THÀnh duy thức luận hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang Việt Dịch : ht. Thiện Siêu



tải về 2.12 Mb.
trang20/26
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích2.12 Mb.
#39903
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   ...   26

XXI. GIA HẠNH VỊ


- Thứ hai, Gia hạnh vị, tướng nó như thế nào?

Tụng rằng:



Hiện tiền lập chút vật,

Cho là tánh Duy thức.

Vì còn có sở đắc,

Chưa thực trụ Duy thức.

Luận rằng: Bồ tát trước hết ở vô số kiếp đầu, khéo dự bị lương phước đức và trí tuệ, việc thuận theo phần giải thoát đã được viên mãn, lại còn muốn tiến lên để vào Kiến đạo, trụ tánh Duy thức, nên tiếp tu bốn Gia hạnh, khắc phục diệt trừ hai thủ, đó là tu Noãn, Ðảnh, Nhẫn, Thế đệ nhất. Bốn thứ này gọi chung là phần quyết trạch. Vì thuận hướng đến phần quyết trạch chân thật, và vì gần đến Kiến đạo, cho nên lập tên Gia hạnh, chứ không phải ở Tư lương vị trước đó không có Gia hạnh.

Bốn pháp Noãn, Ðảnh, Nhẫn, Thế đệ nhất là nương bốn tầm tư và bốn như thật trí, theo vị thứ trước sau mà lập.



Bốn tầm tư (suy tầm, tư sát) là tầm tư danh, tầm tư nghĩa, tầm tư tự tánh, tầm tư sai biệt. Bốn thứ đó đều là giả có không thật.

Như thật biết khắp bốn thứ danh, nghĩa v.v... đó, lìa thức không có và thức chấp thủ lìa bốn tướng đó cũng không có (sở thủ năng đều không); đó gọi là trí như thật. Danh và nghĩa tướng khác nhau cho nên tầm tư riêng; còn tự tánh và sai biệt của danh và nghĩa tướng đồng nhau, nên hợp lại mà tầm tư.

Nương minh đắc định, phát sanh tầm tư bậc hạ, quán thấy không có tướng sở thủ, lập làm "Noãn vị". Nghĩa là ở địa vị này quán bốn pháp sở thủ là danh, nghĩa, tự tánh, sai biệt, đều do tự tâm biến hiện, giả thi thiết nói là có, nhưng kỳ thật không có gì nắm bắt được. Ban đầu đạt được hành tướng sáng trước tiên của mặt trời tuệ, nên đặc tên là "minh đắc". Tức là đạt được tướng ban đầu của lửa đạo (tướng nóng) nên cũng gọi là Noãn.

Nương minh tăng định, phát khởi tầm tư bậc thượng, quán thấy không có sở thủ, lập làm "Ðảnh vị". Nghĩa là ở địa vị này vẫn quán bốn pháp danh, nghĩa, tự tánh, sai biệt đều do tự tâm hiện biến, giả thi thiết cho là có, nhưng kỳ thật không có gì nắm bắt được. Tướng sáng của lửa tuệ sáng dần lên, nên gọi là "Minh" tăng. Tột đỉnh của địa vị tầm tư, nên gọi là Ðảnh (đầu).

Nương Ấn thuận định, phát khởi trí như thật bậc hạ, đối với "không sở thủ" quyết định ấn nhập giữ gìn, và đối trong "không năng thủ" cũng tùy thuận vui nhẫn. Ðã không có cảnh thật lìa thức năng thủ, thì đâu có thức thật lìa khỏi cảnh sở thủ. Sở thủ, năng thủ, cho do đối đãi mà có. Khi Ấn nhập tùy thuận, chấp nhận, chung gọi là nhẫn. Ấn nhập "không sở thủ" trước và tùy thuận "không năng thủ" sau, cho nên gọi là "Ấn thuận", nhẫn chịu cảnh và thức đều không, nên cũng gọi là Nhẫn.

Nương Vô gián định, phát khởi trí như thật bậc thượng, ấn nhập cả hai thủ đều không, lập làm pháp "Thế đệ nhất". Nghĩa là nhẫn bậc thượng trước kia chỉ ấn nhập "năng thủ không", nay pháp thế đệ nhất này cả hai không đều ấn nhập. Từ đây liên tục không gián đoạn, thì chắc chắn nhập vào Kiến đạo, nên gọi là "Vô gián". Ở trong pháp của loài dị sanh thì đến đây là pháp tối thắng hơn cả, nên gọi là Thế đệ nhất.

Như thế Noãn và Ðảnh là nương thức năng thủ mà quán cảnh sở thủ là không; đến khi khởi lên nhẫn bậc hạ thì ấn chứng tướng không của cảnh; khi chuyển vị sanh trung nhẫn thì đối với thức năng thủ cũng thấy nó là không như cảnh, thuận vui nhẫn có thể theo đó; đến khi nhẫn bậc thượng khởi lên thì ấn chứng năng thủ không. Lên đến Thế đệ nhất pháp thì Ấn chứng cả năng thủ, sở thủ đều không.

Tuy nhiên, ở địa vị trên còn thấy có tướng "không" để chứng, nên chưa chứng thực. Vì vậy nói Bồ tát ở địa vị này, hiện tiền còn lập ra chút vật mà cho đó là tánh thắng nghĩa Duy thức, là do chưa trừ được hai tướng không và có, và còn mang theo tướng để quán tâm, còn có sở đắc, cho nên chẳng phải thật an trụ chơn Duy thức; khi tướng kia diệt rồi, mới thật an trụ. Nương theo nghĩa đó, nên có tụng rằng:



Bồ tát ở trong định,

Quán ảnh chỉ là tâm,

Tướng nghĩa đã diệt trừ,

Thẩm quán chỉ tự tưởng.

Như vậy trụ nội tâm,

Biết "sở thủ" chẳng có.

Biết "năng thủ" cũng không,

Sau chứng vô sở đắc.

Ở Gia hạnh vị này chưa khiến trừ được sự ràng buộc của tướng có, tướng không, nên đối với sự ràng buộc của hai thô trọng chướng cũng chưa thể dứt. Chỉ có thể dẹp trừ hai chướng phân biệt hiện hành, vì hai chướng phân biệt hiện hành trái với Kiến đạo; còn hai chướng câu sanh hiện hành và hai chướng tùy miên, vì tâm còn hữu lậu, quán còn sở đắc, có phân biệt, cho nên chưa hoàn toàn dẹp trừ, chưa hoàn toàn dứt hết.

Bồ tát ở địa vị này, đối với an lập đế (4 đế) và phi an lập đế (nhị không chơn như) đều học tập quán sát, để dẫn phát sanh hai kiến là chơn kiến đạo và tướng kiến đạo trong đương lai, và để dẹp hai chướng phân biệt. Phi an lập đế là cảnh sở quán chính của Bồ đề, chứ không phải như Nhị thừa chỉ quán an lập đế.

Bồ tát phát khởi các thiện căn Noãn, Ðảnh v.v... lúc tu phương tiện, tuy thông cả các cõi Thiền đều phát được, nhưng phải nương thiền thứ tư mới được viên mãn, vì nương nơi chỗ tối thắng mới nhập vào Kiến đạo. Và chỉ nương thân người ở cõi Dục mới phát khởi thiện căn này; còn các cõi khác thì tâm tuệ và tâm nhàm chán còn kém, khó phát sanh được.

Ðịa vị Gia hạnh này cũng nhiếp thuộc giải hạnh địa, vì chưa chứng được chơn thắng nghĩa của Duy thức. 

---o0o---


XXII. THÔNG ÐẠT VỊ


- Thứ ba là Thông đạt vị, tướng nó như thế nào?

Tụng rằng:



Nếu khi đối sở duyên

Trí đều không sở đắc,

Bấy giờ trụ Duy thức,

Vì lìa hai tướng thủ.

Luận rằng: Nếu khi Bồ tát đối với cảnh sở duyên, trí không phân biệt, hoàn toàn không sở đắc, không chấp thủ các tướng hý luận, bấy giờ mới gọi là thật an trụ tánh chơn thắng nghĩa Duy thức, tức là chứng Chơn như. Trí và Chơn như bình đẳng, đều lìa cả tướng năng thủ và sở thủ, vì năng thủ, sở thủ đều là tướng hý luận do tâm phân biệt có sở đắc hiện ra.

- Có người cho rằng ở trí này không có hai phần Kiến và Tướng, vì nói không có tướng sở thủ, năng thủ.

- Có người cho rằng ở trí này có đủ hai phần tướng và kiến, vì trí có mang theo tướng chơn như kia mà khởi, gọi đó là duyên tướng kia. Nếu không cần có tướng chơn như kia mà cũng gọi là duyên tướng chơn như kia, thì lẽ ra trí duyên sắc cũng là trí duyên thanh, còn nếu không có  kiến phần thì không thể duyên được, làm sao có thể nói là trí duyên chơn như? Không thể cho rằng tánh chơn như không phải  kiến phần mà cũng gọi là năng duyên. Cho nên, nên chấp nhận trí này chắc chắn có kiến phần.

- Có người cho rằng ở trí này kiến phần thì có, tướng phần thì không, vì nói không có tướng khả thủ, ấy là không chấp thủ tướng. Tuy có  kiến phần mà không phân biệt, nên nói chẳng phải năng thủ, chứ không phải năng thủ hoàn toàn không có. Tuy không có tướng phần nhưng có thể nói trí này có mang theo tướng chơn như mà khởi, không phải lìa chơn như. Như khi tự chứng phần duyên  kiến phần, đó là không biến ra tướng phần mà duyên, đây cũng vậy. Biến ra tướng phần mà duyên, là không phải thân chứng. Như trí hậu đắc thì nó có phân biệt. Cho nên, nên chấp nhận ở trí căn bản chứng chơn như này có  kiến phần, không có tướng phần.

Tu Gia hạnh liên tục không gián đoạn, đến khi trí không phân biệt này phát sanh thì thể hội chơn như, gọi đó là địa vị thông đạt. Vì mới bắt đầu chiếu rõ chơn lý, nên cũng gọi là Kiến đạo.

Nhưng Kiến đạo này lược có hai thứ:

Một là chơn kiến đạo. Chính là trí không phân biệt nói ở đây, nó thực chứng chơn lý do hai không hiển lộ, thực đoạn được tùy miên chủng tử của hai chướng phân biệt. Tuy tâm trải qua nhiều sát na việc mới rốt ráo, nhưng vì trước sau tương tợ nhau, nên gọi chung là nhất tâm.

- Có người cho rằng trong chơn kiến đạo này, hai không dần dần chứng, hai chướng dần dần đọan, vì có cạn sâu thô tế khác nhau.

- Có người cho rằng trong chơn kiến đạo này, hai không chứng ngay một lần, hai chướng dứt ngay một lần, vì do năng lực ý lạc, có sức kham năng làm như vậy.

Hai là tướng kiến đạo. Ðây lại có hai:

1. Quán phi an lập đế có ba bậc tâm:

a. Trí bên trong khiến trừ cái bệnh lấy hữu tình giả làm duyên, nó có thể dứt được phần mềm của loại phân biệt tùy miên.

b. Trí bên trong khiến trừ cái bệnh lấy các pháp giả làm duyên, nó có thể dứt được phần vừa của loại phân biệt tùy miên.

c. Trí khắp khiến trừ tất cả bệnh lấy hữu tình và các pháp giả làm duyên, nó có thể dứt hết thảy phân biệt tùy miên.

Hai trường hợp trước gọi là "pháp trí", vì duyên nội thân và nội pháp riêng. Trưòng hợp thứ ba gọi là "loại trí" vì hiệp chung lại mà duyên.

Ðây là bắt chước chơn kiến đạo, trong đó kiến phần duyên "hai không" mà tự dứt được hai chướng thông qua vô gián đạo, giải thoát đạo; duyên riêng và duyên chung mà kiến lập gọi là tướng kiến đạo.

- Có người cho rằng cả ba trí trên đều là chơn kiến đạo, vì tướng kiến đạo thì duyên Tứ đế, chứ không quán phi an lập đế.

- Có người cho rằng ba trí này là tướng kiến đạo, vì chơn kiến đạo thì không duyên từng cảnh riêng.

2. Duyên an lập đế (Tứ đế) có mười sáu tâm. Ðây lại có hai:

a. Nương theo pháp quán sở thủ, năng thủ, mà lập riêng pháp và loại gồm có mười sáu tâm. Nghĩa là quán Khổ đế có bốn tâm:

- Khổ pháp trí nhẫn, tức quán tánh chơn như của Khổ đế trong ba cõi, chính thức đoạn được 28 thứ hoặc phân biệt tùy miên khi thấy được Khổ đế của ba cõi.

- Khổ pháp trí, tức là khổ pháp trí nhẫn kia tiếp tục không gián đoạn quán tánh chơn như của Khổ đế như trước, mà chứng được giải thoát khỏi phiền não đã đoạn trước đó.

- Khổ loại trí nhẫn, tức là khổ pháp trí trước đó tiếp tục không gián đoạn mà phát sanh tuệ vô lậu, đối với pháp nhẫn và pháp trí đều riêng chứng bên trong. Những Thánh pháp tiếp sau pháp nhẫn, pháp trí này đều thuộc vào loại đây.

- Khổ  loại trí, tức khổ loại trí nhẫn kia không gián đoạn mà phát sanh trí vô lậu, thẩm định ấn khả đối với loại trí nhẫn trước đó.

Như với Khổ đế có bốn tâm, nên biết đối với Tập đế, Diệt đế, Ðạo đế cũng đều có bốn tâm như vậy.

Trong mười sáu tâm này, tám thứ thuộc pháp nhẫn, pháp trí thì quán chơn như, còn tám thứ thuộc loại nhẫn, loại trí thì quán chánh trí. Ðây chính là bắt chước đạo vô gián, đạo giải thoát trong chơn kiến đạo có sai khác về  kiến phần và tự chứng phần mà kiến lập, gọi là tướng kiến đạo.

b. Nương pháp quán cảnh Tứ đế ở hạ giới, thượng giới mà riêng lập mười sáu tâm gồm tám pháp, tám loại. Nghĩa là quán Tứ đế ở cõi hiện tiền (cõi Dục) và không hiện tiền (cõi Sắc, Vô sắc) mỗi đế đều có hai tâm là hiện quán nhẫn (vô gián đạo) và hiện quán trí (giải thoát đạo) theo chỗ thích hợp, bắt chước  kiến phần quán Tứ đế thông qua vô gián đạo, giải thoát đạo trong chơn kiến đạo, dứt được 112 thứ hoặc phân biệt tùy miên thuộc loại kiến đạo đoạn, đó gọi là Tướng kiến đạo.

Nếu nương vào Thánh giáo đạo lý đã quảng bố mà nói Tướng kiến đạo có chín thứ tâm. Ðây chính là nương nơi (tướng kiến đạo duyên an lập đế) trước kia có hai lần mười sáu tâm, lập riêng thành hai thứ Chỉ và Quán, tức pháp và loại, đều có nhẫn và trí. Pháp có bốn cách quán, loại có bốn cách quán thành tám tâm, trong đó có "Chỉ" tương ưng, chung lại làm một tâm thành chín tâm. Tuy trong kiến đạo có đủ cả Chỉ và Quán, nhưng đối với nghĩa thấy đạo thì quán thuận hơn chứ không phải chỉ. Cho nên ở đây Quán và Chỉ khi khai ra, khi hiệp lại không đồng. Do đó chín tâm này gọi là Tướng kiến đạo.

Các Tướng kiến đạo đều nương Chơn kiến đạo mà giả nói. nó từ Thế đệ nhất pháp không gián đoạn khởi sanh và giả nói nó là dứt tùy miên hai chướng, chứ không phải thực như vậy. Vì sau Chơn kiến đạo mới sanh Tướng kiến đạo, sau phi an lập đế mới khởi an lập đế, mà tùy miên của hai chướng phân biệt thì ở Chơn kiến đạo đã dứt hết.

Trước Chơn kiến đạo chứng Duy thức tánh, sau Tướng kiến đạo chứng Duy thức tướng. Trong hai kiến đạo đó, Chơn kiến đạo thắng hơn, cho nên bài Tụng nói riêng rằng: "Trí đều không sở đắc".



Trước Chơn kiến đạo nhiếp thuộc Căn bản trí, sau Tướng kiến đạo, nhiếp thuộc Hậu đắc trí.

- Các Hậu đắc trí có hai phần Tướng và Kiến chăng?

- Có thuyết nói: Ðều không có, vì đã xa lìa hai thủ.

- Có thuyết nói, ở trí Hậu đắc này, Kiến phần thì có, Tướng phần thì không, vì luận nói trí này có phân biệt, vì Thánh trí đều có thể trực tiếp chiếu cảnh, nhưng vì không chấp trước mà nói lìa hai thủ.

- Có thuyết nói trí này có đủ cả hai phần Kiến và Tướng, luận nói trí này chỉ tư duy tướng chơn như tương tợ mà không thấy được tánh chơn như chơn thật. Lại nói trí Hậu đắc này phân biệt được tự tướng, cọng tướng của các pháp, quán căn tánh sai khác của loài hữu tình mà vì họ nói pháp. Lại nói trí Hậu đắc này hiện ra thân hình quốc độ để nói Chánh pháp cho các loài hữu tình. Nếu không biến hiện ra sắc, tiếng v.v... tương tợ, thì đâu có được các việc hiện thân nói pháp? Nếu chuyển chỗ dựa của sắc uẩn rồi thì không còn hiện sắc, vậy chuyển chỗ dựa của bốn uẩn thì lẽ ra không còn có thọ.

Lại trí Hậu đắc này không biến ra cảnh tưong tợ để duyên, lìa pháp tự thể thì lẽ ra chẳng phải là sở duyên. Nếu chẳng phải là sở duyên mà duyên, như vậy khi duyên sắc cũng là duyên tiếng. Lại duyên không pháp như duyên quá khú vị lai, lý ưng là không có duyên sở duyên, vì thể quá khứ, vị lai không thật, không có tác dụng làm duyên. Do đó trí Hậu đắc, có đủ cả hai phần Kiến, Tướng.



- Hai kiến đạo này và sáu Hiện quán nhiếp thuộc nhau như thế nào?

Sáu hiện quán là:

1.- Tư hiện quán - Tức là tuệ được thành tựu bởi "Tư Tâm sở" tương ưng với hỷ thọ bậc cao. Tư tuệ này có thể quán sát tướng chung của các pháp, dẫn sanh ra  khả năng quán sát các pháp khi ở trong Gia hạnh đạo như Noãn, Ðảnh, v.v... tác dụng của tư tuệ này rất mạnh, nên đặc biệt lập làm hiện quán chứ các thiện căn Noãn, Ðảnh v.v... không thể phân biệt pháp một cách rộng rãi, lại chưa chứng chân lý cho nên chẳng phải là hiện quán.

2. Tín hiện quán - Tức là duyên theo Tam Bảo thế và xuất thế gian, sanh lòng tin thanh tịnh quyết định, nó giúp cho hiện quán khiến không bị thối chuyển, nên đặt tên là Tín hiện quán.

3. Giới hiện quán - Tức là vô lậu giới, trừ cấu uế của sự phá giới, khiến cho quán trí càng thêm sáng, nên cũng gọi là hiện quán.

4. Hiện quán trí đế hiện quán - Tức là tất cả trí căn bản và trí hậu đắc vô phân biệt duyên phi an lập đế.

5. Hiện quán biên trí đế hiện quán – Tức là các trí duyên an lập đế của thế gian và xuất thế gian tiếp theo sau hiện quán trí đế hiện quán.

6. Cứu cánh hiện quán - Tức là trí ở địa vị cứu cánh, như tận trí v.v...

- Chơn kiến đạo này thu nhiếp một phần hiện quán thứ tư.

- Tướng kiến đạo này thu nhiếp một phần hiện quán thứ tư, thứ năm.

Hiện quán thứ hai, thứ ba, tuy cùng khởi với tướng, kiến đạo, song nó không phải tự tánh của kiến đạo, cho nên không thu nhiếp nhau.

Khi Bồ tát đạt được hai kiến đạo này thì được sanh vào nhà Như Lai, trú địa vị cực hỷ, khéo thông đạt pháp giới, được các thứ bình đẳng, thường sanh vào trong hội chúng của chư Phật, đối với hàng trăm môn pháp đã được tự tại, tự biết không bao lâu chứng đại Bồ đề, có thể làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh tận đời vị lai. 

---o0o---



tải về 2.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   ...   26




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương