VĂn phòng quốc hội trung tâm Tin học



tải về 259.12 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích259.12 Kb.
#20950
  1   2   3   4

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

Trung tâm Tin học

QUỐC HỘI KHÓA XIII

KỲ HỌP THỨ 02



BẢN TỔNG HỢP THẢO LUẬN TẠI HỘI TRƯỜNG

(Ghi theo băng ghi âm)

Buổi sáng ngày 11/11/2011

Nội dung:

Thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012; Thảo luận ở hội trường về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chủ trì điều khiển nội dung



Huỳnh Ngọc Sơn - Phó chủ tịch Quốc hội

Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa các vị khách quý,

Theo chương trình làm việc sáng nay ngày 11/11/2011, ngày đặc biệt, Quốc hội làm việc tại Hội trường với 2 nội dung.

Thứ nhất là thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.

Thứ hai là thảo luận về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi.

Được sự phân công của Chủ tịch Quốc hội tôi xin được điều hành nội dung thứ nhất của phiên họp theo chương trình. Trước hết xin mời Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng đoàn thư ký kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về Tờ trình và Nghị quyết chương trình hoạt động giám sát năm 2012; dự thảo Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012 để Quốc hội thông qua.

Kính thưa Quốc hội, đồng chí Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vì kẹt xe cho nên theo chương trình dự bị xin phép Quốc hội tôi sẽ trình bày 2 báo cáo trên.

Đọc Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012; dự thảo Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012 - (Có văn bản).

Sau đây xin Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012 như tôi vừa mới đọc.

Xin phòng máy chuẩn bị.

Kết quả biểu quyết, tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết là 434, bằng 86,80% so với tổng số đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu tán thành là 424, bằng 84,80%.

Số đại biểu không tán thành là 9, bằng 1,80%.

Số đại biểu không biểu quyết là 1, bằng 0,20%.

Như vậy, đại đa số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012. Xin cảm ơn Quốc hội.

Tiếp theo chương trình xin kính mời Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành nội dung thứ hai của chương trình làm việc sáng nay.
Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó chủ tịch Quốc hội

Kính thưa Quốc hội,

Trong phiên họp sáng nay Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở Hội trường về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi. Ngày 3 tháng 11 các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi và rất nhiều ý kiến đã thảo luận sôi nổi về dự án luật này. Đoàn thư ký kỳ họp cũng đã tổng hợp và báo cáo đến các vị đại biểu Quốc hội tất cả những ý kiến thảo luận và trên cơ sở những nội dung được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm trong thảo luận và còn ý kiến khác nhau thì Chính phủ đã có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Đoàn thư ký kỳ họp cũng đã gửi tới các vị đại biểu Quốc hội một số nội dung cần quan tâm thảo luận ở hội trường. Trước khi thảo luận tôi xin nêu lại một số vấn đề để các đại biểu quan tâm.

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng của luật. Tại Điều 18, trong đó có qui định chi bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trừ những cá nhân như qui định tại Điều 19 hay bảo hiểm cho cả các tổ chức, tức là chỉ bảo hiểm cho cá nhân hay là bảo hiểm cho các tổ chức như doanh nghiệp, cơ quan hành chính Nhà nước, các tổ chức xã hội, đây cũng còn ý kiến khác nhau.

Thứ hai, về quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi và mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi qui định tại Điều 8, Điều 9, Điều 29 và Điều 30, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi, là đại diện phần vốn của Nhà nước tại bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Mô hình tổ chức của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nên là doanh nghiệp hay là đơn vị sự nghiệp thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hay độc lập do Thủ tướng Chính phủ thành lập và chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như hiện nay.

Thứ ba, về mô hình hoạt động và chức năng giám sát của tổ chức bảo hiểm tiền gửi qui định tại Điều 13. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoạt động theo mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng chức năng giám sát từ xa của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Thứ tư, về loại tiền gửi được bảo hiểm qui định tại Điều 18, Điều 19 chỉ bảo hiểm tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân hay có nên qui định bảo hiểm tiền gửi bằng ngoại tệ và các loại tiền gửi khác.

Vấn đề thứ năm, phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức bảo hiểm tiền gửi quy định tại Điều 21, 24 áp dụng mức phí cố định hay mức phí trên cơ sở xếp hạng tín nhiệm của tổ chức tham gia bảo hiểm đó là tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng và giao cho Thủ tướng Chính phủ hay do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.

Trên đây là 5 vấn đề đề nghị Quốc hội quan tâm thảo luận.
La Ngọc Thoáng - Cao Bằng

Kính thưa Quốc hội,

Ngày nay bảo hiểm tiền gửi đã trở thành thiết chế không thể thiếu được trong bất kỳ nền kinh tế nào, việc Quốc hội đưa ra bàn thảo để nâng cấp Nghị định về bảo hiểm tiền gửi thành luật trong kỳ họp này là một quyết định hết sức đúng đắn, nhất là trong lúc vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là một phần quan trọng trong chủ trương lớn của Đảng, nhà nước và cơ cấu lại nền kinh tế của đất nước. Tôi xin có một số ý kiến đóng góp như sau:

Thứ nhất, về quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi và mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Đây là hai yếu tố hết sức quan trọng có vai trò quyết định đến hiệu quả hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã có hơn 10 năm kinh nghiệm hoạt động do Thủ tướng quyết định thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn được Nghị quyết của Chính phủ quy định. Mặc dù lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam nhưng pháp luật hiện hành về bảo hiểm tiền gửi của ta đã tiếp thu nhiều nội dung tiến bộ, tương đối phù hợp với hệ thống thông lệ quốc tế như đảm bảo tính độc lập tương đối của bảo hiểm tiền gửi, có chức năng giám sát và kiểm tra chấp hành pháp luật, độ an toàn các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam còn có cả chức năng hỗ trợ tài chính và tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi cần thiết. Khi so sánh với nội dung của dự thảo trình ra Quốc hội lần này nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã nhận xét đây là một bước thụt lùi, ngay cả Hội đồng thẩm định của Bộ tư pháp cũng nhận xét trong báo cáo thẩm định số 148 ngày 06.09.2011 vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong dự thảo luật quá mờ nhạt, bị hạ thấp nhiều so với pháp luật hiện hành, vị thế của bảo hiểm tiền gửi bị thu hẹp làm giảm sút niềm tin của dân chúng vào bảo hiểm tiền gửi. Hội đồng còn đề nghị phải trao cho bảo hiểm tiền gửi những quyền hạn cần thiết để bảo hiểm tiền gửi hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình theo Điều 29, Điều 30 của dự thảo. Bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính do Thống đốc ngân hàng Nhà nước thành lập thuộc cơ cấu tổ chức của ngân hàng Nhà nước, Thống đốc ngân hàng Nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của bảo hiểm tiền gửi, như vậy dự thảo luật đã sáp nhập bảo hiểm tiền gửi vào ngân hàng Nhà nước.

Lý do thứ nhất là việc sáp nhập này là cả ngân hàng Nhà nước và bảo hiểm tiền gửi đều có chung một mục tiêu là bảo vệ lợi ích hợp pháp của người gửi tiền góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng. Lý do này là không thỏa đáng cho dù cả 2 điều là có chung mục tiêu, nhưng ngân hàng Nhà nước thực hiện mục tiêu này bằng chức năng quản lý Nhà nước được thể hiện qua các cơ chế chính sách tiền tệ và ngân hàng. Còn bảo hiểm tiền gửi thực hiện mục tiêu này bằng các công cụ kỹ thuật thuần túy mang tính chất chuyên môn nghiệp vụ cao về bảo hiểm tiền gửi. Hoạt động của bảo hiểm tiền gửi có hiệu quả sẽ là một công cụ đắc lực giúp ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước của mình.

Lý do thứ hai là năng lực hỗ trợ các tổ chức tín dụng đảm bảo tính thanh khoản, cũng như khả năng chi trả của bảo hiểm tiền gửi, hệ thống các tổ chức tín dụng hủy, đổ vỡ thấp. Đúng là năng lực tài chính hiện nay của bảo hiểm tiền gửi còn hạn chế, nhưng trong Tờ trình của Chính phủ chưa phân tích được nguyên nhân tại sao, đó chính là vì ta chưa tạo cơ chế, chính sách cần thiết để bảo hiểm tiền gửi có đủ năng lực tài chính để đủ xử lý các vấn đề phát sinh. Việc ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi lần này là cơ hội để chúng ta khắc phục những vấn đề nêu trên, trong thực tế nếu chỉ dựa vào phần vốn Nhà nước cấp và phí đóng góp của các thành viên thì không bao giờ bảo hiểm tiền gửi có đủ vốn cần thiết khi có sự cố, cũng như lúc xảy ra đổ vỡ cả hệ thống tài chính. Vấn đề này đã được nhiều nước trên thế giới giải quyết rất hiệu quả ngay cả trong tình huống xấu nhất bằng các cơ chế khác nhau như cho phép bảo hiểm tiền gửi tăng nguồn vốn từ đầu tư theo nguyên tắc an toàn thu toàn bộ phí và các tổ chức thời gian bảo hiểm tiền gửi phải nộp từ 3-5 năm. Phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh vay từ Chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế v.v... Như vậy hầu như trong mọi tình huống Nhà nước chỉ tạo cơ chế mà không cần dùng đến ngân sách Nhà nước. Việc đảm bảo tính độc lập tương đối của bảo hiểm tiền gửi không những không mâu thuẫn với chức năng quản lý Nhà nước của ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức này mà còn làm tăng tính minh bạch, khách quan và hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan.

Hai, về mô hình hoạt động của chức năng giám sát của tổ chức tiền gửi trên thế giới. Bảo hiểm tiền gửi đã phát triển qua ba mô hình: mô hình chi trả, mô hình chi trả với quyền mở rộng và mô hình giảm thiểu rủi ro. Cả ba mô hình vẫn được áp dụng nhưng mô hình phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay là mô hình giảm thiểu rủi ro được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng. Đặc điểm của mô hình này là tính độc lập và chủ động tương đối của bảo hiểm tiền gửi. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi có chức năng giám sát và kiểm tra sự an toàn, mức độ rủi ro của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Giám sát rủi ro bảo hiểm tiền gửi khác với thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước ở chỗ đây là hoạt động thường xuyên nhằm theo dõi, đánh giá sự thay đổi của mức độ an toàn, tính thanh khoản trong hoạt động của các tổ chức tín dụng từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời nếu cần thiết nhằm ngăn ngừa sự đổ vỡ của các tổ chức, hệ thống tín dụng và công việc làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức này. Còn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước là hoạt động không thường xuyên nhằm xem xét lại việc tuân thủ pháp luật và chính sách tiền tệ ngân hàng của tổ chức tín dụng bảo hiểm tiền gửi cùng với Ngân hàng Nhà nước, Bộ tài chính, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tạo nên một mạng lưới giám sát đồng bộ, bổ trợ cho nhau khi vấn đề được phát hiện và xử lý kịp thời từ khi trứng nước thì khả năng đổ vỡ dây chuyền sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất. Nếu làm được như vậy thì quỹ bảo hiểm tiền gửi đâu phải lúc nào cũng cần phải nhiều tiền mới được.

Theo Khoản 14 Điều 13 của dự thảo bảo hiểm tiền gửi "được tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi". Đã ở tình huống đặc biệt thì tổ chức tín dụng đã rơi vào tình huống nghiêm trọng, vô phương cứu chữa hoặc cần thiết phải có bài thuốc đặc trị vừa tốn kém, phức tạp, vừa kém hiệu quả

Điều 39 của dự thảo luật giao cho Ngân hàng Nhà nước chức năng thanh tra về bảo hiểm tiền gửi như vậy hầu như chức năng thanh tra, giám sát của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đã không còn nữa hoặc thực chất chúng ta đã chuyển mô hình hoạt động bảo hiểm tiền gửi sang từ mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng về mô hình chi trả đơn thuần.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sau 10 năm thực hiện trong điều kiện cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng không những bảo toàn được vốn cấp cho 1.000 tỷ ban đầu mà còn tăng thêm 9.000 nghìn tỷ. Kết quả đó đáng được trân trọng. Hoạt động của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có vươn lên ngang tầm thế giới hay không phụ thuộc rất nhiều vào công việc của chúng ta làm hiện nay.

Kính thưa Quốc hội, khi quyết định vấn đề quan trọng ngoài việc xem xét vốn liếng kinh nghiệm ta đã có trong tay cũng như nhìn ra bên ngoài xem xét thế giới họ làm thế nào thì chúng ta còn phải đặt vấn đề tầm nhìn chiến lược phát triển tổng thể và đồng bộ của nền kinh tế 5, 10 năm sau. Có như vậy chính sách của ta mới bền vững đem lại hiệu quả thiết thực. Do vậy tôi đề nghị Luật bảo hiểm tiền gửi cần kế thừa, phát huy các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến mục tiêu, địa vị pháp lý, tổ chức, hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Xin cảm ơn Quốc hội.
Nguyễn Văn Bình - TP Hải Phòng

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản nhất trí với dự án Luật bảo hiểm tiền gửi của Chính phủ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Việc ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi là hết sức cần thiết, nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, tạo niềm tin cho người gửi tiền và chính sách minh bạch, bảo vệ công khai quyền lợi của người gửi tiền. Tuy nhiên, tôi cũng có một số ý kiến đóng góp cụ thể vào dự án luật như sau.

Về đối tượng áp dụng của luật, dự án Luật bảo hiểm tiền gửi quy định đối tượng áp dụng bao gồm người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ những cá nhân như quy định tại Điều 19 của dự án luật, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Tôi đề nghị chỉ nên bảo hiểm tiền gửi của cá nhân là những người gửi tiền nhỏ, lẻ và thiếu thông tin về tổ chức tín dụng. Hạn mức trả tiền bảo hiểm trong điều kiện của Việt Nam sẽ không lớn, hiện nay là 50 triệu đồng. Dự thảo luật hiện nay không quy định hạn mức cụ thể trong luật, mà giao Thủ tướng Chính phủ quy định trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng nhà nước trong từng thời kỳ. Không có hạn mức chuẩn mà thường là từ 3-5 lần của GDP tính trên đầu người. Hiện nay GDP trên đầu người của Việt Nam khoảng 1200 đô la, tương đương khoảng 25-26 triệu đồng. Hạn mức bảo hiểm tiền gửi gấp 5 lần GDP cũng chỉ khoảng 150 triệu đồng, nếu mở rộng đối tượng bảo hiểm ra cả doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội thì hạn mức trả tiền bảo hiểm cũng quá thấp so với số tiền gửi.

Thứ hai, quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi và mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tôi bày tỏ nhất trí với dự án luật việc giao cho ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi quy định tại Điều 8 và Điều 9. Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng quy định giao cho ngân hàng Việt Nam thực hiện việc quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cần có vị thế độc lập tương đối nhằm đảm bảo tổ chức bảo hiểm tiền gửi có đủ thẩm quyền và năng lực tài chính để thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi hiệu quả minh bạch và khách quan.

Về mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tôi đề nghị giữ như quy định hiện hành về tổ chức bảo hiểm tiền gửi Nghị định 89 của Chính phủ ngày 1.9.1999 quy định tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có tư cách pháp nhân, có bảng cân đối riêng được mở tài khoản, có con dấu, được Nhà nước cấp vốn điều lệ, được miễn nộp các loại thuế, Thủ tướng quyết định thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi và phê chuẩn điều lệ tổ chức và hoạt động, chế độ tổ chức của bảo hiểm tiền gửi do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ tài chính và ý kiến của ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao cho ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý hoạt động nhằm bảo đảm vị thế độc lập tương đối của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Nếu quy định như tại Điều 29 và Điều 30 của dự thảo luật, tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính do Thống đốc ngân hàng Nhà nước thành lập, thực hiện chế độ chính sách về bảo hiểm tiền gửi hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận thuộc cơ cấu tổ chức của ngân hàng Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức do Thống đốc ngân hàng Nhà nước quy định không nhất thiết xây dựng và ban hành luật, chỉ cần điều chỉnh bằng Nghị định của Chính phủ là phù hợp.

Tôi cho rằng hình thức tổ chức bảo hiểm tiền gửi, mô hình doanh nghiệp công ích được thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận là mô hình phù hợp.

Thứ ba, về mô hình hoạt động và chức năng giám sát của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tôi nhất trí với quy định tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoạt động theo mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng. Hiện nay các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới về cơ bản đều hoạt động theo một trong ba mô hình, mô hình chuyên chi trả, mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng, mô hình giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên dự thảo luật cần làm rõ hơn nữa quyền hạn mở rộng đến đâu, ví dụ tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể tham gia vào quá trình giám sát từ xa trên cơ sở thông tin nhận được từ các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Quá trình kiểm soát đặc biệt, thanh lý, xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tôi đề nghị cân nhắc quy định cho bảo hiểm tiền gửi được thực hiện việc giám sát đặc biệt, thanh lý và xử lý tài sản của các quỹ tín dụng nhân dân.

Thứ tư, về loại tiền được bảo hiểm, Điều 18 của dự thảo luật quy định tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân, không bảo hiểm đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và các loại tiền gửi khác quy định tại Điều 19 của dự thảo luật. Tôi đồng tình với dự thảo luật vì cho rằng quy định như vậy phù hợp chính sách ngoại hối của Việt Nam hướng tới mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam và chống tình trạng đôla hóa.

Trên đây là một số ý kiến tham gia của tôi vào dự thảo luật, trân trọng cảm ơn Quốc hội.
Nguyễn Ngọc Bảo - Vĩnh Phúc

Kính thưa Quốc hội,

Sau 10 năm hoạt động về bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã có những vai trò quan trọng vào hệ thống tài chính của quốc gia. Xu thế phát triển kinh tế toàn cầu hiện tại đang có rất nhiều biến động như hiện nay, bảo hiểm tiền gửi đóng một vai trò rất quan trọng về bảo vệ tốt cho người gửi tiền và duy trì nâng cao niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều các loại tín dụng đen làm niềm tin của người dân bị giảm sút. Vấn đề cấu trúc hệ thống ngân hàng đang được Đảng, Chính phủ của chúng ta rất quan tâm. Việc bảo hiểm tiền gửi cần được qui định rõ về nội dung, về cơ cấu bảo vệ người gửi tiền, chức năng và địa vị pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Tôi xin được tham gia một số ý kiến về Luật bảo hiểm tiền gửi như sau:

Thứ nhất, về tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trực thuộc Chính phủ, không nên trực thuộc ngân hàng vì các lý do sau: Ngân hàng là cơ quan thực thi các chính sách về tiền tệ, cấp giấy phép cũng như trực tiếp quản lý các hệ thống tín dụng và các hoạt động của các hệ thống ngân hàng trong toàn quốc. Trong khi đó chức năng của bảo hiểm tiền gửi là một chức năng bảo vệ về quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm an toàn và lành mạnh hệ thống của ngân hàng, nâng cao niềm tin của người dân, bảo đảm việc giám sát hệ thống tài chính quốc gia.

Hai, bảo hiểm tiền gửi phải có chức năng giám sát để nhằm minh bạch, công khai trách nhiệm cũng như tránh sự bảo lãnh ngầm. Quan trọng hơn nữa là bảo vệ an toàn của tổ chức bảo hiểm, nhằm hạn chế khả năng xảy ra đổ vỡ, bảo đảm sự ổn định và an toàn cho hệ thống ngân hàng, giảm thiểu các nguy cơ về tổn thất vỡ các quỹ tín dụng.

Thứ ba, kiến nghị về loại tiền gửi được bảo hiểm. Tiền gửi bằng vàng, bằng ngoại tệ là hợp pháp và được Nhà nước khuyến khích để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân và thu hút tiền gửi bằng ngoại tệ, vàng. Tình trạng vàng, ngoại tệ hiện nay đang tích lũy trong dân hoặc trôi nổi trên thị trường rất lớn. Nhà nước ta cần có chính sách bảo hiểm đối với loại tiền gửi bằng vàng, bằng ngoại tệ.

Để tránh hiện tượng giao dịch bằng vàng hoặc ngoại tệ, việc tính phí bảo hiểm và chi trả bảo hiểm đối với người gửi tiền bằng vàng, ngoại tệ sẽ được quy đổi ra Việt Nam đồng phù hợp với chính sách của Việt Nam, chúng ta đang hướng tới trên toàn lãnh thổ Việt Nam không sử dụng ngoại tệ và tiến tới chúng ta sử dụng Việt Nam đồng. Cũng ngay như các đại biểu nói là chúng ta sẽ tránh được tình trạng đô la hóa.

Ý kiến cuối cùng của tôi là đề nghị về các đối tượng gửi tiền được bảo hiểm. Hiện tại theo quy định hiện hành thì đối tượng bảo hiểm của chúng ta mới được cá nhân và các tổ chức hợp tác xã. Nhưng theo thông lệ của quốc tế cũng như nhiều nước đã áp dụng thì tôi đề nghị được bổ sung thêm các loại hình được bảo hiểm tiền gửi là các doanh nghiệp, các hiệp hội, các tổ chức nhằm để bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền. Trên đây là một số ý kiến đóng góp của tôi về Luật bảo hiểm tiền gửi. Xin cảm ơn Quốc hội.


Bùi Sỹ Lợi - Thanh Hoá

Kính thưa Quốc hội,

Về cơ bản, tôi thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế, sau khi nghiên cứu dự thảo luật và qua thảo luận ở tổ, tôi xin phát biểu 4 ý kiến như sau:

Thứ nhất, tôi thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng Luật bảo hiểm tiền gửi ra đời sẽ nâng cao được vai trò của chính sách Nhà nước, của bảo hiểm tiền gửi trong đời sống xã hội của chúng ta, nó sẽ tạo dựng được niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng Nhà nước của chúng ta. Tuy nhiên, nếu luật ra đời mà hoạt động bảo hiểm tiền gửi lại chỉ bị bó hẹp thì theo tôi nó chưa cải thiện được yếu tố bảo đảm về an sinh xã hội và nó cũng hạn chế niềm tin của công chúng, thậm chí còn làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với bảo hiểm tiền gửi.

Thứ hai về mô hình tổ chức, tôi đồng tình với phương án nên giữ nguyên quy định hiện hành về tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Theo đó Thủ tướng Chính phủ thành lập bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng Nhà nước quản lý hoạt động với 3 lý do như sau:

Một là trước đây bảo hiểm tiền gửi là do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động độc lập so với ngân hàng Nhà nước.

Hai là nếu quy định bảo hiểm tiền gửi nằm trong ngân hàng Nhà nước thì chúng ta phải có tổng kết, đánh giá để lựa chọn một mô hình phù hợp hơn.

Ba là mô hình về tổ chức này nhằm tăng cường lòng tin của nhân dân đối với chính sách của Nhà nước và hạn chế được rủi ro về đạo đức và bảo đảm nguyên tắc hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước khi chúng ta xử lý tổ chức tín dụng phá sản.

Vấn đề thứ ba, quy định về người được bảo hiểm. Trước đây người được bảo hiểm bao gồm, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh. Dự thảo luật lần này lại thu hẹp đối tượng, chỉ quy định bảo hiểm tiền gửi cho cá nhân. Tôi đề nghị Chính phủ có tổng kết, đánh giá vì sao chúng ta chỉ bảo hiểm tiền gửi cho cá nhân, trong khi những đối tượng này cũng rất cần được bảo vệ để bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện sự công bằng trong chính sách bảo hiểm tiền gửi bởi 3 lý do:

Thứ nhất là chính sách bảo hiểm tiền gửi cũng như bảo hiểm xã hội nó có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều tầng lớp không giàu trong xã hội.

Thứ hai đây là đối tượng dễ bị tổn thương.

Thứ ba là xã hội càng phát triển thì việc bảo vệ người dân cũng phải mở rộng nhiều đối tượng hơn.

Vấn đề cuối cùng, về hạn mức bảo hiểm. Dự thảo luật có thay đổi quy định về hạn mức từ 1 mức cứng 50 triệu sang trao cho Thủ tướng Chính phủ quy định mức trả tiền bảo hiểm. Quy định như vậy sẽ tạo được sự linh hoạt cũng như tính ổn định của luật. Tuy nhiên, dự thảo luật cần quy định rất cụ thể về nguyên tắc, cơ chế để xác định hạn mức phù hợp và cũng cần phải được quy định cụ thể để đảm bảo sự minh bạch và hạn chế rủi ro đạo đức.

Kính thưa Quốc hội, tôi cho rằng an sinh xã hội là một nguyên tắc cơ bản và đảm bảo sự đoàn kết, chia sẻ, tương trợ cộng đồng với các rủi ro trong đời sống. Chủ trương đảm bảo an sinh xã hội cũng đã được Đảng, Nhà nước xác định rõ ràng. Với dự thảo luật này việc chúng ta thu hẹp chính sách cũng như thu hẹp nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực thi chính sách có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền nói riêng và xã hội nói chung. Xin cảm ơn Quốc hội.



Каталог: content -> tintuc -> Lists -> News -> Attachments
Attachments -> TÒA Án nhân dân tối cao
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> PHÒng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng csgt đƯỜng bộ Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 259.12 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương