QUỐc hội khóa XIII kỳ HỌp thứ 10 BẢn tổng hợp thảo luận tại hội trưỜNG



tải về 309.07 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu25.03.2018
Kích309.07 Kb.
#36601
1   2   3   4
Điểu K` Rứ - Đắk Nông

Kính thưa Quốc hội,

Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự được kiện toàn là một văn bản pháp luật mang tính đột phá, kế thừa quy định Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004. Đồng thời khắc phục được những hạn chế, bất cập của pháp lệnh năm 2004, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đồng bộ, cụ thể và nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra hình sự trong tình hình mới. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật tôi xin có một số ý kiến như sau:

Một, dự thảo luật quy định chưa rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ và chế tài cụ thể đối với từng cán bộ điều tra.

Hai, tại Điều 11 về trách nhiệm của Viện kiểm sát trong kiểm sát hoạt động điều tra nên thay thế thành quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên.

Ba, về một số cơ quan được giao nhiệm vụ được tiến hành một số hoạt động điều tra từ Điều 32 đến Điều 39 của dự thảo luật. Hiện nay, tội phạm sử dụng cộng nghệ cao ngày một nhiều, diễn biến rất phức tạp, tinh vi, gây thiệt hại nhiều về kinh tế. Vì vậy, đề nghị bổ sung cơ quan cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc công an nhân dân là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Bốn, về tổ chức bộ máy cơ quan cảnh sát điều tra, Điều 18 dự thảo luật. Tôi tán thành với dự thảo luật về hợp nhất Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng với Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự, quản lý kinh tế và chức vụ, thành lập Cục cảnh sát điều tra tôi phạm về buôn lậu.

Về trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an, Điều 44 dự thảo luật. Đề nghị không nên quy định về trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an trong luật này, vì công an xã, phường, thị trấn, đồn không phải là cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Năm, về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Điều 30 dự thảo luật. Tôi thống nhất với chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Khoản 2, Điều 30 điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại các chương XXI, XXII của luật, xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.

Sáu, về điều tra viên. Tại Mục 2, Điều 47 dự thảo luật quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm điều tra viên sơ cấp, người được bổ nhiệm phải có khả năng điều tra các vụ án thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng. Quy định trên chưa phù hợp với thực tế hiện nay, bởi hiện nay cơ quan điều tra cấp huyện có thẩm quyền điều tra án hình sự có khung hình phạt đến 15 năm, tức là án rất nghiêm trọng. Đa số các vụ án này đều do điều tra viên sơ cấp tiến hành hoạt động điều tra. Như vậy, quy định nêu trên ở khía cạnh nào đó sẽ dẫn đến cách hiểu việc điều tra các vụ án thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng sẽ vượt quá khả năng của điều tra viên sơ cấp. Vì vậy, cần bổ sung thêm tại Mục 2, Điều 47 như sau: Có khả năng điều tra các vụ án thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng.

Bảy, quy định thời hạn điều tra đối với Điểm a, Khoản 1, các Điều 32, 33, 34, 35, 36 của dự thảo Luật quy định về quyền hạn của cơ quan được trao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư như sau:

a. Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang chứng cứ và lai lịch được phạm tội rõ ràng thì ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án. Trưng cầu giám định khi cần thiết khởi tố bị can. Tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Như vậy, để tiến hành điều tra 1 vụ án theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng, đảm bảo thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội để đủ cơ sở truy tố người phạm tội ra trước pháp luật thì cần phải tiến hành rất nhiều hoạt động điều tra. Với quy định chỉ trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án thì các cơ quan trên phải kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát giải quyết.


Với thời hạn ngắn như vậy, sẽ không đủ thời gian để các cơ quan này thực hiện được đầy đủ toàn diện hết tất cả các hoạt động điều tra cần thiết của vụ án. Vì vậy, đề nghị nâng thời gian lên 45 ngày, hoặc gia hạn thời gian điều tra không quá 30 ngày, kể từ ngày hết hạn điều tra thì mới đáp ứng được yêu cầu của điều tra vụ án. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.
Trần Văn Độ - An Giang

Kính thưa Quốc hội,

Chúng tôi cơ bản đồng ý với Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chúng tôi có bổ sung xin góp ý về một số vấn đề như sau:
Trước hết, Điều 44 của dự thảo, về trách nhiệm của công an xã, thị trấn và đồn công an. Theo quy định của dự thảo thì công an xã, thị trấn, đồn công an khi nhận được tố giác tin báo về tội phạm thì lập biên bản tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Đối với công an xã, ngoài kiểm tra xác minh còn có thể lấy lời khai ban đầu, trong trường hợp bắt người phạm tội hóa trang, người đang bị truy nã công an xã, thị trấn, đồn công an lập biên bản lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường và dẫn giải ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề mà chúng ta cần xem xét từ hai góc độ.

Góc độ thứ nhất, đảm bảo hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm có hiệu quả, nhưng mặt khác chúng ta phải bảo đảm quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Chúng ta phải cân bằng hai yếu tố đó. Vì thế, tôi cho rằng nếu chúng ta quy định công an xã là cơ quan bán chuyên trách, đồn công an, công an thị trấn, cơ quan chủ yếu có chức năng bảo vệ trật tự trị an ở khu vực mà chưa phải là những cơ quan, những người được đào tạo chuyên về điều tra hình sự. Vì thế, nếu chúng ta quy định thẩm quyền các cơ quan này quá chung chung không xác định rõ ràng những gì lực lượng này được làm thì dễ dẫn đến lạm dụng, thậm chí làm sai mà anh em không biết.

Trên thực tiễn chúng tôi thấy nhiều vụ án bắt giữ người trái pháp luật, giết người, đánh người chết người trong các cơ quan hoặc các cơ quan này gây thương tích hoặc làm chết người trong thi hành công vụ liên quan đến lực lượng công an này. Vì thế nếu chúng ta quy định tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ nhưng không nói rằng kiểm tra, xác minh là hành vi gì hoặc lấy lời khai ban đầu, lấy lời khai của ai thì rất nguy hiểm, vì thế tôi cho rằng công an xã, thị trấn, đồn công an chỉ được tiến hành những hoạt động điều tra khẩn cấp mà không thể không làm, nếu chờ cơ quan điều tra có thẩm quyền. Ví dụ, nếu nạn nhân sắp chết chờ cơ quan điều tra đến thì không thể đợi cho nên phải lấy lời khai của người đó hoặc lấy lời khai của người biết sự việc là vắng ai nếu không lấy thì sau này rất khó có thể triệu tập những người làm chứng đó v.v... thì chúng ta mới lấy, còn lấy lời khai của người bị tố giác, bắt quả tang, truy nã v.v... cái đó chúng ta bắt giữ rồi có thể để cơ quan điều tra.

Vấn đề hiện trường, công an xã, thị trấn và đồn công an chỉ bảo vệ hiện trường là chủ yếu và thu giữ những đồ vật mà nếu không thu giữ thì mất mát, như vậy chúng ta mới đảm bảo cho hoạt động điều tra các cơ quan này tham gia tích cực, đặc biệt các xã vùng sâu, vùng xa, nhưng nếu chúng ta không cụ thể hóa trong luật này, mà chỉ nêu câu là gì, lấy lời khai ban đầu mà không biết lấy lời khai của ai và kiểm tra xác minh sơ bộ mà không biết kiểm tra xác minh đó là kiểm tra xác minh như thế nào, những hành vi nào được thực hiện, tôi e rằng dễ dẫn đến những trường hợp lạm dụng hoặc anh em làm sai và gây nên thiệt hại cho quyền đấy của công dân. Đó là vấn đề thứ nhất.

Tôi cho quy định này thì nên đưa sang Bộ luật tố tụng hình sự, đây là một hoạt động điều tra, luật này là Luật tổ chức điều tra hình sự, tức là các tổ chức điều tra thì được quy đinh trong luật này, còn đây là một hoạt động tố tụng liên quan đến giải quyết tin báo tố giác tội phạm và vấn đề bắt người phạm tội quả tang, người bị truy nã, vấn đề này nên đưa sang Điều 142, 143 Bộ luật tố tụng hình sự. Ngay Điều 142, Điều 143, Bộ luật tố tụng hình sự dự thảo hiện nay thì không quy định công an xã, thị trấn, đồn công an được lấy lời khai, được xác minh điều tra v.v... và chỉ nói thế này: Các cơ quan điều tra và các cơ quan khác, tức là ngoài cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thì sau khi nhận được tin báo tố giác tội phạm thì phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra v.v... rõ ràng chúng tôi cho rằng cần phải thống nhất hai dự án luật này và hợp lý hơn nếu đưa vấn đề này sang dự án Bộ luật tố tụng hình sự.

Vấn đề thứ hai, về phạm vi điều chỉnh, trong Điều 1 có nói đến phạm vi điều chỉnh là gì, làm về mối quan hệ phân công và phối hợp trong hoạt động điều tra hình sự. Tôi cho rằng đề nghị phải là gì, mối quan hệ phân công, phối hợp và chế ước trong hoạt động điều tra hình sự. Bởi vì bản chất của hoạt động tố tụng hình sự thì ngoài phối hợp thì bản chất là quan hệ chế ước rất quan trọng, đặc biệt quan hệ giữa Viện kiểm sát với cơ quan điều tra, có như vậy thì chúng ta mới đảm bảo kiểm soát quyền lực và đảm bảo việc điều tra khách quan, cho nên phải bổ sung chỗ đó.

Điều 42, có quy định là các cơ quan ở đây về mặt kỹ thuật, tôi không hiểu thế nào mà có nói đến là gì, ở đây quan hệ giữa đơn vị điều tra và đơn vị trinh sát trong điều tra hình sự, tôi cho rằng đề nghị chúng ta thay đổi "giữa đơn vị điều tra" thành "cơ quan điều tra", không hiểu tại sao ở đây dùng đơn vị điều tra, hay là do đơn vị trinh sát cho nên nói đến đơn vị điều tra, tôi cho đây là Luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự nên gọi là cơ quan điều tra thì đúng hơn.

Cuối cùng qua nghiên cứu về dự thảo luật, dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự, dự thảo về Luật tạm giữ, tam giam, tôi thấy rất nhiều các quy định, một số đại biểu trước tôi cũng đã nói rồi, chúng ta chưa có sự thống nhất, thậm chí trái nhau, mâu thuẫn nhau. Tôi đề nghị Ban soạn thảo trong trường hợp này chúng ta phải rà soát lại để làm thế nào dự án luật có sự thống nhất, những gì thuộc phạm vi điều chỉnh của luật nào thì đưa về đó tránh trường hợp hành vi hoạt động tố tụng đưa ra tổ chức điều tra. Vấn đề tạm giữ, tam giam chúng ta lại đưa ra cơ quan điều tra không phải đưa lên tố tụng, tất cả điều đó đề nghị các cơ quan có thẩm quyền rà soát, xem xét, chỉnh lý lại làm thế nào để thực sự các quan hệ pháp luật trong đó lĩnh vực tố tụng tư pháp phải đưa về đúng chỗ. Xin cảm ơn Quốc hội.


Dương Ngọc Ngưu - Điện Biên

Kính thưa Đoàn chủ tịch

Kính thưa Quốc hội

Về dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Về trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an, được thực hiện một số hoạt động hỗ tợ cho điều tra. Trong dự thảo luật này không quy định Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà chỉ giao thực hiện một số hoạt động hỗ trợ cho điều tra, chính vì vậy phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.Ví dụ như công an xã ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt các tỉnh biên giới từ xã đến trung tâm huyện có khi hàng 10 km, thậm chí tới 100 km. Thường ở cơ quan xã là nơi đầu tiên tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, phát hiện những tội phạm quả tang cũng như bắt giữ những người đang bị truy nã, đang lẩn trốn trên địa bàn. Chính vì vậy, trong luật này quy định trách nhiệm của công an xã có một số hoạt động để hỗ trợ cho hoạt động điều tra sau này. Đã phân ra hai loại công an xã riêng có hai khoản quy định về Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an bởi lẽ công an xã, thị trấn, đồn công an lực lượng bố trí tại các đơn vị này cũng khác nhau, cho nên mức độ và giao trách nhiệm cũng khác nhau. Các hoạt động chỉ được tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm và chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền, chuyển ngay hoặc thông báo cho cơ quan điều tra có thẩm quyền, không có trách nhiệm xử lý về tin báo tố giác tội phạm.

Chính vì vậy, không cần thiết phải có sự kiểm sát của Viện kiểm sát như khi có một số vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu là hoạt động này có cần sự kiểm sát của Viện kiểm sát hay không? Vấn đề này không phải xử lý tin báo tố giác tội phạm nên không cần thiết phải có kiểm sát của Viện kiểm sát. Những hoạt động này chỉ hỗ trợ ban đầu để chuyển cho cơ quan điều tra hoạt động theo tố tụng. Hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra, họ tiếp nhận những tin báo, họ tiếp nhận những lời khai ban đầu và tiếp nhận xác minh sơ bộ, họ xem xét có thể chuyển hóa thành chứng cứ hay không là trách nhiệm của cơ quan điều tra. Sở dĩ tại sao lại phân ra hai loại, xác minh sơ bộ là vì công an phường, thị trấn, đồn công an thường ở các đô thị gần với cơ quan điều tra chuyên trách thì họ chỉ xác minh sơ bộ và có thể chuyển ngay cho cơ quan điều tra chuyên trách.

Ở xã, sở dĩ là phải lấy lời khai bởi lẽ khi có sự việc xảy ra, ví dụ như vụ tai nạn giao thông, nạn nhân bị thương cần phải đưa đi cấp cứu thì họ phải đánh dấu hiện trường, bảo vệ hiện trường và lấy lời khai của nạn nhân ban đầu, đặc biệt là những trường hợp hấp hối thì cần phải lấy lời khai sinh, họ ghi lại lời khai đấy và chuyển đi cấp cứu bệnh viện và giải phóng giao thông. Nếu trên phía vùng sâu, vùng xa chỉ cần 1 cơn mưa có thể xóa hết tất cả các hiện trường. Vấn đề bảo vệ hiện trường, lấy lời khai đối với những người bị hại, đối với nạn nhân, đối với người biết sự việc là cũng rất cần thiết. Khi bắt được những người đang bị truy nã, lẩn trốn trên địa bàn thì phải lấy lời khai xem nhân thân của anh như thế nào? Ghi lại một số vấn đề ban đầu đối với những nhân thân đó, hoặc phạm pháp quả tang cũng phải có những động tác như vậy. Tất cả những việc này không phải là hoạt động điều tra, khi chuyển cho cơ quan điều tra chuyên trách thì cơ quan điều tra chuyên trách sẽ có trách nhiệm nghiên cứu những vấn đề này. Những vấn đề gì chuyển hóa thành chứng cứ được thì họ công nhận chuyển hóa thành chứng cứ và thực hiện theo các hoạt động tố tụng. Với trách nhiệm như vậy, cho nên cần phải quy định trong luật này để tạo điều kiện cho công an xã cũng như phường, thị trấn, đồn công an được tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm. Thường phần lớn tất cả tin báo tố giác tội phạm đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa miền núi họ đều đến công an xã là người đầu tiên. Tôi thấy riêng về công an xã cần phải quy định trong luật này và đã phân định rõ từng loại cơ quan ví dụ công an xã riêng, công an phường, thị trấn, đồn công an riêng.

Đặc biệt về bắt giữ người phạm tội quả tang và đang bị truy nã lẩn trốn trên địa bàn thì pháp luật tố tụng hình sự quy định cho tất cả mọi công dân đều có quyền bắt giữ. Đã bắt giữ có quyền tước vũ khí được thu giữ tất cả hung khí, vũ khí và các tài liệu có liên quan chuyển ngay cho các cơ quan có thẩm quyền. Còn việc dẫn giải, áp giải cần phải nghiên cứu để sử dụng áp giải hay dẫn giải. Đặc biệt trong này quy định rõ khi phát hiện, tiếp nhận là phải báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền hoặc là tiếp nhận và áp giải lên cho các cơ quan có thẩm quyền. Tôi nghị Điều 44 là cần thiết.

Cán bộ điều tra là người giúp việc cho Điều tra viên, là nguồn để bổ nhiệm Điều tra viên. Cán bộ điều tra không có thẩm quyền ra bất cứ quyết định nào, không đưa đến hậu quả pháp lý đối với bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, tạm giam. Cho nên cán bộ điều tra, chúng tôi đề nghị không nên là người tiến hành tố tụng, chỉ là người giúp việc cho người thi hành tố tụng. Liên quan đến vấn đề này kể cả Thẩm tra viên và Kiểm tra viên cũng không nên quy định là người tiến hành tố tụng. Vì 2 chức danh này đã có hàng chục năm nay rồi nhưng chưa bao giờ coi là người tiến hành tố tụng mà chỉ là giúp việc cho Điều tra viên, cho Thẩm phán, cho Kiểm sát viên, cho Viện trưởng Viện kiểm sát, cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Đề xuất hướng giải quyết vụ án chứ không liên quan đến quyết định của vụ án. Xin cảm ơn
Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản đồng tình với giải trình tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Để góp phần hoàn thiện, chúng tôi xin tham gia góp ý một số vấn đề sau: Tôi cũng như một số đại biểu phát biểu trước tôi rất đồng tình vấn đề chúng ta cần phải rà soát trong tất cả các Bộ luật tố tụng hình sự liên quan đến điều tra để làm sao đảm bảo cho thống nhất. Nếu chúng ta không nghiên cứu kỹ thì có thể có sự mâu thuẫn giữa Bộ luật tố tụng hình sự và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, hoặc một số Luật tạm giữ, tạm giam. Chính vì vậy, tôi đề nghị các đồng chí nghiên cứu, rà soát.

Thứ hai, một số cơ quan được giao một số nhiệm vụ điều tra. Hôm trước tôi cũng đã phát biểu rồi. Tuy nhiên, tôi cơ bản tôi đồng tình khi lấy phiếu xin ý kiến Quốc hội nếu bây giờ quyết định, số đông thì chắc là mình cũng phải theo.

Về điều tra viên, bởi vì chúng ta có điều tra viên sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Thực ra nó tương đương với kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp và cao cấp của ngành kiểm sát, hoặc thẩm phán sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Thực tế anh em rất buồn, bởi vì học đại học ra mà gọi người ta sơ cấp là rất buồn. Lần trước tôi đã góp ý, kể cả thẩm phán không nên gọi là sơ cấp, gọi là thẩm phán hoặc kiểm sát viên, điều tra viên, điều tra viên trung cấp, điều tra viên cao cấp, cũng như chuyên viên của nhà nước gọi là chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp, không gọi là chuyên viên sơ cấp. Trong bộ máy nhà nước mình có những điều quy định không đồng bộ. Mấy anh Tòa án, Kiểm sát, công an là sơ cấp, nhưng bên nhà nước thì là chuyên viên, lên chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp. Đúng ra bên ngành công an, kiểm sát, tôi nghe các đồng chí cũng đề nghị là không nên đề nghị chúng tôi là điều tra viên sơ cấp mà gọi là điều tra viên, điều tra viên trung cấp và điều tra viên cao cấp. Có lẽ bởi vì ngành kiểm sát và tòa án đã quy định, bây giờ không đồng bộ thì cũng khó nên mới quy định như thế này, tôi nghĩ vấn đề này phải nghiên cứu. Anh em ở dưới cơ sở rất buồn, người ta bảo học đại học ra cũng giống như mấy ông đó mà gọi là sơ cấp. Vấn đề này cũng cần phải nghiên cứu.

Về thời hạn, tôi đồng tình. Thực ra anh em đã thi cử rồi, có lẽ đây là một nghề, không phải là một chức vụ mà chúng ta quy định thời hạn. Bởi vì, đã là một nghề thì không cần phải có thời hạn. Nghề kiểm sát viên, nghề điều tra viên nhưng các anh quy định thời hạn vào đây thì tôi thấy không hợp lý. Bởi vì, Luật tổ chức Tòa án, Viện kiểm sát đã quy định thời hạn 5 năm đầu, lần thứ hai bổ nhiệm là 10 năm, Luật công an cũng phải thống nhất theo để đồng bộ, thực ra người ta đã thi tuyển đó là một nghề chứ không phải chức vụ, chức vụ có thời hạn nhưng nghề nghiệp gắn bó cả cuộc đời còn sai thì xử lý.

Cán bộ điều tra, chúng tôi thấy nếu chúng ta quy định cán bộ điều ra rất dễ hiểu lầm, bởi Luật cán bộ công chức ghi rõ Cán bộ khác và công chức khác, bây giờ ghi điều tra và cán bộ điều tra. Tôi có tiếp xúc cử tri ngành công an bảo làm cái này dễ nhầm lẫn, ông cán bộ điều tra lãnh đạo điều tra viên, trước đây tôi đã góp ý là trợ lý điều tra nghe hợp lý hơn, dùng cán bộ điều tra rất chung chung, rất dễ nhầm lẫn là cán bộ, cán bộ dứt khoát phải to hơn điều tra viên. Đề nghị các đồng chí nghiên chứ không gọi là cán bộ điều tra rất chung mà cán bộ công chức khác nhau. Đi tiếp xúc cử tri ngành công an họ nói đề nghị các anh nên góp ý có nhiều khi người ta đánh giá cán bộ này phụ trách điều tra viên. Đề nghị các đồng chí nghiên cứu chỗ này, theo tôi thì nên đề nghị "Trợ lý điều tra" để rõ anh là giúp việc chứ không phải cán bộ.

Một số vấn đề về công an xã, chúng tôi thấy đáng lo ngại nếu chúng ta quy định cho một số nhiệm vụ, thẩm quyền của công an xã với công an phường. Tôi đề nghị trong tố tụng hình sự phải bổ sung chức năng của Viện kiểm sát, mặc dù anh Ngưu cũng có nói không phải Viện kiểm sát, tôi nghĩ rằng anh có quyền tiếp nhận thông tin, như anh Sơn Viện trưởng Đăk Lăk nói đã kiểm tra rất nhiều cấp xã, cở sở, anh giữ nhiều tin báo tội phạm để xử lý về mặt hành chính. Nếu không có hoạt động kiểm sát ở đây thì tôi cho rằng không an toàn, tôi nghĩ để đảm bảo quyền công dân, quyền con người, đảm bảo hoạt động điều tra đúng thì giao một số nhiệm vụ cho công an phường, xã thì dứt khoát phải trong tố tụng hình sự phải giao cho Viện kiểm sát có quyền kiểm tra. Ngày xưa, Viện kiểm sát có quyền kiểm sát tin báo tố giác tội phạm, nhưng nếu chúng ta kiểm sát công an sang kiểm tra thì không biết, nhưng kiểm tra từ sổ thụ lý công văn tìm ra hết, tìm công văn đến thì truy tìm ra hết cả tin báo chứ bảo kiểm tra thụ lý mấy ông điều tra thì không thấy. Bên này cũng thế, nếu chúng ta chỉ kiểm tra ở công an huyện, còn công an xã thì sao. Nên tôi đề nghị nếu quy định thẩm quyền này cho công an xã, phường thì nên quy định kiểm sát có quyền kiểm soát tin báo tố giác tội phạm từ dưới cơ sở. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.
Nguyễn Anh Sơn - Nam Định

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin được phát biểu hai nội dung, thứ nhất về một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Theo tôi cũng nên cân nhắc, nên bổ sung thêm cơ quan thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà trong báo cáo giải trình của Ủy ban tư pháp thì không muốn đưa cơ quan này vào. Chúng tôi nhận thấy những vi phạm pháp luật về thuế thì đang càng ngày càng có xu hướng tăng lên và có nhiều biểu hiện rất phức tạp với những thủ đoạn vô cùng tinh vi và có tính phổ biến gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách nhà nước. Các vụ vi phạm pháp luật về thuế cũng chưa được phát hiện kịp thời, xử lý cũng không nghiêm minh thì có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân là chúng ta chưa có một cơ quan chuyên trách thẩm quyền hoạt động trong điều tra vi phạm về thuế đặt ngay ở cơ quan thuế.

Theo như giải trình và dự kiến của dự thảo luật này thì những trường hợp mà vi phạm về thuế thì chúng ta chuyển cho các cơ quan điều tra có thẩm quyền, ví dụ như công an, nhưng trên thực tế chúng tôi theo dõi, thấy việc chuyển này không được bao nhiêu, chính là mấy lý do sau:

Thứ nhất, có người nói rằng ngay cơ quan thuế cũng không muốn chuyển mà muốn giữ lại sau xử lý hành chính cho gọn có khi thu được tiền ngay.

Thứ hai, đưa sang các cơ quan điều tra thì sự phối hợp cũng có thể chưa chặt chẽ, cho nên vụ việc không được giải quyết một cách nhanh chóng. Chúng tôi theo dõi thấy trong thời gian vừa qua những vụ án hình sự liên quan đến thuế chủ yếu là vi phạm về hoàn thuế giá trị gia tăng, sau khi chúng ta có Luật thuế giá trị gia tăng thì mới xuất hiện vi phạm rất lớn thì chúng ta xử lý được. Còn trốn thuế rất phổ biến, báo chí thỉnh thoảng đưa công ty này, tổng công ty nọ đã vi phạm về trốn thuế hàng chục tỷ đồng, vài chục tỷ đồng, những vụ như thế không đưa ra hình sự xử lý kịp thời thì chắc nhân dân thấy rất sót xa, thiệt hại lớn cho Nhà nước như thế mà không có những quy định cụ thể. Tôi cho chỗ này cũng cần phải cân nhắc xem nên giao thêm thẩm quyền cho cơ quan thuế về thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra, giống như ta trao thêm một thanh gươm cho cơ quan này có đủ lực họ làm. Tôi cho rằng sau này có lúc chắc chắn sẽ phải tính đến câu chuyện này, nếu như lần này chúng ta không đưa vào. Khi theo dõi nhưng phim hình sự của nước ngoài, chúng ta thấy ngay như ngày xưa trùm mafia Al Capone cũng bảo là không sợ FBI nhưng sợ cơ quan thuế. Điều đó chứng tỏ cơ quan thuế có quyền lực rất mạnh trong việc xử lý những vi phạm về thuế.

Nội dung thứ hai là về trách nhiệm Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an, Điều 44, nhiều đại biểu trước tôi cũng phát biểu sâu về ấn đề này. Tôi rất tán thành những phân tích của một số đại biểu đã phân tích, đặc biệt là ý kiến của đại biểu Trần Văn Độ ở An Giang. Về nguyên tắc thì thống nhất quy định trong luật này về trách nhiệm Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an, theo đó chúng ta không coi những đơn vị này là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và có thẩm quyền trong tố tụng mà chúng ta chỉ quy định các Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an có một số hoạt động hỗ trợ hoạt động điều tra với những lý do đã được phân tích trong tờ trình, cũng như trong Báo cáo thẩm tra tiếp thu, giải trình, cũng như phát biểu của một số đại biểu. Tôi thấy một số đại biểu Quốc hội phát biểu trước tôi vẫn đang nhầm lẫn. Quy định ở đây chúng ta chỉ coi mấy cơ quan này chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ, không phải là cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra, một số đại biểu vẫn phát biểu theo hướng không cho anh này vào tiến hành điều tra. Tuy nhiên, quy định ở Điều 44 tôi thấy băn khoăn như đại biểu Trần Văn Độ nói. Chúng ta quy định Điều 44 có 3 khoản: Khoản 1 nói về Công an phường, thị trấn, Đồn công an. Khoản 2 nói về Công an xã.

Tôi thấy 2 khoản này có một sự khác nhau ở chỗ phường, thị trấn, đồn thì có thêm tiến hành kiểm tra xác minh sơ bộ, còn xã thì lấy lời khai ban đầu. Tôi cho rằng trong nghiệp vụ hai vấn đề này nhiều khi lẫn nhau. Anh muốn xác minh, muốn tiến hành kiểm tra chắc anh phải lấy lời khai anh mới xác minh, tiến hành kiểm tra được, lấy lời khai cũng để xác minh. Theo tôi, Điều 44 đề nghị chỉ viết thành 2 khoản.

Khoản thứ nhất là quy định chung Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an có trách nhiệm trong việc tiếp nhận tin tố giác tin báo về tội phạm. Tiếp nhận xong anh làm thế nào, trách nhiệm theo quy định là lập biên bản chuyển ngay tin về tội phạm kèm theo các tài liệu và đồ vật liên quan cho cơ quan điều tra. Tôi đề nghị đúng như ý kiến của đại biểu Trần Văn Độ là bỏ lấy lời khai, bỏ tiến hành kiểm tra xác minh. Vì nếu không sợ rằng anh em này sẽ lấn sâu hơn vào các hoạt động điều tra dẫn đến như phân tích của đại biểu Độ. Khoản 2 điều này chúng ta quy định thêm những trường hợp cụ thể ví dụ như sự việc nóng, vụ án quả tang, những người phạm tội bị quả tang, những người bị truy nã thì chúng ta làm Công an xã, phường thị trấn, Đồn công an được quyền làm cái gì. Trong luật này có ghi được giữ, được thu giữ, tạm giữ hung khí và bảo quản đồ vật tài liệu liên quan lấy lời khai ban đầu, lời khai nóng, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật v.v...Nếu quy định như thế sẽ giải quyết được phân tích của đại biểu Trần Văn Độ là 2 mức độ. Nhiệm vụ chủ yếu của ông là tôi nhận tin báo tố giác tội phạm. Trường hợp vụ án nóng xảy ra như thế, anh được làm sâu thêm một chút để hỗ trợ cho cơ quan có trách nhiệm, có thẩm quyền công tác điều tra vào làm thì kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với năng lực trình độ tổ chức hoạt động của công an xã, phường, đồn công an. Tôi xin hết ý kiến.



Каталог: content -> tintuc -> Lists -> News -> Attachments
Attachments -> TÒA Án nhân dân tối cao
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> PHÒng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng csgt đƯỜng bộ Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 309.07 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương