Tại Gia Bồ Tát Giới Kinh (Ưu Bà Tắc Giới Kinh)


Phẩm Hai Mươi Lăm - Nhẫn Nhục Ba La Mật



tải về 0.93 Mb.
trang24/24
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích0.93 Mb.
#12474
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24

Phẩm Hai Mươi Lăm - Nhẫn Nhục Ba La Mật


 

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Đức Phật trước đây đã nói về pháp Bố thí và Trì giới Ba la mật. Bồ tát làm thế nào để tu Nhẫn nhục Ba la mật?

Đức Phật nói: “Thiện nam tử! Nhẫn nhục có hai loại: (1) nhẫn nhục thế gian, (2) nhẫn nhục xuất thế gian.

Nếu như có thể nhẫn chịu sự đói khát, lạnh nóng, khổ vui, đây gọi là nhẫn nhục thế gian. Nếu như có thể nhẫn thọ: tín, giới, thí, nghe pháp, trí huệ, chánh kiến không sai lầm, nhẫn thọ Phật, pháp, tăng, nhẫn thọ sự nhục mạ, đánh đập, chửi rủa, việc ác, tham, sân, si, v.v..., tất cả đều có thể nhẫn thọ. Có thể nhẫn những việc khó nhẫn, có thể làm những việc khó làm, đây gọi là nhẫn nhục xuất thế gian.

Thiện nam tử! Bồ tát nếu gặp người khác đánh mắng, khinh miệt, hủy nhục, chửi rủa, lúc ấy, trong lòng không khởi tâm niệm báo thù. Bồ tát thực hành hạnh nhẫn nhục, không cầu quả báo hiện đời, mà cầu sự lợi ích đời vị lai. Nếu được đối xử tốt đẹp, Bồ tát tìm cách báo đáp. Nếu ai làm hại, Bồ tát cam tâm nhẫn chịu.

Thiện nam tử! Có nhẫn nhục mà không phải Ba la mật, có Ba la mật mà không phải nhẫn nhục, có nhẫn nhục mà vừa là Ba la mật, có vừa không phải nhẫn nhục vừa không phải Ba la mật.

Nhẫn nhục mà không phải Ba la mật, chẳng hạn như sự nhẫn nhục của thế gian, của Thanh văn, Duyên giác; Ba la mật mà không phải nhẫn nhục, chẳng hạn như Thiền Ba la mật; nhẫn nhục mà vừa là Ba la mật, chẳng hạn như bị kẻ khác chặt tay chân, móc mắt, chặt đầu, mà vẫn không khởi một niệm sân hận, hoặc là Bố thí Ba la mật, Trì giới Ba la mật và Bát nhã Ba la mật; vừa không phải nhẫn nhục vừa không phải Ba la mật, chẳng hạn như sự trì giới, bố thí của hàng Thanh văn, Duyên giác.

Thiện nam tử! Nếu muốn tu nhẫn nhục, trước tiên phải diệt trừ tâm kiêu mạn, tâm sân hận, tâm si mê, không chấp tướng ngã, ngã sở, và tướng thường hằng của chủng tính. Nếu có thể quán sát như vậy, nên biết người đó có thể tu nhẫn nhục. Tu tập nhẫn nhục như vậy, tâm sẽ vui mừng. Người trí khi bị chửi rủa ác độc, nên nghĩ như vầy: “Những lời chửi rủa đó, không phải phát ra cùng một lúc. Lúc lời chửi trước được phát ra, lời chửi sau chưa có; lúc lời chửi sau được phát ra, lời chửi trước đã không còn. Nếu như những lời chửi rủa không hiện hữu cùng lúc, như vậy sự chửi rủa là vật gì? Chỉ là tiếng gió, tại sao ta phải giận dữ? Thân hiện nay của ta chỉ là sự hòa hợp của ngũ ấm. Bốn ấm kia không thấy được, không thể chửi rủa chúng được. Còn sắc ấm do mười phần hòa hợp mà thành. Nhưng sự hòa hợp này, niệm niệm đều khác nhau. Nếu có sự khác biệt, ai là người bị chửi rủa? Hơn nữa, sự nhục mạ đó, chỉ là tiếng gió. Gió có hai loại: (1) ở ngoài, (2) ở trong. Đối với tiếng gió ở ngoài, ta đều không sinh tâm giận dữ, tại sao ta lại sinh tâm giận dữ với tiếng gió ở trong? Lời chửi rủa thế gian cũng có hai loại, một là đúng sự thực, hai là không đúng sự thực. Nếu như đúng sự thực, thì còn sân nỗi gì? Còn nếu không đúng sự thực, người chửi rủa sẽ bị người khác quở trách, đâu can dự gì đến ta, mà ta phải giận dữ. Nếu ta giận dữ, đó là tự làm ác. Vì sao? Vì giận dữ mà đọa lạc ba đường ác. Nếu như ta phải chịu khổ trong ba đường ác, tức là tự làm tự chịu khổ báo, cho nên nói tất cả thiện ác đều do thân mình tạo ra.

Thiện nam tử! Có năm điều kiện để tu nhẫn nhục: (1) không trả thù người làm ác đối với mình, (2) quán sát sự vô thường, (3) tu tập từ bi, (4) tâm không buông lung, (5) đoạn trừ tâm giận dữ.

Thiện nam tử! Người nào thành tựu năm điều kiện này, nên biết người đó có thể tu hạnh nhẫn nhục. Người nào ăn nói nhỏ nhẹ, làm thanh tịnh nghiệp thân và miệng, ôn hòa nhã nhặn, hỏi han chào đón, có thể quán sát tất cả nhân duyên khổ vui, nên biết người ấy có thể tu hạnh nhẫn nhục.

Người nào có thể tu “không tam muội”, quán sát chúng sinh đều là vô thường, nhận chịu sự khổ não, v.v..., lúc bị nhục mạ, có thể quán người nhục mạ giống như người cuồng, người si, trẻ con, đần độn, nên biết người đó có thể tu hạnh nhẫn nhục.

Người trí nên quán sát rằng nếu người hơn ta chửi rủa, ta không nên giận dữ. Vì sao? Vì nếu ta sân, người đó có thể giết ta. Nếu người thua ta chửi rủa, ta cũng không nên báo thù. Vì sao? Không phải là người ngang hàng, nếu như báo thù, chỉ là tự làm nhục mình.

Ví như có người trao thuốc độc cho người khác, không ai trách hắn, nếu như hắn tự uống thuốc độc, ắt sẽ có người cười chê. Ta cũng như vậy. Nếu như giận dỗi người chửi rủa, ta sẽ chịu khổ não trong đời vị lai, tất cả hiền thánh sẽ quở trách ta. Do nhân duyên này, thân ta dù bị cắt xẻ từng phần, cũng không nên sinh lòng giận dữ. Phải nên quán sát sâu xa nhân duyên của nghiệp đời quá khứ, nên tu từ bi thương xót tất cả. Nếu như không thể nhẫn chịu việc nhỏ, ta làm sao có thể điều phục chúng sinh. Nhẫn nhục là chánh nhân của Bồ đề. A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, tức là quả của sự nhẫn nhục. Nếu ta không trồng hạt giống nhẫn nhục như vậy, làm sao có thể thu hoạch chánh quả.

Thiện nam tử! Nếu như người trí ưa tu nhẫn nhục, người ấy thường được dáng điệu ôn hòa, tính tình vui vẻ, mọi người thấy mặt đều hoan hỷ, chiêm ngưỡng không chán; đối với người chịu giáo hóa, tâm không tham đắm. Người trí thấy kẻ oán thù đến gây sự, nên phát nguyện như sau: “Nguyện cho người oán thù này, trong đời vị lai sẽ thành cha mẹ, anh em, thân thuộc của ta, không còn giận ghét, oán hờn ta nữa. Những người thân hình tàn khuyết, diện mạo xấu xa, các giác quan không đầy đủ, thiếu thốn của cải, nên biết đều từ nhân duyên giận dữ mà bị quả báo, hiện nay sao ta lại không chịu tu nhẫn nhục.” Do nhân duyên này, người trí phải nên siêng tu hạnh nhẫn nhục.

Thiện nam tử! Lúc Bồ tát Ma ha tát tu hạnh nhẫn nhục, thường hay quán sát tội lỗi của sinh tử, ưa tu pháp hạnh, siêng năng đọc tụng, biên chép kinh điển của Như Lai, cúng dường sư trưởng cùng những bậc đức hạnh, chăm sóc người bệnh khổ, tu tập hạnh từ bi, thương xót tất cả chúng sinh, giúp người khác thoát ly khổ não. Thường ưa xuất gia, nhẫn đến trọn đời trì giới, tinh tiến, thu nhiếp sáu căn, không cho phát khởi nhân duyên phiền não, chẳng thà mất thân mạng, quyết không phá giới. Ưa lo lắng công việc cho người khác, thường có lòng hổ thẹn, ưa khen ngợi sự nhẫn nhục. Vì muốn điều phục chúng sinh, nên nhẫn chịu nhiều sự khổ sở; đối với kẻ oán còn có thể nhẫn nhịn, huống là người thân. Có thể nhẫn hai loại giận: một là giận loài hữu tình, hai là giận loài vô tình. Hy sinh sự vui của mình, để mọi người khác được vui. Không tưởng nghĩ đến người đem nhiều khổ đau đến cho mình, mà thường hay tưởng nghĩ đến người đem an vui cho mình dù rất ít. Xa lìa lời đâm thọc, không bao giờ nói khuyết điểm của người khác. Chỉ khuyên nhắc mọi người xa lìa phiền não, không bao giờ nói những điều mà người khác không thích nghe. Thanh tịnh các nghiệp thân khẩu ý, dứt trừ tất cả tội chướng. Nếu vì nhân duyên phiền não mà tạo tội, liền sinh lòng hổ thẹn, hối hận.

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia tu hạnh nhẫn nhục, điều này không khó. Bồ tát tại gia tu hạnh nhẫn nhục, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.



Phẩm Hai Mươi Sáu - Tinh Tiến Ba La Mật


 

Thiện Sinh bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Nhân chiùnh để tu hạnh sáu Ba la mật của bậc Đại Bồ tát là gì?”

- Thiện nam tử! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, chuyên tâm cần mẫn trừ diệt điều ác đã sinh, ngăn chặn điều ác chưa sinh, điều thiện chưa sinh làm cho sinh, điều thiện đã sinh làm cho tăng trưởng. Đây gọi là tinh tiến. Sự tinh tiến như vậy là nhân chính của sự tu hành Lục độ.

Sự tinh tiến như vậy, có thể làm cho hành giả thoát ly mọi cảnh giới phiền não.

Thiện nam tử! Nếu như có thể nhẫn thọ sự khổ ở ba đường ác, nên biết người đó thực sự có thể tu tập Tinh tiến Ba la mật, bình đẳng tu tập, không gấp rút, không hoãn đãi. Tinh tiến có hai loại: (1) chánh, (2) tà. Bồ tát sau khi xa lìa tà tinh tiến, tu tập chánh tinh tiến. Tu tập tín, thí, giới, văn tuệ, từ bi, gọi là chánh tinh tiến; thường chí tâm tu tập, mỗi ngày ba thời tâm không hối tiếc, đối với việc tu pháp lành, không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Tất cả sự học hỏi pháp thế gian và xuất thế gian đều gọi là tinh tiến. Bồ tát tuy không còn tham tiếc thân mệnh, nhưng vì muốn hộ trì Chánh pháp, thành thử phải trân trọng bảo hộ thân mệnh của mình.

Thường tu bốn uy nghi đúng như pháp, lúc tu pháp lành tâm không lười nghỉ. Dù mất thân mạng, cũng không đi ngược với Chánh pháp. Sự thành tựu của sáu Ba la mật đều do nhân duyên tinh tiến. Nếu tự mình đọc tụng, biên chép, suy ngẫm nghĩa lý của mười hai phần giáo, đây gọi là tự mình vì pháp mà siêng cần tu tập; nếu có thể đem những sự việc này, giáo hóa điều phục chúng sinh, đây gọi là vì người mà siêng cần tu tập.

Nếu vì giác ngộ mà tu tập đạo Bồ đề, bố thí, trì giới, đa văn, trí tuệ, tu học pháp thế gian, cúng dường cha mẹ, sư trưởng, những bậc đức hạnh, tu pháp xa ma tha, tỳ bà xá na, đọc tụng, biên chép mười hai phần giáo, lại có thể xa lìa tham lam, giận dữ, ngu si, v.v..., đây gọi là vì đạo Bồ đề mà siêng cần tinh tiến. Đây đều gọi là chánh tinh tiến, gọi là chánh nhân của sáu Ba la mật.

Thiện nam tử! Những người lười biếng, không thể trong một lúc bố thí tất cả, không thể trì giới, siêng cần tinh tiến, nhiếp tâm an định, nhẫn nhục việc ác, phân biệt thiện ác. Cho nên ta nói thành tựu sáu Ba la mật là do bởi sự tinh tiến.

Thiện nam tử! Có tinh tiến mà không phải Ba la mật, có Ba la mật mà không phải tinh tiến, có tinh tiến mà là Ba la mật, có vừa không tinh tiến vừa không phải Ba la mật.

Tinh tiến mà không phải Ba la mật, chẳng hạn như tà tinh tiến, tinh tiến làm việc thiện thế gian, tinh tiến của Thanh văn, Duyên giác; Ba la mật mà không phải tinh tiến, chẳng hạn như Bát nhã Ba la mật; có tinh tiến vừa là Ba la mật, chẳng hạn như năm Ba la mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định; vừa không phải tinh tiến vừa không phải Ba la mật, chẳng hạn như sự bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ và tất cả việc thiện của tất cả phàm phu, Thanh văn, Duyên giác.

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng:  một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia tu tập tinh tiến, điều này không khó. Bồ tát tại gia tu tập tinh tiến, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.

Phẩm Hai Mươi Bảy - Thiền Ba La Mật


 

Thiện Sinh bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Bồ tát tu tập Thiền định Ba la mật như thế nào?”

- Thiện nam tử! Thiền định tức là giới, từ, bi, hỷ, xả, xa lìa kiết phược, tu tập pháp lành, đây gọi là thiền định.

Thiện nam tử! Nếu không có thiền định, ngay việc thế gian còn không thành tựu, huống hồ là việc xuất thế gian? Cho nên các ông phải hết lòng tu tập.

Bồ tát muốn thành tựu thiền Ba la mật, trước tiên phải nên gần gũi chân thực thiện tri thức, tu tập các phương tiện để thành tựu tam muội, đó là giới giới, giới nhiếp các căn, dứt các tà mệnh, sống đúng như pháp. Tùy thuận lời dạy của sư trưởng, tu các pháp lành, tâm không nhàm chán; lúc tu pháp lành, tâm không ngừng nghỉ. Thường ưa chỗ vắng lặng, xa lìa ngũ cái, tâm ưa suy ngẫm, quán lỗi lầm của sinh tử. Thường hết lòng tu tập pháp lành, không hề bỏ phế, đầy đủ chánh niệm, đoạn trừ những sự buông lung. Lời nói cẩn thận, giảm bớt sự ngủ nghỉ, ăn uống. Thân tâm thanh tịnh, không gần bạn xấu, không tới lui với người ác, không ưa việc đời. Biết thời, biết pháp, biết rõ tự thân. Quán sát tâm lý, hoặc vui, buồn, giận, nhu nhược, cố chấp. Biết rồi, có thể trừ diệt. Giống như người thợ bạc, khéo biết sự nguội nóng, không làm hư hoại. Ưa thích mùi vị cam lộ; dù ở trong pháp thế gian, thâm tâm không dao động, giống như núi Tu di, không bị bốn luồng gió làm cho khuynh động. Chánh niệm vững vàng, biết rõ lỗi lầm của pháp hữu vi. Nếu như ưa tam muội như vậy, không ngừng không nghỉ, nên biết người ấy có thể chứng đắc thiền định, ví như cọ cây lấy lửa, nếu cọ không ngừng, sẽ dễ bắt lửa.

Thiện nam tử! Nếu không tu tam muội, mà muốn được pháp thế gian cùng pháp Bồ đề xuất thế gian, ắt là vô lý.

Thiện nam tử! Tất cả tam muội, đều là căn bổn của tất cả pháp lành, do nhân duyên này, cần phải nhiếp tâm. Giống như người cầm kính, ắt thấy tất cả những việc thiện ác, cho nên tam muội được gọi là sự trang nghiêm của Bồ đề.

Thân tâm được an lạc, gọi là tam muội; không tăng không giảm, gọi là đẳng tam muội. Từ lúc bắt đầu quán tướng xương, nhẫn đến khi đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, đều gọi là tam muội.

Tam muội này có bốn loại: (1) từ sự ham muốn, (2) từ sự tinh tiến, (3) từ tâm niệm, (4) từ trí tuệ. Do bốn duyên này, được vô lượng phước, tăng trưởng tất cả thiện pháp.

Lại có ba loại: (1) từ sự nghe pháp, (2) từ sự tư duy, (3) từ sự tu tập. Tu pháp này, từ từ phát sinh thiền định.

Lại có ba thời: (1) lúc sinh khởi, (2) lúc an trụ, (3) lúc tăng trưởng.

Thiện nam tử! Trong cõi dục giới, có chủng tử tam muội; do nhân duyên chủng tử, được ba loại Bồ đề. Ba loại tam muội này có thể thoái thất, an trụ, hoặc tăng trưởng. Nếu ở cõi Tứ thiền, thể tính của tam muội ắt sẽ kiên cố. Nếu theo thứ lớp, từ cõi Sơ thiền lên đến cõi Phi tưởng phi phi tưởng, thì cõi trên thù thắng hơn cõi dưới.

Trong căn bản thiền thì có sự hỷ lạc, còn trong trung gian thiền thì không có. Sáu pháp thần thông cũng thế, ở trong căn bản thiền chứ không ở chỗ khác. Tam muội đó gọi là Bồ đề trang nghiêm. Do tam muội này mà được các giai vị Học và Vô học, bốn Vô lượng tâm, ba giải thoát môn, lợi mình lợi người, vô lượng thần túc thông, tha tâm thông, có thể điều phục chúng sinh, vô lượng trí tuệ, ngũ trí tam muội, chuyển hóa độn căn thành lợi căn, đoạn trừ tất cả sinh lão bệnh tử, có thể thành tựu Nhất thiết chủng trí, thấy tất cả pháp tánh, giống như nhìn qua lớp lụa mỏng.

Thiện nam tử! Người trí nên quán sát như sau: “Tất cả phiền não đều là oán thù lớn của ta. Vì sao? Vì phiền não có thể phá hoại tất cả, cho nên ta phải tu tập tâm từ bi, vì muốn lợi ích cho tất cả chúng sinh, và vì muốn được vô lượng pháp lành thanh tịnh.”

Nếu có người nói: “Lìa tâm từ bi vẫn có thể được pháp lành.” Đây là điều phi lý. Lòng từ bi có thể đoạn trừ pháp bất thiện, làm cho chúng sinh lìa khổ được vui, hủy diệt cõi dục. Lòng từ nếu duyên với cõi dục, thì gọi là lòng từ của cõi dục.

Thiện nam tử! Người nào có thể tu tập tâm từ, người ấy sẽ được vô lượng công đức. Lúc tu tâm từ, nếu có thể trước tiên đem sự an vui đến cho kẻ oán thù, đây gọi là tu tập tâm từ.

Thiện nam tử! Tất cả chúng sinh có thể chia làm ba loại: (1) kẻ oán thù, (2) người thân thích, (3) người không thân không thù. Ba loại như vậy gọi là cảnh duyên của tâm từ. Người tu tập tâm từ, trước tiên nên bắt đầu từ những người thân thích, muốn làm cho họ thọ hưởng sự an lạc, sau khi thành tựu điều này, kế đó mới đến kẻ oán thù.

Thiện nam tử! Sự sinh khởi của tâm từ, có khi nhân trì giới mà phát sanh, có khi nhân bố thí mà phát sanh. Nếu như có thể quán sát kẻ oán thù như đứa con của mình, đây gọi là chứng được tâm từ.

Thiện nam tử! Tâm từ chỉ có thể đoái hoài, mà không thể cứu khổ. Tâm bi thì không thế, vừa đoái hoài vừa cứu khổ.

Thiện nam tử! Nếu người nào có thể quán sát việc lành, dù nhỏ mảy may, của kẻ oán thù, không thấy việc ác của họ, nên biết người ấy đang tu tập tâm từ. Giả như có người, kẻ oán thù mắc phải bệnh khổ, mà có thể đến thăm hỏi, chăm sóc, cung cấp những vật cần dùng, nên biết người đó khéo tu tập tâm từ.

Thiện nam tử! Nếu có thể tu hành nhẫn nhục, nên biết đó là nhân duyên tu tâm từ. Tâm từ là nhân duyên của tất cả mọi sự an lạc. Người nào có thể tu tập tâm từ, nên biết người đó có thể diệt trừ tất cả nhân duyên của sự kiêu mạn, có thể thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí huệ, như pháp tu hành.

Nếu có người tu định, nên biết người ấy đang tu tập phước đức của Phạm thiên, vì được thân Phạm thiên, nên được gọi là phước đức Phạm thiên. Nếu có người quán sát tội lỗi của sinh tử, công đức của Niết bàn, thì dù bàn chân người ấy có dẫm phẩn uế, cũng phải nên đội đầu cung kính. Người ấy có thể nhẫn được những việc khó nhẫn, làm được những việc khó làm, có thể tu tứ thiền, tứ không định, cùng pháp bát giải thoát.

Lại nên nghĩ như vầy: “Tất cả chúng sinh tạo ác nghiệp thân khẩu ý, trong đời vị lai sẽ thọ quả báo khổ, ta nguyện nhận chịu tất cả. Còn nếu ta có tạo được quả báo lành nào, nguyện cho tất cả chúng sinh sẽ được cùng ta hưởng thọ.” Lòng từ bi đó, nếu cảnh duyên rộng lớn, thì sẽ rộng lớn, còn nếu cảnh duyên nhỏ hẹp, thì sẽ nhỏ hẹp. Từ bi có ba loại: thượng, trung, hạ. Lại có ba loại: (1) duyên với người thân, (2) duyên với kẻ thù, (3) duyên với người không thân không thù. Lại có ba loại: (1) duyên với tâm tham, (2) duyên với chúng hữu tình, (3) duyên với chúng vô tình. Những cảnh duyên như thế, đều gọi là tam muội. Các tâm bi, hỷ, xả, cũng giống như vậy.

Thiện nam tử! Có thiền định mà không phải Ba la mật, có Ba la mật mà không phải thiền định, có thiền định vừa là Ba la mật, có vừa không phải thiền định vừa không phải Ba la mật.

Thiền định không phải Ba la mật, chẳng hạn như thiền định của thế tục, Thanh văn, Duyên giác; Ba la mật không phải thiền định, chẳng hạn như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến; thiền định vừa là Ba la mật, chẳng hạn như Kim cương tam muội; vừa không phải thiền định vừa không phải Ba la mật, chẳng hạn như các thiện pháp phát sinh từ văn, tư của tất cả chúng sinh, cùng Thanh văn, Duyên giác.

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia tu tập thiền định thanh tịnh, điều này không khó. Bồ tát tại gia tu tập thiền định thanh tịnh, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.



Phẩm Hai Mươi Tám - Bát Nhã Ba La Mật 


Thiện Sinh bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Bồ tát tu Bát nhã Ba la mật thanh tịnh như thế nào?”

Thiện nam tử! Nếu có Bồ tát trì giới, tinh tiến, đa văn, chánh niệm, tu hạnh nhẫn nhục, thương xót chúng sinh, tâm thường hổ thẹn, xa lìa sự đố kỵ, chân thực biết rõ các phương tiện lành, vì chúng sinh chịu khổ mà không hối tiếc, thoát lui, ưa làm việc bố thí, có thể điều phục chúng sinh, khéo biết chỗ phạm tội là nặng hay nhẹ, siêng năng khuyên nhắc chúng sinh làm việc phước thiện, biết chữ biết nghĩa, tâm không kiêu mạn, gần gũi bạn lành, có thể làm lợi ích cho mình và người; cung kính Tam Bảo, sư trưởng, hòa thượng, các bậc trưởng lão đức hạnh, đối với thân tu tập Bồ đề, không khởi tâm khinh rẻ, có thể quán sát công đức thâm diệu của Bồ đề; biết rõ tướng thiện ác, biết tất cả thanh luận của thế gian và xuất thế gian, biết rõ nhân quả, biết phương tiện đầu tiên và căn bản, nên biết người ấy có thể được trí tuệ.

Trí tuệ có ba loại: (1) từ văn phát sinh, (2) từ tư phát sinh, (3) từ tu phát sinh. Từ văn tự mà hiểu nghĩa, gọi là từ văn phát sinh; từ sự suy ngẫm mà hiểu nghĩa, gọi là từ tư phát sinh; từ sự tu tập mà hiểu nghĩa, gọi là từ tu phát sinh.

Có thể đọc tụng mười hai phần giáo của Như Lai, phá trừ lưới nghi, đọc tụng tất cả thế luận, thế sự, khéo léo phân biệt nẽo tà nẽo chánh, đây gọi là trí tuệ.

Có thể phân biệt mười hai phần giáo, nhân quả, chữ nghĩa của ấm, nhập, giới, v.v..., tướng của tỳ bà xá na, xa ma tha, thiện, ác, vô ký và tứ điên đảo, kiến đạo, tu đạo, có thể khéo léo phân biệt những sự việc như vậy, gọi là trí tuệ.

Thiện nam tử! Người trí muốn chứng đắc thập lực, tứ vô sở úy, đại bi, tam niệm xứ, phải thường gần gũi Đức Phật và đệ tử của Ngài. Trong đời không có Phật pháp, thường theo ngoại đạo xuất gia tu học, tuy theo tà đạo, thường cầu Chánh pháp; thường tu tập từ, bi, hỷ, xả và pháp ngũ thông. Sau khi chứng được ngũ thông, quán sát bất tịnh và sự vô thường; có thể nói rõ tội lỗi của pháp hữu vi. Vì chánh ngữ, dạy chư chúng sinh học tập thanh luận. Có thể làm cho chúng sinh xa lìa bệnh khổ của thân tâm, ưa đem việc đời dạy dỗ người khác; thành tựu sự nghiệp không ai hơn được, chẳng hạn, chú thuật, các loại thuốc thang, khéo làm ra tiền của, biết cách giữ gìn, tiêu dùng đúng chỗ, như pháp bố thí. Tuy hiểu biết tất cả, không sinh lòng kiêu mạn, được công đức lớn, vẫn không tự mãn; có thể dạy dỗ chúng sinh chánh tín, bố thí, trì giới, đa văn, trí tuệ. Biết rõ phương tiện là thiện, ác hoặc vô ký, khéo biết nhân duyên học hành thứ lớp; biết rõ đạo Bồ đề và sự trang nghiêm Bồ đề; biết rõ căn cơ thượng, trung, hạ của chúng sinh. Biết thanh luận thế gian, tâm không đắm nhiễm; biết rõ chúng sinh, tùy căn cơ mà điều phục; biết rõ thế gian hữu tình và vô tình, biết từ đâu đầy đủ sáu Ba la mật.

Thiện nam tử! Có trí tuệ không phải Ba la mật, có Ba la mật không phải trí tuệ, có trí tuệ vừa là Ba la mật, có vừa không phải trí tuệ vừa không phải Ba la mật.

Trí tuệ không phải Ba la mật, chẳng hạn tất cả trí tuệ của thế gian, trí tuệ của Thanh văn, Duyên giác. Ba la mật không phải trí tuệ, không có nghĩa này. Trí tuệ vừa là Ba la mật, tức là tất cả sáu Ba la mật. Vừa không phải trí tuệ vừa không phải Ba la mật, chẳng hạn như sự bố thí, trì giới, tinh tiến của hàng Thanh văn, Duyên giác.

Thiện nam tử! Nếu có người siêng năng tu tập sáu Ba la mật, thì đó là người cúng dường sáu phương, có thể tăng trưởng tài sản và thọ mạng.

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia tu tập trí tuệ thanh tịnh, điều này không khó. Bồ tát tại gia tu tập trí tuệ thanh tịnh, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.



Lúc nói pháp ấy, một ngàn vị ưu bà tắc, trưởng giả Thiện Sinh, v.v..., phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Sau khi phát tâm, từ chỗ ngồi đứng dậy, kính lễ Đức Phật, rồi trở về bổn xứ.

Hết

tải về 0.93 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương