TÂn phúC Âm hóa bản thân tu sĩ VÀ CỘng đOÀn dòng thánh tâm huế thưỜng huấn ngày 16-24/7/2014 MỤc lụC


Phần Hai TÂN PHÚC ÂM HÓA CỘNG ĐOÀN



tải về 1.17 Mb.
trang13/35
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích1.17 Mb.
#14692
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   35

Phần Hai



TÂN PHÚC ÂM HÓA CỘNG ĐOÀN,

YẾU TỐ SỐNG CÒN CỦA TU SĨ.


Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp, lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền”162.

Kính thưa Quý Thầy,

Trong định hướng Năm Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình của HĐGMVN, chúng ta đặc biệt Tân Phúc Âm hoá Cộng đoàn chúng ta, hướng về Năm Đời Sống Thánh Hiến 2015, kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh Đức Ái Trọn Hảo (Perfectae Caritatis) của CĐ. Vaticanô II. Đây là thời điểm quan trọng để tu sĩ “phúc âm hóa” ơn gọi của mình và làm chứng về vẻ đẹp của việc bước theo Chúa Kitô trong nhiều hình thức khác nhau của đời tu trì. Để làm điều ấy cách hiệu quả, chúng ta cùng nhau tìm hiểu các khía cạnh đa dạng của đời sống cộng đoàn, soi mình vào các nguyên lý và nguyên tắc để vượt lên các khủng hoảng hầu sống tốt và triển nở đời sống cộng đoàn, vốn là yếu tố sống còn của tu sĩ chúng ta.



(Một đời người một rừng cây)

I. BẢN CHẤT CỦA CỘNG ĐOÀN

Những người làm vườn trước khi trồng cấy phải khảo sát kết cấu, các điều kiện độ ẩm, thổ nhưỡng và nhu cầu của đất. Sau khi đã thấu hiểu tính chất của đất, họ còn phải biết rõ thứ cây gì sẽ phát triển ở trong đất đó rồi mới tiến hành công việc trồng cấy. Cũng vậy, chúng ta phải xem xét cộng đoàn trong đó chúng ta sống và làm việc tông đồ.

Trong dụ ngôn người gieo giống, chúng ta quan tâm trước hết đến đất tiếp nhận hạt giống: Đều là hạt giống tốt, nhưng kết quả sẽ tùy thuộc vào loại đất tiếp nhận hạt giống: “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm”163.

Chính Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa của dụ ngôn: “Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả”164.



Tâm hồn mỗi người chúng ta có thể là vệ đường, sỏi đá, bụi gai hay đất tốt. Người khác hay chính chúng ta có thể làm cho chính mình trở nên như thế, và chúng ta cũng có thể làm cho tâm hồn và cuộc đời người khác thành vệ đường, đá sỏi, bụi gai hay đất tốt.
Còn cộng đoàn chúng ta là loại đất nào đây? Vệ đường? đá sỏi? bụi gai? Hay đất tốt? Cộng đoàn là mảnh đất để gieo trồng, nâng đỡ và nuôi lớn ơn gọi. Dù đất khác nhau (các truyền thống tu đức), nhưng phận vụ của đất vẫn như nhau là nuôi lớn, nâng đỡ, gìn giữ và phát triển các cây trồng cho đến sinh hoa kết trái. Các cộng đoàn không tồn tại như cứu cánh cho chính mình, nhưng được xây dựng để đáp lại một lời mời gọi của Chúa trong từng thời điểm lịch sử cá biệt và phải trung thành với lời mời gọi đó. Mọi thành viên cộng đoàn cùng chia sẻ một viễn ảnh chung được nâng đỡ bởi sự hiểu biết thần học đời tu, nuôi dưỡng bởi sự tuân thủ luật tu và thực hành tu đức. Việc thực hành truyền thống của Hội Dòng cung cấp cơ hội cho các thành viên của cộng đoàn chăm sóc lẫn nhau và bộc lộ cam kết của mình.
Các thành viên cộng đoàn tu phải thấu hiểu ý nghĩa là “thân mình Chúa Kitô” và sứ mệnh đi vào thế giới để rao giảng Tin Mừng, tỏ rõ là những môn đệ trung tín, luôn tự thách đố để trở nên giống những tín hữu của Giáo Hội sơ khai, lấy việc yêu thương lẫn nhau làm “dấu chứng là môn đệ của Chúa Kitô”; đồng thời nghe lời khuyến dụ của Chúa Kitô mà đến với “những người rốt hết”, những người “đau yếu chứ không phải những kẻ mạnh khoẻ”, nhờ đó trở nên hiện thân tình yêu của Chúa cho thế giới, bằng việc “đi ra ngoại biên” để gặp gỡ và đến với lương dân.
Tân Ước đầy những chỉ thị về đời sống cộng đoàn. Ý niệm đời sống tu trì như một cơ cấu sống động không phải là mới mẻ: Các tín hữu của Giáo Hội sơ khai được mô tả như một thân mình mà Chúa Kitô là đầu, trong đó mỗi cá nhân thành viên “đều nên một với nhau”165.
Mỗi cộng đoàn ý thức rằng mình là một cơ cấu sống động ở trong một cơ cấu sống động lớn hơn là Giáo Hội hoàn vũ, trong đó, vì tính cách liên đới, cộng đoàn Dòng góp phần vào sức mạnh và nghị lực của cộng đoàn lớn hơn ấy. Và khi có sự độc hại nào trong cộng đoàn chúng ta thì nó cũng tác động nguy hại đến toàn thể. Vì là một thân thể, mỗi người chúng ta có thể bị đau yếu bởi sự đầu độc của óc kỳ thị, sự ham muốn tiền bạc, quyền lực, nỗi sợ hãi, tính ác độc của con người và những biểu hiện khác của sự nhẫn tâm và hận thù166.
Khi bắt đầu cảm nhận tính liên lụy của các mối liên hệ của chúng ta lẫn cho nhau, chúng ta có thể nhận thấy rằng một chuyển động nhỏ có thể tạo nên một thay đổi lớn lao. Đồng thời nỗ lực có những hành động đúng đắn hầu đóng góp vào những thay đổi lớn lao của toàn thể cơ cấu, là Giáo Hội Phổ Quát của Chúa Kitô, như thánh Phaolô nói: “Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí167.

(Cô gái mù và ly cà phê đen)

II. CỘNG ĐOÀN GIẢ DANH

VÀ CỘNG ĐOÀN ĐÍCH THỰC


Chắc chắn chúng ta đã có ít nhiều kinh nghiệm thuộc về một nhóm, một tổ ở trường học, ở giáo xứ hay khu xóm, nói chung là một cộng đồng. Nếu chúng ta đã không thể nói với bất cứ ai khác rằng có những lúc chúng ta cảm thấy khiếp đảm, lạc lỏng và không được chấp nhận, có lẽ chúng ta đã không tự tin cảm nhận được là chính mình; không tin tưởng rằng nhóm có thể chấp nhận con người thật dễ bị tổn thương của mình. Và nếu như thế, thì chúng ta đã ở trong một cộng đoàn giả danh, chứ chưa phải là một cộng đoàn đích thực.
Cộng đoàn giả danh lắm khi tỏ ra như một nhóm đồng nhất và dấn thân, các thành viên cảm thấy bị áp lực phải làm rạng danh nhóm và giá trị của nhóm. Nhưng cộng đoàn giả danh không phải là nơi cho các thành viên được an toàn để tỏ ra khác biệt, bất đồng, chất vấn về kế hoạch và đường lối của nhóm. Các thành viên không làm rạng danh nhóm bị xa tránh, lắm khi bằng những đường lối tế nhị. Các xung đột không được phép và không có kỹ thuật hữu hiệu để giải quyết xung đột. Mỗi người không được đánh giá theo những khác biệt hay độc đáo của mình. Nhóm có tính cách loại trừ hơn là bao gồm. Trong một nhóm đội như thế, người “khôn ngoan” thường lẫn tránh va chạm, vì họ không cảm nhận được an toàn.
Trái lại, trong một cộng đoàn đích thực, chúng ta cảm thấy thoải mái như ở nhà mình, và có thể sống là chính mình, không phải che giấu khuyết điểm hay nết xấu gì. Một nhóm đội làm cho mỗi người cảm nhận được là chính mình, thì chắc chắn nhóm đội đó sẽ khiến chúng ta cảm thấy được an toàn. Chúng ta có thể nổi giận hay bất đồng ý kiến, nhưng có thể hòa hợp được với những thành viên khác biệt mình. Chúng ta cảm thấy được lắng nghe, và chúng ta cũng thực sự quan tâm đến các thành viên khác. Chúng ta cởi mở lắng nghe họ vì chúng ta được quan tâm. Chúng ta không cảm thấy bị thúc ép phải ở trong nhóm, trái lại chúng ta cảm thấy được tự do thoải mái có mặt ở đó và trải nghiệm được ân lành. Đó quả là một cộng đoàn đích thực.
Mọi cộng đoàn đều có một căn bản tinh thần và được tổ chức nhằm cho công ích. Chúng được bắt rễ từ mối quan tâm. Trong một khảo luận về linh đạo của đời sống công cộng, nhà hoạt động xã hội và là nhà giáo Parker Palmer nói rằng ngay cả các cộng đồng trần thế coi mình như những cơ cấu xã hội bên ngoài cũng có một thực tại nội tâm. Trước khi một cộng đồng có thể được xây dựng như một thực tại xã hội hay chính trị thì nó phải được đón nhận như một dữ kiện tinh thần. Nếu chúng ta muốn khôi phục lại ý nghĩa của đời sống chung thì chúng ta phải bắt đầu với chiêm niệm nội tâm chứ không phải với hoạt động bên ngoài. Chúng ta có thể nói đó là ơn linh hứng và đặc sủng của Chúa Thánh Thần ban cho người sáng lập.
Những cộng đoàn lấy đời sống tinh thần làm trọng tâm sẽ là nơi mà các thành viên có thể hiệp thông với nhau cách thành thật và không sợ hãi; giải quyết các xung đột cách riêng tư với nhau trong nội bộ nhóm; học biết yêu thương lẫn nhau, nhờ đó có thể yêu thương kẻ khác và mở ra với những người xa lạ. Những cộng đoàn như thế là an toàn, bao gồm và đích thực. Mọi cộng đoàn đích thực là quà tặng của ân sủng. Một số cộng đoàn là tự phát, những cộng đoàn khác được cố ý xây dựng nên. Một số cộng đoàn cao tuổi đời, những cộng đoàn khác còn mới mẻ. Một số cộng đoàn lớn lên tại chỗ, số khác được du nhập với một nguyên do. Dù mục đích minh nhiên của các cộng đoàn có khác nhau thì người ở trong các cộng đoàn đó cũng kinh nghiệm một cái gì đó giống nhau: đó là sự trải nghiệm về ân sủng của Chúa.
Quà tặng của cộng đoàn đến từ ân sủng của Chúa, cũng giống như quà tặng tình yêu. Chúng ta không thể muốn người nào đó phải yêu chúng ta được. Tuy nhiên khi chúng ta được yêu thì có nhiều cách để hỗ trợ tình yêu đó, và tình yêu là nền tảng để xây dựng cộng đoàn. Đúng như chúng ta học các nguyên tắc để giúp giáo dân có cuộc hôn nhân phong phú thì chúng ta cũng học những nguyên tắc tương tự để xây dựng cộng đoàn. Nhiều khi việc phải lòng yêu ai xảy ra không có chủ ý, cũng như trải qua các kinh nghiệm cộng đoàn thật bất ngờ. Nhưng một khi yêu thì người ta trở nên tận tụy với nhau.
Trong các cộng đoàn đích thực, các thành viên có thể hiệp thông với nhau cách trung thực, dễ dàng giải quyết các xung đột, luôn biết yêu thương cộng đoàn, yêu thương lẫn nhau và yêu thương những người xa lạ. Các cộng đoàn đích thực là các công trình đang tiến triển để phản ánh sự hoàn hảo của Tin Mừng. Hoàn hảo đây có nghĩa là đang ở trên chính lộ và đang tiến triển cách tiệm tiến nhẹ nhàng. Các cộng đoàn luôn biến đổi, chứ không bao giờ đã đạt tới đích. Các cộng đoàn đích thực luôn luôn đang trở thành. Chẳng hạn như một cộng đoàn có thể là một nhóm bao gồm trong đó các thành viên tín nhiệm nhau đủ để là chính mình, dù họ có những khó khăn trong việc giải quyết vài sự xung đột. Nhưng nhóm ý thức về khó khăn đó và trăn trở với nó. Cộng đoàn đó đang đi đúng đường về một cộng đoàn lớn hơn là Hội Thánh được Chúa Kitô yêu thương và thánh hóa, mà thánh Phaolô nói đến: “Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh ; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp, lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền168.




tải về 1.17 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   35




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương