Trần TrúcLâm những hộ pháp vưƠng của phật giáo trong lịch sử ẤN ĐỘ



tải về 1.49 Mb.
trang4/17
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.49 Mb.
#35349
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17

Hộ Pháp Vương của Phật Giáo


Vị trí của Hoàng đế Asoka trong Phật giáo thật là vinh hiễn, có thể nói là được tôn sùng lên hàng Hộ Pháp Vương. Những công đức của ông thường được giới Phật tử ca tụng là lòng sùng bái và hổ trợï Phật giáo của ông. Asoka cho xây cất nhiều tháp thờ xá lợi Phật (stùpa), nhiều tịnh xá (vihàra). Kinh sách còn ghi là 84 ngàn vihàras ở 84 ngàn thị trấn, và ngôi lớn nhất Asokàràma ở ngay kinh đô để vua thường đến cúng bái.

Ông đã chu cấp thực phẩm cho hàng trăm ngàn tăng ni, vì thế thời bấy giờ đã có nhiều kẽ xấu lợi dụng khoác áo nhà tu gia nhập tăng chúng để được sống an nhàn. Điều này đã đưa đến tình trạng suy đồi trong việc tu tập Phật pháp. Theo hai bộ Mahavamsa và Samantapàsàdikà thì khi biết ra tệ nạn, Asoka liền ra lệnh cho thanh lọc hàng ngũ tăng già và đã loại bõ đến 60 ngàn kẽ ngụy danh và ăn bám, trước kỳ Đại hội kiết tập kinh điển (sangìti) lần thứ 3 tại kinh đô Pâtaliputrâ dưới sự chủ trì của cao tăng Moggaliputtatisa (Mục-kiền-liên Tử-đế-tu hay nói gọn Mục-liên-đế-tu) và do nhà vua bảo trợ.

Theo văn học PG thì kể từ sau đại hội kết tập lần thứ hai hơn 116 năm sau khi đức Phật nhập Niết bàn, trong giới tăng già đã manh nha sự phân phái thành hai trường là Trưởng lão bộ (s: sthavira) và Ðại chúng bộ (s: mahāsāṅghika), tùy theo lối giải dịch giáo pháp và giáo luật của đức Phật.

Như một giòng sông lớn khởi đi từ nguồn sẽ phải phân nhánh theo thời gian và những địa hình khác nhau; đạo Phật cũng thế, đã có những sự phân phái từ lần kết tập thứ hai. Sự phân phái của Phật giáo là một điều kiện phải có để trường tồn. Nó phải đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa để thích nghi với thời thế, và bản địa hóa để dung hòa với truyền thống văn hóa, tập tục và tín ngưỡng địa phương trên đường phát triễn. Vào thời vua Asoka thì trình độ dân trí và mức sống kinh tế đã tương đối tăng trưởng.

---o0o---

Lược kê các kỳ kết tập kinh điển quan trọng


Muốn hiểu rõ thêm những tác động đã đưa đến sự phân phái trong PG, xin được lược kê những kỳ kết tập kinh điển quan trọng trong Phật sử. Mỗi phái đều có sự bất đồng về các đại hội kết tập từ lần thứ ba trở về sau: Theo Thượng tọa bộ thì đã có 4 lần kế tập kinh điển chính thức và thêm 2 lần khác ở Miến Điện. Theo Đại chúng bộ thì chỉ có tổng cộng 4 lần kết tập chính mà thôi.

Kết tập lần thứ nhất: được tổ chức trong bảy tháng tại thạch động Sattapanna trên núi Vebhàra ở thành Ràjagaha (Vương Xá nay là Rajgir) khoảng năm 478 TTL, ba tháng sau khi Ðức Phật nhập niết bàn (Buddha's Parinibbana), gồm 500 tỷ-kheo do ngài Mahakassapa (Đại Ca-Diếp) triệu tập, với sự trợ giúp của vua Ajatasatru (s.) hay Ajaratthu (p.) (A Xà Thế) xứ Magadha (Ma Kiệt Đà). Ananda truyền tụng lại những lời Phật dạy, về sau được ghi lại thành năm bộ Nikàya; Upali (Ưu-bà-li) tụng lại bộ Luật tạng (s, p: Vinaya-piṭaka) về sau được ghi lại thành năm bộ Àdikamma, Pàcittiya, Mahàvagga, Cullavagga, Parivàra.

Kết tập lần thứ hai: được tổ chức trong tám tháng trong chùa Vàlukàràma tại Vesali (thành Vệ-Xá-lị) 116 năm sau khi Phật nhập niết bàn, hay 362 TTL, gồm 700 vị tỷ-kheo do cao tăng Revata chủ trì và vua Kàkàsoka bảo trợ, được gọi là Sattasati. Lí do kết tập là vì nhóm Tỳ khưu Vajjputtakas ở thành Vesàli không duy trì 10 điều giới luật và sống rất phóng túng, nên bị một đệ tử của Ananda là Yassakàkandaputta (Da-xá) phê phán và đưa đến đại hội để chấn chỉnh giáo luật. Có 8 cao tăng trong ban chấp sự là Revata, Sambhuta-Sanavasi, Yasa, Sumana, Sabbakami, Salha, Khujjasobhita, và Vasabhagamika, Việc này đã manh nha đưa đến sự phân phái giữa Trưởng lão bộ (s: Sthavira, khi du nhập Tích Lan thì thành Thượng tọa bộ - Theravada) và Ðại chúng bộ (s: Mahāsāṅghikas, hay còn ghi là Mahasangitikas) về sau như đã trình bày.

Theo bộ Dipavamsa (Đảo sử - 76, 82) ở Tích Lan được phái Thượng tọa bộ ghi lại về sau thì sau khi bị khiển trách nhóm Vajjiputtakas liền tách ra tổ chức một đại hội khác gọi là Mahāsangiti (Đại Tụng) nhưng không gồm 6 tập của Abhidhamma; Patisambhida; Niddesa; một phần của Jatakas; và vài câu kệ đã được Trưởng lão bộ phê chuẩn.

Kết tập lần thứ ba: đã được tổ chức trong 9 tháng tại ngôi chùa Asokàràma tại Pàtaliputra vào khoảng năm 242 trước TTL, hay 236 năm sau Niết Bàn, gồm 1.000 tỷ-kheo ưu tú được chọn lọc kỷ lưỡng, chủ trì bởi cao tăng Moggaliputta Tissa, dưới sự bảo trợ của vua Asoka. Lí do là để chấn chỉnh lại giáo pháp và giáo luật, đồng thời thanh lọc lại hàng ngũ tăng già, vốn bị phồn tạp bởi sự chu cấp dồi dào của vua Asoka.

Trước kỳ đại hội gần đến ngày rằm, theo truyền thống có lễ Uposatha, tăng già qui tụ để trì tụng Giới bổn tỷ-kheo (Pātimokkhā), nhưng một số trưởng lão từ chối họp chung với đám giả danh nên triều đình mạnh tay can thệp của làm thiệt mạng một số tăng sĩ; vì thế vua Asoka vội mời cao tăng Moggaliputta Tissa từ chỗ ẩn tu xuống núi chủ trì đại hội. Khi kết thúc, Moggalliputta-Tissa tổng kết nên bộ Kathāvatthu (Luận Sự) vốn là những lập luận chính thống để bài bác các tà kiến, được đưa vào Luận Tạng (hay A-tì-đạt-ma tạng) còn truyền đến ngày nay. Moggalliputta-Tissa cũng còn được xem như là vị sáng lập ra Phân biệt bộ (s. vibhajyavādin). Phái này được Mahindà truyền qua Tích Lan không lâu sau đó.

---o0o---

Các đoàn truyền giáo của PG chủ xướng bởi Asoka


Sau đại hội, với sự đề nghị của Moggaliputta Tissa, vua Asoka đã cho thành lập nhiều đoàn truyền giáo (Dharmaduta) gởi đi khắp nơi ra ngoài biên cương của đế quốc Maurya, nhờ thế mà PG được lan truyền rộng khắp. Nhưng cũng vì PG phát triển trên nhiều địa bàn khác nhau và không có một bộ phận chỉ đạo tập quyền nên việc phân phái là điều không thể tránh khỏi từ đấy (Frauwallner, 1956).

Đoàn thứ nhất do các tỷ-kheo Mahinda, Sanghamitta, Ittiya, Uttiya, Sambala, Bhaddasàla và về sau có tỷ-kheo-ni Sumana hướng dẫn đi truyền giáo ở đảo Tích Lan (Lankà, Lankàdìpa); và chính đòan này đã thiết lập nên phái Theravada (Thượng tọa bộ). Mahinda là hoàng tử và Sanghamitta là công chúa, và về sau cả đứa cháu Sumana cũng tham gia vào đoàn truyền giáo vào năm thứ sáu dưới triều vua Asoka. Đoàn thứ hai do Majjhantika hướng dẫn đi truyền giáo ở xứ Kashmir và Gandhara, về sau thành phái Nhất thiết hữu bộ (Sarvastivādins). Đoàn thứ ba do Mahàdeva (có lẽ là một vị tỷ-kheo trùng tên với vị đã đưa ra 5 thuyết đã dề cập) hướng dẫn đi truyền giáo ở xứ Mahinsakamandala ngày nay gọi là Mysore, về sau thành phái Mahisasakas. Đoàn thứ tư do Rakkhita hướng dẫn truyền giáo qua xứ Vanavàsi ở phía nam Ấn. Đoàn thứ năm do Yonaka Dhammarakkhita, có gốc Hi-lạp hướng dẫn đi đến xứ Aparantaka, nay là bắc Gujarat, Kathiwara, Kutch và Sindh); về sau thành phái Dharmaguptaka. Đoàn thứ sáu do Mahàrakkhita hướng dẫn đi xứ Yonaka-loka tức vùng tây bắc lục địa Ấn bao gồm xứ Baktria, Trung Á và miền bắc Iran (Ionian). Đoàn thứ bảy do chư vị Majjhima, Kassapagotta, Mùlakadeva, Durabhissara và Deva Sahadeva hướng dẫn truyền bá ở khu vực Himavant (Tuyết Sơn) cạnh núi Himàlaya; về sau thành phái Haimavata, gồm phái Kasyapiyas. Những xá-lợi của quí vị này đã được tìm thấy ở Vedisa (Willis, 2001). Đoàn thứ tám do hai đại tỷ kheo Sona và Uttara hướng dẫn đi hoằng pháp ở xứ Suvannabhùmi, nay là Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, và có thể đã đến xứ Phù Nam (Funan), ở châu thổ sông Cữu Long Việt Nam ngày nay.

Trong khi những đoàn truyền giáo qua hướng tây, thuộc đế quốc Hy lạp mãi đến vùng biển Địa Trung Hải (Mediteranean) từ Syria đến Macedonia, như đã ghi trong pháp dụ số XIII không mấy thành công thì những tăng đoàn hoằng hoá do hoàng tử Mahinda và công chúa Sanghamitta hướng dẫn xuống phía nam lại thành công rực rỡ. Ngay từ buổi đầu cho đến nay Phật giáo đã trở thành quốc giáo ở Tích Lan.

---o0o---


Một đại hội khác của Đại chúng bộ tại Pàtaliputra


Ngoài đại hội vừa kể, còn có một đại hội khác của Đại chúng bộ đã diễn ra tại Pàtaliputra trước triều đại Maurya, khoảng năm 350 TTL, tức hơn một thế kỷ trước kỳ kết tập thứ 3 kể trên. Đại hội này dĩ nhiên không được phái Trưởng lão bộ ghi nhận nên không được chính thức ghi trong Luật tạng.

Lí do đại hội cũng đã không được chép lại rõ ràng, cho nên những sự kịện biết được cho đến nay chỉ như là huyền sử. Một tỷ-kheo tại Pāṭaliputra tên là Ðại Thiên (Mahādeva), có vẻ là thủ lãnh của Đại chúng bộ (Mahasamghikas) bấy giờ nêu lên năm nghi thuyết về cảnh giới của Arhat (A-la-hán): 1. Dư sở dụ: A-la-hán vì còn nhục thân nên có thể bị tham ái chi phối; có nơi còn nói rõ là bị mộng tinh (CBETA – Chinese Buddhist Electronic Text Association – T49, no. 2032, p. 18, a11-13 ghi là ‘nocturnal emission’ đúng hơn phải là ‘nocturnal ejaculation’) 2. Vô tri: A-la-hán chưa hoàn toàn thoát khỏi Vô minh; 3. Do dự: A-la-hán chưa hết nghi ngờ; 4. Tha linh nhập: A-la-hán còn cần trợ lực bên ngoài mới biết mình đạt Bồ-đề; 5. Ðạo nhân thanh cố khởi (Ðạo nương vào âm thanh mà sinh): A-la-hán cần những thanh âm đặc biệt để đạt Ðịnh, và ngộ chân lí.

Đại chúng bộ không những đã ủng hộ năm thuyết của Mahadeva mà còn đi xa hơn tán thành luận thuyết về cảnh giới chứng ngộ của Phật còn cao hơn A-la-hán. Phái này cho rằng Phật là nhân vật siêu thế, vô tận, đã đạt Nhất thiết trí, toàn năng, thể nhập đại định vĩnh cửu, với thân tâm hoàn toàn thanh tịnh. Quan điểm của Đại chúng bộ được xem là tiền thân của giáo pháp Đại thừa sau này. Nhưng đối với Thượng tọa bộ, Phật vẫn chỉ là một nhân vật lịch sử, được xem là một bậc vạn thế sư biểu tôn kính, không phải là hoá thân của một thật thể nào.

Trưởng lão bộ đã bài bác các quan điểm này qua lần kết tập thứ ba với bộ Kathāvatthu (Luận Sự) của cao tăng Moggalliputta-Tissa, như đã nói trên.

Năm thuyết của Ðại Thiên đã làm cho sự phân chia Tăng-già ra làm hai phái sâu xa hơn không thỏa hiệp được nữa. Nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy “ngũ thuyết” của Đại thiên chẳng có liên hệ gì đến đại chúng bộ cả. Nhưng càng về sau, nhiều luận bản xuất hiện làm xa dần khoảng cách định nghĩa giữa từ Phật và từ A-la-hán. Lúc ban sơ đức Phật vẫn tự cho mình là một A-la-hán.

Điều này còn được Ðại Chúng Bộ phát triển thêm qua lần kết tập thứ tư, vào năm Phật lịch 400, tức khỏang đầu TK thứ 2 TL, tại Jālandhar Kashmīrthat, Kashmir, mà trong văn học PG hay gọi là xứ Ô- Trượng-Na (Udỳanna), gồm 500 vị tỷ-kheo dưới sự chủ tọa của đại sư Vasumitra (Thế Hữu, dịch âm là Bà-tu Mật-đa) và sự bảo trợ của Hòang đế Kanishka I (127-151 TL). Mục đích của kỳ kết tập này là để soạn ra các bộ luận: Kinh Sớ, Luật Sớ và Luận Sớ. Ðại hội này chính là khởi điểm cho sự phát triển của Sarvāstivāda (Nhất thiết hữu bộ) và Ðại thừa (Mahayana) về sau.

Vasumitra là Tổ thứ 7 của Thiền tông Ấn độ. Giáo lí của ngài nằm giữa Tiểu thừa và Ðại thừa.Tương truyền Vasumitra là tác giả của hai bộ luận là samayabhedavyūhacakra-śāstra (Dị bộ tông luân luận) và ārya-vasumitra-bodhisattva-saṃcita-śāstra (Tôn Bà-tu-mật Bồ Tát sở tập luận). Chính ngài đã đề cập đến sự tranh luận giữa Trưởng lão bộ và 5 thuyết của Mahadeva trong kỳ kết tập thứ ba dưới triều Asoka; và bộ Đại tì bà sa (Mahavibhasa) được viết sau đó để bôi lọ Mahadeva, thủ lãnh của Đại chúng bộ (CBETA - T27, no. 1545, p. 510, c23-p. 512, a19). Phần này đã lý giải rằng phái Nhất thiết hữu bộ ở vùng tây bắc Ấn là hậu duệ của những vị A-la-hán kể trên.

Riêng Thượng tọa bộ thì cho rằng lần kết tập lần thứ tư đã được tổ chức tại động Aloka gần làng Matale ở Tích Lan vào khoảng 35-32 TTL do Maharakkhita chủ tọa, gồm 500 vị tỷ-kheo, dưới sự bảo trợ của vua Vattagàmani. (John Snelling, The Buddhist Handbook). Qua đại hội, tam tạng của Trưởng lão bộ được hiệu đính, sắp xếp, chú thích của ba tạng, rồi ghi lại Tam tạng trên lá cọ (palm) bằng tiếng Pàli.

Các lần kết tập thứ 5 và thứ 6: đều được Thượng Tọa Bộ tổ chức vào các thời kỳ 1868-1871 tại Madalay và 1954-1956 tại Yangon. Cả hai đều là kinh đô Miến Điện vào thời tương ứng.

---o0o---


Lời Kết


Ngoài ra vua Asoka thường đi hành hương chiêm bái những Phật tích và cho dựng những cột trụ đá tán thán, mà gần đây nhiều cuộc khảo cổ đã phát hiện được ở Lumbini nơi Đức Thích Ca đản sanh, hay ở Bồ đề Đạo tràng (Bodh Gaya) mà thời ấy được gọi là Sambodhi hay Vajirasana. Riêng thạch trụ ở Bồ đề Đạo tràng lại có khắc Pháp dụ số VIII ban ra vào năm thứ 10 sau khi ông đăng quang. Ông còn đề ra một chương trình tu hïoc Phật pháp cho tín đồ. Ông cũng cho dựng những trụ đá ghi sự liễu ngộ Phật pháp của ông (như trên Tiểu thạch pháp dụ). Ông thường trực tiếp phân xử những cuộc tranh luận giữa các tông phái và cương quyết ngăn chặn những sự phân hoá trong tăng già.



Trụ đá do Asoka cho dựng tại Lumbini

Đáng tiếc là sau khi ông mất vào năm 232 TTL thì đế quốc Maurya rộng lớn cũng tan rã theo khoảng 50 năm sau, và rồi bị giòng họ Shungas thay thế; và những công tác phúc lợi xã hội do ông đề xướng cũng không kéo dài được lâu trừ những pháp dụ khắc vào đá và ảnh hưởng truyền bá đạo Phật qua Tích Lan và Đông Phương.



Trần Trúc-Lâm

Seattle, Chớm thu 2001. Hiệu đính mùa hạ, 2007.

 

---o0o---




tải về 1.49 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương