THÔng tin kh&cn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn mục lụC



tải về 0.97 Mb.
trang4/5
Chuyển đổi dữ liệu10.12.2017
Kích0.97 Mb.
#35036
1   2   3   4   5

Hé lộ thị trường

Với các nước phát triển thì NNHC không xa lạ nhưng ở VN thì còn mới mẻ. Mới mẻ không những với nông dân mà còn cả với những cán bộ nông nghiệp, mà bằng chứng là hơn 250 đại biểu hầu như không ai bỏ về trước.

Mặc dù chưa có tên trên bản đồ NNHC thế giới nhưng VN đã nhen nhóm một thị trường ở các thành phố lớn mà chủ yếu là Hà Nội và TPHCM và đã có những cơ sở chuyên SX mặt hàng cao cấp này. Ở Sóc Sơn (Hà Nội) có mô hình SX rau hữu cơ Thanh Xuân, Lâm Đồng có Organik Đà Lạt, Cà Mau có GreenFarm Viễn Phú, Lào Cai có chè Shan Bắc Hà, Hà Giang có chè Shan Quang Bình…

Những mô hình trên đã có những sản phẩm đầu tiên cung ứng ra thị trường, Organik Đà Lạt cung cấp cho các nhà hàng khách sạn lớn ở TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội và Cty dịch vụ suất ăn hãng hàng không Jetstar, chè Shan xuất bao 40 kg sang châu Âu để đối tác đóng gói lại theo logo của họ.

(hinh)

Riêng mô hình rau hữu cơ Thanh Xuân (Hà Nội) năm 2012 đã cung cấp được 167 tấn rau cho thị trường (bán lẻ không theo hợp đồng là 5,7 tấn).



Theo PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, GĐ Viện Khoa học Nông nghiệp VN (VAAS), thị trường của NNHC chủ yếu ở các nước Âu, Mỹ với tổng giá trị đạt 59,1 tỷ USD vào năm 2010, tăng 4,2 tỷ USD so với năm 2009 và gấp 3 lần so với năm 2000. Tổng diện tích canh tác hữu cơ năm 2010 đã đạt 80 triệu ha (bao gồm cả diện tích hoang dại những cho thu hoạch sản phẩm hữu cơ).

Cơ hội cho Việt Nam

Cơ hội lớn nhất là VN đã manh nha thị trường nội địa của tầng lớp trung lưu, các nhà hàng khách sạn cao cấp (phần lớn đang phải nhập khẩu) và thị trường thế giới cũng đang có mức tăng trưởng nhanh. VN có thế mạnh ở những nông sản hữu cơ đang có tỷ trọng lớn trên thị trường thế giới như cà phê, chè, rau quả.

Điều quan trọng hơn là phương cách hóa học hóa nông nghiệp để thâm canh, tăng vụ mà VN theo đuổi suốt 40 năm qua hình như đã chạm trần. Tuy tạo ra được nhiều nông sản nhưng chất lượng kém nên thu nhập của đại bộ phận nông dân vẫn thấp do phải cạnh tranh thị trường ở phân khúc giá rẻ.

Việc SX nông sản cao cấp hơn, bán với giá cao hơn đang là sự thôi thúc nội tại của nền kinh tế, hộ nông dân. Hiện tượng bỏ hoang ruộng đang diễn ra trầm trọng là một bằng chứng.

Mặt khác toàn xã hội đang bức xúc về nông sản không an toàn do việc sử dụng bừa bãi hóa chất, kháng sinh, hóc môn kể cả trong trồng trọt, chăn nuôi lẫn nuôi trồng thủy sản. Điều dễ thấy nhất là vấn nạn “loạn” hóa chất BVTV và phân bón hóa học (NNVN đã phản ánh liên tục trong nhiều số báo gần đây);

VN đã có truyền thống SX nông nghiệp hữu cơ từ nghìn đời nay và đang được sự giúp đỡ của một số tổ chức quốc tế, đặc biệt là tổ chức IFOAM; VN là nước đi sau (hiện đã có 86 nước có NNHC và 76 nước khác đang thu thập dữ liệu) nên có thể dễ dàng học tập kinh nghiệm.

Ngoài một số mô hình do nước ngoài tài trợ, còn có một số DN tự mày mò phát triển 7 - 8 năm nay và đã bắt đầu xác lập được vị thế của mình. Năm 2006, Bộ NN-PTNT đã ban hành tiêu chuẩn về SX NNHC và chế biến, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức và phát triển.

Hệ thống NNHC (cũng như rau an toàn, VietGAP) thực chất không phải là kỹ thuật, chuyển đổi tập quán SX mà chủ yếu là do công tác tổ chức, quản lý mà VN lại có thế mạnh ở hệ thống chính trị.



Hãy là khách hàng của chính mình

Khi được hỏi về động cơ, ông Lê Quốc Phong, TGĐ Cty CP Phân bón Bình Điền, Phó Chủ tịch Hiệp hội NNHC, nhà tài trợ chính cho hội thảo cho biết: “Việc một nhà SX phân vô cơ làm tiên phong và tài trợ chính cho NNHC là không nên ngạc nhiên vì Bình Điền sẽ “đi bằng 2 chân” và đây là bước chuẩn bị cho 10 năm sau”.

10 năm là nhanh hay chậm? Trước đây cách mạng xanh cũng phải mất 10 năm để khởi động và kéo dài đến 40 năm mới bộc lộ các nhược điểm mà NNHC là sự điều chỉnh cần thiết.

Động cơ đẩy cách mạng xanh đến thành công là vấn nạn thiếu lương thực. Động cơ này vẫn còn đó, 1 tỷ người trên hành tinh vẫn đang có thu nhập dưới 01 USD/ngày. Với các nước thiếu đất như VN (chỉ bằng 8,7% mức bình quân của thế giới) thì an ninh lương thực vẫn được đưa lên hàng đầu và việc thâm canh (kể cả sử dụng vật liệu chuyển gen GMO) vẫn phải được duy trì.

Không phải chỉ có VN, mà tất cả các nước trên thế giới đều vậy, mà bằng chứng là chỉ có Úc, Newzealand, châu Âu, Mỹ, những nước có đất mênh mông mới có NNHC phát triển, chiếm đến 96% diện tích NNHC.

Không thể bỏ qua cơ hội SX NNHC nhưng cũng không thể xem nhẹ an ninh lương thực, an sinh xã hội. Công tác quy hoạch phải vẽ nên bức tranh cho nông nghiệp VN 10 năm, 20 năm sau sao cho hài hòa cả về tỷ trọng, diện tích, ngành hàng để từ đó có những chính sách cần thiết.

Cách đây 2 tháng, một cán bộ của Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội vào TP HCM nhờ người viết bài này đi tìm và thuê trang trại để canh tác NNHC “tự trồng lấy rau, nuôi lấy gà, lợn, thả lấy cá” cung cấp cho một số gia đình theo hợp đồng.

Ở Hà Nội, mô hình đấy không còn là ý tưởng mà đang trở thành phong trào. Cách làm trên cũng được ông Phạm Ngọc Sinh, GĐ Cty Thiên Sinh (người mà 15 năm trước đã thất bại trong chương trình xây dựng vùng chè hữu cơ ở các tỉnh phía Bắc) chia sẻ từ thực tế của gia đình ông và bạn bè.

Ông Sinh nói: “Với công nghệ thông tin hiện đại thì việc đặt camera ở trang trại để cho bất cứ thành viên nào cũng có thể giám sát SX bất cứ lúc nào bằng điện thoại di động sẽ tạo được niềm tin. Hãy tự mình là khách hàng của chính mình trước lúc lôi kéo người khác”.

(Nguồn: nongnghiep.vn)



Thành công bất ngờ từ tôm-lúa

Vùng luân canh tôm-lúa ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã hình thành nhiều năm nhưng năm nay, đang được đánh giá thành công bất ngờ, có người nuôi 1 ha lãi cả tỷ đồng.

Lãi cao

Ông Nguyễn Văn Như ở ấp Lê Văn Xe, xã Ngọc Đông (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), phấn khởi cho biết: Với diện tích 3,5 ha, ông chia làm 8 ao thả tôm thẻ chân trắng. Giữa tháng 8, sau gần 90 ngày nuôi, ông thu hoạch 1,5 ha, được 8,6 tấn, bán giá 140.000 đ/kg (loại 80 con/kg), thu 1 tỷ 204 triệu đồng, lãi trên 600 triệu đồng. “Diện tích còn lại đang chờ thu hoạch, nếu tiếp tục giữ được mức giá hiện nay, vụ tôm năm nay gia đình tôi cầm chắc trên 1,5 tỷ đồng tiền lãi”, ông Như khẳng định.

Chủ nhiệm HTX Đại Phúc ở xã Ngọc Đông, ông Trịnh Thanh Hồng, cho biết HTX có 13 xã viên với diện tích tôm – lúa 25,5 ha, năm nay thả nuôi 100%. Vào vụ, có trên 50% xã viên thiếu vốn sản xuất do không vay được ngân hàng. Ông Hồng nói: “Nhưng gia đình tôi làm đại lý con giống và thức ăn, đã bán chịu đến sau thu hoạch mới thu tiền nên các xã viên nuôi hết diện tích. Những hộ thả nuôi đợt 1 đã thu hoạch, tỷ lệ có lãi đến 99%. Nhờ trúng mùa và được giá, năm nay ước lợi nhuận của các xã viên đạt khoảng 10 tỷ, trong khi cũng diện tích ấy năm 2012 chỉ đạt lợi nhuận 2,6 tỷ đồng”.

Xã Ngọc Đông nằm trong vùng sản xuất tôm – lúa của tỉnh Sóc Trăng đã nhiều năm, khẳng định được sự thành công so với cây lúa, còn với con tôm thì năm nay thành công bất ngờ. Cá biệt có người nuôi 1 ha có lãi cả tỷ đồng, còn nuôi 0,2 -0,3 ha cũng lãi hàng trăm triệu đồng.

Thạc sĩ Tăng Thanh Chí, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Đông, cho biết, tôm thẻ chân trắng nuôi bán thâm canh ở mật độ trung bình, nuôi 75- 90 ngày là thu hoạch, năng suất 3,5 tấn/ha, giá bán 140.000 đ/kg (70-80 con /kg) đã cho doanh thu 490 triệu đồng/ha, cao gấp 14 lần so với lúa thơm, lợi nhuận tối thiểu 50%. Tôm thẻ chân trắng, một năm nuôi được 2 vụ, tổng lợi nhuận không nhỏ. Hết vụ tôm, chuyển sang làm lúa còn có thêm thu nhập khá. Đến ngày 12/9, toàn xã Ngọc Đông thả nuôi tôm thẻ 815 ha, đạt 163,05% kế hoạch.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên, ông Trần quốc Quang, cho biết: Toàn huyện đã thả tôm thẻ chân trắng 5.091,1 ha. Còn bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Đến đầu tháng 9, toàn tỉnh đã thả nuôi 40.533,3 ha tôm nước lợ, trong đó tôm thẻ chân trắng 13.024 ha, “vụ tôm năm nay có nhiều thuận lợi, ít rủi ro, nhờ tăng cường khuyến cáo lịch mùa vụ và thời điểm thả nuôi, kết hợp với thả thăm dò ở đầu vụ nên tỷ lệ rủi ro thấp”.



Bền vững

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên Trần Quốc Quang cho rằng, luân canh tôm-lúa thắng lợi trong tình hình dịch bệnh tôm hoành hành hai năm qua, cho thấy rõ đây là hình thức canh tác bền vững mà khoa học đã khẳng định. Ông Quang nói, tuân thủ 1 vụ tôm (hoặc 2 vụ tôm) xen 1 vụ lúa, giảm tác hại đến thiên nhiên, “chính cây lúa sẽ cải tạo được môi trường nuôi tôm, cắt đứt mầm bệnh trong vùng nuôi”.

Đánh giá sơ bộ vụ tôm năm 2013, bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng, phân tích, diện tích tôm thẻ chân trắng tăng gần gấp đôi kế hoạch và gấp 3 lần so với năm 2012, nhưng thiệt hại giảm nên sản lượng tôm năm nay sẽ tăng cao. “Tổng diện tích đã thu hoạch trên 12.922 ha (tôm thẻ 5.670 ha), năng suất bình quân tôm sú 1,8 tấn/ha, tôm thẻ 5,3 tấn/ha, sản lượng tôm của Sóc Trăng đến thời điểm này đã đạt 40.936 tấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu của địa phương”, bà Bình nói.

(Nguồn: nongnghiep.vinhlong.

gov.vn)




Nuôi tép trên ruộng lúa

Lần đầu tiên có nông dân thực hiện mô hình nuôi tép đồng trên chân ruộng lúa mang lại hiệu quả khá cao trong mùa lũ. Đó là mô hình của anh Huỳnh Chấn Kim ở khóm Tây Khánh 7, phường Mỹ Hoà, TP. Long Xuyên (An Giang).

Theo lời giới thiệu của Hội Nông dân phường Mỹ Hoà tôi đã tìm đến nhà anh Huỳnh Chấn Kim, trong lúc anh đang chăm sóc đàn tép đồng sau nhà. Anh Kim hồ hởi cho biết: "Trước đây sống bằng nghề nuôi ếch, nhưng mấy năm nay giá cả không ổn định, tiền thức ăn lại tăng cao nên nuôi ếch không còn lời như trước. Tôi tìm các mô hình mới thử nghiệm rút ra cách làm riêng cho mình.

Tháng 7 vừa qua cũng là con nước đầu mùa lũ, nên lượng tép đồng bán nhiều ở các chợ nông thôn. Thấy tép có mang trứng tôi suy nghĩ nuôi con này sẽ không đụng hàng và chi phí đầu tư thấp, bán sẽ được giá cao ở những tháng mùa khô".

Ban đầu anh Kim mua 3kg tép giống ở ngoài chợ giá (50.000 đ/kg) về thả thử trong 10 công đất nằm giữa cánh đồng Lung Mây. Ruộng được anh chia ra thành nhiều vuông để nuôi tép, trong đó có khoảng 5 công trồng bông súng và thả cá. Anh Kim nói, thời gian gần đây, thị trường tiêu thụ bông súng chậm, anh mới nhổ bỏ dần và dự tính bày chuyện khác.

Với kinh nghiệm có sẵn, anh cho tép ăn bằng thức ăn viên công nghiệp và thỉnh thoảng pha trộn ốc bươu vàng xay nhuyễn. Tỉ lệ hao hụt không đáng bao nhiêu. Bắt đầu 1 tuần lễ quen dần với môi trường nước, mỗi lần thả thức ăn xuống, tép nổi lên ăn.

Anh Kim cho biết thêm, do dựa vào môi trường tự nhiên, xét thấy bông súng và mã đề thích hợp trên mặt ruộng, anh quyết định giữ lại để cho tép có nơi trú ẩn.

Lúc đầu thả tép xuống ao nuôi được 30 - 35 ngày, công việc chăm sóc vẫn diễn ra bình thường. Sau hơn 2 tháng, anh Kim mới bắt đầu đặt lợp thử, kết quả thu hoạch lần đầu tiên thật bất ngờ. Đêm đầu tiên, anh đặt lợp được khoảng 5 kg, bán được giá từ 80.000 - 100.000 đ/kg tùy theo loại lớn nhỏ.

Hằng ngày gia đình anh bắt tép đi bán đem lại doanh thu từ 400 -500 ngàn đồng. Sau thời gian chừng 15 ngày, sản lượng tép lớn bắt được có phần giảm. Thấy vậy, anh ngưng thu hoạch khoảng 1 tuần lễ, sau đó mới đặt lợp tiếp tục.

Con tép đồng (tép rong) ở môi trường thiên nhiên đẻ nhiều, trưởng thành rất nhanh, phát triển tốt. Vả lại, vuông ruộng của anh mặt bằng sẵn có, nào là trồng bông súng, mã đề trông rất tự nhiên thích hợp với tép đồng.

Tuy mới nuôi tép trên chân ruộng lần đầu tiên, nhưng qua tiếp cận cận kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản nhiều năm, nông dân Huỳnh Chấn Kim đã sớm rút ra được hiệu quả mô hình.

Trên vuông 5 công đất nuôi tép, anh còn thả thêm cua đồng. Đây là hình thức xen canh, lấy ngắn nuôi dài, bước sang mùa khô năm tới (tháng hai, tháng ba âm lịch) mới thu hoạch cua. Trước mắt, anh thả tép đồng nuôi thêm diện tích khoảng 2,5 công đất.

Với diện tích trên 10 công đất ruộng có sẵn bờ bao, anh bố trí thêm khu vực nuôi ba ba giống, trồng bông súng, mã đề, nuôi tép và cua. Nhưng mô hình nuôi ghép con tép đang mang lại hiệu quả cao và độc đáo nhất.



(Nguồn: nongnghiep.vn)


Nuôi tôm, cua dưới tán rừng

Mô hình SX tôm, cua kết hợp dưới tán rừng phát triển mạnh ở Bạc Liêu giúp không ít hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, với nguồn thu lợi nhuận trên dưới khoảng 100 triệu đồng/năm.

Đối với mô hình tôm - cua - cá - rừng, bà con nông dân nhận đất rừng khoán lựa chọn các đối tượng nuôi phù hợp để góp phần tăng hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, mô hình tôm - cua - rừng ở Bạc Liêu có tổng diện tích hơn 8.000 ha đa số nằm ngoài đê bao biển Đông - khu vực rừng phòng hộ.



Diện tích thực hiện mô hình tập trung ở các huyện Đông Hải (2.202 ha), TP Bạc Liêu (1.082 ha), Hòa Bình (4.800 ha). Theo nhiều nông dân, đối với mô hình thả tôm dưới tán rừng bà con thả với mật độ từ 1 - 2 con/m2 mặt nước, cua 500 - 700 con/ha. Áp dụng quy trình nuôi thả thưa, lấy nước ra vào theo thủy triều. Ở những nơi không lấy nước theo thủy triều được thì bà con dùng máy bơm.

Ngành chức năng cho biết, hiện tại hiệu quả từ mô hình này rất khả quan. Năng suất chung mà người dân thu hoạch từ các loài thủy sản khoảng 400 - 500 kg/ha/năm; số hộ có lãi từ mô hình này chiếm đến 95%, trung bình mỗi hộ lãi từ 30 - 40 triệu đồng.

Điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Trường, ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình. Anh Trường cho biết, năm 2003, gia đình anh nhận 3 ha rừng phòng hộ, anh Trường đã áp dụng mô hình nuôi tôm - cua dưới tán rừng. Mỗi năm, anh thả nuôi tôm bốn đợt tôm và mỗi tháng thả 1 đợt cua giống.

Sau khi cải tạo và cho nước vào, anh Trường thả nuôi 150.000 con tôm sú giống/đợt và 2.000 con cua biển giống/tháng. Cứ hàng tháng anh Trường thả cua giống gối đầu. Sau 3 tháng nuôi, anh bắt đầu thu hoạch tôm, cua lớn để bán. Tôm nuôi thả lan dưới tán rừng thu hoạch kéo dài và liên tục.

Bên cạnh đó, hàng ngày, anh Trường đặt lú bắt tôm, cua bán bình quân 300.000 đồng/ngày, 1 tháng được 9 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm, trừ tất cả chi phí đầu tư, anh Trường còn lãi trên 100 triệu đồng.

Nhờ bảo vệ tốt rừng phòng hộ nên tôm, cua sống dưới tán rừng ít bị dịch bệnh; đồng thời rừng đước ngày một phát triển. Anh Trường nói: “Mô hình nuôi tôm - cua dưới tán rừng đã giúp gia đình tôi và nhiều hộ dân vùng ven biển thoát nghèo, có cuộc sống ổn định”.

Ông Nguyễn Văn Đước, ấp Canh Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải là người thành công trong việc đưa mô hình sinh thái tôm - cua - rừng đạt hiệu quả và khẳng định tính bền vững từ mô hình.

Năm 2007 ông mạnh dạn bỏ vốn mướn sên vét bùn, cải tạo làm bờ bao khép kín, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cấp thoát nước nhằm giữ mức nước ra vào ổn định, kết hợp tỉa cây, dọn dẹp vệ sinh bờ mương bao để cho ánh sáng chiếu xuống đáy ao diệt mầm bệnh.

Với hơn 5 ha diện tích mặt nước ông thả tôm với mật độ 1 - 2 con/m2, cua với mật độ 500 - 1.000 con/ha (chia thả 6 - 8 đợt/năm). Tính tổng các chi phí đầu tư mô hình khoảng 80 - 90 triệu đồng/năm, nhưng mỗi con nước trung bình ông thu trên 15 triệu đồng từ nguồn lợi tôm, cua, cá. Hằng năm, ông thu nhập lãi gần 300 triệu đồng/năm, trừ chi phí lãi gần 150 triệu đồng.

Bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế mà mô hình này mang lại là rất cao. Song để mô hình phát triển bền vững ngành chức năng cần tạo điều kiện để các hộ dân hạn thế sử dụng điện giảm chi phí bơm tát. Có nhưng vậy, mô hình nuôi tôm - cua dưới tán rừng mới mang lại hiệu quả kinh tế và bền vững, đảm bảo đời sống người dân.

(Nguồn: nongnghiep.vn)




Nuôi thủy sản trên đất lúa

Nhằm giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác, Trung tâm KN-KN Hậu Giang triển khai nhiều dự án nuôi thủy sản trên đất lúa theo mô hình luân canh lúa - tôm càng xanh; lúa - cá mang lại hiệu quả gấp nhiều lần lúa.

Theo lịch hẹn, tôi được ông Phan Văn Kỳ, cán bộ kỹ thuật Trung tâm KN-KN Hậu Giang dẫn đi thăm mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh trên nền đất lúa của hộ nông dân Phạm Văn Trung, ở ấp Trường Phước, xã Trường Long Tây, Châu Thành A.

Thời điểm này, người dân địa phương đang chuẩn bị thu hoạch lúa thu đông, nhưng phần lớn nông đều tỏ ra không vui vì lúa bị mưa bão làm đổ rạp, giá công cắt tăng rất cao. Nông dân phải mướn máy rút nước ra để cứu lúa. Trái ngược với mọi người, anh Trung lại đặt máy để bơm vào ruộng thay nước cho đám tôm càng xanh đang thời kỳ phát triển mạnh.

Anh Phạm Văn Trung cho biết, gia đình có tổng cộng 5 ha đất lúa, riêng 1 ha sau nhà được lên đê bao kỹ giữ nước để luân canh thủy sản lúa - thủy sản. “Sau vụ lúa hè thu, tôi không làm tiếp lúa thu đông mà chuyển sang nuôi thủy sản. Có năm nuôi cá rô đồng, hoặc nuôi ghép nhiều thứ cá rô, cá chép, cá mè… Năm nay được Trung tâm KN-KN tỉnh hỗ trợ nuôi tôm càng xanh, hy vọng thành công sẽ mở ra hướng đi mới”, anh Trung tâm sự.



Theo anh Trung, mỗi ha nuôi cá, sau 5-6 tháng chăm sóc sẽ cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng, chỉ cần lợi nhuận 50% đã gấp nhiều lần so với trồng lúa. Còn nếu nuôi tôm càng xanh, năng suất đạt khoảng 1 tấn/ha là thành công, vì loài này có giá trị kinh tế cao.

Hiện nay, tôm càng xanh của hộ anh Trung đã thả được gần 3 tháng, trọng lượng đạt khoảng 100 con/kg. Nếu chăm sóc tốt, hơn 2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Anh Trung cho biết: “Nếu vụ này thành công thì sang năm sẽ bỏ luôn vụ lúa hè thu để chuẩn bị mặt đất cho thật tốt, cũng như có thời gian dài để nuôi tôm đạt cỡ lớn, bán được giá cao hơn”.

Tương tự, hộ anh Võ Hồng Quang ở ấp Trường Lợi, xã Trường Long Tây cũng mạnh dạn bỏ vụ lúa để nuôi tôm càng xanh trên diện tích 1,3 ha. Đây không phải là năm đầu tiên anh Quang nuôi tôm càng xanh trên đất lúa.

“Cách đây 2 năm tôi đã đầu tư nuôi tôm cành xanh, năng suất đạt 1,3 tấn/ha, bán giá 140.000 đồng/kg, thu được hơn 180 triệu, trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu. Đây là mức lợi nhuận rất cao, trồng lúa 3 vụ/năm thu nhập cũng thua xa một vụ tôm”, anh Quang phấn khởi nói.

Vụ tôm này được Trung tâm KN-KN tỉnh hỗ trợ con giống và một phần thức ăn, anh Quang dự định nuôi tôm đạt cỡ 15-20 con/kg mới thu hoạch, nhằm bán được giá cao.

Ông Nguyễn Thế Kỷ, Trưởng trạm KN-KN huyện Châu Thành A cho biết, năm nay huyện có kế hoạch thả nuôi 350 ha thủy sản trên đất lúa, đến nay nông dân đã thả nuôi được 313 ha. Nông dân chủ yếu chọn các loại cá dễ nuôi như rô đồng, rô phi, cá mè vinh, cá chép…

Ngoài những mô hình nuôi có đầu tư thức ăn, năng suất và hiệu quả cao do Trung tâm KN-KN tỉnh hỗ trợ, nông dân còn nuôi theo hình thức quảng canh, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong mùa nước nổi.

Theo đó, cá giống sẽ được thả nuôi trước trong ao 1-2 tháng, sau khi thu hoạch lúa sẽ cho cá lên ruộng kiếm thức ăn. Trong suốt mùa nước lũ tràn đồng, nông dân sẽ dùng lưới cước bao quanh toàn bộ khu ruộng để giữ cá cho đến khi nước rút mới thu hoạch để chuẩn bị gieo sạ lúa đông xuân.

Ông Kỷ cho biết: “Nuôi theo hình thức này năng suất chỉ đạt 600-800 kg cá thương phẩm/ha nhưng lợi nhuận vẫn rất cao, do không phải tốn chi phí thức ăn, thịt cá săn chắc, thơm ngon nên dễ tiêu thụ”.

Ông Phan Văn Kỳ cho biết, năm 2013 Trung tâm KN-KN tỉnh triển khai 2 dự án thủy sản trên đất lúa là nuôi tôm càng xanh và nuôi cá. Trong đó, mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh trên ruộng lúa thực hiện tại huyện Châu Thành A, quy mô 2 ha, với 2 hộ nông dân tham gia.

Theo đó, Trung tâm sẽ hỗ trợ 100% tiền mua con giống (giống toàn đực, mua tại An Giang, giá 360 đồng/con), 30% chi phí thức ăn trong suốt vụ nuôi. Mật độ thả 6 con/m2, thời gian nuôi 6 tháng, mục tiêu của dự án là tỷ lệ tôm sống đến khi thu hoạch đạt trên 50%, hệ số tiêu tốn thức ăn là 1,3 kg thức ăn/kg tôm thương phẩm, năng suất đạt từ 0,9 tấn/ha trở lên. Tổng số vốn thực hiện mô hình này là trên 118 triệu đồng, trong đó nông dân được hỗ trợ 72 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến ngư của tỉnh.

Còn mô hình luân canh lúa - cá được thực hiện ở 2 huyện là Châu Thành A và Long Mỹ với 9 hộ dân tham gia, tổng kinh phí 488,6 triệu đồng, trong đó Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ 259 triệu đồng, còn lại dân đóng góp.

Mô hình thả nuôi theo 2 nghiệm thức: 80% cá sặc rằn + 15% cá rô đồng + 5% cá mè vinh hoặc 80% cá rô đồng + 15% cá sặc rằn + 5% cá mè vinh, mật độ thả nuôi 10 con/m2. Mục tiêu của dụ án là năng suất đạt từ 10 tấn/ha trở lên sau 6 tháng thả nuôi, mức tiêu tốn là 1,3 kg thức ăn /1 kg cá thương phẩm. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, 30% chi phí thức ăn, được tập huấn kỹ thuật.



(Nguồn: nongnghiep.vn)
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương