THÀnh duy thức luận hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang Việt Dịch : ht. Thiện Siêu



tải về 2.12 Mb.
trang16/26
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích2.12 Mb.
#39903
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   26

XIII. 4 DUYÊN NHIẾP 10 VÀ 2 NHÂN


- Bốn duyên vừa nói, dựa theo đâu mà thành lập, lại làm sao nhiếp trọn mười nhân và hai nhân?

- Luận nói: "Nhân duyên dựa nơi chủng tử mà lập. Dựa nơi tính vô gián diệt mà lập Ðẳng vô gián duyên. Dựa nơi cảnh giới mà lập Sở duyên duyên. Dựa nơi các điều còn lại ngoài ba duyên kia mà lập Tăng thượng duyên". 

Trong đây chủng tử chính là chỉ cho chủng tử nhân duyên thuộc vào sáu y xứ là tập khí, nhuận sanh chủng, tùy thuận, công năng sai biệt, hòa hợp, và chướng ngại trong mười lăm xứ nêu trên. Tuy hiện hành của bốn y xứ là tùy thuận, công năng sai biệt, hòa hợp, bất chướng ngại, cũng có phần nhân duyên, song vì nó hay gián đọan, cho nên lược đi mà không nói đến. Hoặc hiện hành cũng có thể thân sanh ra tự quả như giống lúa nếp bên ngoài, cũng gọi là chủng tử.

Hoặc nói chủng tử chỉ thuộc y xứ thứ tư là nhuận sanh y xứ, tùy tính cách thân, sở, ẩn, hiển của nó mà lấy hoặc bỏ, như trước đã nói.

Nói vô gián diệt y xứ và cảnh giới y xứ là, nên biết để hiển thị chung y xứ của hai duyên, là Ðẳng vô gián duyên và Sở duyên duyên. Không phải chỉ có hai y xứ vô gián diệt và cảnh giới có hai duyên Ðẳng vô gián và Sở duyên duyên, mà trong mười ba y xứ còn lại kia cũng có nghĩa của hai duyên đó. Hoặc vô gián diệt và cảnh giới là chỉ y xứ thứ năm, sáu, các y xứ khác tuy có mà vì ẩn kín cho nên lược mà không nói.

 - Luận nói: "Nhân duyên nhiếp về năng sanh nhân. Tăng thượng duyên nhiếp về phương tiện nhân. Ðẳng vô gián duyên và Sở duyên duyên thì nhiếp về nhiếp thọ nhân". Tuy trong phương tiên nhân có đủ cả ba duyên Ðẳng vô gián, Sở duyên duyên, Tăng thượng duyên, nhưng Tăng thượng duyên nhiều hơn nên nói nhấn mạnh.

Chín nhân khác cũng có hai duyên Ðẳng vô gián và Sở duyên duyên, nhưng nó nhiếp vào nhiếp thọ nhân rõ rệt hơn nên nói nhấn mạnh. Còn các thứ nhiếp vào năng sanh nhân tới lui, như trước đã nói. 

---o0o---


XIV. NĂM QUẢ


- Ðã nói nhân duyên, chắc phải có quả. Vậy có bao nhiêu quả? Dựa y xứ nào mà có được?

- Quả có năm thứ:

1. Quả Dị thục – Ðó là báo thân Dị thục và Dị thục sanh vô ký của loài hữu tình, do pháp thiện hữu lậu và bất thiện chiêu cảm.

2. Quả Ðẳng lưu – Ðó là hậu quả đồng loại do chủng tử thiện ác vô ký phát sanh, hoặc hậu quả chuyển theo tương tợ nghiệp trước.

3. Quả Ly hệ – Ðó là pháp thiện vô vi, do vô lậu đạo (trí vô lậu) đoạn trừ hai chướng là phiền não và sở tri mà chứng được.

4. Quả Sĩ dụng – Ðó là kết quả sự nghiệp do các tác giả mượn các tác cụ mà làm thành.

5. Quả Tăng thượng – Ðó là những quả đạt được ngoài bốn loại kể trên.



Luận Du già v.v... nói: "Do tập khí y xứ mà đắc quả Dị thục. Do tùy thuận y xứ mà đắc quả Ðẳng lưu. Do chơn kiến đạo y xứ mà đắc quả Ly hệ. Do sĩ dụng y xứ mà đắc quả Sĩ dụng. Do các y xứ khác còn lại mà đắc quả tăng thượng".

Nói tập khí y xứ là chỉ hết thảy công năng của các y xứ chiêu cảm quả Dị thục. Nói tùy thuận y xứ là chỉ rõ hết thảy công năng của các y xứ dẫn đến quả Ðẳng lưu. Nói chơn kiến đạo y xứ là chỉ rõ hết thảy công năng của các y xứ làm cho chứng được quả Ly hệ. Nói sĩ dụng y xứ là chỉ rõ hết thảy công năng của các y xứ làm chiêu cảm được quả Sĩ dụng. Nói các y xứ khác còn lại là chỉ rõ hết thảy công năng của các y xứ đưa đến quả Tăng thượng. Không như vậy, thì sẽ có thể là quá rộng hoặc quá hẹp.

Hoặc nói tập khí, là chỉ thuộc tập khí y xứ thứ ba. Tuy đắc Dị thục nhân, thì các y xứ khác cũng có, nhưng tập khí y xứ này cũng có một phần không phải Dị thục nhân. Nhưng Dị thục nhân cách Dị thục quả rất xa, tập khí này cũng vậy, cho nên nói riêng.

Nói tùy thuận là chỉ thuộc tùy thuận y xứ thứ mười một. Tuy đắc quả đẳng lưu, thì các y xứ khác cũng đắc, nhưng tùy thuận y xứ cũng có một phần không đắc không phải quả đẳng lưu. Nhưng đẳng lưu nhân chiêu cảm thiện ác mạnh, hành tướng rõ rệt, tùy thuận y xứ cũng vậy, cho nên riêng nói.

Nói chơn kiến đạo là chỉ rõ chơn kiến đạo y xứ thứ mười. Tuy chứng được quả Ly hệ, thì các y xứ khác cũng chứng được, mà chơn kiến đạo y xứ này cũng đắc quả Phi ly hệ. Nhưng tướng chơn kiến đạo y xứ chứng quả Ly hệ rõ rệt, cho nên nói riêng chơn kiến đạo y xứ đắc quả Ly hệ.

Nói sĩ dụng xứ là chỉ rõ sĩ dụng y xứ thứ chín. Tuy đắc quả Sĩ dụng, thì các y xứ khác cũng đắc, nhưng sĩ dụng y xứ cũng có thể đắc quả Tăng thượng v.v... Nhưng vì nó có danh và tướng rõ rệt, cho nên riêng nói sĩ dụng y xứ đắc quả Sĩ dụng.

Nói các y xứ khác còn lại là chỉ thuộc mười y xứ khác. Tuy mười một y xứ này cũng đắc các quả khác và đắc quả Tăng thượng, thì các y xứ khác cũng có thể đắc, nhưng mười một y xứ này phần nhiều là đắc Tăng thượng. Còn bốn y xứ kia thì đã rõ là đắc bốn quả kia rồi. Cho nên riêng nói mười một y xứ này đắc quả Tăng thượng.

- Như vậy chính là nói trong năm quả này, nếu là quả Dị thục thì do năm nhân là Khiên dẫn, Sanh khởi, Ðịnh dị, Ðồng sự, Bất tương vi và một duyên là Tăng thượng duyên mà đắc. Nếu là quả Ðẳng lưu thì do bảy nhân là Sanh khởi, Nhiếp thọ, Dẫn phát, Ðịnh dị, Ðồng sự, Bất tương vi và hai duyên là Nhân duyên và Tăng thượng duyên mà đắc. Nếu là quả Ly hệ thì do năm nhân là Nhiếp thọ, Dẫn phát, Ðịnh dị, Ðồng sự, Bất tương vi và một duyên là Tăng thượng duyên mà đắc. Nếu là quả Sĩ dụng thì có ý kiến cho rằng do bốn nhân là Quán đãi, Nhiếp thọ, Ðồng sự, Bất tương vi và một duyên là Tăng thượng duyên mà đắc. Có ý kiến cho rằng do bảy nhân là Khiên dẫn, Sanh khởi, Nhiếp thọ, Dẫn phát, Ðịnh dị, Ðồng sự, Bất tương vi và ba duyên là Nhân duyên, Ðẳng vô gián, Tăng thượng duyên mà đắc. Nếu là quả Tăng thượng thì cả mười nhân và bốn duyên đều có thể đắc.                    

---o0o---

XV. CHÁNH LUẬN VỀ DUYÊN SANH PHÂN BIỆT


Những điều phụ đã bàn xong, bây giờ hãy biện chánh luận: Chủng tử trong bản thức đủ làm ba duyên sanh tám thức hiện hành phân biệt, trừ Ðẳng vô gián duyên. Nghĩa là chủng tử thân sanh tám thức hiện hành, đó là Nhân duyên, chủng tử đó lại là Sở duyên duyên cho Kiến phần năng duyên của tám thức, nếu lại chủng tử thức này có sức trợ giúp hoặc không làm chướng ngại cho tám thức kia hiện hành, thì đó là Tăng thượng duyên. Chủng tử thanh tịnh sanh thức hiện hành thanh tịnh cũng giống thế (chủng sanh hiện).

Tám thức hiện hành phân biệt triển chuyển đối với nhau, cũng đủ làm ba duyên cho nhau, trừ Nhân duyên.

Thức của loài hữu tình triển chuyển đối với nhau, thì đủ làm hai duyên là Tăng thượng duyên và Sở duyên duyên, trừ Nhân duyên và Ðẳng vô gián duyên.

- Nhóm tám thức của trong mỗi hữu tình triển chuyển đối với nhau, nhất định có Tăng thượng duyên, chắc chắn không có Nhân duyên, Ðẳng vô gián duyên; còn Sở duyên duyên thì hoặc có hoặc không. Thức thứ tám đối với bảy thức trước thì có Sở duyên duyên, vì Tướng phần của thức thứ tám làm bản chất sở duyên cho bảy thức trước duyên. Ngược lại bảy thức trước không làm Sở duyên duyên cho thức thứ tám (thức thứ tám không duyên bảy thức). Thức thứ bảy đối sáu thức trước, trong đó nó không là Sở duyên duyên cho năm thức trước, nhưng làm Sở duyên duyên cho thức thứ sáu. Ngược lại sáu thức trước không làm Sở duyên duyên cho thức thứ bảy. Thức thứ sáu không làm Sở duyên duyên cho năm thức trước. Ngược lại năm thức trước làm Sở duyên duyên cho thức thứ sáu, vì năm thức trưóc chỉ dựa vào Tướng phần của thức thứ tám mà duyên.

- Các thức tự loại niệm trước đối với niệm sau: Nếu là thức thứ sáu trước đối với sau thì đủ ba duyên, trừ nhân duyên. Còn bảy thức kia tự loại niệm trước đối với sau, thì có Ðẳng vô gián và Tăng thượng duyên, vì chúng chỉ duyên hiện cảnh. Nếu chấp nhận Kiến phần năm thức niệm sau duyên Tướng phần năm thức niệm trước, thời năm thức và thức thứ bảy niệm trước đối niệm sau cũng có ba duyên, trừ Nhân duyên. Bảy chuyển thức đối với thức thứ tám cũng có nghĩa là Sở duyên duyên, vì hiện hành bảy chuyển thức huân thành chủng tử kiến, tướng nơi thức thứ tám.

- Các Tâm, Tâm sở đồng một nhóm, mà khác thể (như Tâm, Tâm sở nhãn thức v.v... đồng một nhóm nhưng Tâm vương và mỗi Tâm sở có thức dụng riêng) triển chuyển đối với nhau chỉ có là Tăng thượng duyên, vì Tâm, Tâm sở đồng nhóm thì đồng duyên một cảnh, nhưng nó không duyên được Kiến phần của nhau; hoặc y cứ Kiến phần mà nói thì Kiến phần không duyên kiến phần của nhau; nếu y cứ Tướng phần mà nói thì Kiến phần của tâm này duyên được Tướng phần của tâm kia, vì các Tướng phần của các tâm đắp đổi làm bản chất cho nhau. Như chủng tử trong bản thức làm bản chất cho tướng phần của tâm sở Xúc v.v... Nếu không vậy, khi sanh Vô sắc giới, tâm sở Biến hành xúc v.v... Ở cõi Vô sắc kia không có cảnh sở duyên. Giả sử cho ở Vô sắc giới có biến ra định quả sắc, nhưng tâm sở Xúc v.v... cũng nhất định duyên chủng tử rồi biến ra tướng phần chủng tử để duyên, chứ không thể nói cảnh Tướng phần của Tâm sở lại không đồng một bản chất cảnh với Tâm vương.

- Tướng phần đồng một thể tự chứng phần với Kiến phần, thì nó làm Tăng thượng duyên và Sở duyên cho Kiến phần; còn Kiến phần đối với Tướng phần chỉ có là Tăng thượng duyên. Kiến phần đối với tự chứng phần có hai duyên là Tăng thượng duyên và Sở duyên duyên. Tự chứng phần và Kiến phần trông nhau cũng vậy. Tự chứng và Chứng tự đối với nhau có hai duyên là Tăng thượng và Sở duyên. Trong đây không dựa theo Tướng phần chủng tử mà nói, chỉ nói Tướng pháp hiện hành làm duyên cho nhau.

Nhóm tám thức thanh tịnh giữa tự và tha đối với nhau đều làm Sở duyên duyên, vì thức thanh tịnh có thể duyên cùng khắp. Chỉ trừ Kiến phần không phải là Sở duyên duyên của Tướng phần, vì Tướng phần đúng lý không có tác dụng duyên cảnh.

Ðã nói tám thức hiện hành phân biệt duyên nơi chủng tử và hiện hành, mới được sanh khởi, thì đúng lý chủng tử cũng duyên nơi hiện hành và chủng tử mới sanh khởi. Vậy hiện hành đối với chủng tử làm mấy duyên? Chủng tử đối với chủng tử làm mấy duyên?

- Chủng tử chắc chắn không do Sở duyên duyên và Ðẳng vô gián duyên mà sanh khởi, vì hai duyên này chỉ đối với hiện hành Tâm, Tâm sở mà lập. Nếu hiện hành đối với chính chủng tử của mình, thì có Nhân duyên và Tăng thượng duyên. Nếu đối với không phải chủng tử của chính mình thì chỉ có Tăng thượng duyên. Chủng tử đối với chủng tử chính của mình, cũng đủ Nhân duyên và Tăng thượng duyên, còn chủng tử đối với không phải chủng tử của chính mình, thì chỉ Tăng thượng duyên.

- Dựa vào nội thức triển chuyển làm duyên cho nhân sanh khởi đó, mà giáo lý phân biệt nhân quả được thành. Nếu chấp phải có ngoại duyên thì cũng vô dụng, huống gì chấp có ngoại duyên là trái với giáo lý, sao cố chấp làm gì!

- Trong bài tụng tuy nói chữ "phân biệt" là tổng chỉ cho Tâm, Tâm sở trong ba cõi, nhưng tùy theo nghĩa trội hơn mà trong Thánh giáo có nhiều mặt hiển bày, hoặc nói hai, nói ba, nói năm (chơn thức, hiện thức là hai; nghiệp thức, chuyển thức, hiện thức là ba, hoặc tâm, ý, thức là ba, hoặc thêm trí thức là bốn, hoặc thêm tương tục thức là năm). Như trong các luận phân biệt rộng.




---o0o---


tải về 2.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   26




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương