THÀnh duy thức luận hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang Việt Dịch : ht. Thiện Siêu



tải về 2.12 Mb.
trang19/26
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích2.12 Mb.
#39903
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   ...   26

XVIII. BA VÔ TÁNH 


Nếu có ba tánh, tại sao đức Thế Tôn nói: Hết thảy pháp đều không tự tánh?"

Tụng rằng:



Chính nương ba tánh này,

Lập ba không tánh kia.

Nên Phật "mật ý" nói:

"Hết thảy pháp không tánh"

Trước là tướng không tánh,

Kế, không tự nhiên tánh.

Sau, do lìa tánh trước,

Là tánh chấp ngã pháp.

Ðây thắng nghĩa các pháp,

Cũng tức là chơn như.

Vì thường như tánh nó,

Tức thực tánh Duy thức.

Luận rằng: Chính nương nơi ba tánh trước đây mà lập ra ba không tánh sau này, đó là Tướng không tánh, Sanh không tánh, Thắng nghĩa không tánh. Cho nên Phật "mật ý" nói "hết thảy pháp đều không có tự tánh", chứ chẳng phải nói "tánh" hoàn toàn không có.

Trong bài Tụng nói "mật ý" là biểu thị lời nói ấy chẳng phải với nghĩa rốt ráo. Nghĩa là hai tánh Y tha và Viên thành sau tuy có thể chẳng phải không, nhưng có kẻ ngu đối với hai tánh đó vọng chấp thêm trên nó tánh ngã và tánh pháp thật có. Chính sự vọng chấp ấy gọi là Biến kế sở chấp.

Vì để trừ cái vọng chấp ấy mà đức Thế Tôn đối với cái "có" của Y tha và Viên thành, và cái "không" của Biến kế, Ngài nói chung là "không tánh".

- Thế nào là nương ba tánh này mà lập ra ba không tánh kia?

- Ðó là nương tánh Biến kế sở chấp đầu mà lập ra "Tướng không tánh"; vì do thể tướng của nó hoàn toàn chẳng có, giống như hoa đốm giữa hư không.

Nương tánh Y tha thứ hai mà lập ra "Sanh không tánh". Vì Y tha khởi là nương các duyên mà sanh ra, giống như sự huyễn, không phải như vọng tình chấp có tánh tự nhiên, nên giả sanh nói "Sanh không tánh", chứ chẳng phải nói tánh Y tha hoàn toàn không.

Nương nơi tánh Viên thành sau hết mà lập ra "Thắng nghĩa không tánh". Nghĩa là chính thắng nghĩa đó vì do xa lìa tánh Biến kế sở chấp về ngã pháp trước đó mà giả nói là "Thắng nghĩa không tánh", chứ không phải "tánh thắng nghĩa" hoàn toàn không. Ví như thái hư không, tuy biến khắp các sắc, nhưng lại được hiển bày bởi các sắc không tánh.

Tuy Y tha khởi chẳng phải là thắng nghĩa, cũng được gọi là Thắng nghĩa không tánh, song vì sợ lạm đồng với tánh Y tha thứ hai cho nên ở đây không nói (không nói Y tha là thắng nghĩa không tánh mà chỉ nói nương Y tha lập "Sanh không tánh").

Tánh Viên thành thật này chính là nghĩa thù thắng của các pháp, là thắng nghĩa đế của hết thảy pháp.

Nhưng thắng nghĩa đế lược có bốn thứ:

1. Thế gian thắng nghĩa, đó là năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới v.v...

2. Ðạo lý thắng nghĩa, đó là bốn Diệu đế.

3. Chứng đắc thắng nghĩa, đó là chơn như được hiển lộ hai không.

4. Thắng nghĩa thắng nghĩa, đó là pháp giới nhất chơn.

Chữ "Thắng" nghĩa được nói ở trong bài tụng là chỉ cho Thắng nghĩa thứ tư, vì đây là nghĩa lý của đạo phẩm tối thắng tu chứng, và để giản biệt khác với ba Thắng nghĩa đầu nên tụng nói lời đó.

Thắng nghĩa này của các pháp cũng chính là chơn như. Chơn là chơn thật, biểu thị chẳng phải hư dối; như là như thường, biểu thị không biến dịch. Nghĩa là tánh chơn thật nơi tất cả ngôi vị đều thường như tánh nó (tùy duyên bất biến) cho nên gọi là chơn như. Chính là nghĩa lặng không hư vọng.

Trong bài tụng nói chữ "cũng", là để hiển thị thắng nghĩa, còn có nhiều tên như Pháp giới, Thật tế v.v... như trong các bộ luận tùy theo nghĩa giải rộng.

Thắng nghĩa này chính là thực tánh Duy thức. Tánh Duy thức lược có hai thứ:

- Một là tánh hư vọng, tức tánh Biến kế sở chấp.

- Hai là tánh chơn thật, tức là tánh Viên thành thật. Vì để giản biệt khác với hư vọng cho nên nói Thật tánh.

Lại có hai tánh:

1. Thế tục, tức là Y tha khởi.

2. Thắng nghĩa, tức Viên thành thật. Vì để giản biệt khác vói thế tục, cho nên nói Thật tánh.

Ba bài tụng trên chung lại hiển thị rằng, trong các Khế kinh nói chữ "vô tánh" chẳng phải là nói với nghĩa thật rốt ráo. Những người có trí không nên dựa theo đó bác luôn rằng hết thảy pháp đều không tự tánh. 

---o0o---


XIX. NĂM HẠNH VỊ TU CHỨNG


Ðối với Duy thức tướng, Duy thức tánh đã được thành lập như vậy. Ai? Qua bao nhiêu vị thứ? Như thế nào được ngộ nhập?

- Ai có đủ hai chứng tánh Ðại thừa, trải qua năm vị thứ lần lần ngộ nhập.

Những gì là hai thứ chủng tánh Ðại thừa? Ðó là:

a. Chủng tánh vốn tánh có sẵn, tức là pháp nhân vô lậu, pháp nhĩ sẵn có, từ vô thủy lại, y phụ nơi bản thức.

b. Chủng tánh do huân tập thành, tức do nghe Chánh pháp từ pháp giới bình đẳng lưu xuất, nghe rồi suy nghĩ, suy nghĩ rồi tụ tập, huân tập thành chủng tánh.

Phải có đủ hai chủng tánh Ðại thừa đó mới có thể dần dần trải qua năm vị thứ ngộ nhập Duy thức.

- Sao gọi là năm vị thứ ngộ nhập Duy thức?

1. Tư lương vị - Tu tập thuện theo giải thoát phần (Niết bàn) của Ðại thừa.

2. Gia hạnh vị - Tu tập thuận theo quyết trạch phần (kiến đạo) của Ðại thừa.

3. Thông đạt vị - Là các Bồ tát trụ địa vị thấy đạo.

4. Tu tập vị - Là các Bồ tát trụ ở địa vị tu đạo.

5. Cứu kính vị - Là trụ địa vị Vô thượng chắnh đẳng Bồ đề.

- Thế nào là dần dần ngộ nhập Duy thức?

Ðó là các Bồ tát đối với lý Duy thức tướng, tánh; ở trong Tư lương vị, tin hiểu sâu xa; ở trong Gia hạnh vị, dần dần khắc phục diệt trừ sở thủ, năng thủ, nhờ đó dần phát sanh trí chơn kiến đạo; ở trong Thông đạt vị, thông đạt đúng như thật lý Duy thức tướng, tánh; ở trong Tu tập vị, thì đúng như lý đã thông đạt, nhiều lần tu tập khắc phục dứt trừ các chướng; đến Cứu kính vị,

thì ra khỏi mọi chướng, được tròn sáng, tận đời vị lai giáo hóa hữu tình, khiến học cũng ngộ nhập được Duy thức tướng, tánh. 

---o0o---


XX. TƯ LƯƠNG VỊ


- Thứ nhất, Tư lương vị, tướng nó như thế nào?

Tụng rằng:



Cho đến chưa khởi thức,

Cấu trụ tánh Duy thức,

Ðối hai thủ tùy miên,

Còn chưa thể phục diệt.

Luận rằng: Từ khi phát tâm đại Bồ đề thâm sâu vững chắc, cho đến khi chưa khởi lên thức thuận theo phần quyết trạch của Gia hạnh vị, một mặt chuyên cầu trụ tánh chơn thắng nghĩa của Duy thức, ngang trong giai đoạn ấy, đều thuộc vào Tư lương vị. Vì tâm hướng tới Vô thượng chánh đẳng Bồ đề, mà tu tập các thứ Tư lương thù thắng và vì chúng hữu tình mà siêng năng cầu giải thoát, do đó cũng gọi là thuận theo phần giải thoát.

Bồ tát ở địa vị này còn dựa vào bốn lực thù thắng là nội nhân, thiện hữu, tác ý và tư lương, nên đối với nghĩa lý Duy thức tuy có tin hiểu sâu sắc, nhưng chưa có thể hiểu rõ cả năng thủ, sở thủ đều không. Vì phần nhiều còn trụ ở cửa ngoài (sự tướng) mà tu hạnh Bồ đề, cho nên đối với tùy miên của hai thủ còn chưa có công sức khắc phục, trừ diệt khiến cho nó không khởi lên hai thủ hiện hành.

Trong bài Tụng nói "hai thủ" chính là nói hai thứ chấp thủ về hai thủ, tức chấp thủ Kiến phần năng thủ và chấp thủ Tướng phần sở thủ. Tập khí của hai thủ tức gọi là Tùy miên của hai thủ. Nó theo đuổi loài hữu tình và ẩn ngủ trong Tạng thức, hoặc theo chúng hữu tình làm tăng thêm mê lầm tội lỗi, nên gọi là Tùy miên. Ðó cũng chính là chủng tử của sở tri chướng và phiền não chướng.

Phiền não chướng là chấp thật ngã Tát ca gia kiến (thân ngã kiến) theo Biến kế sở chấp. Kiến này đứng đầu của 128 Căn bản phiền não và các Tùy phiền não từ nó tương tợ lưu xuất ra. Chúng đều làm rối loạn bức não thân tâm loài hữu tình và làm chướng ngại Niết bàn, cho nên gọi là Phiền não chướng.

Sở tri chướng là chấp thật pháp Tát ca gia kiến (pháp ngã kiến). Kiến này đứng đầu của kiến, nghi, vô minh, ái, nhuế, mạn v.v... chúng che lấp cảnh sở tri tánh không điên đảo, và làm chướng ngại Bồ đề, cho nên gọi là Sở tri chướng. Sở tri chướng này quyết định không tương ưng với thức Dị thục thứ tám, vì thức này quá vi tế liệt nhược; vì thức này không tương ưng với vô minh và tuệ (mà sở tri chướng thì là vô minh là liệt tuệ); và vì thức này cũng khởi với trí phẩm pháp không.

Trong 7 chuyển thức, thì tùy sự thích hợp mà có sở tri chướng này hoặc ít hoặc nhiều, giống như Phiền não chướng.

Năm thức nhãn, nhĩ, v.v... vì không có tánh phân biệt, nên không tương ưng với kiến, nghi v.v... của pháp chấp. Ngoài kiến, nghi, còn các phiền não khác, do ý lực dẫn khởi, nơi năm thức đều có.

Sở tri chướng này chỉ tương ưng với tâm bất thiện và vô ký. Luận nói: "Vô minh (Sở tri chướng) chỉ có tánh bất thiện và vô ký", vì si (bất thiện) và vô si (thiện) không tương ưng nhau.

Trong Phiền não chướng chắc chắn có sở tri chướng, vì phiền não chướng nhất định dùng Sở tri chướng làm chỗ nương.

Hai chướng thể không khác nhau mà dụng thì có khác. Cho nên hai thứ tùy miên này tùy theo năng lực của Thánh đạo hơn hoặc kém mà dứt trừ nó có trước, có sau.

Trong 4 thứ vô phú vô ký (là oai nghi, công xảo, biến hóa, Dị thục), sở tri chướng này thuộc Dị thục sanh. Còn các thứ oai nghi vô ký kia thể dụng bạc nhược không thể chấp lấp cảnh sở tri, làm chướng ngại Bồ đề. Ðây gọi là Sở tri chướng là vô phú, là đối với Nhị thừa mà nói, nếu đối với Bồ tát thì Sở tri chướng cũng là hữu phú.

- Nếu trong Sở tri chướng gồm có kiến, nghi v.v... thế tại sao trong Khế kinh nói chủng tử Sở tri chướng là vô minh trụ địa?

- Vì trong Sở tri chướng thì vô minh tăng thạnh hơn, nên gọi chung là vô minh, chứ không phải không có kiến, nghi, như trong loại chủng tử Phiền não chướng nếu thuộc ác kiến thì lập làm kiến ái trụ địa, nếu thuộc về Dục, Sắc, Vô sắc giới thì lập làm dục ái trụ địa, sắc ái trụ địa, hữu ái trụ địa, chứ đâu phải trong các trụ địa đó không có mạn, vô minh v.v...

Hai chướng như vậy, nếu là phân biệt khởi, thì nhiếp về kiến đạo đoạn; nếu là nhậm vận (câu sanh) khởi thì nhiếp về tu đạo đoạn.

Nhị thừa chỉ đoạn được phiền não chướng, Bồ tát mới đoạn được cả hai chướng. Nhưng vĩnh viễn đoạn được chủng tử hai chướng, thì chỉ có Thánh đạo ở mười địa mới làm được. Còn khắc phục hiện hành hai chướng, thì cả hữu lậu đạo trước khi đăng địa cũng làm được.

Bồ tát trụ trong Tư lương vị này, tuy khắc phục được hai chướng hiện hành phần thô, nhưng đối với hai chướng hiện hành phần tế và hai tùy miên của hai chướng đó, thì vì sức chỉ quán còn yếu kém nên chưa thể dẹp dứt được.

Ở Tư lương vị này tuy chưa chứng được tánh chơn như Duy thức, nhưng nương vào sức hiểu biết thù thắng, tu các thắng hạnh (Lục độ), nên nó cũng được nhiếp vào địa vị giải hạnh.

- Thắng hạnh tu ở đây, tướng nó như thế nào?

-Lược có hai thứ là phước và trí. Trong các thắng hạnh nều do tuệ làm tánh thì gọi là trí, ngoài ra thì gọi là phước. Như sáu Ba la mật đa, tướng chung thì đều gồm cả phước và trí; theo tướng riêng thì năm Ba la mật đầu là phước đức; Ba la mật thứ sáu là trí tuệ. Hoặc Ba la mật đầu chỉ là phước đức; một Ba la mật chót là trí tuệ; hai Ba la mật tinh tấn, thiền định thì thông cả phước và trí.

- Lại có hai thứ, là tư lợi và lợi tha. Khi tu tập thắng hạnh, tùy theo sức ý lạc mà hết thảy thắng hạnh thông cả tư lợi, lợi tha.

Nói theo tướng sai biệt, thì sáu Ba la mật và các pháp Bồ đề phần đều nhiếp về hạnh tự lợi; còn bốn nhiếp sự, bốn vô lượng tâm v.v... đều nhiếp về hạnh lợi tha. Những hạnh tu như thế nhiều vô biên, đều là thắng hạnh được tu tập ở Tư lương vị này.

Ở Tư lương vị này tuy chưa dẹp trừ được hai chướng, khi tu thắng hạnh, dầu có ba sự thối thất, nhưng có thể lấy ba sự để tôi luyện tâm mình, khiến được dõng mãnh không bị thối thất việc tu chứng. Ba sự đó là:

1. Nghe nói Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề rộng lớn sâu xa, tâm liền thối khuất, bèn dẫn việc của người khác đã tu, đã chứng đại Bồ đề, để tôi luyện tâm mình được dõng mãnh không còn thối thất.

2. Nghe nói bố thí Ba la mật v.v... rất khó thực hành, tâm liền thối thất, bền thức tỉnh ý ưa thích của mình có thể tu hạnh bố thí v.v... để tôi luyện tâm mình, khiến dõng mãnh không còn thối thất.

3. Nghe nói quả chuyển y viên mãn của các đức Phật rất khó chứng đạt, tâm liền thối khuất, bèn dẫn điều thiện thô thiển của người đem so với nhân tu thù diện của mình để tôi luyện tâm mình, khiến dõng mãnh không thối khuất.

Do ba sự đó mà tôi luyện được tâm mình trong việc tu các thắng hạnh.

---o0o---



tải về 2.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   ...   26




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương