Thánh Kinh và Huấn Luyện Lãnh Đạo Muối Đất Mở Rộng LÃnh đẠo theo phong cách thánh phao-lô Giêrônimô Nguyễn Văn Nội



tải về 1.33 Mb.
trang18/20
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.33 Mb.
#8020
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   20

BÀI ĐỌC THÊM XIII
Bài Giáo Lý mới X của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô: Thần Học về Thập Giá của Thánh Phaolô
Dưới đây là bản dịch bài Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô về Thánh Phaolô trong buổi triều yết chung tại Quảng Trưởng Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Thánh Phaolô.

****


Anh chị em thân mến,

Trong kinh nghiệm cá nhân của Thánh Phaolô, có một sự kiện không thể nào chối cãi được: lúc ban đầu ngài là một người bắt đạo và đã dùng bạo lực chống lại các Kitô hữu, nhưng từ khi trở lại trên đường đi Đamascô, ngài đã đổi sang phía Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, ngài đã biến Người thành lý do cho đời sống của ngài và động lực cho việc rao giảng của ngài. Cuộc đời của ngài được hiến trọn để cứu các linh hồn (x. 2 Cor 12:15 ), ngài chẳng mấy khi được thanh bình và an toàn khỏi những nguy hiểm cùng những khó khăn. Trong cuộc gặp gỡ Đức Kitô, ngài biết rõ ý nghĩa trọng tâm của Thập Giá: Ngài đã hiểu rằng Chúa Giêsu đã chết và sống lại cho mọi người, và cũng cho ngài. Cả hai yếu tố trên đều quan trọng và phổ quát: Chúa Giêsu thật sự đã chết cho mọi người, và cách chủ quan: Người cũng đã chết cho tôi.

Như thế, trong Thập Giá biểu lộ tình yêu nhưng không và từ bi của Thiên Chúa. Chính Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được tình yêu này trước hết (x. Gal 2:20) và đã từ một người tội lỗi trở thành người có đức tin, từ một tên khủng bố thành một Tông Đồ. Ngày này qua ngày khác, trong đời sống mới của ngài, ngài cảm nghiệm được rằng ơn cứu độ là ‘ân sủng’, và tất cả đều được đổ xuống từ cái chết của Đức Kitô chứ không phải nhờ công trạng của ngài, là điều không thể có được trong bất cứ trường hợp nào. “Tin Mừng về ân sủng” như thế đối với ngài trở thành một cách duy nhất để hiểu Thập Giá, là tiêu chuẩn không những cho cuộc sống mới của ngài, mà còn là câu trả lời cho những người chất vấn ngài. Trước hết là người Do Thái, những người đặt niềm hy vọng trên việc làm và mong rằng những việc làm ấy sẽ cứu độ họ, rồi đến những người Hy Lạp, là những kẻ đem sự khôn ngoan loài người của họ ra mà đối chọi với Thập Giá, cuối cùng có những nhóm lạc giáo, là những người được huấn luyện theo những ý tưởng của họ về Kitô giáo theo khuôn mẫu riêng của họ về đời sống.

Đối với Thánh Phaolô, Thập Giá có vai trò ưu tiên thiết yếu trong lịch sử nhân loại; Thập Giá là điểm chính yếu của nền thần học của ngài, bởi vì nói về Thập Giá có nghĩa là nói về ơn cứu độ như ân sủng mà Thiên Chúa ban cho mọi tạo vật. Đề tài Thập Giá của Đức Kitô trở thành một nguyên lý cần thiết và chính yếu cho việc rao giảng của Thánh Tông Đồ, mà thí dụ điển hình nhất liên quan đến cộng đoàn Côrinthô. Phải đương đầu với một Hội Thánh mà ở đó có những cuộc nổi loạn và gương mù đáng lo ngại, là nơi mà sự hiệp thông bị đe dọa bởi chia rẽ nội bộ và bè phái, có thể làm rạn nứt Nhiệm Thể Đức Kitô, Thánh Phaolô hiện diện với họ không bằng những lời cao siêu hay sự khôn ngoan, nhưng bằng việc rao giảng Đức Kitô, một Đức Kitô Chịu Đóng Đinh. Sức mạnh của ngài không phải là ngôn ngữ có sức thuyết phục, nhưng mâu thuẫn thay, lại là sự yếu đuối và run rẩy của những người chỉ biết dựa vào “quyền năng của Thiên Chúa” (x 1 Cor 2:1-4). Thập Giá, vì tất cả những gì nó tượng trưng, cũng như của sứ điệp thần học mà nó chứa đựng, là chướng ngại và sự điên rồ. Thánh Tông Đồ quả quyết điều ấy bằng một cách mạnh mẽ khó quên, tốt hơn là chúng ta nghe từ chính lời ngài: “Quả thật lời rao giảng về Thập Giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là quyền năng của Thiên Chúa...  Thiên Chúa đã vui lòng dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu những người tin. Trong khi người Do Thái đòi hỏi những dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh, một chướng ngại cho người Do Thái, và một sự điên rồ đối với Dân Ngoại” (1 Cor 1:18-23).

Những cộng đồng Kitô hữu tiên khởi mà Thánh Phaolô nói với, biết rất rõ rằng Chúa Giêsu đã sống lại và vẫn còn đang sống; Thánh Tông Đồ muốn nhắc nhở không những chỉ người Côrinthô hay Galatê, mà tất cả chúng ta, rằng Đấng Phục Sinh luôn luôn là Đấng Đã Chịu Đóng Đinh. “Chướng ngại” và “sự điên rồ” của Thập Giá được tìm thấy chính ở sự kiện là ở đâu xem ra chỉ có thất bại, đau đớn, thua thiệt, thì ở đó thực ra lại là tất cả quyền năng của tình thương vô biên của Thiên Chúa, bởi vì Thập Giá là cách diễn tả tình yêu, và tình yêu là quyền năng thật được tỏ lộ trong sự yếu đuối bề ngoài này. Đối với người Do Thái, Thập Giá là một skandalon, nghĩa là một tảng đá làm cho người ta vấp ngã: Thập Giá dường như cản trở đức tin của những người Israel đạo đức, là những người đã không tìm được điều gì tương tự trong Thánh Kinh. Thánh Phaolô, với nhiều can đảm dường như muốn nói ở đây rằngcó một nguy cơ rất lớn: đối với người Do Thái, Thập Giá trái ngược với chính bản chất của Thiên Chúa, là Đấng luôn luôn tỏ mình ra bằng những dấu hiệu phi thường. Vì thế chấp nhận Thập Giá của Đức Kitô là trải qua một cuộc thay đổi sâu xa trong cách liên hệ với Thiên Chúa.

Nếu đối với người Do Thái, lý do để chối bỏ Thập Giá được tìm thấy trong mặc khải, nghĩa là trong việc trung thành với Thiên Chúa Cha, thì đối với người Hy Lạp, tức là dân ngoại, tiêu chuẩn để chống lại Thập Giá nằm ở lý trí. Thực ra đối với họ Thập Giá là sự chết, là sự điên rồ, theo nguyên ngữ là insipienza, nghĩa là thức ăn không có muối, vì thế theo nghĩa thông thường thì đó không những chỉ là một lầm lỗi, mà còn là một điều sỉ nhục.

Chính Thánh Phaolô đã hơn một lần có cái kinh nghiệm cay đắng về việc lời công bố của Kitô giáo bị chối bỏ, bị phán đoán là “vô vị”, là không thích hợp, là không đáng để người ta đếm xỉa đến trên mức độ luận lý. Đối với những người như người Hy Lạp, là những kẻ đã đi tìm sự hoàn hảo trong tinh thần, trong tư tưởng trong sạch, thì việc Thiên Chúa trở thành phàm nhân, tự mình lặn ngụp trong tất cả các giới hạn của không gian và thời gian là điều không thể chấp nhận được. Cho nên lại càng là điều không thể tưởng tượng được khi tin rằng Thiên Chúa có thể bị [đóng đinh] trên Thập Giá! Và chúng ta thấy tại sao lý luận của người Hy Lạp cũng là lý luận thông thường ở thời đại chúng ta.

Quan niệm về “apátheia”, sự thờ ơ, như là thiếu vắng sự say mê Thiên Chúa: làm sao mà người ta có thể hiểu được một Thiên Chúa làm người và bị đánh bại, là Đấng sau đó lấy lại thân xác mình để như thế sự sống được phục hồi? “Chúng tôi sẽ nghe ông nói về điều này vào lúc khác” (Cv 17:32 ), dân Athen khinh miệt nói với Thánh Phaolô khi nghe ngài nói về việc kẻ chết sống lại. Họ tin rằng người ta đạt đến sự hoàn hảo khi giải thoát mình khỏi thân xác, được coi là một nhà tù: làm sao không coi là lầm lạc khi lấy lại thân xác mình? Trong một nền văn hóa cổ, dường như sứ điệp về Thiên Chúa nhập thể đã không có một chỗ đứng. Toàn thể biến cố của “Chúa Giêsu thành Nadareth” xem ra được đánh dấu bằng sự hoàn toàn lạnh nhạt, và chắc chắn rằng Thập Giá là điểm điển hình nhất của việc này.

Nhưng tại sao Thánh Phaolô lại biến lời này, lời của Thập Giá, làm điểm nền tảng cho việc rao giảng của ngài? Câu trả lời không mấy khó khăn: Thập Giá tiết lộ “quyền năng của Thiên Chúa” (x. 1 Cor 1:24 ), là quyền năng khác với quyền năng của loài người. Thực ra, Thập Giá tiết lộ tình yêu của Thiên Chúa: “vì sự điên rồ của Thiên Chúa còn hơn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa còn mạnh hơn sức mạnh của loài người” (1 Cor 1:25 ).

Vài thế kỷ sau Thánh Phaolô, chúng ta thấy rằng Thập Giá đã chiến thắng, chứ không phải sự khôn ngoan chống lại Thập Giá. Đấng Chịu Đóng Đinh là sự Khôn Ngoan, bởi vì Người bày tỏ trong chân lý Thiên Chúa là ai, nghĩa là, Người bày tỏ chính quyền năng của tình yêu đến nỗi đi đến tận Thập Giá để cứu độ con người. Thiên Chúa dùng các phương tiện và dụng cụ thoáng nhìn đối với chúng ta chỉ là yếu đuối. Đấng Chịu Đóng Đinh, một đàng biểu lộ sự yếu đuối của con người, đằng khác, biểu lộ quyền năng thật của Thiên Chúa, nghĩa là, sự nhưng không của tình yêu: Chính sự nhưng không của tình yêu này là sự khôn ngoan thật.

Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được điều này ngay cả trong thân xác của ngài, và ngài làm chứng cho điều ấy trong những chặng đường khác nhau của cuộc hành trình thiêng liêng của ngài, đến nỗi nó trở thành điểm quy chiếu cần thiết cho mọi môn đệ của Chúa Gêsu: “Người bảo tôi rằng, ‘Ơn sủng của Thầy đủ cho con rồi, vì quyền năng của Thầy được nên trọn vẹn trong sự yếu đuối’” (2 Cor 12:9); và ngay cả: “Thiên Chúa đã chọn những gì yếu kém trong thế gian để làm cho những kẻ hùng mạnh phải bẽ bàng” (1 Cor 1:28). Thánh Tông Đồ đồng hóa mình với Đức Kitô đến độ, ngay cả giữa nhiều thử thách, ngài cũng vẫn sống trong Đức Tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng đã yêu ngài và hiến chính mạng sống Người vì tội của ngài và của mọi người (x. Gal 1:4; 2:20). Chi tiết này về tiểu sử của Thánh Tông Đồ là mẫu mực cho tất cả chúng ta.

Thánh Phaolô cống hiến cho chúng ta một tổng hợp thần học tuyệt vời về Thập Giá trong Thư Thứ Hai gửi tín hữu Côrinthô (5:4-21), ở đó mọi sự được chứa đựng trong hai xác quyết căn bản này: một đàng, Đức Kitô, là Đấng đã bị Thiên Chúa đối xử như tội lỗi vì chúng ta (câu 21), đã chết cho chúng ta (câu 14); đằng khác, Thiên Chúa đã hòa giải chúng ta với Chính Ngài, mà không quy tội cho chúng ta (câu 18-20). Nhờ “thừa tác vụ hòa giải này” tất cả mọi nô lệ đều đã được chuộc lại (x. 1 Cor 6:20 ; 7:23 ).

Ở đây chúng ta thấy tất cả những điều trên thích hợp với đời sống chúng ta thế nào. Chúng ta cũng phải đi vào “thừa tác vụ hoà giải này”, là thừa tác vụ luôn bao hàm việc từ bỏ sự cao vượt của chính mình và chọn sự điên rồ của tình yêu. Thánh Phaolô đã từ bỏ chính sự sống của ngài, hoàn toàn hiến mình cho thừa tác vụ hòa giải, cho Thập Giá là ơn cứu độ của tất cả chúng ta. Và đây là điều chúng ta cũng phải biết làm: Chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh của mình chính trong sự khiêm nhường của tình yêu, và tìm thấy sự khôn ngoan của mình trong sự yếu đuối của việc từ bỏ [mình] để đi vào sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng ta phải xây dựng đời sống mình trong sự khôn ngoan thật này: Không sống cho chính mình, nhưng sống trong Đức Tin vào Thiên Chúa này, là Đấng mà tất cả chúng ta có thể nói về Người rằng: “Người đã yêu tôi và hiến mạng sống Người cho tôi”. [Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ]

BÀI ĐỌC THÊM XIV
Bài Giáo Lý XI của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô: Thánh Phaolô và Biến Cố Phục Sinh

Dưới đây là bản dịch bài Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong buổi triều yết chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 5 tháng 11 năm 2008. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Thánh Phaolô.

***

Anh chị em thân mến “nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi thật trống rỗng, và đức tin của anh em cũng trống rỗng …. anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của anh em.” (1 Cr 15:14,17). Với những lời mạnh mẽ này Thánh Phaolô vạch cho chúng ta thấy tầm quan trọng mà ngài gán cho biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu. Thực ra, biến cố này là lời giải đáp cho vấn đề hàm chứa trong bi kịch Thập Giá. Chỉ một mình nó, Thập Giá không thể giải thích được Đức Tin Kitô giáo, trái lại, nó còn là một thảm cảnh ám chỉ sự phi lý của cuộc đời. Mầu nhiệm Vượt Qua hệ tại ở sự kiện “Đấng Chịu Đóng Đinh đã sống lại trong ngày thứ ba như lời Thánh Kinh” (1 Cr 15:4). Như thế chứng thực những truyền thống tiền Kitô giáo.



Đây là điểm then chốt của Kitô học theo Thánh Phaolô: Mọi sự đều xoay quanh điểm trọng tâm này. Toàn thể giáo huấn của thánh Phaolô khởi hành từ và luôn luôn trở về với mầu nhiệm của Đấng mà Chúa Cha đã cho sống lại từ cõi chết. Biến Cố Phục Sinh là một sự kiện cơ bản, và hầu như là một tiền đề (x. 1 Cor 15:12), dựa vào đó mà Thánh Phaolô có thể đưa ra một công thức loan báo Tin Mừng tổng hợp: Đấng đã Chịu Đóng Đinh, và là Đấng đã biểu lộ tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với loài người, đã sống lại và đang sống giữa chúng ta.

Thật là quan trọng để ghi nhận sự nối kết giữa lời loan báo và biến cố Phục Sinh, như công thức Thánh Phaolô vừa đề ra, với những gì mà các cộng đồng Kitô hữu đầu tiên tiền Phaolô đã dùng. Ở đây chúng ta có thể thật sự thấy điều quan trọng của truyền thống có trước Thánh Tông Đồ, và đến lượt ngài muốn truyền lại với lòng kính trọng và chú tâm lớn lao. Văn bản về biến cố Phục Sinh trong chương 15:1-11 của Thư thứ I gửi tín hữu Côrinthô làm nổi bật mối dây liên kết giữa việc ”lãnh nhận” và ”truyền lại”. Thánh Phaolô coi việc công thức hóa truyền thống thành văn tự là điều rất quan trọng, ở cuối đoạn văn mà chúng ta đang nghiên cứu, Thánh Nhân ghi nhận: “Dù là tôi hay các vị ấy, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như thế” (1 Cor 15:11), như vậy làm nổi bật sự hiệp nhất của lời loan báo (kerygma) và việc rao giảng cho mọi Kitô hữu, và cho tất cả những người sẽ rao giảng sự Phục Sinh của Đức Kitô.

Truyền thống mà ngài kết hợp với cũng là nguồn mạch mà từ đó ngài rút ra. Tính chất sáng tạo của Kitô học của Thánh Phaolô không bao giờ làm tổn thương đến việc trung thành với truyền thống. Lời công bố (kerygma) của các Tông Đồ luôn luôn chiếm địa vị ưu tiên so với việc soạn lại kỹ lưỡng của cá nhân Thánh Phaolô; mỗi lập luận của ngài đều được trích ra từ truyền thống chung, trong đó trình bày Đức Tin được chia sẻ bởi tất cả các Hội Thánh, mà các Hội Thánh này chỉ là một Hội Thánh duy nhất.

Bằng cách này, Thánh Phaolô đưa ra một mẫu gương cho mọi thời đại trong việc phải nghiên cứu thần học và giảng huấn như thế nào. Thần học gia và giảng huấn viên không tạo ra những cái nhìn mới về thế giới và đời sống, nhưng trái lại phải phục vụ chân lý được truyền lại, phải phục vụ thực tại có thật của Đức Kitô, của Thập Giá, và của biến cố Phục Sinh. Nhiệm vụ của họ là giúp chúng ta ngày nay hiểu, đàng sau các từ cổ xưa, thực tại “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, và nhờ đó hiểu được thực tại về sự sống thật.

Thật thích hợp ở đây khi nói đích xác rằng: Trong khi loan báo biến cố Phục Sinh, Thánh Phaolô đã không bận tâm đến việc trình bầy một giáo thuyết một cách có cấu trúc - ngài đã không muốn viết một cẩm nang thần học - nhưng thay vào đó, ngài đưa ra đề tài để trả lời các nghi vấn và các câu hỏi cụ thể mà các tín hữu đã đặt ra cho ngài. Như thế là một bài nói chuyện ngẫu nhiên, nhưng đầy Đức Tin và thần học sống động. Người ta thấy ngài tập trung vào điểm chính: đó là chúng ta đã được “công chính hóa”, nghĩa là đã được trở nên công chính, được cứu độ bởi Đức Kitô, là Đấng đã chết và đã sống lại cho chúng ta. Sự kiện Phục Sinh được làm nổi bật trên mọi sự kiện khác, nếu không có sự kiện này, thì đời sống Kitô hữu trở thành phi lý. Vào buổi sáng Phục Sinh ấy, một điều gì phi thường và mới mẻ đã xảy ra, nhưng đồng thời lại là một điều rất cụ thể, kiểm chứng được bởi những dấu chính xác, được chứng thực bởi nhiều nhân chứng.

Đối với thánh Phaolô cũng như đối với các tác giả khác của Tân Ước, việc Phục Sinh được liên kết với chứng từ của những người đã có kinh nghiệm trực tiếp với Đấng Phục Sinh. Đây là việc thấy và nghe không những chỉ với cặp mắt và giác quan, nhưng còn với một ánh sáng nội tâm, là động cơ thúc đẩy việc nhận ra điều mà các giác quan bên ngoài kiểm chứng như là một dữ kiện khách quan. Vì thế Thánh Phaolô -- cũng giống như bốn Thánh Sử -- coi đề tài về những cuộc hiện ra là điều quan trọng căn bản, và là điều kiện nền tảng cho Đức Tin vào Đấng Phục Sinh, là Đấng đã để lại ngôi mộ trống.

Hai dữ kiện này thật quan trọng: Ngôi mộ trống và Chúa Giêsu đã thực sự hiện ra. Như thế dây chuyền truyền thống này đã được làm bằng chứng từ của các Tông Đồ và các môn đệ đầu tiên, được chuyển qua các thế hệ kế tiếp, đến chúng ta. Kết quả đầu tiên, hay cách đầu tiên để diễn tả chứng từ này là việc rao giảng sự Sống Lại của Đức Kitô như một tổng hợp của sứ điệp Tin Mừng, và tột đỉnh của con đường cứu độ. Thánh Phaolô đã thực hiện tất cả những điều ấy trong nhiều dịp khác nhau: chúng ta có thể tham khảo các Thư của ngài và Sách Tông Đồ Công Vụ, là nơi mà chúng ta có thể thấy điểm chính đối với ngài là làm chứng nhân cho biến cố Phục Sinh.

Cha muốn dẫn chứng chỉ một đoạn văn: Thánh Phaolô ra trước Công Nghị Do thái, như một người bị tố cáo, khi bị bắt tại Giêrusalem. Trong trường hợp thập tử nhất sinh này, ngài đã cho thấy ý nghĩa và nội dung của toàn thể lời rao giảng của ngài: “Tôi bị xét xử vì niềm hy vọng vào việc kẻ chết sẽ sống lại” (Cv 23:6). Thánh Phaolô cũng thường lập lại cùng một điệp khúc này trong các Thư của ngài (x. 1 Thes 1:9tt.; 4:13-18; 5:10), trong đó ngài đã nhắc đến kinh nghiệm gặp gỡ riêng của ngài với Đức Kitô Phục Sinh (x. Gl 1:15-16; 1 Cr 9:1).

Nhưng chúng ta có thể tự hỏi: Đối với Thánh Phaolô đâu là ý nghĩa sâu xa của biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu? Ngài muốn nói gì với chúng ta 2000 năm sau đó? Việc khẳng định rằng “Đức Kitô đã sống lại” có thực tế đối với chúng ta không? Tại sao biến cố Phục Sinh đối với ngài và đối với chúng ta ngày nay lại là một đề tài có tính cách quyết định như thế?

Thánh Phaolô đã trịnh trọng trả lời câu hỏi này ở đầu Thư gửi tín hữu Roma: “Ðó là Tin Mừng của Thiên Chúa… về Con của Ngài, là Ðấng sinh ra bởi dòng dõi vua Ðavid theo xác thịt. Nhưng đã được tuyên xưng là Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng theo tinh thần thánh thiện, qua việc sống lại từ cõi chết” (Rm 1:3-4).

Thánh Phaolô biết rõ và nói nhiều lần rằng Chúa Giêsu luôn luôn là Con Thiên Chúa từ giây phút nhập thể. Điều mới mẻ của việc Phục Sinh bao gồm sự kiện là Chúa Giêsu, được nâng lên khỏi địa vị hèn mọn của cuộc sống trần gian, được đặt làm Con Thiên Chúa với “quyền năng”. Chúa Giêsu, Đấng chịu xỉ nhục cho đến khi chết trên Thập Giá, giờ đây có thể nói với Nhóm Mười Một: “Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao cho Thầy” (Mt 28:18). Điều mà Thánh Vịnh 2:8 nói đã được thể hiện: “Hãy xin, Cha sẽ cho con muôn dân làm gia nghiệp, và khắp cùng trái đất thuộc về con.”

Đó là lý do tại sao việc Phục Sinh là khởi điểm của việc loan báo Tin Mừng của Đức Kitô cho mọi dân tộc -- mở đầu Nước Đức Kitô, Nước này không biết một quyền năng nào khác ngoài quyền năng của chân lý và tình yêu. Như thế việc Phục Sinh dứt khoát biểu lộ cho chúng ta căn tính đích thực và tầm vóc phi thường của Đấng Chịu Đóng Đinh: Một phẩm giá khôn sánh và rất cao sang -- Chúa Giêsu là Thiên Chúa!

Đối với Thánh Phaolô, căn tính bí mật của Chúa Giêsu được tỏ lộ trong Mầu Nhiệm của việc Phục Sinh, hơn cả trong việc Nhập thể. Trong khi tước hiệu “Đức Kitô”, nghĩa là “Đấng Mêsia”, “Đấng Được Xức Dầu” trong các Thư của Thánh Phaolô có khuynh hướng trở thành tên riêng của Chúa Giêsu, và tước hiệu “Chúa” xác định liên hệ cá nhân của Người với các tín hữu, thì tước hiệu “Con Thiên Chúa” được dùng để diễn tả mối liên hệ mật thiết của Chúa Giêsu với Thiên Chúa, một mối liên hệ được bày tỏ cách đầy đủ trong biến cố Phục Sinh. Cho nên, chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu đã sống lại để làm Chúa của kẻ chết và kẻ sống (x. Rm 14:9; 2 Cr 5:15), hay nói cách khác, làm Đấng Cứu Độ chúng ta (x. Rm 4:25).

Tất cả những điều này đem theo chúng những hệ quả quan trọng đối với đời sống Đức Tin của chúng ta: chúng ta được mời gọi để thông phần tận đáy của cuộc sống chúng ta vào toàn thể Cái Chết và sự Sống Lại của Đức Kitô. Thánh Tông Đồ nói: chúng ta “đã cùng chết với Đức Kitô” và chúng ta tin rằng “chúng ta cũng sẽ sống với Người, vì chúng ta biết rằng Đức Kitô, một khi đã sống lại từ cõi chết, thì không còn chết nữa; sự chết không còn quyền lực gì trên Người” (Rm 6:8-9).

Điều này có nghĩa là chia sẻ các đau khổ của Đức Kitô, như là bước đầu trong việc hoàn toàn được đồng hình đồng dạng với Người qua việc sống lại. Đó cũng là điều đã xảy ra cho Thánh Phaolô, mà kinh nghiệm của ngài được diễn tả trong các Thư của ngài bằng một giọng vừa chính xác vừa thực tế: “để biết Người, và quyền năng của sự sống lại của Người, và được chia sẻ những đau khổ của Người, nhờ được nên giống như Người trong cái chết của Người, để bằng bất cứ phương thế nào, tôi có thể đạt được sự sống lại từ cõi chết” (Pl 3:10-11; x. 2 Tm 2:8-12). Thần học Thập Giá không phải là một lý thuyết -- mà là một thực tại của đời sống Kitô hữu. Sống trong Đức Tin vào Đức Chúa Giêsu Kitô, sống chân lý và đức ái bao hàm việc từ bỏ chính mình mỗi ngày, bao hàm các khổ đau. Kitô giáo không phải là một con đường thoải mái, ngược lại là một cuộc leo dốc đòi hỏi nhiều cố gắng, nhưng được chiếu soi bằng ánh sáng của Đức Kitô và niềm hy vọng lớn lao phát sinh từ Người.

Thánh Agustinô nói: Các Kitô hữu không được miễn khổ đau, ngược lại, họ còn được thêm một chút khổ đau, vì sống Đức Tin diễn tả lòng can đảm đương đầu với cuộc đời và lịch sử một cách sâu xa hơn. Và với mọi sự, chỉ bằng cách này, là kinh nghiệm đau khổ, chúng ta cảm nghiệm đời sống ở đáy của nó, trong vẻ mỹ miều của nó, trong niềm hy vọng lớn lao được gợi ra bởi Đức Kitô, là Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh. Người tín hữu thấy mình đứng giữa hai thái cực: một bên là sự Sống Lại, là điều đã hiện diện và hoạt động trong chúng ta một cách nào đó (x. Col 3:1-4; Eph 2:6), và bên kia, là sự cấp bách phải thích ứng vào tiến trình này, là tiến trình đưa đến tất cả mọi điều và mọi sung mãn được trình bày trong Thư gửi tín hữu Rôma bằng một hình ảnh táo bạo: giống mọi tạo vật rên siết và đau đớn như đau bụng trong lúc sinh con, bằng cách này chúng ta cũng rên siết trong niềm hy vọng vào sự cứu độ của thân xác chúng ta, vào ơn cứu độ và sự sống lại của chúng ta (x. Rm 8:18-23).

Tóm lại, chúng ta có thể nói cùng thánh Phaolô rằng: người tín hữu chân chính được ơn cứu độ khi tuyên xưng trên môi rằng Chúa Giêsu là Chúa và tin trong lòng rằng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết (x. Rm 10:9). Điều quan trọng trên hết mọi sự là một tấm lòng tin vào Đức Kitô và “chạm đến” Đấng Phục Sinh trong Đức Tin. Nhưng tin trong lòng thôi thì chưa đủ, chúng ta còn phải tuyên xưng và làm chứng cho Đức Tin ấy trên môi và bằng đời sống của chúng ta, như thế làm cho chân lý của Thập Giá và sự Phục Sinh được hiện diện trong lịch sử của chúng ta.

Bằng cách này, người Kitô hữu tham gia vào một tiến trình mà trong đó người ấy đi từ Ađam thứ nhất, là Ađam thuộc về thế gian, phải hư nát và phải chết, đến chỗ được biến đổi thành Ađam cuối cùng, là Ađam thuộc về Thiên Đàng và không thể hư nát (x. 1 Cor 15:20-22,42-49). Tiến trình này đã được khởi sự bằng biến cố Phục Sinh của Đức Kitô, là nền tảng cho niềm hy vọng là một ngày nào đó chúng ta cũng được cùng Đức Kitô bước vào quê thật trên Thiên Đàng. Được nuôi dưỡng bởi niềm hy vọng này, chúng ta hãy can đảm và vui vẻ tiếp tục cuộc hành trình của mình.

[Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ]

BÀI ĐỌC THÊM XV
Bài Giáo Lý mới XII của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô: Ngày Quang Lâm của Đức Kitô trong Giáo Huấn của Thánh Phaolô

Dưới đây là bản dịch bài Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô trong buổi Triều Yết Chung ngày 12/11/2008 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục Chu Kỳ Giáo Lý về Thánh Phaolô, và ngài đặt trọng tâm vào lời giảng dạy của Thánh Nhân về Ngày Trở Lại của Chúa. Vì bản Anh Văn chưa có nên bản này dịch theo Tiếng Ý và tham khảo bản Tiếng Pháp của Zenit.org.

* * * * *

Anh chị em thân mến,

Đề tài về sự Phục Sinh, mà chúng ta nói đến tuần trước, mở ra cho chúng ta một viễn cảnh mới, đó là việc mong đợi ngày trở lại của Chúa, và như thế đưa chúng ta đến việc suy niệm về liên hệ giữa thời gian hiện tại, thời gian của Hội Thánh, của Nước Đức Kitô, và của tương lai (cánh chung) đang chờ đợi chúng ta khi Đức Kitô sẽ trao Vương Quyền lại cho Chúa Cha (x. 1 Cor 15:24). Mỗi bàn luận của Kitô giáo về những điều sau hết, gọi là cánh chung, luôn luôn đi sau biến cố Phục Sinh: trong biến cố này các sự việc đã bắt đầu, theo một nghĩa nào đó, đã hiện diện rồi.

Có lẽ vào năm 52, Thánh Phaolô viết Thư đầu tiên của ngài, Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Thêxalônica, trong đó ngài nói về việc Chúa Giêsu trở lại, gọi là ngày Quang Lâm, ngày Người đến, một sự hiện diện mới, cuối cùng và rõ ràng (x. 1 Th 4:13-18). Với các tín hữu Thêxalônica, là những người có những nghi ngờ và vấn nạn riêng của họ, Thánh Tông Đồ viết như thế này: “Nếu chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, thì ngay cả những người đã an giấc trong Chúa Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đem về cùng với Người” (1 Th 4:14). Ngài tiếp: “Những người đã chết trong Ðức Kitô sẽ sống lại trước hết; rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, sẽ được đem lên trên đám mây cùng với họ, để gặp Chúa trên không trung; và như vậy chúng ta sẽ được muôn đời ở cùng Chúa” (1 Th 4:16-17). Thánh Phaolô diễn tả việc Quang Lâm của Đức Kitô bằng một giọng rất sống động và những hình ảnh biểu tượng, nhưng chuyển đạt một sứ điệp đơn sơ và sâu sắc: cuối cùng chúng ta sẽ muôn đời được ở với Chúa. Điều này vượt trên các hình ảnh, một sứ điệp căn bản: Tương Lai của chúng ta là “ở với Chúa”, với tư cách là các tín hữu, chúng ta đang ở với Chúa trong cuộc đời mình rồi. Tương lai của chúng ta, là đời sống vĩnh cửu, đã được bắt đầu.

Trong Thư Thứ Hai gửi tín hữu Thêxalônica, Thánh Phaolô đổi viễn cảnh, ngài nói về những biến cố tiêu cực, là những biến cố phải xảy ra trước ngày sau hết và chung cuộc. Ngài nói rằng đừng khờ dại nghĩ rằng Ngày của Chúa đến nơi rồi, theo ngày tháng người ta tính toán: “Về ngày Ðức Chúa Giêsu Kitô của chúng ta trở lại, và việc chúng ta tập họp với nhau để về với Người, thế này, là anh em đừng vội để cho tinh thần rung động, hay bối rối, dù bởi thần khí, hay qua lời nói, hay bằng thư từ, nói là đến từ chúng tôi, như là ngày của Chúa đã gần đến. Ðừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào!” (2 Cor 2:1-3). Những đoạn văn tiếp theo loan báo rằng trước khi Chúa đến, sẽ có việc bỏ đạo, và có sự xuất hiện của ‘tên loạn tặc’, là ‘đứa con của sự hư mất’ (1 Th 2:3), đó là điều mà truyền thống cũng gọi là “Tên Phản Kitô”. Nhưng chủ ý của Thư này của Thánh Phaolô trước hết có tính cách thực hành, ngài viết: “Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã truyền cho anh em rằng nếu ai không chịu làm việc, thì đừng có ăn! Vì chúng tôi nghe rằng trong anh em có một số kẻ ăn không ngồi rồi, không làm lụng gì cả, mà lại can thiệp vào mọi chuyện. Ðối với những kẻ như thế, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ rằng, họ hãy làm việc trong yên lặng, để tự mình có bánh mà ăn” (2 Cor 3:10-12). Nói cách khác, việc Quang Lâm Chúa Giêsu không miễn trừ chúng ta khỏi tham gia vào thế gian này, nhưng trái lại tạo ra cho chúng ta những trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa, để Ngài phán đoán về việc làm của chúng ta trên thế gian này. Cũng như gia tăng nhiệm vụ của chúng ta phải làm trong thế gian. Chúng ta sẽ thấy cùng một điều này trong Bài Tin Mừng Chúa Nhật tới về các nén bạc, ở đó Chúa nói cho chúng ta rằng nén bạc được trao cho mọi người và vị Thẩm Phán sẽ hỏi họ như sau: Bạn đã sinh hoa trái chưa? Cho nên việc mong được tiền lời ám chỉ nhiệm vụ đối với thế gian này.

Cùng một điều này và cùng một sự liên hệ giữa việc Quang Lâm - việc trở lại của vị Thẩm Phán/Đấng Cứu Độ - và quyết tâm của chúng ta trong đời sống được bày tỏ trong một phạm vi khác cùng những bình diện khác trong Thư gửi cộng đoàn Philipphê, là cộng đoàn cần cha của họ, là Thánh Phaolô, ngài viết: “Đối với tôi, sống là Ðức Kitô, và chết là một điều ích lợi. Nếu tôi sống trong thân xác mà công việc của tôi có kết quả, thì tôi không biết sẽ phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng. Mong ước của tôi là ra đi để được ở với Ðức Kitô, điều này tốt hơn nhiều. Nhưng ở lại trong thân xác thì cần thiết hơn cho anh em. Và tôi tin chắc điều này là, tôi biết rằng tôi sẽ ở lại và tiếp tục ở với tất cả anh em, vì sự tiến triển và niềm vui trong đức tin của anh em; để vì tôi mà sự vui mừng của anh em được thêm phong phú trong Ðức Giêsu Kitô, qua việc tôi lại đến với anh em” (Pl 1: 21-26). Thánh Phaolô không sợ chết, trái lại: chết có nghĩa là được sống cách trọn vẹn với Đức Kitô. Nhưng Thánh Phaolô cũng chia sẽ những tình của Đức Kitô, là Đấng không còn sống cho chính mình, nhưng sống cho chúng ta. Sống cho tha nhân trở thành chương trình của cuộc đời của Thánh Nhân, và cũng chứng tỏ việc hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, để Thiên Chúa định đoạt. Trên hết là ngài sẵn sàng, cả trong tương lai, để sống trên đời này cho người khác, cho Đức Kitô, sống trong sự hiện diện sống động của Người, và như thế sống để canh tân thế gian. Chúng ta thấy rằng sự hiện diện của Đức Kitô tạo ra một sự tự do nội tâm lớn lao: tự do trước sự đe dọa của cái chết, nhưng cũng là tự do trước mọi dấn thân và đau khổ trong đời. Điều này chỉ có thể có được với Thiên Chúa và sự tự do chân chính.

Giờ đây sau khi đã xem xét một số bình diện khác nhau của việc mong đợi ngày Đức Kitô Quang Lâm, chúng ta hãy tự hỏi: Những thái độ căn bản của Kitô hữu về những điều cuối cùng: chết và tận thế, là những thái độ nào?

Thái độ thứ nhất là việc xác tín rằng Chúa Giêsu đã sống lại, và ở cùng chúng ta luôn mãi. Không có ai có quyền năng bằng Đức Kitô, bởi vì Người ở cùng Chúa Cha và ở cùng chúng ta. Cho nên chúng ta được an toàn, không phải sợ hãi. Đây là một phần chính yếu của lời giảng dạy của Kitô giáo. Việc sợ các tà thần và các thần minh đã lan tràn trong thế giới cổ. Ngay cả ngày nay, lẫn lộn với nhiều yếu tố tốt lành của các tôn giáo tự nhiên, các nhà truyền giáo cũng tìm thấy sự sợ hãi tà thần, những quyền lực tiêu cực ngăm nghe làm hại chúng ta. Đức Kitô đang sống, đã chiến thằng sự chết và tất cả các quyền lực ấy. Chúng ta được sống trong xác tín này, trong tự do này, trong niềm vui này. Đó là bình diện thứ nhất của đời sống chúng ta đối với tương lai.

Thứ nhì, việc xác tín rằng Đức Kitô đang ở với tôi. Và trong Đức Kitô thế giới tương lai đã bắt đầu, điều này cũng cho chúng ta niềm hy vọng chắc chắn. Tương lai không phải là một vùng tối tăm mà ở đó không có ai chỉ đường. Không phải như thế. Nếu không có Đức kitô, ngay cả tương lai của thế giới hôm nay cũng đen tối. Có quá nhiều sợ hãi về tương lai. Các Kitô hữu biết rằng ánh sáng của Đức Kitô mạnh hơn và như thế họ không sống trong một hy vọng mơ hồ, nhưng trong một niềm hy vọng mang lại sự chắc chắn và can đảm cho bộ mặt tương lai.

Cuối cùng, thái độ thứ ba. Vị Thẩm Phán trở lại - Người vừa là Thẩm Phán vừa là Đấng Cứu Độ - là Đấng đã để lại cho chúng ta quyết tâm sống trong thế gian theo cách sống của Người. Người đã ban cho chúng ta các nén vàng (các tài năng) của Người. Vậy thái độ thứ ba của chúng ta là có trách nhiệm đối với thế gian, đối với anh em trước mặt Đức Kitô, và đồng thời xác tín về lòng thương xót của Người. Cả hai điều đều quan trọng. Chúng ta không sống như là sự lành và sự dữ đều như nhau, bởi vì chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng Thương Xót. Nói như thế là một sự lừa dối. Thực ra, chúng ta sống với một trách nhiệm lớn lao. Chúng ta có những nén vàng (tài năng) của mình, chúng ta có nhiệm vụ làm việc để cho thế giới này được mở ra cho Đức Kitô, được canh tân. Nhưng trong khi làm nhiệm việc và biết rằng trong trách nhiệm của chúng ta, Thiên Chúa là Vị Thẩm Phán thật, chúng ta cũng tin tưởng rằng vị Thẩm Phán này là một thẩm phán tốt lành, chúng ta biết dung ngàn Người, dung nhan của Đức Kitô Phục Sinh, của Đức Kitô Chịu Đóng Đinh vì chúng ta. Cho nên chúng ta có thể tin tưởng vào sự tốt lành của Người và tiến bước với lòng can đảm phi thường.

Một yếu tố khác của cánh chung theo Thánh Phaolô là tính phổ quát của lời mời gọi Đức Tin, là điều liên kết người Do Thái và Dân Ngoại lại với nhau, như dấu chỉ và tiền dự vào thực tại trong tương lai, là điều cho phép chúng ta nói rằng chúng ta đã được ngồi trên Thiên Đàng với Đức Chúa Giêsu Kitô, nhưng để tỏ ra trong các kỷ nguyên tương lai sự phong phú của ân sủng (x. Eph 2:6 tt): điều sau này đã được thấy trước, để chứng tỏ tình trạng thành đạt đầu tiên mà trong đó chúng ta sống. Điều này làm cho chúng ta chịu được những đau khổ ở đời này, là điều không thể so sánh được với vinh quang trong tương lai (x. Rm 8:18). Chúng ta bước đi nhờ Đức Tin chứ không phải nhờ nhãn quan. Ngay cả thà xa lìa thân xác này mà được ở cùng Chúa còn hơn, là điều đáng kể sau cùng, dù đang ở trong thân xác hoặc xa lìa nó, thì chỉ là điều làm đẹp lòng Người (x. 2 Cor 5:7-9).

Sau cùng là một điểm cuối cùng có thể hơi khó đối với chúng ta. Trong khi kết luận Thư Thứ Hai gửi tín hữu Côrinthô, Thánh Phaolô nhắc lại và đọc một kinh nguyện phát sinh từ những cộng đồng Kitô hữu tiên khởi trong vùng Palestine: “Maranà, thà!” có nghĩa đen là: “Lạy Chúa, xin hãy đến!” (2 Cor 16:22). Đó là kinh nguyện của các Kitô hữu tiên khởi và cũng là lời cầu nguyện trong cuốn sách cuối cùng của Tân Ước, là Sách Khải Huyền, được kết thúc bằng lời cầu nguyện này: “Lạy Chúa, xin hãy đến!”.

Chúng ta cũng có thể cầu nguyện như thế không? Đối với tôi xem ra trong đời sống chúng ta trên thế giới này, thật khó mà chân thành cầu xin cho thế giới này bị tiêu hủy đi, để Thành Giêrsalem mới đến, khi cuộc chung phán và vị Thẩm Phán, Đức Kitô đến.

Tôi thành thật tin rằng nếu chúng ta không dám cùng nhau cầu nguyện vì nhiều lý do, thì chúng ta cũng có thể cùng với các Kitô hữu đầu tiên nói một cách hợp lý và chính đáng: “Lạy Chúa Giêsu, Xin hãy đến!”. Dĩ nhiên là chúng ta không muốn ngày tận thế đến. Nhưng ngược lại, chúng ta cũng muốn chấm dứt cái thế giới bất công này. Chúng ta muốn thế giới được thay đổi tận gốc, để bắt đầu nền văn minh tình thương, một thế giới công bằng, hòa bình, không có bạo lực và nghèo đói.

Chúng ta muốn điều này, và nó làm sao xảy ra được nếu không có sự hiện diện của Đức Kitô? Thiếu sự hiện diện của Đức Kitô thì không bao giờ có được một thế giới thật sự công bằng và canh tân. Ngay cả bằng một cách khác, cách đầy đủ và hoàn hảo, chúng ta cũng có thể và phải nói, với sự cấp bách khẩn thiết trong những hoàn cảnh của thời đại chúng ta: Lạy Chúa, xin hãy đến! Xin hãy đến theo cách thức của Chúa! Tùy theo cách Chúa biết. Xin hãy đến những nơi có bất công và bạo lực! Xin hãy đến các trại tị nạn, ở Darfur, ở Bắc Kivu, ở quá nhiều nơi trên thế giới. Xin hãy đến những nơi mà dịch ma túy đang hoành hành. Xin hãy đến giữa những người giầu có nhưng đã quên Chúa, và chỉ biết sống cho mình. Xin hãy đến những nơi mà người ta chưa biết đến Chúa. Xin hãy đến theo cách của Chúa và canh tân thế giới hôm nay. Xin hãy đến trong lòng chúng con, xin hãy đến và canh tân đời sống chúng con, xin hãy đến trong lòng chúng con để chính chúng con có thể trở thành ánh sáng của Thiên Chúa, trở thành sự hiện diện của Chúa. Maranà, thà! “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!”.

Và chúng ta hãy cầu xin để Đức Kitô thật sự hiện diện trong thế giới của chúng ta hôm nay và canh tân nó.




tải về 1.33 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương