Tôn kính Ông Bà Tổ Tiên giữa người Công Giáo Peter Võ Tá Ðề, svd


IV. Ðề Nghị/Gợi Ý Về Tôn Kính ÔBTT



tải về 306.79 Kb.
trang2/2
Chuyển đổi dữ liệu08.05.2018
Kích306.79 Kb.
#37768
1   2

IV. Ðề Nghị/Gợi Ý Về Tôn Kính ÔBTT

 

Ngày nay vấn đề "Hội nhập Văn hóa" (HNVH) đang được chú trọng trong mọi lãnh vực của cuộc sống con người. Những gì mang tính cách ngoại lai hoặc bị áp đặt cần phải được xét lại. Trước khi đi vào gợi ý hay đề nghị cho HNVH, thiết tưởng cũng nên nhìn vào cụm từ HNVH, rồi từ đó chúng ta có thể gợi ý cho việc áp dụng HNVH trong việc tôn kính ÔBTT qua cưới hỏi và tang lễ.



Có nhiều định nghĩa về "Hội Nhập Văn Hóa" cũng như phương pháp. 67 Chính ÐGH Gioan Phaolô II là người đầu tiên dùng chữ HNVH trong văn kiện của Giáo hội. 68 Trong thông điệp Slavorum Apostolici, số 21, ngày 2 tháng 6 năm 1985, ngài nói: "Hội nhập văn hóa là sự nhập thể của Tin Mừng vào trong các nền văn hóa tự lập và đồng thời giới thiệu những nền văn hóa này vào trong đời sống của Giáo hội." 69 Sau đó 5 năm, ngày 7 tháng 12 năm 1990, trong thông điệp Redemptoris Missio, số 52, ngài nói: "Hội nhập văn hóa là một động thái hai chiều trong đó Giáo hội làm cho Tin Mừng nhập thể vào các nền văn hóa khác nhau, đồng thời Giáo hội giới thiệu các dân tộc cùng văn hóa của họ vào trong chính cộng đoàn riêng của Giáo hội." Ở định nghĩa thứ hai này, ÐGH thêm yếu tố "các dân tộc" vào định nghĩa thứ nhất.

Trong cuộc sống Kitô hữu, chúng ta đã đưa những sinh hoạt của Giáo hội vào sinh hoạt gia đình, chẳng hạn đọc kinh và dùng Lời Chúa trong các nghi thức cưới hỏi hoặc trong các dịp cầu nguyện cho người đã qua đời. 70 Ðó là chiều thứ nhất. Nhưng còn chiều thứ hai cũng không kém quan trọng, nghĩa là cần phải đưa sinh hoạt gia đình, hay nói cách khác, "giới thiệu dân tộc cùng văn hoá... vào trong chính cộng đoàn riêng của Giáo hội [cử hành phụng vụ]". Ðiều này chúng ta rất ít thấy hay chưa thấy thực hiện; hoặc nếu có thực hiện, cũng tùy ý riêng mỗi vị mỗi miền..."

Vì thế những gì sau đây chỉ là gợi ý cho việc tôn kính ÔBTT trong Phụng vụ. Còn việc quyết định vẫn thuộc quyền Tông tòa (Sacrosanctum Concilium [SC] 22.1) hay quyền của Hội Ðồng Giám Mục (SC 22.2), vì không ai, ngay cả linh mục, có thể tự quyền thêm bớt hoặc thay đổi điều gì trong Phụng vụ (SC 22.3).

 

A. Cưới Hỏi


1. Nguyên tắc trong Phụng vụ
Về cưới hỏi, Hiến chế Phụng vụ (SC) xác định: "Nếu ở miền nào có những tập tục và nghi lễ xứng đáng khác trong khi cử hành Bí Tích Hôn Phối, Thánh Công Ðồng tha thiết mong ước họ cứ giữ nguyên những tập tục và nghi lễ đó" (SC 77). 71 Ðương nhiên có nhiều "tập tục" trong văn hóa Việt Nam "xứng đáng" được đưa vào trong Bí tích Hôn phối, nhưng chưa được đưa vào, huống chi nói đến "giữ nguyên." Vì bài viết nhằm đến tôn kính ÔBTT, nên chỉ đề nghị đưa việc này vào trong Bí tích Hôn phối. Hy vọng một dịp nào đó người viết sẽ đề nghị đưa các tập tục "xứng đáng" khác vào Bí tích Hôn phối.

Tại sao lại đề nghị đưa tôn kính ÔBTT vào Bí tích Hôn phối? Ðó là điều phải đạo, đó là thi hành điều răn thứ bốn. Dựa vào nguyên tắc nào? Dựa vào những gì Hiến chế Phụng vụ (SC) cho phép, chẳng hạn:

"Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong khoản 22.2 [Hội Ðồng Giám Mục] của Hiến Chế này, có quyền soạn thảo, theo khoản 63 [dùng tiếng bản quốc], một nghi lễ riêng, thích hợp với tập quán các địa phương và các dân tộc. Tuy nhiên, phải duy trì luật này là vị linh mục chủ tọa phải hỏi và nhận lời ưng thuận của vợ chồng hết ước." 72

Ðạo hiếu, việc tôn kính ÔBTT không phải là thích hợp với tập quán... địa phương và... dân tộc sao?

Theo phương pháp nào? Theo phương pháp hội nhập văn hóa trong Phụng vụ (liturgical inculturation). Phương pháp này có thể được diễn tả theo công thức sau đây: A+B=C. Phụng vụ Roma [nghi thức Bí tích Hôn phối] (A) hòa hợp với nghi thức tôn kính ÔBTT (B) của văn hóa Việt Nam sẽ thành một yếu tố mới, một hình thức mới (C). A không còn chỉ là A như trước đây nữa, nhưng là C; cũng thế, B không còn là B như trước đây nữa, nhưng là C. Trong C, cả hai A và B được bảo tồn, không mất căn tính của mình. 73

Lại nữa, trong Phụng vụ có "phần bất biến do Thiên Chúa thiết lập, và những phần có thể thay đổi; những phần này có thể hoặc phải sửa đổi theo dòng thời gian" (SC 21). Thêm vào đó, những gì đưa vào trong Phụng vụ không mang tính cách mê tín hoặc sai lạc, nhưng phải hòa hợp với tinh thần Phụng vụ (SC 37). 74 Nhìn vào Bí tích hôn phối, điều quan trọng mà Thánh Công Ðồng yêu cầu là "vị linh mục chủ tọa phải hỏi và nhận lời ưng thuận của vợ chồng kết ước" (SC 77) 75 và lời chúc hôn (SC 78). Những phần còn lại chỉ là phụ thuộc, chỉ để làm tăng thêm hoặc giải thích rõ ý nghĩa của nghi thức hôn phối (explanatory rites), chẳng hạn: làm phép nhẫn và trao nhẫn. 76 Chính vì thế, phần gợi ý hoặc đề nghị đưa việc tôn kính ÔBTT vào trong Bí tích Hôn phối không thay đổi căn tính của Bí tích Hôn phối, nhưng là "để phù hợp với phong tục và nhu cầu của các địa phương"77


2. Gợi Ý

Việc tôn kính ÔBTT, nếu được, xin đưa vào sau phần trao nhẫn78 trong nghi thức hôn phối. Nên thiết lập một bàn thờ tạm thời cho ÔBTT của cô dâu chú rể vào một chỗ thuận tiện trong nhà thờ, chẳng hạn bên phải hoặc bên trái của cung thánh, hoặc bên ngoài phần cung thánh. Trên bàn thờ ÔBTT, nên đặt hình ông bà cha mẹ đã qua đời; còn những vị Tổ Tiên xa, nên dùng bài vị. Nên nhớ sắp xếp thế nào để bàn thờ ÔBTT không chiếm một vị thế quá quan trọng đến nỗi làm lu mờ các bàn thờ khác. Sau phần trao nhẫn, cô dâu và chú rể đến trước bàn thờ ÔBTT, thắp hương, vái 3 vái, cáo ÔBTT về tin vui của một gia đình mới, đồng thời dâng lời tri ân đến các ngài vì món quà sự sống mà các ngài đã truyền sinh qua các bậc sinh thành gần nhất. Lời cáo và tri ân ÔBTT có thể đại để như sau:



Hôm nay ngày... tháng... năm... Chúng con là... và... đến trước ÔBTT để báo tin vui là chúng con vừa thành hôn theo phép Hội thánh. Chúng con xin thắp nén hương dâng lên ÔBTT để tỏ lòng hiếu thảo và tri ân đối với ÔBTT hai bên. Xin ÔBTT cầu cùng Chúa cho chúng con để chúng con luôn biết yêu thương, thông cảm, thứ tha cho nhau trong suốt cuộc sống hôn nhân, tạo lập một gia đình mới theo gương thánh gia thất, luôn mến Chúa yêu người, làm vui lòng cha mẹ và họ hàng đôi bên, chu toàn bôn phận theo thánh ý Chúa... và chúng con hy vọng sẽ gặp lại ÔBTT trong cuộc sống mai sau, nơi vĩnh phúc... 79

Bái chào và rời bàn thờ ÔBTT, cô dâu chú rể sẽ nhận họ hàng đôi bên, ít nhất là ông bà cha mẹ còn sống. Việc nhận họ này có thể được biểu hiện qua việc vái hai vái. 80

Lý do đề nghị đưa việc tôn kính ÔBTT vào trong Bí tích Hôn phối là điều được Thánh Công Ðồng khuyến khích "giữ nguyên." Làm sao giữ nguyên được tập tục và nghi lễ nếu trước tiên không đưa tập tục và nghi lễ vào trong Bí tích Hôn phối? Hơn nữa, việc đưa tập tục của địa phương vào trong Bí tích Hôn phối không phải là điều mới lạ, chẳng hạn vào khoảng năm 596 ÐGH Gregory Cả ra lệnh cho Augustine thành Canterbury đưa tập tục của nước Anh vào trong Bí tích Hôn phối. ÐHG nói: "Chọn trong mỗi giáo hội địa phương điều có tính cách đạo đức, có tính cách tôn giáo và lành mạnh, thâu tập tất cả với nhau vào trong một dĩa, dọn lên bàn của người Anh tùy theo khẩu vị quen dùng của họ.” 81 Thêm vào đó, Giáo hội Phi Luật Tân đã có nghi thức hôn phối riêng phù hợp với phong tục tập quán của họ từ năm 1983. 83 Trong nghi thức của người Phi Luật Tân có phần mano po, đặt tay vào tay người lớn, là một dấu chỉ truyền thống biểu lộ lòng tôn kính đối với ông bà cha mẹ, người đỡ đầu, và các vị cao niên của đôi bên. Việc này không khác gì đề nghị nhận họ đôi bên của bài viết này.

 

B. Nghi Thức An Táng

 

1. Nguyên tắc trong Phụng vụ



Hiến chế Phụng vụ (SC) số 81 xác định: "Nghi thức an táng cần diễn tả rõ ràng hơn tính chất vượt qua của cái chết Kitô hữu, và cần đáp ứng chặt chẽ với hoàn cảnh cũng như truyền thống trong các miền khác nhau..." 84 và số 82 nói về thánh lễ an táng nhi đồng.

Trong nghi thức an táng ngày 15 tháng 8 năm 1969, chủ yếu là phó thác người qua đời trong tay Chúa, đồng thời trợ giúp niềm hy vọng của người sống, cũng như làm chứng nhân cho niềm tin vào sự phục sinh trong tương lai của những ai đã cùng chịu phép Rửa với Ðức Kitô. Một yếu tố quan trọng khác là trong lúc xác tín niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu, không nên coi nhẹ hoặc bỏ qua những đau buồn của tang quyến (số 2; 25.3).

Trong nghi thức 1969, số 4, nghi thức an táng gồm có 3 chương trình:

a. Với 3 chặng: tại tang gia, trong nhà thờ và ngoài nghĩa trang

b. Với 2 chặng: trong nguyện đường tại nghĩa trang và tại mộ phần

            c. Với 1 chặng: tại tang gia

Thông thường, nghi thức an táng được theo chương trình thứ nhất với 3 chặng (số 5):

a. Tại tang gia với canh thức

b. Tại nhà thờ với thánh lễ và tiễn biệt cuối cùng (nếu linh mục không ra nghĩa trang)

c. Tại nghĩa trang với làm phép mộ, tiễn biệt cuối cùng, và chôn cất

 

2. Gợi ý/ Ðề nghị trong tang lễ



Tiếp theo đây là điều đề nghị cho 3 chặng:

 

a. Tại tang gia



Tại tang gia thường tô chức những buôi đọc kinh cầu nguyện cho người đã qua đời trước và sau khi chôn cất. Các buôi đọc kinh có thể theo chương trình đã được ghi rõ trong Nghi Thức An Táng, hoặc theo hướng dẫn trong cuốn Kinh Nguyện Gia Ðình (trang 231-244).

Khi vào nhà, mỗi người khách có thể thắp hương vái 3 vái trước quan tài. Sau khi vái, mỗi người có thể rảy nước thánh trên quan tài (tang gia nên xếp đặt có bình nước thánh để sát quan tài). Trước khi ra về, mỗi người cũng vái 3 vái như lúc mới vào, để tỏ lòng tôn kính người qua đời. Sau ngày chôn cất, khách đến đọc kinh có thể thắp hương vái trước di ảnh người qua đời và trước khi ra về khách cũng nên vái như lúc mới vào.

Trước khi động quan và di quan đến nhà thờ, nên có giờ canh thức (xem Kinh Nguyện Gia Ðình, trang 246-247). Trước khi rời nhà, những người trong tang gia có thể đến trước quan tài, vái hoặc lạy sâu để chào từ biệt.

 

b. Tại nhà thờ                                                                                                 



Khi quan tài vào đến cửa nhà thờ, tang gia có thể vái hoặc lạy sâu trước quan tài 3 vái/lạy trước khi linh mục chào đón người qua đời vào trong nhà thờ. Sau lời tiễn biệt cuối cùng, trước khi di chuyển quan tài ra khỏi nhà thờ, tang gia cũng có thể vái hoặc lạy sâu trước quan tài. Lý do việc vái/lạy này là trước khi đến một nơi và rời nơi đó, tang gia vái/lạy để báo cáo, để tỏ lòng tôn kính người qua đời.

 

c. Tại nghĩa trang



Trước khi nghi thức làm phép huyệt bắt đầu, tang gia vái hoặc lạy sâu như tại nhà thờ. Sau khi mọi người đọc kinh Lạy Cha (trong trường hợp không có linh mục, hoặc Thầy Phó tế), hoặc sau lời nguyện cuối cùng của linh mục, đến phần điếu văn (nếu có), và quan tài được hạ xuống huyệt. Kế đến, mọi người tham dự có thể rảy nước thánh, hoặc bỏ hoa xuống huyệt cho người qua đời. Tang gia nên đợi đến cuối cùng để rảy nưóc thánh và vái hoặc lạy sâu trước khi lấp huyệt. 85

 

3. Ðề nghị về lịch Phụng vụ



 

a. Viếng nghĩa trang vào dịp Thanh Minh      

Nếu được, xin HÐGMVN đề nghị lên Tòa thánh/Thánh bộ Phụng tự cho phép thay vì viếng thăm nghĩa trang trong tháng 11 dương lịch, là tháng dành riêng cho các đẳng linh hồn theo niên lịch Phụng vụ, việc viếng thăm sẽ được chuyển vào dịp Thanh Minh:

Thanh Minh trong tiết tháng ba

Lễ là Tảo Mộ, hội là Ðạp Thanh

bởi lẽ trong dịp này cả nước ai nấy đều tảo mộ. 86 Như thế, hòa nhịp với mọi người dân trong nước, người Công giáo cũng viếng nghĩa trang, sửa sang mộ phần, để người Công giáo không cảm thấy mình là người xa lạ trong chính đất nước của mình như Giám mục Thanh hoá phát biểu tại THÐGMAC. 87 Việc viếng nghĩa địa trong dịp Thanh Minh đã được HÐGM Ðài Loan cho áp dụng trong nước của họ với sự chấp thuận của Tòa thánh. 88

 

b. Chuyển lễ Các Ðẳng Linh Hồn (2-11) vào Tết Trung Nguyên/Lễ Vu Lan (15-7 âm lịch) 89



Cũng trong chiều hướng hòa nhịp với dân tộc trong Tết Trung Nguyên còn gọi là lễ Vu Lan vào 15 tháng 7 âm lịch, và là mùa báo hiếu, nếu được, xin HÐGMVN đề nghị lên Tòa thánh/Thánh bộ Phụng tự xin chuyển lễ các đẳng linh hồn (2-11) vào ngày 15 tháng 7 âm lịch.

Có thể có người cho rằng lễ Vu Lan bắt nguồn từ Phật giáo và sẽ ngại ngùng. Nhưng xét cho cùng trong lịch sử Phụng vụ của Giáo hội biết bao cử hành đã được thu nhập từ dân ngoại rồi đặt cho một ý nghĩa của Kitô giáo như một vài ví dụ cụ thể đã ghi trong phần trước của bài này. 90 Ðây là việc làm có thể tạo thêm niềm cảm thông với anh chị em các tôn giáo bạn, đặc biệt Phật giáo.

Theo Những Quy Luật Tông Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch, vì lễ Các Ðẳng Linh Hồn (lễ cầu cho mọi tín hữu đã qua đời) không có kinh chiều I, nên không phải là lễ trọng (số 11) 91 và không phải là lễ buộc. Khi chuyển lễ chung của Giáo hội hoàn vũ vào ngày riêng của giáo hội địa phương, thánh lễ vẫn còn tính cách riêng của nó, miễn là ngày được chuyển đến không phải là lễ buộc, chẳng hạn lễ thánh Giuse (19-3) được dời vào một ngày khác ngoài Mùa Chay (số 56.e). 92

 

Kết Luận

 

Trên đây chúng ta đã đi qua bốn phần chính: Trước tiên, chúng ta đề cập đến các dịp tôn kính ÔBTT trong Phụng vụ Công Giáo, giờ này chúng ta có thể thưa với các anh chị em ngoài Công giáo rằng người Công giáo không bỏ Ông bỏ Bà, bỏ Tổ bỏ Tiên:



Lấy người Công giáo chẳng phiền,

Hằng năm kính nhớ Tổ Tiên trọn bề.

Mồng hai Mười Một, liệt kê:

Lại thêm suốt tháng ai chê được nào?

Mồng hai âm lịch quên sao?

Tổ Tiên, cha mẹ, anh hào kính luôn.

Nêu cao "uống nước nhớ nguồn,"

Gia đình giỗ kỵ luôn luôn hàng đầu.                                                  

Thứ đến, chúng ta cũng đã đi qua lịch sử tổng quát trong việc tranh chấp về Nghi Lễ Trung Hoa. Một cuộc tranh chấp đầy đau thương, kéo dài suốt ba thế kỷ tạo nên khó khăn cho các giáo hội địa phương với bao cấm cách bách hại. Nhìn lại lịch sử, ước mong các nhà truyền giáo hôm nay và ngày mai sẽ không vấp phải những lỗi lầm về phong tục tập quán, đặc biệt của những người mà các nhà truyền giáo được sai đến.

Hơn nữa, chúng ta cũng đi qua một vài căn bản thần học hỗ trợ cho việc tôn kính ÔBTT để chúng ta không ái ngại khi chúng ta tỏ lòng tôn kính ÔBTT; đặc biệt qua một vài nghi thức mà trước đây chúng ta cho là mang tính cách dị đoan mê tín, hoặc của người người ngoài Công giáo.

Cuối cùng, chúng ta nói đến một vài đề nghị để thích nghi trong việc tôn kính ÔBTT trong cưới hỏi và tang lễ, đồng thời đề nghị chuyển một ngày lễ trong niên lịch Phụng vụ. Nên nhớ Hiến chế Phụng vụ số 77 đã cho phép HÐGM địa phương soạn thảo một nghi thức hôn phối mới theo phong tục tập quán địa phương. Ðiều này cũng được nhắc lại trong Nghi Thức Hôn Phối 1969 số 17 và trong Huấn lệnh về "Hội Nhập Văn Hóa và Phụng vụ Roma" ngày 25 tháng 1 năm 1994, số 57.93

Ước mong những gì cho phép trong việc tôn kính ÔBTT qua Huấn thị Plane compertum (1939) và hai thông cáo của HÐGMVN (1965 và 1974) cũng như những phát biểu của các GMVN tại THÐGMAC năm 1998 không bị rơi vào quên lãng, nhưng được mọi người lưu tâm học hỏi và thi hành. Ðược như thế, người Công giáo sẽ thi hành điều răn thứ bốn một cách rõ ràng hơn và hòa nhịp với toàn dân, không còn mang mặc cảm là những kẻ xa lạ nơi quê hương mình. Thêm vào đó, việc tôn kính ÔBTT cũng sẽ là phương tiện truyền giáo hữu hiệu nơi quê nhà, một mảnh đất tốt không những đang chờ đợi Ngôi Lời đâm rễ sâu giữa các tín hữu, mà còn hội nhập nơi các anh chị em ngoài Công giáo nữa.

_____________________________



 

  1. Ðể hiểu rõ vấn đề, xin xem George Minamiki, The Chinese Rites Controversy from Its Beginning to Modern Times. Chicago: Loyola University Press, 1985; D. E. Mungello, ed. The Chinese Rites Controversy: Its History and Meaning. Netteral: Steyler Verlag, 1994; Ray N. Noll, ed. 100 Roman Documents Concerning the Chinese Rites Controversy (1645-1941). San Francisco: The Ricci Institute for Chinese-Western Cultural History, 1992.

  2. Acta Apostolicae Sedis; commentarium officiale. Vatican: Typis Polyglottis Vaticanis. (AAS), vol. 32 (1940), 24-26; Collectanea Commissionis Synodalis. Peiping: Commissio Synodalis in Sinis, vol. 13 (1940), 125-126.

  3. Theo truyền thống dân Việt, ngày mồng một dành cho tổ tiên bên nội, ngày mồng hai cho tổ tiên bên ngoại, ngày mồng ba cho tổ tiên thày giáo.                                                                        Mồng một thì ở nhà cha,
       
                                                                        Mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thày.
    (Nhất Thanh, Ðất Lề Quê Thói: Phong Tục Việt Nam. Sàigòn, 1968. Glendale, CA: Ðại Nam, in lại, nd., tr. 307).
    Cha Alexandre de Rhodes (ở Bắc kỳ 1627-1630) đã "rửa tội" ba ngày đầu năm với ý nghĩa sau: Ngày mồng một dành riêng cho Chúa Cha qua công trình tạo dựng; ngày mồng hai cho Chúa Con qua chương trình cứu độ; ngày mồng ba cho Chúa Thánh Thần qua công cuộc thánh hóa. (Histoire dv royavme de Tunqvin, et des grands progrez que la prédication de l’Évangile y a faits en la conuersion des infidelles. Depuis l’année 1627 iusques à l’année 1646. Lyon: Jean Baptiste Devenet, 1651, p. 201).
    Sách Lễ Roma, ấn bản 1970, với bản dịch tiếng Việt 1971, không có thánh lễ kính nhớ ÔBTT trong ngày mồng hai đầu năm âm lịch. Tuy nhiên, trong ấn bản 1975 kèm theo phần sửa đổi theo Notitiae 1983, với bản dịch tiếng Việt năm 1992, ngày mồng hai được dành riêng kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Sách Lễ Roma [SLR], Bản dịch của Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (Th. phố HCM: Lê Quang Lộc, 1992), tr. 1042-1044.

  4. SLR, tr. 723.

  5. SLR, tr. 723.

  6. SLR, tr. 724. Xin xem thêm các lời nguyện trong thánh lễ II và III, 724-726.

  7. SLR, tr. 1042.

  8. SLR, tr. 1043.

  9. SLR, tr. 1044.

  10. SLR, tr. 999.

  11. SLR, tr. 1000.

  12. SLR, tr. 1000. Xin xem thêm các lời nguyện lễ an táng trong và ngoài mùa Phục Sinh, (SLR, 1000-1003).

  13. SLR, tr. 1005.

  14. nt.

  15. nt. Xin xem thêm các lời nguyện thánh lễ an táng và giỗ cho các bậc các giới khác nhau và các hoàn cảnh riêng, (SLR, tr. 1006-1034).

  16. Xem SLR, tr. 476-480.

  17. SLR với ấn bản 1975 và bản dịch tiếng Việt 1992 thêm "các bậc tổ tiên", một yếu tố mới, không có trong bản dịch 1971. KNTT II & III cũng thêm "các bậc tổ tiên."

  18. SLR, tr. 488. Trong KNTT II, "Xin Cha nhớ đến ÔBACE T. là (những) người con mà Cha đã (vừa) gọi ra khỏi đời này về với Cha. Nhờ bí tích thánh tẩy, (những) người tín hữu này đã cùng chết với Chúa Ki-tô, xin Cha cho được cùng sống lại với Người." (SLR, tr. 492); "Xin Cha cũng nhớ đến anh chị em tính hữu chúng con đang an nghỉ chờ ngày sống lại, và những người đã qua đời mà chỉ còn biết nhờ vào lòng thương xót của Cha. Ðặc biệt xin Cha nhớ đến các bậc tổ tiên và thân bằng quyến thuộc chúng con đã lìa cõi thế. Xin cho hết thảy được vui hưởng ánh sáng Tôn Nhan." (SLR, tr. 493). Trong KNTT III, "Lạy Cha, xin nhớ đến ÔBACE T. là (những) người tôi tớ Cha đã (vừa) gọi ra khỏi đời này về với Cha. Nhờ bí tích thánh tẩy, (những) người tín hữu này đã cùng chết với Chúa Ki-tô. Xin Cha cho được cùng sống lại với Người, khi Người cho kẻ chết sống lại và biến đôi xác phàm chúng con nên giống thân xác vinh hiển của Người. Xin Cha cũng nhớ dến anh chị em tín hữu chúng con đã lìa cõi thế, và mọi người sống đẹp lòng Cha mà nay đã ly trần. Ðặc biệt xin Cha nhớ đến các bậc tổ tiên và thân bằng quyến thuộc chúng con đã qua đời. Xin thương nhận tất cả vào Nước Cha, nơi chúng con hy vọng sẽ được cùng nhau vui hưởng vinh quang Cha muôn đời, khi Cha lau sạch nước mắt chúng con. Bấy giờ, chúng con sẽ được chiêm ngưỡng Cha tường tận, nên muôn đời sẽ được giống như Cha là Thiên Chúa chúng con, và sẽ dâng lời ca ngợi Cha không cùng..." (SLR, tr. 497-498). Trong KNTT IV, "Xin Cha cũng nhớ đến anh chị em tín hữu đã qua đời trong bình an của Ðức Ki-tô và tất cả mọi người đã quá cố mà chỉ một mình Cha biết họ tin tưởng vào Cha." (SLR, tr. 503). Trong KNTT của Thánh Lễ Hòa Giải I, lời cầu nguyện cho tín hữu đã qua đời không rõ ràng như bốn KNTT trên đây, nhưng diễn tả ước mong kết hợp với kẻ qua đời trong thế giới mai sau: "Ngày ấy, chúng con sẽ được nhập đoàn với thần thánh trên trời, bên cạnh Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a và các thánh Tông Ðồ, cùng với anh chị em tín hữu đã lìa cõi thế mà chúng con tin tưởng phó thác cho Cha (nhấn mạnh)" (SLR, tr. 514); trong KNTT của Thánh Lễ Hòa Giải II, các tín hữu qua đời không được nhắc đến rõ ràng, nhưng chỉ được hiểu chung trong "muôn người thuộc mọi đoàn thể và tầng lớp, mọi chủng tộc và ngôn ngữ" (SLR, tr. 518). Trong KNTT của Thánh Lễ Trẻ Em I, người qua đời được nhắc đến với những lời đơn sơ vắn gọn, "Sau hết, chúng con xin dâng lời cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời, (nhất là cho ÔBACE T.)” (SLR, tr. 522). Trong KNTT của Thánh Lễ Trẻ Em II, người ly trần được nhắc đến như sau: "Xin Cha cũng nhớ đến những người đã chết (đặc biệt là ÔBACE T.) và âu yếm đón nhận vào nhà Cha." (SLR, tr. 526). Trong KNTT của Thánh Lễ Trẻ Em III, người qua đời không được nhắc rõ ràng. Ngoài ra, Ủy Ban Phụng Tự của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam cũng đã sáng tác bốn KNTT dùng trong các dịp hội họp. Lời nguyện cho người đã qua đời trong bốn KNTT này đồng nhất với nhau: "XinCha nhớ đến anh chị em tín hữu (là T.T.) đã qua đời trong bình an của Ðức Ki-tô và tất cả mọi người quá cố mà chỉ một mình Cha biết họ đã tin tưởng vào Cha. Xin cho hết thảy được vui hưởng ánh sáng Tôn Nhan và xin ban cho họ, khi sống lại, được sự sống viên mãn." (SLR, tr. 538, 543, 548, 553).

  19. Sách Lễ Bài Ðọc: Mùa Quanh Năm II (SLBÐMQN II). (In lại, New Orleans: Dân Chúa, 1979), tr. 522.

  20. SLBÐMQN II, tr. 524.

  21. SLBÐMQN II, tr. 523.

  22. SLBÐMQN II, tr. 528.

  23. Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước. Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Hồ Chí Minh: nxb thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr. 2182.

  24. 1)Giữ chay, xưng tội và chịu lễ hằng năm, các ngày nghỉ; 2) rửa tội và xức dầu; 3) cho vay ăn lãi 30%; 4 & 5) tiền vay và người cho vay; 6) đóng góp vào của cúng và các lễ của dân ngoại; 7) thờ thành hoàng; 8) thờ Khổng Tử; 9) thờ tổ tiên; 10) phục vụ và cho người chết ăn; 11) bài vị tổ tiên; 12) đám tang; 13) dạy tân tòng về bản chất bất hợp luật của các nghi thức tang ma; 14) dùng tĩnh từ "thánh"; 15) thờ và bái trước bài vị kính nhà vua; 16) hợp luật của kinh nguyện và của cúng cho thân nhân ngoại giáo qua đời; 17) giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh. (Fernandez Navarrette, Tratados, historicos, politicos, ethicos, y religiosos de la monarchia de China, vol.1, Madrid: Imprenta Real, 1676, pp. 451-459; trích lại trong Antonio Sisto Rosso, Apostolic Legations to China of Eighteenth Century, South Pasadena: P. D. and Ione Perkins, 1948, pp. 111-112).

  25. Collectanea s. Congregatiois de Propaganda Fide seu Decreta Instructiones Rescripta pro Apostolicis Missionibus. Vol. I. (Roma: Ex Typographia Polyglotta S. C. de Propaganda Fide, 1907), 30-35. Từ đây về sau sẽ trích Collectanea, vol. I; Bullarium Pontificium Sacrae Congregationis de Propaganda Fide. Vol. I. (Roma: Collegium Urbanum, 1939), 123-131. Từ đây về sau sẽ trích Bullarium Pontificium, vol. I.

  26. Collectanea, vol. I, 36-39; Bullarium Pontificium, vol. I, 131-137.

  27. Collectanea, vol. I, 64; Bullarium Pontificium, vol. I, 174-175.

  28. Magnum Bullarium Romanum, vol. 10. (Graz: Akadmische Druck-u. Verlagsanstalt, 1956), 129-130; A. Thomas, Histoire de la mission de Pékin, depuis les origines jusqu’à l’arrivée des Lazaristes, vol. I (Paris: Louis-Michaud, 1923), 166-170. Từ đây về sau sẽ trích La mission de Pékin.

  29. Antonio Sisto Rosso, Apostolic Delegations to China (South Pasadena: P.D. and Ione Perkins, 1948), 143.

  30. Magnum Bullarium Romanum, vol. 10, 130-138.

  31. Xem tài liệu số 8 trong Ray R. Noll, 100 Roman Documents..., pp. 27-30; bản văn tiếng Pháp được ghi lại trong A. Thomas, La mission de Pékin, vol. 1, pp. 203-204.

  32. Xem tài liệu số 9 trong 100 Roman Documents, p. 30. Tài liệu này được in lại trong tài liệu của ÐGH Clement XI, xác nhận và chuẩn y lệnh ngày 3 tháng 7 năm 1708 của Tournon (xem số 11 trong 100 Roman Documents, pp. 30-35).

  33. Sắc này được in lại trong sắc Ex quo singulari của ÐGH Benedict XIV năm 1742, Benedict XIV, Bullarium (In quo continentur constitutiones, epistolae, aliaque edita abo initio pontificatus usque ad annum MDCCXLVI,) vol. I (Venice: Bartholomaei Occhi, 1768), p. 85.

  34. Magnum Bullarium Romanum, vol. 10, pt. 1, pp. 50-53; Bulla Pontificium, vol. I, pp. 305-312; bản văn tiếng Pháp được ghi lại trong A. Thomas, La mission de Pékin, vol. 1, pp. 243-251.

  35. Thư này được in lại trong sắc Ex quo singulari của ÐGH Benedict XIV, xem tài liệu số 24 trong 100 Roman Documents, pp. 56-58; bản văn tiếng Pháp được ghi lại trong A. Thomas, La mission de Pékin, vol. 1, pp. 298-301.

  36. 1) trong gia đình, được phép dùng bài vị chỉ khắc tên người qua đời, nhưng tránh những gì có vẻ mê tín; 2) được tham dự nghi thức dân sự tôn kính người qua đời miễn là không có tính cách dị đoan; 3) được tham dự nghi thức tôn kính Khổng Tử, dùng bài vị, và có thể thắp nến, dâng hương, và của cúng trước bài vị; 4) được phép dùng nến và hương trong tang lễ; 5) được bái gối hoặc phục lạy trước bài vị, trước quan tài, và trước người chết; 6) được dọn bàn với mâm cỗ trước hoặc chung quanh quan tài, nơi có bài vị, để kính trọng và tỏ lòng mến yêu đối với người chết, nhưng phải tránh những gì có vẻ mê tín; 7) được phục lạy trước bài vị trong dịp đầu xuân và những dịp khác; 8) được thắp nến, dâng hương trước bài vị, cũng như trước mộ phần, nơi có thể dâng mâm cỗ.

  37. Ðoản sắc này được in trong sắc Ex quo singulari năm 1742 của ÐGH Benedict XIV, Collectanea S. Congregationis de Propaganda Fide seu Decreta Instructiones Rescripta pro Apostolicis Missionibus ex Tabulario Eiusdem Sacrae Congregationis Deprompta. (Roma: Ex Typographia Polyglotta S. C. de Propaganda Fide, 1893), 699. Từ đây về sau sẽ trích Collectanea [1893]; Bản dịch Anh ngữ trong 100 Roman Documents, p. 59.

  38. Magnum Bullarium Romanum, vol. 1, pp. 188-204; Collectanea [1907], vol. 1, pp. 130-141; Collectanea [1893], pp. 690-701; 100 Roman Documents, pp. 47-62; A. Thomas, La mission de Pékin, pp. 365-374.

  39. Magnino, Pontificia Nipponica, vol., [sic], pp. 149-151, n. 2, III, a) & b). Một phần thư của giám mục Chambon và thư trả lời của chính quyền được in lại trong Pluries instanterque do Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin (Propaganda Fide) phô biến ngày 26 tháng 5 năm 1936, tài liệu này trích trong Minamiki, The Chinese Rites Controversy, p. 145.

  40. Minamiki, The Chinese Rites Controversy, p. 177.

  41. Collectanea Commissionis Synadolis, vol. 9 (1936), pp. 868-869; Sacrae Congregationis de Propaganda Fide Memoria Rerum, vol. 3/2, p. 786; Sylloge Praecipuorum Documentorum Recentium Summorum Pontificum et Sacrae Congregationis de Propaganda Fide necnon aliarum SS. Congregationum Romanarum (Rome: Typis Polyglottis Vaticanis, 1939), pp. 479-480; Minamiki, The Chinese Rites Controversy, p. 55.

  42. Acta Apostolicae Sedis [AAS] vol. 28 (1936), pp. 406-409; Collectanea Commissionis Synadolis, vol. 9 (1936), pp. 872-874; Nouvelle Revue Théologique 64 (1937): 195-198; The Clergy Review 12 (1936): 250-251.

  43. AAS, vol. 31 (1939), pp. 24-26; Collectanea Commissionis Synadolis, vol. 13 (1940), pp. 125-126; Sacrae Congregationis de Propaganda Fide Memoria Rerum, vol. 3/2, pp. 796-797.

  44. Bản dịch trong Sacerdos (Linh Mục Nguyệt San) số 36, tháng 12 năm 1964, tr. 894.

  45. Xem ghi chú số 29 trên đây.

  46. Xem Achives des Missions Étrangères de Paris (AMEP), vol. 801, p. 283; Adrien Launay, Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823. Documents historiques. vol. 3 (1771-1823), (Paris: Maisonneuve Frères, 1925), p. 321.

  47. Ngày 22 tháng 1 năm 1964, Hàng Giám Mục Việt Nam xin Bộ Truyền Giáo cho người Công giáo tham dự nghi lễ tôn kính tổ tiên. Sacerdos (Linh Mục Nguyệt San) số 36 tháng 12 năm 1964, tr. 892.

  48. Sacerdos (Linh Mục Nguyệt San) số 36, tr. 892-893.

  49. Sacerdos số 36, tr. 891.

  50. Sacerdos số 36, tr. 892.

  51. Sacerdos số 43, tháng 7 năm 1975, tr. 489-492; "L’Église du Vietnam et la question des rites," Missions Étrangères de Paris, n. 145 (mai-juin, 1966), pp. 7-8.10.

  52. Sacerdos số 43, tr. 491.

  53. Xem Léopole Cadière, Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, vol. 1 (Saigon: Imprimerie Nouvelle d"Extrême-Orient, 1958), p. 41; Peter C. Phan, "The Christ of Asia: An essay on Jesus as the eldest son and ancestor," Studia Missionalia 45 (1996): 49.51; Peter C. Phan, Mission and Catechesis: Alexandre de Rhodes & Inculturation in Seventeenth-Century Vietnam (New York: Orbis Books, 1998), p. 28.

  54. Vì độ rượu quá mạnh nên phải pha nước vào để giảm bớt độ mạnh của rượu. Ý nghĩa thiêng liêng được thêm vào sau: "... xin cho chúng con được thông phần bản tính Thiên Chúa...”

  55. Chủ tế nhận lễ vật không những bánh rượu, nhưng còn các hoa màu ruộng đất... nên phải rửa tay. Ý nghĩa thiêng liêng được thêm vào sau: "Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm...”

  56. Năm 274 hoàng đế Aurelius thiết lập lễ thờ thần mặt trời trong đế quốc Roma gọi là "natalis solis invicti" (sinh nhật của mặt trời không ai có thể đánh bại) rơi vào Ðông chí (25-12). Năm 336 Giáo hội tại Roma dùng lễ này với ý nghĩa riêng của mình để tưởng nhớ sinh nhật của Chúa Giêsu, Ðấng được gọi là "Mặt Trời công chính" và là "ánh sáng thế gian" (Ga 8:12).

  57. Tài liệu đánh máy người viết góp nhặt, không ghi rõ xuất xứ.

  58. Bản Thông Tin Giáo Phận Qui Nhơn, số 83, tháng 3 năm 1975, tr. 25-26. Gồm 7 giám mục sau đây: 1)Philipphê Nguyễn Kim Ðiền, TGM Huế; 2) Giuse Trần Văn Thiên, GM Mỹ Tho; 3) Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, GM Cần Thơ; 4) Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, GM Vĩnh Long; 5) Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, GM Nha Trang; 6) Phêrô Nguyễn Huy Mai, GM Banmêthuột; 7) Phaolô Huỳnh Ðông Các, GM Qui Nhơn.

  59. Phần chữ nghiêng người viết nhấn mạnh để nói lên điều giải thích thêm so với quyết nghị 1972.

  60. TMG Étienne Nguyễn Như Thể, "Introducing the Veneration of Ancestors into Church Life," L’Osservatore Romano, English Edition, 13 May 1998, p. 13. Một cách tương tự, TGM Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình [ngày nay là Hồng Y và Chủ tịch], đã trả lời trong cuộc phỏng vấn của báo National Catholic Register (vol. 74, May 24-30, 1998, p. 7) rằng: "... Việc thờ cúng ÔBTT có ảnh hưởng rất mạnh. Trong quá khứ, các Kitô hữu bị bách hại vì họ không thờ cúng Tổ Tiên... Tại Á châu, không thờ cúng Tổ Tiên là phạm trọng tội... Ðây là một trong những khó khăn lớn nhất mà chúng tôi phải trực diện."

  61. Xem Ðịnh Hướng 16 (1998), tr. 103.

  62. Bartholomeo Nguyễn Sơn Lâm, "Christians Sense of Family Coincides with Tradition," L’Osservatore Romano, 13 May 1998, p. 14.

  63. Xem ghi chú số 62 trên đây. Nhiều nguồn liệu khác cho biết lý do bách hại tín hữu chỉ vì cấm việc tôn kính ÔBTT: Piero Gheddo, The Cross and the Bo-Tree: Catholics and Buddhists in Vietnam, trans. Charles Underbill Quinn (New York: Sheed and Ward, 1970), p. 9; G. Cussac, "Les missions de la péninsule indochine et des Philippines," in S. Delacroix, ed. Histoire universelle des missions catholiques, vol. 3 (Paris: Grund, 1957), 242-243; A. Boünais et A. Paulus, Le culte des morts dans le Céleste Empire et l’Annam comparé au culte des ancêtres dans l’antiquité occidentale (Paris: Ernest LeRoux, 1893), pp. 58-59; Alexandre de Rhodes, Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres Royaumes de l’Orient (Paris: Sébastien Cramoisy, 1653. Reprint, tp Hồ Chí Minh, Việt Nam: Tủ Sách Ðại Kết, 1994), pp. 76-77.

  64. Xem Nguyệt San Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp tháng 6 năm 1963.

  65. Mai Thành, "Aspects of Christianity in Vietnam," trans. John Bowden, in Leonardo Boff and Virgil Elizondo, eds. Any Room for Christ in Asia? (Concilium 1993/2), (New York: Orbis Books, 1993), pp. 95-109; "Chứng từ Ðạo Hiếu trong một gia đình Nho giáo trước và sau Công Ðồng Vatican II," in trong Lm Ðặng Thanh Minh, Tôn Kính Tổ Tiên: Một Hướng Ði Hội Nhập Văn Hóa Khẩn Thiết của Giáo Hội Tại Việt Nam (Huế: không nxb, tháng 10/1999), tr. 1-13 (số trang ghi theo bài của nữ tu, không theo thứ tự từng trang của toàn tập).

  66. Ủy Ban Giám Mục TBPÂ ngày 19-4-1972, được trích lại trong thông cáo ngày 14-11-1974.

  67. Chỉ liệt kê đây một vài nguồn liệu: Anscar J. Chupungco, "Liturgy and Inculturation" in Anscar J. Chupungco, ed. Handbook for Liturgical Studies: Fundamental Liturgy, vol. 2. (Collegeville, Mn: Liturgical Press, 1998), pp. 337-375; Idem, Liturgical Inculturation: Sacramentals, Religiosity, and Catechesis. Collegeville, Mn: Liturgical Press, 1992; Aylward Shorter, Toward a Theology of Inculturation. New York: Orbis Books, 1988; Peter Schineller, A Handbook on Inculturation. New York: Paulist Press, 1990.

  68. AAS. 77 (1985), pp. 802-803.

  69. AAS. 83 (1991), p. 300.

  70. Chương Trình Giáo Lý Phô Thông, Tòa Giám Mục Nha Trang, Kinh Nguyện Gia Ðình (tp Hồ Chí Minh: Thuận Hóa, 1997), về "Những Dịp Ðặc Biệt Trong Gia Ðình" tr. 201-220; về "Cầu Nguyện Cho Tín Hữu Ðã Qua Ðời" tr. 231-266.

  71. Bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Thánh Công Ðồng Chung Vaticano II, quyển 1. (Ðà Lạt: Phân KhoaThần Học, 1972. In lại tại Hoa Kỳ: nhà in Việt Nam, 1980), tr. 94.

  72. Ibid. Chữ in nghiêng với ý nhấn mạnh. Những điểm này được ghi lại rõ ràng trong Nghi Thức Hôn Phối 19-3-1969, số 17.

  73. Anscar J. Chupungco, Liturgical Inculturation: Sacramentals, Religiosity, and Catechesis, pp. 29-30.

  74. Nghi Thức Hôn Phối 1969, số 16.

  75. Bí tích hôn phối thành sự do sự ưng thuận giữa người nam và người nữ (Giáo luật 1057).

  76. Anscar J. Chupungco, Liturgies of the Future: the Process and Methods of Inculturation (New York: Paulist Press, 1989), pp. 142-144. Trong nghi thức hôn phối của người Phi Luật Tân, sau phần trao nhẫn, chú rể đặt một số đồng tiền cắc (coins) trong tay cô dâu nói lên sự trợ giúp vật chất; chủ tế phủ đầu cô dâu và vai của chú rể bằng một tấm vải trắng và cột bao vòng cô dâu với chú rể bằng một sợi dây; cô dâu và chú rể cùng thắp hai cây nến. Ibid., p. 143.

  77. Nghi Thức Hôn Phối 1969, số 12.

  78. Việc dùng nhẫn trong hôn phối có lẽ bị ảnh hưởng Tây phương. Việt Nam trưóc đây đã dùng dây chuyền và đôi bông tai trong hôn phối trước đây. Vấn đề này sẽ được bàn đến trong một bài khác về gợi ý cho nghi thức hôn phối.

  79. Cô dâu chú rể là thừa tác viên chính trong Bí tích Hôn phối, vì thế trước bàn thờ ÔBTT, cô dâu chú rể cũng đóng vai chính. Nếu được, cha mẹ hai bên đưa cô dâu chú rể đến trước bàn thờ ÔBTT trình cáo và khấn nguyện như chỉ dẫn trong sách Kinh Nguyện Gia Ðình, trang 213.

  80. Hai vái dành cho người sống. Tùy theo địa phương, có thể vái một, hai, hoặc ba vái.

  81. Epist. 64, Lib. XI, PL 77, col. 1187; được trích lại trong Chupungco, Liturgies of the Future, p. 145.

  82. Ang Pagdiriwang ng Pag-iisang Dibdib, Manila, 1983. Một số quốc gia khác cũng cố gắng hội nhập văn hóa trong Bí tích Hôn phối, xem Rivista Liturgia 2-3 (1985): D. Borobio: "Matrimonio e inculturazione nella Chiesa ispania," pp. 238-92; M. Allard: "Inculturazione del Rituale canadese francofono del matrimonio," pp. 239-92 [sic]; C. Fernández: "Il matrimonio cristiano nelle diverse culture dell’ambiente messicano," pp. 302-12; L. Mpongo: "Una sintesi africano per un Rituale del Matrimonio cristiano inculturato," pp. 313-25; and P. Puthanangady: "Inserimento della liturgia del matrimonio nella cutura [sic] indiana," pp. 326-38. See L. Mpongo: Pour une anthropologie chrétienne du mariage au Congo, Kinshasa 1968, trích lại trong Chupungco, Liturgies of the Future, ghi chú số 101, pp.160-161.

  83. Chupungco, Liturgies of the Future, p. 149.

  84. Ðiều này được nhắc lại và khai triển thêm trong Nghi Thức An Táng 1970, số 21 và 22. Xin xem thêm, Congregation for Worship and Sacraments, "Instruction: Inculturation and the Roman Liturgy" Origins 23 (April 14, 1994), no. 58, p. 754.

  85. Theo Toan Ánh, sau khi mộ được đắp xong, quan khách về, con cháu quì lạy làm "lễ thành phần." (Phong Tục Việt Nam: Từ Bản Thân Ðến Gia Ðình, sách in lại tại Los Alamitos, CA: Xuân Thu, không năm xb, tr. 524). Ở đây, phần vái hoặc lạy sâu được làm trong lúc mọi người đang hiện diện, nói lên tính cách cộng đoàn.

  86. Xem Phan Kế Bính, Việt Nam Phong Tục, sách in lại tại Forth Smith, AR: Sống Mới, 1983, tr. 59; Toan Ánh, Tín Ngưỡng Việt Nam, quyển hạ, sách in lại tại Lancaster, PA: Xuân Thu, không năm xb, tr. 352-360.

  87. Xem ghi chú 62 trên đây.

  88. Người viết chỉ nghe qua phúc trình của giáo sư Trần Văn Ðoàn trong dịp Ðại Hội Triết Ðạo kỳ IV, nhưng chưa tìm được nguồn liệu để trích dẫn.

  89. Phan Kế Bính, Việt Nam Phong Tục, tr. 50-51;Toan Ánh, Tín Ngưỡng Việt Nam, quyển hạ, tr. 380-382; Stephen F. Teiser, "Ghosts and Ancestors in Medieval Chinese Religion: The Yu-Lan-Pen Festival as Mortuary Ritual” History of Religion 26 (1986): 47-67.

  90. Xem ghi chú 54, 55, 56 trên đây. Một trích dẫn tổng quát về việc thâu nhập các yếu tố từ dân ngoại vào trong Giáo hội đáng được ghi lại đây bằng Anh văn: "The use of temples, and these dedicated to particular saints, and ornamented on occasions with branches of trees; incense, lamps, and candles; votive offerings on recovery from illness; holy water; asylums; holy-days and seasons, use of calendars, processions, blessings on the fields; sacerdotal vestments, the tonsure, the ring in marriage, turning to the East, images at a later date, perhaps the ecclesiastical chant, and the Kyrie Eleison, are all of pagan origin, and sanctified by their adoption into the Church" (Dr. E. D. Clarke, Travels, vol. i. p. 352, quoted in John Henry Cardinal Newman, An Essay on the Development of Christian Doctrine, New York: Longmans, Green and Co., 1949, p. 349).

  91. SLR, tr. 88.

  92. SLR, tr. 96.

  93. Congregation for Worship and Sacraments, "Instruction: Inculturation and the Roman Liturgy" Origins 23 (April 14, 1994): 753-754

 
 Chào Mừng



 

Chào Mừng Ðại Hội Triết Ðạo Kỳ Bốn

Hân hoan thay, cơ hội đến đây rồi

à này anh, này chị, hãy cùng tôi

"Oa oa" miệng, ca vang bài thân ái

Mình bên nhau học tập trong hăng hái

ừ phải rồi! Lòng tôn kính Tổ Tiên

Ngày mai đi, ta phổ biến khắp miền

Gieo rắc mãi muôn nơi lòng Ðạo Hiếu

Ðại hội này tạo cơ may tìm hiểu

Ai sinh ra nào không mẹ không cha?

In khắc sâu tâm khảm chẳng phai nhòa

Hiếu Ðạo đó quyết tâm ta bồi đắp

Ôi linh thiêng, hương hiếu này ta thắp

I như trầm nghi ngút tiến Tổ Tiên

Thầm khấn xin, trọn đạo cháu con hiền

Rồng Tiên gốc, hiên ngang người dân Việt

Im lặng sao? Ðâu tinh thần oanh liệt?

Ếm đi chăng? trong kiếp sống tha hương?

Trân trọng lấy Hiếu Ðạo với can trường

Ðể muôn dân tỏ tường ta hiếu thảo:

"Ạ mẹ cha!" nhé con, nghe dạy bảo

O chú dì, cậu mợ, phải vâng nghe

Không bướng ngang, hoặc cãi lại, kè nhè

Ỳ ạch nữa, điều không nên bắt chước

Bái Tổ Tiên, Hiếu Ðạo bao thời trước

Ối này anh, hỡi chị, tạ ơn Trên

Ngài cho ta ơn phúc, biết sao đền?

Ngày Ðại hội, ra về, xin vẫn nhớ
-------------------------------------------------------------------------------

* Nguồn sưu tầm: BÁO TRIẾT ÐẠO

Báo số 2

http://members.cox.net/vientrietdao/bao/lenghi.html

tải về 306.79 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương