Tại Gia Bồ Tát Giới Kinh (Ưu Bà Tắc Giới Kinh)


Phẩm Hai - Phát Tâm Bồ Đề



tải về 0.93 Mb.
trang5/24
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích0.93 Mb.
#12474
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24

Phẩm Hai - Phát Tâm Bồ Đề


 

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Chúng sinh vì sao phát tâm Bồ đề?”

- Thiện nam tử! (1) Vì hai việc nên phát tâm Bồ đề: một là tăng tuổi thọ, hai là thêm tài sản. (2) Lại có hai việc: một là vì không muốn chủng tính Bồ đề đoạn tuyệt, hai là vì muốn đoạn trừ phiền não tội khổ của chúng sinh. (3) Lại có hai việc: một là tự quán sát mình trong vô lượng đời chịu bao nhiêu là khổ não mà vẫn không được lợi ích, hai là tuy có chư Phật xuất hiện nhiều như số cát sông Hằng, các ngài cũng không thể độ thoát mình, mà chính mình phải tự độ. (4) Lại có hai việc: một là tu các nghiệp lành, hai là những nghiệp lành đã tu sẽ không mất. (5) Lại có hai việc: một là vì muốn vượt hơn tất cả quả báo của trời người, hai là vì muốn vượt hơn tất cả quả báo của Nhị thừa. (6) Lại có hai việc: một là vì cầu đạo Giác ngộ nên nhận chịu nhiều khổ não, hai là vì muốn được vô lượng sự lợi ích rộng lớn. (7) Lại có hai việc: một là quán sát chư Phật nhiều như số cát sông Hằng ở quá khứ, vị lai, đều giống như mình, hai là quán sát thâm sâu rằng Bồ đề là pháp có thể chứng được, vì thế phát tâm tu tập. (8) Lại có hai việc: một là quán sát Bồ tát lục trụ, tuy có tâm thoái chuyển, vẫn còn thù thắng hơn tất cả Thanh văn, Duyên giác, hai là siêng năng truy cầu quả vị Vô thượng Chánh giác. (9) Lại có hai việc: một là mong tất cả chúng sinh đều được giải thoát, hai là mong quả báo giải thoát của chúng sinh vượt hơn quả báo của ngoại đạo. (10) Lại có hai việc: một là không xả bỏ tất cả chúng sinh, hai là xa lìa tất cả phiền não. (11) Lại có hai việc: một là vì đoạn trừ khổ não của chúng sinh trong đời nầy, hai là vì ngăn chận khổ đau của chúng sinh trong đời sau. (12) Lại có hai việc: một là vì muốn đoạn trừ sự chướng ngại của trí tuệ, hai là vì muốn đoạn trừ thân chướng của chúng sinh.

Thiện nam tử! Do năm việc mà phát tâm Bồ đề: một là gần gũi bạn lành, hai là trừ tâm nóng giận, ba là tuân lời thầy dạy, bốn là sinh lòng thương xót, năm là tu hành tinh tiến. Lại có năm việc phát tâm Bồ đề: một là không thấy lỗi người, hai là tuy thấy lỗi người, nhưng tâm không nghĩ nhớ đến, ba là tuy làm việc lành, vẫn không sinh lòng kiêu mạn, bốn là thấy người làm lành, không sinh lòng ghen ghét, năm là quán sát tất cả chúng sinh, tưởng như con một của mình.

Thiện nam tử! Người trí sau khi phát tâm Bồ đề, có thể hủy diệt nghiệp ác to như núi Tu Di. Người trí vì ba việc mà phát tâm Bồ đề: một là vì thấy chúng sinh thọ khổ trong đời ác năm trược, hai là vì thấy Đức Như Lai có đạo lực thần thông không thể nghĩ bàn, ba là vì nghe tám thứ âm thanh vi diệu của Đức Như Lai. Lại do hai việc: một là biết rõ sự khổ đau của thân mình, hai là hiểu rõ chúng sinh khổ như mình khổ, vì muốn đoạn trừ sự khổ cho họ, cũng như trừ sự khổ cho chiùnh mình.

Thiện nam tử! Nếu có người phát tâm Bồ đề, phải biết người đó có thể lễ lạy sáu phương, và sẽ được sống lâu, giàu có. Điều nầy không giống như bọn ngoại đạo đã nói.



Phẩm Ba - Tâm Đại Bi


 

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Bọn ngoại đạo Lục sư không nói nhân quả, Đức Như Lai lại nói nhân có hai thứ: một là sinh nhân, hai là liễu nhân. Như Đức Thế Tôn vừa nói, nguyên nhân phát tâm Bồ đề là sinh nhân hay liễu nhân?”

- Thiện nam tử! Ta vì chúng sinh, hoặc nói một nhân, hai nhân, ba nhân, bốn nhân, năm nhân, hoặc nói sáu, bảy, cho đến mười hai nhân. Nói một nhân tức là sinh nhân. Hai nhân là sinh nhân và liễu nhân. Ba nhân là phiền não, nghiệp chướng và khí thế giới. Bốn nhân tức là bốn Đại. Năm nhân tức là năm chi vị lai của mười hai nhân duyên.Sáu nhân như trong khế kinh đã nói. Bảy nhân như trong kinh Pháp Hoa đã nói. Tám nhân tức là tám chi hiện tại của mười hai nhân duyên. Chín nhân như trong kinh Đại Thành đã nói. Mười nhân, như Đức Như Lai đã giảng cho ưu bà tắc Ma Nam. Mười một nhân, như trong kinh Trí Ấn đã nói. Mười hai nhân tức là mười hai nhân duyên.

Thiện nam tử! Tất cả pháp hữu lậu có vô lượng vô biên nhân. Tất cả pháp vô lậu cũng có vô lượng vô biên nhân. Người trí, vì muốn biết tất cả, nên phát tâm Bồ đề. Đức Như Lai, vì biết tất cả, nên được gọi là Nhất thiết trí.

Thiện nam tử! Tất cả chúng sinh phát tâm Bồ đề, hoặc do sinh nhân, hoặc do liễu nhân, hoặc do cả hai. Nay ông nên biết, sinh nhân tức là tâm Đại bi, vì tâm Đại bi nên mới phát tâm Bồ đề, vì thế tâm Đại bi là sinh nhân.

- Kính bạch Đức Thế Tôn! Làm thế nào tu tập tâm Đại bi?



- Thiện nam tử! (1) Người trí thấy rõ tất cả chúng sinh bị chìm đắm trong biển lớn sinh tử chịu nhiều khổ não, vì muốn cứu vớt nên sinh tâm Đại bi; (2) lại thấy chúng sinh chưa được mười Lực, bốn pháp Vô úy, tâm Đại bi, ba Niệm,[5] v.v..., bèn nghĩ như vầy: “Ta làm thế nào để cho họ được đầy đủ”, nên sinh tâm Đại bi; (3) lại tuy thấy chúng sinh lòng đầy oán thù cay độc mà vẫn xem họ như người thân thuộc, nên sinh tâm Đại bi; (4) lại thấy chúng sinh mê mờ chánh đạo, không có người dẫn dắt, nên sinh tâm Đại bi; (5) lại thấy chúng sinh bị chìm đắm trong vũng bùn ngũ dục, không cách nào ra khỏi, mà lại còn buông lung phóng dật, nên sinh tâm Đại bi; (6) lại thấy chúng sinh thường bị của cải, vợ con ràng buộc, không thể xả bỏ, nên sinh tâm Đại bi; (7) lại thấy chúng sinh do sắc đẹp, sức mạnh, sống lâu mà sinh lòng kiêu mạn, nên sinh tâm Đại bi; (8) lại thấy chúng sinh bị ác tri thức, như bọn Lục sư chẳng hạn, dối gạt, mà vẫn tưởng là quyến thuộc, nên sinh tâm Đại bi; (9) lại thấy chúng sinh trong ba cõi, tuy chịu nhiều khổ não mà vẫn tham luyến, nên sinh tâm Đại bi; (10) lại thấy chúng sinh tạo nghiệp thân khẩu ý xấu xa, độc ác, nhân đây chịu nhiều quả báo khổ não, mà vẫn mê muội, nên sinh tâm Đại bi; (11) lại thấy chúng sinh thèm khát ngũ dục như người khát uống nước mặn, nên sinh tâm Đại bi; (12) lại thấy chúng sinh tuy muốn cầu vui mà không tạo nhân vui, tuy không thích khổ mà ưa gây nhân khổ, muốn hưởng cảnh vui cõi trời mà lại thiếu giới hạnh, nên sinh tâm Đại bi; (13) lại thấy chúng sinh đối với sự vật không ngã, ngã sở, mà tưởng là ngã, ngã sở, nên sinh tâm Đại bi; (14) lại thấy chúng sinh lưu chuyển một cách vô định trong năm cõi, nên sinh tâm Đại bi; (15) lại thấy chúng sinh sợ sinh, già, chết, mà cứ tạo nghiệp sinh, già, chết, nên sinh tâm Đại bi; (16) lại thấy chúng sinh thân tâm chịu nhiều thống khổ mà vẫn tạo nghiệp, nên sinh tâm Đại bi; (17) lại thấy chúng sinh đau khổ khi ân ái bị chia lìa, mà vẫn không chịu dứt sự ân ái, nên sinh tâm Đại bi; (18) lại thấy chúng sinh ở trong sự tăm tối của vô minh, mà không biết thắp sáng đèn trí tuệ, nên sinh tâm Đại bi; (19) lại thấy chúng sinh bị lửa phiền não đốt cháy, mà không chịu cầu nước thiền định tam muội, nên sinh tâm Đại bi; (20) lại thấy chúng sinh vì thú vui ngũ dục mà tạo vô lượng nghiệp ác, nên sinh tâm Đại bi; (21) lại thấy chúng sinh, tuy biết sự thống khổ của ngũ dục, mà vẫn cầu mãi không thôi, như người đói ăn cơm có thuốc độc, nên sinh tâm Đại bi; (22) lại thấy chúng sinh ở trong đời ác, gặp vua bạo ngược, chịu nhiều khổ sở, mà vẫn buông lung, nên sinh tâm Đại bi; (23) lại thấy chúng sinh lưu chuyển trong tám cảnh khổ, nhưng vẫn không biết cách đoạn trừ gốc khổ, nên sinh tâm Đại bi; (24) lại thấy chúng sinh, đối với cảnh đói khát, lạnh nóng, không được tự tại, nên sinh tâm Đại bi; (25) lại thấy chúng sinh hủy phạm giới luật, bị đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, nên sinh tâm Đại bi; (26) lại thấy chúng sinh hình dáng, sức lực, tuổi thọ, an ổn và biện tài, không được tự tại, nên sinh tâm Đại bi; (27) lại thấy chúng sinh thân thể tàn khuyết, nên sinh tâm Đại bi; (28) lại thấy chúng sinh, sinh ở nơi biên địa, không tu pháp lành, nên sinh tâm Đại bi; (29) lại thấy chúng sinh, sinh nhằm đời đói khát, thân thể ốm gầy, cướp đoạt lẫn nhau, nên sinh tâm Đại bi; (30) lại thấy chúng sinh, sinh trong kiếp đao binh, giết hại lẫn nhau, lòng ác độc hừng hẫy, sẽ chịu vô lượng quả báo khổ, nên sinh tâm Đại bi; (31) lại thấy chúng sinh, gặp Phật ra đời nói Pháp thanh tịnh như mùi vị Cam lộ, mà không biết tu học, nên sinh tâm Đại bi; (32) lại thấy chúng sinh, tin thầy tà bạn ác, không chịu nghe lời thầy hay bạn lành, nên sinh tâm Đại bi; (33) lại thấy chúng sinh, giàu có, của cải tràn đầy, mà không chịu bố thí, nên sinh tâm Đại bi; (34) lại thấy chúng sinh, cầy sâu cuốc bẫm, buôn tảo bán tần, nhọc nhằn gian khổ, nên sinh tâm Đại Bi; (35) lại thấy chúng sinh, cha mẹ, anh em, vợ con, tôi tớ, quyến thuộc không thương mến nhau, nên sinh tâm Đại bi.

Thiện nam tử! (36) Người trí nên quán sát sự vui thiền định của cõi trời Phi tưởng Phi phi tưởng, giống như sự khổ địa ngục, mà tất cả chúng sinh đều phải nhận chịu, nên sinh tâm Đại bi.

Thiện nam tử! (1) Trước khi đắc đạo, quán sát như thế, gọi là tâm Bi; nếu đã đắc đạo, thì gọi là tâm Đại bi. Vì sao? Lúc chưa đắc đạo, dù có quán sát, sự quán sát chỉ có giới hạn, chúng sinh cũng có giới hạn, cho nên gọi là tâm Bi; khi đã đắc đạo, sự quán sát cùng chúng sinh đều vô hạn, cho nên gọi là tâm Đại bi. (2) Hơn nữa, lúc chưa đắc đạo, tâm Bi vẫn còn bị lay chuyển, thế nên gọi là tâm Bi; khi đã đắc đạo, tâm Bi không còn bị lay chuyển, nên gọi là tâm Đại bi. (3) Khi chưa đắc đạo, không thể cứu vớt tất cả chúng sinh, nên gọi là tâm Bi; khi đã đắc đạo, có thể cứu vớt tất cả, nên gọi là tâm Đại bi. (4) Lúc chưa đắc đạo, tâm Bi chưa tương ưng với trí tuệ, nên gọi là tâm Bi; khi đã đắc đạo, tâm Bi tương ưng với trí tuệ, nên gọi là tâm Đại bi.

Thiện nam tử! Người trí tu tâm Đại bi, tuy chưa thể đoạn trừ khổ não cho chúng sinh, đã có vô lượng lợi ích.

Thiện nam tử! Sáu pháp Ba la mật đều lấy tâm Đại bi làm gốc.

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là Bồ tát xuất gia, hai là Bồ tát tại gia. Bồ tát xuất gia tu tập tâm Đại bi không khó, Bồ tát tại gia tu tập tâm Đại bi mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.

Thiện nam tử! Người tại gia nếu không tu tập tâm Đại bi, không thể đắc giới Ưu bà tắc. Sau khi tu tập tâm Đại bi, sẽ được đắc giới.

Thiện nam tử! Bậc xuất gia chỉ có thể tu trọn vẹn năm pháp Ba la mật, không thể tu trọn vẹn Bố thí Ba la mật. Người tại gia thì có thể tu tròn cả sáu pháp. Vì sao? Vì họ trong tất cả thời gian, có thể tu tập bố thí tất cả. Vì thế, người tại gia trước tiên phải tu tâm Đại bi. Nếu đã tu tập tâm Đại bi, người đó sẽ được đầy đủ trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí tuệ. Nếu tu tâm Đại bi, vật khó bố thí có thể bố thí, điều khó nhẫn nhịn có thể nhẫn nhịn, những việc khó làm đều có thể làm. Do đây biết rằng, tất cả các pháp lành, đều lấy tâm Đại bi làm gốc.

Thiện nam tử! Nếu có người tu tập tâm Đại bi như vậy, phải biết người ấy có thể phá tan nghiệp ác to như núi Tu di, không bao lâu sẽ chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Người ấy dù tu chút thiện, sẽ được quả lành như núi Tu di.



tải về 0.93 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương