Phát minh mới nhất của người Nhật về bí quyết phòng ngừa và tự chữa bệnh nan y hiệu nghiệm thần kỳ Nguyên tác Nhật ngữ Lập Thạch Hòa


V.- Các chuyên gia y tế Việt Nam ở hải ngoại thảo luận về canh dưỡng sinh



tải về 0.98 Mb.
trang30/34
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích0.98 Mb.
#12260
1   ...   26   27   28   29   30   31   32   33   34

V.- Các chuyên gia y tế Việt Nam ở hải ngoại thảo luận về canh dưỡng sinh.


Hiện nay phong trào dùng Canh Dưỡng Sinh “để chữa bá bịnh” đang được người Việt mình ở nhiều nơi phổ biến một cách rộng rãi. Cho nên vật liệu dùng để nấu canh như ngưu bàng, củ cà rốt, củ cải trắng, nấm Ðông cô đã trở thành là những món hàng  được nhiều người chiếu cố một cách nồng nhiệt nên giá thị trường càng lúc càng gia tăng. Tình trạng này đã được báo chí ở Hoa Kỳ gọi là “cơn sốt Canh Dưỡng Sinh”. Ðể tìm hiểu xem Canh Dưỡng Sinh có phải là một thứ “thuốc tiên” có khả năng chữa được các bịnh nan y một cách thần kỳ, hay chỉ là một trò lừa đảo tinh vi do một bàn tay lông lá nào đó sắp xếp mà người Việt chúng ta đã vô tình vướng phải, giống như phong trào nuôi chim cút đã xảy ra tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975? Nó rộn ràng một thời gian rồi phụt tắt khiến bao nhiêu người Việt đã bỏ vốn đầu tư phải dở khóc dở cười vì chịu đựng biết bao sự lỗ lã. Hoặc là Canh Dưỡng Sinh tuy là loại canh rau tầm thường nhưng hàm chứa biết bao độc tố có thể gây phương hại đến sức khỏe của người sử dụng. Vì lẽ đó, các bác sĩ, dược sĩ và những chuyên gia khác thuộc ngành y tế có tinh thần phóng khoáng và cầu tiến, đã tích cực tham gia cuộc thảo luận trên mạng lưới điện toán của Diễn đàn Y khoa & Dược Khoa hầu tìm cho ra một giải đáp thích hợp, để nếu có gì nguy hại đến sức khỏe của con người thì sẽ kịp thời khuyến cáo để đối phó. Mặc dầu đây không phải là y khoa “chánh quy”,  nhưng họ không đố kỵ mà vẫn nghiên cứu một cách tận tình, kỹ lưỡng, không võ đoán và  nhìn sự kiện một cách không phiến diện và chủ quan như một số người đã làm. Với phương châm “lương y như từ mẫu”, họ làm việc rất đàng hoàng chín chắn và bằng một tấm lòng hăng say. Họ sưu khảo đặc tính của các loại thực vật được sử dụng trong thành phần Canh Dưỡng sinh căn cứ vào những tài liệu đáng tin cậy, rồi sau đó phỏng vấn những bịnh nhân nan y đã sử dụng có kết quả về cả hai phương diện có lợi và bất lợi rồi mới đi đến một kết luận thống nhất. Họ còn liên hệ với nhiều người để truy tầm tông tích của tác giả, dịch giả và lai lịch của quyển sách. Dĩ nhiên trong bất cứ các cuộc tranh luận nào cũng đều có những ý kiến dị đồng và va chạm về quan điểm, nhưng những sự va chạm đó chỉ có tính cách nhất thời, trong phạm vi nghề nghiệp với một tinh thần khoan nhượng và thái độ tương kính lẫn nhau thật đáng quý. Việc làm này tuy có tính cách bất vụ lợi nhưng hàm súc biết bao ý nghĩa tốt đẹp. Mặc dầu Canh Dưỡng Sinh và các chất liệu làm thành Canh Dưỡng Sinh đã được Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng trình bày một cách rõ ràng trong bài phỏng vấn của đài phát thanh SBS đã được đăng tải ở phần trên. Nhưng để phong phú hóa tài liệu và với chủ trương “nhiều tay vỗ nên bộp”, dịch giả đã đề nghị và đã được bác sĩ Nguyễn Phước Bảo Quý, dược sĩ Lê văn Nhân và dược sĩ Trần Việt Hưng cho phép sử dụng một số tài liệu nghiên cứu riêng để đăng tải vào quyển sách này, hầu quý độc giả có thể tham khảo thêm một cách tiện lợi.

---o0o---


Ngưu bàng: cây rau, vị thuốc


(Dược sĩ Trần Việt Hưng)

Ngưu bàng hay Burdock là một cây rau thông thường tại Nhật và Triều Tiên hiện đang được chú ý vì có những tin đồn là nấu chung với Củ cải trắng trong món Canh Dinh dưỡng (phát xuất từ Nhật) có khả năng chữa được nhiều bệnh kể cả ung thư(?)..

Tên Khoa học: Arctium lappa (đồng nghĩa với A. majus) thuộc Họ thực vật Asteraceae (hay Compositae) . Tại Âu châu, cũng dùng A. minus  và A. tormentosum làm dược liệu. A. majus được gọi là Great burdock, A. minus là Lesser burdock và A. tomentosum là Wooly burdock.

Những tên gọi thông thường:

-         Anh- Mỹ: Bardana, Beggar’s buttons, Clotbur, Edible burdock, Great bur, Great burdock, Lappa.

-         Đức: Klettenwurzel, Dollenkrautwursel, Kleberwursel.

-         Pháp: Racine de bardane.

-         Nhật: Gobo

Tên Arctium do tiếng Hy lạp Arktos , nghĩa là con gấu, có lẽ do dạng thô của nùi lông của cây. Lappa có thể từ một chữ có nghĩa là nắm lấy hay từ chữ Celt Ilap , nghĩa là bàn tay. Tên Anh Burdock là phối hợp của bur (từ tiếng latin burra= nùi lông cừu) và dock, tiếng Anh cổ, có nghĩa là cây.

1.  Đặc tính thực vật:

Burdock hay Ngưu bàng được xem là phát xuất từ Âu châu và Bắc Á. Burdock được trồng rất phổ biến tại Đông Âu nhất là tại Nam Tư, Ba lan, Bulgaria và Hungary.Tại Á châu cây được trồng nhiều ở Siberia, Nhật..tại Việt Nam cây được du nhập từ khoảng 1959 và trồng tại các vùng thượng du Bắc Việt như Lai châu, Lào Kai.

Burdock thuộc loại cây thân thảo lớn, lưỡng niên, thân thẳng có khía và phân nhánh, cao 1-2 m. Lá hình trái xoan, mọc ở gốc theo hình hoa thị, nhưng mọc so le ở thân; phiến lá rất lớn rộng đến 50 cm, hình tim ở gốc và tù hay nhọn ở đầu; mép lá có răng cưa, có lông trắng ở mặt dưới. Hoa màu đỏ hay tím nhạt họp thành đầu lớn 3-4 cm. Quả thuộc loại bế quả, màu nâu xám có chấm hồng, phía trên có một mào lông ngắn màu vàng lợt.

Cây trổ hoa trong các tháng 6-7 và ra quả trong tháng 8-9 của năm thứ hai.



1.1  Ngưu bàng: Cây rau

Ngưu bàng hay Gobo là một cây thực phẩm rất thông dụng tại Nhật, Triều tiên, Taiwan và Hawaii. Tại Hoa Kỳ và Âu châu ( có lẽ ngoại trừ Scotland), cây không được ưa chuộng mấy, và được xem là một cây rau hoang, không được trồng trên quy mô lớn. Củ Burdock thường dài từ 33-66 cm, lớn cỡ củ cà rốt: sau khi cạo hay gọt vỏ có màu beige mốc như củ parsnip , thịt bên trong màu xám nhạt và đổi nhanh sang màu nâu khi tiếp xúc với không khí. Burdock hoang tại Hoa Kỳ có vị đắng hơn Gobo trồng tại Nhật và Trung Hoa.

Tại Nhật, Gobo được phân biệt thành 2 loại: loại có cọng màu xanh và loại màu tím. Những giống được ưa chuộng nhất là Ouragobo (trồng trong vùng Oura, gần Tokyo) và Horikawagobo (vùng Horikawa, gần Kyoto).

Tại Hoa Kỳ, giống được xem là tốt nhất, bán tại các chợ Nhật  là Takinogawa Long.

·        Thành phần dinh dưỡng:

a- Củ Ngưu bàng: 100 g chứa

                                               Củ sống           Củ nấu chín

-  Calories                                      72                     88

-  Chất đạm                                 1.53 g                2.09 g

-  Chất béo                                  0.15 g                0.14 g

-  Chất sơ                                     1.94 g                1.83 g

-  Calcium                                   41 mg                49 mg

-  Sắt                                          0.80 mg             0.77 mg

-  Magnesium                               38 mg               39 mg

-  Phosphorus                                51 mg               93 mg

-  Potassium                                308 mg             360 mg

-  Sodium                                        5 mg                4 mg

-  Thiamine (B1)                      0.010 mg          0.039 mg

-  Riboflavine (B2)                   0.030 mg          0.058 mg

-  Niacin (B3)                           0.300 mg           0.320 mg

-  Vitamin C                                    3 mg                  N/A 



b- Lá non (khô): 100 gram chứa

- Calories                              205

- Protein                                10.6 g

- Chất béo                              0.70 g

- Chất sơ                                7.2 g

- Calcium                              733 mg

- Sắt                                      147 mg

- Magnesium                         537 mg

- Phosphorus                         437 mg

- Potassium                           1680 mg

- Sodium                                 152 mg

- Kẽm                                     2.20 mg

- Manganese                           6.00 mg

- Beta Carotene                     7500 IU

- Thiamine (B1)                    1.100 mg

- Riboflavine                         0.340 mg

- Niacin                                 1.300 mg

- Vitamin C                             8.5 mg

·        Vài phương thức sử dụng Ngưu bàng

Trong sách Uncommon Fruits &Vegetables, tác giả Elizabeth Sneider có ghi một phương thức dùng Ngưu bàng nấu với gạo lứt và Nấm Đông cô như sau:

Dùng cho 4 người:

-         4 tai nấm Đông cô (cỡ trung bình)

-         2 cups nước nóng

-         1 thìa canh dầu ăn (tốt nhất nên dùng dầu Canola)

-         1 củ Burdock cỡ trung bình (120 gram), cạo sạch vỏ)

-         2 cup nước lạnh có pha 1 thìa cà phê muối

-         1 cup gạo lứt (hay gạo đỏ)

-         1 củ cà rốt nhỏ, cắt thành hình khối vuông nhỏ

Cách nấu:

-         Trộn chung Nấm, nước nóng, dầu;  ngâm ít nhất 30 phút, thỉnh thoảng trộn đều. Gạn giữ lấy nước, Cắt Nấm thành dây mỏng.

-         Cạo vỏ Burdock, sắt lát mỏng, ngâm ngay trong nước muối khi vừa sắt lát. Ngâm trong 5 phút.

-         Gạn Burdock (bỏ nước muối): Đun chung Nấm, Gạo, Cà rốt (dùng nước giữ lại ở trên) trong nồi cỡ 1 quart 1/2 , Nấu đến sôi (thỉnh thoảng quậy đều).

-         Đậy nồi và đút lò (350 độ F/ 45 phút). Lấy ra , để ngoài 15-30 phút. Dùng trên dĩa nóng.

1.2  Ngưu bàng: vị thuốc

Burdock đã được dùng làm thuốc tại các quốc gia Phương Tây từ nhiều thế kỷ . Tại Âu châu, từ thế kỷ 14, lá Ngưu bàng đã được nghiền trong rượu chát để trị bệnh cùi. Tại Anh , Nhà thực vật Nicholas Culpeper (thế kỷ 17).. đã dùng burdock để trị ‘sa tử cung’ bằng một phương pháp kỳ lạ: đặt lá burdock trên đỉnh đầu để ‘kéo’ tử cung lên (!). Sau đó các ‘thầy’ dược thảo tại Âu châu đã dùng rễ (củ) burdock để trị nóng sốt, ung thư, eczema, psoriasis, trứng cá, gầu tóc, gout, nấm ngoài da, giang mai, lậu mủ.. Tại Hoa Kỳ, các Y sĩ trường phái Eclectic(dùng các phương pháp thiên nhiên) trong thế kỷ 19, đã dùng burdock làm thuốc lợi tiểu để trị các trường hợp nhiễm trùng đường tiểu, bệnh thận, đi tiểu rát/buốt và trong các bệnh ngoài da.

Tại Đức, trong thời Trung cổ, Y sĩ  Hildegard đã dùng burdock để trị bướu ung thư. cách sử dụng này đã được truyền sang Nga, Trung Hoa, Ấn độ và Hoa Kỳ.

Tại Hoa Kỳ, trong những thập niên từ 30 đến 50, burdock đả được dùng làm một thành phần trong môn thuốc chữa ung thư do Harry Hoxsey sáng chế . Hoxsey một tay thợ mỏ than, đã đưa ra một công thức thuốc gia truyền, cho rằng chữa được ung thư, và trong thập niên 50, ông tạo ra một duỡng đường tư tại Dallas chuyên trị ung thư..có chi nhánh tại 17 Tiểu bang Hoa Kỳ ! Cách trị bệnh của Hoxsey gây chấn động Y giới Texas, và trong thập niên 30, một công tố viên đã bắt giữ Hoxsey đến hơn 100 lần ! Tuy công thức của Hoxsey không phải là hiệu nghiệm cho mọi người nhưng Công tố viên cũng không tìm được các bằng chứng lường gạt! Và Hoxsey đã đưa ra trước Tòa hàng trăm bệnh nhân tuyên thệ xác nhận là họ được chữa khỏi ung thư bằng công thức của Hoxsey. Cơ quan FDA sau đó đóng cửa Trung tâm điều trị của Hoxsey với lý do vi phạm luật lệ nhãn thuốc? và không chấp nhận công thức Hoxsey để trị ung thư..Điểm trớ trêu là Hoxsey..chết vì ung thư nhiếp hộ tuyến..và công thức của Ông không cứu được Ông. Công thức Hoxsey hiện vẫn còn được dùng tại Trung Tâm Bio-Medical tại Tijuana (Mexico). Các nghiên cứu mới cho thấy 9 trong số 10 dược thảo trong công thức..có khả năng chống ung bướu: barberry, bucthorn, burdock, cascara sagrada, red clover, cam thảo, poke, pricly ash và bloodroot.

 Thành phần hóa học:



Củ (Rễ) chứa các hợp chất:

Tinh dầu dể bay hơi có thành phần phức tạp (0.06-0.18%)  trong đó có phenylacetaldehyde, benzaldehyde, 2-alkyl-3-methoxy pyrazines và 32 hợp chất acids khác

Các sesquiterpenes lactones.

Chất kích thích tố thực vật  gamma-guanidino-n-butyric acid

Các polyynes: gồm đến 14 loại  trong đó chất chính là trideca-1,11-dien-3,5,7,9-tetrain

Các chất chuyển hóa từ caffeic acid: như Chlorogenic acid, isochlorogenic acid..

Các polysaccharides: Inulin (fructosan) (27-45%), Chất nhày (Xyloglucans, acidic xylans).

Chất đắng: nhóm guaianolides dehydrocostuslactone và 11, 13-dihydrodehydrocostuslactone..



Hạt  cung cấp 15-30 % chất dầu béo: Một glycosid đắng:Arc tiin), 2 lignans (lappaol A B), chlorogenic acid, một germacra nolide. Các nghiên cứu mới ly trích được 6 hợp chất: daucosterol Arctigenin, Arctiin, Matairesinol, Lappaol và một lignan mới là Neoarctin.

Quả: chứa 11 % protein, 19% lipid và 34% inulin..

 ---o0o---



2.  Đặc tính dược học:

Rất nhiều nghiên cứu về Burdock đã ghi nhận những hoạt tính sinh học chính như: hạ nhiệt, kháng sinh, chống u bướu, lợi tiểu và gây đổ mồ hôi (diaphoretic). Ngoài ra trích tinh từ quả cho thấy có tác dụng làm hạ đường trong máu nơi chuột thử nghiệm; nước cốt ép từ củ có tác dụng chống đột biến, có lẽ do ở các lignan. Một số các mỹ phẩm cùng dùng burdock để trị gầu tóc, giúp mượt và mọc tóc, làm sạch da..

Các nghiên cứu mới nhất ghi nhận:

-         tác dụng làm tan sỏi thận (Int Urol Nephrol  Số 26-1994)

-         tiềm năng ức chế nhiễm HIV-1 (in vitro) (Virology Số 187-1992).

-         đối kháng với Yếu tố kích khởi tiểu cầu (Platelet activating factor=PAF) (Chem Phar Bull  Số 40-1992)

-         có hoạt  tính trong tiến trình tiêu hóa các chất sơ

-         tác dụng chống đột biến (Mutation Reasearch Số 129-1984 ; Tumori Số 52-1966).

-         Tác dụng chống u-bướu (PubMed-xem Lê văn Nhân).

---o0o---



3.  Độc tính:

Burdock được xem là không có độc tính, tương đối an toàn và được dùng như một thực phẩm. tuy nhiên có vài báo cáo ghi nhận có trường hợp ngộ độc khi uống trà làm bằng burdock vì bị lẫn với củ cây atropa belladona có chứa atropin.

Không dùng cho phụ nữ có thai, nhất là trong giai đoạn đầu khi có thai vì tác dụng của các glycosides loại anthraquinones có trong củ.

---o0o---



4.  Burdock tại Anh và Đức:

Tại Anh, Củ burdock được ghi trong British Herbal Pharmacopea BHP 1/1990 , lấy từ Arctium lappa (A.major)A. minus ; trong khi đó tại Đức có thể dùng cả Củ của Arctium tomentosum. Vị thuốc được ghi dưới tên Bardanae radìx.

Theo German Kommission E (BAnz no 22a, ngày 01.02.1990) thì Củ Burdock được dùng để trị các khó chịu và rối loạn đường tiêu hóa, trị sưng xương khớp, phong thấp, dùng giúp đồ mồ hôi và ‘để thanh lọc máu’, dùng thoa ngoài da trị psoriasis..

Tại Anh, Burdock có trong thành phần của nhiều dược phẩm homeopathic để trị phong thấp như Seven Sea Rheumatic Pain Tablets, Potter’s Rheumatic Pain tablets.

---o0o---

5.  Burdock trong Đông Y:

Đông Y cổ truyền dùng quả Burdock làm thuốc. Vị thuốc có tên là Ngưu bàng tử (Niu bang zi). Tên Ngưu bàng, có tác giả giải thích là do cây xấu xí, sần sùi, sắc sạm như da trâu (Đỗ Tất Lợi trong Những Cây thuốc và Vị Thuốc Việt Nam); có tác giả cho là Ngưu báng (?) tuy nhiên tên đúng nhất lại là. Ngưu bảng (trong Chữ bảng này có chữ phương, với ý nghĩa là phương thuốc để chữa bệnh (?). Ngưu bàng tử là quả thu hái vào đầu mùa thu khi vừa chín, phơi khô. Cây ngưu bàng mọc và trồng tại Quế lâm, Lao Ninh, Hắc Long giang. Nhật dược gọi vị thuốc là goboshi,  Triều Tiên gọi là ubanja.

Ngưu bàng tử có vị  cay/đắng, tính hàn; tác động vào các kinh mạch thuộc Phế và Vị, có những đặc tính trị liệu:

Phân tán Phong-Nhiệt, giúp ích cho cổ họng: giúp trị các bệnh chứng do phong nhiệt từ ngoài xâm nhập  có các triệu chứng như nóng sốt, ho, sưng , đau cổ họng ( dùng chung với Bạc hà, Kiết cánh).

Thanh nhiệt, Giải độc: trị các chứng sưng đỏ, mụn nhọt (dùng chung với Kiết cánh, Kim ngân hoa.. đắp khi nhọt chưa vỡ, chưa mở miệng..)

Ngứa do Phong: giai đoạn đầu của bệnh sởi khi chưa trổ hết.

Làm trơn ruột: trị táo bón do Phong-nhiệt.

( Theo Đỗ Tất Lợi, Ngưu bàng chỉ mới được du nhập vào Việt Nam từ 1959, nhưng theo Võ văn Chi trong Từ Điển Cây thuốc Việt Nam thì  Ngưu bàng đã được sử dụng tại VN từ lâu: Trong Bản thảo Nam Dược, cụ Nguyễn Hoành đã ghi việc dùng lá Ngưu bàng non gọi là Rau Cẩm bình để nấu canh và quả dùng chữa phong lở, mề đay..)

Trong các sách thuốc cổ truyền có toa: ‘Ngưu bàng Giải cơ Thang (trong Sang Khoa Tâm đắc tập)  dùng để ‘Sơ phong thanh nhiệt, lương huyết tiêu sưng. Chủ trị: đau răng, đau đầu do phong nhiệt ; Nhọt ở ngoài sưng nóng đỏ đau. Công thức gồm  Ngưu bàng tử (10g), Liên kiều (10g), Thạch hộc (12g), Bạc hà (6g), Kinh giới (6g), Sơn Chi (10g), Đơn bì (10g), Huyền sâm (10g) và Hạ khô thảo (12g)

Các Đông Y sĩ tại Trung Hoa  hiện nay có nhiều phương thức sử dụng Ngưu bàng khá đặc biệt và hữu hiệu như:

-         Trị tóc có gầu: Dùng lá tươi, tán nhỏ, nấu sôi nhẹ với 1 chút nước đến khi có một khối nhão, thoa bánh nhão trên tóc và để qua đêm ; ngày hôm sau gội đầu bằng nước nấu bồ kết, có thể thoa và gội liên tục trong 1 tuần (công hiệu không kém so với dùng selenium sulfate 1%).

-         Giúp mau phục hồi chức năng sau khi bị stroke: Tán mịn rễ Ngưu bàng với một chút nước, sau đó vắt lấy nước cốt. Trộn với mật ong, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê khi bụng đói.

Tài liệu sử dụng:

-         Herbal Drugs and Phytopharmaceuticals (N.G Bisset)

-         The Review of Natural Products (Facts and Comparison)

-         Professional’s Handbook of Complementary & Alternative Medicines (C.Fetrow & J. Avila).

-         A Handbook of Chinese Healing Herbs (D.Reid)

-         Chinese Herbal Medicine Materia Medica (Bensky/ Gamble)

-         The Food Companion (Chelsea Green)

-         Từ điển Cây thuốc Việt Nam (Võ văn Chi)

-         Handbook of Medicinal Herbs (J Dukes)

  

---o0o---




tải về 0.98 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   26   27   28   29   30   31   32   33   34




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương