Tại Gia Bồ Tát Giới Kinh (Ưu Bà Tắc Giới Kinh)


II. Địa vị của quyển kinh này trong Phật pháp



tải về 0.93 Mb.
trang3/24
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích0.93 Mb.
#12474
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24

II. Địa vị của quyển kinh này trong Phật pháp:


          Sự lưu hành của Phật điển, đại khái có thể chia làm ba tạng: kinh, luật, luận. Lại còn những trước tác của các bậc cổ đức được xếp vào tạp tạng, thành thử tổng cộng có bốn tạng. Quyển kinh Ưu Bà Tắc Giới này thuộc về kinh tạng. Chữ kinh, tiếng Phạn là Tu đa la, tức là sự kết tập tất cả những gì mà Đức Phật đã giảng nói, để lưu truyền tại thế gian. Quyển kinh này có địa vị nào trong các kinh điển của Phật giáo? Ở đây chún ta sẽ lần lượt phân tích.

          a. Ngũ thừa cộng pháp và Đại thừa bất cộng pháp: Phật pháp có thể chia làm ba loại: (i) Ngũ thừa cộng pháp, tức là pháp chung cho người, trời, Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Trong ngũ thừa cộng pháp này, trời người là cơ sở cho Tam thừa xuất thế kia. (ii) Tam thừa cộng pháp, tức là pháp chung cho sự thoát ly sinh tử luân hồi, tức là pháp Tứ đế của Thanh văn, pháp Thập nhị nhân duyên của Duyên giác, và pháp Lục độ của Bồ tát. (iii) Đại thừa bất cộng pháp, tức là pháp phát tâm Bồ đề, quảng độ chúng sanh, tu học lục độ vạn hạnh để thành Phật. Quyển kinh này, trong ba loại trên, vì có tên Ưu Bà Tắc Giới, nên có thể xếp vào Ngũ thừa cộng pháp; thế nhưng, vì giảng giải về phát Bồ đề tâm, tu học lục độ, quảng độ chúng sanh, cho nên lại có thể xếp vào Đại thừa bất cộng pháp. Chúng ta có thể cho rằng quyển kinh này, vừa là Ngũ thừa cộng pháp, vừa là Đại thừa bất cộng pháp. Bởi vì những kẻ thọ trì giới pháp của bộ kinh này, thì được gọi là Bồ tát ưu bà tắc.

        b. Trong ba phần cảnh, hành, quả, quyển kinh này đặc biệt chú trọng thực hành: Phần chủ yếu của quyển kinh này, trong ba phần cảnh, hành, quả, là thuyết minh về phần nào? Trong kinh điển của Phật giáo, nói rộng về phần tính tướng của các pháp, thì được gọi là cảnh; nói rộng về trì giới, tu hành lục độ, thì gọi là hành; còn nếu nói rộng về phần phước trí trang nghiêm, công đức của Phật, thì gọi là quả. Trong các kinh điển Phật giáo, hoặc có kinh chú trọng về cảnh, hoặc có kinh chú trọng về hành, hoặc chú trọng về quả, lại có kinh chú trọng đến hai, hoặc cả ba phần. Quyển kinh này chú trọng đến sự thọ trì giới hạnh, do đó trong ba phần cảnh hành quả, có thể nói quyển kinh này chú trọng về hành.

          c. Lấy giới ưu bà tắc làm trung tâm: Quyển kinh này giảng giải về giới ưu bà tắc, cho nên có thể nói là lấy giới ưu bà tắc làm trung tâm. Hai chữ ưu bà là dịch âm, dịch nghĩa là thanh tín, hoặc dịch là cận sự, hoậc dịch là thiện túc. Nói một cách tổng quát, tức là những đệ tử của Đức Phật, có lòng tin trong sạch, thân cận hộ trì Phật pháp. Chữ tắc, cũng là dịch âm, ý muốn chỉ nam tính. Quyển kinh nảy được giảng giải là do một vị nam cư sĩ chất vấn, nếu luận về tính chất, cũng có thể gọi là Ưu Bà Di Giới kinh; chữ di, là chỉ nữ tính. Bởi vì giới ưu bà tắc không phân biệt đối tượng là nam hay nữ. Quyển kinh này nói về Phật pháp, quan hệ đến tất cả pháp mà Đức Phật đã chứng đắc, thế nhưng lại dùng giới ưu bà tắc làm trung tâm điểm, cho nên phải dùng đây làm đầu mối để quán thông tất cả. Từ quan điểm này mà nhìn, chúng ta có thể nói:  từ phẩm Phát Tâm Bồ Đề cho đến phẩm thọ Giới, là nói rộng về sự thọ giới cho những kẻ có khả năng; từ phẩm Tịnh Giới cho đến phẩm Bát Nhã Ba La Mật, là nói về sự tu hành của kẻ đã thọ giới ưu bà tắc. Cho nên gọi là Ưu bà Tắc Giới Kinh.

          Lấy Bồ tát tại gia làm trung tâm: Kinh Ưu bà Tắc Giới, hay nhất nên gọi là Kinh Bồ tát tại gia. Chúng ta có thể thấy, như trong phẩm Tập Hội đã nói rõ: "Kẻ tại gia phát tâm Bồ đề, thù thắng hơn quả vị A la hán, Bích chi phật." Lại trong phần cuối của mỗi phẩm đều có đoạn: "Kẻ tại gia phát tâm Bồ đề, v.v... đều khó khăn hơn kẻ xuất gia." Quyển kinh này, tuy quán thông tất cả Phật pháp, thế nhưng, chung cuộc vẫn lấy Bồ tát tại gia làm trung tâm điểm. Trong kinh tán thán Bồ tát tại gia phát tâm Bồ đề, thì từ cõi trời Tứ Thiên Vương cho đến cõi trời A Ca Ni Trá, đều hoan hỷ vui mừng, tôn trọng [kẻ phát tâm] như bậc thầy của trời người. Trong kinh lại có nói: "Kẻ xuất gia không phải lo việc sinh kế, thọ dụng sự cúng dường của trời người, cho nên đối với pháp Bố thí ba la mật khó có thể thành tựu viên mãn." Do đó, kinh này được Bồ tát tại gia đặc biệt tôn sùng.

III. Mục đích giảng giải bộ kinh này:


a. Vì muốn kiến lập nhân gian Đại thừa Phật giáo: Trong phần sự quan hệ giữa Phật pháp và nhân sinh, chúng ta đã nói rõ giữa Phật giáo và nhân sinh có một ý nghĩa thâm thiết. Nếu như xét kỹ ý chỉ chân chánh của Phật pháp, thì bất cứ sự chứng đắc, hay tuyên dương giáo pháp nào, đều là Phật pháp Đại thừa. Cho nên muốn hoằng dương Phật pháp, nên dùng nhân loại thế gian mà hoằng dương Đại thừa Phật pháp. Hơn nữa, chỉ có nhân sinh là đang cần Đại thừa Phật pháp nhất, cho nên phải kiến lập nhân gian Đại thừa Phật giáo. Quyển kinh này có thể làm quy củ, mô phạm cho tất cả nam tử, nữ nhân đầy đủ thiện căn, tu hành thành tựu đạo Bồ tát tại gia. Nếu như mọi người y vào kinh này, phát tâm tu hành, lợi mình lợi người, thì nhân gian Đại thừa Phật giáo sẽ do đây mà được kiến lập, nhân loại trên thế giới cũng nhờ sự lợi ích của Đại thừa Phật pháp, mà được hưởng hạnh phúc của sự hòa bình an lạc.

          b. Vì muốn đề xướng sự tu hành thực tiển: Trong các người học Phật, do sự nỗ lực nghiên cứu, hoặc có kẻ trở thành một học giả của một tông phái, hoặc có kẻ trở thành một bác học Phật giáo. Tuy đây cũng là sự kiện mà Phật giáo đang cần, thế nhưng tông chỉ của Phật pháp, xưa nay vẫn là sự tu hành thành Vô thượng giác, chứng thực thấu triệt tính tướng của các pháp, rồi từ đó khai thị tính tướng của các pháp, dẫn đạo kẻ khác tu hành thực tiển, hy vọng những kẻ khác cũng sẽ chứng thực thấu triệt tính tướng của các pháp mà thành Vô thượng giác. Vì thế các pháp mà Đức Phật giảng nói đều là chú trọng đến sự thực tiển tu hành. Như trong phẩm Tập Hội đã giảng rõ: "Thể tính của Bồ tát không phải đã tự sẳn có, cũng không phải nương vào Đức Phật mới có, mà là do nhân duyên phải tâm tu hành mới có." Đây là điểm nhấn mạnh đến sự thực hành rất đặc sắc của quyển kinh này. Hôm nay vì muốn đề xướng những người phát tâm học Phật nên thực tiển tu hành, cho nên chọn quyển kinh này để giảng giải.

          Từ căn bản giới học bắt đầu tu lên: Bồ tát chia làm hai hạng, một là tại gia, hai là xuất gia. Số người xuất gia rất ít, còn số người tại gia thì rất đông. Quyển kinh này là y vào kẻ tại gia mà phát huy sự cần thiết của giới học, cho nên đây là điều có thể phổ cập đến nhân loại một các hay nhất. Thế nhưng trong tam học giới định tuệ, trước tiên nên lấy giới học làm căn bản để tu tập, nghĩa là do giới sinh định, y vào định phát tuệ. Giới là căn bản của định tuệ. Sau khi sinh định, thì giới sẽ tương ưng với định mà trở thành định cộng giới; sau khi phát tuệ, thì giới lại tương ưng với tuệ mà trở thành đạo cộng giới. Giới có thể sinh định, là do sau khi đầy đủ giới hạnh, lý đắc tâm an, trong tâm thường sinh hoan hỷ an lạc, do an lạc mà tâm định, y vào định thể nghiệm quan sát nên phát sanh trí tuệ, tức là vô lậu thánh trí. Do đó, tu học Phật pháp phải lấy giới học làm căn bản mà tu lên.

          c. Vì muốn từ pháp lục độ phổ thông mà tu tập: Người Tàu có thói quen là muốn nhảy vượt, mà không muốn bị trói buộc vào một trình tự nào hết, hơn nữa, lại ít quan tâm đến sự thực hành bằng con đường phổ thông bình dị. Những người học Phật ưa thích chọn một bộ kinh để nghiên cứu, hay chọn một tông phái nào đó để tu tập, rồi lại tự cho mình là cao hơn tất cả, đối với các bộ kinh khác, hoặc các tông phái khác, thường sinh khởi sự tranh biện thị phi. Quyển kinh này, trong phẩm Lục Ba La Mật, có giảng rõ là chúng ta nên tu phá lục độ, là phương pháp phổ thông mà các vị Bồ tát thường tu. Hơn nữa, lạc còn phá xích những quan niệm sai lệch khác, như có người cho rằng không nhất định có pháp lục độ, hay cho rằng lục độ có thể hợp thành tứ độ, hoặc lục độ hợp thành nhất độ, v.v... Đại khái mà nói, trên phương diện đàm huyền thuyết diệu, thì mọi sự mọi vật đều có thể viên dung, một tức là tất cả, tất cả tức là một, một độ có thể thống nhiếp tất cả độ, tất cả độ có thể nhiếp vào một độ. Thế nhưng trên căn bản, trước tiên phải thành lập tướng đặc thù của mỗi độ, rồi sau đó mới có thể thể hội cái lý tưởng tương nhiếp tương dung. Thế nên, phải từ phương diện sáu độ mà tu tập, thì mới có thể tiến bước trên con đường rộng rãi bằng phẳng, từ địa vị phàm phu, tiến qua các giai vị Bồ tát mà thành Phật.



          Phần trên chúng ta trình bày sơ lược về quan điểm của ngài Thái Hư khi ngài giảng bộ kinh này tại Nam Kinh vào năm 1935. Từ những nhận xét mà ngài đã đưa ra, chúng ta có thể xác định được địa vị xứng đáng của bộ kinh này. Nhất là trong thời buổi hiện tại, khi mà thế lực của tăng đoàn càng lúc càng suy vi, và vai trò của người Phật tử tại gia càng lúc càng trở nên trọng yếu. Quyển kinh này có thể nói là cẩm nang, là quyển sách gối đầu cho người tại gia phát tâm học tập Bồ tát đạo. Bối cảnh của bộ kinh này rất bình dị, rất thực tế, không phải như những bộ Bồ tát giới khác. Chẳng hạn như bộ Phạm Võng Bồ Tát Giới là do Đức Lô Xá Na giảng cho các vị Đại Bồ tát trên cõi trời A Ca Ni Trá, hoặc là bộ Du Già Bồ Tát Giới là do Bồ tát Di Lặc giảng cho ngài Vô Trước trên cung trời Đâu Suất, hoặc như bộ Bồ Tát Thiện Giới Kinh là do Đức Thích Ca giảng cho các vị Đại Bồ tát tại Kỳ Viên Tinh Xá. Chỉ riêng bộ Ưu Bà Tắc giới này là Đức Phật giảng cho một vị cư sĩ tại gia, khi vị này bày tỏ thắc mắc về ý nghĩa của sự lễ lạy sáu phương theo phong tục Bà la môn. Đối tượng đã là người phàm, thì dĩ nhiên con đường mà Đức Như Lai vạch ra cho sự tu hành Bồ tát đạo cũng phải thực tế, có thể thực hiện được. Đây không phải là cảnh giới của những kẻ siêu phàm, mà chỉ là cảnh giới của những kẻ bằng xương bằng thịt như chúng ta. Thế nên, muốn tu Bồ tát hạnh, học Bồ tát đạo, chúng ta những kẻ học Phật sơ cơ, không cần phải bước vào những cảnh giới mênh mông huyền diệu của Đồng tử Thiện Tài trong kinh Hoa Nghiêm, hoặc đòi hỏi phải có những năng lực siêu nhiên như trưởng giả Duy Ma Cật trong kinh Duy Ma Cật, mà chỉ cần chúng ta có một ý hướng, một lòng tin nhiệt thành đối với Tam Bảo, một nghị lực vững chải, và điều quan trọng hơn hết là phải biết rõ mục tiêu mà mình muốn tìm đến. Lòng tin là bước đầu quan trọng hơn hết trong việc học Phật. Kinh Hoa Nghiêm có câu: “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu”, lòng tin là cội nguồn của đạo, là mẹ của tất cả công đức. Lòng tin ở đây không phải như lòng tin mà ngoại đạo đã đề xướng, mà là như đã nói ở phần trên, chữ tin ở đây là sự tin sâu lý nhơn quả. Ngay trong phẩm đầu tiên là phẩm Tập hội, Đức Thế Tôn đã đả phá thuyết tự nhiên và thuyết vô nhân của ngoại đạo, đưa tất cả về thuyết duyên sinh. Sau khi chúng ta thấu rõ thuyết duyên sinh: “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không”, từ đây sẽ thấu rõ các pháp là không có tự tính, là vô ngã, là khổ. Mình đã như thế, thì kẻ khác cũng sẽ như thế. Từ sự thể ngộ như vậy, chúng ta sẽ phát khởi tâm từ bi, nguyện mình và chúng sinh đều sẽ được thoát khỏi sự vô thường, khổ não này, và do đây mà phát tâm Bồ đề, nguyện độ chính mình và tất cả chúng sanh đều thành Phật đạo.  

[1] Tám tướng: Có hai thuyết chính là: (a) Giáng sinh, nhập thai, trụ thai, xuất thai, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập Niết bàn. (b) Giáng sinh, nhập thai, xuất thai, xuất gia, hàng ma, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập Niết bàn.



tải về 0.93 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương