Thánh Kinh và Huấn Luyện Lãnh Đạo Muối Đất Mở Rộng LÃnh đẠo theo phong cách thánh phao-lô Giêrônimô Nguyễn Văn Nội



tải về 1.33 Mb.
trang17/20
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.33 Mb.
#8020
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   20

BÀI ĐỌC THÊM X
Bài Giáo Lý mới VII của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô: Thánh Phaolô biết Đức Kitô như thế nào? 11.10.2008 11:45

Dưới đây là bản dịch bài huấn từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong buổi triều yết chung ngày thứ tư mùng 8/10/2008 tại quảng trường Thánh Phêrô. ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý dành cho khuôn mặt và tư tưởng của Thánh Phaolô.

****


Anh Chị em thân mến,

Trong những bài Giáo Lý trước về Thánh Phaolô, cha đã nói về cuộc gặp gỡ của ngài với Đức Kitô Phục Sinh, là biến cố thay đổi cuộc đời ngài tận căn bản, và sau đó về liên hệ của ngài với Mười Hai Tông Đồ là những vị đã được Chúa Giêsu gọi, đặc biệt là với các Thánh Giacôbê, Phêrô và Gioan, cũng như liên hệ của ngài với Hội Thánh tại Giêrusalem.

Vấn nạn còn lại bây giờ là Thánh Phaolô biết gì về Chúa Giêsu khi Người còn tại thế: về cuộc đời của Người, vầ giáo huấn của Người, về cuộc Khổ Nạn của Người. Trước khi đi vào vấn đề này, chúng ta nên nhớ rằng chính Thánh Phaolô đã phân biệt hai cách để biết Chúa Giêsu, nói chung là hai cách để biết một người.

Ngài viết trong Thư Thứ Hai gửi tín hữu Côrinthô: “Cho nên từ nay trở đi chúng tôi không còn biết một ai theo xác thịt. Mặc dầu chúng tôi đã biết Ðức Kitô theo xác thịt, nhưng bây giờ chúng tôi không còn biết Người như thế nữa” (5:16). Biết “theo xác thịt”, một cách hữu hình, có nghĩa là chỉ biết vẻ bề ngoài, với những tiêu chuẩn bên ngoài: một người có thể thấy một người khác nhiều lần, nhận ra được những đặc tính về dung mạo của người ấy  và nhiều chi tiết về cách người ấy hoạt động: người ấy nói chuyện, đi đứng,… thế nào. Nhưng dù biết người nào cách này, một người vẫn không thật sự biết người ấy, một người không thể biết được cái tâm của người ấy. Chỉ với trái trái tim, người ta mới thật sự biết một người.

Thực thế, các người Biệt Phái và Xađốc đã biết Chúa Giêsu cách bề ngoài, họ đã nghe Người giảng dạy, và biết nhiều chi tiết về Người, nhưng họ đã không biết Người và chân lý của Người. Có một sự phân biệt tương tự trong những Lời của Chúa Giêsu. Sau khi Hiển Dung, Người đã hỏi các Tông Đồ: “Người ta bảo Thầy là ai?”“Các con nói Thầy là ai?” Dân chúng đã biết Người, nhưng chỉ biết cách hời hợt; họ biết nhiều điều về Người, nhưng họ đã thật sự không biết Người. Trái lại, nhở tình bằng hữu, và vai trò của con tim của các ngài, Nhóm Mười Hai ít ra là đã hiểu những điều chính yếu và đã bắt đầu học thêm về Người thực sự là ai.

Ngày nay cũng có cách hiểu biết khác nhau đó: Có nhiều cá nhân học rộng cùng biết nhiều chi tiết về Đức Kitô, và nhiều người chất phác không biết những chi tiết ấy, nhưng họ lại biết Đức Kitô và chân lý của Người: “Con tim nói với con tim”. Và Thánh Phaolô thật sự nói rằng ngài biết Đức Kitô cách ấy, bằng con tim, và rằng ngài thật sự biết con người và chân lý của Người; và rồi sau đó, ngài biết các chi tiết.

Sau khi đã nói thế, vấn đề vẫn còn lại là: Thánh Phaolô đã biết gì về cuộc đời, các lời nói, cuộc Khổ Nạn và các phép lạ của Chúa Giêsu? Dường như ngài đã chưa bao giờ được gặp Chúa Giêsu trong cuộc đời dương thế của Người. Chắc chắn rằng ngài đã học những chi tiết về cuộc đời dương thế của Đức Kitô từ các Tông Đồ và Hội Thánh Sơ Khai. Trong các Thư của ngài, chúng ta tìm thấy ba hình thức ngài dùng để nói về Chúa Giêsu tiền Phục Sinh. Trước hết, là những đề cập dứt khoát và trực tiếp. Thánh Phaolô nói về dòng dõi vua Đavid của Chúa Giêsu (x. Rom 1:3). Ngài biết Chúa có các “anh em” hay bà con họ hàng theo huyết thống (1 Cor 9:5; Gal 1:19), ngài biết về việc tiến hành trong Bữa Tiệc Ly (x. 1 Cor 11:23). Ngài biết những câu nói khác của Chúa Giêsu, thí dụ như sự bất khả phân ly của hôn nhân (x. 1 Cor 7:10 với Mc 10:11-12), về nhu cầu mà những người rao giảng Tin Mừng cần được cộng đồng nâng đỡ như là người làm đáng được tiền công (x. 1 Cor 11:24-25 và Lc 22:19-20), và ngài cũng biết về Thập Giá của Chúa Giêsu. Những điều này là những đề cập trực tiếp đến những lời nói và các sự kiện trong đời sống của Chúa Giêsu.

Thứ đến, chúng ta có thể thấy từ một vài câu trong các Thư Thánh Phaolô một số ám chỉ khác nhau đã được truyền thống Nhất Lãm xác nhận. Thí dụ các lời mà chúng ta đọc trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica, theo đó thì “ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm” (5:2), không thể dựa theo các lời tiên tri trong Cựu Ước mà giải thích được, bởi vì việc so sánh với kẻ trộm trong đêm chỉ được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Matthêu và Luca, như thế những lời ấy phải được trích ra từ truyền thống Nhất Lãm. Và khi một người đọc rằng Thiên Chúa “chọn sự điên dại của thế gian” (1 Cor 1:27-28), người ta có thể nhận ra đó là tiếng vang vọng trung thực của Giáo Huấn của Chúa Giêsu về những người đơn sơ và khó nghèo (x. Mt 5:3; 11:25; 19:30). Cũng có những lời của Chúa Giêsu trong Lễ Đại Xá cứu thế; “Lạy Cha, là Chúa Trời đất, Con cảm tạ Cha vì cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người như trẻ nhỏ." Thánh Phaolô biết -- từ kinh nghiệm truyền giáo của ngài -- rằng những lời này là chân thật, những người giống trẻ nhỏ là những người có con tim mở ra để đón nhận sự hiểu biết về Đức Kitô. Cũng thế, việc nhắc đến sự vâng phục của Chúa Giêsu “cho đến chết” mà chúng ta thấy trong Philliphê 2:8 không nói về điều gì khác ngoài việc hoàn toàn sẵn lòng của Chúa Giêsu khi còn tại thế để làm trọn Thánh Ý Chúa Cha (x. Mc 3:35; Ga 4:34).

Cho nên Thánh Phaolô đã biết về Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, Thập Giá của Người, và cách Người đã sống trong những giây phút cuối cùng của đời Người. Thập Giá của Chúa Giêsu và truyền thống về sự thật của Thập Giá nằm ở trọng tâm của Lời Rao Giảng của Thánh Phaolô. Một cột trụ khác của cuộc đời Chúa Giêsu mà Thánh Phaolô đã biết là Bài Giảng Trên Núi, một số yếu tố của Bài Giảng này được nhắc lại hầu như từ chương khi ngài viết cho tín hữu Rôma: “Anh chị em hãy yêu thương nhau. … Phúc cho những ai bị bách hại. … Anh chị em hãy sống hòa thuận với mọi người. … Hãy thắng sự dữ bằng việc lành”. Trong các Thư của ngài có sự diễn tả trung thực [những điều trong] Bài Giảng Trên Núi (x. Mt 5-7).

Sau cùng, chúng ta có cách thứ ba để tìm thấy lời của Chúa Giêsu trong các Thư của Thánh Phaolô: đó là khi ngài hoán chuyển truyền thống của thời Tiền Phục Sinh thành Hậu Phục Sinh. Một thí dụ cụ thể là đề tài về Nước Thiên Chúa. Đây chắc chắn là trung tâm của việc giảng dạy của Đức Kitô lịch sử (x. Mt 3:2; Mc 1:15; Lc 4:43). Trong cách hoán chuyển của Thánh Phaolô đề tài này được thấy rõ ràng, vì sau khi Phục Sinh rõ ràng là Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh, là Nước Thiên Chúa. Khi ấy, Chúa Giêsu ở đâu thì Nước Thiên Chúa ở đó. Và như thế sự cần thiết của đề tài về Nước Thiên Chúa, mà trong đó mầu nhiệm của Đức Kitô đã được thấy trước, được biến đổi thành Kitô học.

Các giáo huấn của chính Chúa Giêsu về việc làm sao để được vào Nước Thiên Chúa cũng đúng đối với Thánh Phaolô về việc công chính hóa nhờ Đức Tin: Cả hai đòi hỏi một thái độ khiêm nhường hết sức và sẵn lòng, không tự phụ, để nhận được ân sủng của Thiên Chúa. Thí dụ, dụ ngôn người Biệt Phái và người Thu Thuế (x. Lc 18:9-14) dạy chính điều mà Thánh Phaolô bàn đến khi ngài quả quyết rằng không ai được tự khoe mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Cũng thế, giáo huấn của Chúa Giêsu về những người thu thuế và gái điếm, là những người sẵn sàng đón nhận Tin Mừng hơn những người Biệt Phái (x. Mt 21:31; Lc 7:36-50), và quyết định ngồi ăn cùng bàn với họ của Người (x. Mt 9:10-13; Lc 15:1-2), được tìm thấy trong học thuyết của Thánh Phaolô về mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa dành cho những người tội lỗi (x. Rom 5:8-10 và Eph 2:3-5). Bằng cách này, đề tài về Nước Thiên Chúa được đề ra bằng một phương thức mới mẻ, nhưng luôn luôn trung thành với truyền thống của Chúa Giêsu lịch sử.

Một thí dụ khác về việc hoán chuyển một cách trung thành trọng tâm giáo thuyết của Chúa Giêsu được tìm thấy trong các “tước hiệu” nói về Người. Trước Phục Sinh, Đức Kitô tự xưng mình là “Con Người”; sau Phục Sinh rõ ràng là Con Người cũng là Con Thiên Chúa. Cho nên, tước hiệu mà Thánh Phaolô thích dùng để nói về Chúa Giêsu là “Kyrios” – Chúa (x. Phil 9:11) -- tước hiệu ấy ám chỉ Thiên Tính của Chúa Giêsu. Với tước hiệu này Chúa Giêsu xuất hiện trong ánh sáng sung mãn của sự Phục Sinh của Người.

Trên Núi Cây Dầu, trong giây phút “cực kỳ đau buồn” của Chúa Giêsu (x. Mk 14:36), các môn đệ, trước khi mê ngủ, đã nghe Chúa Giêsu nói với Chúa Cha và gọi Ngái là “Abba – Cha ơi”. Đây là một lời rất thân tình, giống như “bố ơi”, chỉ dành cho con cái gọi cha mình. Cho đến giây phút ấy, việc một người Hipri dùng lời như vậy mà gọi Thiên Chúa là một điều không tưởng; nhưng Chúa Giêsu, là người Con thật, nói như thế trong giờ mật thiết và gọi “Abba, Cha ơi”.

Trong Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma và Galatê, điều đáng ngạc nhiên là chữ “Abba” dùng để diễn tả liên hệ riêng của Chúa Giêsu với Chúa Cha được phát ra từ miệng những người được rửa tội (x. Rom 8:15; Gal 4:6). Họ đã nhận được “Thần Khí làm Nghĩa Tử” và giờ đây mang trong chính mình họ Thần Khí này, và họ có thể nói như Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu như những con cái thật của Chúa Cha. Họ có thể gọi “Abba” bởi vì họ đã được biến đổi thành con cái trong Chúa Con.

Và cuối cùng, cha muốn vạch ra chiều kích cứu độ của cái chết của Chúa Giêsu, như chúng ta thấy trong Tin Mừng mà trong đó “Con Người không đến để được phục vụ mà để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc tội nhiều người” (Mc 10:45; Mt 20:28). Cách diễn tả trung thực câu này của Chúa Giêsu xuất hiện trong học thuyết Thánh Phaolô về cái chết của Chúa Giêsu như là một sự giải thoát (x. 1 Cor 6:20), như sư cứu độ (x. Rom 3:24), như giải phóng (x. Gal 5:1) và như hòa giải (x. Rom 5:10; 2 Cor 5:18-20). Đây là trung tâm của Thần Học Thánh Phaolô, là một nền thần học dựa vào câu này của Chúa Giêsu.

Để kết luận, Thánh Phaolô đã không nghĩ rằng Chúa Giêsu là điều gì lịch sử, điều gì trong quá khứ. Ngài chắc chắn biết truyền thống cao cả về cuộc sống của Người, lời nói, cái chết và sự Phục Sinh của Người, nhưng ngài không coi những biến cố đó là những gì trong quá khứ; ngài đưa các biến cố này ra như những thực tại của Chúa Giêsu vẫn còn sống. Những lời nói và hành động này của Chúa Giêsu đối với Thánh Phaolô không gắn liền với một thời điểm lịch sử, với quá khứ. Chúa Giêsu hiện vẫn sống và nói với chúng ta, và sống cho chúng ta. Đó là cách đích thực để biết Chúa Giêsu, không phải cách tự nhiên, như một người trong quá khứ, nhưng như là Chúa và Anh của chúng ta, mà ngày nay đang ở với chúng ta cùng chỉ cho chúng ta phải sống thế nào và chết thế nào.

[Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ]

BÀI ĐỌC THÊM XI

Bài Giáo Lý VIII của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô: Chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa nơi trần gian

Dưới đây là bản dịch bài Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 15 tháng 10, năm 2008. ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về khuôn mặt và tư tưởng của Thánh Phaolô.

****

Anh chị em thân mến,



Thứ Tư tuần trước cha đã nói về liên hệ của Thánh Phaolô với Chúa Giêsu tiền Phục Sinh trong khi Người còn tại thế. Câu hỏi là: “Thánh Phaolô đã biết gì về cuộc đời Chúa Giêsu, về những Lời [giảng dạy] và cuộc khổ nạn của Người?”.

Hôm nay cha muốn nói về giáo huấn của Thánh Phaolô về Hội Thánh. Chúng ta phải bắt đầu bằng cách ghi nhận rằng chữ này – “iglesia” trong tiếng Tây Ban Nha,  cũng như “église” trong tiếng Pháp hay “chiesa” trong tiếng Ý -- được lấy từ chữ “ekklesia” trong tiếng Hy Lạp. Nó bắt nguồn từ Cựu Ước và có nghĩa là sự tập họp của dân Israel, được Thiên Chúa quy tụ, và đặc biệt là kiểu tập họp ở chân núi Sinai.

Giờ đây, từ này ám chỉ một cộng đoàn tín hữu mới trong Đức Kitô tự ý thức rằng họ là cộng đồng của Chúa, một cuộc tập họp mới của tất cả các dân của Thiên Chúa trước mặt Ngài. Từ “ekklesia” chỉ xuất hiện trong các tác phẩm của Thánh Phaolô, là tác giả đầu tiên của một tác phẩm Kitô giáo. Điều này xảy ra trong câu mở đầu của Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Thêxalônica, trong đó Thánh Phaolô viết cho “Hội Thánh tại Thêxalônica” (x. sau này ngài cũng gửi cho “Hội Thánh của người Laođêcê trong thư gửi tín hữu Côlôxê 4:16).

Trong các Thư khác ngài nói về Hội Thánh của Thiên Chúa là Hội Thánh ở Côrinthô (x. 1 Cor 1:2 và 2 Cor 1:1), Hội Thánh ở Galatê (Gal 1:2, v.v.). – cho nên là những Hội Thánh đặc thù – nhưng ngài cũng kể lại việc đã khủng bố “Hội Thánh của Thiên Chúa”, mà không phải một cộng đoàn địa phương riêng biệt, mà là “Hội Thánh của Thiên Chúa”. Như thế, chúng ta thấy rằng từ “Hội Thánh” này có một ý nghĩa đa dạng: Nó một mặt ám chỉ những cuộc tập họp của Thiên Chúa ở những nơi riêng biệt (một thành phố, một quốc gia, một căn nhà), nhưng nó cũng có nghĩa là toàn thể Hội Thánh nói chung. Và như thế chúng ta thấy rằng “Hội Thánh của Thiên Chúa” không phải chỉ là tổng cộng của tất các Hội Thánh địa phương riêng rẽ, nhưng tất cả các Hội Thánh này đồng thời cũng là sự hiện thân của một Hội Thánh duy nhất của Thiên Chúa. Tất cả hợp lại thành “Hội Thánh của Thiên Chúa”, là Hội Thánh có trước mỗi Hội Thánh địa phương và được diễn tả cùng thể hiện trong các Hội Thánh ấy.

Điều quan trọng đáng cho chúng ta nhận xét là hầu như lúc nào chữ “Hội Thánh” cũng xuất hiện với thuộc từ “của Thiên Chúa”: Đó không phải là một đoàn thể của loài người, phát sinh từ nhũng tư tưởng hay ích lợi chung, nhưng là một cuộc tập họp của Thiên Chúa. Ngài đã tụ họp Hội Thánh lại và vì thế Hội Thánh là duy nhất trong mọi thể hiện. Sự duy nhất của Thiên Chúa tạo nên sự duy nhất của Hội Thánh ở mọi nơi mà Hội Thánh được thành lập. Sau này, trong Thư gửi tín hữu Êphêxô, Thánh Phaolô đã khai triển rộng rãi quan niệm duy nhất của Hội Thánh, tiếp tục theo quan niệm Dân Thiên Chúa, Israel, được các ngôn sứ coi là “hiền thê của Thiên Chúa,” được mời gọi để sống liên hệ phu thê với Ngài. Thánh Phaolô trình bày Hội Thánh duy nhất của Thiên Chúa như là “hiền thê của Đức Kitô” trong tình yêu, một tinh thần duy nhất với chính Đức Kitô.

Người ta biết rằng khi còn trẻ Thánh Phaolô đã rất thù ghét cái phong trào mới được cấu thành bởi Hội Thánh của Đức Kitô. Ngài là kẻ thù của Hội Thánh bởi vì ngài đã thấy phong trào mới này đe dọa tinh thần trung thành với truyền thống của Dân Chúa, được sinh động nhờ đức tin vào một Thiên Chúa Duy Nhất. Sự trung thành này được diễn tả trên hết trong việc cắt bì, tuân giữ các luật về thanh sạch thuộc về văn hóa, kiêng một số thức ăn nào đó, và tôn trọng ngày Sabath.

Dân Israel đã trả giá cho sự trung thành này bằng máu của họ trong thời Maccabêa, khi triều đại Hy Lạp bắt họ chỉ được chấp nhận nền văn hóa Hy Lạp mà thôi. Nhiều người Israel đã lấy máu mình mà bảo vệ ơn gọi riêng của dân Israel. Các vị tử vì đạo đã lấy mạng sống của họ mà trả cho căn tính của dân họ, là căn tính được diễn tả qua những yếu tố này.

Sau khi gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, Thánh Phaolô đã hiểu rằng các Kitô hữu không phải là những kẻ phản quốc; trái lại, trong hoàn cảnh mới, Thiên Chúa của dân Israel, qua Đức Kitô, đã mở rộng lời mời gọi của Người đến mọi dân tộc, bằng cách trở thành Thiên Chúa của mọi dân tộc. Nhờ cách này mà sự trung thành với Thiên Chúa duy nhất được chu toàn; những dấu chỉ riêng biệt cấu thành bởi những tục lệ và những điều phải tuân giữ không còn cần thiết nữa, bởi vì tất cả mọi người được mời gọi, trong sự khác biệt nhau, để tạo thành phần tử của một Dân Thiên Chúa duy nhất trong “Hội Thánh của Thiên Chúa”, trong Đức Kitô.

Có một điều hiển nhiên đối với Thánh Phaolô trong hoàn cảnh mới là: giá trị chủ yếu và căn bản của Đức Kitô và “Lời” mà ngài đã rao giảng. Thánh Phaolô biết rằng người ta không những đã trở thành Kitô hữu không vì bị bắt buộc, nhưng vì trong hình thể nội tại của cộng đoàn mới này, cơ cấu hợp thành nó được liên kết với “Lời Hằng Sống”, là việc rao giảng Đức Kitô hằng sống, trong đó Thiên Chúa mở chính Mình ra cho mọi dân tộc, và kết hợp họ lại trong một Dân Thiên Chúa duy nhất. Việc Thánh Luca trong sách Tông Đồ Công Vụ nhiều lần dùng cụm từ “rao giảng Lời” (Cv 4:29,31; 8:25; 11:19; 13:46; 14:25; 16:6,31) là một điều quan trọng, với một ý định rõ ràng là chứng tỏ tầm vóc tối đa và quyết định của Lời được rao giảng.

Cách cụ thể, Lời này gồm có Thánh Giá và sự Phục Sinh của Đức Kitô, mà trong đó các lời trong Thánh Kinh được thể hiện. Mầu Nhiệm Phục Sinh, được công bố trong Lời, được hoàn thành trong các bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể, và được thể hiện trong Đức Ái của Kitô hữu. Công cuộc rao giảng Tin Mừng của Thánh Phaolô không có một mục tiêu nào khác hơn là thiết lập một cách vững chắc một cộng đồng các tín hữu trong Đức Kitô. Tư tưởng này có cùng một nguyên từ như “ekklesia” mà Thánh Phaolô, và toàn thể Kitô giáo cùng với ngài, thích dùng hơn một từ khác là “hội đường (synagogue)”, không những chỉ vì từ này có vẻ “thường dân” hơn – phát xuất từ thói quen tụ họp về chính trị của người Hy Lạp chứ không riêng về tôn giáo – nhưng cũng bởi vì từ ấy trực tiếp ám chỉ một tư tưởng có tính cách thần học hơn, một lời mời gọi “ab extra”, chứ không phải chỉ là một buổi họp đơn giản. Các tín hữu được Thiên Chúa, là Đấng tụ tập họ lại trong một cộng đoàn, là Hội Thánh của Ngài, mời gọi.

Theo nghĩa ấy, chúng ta cũng hiểu quan niệm nguyên thủy về Hội Thánh như “Thân Mình Đức Kitô”, theo học thuyết riêng của Thánh Phaolô. Về việc này, chúng ta nên ghi nhớ hai bình diện của quan niệm này. Thứ nhất là đặc tính xã hội, theo đó thì thân thể được tạo thành bởi những bộ phận, và không có thân thể nếu không có những bộ phận ấy. Chúng ta thấy cách giải thích này trong Thư gửi tín hữu Rôma và trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô, ở đó Thánh Phaolô dùng một hình ảnh đã có sẵn trong xã hội học của người Rôma. Ngài nói rằng một dân tộc cũng giống như một thân thể với những chi thể khác nhau, mỗi chi thể có phận sự riêng của mình, nhưng tất cả, dù chi thể nhỏ nhất và xem ra tầm thường nhất, cũng vẫn cần thiết để thân thể có thể sống và thi hành nhiệm vụ của mình. Cách thích hợp, Thánh Tông Đồ quan sát và thấy rằng trong Hội Thánh có nhiều ơn gọi: làm ngôn sứ, tông đồ, dân chúng đơn thành, tất cả đều được mời gọi sống Đức Ái mỗi ngày, tất cả đều cần thiết cho việc xây dựng sự hợp nhất sống động của tổ chức thiêng liêng này.

Một cách giải thích khác nói đến chính Thân Thể Đức Kitô. Thánh Phaolô chứng minh rằng Hội Thánh không chỉ là một tổ chức, nhưng thật sự trở thành Nhiệm Thể Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, là nơi mà tất cả các phần tử đón nhận Mình Người và thật sự trở thành Thân Thể của Người. Như thế là làm tròn mầu nhiệm phu thê, rằng tất cả là một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô. Vì thế thực tại phải vượt qua sự tưởng tượng về xã hội rất nhiều, bằng cách diễn tả bản chất thật sự và sâu xa của nó, là sự hợp nhất của tất cả những người đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, được Thánh Tông đồ coi là “một” trong Đức Kitô, chiếu theo bí tích của Thánh Thể Người.

Khi nói điều này, Thánh Phaolô cho thấy rằng ngài biết rõ và ngài đưa chúng ta đến hiểu biết rằng Hội Thánh không phải là của ngài và cũng không phải là của chúng ta: Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô, là “Hội Thánh của Thiên Chúa”, là “cánh đồng của Thiên Chúa”, công việc xây dựng của Thiên Chúa . . . “đền thờ của Thiên Chúa (1 Cor 3:9,16). Danh hiệu cuối cùng đáng cho chúng ta đặc biệt quan tâm bởi vì danh hiệu ấy nói về một sự liên quan giữa các cá nhân, một từ thường được dùng để chỉ một nơi chốn, được coi là thánh. Liên quan giữa Hội Thánh và đền thờ như thế bao gồm hai bình diện bổ túc cho nhau: một đàng, đặc tính tách biệt và trong sạch, là điều mà căn nhà thánh có, được áp dụng cho cộng đồng giáo hội; mặt khác, người ta vượt lên trên quan niệm về một không gian vật chất, để chuyển giá trị này đến thực tại của một cộng đồng đức tin sống động. Nếu trước kia, các đền thờ được coi là những nơi có Thiên Chúa hiện diện, thì bây giờ người ta biết và thấy rằng Thiên Chúa không ngự trong những ngôi nhà làm bằmg đá, nhưng nơi Thiên Chúa hiện diện là thế giới của cộng đoàn các tín hữu sống động.

Một điều đáng đưọc bàn đến là tiêu chuẩn của “Dân Thiên Chúa” mà đối với Thánh Phaolô được áp dụng cách chắc chắn cho dân của Cựu Ước, rồi sau đó cho dân ngoại là những kẻ “không phải là dân” và cũng đã trở thành Dân Thiên Chúa nhờ việc được tháp nhập vào Đức Kitô qua Lời và Bí Tích.

Và có một sắc thái cuối cùng. Trong Thư gửi Timôthê, Thánh Phaolô gọi Hội Thánh là “nhà của Thiên Chúa” (1 Tim 3:15); và đó thật là một định nghĩa nguyên thủy, bởi vì định nghĩa này coi Hội Thánh là một cơ cấu của cộng đồng mà trong đó người ta sống trong những liên hệ đầm ấm có tính gia đình với nhau. Thánh Tông Đồ giúp chúng ta hiểu rõ hơn bao giờ hết mầu nhiệm Hội Thánh trong những chiều kích riêng biệt của buổi tập họp của Thiên Chúa trên thế gian.

Đây là điều cao quý nhất của Hội Thánh và của ơn gọi của chúng ta: chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa nơi trần gian, là nơi Thiên Chúa ngự thật, và chúng ta đồng thời cũng là một cộng đồng, một gia đình của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. Như là gia đình và nhà của Thiên Chúa, chúng ta phải thực hành Đức Ái của Ngài trong thế gian, và như thế, với sức mạnh đến từ Đức Tin, chúng ta thành nơi chốn và dấu chỉ của sự hiện diện của Ngài. Chúng ta hãy cầu xin Chúa để Người ban cho chúng ta càng ngày càng trở nên Hội Thánh của Người, Thân Thể của Người, nơi hiện diện của Đức Ái của Người trong thế gian và trong lịch sử của chúng ta.

[Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ]

BÀI ĐỌC THÊM XII

Bài Giáo Lý mới IX của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô: Thánh Phaolô và Kitô học: Đức Khiêm Nhường của Đức Kitô

Dưới đây là bản dịch bài Huấn Từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô ngày Thứ Tư 22 tháng 10 trong buổi triều kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay Đức Thánh Cha tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về khuôn mặt và tư tưởng của Thánh Phaolô.

***

Anh chị em thân mến:



Trong những bài Giáo Lý các tuần trước, cha đã suy niệm về việc “trở lại” của Thánh Phaolô, là kết quả của một gặp gỡ riêng với Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, và chúng ta đã tự hỏi về liên hệ [Zenit dịch là phản ứng] của vị Tông Đồ Dân Ngoại với Đức Kitô khi Người còn tại thế. Hôm nay cha muốn nói về giáo huấn mà Thánh Phaolô để lại cho chúng ta về vai trò trọng tâm của Đức Kitô Phục Sinh trong mầu nhiệm cứu độ, nghĩa là về Kitô học của ngài.

Trên thực tế, Đức Kitô Phục Sinh, “vượt trên hết mọi danh hiệu”, ở trọng tâm của tất cả suy tư của ngài. Đối với Thánh Tông Đồ, Đức Kitô là tiêu chuẩn để lượng giá mọi biến cố và mọi sự, là mục tiêu của mọi cố gắng mà ngài thực hiện để rao giảng Tin Mừng, là một đam mê say đắm nâng đỡ bước đi của ngài trên những nẻo đường thế dương thế. Và Người là Đức Kitô sống động và cụ thể: Thánh Phaolô nói là Đức Kitô, “Đấng yêu thương tôi và thí mạng sống vì tôi” (Gal 2:20). Đấng này yêu tương tôi, tôi có thể nói với Người, Người lắng nghe và trả lời tôi, đây chính là nguyên tắc để hiểu thế gian và để tìm thấy đường đi trong lịch sử.

Những ai đã từng đọc các tác phẩm của Thánh Phaolô thì biết rõ rằng ngài không bận tâm đến việc kể lại những biến cố tạo thành cuộc đời của Đức Kitô, dù chúng ta có thể tưởng tượng rằng trong các bài Giáo Lý của ngài, ngài có thể kể rất nhiều về Chúa Giêsu tiền Phục Sinh hơn là những gì ngài đã viết trong các Thư của ngài, là những nhắc nhở về những hoàn cảnh cụ thể. Các công việc [tác phẩm] mục vụ và thần học của ngài cũng hướng về việc giáo dục các cộng đoàn tín hữu sơ khai, vì thế đối với ngài là điều tự nhiên khi đặt hết tâm trí vào việc loan báo Chúa Giêsu là “Chúa”, hôm nay vẫn còn sống và đang hiện diện giữa chúng ta.

Ở đây chúng ta thấy bản chất chính yếu đặc thù của Kitô học theo Thánh Phaolô, là môn học khai triển chiều sâu của mầu nhiệm với một quan tâm liên tục và chính xác: là loan báo với sự chắc chắn Chúa Giêsu và giáo huấn của Người, nhưng trên hết là loan báo thực thể chính là cái chết và sự phục sinh của Người như là tột đỉnh của sự hiện diện của Người ở thế gian, và là nguồn gốc cho những phát triển sau này của toàn thể Đức Tin Kitô giáo, của toàn thể thực chất của Hội Thánh.

Đối với Thánh Tông Đồ, biến cố Phục Sinh không phải là một biến cố riêng rẽ tách rời khỏi Cái Chết [của Chúa]. Đấng Phục Sinh cũng là Đấng Chịu Đóng Đinh. Đấng Phục Sinh cũng mang vết thương: Cuộc Khổ Nạn vẫn hiện diện trong Người và có thể nói như Pascal là Người chịu đau khổ cho đến tận thế, mặc dù là Đấng Phục Sinh cùng đang sống với chúng ta và cho chúng ta. Trên đường đi Đamascô, Thánh Phaolô đã hiểu sự đồng hóa này giữa Đấng Phục Sinh với Đức Kitô Chịu Đóng Đinh: Ngay lúc ấy, ngài được Thiên Chúa mặc khải một cách rõ ràng rằng Đấng Chịu Đóng Đinh là Đấng Phục Sinh và Đấng Phục Sinh là Đấng Chịu Đóng Đinh, Đấng nói cùng Thánh Phaolô: “Tại sao ngươi bách hại Ta?” (Cv 9:4). Khi ấy Thánh Phaolô đang khủng bố Hội Thánh Kitô giáo và sau đó ngài đã hiểu rằng thập giá là “một sự chúc dữ của Thiên Chúa” (TL 21:23) , nhưng lại là một hy lễ để cứu độ chúng ta.

Thánh Tông Đồ đã chiêm niệm say sưa bí mật được che dấu của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, và qua những đau khổ mà Đức Kitô đã chịu trong nhân tính (diện trần thế) đã đưa Thánh Nhân đến sự hiện hữu đời đời mà ở đó Người làm một với Đức Chúa Cha (tình trạng tiền thời gian): “Nhưng khi tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến, sinh ra bởi một người phụ nữ, và dưới Lề Luật, để cứu chuộc những ai sống dưới Lề Luật, cho chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gal 4:4-5).

Hai bình diện – muôn đời hằng hữu cùng với Đức Chúa Cha và việc Chúa xuống nhập thể -- đã được loan báo trong Cựu Ước qua dung mạo của Sự Khôn Ngoan. Chúng ta tìm thấy trong văn chương Khôn Ngoan của Cựu Ước một số bản văn ca tụng vai trò của Sự Khôn Ngoan có trước việc tạo dựng thế gian. Theo nghĩa này, chúng ta có thể thấy những đoạn như Thánh Vịnh 90: “Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên, địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành, Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời” (Tv 90:2 bản dịch nhóm GKPV). Hay những đoạn như đoạn tả Sự Khôn Ngoan sáng tạo: “Chúa đã dựng nên ta, như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất. Ta đã được thiết lập từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất” (Cn 8:22-23). Việc ca tụng Sự Khôn Ngoan cũng được biểu lộ trong sách mang cùng một tên là Sách Khôn Ngoan: “Từ chân trời này, Đức Khôn Ngoan vươn mạnh tới chân trời kia, cai quản mọi loài thật tốt đẹp” (Kn 8:1).

Những bản văn khôn ngoan nói về sự hằng hữu của Sự Khôn Ngoan cũng nói đến việc đi xuống của Sự Khôn Ngoan, về việc hạ xuống của Sự Khôn Ngoan này, đã tự mình cắm lều giữa loài người. Như thế chúng ta cảm thấy sự vang vọng của các lời trong Tin Mừng Thánh Gioan nói về cái lều bằng xương thịt của Chúa. Một cái lều đã được tạo ra trong Cựu Ước: Ở đây ám chỉ đền thờ, việc phụng tự theo “Lề Luật (Tora)”; nhưng theo quan điểm của Tân Ước, chúng ta hiểu rằng đây chỉ là biểu tượng tiền trưng cho một cái lều thực tế hơn và ý nghĩa hơn: cái lều bằng nhục thể của Đức Kitô.

Chúng ta đã thấy trong các sách của Cựu Ước rằng việc hạ xuống này của Sự Khôn Ngoan,  việc Đức Khôn Ngoan xuống làm người, cũng bao hàm việc có thể bị khước từ. Thánh Phaolô, trong khi khai triển Kitô học của ngài, cũng nhắc đến chính viễn tượng khôn ngoan này: Ngài nhận ra trong Chúa Giêsu Sự Khôn Ngoan hằng hữu, Sự Khôn Ngoan xuống và cắm lều ở giữa chúng ta, và như thế ngài có thể diễn tả Đức Kitô như là “quyền năng của Thiên Chúa và Sự Không Ngoan của Thiên Chúa”. Ngài có thể nói rằng Đức Kitô đã trở nên cho chúng ta “sự khôn ngoan từ Thiên Chúa, cũng như sự công chính, sự thánh hoá và cứu độ” (1 Cor 1:24, 30). Cũng như thế, Thánh Phaolô cắt nghĩa rõ ràng rằng Đức Kitô, giống như Sự Khôn Ngoan, có thể bị khước từ trên hết bởi những người cai trị của thời đại này (x. 1 Cor 2:6-9), đến nỗi tạo ra một hoàn cảnh mâu thuẫn trong các chương trình của Thiên Chúa: Thập Giá sẽ trở thành con đường cứu độ cho toàn thể nhân loại.

Có một sự phát triển sau này của chu kỳ khôn ngoan, trong đó người ta nhìn thấy việc Sự Khôn Ngoan tự hạ mình xuống để sau đó được nâng lên mặc dù bị khước từ, được tìm thấy trong bài thánh thi thời danh trong Thư gửi tín hữu Philiphê (x. 2:6-11). Điều này liên hệ đến một trong những bản văn được đề cao nhất của Tân Ước. Hầu hết các nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng đoạn Thánh Kinh này được soạn thảo trước khi có bản văn của Thư gửi tín hữu Philipphê. Đây là một sự kiện rất quan trọng bởi vì sự kiện này có nghĩa là trước Thánh Phaolô, Kitô giáo gốc Do Thái đã tin vào thiên tính của Chúa Giêsu. Nói cách khác, Đức Tin vào thiên tính của Đức Kitô không phải là một sáng kiến Hy Lạp, nảy sinh sau cuộc đời dương thế của Đức Kitô, một sáng kiến quên đi nhân tính của Người, đã thần thánh hóa Người. Trên thực tế chúng ta thấy rằng Kitô giáo gốc Do Thái thời sơ khai đã tin vào thiên tính của Chúa Giêsu. Hơn nữa, chúng ta có thể nói rằng chính các Tông Đồ trong những giây phút huy hoàng của cuộc đời Thầy mình, đã hiểu rằng Người là Con Thiên Chúa, như Thánh Phêrô nói tại Cêsarê Philipphê: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16).

Nhưng chúng ta hãy trở về với bài thánh thi từ Thư gửi tín hữu Philipphê. Cấu trúc của bản văn có thể được chia thành ba đoạn, là những đoạn trình bày các thời điểm chính của hành trình mà Đức Kitô đã đi qua. Thời điểm có từ trước muôn đời của Người được diễn tả bằng những từ: “đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa, mà không nghĩ phải giữ cho được địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” (câu 6). Tiếp theo đó là việc tình nguyện tự hạ của Chúa Con được diẽn tả trong đoạn thứ nhì: “Người đã hoàn toàn trút bỏ chính mình, để mặc lấy hình dạng của một tên nô lệ” (câu 7), “Người tự hạ mình, vâng lời đến nỗi chịu chết, và ngay cả chết trên thập giá” (câu 8). Đoạn thứ ba của bài thánh thi công bố câu trả lời của Chúa Cha đối với sự khiêm hạ của Chúa Con: “Chính vì thế, mà Thiên Chúa đã siêu tôn Người và đã ban cho Người một danh hiệu vượt trên hết mọi danh hiệu” (câu 9).

Xúc động thay tính tương phản giữa sự tự hạ tận căn bản và kết quả được vinh danh trong vinh quang Thiên Chúa. Rõ ràng là đoạn thứ nhì này trái ngược với kỳ vọng của Ađam, là muốn làm cho mình thành Thiên Chúa, và cũng trái ngược với hành động của những kẻ xây Tháp Babel, là những kẻ muốn xây cho mình một cái cầu lên trời để họ trở thành thần thánh. Nhưng sáng kiến kiêu căng này cuối cùng đưa đến tự hủy: Bằng cách này, người ta không đạt đến thiên đàng, đến hạnh phúc thật, đến Thiên Chúa. Động tác của Con Thiên Chúa thì hoàn toàn ngược lại: không kiêu căng nhưng khiêm nhượng, là làm trọn tình yêu, và tình yêu là của Thiên Chúa. Sáng kiến tự hạ, khiêm nhường tận cùng của Đức Kitô, trái ngược với tính kiêu ngạo của loài người, thật sự là cách diễn tả tình yêu của Thiên Chúa; và theo đó là việc được đưa lên Trời, nơi Thiên Chúa kéo chúng ta lên với tình yêu của Ngài.

Ngoài Thư gửi tín hữu Philipphê, còn những chỗ khác trong văn chương của Thánh Phaolô mà vấn đề sự hiện hữu từ muôn đời và việc xuống trần của Con Thiên Chúa được kết hợp với nhau. Một tái xác nhận việc đồng hóa giữa Đức Khôn Ngoan và Đức Kitô, với tất cả hậu quả vũ trụ và nhân chủng của nó, được tìm thấy trong Thư Thứ Nhất gửi Timôthê: “Người được biểu lộ trong xác phàm, được nên công chính nhờ Chúa Thánh Thần; được các thiên sứ nhìn ngắm, và được rao giảng giữa muôn dân; được cả hoàn cầu tin kính, được đón nhận vào cõi quang vinh” (1 Tim 3:16). Trên hết mọi sự, dựa vào những tiền đề này mà chức vụ của Đức Kitô như là Đấng Trung Gian có thể được định nghĩa rõ ràng hơn, trong phạm vi của chỉ một mình Thiên Chúa của Cựu Ước (x. 1 Tim 2:5 trong tương quan với Isaia 43:10-11; 44:6). Đức Kitô là nhịp cầu thật sự đưa chúng ta lên Trời để hiệp thông với Thiên Chúa.

Và sau hết, chỉ một điểm nói về những phát triển cuối cùng về Kitô học của Thánh Phaolô trong các Thư gửi tín hữu Côlôxê và Êphêxô. Trong Thư thứ nhất, Đức Kitô được mệnh danh là “trưởng tử của mọi tạo vật” (Col 1:15-20). Từ “trưởng tử” này có ý nói là con đầu trong số nhiều con cái, con cả trong số nhiều anh chị em, đã hạ mình xuống để kéo chúng ta lên thành các em trai gái [của Người]. Trong Thư gửi tín hữu Êphêxô, chúng ta tìm thấy một cách trình bày tuyệt mỹ về chương trình cứu độ, khi Thánh Phaolô nói rằng trong Đức Kitô, Thiên Chúa muốn gồm tóm mọi sự (x. Eph 1:23). Đức Kitô là bản tóm tắt tất cả mọi sự, Người gánh lấy tất cả mọi sự và dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Và như thế cũng ám chỉ cử động đi xuống và đi lên, mời gọi chúng ta thông phần vào sự khiêm nhường của Người, nghĩa là, vào tình yêu Người dành cho những người lân cận, để nhờ thế được dự phần vào vinh quang của Người, biến chúng ta thành con cái [Thiên Chúa] trong Chúa Con cùng với Người. Chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa giúp chúng ta thích nghi với sự khiêm nhường và tình yêu của Người, để được thông phần vào thiên tính của Người.

[Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ]



tải về 1.33 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương