BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 11 tháng 01 năm 2011)



tải về 114.24 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích114.24 Kb.
#31084




BẢN TIN PHỤC VỤ LÃNH ĐẠO

(Ngày 11 tháng 01 năm 2011)


CHỈ THỊ MỚI 2

  1. Bộ Chính trị ra chỉ thị lãnh đạo cuộc bầu cử Đại biểu QH khóa XIII 2

TƯ DUY – CÁCH LÀM MỚI 2

  1. Lớp học trên đồng ruộng – Cách làm hay trong dạy nghề 2

  2. Quân khu 1: Quản lý bộ đội qua hoạt động của căng-tin 4

  3. Thái Lan: Chính phủ “tặng” dân nghèo 9 giải pháp an sinh xã hội 5

  4. Anh: Dân giảm cân, chính phủ thưởng tiền 6

BÌNH LUẬN 7

  1. Trực tiếp với dân 7

  2. Chống buôn lậu 8

QUẢN LÝ 10

  1. “Bầu trực tiếp Tổng Bí thư là do Đại hội quyết định” 10

  2. Xây dựng Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề 11

  3. Quản lý địa phương của các Sở TT&TT: “Vướng” vì nhiều khó khăn 12

  4. Quyết liệt tháo “nút cổ chai” giám định tư pháp 13

  5. Đề xuất chế tài cơ quan, cán bộ chậm cấp phép xây dựng 14

  6. Bộ Xây dựng “bó tay” trước giá bất động sản? 14

  7. 2010-2011: Mỗi địa phương phải có 1 trường PTDTNT chuẩn quốc gia 15

  8. Tại nạn lao động: Tại chủ, tại thợ, tại cả nhà quản lý 16

  9. Đà Nẵng: Cấm tổ chức chúc Tết lãnh đạo 17

  10. Đà Nẵng: 44 cán bộ nguồn trẻ về phường, xã 18

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH 18

  1. Tiền Giang: Phát hiện sai phạm lên tới 8,3 tỷ đồng 18

  2. Kiên Giang: Phát hiện sai phạm về BHXH trên 3,875 tỷ đồng 19

PHÁP LUẬT 19

  1. Kiên Giang: Chủ tịch Hội chữ thập đỏ lấy tiền từ thiện cho vay 19



CHỈ THỊ MỚI

Bộ Chính trị ra chỉ thị lãnh đạo cuộc bầu cử Đại biểu QH khóa XIII


Bộ Chính trị vừa ra Chỉ thị số 50 về lãnh đạo cuộc bầu cử Đại biểu QH khóa XIII và bầu cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Chỉ thị nêu rõ: Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 sẽ được tiến hành vào cùng một ngày trong năm 2011. Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức Đảng cần có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử.
Đồng thời, lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND.
Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, coi trọng tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có quan điểm quần chúng, có đủ năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND.
Ngoài ra, các cấp ủy, các tổ chức Đảng cũng cần có cơ cấu hợp lý về số đại biểu là người đang công tác ở cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; bảo đảm số lượng đại biểu chuyên trách theo đúng quy định của pháp luật; có tỷ lệ hợp lý đại biểu của các dân tộc thiểu số, các tôn giáo, đại biểu nữ, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, doanh nhân tiêu biểu thuộc các thành phần kinh tế…(Theo Văn Hóa 10/1) Về đầu trang

TƯ DUY – CÁCH LÀM MỚI

Lớp học trên đồng ruộng – Cách làm hay trong dạy nghề


Sau một thời gian phối hợp với Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) thực hiện đào tạo nghề cho nông dân, Trung tâm Dạy nghề và Chuyển giao công nghệ VACVINA (Hội Làm vườn Việt Nam) đã tổng kết được rất nhiều bài học. Trong đó, bài học sáng giá nhất là mở lớp học ngay trên đồng ruộng, đào tạo nghề theo yêu cầu của người dân và các địa phương.
Khác với các lớp dạy nghề ngành công nghiệp, học viên sau khi học nghề có thể được tuyển dụng ngay vào các nhà máy, xí nghiệp, những lớp dạy nghề cho nông dân muốn có kết quả tốt, học viên phải học ngay trên đồng ruộng bởi khi kết thúc khoá học, họ sẽ trở thành công nhân trên chính thửa ruộng nhà mình. Nắm vững đặc điểm đó nên thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề và Chuyển giao công nghệ VACVINA được đánh giá là đơn vị điển hình trong việc đào tạo nghề cho nông dân.
Được biết, việc khảo sát để mở lớp học được Trung tâm chuẩn bị rất công phu, nhất là khâu khảo sát nhu cầu học nghề và chọn đối tượng đi học. Mỗi khoá học thường kéo dài 3 tháng, thầy giáo đến ở tại địa phương để cùng bà con ra đồng.
Đi học, mỗi học viên đều có một cuốn sổ nhật ký đồng ruộng ghi chép tỉ mỉ những kinh nghiệm thu được tại lớp học. Riêng Trung tâm Dạy nghề và Chuyển giao công nghệ VACVINA đã rút ra được nhiều bài học, để từ đó ngày càng hoàn thiện hơn việc giảng dạy.
Thứ nhất, về công tác tổ chức, lấy cấp xã làm cơ sở, vì cấp xã có đủ khả năng, điều kiện để tổ chức thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Mặt khác, chính quyền xã là đơn vị nắm được tâm tư nguyện vọng và hoàn cảnh của từng học viên hơn ai hết.
Về công tác tuyển sinh, cần phối hợp chặt chẽ với các Hội, đoàn thể như Hội Làm vườn, Hội Nông dân... để tổ chức các lớp dạy nghề theo nhu cầu của địa phương. Các cấp hội, đoàn thể cũng chính là “cánh tay phải” của Trung tâm trong công tác tuyển sinh, quản lý lớp học và tạo điều kiện cho học viên sau học nghề...
Về công tác đào tạo nghề, phải đảm bảo 3 điều kiện: Xây dựng được mục tiêu, chương trình nghề đào tạo; xây dựng được giáo trình, bài giảng phù hợp với từng nghề; lập dự toán, chi phí đào tạo nghề theo yêu cầu của Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH. Ngoài ra, Trung tâm còn có một mô-đun về hạch toán kinh tế và tạo việc làm sau học nghề nhằm giúp học viên biết tự hạch toán và lựa chọn nghề có hiệu quả kinh tế cao để đầu tư.
Cuối cùng là “đầu ra” cho người học nghề. Để đảm bảo chỉ tiêu 80% học viên sau đào tạo nghề có việc làm, ngay từ khâu tuyển sinh phải khảo sát kỹ, phải chọn người đang sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi có nhu cầu học nghề. Chính vì làm tốt công tác này nên tại các lớp dạy nghề thí điểm của Trung tâm năm 2009, có tới trên 90% học viên sau học nghề có việc làm, riêng hội viên của Hội Làm vườn có tới gần 100% người đi học đã làm đúng nghề. Trung tâm còn là địa chỉ tin cậy trong việc tư vấn, giúp đỡ học viên trong việc giới thiệu, cung cấp giống cây - con mới, hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm...
Với kinh nghiệm trong quá trình dạy nghề, Trung tâm cho rằng dạy nghề nông nghiệp nên tổ chức theo mùa vụ sản xuất; cần có chính sách ưu tiên cho việc dạy nghề ở miền núi như tăng thù lao cho giáo viên; hỗ trợ tiền ăn, ở và đi lại cho học viên; tăng chi phí khảo sát để công tác tuyển sinh đảm bảo chất lượng... (Kinh Tế Nông Thôn 10/1)Về đầu trang

Quân khu 1: Quản lý bộ đội qua hoạt động của căng-tin


Đó là một cách làm hay của đơn vị M41, Đoàn Sao Vàng (Quân khu 1). Tại đây, chỉ huy đơn vị đã có nhiều biện pháp quản lý hiệu quả hoạt động của căng-tin, hạn chế tình trạng vi phạm kỷ luật của chiến sĩ.
Căng-tin ở Đơn vị M41 được tổ chức ở cấp phân đội và hoạt động vào những ngày nghỉ, giờ nghỉ. Nhân viên bán hàng là quân nhân của đơn vị, hoạt động theo “cơ chế” phục vụ chứ không “giao khoán” cho tập thể, cá nhân.
Ban Hậu cần của đơn vị trực tiếp phụ trách và chịu trách nhiệm trước Đảng ủy, chỉ huy đơn vị về mọi mặt hoạt động của căng-tin. Hàng hóa bày bán trong căng-tin khá đa dạng, về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ (nhưng không bán thuốc lá, rượu). Đặc biệt, 100% hàng hóa đều được cơ quan hậu cần “niêm yết” giá, bảo đảm thấp hơn hoặc bằng giá ngoài thị trường.
Qua hoạt động của căng-tin, các phân đội còn nắm bắt được việc chi tiêu của cán bộ, chiến sĩ, kịp thời phát hiện, nhắc nhở những trường hợp chi tiêu vượt quá khả năng cho phép… Hệ thống căng-tin của đơn vị là “điểm đến” của cán bộ, chiến sĩ, hạn chế tình trạng bộ đội ra ngoài doanh trại sai quy định, la cà hàng quán…(Quân Đội Nhân Dân 10/1)Về đầu trang

Thái Lan: Chính phủ “tặng” dân nghèo 9 giải pháp an sinh xã hội


Gói giải pháp bao gồm việc cải tổ sở hữu đất đai, giảm chi phí sinh hoạt, hỗ trợ an sinh cho người lao động trong các lĩnh vực không chính thức và chống tham nhũng.
Ngày 9/1, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva công bố, Chính phủ sẽ cung cấp 2 tỷ Baht cho gói giải pháp này nhưng dự kiến sẽ tạo lợi nhuận trên 20 tỷ Baht.
Gói giải pháp này hay được gọi là “những món quà đầu năm” của Chính phủ Thái Lan hướng tới những người có thu nhập thấp và không được bảo vệ bởi hệ thống an sinh nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong xã hội.

Gói 9 giải pháp bao gồm: Thứ nhất, những người dân làm tư có thể tham gia vào tổ chức An sinh xã hội vào tháng 7. Người lao động tự do và người làm tư (khoảng 24 triệu người) có thể bắt đầu được trả 100 Baht/tháng giống như những công nhân chính thức.


Thứ hai, cho vay tiền lãi suất thấp (đến 5.000 baht) cho người lái xe taxi để họ có thể tự mua xe và cho những người hành nghề xe ôm và bán hàng rong để hỗ trợ họ có một số vốn nhất định phục vụ việc kinh doanh.

Thứ 3, bắt đầu từ tháng 3 sẽ mở trung tâm đăng ký xe ôm trên toàn quốc để đảm bảo an toàn và tạo thuận lợi cho việc hành nghề của những người này.

Thứ tư, tạo các khu vực dành riêng cho hoạt động bán hàng rong.

Thứ 5, Chính phủ sẽ tiếp tục giảm giá gas sử dụng trong nội trợ bằng số tiền từ Quỹ dầu khí quốc gia, sẽ ngừng việc giảm giá gas của LPG sử dụng trong công nghiệp để tạo nên sự công bằng hơn trong cấu trúc giá.

Thứ 6, Cấp điện miễn phí cho những hộ gia đình có thu nhập thấp, sử dụng chưa tới 90 kWh/tháng.

Thứ 7, cắt giảm chi phí chăn nuôi để giá thành sản phẩm rẻ hơn;

Thứ 8, khuyến khích người tiêu dùng mua bán lương thực với số lượng lớn thay vì mua nhỏ lẻ như hiện nay để giá thành rẻ hơn, chẳng hạn họ có thể mua trứng rẻ hơn.

Thứ 9, giảm 20% tỉ lệ tội phạm trong lĩnh vực du lịch tại Bangkok trong 6 tháng. Chính phủ sẽ tăng thêm camera an ninh tại các tụ điểm công cộng và tăng tuần tra cảnh sát... (Theo Dvt 10/1)Về đầu trang


Anh: Dân giảm cân, chính phủ thưởng tiền


Chính phủ Anh đã thử nghiệm trả tiền cho người dân lên đến 662 USD nếu họ vẫn giữ mục tiêu giảm cân và duy trì trong vòng 24 tháng.
Phát ngôn viên của Sở Y tế cho biết: "Chúng tôi đang thử nghiệm và mở rộng chương trình có sử dụng các ưu đãi tài chính đối với các hành vi lành mạnh cho sức khỏe như giảm cân, ngừng hút thuốc lá. Mặc dù các thử nghiệm còn trên quy mô nhỏ, nhưng nó đã thành công đủ để phát triển xa hơn. Trong tuần này, chính phủ công bố sẽ đưa ra 5 triệu phiếu ưu đãi giá 5 bảng Anh để cho các gia đình đổi lấy trái cây và rau quả”.
Tại một số vùng ngoại ô London, hệ thống giao thông công cộng áp dụng thí điểm cấp vé xem phim, phiếu mua sắm nếu các em học sinh đi bộ đến trường. Các dự án tương tự cũng đang được tiến hành ở các tỉnh khác. Chính phủ Anh đã ủy quyền cho công ty Chiến thắng trọng lượng kiểm tra trả tiền cho những người làm việc đã giảm được cân nặng.
Ở phía đông và ven biển Kent, các chuyên gia thấy rằng, 400 người trong một thử nghiệm năm 2008 giảm trung bình gần 15 kg và giữ được trọng lượng đó ít nhất một năm. Một thử nghiệm thí điểm tại Scotland, phụ nữ mang thai nghèo có thể được trả 19,5USD một tuần nếu họ ngừng hút thuốc. Sau một tháng, họ sẽ được trả 60% số tiền và 35% ba tháng tiếp theo.
Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng rất khó để thay đổi thói quen của người dân và cảnh báo các chiến lược tiền mặt có thể phản tác dụng. (Nông Thôn Ngày Nay 10/1)Về đầu trang

BÌNH LUẬN

Trực tiếp với dân


Tuần tới sẽ diễn ra sự kiện trọng đại thu hút sự quan tâm đặc biệt: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đại hội Đảng toàn quốc sẽ được truyền hình trực tiếp phiên khai mạc, bế mạc và một số phiên khác. Đây là nét chuyển biến quan trọng lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ Đại hội ở nước ta.
Trước đó, hầu hết Đại hội đảng bộ các tỉnh, thành cũng đã được phát trực tiếp. Thậm chí có những đại hội cấp huyện như ở miền trung du Tiên Phước (Quảng Nam), huyện miền núi Lục Nam (Bắc Giang), nhiều huyện của tỉnh vùng cao Hà Giang… cũng được truyền hình, truyền thanh trực tiếp đến dân.
Lâu nay, người dân đã quen thuộc với các phiên chất vấn, các phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, về những quyết sách tại các kỳ họp Quốc hội. Không khí luận bàn dân chủ, cởi mở từ đời sống bước vào nghị trường, để rồi trở thành những quyết sách, những điều luật quay lại thúc đẩy đời sống phát triển. Có được tiến trình dân chủ hóa, công khai hóa như vậy, với đặc thù một đất nước đang phát triển như ở ta thật không hề đơn giản.
Hai nhiệm kỳ làm Tổng thống, rồi làm Thủ tướng nước Nga, ông Putin đã hàng chục lần đối thoại trực tuyến với người dân. Ngoài tài lãnh đạo đất nước, không phải ngẫu nhiên ông Putin luôn là chính khách được yêu mến nhất tại xứ sở Bạch dương.
Năm 2009, lần đầu tiên trong lịch sử các đời tổng thống, Tổng thống Mỹ Obama đã chat với người dân Mỹ qua website của Nhà Trắng. Đầu năm 2010, ông cũng là vị Tổng thống đầu tiên của Mỹ trò chuyện trực tuyến với cử tri qua Youtube.
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez từ 10 năm qua vẫn xuất hiện đều đặn trong chương trình truyền hình trực tiếp mang tên “Xin chào Tổng thống” phát hàng tuần, mỗi lần kéo dài 4-6 tiếng đồng hồ…
“Chúng ta sẽ tận dụng lợi thế của Internet để mời tất cả người dân Mỹ tới Nhà Trắng thảo luận…”, Tổng thống Obama nói.
Đầu năm mới 2007, lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đối thoại trực tuyến với người dân và kiều bào thông qua Internet. Hơn 20.000 câu hỏi được gửi đến, thời gian trả lời kéo dài 150 phút, vượt dự kiến tới hơn 60 phút, chứng tỏ sự kiện đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân.
Đây không chỉ là gần với dân, mà sự kiện trên còn giúp Việt Nam gần gũi hơn với thế giới trong thời đại hội nhập, được dư luận báo chí quốc tế đánh giá cao. Cũng gần thời điểm ấy, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có cuộc đối thoại trực tiếp với thanh niên tại Hà Nội và được phát trực tuyến đón nhận mọi câu hỏi của tuổi trẻ cả nước.
Đây cũng được đánh giá là sự kiện thực hành dân chủ vượt qua phạm vi của một cuộc đối thoại. Như lời khẳng định của Chủ tịch nước: “Buổi đối thoại đến đây kết thúc, nhưng chỉ kết thúc ở hội trường này, còn việc đối thoại giữa các bạn trẻ với chúng tôi thì sẽ không bao giờ kết thúc…”.
Một thể chế xã hội càng có nhiều đối thoại, càng được công khai minh bạch hóa, không những càng được lòng dân, mà những biểu hiện khuất tất, quan liêu cửa quyền của không ít “quan phụ mẫu” sẽ không còn đất sống. (Tiền Phong 9/1)Về đầu trang

Chống buôn lậu


Nếu dạo trước năm 1997, hàng lậu, nếu muốn mua cũng phải biết nơi, có người bảo lãnh mới mua được, thì bây giờ, hàng lậu có thể thấy ở mọi nơi. Thậm chí, người ta cũng quên mất tiêu thụ hàng lậu là phạm pháp.
Một cán bộ quản lý thị trường Hà Nội từng nói với người viết bài rằng: ra chợ Đồng Xuân (Hà Nội), 10 mặt hàng tiêu dùng thì hết 8 chắc chắn là hàng lậu từ Trung Quốc.
Sở dĩ lấy mốc năm 1997 là bởi vì, đây là năm Chính phủ ban hành Chỉ thị về chương trình chống buôn lậu cấp quốc gia. Song dường như hàng lậu chẳng những không giảm mà trái lại ngày càng ồ ạt tràn vào, làm đau đầu các nhà sản xuất trong nước. Buôn lậu diễn ra khắp nơi, từ sân bay, bến cảng, bưu điện đến biên giới, cửa khẩu...; từ các mặt hàng nhỏ như bao thuốc, cân đường, chiếc điện thoại, quần áo, giày dép đến vàng bạc, ngoại tệ, kim cương…
Bao giờ hết hàng lậu? Có lẽ sẽ không có câu trả lời triệt để, vì xét ở một góc độ nào đó, buôn lậu giống như một loại vắc-xin dẫn đến sự phản ứng lại của các doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hạ giá thành, tăng chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải kiểm soát việc sản sinh kháng thể một cách hợp lý, chứ nếu để hàng lậu tràn lan, hàng lậu dễ tìm, dễ mua như ở ta hiện nay lại là mối nguy cho cả nền kinh tế.
Tại sao hàng lậu càng chống càng tăng? Bởi vì chống buôn lậu hiện chỉ làm phần ngọn. Buôn lậu có thể bị truy đuổi, vây ráp ở cửa khẩu, ở biên giới, trên đường vận chuyển nhưng hàng lậu khi đã vào nội địa, chia nhỏ, bày bán trong các cửa hàng thì lại không ai hỏi đến.
Lý do không hỏi đến được lực lượng quản lý thị trường giải thích là địa bàn rộng, lực lượng mỏng. Lý do này cũng không sai, nhưng nếu không có chế tài xử lý trách nhiệm thật nặng thì kể cả có tăng biên chế lên gấp 10 lần vẫn không giải quyết được hàng lậu. Bởi lẽ, lợi nhuận khổng lồ khiến các chủ hàng lậu sẵn sàng chi đậm để được bảo kê. Chỉ cần làm nghiêm ở phần gốc, tức là chặn bớt đầu ra của hàng lậu ở thị trường nội địa, chắc rằng việc chống buôn lậu không quá áp lực ở cửa khẩu. Nếu bán bao thuốc lá lậu mà có nguy cơ phá sản hoặc ngồi tù hẳn sẽ ít người muốn "chơi" với buôn lậu.
Còn một chuyện khác nữa cũng cần nói tới, đó là, bên cạnh việc những vụ vận chuyển, buôn bán hàng lậu thường chỉ dừng ở xử phạt hành chính với các mức phạt nhẹ, lâu nay các vụ bắt giữ hàng lậu cũng chỉ rầm rộ lúc đầu, rồi “chìm xuồng” rất nhanh. Điều này chỉ có thể giải thích rằng việc chống buôn lậu còn thiếu trách nhiệm và quyết tâm, bộ máy chống buôn lậu đâu đó còn rệu rã một cách không vô tình. (Thanh Tra 10/1)Về đầu trang

QUẢN LÝ

“Bầu trực tiếp Tổng Bí thư là do Đại hội quyết định”


Tại cuộc họp báo trước thềm Đại hội Đảng XI sáng 10/1, ông Trần Lưu Hải - Phó Ban Tổ chức TƯ cho biết, trong Điều lệ Đảng khóa X chưa đề cập đến việc Đại hội bầu trực tiếp Tổng Bí thư nhưng nếu đa số đại biểu tham dự yêu cầu thì Đại hội sẽ tiến hành bầu.
Ông Hải nói thêm, do chưa có quy định trong Điều lệ Đảng khóa X nên hơn một năm qua, Ban Tổ chức TƯ đã từng bước thực hiện thí điểm từ cơ sở việc bầu trực tiếp Bí thư và ban Thường vụ tại đại hội.
Trong năm 2010, đã có 10 địa phương thực hiện bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy. Theo ông Hải, kết quả bước đầu của việc thí điểm này khá tốt, được dư luận đồng tình. Ban Tổ chức TƯ đã báo cáo với Ban Chấp hành TƯ khóa X để tổng kết và nhân rộng ra trong nhiệm kỳ tới.
Phó Ban Tổ chức TƯ cũng thông báo, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, 71 tuổi, sẽ không tham gia vào Ban chấp hành nhiệm kỳ tới do đã nắm giữ vị trí Tổng Bí thư 2 nhiệm kỳ.
Liên quan đến vấn đề nhân sự, ông Nguyễn Bắc Son - Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ cho hay, “Đại hội XI sẽ tiến hành bầu ra Ban Chấp hành TƯ khóa mới là những đại biểu ưu tú trong Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có uy tín trong Đảng, trong xã hội, có tư duy đổi mới, khả năng tiếp cận, nắm bắt, xử lý vấn đề mới và vấn đề phức tạp nảy sinh; có khả năng đoàn kết, quy tụ, có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát, nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Ban chấp hành TƯ khóa mới sẽ có ít nhất 1/3 nhân sự mới, ưu tiên hợp lý tỉ lệ người trẻ, cán bộ nữ và đội ngũ nghiên cứu khoa học bảo đảm có tính kế thừa, có 3 độ tuổi dưới 50, dưới 60 và trên 61.
Số nhân sự giới thiệu vào Ban chấp hành TƯ khóa mới sẽ có số dư ít nhất 15% để Đại hội rộng đường lựa chọn, ông Son nhấn mạnh.
Được biết, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ khai mạc vào ngày 12/1 và kéo dài tới ngày 19/1. Tham dự Đại hội có 1.377 đại biểu, đại diện cho hơn 3,6 triệu đảng viên sinh hoạt ở gần 54.000 tổ chức cơ sở Đảng…(Theo Vietnamnet 10/1)Về đầu trang

Xây dựng Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nhanh chóng xây dựng Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trình Thủ tướng trong năm 2011.
Đề án xây dựng phải lưu ý việc kết hợp, lồng ghép nội dung thực hiện các đề án, chương trình về vệ sinh môi trường và nước sạch nông thôn, bảo vệ môi trường các lưu vực sông.
Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tổng kết thực trạng môi trường và hoàn thiện các thông tư hướng dẫn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường phù hợp với quy mô, điều kiện hoạt động bảo vệ môi trường tại các làng nghề, ban hành trước quý III/2011. Đồng thời, tập trung đôn đốc việc điều tra, khảo sát đánh giá trực trạng môi trường làng nghề tại Việt Nam.
Được biết, theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 1.500 làng nghề, riêng đồng bằng sông Hồng có khoảng 800 làng nghề. Kết quả khảo sát của Trung tâm tài nguyên nước và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện trạng môi trường tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ, làng nghề công nghiệp và làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm còn nhiều băn khoăn..(Theo Website Chính Phủ 8/1)Về đầu trang

Quản lý địa phương của các Sở TT&TT: “Vướng” vì nhiều khó khăn


Tại Hội nghị rà roát, đánh giá mô hình tổ chức quản lý Nhà nước ngành TT&TT do Bộ TT&TT tổ chức ngày 7/1, ý kiến của đại diện một số Sở TT&TT cho rằng, công tác quản lý tại địa phương hiện đang gặp nhiều khó khăn do thiếu cán bộ chuyên trách, giữa một số đơn vị thuộc Bộ với Sở chưa có sự phân cấp, phối hợp rõ ràng…
Phát biểu tại Hội nghị, ý kiến của đại diện Sở TT&TT Hải Dương, An Giang, Thái Nguyên… cho rằng: Với thực tế nhân lực CNTT còn hạn chế và tình trạng mỗi tỉnh tự đưa ra khung biên chế cán bộ khác nhau như hiện nay, công tác quản lý trong lĩnh vực TT&TT vẫn gặp rất nhiều khó khăn do chưa phù hợp với thực tế.
Ông Nguyễn Quang Hảo – Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hải Dương cho biết: Hiện nay Sở phải quản lý tới 425 cơ sở in ấn, 175 đài phát thanh cơ sở, 5 cơ quan báo chí… nhưng lại chỉ có 3 người thuộc diện biên chế. “Với số lượng nhân lực như vậy, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”.
Chính vì vậy, Sở TT&TT Hải Dương cho rằng, Bộ TT&TT cần làm việc với Bộ Nội vụ để thống nhất nội dung như với các tỉnh loại 1, loại 2 hay loại 3 có số lượng biên chế bao nhiêu để góp phần hạn chế tình trạng quá tải công việc như hiện nay…
Một vấn đề cũng cần được đặc biệt lưu ý là để có thể thu hút, “giữ chân” được nhân lực CNTT có trình độ tại các cấp thì phải có chế độ chính sách ổn định, phù hợp”, ông Hảo nói.
Đồng quan điểm, đại diện Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên cũng cho rằng, Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên chỉ có một phòng CNTT với 4 biên chế nên khối lượng công việc thường xuyên quá tải. Trong khi đó tại cấp huyện, các Phòng VH-TT (đơn vị có chức năng phối hợp quản lý lĩnh vực TT&TT cùng Sở TT&TT) vẫn chưa phối hợp thực sự hiệu quả. Vì vậy, để đẩy mạnh công tác quản lý, ứng dụng CNTT tại cấp huyện thì đại diện Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên cho rằng cần thiết phải lập Phòng TT&TT tại cấp này, để triển khai hiệu quả hơn công tác ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước. ..
Tại Hội nghị, ý kiến của đại diện các Sở TT&TT cũng đề cập nhiều đến vấn đề: Việc quản lý Cổng thông tin điện tử tỉnh tại các địa phương hiện đang rất khác nhau, nơi do UBND tỉnh quản lý, nơi lại được giao cho Sở TT&TT, có nơi xây dựng được cơ chế chi trả nhuận bút, tạo động lực tham gia viết tin bài của cán bộ, cộng tác viên, nơi lại chưa…
Trao đổi tại Hội nghị, một vấn đề khó khăn được đặt ra với các Sở TT&TT là kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học hiện còn rất hạn chế. Về vấn đề này, đại diện Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên nêu lên một tình trạng bất cập: Hiện nay, nguồn vốn chi cho sự nghiệp KH&CN của tỉnh hàng năm chiếm khoảng 1% chi ngân sách (như tại Thái Nguyên, năm 2011 là 17 tỷ đồng). Tuy nhiên hiện nay nguồn vốn này mới chủ yếu tập trung cho các đề tài KH&CN, còn việc chi cho CNTT-TT rất hạn chế.
Chính vì vậy, đại diện Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên kiến nghị Bộ TT&TT cần làm việc với Bộ KH&CN để có thể cân đối được tỷ lệ nguồn chi cho sự nghiệp CNTT-TT…(Bưu Điện 10/1)Về đầu trang

Quyết liệt tháo “nút cổ chai” giám định tư pháp


Ngày 8/1, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp họp phiên đầu tiên. Cuộc họp đã thông qua kế hoạch 2011, với trọng tâm là tổ chức năm đoàn kiểm tra hàng loạt tỉnh thành về công tác giám định tư pháp.
Trưởng Ban chỉ đạo - Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đánh giá, giám định tư pháp đang là một điểm nghẽn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động tố tụng. Hàng loạt vụ án như vụ tham ô tại dự án cầu Bãi Cháy, vụ điện kế điện tử… đã bị trả hồ sơ, chậm tiến độ vì lúng túng trong giám định. Nguyên nhân là hệ thống giám định tư pháp chưa hoàn thiện, cơ sở vật chất thiếu thốn, giám định viên vừa thiếu, vừa yếu.
Sắp tới, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì nghiên cứu, đề xuất nâng Pháp lệnh Giám định tư pháp thành luật. (Pháp Luật TP.HCM 10/1)Về đầu trang

Đề xuất chế tài cơ quan, cán bộ chậm cấp phép xây dựng


“Hiện vẫn còn trên 50% địa phương chưa cấp giấy phép xây dựng (GPXD) nhà ở nông thôn, thậm chí có địa phương còn chưa cấp GPXD trong khu vực thị trấn... Nguyên nhân do việc cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng còn gặp nhiều vướng mắc”.
Đó là những vấn đề được Bộ Xây dựng nêu lên tại Hội nghị triển khai công tác năm 2011 ngày 8/1.
Vụ Quản lý hoạt động xây dựng giải thích: Nhiều trường hợp người dân chưa được cấp GPXD do không đủ điều kiện về đất ở. Mặt khác, do quy hoạch chi tiết chưa phủ kín nên những phần đất trống quy hoạch chưa đủ điều kiện và căn cứ để cấp GPXD. Điều đó dễ dẫn đến những cách xử lý tùy tiện ở một số cán bộ làm công tác cấp phép.
Ngoài ra, việc quản lý xây dựng sau khi cấp phép chưa được thực hiện thường xuyên do chưa có thanh tra xây dựng cấp huyện. Trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc xây dựng trên địa bàn xã, phường cũng chưa được phân định rõ. Trong khi đó, lực lượng thanh tra của sở xây dựng lại quá mỏng, không đủ điều kiện để kiểm tra trên toàn địa bàn. (Pháp Luật TP.HCM 9/1)Về đầu trang

Bộ Xây dựng “bó tay” trước giá bất động sản?


"Nếu yêu cầu cơ quan quản lý kiểm soát giá thành bất động sản của các doanh nghiệp thì đó lại là chuyện không thể", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chia sẻ về xu hướng của thị trường trong năm 2011.
Theo ông Nam, một trong những “khuyết tật” của thị trường bất động sản hiện nay là giá nhà đất vẫn quá cao so với mặt bằng thu nhập và khả năng chi trả của người dân.
Ồng Nam cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2010 dù không làm hài lòng nhiều chủ đầu tư do tính thanh khoản khá thấp, song thị trường bất động sản trong năm qua cũng đã thể hiện được nhiều nét tiến bộ cả về cơ chế chính sách cũng như mục đích của các dự án đầu tư.
Tuy nhiên bên cạnh đó, thị trường vẫn còn tồn tại một số bất cập đã làm cản trở sự phát triển thị trường. Chẳng hạn như cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, vốn chủ động của các chủ đầu tư vẫn hạn chế, tính minh bạch của thị trường chưa cao, giá nhà, đất vẫn quá cao...
Trước việc có ý kiến cho rằng, giá bất động sản cao như hiện nay cũng có lỗi một phần ở cơ quan quản lý? Ông Nam cho rằng: Nếu xét về lý, những hạn chế trên thị trường thì đương nhiên có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, nếu ai đó cho rằng cơ quan quản lý đã không chịu kiểm soát giá thành thì hoàn toàn không hiểu gì về luật pháp và thị trường.
Hiện nay, các quan hệ mua bán trên thị trường đều phụ thuộc quy luật cung – cầu, giá trị sử dụng. Do đó, khách hàng thời nay không quan tâm đến việc doanh nghiệp làm ra sản phẩm đó mất bao tiền, thậm chí nhiều khi đó là bí mật không được biết. Họ chỉ quan tâm giá bán sản phẩm đó có hợp lý và họ có chấp nhận hay không.
Chủ trương tăng cường kiểm soát giá của bộ Xây dựng và các cơ quan khác chỉ là để chống đầu cơ mà thôi. Tuy nhiên, cũng thừa nhận rằng, thực tế là lợi nhuận từ đầu tư bất động sản vẫn rất lớn, có thể từ 50 – 100% nên mới có nhiều người lao vào bất động sản như vậy.
Nhưng cũng có một quy luật khác của kinh doanh là lợi nhuận lớn thì rủi ro cũng nhiều. Giải pháp cơ bản mà chúng ta có thể đưa ra vào lúc này chỉ có thể là đẩy mạnh nguồn cung, đẩy mạnh nhà ở xã hội, tránh mua bán lòng vòng…(Sài Gòn Tiếp Thị 10/1)Về đầu trang

2010-2011: Mỗi địa phương phải có 1 trường PTDTNT chuẩn quốc gia


Thông báo về kết quả Hội nghị giao ban các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) năm học 2010-2011, Bộ GD&ĐT cho biết, 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong thời gian tới là phấn đấu mỗi tỉnh, TP có ít nhất một trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia trong năm học 2010-2011.
Việc phát triển mạng lưới, quy mô trường PTDTNT phù hợp với nhu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số của các địa phương cũng là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra. Theo đó, quy mô các trường PTDTNT cần căn cứ trên tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học theo định hướng của Bộ GD&ĐT - đạt bình quân 7% HS dân tộc thiểu số cấp trung học trong toàn quốc được học trong trường PTDTNT vào năm 2015.
Về việc mở liên cấp THCS và THPT ở các trường PTDTNT cấp huyện, trước mắt xem xét nâng cấp đối với các trường PTDTNT thuộc 62 huyện nghèo thực hiện Nghị quyết 30a/2008 của Chính phủ.
Cùng với đó, trên cơ sở khung phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT ban hành, các địa phương và các trường trực thuộc Bộ xây dựng phân phối chương trình chi tiết phù hợp với điều kiện thực tiễn, có kế hoạch điều chỉnh thời lượng chương trình một số môn học và tích hợp một số hoạt động giáo dục phù hợp với trường PTDTNT. Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thiết thực, hiệu quả.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra cho các trường PTDTNT trong thời gian tới còn là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phong trào, các cuộc vận động; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân; thực hiện tốt việc tổ chức, quản lý trường PTDTNT ; tăng cường kiểm tra, thanh tra các trường PTDTNT... (Giáo Dục & Thời Đại Online 10/1)Về đầu trang

Tại nạn lao động: Tại chủ, tại thợ, tại cả nhà quản lý


Dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác thanh tra để ngăn ngừa DN vi phạm về chính sách lao động và an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhưng số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) vẫn dừng ở con số nhức nhối: 6.000 vụ/năm.
Con số trên được Bộ LĐTB &XH công bố tại hội nghị tổng kết “Chương trình Quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2006-2010” vừa được tổ chức ở Hà Nội.
Ông Vũ Như Văn - Quyền Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐTB&XH nhận định: Sau 4 năm triển khai Chương trình Quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, trung bình mỗi năm cả nước vẫn xảy ra gần 6000 vụ tai nạn lao động, làm chết 570 người. So với giai đoạn 2001-2005, số vụ tai nạn lao động tăng 9,17%. Điều đáng nói là số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chết người đang gia tăng, bình quân tăng 2,45% mỗi năm so với giai đoạn 2001-2005.
Nguyên nhân là bởi, người lao động vẫn chưa có ý thức cao trong lao động, và trong cách tự bảo vệ mình, làm việc còn mang tính tự phát, bất cẩn, chủ quan trong quá trình lao động, chưa tuân thủ triệt để nội quy an toàn lao động của doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, chưa chấp hành nghiêm quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) như: việc tổ chức huấn luyện về an toàn chưa thực hiện tốt, còn mang tính hình thức; không xây dựng và hướng dẫn NLĐ thực hiện các quy trình, biện pháp an toàn tại nơi làm việc; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân; chưa tổ chức tự kiểm tra, giám sát về công tác ATVSLĐ...
Nguy hiểm hơn, nhiều doanh nghiệp, chủ sở hữu lao động cố tình che giấu vụ việc, không khai báo nên không được cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định của Luật Lao động.
Ông Văn cũng đưa ra những cảnh báo về tỷ lệ người lao động mắc bệnh nghề nghiệp cũng không có chiều hướng giảm. Số liệu thống kê cho thấy, đến hết năm 2009, số người mắc bệnh nghề nghiệp tích lũy trong toàn quốc là trên 26 nghìn người, trong đó 75% là bệnh phổi silic, 15% bị điếc do nghề nghiệp... Tuy nhiên, do số cơ sở tổ chức khám bệnh nghề nghiệp chỉ đạt 7-10% số đơn vị có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp nên số người mắc những bệnh do công việc gây nên trên thực tế lớn hơn nhiều số đã được các địa phương báo cáo.
Bên cạnh đó, chất lượng và năng lực công tác phát hiện bệnh nghề nghiệp, công tác điều dưỡng phục hồi chức năng cho người bị bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động còn cách xa so với nhu cầu thực tiễn...(Đại Đoàn Kết 10/1)Về đầu trang

Đà Nẵng: Cấm tổ chức chúc Tết lãnh đạo


Ngày 9/1, Sở GD&ĐT Đà Nẵng có văn bản hướng dẫn việc nghỉ và đón Tết Nguyên đán cho cán bộ và học sinh của tỉnh.
Theo đó, các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sẽ được nghỉ Tết 10 ngày, từ 29/1-7/2/2011. Sở cũng nghiêm cấm các đơn vị, trường học sử dụng tiền, tài sản từ công quỹ, từ các nguồn tài trợ để tổ chức liên hoan, chiêu đãi hoặc thưởng không đúng chế độ quy định; không tổ chức đi chúc Tết, tặng hoa lãnh đạo các cấp. (Nông Thôn Ngày Nay 10/1)Về đầu trang

Đà Nẵng: 44 cán bộ nguồn trẻ về phường, xã


Khóa đào tạo cán bộ nguồn thứ hai đối với chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND cấp xã, phường của TP Đà Nẵng vừa bế giảng. Có 44 cán bộ nguồn tốt nghiệp hạng cao trong khóa học được phân bổ về cho 36 xã, phường.
Theo ông Bùi Văn Tiếng - Trưởng Ban tổ chức Thành ủy, 44 bạn trẻ của khóa đào tạo này có độ tuổi trung bình 25, trẻ khỏe và nhiệt huyết. Đặc biệt đã có 10 học viên được xét kết nạp Đảng ngay trong quá trình học và một học viên được bổ nhiệm vào chức danh phó chủ tịch phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu) khi đang học.
Được biết, ngoài việc hưởng lương theo ngạch bậc mà không phải qua thời gian tập sự, các cán bộ nguồn này còn được hưởng các loại phụ cấp khác như cán bộ công chức ở xã, phường, đồng thời được nhận thêm 1 triệu đồng/ tháng/người trong 60 tháng. (Tuổi Trẻ 9/1)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Tiền Giang: Phát hiện sai phạm lên tới 8,3 tỷ đồng


Kết thúc năm 2010, ngành Thanh tra Tiền Giang đã tổ chức, thực hiện 59 cuộc thanh tra. Qua đó ngành Thanh tra đã phát hiện 59 đơn vị sai phạm với tổng số tiền 8,3 tỷ đồng.
Ngành Thanh tra Tiền Giang đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền 2 tỷ đồng (đã thu hồi 325 triệu đồng); xử lý hành chính 71 cá nhân; chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật 3 vụ vi phạm (8 cá nhân sai phạm) với số tiền vi phạm 4,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, các tổ Thanh tra chuyên ngành cũng đã thực hiện được 8.476 cuộc kiểm tra; phát hiện 5.712 cơ sở, cá nhân vi phạm; quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3,5 tỷ đồng. (Thanh Tra 9/1)Về đầu trang


Kiên Giang: Phát hiện sai phạm về BHXH trên 3,875 tỷ đồng


Năm 2010, Thanh tra tỉnh Kiên Giang tiến hành thanh tra chuyên đề thực hiện chính sách BHXH. Kết quả 14/14 đoàn thanh tra đã kết thúc, phát hiện tổng số tiền sai phạm lên tới 3,875 tỷ đồng.
Nội dung sai phạm chủ yếu là: Chi sai mục đích khoán kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh; chi sai nguyên tắc kinh phí quản lý, chênh lệch giá thuốc, thanh toán bệnh án, hỗ trợ cán bộ sai quy định.
Thanh tra tỉnh Kiên Giang kiến nghị thu hồi 2,276 tỷ đồng, xin ý kiến Thanh tra Chính phủ xử lý số tiền sai phạm 1,599 tỷ đồng, do dùng kinh phí quản lý hỗ trợ trong ngành Bảo hiểm sai quy định….
Đến cuối tháng 12/2010, ngành Thanh tra Kiên Giang đã thu hồi được 2,276 tỷ đồng, kiến nghị xử ly hành chính 15 tập thể, 36 cá nhân, xử lý kỷ luật 5 cá nhân. (Thanh Tra 9/1)Về đầu trang

PHÁP LUẬT

Kiên Giang: Chủ tịch Hội chữ thập đỏ lấy tiền từ thiện cho vay


Bà Trần Thị Mỹ Linh - Phó bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang tự ý mang 50 triệu đồng từ Quỹ phòng chống lụt bão do Hội quản lý cho người bên ngoài vay.
Đây là một trong những sai phạm của bà Linh, đã được Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Kiên Giang kết luận sau một thời gian xác minh.
Theo Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang, bà Linh còn sai phạm trong việc thực hiện các nguyên tắc tập trung dân chủ, tổ chức sinh hoạt Đảng và thu chi tài chính tại cơ quan Hội.
Từ những sai phạm này, Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Kiên Giang đã chỉ đạo Đảng ủy khối cơ quan tỉnh và Chi bộ Hội chữ thập đỏ tỉnh tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm với bà Linh. (Theo VnExpress 10/1)Về đầu trang./.
Biên tập viên: Hồng Hoa





Каталог: Portals
Portals -> Phan Chau Trinh High School one period test no 2 Name: English : 11- time : 45 minutes Class: 11/ Code: 211 Chọn từ hoặc cụm từ thích hợp A, B, C, d để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau
Portals -> PHẦn I: thông tin cơ BẢn về ĐẠi hàn dân quốc và quan hệ việt nam-hàn quốc I- các vấN ĐỀ chung
Portals -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
Portals -> LẤy ngưỜi học làm trung tâM
Portals -> BÀi tậP Ôn lưu huỳnh hợp chất lưu huỳnh khí sunfurơ so
Portals -> TỜ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Portals -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Portals -> GIẤY Ủy quyền tham dự Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016

tải về 114.24 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương