QuyếT ĐỊnh của bộ trưỞng bộ CÔng nghiệp số 15/2006/QĐ-bcn ngàY 26 tháng 5 NĂM 2006 VỀ việc ban hành tiêu chuẩn ngành da giầY



tải về 324.28 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích324.28 Kb.
#13438
1   2   3   4

6.6. An toàn nhà xưởng

6.6.1. Nền nhà xưởng phải bằng phẳng, cao ráo, không trơn trượt, không sinh bụi, dễ cọ rửa. Có thể trải thảm để chống trơn trượt. Nếu có môi trường xâm thực thì nền phải lát bằng các vật liệu chịu hoá chất.

6.6.2. Mặt bằng nhà xưởng phải gọn gàng, ngăn nắp, có khu vực để nguyên liệu, vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm, phế thải riêng biệt, có vạch kẻ rõ ràng để phân biệt lối đi lại, vận chuyển, khu vực sản xuất, khu vực để nguyên liệu, vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm, phế thải.

6.6.3. Những chỗ nguy hiểm về cơ khí, nồi hơi, thiết bị áp lực, nơi có nguy cơ cháy, chỗ để phương tiện chữa cháy, phải có biển báo chỉ dẫn, biển báo an toàn tương ứng.

6.6.4. Đường đi lại cho xe cơ giới phải đủ rộng, hẹp nhất cũng phải bằng chiều rộng của loại xe lớn nhất cộng thêm 1,4m.

6.6.5. Bậc lên xuống phải lát các vật liệu nhám tránh trơn trượt, có biển báo và chiếu sáng đảm bảo theo TCVN quy định.

6.6.6. Nên có cầu nối để công nhân đi từ nhà này sang nhà kia, tránh phải đi ra ngoài trời nắng hay trời mưa.

6.6.7. Các khu vực có toả hơi khí độc, chất dễ cháy, chất kích thích, phải được cách ly riêng và thực hiện các giải pháp thu gom xử lý thích hợp, tránh để hoả hoạn hay chất độc lan toả sang các khu vực khác.



6.7. An toàn xếp dỡ vận chuyển

6.7.1. Dùng các thiết bị nâng chuyển phù hợp khi xếp dỡ để đảm bảo an toàn và nhẹ nhàng.

6.7.2. Khi xếp, phải xếp từ dưới lên, khi dỡ, phải dỡ từ trên xuống, đề phòng vật nặng rơi đè lên người.

6.7.3. Nếu mang vác dỡ thủ công trong khoảng 60m, trọng tải mang vác tối đa không quá:

Từ 16 đến 18 tuổi Từ 18 tuổi trở lên

Nữ 10kg 30kg

Nam 16kg 50kg

6.7.4. Khi khiêng phải khiêng cùng vai, cùng nâng hạ, có người chỉ huy.

6.7.5. Vận chuỷen các chất độc hại, ăn mòn phải dùng cáng hay đòn khiêng hay xe. Cấm vác, cõng, ôm, đội.

6.7.6. Vận chuyển bình khí nén phải nhẹ nhàng, tránh va chạm mạnh, không để rơi, đổ, vỡ.

6.7.7. Người có tay và quần áo dính dầu mỡ không được di chuyển bình chứa ôxy, khí nén.

6.8. An toàn nồi hơi và thiết bị áp lực

6.8.1. Doanh nghiệp lập sổ theo dõi, quản lý nồi hơi, bình chịu áp lực, lịch bảo dưỡng, tu sửa, kiểm tra vận hành, khám xét, khám nghiệm.

6.8.2. Xây dựng lịch bảo dưỡng, tu sửa phù hợp với hướng dẫn của nhà chế tạo và chế độ vận hành thực tế của nồi hơi và bình chịu áp lực.

6.8.3. Xây dựng nội quy và quy trình vận hành an toàn cho từng nồi hơi và bình chịu áp lực.

6.8.4. Có bảng tóm tắt quy trình vận hành và xử lý sự cố treo tại nơi đặt nồi hơi và bình chịu áp lực.

6.8.5. Có quyết định phân công người có năng lực và trách nhiệm để quản lý nồi hơi và bình chịu áp lực và có quy định các nhiệm vụ cụ thể.

6.8.6. Tổ chức huấn luyện và sát hạch người đã nghỉ vận hành quá 12 tháng.

6.8.7. Làm thủ tục kiểm định, đăng ký theo quy định của Bộ LĐTB&XH.

6.8.8. Nồi hơi và bình chịu áp lực phải có đủ hồ sơ xuất xưởng của nhà chế tạo khi kiểm định, đăng ký. Hồ sơ kiểm định, đăng ký và lịch máy theo mẫu quy định bằng tiếng Việt.

6.8.9. Thời hạn kiểm định nồi hơi và bình chịu áp lực theo quy định của các tiêu chuẩn liên quan.

6.8.10. Thời hạn khám xét nồi hơi không quá 2 năm/lần, bình chịu áp lực không quá 3 năm/lần hoặc theo kiến nghị của cơ quan kiểm tra.

6.8.11. Thời hạn kiểm tra vận hành 1 năm/lần đối với nồi hơi và bình chịu áp lực.

6.8.12. Thực hiện tự kiểm tra theo quy phạm, tiêu chuẩn hiện hành. Kết quả và kiến nghị kiểm tra được ghi vào sổ để theo dõi thực hiện.

6.8.13. Khi có sự cố doanh nghiệp tổ chức điều tra bất thường. Nếu có tai nạn cho người thì tổ chức điều tra theo quy định của điều tra tai nạn lao động. Đoàn điều tra lập biên bản theo mẫu của quy phạm an toàn nồi hơi và bình chịu áp lực. Sau đó doanh nghiệp báo cáo cho thanh tra nhà nước địa phương về lao động.

6.8.14. Người quản lý nồi hơi và bình chịu áp lực phải nắm vững quy phạm và tiêu chuẩn liên quan, nội quy, quy trình vận hành an toàn và xử lý sự cố tất cả các nồi hơi và bình chịu áp lực.

6.8.15. Người vận hành nồi hơi và bình chịu áp lực phải là nam giới, trên 18 tuổi, có sức khoẻ, có chứng chỉ đào tạo, được huấn luyện và sát hạch về kỹ thuật an toàn và được cấp thẻ.

6.8.16. Để đảm bảo an toàn vận hành nồi hơi, doanh nghiệp phải thực hiện các công việc:

- Lập sổ nhật ký vận hành cho mỗi nồi hơi, để người vận hành ghi thời gian, số lần xả bẩn, kiểm tra áp kế, van an toàn, tình trạng làm việc và các trục trặc phát sinh.

- Trang bị đồng hồ, phương tiện thông tin, để người vận hành thông tin kịp thời với người phụ trách khi có sự cố xảy ra.

6.9. Phương tiện bảo vệ cá nhân

6.9.1. Doanh nghiệp phải mua và cấp phát phương tiện BVCN theo bản danh mục trang bị phương tiện BVCN do Bộ LĐTB&XH quy định.

6.9.2. Nếu phương tiện BVCN bị hư hỏng nhưng không vì lỗi chủ quan của người lao động, doanh nghiệp phải cấp phát lại cho họ.

6.9.3. Không phát tiền hoặc trao tiền cho người lao động thay cho việc cấp phát trực tiếp phương tiện BVCN.

6.9.4. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất, nhu cầu của từng loại nghề hoặc công việc, chất lượng của phương tiện BVCN và tham khảo ý kiến của tổ chức công đoàn cơ sở để định ra thời gian sử dụng phù hợp.

6.9.5. Định kỳ hàng năm mở lớp huấn luyện kỹ năng sử dụng và bảo quản đúng phương tiện BVCN cho người lao động.

6.9.6. Tổ chức đánh giá, kiểm tra chất lượng các phương tiện BVCN có công dụng đặc biệt: khẩu trang, mặt nạ lọc hơi khí độc, lọc bụi, găng và ủng cách điện, găng chống dung môi hữu cơ, dây an toàn... trước khi cấp phát và định kỳ trong quá trình sử dụng theo tiêu chuẩn.

6.9.7. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng phương tiện BVCN và đánh giá sự phù hợp và hiệu quả sử dụng.

6.9.8. Tổ chức bảo dưỡng cho các phương tiện BVCN có công dụng đặc biệt, phức tạp: quần áo chống cháy, mặt nạ lọc hơi khí độc... để có thể kéo dài thời gian sử dụng của chúng.

6.9.9. Bố trí nơi cất giữ phương tiện BVCN một cách thuận lợi và an toàn theo chỉ dẫn hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc cung ứng.

6.9.10. Quản lý chặt chẽ các mặt hoạt động kể trên liên quan đến phương tiện BVCN bằng việc lập các biểu, bảng theo dõi thích hợp và lưu giữ chúng cẩn thận.

Điều 7. Môi trường

7.1. Luật pháp môi trường

7.1.1. Doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh Luật bảo vệ môi trường của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

7.1.2. Không được tiến hành các hành động làm suy kiệt tài nguyên và huỷ hoại môi trường, cụ thể, không được tiến hành:

- Các hành động làm suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn nước, gây ô nhiễm nguồn nước.

- Các hoạt động chôn vùi chất thải độc hại vượt giới hạn cho phép gây ô nhiễm đất.

- Các hành động làm suy thoái môi trường, gây ô nhiễm môi trường, gây sự cố môi trường.

- Thải vào không khí các loại bụi, chất độc quá tiêu chuẩn vệ sinh cho phép...

- Gây tiếng ồn, rung động vượt giới hạn cho phép làm tổn hại đến sức khoẻ của người lao động và dân cư xung quanh...

7.1.3. Lập và nộp bản kê khai các hoạt động có ảnh hưởng đến môi trường đúng thời hạn cho các cơ quan quản lý nhà nước.

7.1.4. Lập và nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường của doanh nghiệp đúng thời hạn cho các cơ quan quản lý nhà nước.

7.1.5. Không được vi phạm quy định về lưu thông hàng hóa ảnh hưởng đến môi trường, cụ thể không được vi phạm:

- Quy định về pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 1999 không sản xuất kinh doanh các sản phẩm, hoặc sử dụng các nguyên vật liệu độc hại gây ô nhiễm môi trường, nguy hại đến tính mạng sức khoẻ của con người, trái với thuần phong mỹ tục.

- Quy định về pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 1999 về chứng nhận hợp chuẩn trong việc sản xuất hàng hóa.

- Quy định về việc nhập khẩu công nghệ máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường cho phép.

7.1.6. Không được vi pham quy định về việc bảo vệ môi trường trong quá trình xử lý chất thải.

7.2. Các chính sách môi trường

7.2.1. Doanh nghiệp phải xây dựng và có chính sách bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu các tác hại đối với môi trường sinh thái và sức khoẻ của cộng đồng dân cư.

7.2.2. Phòng chống ô nhiễm không khí: cải tạo môi trường cảnh quan, trồng cây canh.

7.2.3. Không được tiến hành các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước. Thu gom nước thải có chứa hoá chất, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn mới được thải ra môi trường.

7.2.4. Xây dựng quy chế xử lý chất thải: mọi chất thải đều được phân loại tập trung vào nơi quy định và xử lý bằng những biện pháp thích hợp tránh gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo mức tiêu chuẩn vệ sinh cho phép trước khi thải ra môi trường xung quanh.

7.2.5. Có bộ phận theo dõi giám sát, thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường.



Điều 8. Y tế và phúc lợi tập thể

8.1. Các chính sách về sức khoẻ nghề nghiệp

8.1.1. Xây dựng chính sách tăng cường và duy trì mức tốt nhất về thể chất, tinh thần cho người lao động, cải thiện điều kiện lao động nhằm phòng ngừa các tác hại đến sức khoẻ của người lao động. Tuyển chọn và sử dụng lao động phù hợp với điều kiện sức khoẻ và đặc điểm tâm sinh lý của họ.

8.1.2. Quan tâm đầu tư cải tạo và nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị, cải tiến công nghệ nhằm giảm tối đa những tác hại của điều kiện lao động tới sức khoẻ của người lao động và góp phần tăng năng suất lao động.

8.1.3.Tổ chức áp dụng các biện pháp kỹ thuật vệ sinh (lắp đặt hệ thống thông gió làm mát, chiếu sáng, hút bụi, hơi khí độc, chống ồn, xử lý nước thải, chất thải rắn...)

8.1.4. Áp dụng các biện pháp cải tiến tổ chức sản xuất, tổ chức lao động đề xuất chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

8.1.5. Xây dựng kế hoạch áp dụng các biện pháp y học nhằm nâng cao sức khoẻ, khả năng làm việc và tăng năng suất lao động. Đề phòng phát sinh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

8.1.6. Thực hiện chế độ phụ cấp độc hại cho công nhân ngành Da Giầy theo chế độ hiện hành.

8.2. Các giải pháp bảo đảm sức khoẻ người lao động

8.2.1. Thực hiện nghiêm chỉnh việc kiểm tra, đo lường các yếu tố vệ sinh lao động định kỳ theo luật định.

8.2.2. Đảm bảo nơi làm việc an toàn, lành mạnh, các yếu tố vệ sinh lao động (ánh sáng, tiếng ồn, rung, bụi, vi khí hậu, hơi khí độc...) đều ở mức tiêu chuẩn vệ sinh cho phép.

8.2.3. Giảm thiểu các ảnh hưởng của điều kiện vi khí hậu xấu bằng các thiết bị quạt thông gió, điều hoà, nhiệt độ, hệ thống phun nước làm mát, các biện pháp chống lạnh về mùa đông.

8.2.4. Từng bước thay thế nguyên liệu, hoá chất độc hại bằng những loại ít độc hại hơn hoặc không độc hại (thay thế dung môi hữu cơ, nguyên phụ liệu dạng bột chuyển sang dạng viên nén...)

8.2.5. Tăng cường việc nghiên cứu, tái sử dụng các chất thải (nước thải, rác thải và nhất là rác thải cao su, nhựa...). Lắp đặt các thiết bị làm thông thoáng, pha loãng hoặc thu bắt hơi khí hoá chất bảo đảm ở tiêu chuẩn cho phép.

8.2.6. Định kỳ kiểm tra đánh giá chất lượng các biện pháp kiểm soát các yếu tố có hại tại nơi làm việc để có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế.

8.2.7. Thực hiện nghiêm chỉnh công tác điều tra, khai báo về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.



8.3. Căng tin, nhà ăn tập thể

Khuyến khích doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và yêu cầu về vệ sinh

8.3.1. Nhà ăn phải đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường cách biệt với nhà vệ sinh.

8.3.2. Không để ứ đọng cống, rãnh, rác, chất thải được xử lý đảm bảo vệ sinh.

8.3.3. Nhà ăn có đủ nước sạch sử dụng, có bể rửa tay trước khi ăn. Phải thực hiện kiểm nghiệm mẫu nước ít nhất là 3 tháng một lần và nếu được thông báo nằm trong vùng dịch tiêu hoá thì phải kiểm nghiệm ít nhất một tháng một lần và phải xử lý triệt khuẩn nguồn nước theo quy định của ngành Y tế.

8.3.4. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống chuột, ruồi, muỗi định kỳ.

8.3.5. Các trang bị, dụng cụ, bàn ghế phải được lau chùi thường xuyên sách sẽ bằng các chất tẩy rửa dùng trong sinh hoạt và chế biến thực phẩm. Không được sử dụng các chất tẩy rửa công nghiệp.

8.3.6. Nhân viên phục vụ phải được khám sức khoẻ trước khi tuyển dụng. Không được sử dụng người đang bị mắc bệnh truyền nhiễm. Phải thực hiện khám sức khoẻ định kỳ và làm các xét nghiệm cho nhân viên phục vụ theo quy định. Phải trang bị kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng, trách nhiệm về vị trí làm việc cho nhân viên phục vụ.

8.3.7. Đảm bảo vệ sinh trong chế biến bảo quản thực phẩm: Không sử dụng các loại phụ gia thực phẩm mầu, chất ngọt tổng hợp không nằm trong danh mục được Bộ Y tế cho phép. Không dùng thực phẩm ôi thiu, có nguồn gốc từ động vật bị bệnh chết. Có phương tiện bảo quản thức ăn đảm bảo vệ sinh.

8.3.8. Lưu giữ thức ăn trong 24 giờ để có mẫu xét nghiệm khi có hiện tượng ngộ độc thực phẩm.



8.4. Nước uống

8.4.1. Cung cấp thường xuyên và đầy đủ nước uống cho người lao động.

8.4.2. Đảm bảo nước uống an toàn, vệ sinh và được kiểm tra theo định kỳ 1-2 lần/năm.

8.4.3. Đảm bảo các đồ dùng uống nước và đựng sạch sẽ tranh nhiễm khuẩn.



8.5. Nhà ở tập thể

Doanh nghiệp có trách nhiệm quan tâm đến việc xây dựng, tổ chức nhà ở tập thể và quản lý nơi ở cho người lao động. Nếu đã có nhà ở tập thể doanh nghiệp phải thực hiện những điều sau:

8.5.1. Tạo điều kiện sinh hoạt cho người lao động đảm bảo các tiêu chuẩn về sức khoẻ và an toàn tại nhà ở tập thể.

8.5.2. Thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ tại nhà ở tập thể

8.5.3. Thực hiện tốt biện pháp thoát hiểm, sơ cấp cứu khi sự cố xảy ra.

8.5.4. Xây dựng nội quy nhà ở tập thể có sự tham gia ý kiến của người lao động. Thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, tài sản cho người lao động và trật tự xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội tại nhà ở tập thể.

8.5.5. Đảm bảo các điều kiện về vệ sinh tắm giặt, thông thoáng, ánh sáng cho người lao động tại nhà ở tập thể.

8.6. Các công trình vệ sinh

8.6.1. Đáp ứng đủ nhu cầu nhà vệ sinh cho người lao động, có nhà vệ sinh cho nam và nữ riêng.

8.6.2. Các công trình vệ sinh phải sạch sẽ, kín đáo, có đủ nước và dụng cụ vệ sinh.

8.6.3. Có nhân viên quét dọn, lau rửa thường xuyên của các công trình vệ sinh.

8.6.4. Các công trình vệ sinh phải được trang bị các hệ thống thông gió giảm mùi.

8.7. Y tế, chăm sóc sức khoẻ và sơ cứu

8.7.1. Tuân thủ nghiêm các quy định về công tác khám tuyển, khám sức khoẻ định kỳ, chăm sóc sức khoẻ người lao động theo quy định của luật pháp Việt Nam.

8.7.2. Phải xây dựng và có chính sách chăm sóc sức khoẻ, kế hoạch phân bổ nguồn lực hàng năm.

8.7.3. Có trạm y tế tại chỗ đủ để giải quyết các nhu cầu sức khoẻ cơ bản và sơ cứu ban đầu cho người lao động dễ tiếp cận, chất lượng dịch vụ tốt và đảm bảo theo giờ làm việc.

8.7.4. Tại mỗi phân xưởng đều phải có tủ thuốc đủ cơ số thuốc, sử dụng tiện lợi, an toàn.

8.7.5. Hàng năm tiến hành huấn luyện về công tác sơ cứu cho người lao động và đội ngũ nhân viên quản lý.

8.7.6. Thực hiện tốt công tác theo dõi và quản lý hồ sơ sức khoẻ, nhất là việc theo dõi quản lý bệnh nhân mắc bệnh nghề nghiệp.

8.7.7. Phải xây dựng và có chương trình phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

8.7.8. Khuyến khích các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ tổ chức nhà trẻ hoặc hỗ trợ một phần kinh phí cho lao động nữ có con ở lứa tuổi gửi trẻ.

Điều 9. Tổ chức công đoàn

9.1. Tổ chức công đoàn

9.1.1. Công đoàn là tổ chức duy nhất đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tập thể lao động.

9.1.2. Khi tổ chức công đoàn được thành lập theo đúng Luật Công đoàn, điều lệ công đoàn thì doanh nghiệp phải thừa nhận tổ chức đó. Những doanh nghiệp mới thành lập thì sau 6 tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động phải thành lập tổ chức công đoàn. Doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện để tổ chức công đoàn được thành lập.

9.1.3. Doanh nghiệp cần phải cộng tác chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn hoạt động theo các quy định của pháp luật.

9.1.4. Công đoàn có trách nhiệm phối hợp cùng với doanh nghiệp hướng dẫn động viên cán bộ công nhân viên chức thực hiện đúng pháp luật, nội quy, quy định về lao động tại DN.

9.2. Quyền tham gia tổ chức công đoàn

9.2.1. Người lao động có quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật và điều lệ công đoàn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

9.2.2. Doanh nghiệp phải công nhận và tôn trọng quyền tham gia công đoàn của người lao động. Không được phân biệt đối xử vì lý do người lao động thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn hoặc dùng các biện pháp kinh tế và các thủ đoạn khác để can thiệp vào tổ chức và hoạt động của công đoàn.

9.2.3. Doanh nghiệp có trách nhiệm đảm bảo các phương tiện cần thiết để công đoàn hoạt động và tạo thuận lợi cho tổ chức công đoàn tiếp xúc với người lao động. Doanh nghiệp phải tham khảo với công đoàn hoặc đại diện tập thể lao động những vấn đề các bên cùng quan tâm, hoặc giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động trong DN.



Điều 10. Tổ chức thực hiện

10.1. Thực hiện

- Doanh nghiệp tổ chức nghiên cứu nội dung của Tiêu chuẩn và đăng ký áp dụng với Hiệp hội Da Giầy Việt Nam và được cấp giấy chứng nhận đăng ký áp dụng tiêu chuẩn.

- Doanh nghiệp cần tiến hành các biện pháp chủ yếu sau để thực hiện tốt tiêu chuẩn lao động:

+ Tuyên truyền, phổ biến và huấn luyện các nội dung của tiêu chuẩn lao động đến các cấp quản lý, các đoàn thể và người lao động để trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức và giúp thực hiện tốt.

+ Đưa các công việc để thực hiện tốt các nội dung của tiêu chuẩn lao động vào kế hoạch hàng năm.

+ Tổ chức bộ máy và nhân sự để quản lý và thực hiện các nội dung của tiêu chuẩn lao động, thực hiện việc đào tạo huấn luyện cho các cán bộ được phân công.

+ Xây dựng hệ thống sổ sách, văn bản cần thiết liên quan để theo dõi việc thực hiện các nội dung của tiêu chuẩn lao động.

+ Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện, khắc phục kịp thời những nội dung chưa phù hợp.

+ Thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định và những đề xuất, kiến nghị.

+ Tiến hành công tác thi đua khen thưởng trong thực hiện các nội dung của tiêu chuẩn lao động nhằm thúc đẩy việc thực hiện tốt.



10.2. Kiểm tra giám sát

10.2.1. Nội dung và hình thức kiểm tra, giám sát

- Kiểm tra giám sát việc thực hiện một số nội dung hay toàn bộ nội dung của tiêu chuẩn lao động tại doanh nghiệp.

- Kiểm tra việc thực hiện các biện pháp cải thiện để khắc phục các tồn tại phát hiện từ các lần kiểm tra trước.

- Kiểm tra giám sát sự phù hợp với các yêu cầu của các đối tác khi ký hợp đồng sản xuất kinh doanh (đối với việc kiểm tra của các đối tác hoặc bên thứ ba được uỷ quyền).

- Việc kiểm tra giám sát được thực hiện tại theo các hình thức: Tại hiện trường, phỏng vấn và qua sổ sách, tài liệu.

10.2.2. Hệ thống kiểm tra, giám sát: Gồm 2 hệ thống

a/ Hệ thống giám sát nội bộ

Thực hiện hệ thống kiểm tra giám sát 3 cấp tại doanh nghiệp:

+ Cấp doanh nghiệp

+ Cấp phòng ban, phân xưởng, xí nghiệp trực thuộc

+ Cấp dây chuyền, tổ sản xuất.

- Mỗi cấp phải đủ thành phần: đại diện lãnh đạo chính quyền, tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động và các bộ phận chuyên môn cần thiết như kỹ thuật, y tế... thuộc cấp đó và cán bộ được phân công quản lý việc thực hiện các nội dung tiêu chuẩn lao động.

- Người lao động được khuyến khích việc giám sát thường xuyên của mình và góp ý thông qua tiếp xúc với đại diện lãnh đạo các cấp, với cán bộ theo dõi thực hiện tiêu chuẩn, các buổi sinh hoạt tập thể, hoặc qua hộp thư góp ý...

b/ Hệ thống giám sát bên ngoài

- Các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.

- Đại diện đối tác, bạn hàng hoặc bên thứ ba được uỷ quyền.

- Đại diện của Hiệp hội Da Giầy Việt Nam (đối với các doanh nghiệp thành viên).

10.2.3. Chu kỳ kiểm tra, giám sát

- Kiểm tra giám sát được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất.

- Kiểm tra giám sát theo kế hoạch, chu kỳ giám sát tối thiểu trong nội bộ doanh nghiệp được quy định:

+ Cấp dây chuyền, tổ sản xuất: Hai tuần một lần.

+ Cấp phòng ban, phân xưởng, xí nghiệp trực thuộc: Mỗi quý một lần.

+ Cấp toàn doanh nghiệp: Sáu tháng một lần.

Kết quả kiểm tra, giám sát phải có lập biên bản và báo cáo cấp trên thep quy định.

Doanh nghiệp cam kết có hệ thống báo cáo minh bạch và sẵn sàng đón nhận việc kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng và phía đối tác, bạn hàng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra giám sát, tiếp cận hiện trường, phỏng vấn người lao động và xem xét những tài liệu sổ sách liên quan.

Những doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn được hưởng những hoạt động khuyến khích, động viên từ Hiệp hội Da Giầy Việt Nam .

Nội dung tiêu chuẩn được định kỳ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.



Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Lao động nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thông qua ngày 23/6/1994, sửa đổi ngày 02/4/2002.

2. Luật Công đoàn, thông qua ngày 30/6/1990.

3. Luật của Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam số 27/2001/QH10 về phòng cháy và chữa cháy.

4. Luật Môi trường nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1994.

5. Một số nghị định của Chính phủ quy định chi tiết các điều khoản của Bộ luật Lao động.

6. Một số nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều hướng dẫn thi hành luật công đoàn, hướng dẫn về quyền và trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, cơ quan.

7. Một số thông tư và các phụ lục kèm theo của các bộ ngành chức năng hướng dẫn việc tổ chức thực hiện một số nội dung của Bộ luật Lao động.

8. Một số tiêu chuẩn Việt Nam  (TCVN), quy phạm về công tác an toàn.

9. Một số nội quy, sổ tay lao động, thỏa ước lao động tập thể, chính sách lao động và một số văn bản liên quan của các doanh nghiệp ngành Da Giầy Việt Nam.

10. Một số tài liệu, báo cáo nghiên cứu, điều tra khảo sát việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong ngành Da Giầy Việt Nam.

11. Tài liệu “Hướng dẫn quản lý an toàn vệ sinh lao động trong ngành Da Giầy Việt Nam”. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Công nghiệp - Dự án Liên kết Doanh nghiệp - Hà Nội 10/2003.

12. Một số bài viết về vấn đề thực hiện trách nhiệm xã hội, tiêu chuẩn lao động trong ngành Da Giầy Việt Nam của các chuyển giao trong và ngoài nước.

13. Tiêu chuẩn quốc tế về lao động của tổ chức ILO, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội của Mỹ SA8000, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội áp dụng trong ngành Dệt May Da Giầy của Mỹ (WRAPP).

14. Một số bộ quy tắc ứng xử (CoC), trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) của các đối tác, Công ty đa quốc gia ngành Da Giầy Thế giới (các công ty TIMBERLAND, NIKE, ADIDAS...).

TCN TIÊU CHUẨN NGÀNH

24TCN 03: 2006

DA MŨ GIẦY -

PHÂN LOẠI THEO DIỆN TÍCH SỬ DỤNG

HÀ NỘI - 2006



LỜI NÓI ĐẦU

Tiêu chuẩn ngành 24 TCN 03: 2006 Da mũ giầy - Phân loại theo diện tích sử dụng do Viện Nghiên cứu Da Giầy biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công nghiệp đề nghị Bộ Công nghiệp ra quyết định ban hành.



Da mũ giầy - Phân loại theo diện tích sử dụng

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này áp dụng phân loại tất cả các loại da làm mũ giầy theo diện tích sử dụng.



2. Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:

- Mặt cật: mặt phải (mặt ngoài) của tấm da là lớp da tiếp giáp lớp biểu bì, được tạo bởi mạng sợi mịn đan chặt với nhau.

- Mặt váng: mặt trái (mặt trong) của tấm da là lớp da tiếp giáp với lớp bạc nhạc (đối với da nhỏ) hoặc là lớp giữa sau khi xẻ (đối với da lớn).

- Chất chau truốt: là hỗn hợp chất được sơn phủ lên bề mặt tấm da nhằm che phủ các vết, khuyết tật và tạo độ nhẵn, phẳng, đồng đều mầu.

- Trau chuốt anilin: là sơn phủ lên mặt da một lớp màng có mầu hoặc không mầu với phẩm nước.

- Diện tích sử dụng được: là diện tích da không có khuyết tật hoặc có khuyết tật không đáng kể.

- Khuyết tật da: là hiện tượng không bình thường về cấu tạo bên trong và bề mặt bên ngoài của tấm da do yếu tố môi trường hoặc do quá trình công nghệ tạo ra.




tải về 324.28 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương