Tài liệu tham khảo BÀn trộN Âm soundcraft cùng các thiết bị ngoại VI trong phòng thu sida


KHỐI ĐẦU VÀO MONO BÀN TRỘN ÂM SOUNDCRAFT



tải về 351.28 Kb.
trang2/9
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích351.28 Kb.
#17889
1   2   3   4   5   6   7   8   9

2. KHỐI ĐẦU VÀO MONO BÀN TRỘN ÂM SOUNDCRAFT

2.1. Sơ đồ khối và nguyên lý hoạt động


Sơ đồ khối của khối đầu vào mono được vẽ trên hình 2. Nguyên lý hoạt động của khối đầu vào mono được trình bày tóm tắt như sau:

  • Tín hiệu từ micro qua đầu vào MIC (số [2] trên sơ đồ mặt máy hình 3) được đưa tới mạch khuếch đại micro để được khuếch đại mạnh lên. Độ khuếch đại của mạch khuếch đại micro này có thể được chỉnh trước bởi biến trở chỉnh trước MIC (số [4] trên hình 3). Nếu sử dụng micro điện dung, ta phải gắn thêm kết nối Link 1 vào đúng vị trí quy định trên board mạch, để lấy nguồn phantom +48V từ bàn trộn âm cấp ngược lại cho micro điện dung thông qua chính đầu vào MIC này. Hiện đang sử dụng micro điện dung Shure BG5.1.

  • Tín hiệu tiếp âm từ một nguồn âm thanh mono nào đó (như máy ghi âm mono, máy cassette mono…) qua đầu vào LINE (số [1] trên hình 3) tới mạch khuếch đại tiếp âm để được khuếch đại mạnh lên. Độ khuếch đại của mạch này có thể được chỉnh trước bởi biến trở chỉnh trước LINE (số [4] trên hình 3). Hiện không sử dụng đầu vào LINE.




Hình 2: Sơ đồ khối của khối đầu vào mono


  • Tín hiệu micro ra khỏi mạch khuếch đại micro và tín hiệu tiếp âm ra khỏi mạch khuếch đại tiếp âm đều được đưa tới công tắc hai vị trí LINE (số [5] trên hình 3). Khi công tắc này được nhả lên, tín hiệu micro được chọn. Khi công tắc này được ấn xuống, tín hiệu tiếp âm được chọn. Hiện công tắc LINE được nhả lên để chọn tín hiệu micro. Kết hợp với công tắc LINE còn có một công tắc cảm biến nằm trong máy để nhận diện vị trí của công tắc LINE, tức là nhận biết tín hiệu micro hay tín hiệu tiếp âm đang được chọn, rồi báo cho mạch vi xử lý (mạch REMOTE LOGIC trên hình 2) biết.

  • Tín hiệu được chọn từ công tắc LINE (số [5] trên hình 3), hiện nay là tín hiệu micro, được tiếp tục cấp cho một mạch khuếch đại điện áp để được khuếch đại mạnh lên. Độ khuếch đại của mạch khuếch đại điện áp này được điều chỉnh bởi biến trở +/-15dB TRIM trên sơ đồ khối (trên hình 2). Đó cũng chính là biến trở GAIN trên mặt máy (số [11] trên hình 3) dùng để chỉnh mức tín hiệu sao cho bằng mức danh định, không quá lớn để có thể gây ra méo tín hiệu cũng như không quá nhỏ để tạp âm lấn át tín hiệu.

  • Sau đó tín hiệu đi qua kết nối Link 5 mang tên INSERT (trên hình 2) để tới mạch lọc thông cao 80Hz HPF. Khi gỡ bỏ kết nối Link 5, ta có thể “chèn” vào đó một thiết bị xử lý âm thanh hay thiết bị tạo hiệu ứng âm thanh mắc nối tiếp vào đường truyền tín hiệu, nếu cần.

  • Trên sơ đồ khối (hình 2), thiếu công tắc 80Hz (số [9] trên hình 3) nối tắt ngõ vào và ngõ ra mạch lọc thông cao 80Hz HPF để thường xuyên loại bỏ tác dụng của mạch lọc thông cao 80Hz HPF. Khi ấn công tắc 80Hz xuống, đường nối tắt nêu trên mới bị nhả ra, tín hiệu đi qua mạch lọc thông cao 80Hz HPF để lọc bỏ tiếng ù lẫn trong tín hiệu, nếu có.

  • Tương tự, mạch điều chỉnh âm sắc OPT EQ kế tiếp cũng có công tắc EQ (số [8] trên hình 3) nối tắt ngõ vào và ngõ ra để thường xuyên loại bỏ tác dụng của mạch này. Khi ấn công tắc EQ xuống, đường nối tắt nêu trên mới bị nhả ra, tín hiệu đi qua mạch điều chỉnh âm sắc OPT EQ. Mạch điều chỉnh âm sắc có 3 biến trở LF, MF và HF (số [7] trên hình 3) để điều chỉnh biên độ thành phần tần số thấp, tần số trung bình và tần số cao của tín hiệu.

  • Tín hiệu sau đó được đưa tới chiết áp gạt FADER (số [15] trên hình 3). Đèn LED PEAK (số [12] trên hình 3) bố trí ngay trước chiết áp gạt dùng để báo hiệu mức tín hiệu quá lớn.

  • Chiết áp gạt FADER (số [15] trên hình 3) điều chỉnh mức tín hiệu đưa vào pha trộn với các tín hiệu đầu vào khác. Kết hợp với chiết áp gạt FADER này có một công tắc cảm biến nằm trong máy để nhận biết vị trí thấp nhất của chiết áp gạt FADER, báo về cho mạch vi xử lý (mạch REMOTE LOGIC trên hình 2) biết. Tín hiệu sau chiết áp gạt FADER sẽ được khuếch đại rồi được biến trở PAN (số [11] trên hình 3) chia ra, phân phối vào 2 bus PGM MIX L và PGM MIX R. Hai bus này được dùng để cộng chung các tín hiệu L và R từ các khối đầu vào mono, telco, stereo do đó sẽ tạo ra tín hiệu trộn âm tổng hợp L và R của chương trình phát thanh.

  • Kết nối “PRE or POST” trên sơ đồ khối (hình 2) chính là kết nối Link 3 trên board mạch. Theo mặc định, kết nối này ở vị trí PRE, tức là vị trí trước chiết áp gạt. Ta cũng có thể dời kết nối này về vị trí POST, tức là vị trí sau chiết áp gạt. Tín hiệu từ kết nối “PRE or POST” được đưa tới chiết áp AUX (số [6] trên hình 3) để điều chỉnh mức trước khi đưa vào bus AUX. Bus AUX được dùng để trích lấy các tín hiệu mono từ các khối đầu vào mono, telco, stereo rồi cộng chung lại, tạo ra một phiên bản tín hiệu trộn âm tổng hợp mono khác của chương trình phát thanh.

  • Công tắc PFL (số [14] trên hình 3) cho phép người trong phòng máy cũng như người trong phòng thu, trong lúc không phát sóng hoặc trong lúc đang phát tín hiệu từ các khối đầu và khác, có thể kiểm tra âm thanh của tín hiệu micro hay máy ghi âm đang nối dây tới khối đầu vào mono này. PFL viết tắt từ Pre-Fade Listen, nghĩa là nghe trước chiết áp gạt. Khi công tắc PFL được ấn xuống (tạo ra điện áp PFL tác động vào mạch vi xử lý) và chiết áp gạt FADER ở vị trí thấp nhất (công tắc cảm biến tại chiết áp gạt báo cho vi xử lý biết vị trí thấp nhất của chiết áp gạt), vi xử lý sẽ ra lệnh điều khiển mạch PFL CONTROL cho phép đưa tín hiệu từ trước chiết áp gạt FADER tới bus PFL L và PFL R. Hai bus này được sử dụng cho mục đích kiểm thính, cụ thể là kiểm tra âm thanh của tín hiệu ở phía trước chiết áp gạt. Đồng thời lúc này, mạch vi xử lý cũng phát ra điện áp điều khiển PFL D.C. đưa vào bus PFL D.C.

  • Trong phòng thu có bố trí một công tắc ho COUGH dùng để ngắt tạm thời tín hiệu của micro khi đang nói trực tiếp trên sóng trong trường hợp phát thanh viên, người dẫn chương trình hay khách mời ho hoặc hắt hơi. Nếu ấn nút ho COUGH xuống (tạo ra điện áp COUGH tác động về mạch vi xử lý) trong khi đang chọn micro (công tắc cảm biến ở công tắc LINE báo cho vi xử lý biết đang chọn vị trí micro) và chiết áp gạt đang được đẩy lên (công tắc cảm biến tại chiết áp gạt báo cho vi xử lý biết vị trí cao của chiết áp gạt), mạch vi xử lý sẽ ra lệnh cho mạch COUGH MUTE (mạch ngắt âm thanh khi ho) ngắt 2 tín hiệu L và R ở sau biến trở PAN, không cho đưa tới bus PGM L và PGM R.

  • Công tắc ho COUGH cũng còn được dùng để người trong phòng thu, thông qua micro, nói chuyện với người ngoài phòng máy trong lúc micro không dùng để phát thanh trực tiếp trên sóng. Trong lúc micro đang được chọn (công tắc cảm biến ở công tắc LINE báo cho vi xử lý biết đang chọn vị trí micro) và chiết áp gạt đang ở vị trí thất nhất (công tắc cảm biến tại chiết áp gạt báo cho vi xử lý biết vị trí thấp nhất của chiết áp gạt), nếu ta ấn công tắc ho COUGH xuống (tạo ra điện áp COUGH tác động về mạch vi xử lý) và nói vào micro thì mạch vi xử lý sẽ “ép” mạch PFL CONTROL hoạt động, đưa tín hiệu từ trước chiết áp gạt FADER tới bus PFL L và PFL R. Lúc đó người trong phòng máy có thể nghe thấy âm thanh từ 2 bus này qua loa hoặc tai nghe và có thể dùng micro trên bàn trộn âm nói chuyện ngược lại với người trong phòng thu.

  • Công tắc REM (số [13] trên hình 3) được dùng để điều khiển từ xa đèn báo CUE (báo hiệu đang phát sóng trực tiếp âm thanh thu từ micro) hoặc điều khiển từ xa máy ghi âm mono đang nối tới đầu vào LINE (số [1] trên hình 3) để bắt đầu phát băng hoặc dừng phát băng. REM viết tắt từ Remote, nghĩa là từ xa. Khái niệm điều khiển từ xa ở đây có nghĩa là: từ bàn trộn âm có thể điều khiển các thiết bị audio ngoại vi thông qua dây dẫn nối, không dùng tia hồng ngoại như trường hợp điều khiển từ xa ở các thiết bị điện tử dân dụng. Khi micro đang được chọn (công tắc cảm biến ở công tắc LINE báo cho vi xử lý biết đang chọn vị trí micro), nút REM đã được ấn xuống (tạo ra điện áp REM tác động vào mạch vi xử lý), nếu đẩy chiết áp gạt từ vị trí thấp nhất lên phía trên (công tắc cảm biến tại chiết áp gạt báo cho vi xử lý biết vị trí cao của chiết áp gạt), thì vi xử lý sẽ điều khiển đóng tiếp điểm rờ-le cấp điện cho đèn CUE (CUE LIGHT) trong phòng thu. Đèn CUE sáng, báo hiệu cho người cho phòng thu biết âm thanh trong phòng thu đang được đưa lên sóng phát thanh.

  • Còn trong trường hợp đầu vào LINE (số [1] trên hình 3) đang được chọn (công tắc cảm biến ở công tắc LINE báo cho vi xử lý biết đang chọn vị trí tiếp âm LINE), nút REM đã được ấn xuống (tạo ra điện áp REM tác động vào mạch vi xử lý), nếu đẩy chiết áp gạt từ vị trí thấp nhất lên phía trên (công tắc cảm biến tại chiết áp gạt báo cho vi xử lý biết vị trí cao của chiết áp gạt), thì vi xử lý sẽ điều khiển đóng tiếp điểm rờ-le ra lệnh cho máy ghi âm (đang nối tới đầu cắm LINE) bắt đầu phát băng (khối INPUT 2 START trên hình 2), tức là bắt đầu lấy tín hiệu từ băng phát lên sóng. Nếu gắn kết nối Link 6 trên board mạch vào đúng vị trí quy định, tiếp điểm rờ-le mới tự giữ tức là tiếp tục duy trì trạng thái đóng; nếu không tiếp điểm rờ-le chỉ đóng mạch nhất thời. Việc gắn hay không gắn kết nối Link 6 tùy thuộc vào đặc điểm của mạch điều khiển các nút vận hành trên máy ghi âm. Sau khi phát băng xong, nếu ta đẩy chiết áp gạt từ vị trí phía trên về trở lại vị trí thấp nhất (công tắc cảm biến tại chiết áp gạt báo cho vi xử lý biết vị trí thấp nhất của chiết áp gạt), thì vi xử lý sẽ điều khiển đóng tiếp điểm của một rờ-le khác, ra lệnh cho máy ghi âm dừng phát băng (khối INPUT 2 STOP/RE-CUE trên hình 2). Hiện không sử dụng chức năng điều khiển từ xa bắt đầu phát băng hay dừng phát băng vì khối đầu vào mono đang nối với micro.

  • Theo thiết kế của nhà sản xuất, có thể bố trí thêm công tắc TALKBACK (nói ngược lại) nối với khối đầu vào mono để cho phép những người trong phòng thu nói chuyện, trao đổi riêng trước với người gọi điện thoại mà âm thanh của cuộc đàm thoại này không bị đưa lên sóng, với điều kiện là chức năng talkback (nói ngược lại) trên khối đầu vào telco cũng được sử dụng. Khi công tắc TALKBACK được ấn xuống (tạo ra điện áp TB ENABLE tác động vào mạch vi xử lý) và micro đang được chọn (công tắc cảm biến ở công tắc LINE báo cho vi xử lý biết đang chọn vị trí micro) nhưng chiết áp gạt FADER ở vị trí thấp nhất (công tắc cảm biến tại chiết áp gạt báo cho vi xử lý biết vị trí thấp nhất của chiết áp gạt), vi xử lý sẽ ra lệnh điều khiển mạch TALKBACK CONTROL cho phép đưa tín hiệu từ trước chiết áp gạt FADER tới bus TB MIX. Trên bus TB MIX này chỉ có các tín hiệu lời nói mà người trong phòng thu muốn nói với người đang gọi điện thoại tới. Tín hiệu của người trong phòng máy nói vào micro trên bàn trộn âm sẽ được cộng chung với tín hiệu của bus TB MIX rồi đưa vào bus TB OUTPUT. Lúc đó, người đang gọi điện thoại tới sẽ nghe thấy tín hiệu của bus TB OUTPUT (tức là tín hiệu của người trong phòng thu cũng như của người trong phòng máy) trên nền tín hiệu ra của chương trình với mức âm lượng nhỏ. Hiện phòng thu SIDA không gắn thêm công tắc TALKBACK này.

  • Đối với mỗi khối đầu vào mono, ta phải gán thuộc tính là kênh local (tại chỗ) hay kênh distant (xa). Nếu micro đặt tại phòng thu, ta gán thuộc tính kênh distant, còn nếu micro đặt tại phòng máy, ta gán thuộc tính kênh local. Kết nối Link 2 trên board mạch nếu chỉnh về vị trí A là kênh local, nếu chỉnh về vị trí B là kênh distant. Nếu là kênh local, khi micro hoạt động, loa phòng máy bị ngắt và nếu là kênh distant, khi micro hoạt động, loa phòng thu bị ngắt. Vị trí của Link 2 được báo về vi xử lý, trên cơ sở đó vi xử lý phát ra điện áp điều khiển LOCAL MUTE (ngắt tiếng tại chỗ), DISTANT MUTE (ngắt tiếng xa) đưa vào bus LOCAL MUTE, DISTANT MUTE tương ứng. Hiện phòng thu SIDA sử dụng 3 micro đặt tại phòng thu, nên 3 khối đầu vào mono dùng cho 3 micro này đều được gán thuộc tính kênh distant.



2.2. Sơ đồ mặt máy


[1] Đầu vào LINE, sử dụng loại đầu cắm canon (XLR-3) đối xứng, dùng để tiếp âm tín hiệu mono từ máy ghi âm mono. Đầu vào LINE chỉ được chọn khi công tắc LINE [5] được ấn xuống. Hiện không sử dụng đầu cắm này.
[2] Đầu vào MIC, sử dụng loại đầu cắm canon (XLR-3) đối xứng, dùng để nối với micro. Đầu vào MIC chỉ được chọn khi công tắc LINE [5] được nhả lên. Hiện đầu cắm này đang được nối với micro điện dung đặt bên phòng thu.
[3] Đầu cắm REMOTES

Đây là đầu cắm loại D 25 chấu, cho phép đấu nối dây để kết nối với các thiết bị hay linh kiện bên ngoài bàn trộn âm, cụ thể như sau:


a) Công tắc COUGHT/REVERSE TALKBACK (công tắc ho / nói ngược lại phòng máy) nối vào chấu 14 và 2.

Công tắc này, như tên gọi, thực hiện 2 chức năng:

+ Ngắt tín hiệu micro của khối đầu vào mono này khi cả 3 điều kiện sau đây được thỏa mãn: đang chọn đầu vào MIC [2] (nghĩa là công tắc LINE [5] được nhả lên), chiết áp gạt [15] bị đẩy lên và công tắc COUGH trong phòng thu được ấn xuống. Chức năng này cho phép phát thanh viên, người dẫn chương trình hay khách mời đang ngồi trong phòng thu có thể ấn công tắc ho COUGH để tạm thời tắt micro (chẳng hạn như khi muốn ho hoặc hắt hơi).

+ Công tắc này cũng cho phép phát thanh viên, người dẫn chương trình hay khách mời (trong phòng thu) “ép” chức năng PFL hoạt động để nói chuyện với đạo diễn hoặc kỹ thuật viên (trong phòng máy). Việc ép chức năng PFL hoạt động chỉ xảy ra khi cả 3 điều kiện sau đây được thỏa mãn: đang chọn đầu vào MIC [2] (nghĩa là công tắc LINE [5] được nhả lên), chiết áp gạt [15] bị đẩy xuống vị trí thấp nhất và công tắc COUGH trong phòng thu được ấn xuống.



Hiện công tắc ho COUGH đang được bố trí trong phòng thu.
b) Đèn CUE

Đèn này được tắt/mở thông qua tiếp điểm rờ-le nối giữa chấu 12 và 13. Tiếp điểm này chỉ đóng để, thông qua một chuyển mạch quang (opto switcher) cấp điện cho đèn khi cả 3 điều kiện sau đây được thỏa mãn: đang chọn đầu vào MIC [2] (nghĩa là công tắc LINE [5] được nhả lên), chiết áp gạt [15] bị đẩy lên và công tắc REM [13] được ấn xuống. Hiện đèn CUE đang được gắn tại phòng thu.


c) Rờ-le START

Tiếp điểm của rờ-le này, mắc giữa chấu 8 và 9, sẽ đóng lại khi cả 3 điều kiện sau đây được thỏa mãn: đang chọn đầu vào LINE [1] (nghĩa là công tắc LINE [5] được ấn xuống), chiết áp gạt [15] bị đẩy lên và công tắc REM [13] được ấn xuống. Các tiếp điểm rờ-le có thể đóng nhất thời hoặc đóng luôn (tự giữ) tùy thuộc vào kết nối Link 6 trên board mạch. Hiện không sử dụng đầu vào LINE [1] nên không sử dụng chức năng này.


Hình 3: Sơ đồ mặt máy Khối đầu vào mono

d) Rờ-le STOP

Tiếp điểm của rờ-le này, mắc giữa chấu 6 và 7, sẽ đóng lại nhất thời khi cả 3 điều kiện sau đây được thỏa mãn: đang chọn đầu vào LINE [1] (nghĩa là công tắc LINE [5] được ấn xuống), công tắc REM [13] được nhả lên và/hoặc chiết áp gạt [15] bị đẩy xuống hết mức. Hiện không sử dụng đầu vào LINE [1] nên không sử dụng chức năng này.


e) Công tắc TALKBACK

Công tắc này, nối giữa chấu 3 và 15, khi được đóng lại sẽ đưa tín hiệu trước chiết áp gạt vào bus TB OUTPUT và đồng thời cũng đưa tới đầu ra CONTINUOUS TALKBACK ở khối kiểm tra. Công tắc này chủ yếu được sử dụng để đưa tín hiệu từ bus TB OUTPUT vào kênh telco và cho phép người dẫn chương trình, khách mời trao đổi, nói chuyện riêng với người gọi điện thoại trước khi phát sóng chính thức. Hiện không gắn thêm công tác TALKBACK này trong phòng thu, do đó người trong phòng thu không thể nói chuyện riêng với người gọi điện thoại trước khi phát sóng chính thức.


f) Thiết bị tạo hiệu ứng âm thanh ghép nối tiếp qua đầu cắm nối INSERT SEND/RETURN

Chức năng này cho phép chèn nối tiếp thiết bị tạo hiệu ứng âm thanh như bộ xử lý tiếng nói, bộ tạo vang… vào đường tín hiệu khối đầu vào mono khi gỡ bỏ kết nối Link 5 trên board mạch, để hở ra đầu SEND và đầu RETURN. Các đầu dây nối vào SEND (giữa chấu 22 và 21) để gửi tín hiệu ra thiết bị tạo hiệu ứng âm thanh và các đầu dây nối nối vào RETURN (giữa chấu 23 và 18) để nhận tín hiệu từ thiết bị tạo hiệu ứng âm thanh đưa về đều thuộc loại không đối xứng. Cần lưu ý đến độ dài dây dẫn nối và loại dây sử dụng. Hiện không sử dụng chức năng này.


[4] Hai biến trở chỉnh trước LINE và MIC, mỗi biến trở cho mỗi đầu vào, cho phép cân chỉnh thô các mức tín hiệu đưa tới đầu vào LINE [1] và MIC [2]. Hiện đang sử dụng đầu vào MIC [2] nên chỉ sử dụng biến trở chỉnh trước MIC, không sử dụng biến trở chỉnh trước LINE.
[5] Công tắc LINE dùng để lựa chọn đầu vào LINE [1] khi ấn xuống và lựa chọn đầu vào MIC [2] khi nhả lên. Đèn LED màu đỏ trong công tắc này sẽ sáng khi chọn đầu vào LINE [1]. Hiện công tắc LINE nhả lên để chọn đầu vào MIC [2].
[6] Chiết áp AUX điều chỉnh mức tín hiệu đưa tới bus AUX. Tín hiệu đưa tới bus AUX có thể lấy từ trước chiết áp gạt [15] (pre-fade) hay sau chiết áp gạt (post-fade). Mạch điện được mặc định chỉnh sẵn để lấy tín hiệu từ trước chiết áp gạt, nhưng cũng có thể chỉnh lại vị trí kết nối Link 3 để lấy từ sau chiết áp gạt.
[7] Các biến trở chỉnh âm sắc: Biến trở HF EQ tăng và giảm +/-10dB thành phần tần số cao trên 8,5 KHz. Biến trở MF EQ tăng và giảm +/-10dB thành phần tần số 3KHz. Biến trở LF EQ tăng và giảm +/-10dB thành phần tần số thấp dưới 180Hz.
[8] Công tắc EQ, khi được ấn xuống, sẽ nối mạch điều chỉnh âm sắc nêu trên vào đường truyền tín hiệu. Lúc đó đèn LED màu vàng sẽ sáng. Khi công tắc EQ được nhả lên, mạch điều chỉnh âm sắc bị loại.
[9] Công tắc 80Hz, khi được ấn xuống, sẽ nối mạch lọc thông cao 80Hz HPF vào đường truyền tín hiệu. Lúc đó đèn LED màu vàng sẽ sáng. Công tắc này được dùng để lọc bỏ tiếng ù lẫn trong tín hiệu, nếu có.
[10] Biến trở PAN dùng để chỉnh lượng tín hiệu phân phối cho bus PGM MIX L (kênh trái) và bus PGM MIX R (kênh phải). Nếu xoay biến trở ngược chiều kim đồng hồ hết cỡ, tín hiệu dồn hết qua bus PGM MIX L. Ngược lại, nếu xoay biến trở hết cỡ theo chiều kim đồng hồ, tín hiệu dồn hết qua bus PGM MIX R.
[11] Chiết áp GAIN điều chỉnh độ khuếch đại +/-15dB.
[12] Đèn LED PEAK phát sáng để cảnh báo khi mức tín hiệu quá lớn.
[13] Công tắc REM hoạt động kết hợp với công tắc cảm biến gắn tại chiết áp gạt FADER [15]. Công tắc REM có một đèn LED màu đỏ có thể phát sáng với 2 mức độ sáng khác nhau: sáng yếu và sáng mạnh. LED sẽ sáng yếu nếu chiết áp gạt nằm tại vị trí thấp nhất khi công tắc REM được ấn xuống, báo cho ta biết mạch REM đã sẵn sàng hoạt động nhưng chưa được kích hoạt. Để kích hoạt mạch REM chiết áp gạt phải được đẩy lên từ vị trí thấp nhất. Đèn LED sẽ sáng mạnh, báo hiệu giờ đây mạch REM đã được kích hoạt. Khi mạch REM được kích hoạt, nó có thể điều khiển đèn báo CUE, rờ-le START, rờ-le STOP. Nếu công tắc REM được ấn xuống trong khi chiết áp gạt đang ở vị trí lưng chừng thì mạch REM sẽ kích hoạt ngay lúc công tắc REM được ấn xuống và đèn LED sẽ sáng mạnh.
[14] Công tắc PFL cho phép nghe thấy âm thanh của tín hiệu đưa vào khối đầu vào mono này thông qua khối kiểm tra khi chiết áp FADER đang nằm ở vị trí thấp nhất. Khi đẩy chiết áp gạt FADER lên, mạch PFL tự động mất tác dụng. Đèn LED màu đỏ sẽ sáng báo cho ta biết mạch PFL đang hoạt động. Khi đang chọn đầu vào LINE [1] và đèn LED của công tắc REM đang sáng yếu, nếu ấn thêm công tắc PFL xuống, rờ-le START sẽ được kích hoạt (hiện không dùng rờ-le START cho khối đầu vào mono).
[15] Chiết áp gạt FADER, với khoảng gạt dài 10cm, cung cấp độ khuếch đại bằng 1 tức 0dB khi chiết áp gạt được đẩy lên vị trí trên cùng. Thang đo dọc theo đường gạt chỉ thị độ suy giảm, tính theo đơn vị dB. Có một công tắc cảm biến nhỏ gắn vào phía dưới chiết áp gạt để báo cho mạch vi xử lý biết khi nào thì biến trở gạt bị đẩy về vị trí thấp nhất. Công tắc cảm biến này giúp mạch vi xử lý điều khiển nhiều chức năng như vừa được mô tả bên trên.

Tín hiệu đưa tới khối đầu vào mono này sẽ được đưa lên sóng bất cứ khi nào chiết áp gạt được đẩy lên (trừ khi ấn công tắc ho COUGH).


Lưu ý: Mỗi khối đầu vào mono có thể được cấu hình thành kênh local (tại chỗ) hay kênh distant (xa) khi sử dụng với micro. Điều này sẽ quyết định loa phòng thu hay loa phòng máy sẽ bị ngắt tiếng để tránh hiện tượng hồi âm gây ra tiếng hú, rít khi đẩy chiết áp gạt của micro lên.

2.3. Đặc tính kỹ thuật


a) Đầu vào MIC

  • Đối xứng (cân bằng) về điện

  • Trở kháng vào > 1,5K

  • Mức đầu vào cực đại -2dBu

  • Dải độ nhạy: -70dBu đến -23dBu

  • Hệ số nén đồng pha CMRR >100dB @ độ khuếch đại 70dB

  • Tạp âm đầu vào tương đương EIN - 128dB, nguồn 200R


b) Đầu vào LINE

  • Đối xứng (cân bằng) về điện

  • Trở kháng vào > 120K

  • Dải độ nhạy -10dBu đến 0dBu


c) Điều chỉnh âm sắc Equalizer

  • Tần số thấp LF +/- 10dB tại 180Hz

  • Tần số trung bình MF tăng và giảm 10dB tại 3KHz

  • Tần số cao HF +/- 10dB tại 8,5KHz


d) Tổng quát

  • Mức tín hiệu Insert Sent -6dBu

  • Méo hài tổng THD 0,006% @ 1KHz 0dBu


Ghi chú:

  • Hệ số nén tín hiệu đồng pha CMRR, viết tắt từ Common Mode Rejection Ratio, là tỷ số giữa hệ số khuếch đại vi sai và hệ số khuếch đại đồng pha, tính theo đơn vị dB. Mạch khuếch đại có CMRR càng lớn thì tính triệt nhiễu đồng pha càng tốt.

  • Tạp âm đầu vào tương đương EIN, viết tắt từ Equivalent Input Noise, là tỷ số giữa tạp âm đầu ra và hệ số khuếch đại của mạch khuếch đại.

  • Méo hài tổng THD, viết tắt từ Total Harmonic Distortion, chính là méo phi tuyến.

tải về 351.28 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương