung kích là đủ.

Thế Chiến Thứ Hai đòi hỏi quá nhiều nơi mức sản xuất và nỗ lực của quốc dân tới mức không một bộ phận nào là không bị chiếu cố. Trong bốn năm trời đó, tất cả dồn vào kinh tế. Vào thời kỳ trước khi giành được chiến thắng, sự lựa chọn của kinh tế quốc gia là "bánh mì hay khẩu súng." Nói chung dân chúng đã chịu đựng và chấp nhận gian khổ cùng nhau. Ngay cả mặc dù có một số thành phần không phải ra trận phục vụ, nhưng những ngày thứ ba không có thịt và sự hạn chế về xăng nhớt cũng là một cách chia sẻ hy sinh vì mục tiêu chiến thắng.

Trong hoàn cảnh hậu chiến với nền kinh tế phát triển mạnh mẽ đã có sự thay đổi quan niệm từ "bánh mì hay khẩu súng" thành "bánh mì khẩu súng." Trong khi tốn phí về quốc phòng vượt xa mức sản xuất quốc gia còn hơn thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai nhưng sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đạt tới mức là những chi tiêu thường xuyên cho Chiến Tranh Lạnh vẫn cho phép người dân được tự do hưởng thụ các lợi ích vật chất mà họ không bị đòi hỏi phải hy sinh cá nhân như vài năm trước đó.

Tầm cỡ tuyệt đối của sức mạnh quân sự Hoa Kỳ thật khó mà đo lường được. Từ giai đoạn phác thảo hay tuyển mộ từ tứ phương cho đến lúc huấn luyện các cá nhân thành những quân nhân, thủy thủ, phi công hoặc TQLC, rồi nhiều người trong số đó lại còn được huấn luyện thêm về chuyên ngành đặc biệt để bổ nhiệm họ vào các đơn vị mà sau này họ sẽ phải được huấn luyện thêm nữa, cho tới sự trù liệu một uy lực của Hoa Kỳ ở bất cứ nơi nào cần đến thì quả thật chỉ có một quốc gia thực sự giàu có mới kham nổi. Từ lúc khởi đầu cho đến lúc thật sự tác chiến hay phô trương lực lượng còn có vô vàn phí tổn cho việc tích trữ, xây dựng căn cứ và chăm lo cho các nhân viên phục vụ cho nhu cầu quân sự của quốc gia. Các đòi hỏi về nghiên cứu và phát triển lại còn làm tăng thêm chi phí để bảo đảm cho các chiến đấu cơ Mỹ luôn luôn nắm thế thượng phong đối với các đối phương không thể nào có sức chạy theo cách người Mỹ làm. Thật là không đơn giản chút nào nếu muốn phái một phi đội B.52 đủ sức dội bom trúng mục tiêu, hoặc điều một lực lượng đặc nhiệm hàng không mẫu hạm đến một vị trí chiến lược có tầm ảnh hưởng thuận lợi cho lợi ích của Hoa Kỳ. Người Nga cũng đã cố gắng thực hiện điều đó nhưng họ không bao giờ đạt được chữ "" trong khái niệm "bánh mì và khẩu súng."

Một nước nhỏ như VNCH chắc chắn không có đủ nguồn lực hay hạ tầng cơ sở khả dĩ có thể cưu mang và huấn luyện một đội quân đủ sức để thi hành nhiệm vụ sau này được giao phó. Ở giai đoạn phát triển tiên khởi, quyết định phái các tân sĩ quan TQLC đi thụ huấn Trường Căn Bản ở Quantico dường như là một điều tiên tri đúng đắn. Khi một quân nhân tiến dần lên trong hệ thống quân giai và nếu điều kiện cho phép, người sĩ quan này có thể trở lại Quantico để được huấn luyện thêm với tư cách một Đại úy, Thiếu tá hay cao hơn nữa.

Việc cử Thiếu úy Lê Bá Bình và bốn sĩ quan TQLC khác theo học tại Trường Căn Bản Quantico tại Virginia thật hết sức đúng lúc. Cả năm anh TQLC Việt Nam đều là các chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm. Các sĩ quan cấp úy này đều đã thực hiện hàng chục chuyến bay chiến đấu bằng trực thăng xâm nhập hoặc máy bay cánh thẳng để nhẩy vào mục tiêu trong nội địa trên những chiếc C-47 hay đủ loại các máy bay quân sự khác. Họ đều quá quen với hiểm nguy nên chuyến đi Mỹ là một giai đoạn nghỉ ngơi, học hỏi và đơn giản là chuyến đi chơi đầy vui thú. Ít nhất là chẳng có ai tại Mỹ, trong tâm trí họ, muốn hại họ cả.

Từ phi trường Tân Sơn Nhất ở ngoại ô Sài Gòn, qua căn cứ không quân Clark tại Philippines, đến Guam, rồi Seattle và căn cứ không quân Travis tại California, chuyến đi thật là dài, buồn tẻ và lạnh lẽo. Vì lý do nào đó công tác chuyển vận lại thay đổi và đoạn đường ba ngàn dặm cuối cùng là một chuyến xe lửa dài ba ngày trời. Chuyến đi mất ba ngày từ Fairfield, thành phố bên ngoài căn cứ Travis cho đến Quantico. Cuối cùng thì Bình đã có thể nhìn và gần như là sờ thấy khoảng không gian rộng mở bao la mà anh vẫn mường tượng từ lúc còn nhỏ trong những buổi trưa đi coi xi-nê ngay tại Tân Định cách đó không lâu.

Khóa học Căn Bản bắt đầu vào tháng 7 năm 1964 và được đặt tên là khóa Đại đội H, hay Đại đội "Hotel," có khi gọi đơn giản hơn là "Hotel." – là một lớp học đa ngữ và đa văn hóa. Trong đám sinh viên sĩ quan người Mỹ mới tốt nghiệp mặt còn non choẹt còn có các sĩ quan cấp úy trẻ người Đại Hàn, Trung Hoa, Indonesia, Venezuela và Tây Ban Nha cũng mới mẻ không kém. Trong cả nhóm chỉ có đám Việt Nam là những người đã từng có kinh nghiệm chiến trường đáng kể.

Trong lúc tầng lớp thiếu niên Hoa Kỳ còn bận rộn với giày Beatles, nhạc, thời trang tóc tai thì Bình và các bạn trong Đai đội H miệt mài trong Trường Căn Bản để cố gắng học hỏi tất cả những điều học được về chiến thuật bộ binh, thực tập kỹ thuật phối hợp các hỏa lực theo kiểu Mỹ, quân phong quân kỷ, và tất cả những gì mà các sĩ quan huấn luyện có thể nghĩ ra được.

Bình và bốn Thiếu úy Việt Nam khác đều từng là sĩ quan tác chiến. Bạn bè người Mỹ rất kinh ngạc trước những câu chuyện của họ và thường đối xử với họ một cách trân trọng hơn. Thấy trước là không bao lâu nữa sẽ cùng chiến đấu bên nhau thành thử sự quan tâm trên phương diện nghề nghiệp của họ hết sức chân thành.

Đối với các sĩ quan Việt Nam thì cơ hội được chia sẻ ý kiến với các bạn học và giảng viên rất bổ ích và dễ chịu. Cùng với sự lan rộng của chiến trận, việc được học hỏi chính quy các chiến thuật và áp dụng hỏa lực trong lớp học cũng như ngoài trời là những điều mà các TQLC Việt Nam chưa hề có cơ hội được biết đến. Nhóm Việt Nam do đó thường thảo luận với nhau các lợi ích của từng bài học, đi vào những chi tiết nhỏ nhặt nhất và trao đổi với nhau sẽ làm sao để áp dụng những điều học hỏi được với đồng đội khi họ trở về nước.

Trong lúc Đại đội H đang ngày đêm thụ huấn trong các cánh rừng Quantico thì sự tham gia của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á từng bước tiến lên cường độ cao hơn. Ðúng lúc khóa học vừa hoàn tất xong chương trình tập bắn súng trường thì Quốc Hội Mỹ thông qua Nghị Quyết Vịnh Bắc Bộ. Mặc dù không chính thức khai chiến nhưng trên thực tế, Hoa Kỳ đã nhập vào cuộc chiến.

Khi mùa Hạ bước sang mùa Thu, các sĩ quan TQLC Việt Nam tận hưởng sự thay đổi màu sắc của đất trời. Và mặc dù họ đều đã biết đến cái lạnh buốt giá thấu xương trong rừng núi Việt Nam nhưng những nụ tuyết đầu tiên rơi xuống là một trải nghiệm như thể là ma thuật, gây ra niềm vui giống như tất cả các trẻ em khi lần đầu tiên được tiếp xúc với một hiện tượng như vậy.

Sự huấn luyện tại Trường Căn Bản rất khắt khe nhưng hoàn toàn không căng thẳng bằng chuyện có thể bị đạn thù thật sự trên chiến trường. Mặc dù đầu bếp nhà trường phải mất nhiều tuần lễ mới tìm ra cách nấu cơm đúng nhất, và dù họ dùng loại hạt gạo dài theo kiểu Mỹ nhưng Bình không nề hà thưởng thức thịt bí-tết, hamburgershotdogs. Cuối tuần thường là thời gian dành cho du ngoạn và đi thăm các thắng cảnh lịch sử và văn hóa trong khoảng cách lái xe được từ Quantico.

Bình tốt nghiệp vào tháng 12 và có được một tháng phép trước khi phải về nước. Chẳng có gì vội vàng cả vì Cộng sản vẫn còn đầy ra đấy để tiễu trừ. Bình đã đi thăm những nơi có thể đi được trong những buổi cuối tuần và bây giờ trong chuyến hồi hương dài và thong thả. Mặc dù anh đã không để lại trái tim nơi đó nhưng San Francisco và khu phố Tầu là nơi anh thích nhất. Anh đã được một người bạn trong Trường Căn Bản hướng dẫn đi chơi rất rành rọt vì anh ta vốn sinh trưởng ngay tại vùng Vịnh.

Vào tháng Giêng 1965 Lê Bá Bình trở về Việt Nam và tái nhậm Tiểu đoàn Sói Biển, giờ đây với cấp bậc Trung úy Đại đội trưởng trung đội cũ của anh. Anh phục vụ tại đó một thời gian nữa trước khi một số bạn học của anh từ trong Trường Căn Bản sẽ đổ bộ xuống phía Bắc gần Đà Nẵng cùng với Sư đoàn 9 TQLC Hoa Kỳ.





tải về 131.85 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương