Đợt 1 (21 tỉnh): Các Đoàn đã kiểm tra tại 21 Sở gtvt và 99/424 đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định, trong đó kiểm tra 44 Hợp tác xã vận tải (bằng 44,4% số đơn vị được kiểm tra); số lượng phương tiện được kiểm tra 2



tải về 75.22 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích75.22 Kb.
#29901

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

THANH TRA BỘ

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số: 568 /TTr-P3







Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2014


BÁO CÁO

Kết quả kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo đảm TTATGT đường bộ, chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại 63 địa phương


Kính gửi: Bộ trưởng Đinh La Thăng


Thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự Đảng và Bộ trưởng Bộ GTVT, Thanh tra Bộ đã chủ trì thực hiện 07 Đoàn kiểm tra do các Thứ trưởng làm Trưởng đoàn theo Quyết định số 1961/QĐ-BGTVT ngày 09/7/2013 và Quyết định 2781/QĐ-BGTVT ngày 11/9/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc thực hiện các biện pháp bảo đảm TTATGT đường bộ, chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại 63 địa phương.

Các Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra 02 đợt tại 63 địa phương, trong đó: đợt 1 tại 21 địa phương (theo Quyết định số 1961/QĐ-BGTVT ngày 09/7/2013) và đợt 2 tại 42 địa phương (theo Quyết định 2781/QĐ-BGTVT ngày 11/9/2013). Tại các địa phương, các Đoàn đã kiểm tra công tác quản lý nhà nước về vận tải và việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của 350/1.919 đơn vị kinh doanh vận tải (cố định, taxi, công-ten-nơ), trong đó kiểm tra 112 Hợp tác xã vận tải (bằng 32,09% số đơn vị được kiểm tra); số lượng phương tiện được kiểm tra 11.976 xe ôtô.

- Đợt 1 (21 tỉnh): Các Đoàn đã kiểm tra tại 21 Sở GTVT và 99/424 đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định, trong đó kiểm tra 44 Hợp tác xã vận tải (bằng 44,4% số đơn vị được kiểm tra); số lượng phương tiện được kiểm tra 2.769 xe ô tô.

- Đợt 2 (42 tỉnh): Các Đoàn đã kiểm tra tại 42 Sở GTVT và 251/1.495 đơn vị kinh doanh vận tải (cố định, taxi, công-ten-nơ), trong đó kiểm tra 68 Hợp tác xã vận tải (bằng 24,8% số đơn vị được kiểm tra); số lượng phương tiện được kiểm tra 9.207 xe ô tô.

Đến nay, các Đoàn đã kết thúc kiểm tra và Bộ Giao thông vận tải đã có Thông báo kết quả kiểm tra tại 63 địa phương.

Thanh tra Bộ tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra tại 63 địa phương như sau:



PHẦN I. KẾT QUẢ KIỂM TRA

I. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TẠI ĐỊA PHƯƠNG

1. Công tác chỉ đạo, điều hành của địa phương về thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông

UBND cấp tỉnh đã kịp thời ban hành và chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch của địa phương nhằm tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực đường bộ nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trên cơ sở Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch của Ban bí thư TW, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải.

Nhiều địa phương đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về vận tải, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; nhiều địa phương đã chỉ đạo các cấp, các ngành thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn, qua đó phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ.

Tuy nhiên, một số địa phương còn buông lỏng, chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý vận tải đường bộ tại địa phương, như: chưa có quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi, mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, điểm đỗ đón trả khách theo Nghị định số 91/2009/NĐ-CP, Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT; chưa thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải; chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo xử lý vi phạm của các đơn vị kinh doanh vận tải.



2. Công tác quản lý nhà nước về vận tải đường bộ của Sở GTVT

a) Những kết quả đã đạt được:

Về cơ bản, các Sở GTVT đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về vận tải đường bộ tại địa phương theo quy định của pháp luật, thể hiện ở các nội dung sau:

- Trong việc triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị, Văn bản về đảm bảo TTATGT: Các Sở GTVT đã ban hành, thực hiện và tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai các Văn bản về đảm bảo TTATGT, như: Chỉ thị số 18-CT/TW, Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP; Chị thị số 12/CT-TTg, Chỉ thị số 02/CT-BGTVT, Chỉ thị số 10/CT-BGTVT, Chỉ thị số 12/CT-BGTVT, Chỉ thị số 16/CT-BGTVT, Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT, Thông tư số 23/2013/TT-BGTVT...;

- Trong công tác quản lý, cấp phép kinh doanh vận tải: Các Sở GTVT đã thực hiện cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; mở tuyến, công bố tuyến; chấp thuận khai thác tuyến; xây dựng, công bố thời gian biểu chạy xe; cấp phù hiệu xe cơ bản trên cơ sở các quy định tại Nghị định số 91/2009/NĐ-CP, Nghị định số 93/2012/NĐ-CP, Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT, Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT. Nhiều Sở GTVT đã cấp phép giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho 100% đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn, như: Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng...;

- Trong công tác quản lý vận tải qua thiết bị giám sát hành trình: Một số địa phương đã bước đầu thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải qua thiết bị giám sát hành trình, như: Hải Phòng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bến Tre, Gia Lai...;

- Trong công tác thanh tra, kiểm tra: Nhiều Sở GTVT đã thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó có thanh tra, kiểm tra liên ngành về hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ tại các đơn vị vận tải. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm của các đơn vị vận tải, góp phần chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ tại địa phương dần vào nề nếp.



b) Một số tồn tại trong công tác quản lý vận tải của Sở GTVT (tính tại thời điểm kiểm tra):

- Về cấp giấy phép kinh doanh vận tải:

+ Một số địa phương, việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ đạt tỉ lệ thấp, như Sở GTVT: Bình Phước (0%), Long An (0%), Hải Phòng (3,6%), Bình Dương (3,74%), TP. Hồ Chí Minh (5,73%), Bà Rịa - Vũng Tàu (6,25%), An Giang (11,7%), Thái Bình (16%)... Sau Thông báo kết quả kiểm tra của Bộ GTVT, đến nay, các Sở GTVT nêu trên đã cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ đạt trên 50%, có đơn vị đạt 80-90%.

+ Công tác thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh vận tải của nhiều Sở GTVT chưa thực hiện tốt (cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho đơn vị chưa đủ điều kiện) như: người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh vận tải chưa đủ tiêu chuẩn; nội dung phương án kinh doanh, đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải chưa đầy đủ; hồ sơ phương tiện đi thuê hoặc của xã viên HTX chưa đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh vận tải; không có nơi đỗ xe.

- Về công bố tuyến; chấp thuận, bổ sung xe khai thác tuyến; cấp, quản lý phù hiệu xe: Một số Sở GTVT đã không thực hiện đúng, đầy đủ quy định trong việc công bố tuyến, chấp thuận khai thác tuyến, cấp phù hiệu xe, như: chấp thuận khai thác tuyến có điểm đầu tuyến là bến xe chưa được công bố; không xác định hệ số có khách bình quân hoặc có xác định nhưng không đúng; chấp thuận khai thác tuyến, cấp phù hiệu cho phương tiện không đủ điều kiện kinh doanh vận tải; không thu phù hiệu xe đối với các xe đã ngừng hoạt động; chưa xây dựng và công bố thời gian biểu chạy xe.

- Về quản lý vận tải qua thiết bị giám sát hành trình: Nhiều Sở GTVT chưa thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải bằng xe ô tô qua thiết bị giám sát hành trình hoặc đã thực hiện kiểm tra, giám sát nhưng không xử lý các vi phạm, đặc biệt đối với các vi phạm về tốc độ, hành trình chạy xe, thời gian lái xe, như: Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Phước, Tây Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Tiền Giang...

- Công tác thanh tra, kiểm tra: Nhiều Sở GTVT chưa quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra, thậm chí có Sở chưa thực hiện; công tác hậu kiểm sau khi cấp phép kinh doanh vận tải tại nhiều địa phương bị buông lỏng hoặc có thực hiện nhưng hiệu quả công tác hậu kiểm thấp, dẫn tới đa phần các đơn vị vận tải được Bộ GTVT kiểm tra có nhiều tồn tại, vi phạm, trong đó có các vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải, tập trung ở các HTX vận tải và các doanh nghiệp vận tải có quy mô nhỏ.

- Người trực tiếp làm công tác quản lý vận tải tại nhiều địa phương còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực, đặc biệt là nhận thức về triển khai thực hiện và áp dụng pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý hoạt động kinh doanh vận tải còn hạn chế; một số người còn thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, nên tính chuyên môn hóa chưa cao, dẫn tới hiệu quả trong công tác quản lý vận tải còn hạn chế.



II. HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ

1. Kết quả đạt được

Phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hoạt động có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định. Các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn, đầu tư tập trung cơ bản đảm bảo, duy trì điều kiện kinh doanh vận tải và chấp hành tốt các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải (chỉ chiếm số lượng ít trên tổng số các đơn vị được kiểm tra). Các phương tiện vận tải đã được lắp thiết bị giám sát hành trình, phần lớn các thiết bị giám sát hành trình đạt quy chuẩn theo quy định.



2. Các tồn tại, vi phạm

Hoạt động vận tải của Doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải bằng xe ô tô còn nhiều tồn tại, vi phạm, tập trung chủ yếu ở các HTX vận tải và các doanh nghiệp vận tải có quy mô nhỏ, phương tiện thuộc quyền sở hữu của nhiều cá nhân. Các tồn tại chủ yếu như:

- Không có người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh vận tải (7/350 đơn vị) hoặc có người điều hành nhưng không đủ điều kiện theo quy định (68/350 đơn vị); nơi đỗ xe, công tác sửa chữa bảo dưỡng phương tiện chưa được quan tâm;

- Không có bộ phận theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (18/350 đơn vị); có bộ phận theo dõi nhưng không hoạt động theo quy định hoặc có hoạt động nhưng không thực hiện thường xuyên, đầy đủ các nhiệm vụ, hoạt động chỉ mang tính hình thức, đối phó (140/350 đơn vị);

- Không quản lý, sử dụng phương tiện để thực hiện kinh doanh vận tải. Không tổ chức kinh doanh vận tải mà chỉ đứng ra lo các thủ tục pháp lý để cho xe hoạt động trên tuyến; việc quản lý, sử dụng xe để kinh doanh vận tải do các chủ xe thực hiện (hình thức khoán trắng, cho thuê thương hiệu);

- Thiết bị giám sát hành trình lắp trên một số phương tiện không có đủ dữ liệu theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 91/2009/NĐ-CP; đơn vị vận tải không thực hiện quản lý, khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để kiểm tra, nhắc nhở lái xe và không có biện pháp xử lý đối với lái xe chạy quá tốc độ, dẫn đến nhiều lái xe chạy vượt quá tốc độ cho phép. Địa phương có xe vượt quá tốc độ lớn như: Long An (137 km/h), Bình Thuận (130 km/h), Khánh Hòa (128 km/h), Thừa Thiên Huế (128 km/h), Vĩnh Long (135 km/h), Bạc Liêu (134km/h), Quảng Nam (131km/h), Đồng Tháp (130 km/h);

- Việc ký hợp đồng thuê phương tiện, ký cam kết kinh tế là hình thức. Thực tế, đa số các đơn vị không thuê xe để kinh doanh vận tải (trừ thuê tài chính); không thực hiện nội dung trong hợp đồng thuê xe, cam kết kinh tế (hình thức cho thuê thương hiệu);

- Nhiều đơn vị vận tải không ký hợp đồng lao động với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, hoặc nội dung hợp đồng chưa đầy đủ và việc ký hợp đồng lao động chỉ hình thức (không quản lý, sử dụng, không trả lương, không đóng bảo hiểm...); chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; lái xe, nhân viên phục vụ trên xe không được tập huấn nghiệp vụ vận tải khách và an toàn giao thông theo quy định;

- Nhiều đơn vị không thực hiện theo đúng phương án kinh doanh đã xây dựng và bảo đảm duy trì chất lượng dịch vụ vận tải đã đăng ký; không thực hiện đúng các quy định về niêm yết chất lượng dịch vụ vận tải, giá cước;

- Một số đơn vị tự ý tháo ghế ngồi chở khách để chở hàng hóa.



III. TỔNG HỢP KẾT QUẢ XỬ LÝ VI PHẠM

Các Đoàn kiểm tra đã phát hiện, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 636 lỗi vi phạm, tổng số tiền xử phạt trên 2.360.000.000 đồng; đồng thời kiến nghị xử lý nhiều vi phạm khác, cụ thể: có 53/350 đơn vị bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải (chiếm 15,14% tổng số đơn vị được kiểm tra); có 113/350 đơn vị bị tước quyền sử dụng giấy phép cho đến khi khắc phục xong tồn tại (chiếm 32,28%); có 1.370 phương tiện bị thu hồi phù hiệu, sổ nhật trình; thu hồi 134 chấp thuận khai thác tuyến.


Phần II. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC KIỂM TRA
Đợt tổng kiểm tra đã làm thay đổi nhận thức về quản lý vận tải đường bộ của UBND tỉnh, Sở GTVT, các cấp, các ngành có liên quan của địa phương; tình hình đảm bảo an toàn giao thông được cải thiện rõ rệt, cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông đều giảm sâu; các địa phương đã nhận thức rõ trách nhiệm và thực hiện nhiều giải pháp tích cực để tăng cường công tác quản lý nhà nước về vận tải; các đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe đã nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Đoàn kiểm tra đã có đánh giá toàn diện thực trạng hoạt động vận tải đường bộ, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đưa hoạt động động vận tải đường bộ từng bước vào nề nếp, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và giảm tai nạn giao thông. Kết quả kiểm tra cũng tạo ra một cơ sở dữ liệu thực tiễn cho sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Nghị định thay thế Nghị định 91/2009/NĐ-CP và Nghị định 93/2013/NĐ-CP.

Sau khi có kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải, các tỉnh, thành phố đã đồng loạt thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện hoạt động vận tải và điều kiện kinh doanh tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn, do đó, công tác quản lý và việc chấp hành pháp luật về hoạt động vận tải ở địa phương đã có chuyển biến tích cực.

Để kịp thời chấn chỉnh hoạt động vận tải và tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Thanh tra Bộ đã tham mưu trình Bộ trưởng ban hành Chỉ thị số 12/CT-BGTVT ngày 30/7/2013 về tăng cường quản về vận tải bằng xe công-ten-nơ; Chỉ thị số 16/CT-BGTVT ngày 28/8/2013 về việc chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm và tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Đồng thời, Thanh tra Bộ chỉ đạo, hướng dẫn Thanh tra các Sở Giao thông vận tải tăng cường thanh tra chuyên ngành, trong đó có thanh tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Công văn số 195/TTr-P3 ngày 12/3/2014 của Thanh tra Bộ).

Thanh tra Bộ đã kiến nghị lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tuyên dương và phê bình một số Sở GTVT ngay sau khi kết thúc từng đợt kiểm tra.
PHẦN II. KIẾN NGHỊ
1. Đề nghị sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL

Trong quá trình kiểm tra, Thanh tra Bộ đã có các báo cáo kiến nghị sửa đổi một số văn bản QPPL. Đến nay, khi xây dựng dự thảo các văn bản QPPL, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã có nhiều nội dung sửa đổi theo kiến nghị của Thanh tra Bộ.

Thanh tra Bộ báo cáo tổng hợp các kiến nghị như sau:

1.1. Nghị định thay thế Nghị định số 91/2009/NĐ-CP và Nghị định số 93/2010/NĐ-CP:

a) Bổ sung kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có tải trọng thiết kế từ 10T (tấn) trở lên phải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải và xe phải được cấp phù hiệu (có lộ trình quản lý), trước mắt quản lý ngay các xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc như đối với loại hình vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ.

b) Bổ sung quy định: tất cả phương tiện kinh doanh vận tải (chở khách và hàng hóa) đều phải lắp thiết bị giám sát hành trình; đối với những loại hình bổ sung quy định bắt buộc phải lắp thiết bị GSHT quy định lộ trình để áp dụng thực hiện và không gây khó khăn cho doanh nghiệp.

c) Bổ sung quy định số lượng phương tiện tối thiểu:

- Kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định: miền núi từ 05 xe trở lên, các vùng miền còn lại từ 10 xe trở lên.

- Kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh từ 200 xe trở lên; Các tỉnh còn lại từ 30 xe trở lên.

- Kinh doanh vận tải hàng hóa: từ 05 xe trở lên.

d) Sửa đổi khoản 2 Điều 11 Nghị định 91: Quy định xe thuê tài chính của tổ chức cho thuê tài chính được phép kinh doanh vận tải. Bỏ nội dung cho phép sử dụng xe thuê của tổ chức, cá nhân có chức năng cho thuê tài sản.

Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, các đơn vị ký hợp đồng thuê phương tiện của tổ chức, cá nhân (trừ xe thuê tài chính) là hình thức, các đơn vị không quản lý, điều hành, sử dụng phương tiện đi thuê để kinh doanh vận tải, mà thực tế là cho các cá nhân chủ xe đưa xe vào kinh doanh vận tải với thương hiệu của đơn vị mình.

đ) Sửa đổi quy định người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã tại Khoản 5 Điều 11 Nghị định 91: “phải có trình độ chuyên môn về vận tải” theo đúng quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 67 Luật Giao thông đường bộ.

e) Quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có cán bộ kỹ thuật để theo dõi an toàn kỹ thuật phương tiện và cán bộ về công nghệ thông tin để quản lý, sử dụng thiết bị GSHT.

g) Sửa đổi quy định về kiểm định đồng hồ tính tiền gắn trên xe taxi tại khoản 4 Điều 15 Nghị định 91: “Trên xe có gắn đồng hồ tính tiền theo ki lô mét lăn bánh và thời gian chờ đợi, được cơ quan có thẩm quyền kiểm định và kẹp chì…” để mở rộng thẩm quyền kiểm định đồng hồ tính tiền đối với các đơn vị đăng kiểm ngành Giao thông vận tải.

h) Quy định xe taxi: có đăng ký một mầu sơn thống nhất, biểu trưng (logo) của doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, số điện thoại giao dịch (giữ nguyên như Khoản 4 Điều 15 Nghị định 91/2009/NĐ-CP, không nên sửa như trong Nghị định 93/2012/NĐ-CP).

i) Bổ sung quy định: thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải trong trường hợp không bảo đảm các điều kiện về kinh doanh vận tải theo hình thức đã đăng ký (như trong Điều 21 Nghị định 91/2009/NĐ-CP, không nên sửa như trong Nghị định 93/2012/NĐ-CP).

k) Bỏ quy định về “Hệ số có khách bình quân tại hai đầu bến đạt trên 50%” để làm cơ sở chấp thuận khai thác tuyến, bổ sung xe khai thác tuyến do quy định này khó thực hiện và Thông tư 18/2013/TT-BGTVT đã cho phép đón trả khách tại các điểm dừng đỗ trên tuyến.

l) Quy định tuyến vận tải nội tỉnh đối với các tỉnh miền núi cho phép xuất phát từ Trung tâm thị trấn huyện chưa có bến xe để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân miền núi. Đồng thời quy định tiêu chí về bến xe đối với các tỉnh Miền núi có diện tích và các hạng mục thấp hơn so với các tỉnh Đồng bằng, thành phố lớn.



1.2. Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và đường sắt:

a) Bổ sung giải thích từ ngữ “Chủ phương tiện” để làm rõ chủ phương tiện là: “tên trong đăng ký phương tiện” hoặc “tên đơn vị kinh doanh trên phù hiệu”.

b) Bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị cung cấp thiết bị GSHT không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật;

c) Tăng mức phạt với xe hợp đồng, xe du lịch vi phạm các lỗi sau nhằm ngăn chặn tình trạng xe dù: Xe vận chuyển khách du lịch, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng không có danh sách hành khách theo quy định hoặc chở người không có tên trong danh sách hành khách, không có hợp đồng vận chuyển theo quy định;



1.3. Thông tư thay thế thông tư 18/2013/TT-BGTVT:

a) Quy định trường hợp xe đang phục vụ kinh doanh theo tuyến cố định được phép kinh doanh theo hợp đồng;

b) Quy định giá trị thời hạn phù hiệu: là 01 năm (như Thông tư 14/2010/TT-BGTVT). Quy định giá trị thời hạn phù hiệu xe để quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn.

c) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 43 Thông tư 18/2013/TT-BGTVT: Quy định xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng phải có danh sách hành khách (hiện tại chỉ yêu cầu với cự ly trên 100km).



1.4. Thông tư thay thế Thông tư số 08/2011/TT-BGTVT ngày 08/3/2011:

a) Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên táp lô ở vị trí dễ quan sát đèn báo trạng thái hoạt động của thiết bị.

b) Thống nhất phần mềm đọc, trích xuất dữ liệu trực tiếp từ TBGSHT.

c) Tiêu trí đóng mở cửa xe chỉ áp dụng đối với xe ô tô kinh doanh vận tải theo tuyến cố định.

d) Đăng nhập tên lái xe bằng thẻ cứng.

2. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Trong các Thông báo kết quả kiểm tra, Bộ GTVT đã kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố các nội dung sau:

a) Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Kế hoạch của địa phương triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải; Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng và chở quá số khách cho phép; Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ; Chỉ thị 12/CT-BGTVT ngày 30/7/2013 về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công – ten – nơ và Chỉ thị 16/CT-BGTVT ngày 28/8/2013 chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm và tăng cường quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

b) Tiếp tục chỉ đạo thanh tra toàn diện các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, đồng thời, đình chỉ hoạt động những đơn vị vi phạm các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật; tăng cường thanh tra kiểm tra đối với các đơn vị đăng kiểm, bến xe khách, cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn;

c) Chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp Thanh tra giao thông vận tải tăng cường tuần tra, kiểm soát tải trọng phương tiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với xe quá khổ và quá tải trọng theo quy định;

d) Tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến các đơn vị kinh doanh vận tải, đến đội ngũ lái xe, đến tận khu dân cư và từng gia đình.



3. Yêu cầu các Sở Giao thông vận tải

Trong các Thông báo kết quả kiểm tra, Bộ GTVT đã yêu cầu các Sở GTVT thực hiện các nội dung trọng tâm sau:

a) Khẩn trương khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong quản lý nhà nước về vận tải; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra, đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải khắc phục các tồn tại, đảm bảo các hoạt động kinh doanh của các đơn vị được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật;

b) Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các phương tiện vận tải qua TBGSHT để kịp thời nhắc nhở, xử lý đối với các trường hợp vi phạm;

c) Chỉ đạo lực lượng thanh tra đẩy mạnh phối hợp các lực lượng tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện, xử lý đối với xe chở hàng quá khổ giới hạn, quá tải trọng cho phép;

d) Tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn chưa được Bộ GTVT kiểm tra năm 2013; kiên quyết xử lý, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải đối những đơn vị vi phạm theo quy định;

đ) Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức kiểm tra sức khoẻ định kỳ và đột xuất đối với đội ngũ lái xe và áp dụng các biện pháp cần thiết khác, trước hết là lái xe khách tuyến cố định, lái xe buýt, xe taxi, xe vận tải công-ten-nơ; phát hiện và loại khỏi đội ngũ những lái xe có hành vi sử dụng chất ma túy, rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông.

e) Củng cố, tăng cường nhân sự cho công tác quản lý hoạt động vận tải tại Sở GTVT.



4. Đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Tiếp tục rà soát để hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, quản lý phương tiện, kiểm soát tải trọng phương tiện.

Khẩn trương hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng Trung tâm quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình theo quy định tại Thông tư số 23/2013/TT-BGTVT ngày 26/8/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT, nhằm tăng cường tính chủ động trong việc giám sát, quản lý phương tiện của các cơ quan chức năng.

Tổ chức hướng dẫn, tập huấn lại nghiệp vụ quản lý nhà nước trong hoạt động vận tải đối với các tỉnh, thành phố chưa làm tốt công tác quản lý nhà nước trong hoạt động vận tải mà các đoàn kiểm tra đã chỉ ra như: An Giang, Long An, Lào Cai, Khánh Hòa, Lạng Sơn; Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Tiền Giang, Cao Bằng (các tỉnh đề nghị phê bình).



5. Đề nghị Bộ trưởng:

- Giao Thanh tra Bộ soạn thảo trình Lãnh đạo Bộ ký báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra tại 63 địa phương.

- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tuyên dương các tỉnh đã cơ bản thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải đường bộ, gồm: thành phố Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Nam, Kiên Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Giang, Thái Nguyên, Gia Lai.

Riêng đối với các địa phương buông lỏng, chưa quan tâm đến công tác quản lý vận tải đường bộ (tại thời điểm kiểm tra), Thanh tra Bộ đã kiến nghị Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê bình, gồm: An Giang, Long An, Lào Cai, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Tiền Giang, Cao Bằng.

Đến nay, theo nắm bắt của Thanh tra Bộ, các địa phương đã có những chuyển biến trong công tác quản lý vận tải. Do đó, Thanh tra Bộ kiến nghị Bộ trưởng không tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê bình các địa phương nêu trên.

Thanh tra Bộ kính báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng./.




Nơi nhận:

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Các Thứ trưởng (để báo cáo);

- Các Vụ: Vận tải, ATGT, KHCN, PC;

- Tổng cục ĐBVN;

- Lưu: TTr, P3.




CHÁNH THANH TRA

Lê Thanh Hà









tải về 75.22 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương