BỘ giao thông vận tải cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 322.56 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích322.56 Kb.
#10631
  1   2   3   4

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI




CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc





DỰ THẢO


BÁO CÁO

TỔNG KẾT 9 NĂM THỰC HIỆN

BỘ LUẬT HÀNG HẢI VIỆT NAM 2005

............................
Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 (Bộ luật 2005) được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 14/6/2005 và Chủ tịch nước công bố theo Lệnh số 13/2005/L-CTN ngày 27/6/2005 có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế quốc dân và ngành hàng hải nói riêng. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật hàng hải nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa hoạt động hàng hải thế giới đang ngày càng gia tăng và vai trò “đầu mối”, vừa là “cầu nối” của kinh tế hàng hải đối với nền kinh tế quốc dân cũng như kinh tế biển nói riêng đang đòi hỏi được phát huy.

Có thể khẳng định, sau gần 9 năm áp dụng, Bộ luật 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật đã góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế quốc dân và ngành hàng hải nói riêng; đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hàng hải ở nước ta.

Báo cáo này đánh giá tổng quan kết quả 9 năm tổ chức thực hiện Bộ luật 2005, những tồn tại, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện và nguyên tắc, định hướng sửa đổi Bộ luật trong thời gian tới.
Phần thứ nhất

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

BỘ LUẬT HÀNG HẢI VIỆT NAM 2005
I. VIỆC BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG ĐIỀU CHỈNH CỦA BỘ LUẬT 2005

1. Việc ban hành Bộ luật 2005

Dự án Bộ luật Hàng hải Việt Nam đầu tiên được Tổng cục Đường biển (nay là Cục Hàng hải Việt Nam) đề xuất xây dựng từ năm 1983 và sau nhiều năm nghiên cứu soạn thảo, dự án Bộ luật đã được Quốc hội khóa VIII thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 30/6/1990, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước công bố ngày 12/7/1990 theo Lệnh số 42/LCTN-HĐNN8 và có hiệu lực từ ngày 01/01/1991.

Việc Quốc hội thông qua Bộ luật Hàng hải Việt Nam 1990 (Bộ luật 1990 - là Bộ luật chuyên ngành đầu tiên thuộc Hệ thống pháp luật Nhà nước và được ban hành sau Bộ luật Hình sự 1985) không những khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với một ngành kinh tế đặc thù, có tiềm năng rất lớn với tính quốc tế hóa cao mà còn là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của Ngành Hàng hải nước ta. Việc Tổng cục Đường biển chủ động đề xuất xây dựng Bộ luật 1990 thể hiện nguyện vọng nhằm thúc đẩy Ngành hàng hải nước ta sớm hội nhập với hoạt động hàng hải thế giới và góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ chủ quyền, thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia.

Tuy nhiên, Bộ luật 1990 được thông qua trong bối cảnh khi đất nước đang ở thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới, hệ thống pháp luật của nước ta chưa hoàn thiện (ngoài Hiến pháp chỉ có 02 bộ luật và 05 luật khác), các lĩnh vực hoạt động của Ngành Hàng hải còn hạn chế và hiệu lực quản lý nhà nước về hàng hải chưa được phát huy; đồng thời, việc vận dụng luật pháp và thông lệ hàng hải quốc tế vào thực tiễn Việt Nam còn hạn chế. Mặt khác, thực tiễn áp dụng cho thấy nội dung điều chỉnh của Bộ luật 1990 còn nhiều bất cập, chưa bắt kịp xu thế phát triển của pháp luật trong nước và quốc tế. Do đó, việc sửa đổi Bộ luật 1990 không những nhằm khắc phục những bất cập này mà còn để thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Vì vậy, việc Quốc hội thông qua Bộ luật 2005 thay thế Bộ luật 1990 có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của Ngành Hàng hải và nền kinh tế quốc dân nói chung. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của hệ thống pháp luật hàng hải Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển của pháp luật Vỉệt Nam cũng như pháp luật hàng hải quốc tế và tiến trình toàn cầu hóa hoạt động hàng hải thế giới đang ngày càng gia tăng.

2. Nội dung điều chỉnh của Bộ luật 2005

Hàng hải là ngành kinh tế đặc thù, có tính quốc tế hóa cao. Vì vậy, Bộ luật 2005 được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu quy định của các Công ước và Luật quốc tế, cụ thể: 24 Công ước của Tổ chức hàng hải quốc tế, 05 Công ước của Liên hợp quốc - các quy tắc của CMI, 03 Công ước của Liên hợp quốc - các quy tắc UNCITRAL, 03 Công ước của Liên hợp quốc - các quy tắc của UNCTD, 18 Công ước của Ủy ban hàng hải quốc tế (Brussels). Bộ luật 2005 điều chỉnh các quan hệ pháp luật gắn liền với không gian biển, phát sinh từ hoạt động hàng hải, bao gồm các quy định về tàu biển, thuyền bộ, cảng biển, vận tải biển, thuê tàu, bảo hiểm hàng hải, dịch vụ hàng hải, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, trách nhiệm dân sự của chủ tàu, tổn thất chung, giải quyết tranh chấp hàng hải và các hoạt động khác liên quan đến việc sử dụng tàu biển vào mục đích kinh tế - xã hội, nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, văn hóa, thể thao và công vụ nhà nước. Bộ luật 2005 gồm 18 chương, 261 điều với phạm vi điều chỉnh rộng, đối tượng áp dụng đa dạng và có nội dung rất phức tạp (nhất là các chế định được vận dụng trên cơ sở quy định của luật pháp và thông lệ hàng hải quốc tế), khác với luật hàng hải của một số nước chỉ điều chỉnh một hoặc nhóm lĩnh vực riêng biệt (luật vận tải biển, luật thuyền viên, luật cảng biển, luật an toàn hàng hải, luật đăng ký tàu biển, luật bảo hiểm hàng hải, luật tố tụng hàng hải ...).

Mặt khác, hoạt động hàng hải của một quốc gia không chỉ giới hạn trong lãnh thổ của nước mình mà phải hội nhập với cộng đồng hàng hải thế giới. Tiềm năng kinh tế hàng hải của một quốc gia không thể phát huy hiệu quả nếu các điều ước, tập quán, thông lệ và những quan hệ hợp tác song phương, đa phương liên quan đến hoạt động hàng hải không được vận dụng hay thiết lập phù hợp với điều kiện của nước mình. Thực tiễn cho thấy, phát triển để hội nhập và hội nhập để phát triển là những yếu tố khách quan không thể thiếu đối với hoạt động hàng hải của các quốc gia. Hơn nữa, hoạt động của các thành phần kinh tế hàng hải muốn phát triển cũng không thể bỏ qua việc vận dụng các chế định về hội nhập quốc tế do pháp luật của nước mình quy định. Vì vậy, mỗi chương, mục quy định tại Bộ luật 2005 đều được nghiên cứu và tham khảo vận dụng và phù hợp với các quy định của luật pháp và thông lệ hàng hải quốc tế.

Bộ luật 2005 đã điều chỉnh một cách hài hòa, sát với thực tiễn của nước ta cả hai mối quan hệ nêu trên mà Bộ luật 1990 chưa quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp với yêu cầu thực tế. Bộ luật 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được ban hành trong thời gian qua là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh, toàn diện, hiệu qủa và bền vững các hoạt động hàng hải ở nước ta mà mỗi tổ chức, cá nhân khi tham gia đều có quyền áp dụng.



II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN BỘ LUẬT 2005

Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương liên quan cũng như do có sự chủ động, quyết liệt trong triển khai nên việc tổ chức thực hiện Bộ luật 2005 cơ bản là thuận lợi và bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng dưới đây.



1. Xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật 2005

Ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ Giao thông vận tải đã chủ động phối hợp triển khai quyết liệt việc xây dựng để trình cơ quan Nhà nước ban hành kịp thời theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật 2005. Đến nay, hầu hết các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật 2005 đã được ban hành gồm: 01 pháp lệnh, 25 nghị định, 17 Quyết định của Thủ tướng và hơn 100 quyết định hoặc thông tư cấp Bộ trưởng (Phụ lục I), trong đó có một số văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật 1990 nhưng vẫn còn hiệu lực hoặc tuy mới ban hành sau khi Bộ luật 2005 được thông qua hoặc có hiệu lực nhưng đã được sửa đổi hoặc ban hành mới nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh.

Việc xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật 2005 cơ bản đã tạo được sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức thực hiện pháp luật hàng hải. Kết quả này thực sự là yếu tố trực tiếp tác động tích cực đối với hiệu lực, hiệu quả áp dụng Bộ luật 2005 và pháp luật hàng hải nói chung trong thời gian qua.

2. Xây dựng chính sách phát triển hàng hải

Nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa chính sách hàng hải với pháp luật hàng hải và để phát huy hiệu lực áp dụng của Bộ luật 2005, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, thời gian qua Bộ Giao thông vận tải đã tập trung xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các dự án, đề án dưới đây:

- Quy hoạch tổng thể phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1601/QĐ-TTg ngày 15/10/2009.

- Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 07/4/2010.

- Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Quy hoạch chi tiết phát triển 06 Nhóm cảng biển.

- Đề án phát triển bảo đảm hàng hải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Chủ động xây dựng, trình cơ quan Nhà nước ban hành theo thẩm quyền các cơ chế về phí, lệ phí, đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật, phụ cấp đặc thù và một số cơ chế khác nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn Ngành. Riêng năm 2013, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng tổng số 25 đề án gồm 07 đề án quy hoạch và 18 đề án khác. Kết quả thực hiện hầu hết các đề án được phê duyệt có ý nghĩa quan trọng trong việc tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, tạo điều kiện phát triển ngành như Đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo MOU; đề án nâng cao hiệu quả khai thác các cảng thuộc nhóm cảng biển số 5; đề án phân cấp xã hội hóa công tác duy tu bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.



3. Ký kết, gia nhập điều ước, thỏa thuận quốc tế về hàng hải

Ngoài pháp luật quốc gia, hoạt động hàng hải của mỗi nước còn bị điều chỉnh bởi các điều ước, thỏa thuận quốc tế khi nước mình đã ký kết hoặc gia nhập. Mặt khác, việc vận dụng có chọn lọc nhằm tuân thủ hợp lý những ràng buộc của “luật bất thành văn“ thuộc tập quán, thông lệ hàng hải quốc tế hoặc các tiền lệ riêng của một nước cũng không phải là ngoại lệ đối với các quốc gia hàng hải. Do đó, việc ký kết, gia nhập các điều ước, thỏa thuận quốc tế về hàng hải cũng như vận dụng một cách hợp lý các tập quán, thông lệ hàng hải quốc tế (kể cả những tiền lệ riêng của một nước) giữ vai trò không kém phần quan trọng trong hoàn thiện pháp luật hàng hải của mỗi quốc gia.

Xuất phát từ yếu tố đặc thù nêu trên, Bộ Giao thông vận tải luôn chủ động nghiên cứu đề xuất việc ký kết, gia nhập các điều ước, thỏa thuận quốc tế về hàng hải. Chỉ riêng từ năm 2006 đến nay đã trình và được phê chuẩn gia nhập thêm 04 công ước là SAR 1979, BUNKER 2001, MLC 2006 và CSC 1972. Như vậy, hiện tại nước ta là thành viên của 15 công ước của Tổ chức Hàng hải quốc tế - IMO (không tính các phụ lục, bộ quy chuẩn, nghị định thư bổ sung của công ước và các nghị quyết, thông tri, hướng dẫn của IMO), 24 hiệp định và 25 thỏa thuận hàng hải với các nước (các Phụ lục II, III, IV).

Kết quả nêu trên không những tạo điều kiện thuận lợi để Ngành hàng hải nước ta từng bước hội nhập toàn diện, sâu rộng hơn với hoạt động hàng hải thế giới và khu vực mà còn góp phần thúc đẩy tiến trình hoàn thiện pháp luật hàng hải Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển của pháp luật quốc gia cũng như pháp luật hàng hải quốc tế.



4. Phổ biến, giáo dục pháp luật

Để Bộ luật Hàng hải Việt Nam với những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đi vào thực tế hoạt động hàng hải, ngoài việc biên dịch Bộ luật sang tiếng Anh, Bộ Giao thông vận tải luôn chú trọng công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rộng rãi, có chiều sâu để pháp luật đi vào cuộc sống, bằng các hình thức thiết thực như: tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành trong toàn Ngành ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; mở các lớp tập huấn tại từng khu vực hàng hải có sự tham gia của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học theo yêu cầu. Từ năm 2006 đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức trên 60 đợt hội thảo, tập huấn về pháp luật hàng hải tại các khu vực với số lượng người tham dự đông, nhất là đại diện của các cơ quan chức năng liên quan, doanh nghiệp và hiệp hội hàng hải. Mọi thông tin, văn bản quy phạm pháp luật mới về hàng hải đã được thông báo tới các tổ chức liên quan và đăng tải trên Website của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài trong hoạt động tiếp cận và xúc tiến hợp tác, đầu tư kinh doanh.

Hàng năm, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức in ấn, phát hành hàng chục nghìn tờ rơi; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về trật tự an toàn giao thông hàng hải tới các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng hải.

5. Kiểm tra việc thực hiện Bộ luật 2005

Các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của Bộ luật 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật cũng được Bộ Giao thông vận tải chú trọng tăng cường; đặc biệt là việc thực thi nghĩa vụ kiểm tra nhà nước cảng biển, kiểm tra nhà nước tàu mang cờ và quyền kiểm tra của quốc gia ven biển theo quy định.

Nhằm nâng cao công tác an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tai nạn hàng hải, tàu biển Việt nam bị lưu giữ ở nước ngoài qua kiểm tra PSC, Bộ Giao thông vận tải chủ trương tăng cường triển khai kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, kiên quyết xử lý các vi phạm; chú trọng triển khai các chương trình, dự án, đề án về đảm bảo an toàn giao thông hàng hải, đặc biệt là những lĩnh vực: đăng ký, đăng kiểm tàu biển; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực vận tải biển; đào tạo huấn luyện, cấp chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, sỹ quan và hoa tiêu hàng hải; quản lý, khai thác đội tàu biển; bố trí định biên thuyền bộ tàu biển Việt Nam; điều kiện hoạt động của bến cảng, cầu cảng, luồng hàng hải, cơ sở đóng mới - sửa chữa tàu biển, hệ thống báo hiệu, đài thông tin hàng hải; tăng cường năng lực tìm kiếm cứu nạn hàng hải; thiết lập hệ thống quan sát, kiểm soát dữ liệu thông tin liên quan đến hoạt động hàng hải nhằm phát hiện, dự báo và thông báo kịp thời các biến cố thiên tai, tai nạn hàng hải, cướp biển và những sự cố nguy hiểm khác nhằm đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên biển.

Bộ Giao thông vận tải cũng đã tổ chức tập huấn công tác điều tra tai nạn hàng hải cho các cán bộ ở các cảng vụ hàng hải. Việc tăng cường công tác chỉ đạo các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định mới của pháp luật về hàng hải, tăng cường vai trò quản lý nhà nước ở các Chi Cục Hàng hải, các cảng vụ hàng hải và thanh tra hàng hải ở các khu vực đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động hàng hải ở nước ta; Số những vụ vi phạm pháp luật nhất là pháp luật hàng hải giảm mạnh, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển và đặc biệt là các tranh chấp và tai nạn hàng hải.

Các hoạt động trên đã góp phần tăng cường trật tự, kỷ cương trong hoạt động hàng hải và an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường cơ bản được bảo đảm hơn so với thời kỳ trước đây.
Phần thứ hai

ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ ÁP DỤNG

BỘ LUẬT HÀNG HẢI VIỆT NAM 2005
Sau 9 năm tổ chức thực hiện, hiệu lực áp dụng của Bộ luật 2005 đã đạt được những kết quả quan trọng cần tiếp tục phát huy nhưng cũng phát sinh một số bất cập, đang đòi hỏi cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới và điều này được thể hiện qua nội dung tổng quan dưới đây.

I. HIỆU QUẢ ÁP DỤNG BỘ LUẬT 2005

1. Hiệu lực quản lý nhà nước về hàng hải được tăng cường

Bộ luật 2005 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật thực sự giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về hàng hải. Trật tự, kỷ cương, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong hoạt động hàng hải cơ bản được bảo đảm và các hoạt động hàng hải của tổ chức, cá nhân trong nước cũng như nước ngoài được bảo hộ, khuyến khích phát triển theo quy định của Bộ luật 2005.

Mặt khác, hiệu lực áp dụng của Bộ luật 2005 có tác động trong việc kiện toàn thêm một bước về mặt tổ chức của cơ quan hành chính hàng hải nước ta (cả Trung ương và khu vực). Tuy còn một số bất cập đang đòi hỏi tiếp tục được kiện toàn, nhưng thời gian qua Bộ Giao thông vận tải đã giúp Chính phủ đảm nhiệm hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về hàng hải trong phạm vi cả nước. Điều này khẳng định vai trò, vị thế của cơ quan hành chính hàng hải nước ta đang ngày càng được nâng cao.

2. Góp phần thúc đẩy kinh tế hàng hải phát triển

Trong 9 năm qua, hiệu lực áp dụng của Bộ luật 2005 đã tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế hàng hải nước ta phát triển nhanh, toàn diện và đạt được mức tăng trưởng rất cao so với các thời kỳ trước đây. Điều này được thể hiện qua những thành tựu cơ bản dưới đây:



2.1. Phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải:

Kết cấu hạ tầng hàng hải và hệ thống cảng biển nước ta nói riêng ngày càng được phát triển mạnh cả về số lượng, quy mô, chuyên dụng hóa theo khu vực, vùng, miền và hệ thống các đài thông tin duyên hải, trạm vệ tinh mặt đất, báo hiệu hàng hải ngày càng được đầu tư phát triển theo hướng công nghệ hóa, hiện đại hóa.

Tất cả các bến cảng và khu vực chuyển tải thuộc hệ thống cảng biển ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu lưu thông hàng hóa, hành khách trong nước và quốc tế, đặc biệt hiện tại có một số cảng, bến cảng đủ điều kiện tiếp nhận tàu biển loại lớn. Năm 2005 nước ta có 35 cảng biển lớn, nhỏ với 126 bến cảng có tổng chiều dài cầu cảng trên 35 km, năng lực thông qua trên 150 triệu tấn/năm và thực tế đạt: gần 57 nghìn lượt tàu vào, rời cảng; trên 142 triệu tấn hàng hóa thông qua và trên 75 nghìn lượt hành khách đến cảng. Năm 2014 có 44 cảng biển các loại, trong đó có: 03 cảng biển loại Ia, 11 cảng biển loại I, 17 cảng biển loại II, 13 cảng biển loại III (bao gồm cả cảng dầu khí ngoài khơi). Hệ thống cảng biển có khoảng 219 bến cảng với gần 50 km cầu cảng và hàng chục khu chuyển tải. Năng lực thông qua đạt trên 326 triệu tấn, tăng 107% so với năm 2005 và tăng 10,7% so với năm 2012; hàng container đặt 8,5 triệu TEUs, tăng 6,4% so với năm 2012. Số lượt tàu vào, rời cảng là 85.802 lượt. Thực tế này cho thấy, trong giai đoạn 2006 - 2013 kết cấu hạ tầng của hệ thống cảng biển nước ta phát triển mạnh và tất cả các chỉ tiêu đạt được hàng năm đều tăng, đặc biệt mức tăng trưởng đạt rất cao so với các thời kỳ trước đây (các Bảng 1, 2).

Bảng 1. Số lượt tàu vào, rời cảng biển giai đoạn 2006 - 2013



Bảng 2. Khối lượng hàng hóa qua cảng biển giai đoạn 2006 - 2013

Hệ thống các đài thông tin duyên hải, đài vệ tinh mặt đất và hệ thống báo hiệu hàng hải không những được đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, bảo đảm ngày càng tốt hơn đối với hoạt động của tàu thuyền trên biển, trong vùng nước cảng biển.



2.2 Phát triển đội tàu biển Việt Nam và vận tải biển:

Trong giai đoạn 2006 - 2013, hàng năm đội tàu biển Việt Nam đều được đầu tư phát triển bổ sung thêm cả về số lượng, tổng trọng tải theo hướng trẻ hóa, hiện đại hóa và chuyên dụng hóa nên đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu lưu thông hàng hóa, hành khách trong nước và tham gia vận tải quốc tế so với thời kỳ trước đây. Đến cuối năm 2013, đội tàu biển Việt Nam có 1.793 tàu với tổng dung tích hơn 4,38 triệu GT và tổng trọng tải 6,98 triệu DWT. Riêng về tổng trọng tải tăng hơn 60% so với năm 2005. (Bảng 3).



Bảng 3. Tổng trọng tải đội tàu biển Việt Nam giai đoạn 2006 - 2013

Cùng với sự phát triển mạnh về đội tàu, trong giai đoạn 2006 - 2013 sản lượng hàng hoá do tàu biển Việt Nam vận chuyển hàng năm đều tăng so với thời kỳ trước đây. Năm 2005 đạt 42.603.365 tấn (64,96 tỷ T.Km), trong đó vận tải trong nước đạt 16.131.388 tấn, vận tải quốc tế đạt 26.471.976 tấn. Năm 2012 đạt 100,6 triệu tấn (173 tỷ T.Km), tăng 138% so với năm 2005, trong đó vận tải quốc tế đạt trên 69,7 triệu tấn, vận tải trong nước đạt 30,84 triệu tấn. Năm 2013 đạt 98,36 triệu tấn (150 tỷ T.Km), tăng 151% so với năm 2005, trong đó vận tải quốc tế đạt trên 55,12 triệu tấn, vận tải trong nước đạt 43,23 triệu tấn (Bảng 4).


Bảng 4. Sản lượng vận tải biển giai đoạn 2006 - 2013

Cùng với phát triển đội tàu, trong 9 năm qua đội ngũ thuyền viên Việt Nam cũng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, do có sự thay đổi trong cơ cấu phát triển của nền kinh tế, số lượng thuyền viên hiện nay có xu hướng giảm. Năm 2005 đối ngũ thuyền viên Viêt Nam có 38.084 người. Năm 2012 có 32.940 người, gồm 3.276 thuyền trưởng, 2.740 máy trưởng, 2.016 đại phó, 1.703 máy hai, 4.054 sỹ quan boong và 3.851 sỹ quan máy, 8.916 thủy thủ và 6.384 thợ máy. Năm 2013 có 44.651 người, gồm 3.544 thuyền trưởng, 3.086 máy trưởng, 1.702 đại phó, 1.209 máy hai, 4.777 sỹ quan boong và 4.596 sỹ quan máy, 15.068 thủy thủ và 10.669 thợ máy. Đội ngũ thuyền viên Việt Nam được đào tạo, huấn luyện theo quy định của Bộ luật 2005, Công ước STCW 78/95 và cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu thuyền viên làm việc trên tàu biển nước ngoài.



2.3. Về đóng mới và sửa chữa tàu biển:

Trong giai đoạn vừa qua, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng lĩnh vực đóng mới và sửa chữa tàu biển ở nước ta (không chỉ riêng VINASHIN) đó đạt được những kết quả nhất định. Đặc biệt là việc đóng, hạ thủy và sửa chửa, hoán cải thành công nhiều tàu biển loại lớn, hiện đại (loại tàu trên 53.000 DWT, 100.000 DWT và tàu kho nổi 150.000 DWT) phù hợp với quy định của Bộ luật 2005 và các điều ước hàng hải quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều này không những góp phần trẻ hóa, hiện đại hóa, chuyên dụng hóa đối với đội tàu biển Việt Nam và xuất khẩu tàu biển mà còn là cơ sở để tiếp tục phát triển lĩnh vực công nghiệp tàu thủy trong thời kỳ tới theo chủ trương của Chính phủ.



2.4. Các dịch vụ hàng hải:

Bộ luật 2005 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật và một số chính sách hàng hải được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động của các loại hình dịch vụ hàng hải (đại lý, hoa tiêu, cung ứng, lai dắt, giao nhận, môi giới, bảo hiểm, cứu hộ, logistic ...). Năm 2005 có 413 doanh nghiệp cung cấp các loại hình dịch vụ hàng hải nhưng đến năm 2010 có 649 doanh nhiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia (nhà nước 121, trách nhiệm hữu hạn 314, cổ phần 197, liên doanh 09 ...). Thực tế cho thấy, tuy còn có khó khăn nhưng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cơ bản ổn định, có tăng trưởng nhưng chưa cao. Mặt khác, uy tín thương hiệu và năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp cũng như mỗi lĩnh vực dịch vụ riêng biệt tuy được quan tâm tăng cường nhưng hiệu quả chưa tương xứng và chưa bắt kịp xu thế toàn cầu hóa hoạt động hàng hải của thế giới đang ngày càng gia tăng.



3. Tạo điều kiện để hội nhập với hoạt động hàng hải quốc tế

Bộ luật 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật đã vận dụng một cách có chọn lọc những quy định của một số điều ước, thông lệ quốc tế và đây là yếu tố góp phần thúc đẩy Ngành Hàng hải nước ta hội nhập với hoạt động hàng hải thế giới. Mặt khác, nguyên tắc vận dụng luật pháp, thông lệ quốc tế cùng với các điều ước, thỏa thuận hàng hải quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng tạo điều kiện thuận lợi để nước ta chủ động tham gia vào các quan hệ pháp luật quốc tế không chỉ đối với hoạt động hàng hải, mà cả ngành thương mại, du lịch, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, đặc biệt là việc lưu thông hàng hóa, hành khách giữa nước ta với các nước.

Mặt khác, việc vận dụng điều ước và tập quán quốc tế theo quy định của Bộ luật 2005 là đặc trưng về tính quốc tế hóa trong hoạt động hàng hải, vừa phù hợp với chủ trương phát triển, hội nhập của nước ta.



tải về 322.56 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương