VĂn phòng quốc hội trung tâm Tin học


Phạm Huy Hùng - TP Hà Nội



tải về 259.12 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích259.12 Kb.
#20950
1   2   3   4
Phạm Huy Hùng - TP Hà Nội

Kính thưa Quốc hội,

Sau khi đọc dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi tôi xin có một số ý kiến như sau:

Một, về địa vị pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Theo dự thảo luật tổ chức bảo hiểm tiền gửi được ngân hàng nhà nước thành lập. Việc quy định địa vị pháp lý của bảo hiểm tiền gửi như dự thảo luật có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối kết hợp giữa cơ quan bảo hiểm tiền gửi và cơ quan quản lý nhà nước về ngân hàng trong việc chia sẻ thông tin, cập nhật tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Nếu theo dự thảo luật này thì tính độc lập của bảo hiểm tiền gửi rất hạn chế. Nguyên tắc cơ bản của một hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả được Basel đưa ra phải đảm bảo tính độc lập của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi, có bảo đảm được tính độc lập mới có khả năng tối thiểu hóa khi hành vi rủi ro, đạo đức trong hoạt động của bảo hiểm tiền gửi, hạn chế đến mức thấp nhất các can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, các nhóm lợi ích đối với hoạt động của hệ thống này gây méo mó hoạt động quản trị của các ngân hàng, đi ngược lại mục tiêu ổn định của hệ thống tài chính.

Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, rủi ro đạo đức là vấn đề khó tránh khỏi, nên kinh tế đang chuyển đổi cơ chế, vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức tín dụng còn rất hạn chế, một hệ thống bảo hiểm tiền gửi hoàn toàn độc lập cũng chưa phải phù hợp, do đó chúng tôi thấy tạm thời trước mắt trực thuộc ngân hàng nhà nước, cái đó là phù hợp. Nhưng việc quy định ngân hàng nhà nước chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi chúng tôi cho rằng chỉ nên ở giai đoạn đầu, còn về trung hạn để đảm bảo tính độc lập trong bảo hiểm tiền gửi thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi nên dưới hình thức tổ chức cung cấp dịch vụ công với các cơ chế liên quan tới tổ chức bảo hiểm tiền gửi được quy định cụ thể, chi tiết trong Luật bảo hiểm tiền gửi. Hiện nay cũng có ý kiến cho rằng bảo hiểm tiền gửi trực thuộc Chính phủ hoặc ngân hàng nhà nước, chúng tôi cho rằng hoạt động bảo hiểm tiền gửi sẽ không hiệu quả và tổ chức tín dụng đổ vỡ thì thật nguy hiểm và người dân sẽ truy cứu trách nhiệm của Chính phủ và ngân hàng nhà nước trong việc quản lý thị trường cũng như hoạt động của các tổ chức ngân hàng, hiện nay nhiều ngân hàng quản trị rất yếu kém.

Thứ hai, về mục đích và phạm vi của bảo hiểm tiền gửi. Với mục đích của bảo hiểm tiền gửi như quy định tại Điều 3 vẫn chưa được thể hiện rõ bản chất của bảo hiểm tiền gửi vì mục đích của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ người gửi tiền và duy trì tính ổn định của hệ thống tài chính, tạo ra những điều kiện cạnh tranh đồng đều giữa các tổ chức tín dụng. Như vậy việc giới hạn phạm vi bảo hiểm tiền gửi chỉ có tiền gửi Việt Nam đồng chưa phù hợp bởi 2 lý do sau.

Một, tiền gửi ngoại tệ của dân cư là khoản sở hữu hợp pháp của người dân bằng nhiều cách có được như làm việc ở các tổ chức nước ngoài, kiều hối. Một khi các ngân hàng thương mại còn được phép huy động tiền gửi ngoại tệ thì ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm với các khoản tiền gửi của dân cư. Mặt khác từ nay đến năm 2020 Việt Nam vẫn rất cần một lượng ngoại tệ lớn để phát triển kinh tế, vẫn coi trọng nguồn kiều hối đầu tư trực tiếp, gián tiếp, các doanh nghiệp vẫn cần lượng ngoại tệ lớn để thanh toán. Đặc biệt trong hoạt động về cán cân thanh toán thương mại hiện nay khi chưa chuyển được quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán thì vẫn phải tính đến khoản tiền gửi ngoại tệ của dân cư.

Hai, không nên cho rằng nếu bảo hiểm tiền gửi ngoại tệ sẽ tăng thêm tình trạng đôla hóa, hiểu như vậy chúng tôi cho rằng chưa đúng, đôla hóa mạnh nhất chính là ở chỗ thanh toán chi trả trong dân bằng đôla, cho vay bằng đôla của các tổ chức tín dụng. Còn khi dân cư có ngoại tệ, các ngân hàng thương mại huy động vào ngân hàng chính là hành vi hạn chế đôla hóa. Hoặc cho rằng bảo hiểm tiền gửi cho cả tiền gửi bằng đôla sẽ cổ súy cho việc cất trữ đôla, điều này cũng không hẳn bởi một khi sức mua Việt Nam đồng ổn định, uy tín được nâng cao, người dân tin tưởng vào đồng Việt Nam thì lập tức cất giữ bằng các loại ngoại tệ cũng như vàng sẽ giảm. Chúng tôi đề nghị phạm vi bảo hiểm tiền gửi là tất cả tiền gửi của cá nhân, hộ gia đình bao gồm cả tiền Việt Nam đồng và ngoại tệ đều được bảo hiểm.

Ba, về phí bảo hiểm, phí bảo hiểm tiền gửi của ta hiện nay là 0,15%, ở Đức hiện nay mức phí là 0,005%, như vậy phí bảo hiểm tiền gửi của ta hiện nay không phải là thấp. Nội dung như trong dự luật là vẫn duy trì mức phí đồng hạng, điều này là chưa hợp lý. Nhìn vào thực trạng phí bảo hiểm tiền gửi thu đồng hạng trong thời gian vừa qua đã dẫn đến một nghịch lý các ngân hàng nhỏ thanh khoản kém luôn dẫn dắt thị trường. Ở Việt Nam do chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm hiệu quả, quan hệ giữa rủi ro và lãi suất chưa chặt chẽ, các ngân hàng thương mại đặt giá huy động cao không có nghĩa là nhà đầu tư, người dân gửi tiền phải chấp nhận mức rủi ro cao, các ngân hàng thương mại không đáp ứng tốt các yêu cầu về thanh khoản, vẫn luôn được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng Nhà nước với cùng một chế độ như các ngân hàng thương mại hoạt động tốt. Đa số người dân gửi tiền không biết được rằng khi ngân hàng đó phá sản thì mức bồi thường chỉ tối đa là 50 triệu, trong bối cảnh như vậy nếu vẫn áp dụng mức phí đồng hạng thì mục tiêu lành mạnh hóa hệ thống tổ chức tín dụng rất khó đạt được. Với mô hình tối thiểu hóa rủi ro thì mức độ rủi ro của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là một trong những yếu tố quyết định phí bảo hiểm tiền gửi. Cơ chế này cũng là một trong những nhân tố hạn chế rủi ro đạo đức, khuyến khích quản trị của các ngân hàng hiện nay có những hiệu quả lành mạnh. Bên cạnh đó khả năng chịu đựng thêm gánh nặng phí bảo hiểm tiền gửi của các tổ chức tham gia, tiền gửi cũng là một yếu tố quyết định phí bảo hiểm tiền gửi. Vì vậy, chúng tôi cho rằng phí bảo hiểm tiền gửi phải theo mức độ rủi ro, hoạt động của từng tổ chức tín dụng, cơ chế phí bảo hiểm này không chỉ tạo ra sự công bằng mà còn khuyến khích cho các tổ chức tín dụng lành mạnh tham gia vào hệ thống và hạn chế rủi ro đạo đức.

Bốn, về tính minh bạch trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi để đảm bảo hiệu quả của Luật bảo hiểm tiền gửi, ngoài các quy định về kiểm tra, thanh tra thì hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi cần được minh bạch bằng việc thực hiện kiểm toán hoạt động bảo hiểm tiền gửi hàng năm và công bố công khai nguồn thu, chi để các tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi được biết. Do đặc thù của Việt Nam, đến nay chưa có một ngân hàng thương mại nào phá sản vì thế chức năng duy trì tính ổn định của hệ thống tài chính nhằm đối phó với nguy cơ phá sản, mất khả năng thanh toán sẽ hạn chế, nếu có cũng chỉ dừng lại ở một số Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Vì vậy tổ chức bảo hiểm tiền gửi không chỉ là đơn vị thu, chi thuần túy thì việc minh bạch trong hoạt động thu, chi cũng góp phần nâng cao tính độc lập của bảo hiểm tiền gửi.

Năm, về tổ chức quản trị của bảo hiểm tiền gửi, để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động ngay cả khi trực thuộc các cơ quan chủ quản, Luật bảo hiểm tiền gửi nên quy định cụ thể vấn đề tổ chức quản trị nhân sự, chế độ tài chính, lương trong hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Đây cũng là nguyên tắc Basel đưa ra đối với hệ thống bảo hiểm tiền gửi.

Sáu, một số góp ý cụ thể, ngoài một số điều khoản cũng cần cân nhắc để đảm bảo tính chuẩn xác hơn.

Điều 13 cần phải quy định cụ thể hơn về quyền của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Quyền quy định tại Khoản 7 chưa xác định được phạm vi thông tin, chưa đảm bảo được tính trung thực, chính xác của thông tin do tổ chức tham gia bảo hiểm cung cấp. Quyền được quy định tại Khoản 14, 15 chỉ tập trung vào xử lý hậu quả vấn đề. Điều 21 không nên đưa vào mục phí bảo hiểm tiền gửi. Vì bản chất không phải phí bảo hiểm tiền gửi mà là phạt nộp thiếu, nộp chậm phí bảo hiểm tiền gửi. Điều 24 hạn chế trả tiền bảo hiểm tiền gửi nên xem xét cả hạn mức đối với 1 người có tiền gửi ở nhiều tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Điều 24 mới chỉ là 1 người có nhiều khoản tiền gửi tại một tổ chức tham gia bảo hiểm. Nên có chương trình quy định về xử phạt vi phạm Luật bảo hiểm tiền gửi. Vi phạm Luật bảo hiểm tiền gửi không chỉ là nộp phí bảo hiểm tiền gửi chậm, thiếu, mà còn ở khía cạnh khác như từ chối cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai lệch.

Chúng tôi đề nghị Quốc hội đưa vào Luật bảo hiểm tiền gửi cần quy định hàng năm các định chế tài chính, tổ chức tín dụng phải thực hiện kiểm toán, đánh giá tín dụng, chất lượng hiệu quả hoạt động bởi kiểm toán nhà nước hoặc Hiệp hội kiểm toán được cáo bạch xếp hạng tín dụng trên thị trường một cách minh bạch. Xin hết, cảm ơn Quốc hội.


Trương Minh Hoàng - Cà Mau

Kính thưa Quốc hội,

Tôi đồng tình cao về sự cần thiết phải ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi trong điều kiện nền kinh tế hiện nay và xu hướng phát triển trong tương lai. Song tôi tham gia một số vấn đề trong dự án Luật bảo hiểm tiền gửi như sau:

Một, về vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay tín dụng đen gia tăng và thực tế chúng ta đã thấy mấy hôm nay liên tục các sự kiện loại tín dụng đen này phát triển và đổ vỡ rất nhiều, rất nguy hại cho xã hội. Điều đó cũng làm niềm tin của người dân bị giảm sút, vấn đề tái cơ cấu cấu trúc hệ thống ngân hàng đang được quan tâm hơn bao giờ hết. Nhưng nếu theo quy định dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi thì vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi với tư cách là tổ chức duy nhất bảo vệ người gửi tiền còn hạn chế, hạn chế hơn cả so với hiện tại có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân vào hệ thống ngân hàng.

Trong giai đoạn khủng hoảng hoặc đổ vỡ hệ thống, không có tổ chức riêng lẻ nào có thể giải quyết được. Chúng ta cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong mạng an toàn tài chính như ngân hàng Nhà nước, Bộ tài chính hay Ủy ban giám sát tài chính của quốc gia liên quan đến bảo hiểm tiền gửi. Do đó, để đảm bảo tốt cho người gửi tiền duy trì và nâng cao niềm tin của nhân dân vào hệ thống ngân hàng, tôi đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ ràng và cụ thể hơn về chế độ bảo hiểm đối với người gửi tiền, về chức năng, nhiệm vụ và địa vị pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Hai, quyền và trách nhiệm của người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi được quy định ở Chương II, cơ sở pháp lý hiện tại đã giao cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi về chức năng giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ, hỗ trợ tài chính đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, chi trả cho người gửi tiền. Tuy nhiên, dự thảo chỉ nhắc tới chức năng giám sát từ xa của tổ chức bảo hiểm tiền gửi một cách mờ nhạt, không tạo đủ cơ sở thông tin cần thiết để tổ chức bảo hiểm tiền gửi khai thác những chức năng khác không được đưa vào và cũng chưa có giải thích một cách cơ bản.

Ba, quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi và mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi, theo đề xuất trong dự thảo luật bảo hiểm tiền gửi, hiện nay ngân hàng Nhà nước là cơ quan thành lập và quản lý tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Như vậy vai trò quản lý và ý nghĩa của tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ giảm đi. Đồng thời khiến cho Ngân hàng Nhà nước trở thành một cơ quan phải giải quyết nhiều mục tiêu cùng một lúc dẫn tới các mâu thuẫn ích lợi bởi lẽ khi Ngân hàng Nhà nước vừa là cơ quan thực hiện thi hành chính sách tiền tệ, cơ quan cấp phép, cơ quan giám sát và các tổ chức nhận tiền gửi đồng thời lại là cơ quan bảo hiểm quyền lợi cho người gửi tiền. Hệ quả Ngân hàng Nhà nước khó đạt được cùng một lúc nhiều mục tiêu đã đề ra cũng như sẽ có xu hướng trực tiếp sử dụng tiền thuế của người dân trong trường hợp xử lý ngân hàng yếu kém và giải quyết thi hành trong chi trả.

Vấn cuối cùng tôi muốn tham gia. Trước hết tôi cũng đồng tình với đề xuất của bảo hiểm gửi ngoại tệ cũng như gửi vàng như đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo tỉnh Vĩnh Phúc đã đề xuất, cũng như của đại biểu đoàn Hà Nội vừa phát biểu. Song tôi thấy việc gửi ngoại tệ và gửi vàng mà chúng ta quy định cụ thể ra Việt Nam đồng để quản lý nguồn trong dân còn rất nhiều, tôi nghĩ là rất cần thiết. Như thế sẽ tránh được tình trạng thả nổi, trôi nổi thị trường vàng và ngoại tệ như hiện nay. Về vấn đề này tôi rất mong các đại biểu Quốc hội nên ủng hộ quan điểm là chúng ta quy đổi ra Việt Nam đồng về vàng và ngoại tệ để chúng ta đưa vào luật thực hiện theo như điều khiển, chi phối của Luật tiền gửi ở đây. Xin cảm ơn Quốc hội.


Cao Sĩ Kiêm - Thái Bình

Thưa Quốc hội.

Tôi đồng tình với rất nhiều nội dung đã được nêu lên trong dự thảo và Báo cáo thẩm định của Ủy ban kinh tế. Trong dự thảo lần này đã đảm bảo được các chức năng cơ bản của bảo hiểm tiền gửi và có được nội dung bảo vệ lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, cũng như đảm bảo ổn định an toàn hệ thống ngân hàng và từng bước hội nhập được với kinh tế thế giới và những thông lệ thế giới, góp phần giải quyết thắc mắc những tồn tại mà chúng ta đã thực hiện qua 9 năm. Đặc biệt hệ thống tài liệu đã được chuẩn bị khá đầy đủ và chi tiết, kể cả tài liệu tham khảo trong, ngoài nước, tạo điều kiện cho đại biểu nghiên cứu, thảo luận và quyết định. Tôi xin phát biểu một vấn đề lớn đang tồn tại là mô hình tổ chức tiền gửi như ghi trong dự thảo luật. Đây là nội dung có rất nhiều vấn đề và nhiều ý kiến khác nhau, nó liên quan đến rất nhiều nội dung quan trọng của dự thảo mà chúng ta đã đưa ra. Trên thế giới hiện nay có hai loại mô hình bảo hiểm tiền gửi đang được thực hiện thông dụng:

Một, bảo hiểm tiền gửi chi trả đơn giản. Tức là theo mô hình thu phí chi trả mà thường áp dụng cho các nước chậm phát triển.

Còn mô hình bảo hiểm tiền gửi giảm thiểu rủi ro trong đó nội dung chủ yếu là có chủ động giám sát trong hoạt động ngân hàng phòng, chống rủi ro. Mô hình này đang được áp dụng rất phổ biến và đặc biệt những năm gần đây trên thế giới.

Hiện nay mô hình của chúng ta đang thực hiện là bảo hiểm tiền gửi của chúng ta đang tiến dần lên bảo hiểm tiền gửi giảm thiểu rủi ro, hai cái này là quan trọng, chúng ta đã là cơ quan trực thuộc Chính phủ và đã giao cho bộ phận bảo hiểm tiền gửi một số nhiệm vụ giảm thiểu rủi ro, họ đã hoạt động thành công. Trong dự thảo mô hình bảo hiểm tiền gửi hiện nay chúng ta chọn mô hình chi trả mở rộng, tức là giảm thiểu rủi ro và trên chi trả đơn giản một chút, nghĩa là chúng ta hạ thấp so với hiện hành chúng ta đang thực hiện. Chính chọn mô hình này đẻ ra nhiều ý kiến khác nhau và nhiều nội dung chúng ta làm không rõ, cũng thể hiện trên bản góp ý đã được đưa ra trong kỳ họp lần này. Nó thể hiện ở 3 ý: Một là báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế, có một kiến nghị rất quan trọng là giữ nguyên mô hình hiện nay, đây là lập luận tôi cho là có cơ sở, trong nghiên cứu các kỳ đã nghe hết rồi. Trong báo cáo thẩm định của Bộ tư pháp có nêu một kết luận của Hội đồng thẩm định Bộ tư pháp, việc lựa chọn mô hình phải tiếp tục thực hiện mô hình hiện nay và đáp ứng được yêu cầu dự báo trong tương lai, nghĩa là vẫn chấp nhận mô hình này và đề nghị phải cải thiện để tiến tới mô hình giảm thiểu rủi ro để hợp với thông lệ quốc tế một cách tốt hơn.

Ngân hàng thế giới góp ý là dự thảo chưa thể hiện được nguyên tắc cơ bản của Ủy ban giám sát ngân hàng và Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế, chưa làm rõ được phạm vi, quyền hạn của cơ quan bảo hiểm tiền gửi, dự thảo chưa nêu rõ được giảm thiểu rủi ro khi trong dự thảo có phần nêu là đang tiến đến giảm thiểu rủi ro, nhưng thiết kế các điều khoản cụ thể lại trở lại mô hình chi trả đơn giản, đây là vấn đề không rõ ràng. Vì đây là tham gia lần đầu nên chúng tôi xin đề nghị để có cơ sở để chúng ta thảo luận quyết định ở lần sau, đảm bảo tính thống nhất cao kể cả trong giải quyết vấn đề thực tiễn đối với đất nước chúng ta cũng như đảm bảo thông lệ quốc tế và cũng đảm bảo hướng tương lai cho mô hình của chúng ta sống dài hơi hơn và có khả năng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của chúng ta cũng như có khả năng hội nhập quốc tế. Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo nên làm rõ một số vấn đề sau:

Thứ nhất là lý giải những vấn đề về kiến nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu lên trong bản báo cáo, tôi thấy có rất nhiều vấn đề cần phải giải đáp rõ để chúng ta có cơ sở thảo luận và quyết định.

Thứ hai, trong quan điểm thứ ba của dự thảo luật có nêu là nên có tính kế thừa trên cơ sở thực hiện 12 năm qua, tôi tán thành phải tổng kết một cách nghiêm túc, xem cái gì được, cái gì chưa được, cái gì thiếu, cái gì yếu, cái gì chúng ta khắc phục được, cái gì không thể khắc phục được để chúng ta có thể đảm bảo nguyên tắc kế thừa những cái tốt, những cái đã làm được và ngăn chặn, loại bỏ những cái còn khiếm khuyết trong thời gian vừa qua.

Thứ ba, phải nêu rõ phạm vi quyền hạn của cơ quan bảo hiểm tiền gửi so với mô hình hiện nay mà chúng ta đang thực hiện và so với thông lệ quốc tế đang áp dụng, nhiều điểm góp ý của Ngân hàng thế giới rất dài và rất nhiều vấn đề chi tiết, tôi chỉ nói vắt tắt một ý như vậy thôi.

Thứ tư, phải làm rõ nội dung mô hình chi trả mở rộng vì chúng ta chọn mô hình lơ lửng ở giữa, chi trả mở rộng là thế nào, một vấn đề cũng là mở rộng, mười vấn đề cũng là mở rộng mà chúng ta nói một cách đơn giản như thế này thì không có trọng lượng và khi quyết định không có cơ sở. Cho nên làm rõ mô hình chi trả mở rộng ở Việt Nam là thế nào, mức độ ra sao, những điều kiện, nhiệm vụ và nội dung hoạt động ở mức nào để chúng ta có thể thảo luận quyết định đảm bảo chất lượng, nội dung hoạt động của bảo hiểm tiền gửi đúng với yêu cầu của thông lệ quốc tế và đáp ứng được mục tiêu của chúng ta là giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Thứ năm là xác định vai trò và mối quan hệ của cơ quan bảo hiểm tiền gửi với các thành viên khác trong mạng lưới đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống.

Đó là toàn bộ nội dung chính, tôi xin nói thêm một vấn đề là tất cả kiến nghị ở tổ tổng hợp chúng tôi tán thành, nhiều ý kiến rất rõ rồi. Nhưng riêng phí bảo hiểm tiền gửi nên quy định phí theo mức độ rủi ro của các đơn vị để đảm bảo công bằng, đảm bảo trách nhiệm hơn.

Thứ hai, mức trả nên giao cho Chính phủ. Vì kinh nghiệm tôi xử lý cái này qua nhiều đợt thì mức trả này rất quan trọng, nó đảm bảo ổn định nền kinh tế, ổn định tâm lý và dư luận. Mức này phải căn cứ vào tình hình đổ vỡ lúc đó, khả năng kinh tế của chúng ta và sức ép của dư luận, của người dân người ta gửi tiền để chúng ta quy định đến mức nào để đảm bảo an dân và đảm bảo tình hình chúng ta có thể chịu đựng được, có khả năng chúng ta giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Kể cả mức phí nên quy định theo mức độ rủi ro và mức độ trả là dành cho Chính phủ vì Chính phủ có một khả năng giải quyết nhanh hơn, quyết đoán hơn và toàn diện hơn, đảm bảo cho dân yên tâm hơn và khả năng điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài chính thoát hơn. Tôi xin hết, cảm ơn Quốc hội.


Đặng Xuân Huy - Đồng Tháp

Kính thưa Quốc hội,

Để không mất thời gian quý báu của Quốc hội tôi xin đi thẳng vào vấn đề, tham gia 4 ý kiến ngắn gọn về dự Luật bảo hiểm tiền gửi như sau:

Vấn đề thứ nhất, tôi đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là loại hình doanh nghiệp được thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận là rất hay. Nó vừa phù hợp với cơ chế thị trường, vừa linh hoạt theo từng giai đoạn của nền kinh tế với quy mô bảo hiểm và mức độ rủi ro cũng như mức phí bảo hiểm, nhưng tôi thấy cần nghiên cứu thêm. Nếu tổ chức bảo hiểm tiền gửi là loại hình doanh nghiệp mà hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, vận hành bộ máy, chi phí điều hành quản lý, chi phí hoạt động theo loại hình doanh nghiệp không vì mục tiêu lợi nhuận có thể không có lãi, có thể là lỗ, vẫn có những tiềm ẩn rủi ro. Nếu tổ chức bảo hiểm tiền gửi là loại hình doanh nghiệp thì phải hoạt động cũng theo Luật doanh nghiệp. Nếu không lãi, có thể lỗ, mất khả năng chi trả khi rủi ro, mức bảo hiểm cũng như tổ chức tham gia bảo hiểm phá sản thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi cũng có thể thực hiện theo quy định về tuyên bố phá sản thêm một doanh nghiệp, như vậy tổ chức bảo hiểm tiền gửi cũng có thể phá sản, cho nên chưa thực sự an toàn cho người được bảo hiểm tiền gửi. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội xem xét quy định rõ thêm tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là loại hình doanh nghiệp xếp loại đặc biệt được Chính phủ thành lập và hỗ trợ giao cho ngân hàng Nhà nước quản lý.

Thứ hai, trong dự án Luật bảo hiểm tiền gửi, tại Khoản 2, Điều 4 về giải thích từ ngữ, người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Tại Khoản 2, Điều 25 về số tiền bảo hiểm được trả trong trường hợp nhiều cá nhân đồng sở hữu tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tiền gửi của các đồng sở hữu được coi là tiền gửi của một người được bảo hiểm tiền gửi. Tôi thấy giữa 2 điều này chưa thống nhất, nếu đã khẳng định người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân mà hộ gia đình, hợp tác xã hùn vốn, các tổ chức không là đối tượng được bảo hiểm tiền gửi, đã nói là cá nhân làm gì có đồng sở hữu khi gửi tiền tại tổ chức tín dụng như ngân hàng, chỉ có hai loại tài khoản là tài khoản cá nhân và tài khoản tiền gửi của tổ chức. Cho nên không có tài khoản gọi lại tài khoản đồng sở hữu tại tổ chức tín dụng nhận tiền gửi. Do đó, tôi đề nghị cần làm rõ thêm nếu như thu hẹp chủ thể chỉ là cá nhân được bảo hiểm tiền gửi thì nên định nghĩa cho rõ tức là Luật bảo hiểm tiền gửi cá nhân thì sẽ không có mâu thuẫn với các chủ thể khác.

Ý kiến thứ ba là số tiền bảo hiểm được chi trả tối đa là 50 triệu đồng so với tình hình lạm phát hiện nay mà số tiền cá nhân gửi tiết kiệm bây giờ là khá cao. Từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mà khi gặp rủi ro, mất khả năng của các tổ chức tín dụng thì được chi trả tối đa chỉ có 50 triệu đồng thì quá ít, như vậy khoảng 2,5 lần so với thu nhập bình quân đầu người ở nước ta hiện nay, tôi cũng đồng tình với những đại biểu trước đã phát biểu. Cho nên tôi đề nghị nên tăng số tiền chi trả ít phải từ 5 lần trở lên so với thu nhập bình quân đầu người/một năm. Tương đương 150 triệu đồng trở lên thì mới gọi là tương xứng.

Ý kiến cuối cùng là tôi vẫn chưa đồng tình với dự án Luật bảo hiểm tiền gửi là không bảo hiểm tiền gửi là ngoại tệ. Theo ý kiến tiếp thu, chỉnh lý có nói là để chống hiện tượng đôla hóa. Chống đôla hóa thì đâu phải là riêng về kênh nhận tiền gửi tiết kiệm là ngoại tệ. Nguồn kiều hối gửi từ nước ngoài về là kênh hợp pháp nhận tiền gửi. Đôla hóa do nhiều yếu tố khác như thị trường mua bán, thị trường mua bán ngoại tệ ngầm, các giao dịch hàng hóa được thanh toán bằng ngoại tệ đó là những kênh gọi là chống đôla hóa. Còn kênh kiều hối từ nước ngoài gửi vào thì chúng ta xem đây là kênh hợp pháp. Cho nên loại hình tiền gửi tiết kiệm được Ngân hàng Nhà nước cho phép nhận gửi tiết kiệm thì phải bình đẳng như nhau là Việt Nam đồng hay ngoại tệ được bảo hiểm ngang nhau và được chi trả bằng Việt Nam đồng.

Bảo hiểm hiện nay ngoại tệ được gửi tại các ngân hàng như tổ chức tín dụng thì lãi suất thấp hơn là bằng ngoại tệ rất nhiều. Nếu như không được bảo hiểm nữa thì e rằng người dân sẽ rút tiền gửi bằng ngoại tệ ở các ngân hàng. Ngoại tệ, nguồn kiều hối gửi về Việt Nam sẽ hạn chế gửi vào các tổ chức tín dụng này. Do đó tôi đề nghị dự luật và Quốc hội cần cân nhắc những ý kiến trên để khi luật ban hành sẽ sát với thực tế hơn. Xin cảm ơn Quốc hội.


Phan Văn Quý - Nghệ An

Kính thưa Đoàn Chủ tịch.

Kính thưa Quốc hội.

Theo đánh giá của các chuyên gia hoạt động tổ chức tín dụng của nước ta trong những năm qua phát triển quá nhanh cả về số lượng lẫn quy mô. Quản lý, điều hành ở một số đơn vị còn nhiều bất cập nên nảy sinh bất ổn về thanh khoản, nợ xấu cao. Theo ý kiến của một lãnh đạo Ủy ban giám sát tài chính tiền tệ quốc gia, nợ xấu từ năm 2001 đến năm 2005 là 23.000 tỷ đồng. Còn hiện nay nợ xấu khoảng 75.000 tỷ đồng, trong đó nợ khó đòi khoảng 47%, tương đương với khoảng 35.000 tỷ đồng. Vì vậy, để duy trì sự ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng thì việc ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi là rất cần thiết. Sau khi nghiên cứu phần lớn tôi nhất trí với nội dung của dự thảo luật và thẩm định của Ủy ban kinh tế. Tôi xin nhấn mạnh ba nội dung sau đây:

Thứ nhất, loại tiền gửi được bảo hiểm chỉ bảo hiểm tiền gửi bằng đồng Việt Nam, không bảo hiểm tiền gửi bằng đồng ngoại tệ, vàng, kim loại quý. Trên thế giới các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonexia đều chỉ bảo hiểm cho đồng nội tệ. Như vậy, quy định về dự luật là hoàn toàn phù hợp với chính sách quản lý ngoại hối của Nhà nước ta và rất phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, người được bảo hiểm tiền gửi chỉ bảo hiểm cho cá nhân, không nên bảo hiểm cho các tổ chức vì chính sách bảo hiểm tiền gửi là hướng đến việc bảo vệ những người gửi tiền nhỏ lẻ không có điều kiện tiếp cận thông tin.

Thứ ba, hoạt động đầu tư của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi chỉ được sử dụng nguồn vốn tạm thời, nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu ngân hàng Nhà nước và gửi lại ngân hàng Nhà nước để nhằm bù đắp chi phí bảo toàn vốn. Tuy nhiên, tôi cũng xin đóng góp thêm 2 nội dung dưới đây.

Một, phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm, phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi nên giao cho Chính phủ quy định Luật bảo hiểm tiền gửi cần quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí để tính toán.

Ví dụ 1 về tính phí bảo hiểm tiền gửi, hiện nay phí bảo hiểm tiền gửi là 0,15%/năm để khuyến khích các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khi tính phí bảo hiểm tiền gửi, ta có thể xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức tín dụng theo hạng A, B, C, tương ứng với từng mức phí như 0,15%/năm, 0,2%/năm, 0,3%/năm, tính theo tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm, mức phí trên là hợp lý vì ở Phillipin, Hungary là 0,2%, Cộng hòa Séc là 0,5%/năm.

Ví dụ 2 về hạn mức bảo hiểm tiền gửi, hạn mức bảo hiểm tiền gửi hiện nay tối đa là 50 triệu đồng để có thêm phương án cho người gửi tiền lựa chọn và ngân hàng thấp tín nhiệm vẫn thu hút được khách hàng gửi tiền thì nên để các mức 50 triệu đồng, 100 triệu đồng, 150 triệu đồng tương ứng với hạng tín nhiệm như đã nêu ở ví dụ 1. Hình thức này nó cũng phù hợp với thông lệ, bởi vì trên thế giới cũng có quỹ đầu tư mạo hiểm, lãi suất cao thì rủi ro lớn.

Hai, thanh tra bảo hiểm tiền gửi. Thanh tra bảo hiểm tiền gửi nên giao cho Kiểm toán Nhà nước, không phải là Ngân hàng Nhà nước như dự thảo luật đã nêu. Như vậy mới đảm bảo tính khách quan của hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Đoàn Chủ tịch, xin cảm ơn Quốc hội.


Каталог: content -> tintuc -> Lists -> News -> Attachments
Attachments -> TÒA Án nhân dân tối cao
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> PHÒng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng csgt đƯỜng bộ Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 259.12 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương