VĂn phòng quốc hội trung tâm Tin học



tải về 268.34 Kb.
trang1/2
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích268.34 Kb.
#15996
  1   2

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

Trung tâm Tin học

QUỐC HỘI KHÓA XII

KỲ HỌP THỨ 04



BẢN TỔNG HỢP THẢO LUẬN TẠI HỘI TRƯỜNG

(Ghi theo băng ghi âm)

Buổi chiều ngày 08/11/2008

Nội dung:

Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2009. Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật quy hoạch đô thị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chủ trì điều khiển nội dung


Nguyễn Đức Kiên  - Phó Chủ tịch Quốc hội

Kính thưa Quốc hội!

Chương trình chiều nay có 2 phần:

Phần thứ nhất, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009.

Phần thứ hai, Quốc hội thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật quy hoạch đô thị.

Vào phần thứ nhất, trước hết xin mời ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, Hội trường về dự thảo Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009.


Phùng Quốc Hiển  - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách

Đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009 - (Có văn bản).


Đinh Văn Nhã  - Đoàn Thư ký

Đọc dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009 - (Có văn bản).


Nguyễn Đức Kiên  - Phó Chủ tịch Quốc hội

Kính thưa Quốc hội!

Ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo tiếp thu một cách thấu đáo. Tại phiên họp trù bị các vị đại biểu Quốc hội đã thống nhất không thảo luận lại. Đại biểu Quốc hội thể hiện chính kiến của mình qua phiếu biểu quyết.

Xin Quốc hội thông qua một số nội dung, sau đó thông qua toàn bộ dự thảo dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009. Những vấn đề về mặt kỹ thuật sẽ được hoàn chỉnh trước khi ban hành chính thức Nghị quyết này. Bây giờ xin Quốc hội cho phép biểu quyết điểm thứ nhất về tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước.

Tổng thu cân đối ngân sách là 389.900 tỷ đồng, bằng 21,5% tổng sản phẩm trong nước, tính cả 14.100 tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2008 sang năm 2009 thì tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 404.000 tỷ đồng.

Xin mời đại biểu biểu quyết.

Số đại biểu có mặt là 427, bằng 86,61% so với tổng số đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu tán thành là 423, bằng 85,8% tổng số đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu không tán thành là 1, bằng 0,2% tổng số đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu không biết quyết 3, bằng 0,61% tổng số đại biểu Quốc hội.

Như vậy tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội đã tán thành tổng thu cân đối ngân sách nhà nước như trong dự thảo nghị quyết.

Xin các vị đại biểu Quốc hội cho biểu quyết thông qua về tổng chi cân đối ngân sách nhà nước. Tổng số chi cân đối nhà nước là 491.300 tỷ đồng. Xin mời các vị đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu có mặt 443 bằng 89,86% so với tổng số đại biểu Quốc hội

Số đại biểu tán thành 433 bằng 87,83% so với tổng số đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu không tán thành 7, bằng 1,42% tổng số đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu không biểu quyết 3, bằng 0,61% tổng số đại biểu Quốc hội.

Như vậy tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội đã tán thành tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2009 như trong dự thảo nghị quyết. Xin cám ơn Quốc hội.

Xin Quốc hội cho biểu quyết nội dung thứ ba về bội chi ngân sách Nhà nước: Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 87.300 tỷ đồng, bằng 4,82% tổng sản phẩm trong nước.

Số đại biểu có mặt 441 = 89,45% so với tổng số đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu tán thành 416 = 84,38% so với tổng số đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu không tán thành 23 = 4,67%.

Số đại biểu không biểu quyết 02 = 0,41%.

Như vậy tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội đã tán thành số bội chi ngân sách Nhà nước năm 2009 như trong dự thảo nghị quyết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Xin Quốc hội cho biểu quyết toàn bộ Điều 2 với nội dung tán thành các giải pháp thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009 đã được bổ sung do Chính phủ trình và kiến nghị của Ủy ban Tài chính ngân sách trong Báo cáo thẩm tra và nhấn mạnh 8 nhóm giải pháp trọng tâm như đã nêu trong dự thảo nghị quyết.

Số đại biểu có mặt 439, bằng 89,05% so với tổng số đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu tán thành 438, bằng 88,84% so với tổng số đại biểu Quốc hội.

Không tán thành 1, bằng 0,2%

Số đại biểu không biểu quyết 0

Xin mời Quốc hội biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009.

Số đại biểu có mặt 440, bằng 89,25% so với tổng số đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu tán thành 436, bằng 88,44% so với tổng số đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu không tán thành 0

Số đại biểu không biểu quyết 4, bằng 0,81%

Như vậy, tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội đã tán thành biểu quyết thông qua toàn bộ dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009. Xin cảm ơn Quốc hội.

Kính thưa Quốc hội, chuyển sang phần thứ hai, trước khi các vị đại biểu Quốc hội thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật quy hoạch đô thị, Đoàn thư ký kỳ họp đã tổng hợp thành văn bản ý kiến thảo luận tại tổ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu nắm được tình hình thảo luận chung tại các tổ. Với quỹ thời gian đã xác định trong chương trình kỳ họp và chọn lọc ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ, xin đề nghị Quốc hội tập trung cho ý kiến về những nhóm giải pháp trọng tâm, chủ yếu dưới đây:

Một là phạm vi điều chỉnh của dự án luật,

Hai là về tiêu chí và phân loại đô thị, trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị, thẩm quyền phê duyệt, nội dung và đồ án quy hoạch.

Ba, đối tượng lập quy hoạch đô thị

Bốn, điều chỉnh quy hoạch đô thị

Năm là Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng.

Sáu là các vấn đề về kỳ hạn của các loại quy hoạch.

Bây giờ sang phần thảo luận, xin các vị đại biểu Quốc hội đăng ký.


Nguyễn Thị Mai  - Ninh Thuận 

Kính thưa Quốc hội!

Tôi xin tham gia một số ý như sau:

Phần thứ nhất, tôi xin đề cập đến tổng thể của dự án Luật quy hoạch đô thị. Việc quy hoạch và quản lý phát triển đô thị Việt Nam như hiện nay sẽ còn tái diễn đến bao giờ? Tôi xin trích lời nói của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đăng trên Báo Đất Việt như sau: "Đợt lũ nặng nề hiện nay là hệ quả của một quá trình mà quy hoạch tổng thể Hà Nội không được quán xuyến qua nhiều đời lãnh đạo". Theo ông Thảo nếu không biết cách tạo độ chênh mặt nước thì dù có chi hết 2.500 tỷ đồng vẫn không giải được bài toán xử lý lượng nước đổ ra kênh, mương thì Hà Nội sẽ còn chịu lụt. Thưa Quốc hội, như vậy sự thiệt hại về con người và tài sản của nhân dân Hà Nội trong trận ngập lụt vừa qua trách nhiệm thuộc về ai? Bức tranh quy hoạch của thủ đô, trái tim của cả nước là như vậy. Các đô thị khác có lẽ cũng không khác lắm mấy, vì sao? Chẳng lẽ chúng ta cứ nói mãi là vì không có tầm nhìn, không có phân trách nhiệm rõ ràng, không khoa học trong quản lý, nguồn nhân lực chưa đủ tâm và đủ tầm hay sao? Thực tiễn cho thấy trong những năm qua việc quy hoạch và quản lý đô thị của chúng ta còn nhiều bất cập, chưa thu hút được sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, các chuyên gia cũng như những người tâm huyết, hiểu rõ điều kiện thủy văn, địa lý, địa lợi và dự báo sự phát triển lâu dài của từng dự án quy hoạch. Đặc biệt là các quy hoạch chồng chéo mâu thuẫn nhau chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành để bảo đảm tính thống nhất trong một chỉnh thể. Cụ thể như đường giao thông vừa làm xong lại đào lên chôn ống nước, cắm trụ điện gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông, gây tai nạn và lãng phí tiền của của nhân dân.

Cử tri rất bức xúc trước tình trạng quản lý, sử dụng đất đai trong đô thị còn tùy tiện, lãng phí, nhất là quy hoạch treo làm cho người dân phải chịu nhiều thiệt thòi, không dám đầu tư, sản xuất trên mảnh đất của mình. Tai hại hơn nữa thông tin về quy hoạch ảo gây hoang mang, xáo trộn cuộc sống của người dân, bởi vì khi nghe đến quy hoạch là vội vàng bán đất, bán ruộng, vườn, nương rẫy. Do đó cần công khai quy hoạch, niêm yết các sơ đồ, mô hình quy hoạch, đồng thời phải quy định rõ thời gian cụ thể không để kéo dài gây lãng phí đầu tư và tiền của của nhân dân. Do đó mà qui hoạch đô thị cần đáp ứng một số điểm như sau.

Một, phải trên quan điểm chiến lược lâu dài có tầm nhìn không phải 10 năm, 20 năm mà phải là hàng trăm năm. Thủ đô của các nước phương tây có từ hàng trăm năm không phải đập phá xây dựng lại tốn kém.

Hai, xây dựng thủ đô, các đô thị phải mang bản sắc của Việt Nam.

Ba, vị trí các đô thị trong mỗi quốc gia có một ý nghĩa văn hóa lịch sử không nên tùy tiện thay đổi bắt trước hoặc là nhất thể hóa.

Bốn, bảo đảm tính khoa học tiện nghi và hiện đại.

Phần thứ hai, tôi xin đề cập đến cụ thể của dự án luật.

Thứ nhất, về Kiến trúc sư trưởng. Điều 17, Kiến trúc sư trưởng ở các nước phương tây là nơi tiếp nhận ý kiến của nhân dân và công khai ý tưởng của mình trước công chúng được ủng hộ. Còn ở Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm luật có nên quy định có kiến trúc sư trưởng không? Bởi vì trong những năm qua các thành phố trực thuộc Trung ương đã có các cơ quan chuyên môn tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quản lý Nhà nước về quy hoạch kiến trúc đô thị cụ thể như là Sở qui hoạch kiến trúc, Sở xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở giao thông công chính, Sở kế hoạch đầu tư. Vấn đề đặt ra là phải quy định rõ ràng vai trò chức năng của chính quyền ở các đô thị, cơ quan quản lý kiến trúc đô thị, nên chăng khi thiết kế xây dựng tổ chức quy hoạch đô thị sẽ thuê kiến trúc sư trưởng làm tư vấn, vì năm 1992 đã làm thí điểm mô hình kiến trúc sư trưởng ở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tăng cường quản lý kiến trúc quy hoạch đô thị, trong 10 năm qua đã đúc kết ra những bài học kinh nghiệm gì, tại sao đến năm 2002 Chính phủ lại giao cho sở quy hoạch kiến trúc đảm nhận việc quản lý quy hoạch kiến trúc của hai thành phố này.

Thứ hai, những hành vi bị cấm trong hoạt động quy hoạch đô thị tại Điều 18 gồm 9 khoản, tôi hoàn toàn nhất trí, tuy nhiên tôi đề nghị bổ sung thêm hai khoản nữa, là khoản 10, 11 vào Điều 18 là: Khoản 10 vi phạm đến di tích lịch sử và nét đặc trưng văn hóa của địa phương. Khoản 11 gây hiểm họa đến đời sống của cộng đồng dân cư.

Thứ ba, về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch tại Điều 20, tôi nhất trí với dự thảo luật ở Khoản 1 và Khoản 2, Điều 20, nhưng tôi chưa đồng tình Khoản 3, Điều 20 là giao cho Uỷ ban nhân dân huyện tổ chức lập quy hoạch chung đô thị. Bởi vì việc phân công cho Uỷ ban nhân dân huyện như vậy chắc chắn sẽ làm cho quy hoạch không có chất lượng và hiệu quả, dễ dẫn đến tính cát cứ, manh mún. Đồng thời cấp huyện không đủ nhân lực và năng lực cũng như tầm nhìn tổng thể, có hạn chế để lập quy hoạch. Xin cảm ơn Quốc hội.
Ngô Thị Doãn Thanh  - TP Hà Nội 

Kính thưa Quốc hội,

Tôi tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật quy hoạch đô thị với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đây là một dự án luật quan trọng đối với sự phát triển bền vững không phải chỉ là của các tỉnh, thành phố nói riêng mà còn của đất nước chúng ta nói chung. Về dự thảo luật tôi xin góp ý vào 5 vấn đề sau.

Thứ nhất, về mô hình kiến trúc sư trưởng, Điều 17, theo quy định tại Điều 17 của dự thảo luật mô hình kiến trúc sư trưởng lần này khác với mô hình kiến trúc sư trưởng mà Thành phố Hà Nội đã thực hiện thí điểm trước đây. Kiến trúc sư trưởng theo dự thảo chỉ thực hiện chức năng tư vấn, tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố mà không thực hiện các nhiệm vụ quản lý như Sở quy hoạch kiến trúc hiện nay. Việc thực hiện mô hình kiến trúc sư trưởng theo cách này sẽ có một số điểm tích cực sau:

Thứ nhất, sẽ rút tăng cường nhân lực có trình độ chuyên môn cao để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trong việc tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch đô thị, xây dựng định hướng kiến trúc quy hoạch và các nhiệm vụ khác có liên quan đến quy hoạch kiến trúc đô thị thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.

Thứ hai, sẽ khắc phục được tư duy kiến trúc theo nhiệm kỳ, manh mún và quy hoạch theo dự án.

Thứ ba, vừa phát huy được vai trò, trách nhiệm của cá nhân giỏi mà cụ thể ở đây là kiến trúc sư trưởng và những chuyên gia giúp việc, vừa tập trung được trí tuệ của tập thể thông qua ý kiến phản biện của hội đồng quy hoạch kiến trúc.

Thứ tư, khắc phục được nhược điểm của mô hình kiến trúc sư trưởng mà đã thực hiện thí điểm trước đây ở Hà Nội, đó là vừa thực hiện chức năng tham mưu tư vấn, vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về quy hoạch. Trước khi thực hiện mô hình kiến trúc sư trưởng mới nếu như được Quốc hội thông qua thì Chính phủ cần đánh giá tổng kết mô hình thí điểm trước đây để loại trừ những thiếu sót, khuyết điểm, những nguyên nhân ảnh hưởng không tốt. Với những lý do nêu trên, tôi tán thành việc áp dụng mô hình kiến trúc sư trưởng, nhưng tôi đề nghị bổ sung một số điểm sau:

Thứ nhất, đề nghị bổ sung quy định về việc xác định vị trí độc lập của kiến trúc sư trưởng ở địa phương.

Thứ hai, quy định kiến trúc sư trưởng không được tham gia Hội đồng kiến trúc quy hoạch vì Hội đồng kiến trúc quy hoạch có nhiệm vụ phản biện nhiệm vụ đồ án quy hoạch đô thị, kiến trúc đô thị khi có yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Những đồ án này do kiến trúc sư trưởng tham mưu, việc quy định này tạo ra cơ chế độc lập khi thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo tính minh bạch và khách quan.

Thứ ba, quy định rõ bộ phận giúp việc cho kiến trúc sư trưởng có chức năng, nhiệm vụ theo hướng tinh gọn.

Thứ tư, cần phải quy định rõ về mối quan hệ của ba đơn vị Sở quy hoạch kiến trúc, kiến trúc sư trưởng và Hội đồng kiến trúc quy hoạch ở một địa phương để tránh trùng lặp chức năng, nhiệm vụ, khắc phục được khoảng trống hiện nay đang tồn tại trong lĩnh vực này.

Nội dung thứ hai, về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị ở Điều 20. Đối với loại quy hoạch đô thị đặc biệt đề nghị giao trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị cho chính quyền địa phương bởi thực tiễn cho thấy chính quyền địa phương là người hiểu rõ nhất tình hình kinh tế xã hội của địa phương, là người định hướng phát triển kinh tế xã hội. Đây là yếu tố quan trọng đối với việc xây dựng quy hoạch đô thị bởi vì chúng ta đang thực hiện quan điểm quy hoạch phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Hơn nữa, theo quy định của dự thảo luật nếu có Kiến trúc sư trưởng và Hội đồng kiến trúc quy hoạch theo chức năng của mình sẽ tham mưu giúp chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, do mức độ ảnh hưởng của các đô thị loại đặc biệt đến quy hoạch chung của cả nước nên chính quyền địa phương cần trao đổi thống nhất với Bộ Xây dựng, hoặc Bộ Xây dựng thẩm định trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Nội dung thứ ba, về quy định lấy ý kiến đối với quy hoạch đô thị ở Điều 23. Quy định như dự thảo luật còn hình thức, quy định này không phát huy được chất xám của các chuyên gia, của nhân dân và của cộng đồng. Để khắc phục hạn chế này đề nghị bổ sung quy định về việc tiếp thu các ý kiến đối với các đồ án quy hoạch, cụ thể như sau:

Quy định rõ phương án tiếp thu, sửa đổi, bổ sung đồ án quy hoạch trong trường hợp nhiều ý kiến không tán thành với đề án hoặc có ý kiến khác. Bổ sung quy định đối với mỗi loại đề án thì áp dụng các hình thức lấy ý kiến thích hợp, không nên quy định chung chung như dự thảo, quy định rõ loại quy hoạch nào cần lấy ý kiến cộng đồng. Bổ sung quy định về điều kiện khi phê duyệt đồ án quy hoạch phải có bản tổng hợp các ý kiến đóng góp và bản tiếp thu, giải trình của các cơ quan lập quy hoạch về những ý kiến nào được tiếp thu và những ý kiến nào không tiếp thu, lý do tại sao.

Nội dung thứ tư, về công bố công khai quy hoạch đô thị, Điều 54, tại Khoản 1, Điều 54 quy định chưa rõ ràng, để đảm bảo sự nghiêm túc trong việc thực hiện công bố công khai quy hoạch đô thị, đề nghị bổ sung thời hạn công bố công khai vào Điểm a, Khoản 1, Điều 54 như sau: trong quá trình thực hiện quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền phải trưng bày thường xuyên, liên tục bằng bản vẽ mô hình tại trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước các cấp có liên quan về quy hoạch đô thị, trung tâm triển lãm và thông tin về quy hoạch đô thị và tại khu vực lập quy hoạch.

Quy định tại Khoản 3, Điều 54 sẽ gây khó khăn cho người dân khi không rõ kế hoạch triển khai quy hoạch để sắp xếp, bố trí cuộc sống của mình như việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa, mua bán hoặc chuyển nhượng bất động sản. Vì vậy đề nghị bổ sung quy định công bố quy hoạch triển khai thực hiện đồ án quy hoạch vào Khoản 3 như sau: cơ quan quản lý quy hoạch đô thị có trách nhiệm công bố kế hoạch triển khai thực hiện đồ án quy hoạch và cập nhật đầy đủ tình hình triển khai thực hiện đồ án quy hoạch đô thị đã được duyệt để Uỷ ban nhân dân các cấp công bố công khai, kịp thời cho các tổ chức, cá nhân biết và giám sát thực hiện.

Nội dung thứ năm, về cung cấp thông tin quy hoạch đô thị, Điều 56, quy định của dự thảo luật vẫn thể hiện tính hình thức trong việc cung cấp thông tin về qui hoạch đô thị trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin về qui hoạch đô thị không muốn cung cấp thông tin bằng cách kéo dài thời gian chờ đợi để được cung cấp thông tin thì người yêu cầu cung cấp thông tin không thể làm gì được. Để khắc phục điểm này đề nghị quy định rõ thời gian, cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân và tổ chức. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.


Trần Văn Tấn  - Tiền Giang 

Kính thưa Quốc hội.

Về dự án Luật qui hoạch đô thị tôi có ý kiến cụ thể ở những vấn đề như sau.

Một, về hạ tầng kỹ thuật đô thị theo tôi luật chỉ nên quy định về nội dung yêu cầu, nguyên tắc qui hoạch và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy định đã được duyệt. Vì việc qui hoạch đô thị đã bao hàm cả qui hoạch hạ tầng, quản lý hạ tầng kỹ thuật đã bao gồm các nội dung về đầu tư xây dựng, khai thác, bảo trì, bảo dưỡng công trình, nhưng song song với qui hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật tôi đề nghị dự án luật cần bổ sung quy định các vấn đề về qui hoạch hạ tầng xã hội, trong mỗi đô thị cần tạo ra cơ sở hạ tầng và xã hội tốt để người dân sống thuận lợi cùng với môi trường sống hiện đại văn minh thì mỗi đô thị cần có một dáng dấp riêng, cảnh quan thiên nhiên phải được khai thác hợp lý, như thành phố núi, thành phố đồng bằng, thành phố nhiều hồ, thành phố ven biển, ven sông phải được thể hiện thành bản sắc riêng của mỗi đô thị.

Hai, về kiến trúc sư trưởng đô thị tôi đề nghị nên xem lại quy định kiến trúc sư trưởng ở các thành phố trực thuộc trung ương và các thành phố đặc thù, vì vai trò của kiến trúc sư trưởng ở nước ta trong thời gian qua chưa phát huy được hiệu quả do cơ chế thực hiện, vì vậy kiến trúc sư trưởng làm sao tư vấn tham mưu cho chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trong việc tổ chức lập và quy hoạch đô thị, trong điều kiện như giải quyết đầu tư xây dựng là sở kế hoạch đầu tư, giải quyết quy hoạch là sở quy hoạch kiến trúc, giải quyết cho xây dựng bao nhiêu tầng là sở xây dựng, về quản lý đất đai là sở tài nguyên và môi trường, như vậy một mình kiến trúc sư trưởng làm sao làm hết được những việc đó, để thực hiện cho thống nhất trong cả nước, tôi đề nghị ở cấp tỉnh, thành phố nên thành lập Hội đồng kiến trúc sư, kiến trúc quy hoạch và có chủ tịch Hội đồng kiến trúc quy hoạch để làm tham mưu và tư vấn cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc tổ chức lập quy hoạch và thực hiện nhiệm vụ quản lý về công tác quy hoạch đô thị.

Ba, về tổ chức lập quy hoạch đô thị, tôi thống nhất Bộ xây dựng giúp Chính phủ tổ chức lập quy hoạch chung, đô thị đặc biệt. Đồng thời để phù hợp với chủ trương phân cấp quản lý quy hoạch đô thị nên giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh lập quy hoạch các loại đô thị ở địa phương và giao cho Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác quản lý và thực hiện quy hoạch đô thị.

Thứ tư, về góp ý cụ thể:

Một, về giải thích từ ngữ tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh có quy định điều chỉnh tại các khu vực trong đô thị, để dễ thực hiện tôi đề nghị dự án luật cần bổ sung giải thích từ ngữ các khu vực trong đô thị.

Hai, về bố cục của dự án luật tại Điều 6 và Điều 7 của dự án luật đã quy định nguyên tắc yêu cầu chung đối với quy hoạch đô thị. Tuy nhiên ở các chương, mục của dự án luật như nhiệm vụ quy hoạch đô thị tại Mục 3, Chương II, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị Mục 2, Chương V, quản lý và sử dụng đất đô thị theo quy hoạch Mục 3, Chương V lại nêu nguyên tắc và yêu cầu đối với từng nội dung trong hoạt động quy hoạch làm cho bố cục trong dự án luật chưa được chặt chẽ. Vì vậy, tôi đề nghị nên sắp xếp lại theo hướng chỉ quy định các nguyên tắc và yêu cầu chung đối với hoạt động quy hoạch.

Ba, về yêu cầu đối với nhiệm vụ quy hoạch đô thị tại Điều 24 và nội dung nhiệm vụ quy hoạch đô thị được quy định tại Điều 25. Theo quy định của dự thảo thì nhiệm vụ quy hoạch là nội dung yêu cầu đặt ra của cơ quan, tổ chức lập quy hoạch cho đơn vị tư vấn thực hiện nghiên cứu trong quá trình lập đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, đa số các địa phương chưa đủ năng lực lập nhiệm vụ quy hoạch, mà do chính tư vấn lập và có sự tham gia đóng góp của địa phương, thời gian nghiên cứu lập nhiệm vụ khoảng 1/3 thời gian lập quy hoạch. Do đó trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch thường có nhiều nội dung thay đổi so với nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, nên nhiệm vụ quy hoạch không còn có ý nghĩa. Thực tế, trong nội dung nhiệm vụ quy hoạch gồm 2 phần, phần không thể thay đổi gồm các nội dung, lý do và sự cần thiết lập quy hoạch, cơ sở pháp lý, mục tiêu, tính chất, cơ sở số liệu, bản đồ, hồ sơ sản phẩm và dự toán kinh phí. Còn phần thường thay đổi trong quá trình lập quy hoạch gồm các nội dung như: các chỉ tiêu sử dụng đất, hạ tầng, các nguyên tắc và phân khu chức năng, tổ chức không gian, các nội dung này được nghiên cứu kỹ trong quá trình lập quy hoạch. Vì vậy việc quy định phải có nhiệm vụ quy hoạch được duyệt mới tiến hành lập quy hoạch cho tất cả các đồ án quy hoạch theo tôi không cần thiết, tốn nhiều thời gian cho các việc như lập hồ sơ, tổ chức thẩm định, phê duyệt. Từ những lý do vừa nêu tôi đề nghị dự án luật chỉ quy định phải có nhiệm vụ quy hoạch đối với các quy hoạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, văn hóa, lịch sử, kinh tế xã hội của quốc gia.

Bốn, về công bố công khai quy hoạch được quy định tại Điều 54, trách nhiệm công bố công khai quy hoạch được quy định tại Điều 55. Tại Khoản 3 Điều 55 dự thảo luật giao Bộ Xây dựng quy định cụ thể về nội dung, hình thức công bố công khai từng loại đồ án quy hoạch đô thị. Theo tôi quy định như dự thảo luật là quá chung, phải có văn bản hướng dẫn mới thực hiện được. Tôi đề nghị dự thảo luật nên quy định thật cụ thể từng điều riêng việc công bố công khai từng loại quy hoạch đô thị bao gồm thẩm quyền, nội dung, hình thức công bố công khai quy hoạch đối với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để khi luật ban hành là thực hiện được, không cần văn bản hướng dẫn.

Năm, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 58 quy định cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị. Theo tôi việc cắm mốc giới ngoài thực địa để quản lý quy hoạch là cần thiết. Tuy nhiên thực tế có một số quy hoạch thể hiện trên tỷ lệ bản đồ rất lớn, nên khi cắm mốc thực địa sẽ có sai số lớn và không chính xác. Vì vậy tôi đề nghị nên quy định loại quy hoạch nào cần thực hiện cắm mốc để dễ quản lý và không ảnh hưởng tới tâm lý người dân. Hơn nữa dự thảo luật không có kế hoạch về thời gian thực hiện quy hoạch.

Sáu, về giấy phép quy hoạch được quy định tại Điều 72, dự thảo luật quy định giấy phép quy hoạch do các chủ đầu tư làm căn cứ lập quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư xây dựng, tôi đề nghị giấy phép quy hoạch chỉ cấp cho chủ đầu tư khi lập các dự án đầu tư để cơ quan nhà nước căn cứ thẩm định quy hoạch trong nội dung dự án đầu tư, việc cấp giấy phép quy hoạch để lập quy hoạch chi tiết thì không cần vì quy hoạch chi tiết là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt còn dự án đầu tư với nguồn vốn không thuộc ngân sách nhà nước sẽ do chủ đâu tư phê duyệt. Xin hết
Hoàng Văn Toàn  - Vĩnh Phúc 

Thưa Quốc hội.

Hôm nay Quốc hội thảo luận về quy hoạch đô thị đúng vào ngày đô thị Việt Nam, sự trùng lặp có ý nghĩa này nói lên tầm quan trọng và sự quan tâm của Quốc hội đối với vấn đề quy hoạch đô thị. Tôi nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về sự cần thiết ban hành đạo luật này, bởi đô thị nước ta đang phát triển rất nhanh, theo Bộ xây dựng là nhanh nhất thế giới trong thập kỷ vừa qua. Hiện nay cả nước ta có 743 đô thị, 160 khu công nghiệp, 28 khu kinh tế cửa khẩu trong đó có nhiều đô thị mới được xây dựng. Bên cạnh những cố gắng và những thành tựu đạt được trong công tác quy hoạch đô thị còn bộc lộ rất nhiều bất cập, đó là sự thiếu đồng bộ, tầm nhìn ngắn, manh mún, chắp vá, mạnh ai nấy làm, nhiều nội dung quan trọng thì chưa được quan tâm trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt. Công tác quản lý và thực hiện sau quy hoạch còn nhiều yếu kém do chúng ta chưa thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức xây dựng đô thị. Do vậy góp ý về dự án luật tôi xin được tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất về thời gian quy hoạch, theo dự thảo tại Điều 27, 28 thì đô thị trực thuộc Trung ương là 20-25 năm, tầm nhìn 50 năm, đô thị trực thuộc tỉnh là 20-25 năm, theo tôi thời gian nghiên cứu dự báo phải xa hơn, ít nhất phải gấp 2 lần số hiện nay. Đô thị đặc biệt phải có tầm nhìn hàng trăm năm. Nhân đây tôi cũng xin được trao đổi một cụm từ mà ta hay dùng đó là "quy hoạch treo" để phê phán hiện tượng các dự án dành đất bỏ hoang không tiến hành xây dựng. Theo tôi đã là quy hoạch tất có yếu tố treo, quy hoạch đấy nhưng phải 30-50 năm sau mới dùng đến, vấn đề ở đây là kế hoạch cụ thể và lộ trình hàng năm, 5 năm, 10 năm để thực hiện quy hoạch. Xây dựng đến đâu thì chúng ta đền bù, giải phóng mặt bằng đến đó. Hiện tượng như trên chỉ nên dùng từ "dự án treo", bởi nhiều nơi, nhiều địa phương rất sợ từ "quy hoạch treo". Do vậy làm bất cứ điều gì cũng chỉ xác định tầm nhìn 5, 10, 15 năm, như thế rất nhanh chóng bị lạc hậu và như chúng ta được biết giá phải trả rất đắt.

Thứ hai, về phân loại đô thị ở Điều 5. Theo dự án thành phố trực thuộc Trung ương có loại đặc biệt loại 1, loại 2, thành phố trực thuộc tỉnh có 1, 2, 3, thị xã có loại 3, 4 và thị trấn có loại 4, 5. Như vậy cùng là đô thị, ví dụ loại 3 thì có nơi được gọi là thành phố, có nơi vẫn là thị xã, tên rất khác nhau nhưng về chất, tức là trình độ phát triển vẫn giống nhau. Như vậy cũng tạo ra một tâm lý rất khó phân biệt là đô thị loại 3, nhưng có nơi được là thị xã, có nơi là thành phố. Do vậy theo tôi ta cũng nên quy định giãn ra, ví dụ thành phố có đặc biệt loại 1, loại 2, loại 3, thị xã có loại 4, loại 5 và trị trấn thì loại 6 hoặc bé hơn nữa, thị tứ có thể cho là đô thị loại 7, thì chúng ta thấy trong cùng một tên gọi đô thị nó không có đô thị loại trùng giẫm lên nhau, dễ phân biệt và sau này trong các quy chế về đầu tư, chỉ đạo, phân cấp cán bộ, rất nhiều các chính sách để chúng ta dễ thực hiện hơn.

Về đối tượng quy hoạch ở Điều 38, ngoài 7 đối tượng như trong dự thảo thì theo tôi đề nghị nên bổ sung các đối tượng có yếu tố văn hóa vào đối tượng quy hoạch, ở đây bao gồm có mấy nhóm sau:

Một, các công trình văn hóa, các di tích văn hóa. Chúng ta phát triển đô thị, song cũng cần phải giữ gìn, bảo vệ và tôn tạo các công trình này, công nghiệp hóa, đô thị hóa nhưng với các di tích văn hóa, các công trình văn hóa, thì chúng ta vẫn phải có kế hoạch bảo vệ nó.

Thứ hai, cần quan tâm tới các thiết chế văn hóa mới, khi lập đô thị, đặc biệt là những đô thị mới thì chúng ta quan tâm tới công viên, quảng trưởng, công trình văn hóa, trường học, bệnh viện, v.v..., rất nhiều đô thị mới hiện nay chúng ta chưa dành nhiều đầu tư cho đối tượng này. Do vậy chúng ta có một câu chuyện ở khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính là năm học này học sinh học ở đâu, bởi vì khi làm đô thị chúng ta không nghĩ đến chợ, không nghĩ đến bệnh viện, không nghĩ đến trường học, theo tôi nghĩ là yếu tố văn hóa chúng ta phải nên đưa nó vào.

Thứ ba, trong nhóm văn hóa là chúng ta cần quan tâm đến đặc trưng văn hóa, bản sắc văn hóa của mỗi đô thị. Ví dụ ở Huế đặc trưng của nó là thế nào, Đà Lạt, Sa Pa hay Tây Nguyên. Chúng tôi thấy các thị xã, thị tứ hay các đô thị của Việt Nam ta đi từ Bắc vào Nam nó gần giống nhau, chính vì thế chúng ta nên quan tâm đến yếu tố bản sắc văn hóa.

Nên quy định diện tích cây xanh và diện tích cỏ trong đô thị. Tôi được biết thành phố Thâm Quyến trong chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội hàng năm người ta đưa ra chỉ tiêu số cây xanh và số mét vuông cỏ trong mục tiêu phát triển của thành phố. Chúng ta nên quan tâm tới đối tượng này, cỏ, cây xanh và khoảng không đó chính là khoảng thấm trong đô thị bởi vì chúng ta ngập nước mặt nhưng tình trạng cốt nước ngầm của các đô thị hiện nay đang bị giảm xuống bởi vì chúng ta thiếu diện tích thấm cho nước. Chúng ta nên coi yếu tố này là một trong những đối tượng đưa vào quy hoạch.

Các yếu tố liên quan đến quốc phòng, an ninh, cả an ninh quốc gia và an ninh dân sự phải được coi là một trong những nội dung, một trong những đối tượng của công tác quy hoạch.

Về ưu tiên tôi đề nghị chúng ta coi công trình giao thông, công trình cấp nước, thoát nước là những công trình được ưu tiên trong quá trình quy hoạch sau đó mới tới các công trình khác.

Về thẩm quyền phê duyệt, tôi đề nghị Chính phủ phê duyệt tới qui hoạch thành phố và thị xã tỉnh lỵ. Ủy ban nhân dân tỉnh thì phê duyệt các đô thị còn lại. Như thế chúng ta phải nâng cao trách nhiệm lập thẩm định và phê duyệt như vậy thì nó tránh tùy tiện trong việc là điều chỉnh qui hoạch sau này tôi cũng có một ý nữa là cũng nên có một quy định có tính nguyên tắc là mọi đô thị đều phải có qui hoạch và mọi tổ chức cá nhân tham gia xây dựng thì đều phải thực hiện theo qui hoạch. Xin cảm ơn Quốc hội.
Nguyễn Thị Thu Hà  - Gia Lai 

Kính thưa Quốc hội.

Theo nhiều chuyên gia một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập ở đô thị hiện nay xuất phát từ công tác qui hoạch. Đô thị hóa tự phát thiếu qui hoạch sẽ làm nảy sinh và để lại nhiều hậu quả cản trở sự phát triển, qui hoạch đô thị phải được thực hiện đồng bộ và có lộ trình phát triển phù hợp, qui hoạch không chỉ lập thực hiện mà cần phải được quản lý chặt chẽ đồng bộ. Vì vậy, tôi đề nghị tên gọi của luật là Luật qui hoạch và quản lý đô thị.

Thứ hai, phân loại và tiêu chí phân loại đô thị, Điều 5, tính đến nay nước ta có hơn 740 đô thị, mỗi đô thị có quy mô vững chắc, đặc thù khác nhau, vì vậy cần thiết phải được phân loại và làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, lập chính sách đầu tư và phân cấp quản lý Nhà nước. Tuy nhiên quy định về phân loại và tiêu chí phân loại như dự thảo còn có sự bất cập, thiếu tính toàn diện theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững, hài hòa giữa tự nhiên, con người và xã hội. Vì vậy, tôi đề nghị luật cần bổ sung các tiêu chí như trình độ, công nghiệp hóa, tự động hóa, thông tin hóa, mức độ ô nhiễm môi trường, tỷ lệ diện tích đất nhà ở, diện tích đất dành cho giao thông, cho cây xanh trên người, tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch, tỷ lệ người thất nghiệp, người nghèo v.v.... Bởi tôi quan niệm phân loại là thể hiện đẳng cấp về mọi mặt của đô thị và thể hiện rõ phân cấp quản lý Nhà nước, muốn phân loại đúng phải có hệ thống tiêu chí phân loại toàn diện, rõ ràng. Trong thực tế có đô thị loại 1 do tỉnh quản lý nhưng đô thị loại 2 lại do Trung ương quản lý. Vì vậy, luật cần giải thích rõ sự khác biệt về mức độ phân cấp quản lý này và cần làm rõ sự thống nhất trong phân loại.

Ba là về lập quy hoạch Điều 20 và phê duyệt quy hoạch Điều 44, để đảm bảo nguyên tắc quản lý quy hoạch đô thị từ tổng thể đến chi tiết, đồng thời khắc phục tình trạng đô thị ở nước ta hiện nay có rất nhiều đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết song vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự kết nối và tính tổng thể. Tôi đề nghị luật quy định Chính phủ lập quy hoạch đô thị tổng thể quốc gia mang tầm khu vực quốc tế, định hướng phát triển và có tần nhìn đến 50 năm. Trên bức tranh tổng thể đó, phân cấp quản lý Nhà nước một cách đồng bộ, thống nhất, đáp ứng mục tiêu cải cách hành chính. Đồng thời luật cần quy định rõ thời gian thụ lý thẩm định phê duyệt hồ sơ nhằm hạn chế sự ách tắc ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Bốn, về hội đồng kiến trúc quy hoạch Điều 16 và kiến trúc sư trưởng Điều 17. Tôi tán thành với quy định thành lập Hội đồng kiến trúc quy hoạch, tuy nhiên còn băn khoăn vai trò tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh của hội đồng này, bởi Giám đốc Sở kiến trúc quy hoạch, Sở xây dựng cũng thực hiện chức năng tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trên lĩnh vực này. Đề nghị luật quy định rõ hơn theo hướng nhấn mạnh vai trò của Hội đồng kiến trúc quy hoạch mang tính chuyên sâu, có chức năng phản biện tư vấn, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc lựa chọn quyết định phê duyệt đề án xây dựng đô thị.

Tôi không tán thành chức danh kiến trúc sư trưởng bởi luật quy định chức danh kiến trúc sư trưởng là tư vấn tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Tư vấn và tham mưu là hai chức năng khác nhau, không nên quy định kiến trúc sư trưởng vừa tham mưu vừa tư vấn. Quy định như vậy không rõ ràng, lẫn lộn, trùng lặp với chức năng của Hội đồng kiến trúc quy hoạch, Sở kiến trúc quy hoạch, Sở xây dựng, sẽ phức tạp thêm trong quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Luật không quy định rõ Kiến trúc sư trưởng là chức danh cá nhân hay người đứng đầu của một tập thể, chế độ thụ hưởng của chức danh này. Nếu Kiến trúc sư trưởng là người đứng đầu một tập thể thì bộ máy hành chính sẽ cồng kềnh tăng thêm thủ tục, phiền hà. Nếu là cá nhân thì thật khó để tuyển dụng được cá nhân có vai trò nhạc trưởng như luật định. Đặc biệt chức danh này lại được hưởng lương và phụ cấp khác từ ngân sách Nhà nước theo ngạch, bậc công chức. Quy định như vậy sẽ hành chính hóa chức danh của Kiến trúc sư trưởng, chức năng của Kiến trúc sư trưởng mà lẽ ra chức danh này phải hoạt động chuyên sâu và chế độ thụ hưởng phải đặc thù.

Năm, về đối tượng của quy hoạch hạ tầng kiến trúc đô thị Điều 38. Cây xanh nói chung và cây xanh đô thị nói riêng có tác dụng lọc bụi, hạn chế tiếng ồn, hấp thụ nhiệt, hấp thụ một số chất ô nhiễm môi trường, đồng hóa CO2, thải O2, điều hòa khí hậu, vi khí hậu ở đô thị. Theo Tổ chức y tế thế giới hiện nay con người đang ở trong tình trạng thiếu O2 mà không biết, đặc biệt đối với người sống ở đô thị và khu vực công nghiệp lớn. Trên thế giới những đô thị hiện đại đạt tới 20-25m2 cây xanh sử dụng công cộng/người, một số nước còn có công viên rừng ngay trong thành phố. Ở Việt Nam thời gian qua quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, mở rộng cả về không gian và quy mô dân số, diện tích cây xanh phát triển không tỷ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa, hầu hết không đạt chỉ tiêu quy định. Theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam đô thị loại đặc biệt phải đạt mức 12 - 15m2/người; loại 1, loại 2 đạt 10 - 12m2/người. Thực tế Hà Nội đạt 6,5 - 7, Thành phố Hồ Chí Minh 4 và Đà Nẵng 2,3m2/người. Một số chính quyền đô thị đã gấp rút định hướng phát triển diện tích cây xanh đô thị nhưng gặp nhiều khó khăn trong quỹ đất, đặc biệt là việc tăng diện tích cây xanh đường phố. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung cây xanh đô thị vào đối tượng lập quy hoạch hạ tầng kiến trúc.

Về quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch, Khoản 5 Điều 64. Để đảm bảo mỹ quan đô thị và sự an toàn đối với người dân khi thực hiện dự án, đề nghị luật quy định nhà nước chủ động thu hồi những diện tích đất không đáp ứng nhu cầu theo Luật xây dựng để hạn chế tình trạng nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, không quy định theo hướng chờ sự đề nghị của người sử dụng đất. Đồng thời phải quy định chính sách đền bù phù hợp, đặc biệt đối với người dân chỉ có một quyền sử dụng đất đã bị thu hồi, phải tạo điều kiện để người dân bị thu hồi đất được quyền mua đất hoặc nhà ở. Xin cảm ơn Quốc hội.
H' Luộc Ntơr - Đắc Lắk 

Kính thưa Quốc hội,

Theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo đánh giá công tác quy hoạch xây dựng quản lý, phát triển đô thị vừa qua cho ta thấy có những đô thị được tiếp nhận từ chế độ cũ và cũng có nhiều đô thị mới đã và đang được hình thành với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại đã giải quyết những bức xúc của một bộ phận dân cư về nhà ở, trường học, bệnh viện và các khu công nghiệp, các dịch vụ đô thị và các khu vui chơi, giải trí, công viên cây xanh v.v.... Quy hoạch đô thị là cơ sở cho việc quản lý và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, vì quy hoạch đô thị phải theo nguyên tắc cơ cấu sử dụng đất đai đô thị, phân bổ dân cư, bố trí công trình công cộng v.v... liên quan tới phát triển đô thị, phát triển không gian đô thị phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Một đô thị văn minh, hiện đại không chỉ đạt chuẩn về mỹ quan mà còn phải đảm bảo bản sắc văn hóa dân tộc, khi quy hoạch đô thị cũng theo đặc điểm địa lý từng vùng miền như theo mật độ dân cư đồng bằng khác với miền núi, đường giao thông ở đồng bằng gần hơn đường giao thông ở miền núi v.v...

Để khắc phục tình trạng thiếu văn bản quy phạm pháp luật về qui hoạch đô thị, quản lý và phát triển đô thị hiện nay tôi thấy Luật qui hoạch đô thị được đưa thảo luận tại kỳ họp lần này là rất cần thiết và phù hợp với tình hình đất nước ta trong thời gian hội nhập hiện nay.

Về các điều khoản trong luật tôi xin có ý kiến như sau.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của luật ở Điều 1, tôi nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, phạm vi không gian đô thị mở rộng đến đâu thì Luật qui hoạch đô thị điều chỉnh đến đó. Qui hoạch đô thị được lập cho cả nội thành, nội thị và ngoại thành, ngoại thị còn các khu vực như khu kinh tế, khu chế suất, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, thị tứ, khu dân cư nông thôn đã phát triển đến mức được công nhận là đô thị thì sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật qui hoạch đô thị và công tác qui hoạch. Trường hợp có phát triển nhưng chưa đủ tiêu chí được công nhận là khu đô thị, thì thực hiện theo qui hoạch xây dựng của các luật khác có liên quan, như Luật đất đai, Luật xây dựng và Luật đầu tư.

Về phân loại đô thị, ở Điều 5, tôi cũng có phân vân thấy rằng phân 6 loại, đặc biệt, loại 1, 2, 3 và 5 trong dự thảo luật tôi thấy cũng bất hợp lý. Theo tôi nên phân loại đô thị theo tính chất đô thị của vùng, miền phù hợp với đặc thù bản sắc văn hóa của từng vùng, miền đó như đô thị du lịch biển, đô thị du lịch sinh thái, đô thị khu công nghiệp và đối với đô thị ở miền núi thì gắn với tên sông, tên núi, tên địa danh của vùng đó. Tôi nhất trí với Khoản 2 là Chính phủ quy định tiêu chí của từng loại đô thị.

Về hình thức, thời gian lấy ý kiến ở Điều 22, Khoản 2 đơn vị, cơ quan có trách nhiệm lấy ý kiến phải dành khoảng thời gian ít nhất là 30 ngày để tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến. Theo tôi nên tăng thêm thời gian bởi vì trong thực tế để tìm ý kiến đồng thuận trong quy hoạch đô thị không thể nhanh được, tính dân chủ cần được phát huy, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người dân, càng kỹ bao nhiêu càng thuận lợi bấy nhiêu, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Thứ ba, quy hoạch lấy ý kiến đối với đồ án quy hoạch đô thị ở Điều 23, Khoản 2 có viết: "Lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với đề án quy hoạch chung được thực hiện thông qua lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư bằng hình thức phát phiếu, điều tra, phỏng vấn". Nếu chỉ lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư bằng hình thức phát phiếu, điều tra, phỏng vấn như lâu nay đã làm, tôi thấy chưa ổn lắm bởi vì quy hoạch một vùng nó liên quan đến nhiều người dân, mọi quyền lợi sống còn của người dân, muốn giải phóng mặt bằng mà người dân chỉ nhận được phiếu thăm dò hoặc chỉ nhận giấy giải tỏa, trả lại mặt bằng thì người dân nảy sinh nhiều bức xúc, khiếu kiện kéo dài, không chấp nhận bồi thường của Nhà nước khi giải phóng mặt bằng. Cho nên nếu chúng ta mất thêm thời gian để gặp gỡ các hộ dân trong khu giải phóng mặt bằng, thì tôi lại thấy yên tâm hơn.

Khi đọc hết luật này tôi thấy trong luật quy định nhiều tới quyền, còn chế độ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức thì chưa nêu rõ lắm. Giả sử đặt trong trường hợp kiến trúc sư trưởng thiết kế sai gây thiệt hại nhiều tới xã hội thì chịu trách nhiệm như thế nào. Hội đồng tư vấn chỉ có vai trò tư vấn đến một lúc nào đó sẽ tự giải tán thì mọi hậu quả do thiết kế gây ra thì trách nhiệm này có phải thuộc một mình kiến trúc sư trưởng, hay thuộc trách nhiệm của hội đồng tư vấn, đề nghị Ban soạn thảo giải trình thêm. Tôi xin hết ý kiến.


Каталог: content -> tintuc -> Lists -> News -> Attachments
Attachments -> TÒA Án nhân dân tối cao
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> PHÒng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng csgt đƯỜng bộ Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 268.34 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương