THÔng tin kh&cn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn mục lụC


Quy trình kỹ thuật nuôi tôm càng xanh



tải về 1.59 Mb.
trang11/12
Chuyển đổi dữ liệu13.10.2017
Kích1.59 Mb.
#33523
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   12

Quy trình kỹ thuật nuôi tôm càng xanh

toàn đực bán thâm canh

Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) được nuôi ở nhiều nước trên thế giới: Bắc châu Úc, một số đảo phía Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, tôm càng xanh phân bố ở các tỉnh phía Nam (nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long).

Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, việc nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh đã được triển khai ở một số tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp… cho hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định. Tại Bến Tre, nghề nuôi tôm càng xanh đã có từ lâu nhưng chủ yếu nuôi tôm bản địa có tỷ lệ tôm đực khoảng 50% và tôm cái khoảng 50% với các hình thức như: xen trong ruộng lúa, mương vườn dừa với sản lượng thấp không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường tiêu thụ. Mặt khác, tôm càng xanh là loài thủy sản có thịt thơm, ngon và có giá trị kinh tế cao, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và tạo sản phẩm hàng hóa cho xuất khẩu; giá tôm thương phẩm luôn ở mức cao, dao động từ 200-400 ngàn đồng/kg tùy cỡ thu hoạch, thậm chí tôm loại 1 có lúc đạt 500 ngàn đồng/kg. Tôm càng xanh toàn đực có tốc độ phát triển nhanh, kích cỡ đồng đều, cải thiện đáng kể năng suất nuôi, gia tăng hiệu quả sản xuất. Vì vậy, việc áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh ở những vùng nuôi tôm biển tự phát ngoài vùng quy hoạch, vùng ngọt hóa của tỉnh nhằm nâng cao năng suất đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và cho xuất khẩu là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nhằm gia tăng hiệu quả trong quá trình nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh, người nuôi tôm cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật sau:

1. Chuẩn bị ao nuôi

Sửa lại bờ, cống, đắp hang mọi, rò rỉ và sửa thiết bị chống địch hại, xả cạn nước, phơi khô đáy ao. Cần diệt tạp trước khi lấy nước. Ao có pH thấp (5-6,5), bón từ 200-300kg vôi (CaCO3)/1.000m2. Ao cũ bón 100-200kg vôi (CaCO3)/1.000m2. Sau khi bón vôi 2-3 ngày, lấy đầy nước vào ao nuôi qua túi lọc. Gây màu nước: Có thể bón phân hữu cơ (20kg/1.000m2) hoặc vô cơ NPK (5kg/1.000m2), hoặc Urê hoặc lân... để gây màu. Thả chà (nhánh cây khô đã rụng lá không chát) được cắm thành từng cụm trong ao để làm nơi trú ẩn cho tôm hoặc có thể bố trí lưới giăng trong ao nuôi tôm thay thế việc thả chà làm giá thể cho tôm, giúp tôm tăng tỷ lệ sống do hạn chế việc ăn thịt lẫn nhau trong những thời điểm tôm lột xác.

Lưu ý, đối với tôm càng xanh không cần thiết xử lý bằng Chlorin A, có thể dùng BKC hoặc Iodine.

2. Chọn và thả giống

Hiện nay, việc đưa giống tôm càng xanh toàn đực vào nuôi bán thâm canh được đặc biệt quan tâm, vì giải quyết được tình trạng tôm cái mang trứng và tôm đực càng xào. Kích cỡ giống từ: 1-2cm. Mật độ thả giống thích hợp đối với hình thức nuôi bán thâm canh là: 8-12 con/m2. Nên thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát và có các yếu tố môi trường phù hợp giữa bể ương và ao nuôi như: nhiệt độ, pH, độ mặn.

3. Quản lý ao nuôi

Thức ăn: Tốt nhất nên cho tôm ăn thức ăn viên công nghiệp, có độ đạm từ 25-32%. Giai đoạn đầu có thể sử dụng thức ăn cho tôm sú hoặc thẻ chân trắng. Giai đoạn sau có thể sử dụng xen (1 lần/ngày) thức ăn tự chế biến đã nấu chín để hạ giá thành. Thời gian đầu rải khắp ao, về sau hạn chế đường rãnh giữa ao nuôi (nơi tập trung nhiều chất thải). Số lần cho ăn từ 2-3 lần/ngày.

Liều lượng cho ăn (cho 100 ngàn con giống): ngày đầu tiên cho ăn 1,2kg, sau đó tăng dần khoảng 100gam/ngày, tuần thứ 2: 200gam/ngày, tuần thứ 3: 300gam/ngày, tuần thứ 4: 500gam/ngày. Sau tháng đầu tiên có thể dùng nhá để kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Lưu ý, liều lượng cho ăn phụ thuộc vào khả năng bắt mồi của tôm, thời tiết, thông qua thức ăn còn lại trong nhá.

Quản lý môi trường ao nuôi: Tôm càng xanh rất nhạy cảm với sự thay đổi của các yếu tố môi trường, đặc biệt là oxy hòa tan. Do đó, việc quản lý môi trường ao nuôi tốt là điều hết sức quan trọng, mang tính quyết định đến sự thành công của vụ nuôi. Cần duy trì các yếu tố môi trường trong khoảng tối ưu hoặc trong các trường hợp có sự thay đổi, thì biên độ của sự thay đổi càng nhỏ là càng tốt.

Chế độ quạt nước, sục khí: Nhu cầu máy quạt nước cho ao nuôi như sau: Ao có độ sâu nhỏ hơn 1,2m, diện tích từ 1.000-4.000m2, cần 2 giàn quạt nước và mỗi giàn quạt nước bố trí từ 12-15 cánh quạt; ao có độ sâu trên 1,2m và diện tích 4.000m2 trở lên, cần bố trí 4 giàn quạt và mỗi giàn quạt bố trí từ 12-15 cánh. Ngoài ra có thể bổ sung hệ thống máy sục khí để cung cấp oxy cho tôm nuôi.

Thay nước: đối với tôm càng xanh việc thay nước rất quan trọng, cần chủ động và thay nước thường xuyên, lượng nước thay từ 20-30% nước trong ao nuôi. Khi cấp nước cần kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao lắng và ao nuôi phải có sự tương đồng và đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp vào không bị ô nhiễm.

Theo dõi và quản lý sức khỏe tôm nuôi: Trong quá trình nuôi cần chú ý theo dõi tôm nuôi trong ao để có biện pháp điều chỉnh kịp thời và hợp lý. Hàng tuần cần chài tôm để quan sát đường ruột nhằm đánh giá mức độ bắt mồi, những dấu hiệu của bệnh trên tôm (quan sát mang, màu sắc, khối cơ, những biến dạng khác của tôm…), cần theo dõi và dự đoán thời kỳ lột xác của đàn tôm nuôi trong ao để có những điều chỉnh về lượng thức ăn, quạt nước, sục khí, hoặc chuẩn bị thu hoạch…

Bẻ càng: Cần áp dụng biện pháp bẻ càng nhằm giúp tôm lớn nhanh, tăng tỷ lệ sống và gia tăng hiệu quả kinh tế. Phương pháp bẻ càng và chọn thời điểm phải áp dụng đúng thời điểm và đúng quy trình.

Phòng bệnh: phải tiến hành cấp nước hoặc thay nước định kỳ để kích thích tôm lột xác, có thể trộn Vitamin C vào thức ăn kết hợp men vi sinh đường ruột nhằm tăng cường khả năng tiêu hóa cho tôm nuôi tại những thời điểm cần thiết.

4. Thu hoạch

Sau thời gian nuôi khoảng 4 tháng có thể tiến hành thu hoạch, chủ yếu là những cá thể không có khả năng phát triển (tôm càng xào, ốp vỏ). Việc thu hoạch cần lưu ý đến kích cỡ, chất lượng tôm nuôi và giá cả thị trường. Thu hoạch tôm càng xanh cần phải tiến hành thu nhiều lần. Thực hiện các biện pháp tăng cường oxy bằng cách sục khí trong các bể chứa tôm thương phẩm nhằm để tôm không bị chết ngạt.

Trước tình hình như hiện nay, việc nuôi tôm biển ở những vùng ngọt hóa, vùng ngoài quy hoạch, vùng có độ mặn thấp gặp quá nhiều rủi ro và khó khăn thì việc phát triển nuôi đối tượng tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi để hạn chế rủi ro nhằm phát triển ổn định nghề nuôi trồng thủy sản phù hợp với định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần vào việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhà.

Kỹ sư Nguyễn Nhật Cường

Trung tâm Khuyến nông Bến Tre

(Nguồn:baodongkhoi.com.vn)


Một số thông tin kỹ thuật nuôi lươn

thương phẩm trong lồng đặt trong ao đất

Hiện nay, mô hình nuôi lươn đang được người dân quan tâm, đồng thời việc sản xuất lươn giống bán nhân tạo thành công đã tạo nên đòn bẩy thúc đẩy phong trào nuôi lươn thương phẩm phát triển.

Trong đó, mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn ngày càng được người nông dân ưa chuộng do đơn giản, dễ chăm sóc. Bên cạnh đó, mô hình này vẫn tồn tại nhiều bất cập như hiện tượng bệnh xảy ra do môi trường trên bể bạt biến động, tốn kém chi phí thay nước… Nhằm khắc phục nhược điểm trên, Trạm Khuyến nông thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) đã mạnh dạn thực hiện mô hình nuôi lươn thương phẩm trong lồng đặt trong ao đất. Bước đầu mô hình cho thấy nhiều khả quan.

Để người dân có thể lựa chọn hình thức nuôi lươn phù hợp, xin chia sẻ một số thông tin kỹ thuật như sau:

1. Chọn ao nuôi

Chọn ao đất không bị nhiễm phèn, tránh xa nguồn nước bị ô nhiễm, khu công nghiệp. Ao đất có diện tích tối thiểu là 100m2 trở lên.





Mô hình nuôi lươn thương phẩm trong lồng đặt trong ao đất

2. Chọn và thả giống

Giống tự nhiên hoặc bán nhân tạo, nhưng để đảm bảo an toàn và chủ động thì bà con có thể chọn giống bán nhân tạo, kích cỡ giống bán nhân tạo 300-400 con/kg. Giống lươn trước khi thả nuôi nên ngâm qua nước muối 200-300g muối/10 lít nước trong 5-10 phút để sát trùng mầm bệnh, giảm sốc cho lươn.



3. Quy trình thực hiện

Khi bà con chọn giống lươn nhân tạo thì nên thuần dưỡng lươn trên bể bạt 2-3 tháng (tương tự như nuôi lươn thương phẩm không bùn trên bể bạt) khi lươn đạt kích cỡ 50-60 con/kg thì chuẩn bị cho xuống lồng trong ao đất để nuôi. Nguyên nhân là do lươn giống nhân tạo có kích cỡ nhỏ, có sức chịu đựng môi trường kém và dễ lọt ra ngoài lồng vì có tính chui, rúc.

Đối với lươn tự nhiên nên thuần dưỡng lươn trên bể bạt 1 tháng để lươn thích nghi môi trường nuôi dưỡng sẽ hạn chế tỷ lệ hao hụt khi cho xuống lồng.

Khâu chuẩn bị ao cần chú trọng vét sạch bùn đáy ao, diệt cá tạp, sinh vật gây hại. Bón vôi 8-10kg/100m2, phơi ao 2-3 ngày sát trùng mầm bệnh trong ao. Sau đó, cho nước vào, gây màu nước bằng phân chuồng, DAP. Khi nước trong ao lên màu, tiến hành thả thêm một số loài cá như: cá sặc rằn, hường, điêu hồng… để thử nước, tận dụng thức ăn thừa và phân thải của lươn. Khi môi trường ổn định, tiến hành thả lươn vào trong lồng. Giá thể tua dây nilon để lươn ẩn nắp. Trên mặt lồng, che mát bằng lưới lan.



4. Thức ăn

Bà con có thể tập cho lươn ăn thức ăn viên công nghiệp từ giai đoạn còn nhỏ để dễ chăm sóc hoặc có điều kiện kiếm nguồn thức ăn tự nhiên thì trộn ốc bươu vàng với thức ăn viên công nghiệp (tỷ lệ 7:3) để tiết kiệm chi phí mua thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, tận dụng phân bò để nuôi trùn quế cho lươn ăn, đây là phương thức sản xuất nông nghiệp kết hợp hiệu quả.

Cho lươn ăn 1-2 lần/ngày, khẩu phần ăn 5% trọng lượng lươn. Chú ý trước khi cho ăn nên thay nước khi thuần dưỡng lươn trên bể bạt.

5. Chăm sóc, quản lý

Khi thuần dưỡng lươn trên bể bạt nên thay nước 2 lần/ngày. Thường xuyên trộn men tiêu hóa, vitamin C vào khẩu phần thức ăn cho lươn. Định kỳ xử lý nguồn nước trong ao bằng vôi bột, muối. Chú ý nên thường xuyên quan sát hoạt động, khả năng bắt mồi của lươn để có hướng xử lý kịp thời trong quá trình nuôi.



(Nguồn: nghenong.com)


THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG KHCN

Gắn kết nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới

và chuyển giao công nghệ

Kết nối cung - cầu công nghệ đã tạo được sự gắn kết giữa người sản xuất, doanh nghiệp, địa phương

Thông qua hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, trong các năm vừa qua, Bộ KH&CN đã xác định được danh mục hơn 300 loại nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành lĩnh vực công nghệ, xác định được danh mục gần 1.000 loại nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước phù hợp theo nhu cầu doanh nghiệp....



Hỗ trợ kết nối cung-cầu công nghệ

Theo ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Hoạt động trình diễn và kết nối cung-cầu công nghệ được tổ chức hàng năm (bắt đầu từ năm 2011) là một trong những nỗ lực có định hướng của Bộ KH&CN nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp và các tổ chức ở địa phương, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp tại địa phương, tạo điều kiện cho các nhà khoa học ứng dụng kết quả của mình vào sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế -xã hội mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Tính đến nay, hoạt động Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ đã được tổ chức thực hiện tại các vùng Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Bắc Bộ, khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và khu vực Nam Bộ với mục đích chính nhằm xác định nhu cầu công nghệ và cung cấp nguồn cung công nghệ theo nhu cầu của các địa phương; kết nối nguồn cung và cầu công nghệ nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ; thực hiện các hoạt động tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ; khai thác và đưa nhanh các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước vào thực tiễn sản xuất và đời sống, thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, thương mại hóa công nghệ góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương.

Cũng theo Ông Dũng, thông qua hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ trong các năm vừa qua, Bộ KH&CN đã xác định được danh mục hơn 300 loại nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành lĩnh vực công nghệ như: Công nghệ sinh học; Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật; Công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; Công nghệ vi sinh vật bảo vệ cây trồng; Công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch;… Đồng thời, qua hoạt động này đã xác định được danh mục gần 1.000 loại nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước phù hợp theo nhu cầu doanh nghiệp.

Bộ KH&CN cũng đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, điển hình như: Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã chế tạo thành công hệ thống đèn chiếu sáng chuyên dụng trong nhân giống cây thanh long, hoa cúc thương phẩm, đưa vào kiểm nghiệm thực tế trong điều khiển ra hoa và ra hoa trái vụ cho các loại cây trồng trên tại các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Đà Lạt, Tây Ninh, Tiền Giang, Bắc Ninh..; tiết kiệm từ 50% tới 75% điện năng tiêu thụ so với phương pháp chiếu sáng thông thường; góp phần nâng cao năng suất, chủ động về mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta.

Hay như, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long đã chọn tạo và thử nghiệm thành công 02 giống lúa thuần có phẩm chất ngon, chất lượng tốt, chống chịu mặn-hạn cho canh tác lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, sẵn sàng cung cấp cho sản xuất trong thời gian tới. Kết quả của đề tài góp phần thiết thực và đáp ứng nhu cầu lớn về giống lúa chịu mặn, chịu hạn trong bối cảnh biến đổi khi hậu và nước biển dâng...





Nghiên cứu, phân tích chất lượng quả trong quá trình bảo quản tại Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch

Từ việc xác định được danh mục hơn 300 loại nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành/lĩnh vực, và nắm bắt thông tin của gần 1.000 loại công nghệ tiềm năng ở trong và ngoài nước phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã hỗ trợ kết nối thành công gần 130 hợp đồng hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu.

Trên cơ sở các kết quả tìm kiếm nguồn cung công nghệ, các chuyên gia công nghệ đã đánh giá, lựa chọn và xây dựng cẩm nang công nghệ, trong đó giới thiệu hơn 500 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của các tổ chức, cá nhân (doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tổ chức KH&CN, Sở KH&CN các tỉnh/thành phố, các nhà sáng chế không chuyên).

Xúc tiến hợp tác, chuyển giao công nghệ

Không chỉ triển khai trong phạm vi quốc gia, Bộ KH&CN đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức xác định nguồn cung công nghệ nước ngoài và tổ chức kết nối cung - cầu công nghệ cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài, kết nối ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Cộng hòa Séc,... vào Việt Nam.

Cụ thể là đã tổ chức có hiệu quả hoạt động tư vấn kỹ thuật, cải tiến công nghệ. Bắt đầu từ năm 2015, hoạt động này đã được Bộ KH&CN chỉ đạo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và các đơn vị liên quan chú trọng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp. Việc tư vấn kỹ thuật cho doanh nghiệp được tập trung triển khai thực hiện theo 3 khâu: Phát hiện nhu cầu; đánh giá nhu cầu công nghệ (sử dụng chuyên gia tổ chức khảo sát tại hiện trường nhằm phân tích và cụ thể hóa nhu cầu cải tiến và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp); thực hiện tư vấn: sử dụng chuyên gia tư vấn công nghệ, tổ chức tư vấn công nghệ, tư vấn cải tiến kỹ thuật; giới thiệu công nghệ mới cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân có nhu cầu đến kết nối cung – cầu công nghệ.

Đến nay, đã hỗ trợ 250 lượt tư vấn kỹ thuật, cải tiến công nghệ trực tiếp cho các doanh nghiệp có nhu cầu (các doanh nghiệp có nhu cầu cải tiến công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi sản phẩm hoặc đổi mới một phần các công nghệ sẵn có...) với sự tham gia của trên 130 chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước.

Cùng với đó, Bộ KH&CN đã chú trọng đến hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất kinh doanh. Năm 2014-2015, đã tổ chức đánh giá, lựa chọn để hỗ trợ, liên kết các tổ chức nghiên cứu công nghệ, doanh nghiệp để hoàn thiện các công nghệ từ kết quả nghiên cứu công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn. Hỗ trợ, kết nối kết quả nghiên cứu công nghệ mới của Viện KH&CN Xây dựng (Bộ Xây dựng) xây dựng mô hình cầu nông thôn ứng dụng công nghệ bê tông tính năng siêu cao UHPC, hiện nay đã xây dựng thành công cầu Đập đá bằng mô hình xã hội hóa có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tại Phường 3, Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Đây là một nội dung mới và là mô hình của sự kết hợp giữa các cơ quan Quản lý nhà nước về KHCN tại Trung ương và tại Địa phương với đơn vị nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp để ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, được thực hiện bằng một phần kinh phí xã hội hóa. Trong thời gian tới sẽ được nhân rộng tại Ninh Bình, Vĩnh Long, Kiên Giang, Tuyên Quang, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, thông qua việc trình diễn, kết nối cung – cầu công nghệ còn cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, tổ chức cá nhân theo hướng tiếp cận đa chiều; tập trung vào giải quyết những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp đang vướng mắc cần tháo gỡ (Chuyên gia tư vấn công nghệ, tư vấn cải tiến kỹ thuật; kết nối tài chính với công nghệ; cung cấp các thông tin nhằm định hướng phát triển, đổi mới công nghệ khi Việt Nam tham gia vào TPP).

Từ những kết quả đạt được, có thể thấy hoạt động trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ đã giúp Bộ KH&CN và các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN ở địa phương nắm bắt được số liệu tổng hợp về thực trạng nhu cầu công nghệ để từ đó ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm thúc đẩy ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ ở các tổ chức, doanh nghiệp, tăng cường sự phối hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ giữa trung ương và địa phương.

Đối với doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao như Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN ở địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức KH&CN tiềm năng tham gia trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ đã có cơ hội được tiếp cận và giới thiệu, phổ biến những công nghệ, thiết bị, kết quả nghiên cứu và sản phẩm KH&CN mới; cơ hội liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ. Trên cơ sở những thông tin hợp tác đầu tư về công nghệ được kiểm chứng, thông tin về đường lối và chính sách phát triển KH&CN của Nhà nước, đã mở ra cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn hỗ trợ tài chính từ các chương trình KH&CN, các quỹ đầu tư... để có thể mạnh dạn ra quyết định về hoạt động chuyển giao công nghệ, nhằm đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của đơn vị.

Có thể nói rằng, kết nối cung - cầu công nghệ đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp, địa phương và các đơn vị nghiên cứu, đồng thời huy động được các nguồn lực khác nhau (trong và ngoài nước) hỗ trợ để thúc đẩy thương mại hóa, đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, đổi mới công nghệ, ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào phục vụ thực tiễn sản xuất và đời sống. Cung cấp chính sách, các chương trình KH&CN quốc gia, các quỹ đầu tư hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ.

Phương Nga



(Nguồn:truyenthongkhoahoc.vn)
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương