Thị trường sản phẩm nông nghiệp Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại Bộ Công Thương Số 3 năm 2017



tải về 0.8 Mb.
trang3/6
Chuyển đổi dữ liệu14.06.2018
Kích0.8 Mb.
#39989
1   2   3   4   5   6

Trong những năm gần đây, việc sản xuất - tiêu thụ nông sản bấp bênh, gây thiệt hại cho nông dân ngày càng xảy ra thường xuyên hơn với nhiều mặt hàng nông sản, mật độ các cuộc "giải cứu" nông sản ngày càng dày hơn, thời gian để hỗ trợ tiêu thụ một mặt hàng dài hơn, kéo theo nhiều hệ lụy dây chuyền. Điều này phần nào cho thấy những bất cập trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản ở nước ta. 


Một số chính sách đã được triển khai chưa thực sự hiệu quả

Thực tế cho thấy, việc tổ chức sản xuất và thông tin thị trường chưa tốt là nguyên nhân chính dẫn đến bị động trong tiêu thụ nông sản. Những đợt "giải cứu" nông sản thời gian qua cho thấy rõ nhiều bất cập của nền nông nghiệp khi chạy theo số lượng, thiếu gắn kết thị trường. Bên cạnh đó, từ những vụ “giải cứu” nông sản cũng cho thấy, nông dân chưa hiểu kỹ về cơ chế thị trường và thiếu tổ chức để hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường. Điểm nổi bật của những sản phẩm phải "giải cứu" là thiếu công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến nên bắt buộc phải bán ngay, không thể lưu kho. Vì vậy, đến thời điểm thu hoạch rộ, các sản phẩm này sẽ buộc phải bán cho dù bị ép giá. Ngay sản phẩm chăn nuôi như trứng, thịt, phần lớn chỉ bán tươi, việc đầu tư vào giết mổ, bảo quản chưa đáng kể nên không thể lưu kho, đợi giá lên mới bán được. Việt Nam là nước có lợi thế về nông nghiệp, nông dân có nhiều kinh nghiệm, cộng thêm sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nên những năm gần đây có nhiều mặt hàng nông sản được mùa. Tuy nhiên trên thực tế chỉ là “được mùa” về số lượng, còn chất lượng nông sản Việt vẫn chưa ổn định, chỉ được chấp nhận ở những thị trường dễ tính, giá rẻ. Vì vậy, không chỉ khó thâm nhập thị trường khó tính, nông sản Việt còn có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.



Để giải quyết tình trạng trên, chính sách tiêu thụ nông sản qua hợp đồng hay liên kết “bốn nhà” đã ra đời, khởi nguồn là sự ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ (nay được thay thế bằng Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg). Theo đó, Nhà nước đảm nhận các khâu: dự báo, quy hoạch, ban hành cơ chế chính sách thuận lợi; Nhà khoa học thực hiện nghiên cứu kỹ thuật sản xuất, lai tạo giống mới chất lượng, chuyển giao khoa học; Nhà nông phải nhạy bén nắm bắt khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường, chủ động liên kết với nhau để tạo ra sản lượng hàng hóa cao, chất lượng tốt; và doanh nghiệp phải tăng cường mở rộng thị trường. Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai, đến nay các mối liên kết này vẫn chưa thật sự đầy đủ và hiệu quả, chưa có nhiều mô hình hoàn chỉnh để giữ cho sản xuất nông sản ổn định. Đầu ra và giá cả nông sản gần như vẫn còn phụ thuộc hoàn toàn vào các khâu trung gian, tình trạng “được mùa mất giá” thường xuyên diễn ra. Trong đó, nguyên nhân chính tập trung chủ yếu ở bốn điểm sau:

Thứ nhất là do người nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa quen tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, do tập quán làm ăn riêng lẻ, mang tính tự phát của người dân nên việc sản xuất manh mún, sản lượng cung ứng trên thị trường thiếu đồng nhất, chất lượng không cao, chưa xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất nông sản chất lượng cao, khó cạnh tranh được với các nước trong khu vực. 

Thứ hai, khả năng dự báo nhu cầu thị trường vẫn còn hạn chế, các cơ quan quản lý chưa thực sự điều tiết được thị trường nội địa cũng như các thị trường xuất khẩu để cung cấp thông tin cần thiết cho nông dân. Vì vậy, người nông dân rất lúng túng trong định hướng sản xuất sản phẩm nông sản.

Thứ ba, vấn đề tổ chức các kênh phân phối hàng nông sản chưa tốt. Nông sản từ ruộng tới chợ hoặc siêu thị hiện nay phải qua rất nhiều kênh trung gian, người nông dân thường bị ép giá ở mức thấp nhất, lợi ích thuộc về các thương lái.

Thứ tư, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa thực sự chặt chẽ, các bên thường đơn phương phá vỡ hợp đồng mỗi khi có biến động giá trên thị trường. Việc quy định và áp dụng các biện pháp chế tài khi nông dân và doanh nghiệp vi phạm thỏa thuận gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất của việc thực hiện liên kết trong sản xuất nông nghiệp là thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Sự liên kết trên thực tế chủ yếu dừng ở liên kết đôi giữa Nhà nước và nhà nông trong việc tạo quỹ đất, mặt bằng, hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, còn doanh nghiệp tham gia rất hạn chế, chỉ tham gia vào khâu cung ứng sản phẩm vật tư đầu vào, còn lại khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thì chưa được quan tâm, trong khi việc tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quan trọng trong quá trình liên kết. Bên cạnh đó, bất lợi về nhận thức từ phía người dân cũng đang là rào cản trong quá trình thực hiện liên kết. 

Hàng nông sản nhập khẩu tiếp tục tràn ngập thị trường trong nước

Trong khi đó trên thị trường nội địa, rất nhiều sản phẩm nông sản nhập khẩu, từ gạo, thịt bò, rau quả đã tràn ngập, lấn chiếm thị trường nước ta trong thời gian qua. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2016, Việt Nam đã chi hơn 924,9 triệu USD nhập rau quả các loại và trong 5 tháng đầu năm 2017, cả nước đã chi gần 500 triệu USD (tăng 79,1% so với cùng kỳ năm trước) để nhập khẩu rau quả. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu đang nỗ lực để đưa trái cây Việt Nam ra thị trường thế giới, thì kim ngạch nhập khẩu rau quả ngoại lại không ngừng gia tăng.

Trong bối cảnh này, không có cách nào khác là chúng ta phải tự cứu lấy mình, có sự coi trọng đúng mức sức tiêu thụ và vai trò thị trường nội địa trong việc tiêu thụ hàng Việt và phải chiếm lĩnh thị trường 90 triệu dân trong nước song song với việc đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài. Mặc dù được đánh giá là thị trường có tầm quan trọng lớn đối với ngành nông nghiệp, tuy nhiên hiện thị trường nội địa vẫn thiếu vắng các doanh nghiệp phân phối cũng như khó khăn về hạ tầng cơ sở đã làm yếu khả năng tiêu thụ nông sản. 

Nguyên nhân chính khiến nhiều mặt hàng nông sản ngoại nhập được ưa chuộng là do người tiêu dùng còn e ngại về chất lượng của sản phẩm trong nước. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu còn hạn chế khiến nhiều mặt hàng nông sản Việt chưa đến được với người tiêu dùng. Theo đánh giá, việc gia tăng nhanh của các mặt hàng nông sản ngoại nhập là xu thế tất yếu của quá trình hội nhập, giúp người tiêu dùng có thêm sự chọn lựa, và giúp nhà sản xuất nhận thấy được xu hướng tiêu dùng đang cần những sản phẩm như thế nào. Do vậy, để đứng vững trên sân nhà, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng, đồng thời từng doanh nghiệp, hợp tác xã phải tích cực hơn trong việc quảng bá, xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng dễ nhận diện và tin tưởng hơn vào hàng nội.



Sẽ có những chính sách thiết thực hơn của các cơ quan quản lý

Để chấm dứt tình trạng “bấp bênh” của nông sản trong giai đoạn hiện nay, một trong những vấn đề cần triển khai trước mắt là việc đẩy mạnh tăng cường tiêu thụ nông sản qua các hợp đồng liên kết, khép kín chuỗi liên kết trong nông nghiệp.



Tại châu Âu hiện có gần 290.000 hợp tác xã (HTX) với 140 triệu thành viên. Các sản phẩm thịt, sữa, rau quả sạch mang thương hiệu HTX nông nghiệp luôn có lợi thế và chiếm tới 70% thị phần sản phẩm thịt chế biến, hơn 60% thị phần các sản phẩm sữa, hơn 30% thị phần rượu nho ở Đức. Trong khi đó, Mỹ hiện có gần 50.000 HTX; trong đó có 3.500 HTX nông nghiệp đảm nhận gần 1/3 công việc thu hoạch, chế biến và tiêu thụ nông sản. Còn các HTX nông nghiệp Nhật Bản thu gom, bảo quản, dự trữ, tiêu thụ tới 90% lúa gạo và hơn 50% rau, hoa quả, sữa tươi… cho nông dân.

Riêng ở Việt Nam, chỉ có khoảng 9% các HTX cung cấp dịch vụ liên kết tiêu thụ nông sản “đầu ra” cho xã viên trong tổng số trên 10.000 HTX nông nghiệp (trong đó có hơn 9.300 là HTX dịch vụ nông nghiệp). Đây chính là một trong các nguyên nhân khiến tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng chỉ chiếm từ 3-15% tổng sản lượng tiêu thụ hàng năm, khiến khâu tiêu thụ nông sản cho nông dân thường xuyên bị động và thị trường đầu ra thiếu ổn định; kéo theo điệp khúc “được mùa rớt giá”, với nhiều hệ lụy tiêu cực cho người nông dân và xã hội.

Tăng cường tiêu thụ nông sản qua các hợp đồng liên kết, khép kín chuỗi liên kết trong nông nghiệp là khép lại quá khứ bấp bênh về giá cả và sản lượng của hàng loạt nông sản chủ lực và mở ra cách làm mới, tương lai mới tươi sáng hơn của hàng triệu nông dân Việt.

Theo thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- NN&PTNT), trong thời gian tới Cục sẽ linh hoạt điều chỉnh quy hoạch theo tín hiệu thị trường. Cục cũng đã đề xuất với nhà nước không cứng nhắc trong việc thực hiện phê duyệt quy hoạch. Khi tín hiệu thị trường tốt, phải  nhanh chóng tuyên truyền xuống địa phương, để địa phương biết và điều chỉnh quy hoạch. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh thông tin thị trường kịp thời, để địa phương xác định tăng hoặc giảm quy mô sản xuất, hướng dẫn nông dân phù hợp. Đồng thời, xác định trục sản phẩm chủ lực, vùng được quy hoạch, để các địa phương điều chỉnh lại sản xuất. Sản phẩm vùng là những sản phẩm nào, trồng ở đâu. Tiếp đến là quy hoạch các sản phẩm của tỉnh, địa phương, phục vụ nhu cầu nội địa hay xuất khẩu.

Ngoài ra, để chấm dứt điệp khúc giải cứu nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các địa phương cần phải quản lý, giám sát chặt chẽ quy hoạch sản xuất mà Bộ đã đề ra theo Đề án tái cơ cấu ngành. Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý quy hoạch. Tránh tình trạng, phá vỡ quy hoạch, không kiểm soát được.  Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Các lĩnh vực cần tổ chức theo mô hình hợp tác xã, từ đó điều phối được thị trường. Bởi người nông dân không đủ sức và không có thông tin thị trường. Thông qua các hợp tác xã này, người dân sẽ có được thông tin về thị trường cần gì, cần bao nhiêu, từ đó tổ chức sản xuất.

Hy vọng từ những vụ “giải cứu” nông sản trong những năm vừa qua, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ rút ra được những bài học bổ ích. Để không chỉ lợn, dưa hấu hay chuối, mà các loại nông sản khác cũng không còn rơi vào tình trạng liên tục phải nhờ các cấp chính quyền và toàn xã hội phải chung tay “giải cứu”.


tải về 0.8 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương