TỨ diệU ĐẾ NỀn tảng những lời phật dạY


Sự thật về sự chấm dứt của khổ đau



tải về 0.78 Mb.
trang24/25
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích0.78 Mb.
#19379
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   25

Sự thật về sự chấm dứt của khổ đau

Khi toàn bộ khổ đau đã được nhận diện và các nguyên nhân cần và đủ của nó đã được phát hiện, câu hỏi Phật giáo đưa ra là: Có thể nào vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau và cội nguồn của nó hay không? Nhiều nhà khoa học sẽ trả lời với sự khẳng định nhanh chóng: Khi bạn chết, tất cả các kinh nghiệm của bạn đều ngưng lại, vì ý thức tan biến mất. Nói cách khác, sự chấm dứt của khổ đau xảy ra do sự diệt mất cá nhân. Trong khi điều này thường được nâng lên thành quan điểm khoa học, thì từ góc nhìn của Phật giáo, tình trạng thiếu hiểu biết của thần kinh học hiện thời về nguồn gốc và bản chất của ý thức tạo ra độ tin cậy rất thấp đối với bất kì kết luận nào mà các nhà khoa học có thể rút ra về tác động lên ý thức của cái chết về mặt sinh học. [127]

Phật giáo Tây Tạng xác nhận rằng trong tiến trình của sự chết, các giác quan thông thường và năng lực nhận thức trở nên tiềm tàng. Kết quả cuối cùng của tiến trình này - khi tất cả năng lực tinh thần bình thường của chúng ta đã mất đi - không phải là sự đoạn diệt tâm thức, mà là sự hiển lộ của tâm thức rất vi tế mà từ đó tất cả các tiến trình tinh thần khởi nguồn. Theo Phật giáo Tây Tạng, sự hiện diện của tâm thức vi tế này không phụ thuộc vào não bộ, cũng không đòi hỏi sự mất đi của ý thức. Đúng hơn, kinh nghiệm của loại tâm thức này là kinh nghiệm của sự nhận biết trực tiếp và nguyên sơ, được xem như là nền tảng cấu thành của thế giới tự nhiên. Khi sự nối kết giữa tâm thức vi tế này và thân thể bị cắt đứt, cái chết xảy ra. Nhưng tâm thức này không biến mất. Ngược lại, từ nơi tâm thức này tạm thời khởi lên một “thân thể tinh thần” (thân trung ấm), tương tự như loại thân thể phi vật lý mà người ta có trong giấc mơ. Theo sau cái chết của một người là một chuỗi kinh nghiệm tương tự như trong giấc mơ, rồi sau đó “thân thể tinh thần” này cũng “chết đi”, và ngay khoảnh khắc tiếp theo đó thì đời sống kế tiếp bắt đầu, chẳng hạn như trong tử cung của người mẹ tương lai. Trong suốt thời gian phát triển bào thai, các giác quan và năng lực nhận thức khác nhau được phát triển dựa vào sự thành hình của cơ thể. Nhưng ý thức tinh thần được cho là đã có mặt từ thời điểm thụ thai.

Những gì là nền tảng kinh nghiệm của lý thuyết luân hồi vừa được trình bày sơ lược trên? Nhiều thiền giả Tây Tạng bậc cao nói rằng họ có thể nhớ lại được các sự kiện trong lần chết trước đây của họ, những kinh nghiệm tương tự như trong giấc mơ theo sau đó, và tiến trình của sự thọ sinh. Trong nhiều trường hợp, họ cũng nhớ lại được các sự kiện chi tiết từ những kiếp sống quá khứ; vì theo thuyết này thì các kí ức được lưu giữ trong dòng tương tục của tâm thức được mang theo từ kiếp này sang kiếp khác. Những người không tu tập thiền định cũng có thể có khả năng nhớ lại các tiền kiếp của họ, như trong thí dụ đức Dalai Lama đã đưa ra về hai cô gái ở Ấn Độ nói rằng họ nhớ lại được tên của những người họ quen biết trong kiếp trước. Tuy nhiên, theo Phật giáo thì hầu hết người ta không thể nhớ được tiền kiếp của họ, vì các kinh nghiệm đó bị che khuất bởi các kinh nghiệm gần hơn của đời sống hiện tại, cũng giống như hầu hết những người lớn chỉ nhớ được rất ít về thời thơ ấu của chính đời sống này.

Trong hội nghị này, sự khó khăn của các nhà khoa học trong việc nhận hiểu khái niệm tâm thức vi tế của Phật giáo có vẻ như thật kỳ lạ, bởi vì ý niệm về các hiện tượng vật lý vi tế là phổ biến trong khoa học. Chẳng hạn, trường điện từ của một đơn điện tử là một hiện tượng vi tế, chỉ có thể được nhận biết bởi các thiết bị rất tinh vi. Cũng vậy, ánh sáng từ các thiên hà cách xa hàng tỉ năm ánh sáng là rất vi tế và chỉ có thể được phát hiện bởi các kính viễn vọng rất mạnh và tinh vi. Tương tự, Phật giáo thừa nhận sự tồn tại của các trạng thái vi tế của sự nhận biết và các sự kiện tinh thần mà chỉ có thể được phát hiện với sự chú tâm nhạy cảm, tập trung bền vững. Ý thức thông thường quá thô thiển và không ổn định nên không thể nhận ra các hiện tượng như thế, nhưng Phật giáo đã phát minh ra rất nhiều phương thức rèn luyện sự định tâm - mà khoa học hiện đại không biết tới - để tâm thức có thể nhận biết chắc chắn các hiện tượng tinh thần và vật lý ngày càng vi tế hơn.[128]  Trong khi các trạng thái vi tế của sự nhận biết chỉ có thể được nhận ra bởi sự nhận biết rất tinh tế, thì ngay cả các trạng thái tinh thần thô thiển nhất, chẳng hạn như sự giận dữ (có thể được nhận biết chắc chắn một cách trực tiếp bởi một tâm thức bình thường không tu tập) thì vẫn không thể phát hiện trực tiếp bởi các thiết bị vật lý của thần kinh học hiện đại: họ chỉ phát hiện được các tương quan thần kinh tâm lý của những trạng thái tinh thần như thế và các biểu hiện vật lý khác có liên hệ. Do đó, mọi trạng thái của ý thức có thể xem là quá vi tế đến mức thần kinh học hiện đại không thể phát hiện.

Trong khi ở Tây phương niềm tin vào kiếp sau hay sự tương tục của tâm thức sau khi chết thường chỉ được xem như một cách hành xử lạc quan của niềm tin, thì Phật giáo trái lại cho rằng niềm tin vào sự chấm dứt một cách tự động và vĩnh viễn của khổ đau ở thời điểm chết do sự biến mất của ý thức chỉ là một cách hành xử lạc quan của niềm tin mà không có các cơ sở thực nghiệm hay lập luận thuyết phục nào để hỗ trợ. Phật giáo quả thật có nói rằng khổ đau cùng với nguồn gốc của nó có thể diệt trừ tận gốc một cách vĩnh viễn, nhưng điều này đòi hỏi một sự tinh luyện khéo léo và lâu bền của tâm thức và sự diệt trừ nguyên nhân căn bản của khổ đau - cụ thể là vô minh và ảo tưởng - thông qua việc nuôi dưỡng tuệ giác thiền định và tri thức. Những phương thức để phát triển một tuệ giác như thế được trình bày trong con đường hướng đến sự giải thoát của Phật giáo.



Sự thật về con đường diệt khổ

Theo Phật giáo Tây Tạng, gốc rễ nền tảng của khổ đau là một loại vô minh có tính bẩm sinh về bản chất cá tính của chính mình, ý thức của chính mình, và thế giới mà mình nhận thức. Truyền thống này xác nhận rằng tất cả mọi người đều sinh ra với những sự vô minh này, trừ những người đã được giác ngộ ở bậc cao. Nhưng sự vô minh này có thể bị suy yếu đi và thậm chí là bị loại bỏ hoàn toàn. Một cách cụ thể, do ảnh hưởng của sự vô minh bẩm sinh như vậy, ta bám chấp vào tính nhị nguyên tuyệt đối của ta và người khác, và điều này lại dẫn tới sự cụ thể hóa tất cả kiểu loại hiện tượng tinh thần và vật lý, cũng như là sự phân chia của chính hai phạm trù tinh thần và vật chất. Theo quan điểm Trung quán, loại vô minh như thế bị đối trị bởi việc nhận biết rõ cách thức mà tất cả các hiện tượng, kể cả bản ngã, tồn tại như là các sự kiện có quan hệ một cách phụ thuộc lẫn nhau như đã mô tả trước đây trong luận văn này.

Cùng với sự vô minh bẩm sinh như thế, con người còn là đối tượng của một loại khổ não tinh thần thứ hai được biết như là vô minh ức đoán. Không ai sinh ra sẵn có loại vô minh này, nó thực ra được tiếp nhận thông qua sự truyền bá và ức đoán sai lầm. Phật giáo luôn cho rằng do kết quả của việc tiếp nhận các giả định ức đoán không có căn cứ, ta có thể trở nên nhầm lẫn nhiều hơn so với khi không nhận được bất kì sự giáo dục chính thức nào.

Vì vậy, nhiệm vụ đúng đắn của việc rèn luyện trong Phật giáo là không truyền thụ cho người ta những giáo điều định sẵn hay một loạt các nguyên lý triết học. Thay vì vậy, phải khích lệ người ta tự mình khảo sát và kiểm định các giả thiết được ấp ủ lâu nhất về bản chất của thực tại. Bằng cách liên tục kiểm tra lại các giả định của chúng ta qua sự khảo sát khắt khe bằng phương pháp quan sát cẩn thận và lập luận rõ ràng, ta tự tạo ra khả năng khám phá và xóa bỏ sự nhầm lẫn do ức đoán của chính mình. Một khi sự nhầm lẫn này được quét sạch, ta sẽ đạt đến một mức độ có hiệu quả hơn nhiều trong việc nhận biết và chế ngự phần vô minh bẩm sinh tiềm ẩn  cùng với những đau khổ tinh thần do nó gây ra. Trong đạo Phật, sự lành mạnh tinh thần và mức độ trưởng thành tâm linh có thể được đo lường trong mối quan hệ trực tiếp với sự thành công của một người trong việc chế ngự hai loại khổ não tinh thần này.

Trong khi lưu tâm đến sự phân loại hai lớp vô minh như thế, ta hãy khảo sát những điểm chung giữa Phật giáo và khoa học hiện đại như là 2 phương pháp khác hẳn nhau trong việc đối mặt với thực tại. Một bên sử dụng những phương thức gắn liền với một hệ thống tư tưởng và bên kia thì bằng cách theo đuổi các nghiên cứu khoa học. Nhà nhân chủng học xuất sắc Clifford Geertz  [129]nhận xét về vấn đề này: “Khoa học đặt tên cấu trúc của các trạng thái theo cách sao cho khuynh hướng hàm ý đối với chúng là vô tư... Nhưng hệ tư tưởng đặt tên cấu trúc của các trạng thái theo cách sao cho khuynh hướng hàm ý đối với chúng là sự tin tưởng.”. Geertz đề cập tới lòng tin tôn giáo như là một mô thức kiểu mẫu của hệ tư tưởng, và ông lưu ý rằng điều này có liên quan tới sự thừa nhận trước một quyền lực chuyển hóa kinh nghiệm. Một cách ngắn gọn, đối với bất cứ hệ tư tưởng nào, ai muốn hiểu biết thì trước hết phải có lòng tin.

Khó khăn của việc tiếp thu một hệ tư tưởng phát sinh khi có sự khác biệt giữa những gì được tin tưởng với những gì có thể được xác nhận bởi chứng cứ thuyết phục. Nhưng cái gì cấu thành chứng cứ thuyết phục và nó được dành cho ai? Các nhà khoa học tin vào chủ nghĩa duy vật thì hết sức hoài nghi đối với bất kì chứng cứ nào không phù hợp với quan điểm đó. Như Allan Hobson nhận xét, tâm tư của họ phải cởi mở đối với các chứng cứ như thế, nhưng sự cởi mở đó còn rất hẹp hòi. Mặt khác, các nhà Phật học Tây Tạng là những người tin vào thuyết luân hồi thì lại hết sức hoài nghi các khẳng định của khoa học thần kinh rằng tâm thức chỉ hoàn toàn là một hiện tượng phụ hay chức năng của bộ não. Do đó, với cùng một chứng cứ của khoa học thần kinh được đưa ra, các nhà vật lý thấy đó là chứng cứ thuyết phục để bác bỏ sự tồn tại phi vật lý của tâm thức, trong khi các nhà Phật học Tây Tạng theo truyền thống và những người khác không theo chủ nghĩa duy vật thì không thấy như vậy.

Hầu hết các nhà khoa học hẳn phải thừa nhận họ không thật biết rằng ý thức không phải là gì khác hơn một chức năng của não; và tôi tin rằng hầu hết các nhà Phật học hẳn cũng thừa nhận họ không thật biết rằng ý thức là một cái gì đó nhiều hơn là một chức năng của não. Và sự thuyết phục diễn ra rất mạnh ở cả hai phía, cho thấy rằng hai bên tin theo các hệ tư tưởng rất khác biệt nhau. Nếu điều này đúng, thì các nhà khoa học cũng như các nhà Phật học đều như nhau, cùng có khuynh hướng nghiêng về các hệ tư tưởng - theo cách nói của Robert Livingston [130] là “các giả định ức đoán”. Trong khi lịch sử khoa học phần lớn là việc tự sửa chữa các giả định ức đoán sai lầm, thì như Robert Livingston chỉ ra, Phật giáo cũng đặt ưu tiên cao cho việc xóa bỏ các vô minh như thế để có thể loại trừ vô minh bẩm sinh ẩn sâu hơn nơi cội nguồn của đau khổ.

Có lẽ để khảo sát điểm chung này mà đức Dalai Lama đã dẫn ra sự phân chia ba loại hiện tượng theo Phật giáo. Loại thứ nhất bao gồm các hiện tượng có thể trực tiếp nhận hiểu hay chứng minh bằng thực nghiệm. Loại thứ hai là các hiện tượng được biết qua suy luận hợp lý, nhưng không trực tiếp. Loại thứ ba bao gồm những hiện tượng được chấp nhận hoàn toàn dựa trên sự xác nhận hay uy tín của một người khác. Ngài cũng bổ sung ngay rằng đây không phải là các phẩm chất vốn có của các loại hiện tượng khác nhau; mà là tùy thuộc vào sự giới hạn kiến thức của chính chúng ta. Một sự kiện được một người biết đến hoàn toàn dựa trên sự xác nhận của người khác (loại thứ ba), nhưng có thể được một người thứ hai biết đến qua suy luận (loại thứ nhì); và cùng một sự kiện đó lại có thể được một người thứ ba nhận biết trực tiếp (loại thứ nhất). Mọi người đã đồng ý rằng nhiệm vụ của khoa học là giảm thiểu số lượng các hiện tượng thuộc loại thứ ba, và cố gắng hết sức để chuyển đổi tối đa các hiện tượng thuộc loại thứ nhì sang loại thứ nhất. Điều này thật ra cũng là mục tiêu của đạo Phật.

Bởi vì Phật giáo được phần lớn Tây phương xem như chỉ đơn thuần là một tôn giáo, nên nền học thuật của đạo Phật vẫn được nhiều người xem như là một hệ thống tư tưởng, ngược lại với kiến thức khoa học. Quả thật, nhiều nhà Phật học tiếp nhận một cách không phê phán các giáo lý trong tín ngưỡng của họ như là một giáo điều, mà không hề đưa ra phân tích bằng lý lẽ hay thực nghiệm. Các hệ thống tư tưởng thường không dựa trên kinh nghiệm trực tiếp hay sự phân tích hợp lý và thuyết phục, mà là dựa trên sự chứng nhận của một người khác, chẳng hạn như đức Phật, người được xem là có đủ uy tín. Nếu những lời dạy của đức Phật không được chấp nhận như là đáng tin cậy, thì nền tảng của hệ tư tưởng này sẽ hoàn toàn tan biến. Cho dù nhiều Phật tử quả là có chấp nhận giáo lý nhà Phật theo cách này, nhưng đức Phật từng răn dạy các đệ tử tin theo Ngài rằng: “Các tỳ-kheo! Cũng như người khôn ngoan chỉ chấp nhận vàng sau khi đã thử nghiệm bằng cách nung nóng, cắt gọt, và nén dập nó, những lời của ta cũng vậy, chỉ được chấp nhận sau khi đã kiểm tra chúng, chứ không phải do sự tôn kính (đối với ta).” [131] Do đó, sự tin tưởng không tra xét vào một hệ tư tưởng chẳng những là không cần thiết trong Phật giáo, mà còn bị quở trách rõ ràng bởi chính đức Phật!

Trong khi tri thức khoa học thường được xem như tương đồng với các khám phá thực nghiệm, với việc liên tục giảm thiểu sự phụ thuộc vào suy đoán hay sự xác nhận của người khác, thì tôi tin rằng ngay cả chỉ với một sự kiểm tra lướt qua về lịch sử khoa học cũng đủ để chứng minh rằng quan điểm so sánh này không hề chính xác. Với sự chuyên môn hóa đồ sộ trong các ngành khoa học và khối lượng khổng lồ các nghiên cứu đã từng thực hiện xuyên suốt lịch sử và trên toàn thế giới ngày nay thì không một ai có thể hy vọng xác nhận được bằng thực nghiệm các khám phá của những người khác trong cộng đồng khoa học. Hơn thế nữa, nghiên cứu khoa học thực nghiệm tin cậy vào các công cụ tinh vi của công nghệ, nhưng ít có khoa học gia nào đủ thì giờ hay có ý muốn kiểm tra kĩ thuật của mọi công cụ mà họ sử dụng. Để tri thức khoa học có thể tiến triển, các nhà khoa học ngày càng buộc phải tin cậy nhiều hơn vào các xác nhận của những đồng nghiệp khoa học và công nghệ trong quá khứ cũng như hiện tại. Trong hầu hết các trường hợp, tôi tin rằng sự tin cậy đó là cần thiết, nhưng  nói chung thì như vậy quả thật là tin cậy vào uy tín của người khác chứ không phải các quan sát của chính mình hay các lập luận chặt chẽ. Vì điều này là đúng trong giới khoa học, nên nó còn hoàn toàn đúng hơn đối với cả cộng đồng xã hội, vốn là nguồn tài trợ cho nghiên cứu khoa học - người ta xem các nhà khoa học như là những người có uy tín trong lãnh vực tương ứng của họ và chấp nhận những lời nói của họ trên cơ sở sự tin cậy đó. Sự tin cậy này được bảo đảm bởi lòng tin rằng, nếu một người đã được tham gia sự đào tạo khoa học cần thiết và tự mình tiến hành một loại nghiên cứu cụ thể nào đó, thì về nguyên tắc người đó hẳn có thể thẩm tra kết quả nghiên cứu của những người khác một cách thực nghiệm, hay ít nhất cũng bằng sự phân tích hợp lý.  Các thiền giả Phật giáo cũng có cùng một sự tin cậy như thế khi tiếp nhận sự giáo huấn chính thức trong Phật giáo và cố gắng tự mình chứng nghiệm các khám phá có mục đích của chính đức Phật về bản chất của khổ đau, nguồn gốc của khổ đau, sự chấm dứt của khổ đau, và con đường đi đến sự chấm dứt đó.

Sự thẩm tra của người Phật tử đối với ba loại hiện tượng trên được tiến hành bằng vào bốn nguyên lý lập luận [132] mà đức Dalai Lama chỉ nêu ra một cách vắn tắt trong cuộc hội nghị này.[133]  Để mở rộng một cách tinh giản những lời giảng của Ngài ở đây, có thể hiểu là nguyên lý phụ thuộc chỉ cho sự phụ thuộc của các hiện tượng kết hợp vào các nguyên nhân của chúng, chẳng hạn như sự phụ thuộc của nhãn thức vào thần kinh thị giác. Nguyên lý này cũng gắn liền với sự phụ thuộc của bất kỳ loại hiện tượng nào vào chính các thành phần và thuộc tính của nó, hoặc phụ thuộc vào các thực thể khác, như trong sự tương thuộc giữa “lên” với “xuống”, giữa “cha mẹ” với “con cái”. Nguyên lý về năng lực gắn liền với hiệu quả nguyên nhân của một hiện tượng cụ thể, chẳng hạn như khả năng của một hạt bắp tạo ra một thân cây bắp. Nguyên lý chứng minh hợp lý bao gồm ba phương thức để người ta xác nhận sự tồn tại của bất kì điều gì - đó là: trực tiếp nhận thức, suy đoán chắc chắn, và tri thức dựa vào sự xác nhận. Ba phương thức này tương ứng với sự phân chia ba loại hiện tượng về mặt nhận thức như đã nói trên, và rõ ràng là không phải là về mặt bản thể. Nguyên lý về bản chất chỉ đến bản chất của các hiện tượng tồn tại trong các đặc tính riêng và chung của chúng. Chẳng hạn, một đặc tính riêng của nhiệt là độ nóng và một trong các đặc tính chung của nó là vô thường. Để minh họa cho nguyên lý này, Đức Dalai Lama nêu ra sự thật rằng cơ thể là sự kết hợp của các hạt tử vật chất và sự thật là ý thức hoàn toàn thuộc về bản chất của sự sáng tỏ và nhận biết. Những sự kiện này hoàn toàn phải được chấp nhận vì ý nghĩa hiển nhiên: chúng không được giải thích bởi sự khảo sát các nguyên nhân của cơ thể và tâm thức hay hiệu quả nguyên nhân của riêng chúng.

Hãy áp dụng bốn nguyên lý này vào sự hiểu biết duy vật về ý thức. Theo quan điểm này, ý thức chỉ đơn thuần là một điều kiện tự nhiên của não bộ đã hoạt hóa, rất giống như hơi nóng là một điều kiện tự nhiên của lửa (nguyên lý về bản chất) Như thế, ý thức tan biến ngay khi não không còn hoạt động (nguyên lý phụ thuộc), và nó không có hiệu lực nguyên nhân nào của riêng nó, ngoại trừ não bộ (nguyên lý về năng lực). Các kết luận này dựa trên những quan sát trực tiếp của các nhà thần kinh học khi khảo sát về các mối tương quan giữa tâm thức và não bộ; chúng được suy đoán ra bởi các nhà triết học hiểu biết về các tương quan như thế; và chúng được chấp nhận như một sự thật bởi nhiều người thừa nhận chủ nghĩa duy vật khoa học mà không tự biết được các sự kiện thực nghiệm hay các lý lẽ lô-gíc làm nền tảng cho nó (nguyên lý về chứng minh hợp lý).

Ngược lại, theo quan điểm Phật học thì ý thức hoàn toàn thuộc về bản chất sáng tỏ và nhận biết, rất giống như lửa thuộc về bản chất của nhiệt (nguyên lý về bản chất). Các trạng thái cụ thể của ý thức khởi lên trong sự phụ thuộc vào các giác quan, [134] các đối tượng của sự cảm thụ,[135]  và các trạng thái phi vật lý trước đó của ý thức (nguyên lý phụ thuộc); và rồi các trạng thái ý thức này lại ảnh hưởng đến những trạng thái tinh thần và vật lý tiếp theo sau, gồm cả các ảnh hưởng gián tiếp lên thế giới vật chất bên ngoài (nguyên lý về năng lực). Các kết luận này được thừa nhận là dựa trên quan sát trực tiếp của các thiền giả, những người đã thâm nhập và nhận hiểu một cách thấu đáo về bản chất của ý thức; chúng được suy đoán ra bởi các nhà triết học dựa trên cơ sở kinh nghiệm của người khác; và chúng được chấp nhận như một sự thật bởi nhiều Phật tử tin nhận Phật học mà không tự biết được các sự kiện thực nghiệm hay các lý lẽ lô-gíc làm nền tảng cho nó (nguyên lý về chứng minh hợp lý).

Trong việc đánh giá hai cách hiểu về ý thức hoàn toàn khác nhau này, câu hỏi trọng tâm nảy sinh là: Những người nào được cho là đáng tin cậy trong vấn đề ý thức, dựa trên tri kiến trực tiếp riêng biệt của họ? Những người Tây phương hiện đại có thể hết sức hoài nghi bất kì ai tự cho mình là người đáng tin cậy mà không phải là một nhà thần kinh học tài ba. Ngược lại, các Phật tử Tây Tạng truyền thống cũng có thể hoài nghi tương tự đối với bất kì ai tự cho mình là đáng tin cậy trong vấn đề ý thức mà chưa đạt được các mức độ thiền định bậc cao để qua đó tự quay vào quán xét bản chất của tâm thức. Người ta phải dựa vào những tiêu chuẩn nào để đánh giá ai là người đáng tin cậy, và ai có thể đưa ra một sự xác nhận đáng tin cậy? Nói cách khác, những quan sát trực tiếp của ai được cho là đáng tin cậy? Tôi rất ngờ rằng những giải đáp cho các câu hỏi trên phải hướng tới vai trò của hệ tư tưởng, và có lẽ sự thật hóa ra lại là: những ai muốn hiểu biết - dù là thông qua sự suy đoán hoặc dựa trên sự xác nhận đáng tin cậy - thì trước hết phải có lòng tin. Những câu hỏi này chắc chắn là rất đáng để được khảo sát chi tiết hơn nhiều, đặc biệt là trong khuôn khổ của cuộc đối thoại giao lưu văn hóa như thế này. 

Trước khi kết thúc, tôi muốn nêu lên một vấn đề cuối cùng, vốn là trọng tâm của Phật giáo và cũng với chính đức Dalai Lama, đó là lòng từ bi. Như đức Dalai Lama đã nhiều lần nhận xét, các lý thuyết triết học và tôn giáo đổi khác từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, và các lý thuyết khoa học phải thay đổi theo thời gian, nhưng tầm quan trọng của yêu thương và từ bi thì lại không thay đổi trong suốt lịch sử con người. Con đường đi đến giải thoát và thức tỉnh tâm linh của Phật giáo Tây Tạng cũng thế, luôn nhấn mạnh như nhau vào việc nuôi dưỡng tuệ giác và từ bi. Trong thực tế, tri kiến chứng nghiệm hướng đến trong đạo Phật được cho là để hỗ trợ và nâng cao lòng từ bi của con người, và bất cứ quan điểm nào làm suy giảm lòng từ bi đều được xem là hết sức đáng ngờ.

Có lẽ là nghĩ đến điều này nên trong hội nghị đức Dalai Lama đã hỏi những người tham dự Tây phương - những người luôn quả quyết về sự đồng nhất giữa tâm thức (và hàm ý một con người) với não bộ - rằng họ có thể cảm thấy xúc động với một bộ não hay không? Phản ứng chung trong các nhà thần kinh học có lẽ được biểu lộ rõ nhất bởi Antonio Damasio: “Điều mà tôi có thể cảm thấy xúc động phải là một cá nhân cụ thể, một người mà tôi quen biết... Tôi không thấy xúc động chút nào [với các bộ não]”. Lewis Judd đã phát biểu trong một kiểu cách tương tự: “Người y sĩ cống hiến tri thức và kĩ năng của mình vì lợi ích của bệnh nhân như là một tổng thể, một con người, không phải vì một bộ phận riêng rẻ hay một cơ quan nào đó... Bệnh nhân không phải chỉ là một lá gan hay bộ não có bệnh, hay bất kỳ cơ quan nào... Bệnh nhân là một con người kết hợp trọn vẹn. ”Nhưng “cá nhân cụ thể” hay “con người trọn vẹn” này phải tìm thấy ở đâu? Theo chủ nghĩa duy vật, liệu đây có phải là gì khác hơn một ảo giác không có cơ sở? Và trong trường hợp nào thì hệ tư tưởng này không làm suy giảm nghiêm trọng lòng yêu thương và từ bi?

Theo quan điểm Trung quán, một người không thể được xác định với chỉ riêng phần tâm thức hay não bộ, hay phần còn lại của thân thể. Nhưng không có cá nhân nào có thể được tìm thấy qua sự phân tích bên ngoài thân thể cũng như tâm thức. Không có “cái tôi”, hay tự ngã nào có thể được tìm thấy dưới sự khảo sát kĩ lưỡng theo kiểu bản thể học như thế, vậy nên những người theo Trung quán tông kết luận, cũng giống như nhiều nhà thần kinh học ngày nay, rằng bản ngã không tồn tại một cách khách quan hay vốn có, không liên quan đến sự định danh theo khái niệm. Tuy nhiên, những người theo Trung quán tông cũng thêm rằng, trong khi không có ai trong chúng ta tồn tại như những thực thể độc lập, thì chúng ta quả thật có tồn tại trong mối tương quan qua lại với nhau. Do đó, ta không tồn tại trong sự cách biệt xa lạ với các chúng sinh hữu tình khác và với môi trường quanh ta; thay vì vậy, chúng ta tồn tại trong sự phụ thuộc sâu sắc lẫn nhau, và nhận thức này được cho là tạo ra được cảm xúc thương yêu và từ bi sâu sắc hơn nhiều so với cảm xúc gắn liền với ý thức vật thể hóa về sự riêng biệt và tự tồn của mỗi cá nhân chúng ta.

Dù có bất cứ sự hiểu biết mới mẻ nào có thể nảy sinh từ sự cộng các giữa các nhà Phật học và thần kinh học, tôi hy vọng là những hiểu biết ấy có thể dẫn dắt chúng ta trở nên những con người ngày càng tử tế, giàu tình cảm và biết cảm thông hơn. Tôi xin kết thúc luận văn này bằng chính những lời kết luận của đức Dalai Lama: “Cho dù lòng từ bi có tồn tại độc lập trong bản ngã hay không, tôi nghĩ rằng trong đời sống hằng ngày, chắc chắn lòng từ bi vẫn là nền tảng cho niềm hy vọng, là nguồn gốc và sự bảo đảm cho tương lai con người.”



Tài liệu đọc thêm

• The World of Tibetan Buddhism, The Dalai Lama, (bản dịch Anh ngữ của Thubten Jinpa), Wisdom, Boston, 1995


• The Meaning of Life from a Buddhist Perspective, The Dalai Lama, (Jeffrey Hopkins biên tập và dịch sang Anh ngữ), Wisdom, 1992
• Gentle Bridges – Conversation with the Dalai Lama on the Science of the Mind, (Jeremy Hayward vaø Francisco J Varela biên tập), Shambhala, USA, 1992
• Cutting Through Appearances: Practice and Theory of Tibetan Buddhism, (Geshe Lhundup Sopa and Jeffrey Hopkins biên tập), Snow Lion, New York, 1989
• Myriad World, Jamgön Kongtrul, Snow Lion, 1995
• Pure Appearance: Development and Completion Stages in Vajrayana Practice, H. H. Dilgo Khyentse Rinpoche, Snow Lion, 1996

Thuật ngữ

Abhidharma: A-tì-đạt-ma hay Vi diệu pháp


Abhidharmakosha: At-tì-đạt-ma Câu-xá luận, của ngài Vasubandhu. Bản dịch Anh ngữ (dịch lại từ bản dịch tiếng Pháp) của Leo M. Pruden, Abhidharmakoshabhashyam, Berkeley, California, Asian Humanities Press, 1991.
Abhidharmasamuchchaya: Đại thừa A-tì-đạt-ma tập luận, của ngài Asanga. Bản dịch Pháp ngữ của Walpola Rahula, Le Compendium de la Super-Doctrine (Philosophie d” Asanga), Paris, Ecole Française d”Extrême-Orient, 1971. Tên Anh ngữ là Compendium of Knowledge. 
Anatman: Vô ngã.
Arha: A-la-hán. Trở thành A-la-hán là mục tiêu cuối của Shravakayna (Thanh văn). Một dạng Niết-bàn, vượt qua tái sinh nhưng chưa đạt Phật quả.
Arya: thánh.
Aryadeva: Thánh Đề-bà (Thánh Thiên) Học trò của ngài Nagarjuna và tác giả của nhiều bộ luận giải quan trọng. 
Asanga Vô Trước. Đại sư vĩ đại người Ấn (vào khoảng thế kỉ thứ 4), anh em cùng mẹ với Vasubandhu (Thế Thân), người đã soạn ra nhiều trước tác quan trọng của Đại thừa, được ban truyền từ đức Di-lặc Bồ Tát. Ngài đặc biệt được xem là người đề xướng Duy Thức Tông. 
Asura A-tu-la, giới thần
Atman Hữu ngã. 
Avidya Vô minh. 
Bhavaviveka Phân Biệt Minh Bồ Tát. Có khi viết là Bhavya, một hình ảnh quan trọng trong trường phái Svatantrika-Madhymaka. 
Bodhi Bồ-đề, giác trí, giác ngộ. Sự gạn lọc tinh tế khỏi mê mờ và liễu ngộ được mọi phẩm chất (của thực tại). 
Bodhicharyavatara Đại giác nhập môn hay Nhập Bồ-đề hành luận. Tác phẩm của ngài Shantideva. Các bản dịch Anh ngữ bao gồm A Guide to Bodhisattva's Way of Life của Stephen Batchelor, Dharamsala, Library of Tibetan Works and Archieve, 1979; và The Way of Bodhisattva, của Padmakara Translation Group, Shambhala, Boston, 1997. 
Bodhichitta Bồ-đề tâm. 
Bodhisattva Bồ Tát. Người quyết định đưa mọi chúng sinh đến liễu ngộ và là người thực hành Bồ Tát đạo của Đại thừa.
Buddhapalita Phật Hộ. Đại sư Ấn Độ sống vào thế kỉ 4, người sáng lập Prasangika-Madhyamaka. 
Chandrakirti Nguyệt Xứng. Vào khoảng thế kỉ 3 - 4, đại sư vĩ đại nhất của trường phái Prasangika-Madhymaka. 
Chantideva Tịch Thiên. 
Chatuhshatakashastrakarika Trung Đạo tứ bách kệ tụng, tác phẩm của ?ryadeva. Các bản dịch Anh ngữ của K. Lang, ?ryadeva's Chatuhshataka: On the Bodhisattva's Cultivation of Merit and Knowledge, Indiske Studier, Vol. VII, Copenhagen, Akademish Forlag, 1986; và Geshe Sonam Rinchen và Ruth Sonam, Yogic, Deeds of Bodhisattvas: Gyelstap on ?ryadeva's Four Hundred, Ithaca, Snow Lion, 1994. 
Chittamatra Duy thức tông, trường phái Duy tâm. 
Dasabhumika Sutra Thập Địa kinh
Dharmakirti Pháp Xứng. Đại sư Phật giáo nổi tiếng trong thế kỉ 7. 
Duhkha đau khổ. 
Gelug Hoàng mạo phái hay Cách-lỗ phái
Kalachakra Thời luân, hay Bánh xe thời gian. 
Karma nghiệp. 
Karuna từ bi, từ ái, bác ái, từ tâm, nhân từ. 
Klesha ý tưởng và xúc cảm ưu phiền, phiền não. 
Madhyamaka Trung quán. Viết theo ý nghĩa là “trung đạo”, trường phái triết học Phật giáo cao nhất trong bốn trường phái chính. Đầu tiên được diễn giải bởi Nagarjuna và được xem là cơ sở của Kim cương thừa. Trung đạo nghĩa là không chấp giữ theo các quan điểm cực đoan, đặc biệt là các chủ nghĩa thường hằng và chủ nghĩa hư vô. 
Mahayana Đại thừa, nghĩa là “cổ xe lớn”, phương tiện của các Bồ Tát. Điều đó là vĩ đại vì mục tiêu của Đại thừa là toàn giác (Phật quả), vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
Mahayana-uttaratantrashastra Đại thừa tối thượng luận, Cứu cánh nhất thừa bảo tính luận. Bài luận này được quy cho là của ngài Maitreya (Di-lặc). Bản dịch Anh ngữ từ tiếng Phạn của E. Obermiller, Sublime Science of the Great Vehicle to Salvation in Acta Orientalia 9 (1931), trang 81 - 306; và Takasaki, A Study on the Ratnagotravibhaga, Rome, ISMEO, 1966. Bản dịch Anh ngữ từ tiếng Tây Tạng của Ken và Katia Holmes: The changeless Nature, Dumfriesshire, Karma Drubgyud Darjay Ling, 1985. Tên Anh ngữ: Supreme Continuum of Mahayana. 
Maitreya Di-lặc. Vị Phật tương lai, vị Phật thứ 5 xuất hiện trong vũ trụ hiện tại.
Majjhima Nikaya Trung A Hàm (Trung Bộ Kinh). 
Mandala Mạn-đà-la. Vũ trụ với cung điện của một vị thánh ở trung tâm, được mô tả như là sự hình tượng hóa trong thực hành Mật tông. 
Manjushri Văn-thù-sư-lợi. 
Mantra chú, mật chú, thần chú. Biểu thị của giác ngộ tối cao trong dạng âm thanh. Các âm tiết được dùng trong các thực hành hình tượng hóa để cầu khẩn các vị thánh trí huệ. 
Meru Núi Tu-di. 
Moksa Mộc-xoa; giải thoát. Tự do khỏi luân hồi, đạt quả vị A-la-hán hoặc quả vị Phật.
Mulamahyamakakarika Căn bản Trung quán luận tụng, Trung quán luận. Dịch phẩm của Nagarjuna. Bản dịch Anh ngữ của F. Streng, Emptiness: A Study in Religious Meaning, Nashville and New York, Abingdon Press, 1967. Xem thêm K. Inada, Nagarjuna: A Translataion of his Mulamadhyamaka, Tokyo, Hokuseido, 1970. 
Mulamahyamakavrttiprasannapada Trung quán minh cú luận. Một luận giải của Chandrakirti về Mulamahyamakarika của ngài Nagarjuna. Bản dịch Anh ngữ của một số chương có trong M. Sprung, “Lucid Exposition of the Middle Way”. Tên Anh ngữ: Clear Words. 
Nagarjuna Long Thọ Bồ Tát. Đại sư người Ấn của thế kỉ 1 - 2, là người diễn giải giáo lý Trung quán, và soạn thảo nhiều luận giải triết học.
Nirodha diệt, Diệt đế, trạng thái chấm dứt khổ.
Nirvana Niết-bàn. 
Paramarthasatya Chân đế. 
prajna Bát-nhã, tuệ, huệ, trí huệ. 
Pramanavarttika Xem Pramanavarttikakarika. 
Pramanavarttikakarika Chú giải tập lượng luận, Lượng thích luận. Tác phẩm của ngài Dharmakirti. Tên Anh ngữ: Commentary on the Compendium of Valid Cognition. Xem thêm Dreyfus, Georges B. J. Recognizing Reality: Dharmakirti's Philosophy and Its Tibetan Interpretations. Albany: State University of New York Press, 1997. 
Prasangika Trường phái Cụ duyên. 
Prasannapada Minh cú luận. Xem ở tên đầy đủ là Mulamahyamakavrttiprasannapada. 
Pratimoksha Giới luật. 
Pratiyasamutpada Duyên khởi, có nguồn gốc phụ thuộc.
Pretas ngạ quỷ 
Samadhi định. 
Samsara luân hồi. Chu trình của sự sống chưa giác ngộ trong đó chúng sinh bị luân chuyển không kết thúc bởi các xúc cảm tiêu cực và nghiệp từ trạng thái tái sinh này sang trạng thái khác. Cội rễ của luân hồi là vô minh. 
Samvaharasatya Tục đế. 
Samyutta Nikaya kinh Tạp A Hàm
Sarvastivadin Nhất thiết hữu bộ. 
Sautrantika Kinh lượng bộ.
Shamatha tĩnh lặng. “Bình thản trường cửu”. Thực hành thiền của việc làm cho tâm thức bình thản để tuần tự thanh thản, hoàn toàn thoát khỏi các nhiễu loạn của ý tưởng. 
Shantideva Tịch Thiên. Nhà thơ và là đại sư vĩ đại của thế kỉ 7. 
Shariputra Xá-lợi-phất. 
Shila giới
Shravaka Thinh văn. Người theo cổ xe gốc của Phật giáo (Thinh văn thừa) với mục đích đạt được giải thoát khỏi đau khổ của luân hồi, tức là một vị A-la-hán. Không như các Bồ Tát, các Thinh văn không mong cầu đạt được giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh mà hướng đến sự giải thoát tự thân là chính. 
Shravakayana Thinh văn thừa. Cổ xe của nhừng người lắng nghe trên cơ sở các giáo huấn về Tứ diệu đế.
Shunyata Tính Không. Việc thiếu vắng của sự tồn tại thật sự trong mọi hiện tượng.
Siddhartha Tất-đạt-đa, Sĩ-đạt-đa. Vị thái tử sau này đắc đạo và trở thành đức Phật Thích-ca.
Sutra kinh điển. Những giáo lý của cả Thinh văn thừa và Đại thừa.
Svatantrika Y tự khởi tông.
Tantrayana Kim cương thừa, Mật thừa. Xem thêm Vajrayana.
Theravada Bộ phái Nguyên thủy, Trưởng lão bộ
Tsongkhapa Tông-khách-ba
Uttaratantra Tối thượng luận. Xem ở tên đầy đủ là Mahayana-uttaratantrashastra.
Vaibhashika Tì-bà-sa luận bộ.
Vajrayana Kim cương thừa, Mật thừa, dịch nghĩa là “cổ xe kim cương”.
Vasubandhu Thế Thân Bồ Tát. Đại sư vĩ đại người Ấn, anh em cùng mẹ với ngài Asa?ga, là người soạn thảo các bài luận triết học cổ điển về các học thuyết của Nhất thiết hữu bộ, Kinh lượng bộ, và Duy thức tông.
Vipashyanan Minh sát. Thiền định thấu suốt.

[1] Chữ  Đế (諦) tiếng Hán-Việt có nghĩa là  xét kỹ, chăm chú, như đế thính (lắng nghe). Trong Phật giáo, chữ này thường được hiểu là chân lý. Còn có những tên gọi khác như Tứ thánh đế, Bốn chân lý cao cả ... (ND)

[2] Lần gặp gỡ đầu tiên của các lãnh tụ tôn giáo chính và các nhà lãnh đạo môi trường là ở Assisi, Ý, vào năm 1986, được tổ chức bởi “The World Wide Fund for Nature”.

[3] Có sách dịch khác các trường phái kể trên: Vaibhāshika dịch là Đại trí huệ hay Phân biệt thuyết, Sautrantika dịch là Tăng-ca-lan-đa. (ND)

[4] “Không có linh hồn” hay “không có tự ngã” được chuyển dịch từ thuật ngữ tiếng Phạn, anatman. Giáo lý này là phần thứ ba trong Tứ pháp ấn (Four Seals), tức là bốn điểm giúp phân biệt giáo pháp của đức Phật với tất cả những triết thuyết và tôn giáo khác. Tứ pháp ấn là: Tất cả các pháp nhân duyên đều vô thường, tất cả các pháp nhiễm ô đều là khổ, tất cả các pháp đều không có tự ngã (vô ngã), và Niết bàn là tịch tĩnh.

[5] Nguyên lý duyên khởi, hay có nguồn gốc phụ thuộc được dịch từ chữ Phạn Pratiyasamutpada. Đây là luật tự nhiên, khi mọi hiện tượng phát sinh hay khởi lên đều “phụ thuộc vào” các nguyên do (nhân) của chúng. Mỗi sự vật khởi lên đặc trưng do bởi và phụ thuộc bởi sự kết hợp đồng thời của các nguyên do (nhân) và điều kiện (duyên); không có nhân duyên, chúng không thể xuất hiện.

[6] Ở đây muốn nói đến đức Phật Thích-ca Mâu-ni. (ND)

[7] Danh xưng Phật có nghĩa là người tỉnh thức, giác ngộ (từ Phạn ngữ bodhi); vì thế, quả vị Phật là trạng thái giác ngộ.


 
[8] “Tịch diệt” ở đây là một thuật ngữ Phật giáo có nghĩa “hoàn toàn dứt bặt mọi đau khổ”. Luân hồi là chu kì của đau khổ, và sự chấm dứt chu kì đó, đạt đến sự vắng lặng, tịch diệt thường được xem là Niết-bàn.
 
[9] Xem phần thuật ngữ. (ND) Xem thêm Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya) I, p.190-191 (bản Anh ngữ), Pali Text Society và Duyên Khởi kinh.
 
[10] Xem thêm các phân tích sâu hơn về quá trình của ý thức qua Abhidharma (A-tì-đạt-ma, A-tì-đàm, hay Vi Diệu Pháp, Thắng Pháp) hay qua bộ môn Tâm Lý Học Phật giáo. (http://www.thuvienhoasen.org/thangphaptapyeuluan-00.htm - Thắng Pháp Tập Yếu Luận của Hòa thượng Thích Minh Châu). Tuy vậy, trong các bộ phái khác nhau có các bộ A-tì-đạt-ma khác nhau. Các phần tiếp theo của sách này sẽ đề cập tới. (ND)
 
[11] Nguyệt Xứng (Candrakīrti), cũng đọc là Nguyệt Xưng, là một vị luận sư danh tiếng thuộc phái Trung quán, sống vào khoảng năm 600 đến 650. Tương truyền ngài sinh ở Nam Ấn Độ, tinh thông Phật học, đã từng trụ trì chùa Na-lan-đà. Ngài có nhiều trước tác, trong số đó có bộ Trung quán căn bản minh cú luận (Prasannapada), cũng dịch là Minh cú luận, hiện vẫn còn giữ được bản Phạn văn, là bản chú giải cho bộ Trung luận của ngài Long Thụ. Xem thêm các bài của cư sĩ Chân Nguyên về Nguyệt Xứng: "http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyệt_Xứng và Pháp Xứng "http://vi.wikipedia.org/wiki/Pháp_Xứng". (ND)
 
[12] Xem thêm "The Two Truths" của Guy Newland, Snow Lion Publications (1992)  Bản Việt dịch của Lê Công Đa nhan đề “Nhị đế”, tại: "http://www.quangduc.com/triet/57nhide.html". (ND)
 
[13] Viết tắt từ nguyên văn Anh ngữ: His Holiness The XIV Dalai Lama. (ND)
 
[14] Pháp Xứng: một luận sư danh tiếng của phái Du-già, sống vào khoảng thế kỷ 6 - thế kỷ 7. Ngài là người miền nam Ấn Độ, từng theo học với ngài Trần-na và là một môn đệ kiệt xuất. Ngài đã biên soạn bộ sách chú giải cho tập luận của ngài Trần-na là Tập lượng luận. Cuốn sách chú giải này cũng được gọi là Thích lượng luận, Lượng bình thích luận hay Lượng thích luận, hiện vẫn còn giữ được cả bản Phạn văn và Tạng văn. (ND)

[15] Mười điều bất thiện (Thập bất thiện đạo) mà ta nên tránh là giết hại, trộm cắp, tà dâm (ba giới về thân), nói dối, nói vu khống, nói lời vô nghĩa, nói lăng mạ, dèm pha (4 giới về khẩu), tham lam, sân hận, và cố chấp những quan điểm sai trái (si) (3 giới về ý).


 
[16] Có sách dịch là “Tối thượng Tantra”. Chữ Tối thượng luận ghép từ hai chữ: uttara (Uất-đà-la) và tantra. Riêng chữ tantra có nghĩa là những nghi thức hành đạo đặc biệt để chuyển hóa thân, khẩu, ý. chẳng hạn như mandala (đồ hình các mạn-đà-la), mantra (Mật chú), mudra (thủ ấn) ... (ND)
 
[17] The Changless Nature, bản dịch của Tối Thượng Luận bởi Ken và Katia Holmes, Karma Drubgyud Darjay Ling, UK 1985. Trang 135. Tối Thượng Luận còn được biết dưới tên Ratnagotravibhaga.
 
[18] Thập nhị nhân duyên tạo thành chu kì gồm 12 yếu tố của các kết nối nhân quả trói buộc chúng sinh trong cuộc sống luân hồi và do đó đau khổ mãi mãi. Các kết nối này được miêu tả quanh một bánh xe luân hồi; minh họa sáu cảnh giới của luân hồi và các nguyên do khác nhau của chúng. Các kết nối được trình bày theo chiều kim đồng hồ là: vô minh, tác ý hay các sự hình thành của nghiệp, thức (ý thức), danh sắc, sáu cơ sở của ý thức (lục căn), cảm xúc (thọ), ham muốn (ái), chấp giữ (thủ), hình thành (hữu), sinh, già và chết (lão tử). Xem thêm The Meaning of Life from a Buddhist Perspective của His Holiness the Dalai Lama, bản dịch Anh ngữ của Jeffrey Hopkins, Wisdom Publications, 1992.
 
[19] Chỉ trạng thái không có kiến thức, hiểu biết về chân lý, hay nói cụ thể hơn là không nhận hiểu được giáo pháp Tứ diệu đế. (ND)
 
[20] Chỉ khả năng của ý thức để lựa chọn, quyết định, và ý định thực hiện điều gì.  Chữ này thường được dịch là “hành”, cũng có sách dịch là “tác ý”. (ND)
 
[21] Trung quán Cụ duyên (Prāsaṅgika) là một trong 2 chi phái chính của Trung quán tông (Mādhyamika), có được dịch là Trung quán ứng thành Quy mậu luận chứng phái, hay Tất quá tánh không phái, do một luận sư nối dòng Ngài Long Thụ là Phật Hộ (Buddhapālita) sáng lập. Ngài Phật Hộ sống vào khoảng năm 470 - 540. Chi phái chính thứ hai của Trung quán tông là Tự lập luận chứng phái, cũng được gọi là Y tự khởi phái. (ND)
 
[22] Shraravakayana thường được dịch là Thanh văn thừa, chỉ những người nghe pháp tu hành mà thành tựu, cũng thường dùng chỉ những Phật tử không thuộc Đại thừa. (ND)

[23] Tà kiến ở đây được chỉ chung cho tất cả những nhận thức sai lầm hay ảo tưởng, không đúng với sự thật hay bản chất của thực tại. (ND)


 
[24] Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tập luận (大乘阿毗達磨集論) là bộ luận giải thích tổng quát ý nghĩa kinh Đại thừa A-tỳ-đạt-ma (大乘阿毗達磨經). (ND)
 
[25] Xem trình bày chi tiết về vũ trụ quan Phật giáo bằng Anh ngữ trong sách Myriad Worlds của Jamgon Kongtrul. Snow Lion, 1995.
 
[26] Cõi người là một phần của Dục giới. Vô sắc giới là cảnh giới vi tế hơn Sắc giới, và Sắc giới lại vi tế hơn Dục giới.
 
[27] Toàn bộ giáo pháp ban đầu của Phật giáo được chia làm ba phần là Luật tạng, tức là các giới luật, Kinh tạng, tức là các bài giảng pháp của đức Phật, và Luận tạng hay A-tì-đạt-ma (Vi diệu pháp) là phần luận giải và các hệ thống triết học được trước tác bởi các luận sư Phật giáo. Có hai văn bản giáo điển đầy đủ của Luận tạng (A-tì-đạt-ma) vẫn còn giữ được đến ngày nay. Một của bộ phái Theravada (Nguyên thủy bộ) bằng tiếng Pali và một của Sarv?stiv?da (Nhất thiết hữu bộ) bằng Phạn ngữ. Tại Tây Tạng chỉ giảng dạy bộ A-tì-đạt-ma của Nhất thiết hữu bộ. Những vấn đề chính về vũ trụ quan được trình bày trong chương 3 của tác phẩm A-tì-đạt-ma Câu-xá luận của ngài Thế Thân (Vasubandhu), đã được Leo Pruden dịch sang Anh ngữ - Asian Humanities Press, Berkeley California, 1991.
Nhất thiết hữu bộ: Sarvāstivāda.
 
[28] Núi Tu-di được xem là trung tâm của mỗi thế giới. Các châu lục bao quanh gồm: 1. Phất-bà-đề (弗婆提) tại phương đông (Pūrvavideha, cũng dịch là Đông Thắng Thần châu - 東勝神洲), 2. Cù-da-ni (瞿耶尼) tại phương tây (Aparagodāniya – cũng dịch là Tây Ngưu Hóa châu - 西牛貨洲), 3. Diêm-phù-đề (閻浮提) tại phương nam (Jambudvipa - cũng dịch là Nam Thiệm Bộ châu - 南贍部洲). 4. Uất-đan-việt (鬱單越) tại phương bắc. (Uttarakuru - cũng dịch là Bắc Cù Lô châu - ????). Bốn châu này trong kinh điển thường được gọi chung là Tứ thiên hạ. (ND)
 
[29] Loại khổ này được gọi là khổ khổ, nghĩa là khổ vì những sự đau đớn tinh thần hay thể xác. (ND)
 
[30] Loại khổ này được gọi là hoại khổ, nghĩa là khổ vì tứ đại trong thân luôn tương khắc, thường biến đổi đi dần chỗ hoại diệt, và vì những gì ta ưa thích cũng chịu quy luật của sự thay đổi, hoại diệt.
 
[31] Loại khổ này được gọi là hành khổ, nghĩa là khổ vì sự thay đổi liên tục của mọi thứ, nhân duyên sinh diệt, vô thường và biến đổi không ngừng.
 
[32] Siddhartha, cũng phiên âm là Sĩ-đạt-đa.
 
[33] Tức là: già, bệnh và chết. (ND)
 
[34] Ở đây chỉ chu kỳ của sinh, già, bệnh và chết. (ND)
 
[35] Có sách dịch là Thánh Đề Bà. (ND)
 
[36] Sát-na là đơn vị thời gian rất ngắn, thường chỉ được dùng với ý nghĩa tượng trưng.
 
[37] Dịch từ chữ »other –powered :Y tha: phụ thuộc vào cái khác. Vì một khi sự vật đã sinh khởi thì nó đã hàm chứa đầy đủ mọi yếu tố dẫn đến sự diệt mất, nên sự phụ thuộc ở đây là phụ thuộc vào các nguyên nhân dẫn đến sự sinh khởi. Vì thế, giáo lý này còn được gọi tên là Y tha khởi. Theo đó, không có bất cứ sự vật nào có thể tự nó sinh khởi một cách độc lập.
 
[38]Sáu nẻo luân hồi (lục đạo -六道) là sáu cảnh giới mà tất cả chúng sinh tùy theo nghiệp lực phải tái sinh vào. (ND) Theo Phật giáo Tây Tạng thì mỗi cảnh giới này chịu sự khống chế mạnh nhất của một tâm niệm xấu cụ thể. Đó là: cảnh giới địa ngục (tâm sân hận), cảnh giới súc sinh (tâm ngu si), cảnh giới ngạ quỷ (tâm keo lận), cảnh giới loài người (tâm tham dục), cảnh giới A-tu-la (tâm ghen tị), và cảnh giới chư thiên (tâm kiêu mạn).
 
[39] Lời dạy này có thể tìm thấy trong kinh Trung A Hàm I (trang 262, Pali Text Society) và Trung Bộ Kinh III (trang 43, Pali Text Society), và kinh Tạp A Hàm II (trang 28, Pali Text Society).
 
[40] Ngũ uẩn bao gồm: sắc - đối tượng của các giác quan; thọ - các loại tri giác và cảm xúc; tưởng: - ý thức bao gồm sáu loại sắc, thinh, hương, vị, xúc, và những ấn tượng tinh thần; hành - những hoạt động tâm lí sau khi có tưởng bao gồm khái niệm hay hành động như chú ý, đánh giá, vui thích, ghét bỏ, quyết tâm, tỉnh giác...; và thức - các nhận thức tương ứng nảy sinh từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. (ND)
 
[41] Tâm lý học Phật giáo dựa trên quá trình nhận thức từ sáu năng lực nhận thức: thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ chạm, và suy nghĩ. Mỗi năng lực liên quan đến một giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý) cùng với một thức nhận biết hoạt động đặc biệt tương ứng với giác quan đó. Vì thế, có của thảy sáu thức nhận biết, thức thứ sáu là ý thức, hay nhận thức tinh thần.
 
[42] Xem thêm tác phẩm Consciousness at the Crossroads: Conversations with the Dalai Lama on Brainscience and Buddhism. Ithaca, NY: Snow Lion, 1999. của B Alan Wallace, Zara Houshmand, và Robert Livingston. Lời kết của B. Alan Wallace “Buddhist Reflections” có đăng trên Internet (http://www.alanwallace.org/BuddhistRefls.pdf). (ND)
 
[43] Thường được phiên âm là Mộc-xoa. (ND)
 
[44] Theo Phật giáo Đại thừa, có 10 địa vị tu chứng của hàng Bồ Tát, gọi là Thập địa (Daśabhūmi). Mười địa vị ấy bao gồm: 1. Hoan hỷ địa (Pramuditā-bhūmi) 2. Ly cấu địa (Vimalā-bhūmi) 3. Phát quang địa (Prabhākārī-bhūmi) 4. Diệm huệ địa (Arciṣmatī-bhūmi) 5. Cực nan thắng địa (Sudurjayā-bhūmi) 6. Hiện tiền địa (Abhimukhī-bhūmi) 7. Viễn hành địa (Dūraṅgamā-bhūmi) 8. Bất động địa (Acalā-bhūmi) 9. Thiện huệ địa (Sādhumatī-bhūmi) 10. Pháp vân địa (Dharmameghā-bhūmi). (ND)
 
[45] Tức là trạng thái thân trung ấm (hay trung hữu), là giai đọan chuyển tiếp của hai trạng thái. Kim cương thừa có đề cập đến 6 loại Trung ấm: Trung ấm lúc sinh; trung ấm trong giấc mơ; trung ấm trạng thái định; trung ấm lúc cận tử; trung ấm của Pháp thân diệu dụng, của Pháp tính; và trung ấm của sự trưởng thành và tái sinh. (ND)
 
[46] Căn bản vô minh (根本無明), Phạn ngữ là mūlāvidyā, theo Phật Quang Đại từ diển còn có các tên khác là căn bản bất giác (根本不覺), vô thủy vô minh (無始無明) hay nguyên phẩm vô minh (元品無明). Tất cả các tên gọi này đều được dùng để phân biệt với chi mạt vô minh (枝末無明). Do nơi căn bản vô minh mà sinh ra tất cả các kiến giải, ý tưởng sai lầm gọi chung là chi mạt vô minh.(ND)
 
[47] Phạn ngữ kleśa thường được phiên âm Hán Việt là cát-lệ-xá (吉隸舍), dịch nghĩa là phiền não, thường chỉ đến tham, sân, si như là những nguyên nhân làm sinh.khởi các tư tưởng và cảm xúc gây khổ đau. (ND)
 
[48] Dịch từ Phạn ngữ là Karma - Xem thêm bài viết “Phân loại nghiệp” của tác giả Lâm Như Tạng (

tải về 0.78 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   25




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương