VỚi các nưỚc và khu vựC


THùC TR¹NG Vµ TRIÓN VäNG QUAN HÖ §èI T¸C CHIÕN L¦îC VIÖT – NGA



tải về 1.8 Mb.
trang4/23
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.8 Mb.
#15173
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23



THùC TR¹NG Vµ TRIÓN VäNG
QUAN HÖ §èI T¸C CHIÕN L¦îC VIÖT – NGA

P



KYÛ YEÁU HOÄI THAÛO QUOÁC TEÁ VIEÄT NAM HOÏC LAÀN THÖÙ BA

TIÓU BAN QUAN HÖ QUèC TÕ CñA VIÖT NAM VíI C¸C N¦íC Vµ KHU VùC






GS.TS Vũ Dương Huân*


Các cường quốc, các trung tâm chính trị - kinh tế lớn luôn có vai trò chi phối trên bàn cờ chính trị thế giới, là tính quy luật của quan hệ quốc tế [1]. Chính vì vậy, một trong các hướng ưu tiên của chính sách đối ngoại Việt Nam thời kỳ đổi mới là “chú trọng thúc đẩy quan hệ với các nước lớn và các trung tâm lớn”[2]. Liên Xô tan rã, Liên bang Nga - thành viên lớn mạnh nhất trong Liên bang Xô viết kế thừa Liên Xô. Quan hệ Việt - Nga là tiếp tục của quan hệ Việt - Xô. Sau những đảo lộn ở Liên Xô, Liên bang Nga, quan hệ giữa hai nước có lúc gần như đình trệ. Quan hệ từng bước được phục hồi. Với việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong chuyến thăm lần đầu tiên của Tổng thống Nga đến Việt Nam đầu năm 2001, quan hệ giữa hai nước bắt đầu một giai đoạn phát triển mới.

Qua tham luận này, xin được trình bày với các quý vị một số vấn đề: nội dung quan hệ đối tác chiến lược Việt – Nga, đặc biệt là thực trạng và triển vọng đối tác chiến lược Việt - Nga trong những năm trước mắt.



1. Quá trình thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga

Tiếp nối quan hệ Việt - Xô, quan hệ Việt - Nga từng bước được khôi phục và phát triển. Tháng 6/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm chính thức Liên bang Nga, ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản quan hệ hữu nghị Việt - Nga thay thế Hiệp ước ký với Liên Xô ngày 3/11/1978. Tháng 3/1997, Chủ tịch Duma quốc gia và tháng 11/1997, Thủ tướng V. Chermodin thăm Việt Nam. Tiếp đó Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Liên bang Nga lần lượt vào tháng 8/1998 và tháng 9/2000.

Quan hệ kinh tế và các mối quan hệ khác có những bước phát triển. Kim ngạch buôn bán hai chiều tăng. Nếu như năm 1992 kim ngạch thương mại giữa hai nước là 204,8 triệu đôla thì năm 1998 đạt 357 triệu, năm 1999 tăng đến 400 triệu, năm 2000 giảm xuống còn 363 triệu đô la.

Về nền tảng pháp lý, trên cơ sở Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản về quan hệ hữu nghị (6/1994), hai bên xác định phương hướng hợp tác cho thế kỷ XXI với nội dung: Hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng; Phối hợp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ, bảo hiểm, trọng tài kinh tế; Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học; Khuyến khích đầu tư; Phát triển quan hệ kỹ thuật quân sự; Mở rộng trao đổi các mối quan hệ nhân văn, văn hoá, giáo dục; Củng cố hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật… (Tuyên bố chung ngày 25/ 8/1998).

Bên cạnh những thành tựu, quan hệ Việt - Nga còn có nhiều hạn chế: Kim ngạch buôn bán hai chiều nhỏ bé, đầu tư chưa chưa nhiều, du lịch chưa phát triển mạnh và quan hệ văn hoá còn nhiều khó khăn …

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống


V. Putin và cũng là lần đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Nga, Liên Xô diễn ra cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 2001, hai bên nhất trí nâng quan hệ lên đối tác chiến lược. Mục tiêu là khẳng định quyết tâm tiếp tục củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị và sự hợp tác nhiều mặt trong thế kỷ XXI, vì lợi ích của hai nước và hoà bình ổn định ở khu vực và trên thế giới [3].

Nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga:



  • Duy trì tiếp xúc thường xuyên ở các cấp, kể cả ở cấp cao nhất nhằm trao đổi ý kiến về các vấn đề quan trọng của quan hệ song phương.

  • Tăng cường quan hệ giữa các cơ quan chính quyền, mở rộng giao lưu giữa các tổ chức chính trị xã hội.

  • Ưu tiên cao phát triển quan hệ kinh tế-thương mại, khoa học, kỹ thuật, đầu tư. Cụ thể là đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng, hoá chất, luyện kim, điện tử, thông tin khoa học, kỹ thuật, văn hoá, giáo dục-đào tạo và những lĩnh vực khác có triển vọng. Thúc đẩy thương mại hai chiều.

  • Tăng cường hợp tác về trang bị quốc phòng.

  • Ủng hộ lẫn nhau, phối hợp, hợp tác về đối ngoại, nhất là tại các diễn đàn của các tổ chức quốc tế và khu vực… [4]

Liên bang Nga là đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Lào, giữa Việt Nam và Trung Quốc lúc đầu, mặc dù không dùng khái niệm đối tác chiến lược, song thực chất Lào và Trung Quốc cũng là đối tác chiến chiến lược của Việt Nam1. Tiếp đó, Việt Nam và Nhật Bản (2006), Việt Nam với Ấn Độ (2007) cũng thoả thuận thiết lập đối tác chiến lược.

2. Một số thành tựu quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga

Từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đến nay, quan hệ giữa hai nước có những bước phát triển mới về mọi mặt.



2.1. Quan hệ chính trị

Sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, việc gặp gỡ cấp cao diễn ra khá thường xuyên nhằm trao đổi ý kiến về những vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương, và những vấn đề quốc tế, khu vực hai bên cùng quan tâm. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã thăm chính thức Liên bang Nga (10/2002), Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An (1/2003), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (5/2004), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (9/2007) và Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang (6/2008). Về phía Liên Bang Nga, thăm Việt Nam có Chủ tịch Chính phủ M.Caxianov (3/2002), Phó Chủ tịch Chính phủ dự họp Uỷ ban liên Chính phủ (2/2004), Chủ tịch Hội đồng liên bang Mironnov (1/2005), Chủ tịch Chính phủ M.Phracov (2/2006), Tổng thống Nga V.Putin thăm chính thức Việt Nam lần thứ 2, nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh APEC 14 tại Hà Nội (11/2006). Ngoài ra, lãnh đạo hai nước còn gặp trao đổi ý kiến tại Hội nghị cấp cao APEC ở Chi lê (11/2004), Hàn Quốc (11/2005)… Việc trao đổi đoàn còn diễn ra ở các cấp khác nhau và giao lưu nhân dân cũng diễn ra khá sôi nổi như Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam (9/2004), Phó Chủ tịch Duma quốc gia Nga A. Kuptsov đã thăm viếng lẫn nhau. Việc trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao đã củng cố thêm sự gần gũi, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường, phát triển quan hệ.

Trên cở sở quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống, tin cậy, xuất phát từ quan điểm gần gũi trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, Việt Nam và Liên bang Nga đã luôn luôn ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức và diễn đàn đa phương. Đại sứ đương nhiệm của Liên bang Nga tại Việt Nam
V. Seraphimov nhận xét: “Quan điểm của Nga và Việt Nam về các vấn đề chính của thế giới hoặc khu vực thường trùng hợp, hoặc rất gần nhau. Hai nước chúng ta phối hợp hành động chặt chẽ trong các tổ chức đa phương gồm Liên hợp quốc cũng như các diễn đàn quốc tế” [5]. Hợp tác, phối hợp tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế và khu vực được tăng cường. Tại Liên hợp quốc và các tổ chức của Liên hợp quốc, hai bên thường xuyên trao đổi ý kiến, giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau. Ví dụ: Nga ủng hộ Việt Nam tham gia Hội đồng Kinh tế-xã hội, còn Việt Nam ủng hộ Liên bang Nga tăng cường quan hệ và nâng cao vị trí, vai trò tại châu Á - Thái Bình Dương thông qua các hoạt động trong khuôn khổ đối thoại Nga - ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ủng hộ Nga tham gia ASEM, cấp cao Đông Á và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới…

Hai nước cũng ký kết thêm nhiều văn kiện hợp tác, bổ sung cơ sở pháp lý cho mối quan hệ giữa hai bên. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Chính phủ M.Phracov, hai bên đã ký hai văn bản hợp tác quan trọng là Nghị định thư về sửa đổi Hiệp định giữa hai Chính phủ về đào tạo đại học cho Việt Nam ký (9/7/2002) và Thoả thuận giữa Bộ Công an Việt Nam và Cơ quan kiểm soát ma tuý Nga về hợp tác đấu tranh chống sản xuất, tàng trữ, vận chuyển ma tuý. Trong chuyến thăm Việt Nam lần 2 của Tổng thống V. Putin 5 văn kiện hợp tác đã được ký kết: Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Nga về việc tiếp tục hợp tác về thăm dò, khai thác dầu khí; Các thoả thuận về hợp tác giữa Công ty Gazprrom và Tổng công ty dầu khí Việt Nam, Về giám sát hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Trung ương đối với hợp tác giữa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Tiết kiệm Nga: Chương trình hợp tác du lịch


2007 - 2008. Trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Việt Nam (9 - 12/9/2007), hai nước đã ký kết 4 thoả thuận hợp tác về dầu khí, giữa hai Bộ Ngoại giao, giữa tỉnh Khánh Hoà và Thành phố Xanh Petecbua. Từ năm 1991 cho đến nay, hai bên đã ký kết hơn 50 văn kiện hợp tác tạo nền tảng pháp lý khá vững chắc cho quan hệ đối tác chiến lược.

2.2. Hợp tác kinh tế

Quan hệ kinh tế có những phát triển nhất định.



Về thương mại: từ năm 2001 đến năm 2004, kim ngạch hai chiều liên tục tăng, song ở mức thấp với khoảng 750 triệu đôla/ năm. Năm 2005 kim ngạch lần đầu tiên vượt mức 1 tỷ đôla, đạt 1,019 tỷ đôla, trong đó Việt Nam xuất 251,8 triệu, nhập 768 triệu. Năm 2006, kim ngạch thương mại giảm, chỉ đạt 849 triệu đôla, trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng, đạt 402 triệu và nhập khẩu còn 447 triệu. Năm 2007 kim ngạch hai chiều là 1,4 tỷ. Năm 2008 theo dự báo cũng chỉ đạt như năm 2007. Về cơ bản chúng ta dần dần cân bằng được cán cân thương mại.

Cơ cấu mặt hàng của Việt Nam có sự thay đổi. Nhóm hàng nông sản gồm rau quả, hạt điều, gạo, cà phê tăng ổn định. Riêng năm 2006, hải sản tăng đến 339%, đạt 113,1% so với năm 2005. Hàng dệt may, giầy dép cũng tăng đều. Về hàng nhập khẩu từ Nga, chủ yếu vẫn là sắt thép, phân bón, xăng dầu, máy móc, thiết bị. Tuy nhiên, từ năm 2006, nhập khẩu có giảm do hàng của Nga vấp phải sự cạnh tranh của các mặt hàng này từ Trung Quốc và các nước lân cận.



Về đầu tư: Đầu tư của Nga vào Việt Nam có xu hướng tăng. Trong giai đoạn 1998 - 2002, Liên bang Nga chỉ chiếm 1,8% trong tổng số 4.215 dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và 3,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài (20 tỷ đô la), đứng thứ 9 trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta. Hiện nay, tính đến cuối năm 2007, tổng số vốn đăng ký của Nga vào Việt Nam là 301 triệu đôla với 50 dự án, trong đó có 22 % dự án với 100% vốn của Nga. Tuy nhiên số vốn thực hiện tăng hơn gấp đôi, đạt khoảng 617,5 triệu đô la (Hai dự án dầu khí tăng vốn lên 10 lần: 500,47 triệu so với vốn đăng ký là 53 triệu), đứng thứ 24/75 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án của Nga tập trung chủ yếu vào dầu khí, năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp. Các địa phương có nhiều dự án của Nga là Vĩnh Phúc (8 dự án với 54 triệu đô la), T.P Hồ Chí Minh (10 dự án với 47 triệu đô la), Quảng Ngãi: 23 triệu đô la, Khánh Hoà: 21 triệu đô la.. Các dự án hoạt động có hiệu quả là: Liên doanh Vietsopetro, đến năm 2005 đã khai thác được 150 triệu tấn dầu thô, 13 tỷ m3 khí, đóng góp 20% cho ngân sách Việt Nam và mỗi năm mang lại cho nước Nga khoảng 500 triệu đô la; Dự án xây dựng nhà máy sửa chữa và bảo hành máy bay lên thẳng; Dự án sản xuất xe ô tô tải, lắp ráp máy kéo… Nga tích cực tham gia nâng cấp và xây dựng thuỷ điện Hoà Bình,Yaly, Sêsan 3, Cần Đơn, nhiệt điện Uông Bí. So với nhiều nước khác, vốn của Nga còn khiêm tốn và dự án bị giải thể khá nhiều, đến 49 % tổng các dự án cấp phép, trong khi tỷ lệ trung bình là 23%. Một ví dụ điển hình là Nga rút khỏi Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Việt Nam hiện có 13 dự án đầu tư vào Nga với tổng giá trị 73 triệu đô la. Dự án của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như thương mại, chế biến thực phẩm, dệt may và sản xuất vật liệu xây dựng.



Về hợp tác du lịch: Việt Nam và Nga ký Hiệp định hợp tác du lịch ngày 19/11/1997. Trong cuộc gặp giữa đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam và phía Nga bên lề Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 4 tại Đà Nẵng (15/10/2006), Việt Nam đề nghị Nga hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp thông tin về hội trợ, triển lãm du lịch tại Nga, mời đại diện các công ty du lịch Nga thăm Việt Nam để tìm hiểu tiềm năng du lịch Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống V. Putin nhân dịp tham dự Hội nghị APEC 14, hai cơ quan du lịch hai nước đã ký Chương trình hành động chung về hợp tác phát triển du lịch như đã đề cập. Do tình hình ngày càng ổn định, đời sống nâng cao nên khách du lịch Nga vào Việt Nam có xu hướng tăng. Năm 2004 có 12.500 lượt, năm 2005 đạt 23.800 lượt, năm 2006 là hơn 30.000 và năm 2007 là 50.000, dự kiến năm 2008 là 55-60.000 lượt. Bình quân khách từ Nga chi tiêu 1.458 đôla, trong đó ngoài tour là 610 đôla, cao hơn 40% mức chi tiêu trung bình.

Về vấn đề nợ: Đến năm 1989, Việt Nam nợ Liên Xô 11,069 tỷ rúp. Hai nước đã ký Hiệp định xử lý nợ (9/ 2000), theo đó Nga giảm cho Việt Nam 85%, chỉ phải trả 1,7 tỷ đôla, trong đó 90% trả bằng hàng hoá và 10% bằng ngoại tệ với lãi xuất 4% thời hạn 23 năm. Nga dành 0,25% của lãi xuất, chuyển thành viện trợ đào tạo cho trong Việt Nam.[6]

2.3. Hợp tác văn hoá, khoa học, giáo dục

Hợp tác về văn hoá: Năm 2000, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác văn hoá. Thực hiện Thoả thuận này, Tuần văn hoá, Ngày văn hoá Nga đã được tổ chức tại Việt Nam và Tuần văn hoá, Ngày văn hoá Việt Nam đã được tổ chức tại Nga. Tháng 5/2001, đã diễn ra những ngày văn hoá Matxcơva tại Hà Nội và tháng 11/2001 là những Ngày văn hoá Nga tại Việt Nam. Tháng 7/2002 đã diễn ra những Ngày văn hoá Hà Nội tại thủ đô Matxcơva; những Ngày văn hoá Việt Nam tại Nga (11/2002). Tháng 12/2005, những Ngày văn hoá Matxcơva tại Hà Nội lần thứ 2 được tổ chức. Đây là những hoạt động có ý nghĩa, tăng cường sự hiểu biết và tình đoàn kết giữa hai dân tộc. Những Ngày Việt Nam tại Nga được tổ chức (15-20/9/2008) nhân 50 năm Hội hữu nghị Nga - Việt.

Tháng 9/2003, Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga tại Hà Nội được khai trương. Trung tâm đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm về quan hệ giữa hai nước, đồng thời giới thiệu về đất nước, con người Liên bang Nga với công chúng Việt Nam. Ngoài ra, để phổ biến, truyền bá tiếng Nga, từ ngày 3 - 9/11/2005, Trung tâm đã tổ chức những Ngày tiếng Nga tại Việt Nam và cuộc gặp gỡ các nhà Nga ngữ học khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 tại Hà Nội. Tháng 9/2006, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã ký Biên bản hợp tác với Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga về tuyên truyền, trao đổi tư liệu về lịch sử, văn hoá giữa Việt Nam và Nga. Tại Đà Nẵng cuối năm 2006, Sở Văn hoá - Thông tin Đà Nẵng, đã phối hợp với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng trung ương Lịch sử đương đại Nga tổ chức Triển lãm “Nước Nga thế kỷ XX - Những trang lịch sử”. Gần đây, Hà Nội còn tổ chức Ngày Hà Nội tại Mátxcơva đầy ấn tượng…



Hợp tác tác đào tạo: Đây là lĩnh vực hợp tác quan trọng, có truyền thống và đã thu được nhiều thành công. Trong hơn 50 năm qua, Liên Xô và Liên bang Nga đã đào tạo cho Việt Nam hơn 70.000 chuyên gia, trong đó có hơn 30.000 trình độ đại học, hơn 3000 tiến sỹ chuyên ngành và hơn 200 tiến sỹ khoa học. Ngoài ra, còn đào tạo cho Việt Nam 98.000 công nhân kỹ thuật. Trong giai đoạn gần đây, hai nước đã nhiều lần ký thoả thuận hợp tác đào tạo. Số lượng học bổng dành cho Việt Nam liên tiếp tăng. Hiện nay, hàng năm Liên bang Nga cấp cho Việt Nam hơn 250 suất đào tạo đại học, sau đại học tại các cơ sở đào tạo ở Nga. Ngoài ra, chúng ta cũng gửi sinh viên đi đào tạo tại Nga bằng kinh phí nhà nước (Chương trình 322) và sinh viên theo diện xử lý nợ. Sau này, do nhiều yếu tố khách quan nảy sinh, sinh viên thuộc diện này cũng đều được chuyển sang diện 322. Đồng thời, sinh viên Việt Nam còn sang Nga học tập theo hợp đồng được thoả thuận giữa các cơ quan của Việt Nam như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Sữa Việt Nam với các cơ sở đào tạo ở Nga và theo đường học tự túc. Số lượng lưu học sinh tại Liên bang Nga liên tục tăng. Hiện có khoảng 5.000 sinh viên đang theo học tại Nga.

Hợp tác khoa học-công nghệ: Đây cũng là lĩnh vực hợp tác truyền thống. Thực hiện Hiệp định hợp tác giữa hai chính phủ về khoa học-công nghệ ký ngày 31/7/1992, hai bên đã triển khai nhiều hoạt động như:

- Chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học của Liên bang Nga, thông qua các dự án. 14 dự án đã thực hiện tốt và hiện đang triển khai hơn hai mươi đề tài và dự án khác.

- Hợp tác khoa học, đào tạo qua đường Viện Hàn lâm. Hai bên đã nghiên cứu và đào tạo chuyên gia cao cấp, đã đào tạo cho Việt Nam hàng chục tiến sỹ chuyên ngành và tiến sỹ khoa học. Ngoài ra còn hợp tác thực hiện các đề tài. Từ năm 2001 đến nay đã thực hiện vài chục đề tài về khoa học xã hội, nhân văn và 49 đề tài về công nghệ và khoa học tự nhiên (2002 - 2005) về công nghệ sinh học,vật liệu comosit cácbon, laser hồng ngoại, kỹ thuật laser trong y tế, điện hạt nhân.

- Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học tại Trung tâm Nhiệt đới Việt- Nga. Trung tâm ra đời ngày 7/3/1987, có trụ sở chính tại Hà Nội và hai chi nhánh tại Nha Trang và Tp. Hồ Chí Minh với 16 phòng thí nghiệm, hai trạm thử khí hậu và sinh thái, thu hút 800 cán bộ khoa học, trong đó có 14 viện sỹ, 250 tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư của Việt Nam và Nga. Hướng nghiên cứu chính của Trung tâm là: độ bền nhiệt đới, nhiệt đới hoá, trang bị kỹ thuật sinh thái nhiệt đới và y sinh nhiệt đới… Đây là điểm sáng trong hợp tác khoa học giữa hai nước.



2.4. Hợp tác an ninh và kỹ thuật quân sự

Đây cũng là những lĩnh vực được hai bên quan tâm. Trong lĩnh vực an ninh, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn, từ cấp bộ trưởng, thứ trưởng và tổng cục. Bộ trưởng Công an Việt Nam Lê Hồng Anh đã thăm Nga (7/2003) và Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về phòng chống ma tuý và chất hướng thần thăm Việt Nam (12/2003). Hai bên đã ký nhiều văn bản hợp tác hợp tác phòng chống ma tuý, phòng chống tội phạm, trao đổi thông tin, nhất là thông tin về khủng bố và cuộc chiến chống khủng bố, về đào tạo..

Việt Nam và Liên Xô vốn là đồng minh chiến lược của nhau. Hầu hết trang thiết bị quân sự của Việt Nam là do Liên Xô trang bị và đông đảo đội ngũ chuyên gia kỹ thuật quân sự đều do Liên Xô đào tạo, nên Nga là đối tác quan trọng bậc nhất của Việt Nam về kỹ thuật quân sự. Việt Nam tiếp tục mua trang thiết bị quân sự của Nga. Đồng thời hai bên cũng hợp tác xây dựng các trạm sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị quân sự tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có các cuộc trao đổi ý kiến giữa lãnh đạo hai Bộ quốc phòng và quan chức cấp cao về vấn đề quốc phòng. Quan điểm hai bên khá gần nhau về các vấn đề quốc tế và khu vực về các vấn đề quốc phòng. Đó là thuận lợi cho hợp tác. Tháng 11/2005, Đoàn tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Liên bang Nga cập bến cảng Đà Nẵng, thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, góp phần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này giữa hai nước. Mặt khác, từ năm 2004, Nga còn khôi phục việc cung cấp học bổng đào tạo quốc phòng cho Việt Nam.

2.5. Hợp tác địa phương

Trong những năm gần đây, quan hệ giữa các tỉnh thành của Việt Nam và các địa phương của Nga được đẩy mạnh. Việc trao đổi đoàn giữa các địa phương của hai bên để tìm hiểu cơ hội làm ăn đã trở nên thường xuyên. Các đoàn địa phương Nga thăm Việt Nam có: Matxcơva, Saint-Peterburg, vùng Primôri, các nước Cộng hoà Baskortostan, Tartastan, các tỉnh và các thành phố Kháccôp, Voronhegiơ, Ekaterinburg… Nhiều địa phương của Việt Nam như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, tỉnh Quảng Nam… đã cử đoàn thăm các địa phương của Liên bang Nga. Tuy nhiên, kết quả chủ yếu mới dừng ở việc ký kết văn bản hợp tác khung, chưa có ký kết làm ăn cụ thể.



2.6. Nhân tố cộng đồng người Việt Nam trong quan hệ giữa hai nước

Khi nói về quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga không thể không đề cập về cộng đồng người Việt Nam ở Nga. Cả hai bên đều thừa nhận cộng đồng người Việt ở Nga là nhân tố quan trọng trong quan hệ giữa hai nước [7]. Hiện nay có khoảng 80 nghìn người Việt làm ăn, sinh sống tại khoảng 30 thành phố khác nhau của Liên bang Nga, đông nhất là ở Matxcơva. Họ chủ yếu làm thương mại, có đóng góp nhất định cho phát triển kinh tế-xã hội ở Nga và quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là quan hệ kinh tế-thương mại, du lịch… Hiện có khoảng 300 công ty và các cơ sở kinh doanh của người Việt với tổng số vốn khoảng 300 triệu đô la. Có một số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và có đầu tư về trong nước. Tuy nhiên, đa số người Việt không có giấy tờ hợp lệ theo quy định của Nga. Tình trạng của họ khá bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào chính sách của chính quyền sở tại. Từ đầu năm 2007, việc Chính phủ Nga thực hiện chính sách không cho phép người nước ngoài bán lẻ tại các chợ tác động bất lợi đối người nước ngoài, trong đó có người Việt.

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung, trong đó có người Việt ở Nga. Trong các buổi tiếp xúc các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần đề cập vấn đề cộng đồng. Tuy nhiên cho đến nay, Nga vẫn chưa có chính sách cải thiện tình hình một cách cơ bản để người Việt có được cơ sở pháp lý ổn định sinh sống, làm ăn trên đất Nga.

3. Khó khăn và hạn chế trong hợp tác chiến lược Việt - Nga

Bên cạnh thành tựu như đã trình bày ở trên, trong quan hệ giữa hai nước vẫn còn không ít vấn đề. Quan hệ kinh tế chưa xứng với tiềm năng, sức mạnh, cũng như truyền thống quan hệ hữu nghị, hợp tác [8]. Kim ngạch buôn bán hai chiều nhỏ bé: xuất khẩu của Việt Nam sang Nga mới chiếm 0,3% tổng kim ngạch ngoại thương của Nga, còn xuất khẩu của Nga sang Việt Nam mới chiếm 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Đầu tư của Nga sang Việt Nam còn khiêm tốn, nhiều dự án bị giải thể. Nga thiếu kinh nghiệm lobby. Hợp tác văn hoá còn nhiều hạn chế. Do khó khăn tài chính nên việc trao đổi các đoàn nghệ thuật theo đường nhà nước còn chưa thực hiện được. Nga là thị trường du lịch lớn, song khách du lịch sang Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, thua xa Thái Lan. Năm 2006 có hơn 30.000 lượt khách du lịch Nga đến Việt Nam, trong khi đó đến Thái Lan là 100.000 lượt. Thậm chí buôn bán hai chiều giữa Thái và Nga là 1,8 tỷ, còn Nga và Việt Nam có hơn 800 triệu đô la [9].

Tóm lại, mặc dù hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, song sự phát triển quan hệ Việt - Nga chưa tương xứng với tinh thần “đối tác chiến lược”.

Nguyên nhân: nguyên nhân có nhiều, có nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan. Thứ nhất, là do nhận thức. Mặc dù là đối tác chiến lược, song cả hai bên chưa thực sự coi nhau là ưu tiên trong chiến lược đối ngoại của mình, vẫn chỉ dành cho nhau ưu tiên thấp. Đây là nguyên nhân chủ yếu. Thứ hai, hai nước chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa có một chiến lược phát triển quan hệ cho một giai đoạn dài, ví dụ 5 - 10 năm; chưa có chương trình, kế hoạch cụ thể để phát triển quan hệ. Vừa rồi tháng 3/2007, Nga mới chuyển cho Việt Nam “Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga”. Thứ ba, cơ chế hợp tác đã có bước chuyển nhất định sang nguyên tắc kinh tế thị trường, song chưa hoàn chỉnh, còn nhiều bất cập, chưa phát huy tác dụng. Ví dụ cơ chế hàng đổi hàng khó thúc đẩy trao đổi thương mại. Thứ tư, thời gian dài các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự coi trọng thị trường Nga vì sợ rủi ro, luật pháp chưa rõ ràng, môi trường kinh doanh chưa tốt, tình trạng mafia, kinh tế ngầm…Mặt khác hàng hoá của Việt Nam chất lượng chưa cao, chưa có thương hiệu, chưa phong phú và bị cạnh tranh bởi hàng của Trung Quốc và các nước khác… Thứ năm, Nga cũng chưa coi trọng thích đáng hợp tác với Việt Nam, chậm chuyển đổi cơ chế, lãi suất cho vay tín dụng cao, hạn chế về công nghệ cao, thiếu nhạy bén, thiếu linh hoạt trong làm ăn và thiếu kỹ năng lobby. Đồng thời Nga còn có một số chính sách tăng cường bảo hộ mậu dịch gây cản trở cho hàng xuất khẩu của Việt Nam như hạn chế nhập khẩu gạo, tăng hàng rào kiểm tra an toàn thực phẩm hàng thuỷ sản, cấm người nước ngoài bán lẻ tại các chợ ảnh hưởng đến mạng lưới tiêu thụ tác động tiêu cực đến xuất nhập khẩu hàng từ Việt Nam. Thứ sáu, cả hai bên, trong đó có các Bộ, ngành và doanh nghiệp đều chưa thật sự năng động, khắc phục khó khăn, tìm cách làm ăn mới. Hoạt động của Uỷ ban liên Chính phủ cũng chưa thật sự hiệu quả.

4. Triển vọng

Trong khoảng 5 - 7 năm tới quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga sẽ phát triển theo các hướng sau:



Kịch bản 1: Quan hệ hai nước ổn định, có phát triển trên nhiều phương diện, nhất là về kinh tế, khó có phát triển đột phá. Tuy có không ít khó khăn, song quan hệ đối tác chiến lược cũng có nhiều yếu tố cơ bản thuận lợi. Thứ nhất, mặc dù có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, song các xu thế lớn trên thế giới vẫn là các xu thế chủ đạo, chi phối sự phát triển thuận của tình hình thế giới. Thứ hai, đổi mới ở Việt Nam tiếp tục thu được những thành tựu, vị thế của Việt Nam trên thế giới và khu vực tiếp tục được nâng cao; tình hình Liên bang Nga tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, kinh tế tăng trưởng, vị thế nước lớn của Nga được tăng cường. Chính vì vậy Việt Nam và Nga càng cần nhau hơn. Thứ ba, thành tựu quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua đã tạo điều kiện tốt cho phát triển quan hệ. Thứ tư, cố gắng của cả hai nước…

Kịch bản 2: Quan hệ hai nước xấu đi, không phát triển được do những biến động nảy sinh ở nước này hay nước kia, hoặc do biến động xấu của tình hình thế giới, khu vực. Khó có khả năng xảy ra kịch bản này.

Kịch bản 3: Quan hệ đối tác chiến lược phát triển mạnh, có bước đột phá. Kịch bản này không loại trừ, song phải có cố gắng rất lớn của cả hai phía. Tình hình đang diễn ra theo kịch bản 1. Với kết quả rất tích cực từ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Việt Nam vào tháng 9/2007, với nỗ lực của cả hai bên, rất có thể quan hệ sẽ diễn ra theo kịch bản này.

Để tình hình có thể diễn ra theo kịch bản trên, theo tôi cần triển khai các giải pháp sau:



  • Hai nước cần đổi mới nhận thức, dành ưu tiên cao cho quan hệ theo tinh thần “đối tác chiến lược”;

  • Sớm có các chương trình ngắn hạn, trung hạn và cả dài hạn với các biện pháp cụ thể phát triển quan hệ trên các lĩnh vực hợp tác có tiềm năng;

  • Xử lý các khúc mắc thúc đẩy quan hệ như cơ chế, chính sách…;

  • Tìm giải pháp hợp lý tạo điều kiện hợp pháp cho cộng đồng người Việt ổn định làm ăn, sinh sống trên đất Nga;

  • Đổi mới hoạt động của Uỷ ban liên Chính phủ…

Tiếp nối quan hệ Việt - Xô, sau những thăng trầm, quan hệ Việt - Nga đã có bước phát triển mới về chất với việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Gần 8 năm đã trôi qua, quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga đã và đang thu được những thành tựu đáng kể trong các lĩnh vực. Bên cạnh thành công cũng có không ít khó khăn, hạn chế. Muốn đẩy mạnh đối tác chiến lược cần có nỗ lực và nhiều biện pháp hữu hiệu của cả hai phía.


tải về 1.8 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương